Chương XIII: cuộc kháng chiến chống mỹ, CỨu nưỚC


Tranh thủ thời gian tạm ngừng bắn để khôi phục kinh tế



tải về 413.47 Kb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích413.47 Kb.
#13263
1   2   3   4   5

2.4. Tranh thủ thời gian tạm ngừng bắn để khôi phục kinh tế

và chi viện chiến trường

Bị thất bại ở cả miền Nam, miền Bắc, trước sức ép của dư luận thế giới và nhân dân Mỹ, ngày 01 tháng 11 năm 1968, Tổng thống Mỹ Giôn - xơn phải tuyên bố chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom bắn phá nước Việt Nam dân chủ cộng hoà bằng không quân, hải quân và pháo binh để đi tới một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, được cả nước động viên giúp đỡ , nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Bình đã vượt qua những gay go, thử thách , đập ta mọi âm mưu chủ đoạn xão quyệt, tàn bạo của kẻ thù, hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó, góp phần xứng đáng cùng cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm tròn nhiệm vụ hậu phương trực tiếp với tiền tuyến lớn, với hai tỉnh Trị - Thiên kết nghĩa và nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào.

Ngày 02 tháng 11 năm 1968, Chính phủ ta ra tuyên bố nêu rõ: "Việc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà sau 4 năm chồng chất tội ác tày trời đối với nhân dân miền Bắc Việt Nam và sau 5 tháng làm bế tắc cuộc nói chuyện ở Pa - ri, đánh dấu một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam ở cả hai miền"(A35:197).

Đánh giá đúng bản chất xâm lược và ngoan cố của kẻ thù, trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước ngày 03 tháng 11 năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chúng ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Song đó chỉ là thắng lợi bước đầu. Đế quốc Mỹ ngoan cố và xão quyệt. Chúng nói: " hoà bình", "thương lượng" nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược của chúng"(A35:198).

Tình hình lúc này là miền Bắc đã có ngừng bắn, nhưng ở miền Nam, cuộc chiến tranh vẫn diễn ra ác liệt.

Ở vị trí là địa bàn cầu nối chiến lược của hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam, tỉnh Quảng Bình cơ bản vẫn nằm trong trạng thái có chiến tranh. Trong bối cảnh đó, lực lượng vũ trang nhân

Với bản chất xâm lược và ngoan cố, chỉ một ngày sau khi Giôn - xơn tuyên bố ngừng mọi hoạt động quân sự chống phá miền Bắc, đế quốc Mỹ đã có những hành động chiến tranh, xâm phạm vùng biển, vùng trời trên địa bàn Quân khu 4.

Ở Quảng Bình, từ ngày 02 đến 30 tháng 11 năm 1968, không quân Mỹ sử dụng các loại máy bay RF4C, RF100, F4, l19... tiến hành 162 phi vụ trinh sát trên các tuyến vận chuyển, các cửa khẩu, dọc hành lang chiến lược như đường 20, 16, 12, 18... Địch còn sử dụng máy bay EC 121, U2 (trinh sát điện tử) hoạt động dọc theo biên giới Việt - Lào.

Ngày 26 tháng 11, máy bay Mỹ đánh phá ngầm Cờ Đỏ ( nằm trên đường 20). Ngày 27 tháng 11, máy bay F4 rải bom bi xuống Bảo Ninh (thị xã Đồng Hới).

Trên các cửa khẩu miền Tây Quảng Bình, Mỹ vẫn tiếp tục dùng máy bay B52 và AC 130 đánh phá với mức độ ác liệt như trước ngày chúng tuyên bố ngừng bắn.

Cách bờ biển Quảng Bình khoảng 80-90 hải lý, thường xuyên có 1 - 2 tàu sân bay Mỹ túc trực. Lực lượng tàu khu trục ( 3-4 chiếc) hoạt động cách bờ từ 40 - 70 hải lý; có khi chúng vào gần bờ dưới 20 hải lý, để theo dõi, khống chế tàu thuyền vận chuyển đường biển của ta ra, vào cảng Gianh, cảng Nhật Lệ. Ngoài lực lượng ngăn đe bằng tàu lớn, địch còn sử dụng tàu biệt kích trắng trợn đuổi bắn thuyền vận chuyển, thuyền đánh cá trên vùng biển gần, trực tiếp uy hiếp tính mạng, tài sản và đời sống của nhân dân ta.

Phân tích đúng đắn tình hình sau các đợt tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam trong mùa xuân Mậu Thân, Trung ương Đảng nhận định: Địch có thể xuống thang chiến tranh vào cuối năm 1968.

Chủ trương của Trung ương là tranh thủ thời gian khi địch ngừng bắn sẽ mở một chiến dịch vận tải lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu chi viện vật lực cho tiền tuyến, nhất là đối với chiến trường Trị- Thiên.

Từ tháng 8 năm 1968, Quảng Bình đã nhận được lệnh chuẩn bị tham gia chiến dịch vận tải này. Tỉnh uỷ kịp thời chỉ thị cho các ngành, địa phương, đơn vị làm công tác động viên quân và dân toàn tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cho một đợt tiếp chuyển hàng hoá.

Đồng chí Đỗ Mười, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban điều hoà vận tải Trung ương, điện chỉ thị cho tỉnh: " Kế hoạch VT5" (mật danh chiến dịch vận tải tranh thủ địch xuống thang") sẽ đưa vào Quảng Bình 12 vạn tấn hàng để chuyển tiếp vào các chiến trường, phải làm cho tốt"(2). Bộ Giao thông vận tải thông báo tiếp: Cảng Gianh và cảng Nhật Lệ sẽ đón nhận hàng của các đội tàu Giải phóng, xà lan B3, B7, tàu quân sự, tàu Tờ - răng - kít . Đoàn xà lan Hồng Hà của quân đội cũng vào giao hàng ở cảng Gianh. Ngoài ra, Trung ương còn điều động thuyền vận tải của các tỉnh: Quảng Ninh 10 thuyền buồm lắp máy; Hải Phòng, Thái Bình, mỗi tỉnh 100 chiếc; tỉnh Thanh Hoá đưa vào 100 thuyền nan để chuyển tải. Lực lượng vận tải cơ giới của Quân khu 4 dồn toàn bộ vào nhận hàng từ Gianh, Đồng Hới, theo đường bộ đi thẳng vào A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên). Ban điều hoà vận tải Trung ương cử đồng chí Đặng Thạc, Bộ Giao thông vận tải cử đồng chí Thứ tưởng Dương Bạch Liên vào Quảng Bình tham gia chỉ đạo thống nhất các lực lượng vận tải thuỷ, bộ của Trung ương, địa phương vào khu vực Vĩnh Linh, Quảng Bình.

Để thực hiện kế hoạch VT5, Tỉnh uỷ Quảng Bình đã tăng thêm thành phần Ban bảo đảm giao thông vận tải của địa phương ( gồm các cán bộ các ngành trong tỉnh và Trung ương tham gia). Khu vực tiếp nhận hàng giữa địa phương và Đoàn 559 được bàn bạc, phân công cụ thể: Phía đông , do lực lượng của Quảng Bình đảm nhiệm; phía tây, thuộc về trách nhiệm của các binh trạm 12, 14, 16 ( Đoàn 559).

Trước ngày 31 tháng 10 năm 1968, tất cả các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, cơ quan dân chính Đảng đã được quán triệt tình hình, nhận nhiệm vụ, kế hoạch và triển khai gấp rút công tác chuẩn bị.

Công việc cấp bách trước mắt là giải phóng bom, mìn, thuỷ lôi, từ trường ở các bến bãi quan trọng, bảo đảm thông đường an toàn khi chiến dịch bắt đầu. Lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ quan trọng này bao gồm: Đội rà phá bom mìn của Tỉnh đội Quảng Bình ( thường gọi là Đội 73) ; 2 tiểu đoàn công binh Quân khu 4 và 1 tiểu đoàn công binh của Hải quân khu vực sông Gianh. Trọng điểm hoạt động của lực lượng công binh chủ lực là đường 1A ở khu vực Đồng Hới, cảng Nhật Lệ; khu vực Cảng Gianh, bến Quảng Trường; tuyến sông Đồng Hới - Quán Háu - Long Đại và Gianh - Quảng Thuận - Quảng Trường(3). Lực lượng công binh của các Huyện đội cùng với công binh dân quân chịu trách nhiệm thông tuyến trên địa bàn của mình.Ngoài ra, các địa phương còn huy động lực lượng toàn dân, lấy dân quân làm đội xung kích; chuẩn bị sẵn phương tiện, vật liệu để sẵn sàng ứng cứu giao thông.

Trong 10 năm hoạt động ( 1967 -1976) trên địa bàn từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ, Đội rà phá bom mìn 73 của tỉnh đội Quảng Bình đã phá nổ hơn 4.000 quả bom TN, trong đó mở được 702 quả từ Mode 0 đến Mode 4.

Phá nổ 7 vạn bom bi, 3.300 quả mìn các loại; 374 quả bom cam.

Mở được 377 quả bom tạ loại nổ ngay và 19 quả bom tấn...

Phá nổ hàng ngàn quả đạn pháo các loại.

Cùng lúc đó, lực lượng công binh của dân quân - tự vệ toàn tỉnh, có công binh quân đội làm nòng cốt, khẩn trương rà quét bom mìn trên các tuyến giao thông. Lực lượng chuyên trách của giao thông vận tải khắc phục cầu, ngầm, bến bãi. Trong 36 giờ , các tuyến đường bộ trong tỉnh đã căn bản thông xe. Các tuyến mới để hàng hoá tiếp cận cho chiến trường cũng được xúc tiến gấp rút. Ở các cửa lạch, tuyến sông, lực lượng công binh hải quân phối hợp với công binh địa phương mau chóng rà phá thuỷ lôi, từ trường. Sau 5 ngày thông tuyến Nhật Lệ -Long Đại. Toàn tỉnh có 3 vạn quân, dân các địa phương, mang theo dụng cụ của mình, tranh thủ ngày đêm, tranh chấp thời gian tham gia sửa chữa, gia cố những chỗ hư hỏng trên tuyến 15A, 1A, bảo đảm cho chuyến vận tải cơ giới đầu tiên được thông suốt. Các đơn vị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp tích cực khôi phục mặt bằng và công cụ sản xuất, tập trung sản xuất phương tiện kịp thời phục vụ chiến dịch. Ty công nghiệp huy động 150 công nhân của Xí nghiệp xây dựng hoàn thành kho chứa hàng hoá 500 tấn; đồng thời khẩn trương lắp đặt 3 cụm điện chiếu sáng để phục vụ cho tàu thuyền ra, vào và bốc dỡ hàng hoá ở cảng Gianh, Nhật Lệ. Huyện Lệ Thuỷ huy động 150 tổ sơn tràng khai thác gỗ, đóng 100 thuyền để đưa vào vận chuyển trong VT5.

Nhân dân toàn tỉnh đã chuẩn bị sẵn 15 vạn que rông - đanh , 1 vạn cọc tiêu, 1 vạn gánh củi , 1 vạn tấm tranh và 6,6 vạn lá tro, 1.140 mảng nứa đưa ra các nút giao thông, đảm bảo vận tải. Nhân dân các xã Hải Trạch, Đức Trạch, Đồng Trạch (Bố Trạch) đã tự phá các công trình xây dựng của địa phương, chuyển được trên 200 m3 gạch đá để lấp thông ngầm cầu Lý Hoà.

Ngày 01 tháng 11 năm 1968, chiến dịch VT5 bắt đầu. Hàng vạn công nhân các công, nông trường, xí nghiệp; học sinh các trường phổ thông cấp 3, các trường chuyên nghiệp , cán bộ, viên chức các cơ quan được tổ chức thành các đội chuyên trách như đội bốc vác, chuyển tải, đội sửa chữa, làm mới và mở rộng kho tàng, bến bãi... đã có mặt ở các địa điểm quy định. Các phương tiện vận tải thuỷ, bộ của Nhà nước địa phương đều tập trung sẵn sàng trên các vị trí được phân công theo kế hoạch.

Tại Đồng Hới, một trong hai khu vực trọng điểm tiếp nhận hàng hoá, Ban chỉ huy chiến dịch của thị xã đã huy động 100 dân quân, tự vệ và tiểu đoàn thanh niên xung phong cùng với 50 thuyền gắn máy cao tốc (dùng để kéo thuyền buồm trọng tải 10 - 30 tấn/ chiếc) làm lực lượng chủ lực của mình trong chiến dịch. Chị em phụ nữ ở vùng biển xã Hải Thành, Bảo Ninh đã may và cung cấp cho đoàn thuỷ thủ thị xã hàng trăm phao cứu sinh.

Cùng với dân công Quảng Bình, lực lượng của Tổng cục Hầu cần, Đoàn 559, Quân khu 4... đều đồng loạt ra quân. Tất cả hoà chung vào một khí thế sôi động của một chiến dịch lớn.

Trong suốt 3 tháng, Quảng Bình như một cỗ máy lớn vận hành hết công suất suốt ngày đêm, bất chấp mưa nắng, bất chấp sự nhòm ngó tức tối của máy bay Mỹ. Kết thúc chiến dịch, tỉnh đã huy động 6 vạn ngày công, hầu hết các loại phương tiện vận tải, tiếp nhận và chuyển giao được 13,2 vạn tấn hàng, vượt chỉ tiêu 1,2 vạn tấn(3). Ngoài ra còn hàng vạn tấn hàng hoá do lực lượng quân sự nhận từ Trung ương đi thẳng vào các cửa khẩu thành một tuyến riêng qua những con đường do quân và dân trong tỉnh góp công sức khắc phục.

Kết quả đạt được trong chiến dịch VT5 là thành tích có ý nghĩa của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình trong nhiệm vụ chi viện tiền tuyến ở giai đoạn đầu của cuộc chiến đấu mới.

Sau khi kết thúc chiến dịch, Trung ương chỉ thị cho tỉnh trở lại trạng thái hoạt động thời chiến, sẵn sàng đối phó với các tình huống khác có thể xẩy ra.
Nhân dịp năm mới, ngày 01 tháng 01 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào và chiến sỹ cả nước.Trong thư, Người viết:

"Năm 1968 là một năm quân và dân cả nước ta chiến thắng rất oanh liệt... chắc chắn giặc Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại. Quân và dân ta trong cả nước thừa thắng xông lên, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn.

"... Vì độc lập, vì tự do

đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào"...(A109).

Lời chúc đầu năm mới của Bác Hồ kính yêu là lời hịch cứu nước của non sông, là hồi kèn xung trận với tinh thần " quyết chiến, quyết thắng" của dân tộc.

Cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, quân và dân Quảng Bình càng tin tưởng vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn.

Nhằm đẩy mạnh quyết tâm của quân dân toàn tỉnh thực hiện tốt nhất lời chúc năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 02 năm 1969, tại một địa điểm ở khu vực Ba Rền, Quảng Bình, đã tổ chức Đại hội tổng kết phong trào thi đua " Hai giỏi" năm 1968. Trên 1.200 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các ngành sản xuất, lực lượng vũ trang - những bông hoa tiêu biểu của phong trào đã về dự Đại hội. Thay mặt ban Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí Tố Hữu, Lê Văn Lương đã về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã thảo luận và rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng và phát động phong trào thi đua hành động cách mạng của quần chúng trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đại hội nhất trí cho rằng, những bài học kinh nghiệm, cả thành công và thất bại là cơ sở để phong trào thi đua " Hai giỏi" những năm sau phát triển sâu rộng, vững chắc hơn. Thay mặt 40 vạn nhân dân Quảng Bình, Đại hội gửi " Thư quyết tâm" hứa với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch " Với tinh thần tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, trong mọi tình huống, kể cả tình huống có thể hy sinh xương máu , chúng tôi cũng làm tròn nhiệm vụ chi viện cao nhất cho miền Nam anh hùng, trước hết là Trị - Thiên ruột thịt, góp phần đánh thắng giặc Mỹ trên chiến trường".

Thành công của Đại hội " Hai giỏi " là một thúc đẩy quan trọng cho phong trào hành động cách mạng của quân và dân toàn tỉnh trong giai đoạn cách mạng mới.

Một vinh dự lớn đến với lực lượng vũ trang tỉnh nhà: Tại Đại hội thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang Quân khu, ba nữ đại biểu của Quảng Bình được Đại hội tín nhiệm cử vào đoàn đại biểu ra Hà Nội để báo cáo thành tích và quyết tâm của quân dân khu 4 với Trung ương Đảng, Chính Phủ và Hồ Chủ tịch. Đó là các chị Trần Thị Thản , chính trị viên Đại đội pháo binh nữ dân quân Ngư Thuỷ (Lệ Thuỷ); Nguyễn Thị Sen , chỉ huy phân đội trực chiến nữ dân quân Xuân Ninh (Quảng Ninh) và Nguyễn Thị Điệt, đội viên hoả tuyến của huyện Tuyên Hoá.

Ngày 28 tháng 4 năm 1969, tại Phủ Chủ tịch, các đại biểu đã gặp Bác Hồ. Sau khi nghe các đại biểu báo cáo, trong đó có báo cáo của chị Trần Thị Thản, Bác khen ngợi và căn dặn: " Quân khu 4 phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn anh hùng". Trong không khí thân thiết ấm áp tình ruột thịt giữa vị Tổng tư lệnh tối cao đối với các cán bộ, chiến sỹ, Bác vui vẻ nhắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ gửi huy hiệu của Người để tặng cho toàn thể chị em trong Đại đội pháo binh nữ dân quân Ngư Thuỷ.

Là tỉnh của tuyến đầu Quân khu 4, những lời khen ngợi và căn dặn của Bác Hồ kính yêu làm cho quân và dân Quảng Bình càng thấy rõ vinh dự to lớn và trách nhiệm nặng nề của mình, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, vươn lên làm tròn trách nhiệm lịch sử mà Đảng, Bác Hồ đã tin cậy giao phó.

Quyết tâm tranh thủ thời gian địch ngừng bắn, đẩy nhanh hàng vào sâu tiếp cận với chiến trường, lực lượng Tuyến Thống Nhất vừa tập trung khôi phục, nâng cấp đường 16 (đoạn đường từ ngã ba Thạch Bàn đến Vít Thù Lù), vừa mở tiếp đường nối đến Dốc Khỉ, bảo đảm 44 ki lô mét cho vận chuyển cơ giới; mở tiếp 40 ki lô mét đường hẹp ( 1,2 mét) qua đỉnh 1001, vươn tới bắc Xê Băng Hiên để dành cho vận tải thồ. Chia sẽ trách nhiệm với quân và dân Trị - Thiên, Quảng Bình đã đưa vào nam Xê Băng Hiên Tiểu đoàn 70 hoả tuyến tham gia mở tuyến Thống Nhất B, góp phần nhanh chóng thông tuyến Thống Nhất. Sau khi khai thông tuyến, Trung ương điều 4.000 xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hoá vào tiếp chuyển hàng từ Dốc Khỉ ( Thống Nhất A) vào Mường Trương ( Thống Nhất B) , giao hàng cho Quân khu Trị Thiên tại Bắc đường 9. Việc khai thông tuyến Thống Nhất, tuyến vận chuyển ngắn nhất nối liền Quảng Bình với Trị Thiên là một bước quan trọng cho công tác chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ các chiến dịch quân sự sau này.

Trong thời gian từ cuối năm 1968 đến những tháng đầu năm 1969, tình hình trên chiến trường Trị - Thiên có những diễn biến phức tạp. Lợi dụng những khó khăn, sơ hở của ta, kẻ địch đã tập trung lực lượng phản công quyết liệt hòng giành lại địa bàn bị mất trong Mậu Thân 1968, âm mưu đẩy chủ lực ta ra xa chiến trường. Hoạt động của địch đã gây cho ta những tổn thất đáng kể.

Chiến trường Trị - Thiên kêu gọi hậu phương chi viện. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ra mệnh lệnh cho các đơn vị vũ trang chủ lực, địa phương trong Quân khu khẩn trương đưa quân vào chiến trường tham gia chiến đấu. Tỉnh đội Quảng Bình đã triển khai công tác tổ chức lực lượng, nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ chi viên chiến trường đối với Trị - Thiên ruột thịt. Với sự giúp đỡ của Đảng bộ và nhân dân hai huyện Quảng Ninh , Lệ Thuỷ, Đoàn Nhật Lệ có quân số 510 đồng chí, được thành lập. Quân số của đoàn chủ yếu dân quân của các huyện ( 95%) , nguồn cán bộ rút từ hai đại đội 361, 362; chất lượng chính trị bảo đảm (33,6% đảng viên, 80,87% đoàn viên ), hầu hết cán bộ, chiến sỹ đã trải qua chiến đấu ở các địa phương. Sau một thời gian ngắn củng cố tổ chức, huấn luyện ở xã Hoa Thuỷ, trước tết Kỷ Dậu, Đoàn Nhật Lệ hành quân vào mặt trận(2). Phối hợp với lực lượng bạn, Đoàn Nhật Lệ tổ chức nhiều trận đánh trên chiến trường Trị - Thiên. Đêm 30 tết Kỷ Dậu, đại đội 12,7ly (K1 - Đoàn Nhật Lệ) phục kích một đơn vị lính Mỹ nống lên Động Tranh (Thừa Thiên), tiêu diệt 110 tên, bắn rơi 4 máy bay trực thăng của địch.

Tính đến giữa năm 1969, các đơn vị bộ đội địa phương Quảng Bình đã đánh hàng chục trận, tiêu diệt gần 1.200 tên Mỹ - Nguỵ, bắn cháy 10 máy bay, nhiều xe tăng, cơ giới, thu nhiều vũ khí , quân trang, quân dụng của địch.

Xác định trách nhiệm lâu dài với Trị - Thiên ruột thịt, tỉnh đã bồi dưỡng cho 500 học viên của hai tỉnh; hoàn thành khu an dưỡng, tiếp nhận gần 1.000 cán bộ, nhân dân Trị - Thiên ra nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.

Từ đầu năm1969, sư đoàn 324 từ chiến trường Trị - Thiên ra Quảng Bình an dưỡng, củng cố tổ chức. Sau đó, các đơn vị của Sư đoàn lần lượt vào chiến trường làm nhiệm vụ. Nhân dân trong tỉnh đã tận tình giúp đỡ sư đoàn các loại cây, con giống chuyển vào chiến trường sản xuất, chăn nuôi, tăng gia tự túc; góp phần giải quyết vấn đề khan hiếm lương thực, thực phẩm, cải thiện đời sống bộ đội.

Kết quả đạt được của các mặt hoạt động thời gian qua đã thể hiện sự chuyển hướng kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng địa phương, đơn vị. Đồng thời cũng ghi nhận nổ lực của quân và dân toàn tỉnh trong việc ổn định và xây dựng hậu phương để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của thời gian tới.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết định, thì nhân dân cả nước phải chịu một tổn thất vô cùng to lớn: Vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 02 tháng 9 năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người khai sinh nước Việt Nam mới, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, đã từ trần.

Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân: " Giương cao ngọn cờ quyết chiến, quyết thắng của Bác trao cho, với khí thế thừa thắng xông lên, các lực lượng vũ trang hãy cùng toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình, thống nhất Tổ quốc, thực hiện lời kêu gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch: " Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi"(A35;212).

Cùng với đồng bào, chiến sỹ cả nước, quân và dân Quảng Bình cùng hướng về Thủ đô Hà Nội đau xót vĩnh biệt Bác Hồ kính yêu. Từ nông thôn đến công, nông trường, xí nghiệp; từ mỗi gia đình đến cơ quan, trường học đều lập bàn thờ tưởng niệm Người. Nhân dân Quảng Bình, từ cụ già đến em nhỏ, ai cùng đau đớn trước cái tang lớn của vị cha già dân tộc. Tuần lễ tang Hồ Chủ tịch diễn ra xúc động trên toàn tỉnh.

Hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị lớn: " Học tập và làm theo di chúc của Hồ Chủ tịch" do Bộ Chính trị Ban chấp hàng Trung ương Đảng phát động.Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức cho toàn thể nhân dân và lực lượng vũ trang tham gia học tập. Lời căn dặn cuối cùng của Bác Hồ kính yêu đã làm lay động tâm tư quần chúng nhân dân. Những lo lắng trong tâm tư của nhân dân sau khi Bác mất được giải quyết . Phong trào hành động cách mạng trong toàn tỉnh có chuyển biến mạnh mẽ.

Các đơn vị trực tiếp chiến đấu ở mặt trận tổ chức các trận đánh "Lập công đền ơn Bác", liên tiếp tiến công địch, lập được nhiều chiến công. Tính đến cuối năm 1969, các đơn vị Quảng Bình chiến đấu trên chiến trường B5 đã tiêu diệt 1.800 tên địch (phần lớn là quân Mỹ), bắn rơi 11 máy bay, bắn cháy 22 xe bọc thép của địch(2). Lực lượng phòng không của tỉnh nêu cao cảnh giác, kịp thời đánh trả các hoạt động của không quân Mỹ, bắn rơi 7 máy bay, bắt sống 5 giặc lái. Bộ đội địa phương, dân quân, du kích phối hợp chặt chẽ với công an nhân dân vũ trang tuần tra, phát hiện bắt gọn 5 toán biệt kích Mỹ - Nguỵ xâm nhập vào địa bàn(4). Nhiệm vụ vận chuyển chi viện tiền tuyến về cuối năm càng được đẩy mạnh. Đến cuối năm 1969, toàn tỉnh đã chuyển tiếp và dự trữ được 315.928 tấn hàng cho tiền tuyến.

Trên tất cả các mặt hoạt động, lực lượng vũ trang luôn giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của mình, xứng đáng là đội quân chủ lực trong thế trận chiến tranh nhân dân của tỉnh. Do có thành tích đặc biệt trong lao động, chiến đấu, phục vụ tiền tuyến, lực lượng dân quân, du kích xã Võ Ninh và xã Quảng Phúc đã được Quốc hội, Nhà nước ta tuyên dương là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang .

Từ cuối năm 1969 đến giữa đầu năm 1970, đế quốc Mỹ đã có những bước phiêu lưu quân sự mới, mở rộng chiến tranh ra toàn bán đảo Đông Dương. Đây là những thử nghiệm lớn đầu tiên điển hình của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh".

Để đối phó với chiến lược chiến tranh mới của đế quốc Mỹ, quân dân Quảng Bình cùng với cả nước vừa tranh thủ khôi phục cơ sở kinh tế, quốc phong, vừa hợp đồng chiến đấu bảo vệ hạu phương chiến dịch.

Tháng 10 năm 1970, B70, Binh đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội ta được thành lập(A192:65). Sở chỉ huy Binh đoàn đóng ở tây nam Lệ Thuỷ. Nhiệm vụ chủ yếu của Binh đoàn là tiêu diệt địch ở hướng đường 9, đồng thời phối hợp lực lượng tại chỗ sẵn sàng đánh địch tiến công bằng bộ binh ra nam Quân khu 4.

Cuối năm 1970, Thường vụ Quân khu uỷ họp, xác định: Chi viện cho chiến dịch đường 9 - Nam Lào là nhiệm vụ hàng đầu của quân dân toàn Quân khu lúc này.

Là hậu phương trực tiếp của chiến dịch, quân và dân Quảng Bình bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vinh dự: Tất cả cho chiến trường đánh to, đánh lớn. 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh (45,46, 49) và các đại đội 361 Lệ Thuỷ, 362 Quảng Ninh, 365 Quảng Trạch, được lệnh hành quân vào chiến đấu ở mặt trận đường 9- bắc Quảng Trị. Các đoàn dân công hoả tuyến của 6 huyện, thị, các trường chuyên nghiệp trong tỉnh cũng lên đường vào chiến trường làm nhiệm vụ.

Quyết tâm bảo vệ hậu phương trực tiếp của chiến dịch, quân và dân ta vừa kịp thời đánh trả hành động leo thang của đế quốc Mỹ, vừa dốc toàn lực chuẩn bị cho chiến trường. Lực lượng phục vụ chiến dịch của Quảng Bình trực tiếp tham gia thi công tuyến đường ống sông Gianh- đường 10 - đường 18 - Xê Băng Hiên vào đến bắc đường 9. Nhờ vậy, mùa khô 1970 - 1971, khối lượng nhiên liệu vận hành theo đường ống đến tuyến 559 tăng gấp 10 lần vận tải cơ giới mùa khô 1968-1969(A192:50).

Đầu tháng 02 năm 1971, các đơn vị chiến đấu hành quân vào tập kết an toàn trên địa bàn nam Quảng Bình. Trên 200 xe vận tải cơ giới cùng 8 vạn tấn hàng phục vụ chiến dịch cũng vào đến vị trí. Bộ tư lệnh Công binh lập kho A10 ở tây Quảng Bình, chuẩn bị trên 200 tấn khí tài, phương tiện sẵn sàng phục vụ bảo đảm giao thông. Tại khu vực tây Bố Trạch, bộ đội xe tăng và công binh đã diễn tập hiệp đồng hộ tống xe tăng trong chiến đấu. Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh lập phương án cho các cấp, các ngành , địa phương chuẩn bị sẵn sàng chi viện chiến dịch.

Ngày 30 tháng 01 năm 1971, được không quân và 1 vạn quân Mỹ yểm trợ phía sau, Nguỵ quyền Sài Gòn huy động hơn 3 vạn quân mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" tiến đánh vào khu vực đường 9- Nam Lào(A192:64-65).

Ngày 31 tháng 01 năm 1971, Trung ương Đảng kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận đường 9 - Nam Lào: " Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược. Quân đội ta nhất định phải đánh thắng"(A192:64-65-66).

Quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang: " Tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ - Nguỵ, bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến" (A35:236).

Chiến dịch phản công trên mặt trận đường 9 - Nam Lào của quân ta bắt đầu! Cùng với bộ đội toàn mặt trận, các đơn vị bộ đội địa phương Quảng Bình tham gia chiến dịch đã phát huy truyền thống dũng cảm, mưu trí lập nhiều chiến công mới trong chiến đấu, được Bộ chỉ huy chiến dịch nêu gương học tập. Bám sát lực lượng chiến đấu, các đơn vị hoả tuyến phục vụ chiến dịch không ngại hy sinh gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Ngày 08 tháng 3, từ mặt trận, Đại đội 3 hoả tuyến Quảng Bình (gồm 104 đồng chí) đã gửi " Thư quyết tâm" cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh và Bộ chỉ huy chiến dịch " xin hứa phát huy truyền thống quê hương Hai giỏi, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu" trong chiến dịch. Kèm theo thư quyết tâm là 88 chữ kỹ bằng máu của các đồng chí nam và 16 nắm tóc của các đồng chí nữ . Đại đội hoả tuyến Đồng Hới làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực cho chiến dịch đã nâng mức gùi hàng từ 20 ki lô gam lên 30 ki lô gam rồi lên tới 40 ki lô gam một người một chuyến; có đồng chí gùi tới 50 - 60 ki lô gam một chuyến. Đại đội đã hoàn thành vượt mức 85% chỉ tiêu khối lượng, được tặng Huân chương chiến công hạng 2; 12 cán bộ, chiến sỹ được tặng danh hiệu " Dũng sỹ diệt Mỹ", đồng chí Bạc và đồng chí Bưu được tặng Huân chương chiến công hạng 3. Đặc biệt, hai đại đội hoả tuyến Quảng Trạch ( quân số 285 người) đã được Bộ chỉ huy chiến dịch đề nghị tặng 3 huân chương chiến công hạng 3 cho tập thể; 16Huân chương chiến công hạng 3 cho cá nhân; 16 danh hiệu " Dũng sỹ diệt Mỹ" và hàng trăm bằng, giấy khen cho cán bộ, chiến sỹ vì đã lập thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến dịch. Đồng chí Lược ( quê xã Quảng Sơn), chính trị viên Đại đội hoả tuyến Quảng Trạch đã anh dũng hy sinh khi dũng cảm xông vào nơi bom đạn nổ để cứu lán trại, nêu tấm gương sáng cho toàn đơn vị noi theo.

Sau 43 ngày đêm ngoan cường chiến đấu, ngày 23 tháng 3 năm 1971, chiến dịch phản công đường 9 - nam Lào đã kết thúc thắng lợi. Trên 2 vạn tên địch bị loại ra khỏi vòng chiến đấu; quân Nguỵ Sài Gòn, lực lượng nòng cốt thực hiện " Học thuyết Ních Xơn" ở Đông Dương bị một đòn tiêu diệt nặng.

Hiệp đồng chặt chẽ với mặt trận đường 9 - nam Lào, trong các ngày 04, 21, 22, 23 tháng 3 năm 1971, lực lượng phòng không Quảng Bình đã bắn rơi 7 máy bay giặc Mỹ, bảo vệ an toàn hậu phương trực tiếp của chiến dịch, được Bộ Tổng tư lệnh gửi điện khen ngợi. Trên tuyến biên giới, dân quân và công an nhân dân vũ trang tích cực tuần tra, kịp thời phát hiện, truy lùng diệt 3 toán ( 6 tên) biệt kích Mỹ - Nguỵ xâm nhập địa bàn hoạt động do thám.

Lợi dụng những ngày nhân dân ta đang đón tết nguyên đán Nhâm Tý, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn máy bay , bất ngờ tập kích vào khu vực Lệ Ninh, địa bàn tiếp giáp với mặt trận Trị - Thiên. Quân và dân hai huyện phối hợp chiến đấu chặt chẽ với Trung đoàn 274 tên lửa ( Sư đoàn 365), nổ súng kịp thời, bắn rơi tại chỗ 4 máy bay, trừng trị đích đáng hành động ăn cướp của chúng. Giữa ngày mùng 2 tết, xã đội trưởng Nguyễn Đức Dậm đã chỉ huy dân quân xã Mai Thuỷ (Lệ Thuỷ) bao vây, bắt sống 2 giặc lái Mỹ khi chúng vừa chạm đất. Càng điên cuồng đánh phá vào hậu phương chiến dịch, giặc Mỹ càng thất bại nặng nề. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1972, quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi 8 máy bay, bắt sống 5 giặc lái Mỹ.

Ngày 25 tháng 3 năm 1972, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 triển khai Sở chỉ huy tiền phương ở khu vực phía tây thị xã Đồng Hới để trực tiếp chỉ huy mọi hoạt động của chiến dịch tiến công nhằm làm phá sản chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Ngày 29 tháng 3, toàn bộ lực lượng ở các hướng, các bộ phận chỉ đạo, chỉ huy, các đơn vị, địa phương đã ở vị trí sẵn sàng .

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 3 , quân ta nổ súng mở màn cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường Trị - Thiên.

Ngày 31 tháng 3, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi:

"Chiến dịch lịch sử năm 1972 bắt đầu!"

Sau hai ngày chiến đấu, quân ta đã đập vở lớp vỏ cứng vòng ngoài tuyến phòng thủ của địch, giải phóng quận lỵ Gio Linh. Sau 5 ngày,huyện Cam Lộ, huyện Gio Linh đã hoàn toàn sạch bóng quân thù(A192:91-93). Cùng với đồng bào cả nước, quân và dân tỉnh ta sung sướng đón nhận tin chiến thắng từ Trị - Thiên như thắng lợi của chính mình.

Trước sự phát triển mau lẹ ở chiến trường, Trung ương giao thêm cho Quảng Bình nhiệm vụ mới: Khẩn trương chuẩn bị bộ máy quản lý cho 2 tỉnh Quảng Trị , Thừa Thiên; đồng thời sẵn sàng đón nhận đồng bào Quảng Trị ở vùng mới giải phóng ra tạm lánh chiến sự một thời gian. Chấp hành Chỉ thị Trung ương, Tỉnh uỷ rút 1000 cán bộ Đảng, chính quyền các cấp, gấp rút tổ chức học tập, quán triệt nhiệm vụ, chuẩn bị lên đường vào giúp Trị - Thiên tiếp quản vùng mới giải phóng.

Uỷ ban hành chính tỉnh thành lập ban đón tiếp đồng bào Quảng Trị (Ban K15), cử đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Ty Công an làm Trưởng ban. Ban K15 phối hợp với Ban B huy động cán bộ , phương tiện vật chất, triển khai công tác tiếp đón xuống tận cơ sở.

Là hậu phương trực tiếp của các chiến dịch phản công, tiến công chủ yếu, Quảng Bình vừa gửi hàng ngàn bộ đội, dân công hoả tuyến ra mặt trận tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong đội hình chiến dịch, vừa huy động hàng vạn lao động phục vụ công tác chuẩn bị vật lực tại chỗ, trực tiếp chăm sóc, động viên, cổ vũ tinh thần bộ đội trước lúc vào mặt trận. Hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, lực lượng vũ trang tỉnh đã kiên quyết đánh trả mọi hành động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ vững chắc địa bàn hậu phương chiến dịch, bảo vệ tuyến giao thông vận tải thông suốt.

Cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam ở giai đoạn I phát triển thuận lợi, nhanh chóng. Trên hướng chủ yếu Trị - Thiên, vùng giải phóng được mở rộng, nối liền với hậu phương lớn, tạo thế có lợi cho ta phát triển tiến công địch. Quân chủ lực Nguỵ , xương sống của chính sách " Việt Nam hoá chiến tranh" , bị nhiều đòn tiêu diệt nặng, tinh thần suy sụp , không đủ khả năng chống đỡ các đợt tiến công của ta.



tải về 413.47 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương