CHÍnh phủ Số: 117/bc-cp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 280.79 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích280.79 Kb.
#29334
  1   2   3


CHÍNH PHỦ
_______

Số: 117/BC-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_________________________

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2011


BÁO CÁO

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

6 THÁNG ĐẦU NĂM 2011 VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG CUỐI NĂM 2011
Kính gửi: Đại biểu Quốc hội Khóa XIII
Căn cứ chương trình kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011 như sau:

I. CÔNG TÁC ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011

Bước vào năm 2011, trên cơ sở các đánh giá, dự báo và nhận thức rõ về những thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra đối với nền kinh tế, quán triệt các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2011 với mục tiêu tổng quát là: Tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị; tiếp tục củng cố quốc phòng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; tập trung vào các giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thiện hệ thống thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Trong đó, Chính phủ đã xác định rõ cần tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường và điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh và bảo đảm đời sống.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội trong nước và quốc tế trong những tháng đầu năm 2011 đã xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát có xu hướng tăng cao. Kinh tế thế giới xuất hiện những diễn biến phức tạp mới; giá lương thực, thực phẩm, dầu thô và nguyên vật liệu cơ bản trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng cao; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh; nợ công châu Âu lan rộng; kinh tế Nhật Bản trì trệ sau thảm hoạ kép; lạm phát toàn cầu và các nước trong khu vực châu Á tăng cao, nhất là Trung Quốc...; bất ổn chính trị ở Trung Đông và châu Phi, tình hình căng thẳng ở Biển Đông đang tăng lên. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo cuối năm 2010 về lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng trưởng GDP có xu hướng chậm lại, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010; lạm phát tiếp tục tăng cao; mặt bằng lãi suất cao; tỷ giá biến động mạnh; giá vàng tăng cao; dự trữ ngoại hối giảm; cung cấp điện còn nhiều căng thẳng; rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã gây tổn thất và tác động bất lợi không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân. Nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế nước ta năm 2011.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với các nội dung chủ yếu: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường tổ chức thực hiện, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền.

Chính phủ cũng đã báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo và ra Kết luận số 02/KL-TW ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2011, trong đó nêu rõ chủ trương: Tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo. Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm. Tại Kết luận này, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo thực hiện những giải pháp đối với các vấn đề quan trọng, bao gồm tiền tệ, tín dụng; tài chính và đầu tư; thị trường bất động sản; nhập siêu; cải cách doanh nghiệp nhà nước; vấn đề điện; bảo đảm an sinh xã hội; công tác tuyên truyền; tổ chức chỉ đạo, điều hành.

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII (từ ngày 21-29/3/2011) về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) những tháng đầu năm 2011 và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 59/2011/QH12, trong đó yêu cầu Chính phủ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành, Chính phủ thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức giao ban định kỳ về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011. Thường trực Chính phủ cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp để phân tích, đánh giá tình hình, kịp thời để ra những chủ trương, giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể; ra các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị cơ sở, đồng thời theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để xử lý những vấn đề phát sinh.

Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ các giải pháp, tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể, như thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; quản lý hoạt động kinh doanh ngoại tệ và kinh doanh vàng; tăng cường quản lý thị trường và giá cả, đấu tranh phòng chống buôn lậu qua biên giới; các giải pháp về tăng thu, chống thất thu, giảm chi tiêu ngân sách đối với các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết; rà soát cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân...

Qua báo cáo của các bộ ngành, địa phương, các nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 59/2011/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã đạt được sự nhất trí và đồng thuận cao của tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân; sự ủng hộ của các tổ chức tài chính quốc tế và nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Việc ban hành Kết luận và các Nghị quyết nêu trên là rất cần thiết, kịp thời, đúng đắn và đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Các ngành, các cấp, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã thành công tốt đẹp. Nhân dân và cử tri phấn khởi, tin tưởng vào sự thành công của cuộc bầu cử. Công tác bầu cử được thực hiện dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, ngày bầu cử đã trở thành ngày hội của toàn dân.



II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU THỰC HIỆN KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ, CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VÀ CHÍNH PHỦ TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2011

Với việc triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực và là những kết quả bước đầu của việc thực hiện các giải pháp, chính sách đã đề ra.



1. Về ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát

a) Thu chi ngân sách nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 327.820 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm; trong đó: thu nội địa ước khoảng 202.540 tỷ đồng, bằng 53% dự toán năm; thu từ dầu thô ước đạt 47.030 tỷ đồng, bằng 67,9% dự toán năm; thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 75.450 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán năm.

Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 355.600 tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm; trong đó: chi đầu tư phát triển ước khoảng 77.467 tỷ đồng, bằng 51% dự toán năm; chi sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, quản lý hành chính (bao gồm cả chi điều chỉnh tiền lương) ước khoảng 232.233 tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán.

Bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 27.780 tỷ đồng, bằng 23% mức bội chi ngân sách nhà nước cả năm.

Nhìn chung, thu ngân sách đạt khá, đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao và tiến độ thực hiện, đáp ứng kịp thời các khoản chi phát sinh.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về cắt giảm 10% chi thường xuyên so với dự toán trong những tháng còn lại của năm 2011. Đến nay, theo báo cáo, tổng số tiền cắt giảm chi thường xuyên là 3.857,7 tỷ đồng; trong đó, khối cơ quan Trung ương là 900 tỷ đồng, địa phương là 2.957,7 tỷ đồng.

b) Đầu tư phát triển

Các Bộ, ngành và địa phương đã khẩn trương triển khai việc rà soát, cắt giảm và điều chuyển vốn đầu tư theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 11/NQ-CP, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo số liệu báo cáo của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tổng số vốn cắt giảm trong năm 2011 là 80.550 tỷ đồng1 bằng khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011; trong đó: số vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 giảm 15.000 tỷ đồng so với thực hiện năm 2010; giảm khoảng 15.000 tỷ đồng do không ứng vốn đầu tư năm 2012, không kéo dài thời gian giải ngân vốn kế hoạch năm 2010; số vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2011 cắt giảm để điều chuyển cho các dự án hoàn thành, các dự án cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ là 8.333 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước giảm 5.556 tỷ đồng (2.048 dự án), trái phiếu Chính phủ giảm 2.777 tỷ đồng (126 dự án); số vốn các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm là 39.212 tỷ đồng (907 dự án); số vốn tín dụng kế hoạch năm 2011 giảm 10% là 3.000 tỷ đồng.



Kết quả huy động vốn đầu tư phát triển thực hiện 6 tháng đầu năm 2011:

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2011 là 409,7 nghìn tỷ đồng, bằng 38,3% GDP; bao gồm: vốn khu vực nhà nước là 141,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; khu vực ngoài nhà nước là 163 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 105,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.



Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,3 tỷ USD, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó vốn góp của nước ngoài khoảng 80%. Về đăng ký mới, cả nư­­ớc có 455 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư­­ với tổng vốn đầu tư­­ đăng ký mới đạt khoảng 4,4 tỷ USD, bằng 69,9% về số dự án và bằng 50,1% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm trước; có 132 lư­­ợt dự án tăng vốn, với tổng số vốn đăng ký tăng thêm ước đạt khoảng 1,27 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt khoảng 5,67 tỷ USD, bằng 56,7% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn ODA trong 6 tháng đầu năm 2011 giải ngân ước đạt 1.350 triệu USD, bằng 56,25% kế hoạch năm; trong đó: vốn vay ước đạt 1.265 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 85 triệu USD.

c) Tiền tệ, tín dụng

Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ và thận trọng; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng và lãi suất hợp lý nhằm kiểm soát và ổn định thị trường tiền tệ.

Tăng cường quản lý thị trường ngoại tệ và kinh doanh vàng, khắc phục tình trạng đô la hóa, góp phần ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam. Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn và bước đầu đã đạt kết quả; giá vàng trong nước đã dần đi vào ổn định.

Để chủ động kiểm soát tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã từng bước điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành, trong đó, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng được điều chỉnh từ mức 11%/năm lên 14%/năm, lãi suất tái chiết khấu tăng dần từ mức 7%/năm lên 13%/năm, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở từ mức 11%/năm lên mức 15%/năm.

Tiếp tục triển khai, tăng cường công tác thanh tra giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, như: các hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, cho vay lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực phi sản xuất khác.

Việc triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực trong việc kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tín dụng, cụ thể:



Tổng phương tiện thanh toán (M2) đến 20 tháng 6 năm 2011 ước tăng 1,25% so với tháng trước và tăng 2,45% so với tháng 12/2010. Tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng ước tăng 2,59% so với tháng trước và giảm 0,18% so với cuối năm 2010.

Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến ngày 20/6/2011 ước tăng 1,04% so với cuối tháng trước và tăng 2,88% so với cuối năm 2010: trong đó huy động vốn VND ước tăng 2,32% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cuối năm 2010; huy động vốn bằng ngoại tệ ước giảm 3,62% so với tháng trước và tăng 8,94% so với cuối năm 2010.

Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 7,13% so với cuối năm 2010, cụ thể: Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng VND ước giảm 0,43% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cuối năm 2010; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bằng ngoại tệ ước tăng 2,43% so với tháng trước và đã tăng 23,47% so với cuối năm 2010.

Lãi suất: Lãi suất đang có xu hướng giảm do tốc độ tăng chỉ số giá giảm dần, các cân đối và tỷ giá ngoại tệ đang đi dần vào thế ổn định. Lãi suất huy động VNĐ bình quân hiện đang ở mức 15,5%/năm và tăng khoảng 2,9%/năm so với cuối năm 2010. Các tổ chức tín dụng canh tranh bằng công cụ lãi suất để giữ thị phần huy động vốn thông qua việc thoả thuận trả thêm chi phí cho người gửi tiền vượt mức lãi suất trần. Lãi suất cho vay VNĐ bình quân thực tế khoảng 18,7%/năm, tăng 3,4%/năm so với cuối năm 2010; lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu khoảng 17-19%; lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác khoảng 19,2%/năm; lãi suất cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất khoảng 22-25%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động VNĐ bình quân thực tế khoảng 3%/năm.

Lãi suất huy động bằng USD ở sát mức trần 2%/năm đối với tiền gửi dân cư và 0,5%/năm đối với tổ chức kinh tế; lãi suất huy động bình quân khoảng 1,8%/năm, giảm 2,3%/năm so với cuối năm 2010. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn, 7-8,5%/năm đối với trung và dài hạn; lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,4%/năm, tương đương với mức lãi suất cuối năm 2010.



Tỷ giá và thị trường ngoại hối: Nhờ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước như mở rộng đối tượng phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, thu hẹp đối tượng cho vay bằng đồng ngoại tệ; điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng, thu hẹp biên độ ấn định tỷ giá; điều chỉnh giảm mức trần lãi suất huy động ngoại tệ, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ… thị trường ngoại hối đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn, các ngân hàng đã mua được một khối lượng khá lớn ngoại tệ từ người dân và doanh nghiệp. Tỷ giá giao dịch trên thị trường ngoại tệ đang có xu hướng giảm và ổn định ở mức thấp hơn tỷ giá trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Dự trữ ngoại hối cũng đang dần được cải thiện, đã tăng được gần 3 tỷ USD.

d) Xuất, nhập khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 42,33 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: do yếu tố tăng giá ước đạt 15,6% và do yếu tố tăng lượng ước đạt 14,7%) và gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua (10%); trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 19,57 tỷ USD, tăng 32%.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu ước đạt hoặc cao hơn so với kế hoạch chung của ngành, như: dầu thô tăng 26,2% về giá trị (giảm 10,5% về lượng); dệt may tăng 28,4%; giày dép tăng 31%; cao su tăng 90,4% về giá trị (tăng 17,7% về lượng); gỗ và sản phẩm gỗ tăng 15,4%; thuỷ sản tăng 28%; gạo tăng 13,4% về giá trị (tăng 15,9% về lượng); cà phê tăng hơn 100% về giá trị (tăng 29,1% về lượng); sắn và các sản phẩm của sắn tăng 86,6% về giá trị (tăng 40,4% về lượng);...

Xu hướng tăng giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu cũng góp phần vào sự tăng trưởng xuất khẩu của 6 tháng đầu năm2. Riêng yếu tố tăng giá làm kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 2,7 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 21,3% và chiếm tỷ trọng 18,1%; xuất khẩu vào EU tăng 49,1% và chiếm tỷ trọng 17,4%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 16,2% và chiếm tỷ trọng 14,5%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 32,4% và chiếm tỷ trọng 10,9%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 56,6% và chiếm tỷ trọng gần 11%.



Tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 48,99 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: do yếu tố tăng giá ước đạt 10,7% và do yếu tố tăng lượng ước đạt 15,1%); trong đó: nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 21,4 tỷ USD, tăng 29,7%.

Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn kế hoạch chung của ngành: xăng dầu tăng 67,6% (tăng 16,5% về lượng); phân bón tăng 48,3% (tăng 22% về lượng); giấy các loại tăng 28,3% (tăng 16,6% về lượng); chất dẻo tăng 31,5% (tăng 10,7% về lượng); máy móc thiết bị tăng 10,9%; máy tính và linh kiện tăng 23,2%; vải các loại tăng 38,1%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 20,8%;...

Cũng như xuất khẩu, xu hướng tăng giá của nhiều mặt hàng trên thị trường so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao3. Tính riêng yếu tố tăng giá đã làm kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 3,9 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu từ châu Á vẫn chiếm hơn 61,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là: Trung Quốc (tăng 21,7%; chiếm tỷ trọng 22,4%); ASEAN (tăng 36,1%; tỷ trọng 21,1%); Hàn Quốc (tăng 41%; tỷ trọng 12,1%); Nhật Bản (tăng 10,8%; tỷ trọng 9,2%) và EU (tăng 17,4%, tỷ trọng 7,1%).



Nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 6,65 tỷ USD, bằng 15,72% tổng kim ngạch xuất khẩu4.

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch đề ra, nhiều mặt hàng công nghiệp và chủ yếu đã có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và giá cả nhiều mặt hàng khoáng sản, nông sản tăng đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu. Việc quản lý nhập siêu đã kiên quyết hơn, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, hàng không thiết yếu, hàng trong nước sản xuất được và bảo đảm chất lượng. Tỷ lệ nhập siêu đã có xu hướng giảm (tháng 6 nhập siêu ước khoảng 400 triệu USD trong khi tháng 5 là 1,42 tỷ USD, bình quân 5 tháng đầu năm là 1,25 tỷ USD); nhập siêu 6 tháng đầu năm 2011 thấp hơn chỉ tiêu phấn đấu theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (không quá 16%)5. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu với khu vực châu Á, trong đó nhập siêu từ Trung Quốc chiếm khoảng 82% tổng nhập siêu của cả nước6.



đ) Giá cả, lạm phát

Nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, thắt chặt chi tiêu ngân sách, tăng cường quản lý thị trường và giá cả, tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm dần.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2011 tăng 1,09% so với tháng trước, giảm đáng kể so với các tháng trước và là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm7.

So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2011 tăng 13,29%; trong đó: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 18,68% (riêng thực phẩm tăng 22,21%); bưu chính viễn thông giảm 1,72%. Tính bình quân, chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2011 tăng 16,03% so với cùng kỳ năm 2010.

So với tháng 12/2010, chỉ số giá vàng tăng 5,18%; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,24%. So với cùng kỳ năm trước, tính bình quân 6 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá vàng tăng 38,03% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 10,30%.

Nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian qua tăng là do: (1) Giá hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng mạnh cùng với áp lực nợ công, nguy cơ lạm phát diễn ra ở nhiều nền kinh tế trên thế giới đã tác động đến giá thị trường hàng hóa trong nước; (2) Việc điều chỉnh tăng một số mặt hàng thiết yếu, như: giá xăng, điện, ga, than bán cho điện,… và điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND, tăng lãi suất liên ngân hàng đã làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng; (3) Việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế của các năm trước; (4) Việc tăng giá ở nhiều mặt hàng thiết yếu cũng đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều mặt hàng khác và hình thành mặt bằng giá mới cao hơn trước; (5) Cùng với những khó khăn, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do đợt rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc, hạn hán ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong những tháng đầu năm, cùng với những khó khăn về lương thực ở một số nước trong khu vực, như: Bangladesh, Indonesia,… cũng đã làm cho giá lương thực, thực phẩm trong nước tăng lên cao.

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, việc thực hiện nghiêm túc Kết luận số 02-KL/TW, Nghị quyết số 59/2011/QH12 và Nghị quyết số 11/NQ-CP của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương nên hiện nay, giá cả một số mặt hàng trong nước đã có chiều hướng ổn định và giảm nhẹ, góp phần làm giảm mức tăng chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước.

2. Về tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực

a) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP)

Do phải tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2011 có bị ảnh hưởng. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2010 (6,16%); trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,49%; dịch vụ tăng 6,12%.

Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2011: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,77%; công nghiệp và xây dựng chiếm 39,9%; dịch vụ chiếm 37,33%.

b) Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) theo giá cố định 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 418,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3%8 so với cùng kỳ năm 2010; trong đó: khu vực kinh tế ngoài nhà nư­ớc tăng 17,1%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17%. Khu vực doanh nghiệp nhà nước tính theo cấp quản lý: công nghiệp trung ương tăng 5,6%, công nghiệp địa phương tăng 15,7%.

Các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có mức tăng trưởng đạt hoặc cao hơn mức kế hoạch chung của ngành, gồm: bình đun nước nóng tăng 59,2%; máy giặt tăng 45%; đường kính tăng 43,4%; sơn hoá học các loại tăng 24,2%; khí hoá lỏng (LPG) tăng 17,4%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 17,3%; giày thể thao tăng 16,5%; sữa bột tăng 15,5%; xi măng tăng 14,7%;...

Một số sản phẩm có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng bình quân chung của toàn ngành là: than đá tăng 4,6%; dầu mỏ thô khai thác tăng 0,1%; phân hóa học tăng 1%; kính thủy tinh tăng 6,1%; gạch lát ceramic tăng 11%; thép tròn các loại tăng 4,8%; điện sản xuất tăng 10,4%; thủy hải sản chế biến tăng 7,1%; dầu thực vật tinh luyện tăng 4,1%; bia các loại tăng 8,7%; vải dệt từ sợi bông tăng 1,7%; quần áo người lớn tăng 9,4%; giầy, dép, ủng bằng da giả tăng 5,3%; giấy bìa các loại tăng 11,2%; thuốc lá điếu tăng 8,7%; tivi các loại tăng 4,4%; xe máy tăng 11,6%; nước máy thương phẩm tăng 5,8%;...

Một số sản phẩm có mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm trước như: khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 1,9%; gạch xây bằng đất nung giảm 1,4%; lốp ô tô, máy kéo giảm 4,7%; xe tải giảm 29%; tủ lạnh, tủ đá giảm 15,4%; điều hòa nhiệt độ giảm 4,7%; xà phòng giặt các loại giảm 13,8%;...

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá nhanh và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch năm 2011. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào trong những tháng gần đây tăng cao nên đã làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của toàn ngành ngày càng thấp so với tốc độ tăng giá trị sản xuất.



c) Sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2011 gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp: áp thấp nhiệt đới, rét đậm rét hại kéo dài ở miền Bắc; khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long;… Việc tăng giá các loại thức ăn chăn nuôi và vật tư đầu vào cùng với dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã gây khó khăn, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm chống rét cho người và gia súc, gia cầm, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, linh hoạt trong việc bảm đảm cung cấp nước tưới,... do vậy đã hạn chế được thiệt hại và bảo đảm sản xuất nông nghiệp phát triển khá.

Trong 6 tháng đầu năm, ước giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá cố định đạt trên 107 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó: nông nghiệp ước tăng 3,3%; thủy sản ước tăng 5,1%; lâm nghiệp ước tăng 5,3%.

Lúa đông xuân cả nước ước đạt 3.096,2 nghìn ha, tăng 0,3% so với vụ đông xuân trước. Năng suất tăng 1% so với vụ đông xuân trước (đạt 62,9 tạ/ha), sản lượng so với cùng kỳ tăng 1,4%; trong đó: các tỉnh phía Bắc đạt sản lượng 6,9 triệu tấn, tăng 1,5%; các tỉnh phía Nam đạt sản lượng 12,5 triệu tấn, tăng 1,3%.

Hiện nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đang tích cực xuống giống vụ hè thu, tính đến ngày 15/6/2011 đã xuống giống được 1.265 nghìn ha, đạt 72,6% kế hoạch. Các tỉnh phía Bắc đang gấp rút chuẩn bị đất, giống cho vụ hè thu, vụ mùa ở những nơi đã thu hoạch lúa đông xuân.



Chăn nuôi: Đàn lợn trên cả nước hiện có khoảng 26,3 triệu con, giảm 3,7% so với cùng thời điểm năm 2010; đàn trâu, bò có hơn 8,5 triệu con, giảm 4,6%; đàn gia cầm có 293,7 triệu con, tăng 5,87% so với cùng thời điểm năm trước. Tuy số lượng đầu con giảm nhưng sản lượng các sản phẩm chăn nuôi vẫn tăng, cụ thể: thịt bò tăng 4,87%; thịt trâu tăng 9,3%; thịt gia cầm tăng 16,8%; trứng tăng 18,97%; sữa tăng 5,44%;...

Về lâm nghiệp: Sản xuất lâm nghiệp những tháng đầu năm gặp khó khăn do rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và tình trạng khô hạn tại nhiều địa phương nên đã ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng, đặc biệt đối với rừng phòng hộ, đặc dụng. Tổng diện tích rừng trồng tập trung 6 tháng đầu năm 2011 ước tính chỉ đạt 51,5 nghìn ha, bằng 67,6% so với cùng kỳ năm 2010; diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 393,7 nghìn ha, tăng 2,8%; diện tích rừng tự nhiên được khoanh nuôi tái sinh 1.046,2 nghìn ha, tăng 4,6%. Sản lượng gỗ khai thác 6 tháng đầu năm 2011 tăng khá, ước tính đạt 2.007 nghìn m3, tăng 13,1%, một mặt do nhiều diện tích rừng sản xuất đã đến kỳ khai thác, mặt khác thị trường tiêu thụ gỗ khá ổn định và giá sản phẩm gỗ tương đối cao.

Mặc dù thời tiết nắng nóng và khô hạn tại nhiều địa phương gây nguy cơ cháy rừng cao, nhưng do công tác bảo vệ rừng đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nên tình trạng cháy và chặt phá rừng đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2011, diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước là 1.534 ha, bằng 20,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: diện tích rừng bị cháy là 676 ha, bằng 10,7%; diện tích bị chặt phá là 858 ha, bằng 85,3%.



Thủy sản: Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 2.510,8 nghìn tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó: sản lượng nuôi trồng đạt 1.259,5 nghìn tấn, tăng 5,2%; sản lượng khai thác đạt 1.251,3 nghìn tấn, tăng 1,3%.

Nuôi trồng thủy sản thời gian qua gặp một số khó khăn do giá thức ăn tăng cao cộng với thời tiết không thuận lợi (nắng nóng ban ngày và nhiệt độ hạ thấp vào ban đêm, xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa) làm suy giảm sức đề kháng của các đối tượng nuôi, đồng thời xuất hiện nhiều mầm bệnh mới, hạn chế hoạt động nuôi trồng thủy sản. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với các địa phương đã tập trung hướng dẫn triển khai nuôi trồng thủy sản theo đối tượng phù hợp cho từng vùng sinh thái và theo mùa vụ; tăng cường quản lý các yếu tố đầu vào, trong đó chú trọng quản lý chất lượng giống và thức ăn; chỉ đạo đối phó với dịch bệnh, dập dịch không để lây lan. Hoạt động khai thác thủy sản vẫn phát triển tốt do tình hình thời tiết biển tương đối thuận lợi, bà con ngư dân đã tích cực triển khai bám biển và đánh bắt hải sản.



d) Khu vực dịch vụ

Hoạt động thương mại: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt trên 911,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2010.

Hoạt động du lịch trong 6 tháng đầu năm 2011 diễn ra sôi động do thời gian này nằm trong mùa lễ hội chung của cả nước, như: dịp Tết Nguyên đán kéo dài cùng với nhiều lễ hội đón Tết và vui Xuân; kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5; chương trình du lịch hè;… Việc Việt Nam được lọt vào top 13 điểm đến của tour du lịch châu Á tốt nhất trong năm 2011 và top 50 điểm đến của tour du lịch tốt nhất thế giới9 và Sapa được bình chọn là một trong 10 điểm đến tuyệt vời trên thế giới cho du lịch đi bộ cũng đã góp phần thu hút được một số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt gần 3 triệu lượt khách, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chủ yếu từ một số thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Campuchia,...



Hoạt động vận tải hàng hoá và hành khách: Trong 6 tháng đầu năm 2011, khối lượng vận chuyển hàng hoá ước đạt 390,8 triệu tấn, tăng khoảng 11,1% so với cùng kỳ năm 2010; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt khoảng 109,6 tỷ tấn.km, tăng 5,4%. Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt khoảng 1,35 tỷ lượt hành khách, tăng 12,8%; khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt khoảng 58,2 tỷ HK.km, tăng 11,6%.

Bưu chính, viễn thông: Tính đến hết tháng 6/2011, tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới ước đạt 4,7 triệu thuê bao, bằng 59,5% cùng kỳ năm trước, trong đó có 33,4 nghìn thuê bao cố định, bằng 26,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng số thuê bao điện thoại cả nước ước đạt 128,1 triệu thuê bao, tăng 4,6%, trong đó có 15,5 triệu thuê bao cố định, tăng 0,7%. Do thực hiện chính sách thắt chặt quản lý thuê bao trả trước nên những thuê bao điện thoại đăng ký sai thông tin, thuê bao không còn hoạt động và sim điện thoại rác sẽ bị ngừng hoạt động, làm giảm tổng số điện thoại trên toàn mạng10. Tổng số thuê bao internet băng rộng trên cả nước ước đạt 3,9 triệu thuê bao, tăng 16,8%.

đ) Về phát triển doanh nghiệp

Tính chung 6 tháng đầu năm 2011, có khoảng 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký ước đạt trên 230,2 nghìn tỷ đồng, bằng 95,3% về số doanh nghiệp đăng ký mới và bằng 87,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2010.

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; thực hiện cổ phần hóa các tập đoàn đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; dự thảo và chuẩn bị ban hành Nghị định về thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác;… Các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, cắt giảm đầu tư, tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ở mức hợp lý.


Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học

tải về 280.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương