CHÍnh phủ Số: 117/bc-cp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam


Về giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác



tải về 280.79 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích280.79 Kb.
#29334
1   2   3

3. Về giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, an sinh xã hội, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác

a) Giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các đề án để nhân lực trở thành nền tảng cho phát triển bền vững và lợi thế cạnh tranh quốc gia: Đề án quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Đề án nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam, quy hoạch phát triển văn hoá Việt Nam 2011-2020, Đề án bảo tồn và phát huy văn hoá các dân tộc thiểu số 2011-2020.

Ngành giáo dục và đào tạo đã tập trung triển khai chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, xây dựng ký túc xá cho sinh viên, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, như: phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực... Triển khai quyết liệt dạy nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, hỗ trợ và khuyến khích các nhóm nghiên cứu trẻ tiềm năng trong các trường đại học nhằm đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ được triển khai tích cực. Nhiều thành tựu khoa học công nghệ trong nước và quốc tế đã được ứng dụng, phát triển thành công trong sản xuất nông nghiệp, thủy điện, giao thông, y tế,… Huy động mọi nguồn lực và tiến hành xã hội hóa nguồn lực vào các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, nhiều tổ chức đã hoạt động hiệu quả theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoặc cơ chế doanh nghiệp. Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ được chú trọng và thực hiện dưới nhiều hình thức. Thị trường công nghệ ngày càng phát triển thông qua việc tổ chức và duy trì thường xuyên các hội chợ công nghệ và thiết bị ở cả Trung ương và địa phương11. Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Tích cực triển khai thực hiện Chiến lược Ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.



b) Về lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo

Trong 6 tháng đầu năm 2011, ước tạo việc làm khoảng 724,36 nghìn người, đạt 45,3% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 45,86 nghìn người, đạt 52,7% kế hoạch năm.

Công tác dạy nghề12 và giải quyết việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường lao động ngày càng phát triển. Đã xuất hiện nhiều mô hình13 tạo việc làm mới có hiệu quả từ nguồn vốn vay của Quỹ Quốc gia về việc làm, lồng ghép với chương trình tổ nhóm giúp nhau làm kinh tế của thanh niên, phụ nữ, nông dân;… Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển, tạo thêm việc làm mới; đẩy mạnh hoạt động dự báo và thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước; kết nối cung - cầu lao động thông qua nhiều hình thức như tổ chức sàn giao dịch việc làm14 nhằm tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là cho các nhóm đối tượng yếu thế như lao động là người tàn tật, lao động là người dân tộc, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp,…

Khi xảy ra khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan chức năng chủ động phối hợp với phía nước ngoài bảo đảm an toàn và đưa toàn bộ người lao động Việt Nam ở Libya về nước; đồng thời có biện pháp để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và Nhà nước hỗ trợ người lao động từng bước ổn định đời sống.

Các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; bảo đảm thực hiện đầy đủ các chính sách, như: hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay và hỗ trợ làm nhà ở15,... cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí cho con em hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn, hỗ trợ người nghèo, người dân tộc phát triển sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a;... Tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tiến hành rà soát và hoàn thành tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc làm cơ sở để thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng như các chính sách phát triển kinh tế xã hội khác16; tăng cường phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống cho nhân dân17;…

Triển khai cơ chế hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo trên toàn quốc bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng và đúng quy định. Đã thực hiện điều chỉnh tiền lương, bảo hiểm xã hội theo kế hoạch đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người về hưu và các đối tượng chính sách; điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng đối với các doanh nghiệp và dự kiến sẽ tiếp tục điều chỉnh trong năm 2011. Thực hiện trợ cấp cho những đối tượng hưởng lương và lương hưu từ NSNN có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi, người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn; nâng mức tiền ăn cho chiến sĩ lực lượng vũ trang, nâng mức cho sinh viên vay để học tập.



c) Về chăm sóc sức khỏe nhân dân

Ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác y tế dự phòng kiểm soát an toàn thực phẩm; tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; giám sát, theo dõi và khống chế, xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát, lây lan; tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhằm sớm phát hiện các trường hợp xâm nhập, giảm thiểu việc lây truyền dịch bệnh...

Mạng lưới khám chữa bệnh từ trung ương đến địa phương được tập trung đầu tư; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp; chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được cải thiện đáng kể; quan tâm và triển khai thực hiện các chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng hưởng chính sách xã hội, người có công. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên từng bước được khắc phục, việc luân phiên cán bộ, chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới đã đạt những kết quả tích cực.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng được các bộ, ngành, địa phương hết sức quan tâm. Nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo nói riêng được nâng lên rõ rệt, bảo đảm cho mọi trẻ em có môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển.



Tình hình dịch bệnh: Lũy kế 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn cả nước có trên 17,5 nghìn người mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 14 người tử vong; 498 bệnh nhân mắc mới bệnh cúm A (H1N1), trong đó có 13 trường hợp tử vong; 164 người mắc bệnh thương hàn, giảm 21,1%; 381 người mắc bệnh viêm não virút, tăng 64,9%, trong đó có 08 trường hợp tử vong; 11.046 trường hợp mắc bệnh chân tay miệng, trong đó có 36 trường hợp tử vong. Tính đến 16/6/2011, cả nước có khoảng 239,8 nghìn người nhiễm HIV/AIDS, trong đó hơn 96,6 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và trên 50,4 nghìn người đã tử vong do AIDS.

Về vệ sinh an toàn thực phẩm: Trong tháng đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm tại 11 tỉnh/thành phố18, làm 786 người mắc, trong đó 386 người phải nhập viện, 01 trường hợp tử vong. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 45 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2,4 nghìn người mắc, trên 1,8 nghìn người phải nhập viện và tử vong 07 người; giảm 22 vụ và 20 người tử vong so với cùng kỳ năm 2010. Hệ thống tổ chức quản lý an toàn thực phẩm trên cả nước tiếp tục được hoàn thiện, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, tại các đô thị lớn đã triển khai các cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

d) Về văn hóa, thông tin, thể dục thể thao

Các hoạt động văn hóa, tuyên truyền các sự kiện chính trị xã hội tiếp tục được tổ chức trên toàn quốc, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; về triển khai thi đua “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; về các hoạt động ngoại giao; đưa tin về tình hình chính trị, kinh tế thế giới;…

Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện và chủ trì các buổi giao ban với các cơ quan báo, đài hàng tuần, hàng tháng, thông tin về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; quán triệt các nội dung thông tin, không đưa những thông tin bất lợi, sai lệch, không đúng sự thật, có tính kích động, gây tâm lý bất an trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội. Triển khai có hiệu quả các biện pháp đấu tranh, chống lại các thông tin không đúng sự thật, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin truyền thông.

Ngành Văn hóa phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo công tác tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, các lễ hội ở các địa phương; bảo vệ, tu bổ và xử lý các hành vi vi phạm và xâm phạm các di tích, di sản văn hóa. Triển khai tổng kết và đánh giá 10 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;...

Các hoạt động thể dục thể thao đã được triển khai tích cực và thường xuyên, nhận được sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Nhiều hoạt động thi đấu thể thao quần chúng được triển khai, như: hoạt động thi đấu thể dục thể thao hưởng ứng Năm Thanh niên; Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ VII khu vực I tại Điện Biên; các hoạt động thể thao thành tích cao, như: tổ chức giải vòng I Vô địch Bóng rổ tại Khánh Hòa, cúp Kick-boxing tại Đắc Lắc; tham dự giải Pencak Silat vô địch châu Á tại Thái Lan; tổ chức giải bóng đá vô địch quốc gia, giải hạng Nhất quốc gia;…

Tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tiến hành các hoạt động tập huấn các đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển quốc gia chuẩn bị tham dự SeaGame 26 tại Indonesia, tham dự vòng loại Olympic London 2012, ASIAD 17 tại Incheon, Hàn Quốc; tổ chức giải siêu cúp quốc gia 2011;...



đ) Về trật tự an toàn giao thông

Trong năm tháng đầu năm 2011, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 5.705 vụ tai nạn giao thông, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó: làm chết 4.787 người, tăng 1,1% và làm bị thương 4.399 người, tăng 5,8%. Bình quân một ngày trong năm tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, làm chết 32 người và làm bị thương 29 người.

4. Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường các hoạt động đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo đảm thắng lợi bầu cử Quốc hội khoá XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để kiểm soát toàn bộ tình hình, xử lý kịp thời, lập lại trật tự, ổn định tình hình đối với vụ việc tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2011.

Thực hiện nhất quán chủ trương đàm phán hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết tình hình phức tạp trên biển Đông; kiên quyết, chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực và thế giới (qua diễn đàn Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển tại Liên Hợp quốc (UNCLOS), các diễn đàn quốc phòng - an ninh khu vực như Bali, Shangri-La… và tiếp xúc song phương, đa phương); đồng thời, triển khai tích cực và đồng bộ các biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản, các hoạt động kinh tế - thương mại, khai thác, thăm dò dầu khí, tài nguyên khoáng sản trên biển thuộc chủ quyền quốc gia.



Đánh giá tổng quát về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và kết quả bước đầu thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ như sau:

a) Những kết quả chủ yếu đã đạt được

- Thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng đã ổn định; tỷ giá đã được kiểm soát trong biên độ cho phép; dự trữ ngoại tệ đang được cải thiện trở lại; tăng trưởng tín dụng được kiểm soát; thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dần được cải thiện.

- Thu chi ngân sách đạt khá; bội chi giảm; thực hiện nghiêm túc tiết kiệm chi để dành cho các mục tiêu an sinh xã hội; việc cắt giảm và điều chuyển, giãn tiến độ đầu tư công được thực hiện nghiêm, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm lại trong thời gian gần đây và có chiều hướng giảm dần.

- Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội khó khăn và thực hiện cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11/NQ-CP nhưng đầu tư cho giảm nghèo, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn được duy trì. Việc thực hiện thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua đã thu được kết quả bước đầu.

- Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ nhập siêu giảm; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ.

- Đối với thị trường bất động sản, đã có những giải pháp hữu hiệu kiềm chế tăng giá, kiểm soát dòng vốn đầu tư vào thị trường, góp phần giảm rủi ro cho hệ thống tín dụng ngân hàng và nền kinh tế.

- An sinh xã hội được quan tâm và có những chuyển biến tích cực; công tác cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại đạt kết quả tốt.

Những kết quả tích cực trên khẳng định các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là đúng hướng và phù hợp với tình hình của đất nước.

Đạt được những kết quả trên đây là nhờ sự đồng tâm, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành tập trung quyết liệt và có trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân của Chính phủ, sự triển khai khẩn trương, nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, sự giám sát có hiệu quả của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn dân.



b) Những hạn chế, yếu kém chủ yếu

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu như sau:

- Lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhất là trong bối cảnh tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của giá nhiên liệu, lương thực tăng và lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới; nhập siêu còn cao.

- Sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, tốc độ tăng trưởng đạt thấp, ảnh hưởng đến việc làm và giảm thu nhập; mặt bằng lãi suất tuy đã có dấu hiệu giảm nhưng còn cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thu hút đầu tư nước ngoài giảm. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng gia tăng, còn nhiều rủi ro về tín dụng; tiềm lực của hệ thống ngân hàng mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn hạn chế.

- Hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.

- Số vụ tai nạn giao thông tuy giảm nhưng tình trạng tai nạn giao thông còn khá nghiêm trọng; vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề bức xúc, số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra còn nhiều.

- Việc ứng dụng khoa học - công nghệ đã được chú trọng nhưng khoa học - công nghệ phát triển còn chậm, nhiều sản phẩm nghiên cứu chưa thực sự đi vào cuộc sống.

- Đời sống của người nghèo, người thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn; tình trạng đình công gia tăng.

- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa thu được nhiều kết quả. Một số phương tiện thông tin, báo chí phản ánh nhiều về những mặt hạn chế, khó khăn, vụ việc xấu, bạo lực trong xã hội,... nhưng ít tuyên truyền về những chính sách, giải pháp tích cực của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của các ngành, các cấp cũng như những việc làm tốt của cán bộ và nhân dân.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên, nhất là tình trạng lạm phát cao, nhập siêu còn lớn một mặt do những tác động của những bất ổn về kinh tế, chính trị, sức ép tăng giá và lạm phát cao ở nhiều nước trên thế giới và ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; mặt khác, do mô hình phát triển kinh tế của nước ta còn nhiều bất cập, cơ cấu của nền kinh tế còn chưa hợp lý và chậm được điều chỉnh, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, hiệu quả công tác dự báo chưa cao; một số cơ quan, địa phương có lúc, có nơi còn chưa thực sự triển khai nghiêm túc, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm với cộng đồng của một bộ phận người dân chưa cao, yếu tố tâm lý còn tác động mạnh đến tình hình giá cả, thị trường. Những nguyên nhân đó cũng dẫn đến việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ và các cấp, các ngành còn gặp nhiều khó khăn.

Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới.

III. DỰ BÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ ĐẾN CUỐI NĂM 2011

Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhờ sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và những dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là liên minh châu Âu (EU)19. Điều này có thể tạo thêm nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam, nhất là hoạt động xuất khẩu đến các thị trường lớn và truyền thống này. Sự tăng giá trở lại của đồng USD cùng với xu hướng tăng giá ổn định của đồng Nhân dân tệ và sự hạ nhiệt của một số mặt hàng trên thế giới đang là những dấu hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát trong nước.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy đà tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản,... có dấu hiệu chững lại20. Đó là nguyên nhân khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã điều chỉnh giảm dự báo về nền kinh tế thế giới năm 2011 từ mức 4,4% hồi tháng 4/2011 xuống còn 4,3%. Thị trường lao động toàn cầu diễn biến kém ổn định, tỷ lệ thất nghiệp tại một số nền kinh tế lớn vẫn đang ở mức cao và chưa có chiều hướng giảm21. Ngoài ra, những dấu hiệu bất ổn từ nền kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị kéo dài ở các nước Bắc Phi và Trung Đông; hậu quả nặng nề của khủng hoảng kép động đất - sóng thần tại Nhật Bản; khủng hoảng nợ công và sự cắt giảm chi tiêu ngân sách tại EU; thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng tại Mỹ22 và Nhật Bản23, cùng với áp lực lạm phát tại nhiều nước trên thế giới cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế nước ta.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới tiếp tục phục hồi trong những tháng đầu năm 201124 nhưng có xu hướng quay trở lại các nền kinh tế phát triển, như: Mỹ, Nhật Bản,... điều này gây khó khăn cho việc thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.

Về tình hình kinh tế trong nước, khu vực công nghiệp tiếp tục đạt tăng trưởng nhanh, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Trong thời gian tới, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm và thực hiện nghiêm túc của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trong việc bình ổn giá cả, thị trường, kiềm chế lạm phát, đồng thời từng bước tháo gỡ khó khăn, ưu tiên nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư chiều sâu, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường, ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến có triển vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Dự báo tốc độ tăng trưởng GTSX công nghiệp cả năm 2011 ước đạt khoảng 14,7%, cao hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm 2011 (ước đạt 14,3%).

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và của các địa phương cùng với sự linh hoạt của người dân và doanh nghiệp, sản xuất nông, lâm nghiệp sẽ tiếp tục đạt kết quả khá. Nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng sẽ tiếp tục phát triển thuận lợi. Dự báo tốc độ tăng trưởng GTSX ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cả năm 2011 ước đạt khoảng 3,9%, cao hơn mức bình quân 6 tháng đầu năm 2011 (ước đạt 3,7%).

Khu vực dịch vụ, du lịch, hoạt động xuất khẩu, với đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, cùng với những điều kiện thuận lợi cả ở thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt là những dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống như: EU, Nhật Bản... sẽ có nhiều triển vọng tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới.

Với xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực như trên, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm có thể đạt cao hơn 6 tháng đầu năm 2011, ước cả năm 2011 có thể tăng khoảng 6%.

Bên cạnh những mặt thuận lợi nêu trên, nền kinh tế cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể là:

- Việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất liên ngân hàng nhằm kiềm chế lạm phát cũng gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Nhập siêu vẫn tiềm ẩn xu hướng tăng do giá thế giới chưa có dấu hiệu giảm, trong khi tỷ giá và giá cả hàng hóa nhập khẩu diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến khả năng cải thiện cán cân thanh toán.

- Nguy cơ lạm phát và việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều nước trên thế giới cùng với việc tăng giá dây chuyền và tăng giá do tâm lý sau khi có sự điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu trong nước tiếp tục làm tăng chi phí đầu vào sản xuất và tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng trong nước, thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn trước, gây khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường cũng như phát triển sản xuất kinh doanh.

Do vậy, để đạt được những mục tiêu đã đề ra, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội, các Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nhằm bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ, tiết kiệm chi tiêu ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội; ưu tiên nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, đồng thời, tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

IV. NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM

Trong 6 tháng cuối năm 2011, tình hình kinh tế thế giới được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong khi đó nền kinh tế nước ta mới thu được kết quả bước đầu về ổn định kinh tế vĩ mô, khó khăn, thách thức trước mắt còn nhiều, đòi hỏi phải có sự nỗ lực và tập trung cao độ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân để thực hiện nhiệm vụ trong các tháng cuối năm, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015.

Để phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã đề ra đạt kết quả cao nhất, trong 6 tháng cuối năm 2011 và một số năm tiếp theo, cần thống nhất tư tưởng chỉ đạo là tiếp tục thực hiện nhất quán, lâu dài chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Kiên trì và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đề ra trong Kết luận số 02/KL-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội, các Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cần quyết liệt hơn; trong đó tập trung vào việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, phát huy sức mạnh, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn dân tộc trong thực hiện các nhóm giải pháp để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Với ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời duy trì sản xuất, tăng trưởng ở mức hợp lý để bảo đảm thu nhập, giải quyết việc làm và tạo tiền đề góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong 6 tháng cuối năm, cần tập trung chỉ đạo, điều hành để phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản của năm 2011 là: Kiểm soát lạm phát (CPI) ở mức khoảng 15-17%; tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%; kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tỷ lệ nhập siêu không quá 16% tổng kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP.

Sau đây là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm:


Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học

tải về 280.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương