Chương V: Kinh tế


KINH TẾ HÀNG HOÁ VÀ QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HOÁ



tải về 1.16 Mb.
trang8/9
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích1.16 Mb.
#4477
1   2   3   4   5   6   7   8   9

2. 4. KINH TẾ HÀNG HOÁ VÀ QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HOÁ


2.4.1. Các trung tâm buôn bán nổi tiếng xưa và nay ở Quảng Bình


Quảng Bình không phải là vùng đất có nhiều đặc sản, nhưng nhiều sản vật của Quảng Bình cũng để lại được dấu ấn trong, trong đó không ít sản vật được chọn làm sản vật tiến vua hoặc làm hàng hoá trao đổi được dân cư ở những địa phương khác ưa chuộng. Từ xưa cũng như hiện nay, những mặt hàng nổi tiếng của Quảng Bình để trao đổi với tỉnh bạn và nước ngoài chủ yếu là các loại nông sản, lâm sản, hải sản quý hiếm và hàng thủ công nghiệp.

Là địa bàn có trên 85% diện tích là đồi núi và trung du, Quảng Bình có quần thể sinh học đa dạng và phong phú là nguồn hàng hết sức quý hiếm để khai thác phục vụ đời sống và bán ra thị trường gồm các loại gỗ quý như trắc, mun, gỗ, dẻ, song, mây, trầm hương, nấm, các loại dược liệu và một số động vật quý hiếm như hỗ, báo, sao la, mang lớn, các loài trong nhóm linh trưởng, chồn hương, công, trĩ...

Là địa bàn có bờ biển dài 114km với 20.000km2 vùng đặc quyền kinh tế trên biển, Quảng Bình có các mặt hàng thủy sản quý, đã nổi tiếng từ lâu, với các loại hiếm như: tôm hùm, tôm các loại, mực, cá thu, cá giở, cá chim, cua biển.... nước mắm.

Hàng nông sản từ trước đã có một số loại nổi tiếng đưa đi xuất khẩu như: gạo chăm, nếp chăm, ớt, lạc, tiêu... Đối với các hàng thủ công nghiệp nổi tiếng từ xưa với các sản phẩm của nghề chạm trổ ở Tam Toà, nghề đúc đồng, nghề làm gốm, nghề dệt vải thao... Ngày nay trong cơ chế thị trường, Quảng Bình cũng có một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng đi trao đổi với tỉnh bạn và nước ngoài như: hàng mây tre, hàng mộc cao cấp, hàng thêu ren...

Dưới thời phong kiến, với tư tưởng "trọng nông ức thương", "bế quan toả cảng", trong điều kiện nền kinh tế tự cung, tự cấp, đường giao thông không thuận tiện, giao thương hết sức khó khăn, việc buôn bán, trao đổi hàng hoá hầu như chỉ hạn hẹp trong từng địa phương. Ở nông thôn, các chợ là nơi cư dân cư họp nhau mỗi ngày hay theo phiên để trao đổi những nông lâm, hải sản hoặc hàng thủ công cần dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Nông dân đến chợ để bán nông, lâm thổ sản, còn có một số người buôn bán chuyên nghiệp như hàng vải, hàng xén, hàng cau, hàng thuốc, hàng thịt, hàng bánh...

Nơi tập trung thương nhân lớn là Đồng Hới, Ba Đồn, Lý Hoà, Cảnh Dương, Thanh Khê, Cổ Hiền, Cổ Liểu, Tuy Lộc...

Những nơi này có vị trí giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc, đặc biệt có nền thương mại phát triển sớm nhất.

Trung tâm thương mại Đồng Hới - chợ Đồng Hới:

Đồng Hới là một trong số những trung tâm thương mại sớm và lớn nhất của tỉnh Quảng Bình. Danh xưng Đồng Hới có nguồn gốc từ danh xưng Động Hải và đã được Dương Văn An ghi trong bộ sách “Ô Châu cận lục” từ năm 1556. Dưới thời các chúa Nguyễn, Động Hải được đặt thành đơn vị hành chính. Từ khi Đào Duy Từ khởi dựng hệ thống thành luỹ để đối phó với quân Trịnh ở phía Bắc, thì Động Hải thành nơi tụ điểm dân cư làm nghề buôn bán và các dịch vụ khác phục vụ cho việc xây thành đắp luỹ của bính lính. Dần dần Động Hải thành nơi hội tụ các tầng lớp cư dân phi nông nghiệp mà đông đảo nhất vẫn là người buôn bán. Khi Động Hải trở thành thủ phủ tỉnh Quảng Bình (năm 1831- dưới thời vua Minh Mạng), hoạt động giao thương trên địa bàn này trở nên nhộn nhịp hơn và dần dần Động Hải trở thành trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Bình. Động Hải được chuyển thành Đồng Hới theo cách gọi biến âm dưới thời Pháp thuộc (sau 1885). Nơi buôn bán tập trung và nổi tiếng của Đồng Hới từ thời xưa đến nay vẫn là chợ Đồng Hới. Chợ Đồng Hới xưa kia nằm bên bờ tả ngạn sông Nhật Lệ, vị trí ở góc đông - nam thị xã Đồng Hới (nay cũng là vị trí chợ chính của thành phố Đồng Hới). Chợ Đồng Hới trước năm 1945 có 3 cái đình dài và rộng ven đường bờ sông. Đình phía Bắc bán ngũ cốc, lương thực; đình giữa chuyên bán hàng tạp hoá; đình phía Nam bán thực phẩm (chủ yếu là thịt, cá và rau dưa…). Sân các đình là hàng nông, lâm sản thực phẩm từ các làng xóm ngoại vi thị xã đem đến chợ như than, củi, rau tươi, gà, vịt, ngan, lợn, hoa quả tươi...

Chợ Đồng Hới thời ấy cũng như rất nhiều chợ truyền thống Việt Nam là loại chợ “trên bến dưới thuyền”. Trên bến là nơi tụ hội của người mua, kẻ bán, là nơi gặp gỡ trao đổi của khách thập phương. Bên cạnh giao thương, trên bến còn là nơi diễn ra các thú ẩm thực giản dị và một vài thú chơi của thị dân. Dưới thuyền là tấp nập vào ra các đò ngang, đò dọc đi các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, ra ngoại tỉnh, nơi cập bến của các thuyền cá và thuyền hàng. Bến chợ Đồng Hới là một cảng quan trọng nhất của Quảng Bình thời bấy giờ, nơi xuất nhập của ghe mành các tỉnh miền Trung đưa hàng đến và "ăn" hàng lâm thổ sản quảng Bình đi tiêu thụ các địa phương trong nước và nước ngoài.

Thường thường mùa hè, ghe Quảng Nam, Quảng Ngãi ra bán đường, dầu rái, ghe Bình Định, Phú Yên ra bán muối, tràm, dừa quả, dầu dừa..., và mua nông lâm thổ sản đi bán cho các địa phương khác. Do đó, chợ và phố chợ Đồng Hới không chỉ là một thị trường trung tâm nội địa của tỉnh Quảng Bình mà còn là thị trường của ngoại tỉnh từ rất sớm. Do có vị trí trung tâm, gắn liền với thủ phủ có đơn vị quản lý hành chính chặt chẽ và tồn tại trên vùng đất có truyền thống văn hoá nên các hoạt động giao thương diễn ra tại phố chợ cũng như trong trung tâm đô thị khá ôn hoà. Vì vậy thương nhân các địa phương trong, ngoài nước và khách thập phương gọi chợ Đồng Hới được gọi là “chợ hiền” - không có hiện tượng càn quấy của đám “anh chị”, “cò mồi”, “đầu gấu” và rất ít kẻ ăn cắp(A281:81).

Ngoài chợ Đồng Hới, trước 1945 trên các phố phường Đồng Hới có khoảng 50 cửa hàng lớn nhỏ khác nằm rải rác trên các phố của thị xã Đồng Hới cũ(A199:88). Các cửa hàng thương mại trong thị xã Đồng Hới chủ yếu bán các mặt hàng dân dụng phục vụ nhu cầu hàng ngày của thị dân và cung cấp một số mặt hàng dưới dạng bán sỉ cho các tụ điểm dân cư khác trong tỉnh. Trong thời kỳ bị thực dân Pháp chiếm đóng, giao thương tại chợ Đồng Hới không còn đông đúc và nhộn nhịp như trước nữa nhưng chợ Đồng Hới lại trở thành một địa chỉ quan trọng để những người yêu nước, những cán bộ cách mạng làm nơi tiếp xúc, trao đổi tin tức và mua sắm hàng hoá theo con đường bí mật chuyển lên các chiến khu phục vụ cuộc kháng chiến, kiến quốc. Sau ngày Đồng Hới được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, không khí giao thương tại chợ Đồng Hới dần dần được khôi phục. Tuy nhiên. Trong thời kỳ khôi phục , cải tạo kinh tế, bước đầu xây dựng quan hệ sản xuất mới, hàng loạt các cơ sở thương mại quốc doanh ra đời như các cửa hàng bách hoá tổng hợp, cửa hàng bán lẻ với phương thức phân phối là chủ yếu, không khí giao thương tại chợ Đồng Hới không đa dạng và phong phú như trước. Trong điều kiện đó, các loại hàng công nghệ phẩm tại chở Đồng Hới chiếm tỷ trọng không lớn, nhường chổ cho các mặt hàng không thuộc phân phối của Nhà nước như hàng tươi sống và các loại sản phẩm sản xuất thủ công của nhân dân. Ngày nay, đất nước chuyển sang cơ chế thị trường và thị xã Đồng Hới đã được dầu tư xây dựng và nâng cấp thành thành phố Đồng Hới, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Quảng Bình nên hoạt động giao thương tai thành phố Đồng Hới và chợ Đồng Hới đã lấy lại được không khí giao thương sôi động và ngày càng phát huy vai trò là trung tâm điều tiết thị trường và cung ứng hàng hoá phục vụ nhu cầu nhân dân.

Trên địa bàn thành phố Đồng Hới có nhiều trung tâm buôn bán khác, trong đó lớn nhất là chợ Ga và chợ Cộn. Chợ Ga là tên gọi theo địa điểm chợ đầu mối gần ga Đồng Hới, nơi tiếp nhận các nguồn hàng trong và ngoài tỉnh qua hệ thống đường sắt Bắc - Nam và chợ Cộn là chợ mới mở ra trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nay đã trở thành chợ nội vùng Cộn bao gồm các phường xã Đồng Sơn, Nghĩa Ninh. Hiện nay chợ Ga và chợ Đồng Hới là 2 trung tâm buôn bán lớn nhất có khả năng cung cấp đầy đủ hàng hoá phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn, đồng thời là trung tâm điều tiết thị trường của cả tỉnh. Chợ Cộn, vốn là chợ dã chiến trong giai đoạn thị xã Đồng Hới sơ tán để bảo toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Sau ngày đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đại bộ phận nhân dân khu vực sơ tán vẫn ở lại xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn Cộn. Vì thế chợ Cộn dần dần ổn định và trở thành địa chỉ giao thương của nhân dân vùng bán sơn địa với nhân dân nội thành Đồng Hới.

Ngoài 3 chợ chính, trên thành phố Đồng Hới còn có một số chợ hình thành từ những năm sau hoà bình lập lại và sau ngày tái lập tỉnh Quảng Bình (năm 1989) như các chợ Đồng Mỹ, chợ Bắc Lý, chợ Cầu Bốn..đóng vai trò cung cấp nhu yếu phẩm cho các phường, các tụ điểm dân cư. Có chợ đóng vai trò là chợ đầu mối của thành phố.
Chợ Quy Đạt

Chợ Quy Đạt nằm giữa trung tâm thị trấn Quy Đạt - thủ phủ huyện miền núi Minh Hoá.

Chợ Quy Đạt không phải là một chợ lớn so với các chợ khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhưng lại là chợ chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá tộc người của huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Bình. Chợ Quy Đạt thu hút nguồn hàng nông, lâm sản do người dân khai thác từ nguồn tài nguyên rừng và nương rẫy. Phần lớn loại hàng này đều là sản vật không qua chế biến như gỗ, các loại mây, tre, nứa, lá, các loại hoa quả hoang dại, mật ong, cây thuốc. Người dân địa phương vốn không có kinh nghiệm và không có tập quán sản xuất nên ngoài hàng hoá khai thác từ rừng ra, trong chợ chỉ bắt gặp một lượng rất hạn chế hoa quả trong vườn như chuối, mít, cam chanh. Thương nhân đến chợ Quy Đạt thường mang các hàng công nghệ phẩm như áo quần, vải vóc, đồ gia dụng và nhu yếu phẩm khác để cung cấp cho nhu cầu của người dân miền núi vốn có nhiều khó khăn trong giao thương.

Nét đặc thù của chợ Quy Đạt là các phiên chợ thường là nơi gặp gỡ, hội tụ của cộng đồng dân cư các dân tộc ít người thuộc nhóm người Chứt, Thái, Lào, Mường để trao đổi sản vật khai thác được và thông qua trao đổi để tạo mối quan hệ xã hội trong cộng đồng. Đỉnh cao của sự gặp gỡ hội tụ này là phiên chợ, đồng thời cũng là ngày "hội rằm tháng 3" hàng năm, được coi là “chợ tình” của vùng cao Minh Hoá. Trong ngày hội rằm tháng 3, cộng đồng cư dân trong địa bàn mang các sản vật mình có như các loại thú, loại chim bẫy, săn hoặc được nuôi, các giống, loài hoa rừng, chim cảnh.. các loaị hoa quả, củ rừng, trong đó bao gồm cả các loại thức ăn, đồ uống do họ thu nhặt từ rừng hoặc tự chế biến như pồi, rượu đoác, mật ong, nhộng tằm, ốc suối…đến tham gia ngày hội. Tại ngày hội này ngoài cư dân trong vùng, đặc biệt là thanh niên hẹn hò rũ nhau thăm thú, ăn uống và tham gia các trò chơi như chơi đu, đánh cờ, kéo co …và các trò chơi dân gian khác. Sự hội tụ và gặp gỡ nhiều khi là tơ duyên để thanh niên nam nữ có dịp gần gũi nhau và nhiều đôi đẫ nên vợ, nên chồng. Gọi là “chợ tình” là từ nguyên do như vậy.


Chợ Đồng Lê

Trên địa bàn huyện Tuyên Hoá có một số cơ sở trao đổi mua bán nhưng chỉ có chợ Đồng Lê mới là trung tâm thương mại của địa bàn. Chợ Đồng Lê nằm ngay trung tâm huyện lỵ, nơi tập trung các hoạt động chính trị, kinh tế và văn hoá của huyện Tuyên Hoá. Vì vậy chợ Đồng Lê thu hút cư dân trong vùng đến đây trao đổi hàng hoá. Các mặt hàng trao đổi ở chợ Đồng Lê chủ yếu là nhu yếu phẩm do thương nhân đưa từ đồng bằng lên và nông, lâm sản do nhân dân trong vùng sản xuất hoặc khai thác từ thiên nhiên. Tuy nhiên do địa bàn không mấy thuận lợi về giao thương nên chợ Đồng Lê chỉ có ý nghĩa điều tiết kinh tế thương mại trong phạm vi địa bàn huyện Tuyên Hoá, không có những giao thương rộng ra ngoài địa bàn.

Trên địa bàn huyện Minh Hoá còn có các chợ Minh Cầm, chợ Tân Ấp và một số chợ xép làm nhiệm vụ cung ứng nhu yếu phẩm và là trung tâm trao đổi hàng hoá nội vùng, ít có cơ hội mở rộng giao thương ra ngoài tỉnh.

Chợ Ba Đồn

Chợ Ba Đồn là chợ lớn nhất phía Bắc tỉnh, nằm ở trung tâm thị trấn Ba đồn, huyện lỵ huyện Quảng Trạch. Chợ Ba Đồn nằm ở điểm giao hội của cả hai tuyến giao thông đường bộ và đường thuỷ; là nơi gần ngã ba sông, có bến đò ngang Cửa Hác, vừa là bến đò dọc sông Gianh; gần cảng Gianh, cảng biển quan trọng nhất của tỉnh; là nơi gần dường quốc lộ 1A, đường 12A; là cửa ngõ của hai huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá, có vị trí thuận lợi cho phát triển giao thương giữa các vùng kinh tế trên cả 2 chiều Đông - Tây và Bắc - Nam.

Dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh Ba Đồn là khu vực đồn trú của các đạo quân Trịnh trong cuộc chiến với quân đội của các chúa Nguyễn. Vì thế trên địa bàn Ba Đồn hình thành khu vực giao thương, dịch vụ cho các lực lượng đồn trú và dần dần trở thành nơi trao đổi hàng hoá, sản phẩm của nhân dân các địa phương phía bắc sông Gianh.

Chợ Ba Đồn thời Pháp thuộc là loại chợ lớn trong tỉnh, buôn bán phát triển mạnh. Chợ có khoảng hơn 10 hiệu buôn bán khá lớn. Chợ họp cảc hai hình thức là hàng ngày và theo phiên. Cứ 10 ngày có một phiên, phiên chợ họp vào các ngày sáu, mười sáu, hai mươi sáu (âm lịch) hàng tháng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chỉ duy nhất chợ Ba Đồn có phiên chợ bán bò nổi tiếng, cung cấp sức kéo và bò thịt cho các địa bàn trong tỉnh và địa phương phụ cận.

Hàng hoá trao đổi ở chợ Ba Đồn gồm các loại nông thổ sản từ vùng núi và vùng bán sơn địa Minh Hoá, Tuyên Hoá, tây - bắc huyện Quảng Trạch và hàng hoá giao thương từ miền Bắc vào như gạo, vải, hàng thủ công thông qua đường thượng đạo Bắc Nam và đường thuỷ qua cảng Gianh

Mỗi phiên có trên dưới một nghìn người bán và mua(A199:88). Cụ Trần Kinh (nguyên là Đốc học thời Pháp thuộc- Hiệu trưởng trường Pháp Việt - Tiểu học ở Đồng Hới, tác giả bộ sách "Quảng Bình Địa Dư Tiên học" có bài thơ Viết về chợ Ba Đồn như sau:

Ba Đồn là chợ xưa nay

Tụ nhơn tụ hoá mười ngày một phiên

Phố phường nam, khách hai bên

Mỗi phiên đông đến vài nghìn người ta

Thương thuyền đi bán phương xa

Chỉ có hai cửa Lý Hoà, Cảnh Dương

Hải Trình Thuận nẻo thông thương

Trong Nam ngoài Bắc tiện đường vào ra

Kể hàng xuất cảng của ta

Cá khô, nước mắm, sắn và hoàng tinh

Lúa, ngô cũng tải vào mình

Nứa, mây, săng, gỗ bán đành giá cao

Còn đồ nhập cảng cũng nhiều

Nào trà, nào giấy, nào đồ hoả du...

Nhìn dưới giác độ giao thương thì, trong nhiều thời gian, chợ Ba Đồn có phạm vị giao thương còn rộng hơn chợ Đồng Hới. Hàng hoá ở chợ Ba Đồn phong phú hơn chợ Đồng Hới bởi lẻ chợ Ba Đồn vừa như là một chợ trung tâm, vừa như là một chợ đầu mối. Chợ Ba Đồn là nơi hội tụ nhiều loại hàng hoá, đặc biệt là nông, lâm , thổ sản do người dân trực tiếp sản xuất , trực tiếp đem bán tại chợ nên hấp dẫn thương nhân và người tiêu dùng hơn so với các chợ khác. Cũng với lý do đó, nhiều nguồn hàng công nghệ phẩm và thực phẩm đựơc thương nhân đưa đến trao đổi trực tiếp với người tiêu dùng trong phạm vi chợ cũng tạo nên không khí mua bán nhộn nhịp.

Trên địa bàn huyện Quảng Trạch có hệ thống các chợ như Chợ Ròn (xã ), chợ Cảnh Dương (xã…), chợ Hoạ (xã Quảng Thuận), chợ Điền (xã Quảng Lưu), chợ Cuồi (xã Châu Hoá), chợ Sãi (xã Quảng Trung), chợ Mới (xã Quảng Hòa)… có chức năng cung ứng hàng hoá cho nhân dân trong nội vùng và điều tiết thị trường trong khu vực. Hầu hết các chợ này đều lấy nguồn hàng từ chợ trung tâm Ba Đồn về cung ứng cho dân cư trong vùng và thu mua các nông, lâm, thổ sản do nhân dan trên địa bàn sản xuất hoặc khai thác từ thiên nhiên đưa đi tiêu thụ ở những tụ điểm dân cư khác trong tỉnh hoặc tích tụ fđể bán chgo các thuyền buôn ra ngoại tỉnh.


Chợ Đón

Địa danh chợ Đón được giải thích theo nhiều cách khác nhau.

Về mặt buôn bán, người ta nói đây là chợ đón khách vào ra trên trục đường Bắc Nam thuận tiện và tập trung nhất. Ngày xưa trong dân gian thường so sánh Chợ Đón (chợ Hoàn Lão) ở Châu Nam Bố Chính với chợ Đồn (chợ Ba Đồn) của Châu Bắc Bố Chính. Nếu ở chợ Đồn là nơi hội tụ trển vị trí trung tâm của ba cái đồn lớn của Chúa Trịnh thì chợ Đón cũng là nơi gặp gỡ của 3 con đường chiến lược với một dãy đồn trên lũy An Náu và một đại doanh gọi là Dinh ngói của các chúa Nguyễn. Nếu ở cạnh chợ Đồn có chợ Hoạ, chợ Điền thì ở cạnh chợ Đón cũng có chợ Dinh, chợ Lý Hoà.

Về quân sự có người giải thích rằng: nơi đây tập trung của cả 3 con đường hành quân từ Bắc tiến vào chân lũy An Náu và Động Hải cho nên ngày thường chợ Đón là nơi buôn bán, nhưng khi xảy ra chiến sự nó là cái ổ phục kích của quân Nguyễn "chờ đón" quân Trịnh. Nhiêù người cho rằng chợ Đón với chờ Đón có khi chỉ là một cách biến âm, áp dụng theo "thời".

Tất cả ba con đường khi đã hội vào một điểm chợ Đón thì nó cùng nhập làm một và cùng tiến vào lũy Động Hải .

Chợ Đón họp hàng ngày và theo phiên, phiên chợ Đón vào ngày 2 và 7, 12 và 17, 22 và 27 hàng hàng tháng âm lịch. Ngày chợ phiên có khách hàng từ các nơi trong huyện về, khách các huyện trong tỉnh và các khách vãng lai đến mua bán rất đông đúc.

Ngày nay chợ Đón vẫn là trung tâm buôn bán lớn của huyện Bố Trạch, là chợ trung tâm có chức năng cung ứng hàng tiêu dùn cho nhân dân và điều tiết thị trường trong nội vùng.

Làng Lý Hoà và chợ Lý Hoà:

Lý Hoà là nơi phong cảnh nên thơ, cụ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909 có bài thơ qua Lý Hoà như sau:

Ngoạn tước tân phong tuyệt cựu đường

Hải Thành nhất vọng chính thương thương

Đông Tây thủy sắc liên thiên bích

Nhật dạ đào thanh đáo ngạn trường

Kha hạm quá thời như nhất diệp

Vân yên tận xứ thị thuỳ hương

Hữu nhân vi tất bất như ngã

Diễu diễu kiêm hà các nhất phương

Dịch thơ:

Núi non chững lại dứt đầm ao

Vời vợi trong xanh ngát một màu

Trên dưới nước liền trời biếc biếc

Đêm ngày bờ gọi sóng xao xao

Nom như mảnh lá con thuyền đó

Trông dứt làn da xứ sở nào

Có ai đấy cũng như ta vậy

Cũng mỗi phương trời mỗi bãi lau(A369:108)

Làng Lý Hoà từ xưa đã nổi tiếng về buôn bán, sách "Phủ biên tạp lục" chép về Lý Hoà như sau:

"Thôn Lý Hoà, châu Nam Bố Chính, đất ấy là dư khí của núi Lệ Đệ rủ xuống thành một bãi cát bằng, nổi cao mở rộng, dân cư ở ngang bãi trông về hướng Nam, đuôi bãi từ bến tả ôm lấy sông Thuận Cô làm án, cho nên dân đinh thịnh vượng đến hơn nghìn người. Tục quen buôn bán. Bình thường vào Gia Định đóng thuyền nan lớn đến trăm chiếc, mỗi chiếc giá đến hơn một nghìn quan, đem về bán lại" (A158 :101-104).

Vốn là một cộng đồng cư dân năng động, lại ở vào một vị thế địa lý rất thuận lợi cho giao thương, làng nằm bên cửa sông, trước mặt là cửa biển, sau lưng là đường bộ xuyên Việt, nay là đường quốc lộ 1A, sát người Lý Hoà luôn tìm mọi cách để làm giàu. Ngoài nghề truyền thống là nghề đánh cá biển, người Lý Hoà còn phát triển các nghề chế biến thuỷ sản, vận tải đường biển, một số nghề thủ công truyền thống và đặc biệt là nghề buôn. người Lý Hoà sử dụng mọi phương tiện để đi buôn như buôn ghe theo đường biển, buôn chuyến theo đường ô tô, thậm chí buôn gánh theo đường bộ đến từng làng quê ngõ xóm. Giao thương rộng như vậy nên chợ Lý Hoà bao giờ cũng là chợ có lượng hàng phong phú và giá rẻ.

Sau khi hoà bình lập lại và đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay, làng Lý Hoà và chợ Lý Hoà vẫn là trung tâm buôn bán lớn của tỉnh. Chợ Lý Hoà không những là địa chỉ buôn bán với các tỉnh bạn mà còn buôn bán với nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông - Nam Á..

Trên địa bàn huyện Bố Trạch còn có hệ thống các chợ đóng vai trò điều tiết thị trường khu vực như chợ Thanh Khê (xã Thanh Trạch), chợ Dinh ngói (xã Đại Trạch), chợ Hạ (xã Hạ Trạch), chợ Khương Hà (xã Hưng Trạch), Chợ Thọ Lộc (xã Phú Định), chợ Troóc (xã Phúc Trạch), chợ Xuân Sơn (xã Sơn Trạch)…Hầu hết các chợ này , kể cả 2 chợ Thanh Khê và chợ Dinh ngói nằm trên trục đường quốc lộ 1A rất thuận lợi về giao thương, đều chịu ảnh hưởng điều tiết từ 2 chợ trung tâm là chợ Đón (nay là chợ Hoàn Lão) và chợ Lý Hoà.



Chợ Cổ Hiền

Chợ Cổ Hiền vốn có tên địa phương là chợ Côộc, nằm ở ngã ba sông, gần đường thượng đạo (nay là đường 15A) thuộc làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, là địa bàn chuyển tiếp từ vùng đồng chiêm trũng lên vùng gò đồi phía tây huyện Quảng Ninh. Vì vậy chợ Cổ Hiền là trung tâm giao thương của cộng đồng cư dân huyện Quảng Ninh nói chung và các xã phía tả ngạn sông Nhật Lệ nói riêng.

Chợ Cổ Hiền vốn có 2 chợ với 3 hình thức họp chợ. Chợ thứ nhất là chợ Côộc, sau này gọi là chợ Cổ Hiền có 2 hình thức họp chợ là họp hàng ngày và họp theo phiên, 10 ngày một phiên, nên có khi dân địa gọi là chợ Phiên và chợ Tết họp 3 ngày tết tại bến sông nên gọi là chợ Bến, cách vị trí chợ Phiên khảng 800m.

Tuy chợ Cổ Hiền nằm lệch hẵn về phía tây của địa bàn huyện Quảng Ninh nhưng do vị trí thuận lợi về giao thông đường thuỷ xuyên qua vùng dân cư đông đúc nhất tỉnh Quảng Bình nên chợ Cổ Hiền thu hút được nguồn hàng trên cả tuyến đò dọc 2 chiều Đồng Hới - Lệ thuỷ và trên cả 2 vùng kinh tế đồng bằng và vùng bán sơn địa. Đồng bào dân tộc sống dọc dãy trường Sơn thường chọn chợ Cộôc làm nơi trao đổi sản vật khai thác từ thiên nhiên như mật ong, trầm hương, xương và da động vật hoang dã, các loại thảo dược, các loại lâm sản khác như gỗ, nứa, lá, mây, tre...một số hoa trái thu lượm trong rừng để trao đổi nhu yếu phẩm cho cuộc sồng hàng ngày của họ. Chợ Cổ Hiền còn là nơi giao thương và chuyển tiếp hàng hoá trao đổi từ chợ Đồng Hới qua tuyến đò dọc đến Cổ Hiền rồi chuyển lên chợ hôm Tuy và chợ Tréo huyện Lệ Thuỷ. Chợ Cổ Hiền còn là điểm trung tâm điều tiết thị trường cho khu vực thông qua một loạt các chợ vệ tinh khác ở Xuân Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Hàm Ninh, Duy Ninh...

Tuy chợ Cổ Hiền không nằm ở trung tâm huyện lỵ Quảng Ninh nhưng do vị thế địa lý và truyền thống giao thương trong vùng nên chợ Cổ Hiền vẫn thu hút các nguồn hàng và thương nhân đến chợ. Vì vậy chợ Cổ Hiền vẫn là một trung tâm điều tiết thị trường trên địa bàn huyện Quảng Ninh.

Cùng với chợ Cổ Hiền, trên địa bàn huyện Quảng Ninh còn có một hệ thống mạng lưới các chợ địa phương trên khắp địa bàn như chợ Quán Hàu, chợ Vỹnh Tuy, chợ Võ Xá, chợ Trần Xá, chợ Dinh Mười,...Chợ Quán Hàu (thị trấn Quán Hàu , chợ Vĩnh Tuy (xã Vĩnh Ninh), chợ Võ Xá , chợ hôm Dinh Mười (xã Võ Ninh), chợ Trần Xá (xã Hàm Ninh), chợ Vạn Xuân (Chợ Chuông-xã Vạn Ninh) ...tuy có vị trí khá thuận lợi là gần sông (chợ Quán Hàu, Võ Xá, Trần Xá), bên đường quốc lộ số 1A hoặc đường 15A (Dinh Mười, Chuông...) nhưng do địa bàn này gần với thành phố Đồng Hới và chợ trung tâm Cổ Hiền nên các chợ này chỉ đóng vai trò điều tiết thị trường khu vực và có vai trò cung cấp nhu yếu phẩm cho nội vùng hơn là giao thương rộng ra ngoài địa bàn. Tại chợ này cũng có các thương nhân Đồng Hới và Cổ Hiền mang hàng hoá đến để trao đổi, chủ yếu vẫn là bán hơn là mua.



Chợ Tréo

Chợ Tréo là chợ trung tâm huyện Lệ Thủy. Chợ Tréo có vị trí hết sức thuận lợi cho giao thương bởi vị trí chợ nằm ngay ngã ba sông Kiến Giang đổ về sông Nhật Lệ theo 2 nhánh sông Phong Thuỷ - An Thuỷ và Liên Thuỷ- Thanh Thuỷ. Cũng như nhiều chợ truyền thống Việt Nam, chợ Tréo là chợ “trên bến, dưới thuyền”. Chợ Tréo họp hàng ngày và đông vào buổi sáng. Từ sáng sớm các nguồn hàng từ vùng núi và bán sơn địa như Trường Thuỷ, Mỹ Thuỷ , Tân Thuỷ, Dương Thuỷ... theo đường sông Kiến Giang, hàng từ Sơn Thuỷ, Phú thuỷ theo các dòng kênh nhánh sông chở nông lâm sản về bán cho cộng đồng cư dân nông nghiệp ở địa bàn trung tâm và cư dân ngư nghiệp ở các xã ven biển. Ngược lại cư dân ven biển thuộc các xã Ngư Thuỷ, Cam Thuỷ, Hưng Thuỷ, Thanh Thuỷ, Hồng Thuỷ...mang hàng hải sản và các nông sản vùng cát ven biển như khoai sắn, ớt và các loại rau quả đến trao đổi cho cư dân vùng trung tâm và vùng bán sơn địa. Cư dân sở tại ở các xã như Liên Thuỷ, Phong Thuỷ, Lộc Thuỷ, An Thuỷ, Xuân Thuỷ thì bán các nông sản vùng đồng chiêm trũng. Do có sự tụ hội như vậy nên chợ Tréo là chợ có mặt hàng hết sức đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng hàng hoá rất lớn.

Hàng buổi sáng, dân thập phương tụ hội lại đông đúc trên bến, dưới thuyền. Trên bến, các loại hàng nông lâm thổ sản như củi, tranh tre, nứa, lá, mây, các hàng thủ công đan lát , hàng nghề như đồ gỗ, đồ gốm, các loại vật nuôi và sản vật săn bắt, hái lượm, các loại cá nước ngọt...các loại thuỷ sản nước mặn, lợ từ các chợ vùng hạ lưu mang lên như các loại tôm, cá cua biểm, rạm...các lô chum, vại và dụng cụ đựng hải sản đã chế biến...chất đầy bờ. Trong các gian hàng, người buôn bán (chủ yếu là người sở tại thuộc làng Cổ Liểu xã Liên Thuỷ và một vài làng phụ cận) bán các loại hàng nhu yếu phẩm hàng ngày. Người dân các địa phương khác mang hàng đến chợ Tréo thường không bán trong đình chợ hặc các dãy hàng quán ma bán ngoài sân đnhf hoặc ven sông bởi khối lượng hàng lớn không thể sắp xếp lên sạp hàng và cũng vì lý do họ không phải là dân sở tại có đăng ký ở chợ. Dưới thuyền tấp nập vào ra các loại thuyền buôn, thuyền nghề cập bến để bán sản phẩm và mua nhu yếu phẩm. Do khối lượng thuyền đông nên hầu như vào giờ cao điểm (thường là 9 giờ sáng hàng ngày) thuyền phải đậu thành 2,3 lớp, những chủ thuyền đến muộn phải đi len lỏi qua các thuyền phía trong mới vào được bờ.

Sau ngày hoà bình lập lại, hệ thống thương mại quốc doanh đã chia xẻ một phần khách hàng về các địa phương nên chợ Tréo không còn đông đúc như trước, nhưng, với vị trí địa lý thuận lợi, chợ Tréo vẫn tiếp tục đóng vai trò trung tâm thương mại lớn nhất của huyện Lệ Thuỷ.

Trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ còn có nhiều chợ địa phương, là nơi trao đổi hàng hoá, giao thương cho cư dân các vùng. Hầu hết các chợ này cũng có vai trò điều tiết thị trường, đồng thời hỗ trợ nguồn hàng và chia xẻ giao thương với chợ Tréo như chợ hôm Tuy, chợ hôm Trạm, chợ Thùi, chợ Mai, chợ Đôộng, chợ mỹ Đức...

Chợ hôm Tuy là chợ họp vào các buổi chiều (tiếng địa phương gọi là hôm) tại làng Tuy Lộc,xã Lộc Thuỷ. Chợ hôm Tuy có vai trò như một chợ đầu mối, thu gom nguồn hàng từ hai nguồn. Nguồn thứ nhất là nguồn hàng thuỷ sản nước mặn lợ từ các cư dân vùng phá Hạc Hải và Đồng Hới lên như các loại tôm, cá, các loại mắm và nước mắm...Nguồn thứ hai là các loại nông thổ sản của cư dân các xã vùng cát ven biển và vùng gò đồi giáp với phá Hạc Hải như khoai, sắn, các loại đậu, ớt.... nguồn hàng này một phần tiêu thụ ngay tại chợ, một phần khác thương nhân tích tụ để sáng mai mang lên buôn bán tạ chợ Tréo.

Chợ hôm Trạm cũng là chợ họp buổi chiều tại làng Trạm (xã Mỹ Thuỷ) có vai trò như một chợ đầu mối. Chợ hôm Trạm thu gom nguồn hàng lâm, thổ sản từ vùng rừng núi và gò đồi miền Tây Quảng Bình để tiêu thụ tại chổ và tích tụ để đưa về tiêu thụ tại chợ Tréo như các loại gỗ, củi, mây tre, nứa, lá, lâm sản khác và một số sản vật địa phương như các loại khoai, các giống họ đậu và nông sản khác. Chợ hôm Trạm cũng là nơi nhận các nguồn hàng thuỷ sản do chợ Tréo cung cấp hoặc thương nhân các vùng hạ lưu sông Nhật Lệ, Đồng Hới mang thẳng đến bán cho cư dân trong vùng.

Chợ Đôộng (thuộc xã Mai Thuỷ) và chợ Mỹ Đức (thuộc xã Sơn Thuỷ), chợ Chè (xã Hồng thuỷ), chợ Cưởi (xã Thanh Thuỷ) Chợ Mai (xã Hưng Thuỷ)... có thể coi là một chợ đầu mối nằm ở phía đông - nam Quảng Bình. Ngoài nhiệm vụ cung cấp hàng hoá cho người dân và điều tiết thị trường trong vùng, các chợ này còn là đầu mối cung ứng hàng thuỷ sản và sản vật vùng đồi cho chợ Tréo, chợ hôm Trạm và chợ hôm Tuy.

Ngoài các chợ trên, trước Cách mạng Tháng Tám toàn tỉnh có khoảng 50 chợ lớn nhỏ tham gia mạng lưới điều tiết thị trường.

Trong cơ chế thị trường hiện nay, chợ lại mọc lên nhiều, hầu hết là các chợ khu vực mà dân địa phương quen gọi là chợ xép. Đây cũng là điều báo hiệu cho sự phát triển kinh tế ngày càng đi lên và đáp ứng với nhu cầu về cuộc sống ngày càng cao và cũng là một trong những động lực làm cho nền kinh tế tỉnh càng phát triển.

2.4.2. Giao thương trong và ngoài tỉnh

Do vị thế lịch sử, giao thương của các tầng lớp thương nhân Quảng Bình với trong nước và nước ngoài phát triển tương đối muộn. Hiện chưa thấy tài liệu nào nói đến giao thương của các thương nhân Quảng Bình trong giâi đoạn Bắc thuộc. Chỉ từ sau khi Lý Thường Kiệt đưa quân mở rộng biên ải về phía nam và đưa vùng đất Quảng Bình sát nhập vào quốc gia Đại Việt thì mới thấy có dấu hiệu mở rộng giao thương với bên ngoài địa bàn Quảng Bình. Đặc biệt, dưới thời các chúa Nguyễn, việc lưu thông hàng hoá đã mở rộng đến nhiều vùng buôn bán phát triển mạnh như Đồng Nai - Bến Nghé thì các thương gia Quảng Bình mới có cơ hội vào đây để buôn bán. Đến giữa thế kỷ XVIII các chúa Nguyễn đã chiếm xong nữa đất Chân Lạp, đẩy cương giới Đàng Trong đến Vịnh Xiêm La và khai thác miền ấy thành một vùng giàu có. Nhân dân Thuận Hoá thường ăn gạo Gia Định chở ra. Miền Thuận Hoá mang tính chất khu vực công thương nghiệp hơn là nông nghiệp. Từ đó việc buôn bán giữa các nhà thương gia Quảng Bình với Đàng Trong càng phát triển.

Một thương nhân ở Nam Bố Chính đã từng buôn bán ở Gia Định kể lại với Lê Quý Đôn như sau: "Thường từ tháng 9, tháng 10 đi, tháng 4, tháng 5 về. Nếu gặp gió thuận thì chỉ trong 10 ngày đêm là đến nơi. Mỗi chuyến đi phải qua cửa Nhật Lệ vào trình quan Trấn Thủ và qua cửa Co vào trình quan Tào Vận để lấy giấy ra biển. Khi đến đầu địa giới Gia Định, xứ Vũng Tàu là bãi đảo có cư dân thì nghỉ ngơi một chút, hỏi thăm nơi nào được mùa, nơi nào mất mùa. Biết rõ nơi nào được mùa mới đến. Trước vào cửa Cần Thơ rồi vào cửa Sài Lạp, cuối cùng vào cửa Đại, cửa Triển. Đến nơi cũng thấy thuyền buồm đầy bến. Khi đã mặc cả thành giá thì người ta tự sai người nhà chuyển thóc xuống thuyền cho...(...). Không có nơi nào thóc rẻ như thế. Ở đó gạo rất trắng và mềm, cá tôm to và không thể ăn hết nên dân thường đem luộc chín rồi phơi khô để bán”(A158).

Hàng hoá bán ra ngoài tỉnh và nước ngoài chủ yếu là những hải sản và lâm sản. Các loại nổi tiếng như nước mắm, mắm cá và mắm tôm đưa vào Huế, ra Nam Định. Các thứ gỗ, đồ mộc, nón lá bán ra Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội ... đặc biệt hàng đồ gỗ chạm trỗ bán đi khắp nơi...(A199:89). Do vị trí nằm gần đường giao thông Bắc - Nam, lại có nhiều cảng biển, đặc biệt khi đường sắt, đường bộ cái quan thông suốt thì việc giao thương không chỉ diễn ra với khu vực miền trong mà phát triển ra các địa phương khác trong nước và nước ngoài. Nhân dân Quảng Bình thường mua một số hàng như sắt và đồng cũ của Vinh, Hà Nội hoặc Sài Gòn, vải, gạo của Nam Định, Nam Bộ, đường, muối biển của Quảng Ngãi và Quy Nhơn, , đồ gốm của Thanh Hoá và Quảng Nam và các sản vật khác do thương nhân các địa phương trong nước và nước ngoài mang đến.

Những thương gia nổi tiếng buôn bán với tỉnh bạn thường ở Đồng Hới, Lý Hoà, Thanh Khê, Ba Đồn, Cảnh Dương...

Cũng chính tại Cảng Gianh năm 1889, tàu thủy mang tên Bạch Đằng của hãng vân tải Bạch Thái Bưởi là một hãng buôn bán lớn với nước ngoài từ đầu thế kỷ này, đã vào cặp bến ăn hàng lâm thổ sản và bán hàng thủ công, mỹ nghệ, lương thực. Điều đó chứng tỏ rằng Cảng Gianh đã trở thành một thương cảng được giới doanh nghiệp thời đó quan tâm. Việc buôn bán với tỉnh bạn càng mở rộng, kỹ thuật đóng thuyền ở Quảng Bình phát triển. Đặc biệt, từ trước năm 1945 ở Thanh Khê (Bố Trạch) đã có cụ Nguyễn Kỳ đã đóng được ghe thuyền có sức chở 120 tấn...Tuy có những khả năng phát triển như vậy nhưng lúc bấy giờ tầng lớp công thương Việt Nam không phát triển được trước chèn ép của giới tư bản Pháp đang được chính quyền thực dân ở Đông Dương bảo hộ nên Cảng Gianh không phát huy hết tác dụng.


Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội vô cùng khó khăn, phức tạp. Cùng một lúc, chính quyền Cách mạng phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài và nạn đói khủng khiếp do hậu quả của chính sách thống trị của thực dân, phong kiến để lại.

Trước tình hình đó, Hồ Chủ Tịch và Chính phủ Cách mạng lâm thời một mặt vẫn kiên quyết dùng mọi biện pháp giải oả bế tắc về kinh tế để đảm bảo những nhu cầu cấp thiết cho Nhà nước và nhân dân, trước hết là khôi phục kinh tế, tăng gia sản xuất và chống đói, mặt khác Chính phủ kêu gọi các thương gia giàu có góp vốn vào các ngành sản xuất, kích thích giao thương để dần dần khắc phục tình trạng “bế quan, toả cảng”, điều chỉnh dần những khủng hoảng về giá cả trên thị trường. Nhà nước khuyến khích thương mại, thủ công nghiệp, trao đổi hàng với nước ngoài...

Giai đoạn này ngành thương mại ở các vùng chiến khu của tỉnh ta khá phát triển. Nhiều địa phương ở Quảng Bình có sáng kiến tổ chức chợ lưu động, tổ chức họp chợ từng nhóm trong đường làng, kiệt xóm. Ở những nơi xa địch, dân quân, công an bố trí canh gác cho đồng bào tự do họp chợ và dùng đồng bạc Việt Nam. Những chợ này là đầu mối tiếp tế cho chiến khu, nên có nơi gọi là chợ "hậu cứ"," chợ kháng chiến"...

Sau khi hoà bình lập lại ở miền Bắc, trong thời kỳ khôi phục, cait tạo các thành phần kinh tế và chuẩn bị cơ sở vật chất để tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, cố gắng bình ổn giá những thứ hàng chính thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng cường quan hệ buôn bán..

Giai đoạn này ngành thương nghiệp Quảng Bình phát triển khá mạnh. Các cửa hàng hợp tác xã được thành lập về tận các thôn, xã, nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân. Ở các huyện thị, các cửa hàng "mậu dịch quốc doanh", "bách hoá tổng hợp", "cửa hàng bán lẻ"… được hình thành, góp phần đáng kể để nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong thời kỳ này, thương nghiệp quốc doanh chiếm giữ các mặt hàng chủ yếu trong sản xuất và đời sống.

Các tổ chức lương thực, thực phẩm và thương nghiệp quốc doanh được Nhà nước giao chủ trì thu mua các loại hàng hoá để chủ động điều tiết thị trường và cung ứng cho các tổ chức kinh tế, xã hội, lực lượng vũ trang và nhân dân như.

*Về lương thực, thực phẩm có gạo, muối, cá tươi, cá khô, nước mắm, nước chấm, mắm tôm, đường các loại, thịt lợn hơi, thịt trâu bò hơi, gà, vịt, ngan, ngổng, các loại trứng gia cầm, hoa quả tươi, các loại rau đậu, lạc, vừng, thuốc lá…

*Về hàng công nghệ phẩm có quần áo may sẵn, bát đĩa sứ, chiếu cói, xà phòng giặt, diêm,…

* Về nguyên vật liệu có củi, gỗ tròn, gỗ xẻ, tre, nứa, lá cọ, gạch, ngói, vôi, nón lá…(B58:457-469).

Danh mục các mặt hàng cho thấy chủng loại và số lượng hàng hoá do Nhà nước lưu thông trên thị trường Quảng Bình trong giai đoạn từ sau ngày hoà bình lập lại đến khi ngày thống nhất đất nước (1954-1975) rất hạn chế và giản đơn. Tình trạng này có nguyên nhân từ cuộc chiến tranh bao vây cấm vận của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc Việt Nam gây ra, đồng thời cũng có nguyên nhân từ những hạn chế của cơ chế quan liêu, bao cấp thời bấy giờ.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, việc Nhà nước chủ động nắm các nguồn hàng để điều tiết thị trường với việc xây dựng một mạng lưới các cơ sở thương mại quốc doanh trên khắp các địa phương trong tỉnh và xây dựng cơ sở quản lý và phân phối hàng hoá trong tất cả các cơ quan, tổ chức kinh tế - xã hội và lực lượng vũ trang đã tạo ra lợi thế chủ động đối phó với chiến tranh bao vây, ngăn chặn của đế quốc Mỹ. Vì vậy trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là trong thời kỳ nhân dân Quảng Bình đương đầu với 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1972, các hoạt động giao thương vẫn không bị hạn chế, nhân dân vẫn được Nhà nước cấp đủ những nhu yếu phẩm thiết yếu trong điều kiện chiến tranh vô cùng khốc liệt. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, hầu như ở địa phương nào trong tỉnh cũng đều có một vài cửa hàng thương mại quốc doanh làm nhiệm vụ phân phối và kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước tiếp tục rơi vào một giai đoạn khó khăn do những ấu trỉ trong chính sách kinh tế nói chung và thương mại nói riêng. Nhưng thời kỳ đó qua đi rất nhanh sau khi có đường lối đổi mới nền kinh tế - xã hội theo hướng xoá bỏ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá, phát triển kinh tế thị trường. Đặc biệt sau khi Quảng Bình tái thiết lập theo địa giới cũ vào năm 1989, giao thương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã hồi sinh và phát triển.

Trong 10 năm cuối cùng của thế kỷ XX, tốc độ phát triển các cơ sở thương mại, dịch vụ tăng bình quân 5%/năm. Năm 1990 trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 4.078 cơ sở hoạt động thương mại, du lịch, đến năm 2000, số lượng tăng lên đến 10.165 đơn vị. Trong thập kỷ này, số lượng các cơ sở hoạt động thương mại và dịch vụ quốc doanh từ 43 đơn vị vào năm 1990, đến thời điểm năm 2000 chỉ còn lại 32 đơn vị. Trong khi đó, khu vực thương mại tư nhân và cá thể tăng đột biến từ 3.913 cơ sở trong năm 1990 lên đến 10.130 cơ sở trong năm 2000. Đặc biệt, trong thập kỷ này, số cơ sở hoạt động thương mại dịch vụ ở khu vực đô thị (điển hình là địa bàn thành phố Đồng Hới) chỉ tăng từ 1.181 cơ sở trong năm 1990 lên 2640 cơ sở trong năm 2000 thì khu vực nông thôn lại tăng đột biến (chỉ tính riêng trên địa bàn nông nghiệp tập trung như huyện Lệ Thuỷ, cơ sở thương mại, dịch vụ tăng từ 399 cơ sở trong năm 1990 đến năm 2000 tăng lên 1352 cơ sở). Số lượng lao động trong khu vực thương mại và dịch vụ tăng từ 8.545 người trong năm 1990 lên 14.653 người trong năm 2000. Số lao động khu vực tư nhân, cá thể tăng từ 4.401 người trang năm 1990 lên 12.086 người trong năm 2000, trong đó lao động trong khu vự thương mại và dịch vụ trên địa bàn đô thị giai đoạn 1990 – 2000 chỉ tăng từ 3920 người lên 5.523 người, trong khi đó khu vực nông thôn (diển hình là huyện nông nghiệp tập trung như Lệ Thuỷ) tăng từ 701 người năm 1990 lên 1769 người thời điểm năm 2000(A372:150-152).

Qua các chỉ số thống kê như vậy cho thấy đến cuối thế kỷ XX, hoạt động thương mại, dịch vụ nói riêng và giao thương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung đã có những đột biến về xu hướng cũng như tốc độ tăng trưởng. Hoạt động thương mại và dịch vụ dần dần chuyển về khu vực tư nhân là chủ yếu. Trong khi tại khu vực đô thị, hoạt động thương mại, du lịch và giao thương vẫn giữ vững được xu thế và nhịp độ tăng trưởng thì khu vực nông thôn lại phát triển đột biến. Tầng lớp thương nhân không chỉ phát triển ở thành thị mà đã phát triển mạnh ở khu vực nông thôn. Điều đó chứng tỏ kinh tế thị trường và giao thương đã tác động toàn diện đến cơ cấu kinh tế - xã hội và trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ khu vực đô thị mà của toàn xã hội.



Về thương mại quốc tế, từ thế kỷ XII, XIII trở đi, giao thương Việt Nam vốn đã khá phát triển từ thiên niên kỷ tứ nhất, khi các nhà nước phong kiến Việt Nam sau khi giành được chủ quyền độc lập tiếp tục phát triển giao thương với nước ngoài. Từ thời Lý, Trần, việc giao lưu buôn bán với nước ngoài lại tiếp tục phát đạt hơn.

Bắt đầu từ thế kỷ XV với những phát triển địa lý lớn, trong hoàn cảnh chung của Thế giới, các nước phương Tây như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp cũng đã lần lượt đến buôn bán với nước ta, bước đầu làm lay chuyển quan niệm "trọng nông ức thương", vị trí của giới thương nhân không còn bị khinh miệt nữa. Ngoài việc duy trì buôn bán với những khách hàng quen thuộc trước đây như Trung Quốc, Xiêm La, Inđônêxia, Lào...một số quan hệ buôn bán mới hình thành với nhiều nhà buôn của các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ..

Ngoài quan hệ buôn bán truyền thống với các nước láng giềng như Trung Quốc, Chăm Pa, việc buôn bán với các nước khác ở vùng Đông Nam Á như Xiêm La (Thái Lan) và các nước vùng đảo dừa (Inđônêxia, Malaixia...) cũng được thực hiện bằng đường biển. Thuyền buôn của các nước này được đến buôn bán ở nước ta.Từ giữa thế kỷ XVI thuyền buôn Bồ Đào Nha đến buôn bán với Đàng Trong nhiều hơn và họ đã tìm mọi cách gây ảnh hưởng đối với chúa Nguyễn(A154:444-446)

Từ sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, chính quyền thực dân và các tập đoàn tư bản Pháp ráo riết mở thị trường độc quyền tiêu thụ hàng hoá của Pháp và khai thác nguyên liệu cho công nghiệp chính quốc để đạt siêu lợi nhuận tối đa của chúng. Vì vậy ngay từ khi chiếm được 3 tỉnh miền Đông, chúng vội vàng mở mang giao thương để vơ vét thóc gạo, xuất cảng ngày càng nhiều hàng hoá sang chính quốc và nhiều nước khác trên Thế giới.

Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã giành hầu hết những ngành xuất nhập khẩu ở Đông Dương riêng cho Pháp, đưa việc xuất nhập khẩu hai chiều giữa Pháp và Đông Dương tăng nhanh chóng. Chỉ trong khoảng 25 năm từ 1888 đến 1913, hàng Pháp bán sang Đông Dương (chủ yếu ở Việt Nam) tăng gấp 4 lần.

Việt Nam giàu nguyên liệu cao su, nhưng tất cả phải xuất sang Pháp để rồi lại nhập các chế phẩm cao su từ Pháp vào. Hàng hoá của Việt Nam mà Pháp cần đều phải dành riêng cho Pháp, không được xuất ra nước khác. Việt nam phải nhập những hàng hoá ế thừa hoặc kém phẩm chất của Pháp. Có những mặt hàng Pháp bắt tiêu thụ (như rượu), có những mặt hàng cạnh tranh với hàng Pháp thì không cho sản xuất (như ngành dệt)...

Tất cả các chính sách và tình hình đó đều có ảnh hưởng đến ngành thương mại Quảng Bình.

Những sản phẩm trao đổi với nước ngoài của Quảng Bình lúc này chủ yếu là lâm thổ sản và các đặc sản của biển và một số mặt hàng thủ công, mỹ nghệ. Nổi tiếng nhất là hàng chạm trỗ trên gỗ. Sản phẩm nổi tiếng về đồ gỗ ở Tam Toà (Đồng Hới) được đưa sang bán ở Xiêm La, ở Pháp, ở Nhật, ở Canađa...từ trước cách mạng Tháng Tám(A199:75). Tuy nhiên dưới thời thuộc Pháp, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không có thương gia nào có có vị trí trong giao thương với nướac ngoài.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Bình là địa bàn tranh chấp nên chiến tranh diễn ra vô cùng khốc liệt. Vì vậy, tình hình giao thương với nước ngoài hết sức hạn chế. Một số quan hệ kinh tế với Liên xô, Trung quốc, Triều tiên, Mông Cổ, Cu Ba, một số nước Đông Âu, một số nước và tổ chức yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới chỉ là quan hệ viện trợ kinh tế cho Việt Nam để tăng cường tiềm lực cho chiến tranh giải phóng chứ không phải là quan hệ thương mại. Một số hàng hoá của các nước đến với nhân dân Quảng Bình trong thời gian này chủ yếu vẫn là hàng hoá viiện trợ.

Từ khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường thì việc xuất, nhập khẩu là con đường để mở rộng vào thị trường quốc tế theo xu thế hội nhập. Hàng hoá xuất khẩu của Quảng Bình trong thời gian này chủ yếu là hàng thuỷ sản đông lạnh, nông, lâm sản, trong đó có thời kỳ Quảng Bình xuất khẩu ồ ạt các nông sản như lạc, ớt, lâm sản như các loại gỗ quý, trần hương, mây…thuỷ sản như các loại tôm hùm, tôm sú, cua, các loại cá biển,…Xuất nhập khẩu của Quảng Bình trong thời gian từ 1990 đến nay đã bắt nhịp được tiến trình chung của cả nước, bước đầu đạt được những kết quả, có triển vọng phát triển.

Các tổ chức xuất nhập được kiện toàn về mặt tổ chức, nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản lý và quan hệ giao tiếp trong hợp đồng buôn bán. Thị trường quan hệ được mở rộng, sau khi thị trường truyền thống ở Đông Âu bị xáo trộn, thị trường quan hệ xuất nhập khẩu bị thu hẹp một thời gian. Song do chuyển hướng kịp thời trong đường lối phát triển kinh tế nói chung, xuất nhập khẩu nói riêng nên Quảng Bình đã lập lại quan hệ kinh tế với nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước Châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapo, Thái Lan, Lào, Hồng Kông, Đài Loan, CHND Triều Tiên, Hàn Quốc và mở rộng quan hệ với các nước Châu Âu như: các nước trong cộng đồng SNG, Pháp, Đức, Italia, CH Séc...

Nhờ đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh, từ 10,992 triệu USD năm 1990 lên 24,28 triệu USD năm 1995 và 28 triệu USD năm 2000. Bình quân từ 1990 đến 2000, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 9,8%. Tổng giá trị xuất khẩu từ 1990 đến 1995 là 50,839 triệu USD, bình quân mỗi năm xuất 8,473 triệu USD. Tính bình quân chung tốc độ tăng giá trị xuất khẩu 1,4% năm.

Bước vào giai đoạn 1996 - 2000 do tạo được một số thuận lợi của nội tại nền kinh tế nên kết quả của năm 1996, năm đầu của kế hoạch 1996 - 2000 đạt kết quả cao. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 13,824 triệu USD, vượt kế hoạch 15%, tăng 28,53% so với năm 1995. Tuy nhiên từ năm 1997 cuộc khủng hoảng tài chính khu vực Đông Nam Á, tiếp đến là khủng hoảng kinh tế các nước Châu Á, các nước Đông Âu đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu chung của cả nước cũng như Quảng Bình. Do đó giá trị kim ngạch xuất khẩu 1997 giảm xuống còn 9,3 triệu USD, đạt 68,8% kế hoạch.

Từ năm 1998, thị trường tài chính khu vực vẫn chưa ổn định, kinh tế các nước vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định, kinh doanh xuất khẩu trở lại bình thường và có tăng trưởng. Năm 1999 xuất khẩu của Quảng Bình đạt 15,4 triệu USD, vượt kế hoạch 18,5%... Nhưng năm 2000 xuất khẩu của tỉnh có giảm xuống. Song tính chung cho cả thời kỳ 1990 - 2000 kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 3,39% năm.

Để tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng cho xuất khẩu, Quảng Bình đã quy hoạch tập trung và mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển ổn định với quy mô lớn như: Cao su 5340 ha, nhựa thông 17.397 ha, lạc 3.800 ha, phương tiện khai thác hải sản có 4.186 tàu thuyền, 1.320 ha ao hồ được khoanh nuôi trồng thủy sản, hàng năm cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu bằng 30 - 35% sản lượng khai thác. Năng lực chế biến được nâng cao, trong đó chế biến hàng đông lạnh có công suất 700 tấn năm, hàng khô 1.000 tấn năm, chế biến nhựa thông 1000 tấn năm.

Hàng nông sản thuộc nhóm có giá trị xuất khẩu cao, trong giai đoạn 1990 đến 2000 chỉ chiếm tỷ lệ 10%. Một số mặt hàng nổi tiếng như mũ cao su khô năm 1995 xuất được 4.930 tấn, năm 2000 xuất được 5000 tấn, song mây sơ chế từ 265 tấn năm 1993 lên 748 tấn năm 1999, ngoài ra còn có một số sản phẩm nông sản giá trị khác.

Hàng xuất khẩu giá trị nhất của tỉnh ta là sản phẩm của hải sản năm: năm 1995: 333 tấn, năm 1997 tăng lên 886 tấn, năm 1998: 1088 tấn, năm 1999: 1510 tấn và năm 2000 dự kiến 1110 tấn

Nhập khẩu và xuất khẩu là quy trình hoạt động được gắn liền của kinh doanh, ngoại thương, nhằm tăng hiệu quả cả hàng đi và hàng về tạo điều kiện nhập vật tư kỹ thuật, trang bị lại cho nền kinh tế địa phương.

Trong các năm đầu từ 1990 đến 1994, nhập khẩu mất cân đối so với xuất khẩu, chủ yếu là xuất siêu. Giá trị hàng nhập khẩu chỉ bằng từ 5 - 10% giá trị xuất khẩu, do đó kinh doanh xuất nhập khẩu đạt hiệu quả thấp.

Từ 1996 trở đi, do thấy được yêu cầu của nền kinh tế trong việc đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị, các cơ sở kinh doanh đã tăng cường khai thác nguồn hàng, tăng nhanh khối lượng hàng nhập khẩu. Giá trị hàng nhập khẩu hàng năm tương đương giá trị hàng xuất, cụ thể tỷ lệ hàng nhập với hàng xuất như sau: 1995: 130%; 1996: 142%; 1997: 122%; 1998: 93%; 1999: 83%; 2000: 82%.

Quan hệ giữa hàng nhập và xuất như vậy tương đối phù hợp. Hàng nhập khẩu được ưu tiên là nhập vật tư thiết bị phục vụ sản xuất, hạn chế việc nhập khẩu hàng tiêu dùng. Trong tổng giá trị hàng nhập khẩu tỷ trọng hàng tư liệu sản xuất và tiêu dùng như sau: Năm 1991: 82,09% và 17,91%; 1995: 71,72% và 28,28% và năm 2000 chủ yếu nhập tư liệu sản xuất.

Quảng Bình đang đẩy mạnh công tác xuất nhập khẩu mạnh hơn nhằm "tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển sản xuất hàng hoá xuất khẩu ổn định và mở rộng thị trường, tăng tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình xuất nhập khẩu. Coi trọng công tác xúc tiến thương mại, phấn đấu đến năm 2005 đạt kim ngạch xuất khẩu 28 - 30 triệu USD".



2.4.3.Lưu thông tiền tệ và các loại tiền tệ lưu hành tại Quảng Bình

Về lưu thông tiền tệ, qua những kết quả nghiên cứu khảo cổ học, nghiên cứu thư tịch cổ và những tài liệu lưu giữ được tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình thì trên địa bàn Quảng Bình đã có sự lưu thông tiền tệ của các triều đại phong kiến Trung hoa từ rất sớm.

Những đồng tiền sớm nhất tìm được trên địa bàn Quảng Bình là những đồng tiền có thời từ thời Hán, Đường, nhiều nhất là các loại tiền như Hoàn Bình nguyên bảo (thế kỷ thứ 10), Thiên Thánh nguyên bảo, Thiệu Thánh nguyên bảo, Trị Bình nguyên bảo, Chính Hoà nguyên bảo (thế kỷ thứ XI), Vĩnh lạc thông bảo (thế kỷ XV), Thực tế này cho thấy ngay từ thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên trên địa bàn Quảng Bình đã có những giao thương tiền tệ do những quan lại phong kiến mang đến trao đổi với các tầng lờp giàu có tại địa phương. Nhiều chức sắc trong hệ thống chính quyền và những người giàu có đã tích trữ những đồng tiền này như một phương thức tích luỹ tài sản.

Sau khi các triều đại phong kiến Việt Nam giành được nền độc lập cho dân tộc, các loại tiền bằng kim loại của ta cũng ngày càng nhiều. Từ triều Đinh trở về sau đời vua nào cũng có đúc tiền. Đời Đinh Tiên Hoàng đúc tiền đồng hiệu Thái Bình Thông Bảo. Đời Lê Đại Hành đúc tiền đồng Thiên Phúc tấn bảo. Đời Lý có tiền Minh Đạo Thông Bảo, Thiên Thuận Thông Bảo. Cuối đời Trần ngoài tiền đồng, do Hồ Quý Ly chi phối và đề xuất đã bước đầu dùng tiền giấy gọi là "hội sao"(1320) . Các loại tiền giấy 10 đồng vẽ cây đào, 30 đồng vẽ thủy ba, 1 tiền vẽ mây, 2 tiền vẽ rùa, 3 tiền vẽ lân, 5 tiền vẽ phụng, 1 quan vẽ rồng. Có lẽ đây là loại hình thái thử nghiệm về tín tệ của họ Hồ.

Đời hậu Lê, Lê Thái Tổ đúc tiền Thuận Thiên Thái bảo, Lê Thái Tông đúc tiền Thiên bình mỗi tiền là 60 đồng, có lệnh cấm không được từ chối tiền xấu mà còn có lỗ xâu được. Năm 1582 Mạc Đăng Dung lại đúc tiền kẽm và tiền sắt rất nhiều. Nhưng đến đời Vĩnh Thọ (1658) lại có lệnh cấm dùng tiền kẽm, tiền sắt. Đời Cảnh Hưng do chi phí nhiều cho việc dụng binh lại cho dùng tiền kẽm và mở nhiều sở đúc tiền kẽm. Năm Cảnh Hưng thứ 37 (1726) sở đúc tiền ở Thuận Hoá thu rất nhiều binh khí và đại bác bằng đồng không dùng nữa để đúc 3 vạn đồng tiền Cảnh Hưng thuận bảo.

Các loại đính vàng, đính bạc đều được đúc và dùng phổ biến, dưới các triều phong kiến. Đời Cảnh Hưng quy định mỗi lượng bạc đính 2 giá quan tiền quý.

Dưới Triều Nguyễn, Gia Long mở sở đúc tiền ở Bắc thành, Gia Định và ở cả các trấn để đúc tiền Gia Long thông bảo, mỗi cân đồng đúc được 700 đồng tiền. Từ Gia Long, Minh mạng, Thiệu trị, Tự Đức đời nào cũng có đúc tiền đồng và tiền kẽm bên cạnh những đính bạc, đính vàng đều lấy niên hiệu đương triều.

Từ Triều Nguyễn trở đi về trước tiền tệ nước ta không có bản vị. Mỗi đời tuỳ tiện đúc bao nhiêu với loại tiền gì cũng được(A154:443).

Thời Pháp thống trị, tiền tệ nước ta lấy bạc làm bản vị (etalond'avgent), song những đính vàng, đính bạc tiền đồng tiền kẽm cũ thời phong kiến vẫn được dân gian tiêu dùng mãi đến thời Khải Định, Bảo Đại, mặc dù không được luật pháp công nhận. Chế độ tiền tệ chính thức ở Đông Dương thời Pháp thống trị là đồng bạc Đông Dương bằng giấy (bên dưới có 5 gác (hào), 2 giác, 1 giác) và tiền xu bằng than, 5 xu, 1 xu, nữa xu.

Trước năm 1885, Pháp còn dùng đồng bạc Mễ Tây Cơ (Piastre mesciane) nặng 27,073gr, thành sắc 0,902 có hình con cò nên dân gian có câu ca dao: "Đừng tham đồng bạc con cò, bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang sa". Từ năm 1895 trở đi Pháp mới đưa qua đồng bạc Đông Dương ngân hàng phát hành số bao phiếu nhiều gấp 3 số chuẩn bị làm. Từ năm 1914 - 1918, các ngân hành phát hành (banque des mission) ở các thuộc địa lại được in số sao phiếu nhiều hơn hạn định. Từ năm 1920 sao phiếu của ngân hàng phát hành ở các thuộc địa được cưỡng bức lưu hành đưa đến tình trạng tự do ấn hành, nên phải đặt lại vấn đề cải cách tiền tệ.

Đến năm 1930, Pháp lại bỏ ngân bản vị mà theo kim bản vị. Đồng bạc Đông Dương quy định là 655 miligram vàng, thành sắc 0,900, về sau xuống chỉ còn 200 miligram. Do đó đồng bạc này dần dần cũng chỉ có tính chất tính dụng, không còn là tiền thật đúng giá theo kim bản vị nữa(A154:449-452).

Trong bối cảnh tiền tệ Việt Nam như vậy nhân dân Quảng Bình cũng sử dụng hệ thống tiền tệ do các triều đại phong kiến Việt Nam vfa chính quqyền thực dân phong kiến cho lưu hành để làm phương tiện trao đổi trên thị trường. Tuy vậy, dưới thời phong kiến, cộng đồng cư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chủ yếu sống tự cung, tự cấp nên việc sử dụng tiền tệ không phải là hình thức phổ biến. Trên các chợ cũng như trong các tụ điểm dân cư, hình thức trao đổi trực tiếp bằng sản vật vẫn là hình thức chủ yếu. Chỉ một số ít quan lại và tầng lớp giàu có mới sử dụng tiền tệ như một thứ tài sản tích luỹ. Những đồng tiền khai quật được trong các tầng văn hoá, trong các di chỉ đều liên quan đến nơi cư ngụ hoặc hoạt động giao thương của quan lại và người giàu có. Tuy nhiên, số người tích luỹ đồng tiền như một thứ của cải ở các địa phương trên địa bàn Quảng Bình rất nhiều. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, nhân dân địa phương phát hiện tại nhiều vườn nhà của các gia đình khá giả tàng trữ rất nhiều tiền trong các chum bằng sành sứ chôn trong đất. Điều đó chứng tỏ trong rất nhiều gai đoạn, đồng tiền có giá trị như một thứ tài sản.

Sau năm 1945 Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khuyến khích phát triển thương mại, thủ công nghiệp trao đổi với các nước ngoài, thành lập ngân hàng phát hành giấy bạc để giải quyết vấn đề tài chính, ổn định giá cả thị trường, giảm một số thuế và Chính phủ ban hành nhiều chính sách để khuyến khích sản xuất. Tuy nhiên, ngay từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân cả nước phải đứng trước những thử thách gay gắt do hậu quả của chế độ thực dân – phong kiến để lại. Vào thời gian này, quân đội Tàu Tưởng khi vừa mới đặt chân đến Đồng Hới đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nhân dân ta. Một trong những thủ đoạn của chúng là tung đồng Quan Kim mất giá của chúng ra thị trường để lũng đoạ nền kinh tế. Để tạm thời dung hoà trong lúc khó khăn, Chính quyền tỉnh đã tiếp thu và quản lý đồng tiền Quan Kim của Tưởng, không để đồng tiền này lọt ra thị trường Quảng Bình, đồng thờ vận động nhân dân tiêu thụ đồng tiền của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được phát hành ngày 3 tháng 11 năm 1946 thay thế tiền pastre của Pháp.

Trên địa bàn Quảng Bình, tiền giấy với đơn vị tiền tệ “đồng” được lưu thông rộng rải trong tất cả các tầng lớp nhân dân và trong mọi quan hệ giao thương. Đến năm 1951 tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thay đổi mệnh giá 1 đồng năm 1946 bằng 100 đồng năm 1951 được nhân dân đồng tình và sử dụng rộng rãi. Đến ngày 28 tháng 2 năm 1959 đồng tiền ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại được chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà thay đổi mệnh giá 1 đồng năm 1959 bằng 1000 đồng năm 1951. Đồng tiền mới được nhân dân Quảng Bình hưởng ứng và sử dụng trong mọi quan hệ giao thương và tích luỹ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lưu thông tiền tệ trên địa bàn Quảng Bình tương đối ổn định. Mặc dù chiến tranh diễn ra ác liệt, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn nhưng giá trị đồng tiền do Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát hành vẫn được đảm bảo. Trong giai đoạn này, các hoạt động thương mại đều nằm trong sự điều tiết chủ động của Nhà nước nên đồng tiền vẫn được đảm bảo trong hệ thống kinh tế quốc dân.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà nước Việt Nam thống nhất đã thay đổi mệnh giá đồng tiền cho phù hợp với tình hình mới. Năm 1978, cuộc đổi tiền lần thứ hai thay thế đồng tiền mới mệnh giá 1 đồng tiền cũ vẫn bằng 1 đồng tiến mới nhưng Nhà nước quản lý được thực trạng lưu thông tiền tệ trên toàn cỏi Việt Nam.

Đến năm 1985, trước khi diễn ra công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng phát triển kinh tế thị trường, Nhà nước lại tổ chức đổi tiền lần thứ 3. Lần này một đồng năm 1985 có mệnh giá bằng 10 đồng năm 1978. Lần đổi tiền này đã gây ra một số biến động kinh tế, ảnh hưởng ít nhiều đến giá trị tích luỹ đồng tiền trong nhân dân. Từ sau lần đổi tiền năm 1985, đồng tiền của Việt Nam đã tương đối ổn định. Việc thay tiền có chất liệu cotton thành chất liệu polime không ảnh hưởng đến giá trị lưu thông của đồng tiền trên thị trường.

Trong bối cản tiền tệ Việt nam như vậy, quá trình lưu thông cũng như giá trị đồng tiền của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn luôn ổn định. Một trong những căn nguyên của sự ổn định này một phần do Nhà nước chủ động quản lý đồng tiền, một phần khác phản ánh mức độ giao thương của Quảng Bình trong các thời kỳ không có những biến động lớn.




tải về 1.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương