Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014



tải về 1.07 Mb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.07 Mb.
#16410
  1   2   3   4   5   6   7   8   9

BỘ TÀI CHÍNH
-------


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------


Số: 42/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2015


THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH



Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;

Căn cứ Nghị định số 83/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay;

Căn cứ Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định xe ô tô của người nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái ở bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 27/2011/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ về cung cấp, khai thác, xử lý, sử dụng thông tin về hành khách trước khi nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Căn cứ Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Phần I

HƯỚNG DẪN CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua cửa khẩu đường bộ, cửa khẩu biên giới đường thủy nội địa, cửa khẩu đường sắt, cảng biển, cảng hàng không quốc tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan hải quan; công chức hải quan.

2. Người khai hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

3. Các cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan là hệ thống thông tin do Tổng cục Hải quan quản lý tập trung, thống nhất, sử dụng để thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

2. Hệ thống khai hải quan điện tử là hệ thống thông tin do người khai hải quan sử dụng để thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

3. Thủ tục hải quan điện tử đối với tàu biển, tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh là thủ tục hải quan trong đó việc khai hải quan, tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ khác có liên quan và quyết định hoàn thành thủ tục hải quan điện tử đối với tàu biển, tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan.

4. Thủ tục hải quan bằng hồ sơ giấy đối với tàu biển, tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh là thủ tục hải quan trong đó việc khai hải quan, tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ khác có liên quan và quyết định hoàn thành thủ tục hải quan đối với tàu biển, tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh được thực hiện bằng hồ sơ giấy.

5. Hoàn thành thủ tục hải quan điện tử đối với tàu biển, tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh là việc cơ quan Hải quan xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan điện tử đối với tàu biển, tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh thông qua Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan.

6. Hệ thống quản lý phương tiện đường bộ xuất nhập cảnh là phần mềm do Tổng cục Hải quan quản lý tập trung, thống nhất, sử dụng để cập nhật thông tin, theo dõi và làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập.

Điều 4. Địa điểm làm thủ tục hải quan

1. Đối với phương tiện vận tải đường biển.

a) Địa điểm tiếp nhận, đăng ký và kiểm tra hồ sơ hải quan:

a.1) Trụ sở cơ quan hải quan thông qua Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan;

a.2) Trụ sở chính hoặc Văn phòng đại diện Cảng vụ hàng hải nơi có cơ quan hải quan trong trường hợp bất khả kháng không thực hiện được thủ tục hải quan điện tử (phải thực hiện thủ tục hải quan bằng hồ sơ giấy);

a.3) Tại tàu thuyền theo yêu cầu của Cảng vụ hàng hải trong trường hợp có đủ cơ sở để nghi ngờ tính xác thực của việc khai báo về kiểm dịch của tàu thuyền hoặc tàu thuyền đến từ những khu vực có dịch bệnh liên quan đến người, động vật hoặc thực vật.

b) Địa điểm kiểm tra thực tế phương tiện vận tải: tại cửa khẩu nơi phương tiện vận tải neo đậu theo chỉ định của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

2. Đối với phương tiện vận tải đường hàng không quốc tế: trụ sở cơ quan hải quan tại cảng hàng không dân dụng quốc tế.

3. Đối với phương tiện vận tải đường sắt liên vận quốc tế: trụ sở cơ quan hải quan tại ga đường sắt liên vận quốc tế.

4. Đối với phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.

a) Trụ sở cơ quan hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa;

b) Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan các nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ.

Điều 5. Người khai hải quan

1. Đối với phương tiện vận tải đường biển.

a) Thuyền trưởng hoặc người đại diện hợp pháp của người vận tải (Hãng tàu hoặc Đại lý hãng tàu) chịu trách nhiệm khai và làm thủ tục hải quan;

b) Trường hợp Hãng tàu hoặc Đại lý hãng tàu không có đầy đủ thông tin chi tiết về vận đơn gom hàng như mô tả chi tiết hàng hóa, người gửi hàng, người nhận hàng thì Công ty giao nhận phát hành vận đơn đó có trách nhiệm tạo lập, gửi thông tin điện tử chi tiết về vận đơn gom hàng đến Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan.

2. Đối với phương tiện vận tải đường hàng không quốc tế.

a) Cơ trưởng hoặc người đại diện hợp pháp của người vận tải (Hãng hàng không hoặc Đại lý hãng hàng không) chịu trách nhiệm khai và làm thủ tục hải quan;

b) Trường hợp thực hiện thủ tục hải quan điện tử, nếu Hãng hàng không hoặc Đại lý hãng hàng không không có đầy đủ thông tin chi tiết về vận đơn gom hàng như mô tả chi tiết hàng hóa, người gửi hàng, người nhận hàng thì Công ty giao nhận phát hành vận đơn đó có trách nhiệm tạo lập, gửi thông tin điện tử chi tiết về vận đơn gom hàng đến Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan.

3. Đối với phương tiện vận tải đường bộ quốc tế: người điều khiển phương tiện vận tải hoặc Đại lý của người vận tải hoặc người đại diện cho đoàn đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 34 Thông tư này.

4. Đối với phương tiện vận tải đường sắt liên vận quốc tế: Trưởng ga ga liên vận quốc tế hoặc Trưởng tàu hoặc người được Trưởng ga hoặc Trưởng tàu ga liên vận quốc tế ủy quyền.

Điều 6. Đăng ký tham gia thủ tục hải quan điện tử đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Đối tượng thực hiện.

a) Hãng hàng không có chuẩn dữ liệu phần mềm khai hải quan phù hợp với chuẩn dữ liệu do Tổng cục Hải quan công bố;

b) Hãng hàng không gửi Thông báo tham gia bằng phương thức điện tử (theo mẫu số 1 Phụ lục I ban hành kèm Thông tư này) gửi đến Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan;

c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo tham gia của Hãng hàng không, Tổng cục Hải quan xem xét trả lời chấp nhận hoặc từ chối (nêu rõ lý do) thông qua Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan để Hãng hàng không biết;

d) Tổng cục Hải quan có trách nhiệm cấp tài khoản thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho Hãng hàng không, Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm cấp tài khoản thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho Đại lý hãng hàng không và Công ty giao nhận. Khi nhận được thông báo cấp tài khoản của Tổng cục Hải quan hoặc của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Hãng hàng không, Đại lý hãng hàng không, Công ty giao nhận chịu trách nhiệm trong việc thay đổi, bảo quản và sử dụng tài khoản được cấp.

2. Các Hãng hàng không chưa thực hiện thủ tục hải quan điện tử, việc làm thủ tục hải quan bằng hồ sơ giấy thực hiện theo quy định tại Mục 4, Chương II, Phần II Thông tư này.

Điều 7. Đăng ký tham gia thủ tục hải quan điện tử đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Đối tượng thực hiện.

a) Tàu biển Việt Nam, tàu biển nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trừ các loại tàu nêu tại điểm b, khoản 1 Điều này;

b) Các loại tàu khác theo quy định tại Điều 50, Điều 58 Nghị định số 21/2012/NĐ-CP, tàu không có số hô hiệu (số IMO) nếu phải làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật thì thực hiện thủ tục bằng hồ sơ giấy hướng dẫn tại Mục 4, Chương I, Phần II Thông tư này.

2. Thủ tục đăng ký thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

a) Tổng cục Hải quan có trách nhiệm cấp tài khoản thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho Hãng tàu, Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm cấp tài khoản thực hiện thủ tục hải quan điện tử cho Đại lý hãng tàu và Công ty giao nhận. Khi nhận được thông báo cấp tài khoản của Tổng cục Hải quan hoặc của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Hãng tàu, Đại lý hãng tàu, Công ty giao nhận chịu trách nhiệm trong việc thay đổi, bảo quản và sử dụng tài khoản được cấp.

b) Trường hợp Hãng tàu, Đại lý hãng tàu, Công ty giao nhận đã được cấp tài khoản thực hiện thủ tục hải quan điện tử thì không phải đăng ký lại theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều này.

Điều 8. Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan điện tử đối với tàu biển, tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh

1. Khai hải quan và gửi thông tin khai hải quan đối với tàu biển, tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải thực hiện trước khi tàu đến cảng và trước khi tàu rời cảng theo thời hạn quy định tại Điều 69 Luật Hải quan.

2. Việc xác nhận hoàn thành thủ tục hải quan điện tử đối với tàu biển, tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh được quyết định trước khi tàu đến cảng hoặc rời cảng trên cơ sở thông tin khai hải quan.

Điều 9. Thu lệ phí làm thủ tục hải quan

1. Về đối tượng, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí hải quan thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Địa điểm nộp: người khai hải quan thực hiện chuyển tiền, nộp tiền tại Kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, tổ chức được cơ quan hải quan ủy nhiệm thu, cơ quan hải quan.

3. Hình thức nộp lệ phí hải quan.

a) Đối với phương tiện vận tải thực hiện thủ tục hải quan bằng hồ sơ giấy, người khai hải quan nộp lệ phí hải quan theo từng lần phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;

b) Đối với phương tiện vận tải thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức điện tử, người khai hải quan được lựa chọn nộp lệ phí theo từng lần phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này hoặc nộp lệ phí theo từng tháng. Thủ tục nộp lệ phí theo từng tháng thực hiện như sau:

b.1) Người khai hải quan có văn bản đăng ký với Chi cục Hải quan nơi phương tiện vận tải làm thủ tục hải quan về việc nộp lệ phí theo từng tháng và được Chi cục Hải quan chấp thuận;

b.2) Đến hết kỳ đăng ký, người khai hải quan nộp lệ phí hải quan cho các phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phát sinh trong kỳ.

Phần II

HƯỚNG DẪN CỤ THỂ

Chương I

THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI TÀU BIỂN XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH

Mục 1: THỦ TỤC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI TÀU BIỂN NHẬP CẢNH

Điều 10. Tạo lập thông tin điện tử về hồ sơ hải quan

1. Người khai hải quan được lựa chọn một trong hai hình thức tạo lập thông tin điện tử sau:

a) Tạo lập theo chuẩn định dạng do Tổng cục Hải quan công bố để gửi đến Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan; hoặc

b) Khai trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan.

2. Hồ sơ hải quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh gồm các chứng từ theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể:

a) Bản khai chung theo mẫu số 1;

b) Bản khai hàng hóa nhập khẩu bằng đường biển theo mẫu số 2;

c) Thông tin về vận đơn thứ cấp (house bill of lading) theo mẫu số 3;

d) Danh sách thuyền viên theo mẫu số 4;

đ) Bản khai hành lý thuyền viên, nhân viên làm việc trên tàu biển theo mẫu số 5;

e) Bản khai dự trữ của tàu theo mẫu số 6;

g) Danh sách hành khách (nếu có) theo mẫu số 7;

h) Bản khai hàng hóa nguy hiểm trong trường hợp tàu biển vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo mẫu số 8.

3. Tiếp nhận và phản hồi thông tin hồ sơ hải quan điện tử.

a) Người khai hải quan thực hiện gửi hồ sơ điện tử theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 66 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP;

b) Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan tiếp nhận thông tin khai điện tử 24 giờ trong ngày và 07 ngày trong tuần;

c) Phản hồi thông tin:

c.1) Trường hợp thông tin khai đảm bảo đầy đủ các tiêu chí và khuôn dạng theo quy định thì hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động gửi thông tin chấp nhận nội dung khai hải quan theo mẫu số 9 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này;

c.2) Trường hợp thông tin khai chưa đầy đủ thì hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động gửi thông báo lý do chưa tiếp nhận và hướng dẫn người khai hải quan khai lại theo mẫu số 9 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.

4. Khai sửa đổi, bổ sung thông tin về hồ sơ hải quan điện tử tàu biển nhập cảnh.

a) Người khai hải quan: thông tin hồ sơ hải quan điện tử tàu biển nhập cảnh đã gửi cho cơ quan hải quan nếu người khai hải quan có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì người khai hải quan thực hiện việc sửa đổi, bổ sung với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục tàu theo quy định tại khoản 1 Điều này. Thời điểm khai sửa đổi, bổ sung thực hiện trước hoặc sau khi tàu nhập cảnh;

b) Cơ quan hải quan:

b.1) Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu nhập cảnh tiếp nhận thông tin khai sửa đổi, bổ sung lưu vào hệ thống và cung cấp cho các đơn vị chức năng để triển khai công tác nghiệp vụ có liên quan;

b.2) Đối với sửa đổi, bổ sung bản khai hàng hóa nhập khẩu, vận đơn thứ cấp: hệ thống quản lý rủi ro của cơ quan hải quan sẽ tự động cập nhật thông tin sửa đổi, bổ sung để áp dụng biện pháp quản lý rủi ro phù hợp cho lô hàng khi làm thủ tục hải quan;

b.3) Đối với sửa các chứng từ khác: trường hợp sau khi tàu đã nhập cảnh, người khai hải quan có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thông tin khai, nếu có lý do chính đáng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu quyết định cho phép khai sửa đổi, bổ sung thông tin.

5. Trường hợp bất khả kháng khi hệ thống khai điện tử gặp sự cố, việc khai và làm thủ tục hải quan được thực hiện bằng hồ sơ giấy theo quy định tại Điều 15 Thông tư này. Khi hệ thống được phục hồi, người khai hải quan tạo lập và gửi thông tin điện tử lên hệ thống.

Điều 11. Thủ tục hải quan

1. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan.

a) Tiếp nhận, khai thác thông tin khai hải quan trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan; kiểm tra, tổng hợp, phân tích thông tin khai và các thông tin khác (thông tin quản lý rủi ro, thông tin từ các đơn vị khác trong và ngoài ngành) và xử lý:

a.1) Nếu thông tin khai hải quan phù hợp với các quy định của pháp luật, không có thông tin nghi ngờ thì hoàn thành thủ tục hải quan cho tàu biển nhập cảnh;

a.2) Trường hợp thông tin khai hải quan chỉ có thông tin về vận đơn chủ (master bill) mà không có thông tin về vận đơn thứ cấp (house bill) thì vẫn hoàn thành thủ tục hải quan cho tàu biển nhập cảnh, đồng thời yêu cầu người khai khai bổ sung thông tin về vận đơn thứ cấp (nếu có). Nếu có vận đơn thứ cấp mà người khai không khai vận đơn thứ cấp, cơ quan hải quan áp dụng biện pháp nghiệp vụ như không thông quan, hoặc không cho phép lô hàng nhập khẩu đưa ra khu vực giám sát hải quan;

a.3) Trường hợp có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm pháp luật hải quan, cơ quan hải quan thực hiện thủ tục nhập cảnh cho tàu biển, tổ chức giám sát tàu, giám sát hàng hóa khi dỡ xuống, lưu giữ trong khu vực giám sát hải quan; đồng thời báo cáo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hóa và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác có liên quan theo quy định;

a.4) Trường hợp có yêu cầu bằng văn bản tạm dừng làm thủ tục hải quan từ các cơ quan chức năng khác như Cảng vụ hàng hải, Tòa án, cơ quan Công an, Biên phòng thì chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định, đồng thời báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý.

b) Đối với trường hợp nêu tại điểm a.1, điểm a.2, điểm a.3 khoản 1 Điều này, sau khi hoàn thành thủ tục hải quan cho tàu biển nhập cảnh, Chi cục Hải quan gửi “Thông báo hoàn thành thủ tục hải quan tàu” theo mẫu số 10 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này dưới dạng điện tử cho người khai hải quan, Cảng vụ hàng hải và cơ quan quản lý khác có liên quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

2. Trách nhiệm của người khai hải quan.

a) Thực hiện các quyết định của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về thủ tục hải quan đối với tàu biển nhập cảnh;

b) Tạo lập thông tin điện tử về hồ sơ hải quan, gửi hồ sơ hải quan điện tử theo quy định tại Điều 10 Thông tư này;

c) Khi tàu biển nhập cảnh đã vào vị trí neo đậu an toàn do Cảng vụ hàng hải chỉ định và sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh với các cơ quan quản lý khác, người khai hải quan gửi Thông báo xác nhận tàu đến cảng bằng phương thức điện tử cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu theo mẫu số 11 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này. Thời điểm gửi Thông báo xác nhận tàu đến cảng được xác định là thời điểm hàng hóa nhập khẩu chuyên chở trên tàu đến cửa khẩu Việt Nam, làm cơ sở thực hiện các chính sách quản lý có liên quan.

Mục 2: THỦ TỤC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI TÀU BIỂN XUẤT CẢNH

Điều 12. Tạo lập thông tin điện tử về hồ sơ hải quan

1. Người khai hải quan được lựa chọn một trong hai hình thức tạo lập thông tin điện tử sau:

a) Tạo lập theo chuẩn định dạng do Tổng cục Hải quan công bố để gửi đến Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan; hoặc

b) Khai trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan.

2. Hồ sơ hải quan điện tử đối với tàu biển xuất cảnh gồm các chứng từ theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể:

a) Bản khai chung theo mẫu số 1;

b) Bản khai hàng hóa xuất khẩu bằng đường biển theo mẫu số 2;

c) Danh sách thuyền viên theo mẫu số 4;

d) Bản khai hành lý thuyền viên, nhân viên làm việc trên tàu biển theo mẫu số 5;

đ) Bản khai dự trữ của tàu theo mẫu số 6;

e) Danh sách hành khách (nếu có) theo mẫu số 7;

3. Tiếp nhận và phản hồi thông tin hồ sơ hải quan điện tử.

a) Người khai hải quan thực hiện gửi hồ sơ điện tử theo thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 66 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP;

b) Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận thông tin khai điện tử 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần;

c) Phản hồi thông tin:

c.1) Trường hợp thông tin khai đảm bảo đầy đủ các tiêu chí và khuôn dạng theo quy định thì hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động gửi thông tin chấp nhận nội dung khai hải quan theo mẫu số 9 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này;

c.2) Trường hợp thông tin khai chưa đầy đủ thì hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động gửi thông báo lý do chưa tiếp nhận và hướng dẫn người khai hải quan khai lại theo mẫu số 9 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.

4. Khai sửa đổi, bổ sung thông tin về hồ sơ hải quan điện tử tàu biển xuất cảnh:

a) Người khai hải quan: thông tin hồ sơ hải quan điện tử tàu biển xuất cảnh đã gửi cho cơ quan hải quan nếu người khai hải quan có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì người khai hải quan thực hiện việc sửa đổi, bổ sung với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục tàu theo quy định tại khoản 1 Điều này. Thời điểm khai sửa đổi, bổ sung:

a.1) Đối với bản khai hàng hóa xuất khẩu: trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tàu xuất cảnh;

a.2) Các chứng từ khác phải thực hiện trước thời điểm tàu xuất cảnh. Trường hợp sau khi tàu đã xuất cảnh, người khai hải quan có yêu cầu sửa đổi, bổ sung thông tin khai, nếu có lý do chính đáng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu quyết định cho phép khai sửa đổi, bổ sung thông tin.

b) Cơ quan hải quan: Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu xuất cảnh tiếp nhận thông tin khai sửa đổi, bổ sung lưu vào hệ thống và cung cấp cho các đơn vị chức năng để triển khai công tác nghiệp vụ có liên quan.

5. Trường hợp bất khả kháng khi hệ thống khai điện tử gặp sự cố, việc khai và làm thủ tục hải quan được thực hiện bằng hồ sơ giấy theo quy định tại Điều 16 Thông tư này. Khi hệ thống được phục hồi, người khai hải quan tạo lập và gửi thông tin điện tử lên hệ thống.

Điều 13. Thủ tục hải quan

1. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan.

a) Tiếp nhận, khai thác thông tin khai hải quan trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; kiểm tra, tổng hợp, phân tích thông tin khai và các thông tin khác (thông tin quản lý rủi ro, thông tin từ các đơn vị khác trong và ngoài ngành) và xử lý:

a.1) Nếu thông tin khai hải quan phù hợp với các quy định của pháp luật, không có thông tin nghi ngờ thì hoàn thành thủ tục hải quan cho tàu biển xuất cảnh;

a.2) Trường hợp có yêu cầu bằng văn bản tạm dừng làm thủ tục hải quan từ các cơ quan chức năng khác như Cảng vụ hàng hải, Tòa án, cơ quan Công an, Biên phòng thì chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định, đồng thời báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý.

b) Đối với trường hợp nêu tại điểm a.1, điểm a.2 khoản 1 Điều này, sau khi hoàn thành thủ tục hải quan cho tàu biển nhập cảnh, Chi cục Hải quan gửi “Thông báo hoàn thành thủ tục hải quan tàu” theo mẫu số 10 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này dưới dạng điện tử cho người khai hải quan, Cảng vụ hàng hải và cơ quan quản lý khác có liên quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

2. Trách nhiệm của người khai hải quan.

a) Thực hiện các quyết định của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật về thủ tục hải quan đối với tàu biển xuất cảnh;

b) Tạo lập thông tin điện tử về hồ sơ hải quan, gửi hồ sơ hải quan điện tử theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

c) Sau khi hoàn tất thủ tục xuất cảnh với các cơ quan quản lý, người khai hải quan gửi Thông báo xác nhận tàu rời cảng bằng phương thức điện tử cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tàu theo mẫu số 12 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này. Thời điểm gửi Thông báo xác nhận tàu rời cảng được xác định là thời điểm tàu và hàng hóa xuất khẩu chuyên chở trên tàu rời cảng Việt Nam, làm cơ sở thực hiện các chính sách quản lý có liên quan.


Каталог: noidung -> tintuc -> PublishingImages -> filedinhkem -> HaiQUan
tintuc -> Qcvn : 2013/btc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BẢo quản xăNG, DẦu dự trữ quốc gia
HaiQUan -> Quy đỊnh về kiểm tra, giám sáT, TẠm dừng làm thủ TỤc hải quan đỐi với hàng hóa xuất khẩU, nhập khẩu có YÊu cầu bảo vệ quyền sở HỮu trí tuệ
tintuc -> QuyếT ĐỊnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của
tintuc -> BỘ TƯ pháp tổng cục thi hành án dân sự
HaiQUan -> Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-cp ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
HaiQUan -> Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014
HaiQUan -> Quy đỊnh chi tiết thủ TỤc cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; CẤp và thu hồi mã SỐ nhân viêN ĐẠi lý LÀm thủ TỤc hải quan
HaiQUan -> Về việc ban hành quy chế phân tích để phân loại hàng hoá; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm

tải về 1.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương