Chương IV giá trị Đa dạng sinh học I những hệ sinh thái chủ YẾu của khu phong nha kẻ BÀNG



tải về 1.43 Mb.
trang1/10
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích1.43 Mb.
#16597
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10


Chương IV

GIÁ TRỊ ĐA DẠNG

SINH HỌC

I - NHỮNG HỆ SINH THÁI CHỦ YẾU CỦA KHU
PHONG NHA - KẺ BÀNG:

A. CÁC KIỂU THẢM THỰC VẬT



1. Rừng kín cây lá rộng thường xanh núi thấp nhiệt đới rất ẩm mưa mùa

- Có diện tích chừng 21.354 ha phân bố thành mảng lớn ở phía Bắc và Đông Bắc của khu vực. Có thể nói toàn bộ địa hình núi đá vôi của khu vực đều được phủ kín bằng kiểu rừng này. Do bề mặt của cái gọi là "Đất rừng" chi phối, bề mặt của tán rừng nhấp nhô không đều (qua mục trắc và ảnh máy bay). Nhưng màu xanh vẫn liền giải liên tục từ chân núi tới đỉnh giông, chỉ ít chỗ có những khoảng trống có đá hoặc vách đá lộ, quang cảnh này hoàn toàn khác với sự hiểu qua thuật ngữ về sự mô tả của Pierre Gourou (trong Les pays tropicaux 1966). "Le pays de Ke.bang est le desert le plus etendus du monde qui sort exclusivement lié à la nature. Ici les calcaires Ouralo - permiens, sur une etendu de 5 à 6.000 km2 sont rigouresement deserts (Vùng Kẻ Bàng là một sa mạc đá vôi rộng nhất thế giới - ở đây các núi đá vôi oural-permien, rộng 56.000km2 hoang vắng đến ghê người. (Thuật ngữ hoang mạc ở đây phải hiểu đúng là nơi không có bóng người mà thôi chứ sự sống vẫn tồn tại và mãnh liệt).

Bề mặt hiểm trở, giông, hoặc khối núi cách nhau bởi các khe, các hẻm sâu hẹp hình phễu là dạng địa hình có ý nghĩa nhất về địa bàn phân bố của kiểu rừng này. Sinh khí hậu nóng ẩm của nhiệt đới gió mùa có hiệu ứng rõ rệt tới các đặc điểm của quần thụ như tầng tán phức tạp, tán lá xanh quanh năm (hiếm loài rụng lá theo mùa, thành phần chủ yếu ở đây là các họ nhiệt đới, nhưng nếu so với Cúc Phương, Ba Bể, Cát Bà cũng là rừng núi đá, thì Phong Nha có những đặc điểm về cấu trúc họ cây cỏ khác, ở đây, sự ưu thế và trội của các loài các họ như: Dẻ (Fagaceae), Re (Lauraceoe) như ở Cúc Phương không thấy thể hiện. Các loài dễ thấy ở Cúc Phương, Ba Bể như: Chò xanh (Terminalia myriocarpa), Vù Hương (Cinnamomun balansae, Cinnamomum parthenoxylan, Táu ruối (vatica tomkineusis) Cà ổi Castanopsis Indica, Lythocarpus) Xédavoi (Dysoxylon Cochinchinensis), Thung (Tetrameles nudiflora), Chò chỉ (Parashorea sinensis), Trín (Schima), Cọ thé (Albizia lucida...) đã không thấy có mặt ở Phong Nha, ngược lại xuất hiện các loài đặc trưng khác như Sao mặt quỷ (Hopeeaa shtoni) Nàng hai (Sumbaviopsis albicans), Trai (Garcinia fragaeoides), Mùng quân (Flacourtia rukam), Nghiến (Burretiodendron), Hoàng đàn giả (Dacrydium pierrei), Lát hoa (Chukrasia tabularis), Sên đào (Photinia arboreum). Về họ, các họ sau có số loài chiếm ưu thế, trước hết là họ Ba mảnh vỏ (Euphorbiacere) vừa có nhiều loài vừa có nhiều cá thể tham gia trong tổ thành, sau đó là các họ Xoan (Meliaceae), họ Bồ hòn (Sapindaceae), họ Côm (Elaeocarpaceae), họ Dâu tầm (Moraceae), họ Xoài (Annacardiaceae), họ Thị (Ebenaceae). Thực vật hạt trần (Gymnospermae) chỉ thấy xuất hiện lẻ tẻ trên các vách đá với loài Tuế núi đá (Cycrs calcarea) và trong các hẻm đá có đất bồi: Hoàng đàn giả (Dacrydium pierrei) và Kim giao (Nageia fleuryi). Tầng cỏ quyết hoặc thân thảo cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phân hủy núi đá tạo thành đất mùn như các loài họ Ngũ gia bì (Araliaceae), họ Thu hải đường (Begoniaceae), họ gai (Urticaceae), họ Ráy (Araceae), họ Gừng (Zingiberaceae), Móng nước (Impatient)... Các loài của các họ này với bộ rễ tuy nhỏ nhưng liên tục phá hủy lớp mặt của đá tạo cho núi đá có mùn cho các loài khác phát triển.

- Trong lâm phần, hiện tượng rễ nổi (như Nghiến, trâm, côm), rễ bạnh (Côm, bứa), hoa quả trên thân là điều dễ thấy. Nhưng có lẽ do núi đá vôi có điều kiện gì đặc biệt mà ít thấy hoa quả, có loài phải 2 tới 5 năm mới ra hoa quả một lần, làm cho việc thu mẫu giám định tên thực khó khăn. Trên các vách đá lởm chởm hoặc dựng đứng vẫn có cây bám vách đá mọc, nhưng tầm cỡ nhỏ như cây bụi, thân khúc khuỷu ngoằn ngoèo như Hèo đá, trâm, ngũ gia bì, quếch, dâu da, các cây đó nếu trên vách đá dựng đứng thì rễ luồn lách qua các hẻm các khe và kiên trì vươn ra ánh sáng, các quần thụ này với các cây thân dai cứng, tuổi thọ lâu năm, nếu vì lý do nào đó bị tiêu diệt có lẽ phải mất vài trăm năm mới hồi phục lại. Các loài cây đó thường vặn thân và lệch tán.

Hiện tượng tái sinh thường chỉ xuất hiện cục bộ trong các hang hốc, khe rãnh có đất lắng đọng.

Tại các lập địa chân giông, ít dốc, đất F màu đỏ nâu, các quần thụ thường khá dày, tán rừng khép kín, độ tàn che thường 0,8. Hiện tượng giây leo khá phổ biến ở dưới các đám rừng dày và kín với các loài: Bàm bàm (Entada), giây mấu, giây nim, giây nho dại, giây huyết đằng...



Rừng phân thành 3 tầng rõ rệt:

Tầng 1: Bao gồm các cây có kích thước lớn phổ biến là Sấu, Trám, Trường, Vải, Trâm, Côm, Mùng quân, Gội, Sao mặt quỷ, Nghiến, Mun Sọc. Đường kính phổ biến trên tầng này là trên 40,50 cm ở các lập địa chân dông thì đặc biệt là Dầu Ke (Dipterocazpus kerri) tuy mật độ thưa nhưng cây có tầm vóc lớn (D=70 - 120 cm, H=30 - 50 m) thường vươn lên độc lập khỏi tán rừng.

Tầng II: Có trị số D thấp hơn hẳn (thường nhỏ hơn 15-18 cm) lại chiếm ưu thế về số cây trong quần thụ với mật độ khá dày, tầng tán liên tục: phổ biến là các loài: Nàng hai (Sumbaviopsis albicans), máu chó (Knema corticosa), hoa cải (Trigonostemon), Bọt ếch thân gỗ (glochidion spp). Các loài họ Ba mảnh vỏ xuất hiện nhiều: Lá nến (Macarenga), Cò ke (Grewia), hèo (Drypetes), mân máy... một số loài của họ Cam (Rutaceae), họ Re (Lauraceae), như Bời lời mới (Neolitsea), nanh chuột (Cryptocarya), Vạng, Chẹo...

Tầng III: Tầng III xuất hiện nhiều dưới các lập địa ẩm, gồm hang và các phễu Karst: Thu hải đường (Begonia), Móng nước (Impatient), các loài họ Gesneriaceae, thiên niên kiện, lá thuyền (Curculigo), ráy...,

Hiện tượng tái sinh dưới tán rừng tuy phong phú hơn về chỉ số cây và số lượng giống loài nhưng tập trung chủ yếu ở các tuổi mạ.

2. Rừng thứ sinh sau khai thác trên núi đá vôi

Phân bố chủ yếu ở ven đường 20 và khu vực tiếp cận điểm quần cư phía Bắc. Diện tích rộng chừng 3.507 ha.

Kiểu quần thụ này có nguồn gốc trực tiếp từ kiểu rừng nêu trên sau khi thu nhận các tác động của con người với mức độ nhiều hoặc ít, trong thời gian lâu hoặc mau rất khác nhau. Với kết quả quan sát và ghi nhận trên hiện trường đã cho thấy: hầu hết các điểm hiện có quần thụ kiểu này đều là những nơi có địa hình ít hiểm trở, có điều kiện đi lại và kéo chuyển các lâm sản lấy ra hoặc nằm ở những nơi địa hình núi đá vôi và núi không phải là đá vôi tiếp giáp nhau. Với dạng thức tác động khác nhau từ mức độ cục bộ, phân tán như tìm trầm, bòn rút cây thuốc, đặc sản có giá trị hàng hóa, săn bắt động vật tới hình thức chặt hạ cây gỗ (trước hết là các loài gỗ quý hiếm, các cây có kích thước lớn) và khai thác song mây. Con người được xem nhận là tác giả của các trạng thái thuộc kiểu rừng này.

Trạng thái ít bị tác động (rừng trung bình), chúng có cấu trúc gần tương tự như kiểu rừng nguồn gốc. Có khác chăng là về tố thành của tầng rừng chính. Những lỗ trống do việc chặt hạ các loài gỗ có giá trị đã được trám kín bằng một số loài cây ưa sáng, tăng trưởng nhanh như dâu da xoan, lim xẹt, sảng, gáo, vạng, thàn mát,... cùng với lớp thảm tươi hình như rậm kín hơn, thành phần phưc tạp hơn về số lượng cá thể của họ Poaceae cũng phong phú hơn.

Ở trạng thái cực đoan nhất (bị chặt mạnh, bị đốt cháy), lớp cây gỗ trước gần như bị tiêu biến hoàn toàn và thay thế bằng các loài tiên phong gỗ mềm dễ gặp sau nương rẫy như: ba soi, ba bét, thung, màng tang, hu bọ nẹt, chẩn, hèo đá, mậy tèo, ràng ràng xen lẫn cỏ Lào, cỏ tranh, tế guột và mua lông, ngấy, dây cẩm cang...

Dưới kiểu thảm này thường là loại đất F màu đỏ nâu, phong hóa từ đá vôi, có tầng đất khá dày, còn độ phì nên lớp cây cỏ có hình thế sinh trưởng tốt. Nếu có biện pháp quản lý, bảo vệ hiệu quả đối với đối tượng này, chắc chắn là hiện thực.

3 - Quần lạc cây bụi, cây gỗ rải rác trên đất đá vôi:

Trạng thái nhân tác này chiếm một diện tích không lớn lắm, chừng 847 ha, xuất hiện tập trung ở khu vực trung tâm phía Đông con lộ 20 và nằm kề bên điểm quần cư của xã Tân Trạch. Điều kiện lập địa, cư trú thường là chân giông dốc thoải hoặc các gò đống có đỉnh tròn bằng nằm bên khe suối.

Hoạt động sử dụng rừng và đất rừng ở đây đã để lại những dấu tích nặng nề: lớp cây gỗ lớn đã tiêu biến hoàn toàn hoặc có còn thì cũng chỉ là ít cây rải rác, cự ly cách nhau hàng chục mét. Những cây gỗ còn lại này đa phần là những cây gỗ tạp như đa, trâm, sảng, mắn đỉa, gáo... có cấp phẩm chất xấu (thân hình ít thẳng, u bướu, mục gốc, mục thân...). Tầng tán chính của kiểu thảm này được cấu tạo bởi các cây bụi thân gỗ như mun, sòi tía, cò ke, hu, litsea, thầu tấu, đom đóm, hoa dẻ, thao kén hoặc lau lách, cỏ trấu, cỏ tranh, cỏ Lào... Mặt đất nhiều chỗ lộ trơn, chặt cứng và có hiện tượng kết vón. Tái sinh tự nhiên rất kém, các cây gỗ tái sinh rất hiếm thấy. Khả năng phục hồi rừng tự nhiên ở những lập địa này là rất khó khăn và lâu dài về thời gian. Và đây là một bằng chứng về hệ sinh thái mỏng manh của núi đá vôi, một khi bị chặt phá, phục hồi nó cần đến vài thế kỷ.

4. Rừng dày thường xanh chủ yếu là cây lá rộng: Vùng thấp
nhiệt đới rất ẩm, mưa mùa

Kiểu rừng này có diện tích rộng lớn nhất trong khu vực (11.038 ha), phân bố tập trung thành hai khối lớn: một khối khu trú ở phía Đông kéo dài từ mỏ suối Làng Va, ven theo lộ 20 tới tận Rào Thơơng. Một khối khác gần như bao trùm trọn vẹn giông núi Cổ Khu.

Đặc trưng nổi bật nhất của khu vực này là nền nham tạo đất tuy sự khác nhau về chủng loại (một phần là đá vôi không liên tục phổ biến là đá cát, đá phiến và đá biến chất, đá mác ma acid) nhưng đều không phải là đá vôi. Bởi vậy hình thái địa hình ở đây kém sắc sảo hơn so với khu núi đá vôi kế cận. Mặt khác, các dòng chảy mặt (khe, suối) cũng đã thấy xuất hiện ở đây. Sản phẩm phong hóa từ loại đá mẹ này thường là loại đất F, đỏ vàng hoặc vàng nhạt, có tầng đất biến đổi từ nông đến sâu tùy theo lập địa.

Đất chua pH (Kcl): 4-4,5, nghèo phì liệu.

Các quần hệ thuộc kiểu rừng này do có cùng độ cao, phân bố với kiểu rừng trên núi đá vôi đã nêu trên và cùng thu nhận những điều kiện sinh khí hậu như nhau nên tương ứng cũng có những đặc trưng chung ở dạng cực đỉnh của rừng khí hậu.

Tại đây, phổ cập trong mọi trạng thái là các quần hệ thường xanh. Thành phần cây rụng lá (tiêu biểu là hệ thực vật phía Nam: Dầu Ke Dipterocarpus kerri, Sao mặt quỷ (Hopea ashtoni), chò nhai (Annogeissus acuminatus) Sâng (Pometia), Sừu, (Bằng lăng) có thể góp mặt trong tầng rừng chính nhưng chỉ là những cá thể phân tán, không thấy có sự phân bố quy tụ trên những phạm vi diện tích có ý nghĩa.

Các loài lá rộng được xem là thành phần cấu tạo chính của các tầng rừng thực vật khỏa tử dường như chỉ thấy điểm xuyết trên những lập địa đỉnh giông cao > 800-900m với đặc điểm nghèo về số lượng cũng như nghèo về giống loài.

Tính chất phong phú tới mức độ phức tạp và tổ thành thực vật của kiểu rừng này, có lẽ biểu lộ rõ nhất ở những quần thụ phân bố ở độ cao dưới 600m - 700m.

Tại đây có sự giao thoa của hai luồng thực vật phía Bắc mà đại diện là các họ Đậu, họ Giẻ, họ Re, họ Trâm, họ Mộc Lan. Và luồng thực vật phía Nam với các họ biểu trưng là họ Dầu (kiền kiền, chò đen, dầu rái, dầu keri, dầu đọt tím, sao mạng), họ Chây (chây nam), họ Thị (mun Phong Nha).

Với thành phần như vậy, việc xác định loài cây ưu thế cũng như các ưu hợp đương nhiên không thể mọi lúc đều dễ dàng.

Do có phần nền là những loại đất tương đối sâu, dày, đủ ẩm nên lớp thảm cây cũng có hình thế sinh trưởng khá tốt. Những cây gỗ có kích thước đáng kể (D trên dưới 100cm) cũng như các lâm phần có trữ lượng đạt mức 200-300m2/ha không phải là hiếm thấy. Mặt khác, sinh cảnh của kiểu rừng này có thể xem nhận là một trong những nơi phong phú nhất của động thực vật rừng có giá trị về kinh tế và nghiên cứu khoa học, nơi cư trú của Bò tót, Nai, Hoẵng, Gấu, Tê tê, Cầy bay, Chồn mực, các loài chim đặc biệt họ Gà và đặc biệt là loài Voọc Hà Tĩnh.

5. Rừng thứ sinh sau khai thác:

Theo kết quả kiểm kê rừng 1990-1995 kiểu loại rừng này được ghi nhận với diện tích ước chừng 2.394 ha, khu trú ở mạn phía Đông tiếp giáp với Ba Rền và trên một số chân đất bồi tụ bám trên hai ven mạn suối Rào Thương. Hiện trạng phổ biến của các quần hệ này thường là trạng thái rừng nghèo.

Trong tầng cây đứng, các loài gỗ có giá trị hầu như đã bị đốn chặt những cây thành thục. Tầng tán lá thường bị đứt đoạn với các khoảng trống lớn. Thành phần giống loài của các tầng rừng này cũng rất phức tạp, ít thấy có những ưu hợp với một số chủng loại dưới 3-4 loài. Loài ưu thế ở các lâm phần cũng rất khó khăn trong việc xác định. Thành phần mang tính chất tiêu biểu cho các trạng thái của quần hệ rừng này. Nếu chỉ thống kê theo họ, con số cũng lên tới hàng chục. Tuy nhiên cũng có thể ghi nhận phức hợp dễ gặp ở đây bao gồm các loài Giẻ, Sồi, Côm, Chò nhai, Lim xẹt, Dâu da Xoan, Sồi tía, Ràng ràng, Vạng trứng, Bời lời, Trám, Dung, Thị rừng, Chòi mòi, Ba soi, Ba bét, Lá bạc, Máu Chó, Ngát... Thứ tự trước sau trong danh mục này chỉ đơn thuần với ý nghĩa đánh số để kể tên.

Độ tán che phổ biến 0,5-0,6. Số cây trong lâm phần tập trung chủ yếu ở cỡ D<30 cm. Rất hiếm thấy có những cây có kích thước D>60-70 cm. Hạ mộc và thảm tươi phong phú, phân bố rải đều. Hiện tượng tái sinh dưới tán rừng có mức độ tốt, xấu, không đồng đều với thành phần chủ yếu là những loài ưa sáng, gỗ mềm.



6. Quần lạc cây bụi, cây gỗ rải rác:

Hiện chỉ thấy xuất hiện với diện tích không lớn (chừng 1.118 ha). Phân bố ở rìa phía Đông chân núi Cổ Khu và khu vực Làng Va.

Các quần lạc này có nguồn gốc hình thành từ đất nương rẫy rải rác cũ bị bỏ hóa từ lâu. Thảm thực vật hiện đó là những cây bụi lúp xúp mọc lẫn với cỏ. Gồm nhiều là loài mua, bồ cu vẽ, thảo quyết minh, ké hoa vàng, hoa giẻ, lau, đót, cỏ Lào, cỏ may. Đất F, vàng nhạt trên sa thạch hoặc vàng đỏ trên đá phiến đã bị xói mòn mặt và bắt đầu bị thoái hóa. Nhiều chỗ đã có lớp kết vón. Hiện tượng tái sinh tự nhiên các loài cây gỗ hoàn toàn không thấy có.

7. Rừng hành lang bị ngập định kỳ

Phân bố ven theo suối Rào Thơơng. Diện tích khoảng chừng 142 ha. Kiểu rừng này thực chất chỉ là dải quần hệ phân bố dọc theo hai bên bờ suối có đặc trưng nổi bật là được cấu tạo bởi nhóm loài cây ẩm sinh có khả năng chịu ngập không thường xuyên. Độ rộng của các dải quần hệ này thường biến động cỡ từ vài mét tới hàng chục mét. Thành phần tiêu biểu bao gồm các loài: Bún (Crataeva religiosa), Côm hải nam (Elaeocarpus hainanensis), Trâm lá tre (Syzygium sterrophyllum), Rù rì (Homonia riparia), Số đỏ (Dillenia aurea), Bời lời (Litsea sp), Đũa xanh (Phyllanthus quangtriensis), Gáo (Anthocephalus indica), Phay (Duabanga sonneratioides), Sung (Fius glomerata), Gùa (Ficus callosa), và Nước (Salix cavalierii), Nanh chuột (Cryptocarya sp), Chò nước (Platanus kerrii).

Các loài cây này thường có bộ rễ bám rất chắc trên nền đất bồi tụ, chịu được nước ngập, nước đẩy, và có khả năng phát tán nhờ nước. Một số cá thể có thân cao, thẳng, tán lá xòe rộng hình dù, thậm chí đạt tới kích thước khổng lồ (đường kính trên 100 cm).

8. Quần lạc cây bụi, cây gỗ rải rác trên đất bồi tụ ven sông
suối:

Phân bố trên địa hình thung lũng phía Tây núi Cô Tan có diện tích rộng chừng 429 ha. Đây là điểm duy nhất trong khu vực điều tra thấy có kiểu loại này với thành phần thực vật bao gồm: lau, đót, côm Hải Nam, đa gùa, chuối rừng, bời lời, cò ke, cánh kiến, thàu táu, chòi mòi, hoắc quang.



9. Cây nông nghiệp: (lúa + hoa màu)

Diện tích có chừng 118 ha, phân bố ven sông Troóc thuộc địa phận Phường Chày và Phong Nha. Đất phù sa được bồi hàng năm được khai phá từ lâu, để hoạt động canh tác trồng lúa và cây màu (ngô, khoai, lạc, đậu). Nhân dân địa phương xóm Chày cho biết tiềm năng khu đất này rất tốt đủ đảm bảo lương thực và đời sống cho dân trong vùng, nhưng một số người vẫn bỏ hóa ruộng để vào rừng săn bắn, tìm trầm và phá nương rẫy mới.



10. Đất rẫy mới: khác với nơi khác làm rẫy trên đất dốc, dân ở đây từ 1992 đến nay 1996 liên tục vào các khu Hang Vòm, đường phá rẫy trên các thung bằng phá hoại nhiều diện tích rừng nguyên sinh.

B - HỆ SINH THÁI TRÊN NÚI ĐÁ VÀ NÚI ĐẤT

Sự tách riêng các trạng thái của núi đá và núi đất trong khu bảo tồn là cần thiết, vì hệ sinh thái núi đá và núi đất có những đặc trưng riêng biệt cả vệ thành phần loài cây, đất rừng, thức ăn cho chim thú, bò sát... khác nhau cả về khả năng tái sinh và phục hồi rừng.

1. Rừng núi đá:

Các tài liệu trước đây khi đề cập đến tài nguyên rừng Quảng Bình đều để trắng vùng Phong Nha, và ghi chú hoặc là: núi đá, hoặc núi đá có cây bụi, hoặc rừng trên núi đá - Thực ra trong núi đá Phong Nha thì rừng nghèo chiếm ưu thế nhưng vẫn có một số diện tích ở các Thung (không phải là thung lũng dài) có từng khoảng rừng giàu, trung bình, và ngay trên các sườn núi đá cũng có những diện tích nhỏ chừng 10-30 ha là rừng trung bình.



1.1 Rừng núi đá nghèo:

Diện tích 22.006 ha Trữ lượng: 110.300m3

Chiếm hơn một nửa diện tích khu bảo tồn, nằm chủ yếu ở phía Tây, trung tâm và phía Nam khu bảo tồn về trạng thái là rừng nghèo nhưng ít bị tác động và tính nguyên sinh còn giữ được. Các tác động vào rừng mới chỉ là các hoạt động lấy trầm, song mây và mới đây là nạn săn trộm gỗ Mun sọc ở vài địa điểm gần đường 20. Trạng thái rừng nghèo ở đây không dàn trải đồng đều toàn bộ, mà đan xen vói các đám cây bụi, cây gỗ nhỏ không có trữ lượng gỗ, phát triển trên các vách đá lộ, hoặc ở chỗ không tích lũy được đất và mùn. Thực tế rừng gọi là nghèo, nhưng không kiệt. Đây là sinh cảnh của các loài thú gậm nhấm: Sóc, Nhím, Chim và nơi cư trú của các loài Khỉ hầu. Những vách đá dựng đứng cao 30-200m với các gờ, các hang hốc là nơi cư trú của các đàn Voọc. Trạng thái này cũng có nhiều loài cây cung cấp thức ăn cho chim thú như: Mây, Song, Đuôi Rồng, Ngũ Gia Bì, Nhọc, Bứa, Sến, Gáo, Đa, Si, Mun, Bùi, Bời lời, Gội núi...

Tuy trữ lượng bình quân 50m3/ha, nhưng cây thấp và cong soắn, rắn chắc, sử dụng hoặc cưa sẻ khó khăn.



1.2. Rừng núi đá trung bình

Diện tích: 2.643 ha Trữ lượng: 370.020m3

Chiều cao trung bình 20m, đường kính trung bình 24-28 cm, bình quân trữ lượng 140 m3/ha, phân bố ở các thung có đất bồi tụ dày, xen kẽ trong trạng thái rừng nghèo ở phía Bắc, trung tâm và phía Nam, các thung không rộng, khoảng 30-50 ha. Các thung này có điều kiện địa hình đặc biệt bị bao vây bởi các vách núi đá cao, do đó thời gian được chiếu sáng trung bình từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, hoặc có chỗ còn ít hơn. Cây có xu thế vươn lên thẳng để đón ánh sáng. Ở đây có các loài phổ biến như: Lát, Gụ, Gội, Sến, Mun, Nghiến, Săng lẻ, Gùa, Chò nước, Dầu keri,... Đặc sản có Mây, Song, Hèo, Lá dong, cây thuốc như Ba kích, Ngũ gia bì, Thạch hộc, Cốt toái bổ, Hoài sơn, Hà thủ ô, lá khôi... Một phần rất nhỏ dọc đường 20 đang bị các nhóm dân đột nhập vào xẻ trộm gỗ Mun. Song mây bị khai thác mạnh, có ngày đã ghi nhận được đến 3-4 tấn Mây song được đưa ra ngoài. Loài cây có giá trị đặc biệt là Trầm đã bị săn lùng ráo riết gần như tuyệt diệt.

1.3 Rừng núi đá giàu:

Diện tích: 212 ha Trữ lượng: 46.640m3

Chỉ có một diện tích rất nhỏ, phân tán ở vùng giữa Hang Vòm và Cổ khu, ở các thung hẹp nhỏ, trên đất có tầng mùn tích tụ dày. Có các loài ưu thế là: Nghiến, Lát, Gụ, Dầu Ke, Mun, Nhọ nồi, Re, Giẻ... Cũng do các vách đá dựng đứng bao quanh, cây có xu thế vươn thẳng lên cao, ít phân cành. Trong rừng luôn luôn tối, tầng cây bụi, cây nhỏ và thảm tươi thưa thớt. Các loài mây song cũng hiếm gặp ở trạng thái này, cây tái sinh thưa thớt.

2 - Rừng núi đất

2.1. Rừng núi đất nghèo:

Diện tích: 4.821 ha Trữ lượng: 298.902m3

Phân bố ở dọc đường 20 và phía Đông khu bảo tồn giáp với lâm trường Ba Rền. Hậu quả của việc khai thác chọn nhiều lần, các loài gỗ quý đã bị khai thác như: Huỵnh, Gụ, Táu mật, Sến, Gội, Sâng, Sấu. Tuy vậy các loài cây giá trị đang có xu thế tái sinh mạnh và phục hồi nhanh. Tầng đất bị sói mòn không đáng kể. Trữ lượng bình quân 62m3/ha. Các loài đặc sản phong phú như Song bột, song đá, Mây, Lá khôi, Lan gấm, Bời lời, Re...

Trạng thái này nếu được bảo vệ tốt, sẽ nhanh chóng phục hồi thành rừng trung bình hoặc giàu. Đây là nơi cư trú của các loài: Gấu, Báo, Voi, Hổ, Hoẵng, Sơn dương...



2.2 Rừng núi đất trung bình:

Diện tích: 4.818 ha Trữ lượng: 698.610m3

Phân bố chủ yếu ở phía Đông và Đông Nam khu bảo tồn trạng thái này bị tác động khai thác chọn khoảng 35% còn lại hầu như nguyên sinh với các loài cây gỗ quý như: Huỷnh, Gụ, Lát, Xoay, Gội, Sâng, Táu mật, Sấu, Trai, Dẻ... tầng cây gỗ nhỏ có: Máu chó, Trau tráu, Sơn hương viên... Đây là nơi cư trú yên tĩnh của các loài thú, và thức ăn cho các loài chim thú cũng phong phú. Các đàn bò tót thường cư trú ở trạng thái này.

2.3. Rừng núi đất giàu:

Diện tích: 2.708 ha Trữ lượng: 704.080 m3

Phân bố ở khu vực Rào Thơng, Hang Én, đến U Bò. Với các loài gỗ quý như Huỵnh, Sâng, Gội, Re, Dẻ, Trai, Sấu... cây cao trung bình 24-26m, đường kính trung bình 30-44cm, trữ lượng bình quân 260m3/ha. Trạng thái này hầu như còn nguyên sinh chưa bị tác động. Là một hình ảnh quý của toàn thể rừng nhiệt đới của Quảng Bình từ xưa.

KẾT LUẬN

1. Kết quả hoạt động điều tra, khảo sát hiện trường đã ghi nhận: trong khu vực hiện có một lớp thảm rừng rộng lớn, phủ kín tới 93,8% diện tích tự nhiên, phần lớn là rừng chưa bị tác động.

Chỉ số này mặc dù chỉ có ý nghĩa địa phương cục bộ. Nhưng xét trong toàn khối địa hình đồi núi ở Việt Nam thì đó là trị số cao nhất thuộc loại hiếm thấy.

Điều đáng quý hơn là trong khối quần hệ đông đặc nêu trên, tuyệt đại bộ phận (84,3% diện tích rừng) thuộc lớp thảm Rừng nguyên sinh hoặc gần như nguyên sinh.

Rừng trên núi đá vôi, một thể loại được coi là đặc sắc hiếm có ở nước ta cũng như thế giới, bao chiếm gần như toàn bộ khối lượng rừng nguyên sinh của khu vực (24.861 ha trong số 38.620 ha rừng đang có).

2. Sinh cảnh thuận lợi (chế độ nhiệt - ẩm và nền vật chất) không những tạo điều kiện cho sự phát sinh, phát triển của lớp thảm thực vật rừng mà còn chi phối rõ rệt các đặc trưng sinh học (ngoại mạo, cấu trúc, tổ thành) và hình thái phân bố của các kiểu rừng. Tính chất nhiệt đới, đa dạng, phức tạp hình như là thuộc tính chung của mọi kiểu, mọi loại, mọi lâm phần. Sinh cảnh này phù hợp thành nơi ở, ăn và cư trú an toàn cho các loài động vật.

Điều kiện địa lý - địa hình ở nơi đây được xem là tác giả của sự gặp gỡ, giao thoa của hai luồng thực vật phía Bắc và phía Nam. Tổ thành cây gỗ, thành phần thực vật biểu thị sự hòa lẫn này không chỉ ở các kiểu rừng mà còn trong cả từng tầng rừng.

Có thể nói: Đa dạng về cấu trúc, phức tạp về thành phần và phong phú về chủng loại quý hiếm là hệ quả thừa hưởng của điều kiện sinh cảnh và cũng là đặc trưng tiêu biểu của lớp thảm thực vật rừng hiện lưu trú tại đây.



II - DIỄN BIẾN TÀI NGUYÊN RỪNG PHONG NHA -
KẺ BÀNG:


Mục tiêu chiến lược của rừng đặc dụng nói chung và các khu bảo tồn, vườn Quốc gia nói riêng là bảo vệ những giá trị đa dạng sinh học, tính nguyên sinh của các khu rừng và những mẫu chuẩn đại diện cho các hệ sinh thái trong mối cân bằng của tự nhiên. Việc điều tra tài nguyên, trữ lượng gỗ và những giá trị kinh tế chỉ thực sự cần thiết cho các rừng sản xuất kinh doanh, nó phục vụ cho các mục đích khai thác, chế biến, thương mại và điều chế rừng.

Đối với chiến lược bảo vệ môi trường và nguồn GEN thì vai trò của các trạng thái rừng giàu, trung bình, hoặc nghèo đều có ý nghĩa, miễn là nó còn giữ được tính nguyên sinh, và giữ được mối cân bằng của tự nhiên đã được thiết lập từ lâu đời. Do đó, công việc đánh giá tài nguyên bằng trữ lượng cây gỗ ở đây chỉ có một ý nghĩa nhất định, nó giúp cho ta thêm các dữ liệu để so sánh diễn biến về sau này và diễn thế tự nhiên của rừng. Chính vì vậy, các dữ liệu của báo cáo này chỉ có tính khái quát trong việc phân loại trạng thái rừng và các dữ liệu về trữ lượng, và tái sinh.

TÌNH HÌNH KHẢO SÁT VÀ NGHIÊN CỨU TRƯỚC 1992

Đối với Phong Nha tình hình thu thập lại diễn một cách khác. Hầu như tất cả các tài liệu, các bản đồ đều bỏ trống. Tình trạng đó là một sự khó khăn cho sưu tầm, hay đáng mừng rằng đây là một vùng trắng, hiểm trở, hoang vu nhất mà hiện nay hiếm thấy trên thế giới.

Điểm lại các tài liệu ít ỏi:

1. Về địa lý:

LES PAYS TROPICAUX của Pierre Gourou 1966 Presses Universitaires de Frarce - giáo sư địa lý hàng đầu của Pháp đã từng ở Đông Dương và các nước nói tiếng Pháp đã viết. Đây là một vùng hoang vắng đến ghê rợn, không một bóng người. Một vùng hoang mạc đá vôi rộng lớn nhất thế giới.



2. Bản đồ rừng của Đông Dương năm 1943 của Maurand.

Khu Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ có một vệt trắng, không ai vào điều tra được.



3. Bản đồ rừng 1978 của Viện điều tra quy hoạch: Phong Nha để trắng.

4. Bản đồ rừng 1990 của Viện điều tra quy hoạch: Để trắng

5. Bản đồ rừng Bắc Trung Bộ của Viện điều tra quy hoạch 1991

6. Bản đồ rừng Bắc Trung Bộ 1995 Printed by CFIC - FIPI tháng 8-1993 (FEWSGIS) mô tả đây là rừng nghèo trên đá vôi.

7. Các bản đồ rừng và quy hoạch của Bộ và Tỉnh đến 1995 vùng này không chia làm các tiểu khu.

Tình hình trên cho thấy rằng đây là vùng hiểm trở nhất của Việt Nam, và là vùng rừng núi đá vôi điển hình, việc khảo sát điều tra không thể tiến hành bằng các phương pháp thông thường. Mặt khác là một vùng khó xâm nhập thì các tác động phá rừng ở chừng mực nào đó cũng thấp hơn các vùng khác.

8. Luận chứng kinh tế kỹ thuật khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha

Thực hiện khảo sát và thẩm định 1991-1992. Các chuyên đề báo cáo để làm cơ sở xây dựng luận chứng chỉ có thảm thực vật (thực hiện bởi tác giả Nguyễn Văn Thường) khu hệ thực vật, khu hệ động vật, địa mạo. Chứ không có chuyên đề riêng về tài nguyên.

TÌNH HÌNH DIỄN BIẾN TÀI NGUYÊN

Căn cứ vào các tài liệu có thể có được và đáng tin cậy là:



1 - Các khảo sát thực địa năm 1991. Trong đó có bản đồ thảm thực vật Phong Nha. Và các ghi chép thực địa, các mô tả các tuyến và điểm khảo sát.

2. Căn cứ vào các ảnh vệ tinh trước 1991 và 1995 cho thấy:

- Rừng đã bị tác động: Diện tích 5.124 ha



1. Rừng núi đá: Diện tích 2.437 ha bị tác động nhẹ.

Giới ở các khu vực gần xóm Chày, xóm Phong Nha dọc sông Chày tới Eo Gió. Những tác động chủ yếu là khai thác gỗ làm nhà: các loại gỗ Sao Mặt Quỷ, Huỷnh, Gụ, Gội, Sâng, Sấu, khai thác ở các triền gần đường và có thể chuyển được. Những khai thác này làm cho lớp cây gỗ bị mất đi ở một số điểm gần các tuyến tham quan du lịch như Động Phong Nha, Hang Tối, Eo Gió. Diện tích bị tác động này không kể đến những khu rừng núi đá ở sâu hơn đang bị khai thác Song và gỗ Mun Sọc thể hiện ở các diện tích gần đường 20 từ Phong Nha tới cây số 26. Những tác động này đã làm cho rừng mất đi một số tài nguyên gỗ và đặc sản, nhưng chưa làm cấu trúc rừng bị thay đổi, vì tỷ lệ Mun trong tổ thành rừng chỉ chiếm khoảng 0,15% - 0,20%. Song mây mọc dưới tán cũng không làm cảnh quan ngoại mạo rừng biến đổi.



2. Rừng núi đất: Diện tích: 2.687 ha bị tác động khai thác chọn nhẹ.

Rừng núi đất bị tác động diễn ra qua nhiều thời kỳ:



2.1 - Trước 1990

Khi mở đường khai thác dọc Sông Chày, Eo Gió để nối vào Đường 20 và dọc U Bò tuyến Đường 20. Khu vực phía Nam U Bò. Tuyến Đường 20 trong thời gian chiến tranh bị phá không nhiều, có thể do chủ trương cần bảo vệ thảm rừng để bảo vệ kho tàng. Khu vực giáp Đường 20 tới km 16 bị khai thác nặng, rừng đang phục hồi trở lại trên tuyến nối từ Đường 20 để đi tới Hang Én cũng bị khai thác các loài gỗ kinh tế, rừng còn lại cũng đang phục hồi.



2.2 - Sau 1990

Thông qua khảo sát để lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật khu bảo tồn Phong Nha, cuộc khảo sát 1991 được coi như những thông tin, những chuyên đề khảo cứu đầu tiên về Phong Nha. Những tình hình cơ bản thu được như sau:




tải về 1.43 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương