ChuyêN ĐỀ thông tin về diễN ĐÀn hợp tác kinh tế châU Á-thái bình dưƠng (apec)


II. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG HÀ NỘI THỰC HIỆN LỘ TRÌNH BU-XAN



tải về 0.55 Mb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích0.55 Mb.
#29011
1   2   3   4   5   6   7

II. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG HÀ NỘI THỰC HIỆN LỘ TRÌNH BU-XAN
Hội nghị khẳng định lại cam kết của APEC trong việc thực hiện các mục tiêu Bô-go vào năm 2010/2020 và ghi nhận rằng Các mục tiêu Bô-go giữ nguyên tầm quan trọng đối với APEC trong bối cảnh môi trường đầu tư và thương mại đang thay đổi nhanh chóng hiện nay. Để thực hiện các mục tiêu Bô-go, Hội nghị đã thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội nhằm thực hiện Lộ trình Bu-xan được nhất trí từ năm 2005 để đẩy nhanh tiến trình hướng tới các mục tiêu Bô-go.
Bằng việc đưa ra Kế hoạch Hành động Hà Nội, APEC tiến thêm một bước trong việc thực hiện các mục tiêu Bô-go. Để biến Lộ trình Bu-xan thành hiện thực, Kế hoạch Hành động này đã chi tiết hoá các hoạt động cụ thể mà các nền kinh tế thành viên APEC có thể thúc đẩy trong khuôn khổ thời gian cụ thể trong bốn lĩnh vực chính là hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, củng cố Kế hoạch Hành động Quốc gia/Kế hoạch Hành động Tập thể (IAP/CAP), thúc đẩy các Thoả thuận Tự do Thương mại song phương và khu vực có chất lượng cao (RTA/FTA) và Chương trình Nghị sự Kinh doanh Bu-xan.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động nâng cao năng lực trong Kế hoạch Hành động và mong muốn các hoạt động này sẽ được thực hiện hiệu quả để giúp cho các nền kinh tế đang phát triển thực hiện đầy đủ các cam kết của mình về tạo thuận lợi và tự do hoá thương mại và đầu tư.
III. CÁC HIỆP ĐỊNH TỰ DO THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG VÀ KHU VỰC (RTA/FTA)
Hội nghị nhắc lại tầm quan trọng của các hoạt động của APEC về RTA/FTA và hài lòng với tiến bộ đạt được trong việc phát triển các biện pháp mẫu của APEC về RTA/FTA. Hội nghị nhất trí về các điều khoản mẫu cho các chương cốt lõi chung của các FTA. Hội nghị đề nghị các Quan chức Cấp cao tiếp tục làm việc về các biện pháp mẫu trong năm 2007 sao cho đến năm 2008, có thể có được các biện pháp mẫu cho càng nhiều chương được thừa nhận chung trong các RTA/FTA càng tốt như đã được đề nghị tại Bu-xan vào năm 2005. Hội nghị khẳng định lại rằng các biện pháp mẫu này sẽ được các nền kinh tế thành viên APEC dùng để tham khảo nhằm đạt được các thoả thuận mậu dịch tự do có chất lượng cao, đồng thời ghi nhận tính linh hoạt và tính không áp đặt của các biện pháp mẫu này.
Hội nghị nhất trí rằng APEC cần tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong khu vực này thông qua việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm về các thoả thuận mậu dịch tự do song phương và khu vực (RTA/FTA) của các nền kinh tế thành viên APEC. Về vấn đề này, Hội nghị ghi nhận thành công của cuộc Đối thoại Chính sách Thương mại của các Quan chức Cấp cao lần thứ 4 về RTA/FTA tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng Năm, qua đó tìm hiểu một loạt vấn đề được giới doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Cuộc Đối thoại Chính sách Thương mại CTI tổ chức vào tháng Chín ở Đà Nẵng đã xem xét các điểm chung của các thoả thuận mậu dịch tự do ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhất là trên góc độ kinh doanh. Hội nghị cũng ghi nhận thành công của Hội thảo APEC về các Thông lệ Tốt trong chính sách thương mại đối với RTA/FTA tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng Năm và Hội thảo về Nâng cao năng lực trong đàm phán FTA tổ chức tại Kua-la Lăm-pơ vào tháng Giêng với sự tài trợ của Ô-xtrây-lia cũng như hai hội thảo tổ chức vào tháng Ba và tháng Chín ở Nhật Bản dưới tên gọi “Vai trò Xúc tác của Tiến trình APEC: Bên trong đường Biên giới và Vượt lên các Mục tiêu Bô-go” và “Tác động của hội nhập kinh tế khu vực ở Đông Á đối với việc tự do hoá thương mại trong APEC”, trong đó vai trò quan trọng của APEC trong việc hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và các tiến trình hội nhập khu vực mở như RTA/FTA ở Châu Á-Thái Bình Dương được nêu cao.
Hội nghị hoan nghênh đề xuất về cơ chế phân loại tập thể các thoả thuận mậu dịch tự do có liên quan tới các nền kinh tế thành viên tương ứng với Các biện pháp thực hành tốt và qua đó, đánh giá cao đề nghị của ABAC trong việc chia sẻ các kết quả phân tích và “Phân loại RTA/FTA trong khu vực APEC” do ABAC giao liên quan tới việc đưa ra các biện pháp thông lệ tốt. Hội nghị ghi nhận việc ABAC và PECC phối hợp chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi về FTAAP trong các nền kinh tế APEC, có khả năng tạo ra cách giải quyết các vấn đề nảy sinh liên quan tới RTA/FTA.
Hội nghị ghi nhận tiến bộ trong công tác của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) về RTA/FTA liên quan tới việc xác định các lĩnh vực giống và khác nhau của các RTA/FTA, thuộc tính của các chương trong RTA/FTA và nâng cao năng lực trong RTA/FTA.
IV. TỰ DO HOÁ VÀ THUẬN LỢI HÓA THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ (TILF)
1. Các Chương trình Hành động quốc gia (IAP) và Chương trình Hành động tập thể (CAP)
Hội nghị khẳng định lại tầm quan trọng của các Chương trình Hành động quốc gia (IAP) và Chương trình Hành động tập thể (CAP) trong việc tạo thuận lợi cho tự do hoá thương mại ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, Hội nghị hoan nghênh các nền kinh tế thành viên đệ trình các Chương trình Hành động quốc gia 2006 và việc các nền kinh tế thành viên bày tỏ cam kết tiếp tục tạo thuận lợi và tự do hoá thương mại và đầu tư.
Hội nghị ghi nhận tiến bộ của việc chuẩn bị cho việc Kiểm điểm Các chương trình hành động quốc gia (IAP) lần thứ hai sẽ bắt đầu từ năm 2007 đến năm 2009. Hội nghị nhấn mạnh rằng các nền kinh tế thành viên cần bảo đảm để cho vòng kiểm điểm IAP này mạnh mẽ, toàn diện và hướng tới tương lai nhiều hơn, trở thành một công cụ theo dõi tiến bộ của các nền kinh tế thành viên trong việc đạt các mục tiêu Bô-go. Nhằm tăng cường hiệu quả của đợt kiểm điểm IAP lần này, Hội nghị hoan nghênh đề xuất tăng cường sự tham gia của ABAC, CTI và các diễn đàn thích hợp khác trong tất cả các đợt kiểm điểm IAP trong tương lai.
Hội nghị ghi nhận tầm quan trọng của CAP, coi đây là kênh hữu ích trong việc thực hiện các cam kết của APEC về TILF bổ sung cho IAP. Hội nghị nhấn mạnh yêu cầu thiết lập cơ chế kiểm điểm/đánh giá hàng năm cho các chương trình hành động tập thể CAP và nhất trí cho rằng các chương trình hành động tập thể cần được tăng cường thực hiện song song với việc thông qua các chương trình sửa đổi. Các chương trình hành động tập thể sửa đổi sẽ được phát triển và cập nhật theo tiến trình kiểm điểm/đánh giá CAP hàng năm. Ghi nhận trình độ phát triển kinh tế khác nhau của các nền kinh tế thành viên, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận mở đường trong quá trình xây dựng các chương trình hành động tập thể.
2. Đầu tư
Hội nghị lưu ý tầm quan trọng của các luồng đầu tư vào và từ khu vực APEC và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường các công tác của APEC nhằm tự do hoá và thuận lợi hoá đầu tư để tiến tới các mục tiêu Bô-go. Hội nghị biểu dương đóng góp của các nền kinh tế APEC nhằm phát triển chương trình làm việc mở rộng về tự do hoá và thuận lợi hoá đầu tư, và kêu gọi thực hiện chặt chẽ chương trình làm việc với sự phối hợp của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Về vấn đề này, Hội nghị ghi nhận kết quả của Hội thảo Chia sẻ Kinh nghiệm Thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia (TNCs) của một số nền kinh tế thành viên APEC được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam hồi tháng 5 năm 2006 và hướng tới Hội thảo về Thúc đẩy Đối thoại của Khu vực Công nhằm tăng cường hợp tác giữa APEC và ABAC để cải thiện môi trường kinh doanh.
Hội nghị cũng hoan nghênh hội thảo APEC-OECD về Khuôn khổ Chính sách cho Đầu tư (PFI) tổ chức tại Việt Nam vào tháng 9. Hội thảo này đã tăng cường sự hiểu biết về những nguyên tắc PFI và có những cuộc thảo luận sâu về khả năng thực hiện những nguyên tắc này của các nền kinh tế APEC để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư và phát triển bền vững trong khu vực.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các mô hình RTAs/FTAs trong chương về đầu tư, một nội dung của đàm phán RTAs/FTAs trong APEC.
Hội nghị tái khẳng định nhu cầu xây dựng năng lực và chia sẻ những thực tiễn tốt nhất về tự do hoá và thuận lợi hoá đầu tư. Hội nghị hướng tới một dự án với tên gọi “Xây dựng Năng lực nhằm Tự do hoá và Thuận lợi hoá đầu tư”. Dự án này sẽ tăng cường sự hiểu biết về các chính sách liên quan tới đầu tư cho khu vực công và tư của những nền kinh tế đang phát triển. Hội nghị cũng hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam tổ chức Diễn đàn Đầu tư APEC tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2006, ngay sau Hội nghị cấp cao các Lãnh đạo Doanh nghiệp nhằm chia sẻ thông tin về các chính sách và cơ hội đầu tư cho các nền kinh tế thành viên.
3. Thủ tục Hải quan
Hội nghị thừa nhận và biểu dương nỗ lực và đóng góp nhằm thuận lợi hoá đầu tư của các nền kinh tế thành viên thông qua đơn giản hoá và hài hoà hoá các thủ tục hải quan trong khu vực. Hội nghị hoan nghênh Báo cáo Cuối cùng về Mục tiêu Thượng Hải của Tiểu ban Thủ tục Hải quanSCCP. Báo cáo này đã đưa ra những ví dụ định tính về các sáng kiến của các thành viên SCCP trong việc giảm bớt chi phí giao dịch.
Hội nghị khuyến khích các nền kinh tế thành viên tiếp tục các công việc nhằm tăng cường hài hoà hoá, chuẩn hoá và đơn giản hoá thủ tục hải quan trong khu vực. Hội nghị đã chỉ đạo các Quan chức cấp cao tiếp tục thảo luận về các hành động và biện pháp tiếp theo được liệt kê trong Báo cáo về Hành động Thuận lợi hoá Thương mại của Hội nghị Các Quan chức Cao cấp APEC-kỳ tổng kết cuối cùng nộp lên cho Hội nghị. Những hành động và biện pháp này là những ví dụ có thể đưa vào Kế hoạch Hành động về Thuận lợi hoá Thương mại nhằm thực hiện cơ chế một cửa, thực hiện Khuôn khổ Thương mại An toàn của APEC nhằm tạo ra một môi trường thương mại an toàn, thực hiện các Khảo sát Kịp thời (TRS) nhằm cung cấp một công cụ tự đánh giá các khoa khăn về thủ tục hải quan, và tiến tới việc cung cấp tất cả các các thông tin liên quan tới hải quan và biên giới dưới dạng điện tử.
4. Đi lại của Doanh nhân
Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng của việc thuận lợi hoá đi lại cho doanh nhân. Hội nghị ủng hộ nỗ lực khuyến khích tất cả các nền kinh tế thành viên tham gia đầy đủ vào chương trình Thẻ Đi lại Doanh nhân APEC (ABTC) để tối đa hoá lợi ích cho cộng đồng doanh nhân APEC.
5. Thương mại điện tử
Nhận thức được rằng việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các công việc của chính phủ và doanh nghiệp là một nhân tố quan trọng để tăng cường thương mại và đầu tư trong khu vực, Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục phát triển những chính sách và dự án xây dựng năng lực để tiếp thụ những lợi ích của thương mại điện tử. Trong bối cảnh này, Hội nghị biểu dương công việc của Nhóm Chỉ đạo về Thương mại Điện tử hướng tới việc thực hiện chương trình nghị sự Bảo mật Dữ liệu và Thương mại Phi giấy tờ, và đánh giá cao sự tham gia quan trọng của khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.
Hội nghị lưu ý tầm quan trọng của việc xây dựng những Kế hoạch Hành động của các Nền kinh tế thành viên về Bảo mật Thông tin (IAPs) với những cách tiếp cận tương thích trong bảo vệ tính riêng tư đồng thời đảm bảo luồng thông tin tự do trong khu vực APEC.
Hội nghị ủng hộ khái niệm quy định xuyên biên giới, mục tiêu của khái niệm này là nhằm đảm bảo luồng thông tin qua biên giới có trách nhiệm và bảo mật hữu hiệu mà không dựng lên các rào cản không cần thiết. Hội nghị chỉ đạo các Quan chức cấp cao tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu này bằng cách xây dựng và thực hiện các khuôn khổ, chẳng hạn như các thực tiễn tốt nhất về quy định thông tin qua biên giới.
Hội nghị thừa nhận sự cần thiết tăng cường giáo dục và đào tạo cho khu vực tư nhân – bên liên quan và hưởng lợi chính của thương mại phi giấy tờ. Các nền kinh tế APEC sẽ chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn liên quan tới hoạch định chính sách và mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế trong thương mại phi giấy tờ.
6. Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn
Thừa nhận tầm quan trọng của các hành động và biện pháp cụ thể, đặc biệt là những kế hoạch hành động tập thể, trong lĩnh vực tiêu chuẩn và hợp chuẩn nhằm thuận lợi hoá thương mại trong khu vực, Hội nghị đánh giá cao báo cáo cuối cùng về phương pháp và tiêu chí để đánh giá hiệu quả của việc thực hiện Kế hoạch hành động tập thể về Thuận lợi hoá Thương mại của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC). Hội nghị hoan nghênh sự kết thúc thành công của Hội nghị GRP lần thứ 4 và Hội nghị về Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn lần thứ 6 được tổ chức với sự phối hợp của Tiểu ban thứ 2 về Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC) năm 2006. Hội nghị cũng hoan nghênh công tác phối hợp tự nguyện về đồng bộ hoá tiêu chuẩn thiết bị điện của Uỷ ban Kỹ thuật Điện tử Quốc tế được khởi xướng năm 2006 và sẽ kết thúc năm 2010. Hội nghị công nhận những kết quả đáng kể của nghiên cứu tình huống về hiệu quả MRAs trong đó cả các nền kinh tế thành viên và các công ty tư nhân đều được điều tra, lưu ý rằng nghiên cứu này sẽ giúp áp dụng MRAs hoặc những cơ chế tương tự và tăng hiệu quả của chúng, hướng tới thực hiện mục tiêu thuận lợi hoá thương mại.
Hội nghị nhất trí rằng cần có sự tham gia lớn hơn của những cơ quan điều tiết trong thảo luận cấp khu vực về Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn, và các thủ tục đánh giá tính tuân thủ sẽ giúp giải quyết các vấn đề điều tiết đang cản trở thương mại, đặc biệt là khi các cơ quan điều tiết này chịu trách nhiệm xác lập tiêu chuẩn và các thủ tục đánh giá tính tuân thủ có liên quan. Hội nghị hoan nghênh những đề xuất sáng kiến cụ thể về việc mời các cơ quan điều tiết tham dự các hội nghị ngành về các lĩnh vực ưu tiên chẳng hạn như điện tử và sản phẩm điện, và khuyến khích các nền kinh tế đảm bảo rằng các cơ quan điều tiết tham gia tích cực vào các hội nghị này.
7. Phát triển khu vực tư nhân
Hội nghị thừa nhận tầm quan trọng của việc phát triển hơn nữa khu vực tư nhân, nhấn mạnh vai trò chủ đạo của khu vực tư nhân trong tạo ra tăng trưởng và việc làm trong các nền kinh tế APEC, và ảnh hưởng của môi trường kinh doanh - đặc biệt là môi trường của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa – lên thành công của khu vực tư nhân. Trong lĩnh vực này, Hội nghị vui mừng ghi nhận tiến triển của sáng kiến xây dựng môộ chương trình nghị sự Phát triển Khu vực Tư nhân cho APEC nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ. Hội nghị biểu dương chương trình làm việc của APEC về Phát triển Khu vực Tư nhân trong giai đoạn 2007-2010.
Hội nghị ghi nhận những nỗ lực của các nền kinh tế thành viên dựa trên những công việc hiện tại nhằm thuận lợi hoá thương mại, tăng cường minh bạch và cải cách điều tiết, chia sẻ những thực tiễn tốt nhất và xây dựng năng lực. Hội nghị hoan nghênh kết quả của Hội nghị Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 13.
8. Chương trình hành động Thuận lợi hoá Thương mại
Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của thuận lợi hoá thương mại trong việc thực hiện các mục tiêu Bô-go về thương mại và đầu tư cởi mở và tự do trong khu vực APEC. Hội nghị hoan nghênh báo cáo của Tổng kết cuối cùng về Kế hoạch hành động Thuận lợi hoá Thương mại (TFAP). Hội nghị kết luận rằng APEC đã đạt được mục tiêu Thượng Hải 2001 là giảm 5% chi phí giao dịch thương mại cho đến năm 2006 và biểu dương những hành động của các nền kinh tế nhằm tăng mức độ thực thi TFAP.
Hội nghị hoan nghênh khuôn khổ đề cập trong báo cáo nhằm chuyển sang giai đoạn tiếp theo của việc thuận lợi hoá thương mại trong APEC là giảm tiếp 5% chi phí giao dịch thương mại cho đến năm 2010. Hội nghị đã chỉ đạo các quan chức cấp cao hoàn thành một kế hoạch hành động cụ thể (Kế hoạch hành động Thuận lợi hoá thương mại 2 hay TFAP2) trong đó có tính đến tính chất diễn tiến của môi trường thương mại khu vực, để đưa ra thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại năm 2007. Dựa trên kinh nghiệm của Kế hoạch Hành động Thuận lợi hoá thương mại thứ nhất, Hội nghị khuyến khích các quan chức cấp cao xem xét hoạt động cụ thể nhằm tăng cường năng lực, đóng góp ý kiến của khu vực tư nhân và mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các kế hoạch hành động tập thể và riêng rẽ khi xây dựng TFAP2.
Hội nghị ủng hộ việc xây dựng một sáng kiến mới về đơn giản hoá và hài hoà hoá thủ tục Hải quan trong khu vực. Sáng kiến này sẽ bao gồm cả việc xây dựng một cách tiếp cận chung về cơ chế một cửa để các công ty thương mại, vận tải quốc tế và cơ quan chính phủ sử dụng. Sáng kiến này sẽ đơn giản hoá và giảm bớt gánh nặng luật lệ cho các doanh nghiệp. Hội nghị chờ đợi sự tiến triển của sáng kiến này trong năm 2007.
Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ đối tác công-tư nhằm đưa ra những sáng kiến thuận lợi hoá thương mại. Hội nghị hoan nghênh kết quả của Đối thoại công-tư APEC về thuận lợi hoá thương mại do Việt Nam đăng cai tháng 5 năm 2006. Hội nghị đặc biệt khuyến khích các nền kinh tế thành viên tăng cường quan hệ với ABAC và cộng đồng doanh nghiệp.
9. Quyền Sở hữu trí tuệ/Nền kinh tế Số
Hội nghị tái khẳng định rằng việc bảo vệ và thực thi có hiệu quả Quyền Sở hữu trí tuệ (IPR) là những yếu tố thiết yếu để xây dựng nền kinh tế tri thức và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua mở rộng cơ hội đầu tư, khuyến khích sáng tạo và sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp sáng tạo, kể cả các doanh nghiệp nhỏ.
Vì vậy, Hội nghị tái khẳng định sự ủng hộ đối với Sáng kiến Chống hàng giả và Ăn cắp bản quyền của APEC và thông qua những Chỉ dẫn Mẫu để thực hiện các Chiến lược Nâng cao Nhận thức Công chúng về IPR có hiệu quả. Bộ Chỉ dẫn mới nhằm bổ sung cho 3 bộ chỉ dẫn Mẫu trước đó về IPR đã được thông qua năm 2005: Chỉ dẫn Mẫu về giảm bớt Buôn bán hàng giả và ăn cắp bản quyền để chống sao chép không có uỷ quyền, và Chống Mua bán hàng giả trên mạng Internet. Hội nghị kêu gọi các nền kinh tế tiếp tục hoàn thành Chỉ dẫn Mẫu về Chuỗi cung ứng An toàn chống Hàng giả và ăn cắp bản quyền, nhằm đạt được một sự đồng thuận.
Vì tầm quan trọng lớn của việc tích cự theo đuổi bảo vệ và thực thi IPR trong khu vực, Hội nghị kêu gọi các nền kinh tế có những bước đi tiếp theo trong những năm tới nhằm xây dựng một Sáng kiến Chống hàng giả và Ăn cắp bản quyền của APEC.
Hội nghị cũng kêu gọi các nền kinh tế hoàn thành trao đổi thông tin về các trang web IPR và các địa chỉ liên hệ với các quan chức cấp cao về IRP trước Hội nghị Bộ trưởng thương mại năm 2007.
Cũng liên quan đến sáng kiến Chống hàng giả và Ăn cắp bản quyền của APEC, Hội nghị hoan nghênh việc đề cập đến sáng kiến này trong tuyên bố Lãnh đạo năm nay.
V. CHỐNG THAM NHŨNG VÀ MINH BẠCH HÓA
Hội nghị thừa nhận rằng tham nhũng gây hại cho sự phát triển kinh tế, quản trị tốt và dựng lên những rào cản đối với thương mại và đầu tư và cuối cùng cản trở những nỗ lực của APEC hướng tới thịnh vượng, phát triển và tăng trưởng bền vững trong khu vực. Chống tham nhũng và tăng cường minh bạch, đi đôi với các thông lệ tốt về tính toàn vẹn thị trường và quản trị doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và đẩy mạnh chương trình nghị sự về thương mại và an ninh chung của APEC.
Hội nghị đánh giá cao các tiến bộ của các thành viên APEC trong năm 2006 trong chống tham nũng và đảm bảo minh bạch. Hội nghị ủng hộ những đề xuất chính của APEC 2006 về Khởi tố Tội Tham nhũng, tăng cường Quản trị và Thúc đẩy tính toàn vẹn của thị trường và khuyến khích các nền kinh tế thành viên có những hành động thiết yếu nhằm thực hiện cam kết này. Hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của hỗ trợ tư pháp song phương trong lĩnh vực chống tham nhũng, dẫn độ tội phạm tham nhũng và phong toả tài sản và khuyến khích các thành viên APEC đưa ra những sáng kiến để thực hiện.
Hội nghị đã nhấn mạnh việc phê chuẩn các công cụ quốc tế chống tham nhũng là một bước đi cần thiết nhằm tiến tới tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng. Hội nghị hoan nghênh các nền kinh tế thành viên đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc Phòng chốngTham nhũng (UNCAC) và khuyến khích các nền kinh tế liên quan phê chuẩn, hoặc cam kết phê chuẩn UNCAC khi phù hợp. Thừa nhận thông tin và kinh nghiệm quý báu mà các tổ chức đa phương có thể chia sẻ với APEC trong lĩnh vực chống tham nhũng, Hội nghị đã hướng dẫn Nhóm đặc trách chống tham nhũng của APEC tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực và quốc tế phù hợp khác, đặc biệt với Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Interpol, Nhóm đặc trách về Chống rửa tiền ở Châu Á- Thái Bình Dương (APG) về các sáng kiến chống tham nhũng của họ trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Hội nghị nhấn mạnh các cam kết sẽ truy tố các hành động tham nhũng ở cấp cao bao gồm công chức và những người hối lộ bằng cách thực thi mạnh mẽ các luật chống lại hối lộ các quan chức cấp cao. Hội nghị nhất trí thúc đẩy các hành động quốc gia để không còn chỗ trú ẩn an toàn cho các cá nhân tham nhũng và những người hối lộ, và ngăn cản họ có thể tiếp cận với những lợi lộc của các hoạt động tham nhũng trong hệ thống tài chính của chúng ta. Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa và các hệ thống liêm chính trong cuộc chiến chống tham nhũng và kêu gọi các quan chức có trách nhiệm lớn hơn trong việc thông qua và thực hiện các bộ luật hoặc chuẩn mực hành vi và đạo đức phù hợp với Công ước Liên hợp quốc Chống tham nhũng.

Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác công-tư để chống tham nhũng và đảm bảo sự minh bạch và đánh giá cao kết quả của Đối thoại Công - Tư về chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch trong kinh doanh được tổ chức bên lề SOM III tại Việt Nam. Hội nghị đã nhấn mạnh tác dụng to lớn mà quan hệ đối tác công- tư có thể có để đạt được các loại hình quản trị rõ ràng hơn và trung thực hơn, tăng cường sự toàn vẹn thị trường và đảm bảo tất cả các cộng đồng có cơ hội chia sẻ các lợi ích do tự do hóa thương mại và tăng trưởng kinh tế mang lại. Về vấn đề này, Hội nghị đã khuyến khích sự tham gia tích cực của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), lãnh đạo doanh nghiệp, các thành viên khác của khu vực tư nhân và những người liên quan khác trong việc chống tham nhũng và đảm bảo các chiến dịch minh bạch.

Hội nghị cũng nhắc lại tầm quan trọng của việc thực hiện mạnh mẽ các Tiêu chuẩn minh bạch chung và cụ thể của APEC và hướng dẫn các quan chức cấp cao hoàn thiện đánh giá việc thực hiện các Tiêu chuẩn minh bạch.



VI. AN NINH CON NGƯỜI

Hội nghị đã chia sẻ những tổn thất và chịu đựng của các nạn nhân trong các cuộc tấn công khủng bố, thiên tai, bệnh dịch… và chân thành gửi lời chia buồn tới các gia đình và chính phủ chịu tổn thất. Hội nghị tái khẳng định quyết tâm có những hành động cần thiết và kịp thời để tăng cường an ninh con người, đặc biệt trong các lĩnh vực chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh y tế, đối phó khẩn cấp và an ninh năng lượng.



1. Chống Khủng bố và Bảo đảm An toàn Thương mại

Hội nghị lên án mạnh mẽ tất cả các hành động khủng bố và nhắc lại rằng các cuộc tấn công khủng bố tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh, ổn định và tăng trưởng của khu vực APEC. Họ kêu gọi các thành viên APEC tiếp tục đánh giá lại những tiến triển trong việc thực hiện các cam kết của các nhà lãnh đạo APEC tại Bangkok năm 2003 nhằm triệt phá các nhóm khủng bố xuyên quốc gia, xóa bỏ mối nguy hiểm của vũ khí hủy diệt hàng loạt và các mặt hàng liên quan và đối phó với các đe dọa trực tiếp khác đối với an ninh trong khu vực.

Hội nghị đã lưu ý những tiến bộ đã đạt được để thực hiện những cam kết sẵn có và nhắc lại cam kết đối với những hoạt động xây dựng năng lực phù hợp và phát triển các thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực này. Hội nghị đã công nhận công việc APEC năm nay nhằm giúp nâng cao an ninh bao gồm: các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm giúp đỡ các nền kinh tế APEC thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử quốc tế về An toàn và An ninh các nguồn phóng xạ và Hướng dẫn về nhập khẩu và xuất khẩu các nguồn phóng xạ; các nỗ lực của Hoa Kỳ, Ốt-xtrây-li-a và Phi-lip-pin nhằm trợ giúp các thành viên APEC thực hiện một Đánh giá điểm yếu đối với Hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) tại các sân bay quốc tế vào cuối năm 2006.

Hội nghị hoan nghênh việc thông qua Chiến lược Chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc vào tháng 9 bao gồm các nguyên tắc, kế hoạch hành động tăng cường năng lực của các quốc gia chống chủ nghĩa khủng bố. Hội nghị nhắc lại những lợi ích đối với an ninh con người của Các kế hoạch hành động chống khủng bố của APEC (CTAPs) trong việc xác định năng lực và các khoảng cách trong các khung khổ an ninh khu vực và khuyến khích việc đệ trình hàng năm và cập nhập thường xuyên các CTAPs toàn diện bởi tất cả các nền kinh tế thành viên.

Hội nghị đã công nhận sự phát triển của các sáng kiến chống khủng bố mới và kêu gọi hơn nữa các hành động chung và đơn lẻ nhằm xóa bỏ sự nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố và bảo đảm an toàn thương mại. Hội nghị hoan nghênh các sáng kiến mới đã được các quan chức cấp cao thông qua năm nay bao gồm: (1) “Giảm mối đe dọa khủng bố đối với nguồn cung lương thực của APEC” và Diễn đàn bảo vệ lương thực do Hoa Kỳ và Thái Lan đồng tổ chức vào tháng 11 tại Băng- Cốc để trao đổi những đánh giá rủi ro và các thực tiễn tốt nhất và bắt đầu một cuộc đối thoại khu vực để giải quyết mối đe dọa do ô nhiễm nguồn cung lương thực của APEC; (2) “Đánh giá chống khủng bố của APEC” do Phi-lip-pin đề xuất và tự tài trợ và (3) “Các diễn đàn Tài trợ chống khủng bố” do Ốt-xtrây-li-a đề xuất và tự tài trợ. Hội nghị cũng hoanh nghênh việc lồng ghép các đầu mối kinh doanh và an ninh hàng không như đề xuất của Ca-na-đa và Hoa Kỳ vào Danh sách các Điều phối viên Phòng chống Dịch bệnh và Thảm họa.

Hội nghị khen ngợi kết quả của Hội thảo APEC về An ninh Toàn bộ Dây chuyền Cung ứng do Singapore tổ chức vào tháng 7 và công nhận yêu cầu cấp thiết đối với các nền kinh tế APEC xem xét cách thức tạo điều kiện thuận lợi cho sự hồi phục của thương mại quốc tế trong trường hợp có một cuộc tấn công khủng bố lớn vào chuỗi cung toàn cầu.

Lưu ý rằng các hoạt động phổ biến vũ khí vẫn tiếp tục, bao gồm cả các tuyến đường thương mại ở Châu Á- Thái Bình Dương, Hội nghị đã tỏ rõ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc buôn bán vũ khí hủy diệt hàng loạt gây đe dọa cho an ninh và thịnh vượng ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, và phá hoại thương mại Châu Á- Thái Bình Dương bằng cách che dấu thương mại bất hợp pháp vào thương mại hợp pháp, tăng chi phí và giảm lòng tin vào thương mại hợp pháp. Hội nghị đã nhất trí các nền kinh tế APEC cần thúc đẩy hợp tác để ngăn chặn các kẻ phổ biến vũ khí tiếp tục lợi dụng các hệ thống tài chính và thương mại hợp pháp và cam kết có hành động chung và phù hợp có tính đến bối cảnh và chính sách của mỗi nền kinh tế thành viên để ngăn chặn việc buôn bán vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Những hành động như vậy có thể bao gồm hợp tác với cộng đồng quốc tế gia tăng các rào cản đối với hoạt động phổ biến vũ khí; tiếp tục hành động để tăng cường kiểm soát xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm thông qua việc thực hiện các Yếu tố chính cho các hệ thống kiểm soát xuất khẩu hiệu quả đã được Hội nghị APEC thông qua năm 2004; và thông qua các biện pháp phù hợp khác để giải quyết việc tài trợ kinh phí cho phổ biến WMD. Hội nghị đã công nhận sự cần thiết phải sớm có kết luận của Công ước quốc tế trấn áp các hoạt động của chủ nghĩa khủng bố hạt nhân cũng như sửa đổi công ước về bảo vệ các nguyên liệu hạt nhân.

Hội nghị đã hoan nghênh Hội thảo về Phòng chống và Quản lý khủng hoảng do Chủ nghĩa khủng bố hóa học và sinh học mà Nhật Bản đã tổ chức kể từ năm 2003 nhằm tăng cường năng lực đối phó với khủng bố hóa học và sinh học trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương thông qua các cuộc thảo luận tích cực, bài tập tại bàn và nhiều hoạt động khác.

Hội nghị đã tái khẳng định quyết tâm bảo đảm an toàn thương mại trong khu vực APEC. Hội nghị hoanh nghênh các kết quả của Hội nghị Sáng kiến về An toàn thương mại trong khu vực APEC (STAR IV) tại Việt Nam vào tháng 2 và Hội nghị STAR V tại Ốt-xtrây-li-a. Hội nghị cũng khuyến khích sự tham gia chủ động của khu vực tư nhân trong việc thực hiện sáng kiến STAR. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cân bằng các nỗ lực đảm bảo an toàn thương mại và thực hiện các biện pháp thuận lợi hóa thương mại để đảm bảo hiệu quả của an ninh và kinh tế và giảm tối đa các chi phí giao dịch phát sinh thêm đối với cộng đồng doanh nghiệp do gia tăng các biện pháp an ninh.

Hội nghị đã hoan nghênh việc thực hiện Dự án Trình diễn Hải quan APEC Việt Nam cùng với các khuyến nghị của Hội nghị STAR IV gia tăng thuận lợi hóa thương mại và tăng cường an ninh. Điều này cũng hỗ trợ khuyến nghị khác của STAR là khu vực tư nhân không chỉ là người tài trợ mà còn là đối tác thực hiện thúc đẩy an ninh. Dự án Trình diễn Hải quan cho phép cải thiện quản lý hàng lưu kho và thu thuế đối với Hải quan Việt Nam. Thêm vào đó, hệ thống điện tử mới hứa hẹn tạo ra một quá trình minh bạch hơn cho hải quan Việt Nam và công chúng mà họ phục vụ.

Hội nghị cũng lưu ý rằng việc thực hiện Khuôn khổ APEC về An toàn Thương mại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại thông qua việc hình thành và thực thi một hệ thống chuẩn chung và Hội nghị đã khuyến khích các nền kinh tế thành viên bắt đầu thực hiện có hiệu quả. Tới nay, 17 trong số 21 nền kinh tế thành viên APEC đã cam kết thực hiện các tiêu chuẩn của khung khổ để tiến hành và đảm bảo an ninh các luồng hàng hóa.

Hội nghị hoanh nghênh thành công của việc thử nghiệm Danh sách Cảnh báo Đi lại trong khu vực (RMAL) giữa Hoa Kỳ, Ốt-xtrây-li-a và Niu-Dilân, coi đây là hệ thống trao đổi số liệu hộ chiếu đa phương đầu tiên trên thế giới giúp chống lại tội phạm và chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia bằng cách phát hiện việc sử dụng các hộ chiếu bị mất và bị đánh cắp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển an toàn và hiệu quả của các du khách hợp pháp. Hội nghị đã công nhận hoạt động thành công của RMAL và khuyến khích mở rộng dịch vụ RMAL để bao gồm cả “sự xác nhận hợp lệ mang tính tích cực” của các hộ chiếu. Hội nghị đã hoan nghênh việc hoàn tất một khung khổ chính sách đa phương cho phép mở rộng RMAL như một hệ thống hoạt động đầy đủ được biết đến với tên gọi Hệ thống Cảnh báo về Đi lại trong khu vực (RMAS) đối với toàn bộ nền kinh tế thành viên APEC và khuyến khích các thành viên khác xem xét gia nhập.

Hội nghị đã hoan nghênh những nỗ lực thành công nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn quốc tế đối với các giấy tờ đi lại có đặc điểm nhận dạng và ủng hộ tiếp tục xây dựng năng lực để trợ giúp việc thông qua các tiêu chuẩn. Hội nghị lưu ý tầm quan trọng của Các hệ thống thông tin hành khách sớm nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại và an ninh hành khách và khuyến khích tiếp tục thực hiện các hệ thống này.

Hội nghị đã lưu ý tiếp tục các nỗ lực cung cấp cho các thành viên APEC xây dựng năng lực và hỗ trợ kỹ thuật như tiến bộ về sáng kiến của các nền kinh tế APEC nhằm thực hiện Bộ Qui tắc ứng xử IAEA về các Nguồn Phóng xạ và Hướng dẫn liên quan về Nhập khẩu và Xuất khẩu các nguồn phóng xạ tới cuối năm 2006.

Hội nghị đánh giá cao vai trò tích cực của Nhóm Đặc trách chống khủng bố (CTTF) trong điều phối các hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố và hoan nghênh quyết định của các quan chức cao cấp tiếp tục nhiệm vụ được giao đến cuối năm 2008. Hội nghị hoan nghênh (kinh tế 1) và (kinh tế 2) với vai trò Chủ tịch và Phó chủ tịch CTTF trong 2 năm tới.



tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương