Chương XIII: cuộc kháng chiến chống mỹ, CỨu nưỚC



tải về 413.47 Kb.
trang5/5
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích413.47 Kb.
#13263
1   2   3   4   5

* *

*

Do bị thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam - Bắc nước ta, ngày 22 tháng 10 năm 1972 , Ních Xơn phải ra lệnh ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra(1). Kẻ địch tập trung máy bay, tàu chiến đánh mạnh vào nam Quân khu 4. Đối với Quảng Bình, cả 7 huyện, thị đều bị B52 đánh phá ác liệt(A35:226).

Trước sự lật lọng, tráo trở của đế quốc Mỹ, ngày 26 tháng 10, Chính phủ ta ra tuyên bố kêu gọi quân và dân cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn(A35:123). Hội nghị liên tịch giữa Quân khu uỷ và các Tỉnh uỷ trên địa bàn Quân khu xác định: "Đây là nơi địch đánh đầu tiên và sẽ kết thúc sau cùng"Một lần nữa, quân và dân Quảng Bình lại bước vào trận đọ sức sau cùng với kẻ thù hung bạo bằng ý chí quyết chiến quyết thắng.

Nhằm tăng cường lực lượng chuyển tải hàng hoá từ nam Gianh vào Đồng Hới, Lệ Thuỷ, Ban chỉ huy bảo đảm giao thông vận tải tỉnh huy động 600 cán bộ, công nhân viên, tổ chức thành 2 tiểu đoàn xe đạp thồ vận tải hàng trên hai tuyến: Ngân Sơn - Đồng Hới và Nam Lý - Mỹ Đức. Tiếp đó, tỉnh thành lập công trường kết nghĩa 1A,1B để bảo đảm giao thông đoạn Long Đại - Đá Mài - Xuân Sơn với sự chi viện của 9.000 thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng. Để phá thế "độc tuyến" , lực lượng tỉnh phối hợp với bộ đội 571 mở đường 15C; cùng với công binh Quân khu khảo sát mở các tuyến ngang Kỳ Lạc - Troóc, Ba Rền- Bến Tiêm - Đường 10. Công binh Sư đoàn 571, Quân khu cùng công binh tỉnh tập trung sửa chữa cầu hỏng, sản xuất cầu phụ, cầu vượt ngầm, cầu vẹt chống lầy trên các tuyến đường bộ. Phong trào toàn dân tham gia bảo đảm giao thông vận tải phát triển rộng khắp trên địa bàn. Sự đóng góp công sức và trí sáng tạo của nhân dân đã góp phần khắc phục nhanh giao thông sau các đợt đánh phá của địch.

Trước sức mạnh tiến công liên tục của quân và dân ta trên cả mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, Mỹ - Nguỵ ngày càng lâm vào tình thế nguy khốn. Với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, từ ngày 18 đến 29 tháng 12 năm 1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng - Đây là cơn giẫy chết của con thứ dữ cùng đường. Nhân dân Hà Nội, Hải Phòng anh hùng cùng với bộ đội phòng không - không quân anh dũng chiến đấu quyết liệt với kẻ thù trong 12 ngày đêm, đập tan cuộc tiến công kẻ cướp của chúng, làm nên trận " Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy, giáng đòn quân sự quyết định đánh sụp ý chí xâm lược của tên đế quốc hung hãn nhất! Ngày 30 tháng 12 , Mỹ buộc phải ngừng bắn từ bắc vĩ tuyến 20, chấp nhận trở lại hội nghị Pa ri, chịu ký vào bản Hiệp định mà trước đó chúng đã thoả thuận.

Lợi dụng thời gian còn lại, kẻ thù dồn hết khả năng bom đạn đánh phá dữ dội vào địa bàn. Chúng huy động 784 máy bay phản lực, 165 máy bay B52 và 10 máy bay F111 bắn phá hầu hết các mục tiêu trên đất Quảng Bình. Tàu chiến Mỹ pháo kích 14 trận, bắn 1741 quả đạn pháo lớn vào địa bàn tỉnh. Đặc biệt nghiêm trọng là máy bay B52 của Mỹ liên tục ném bom rải thảm vào các khu vực Cộn, Lý Ninh, Vạn Ninh, Hoa Thuỷ , Sen Thuỷ... Ngày 02 tháng 01 năm 1973, máy bay B52 ném bom rải thảm vào xã Quảng Sơn (Quảng Trạch) , làm chết và bị thương 187 người, gây tội ác đẫm máu đối với nhân dân địa phương. Ngày 13 tháng 01, máy bay Mỹ ba lần ném bom vào xã Thanh Trạch (nam Phà Gianh), làm chết và bị thương 156 dân quân, công nhân.

Trước hành động chiến tranh dã man của giặc Mỹ, các lực lượng phòng không trên địa bàn kiên quyết nổ súng đánh trả địch, bảo vệ dân. Lưới lửa tầm thấp của dân quân, tự vệ tích cực bắn máy bay địch, buộc chúng phải tăng độ cao, tạo điều kiện cho các đơn vị phòng không tầm cao tiêu diệt. Ngày 01 tháng 12 năm 1972, dân quân Lệ Thuỷ hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với Trung đoàn cao xạ 214 bắn rơi chiếc máy bay thứ 700 của giặc Mỹ trên đất Quảng Bình. Ngày 31 tháng 12, Tiểu đoàn cao xạ 2/9 nổ súng kịp thời, bắn tan xác 1 máy bay A3J của địch. Ngày 04 tháng 01 năm 1973, trong một trận đánh phối hợp, Tiểu đoàn 9 cao xạ và Trung đoàn phòng không 234 đã bắn cháy 1 máy bay F4. Ngày 17 tháng 01, dân quân xã Ngư Thuỷ nêu cao cảnh giác, bắn rơi 1 máy bay trinh sát không người lái của không quân Mỹ, lập chiến công vẻ vang trong trận đánh cuối cùng kết thúc thắng lợi 8 năm chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là chiếc máy bay thứ 704 của Mỹ bị bắn rơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và là chiếc thứ 4.181 bị bắn rơi trên miền Bắc.

Mọi hành động chiến tranh điên cuồng của đế quốc Mỹ vẫn không cứu vãn được thất bại tất yếu của chúng, tuyến vận tải chiến lược vẫn thông suốt; hậu phương trực tiếp của chiến trường được bảo vệ vững chắc, sẵn sàng thế trận đối phó với mọi âm mưu mới của kẻ thù. Ngày 15 tháng 01 năm 1973, Chính phủ Mỹ phải tuyên bố "Ngừng mọi hoạt động quân sự tiến công bao gồm ném, bắn trọng pháo và thả mìn" ở trên miền Bắc nước ta(A35:279).

Cùng với cả nước đón mừng thắng lợi có tính chất quyết định của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, quân và dân tỉnh ta phấn khởi bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ mới. Ngoài công tác chuẩn bị cho chiến dịch vận tải "ngày N" , tỉnh tiếp tục triển khai nhiệm vụ giúp đỡ mọi mặt cho vùng giải phóng Quảng Trị. 300 cán bộ các ngành quản lý kinh tế, giáo dục, y tế, quản lý chính quyền đã vào thị xã Đông Hà giúp tỉnh bạn công tác tiếp quản. Ban K15 (Ban tiếp đón đồng bào Quảng Trị) lập kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện để đưa đồng bào Quảng Trị ra sơ tán trở lại quê hương. Nhân dân toàn tỉnh vận động quyên góp các loại công cụ sản xuất, các loại giống cây trồng, vật nuôi... để giúp đồng bào Quảng Trị nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Những ngày cuối cùng kết thúc một giai đoạn lịch sử, quân và dân tỉnh ta đã phấn đấu thực hiện mọi nhiệm vụ với tinh thần cách mạng tiến công, với khí thế sôi nổi, hào hùng của người chiến thắng.

Ngày 27 tháng 01 năm 1973, tại Pa ri, " Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam" được ký kết(A192:150). Đội quân viễn chinh xâm lược Mỹ và các nước chư hầu phải rút hết toàn bộ khỏi miền Nam Việt Nam - Đây là một thất bại thảm hại của tên đế quốc đầu sỏ, hiếu chiến và tàn bạo nhất thế giới.

Bước leo thang chiến tranh phá hoại cao nhất của đế quốc Mỹ diễn ra trên địa bàn Quảng Bình chỉ 284 ngày, nhưng hết sức quyết liệt với nhiều thử thách hiểm nghèo. Kẻ thù đã sử dụng 19.000 lần chiếc máy bay các loại, trong đó có hơn 2.000 lần chiếc B52, dội xuống 25.000 loạt bom đạn ; tàu chiến Mỹ thực hiện trên 1.000 trận pháo kích, bắn vào các mục tiêu gần 5 vạn quả đạn pháo đủ cỡ. Tất cả là nhằm huỷ diệt, cắt đứt " cuống họng" nối liền giữa hậu phương và tiền tuyến. Được sự quan tâm cổ vũ và giúp đỡ của đồng bào, chiến sỹ cả nước, quân và dân Quảng Bình đã kiên cường bám trụ, kiên quyết đánh trả mọi thủ đoạn chiến tranh của kẻ thù. Từ ngày 05 tháng 4 năm 1972 đến 17 tháng 01 năm 1973, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã bắn rơi, bắn cháy , bắn chìm 39 tàu chiến, 92 máy bay các loại; trong đó quân và dân địa phương độc lập chiến đấu, bắn cháy, bằn chìm 26 tàu chiến, 41 máy bay, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.

Trong cuộc đọ sức sống còn với kẻ thù tàn bạo, Quảng Bình đã giành được chiến thắng. Đặc biệt, trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải vô cùng ác liệt, gian khổ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đồng bào , chiến sỹ tỉnh ta được phát huy đến mức cao nhất, chói sáng nhất - Đó là một đóng góp lịch sử!



* *

*

Trải qua 1.500 ngày đêm liên tục đương đầu với kẻ thù, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Bình đã kiên trì đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng cùng với quân dân cả nước giành thắng lợi quyết định.

Với tinh thần " vì cả nước, với cả nước", quân và dân Quảng Bình tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống quê hương "Hai giỏi", hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng vững chắc, chiến đấu giữ vững địa bàn cầu nối giữa hậu phương với tiền tuyến. Đồng thời dốc hết sức mạnh làm tròn nghĩa vụ với miền Nam anh hùng, với Trị Thiên ruột thịt, với tỉnh bạn Sa - vẵn - na - khẹt kết nghĩa. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt với một kẻ thù có nhiều âm mưu, thủ đoạn xão quyệt, có trang bị vũ khí hơn hẵn, lực lượng vũ trang địa phương đã ngày càng phát triển, trưởng thành về cả số lượng, chất lượng và hiệu quả chiến đấu, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến tranh nhân dân đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại nguy hiểm của kẻ thù. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, xả thân vì nước. Nhiều tập thể , cá nhân đã được tuyên dương danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình vừa là điểm nóng của cuộc chiến tranh phá hoại của địch, vừa là điểm đầu của cuộc chiến tranh giải phóng của ta. Đây chính là chiến trường của cuộc chiến tranh ngăn chặn và chiến đấu chống ngăn chặn. Bởi vậy, quân và dân Quảng Bình luôn nhận được sự quan tâm toàn diện của Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch. Mỗi bước chuyển tiếp của lịch sử , mỗi lần nhận nhiệm vụ mới, Trung ương đều có sự chỉ đạo trực tiếp, cụ thể , tạo điều kiện thuận lợi để quân dân tỉnh ta hoàn thành nhiệm vụ. Kề vai sát cánh cùng nhân dân Quảng Bình trong cuộc chiến đấu bảo vệ hậu phương tuyến đầu, bảo đảm giao thông vận tải còn có hàng vạn cán bộ, chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong từ khắp mọi miền đất nước về đây đóng góp máu xương, công sức cùng làm nên chiến thắng. Sự đóng góp to lớn đó đã giúp quân dân " Đất lửa" tăng thêm sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Trước thời cơ lịch sử mới, quân và dân Quảng Bình càng nổ lực phấn đấu hơn nữa, cùng với đồng bào , chiến sỹ cả nước quyết tâm đánh cho "Nguỵ nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

6. Khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, dốc sức chi viện tiền tuyến giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong 8 năm gây ra cuộc chiến tranh phá hoại chống miền Bắc, đế quốc Mỹ đã tập trung phần lớn lực lượng, phương tiện chiến tranh đánh phá hết sức ác liệt vào địa bàn Quảng Bình -" Yết hầu" của tuyến vận tải chiến lược từ hậu phương lớn vào các chiến trường. Hành động chiến tranh của chúng đã gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân trong tỉnh . Bom đạn giặc Mỹ đã giết hại hơn 14.000 người, hơn 22.000 người khác phải mang thương tật suốt đời; hàng vạn trẻ em phải sống trong cảnh mồ côi, hàng ngàn gia đình phải gánh chịu nhiều đau thương mất mát. Để trụ vững và đánh thắng kẻ thù, quân dân Quảng Bình chấp nhận chịu đựng sự khắc nghiệt của mọi thiếu thốn từ khí trời đến ngọn rau, hạt gạo để chiến đấu và sản xuất. Vì thế mà dịch bệnh hoành hành, sức khoẻ bị hao tổn nghiêm trọng. Toàn bộ cơ sở vật chất, kinh tế, kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống đều bị đánh phá có tính chất huỷ diệt. 6 vạn nhà ở, gần 800 kho tàng, 116 trường học, 43 cơ sở y tế, hàng nghìn ô tô, phà, tàu thuyền và những cơ sở vật chất khác bị phá huỷ hoặc cháy hỏng. Hàng nghìn héc ta rừng bị cháy trụi, 5.394 héc ta đất canh tác bị hoang hoá; hơn 1vạn trâu bò, 3 vạn con lợn bị bom đạn Mỹ giết chết. Hệ thống giao thông vận tải bị thiệt hại nặng nề. Hàng chục công trình thuỷ lợi, hàng trăm cơ sở sản xuất bị kẻ thù đánh phá hư hại mất khả năng hoạt động hoặc phải sửa chữa rất lớn. Cuộc chiến đấu đã tạm ngừng nhưng người Quảng Bình vẫn phải đổ máu ngay trên quê hương mình vì hàng vạn quả bom, đạn của giặc Mỹ đã để lại - Điều đó nói lên sự quyết liệt trong cuộc chiến đấu mới của quân và dân trong tỉnh: Cuộc chiến đấu hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng hậu phương vững mạnh và làm tròn nghĩa vụ với tiền tuyến trong một giai đoạn cách mạng mới.

Trong nhiệm vụ phục hoá, khai hoang mở rộng diện tích canh tác, lực lượng vũ trang địa phương luôn giữ vai trò nòng cốt dẫn đầu. Hàng vạn quả bom, pháo, đạn các loại được lực lượng công binh địa phương thu nhặt, phá huỷ. Hàng nghìn mộ liệt sỹ được cất bốc, quy tập vào các điểm quy định, các nghĩa trang tạm thời. Ngoài diện tích được phục hoá, diện tích đất đưa vào sản xuất ở vùng gò đồi, vùng núi tăng đáng kể. Sau hai năm kiên trì phấn đấu ( 1973-1974), diện tích đất phục hoá, khai hoang đưa vào canh tác được 2.000 héc ta, nâng diện tích sản xuất toàn tỉnh lên 49.000 héc ta.

Quyết tâm thực hiện " Thuỷ lợi đi trước một bước", Tỉnh uỷ chủ trương huy động các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân - tự vệ và thanh niên thành lập các đội xung kích làm lực lượng chủ công trên mặt trận thuỷ lợi. Chấp hành chủ trương đó, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ thị cho các đơn vị bộ đội địa phương vừa kết hợp sẵn sàng chiến đấu với huấn luyện, vừa đưa quân đến trực tiếp tham gia lao động trên các công trình lớn. Riêng lực lượng dân quân, tự vệ phối hợp với Đoàn thanh niên thành lập "Quân đoàn 22" , có tổ chức từ xã lên huyện, tỉnh; mọi hoạt động đều được "Quân sự hoá" để dồn nhân lực vào các công trường tập trung đông người. Các tiểu đoàn 14, 16, 53, 2/9 bộ đội địa phương tỉnh và các đơn vị bộ đội địa phương của 6 huyện làm công tác tổ chức, nhận nhiệm vụ ."Quân đoàn 22" ra đời, nhanh chóng ổn định biên chế, triển khai lực lượng đi vào hoạt động. Từ Cẩm Ly, Rào Nan, Đá Mài đến Đồng Ran, Tiên Lang...; từ Mỹ Trung, Bang đến Hữu Ngạn Kiến Giang, Hạc Hải..., không khí thi đua diễn ra nhằm giành năng suất lao động cao, chất lượng tốt, ngày công nhiều. Các đơn vị bộ đội thường xuyên đạt chỉ tiêu khối lượng từ 150 đến 200%. Đặc biệt, Đại đội 362 Quảng Ninh đạt tới 250% mức khoán. Ở "Quân đoàn 22", phong trào thi đua cũng diễn ra rất hào hứng. Trên công trình ngăn mặn K6( An - Vạn - Tân), năng suất lao động luôn đạt ở mức 180%; "Đoạn đường 22" Quảng Tân năng suất đạt tới 180%. Tại công trường Đá Mài, các đơn vị của "Quân đoàn 22" đã phát huy sáng kiến vận chuyển bằng xe cải tiến nên năng suất đạt đến mức kỷ lục là 406%.

Cùng với lực lượng xây dựng cơ bản của ngành thuỷ lợi, lực lượng vũ trang tỉnh đã góp phần quan trọng khôi phục, hoàn chỉnh và xây dựng mới các công trình thuỷ lợi chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Gần 29.000 héc - ta đất trồng cây lương thực được bảo đảm nước tưới; 1.000 héc ta thoát khỏi nạn ngập mặn và hơn 2.600 héc - ta được tiêu úng. Kết quả đó đã khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang địa phương: Trong chiến đấu đã chiến thắng, trong lao động cũng giành được chiến thắng!

Kết quả sản xuất lương thực trong mấy năm đầu sau chiến tranh phá hoại ghi nhận sự nổ lực rất lớn của quân và dân trong tỉnh. Vượt qua hậu quả chiến tranh và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Bình đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn trong sản xuất lương thực; từng bước giảm dần sự trợ giúp của Trung ương, phấn đấu vươn tới mục tiêu tự bảo đảm nhu cầu và làm tròn nghĩa vụ của mình đối với cả nước trong tình hình mới.

Trong 8 năm tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại đầy tội ác, đế quốc Mỹ đã sử dụng phần lớn bom đạn nhằm vào mục đích ngăn chặn tuyến vận tải chiến lược , huỷ diệt môi sinh và sự sống trên dãi đất hẹp Quảng Bình. Hệ thống giao thông, các công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở đã trở thành mục tiêu số 1 của kẻ thù. Hậu quả chiến tranh để lại trên thực tế là hết sức nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, nhân dân và lực lượng vũ trang nêu cao ý chí tự lực tự cường, chủ động giải quyết từng bước; khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự bao cấp của Trung ương.

Tỉnh đã phát động toàn dân tiếp tục hưởng ứng " Tết trồng cây làm theo lời Bác" để tăng nhanh diện tích rừng phủ đất trống, đồi trọc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng và nhu cầu sản xuất , tiêu dùng trong nội bộ; phong trào "Trồng cây gây rừng" diễn ra sôi nổi cuốn hút từ giới phụ lão đến các em học sinh trong toàn tỉnh. Nhân dân các xã Tây Trạch, Đại Trạch (Bố Trạch); Quảng Tùng, Quảng Phú (Quảng Trạch); Phú Thuỷ, Ngư Thuỷ (Lệ Thuỷ) ... đã khắc phục khó khăn của thời tiết, trồng và tạo được nhiều dãi rừng với hàng triệu cây trên đồi trọc, các triền cát ven biển . Sau 3 năm kiên trì thực hiện chủ trương " Phủ xanh đất trống, đồi trọc", ngành lâm nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã trồng được 40 triệu cây các loại, trả lại màu xanh cho quê hương sau 10 năm chiến tranh ác liệt.

Để nhanh chóng khôi phục mạng lưới giao thông vận tải, Ty Giao thông chủ động phối hợp với các ngành, các địa phương tận dụng lực lượng và vật liệu tại chỗ, khẩn trương sửa chữa, nâng cấp và mở mới các tuyến đường. Chỉ trong một thời gian ngắn, 150 ki lô mét đường liên huyện, liên xã đã được đưa vào sử dụng; 23 cầu trên các trục đường chính được phục hồi vững chắc. Nhờ có trang bị thêm vật tư kỹ thuật, các cảng Gianh, Đồng Hới từng bước nâng cao năng lực tiếp nhận phương tiện vận tải biển và bốc dỡ hàng hoá. Đáp ứng yêu cầu chi viện chiến trường trước mắt và lâu dài, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phối hợp với quân dân Quảng Bình tiến hành tu sửa, xây dựng cơ bản tuyến vận tải chiến lược đông và tây Trường Sơn đi qua địa phận tỉnh. Phát huy truyền thống bảo đảm giao thông vận tải trong 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, hoả tuyến của Quảng Bình đã góp công sức cùng bộ đội Trường Sơn hoàn thành tuyến vận tải chiến lược. Kết quả lao động gian khổ đó đã góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ vận chuyển một khối lượng lớn vật tư kỹ thuật, binh lực, hoả lực phục vụ chiến dịch Tổng tiến công chiến lược mùa xuân năm 1975 sau này.

Cùng với tuyến đường bộ, 215 ki lô mét đường sông cũng được khai thông luồng lạch, bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển hàng hoá kinh tế, quốc phòng. Nhờ vậy, năng lực vận chuyển vượt xa thời kỳ trong chiến tranh. Năm 1973, tổng khối lượng hàng hoá địa phương vận chuyển được gần 40 vạn tấn, năm 1974 tăng gần gấp đôi năm trước. Cả 3 năm (1973-1975) , trên 1 triệu tấn hàng hoá đã được vận chuyển an toàn, đáp ứng yêu cầu chi viện chiến trường và phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với kết quả đó, một lần nữa, quân và dân Quảng Bình đã làm sống lại tinh thần " Xe chưa qua, nhà không tiếc; đường chưa thông không tiếc máu, tiếc xương" trong cuộc đọ sức với kẻ thù trước đây và đã giành được chiến thắng.

Để trụ vững và đánh thắng kẻ thù trong cuộc chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng bom đạn của chúng, nhân dân Quảng Bình phải đưa mọi sinh hoạt và các hoạt động văn hoá giáo dục, y tế... xuống dưới mặt đất. Sau ngày địch ngừng bắn phá, việc đưa dân lên mặt đất và trả lại cuộc sống bình thường của con người là nhiệm vụ số 1 của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Để khắc phục những khó khăn về làm nhà ở cho nhân dân, Tỉnh kêu gọi toàn dân vừa chủ động chuẩn bị vật liệu tại chỗ, đồng thời phát huy truyền thống tương thân tương ái, " Lá lành đùm lá rách"; giúp đỡ lẫn nhau để ai cũng có nhà ở, trẻ em có nơi học hành, người đau ốm có nơi chữa bệnh. Các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ tập trung lực lượng, vật liệu sửa sang, xây dựng mới các công trình phúc lợi công cộng; giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình neo đơn, già cả... Nhân dân khắp địa phương đều đồng tâm hưởng ứng chủ trương của tỉnh. Ai có sẵn vật liệu thì tự làm nhà mình và san sẻ cho gia đình chưa có. Địa phương nào dồi dào nguồn tranh, tre, gỗ, nứa thì giúp những nơi gặp khó khăn. Chỉ một thời gian ngắn, cuộc sống của hàng chục vạn dân cùng toàn bộ cơ sở phúc lợi xã hội đều được đưa lên mặt đất; trong đó có 1/3 số nhà được làm mới; 57 trạm y tế, 728 phòng học các cấp; 196 nhà trẻ, mẫu giáo và một số trạm phát thanh, nhà bảo tàng được gấp rút hoàn thành; 1/3 các cơ sở phúc lợi được làm bằng gỗ tốt, lợp ngói. Phải nói đây cũng là một chiến thắng mới của quân và dân Quảng Bình sau ngày đế quốc Mỹ ngừng bắn phá.



* *

*

Tuy đã thất bại, buộc phải rút quân ra khỏi Việt Nam, song đế quốc Mỹ vẫn bám giữ lập trường ngoan cố, tìm mọi cách cứu vãn Nguỵ quyền Sài Gòn với nhiều thủ đoạn mới. Ở vào giai đoạn cuối của chiến tranh, địch vẫn tiếp tục cho không quân xâm phạm vùng trời Quảng Bình; chỉ trong tháng 02 năm 1975, đã có 5 lần máy bay SR71 và cánh quạt trinh sát dọc biên giới Việt - Lào.

Trước hành động khiêu khích chiến tranh của địch, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 nhận định trong tình huống địch gây lại chiến tranh ở miền Nam thì chúng sẽ liều lĩnh mở lại chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc hoặc dùng bộ binh tiến công ra nam Quân khu 4.

Từ nhận định của Quân khu, tháng 3 năm 1973, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã hoàn thành phương án tác chiến sẵn sàng đánh địch với 3 khả năng; phương án được Bộ Tư lệnh Quân khu phê chuẩn, nhanh chóng được phổ biến và giao nhiệm vụ đến các đơn vị trong toàn tỉnh. Tháng 10 năm 1973, căn cứ vào hoạt động của địch trên chiến trường nói chung và địa bàn Quân khu 4 nói riêng, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ thị bổ sung nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang Quảng Bình . Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tiến hành hoàn chỉnh phương án tác chiến sẵn sàng chiến đấu mới với 5 tình huống và kế hoạch xử lý cho từng tình huống. Kế hoạch được Quân khu thông qua và được quán triệt sâu rộng thêm một bước trong lực lượng vũ trang tỉnh. Các trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương của tỉnh; cơ quan quân sự huyện, thị xã đã xây dựng phương án tác chiến từng vùng, từng khu vực địa bàn mình phụ trách. Ba đại đội 361, 363, 365 bộ đội địa phương của 3 huyện Lệ Thuỷ, Bố Trạch, Quảng Trạch được phát triển thành 3 tiểu đoàn trực thuộc huyện. Sau khi tiểu đoàn 13 pháo binh đi chiến trường, tỉnh thành lập tiểu đoàn 13 mới. Các đại đội pháo binh 8,9,10 luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 2. Tiểu đoàn 16 thông tin và Đoàn 80 cũng được phát triển do yêu cầu và nhiệm vụ mới. Các đơn vị pháo cao xạ 37 ly của Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 2/9; lực lượng 12,7 ly của các đại đội 359, 360, 48, 362, 366, Tiểu đoàn 363 , đại đội 12,7 ly thuộc trung đoàn 185 ở tư thế " Sẵn sàng có địch là đánh, có lệnh là đi". Ở mỗi huyện, thị xã chọn 2 xã trọng điểm có phân đội 12,7ly vừa sản xuất, vừa trực chiến.

Cùng lực lượng phòng không, pháo binh, Tiểu đoàn 45 bộ binh thuộc Trung đoàn 185 được trang bị và tăng cường thêm các phương tiện thông tin, trinh sát và xe ô tô sẵn sàng cơ động đánh địch trên các hướng.

Đi đôi với chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chiến đấu, công tác bảo đảm nắm địch được duy trì chặt chẽ, phối hợp đồng bộ . Thông qua Trạm ra đa phòng không -không quân, hải quân , các trạm kiểm soát công an nhân dân vũ trang của các đồn Nhật Lệ, Thanh Khê, Roòn, Cha Lo, Làng Ho..., Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã kịp thời nắm chắc các hoạt động của địch. 4 đài quan sát ở Hoà Luật, Mồng Gà , Đồng Thành, cao điểm 151 (nằm trên đường chiến lược 15A); các cặp đài quan sát của đại đội 8, 9, 10 pháo binh; Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 2/9 cao xạ; các đài của các đại đội chốt ở Hòn Bung, đường 16, đường 10; các đài của các tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương huyện, thị xã và trung đoàn 185 hoạt động 24/24 giờ, tạo thành một mạng lưới nắm địch rộng khắp trên địa bàn.

Kết hợp nắm địch thông qua hệ thống đài quan sát, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh còn phối hợp tổ chức tuần tra canh gác dọc bờ biển giữa dân quân, du kích, công an vũ trang nhân dân và bộ đội địa phương ở các huyện, xã vùng biển. Các cấp, các ngành còn tổ chức giáo dục cho nhân dân vùng biển, vùng núi nêu cao tinh thần cảnh giác, hướng dẫn cách phát hiện địch....

Công tác bảo đảm thông tin liên lạc cũng được tổ chức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Liên lạc giữa Bộ Tổng Tham mưu và Quân khu 4, tỉnh thường xuyên duy trì bằng mạng hữu tuyến và vô tuyến 15 W có đài canh. Hai huyện Bố Trạch, Quảng Trạch liên lạc bằng đường dây ưu tiên (nội bộ và bưu điện). Các Huyện đội, Thị đội, đại đội, tiểu đoàn độc lập, ngoài bảo đảm liên lạc bằng hữu tuyến nội bộ và bưu điện, còn tổ chức thêm mạng sóng cực ngắn 2 W và có quy định vượt cấp khi khẩn cấp. Hình thức liên lạc giản đơn (chạy chân) ... được luyện tập thường xuyên và duy trì chặt chẽ.

Nhằm bảo đảm yêu cầu chiến đấu, các đơn vị đã tu sửa lại công sự, trận địa. Ở các nơi đóng quân đều có hầm hào chiến đấu, sinh hoạt. Các bến bãi, kho tàng được bố trí lại và có phương án bảo vệ. Ngoài việc bảo đảm yêu cầu chiến đấu trước mắt, đầu năm 1974, Tiểu đoàn 7 công binh tiến hành khởi công xây dựng công trình phòng thủ quan trọng. Do khó khăn về kỹ thuật, vật liệu, xe máy... nên đến tháng 9 năm 1974 mới làm được 22 hầm bằng thanh bê tông lắp ghép và một số công trình phụ, đạt 25% kế hoạch.

Căn cứ vào thế bố trí chiến lược và để bảo vệ miền Bắc, đồng thời chuẩn bị cho không quân vươn xa vào phía Nam; cùng với các sân bay trên địa bàn Quân khu như: Thọ Xuân, Vinh, Anh Sơn, sân bay Đồng Hới cũng được Quân chủng phòng không- không quân sửa chữa, khôi phục một bước. Đến cuối năm 1973, sân bay Đồng Hới được tăng cường lực lượng và trang thiết bị bảo đảm cho 1 đến hai biên đội tiêm kích của Trung đoàn 923, thuộc Sư đoàn 371 trực ban chiến đấu. Cuối năm 1974, toàn bộ lực lượng không quân chuyển trạng thái cấp 1, các biên đội trực ban chiến đấu trên sân bay Vinh, Đồng Hới được lệnh sẵn sàng đánh địch trên vùng trời nam Quân khu 4(1).

Thực hiện ý định của Bộ Tư lệnh Quân khu, Sư đoàn 341 chủ lực cơ động của Quân khu được bố trí hầu hết trên các địa bàn tỉnh. Các Trung đoàn bộ binh 273, trung đoàn pháo, trường huấn luyện và sư đoàn bộ được bố trí ở khu vực tây nam Lệ Thuỷ . Từ bắc đường 10 (Quảng Ninh) đến Bố Trạch là nơi đứng chân của trung đoàn 270(2). Tháng 12 năm 1974, sư đoàn tổ chức diễn tập trên địa bàn ngã tư Thạch Bàn (Lệ Thuỷ) đến Đồng Hến. Kết quả đạt được qua cuộc diễn tập thể hiện quyết tâm và sẵn sàng cơ động đánh địch của cán bộ, chiến sỹ trên vị trí tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và cửa ngõ của Trung Hạ Lào.

Sự hiệp đồng chặt chẽ, sẵn sàng đánh địch của lực lượng vũ trang địa phương với lực lượng không quân và Sư đoàn 341 đã làm thất bại ý đồ phiêu lưu quân sự của địch đối với Quân khu 4 nói chung và Quảng Bình nói riêng.

Những tháng cuối năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam ngày càng chuyển biến có lợi cho ta. Cùng cả nước hướng ra phía trước, tháng 8 năm 1974, tỉnh lại tiếp tục bổ sung 980 đồng chí cho Sư đoàn 341: Gồm Đại đội 4, Tiểu đoàn cao xạ 2/9; Đại đội 3, Tiểu đoàn 13(mới) pháo binh, 560 cán bộ, chiến sỹ bộ binh và 203 cán bộ, chiến sỹ thông tin. Với số lượng đông, thời gian gấp rút, nhưng việc bàn giao vẫn tiến hành nhanh, gọn, đáp ứng yêu cầu của đơn vị bạn. Tháng 11 năm 1974, Quân khu lại giao cho Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình gấp rút huấn luyện 808 chiến sỹ mới tăng cường cho Sư đoàn 341 và Trung đoàn 79.
Qua hai năm 1973 - 1974, so sánh lực lượng địch - ta trên phạm vi cả nước, cũng như trên chiến trường miền Nam đã có những chuyển biến cơ bản rõ rệt, có lợi cho cách mạng, ta đã mạnh hơn hẵn địch . Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976; đồng thời chuẩn bị phương án cực kỳ linh hoạt là sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975 khi xuất hiện thời cơ lịch sử.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, lực lượng vũ trang cả nước khẩn trương củng cố mọi mặt, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ lịch sử. Các đơn vị phía trước gấp rút chuẩn bị chiến trường, lực lượng phía sau sẵn sàng chờ lệnh. Trong khí thế sôi nổi của cả nước, tháng 02 năm 1975, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình được lệnh bổ sung hai tiểu đoàn bộ binh, hai đại đội trinh sát, một đại đội thông tin và một đại đội hoả lực cối 82, ĐKZ, với tổng quân số 1.505 cán bộ, chiến sỹ cho Sư đoàn 341.


Ngày 15 tháng 02 năm 1975, Sư đoàn 341 vào chiến trường. Trong đội hình Sư đoàn có hàng ngàn con em Quảng Bình tham gia giải phóng miền Nam. Nhiều người mãi mãi nằm xuống ở Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hoà, Long Bình - Nơi những dấu chân sư đoàn đi qua và làm nên chiến thắng.

Ngày 10 tháng 3 năm 1975, Tây Nguyên vang tiếng súng mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền Nam. Sau hai ngày chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn - Ma - Thuột, đập vỡ một mảng lớn hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Nguyên. Tiếp đó, chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lớn. Để đáp ứng yêu cầu sức người, sức của cho miền Nam trong tình hình mới, ngày 25 tháng 3 năm 1975, Hộ đồng chi viện miền Nam ở Trung ương được thành lập, do đồng chí Phạm Văn Đồng, uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; đồng chí Lê Thanh Nghị, uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng làm Phó chủ tịch(1). Việc thành lập Hội đồng chi viện miền Nam ở Trung ương vào giờ phút lịch sử này thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc huy động sức người, sức của cả nước chi viện kịp thời cho chiến trường giành thắng lợi quyết định.

Theo đà thắng lợi của cách mạng, những tuyến đường vận chuyển bằng đường biển, đường không mở rộng, vươn dài từ Bắc vào Nam. Hàng hoá, phương tiện vật chất kỹ thuật, bộ đội hành quân từ hậu phương lớn qua Quảng Bình nườm nượp. Cảng Gianh, Cảng Nhật Lệ, tàu thuyền ra vào hối hả. Trên các tuyến đường bộ, xe cộ chuyển bánh ngày đêm tiến ra tiền tuyến. Lực lượng giao thông vận tải Quảng Bình dồn hết sức mình đưa nhanh hàng ra phía trước - Tất cả vì miền Nam toàn thắng!

Sau thắng lợi liên tiếp ở Tây nguyên và Trị - Thiên, khu 5, các vùng chiến lược mới được giải phóng mở ra thời cơ chiến lược để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian ngắn nhất với tư tưởng chỉ đạo: " Thần tốc , táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, ngày 26 tháng 4, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu. Sau 4 ngày chiến đấu anh dũng, ngày 30 tháng 4, năm cánh quân chủ lực của ta phối hợp với lực lượng vũ trang và đồng bào địa phương tiến vào Sài Gòn như vũ bão đè bẹp sự phản kháng cuối cùng của Mỹ - Nguỵ.

Cả nước đang tiến về Sài Gòn, toàn quân đang tiến về Sài Gòn. Trong đoàn quân hùng dũng đó có hàng ngàn người con Quảng Bình vinh dự góp sức mình cùng dân tộc làm nên chiến thắng.



Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Nhân dân ta đã thực hiện đầy đủ lời chúc đầu năm cuối cùng của Bác Hồ kính yêu trước lúc Người đi xa: " Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào"

* *

*

Sau gần 10 năm chiến tranh khốc liệt, quân và dân Quảng Bình đã phát huytruyền thồng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà đỉnh cao là phong trào thi đua "hai giỏi", không quản ngại hy sinh, gian khổ, kiên cường và dũng cảm đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, duy trì sản xút và ổn định đời sống, chi viện cao nhất sức người sức của cho chiến trường, đảm bảo thông suốt cho mọi sự chi viện của miền Bắc đối với chiến trường miền Nam, cùng cả nước đánh rhắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, góp phần quan trọng vào sự nghiệp thống nhất đất nước, cùng cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam " Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" để thực hiện trọn vẹn lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

tải về 413.47 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương