Chương XIII: cuộc kháng chiến chống mỹ, CỨu nưỚC


Đánh thắng cuộc leo thang phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, tiếp tục chi viện cho chiến trường đánh thăng



tải về 413.47 Kb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích413.47 Kb.
#13263
1   2   3   4   5

2.5. Đánh thắng cuộc leo thang phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, tiếp tục chi viện cho chiến trường đánh thăng

Để cứu vãn tình hình quân sự đang có nguy cơ thất bại trên chiến trường, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược trong thế bị động, "Mỹ hoá" trở lại cuộc chiến, liều lĩnh leo đến nấc thang chiến tranh cao nhất. Trên chiến trường miền Nam , chúng tăng cường ồ ạt lực lượng không quân, hải quân lớn chưa từng có, yểm trợ hoả lực tối đa cho quân Nguỵ chống đỡ cuộc tiến công của quân và dân ta. Đối với miền Bắc, chính quyền Ních Xơn huy động một lực lượng lớn máy bay, tàu chiến phong toả toàn bộ hệ thống giao thông thuỷ , bộ ; điên cuồng đánh phá các mục tiêu quân sự , kinh tế , khu vực dân cư với mức độ rất ác liệt. Âm mưu của chúng là chặn đứng nguồn tiếp tế từ ngoài vào nước ta, từ miền Bắc vào miền Nam, phá hoại hậu phương của cuộc kháng chiến.

Kết hợp leo thang chiến tranh nguy hiểm với các thủ đoạn chính trị, ngoại giao xảo quyệt, đế quốc Mỹ hy vọng gây áp lực buộc ta phải chấp nhận một giải pháp chính trị giải quyết cuộc chiến tranh có lợi cho chúng. Ních Xơn trắng trợn tuyên bố: " Thà thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống còn hơn thua trong cuộc chiến tranh này"(A35:264).

Là hậu phương trực tiếp của chiến dịch tiến công chiến lược năm 1972, vừa là hậu phương trực tiếp của hướng chủ yếu của chiến dịch, Quảng Bình trở thành hướng phòng ngự chiến lược của địch chống lại cuộc tiến công của quân ta trên chiến trường. Vì vậy, địch đã đánh vào Quảng Bình sớm nhất với lực lượng lớn nhất, đánh ồ ạt trên toàn tuyến, mức độ ác liệt hơn. Những ngày đầu, địch tập trung đánh vào các mục tiêu giao thông vận tải, quân sự. Về sau, mục tiêu đánh phá mở rộng vào các công tình thuỷ lợi, trường học, bệnh viên, khu vực dân cư trong toàn tỉnh. Trong 25 ngày của tháng 4, máy bay và tàu chiến địch đã sử dụng hơn 500 loạt bom các loại, gần 7000 quả đạn pháo, đánh 500 trận vào 360 điểm. Ngày 30 tháng 4, địch đánh vào 33 mục tiêu trong tất cá các huyện, thị ở Quảng Bình.

Phối hợp chiến đấu với lực lượng của Bộ , Quân khu, Bộ đội Phòng không, Pháo binh và dân quân, tự vệ toàn tỉnh kiên quyết đánh trả hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ. Trong hai ngày 5 và 6 tháng 4, Tiểu đoàn 9 Cao xạ , Đại đội 359 và các phân đội trực chiến của dân quân, tự vệ Lệ Thuỷ, Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch cùng lực lượng phòng không của trên, giăng lưới lửa bắn rơi 9 máy bay địch. Bộ đội pháo binh cũng đồng loạt ra quân đánh đuổi tàu chiến Mỹ. Ngày 06 tháng 4, phát hiện âm mưu cứu giặc lái Mỹ nhảy dù xuống vùng biển Lý Hoà, Đại đội 48 đã bắn chính xác 6 viên đạn vào giữa đội hình máy bay, tàu chiến địch, phá tan âm mưu của chúng. Ngày 08 tháng 4, tại vùng biển Quảng Phú, Đại đội 8 bắn cháy một tàu chiến Mỹ. Đặc biệt là chiến công ngày 09 tháng 4, tại trận địa Quang Phú, Đại đội 10 đánh hai trận, bắn cháy một tốp 3 tàu; tại trận địa Thanh Trạch, Đại đội 48 nổ súng bắn cháy 1 tàu chiến . Như vậy, trong một ngày, đánh ba trận, bộ đội pháo binh đã bắn cháy 4 tàu chiến Mỹ. Đây là một chiến công đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng về hiệu quả chiến đấu của lực lượng pháo binh địa phương. Trong tuần đầu tiên, từ ngày 05 đến 11 tháng 4, có 7 tàu chiến Mỹ bị bắn cháy trên vùng biển Quảng Bình; trong đó, các đơn vị pháo binh tỉnh độc lập chiến đấu bắn cháy 5 chiếc. Tuy nhiên, do tầm bắn hạn chế ( pháo 85ly), nên pháo binh ta chưa khống chế được hoạt động của tàu khu trục Mỹ. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định sử dụng máy bay tiêm kích trừng trị tàu chiến Mỹ. Ngày 18 tháng 4, một biên đội MIC 17 đã bí mật tập kết vào sân bay dã chiến Gát ( Bố Trạch). 16 giờ 55 phút ngày 19 tháng 4, Biên đội bất ngờ xuất kích tấn công vào đội hình tàu chiến địch đang triển khai ở vùng biển phía đông Phú Hội. Chiếc khu trục hạm HIGBEE bị trúng bom, hỏng nặng. Cay cú vì thất bại trước trận đánh bất ngờ của không quân ta, giặc Mỹ huy động máy bay đánh phá vào nhiều mục tiêu phía bắc để trả đũa. Quân và dân các địa phương, đơn vị như Đại đội 300 ( Đồng Hới), Tiểu đoàn 9 Cao xạ, dân quân Lộc Ninh, Cảnh Dương, Bảo Ninh, Kim Hoá đều nổ súng đánh trả quyết liệt. Ngày 20 tháng 4, dân quân Minh Hoá và Trung đoàn phòng không 238 đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.500 của Mỹ trên miền Bắc, được Chủ tịch Tôn Đức Thắng gửi thư khen ngợi . Ngày 23 tháng 4, Tiểu đoàn 9 Cao xạ " đánh giỏi, bắn trúng", liên tiếp bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ. Đại đội 13 trinh sát khắc phục đường xa, rừng rậm, kiên trì lùng sục, bắt sống tên trung tá giặc lái Mỹ ở khu vực Nông trường Việt- Trung.

Hành động gây tội ác của đế quốc Mỹ đã bị trừng trị đích đáng. Trong tháng 4, quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi 23 máy bay, bắn cháy 8 tàu chiến, bắt sống 2 giặc lái Mỹ, góp phần cùng quân dân miền Bắc giáng đòn phủ đầu vào hành động leo thang chiến tranh của chúng.

Rút kinh nghiệm của thời kỳ 1965- 1968, từ những " làng hầm" nổi tiếng như Ngư Thuỷ, Sen Thuỷ, Hiền Ninh, Trung Trạch..., toàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều "làng hầm" mới. Có đủ hầm là yếu tố đầu tiên giúp cho quân và dân vững tâm trụ lại vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Trong năm 1972, khi máy bay địch đánh phá có tính chất huỷ diệt vào địa bàn An Thuỷ, Xuân Thuỷ, thì phân đội trực chiến dân quân Phú Thuỷ do đồng chí Lê Ngọc Miêng chỉ huy, đã không sợ hy sinh, giữa đêm vượt đồng, băng ruộng, giá súng giữa đồng bắn đạn vạch đường hút địch về phía mình, tạo thời cơ cho xã bạn kịp sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hành động quên mình đó đã được các cụ, các mẹ ở An Thuỷ , Xuân Thuỷ gửi thư cám ơn đến Đảng uỷ xã Phú Thuỷ. Đó là những điển hình sống động trong bài học về công tác phòng không nhân dân của Quảng Bình.

Lúc này, để giữ vững thế tiến công trên chiến trường, Bộ Tư lệnh chiến dịch yêu cầu hậu phương chi viện lực lượng cho hướng chủ yếu. Quân và dân Quảng Bình sẵn sàng đáp ứng! Lực lượng vũ trang quảng Bình đã đánh nhiều trận lớn gây cho địch nhiều tổn thất. Từ chiến trường Trị - Thiên, các bản tin nội bộ của " Đoàn Quảng Bình" được in li - tô tại chỗ, nhanh chóng chuyển về hậu phương báo tin chiến thắng với Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh."... Ngày 09 tháng 4, Tiểu đoàn 3 ( e54 Nguỵ) đang co cụm ở d3 chưa kịp hoàn hồn sau trận tiến công của đơn vị Bố Trạch, thì lại bị Phân đội 2, Phân đội 3 đánh tiếp một trận. Địch bỏ lại 70 xác chết, ta thu 5 khẩu súng. Liên tục trong các ngày 09, 10, 11 tháng 4, các đơn vị Bố Trạch, Quảng Ninh, 420 liên tiếp pháo kích vào D1, phá huỷ nhiều công sự, ụ súng, lô cốt; làm tê liệt khu thông tin và trận địa pháo của địch. Ngày 02 tháng 4, Phân đội 5, Phân đội 7 đã bao vây, tiến công Tiểu đoàn 3 Nguỵ ở cao điểm 360, diệt và bắt sống 120 tên. Ngày 10 tháng 4, Phân đội 2, Phân đội 3 vận động tiến công Tiểu đoàn 3 nguỵ co cụm ở Cao điểm Mái Nhà, diệt 70 tên, thu nhiều vũ khí. Ngày 12 tháng 4, Phân đội 5 bao vây , tiến công tàn quân nguỵ chạy về Động Tranh, diệt 95 tên, bắt sống 6 tên, thu toàn bộ vũ khí. Các phân đội pháo binh 120, 15, 16, 17, 18 và 12 liên tiếp bắn trúng các mục tiêu quan trọng của địch ở Động Tranh, tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn 11 pháo binh Nguỵ.

Như vậy, trong 10 ngày, Đoàn đã tiêu diệt 2 tiểu đoàn của tiểu đoàn 54 nguỵ, bắn rơi 11 máy bay, được Bộ Tư lệnh Trường Sơn gửi điện khen ngợi.

Trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, Đoàn Quảng Bình liên tiếp tiến công địch, giành nhiều thắng lợi giòn giã.

Trong hai ngày ( 24 và 25 tháng 4), tại trận địa của đại đội Lệ Thuỷ, Phân đội 2 đánh 4 trận, diệt gọn 1 đại đội của địch, thu 38 súng, 2 máy PRC25, bắt sống 2 tù binh, được Thường vụ Đảng uỷ và Thủ trưởng Đoàn gửi điện biểu dương.

Trên mặt trận đảm bảo giao thông vận tải, tình hình diễn biến phức tạp ngay từ những ngày đầu. Tuyến biển hầu như bị địch khống chế hoàn toàn. Trên khu vực biển gần Quảng Bình, thường xuyên có 4 đến 6 tàu khu trục, 1 tuần dương hạm và 1 tàu chở trực thăng ( LPH) túc trực. Ngoài khơi có 2 tàu sân bay và 1 biên đội tàu đổ bộ làm lực lượng răn đe từ xa. Chúng thường sử dụng 4 đến 6 tàu vừa chạy vừa bắn dọc theo bờ biển. Khi bị đánh trả, chúng thay đổi thủ đoạn: Tiếp cận nhanh, bắn nhanh, rút nhanh, mỗi đợt bắn diễn ra chỉ vài phút; thời gian pháo kích thường về đêm, hoặc những lúc máy bay chúng tạm ngừng hoạt động. Trận pháo kích cao nhất, chúng bắn 600 quả đạn; ngày nhiều nhất lên tới 1.530 quả. Có ngày, tàu chiến địch bắn phá 24 trận, tháng cao nhất 226 trận, bắn vào các mục tiêu trên bờ 8.400 quả đạn pháo các loại(1). Từ ngày 16 tháng 4, tàu biển vận chuyển hàng hoá không vào được các cảng của Quảng Bình.

Đến đầu tháng 5 năm 1972, địch có những biểu hiện chuẩn bị bước leo thang chiến tranh cao hơn. Hoạt động trinh sát bằng máy bay tăng gấp 4 lần tháng trước. Máy bay trinh sát tầm cao SR71 xuất hiện ngày càng nhiều. Kết hợp với loại tầm thấp, máy bay không người lái tăng cường hoạt động sục sạo, chụp ảnh, chuẩn bị trước mục tiêu định đánh phá. Sau mỗi đợt đánh phá, địch lại trinh sát hiện trường để phát hiện mục tiêu mới. Do vậy, các mục tiêu lộ thiên mặt bằng rộng, nguỵ trang không kỹ đều bị chúng phát hiện, đánh trúng.

Ngày 04 tháng 5, Mỹ đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn các phiên họp của Hội nghị Paris.

Ngày 08 tháng 5, Ních Xơn tuyên bố " Hành động quân sự có tính chất quyết định", ra lệnh thả mìn phong toả toàn bộ hệ thống giao thông trên miền Bắc.

Ngày 09 tháng 5, địch rải thuỷ lôi phong toả cửa Gianh. Ngày 13 tháng 5, chúng phong toả cửa Nhật Lệ. Tới đầu tháng 6, các bến Gianh, Nhật Lệ, Roòn, Quán Hàu, Xuân Sơn, Long Đại và dọc biển từ Hòn La đến Quảng Xuân dày đặc thuỷ lôi Mỹ. Trong 43 khu vực địch công bố phong toả thì khu vực Hòn La và Cảng Gianh bị phong toả nặng nhất(A35:124). Hành động phong toả của địch đã gây nên điểm tắc dài ngày trên đường biển. Tuyến Bến Thuỷ - Gianh từ mức vận chuyển từ 4.000 tấn/ tháng , sau khi bị phong toả phải ngừng hẵn. Cùng với việc phong toả, cường độ đánh phá của địch tăng nhanh cả mức độ, thủ đoạn, phương tiện vũ khí. Trong tháng 5, địch huy động 667 tốp với 1500 máy bay các loại, ném xuống 1.700 loạt bom, có cả tên lửa, rốc két, bom cháy. Ngày 16 tháng 5, máy bay Mỹ đánh sập cầu Mỹ Đức, chiếc cầu còn lại cuối cùng trên tuyến đường bộ Quảng Bình. Đến tháng 6, số lần hoạt động của máy bay địch tăng lên gấp rưỡi so với tháng trước. Nghiêm trọng nhất là từ ngày 08 tháng 6, Mỹ đã sử dụng máy bay B52 oanh tạc cả ngày đêm vào nhiều mục tiêu trên địa bàn. Cùng với hoạt động của máy bay, trong tháng 6, tàu chiến địch đã tiến hành 102 lần bắn phá với gần 5.000 quả đạn pháo vào dọc đường 1, 15 và các mục tiêu ven biển.

Vừa tranh thủ vận chuyển qua tuyến quốc lộ 1A, tỉnh chủ trương tập trung lực lượng nhanh chóng khôi phục đường 15A, 22; đồng thời tăng thêm lực lượng chuyển tải qua sông bằng thuyền gỗ. Quân và dân các địa phương cùng với lực lượng của các ngành giao thông, bộ đội thông tin, các binh trạm của sư đoàn khu vực 571, ngày đêm dồn sức sửa cầu, làm ngầm, mở đường phòng tránh, mở rộng các đoạn đường hẹp để sớm thông tuyến. Mặt khác tích cực mở thêm nhiều bến, tăng phương tiện chuyển tải trên các bến vượt. Từng bước, đã khắc phục được khâu vượt sông, nâng dần khối lượng hàng qua bến, đẩy vào các binh trạm chuyển tiếp ra mặt trận. Để đáp ứng tình hình mới, các bến phà được tổ chức quân sự hoá, giao cho lực lượng quân sự chỉ huy, điều hành.

Ở các địa bàn trọng điểm, cơ quan quân sự tổ chức huấn luyện cấp tốc cho các tổ , đội quan sát, rà phá thủy lôi, từ trường, bom nổ chậm; lập nhiều đài quan sát gần bờ biển, cửa sông, bến vượt.

Cùng chung nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải với quân và dân tỉnh ta trên địa bàn còn có lực lượng của Bộ, Quân khu, Đoàn 559 và các tỉnh bạn tham gia. Ngày 18 tháng 5, công binh khu vực Hải quân sông Gianh ( KV4) mở thông luồng sông Gianh với khu vực Hòn La lần thứ nhất(A192:268). Bộ đội hải quân còn lập nhiều trạm quan sát thuỷ lôi dọc bờ biển, cửa sông, hoạt động bên cạnh lực lượng quan sát của địa phương. Khi địch thả thuỷ lôi MK42, công binh hải quân đã nghiên cứu tìm cách phá có hiệu quả.

Để nới rộng tuyến vận tải biển, các đơn vị pháo binh tích cực di chuyển trận địa, liên tục nổ súng đánh đuổi tàu chiến Mỹ. Trong 10 ngày đầu tháng 6, tại trận địa Quảng Phú, Đại đội 8 pháo binh tỉnh đánh 3 trận bắn cháy 3 tàu địch, giành thắng lợi giòn giã.

Đặc biệt là chiến công mới của Đại đội pháo binh nữ dân quân xã Ngư Thuỷ: Trong hai ngày (05 tháng 5 và 09 tháng 6) đã bắn cháy 2 tàu chiến Mỹ, được Bộ Tổng Tư lệnh gửi điện khen ngợi. Cùng sát cánh chiến đấu với Đại đội nữ pháo binh dân quân Ngư Thuỷ trên vùng biển Lệ Ninh, Đại đội 9 pháo binh 3 lần nổ súng là 3 lần bắn cháy tàu chiến địch.

Để phá thế phong toả " Án ngự Hoành Sơn" của địch, tỉnh quyết định mở 4 tuyến tiếp nhận và chuyển tải ở khu vực Bắc Gianh; lập 3 trạm tiếp chuyển và một loạt kho chứa từ Bắc Gianh vào đến Nam Long Đại(4 tuyến chuyển tải gồm: Hòn La, Quảng Trường, Bù Lu Kịnh- Minh Cầm, Chu Lễ - Đò Vàng - Minh Cầm; mang mật danh R1, R2, R3, R4).

Thực hiện chủ trương " vũ trang toàn dân", Bộ chỉ huy quân sự tỉnh gấp rút tổ chức lực lượng chiến đấu, tăng cường trang bị cho lực lượng vũ trang. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng dân quân - tự vệ đã lên tới gần 6 vạn người, trong đó có 60% được biên chế vào các đơn vị chiến đấu; trang bị hơn 18.000 khẩu súng các loại. Các khu vực trọng điểm được trang bị tăng cường 2.500 súng bộ binh và hoả lực đi cùng. Tính bình quân trong dân quân, tự vệ, cứ 3 chiến sỹ được trang bị 1 súng; trong toàn dân, cứ 24 người có 1 súng, chưa kể hàng vạn loại vũ khí tự tạo khác(1).

Về lực lượng phòng không, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức thêm tiểu đoàn pháo cao xạ 2/9, một đại đội 14,5ly và 15 phân đội 12,7ly.



* Chiến dịch hòn La

Sau khi Ních Xơn tuyên bố phong toả toàn bộ hệ thống giao thông thuỷ bộ của miền Bắc, các cảng lớn như Hải Phòng, Bến Thuỷ... không tiếp nhận hàng hoá từ ngoài vào nước ta được; lượng vật chất chi viện cho tiền tuyến giảm đi đáng kể.

Quyết tâm giành thắng lợi quân sự trên chiến trường để phục vụ mục tiêu chiến lược năm 1972, Trung ương quyết định giao cho Quảng Bình một nhiệm vụ quan trọng: Tiếp nhận lương thực viện trợ của nước bạn đến từ đường biển. Đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương giải thích: Nếu hàng được tiếp nhận ở Quảng Bình thì cung độ vận chuyển cơ giới đường bộ từ Bùng (Nghệ An) vào Gianh được rút ngắn rất nhiều; đồng thời ở Quảng Bình, hàng vào các cửa khẩu của 559 vào chiến trường nhanh hơn; mặt khác, bạn đến Quảng Bình sẽ tận mắt chứng kiến ý chí quyết tâm chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta(1).

Nằm ở phía bắc cửa Roòn, nam Đèo Ngang, Vịnh Hòn La hình thành giữa 3 hòn đảo nhỏ là Hòn Cỏ, Hòn Chùa và Hòn La. Vịnh cách bờ biển xã Quảng Đông khoảng 2,4ki lô mét, có độ sâu ổn định từ 7đến 10 mét, tàu có trọng tải lớn ra vào, trú đậu được. Đặc biệt là ở phía nam Vịnh có luồng thông với cửa Gianh vào cảng Gianh, một đầu mối tiếp chuyển hàng quan trọng số 1 của Quảng Bình. Chính vì vậy, Vịnh Hòn La được chọn là nơi tàu đến neo lại để giao nhận hàng.

Để thực hiện ý đồ chiến lược của Trung ương, Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua kế hoạch tiếp nhận và chuyển tải ở khu vực Hòn La - bắc Gianh, lấy tên là " Chiến dịch Hòn La", mang mật danh KHR1. Ban chỉ đạo chiến dịch gồm các đồng chí : Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ty giao thông, Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh, Trưởng Ty công an và một số cán bộ các ngành lương thực, thuỷ sản. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lương thực, Bộ Ngoại thương cũng cử cán bộ tham gia vào Ban chỉ đạo. Chỉ huy sở của Ban chỉ đạo chiến dịch đóng ở thôn Thanh Bình ( xã Quảng Xuân), phía bắc cửa Gianh, nam Vịnh Hòn La. Nhằm huy động cao nhất lực lượng và phương tiện phục vụ chiến dịch, huyện Quảng Trạch, Bố Trạch đều thành lập Ban chỉ đạo của địa phương, giao cho cấp uỷ, chính quyền 11 xã vùng biển động viên dân quân tình nguyện tham gia đợt chuyển tải. Tỉnh còn chỉ thị cho các huyện, thị , đơn vị trong toàn tỉnh có kế hoạch sẵn sàng tiếp ứng cho chiến dịch Hòn La.

Theo hợp đồng, tàu bạn sẽ vào Vịnh Hòn La, ta huy động lực lượng vận tải thuỷ ra nhận hàng đưa vào khu vực bắc Gianh. Từ đó, hàng được đưa qua nam Gianh để toả đi các tuyến. Ban chỉ đạo chiến dịch phân công, bố trí lực lượng như sau:

Ban chỉ đạo hai huyện Quảng Trạch, Bố Trạch lấy khu vực Xuân Hoà ( xã Quảng Xuân) làm bàn đạp xuất phát, điều hành lực lượng chuyển tải của 11 xã vùng biển và toàn bộ lực lượng bộ dội, dân quân, tự vệ chuyển hàng trên bờ.

Ty Giao thông vận tải bảo đảm phương tiện cơ giới qua phà Roòn; chỉ huy lực lượng vận tải thuỷ cơ giới tiếp nhận hàng từ tàu vào cảng Gianh.

Ty Thuỷ sản chỉ huy toàn bộ phương tiện , tàu, thuyền đánh cá được huy động; lấy xí nghiệp đánh cá Nhật Lệ làm nòng cốt, lập các đội chuyển tải hàng từ bắc Gianh vào cảng và từ Bắc qua Nam Gianh.

Lực lượng chiến đấu bảo vệ chiến dịch gồm 7 cụm hoả lực phòng không của Bố Trạch, toàn bộ lực lượng trực chiến của Quảng Trạch; đại đội cao xạ 100 ly, đại đội 3 cao xạ 37ly ( của d9); đại đội pháo binh 130 ly và đại đội 8 pháo 85ly; đại đội 365 bố trí một phân đội hoả lực chốt ở Đảo La, sẵn sàng đánh máy bay địch. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ huy toàn bộ lực lượng chiến đấu ở khu vực bắc Gianh - Hòn La.

Công an nhân dân vũ trang tỉnh lập trạm Cảng 305, có nhiệm vụ liên lạc giữa tàu với trên bờ, bảo vệ cảng, làm thủ tục giám hộ tàu bạn ra vào Vịnh.

Ngày 25 tháng 5 năm 1972, Trung ương điện báo cho tỉnh: Tàu Hồng Kỳ 150(HK150) chở 6.000 tấn gạo của nhân dân Trung Quốc ủng hộ đã xuất phát.

Bộ đội, dân quân, tự vệ đã có mặt ở vị trí quy định. Lực lượng vận tải cơ giới tập kết ở khu vực Lệ Sơn ( xã Văn Hoá) . Lực lượng vận tải thủ công được dấu kín từ khu vực bắc cửa Gianh đến Cảng. Các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu đã sẵn sàng . Không khí căng thẳng của trận đánh lớn bao trùm khu vực bắc Gianh - Hòn La

Ngày 29 tháng 5, tàu Hồng Kỳ 150 đến bỏ neo trong Vịnh, cách Đảo La 150 mét về phía tây. Ngay đêm đó, đoàn cán bộ tỉnh ta ra tàu làm thủ tục nhận hàng. Tận dụng yếu tố bất ngờ, đêm 30 tháng 5, ban chỉ đạo phát lệnh cho đoàn tàu VS, tàu đánh cá đang ở khu vực Lệ Sơn xuất phát trên cung độ từ Cảng Gianh đến tàu HK dài 20 ki lô mét; chuyến đầu tiên ta chuyển được 500 tấn gạo rời vào Cảng, giữ được bí mật . Sáng 01 tháng 6, ba tàu chiến Mỹ đến thả neo cách tàu Bạn khoảng 10 ki lô mét. Máy bay địch quần lượn sát tàu để phát hiện phương tiện của ta ra lấy hàng. Đêm mồng 01 tháng 6, khu vực Vịnh Hòn La bùng sáng dưới ánh đèn dù của chúng. Máy bay, tàu chiến địch bắn phá dữ dội vào khu vực bờ đối diện với tàu Hồng Kỳ. Tốc độ vận chuyển của ta chậm hẳn lại. Mặc dù hết sức cố gắng, trong tuần đầu, ta chỉ đưa được 2.500 tấn hàng vào bờ. Sau đó, địch thả thuỷ lôi phong toả thì vận chuyển cơ giới ngừng hẳn .

Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo quyết định sử dụng thuyền gỗ vận tải nhỏ, thuyền đánh cá tiếp tục vận chuyển hàng vào Cảng và khu vực kho ở Thanh Bình, 19 / 5* (gọi là lao dọc) .56 ngày đêm vật lộn với sóng gió, đọ sức với bom đạn, thuỷ lôi của giặc Mỹ, ta đã đưa được 5.000 tấn gạo vào bờ; trong đó " phương án thuyền nan" vận chuyển được 1.750 tấn, kết thúc thắng lợi đợt 1 của chiến dịch.

Để chuẩn bị cho đợt 2, Ban chỉ đạo giao cho Ty Thuỷ sản thí nghiệm phương án thả gạo tự trôi vào bờ. Thành công của phương án này mở ra khả năng: ta rút phần lớn lực lượng vận chuyển vào bờ làm nhiệm vụ gom nhặt, bốc chuyển lên kho và giảm được đáng kể tổn thất cả người lẫn phương tiện.

Ngày 27 tháng 6, tàu HK 152 đến Vịnh Hòn La, mang theo 6.000 tấn gạo đóng sẵn 4 bì để chóng thấm nước theo đề xuất của Ban chỉ huy chiến dịch vận tải Quảng Bình. Lợi dụng cơn bão nhẹ, ta thả đợt đầu 200 bao, phần lớn dạt vào Đồng Hới đến Vĩnh Linh, có một số trôi qua vĩ tuyến 17. Rút kinh nghiệm, các đợt sau anh em buộc 10, 20 bao một chùm, khi thả gạo trôi vào khá tập trung. Phát hiện ta thả gạo, địch cho máy bay rà sát, xăm 20ly vào từng bao để đánh chìm. Nhưng chúng làm sao chặn nổi. Dân quân các xã ven biển Quảng Trạch chặt bổi, kết bè thả xuống biển làm phân tán mục tiêu, đánh lừa máy bay địch. Hàng trăm , hàng ngàn bao gạo cứ từ từ tiến vào bờ trước sự bật lực của kẻ thù. Chỉ trong hai tuần, ta thả hết 6.000 tấn gạo, thu được 5.000 tấn; số còn lại trôi ra biển xa hoặc bị địch bắn chìm. Một lần nữa, lòng dũng cảm và trí thông minh sáng tạo của quân và dân ta đã chiến thắng!

Ngày 22 tháng 9, tàu HK 162 A vào Vịnh Hòn La, chở theo chuyến gạo thứ ba. Lần này ta chỉ để lại trên tàu 10 đồng chí làm nhiệm vụ thả gạo. Vì có cơn bão lớn đổ bộ vào biển Quảng Bình, nên sau hơn 1 tháng ta mới thả hết 6.000 tấn gạo. Nhân dân, dân quân, bộ đội địa phương tổ chức nhiều đơn vị, đêm đêm túc trực phát hiện, đưa gạo lên cất dấu. Trung đội dân quân trục vớt gạo của xã Hải Trạch gồm 40 đồng chí, phụ trách địa bàn từ bắc Lý Hoà đến bắc Đá Nhảy, đã thu được trên 100 tấn gạo. Mặc dù nhân dân ta đang đói, nhưng ai cũng có tinh thần bảo quản, giữ gìn từng hạt gạo để gửi ra tiền tuyến, không ai tơ hào, bớt xén " Hạt gạo Hòn La".

Ngày 01 tháng 12, tàu HK 162 B chở 6.000 tấn gạo của chuyến cuối cùng vào Vịnh Hòn La. Ta mới thả được 250 tấn thì lại gặp bão lớn phải ngừng lại. Sau cơn bão, tàu chiến địch khép chặt vòng vây quanh tàu bạn. Chúng rải tiếp thuỷ lôi bịt cửa Gianh và dọc bờ biển từ Quảng Đông đến Quảng Phúc. Máy bay, tàu chiến địch bắn phá ác liệt vào bờ nam - bắc Gianh và các xã ven biển. Theo đề nghị của ta, tàu bạn rời vị trí lên phía nam Hòn La, tiếp tục giải phóng hàng. Tàu chiến địch bám theo, rải thuỷ lôi bao quanh tàu Hồng Kỳ, chỉ chừa một lối ra rộng 500 mét ở phía đông. Để động viên cán bộ và thuỷ thủ trên tàu, tỉnh ta cử một đoàn cán bộ ra thăm và uý lạo nhân ngày tết dương lịch 01/01/1973. Về phía mình, quân và dân ta vẫn chủ động, bình tĩnh thả và trục vớt gạo, bất chấp bom đạn kẻ thù. Đến ngày 15 tháng 01, Mỹ tuyên bố ngừng bắn phá, Ban chỉ đạo huy động toàn bộ phương tiện vận tải ra nhận hết gạo trên tàu.

Chiến dịch Hòn La đã kết thúc thắng lợi! Hai mươi mốt ngàn tấn gạo đã được nhận và kịp chuyển vào chiến trường cho bộ đội.

Kẻ địch đã dội xuống khu vực Hòn La một khối lượng lớn bom đạn, đủ kiểu loại để ngăn chặn hoạt động của ta. Từ tháng 6 năm 1972 đến tháng 01 năm 1973, địch huy động 1.500 lần chiếc máy bay phản lực, trực thăng, đánh phá gần 700 trận ( 314 trận đánh đêm); ném xuống gần 1.000 loạt bom phá, 149 loạt bom bi, 540 loạt rốc két, 606 loạt 20 ly, 124 quả đạn cối, 96 quả bom cháy, 55 quả tên lửa, hơn 1.000 quả thuỷ lôi, 149 quả bom từ trường và hàng ngàn quả đạn pháo các cỡ(4)- Tất cả hòng chặn đứng tuyến chuyển tải của ta.

Cùng với tuyến chuyển tải Hòn La, ba tuyến chuyển tải khác cũng đồng thời hoạt động.

Trên tuyến R2, hàng hoá được vận chuyển cơ giới theo đường 22B đổ xuống bến Quảng Trường. Từ đó, hàng được đưa xuống Quảng Thuận, Ba Đồn để chuyển sang nam Gianh.

Tuyến R3 sử dụng lực lượng đội thanh niên xung phong Cù Chính Lan, lợi dụng nguồn Rào Trổ thả gạo " 4 bì" đẩy về Minh Cầm. Từ tháng 5 năm 1972 đến mùa mưa, tuyến này chuyển được 700 tấn gạo.

Tuyến R4 do ngành đường sắt đảm nhiệm chính. Hàng đi theo đường goòng từ Chu Lễ ( Hà Tĩnh) vào Đò Vàng; sau đến tận ga Lệ Sơn (Tuyên Hoá). Bình quân mỗi đêm chuyển được 3 toa với 90 tấn hàng hoá. Máy bay địch đánh phá dữ dội vào tuyến goòng. Quân dân các xã dọc đường sắt của huyện Tuyên Hoá nêu khẩu hiệu " Nghiêng lưng cho đường goòng dựa!". Địch đánh hỏng đoạn nào là lực lượng tại chỗ cùng cán bộ, công nhân đường sắt tập trung cứu hàng, sửa chữa, thông tuyến. Sau khi địch đánh hỏng đường sắt, ta tu sửa nền đường cũ, đưa 1 tổ xe vận tải của Công ty ô tô Quảng Bình đến chuyển hàng từ Lệ Sơn về Minh Lệ. Từ đó, hàng được đưa xuống đường sông, lên Khương Hà, qua Ngân Sơn, vào Binh trạm 14. Tuyến R4 chuyển được 1.500 tấn gạo và hàng nghìn tấn hàng quân sự vào nam Gianh.

Trên cả 4 tuyến chuyển tải, tỉnh đã huy động một lực lượng lớn bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ tham gia bốc chuyển hàng hoá. Khu vực bắc Gianh tập trung 2.000 người; nam Gianh và Đồng Hới, mỗi nơi 1.000 người.

Mở 4 tuyến chuyển tải để phá thế phong toả của giặc Mỹ, quân và dân Quảng Bình đã nêu cao tinh thần " Vì cả nước" , chịu đựng gian khổ hy sinh, làm tròn trách nhiệm của hậu phương trực tiếp đối với tiền tuyến lớn anh hùng.

Cùng với lực lượng phòng không, các đơn vị pháo binh liên tục chiến đấu đánh đuổi tàu chiến địch. Từ ngày 03 đến 07 tháng 7, Đại đội 9 đánh 2 trận, bắn cháy 2 tàu chiến trên vùng biển Lệ Ninh. Ngày 28 tháng 9, Đại đội 8 bắn cháy 1 tàu. Trong 4 ngày ( 26 đến 29 tháng 10), Đại đội 10 đánh nhiều trận, liên tiếp bắn cháy 2 tàu địch.

Từ tháng 4 đến giữa tháng 11 năm 1972, toàn tỉnh đã bắn rơi, bắn cháy 74 máy bay và 34 tàu chiến Mỹ. Trong đó, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ bắn rơi 34 máy bay, bắn cháy 26 tàu chiến, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ, góp phần bảo vệ tuyến giao thông vận tải được thông suốt trong tình huống ác liệt nhất.



tải về 413.47 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương