ChuyểN ĐỔi thế giới của chúng ta: chưƠng trình nghị SỰ 2030 VÌ SỰ phát triển bền vững mở đầu


Mục tiêu 8: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, ổn định, tạo việc làm đầy đủ, phù hợp cho tất cả mọi người



tải về 287.04 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích287.04 Kb.
#14403
1   2   3   4

Mục tiêu 8: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, ổn định, tạo việc làm đầy đủ, phù hợp cho tất cả mọi người

8.1. Duy trì tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người phù hợp với hoàn cảnh quốc gia và tăng trưởng GDP hàng năm ít nhất là 7% tại các nước kém phát triển nhất

8.2. Đạt được mức năng suất kinh tế cao hơn thông qua việc đa dạng hóa, nâng cấp và cải tiến công nghệ, bao gồm thông qua việc tập trung vào các ngành tạo nhiều giá trị gia tăng và sử dụng nhiều lao động

8.3. Thúc đẩy các chính sách hướng đến phát triển hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, tạo việc làm phù hợp, sự khởi nghiệp, sự sáng tạo và đổi mới, khuyến khích thành lập và tăng trưởng của các doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có thông qua việc tiếp cận các dịch vụ tài chính

8.4. Đến năm 2030, dần cải thiện hiệu quả các nguồn lực toàn cầu trong tiêu dùng và sản xuất, nỗ lực để tăng trưởng kinh tế không đi đôi với suy thoái môi trường, phù hợp với khuôn khổ các chương trình 10 năm về tiêu dùng và sản xuất bền vững, trong đó có vai trò đi đầu của các nước phát triển

8.5. Đến năm 2030, tạo công việc đẩy đủ, năng suất và việc làm phù hợp cho tất cả đàn ông và phụ nữ, bao gồm cả thanh niên, người tàn tật, trả lương bằng nhau cho những công việc có giá trị như nhau

8.6. Đến năm 2020, giảm một cách đáng kể tỉ lệ thanh niên không có việc làm, không được giáo dục hay đào tạo

8.7. Thực hiện các biện pháp ngay lập tức và hiệu quả để bảo đảm nghiêm cấm và chấm dứt tất cả các hình thức lao động trẻ em, xóa bỏ lao động cưỡng bức, và đến năm 2025 xóa bỏ lao động trẻ em dưới tất cả các hình thức, kể cả việc tuyển mộ và sử dụng binh lính là trẻ em

8.8. Bảo vệ các quyền lao động và thúc đẩy môi trường làm việc an ninh và an toàn cho tất cả người lao động, bao gồm cả lao động di cư, đặc biệt là nữ lao động di cư và những người có việc làm không ổn định

8.9. Đến năm 2030, thiết kế và thực thi các chính sách thúc đẩy du lịch bền vững, nhằm tạo việc làm, quảng bá văn hóa và sản phẩm địa phương

8.10. Nâng cao năng lực của các thể chế tài chính trong nước nhằm khuyến khích và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và tài chính cho tất cả mọi người

8.a. Tăng cường các hoạt động Hỗ trợ Thương mại cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển nhất, trong đó có việc thông qua Khuôn khổ Tăng cường hội nhập cho các nước kém phát triển nhất

8.b. Đến năm 2020 xây dựng và thực thi một chiến lược toàn cầu về việc làm cho thanh niên và thực thi Thỏa thuận Việc làm toàn cầu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Mục tiêu 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện, bền vững và khuyến khích đổi mới

9.1. Xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng, đáng tin cậy và đồng bộ, bao gồm những cơ sở hạ tầng khu vực và xuyên biên giới để hỗ trợ phát triển kinh tế và điều kiện sống tốt của con người với trọng tâm là khả năng tiếp cận bình đẳng với chi phí phải chăng cho tất cả mọi người

9.2. Thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa toàn diện và bền vững, đến năm 2030 tăng đáng kể việc làm và GDP, phù hợp với điều kiện quốc gia và tăng gấp đôi đóng góp của ngành công nghiệp tại những nước kém phát triển nhất

9.3. Tăng cường khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp và các doanh nghiệp khác, đặc biệt là tại các nước đang phát triển đối với các dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ tín dụng hợp lý và sự hội nhập của những doanh nghiệp này vào các chuỗi giá trị và thị trường

9.4. Đến năm 2030, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp phụ trợ hướng tới bền vững với việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và việc sử dụng nhiều hơn các công nghệ và quy trình công nghiệp sạch và thân thiện với môi trường; tất cả các quốc gia cùng hành động phù hợp với khả năng tương ứng của mình

9.5. Tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cấp năng lực công nghệ của các ngành công nghiệp tại tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, trong đó bao gồm việc đến năm 2030, khuyến khích sự đổi mới và tăng đáng kể số công nhân/1 triệu người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển và tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tư nhân và nhà nước

9.a. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững tại các nước đang phát triển thông qua tăng cường hỗ trợ tài chính, công nghệ và kỹ thuật cho các nước châu Phi, các nước kém phát triển nhất và các nước đảo nhỏ đang phát triển

9.b. Hỗ trợ phát triển công nghệ, nghiên cứu và đổi mới trong nước tại các nước đang phát triển thông qua việc bảo đảm một môi trường chính sách thuận lợi cho sự đa dạng hóa các ngành công nghiệp và tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa

9.c. Tăng đáng kể khả năng tiếp cận công nghệ thông tin, truyền thông và nỗ lực đến năm 2020 tạo khả năng tiếp cận Internet phổ cập với chi phí phải chăng tại các nước kém phát triển nhất.

Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia

10.1. Đến năm 2030, dần đạt được và duy trì được sự gia tăng thu nhập của 40% dân số với tốc độ cao hơn tốc độ trung bình quốc gia

10.2. Đến năm 2030, trao quyền và thúc đẩy sự tham gia toàn diện về xã hội, kinh tế và chính trị của tất cả mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính, tình trạng khuyết tật, chủng tộc, dân tộc, nguồn gốc, tôn giáo, địa vị kinh tế hay địa vị khác

10.3. Bảo đảm cơ hội bình đẳng và giảm sự bất bình đẳng trong thu nhập, bao gồm thông qua việc loại bỏ các đạo luật, chính sách và cách làm mang tính phân biệt, thúc đẩy việc xây dựng các đạo luật, chính sách và cách làm thích hợp theo hướng này

10.4. Thông qua các chính sách, đặc biệt là chính sách tài khóa, lương và bảo trợ xã hội dần đạt được sự bình đẳng hơn

10.5. Cải thiện quy định và theo dõi các thị trường và thể chế tài chính toàn cầu và tăng cường việc thực hiện các quy định này

10.6. Bảo đảm tăng cường sự đại diện và tiếng nói của các nước đang phát triển trong quá trình ra quyết sách tại các thể chế kinh tế và tài chính toàn cầu để xây dựng các thể chế hiệu quả, đáng tin cậy, có trách nhiệm và hợp lý hơn

10.7. Tạo thuận lợi cho việc di cư và di chuyển của con người một cách trật tự, an toàn, thường xuyên và có trách nhiệm, bao gồm thông qua việc thực hiện các chính sách di cư có kế hoạch và được quản lý tốt

10.a. Thực hiện nguyên tắc đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước kém phát triển nhất phù hợp với các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)

10.b. Khuyến khích ODA và các dòng tài chính, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài tới những quốc gia có nhu cầu nhiều nhất, đặc biệt là các nước chậm phát triển nhất, các nước châu Phi, các quốc đảo nhỏ đang phát triển phù hợp với các kế hoạch và chương trình quốc gia của họ

10.c. Đến năm 2030, giảm xuống dưới 3% các chi phí giao dịch kiều hối của người di cư và xóa bỏ các hành lang giao dịch kiều hối có chi phí lớn hơn 5%.

Mục tiêu 11: Hình thành các đô thị và các khu định cư toàn diện, an toàn và bền vững

11.1. Đến năm 2030, bảo đảm khả năng tiếp cận nhà ở và các dịch vụ cơ bản phù hợp, an toàn, với chi phí phải chăng cho tất cả mọi người và nâng cấp các khu nhà ổ chuột

11.2. Đến năm 2030, tạo khả năng tiếp cận các hệ thống giao thông an toàn, chi phí phải chăng, có thể tiếp cận và bền vững cho tất cả mọi người, cải thiện an toàn giao thông đường bộ, đáng chú ý là thông qua việc mở rộng giao thông công cộng, chú ý đặc biệt tới nhu cầu của những người có hoàn cảnh yếu thế, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người già

11.3. Đến năm 2030, tăng cường quá trình đô thị hóa toàn diện và bền vững và năng lực cho việc lập kế hoạch và quản lý các khu vực định cư dễ tiếp cận, mang tính tích hợp và bền vững ở tất cả các nước

11.4. Tăng cường nỗ lực bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới

11.5. Đến năm 2030, giảm đáng kể số người chết và người bị ảnh hưởng và giảm đáng kể những tổn thất kinh tế về GDP do thảm họa, trong đó có những thảm họa liên quan đến nước gây nên, với trọng tâm là việc bảo vệ người nghèo và người trong hoàn cảnh yếu thế

11.6. Đến năm 2030, giảm thiểu và đảo ngược những tác động môi trường bất lợi lên các thành phố, trong đó có việc chú ý đặc biệt tới chất lượng không khí, quản lý chất thải đô thị và các nguồn chất thải khác

11.7. Đến năm 2030, tạo khả năng tiếp cận phổ cập không gian công cộng, an toàn, toàn diện và xanh, đặc biệt cho phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật

11.a. Hỗ trợ các liên kết kinh tế, xã hội và môi trường tích cực giữa các khu đô thị, bán đô thị và nông thôn thông qua việc nâng cao công tác lập kế hoạch phát triển quốc gia và vùng

11.b. Đến năm 2020, tăng đáng kể số thành phố và khu định cư thực hiện các chính sách và kế hoạch tích hợp hướng đến sự toàn diện, hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu tác động và thích nghi với biến đổi khí hậu, khả năng phục hồi mạnh sau thảm họa, xây dựng và thực thi các chính sách phù hợp với Khuôn khổ toàn diện quản lý rủi ro từ thảm họa Hyogo sắp tới ở tất cả các cấp độ

11.c. Hỗ trợ các nước kém phát triển nhất, bao gồm hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho những hoạt động xây dựng bền vững sử dụng nguyên vật liệu địa phương.

Mục tiêu 12: Bảo đảm mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững

12.1. Thực hiện những chương trình khung 10 năm về tiêu dùng và sản xuất bền vững do tất cả các quốc gia cùng hành động, trong đó đi đầu là các nước phát triển, xem xét tới trình độ phát triển và năng lực của các nước đang phát triển

12.2. Đến năm 2030, đạt được quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên

12.3. Đến năm 2030, giảm một nửa sự lãng phí lương thực toàn cầu tính theo đầu người ở cấp bán lẻ và tiêu dùng, giảm tổn thất lương thực trong quá trình sản xuất và cung ứng, trong đó có những tổn thất sau thu hoạch

12.4. Đến năm 2020, đạt được quản lý tốt về môi trường các loại hóa chất và tất cả chất thải trong suốt vòng đời của chúng phù hợp với những khuôn khổ quốc tế đã được thỏa thuận và giảm đáng kể hoạt động thải các chất này ra không khí, nước và đất, giảm thiểu tác hại của chúng đối với sức khỏe con người và môi trường

12.5. Đến năm 2030, giảm đáng kể lượng chất thải thông qua phòng ngừa, giảm, tái chế và tái sử dụng

12.6. Khuyến khích các công ty, đặc biệt là công ty lớn và công ty xuyên quốc gia hoạt động bền vững và lồng ghép những thông tin về tính bền vững vào chu trình báo cáo của mình

12.7. Thúc đẩy các hoạt động mua sắm công mang tính bền vững phù hợp với chính sách và ưu tiên quốc gia

12.8. Đến năm 2030, bảo đảm rằng con người ở mọi nơi có thông tin phù hợp và có nhận thức về phát triển bền vững và lối sống hài hòa với thiên nhiên

12.a. Hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường năng lực khoa học và công nghệ hướng đến các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững

12.b. Xây dựng và sử dụng các công cụ theo dõi tác động phát triển bền vững đối với hoạt động du lịch bền vững tạo việc làm, thúc đẩy nền văn hóa và sản phẩm địa phương

12.c. Hợp lý hóa trợ cấp cho việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả gây nên tiêu dùng lãng phí bằng cách xóa bỏ các yếu tố bóp méo thị trường, phù hợp với hoàn cảnh quốc gia, bao gồm tái cơ cấu lại các khoản thuế và loại bỏ những sự trợ giá có hại (nếu có) để phản ánh những tác động môi trường của chúng, có tính đến nhu cầu và điều kiện cụ thể của các nước đang phát triển và giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể đối với sự phát triển của các nước này theo cách thức bảo vệ người nghèo và những cộng đồng bị ảnh hưởng



Mục tiêu 13: Hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu*

13.1. Tăng cường khả năng phục hồi và thích nghi với những rủi ro liên quan tới khí hậu và thảm họa thiên nhiên tại tất cả các quốc gia

13.2. Tích hợp các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chính sách, chiến lược và việc lập kế hoạch quốc gia

13.3. Cải thiện giáo dục, nâng cao nhận thức và năng lực con người và thể chế về giảm thiểu tác động, thích nghi và cảnh báo sớm biến đổi khí hậu

13.a. Các nước phát triển thực hiện cam kết khi tham gia Công ước UNFCCC với mục tiêu là đến năm 2020 cùng huy động 100 tỷ đô-la Mỹ hàng năm từ tất cả các nguồn để giải quyết nhu cầu của các nước đang phát triển dựa trên những hoạt động giảm thiểu tác động có ý nghĩa và minh bạch về thực hiện và vận hành hoàn toàn Quỹ Khí hậu Xanh càng sớm càng tốt

13.b. Thúc đẩy các cơ chế nâng cao năng lực cho việc lập kế hoạch và quản lý hiệu quả liên quan tới biến đổi khí hậu tại các nước kém phát triển nhất với trọng tâm là phụ nữ, thanh niên và các cộng đồng địa phương và cộng đồng bất lợi

*Nhìn nhận rằng Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) là diễn đàn quốc tế liên chính phủ chủ chốt để đàm phán về ứng phó toàn cầu với biến đổi khí hậu

Mục tiêu 14: Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn lực đại dương, biển vì sự phát triển bền vững

14.1. Đến năm 2025, ngăn chặn và giảm đáng kể mọi loại hình ô nhiễm biển, đặc biệt là từ các hoạt động trên đất liền, trong đó có việc làm ô nhiễm biển và ô nhiễm nguồn dinh dưỡng

14.2. Đến năm 2020, quản lý và bảo vệ một cách bền vững các hệ sinh thái biển và ven biển để tránh những tác động tiêu cực lớn, trong đó có thông qua việc tăng cường khả năng phục hồi của các hệ sinh thái này và tiến hành các biện pháp phục hồi các hệ sinh thái này để có được các đại dương lành mạnh và có khả năng tái sản xuất

14.3. Giảm thiểu và xử lý tác động của việc a-xít hóa đại dương, bao gồm thông qua việc tăng cường hợp tác khoa học ở tất cả các cấp độ

14.4. Đến năm 2020, quản lý một cách hiệu quả hoạt động khai thác, chấm dứt việc khai thác cá quá mức, các hành vi khai thác cá bất hợp pháp, không được báo cáo hoặc điều tiết và những hành vi khai thác cá mang tính hủy diệt; thực hiện các kế hoạch quản lý khoa học để phục hồi trữ lượng cá nhanh nhất có thể ít nhất là tới mức có thể cho sản lượng bền vững tối đa theo những đặc điểm sinh học của chúng

14.5. Đến năm 2020, bảo tồn ít nhất 10% các khu vực biển và ven biển phù hợp với luật pháp quốc gia và quốc tế căn cứ trên những thông tin khoa học tốt nhất hiện có

14.6. Đến năm 2020, ngăn cấm một số hình thức trợ giá đánh bắt cá nhất định có thể gây nên việc đánh bắt quá mức và loại trừ những hình thức trợ giá đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo hay điều tiết và hạn chế đưa ra những trợ giá tương tự, thừa nhận rằng sự đối xử phù hợp, hiệu quả đặc biệt và khác biệt đối với các nước đang phát triển và chậm phát triển nhất cần phải là một thành tố trong các cuộc đàm phán trợ giá đánh bắt cá của WTO2

14.7. Đến năm 2030, gia tăng các lợi ích kinh tế cho các nước đảo nhỏ đang phát triển và những nước kém phát triển nhất từ việc sử dụng bền vững các nguồn lực biển, bao gồm thông qua việc quản lý bền vững hoạt động đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản và du lịch

14.a. Tăng cường kiến thức khoa học, nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ biển có tính đến các Tiêu chuẩn và Định hướng của Ủy ban Hải dương học liên chính phủ về Chuyển giao Công nghệ biển, nhằm cải thiện sức khỏe của các đại dương và nâng cao đóng góp về đa dạng sinh học biển đối với sự phát triển của các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước đảo nhỏ đang phát triển và các nước kém phát triển nhất

14.b. Tạo khả năng tiếp cận các nguồn lực biển và thị trường cho các doanh nghiệp, người khai thác cá quy mô nhỏ

14.c. Bảo đảm bảo tồn và sử dụng bền vững biển và nguồn lực biển thông qua việc thực hiện đầy đủ luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), là khung pháp lý đối với việc bảo tồn và sử dụng bền vững biển và nguồn lực biển, như được đề cập trong khổ 158 của văn kiện Tương lai Chúng ta Mong muốn.

Mục tiêu 15: Bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên bề mặt trái đất, quản lý rừng bền vững tài nguyên rừng, chống lại tình trạng sa mạc hóa, ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy thoái môi trường và chấm dứt những tổn thất về đa dạng sinh học

15.1. Đến năm 2020, bảo đảm sự bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái nước ngọt trên bề mặt đất, đặc biệt là rừng, đầm lầy, núi, khu vực đất khô phù hợp với các nghĩa vụ theo các thỏa thuận quốc tế

15.2. Đến năm 2020, thúc đẩy quản lý bền vững tất cả các loại rừng, dừng việc chặt phá rừng, phục hồi rừng bị suy thoái, tăng cường việc trồng rừng và gia tăng đáng kể độ bao phủ của rừng trên toàn cầu

15.3. Đến năm 2030, chống lại việc sa mạc hóa, phục hồi những vùng đất bị suy thoái, trong đó có đất bị ảnh hưởng bởi tình trạng sa mạc hóa, hạn hán và lũ lụt, cố gắng để thế giới không xảy ra tình trạng suy thoái đất

15.4. Đến năm 2030, bảo đảm việc bảo tồn các hệ sinh thái núi, bao gồm cả sự đa dạng sinh học của những hệ sinh thái này để tăng cường khả năng cung cấp nguồn lợi vốn rất quan trọng với phát triển bền vững từ những hệ sinh thái này

15.5. Thực hiện những hành động cấp thiết và có ý nghĩa để giảm tình trạng suy thoái nơi cư trú tự nhiên, chấm dứt tình trạng mất sự đa dạng sinh học, và đến năm 2020 bảo vệ và không để xảy ra sự tuyệt chủng của các loài hiện đang bị đe dọa

15.6. Bảo đảm sự chia sẻ công bằng nguồn lợi từ việc sử dụng các nguồn gen và thúc đẩy khả năng tiếp cận hợp lý các nguồn gen

15.7. Thực hiện những hành động cấp thiết để chấm dứt nạn săn trộm và buôn lậu các loài hoa và thực vật cần được bảo vệ và xử lý cả đầu cung và cầu đối với các sản phẩm hoang dã trái phép

15.8. Đến năm 2020, đưa ra những biện pháp ngăn chặn và giảm đáng kể tác động của những loài xâm thực lạ đối với các hệ sinh thái trên đất và nước và kiểm soát hoặc loại trừ những loài ưu tiên

15.9. Đến năm 2020, kết hợp các hệ sinh thái và các giá trị đa dạng sinh học vào việc lập kế hoạch, các quá trình phát triển và chiến lược giảm nghèo của địa phương

15.a. Huy động và gia tăng đáng kể các nguồn tài chính từ tất cả các nguồn để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các hệ sinh thái

15.b. Huy động đáng kể các nguồn lực từ tất cả các nguồn ở mọi cấp để hỗ trợ tài chính cho việc quản lý rừng bền vững và tạo động lực thích đáng cho các nước đang phát triển cải tiến hoạt động quản lý rừng bền vững, trong đó có việc bảo tồn và trồng lại rừng

15.c. Tăng cường sự hỗ trợ toàn cầu cho các nỗ lực chống săn trộm và buôn lậu các loài được bảo vệ, trong đó có thông qua việc nâng cao năng lực của các cộng đồng địa phương để theo đuổi các cơ hội tạo sinh kế bền vững.

Mục tiêu 16: Thúc đẩy các xã hội hòa bình và hòa nhập vì phát triển bền vững, tạo cơ hội tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm, toàn diện ở tất cả các cấp

16.1. Giảm đáng kể tất cả các hình thức bạo lực và tỷ lệ tử vong liên quan đến bạo lực ở mọi nơi

16.2. Chấm dứt tình trạng lạm dụng, bóc lột và buôn bán và tất cả các hình thức bạo lực và tra tấn trẻ em

16.3. Thúc đẩy pháp quyền ở cấp quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự tiếp cận công lý bình đẳng cho tất cả mọi người

16.4. Đến năm 2030, giảm đáng kể các dòng di chuyển tài chính và vũ khí ngầm, tăng cường sự phục hồi và hoàn trả tài sản bị đánh cắp và chống lại mọi loại hình tội phạm có tổ chức

16.5. Giảm đáng kể mọi loại hình tham nhũng và hối lộ

16.6. Xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và minh bạch ở tất cả các cấp

16.7. Bảo đảm quá trình ra quyết sách mang tính đáp ứng nhu cầu, toàn diện, có sự tham gia và mang tính đại diện ở tất cả các cấp

16.8. Mở rộng và tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển trong các thể chế quản trị toàn cầu

16.9. Đến năm 2030, tạo dựng đặc điểm nhận dạng pháp lý cho tất cả mọi người, trong đó có việc khai sinh

16.10. Bảo đảm sự tiếp cận thông tin của người dân và bảo vệ các quyền tự do cơ bản phù hợp với luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế

16.a. Củng cố các thể chế quốc gia có liên quan, bao gồm thông qua hợp tác quốc tế để xây dựng năng lực ở mọi cấp, đặc biệt là tại các nước đang phát triển để ngăn ngừa bạo lực, chống khủng bố và tội phạm

16.b. Thúc đẩy và thực thi các đạo luật không phân biệt đối xử và các chính sách vì phát triển bền vững.

Mục tiêu 17: Nâng cao khả năng thực hiện và hiện thực hóa cơ chế đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững

Tài chính

17.1. Tăng cường việc huy động nguồn lực trong nước, bao gồm thông qua hỗ trợ quốc tế cho các nước đang phát triển để cải thiện năng lực trong nước về thu thuế và thu các khoản khác

17.2. Các nước phát triển thực hiện đầy đủ các cam kết ODA của mình, trong đó có cam kết từ nhiều nước phát triển đạt mục tiêu cung cấp 0,7% GNP ODA cho các nước đang phát triển và 0,15-0,20% GNI ODA cho các nước kém phát triển nhất. Các nhà tài trợ ODA được khuyến khích cân nhắc đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 0,20% GNI ODA dành cho các nước kém phát triển nhất

17.3. Huy động các nguồn tài chính bổ sung cho các nước đang phát triển từ nhiều nguồn khác nhau

17.4. Giúp các nước đang phát triển đạt được khả năng trả nợ bền vững dài hạn thông qua các chính sách được điều phối nhằm tăng nguồn cung tài chính để trả nợ, giảm nợ và tái cấu trúc nợ phù hợp và xử lý vấn đề nợ nước ngoài của những nước nghèo nợ nhiều để giảm gánh nặng nợ nần

17.5. Thông qua và thực hiện các thể chế thúc đẩy đầu tư cho các nước chậm phát triển nhất



Công nghệ

17.6. Tăng cường hợp tác Bắc-Nam, Nam-Nam, hợp tác tam giác khu vực và quốc tế và tăng cường tiếp cận khoa học, công nghệ và sự đổi mới; tăng cường chia sẻ tri thức về các lĩnh vực đã được thống nhất chung, bao gồm thông qua tăng cường điều phối giữa các cơ chế hiện có, đặc biệt ở cấp Liên hợp quốc và thông qua các cơ chế tạo thuận lợi cho công nghệ toàn cầu

17.7. Thúc đẩy phát triển, chuyển giao và phân phát công nghệ thân thiện với môi trường tới các nước đang phát triển theo những điều kiện ưu đãi, trong đó có các điều kiện miễn giảm hay ưu tiên có sự thỏa thuận của hai bên

17.8. Đến năm 2017, vận hành đầy đủ Ngân hàng Công nghệ và các cơ chế xây dựng năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) cho các nước chậm phát triển nhất và tăng cường việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông



Xây dựng năng lực

17.9. Tăng cường hỗ trợ quốc tế dành cho xây dựng năng lực hiệu quả và có mục tiêu tại các nước đang phát triển để hỗ trợ các kế hoạch quốc gia nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có hợp tác Bắc-Nam, Nam-Nam và hợp tác tam giác



Thương mại

17.10. Thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương trong WTO phổ cập, dựa trên quy tắc, mở, công bằng, không phân biệt đối xử thông qua việc kết thúc các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Chương trình nghị sự phát triển Doha

17.11. Gia tăng đáng kể hoạt động xuất khẩu của các nước đang phát triển, cụ thể đến năm 2020 tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu của các nước chậm phát triển nhất trong tổng xuất khẩu toàn cầu

17.12. Kịp thời thực hiện việc tiếp cận thị trường miễn thuế, không có quota trên cơ sở lâu dài cho các nước chậm phát triển nhất phù hợp với các quyết định của WTO, trong đó có thông qua việc bảo đảm rằng các quy định ưu đãi về xuất xứ được áp dụng cho nhập khẩu từ các nước chậm phát triển nhất là minh bạch, đơn giản và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường



Các vấn đề về thể chế

Sự nhất quán về chính sách và thể chế

17.13. Tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, thông qua việc điều phối và nhất quán về chính sách

17.14. Tăng cường sự nhất quán về chính sách vì phát triển bền vững

17.15. Tôn trọng không gian chính sách và sự lãnh đạo ở mỗi quốc gia để thiết lập và thực thi các chính sách xóa nghèo và phát triển bền vững



Các mối quan hệ đối tác đa phương

17.16. Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững, được hỗ trợ bởi các mối quan hệ đối tác đa phương tham gia nhằm huy động và chia sẻ tri thức, kiến thức chuyên môn, công nghệ và các nguồn lực tài chính nhằm hỗ trợ cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển

17.17. Khuyến khích và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác công, công-tư, và các tổ chức xã hội dân sự hiệu quả, dựa trên kinh nghiệm và các chiến lược quan hệ đối tác nhằm huy động nguồn lực

Dữ liệu, theo dõi và trách nhiệm giải trình

17.18. Đến năm 2020, tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển, trong đó có các nước kém phát triển nhất và các nước đảo nhỏ đang phát triển, nhằm gia tăng đáng kể dữ liệu chất lượng cao, kịp thời và đáng tin cậy được phân tách theo thu nhập, giới, độ tuổi, dân tộc, địa vị di cư, tình trạng khuyết tật, vị trí địa lý và các đặc điểm khác liên quan trong bối cảnh quốc gia

17.19. Đến năm 2030, dựa trên những sáng kiến hiện có để xây dựng các phương pháp đo đạc tiến độ phát triển bền vững bổ trợ cho chỉ tiêu GDP và hỗ trợ xây dựng năng lực thống kê cho các nước đang phát triển

60. Chúng tôi tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự mới này. Chúng tôi nhận thức rằng chúng tôi sẽ không thể đạt được những Mục tiêu và Chỉ tiêu đầy tham vọng mà không có một quan hệ đối tác toàn cầu vững mạnh và tăng cường phương thức thực hiện. Các quan hệ đối tác toàn cầu được tăng cường sẽ tạo điều kiện cho sự tham gia toàn cầu sâu rộng trong việc hỗ trợ thực hiện tất cả các mục tiêu và chỉ tiêu, quy tụ các chính phủ, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, hệ thống Liên hợp quốc và các đối tượng khác và huy động mọi nguồn lực sẵn có.

61. Mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình nghị sự đã đề cập tới các phương thức cần thiết để thực hiện tham vọng chung của chúng ta. Các phương thức thực hiện các mục tiêu dưới mỗi SDG và mục tiêu 17, được đề cập ở trên, là chìa khóa để thực hiện Chương trình nghị sự của chúng ta và có tầm quan trọng ngang hàng với các mục tiêu và các chỉ tiêu khác. Chúng tôi sẽ dành cho chúng ưu tiên như nhau trong nỗ lực thực hiện và trong khuôn khổ các chỉ số toàn cầu nhằm theo dõi sự tiến bộ của việc thực hiện Chương trình nghị sự.

62. Chương trình nghị sự này, bao gồm cả các SDGs, có thể được đáp ứng trong khuôn khổ đối tác toàn cầu được tăng cường cho phát triển bền vững, được hỗ trợ thêm bởi các chính sách cụ thể và hành động nêu trong Chương trình Hành động Addis Ababa, một phần không thể tách rời của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Các nguồn lực này liên quan tới nguồn lực công của từng nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế và tài chính, hợp tác phát triển quốc tế, thương mại quốc tế với vai trò một công cụ để phát triển, vay nợ và khả năng kiểm soát nợ, giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống và khoa học, công nghệ, đổi mới và nâng cao năng lực, và dữ liệu, giám sát và theo dõi.

63. Chiến lược phát triển bền vững chặt chẽ do quốc gia xây dựng, được hỗ trợ bởi các khuôn khổ tài chính quốc gia tích hợp, là trọng tâm trong các nỗ lực của chúng ta. Chúng tôi nhắc lại rằng mỗi quốc gia có trách nhiệm chính trong việc phát triển kinh tế và xã hội riêng của mình và không thể coi nhẹ vai trò của chính sách và chiến lược phát triển quốc gia. Chúng tôi sẽ tôn trọng không gian chính sách của mỗi quốc gia và sự lãnh đạo của họ trong thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, trong khi vẫn đảm bảo phù hợp với quy định và cam kết quốc tế có liên quan. Đồng thời, những nỗ lực phát triển quốc gia cần phải được hỗ trợ bởi một môi trường kinh tế quốc tế thuận lợi, bao gồm cả thương mại mang tính hệ thống có thể hỗ trợ lẫn nhau, hệ thống tiền tệ, tài chính và quản trị kinh tế toàn cầu được quản lý chặt. Quá trình phát triển, tạo điều kiện tiếp cận kiến ​​thức và công nghệ thích hợp trên toàn cầu cũng như xây dựng năng lực cũng rất quan trọng. Chúng tôi cam kết theo đuổi sự gắn kết chính sách, môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững ở tất cả các cấp và của tất cả các đối tượng, tăng cường sức mạnh cho quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững.

64. Chúng tôi ủng hộ việc thực hiện các chiến lược liên quan và chương trình hành động, trong đó có Tuyên bố Istanbul và Chương trình hành động, Các Phương thức Hành động được Thúc đẩy của các nước Đảo nhỏ (SAMOA), Chương trình hành động Vienna cho các nước không giáp biển trong thập kỷ 2014-2024, và tái khẳng định tầm quan trọng của việc hỗ trợ chương trình nghị sự của Liên minh châu Phi năm 2063 và Chương trình Đối tác mới vì Phát triển của châu Phi (NEPAD), tất cả đều được tích hợp vào Chương trình nghị sự mới. Chúng tôi nhận thấy những thách thức lớn đối với việc đạt được hòa bình lâu bền và phát triển bền vững ở các nước trong các tình huống xung đột và hậu xung đột.

65. Chúng tôi nhận thấy các quốc gia thu nhập trung bình vẫn còn phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc đạt được phát triển bền vững. Để đảm bảo rằng thành tựu đạt được cho đến nay được duy trì, nỗ lực để giải quyết những thách thức hiện nay nên được tăng cường thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, cải thiện sự phối hợp, sự hỗ trợ tốt hơn và tập trung hơn của hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc, các tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức khu vực và các bên liên quan khác.

66. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, đối với tất cả các nước, các chính sách công và việc huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, tuân thủ nguyên tắc quyền sở hữu quốc gia, là trọng tâm theo đuổi của chúng ta trong phát triển bền vững, bao gồm cả việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi nhận thức rằng các nguồn lực trong nước là đầu tiên và quan trọng nhất, tạo ra bởi sự tăng trưởng kinh tế và được hỗ trợ bởi một môi trường thuận lợi ở tất cả các cấp.

67. Hoạt động kinh doanh, đầu tư và đổi mới của tư nhân là động lực chính của năng suất, tăng trưởng kinh tế toàn diện và tạo việc làm. Chúng tôi thừa nhận sự đa dạng của khu vực tư nhân, từ doanh nghiệp nhỏ đến hợp tác xã, đến công ty đa quốc gia. Chúng tôi kêu gọi tất cả các doanh nghiệp áp dụng sự sáng tạo và đổi mới của họ để giải quyết các thách thức phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ thúc đẩy ngành kinh doanh năng động và hoạt động tốt, đồng thời bảo vệ quyền lao động và tiêu chuẩn môi trường và sức khỏe phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế có liên quan và các thỏa thuận, các sáng kiến ​​khác trong lĩnh vực này, chẳng hạn như các nguyên tắc hướng dẫn về Kinh doanh, quyền con người và các tiêu chuẩn lao động của ILO, công ước về quyền trẻ em và các hiệp định đa phương quan trọng về môi trường đối với các bên tham gia những thỏa thuận này.

68. Thương mại quốc tế là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế toàn diện và xóa đói giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mang tính phổ quát, dựa trên luật lệ, cởi mở, minh bạch, dễ dự đoán, thu nạp, công bằng và không phân biệt đối xử, cũng như tự do hóa thương mại có ý nghĩa. Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên WTO nỗ lực gấp đôi để nhanh chóng kết thúc các cuộc đàm phán Doha. Chúng tôi đặc biệt chú trọng việc xây dựng năng lực thương mại liên quan đến các nước đang phát triển, đặc biệt ở các nước châu Phi, các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển, đảo nhỏ đang phát triển và các nước có thu nhập trung bình, kể cả đối với việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và kết nối liên thông.

69. Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc đạt được khả năng kiểm soát nợ dài hạn thông qua các chính sách phối hợp nhằm tăng cường vay nợ, xóa nợ, cơ cấu lại nợ và quản lý nợ phù hợp. Nhiều quốc gia dễ rơi vào khủng hoảng nợ và một số đang ở giữa khủng hoảng, bao gồm cả một số nước kém phát triển nhất, đảo nhỏ đang phát triển và một số nước phát triển. Chúng tôi sẽ hỗ trợ duy trì khả năng kiểm soát nợ của các nước đã được cứu trợ nợ và đạt được mức nợ bền vững.

70. Chúng tôi giới thiệu một cơ chế tạo thuận lợi cho công nghệ để hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững. Cơ chế thuận lợi Công nghệ sẽ được dựa trên sự hợp tác nhiều bên liên quan giữa các nước thành viên, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, cộng đồng khoa học, các tổ chức Liên Hợp Quốc và các bên liên quan khác và sẽ bao gồm: một nhóm công tác liên ngành của Liên hợp quốc về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới về SDGs, một diễn đàn hợp tác nhiều bên về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới về SDGs và một công cụ trực tuyến.

- Nhóm Công tác liên cơ quan Liên hợp quốc về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới về SDGs sẽ thúc đẩy sự phối hợp, gắn kết và hợp tác trong hệ thống Liên hợp quốc về các vấn đề liên quan đến STI, nâng cao sức mạnh tổng hợp và hiệu quả, đặc biệt là tăng cường các sáng kiến ​​xây dựng năng lực. Nhóm Công tác sẽ dựa trên nguồn lực hiện có và sẽ làm việc với 10 đại diện từ các xã hội dân sự, khu vực tư nhân, cộng đồng khoa học, để chuẩn bị cho các cuộc họp của Diễn đàn nhiều bên về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới về SDGs, cũng như trong việc phát triển và vận hành của các nền tảng trực tuyến. 10 đại diện sẽ được bổ nhiệm bởi Tổng thư ký, trong thời gian hai năm. Nhóm Công tác được mở cho sự tham gia của tất cả các cơ quan, các quỹ và chương trình Liên Hợp Quốc, và các ủy ban chức năng của ECOSOC và ban đầu nó sẽ tập hợp các nhóm làm việc không chính thức về tạo thuận lợi cho công nghệ đang có, cụ thể là: Vụ Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc giao, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, UNIDO, Tổ chức giáo dục khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc, UNCTAD, Liên minh Viễn thông Quốc tế, WIPO và Ngân hàng Thế giới.

- Các nền tảng trực tuyến sẽ được sử dụng để thiết lập một bản đồ toàn diện và là một cửa ngõ cho thông tin về các sáng kiến ​​STI, cơ chế và các chương trình, trong và ngoài Liên hợp quốc. Các nền tảng trên mạng sẽ tạo điều kiện tiếp cận thông tin, kiến ​​thức và kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất, sáng kiến, chính sách tạo thuận lợi STI. Các nền tảng trực tuyến cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc phổ biến các ấn phẩm khoa học tiếp cận mở có liên quan được tạo ra trên toàn thế giới. Các nền tảng trên mạng sẽ được phát triển trên cơ sở đánh giá kỹ thuật độc lập, sẽ giới thiệu những thực tiễn tốt nhất và bài ​​học kinh nghiệm từ các sáng kiến ​​khác, trong và ngoài Liên Hợp Quốc, để đảm bảo rằng nó sẽ bổ sung, tạo điều kiện tiếp cận và cung cấp thông tin đầy đủ về các nền tảng STI hiện có, tránh sự trùng lặp và tăng cường sự phối hợp.

- Diễn đàn về Khoa học Công nghệ và Đổi mới về SDGs sẽ được triệu tập mỗi năm một lần, trong thời hạn hai ngày, để thảo luận về hợp tác STI xung quanh lĩnh vực chuyên đề cho việc thực hiện các SDGs, gồm tất cả các bên liên quan để góp phần vào lĩnh vực chuyên môn. Diễn đàn là nơi để tạo điều kiện tương tác, và tạo lập mạng lưới giữa các bên liên quan và đối tác nhiều bên để xác định và kiểm tra nhu cầu công nghệ và những khoảng trống trong hợp tác khoa học, đổi mới và nâng cao năng lực, và tạo điều kiện phát triển, chuyển giao và phổ biến công nghệ có liên quan cho các SDGs. Các cuộc họp của Diễn đàn sẽ được triệu tập bởi Chủ tịch ECOSOC trước cuộc họp của Diễn đàn Chính trị cấp cao dưới sự bảo trợ của ECOSOC hoặc kết hợp với các diễn đàn khác hay các hội nghị nếu thích hợp, có tính đến các chủ đề được xem xét trên cơ sở sự hợp tác với các nhà tổ chức các diễn đàn hay hội nghị khác. Các cuộc họp của Diễn đàn sẽ được đồng chủ trì bởi hai quốc gia thành viên và sẽ đưa ra một bản tóm tắt của các cuộc thảo luận xây dựng bởi hai đồng chủ tịch, là tài liệu đầu vào của Diễn đàn Chính trị cấp cao, trong bối cảnh triển khai và xem xét việc thực hiện Chương trình phát triển sau năm 2015.

- Các cuộc họp của Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) sẽ thảo luận các bản tóm tắt của diễn đàn nhiều bên. Các chủ đề cho các diễn đàn nhiều bên tiếp theo về Khoa học Công nghệ và Đổi mới về SDGs sẽ được xem xét bởi HPLF, có tính đến đóng góp đầu vào của các chuyên gia thuộc Nhóm Công tác.

71. Chúng tôi tái khẳng định rằng Chương trình nghị sự này cùng các mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững và các phương thức thực hiện là phổ quát, không thể tách rời và quan hệ chặt chẽ với nhau.


Каталог: userfiles -> files -> VanBanTaiLieuQH -> KY%20HOP%20THU%2010
KY%20HOP%20THU%2010 -> PHỤ LỤC 1 danh mục văn bản chỉ ĐẠo về CẤp giấy chứng nhận quyền sử DỤng đẤT
KY%20HOP%20THU%2010 -> Ủy ban tư pháp số: 2938/bc-ubtp13 CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
KY%20HOP%20THU%2010 -> QUỐc hội khóa XIII ủy ban văn hóA, giáo dụC
KY%20HOP%20THU%2010 -> BẢng tổng hợP Ý kiến góP Ý CỦa doanh nghiệP
KY%20HOP%20THU%2010 -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Số: 603/bc- cp hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2015 BÁo cáO
KY%20HOP%20THU%2010 -> Phụ lục TỔng hợp tình hình tiếp nhận và trả LỜi chất vấn củA ĐẠi biểu quốc hộI
KY%20HOP%20THU%2010 -> BÁo cáo tổng kếT 10 NĂm thi hành luật dưỢC

tải về 287.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương