CHƯƠng 4 ĐẶC ĐIỂM ĐỊa hìNH, ĐỊa mạO với hoạt động tân kiến tạo



tải về 0.68 Mb.
trang2/8
Chuyển đổi dữ liệu25.08.2017
Kích0.68 Mb.
#32764
1   2   3   4   5   6   7   8

4.3. Vỏ phong hóa

Dựa vào đặc điểm thạch học có thể phân biệt các loại vật liệu vỏ phong hoá:

- Saprolit (Sa): Là sản phẩm phong hoá vụn thô hoặc phong hoá dở dang, gồm chủ yếu là các khoáng vật nguyên sinh của đá gốc, có ít khoáng vật biểu sinh, kế thừa và bảo tồn kiến trúc đá gốc, nhưng nhiều khe nứt, lỗ hỏng hơn.

- Cát là sản phẩm phong hoá (cơ học) của các đá giàu thạch anh (cát kết thạch anh...) gồm chủ yếu thạch anh và một số ít felspat, mica. Gọi theo khoáng vật thì loại sản phẩm này là thạch anh (q), gọi theo địa hoá đây là sản phẩm phong hoá silicit (si).

- Sét là vật liệu bở rời hoặc chặt xít gồm các khoáng vật sét cùng một số khoáng vật nguyên sinh của đá gốc, sét thường sáng màu (xám), trắng, xám trắng, phớt đốm hồng… hoặc hơi sẫm màu (xám, phớt đốm nâu, đốm vàng, đốm tím...). Vì vậy, tương ứng có vỏ phong hoá sét sáng màu (sialit), vỏ phong hoá sét sẫm màu (sialferit).

- Sét loang lỗ (litoma) là vật liệu dạng sét có màu đa sắc, chủ yếu là màu nâu-vàng-đỏ-tím, có cấu tạo bở rời, mịn chặt xít. Về mặt địa hoá nó ứng với vỏ phong hóa ferosialit.

- Thành tạo chứa kết vón, với sét màu nâu vàng, nâu đỏ chứa các hạt kết vón sắc với kích thước và hàm lượng khác nhau. Đá ong có cấu tạo tổ ong, còn khung xương tạo lỗ rỗng được lấp đầy bởi sét. Đặc tính cơ bản của đá ong là cứng lại khi phơi khô. Gọi theo đặc điểm địa hoá, kết vón và đá ong thuộc kiểu vỏ feralit...

Vỏ phong hóa có thể được phân thành các loại sau:

- Saprolit (Sa): Là dạng phong hóa vật lý tạo cho đá gốc nứt vở, vụn thô vẫn giữ nguyên kiến trúc, cấu tạo đá gốc. Thành phần hóa học, khoáng vật chưa thay đổi đáng kể (chỉ 1 đới).

Đôi khi theo khe nứt và mặt phân lớp, phân phiến đá bị phong hóa hóa học ở mức độ yếu và ở đó thường tạo thành lớp sét mỏng vài mm.



- Vỏ phong hoá Silicit (Si): Đá gốc tạo vỏ phong hóa thường là nhóm lục nguyên hạt thô, gồm: đá cát kết, cuội sạn kết, thạch anh...

Địa hình thuận lợi cho quá trình tạo vỏ Silicit thường là các đồi thoải, núi thấp thoải và thường là những nơi lớp phủ thực vật kém phát triển.

Vỏ phong hóa thường có 2 đới:

+ Đới Silicit gồm: Cát, sạn thạch anh lẫn ít bột sét màu xám vàng, xám nâu, xám trắng. Đây là sản phẩm phong hóa tương đối triệt để của đá lục nguyên hạt thô (cát, sạn kết-dày 0,3-10m).

+ Đới Saprolit: Gồm cát, sạn kết phân lớp dày, màu xám trắng, trắng đục, đá phong hóa yếu còn giữ thế nằm ban đầu (dày 1-3m).

Vỏ phong hóa Silicit chủ yếu là sản phẩm của quá trình phong hóa cơ học, thành phần tương tự như đá gốc tạo vỏ. (SiO2, Fe2O3), Al2O3),... trong đó SiO2 = 70-80%).



- Vỏ phong hóa Sialit (Si-Al): Được hình thành trên các đá gốc acid (granit, ryolit, pegmatit) trên các địa hình khác nhau, đặc biệt trên mặt san bằng.

Đới sét thường có màu trắng đục, trắng xanh, trắng xám, đôi khi phớt vàng; bảo tồn ít nhiều cấu tạo đá gốc hoặc ở dạng mịn dẻo, bở rời.

Thành phần chủ yếu là SiO2 và Al2O3 (SiO2 = 40-70%; Al2O3 = 12-22%).

Theo mặt cắt, thường có 4 đới: Đá gốc, Saprolit, sét sáng màu (Sialit) và thổ nhưỡng.



- Vỏ phong hóa Sialferit (Si-Al-Fe): Phát triển khá phổ biến trên các đá granit, ryolit, đá phiến, lục nguyên xen phun trào acid, đá phiến kết tinh thạch anh Felspat.

Theo mặt cắt, thường có 5 đới: Đá gốc, đới Saprolit (0,5-1,5m), đới sét sáng màu (Sialit từ 1-2m đến 30-40m), đới sét loang lỗ (ở phần dưới thấp dày 3-4m; phía trên cao = 1-1,5m) và đới thổ nhưỡng (0,2-0,8m).

Vỏ phong hóa Sialferit thực chất là kiểu vỏ trung gian giữa Sialit và Ferosialit (hàm lượng Fe cao hơn).

- Vỏ phong hóa Ferosialit (Fe-Si-Al): Phát triển trên hầu hết các loại đá và các dạng địa hình khác nhau, từ gò đồi thấp, thoải đến vùng núi cao.

Theo mặt cắt, thường có 5 đới: Thổ nhưỡng, sét loang lỗ hoặc sẩm màu, sét sáng màu, Saprolit và đá gốc.



- Vỏ phong hóa Feralit (Fe-Al): Là giai đoạn cuối cùng trong quá trình phong hóa ở vùng nhiệt đới ẩm ở nước ta với đặc điểm là sản phẩm phong hóa có thành phần vật chất cơ bản là tịch tụ nhiều Oxyt và Hydroxyt Fe và Al. So với vỏ phong hóa Alferit (Al-Fe) thì vỏ phong hóa Feralit tích tụ Fe nhiều hơn (và ít hơn Ferit-Fe) và thường với 2 phụ kiểu: Feralit đá ong (còn gọi là Laterit đá ong) và Feralit kết vón (còn gọi là Laterit kết vón) phân bố chủ yếu ở vùng gò đồi trung du ven rìa các đồng bằng (nơi tiếp giáp giữa chân đồi núi và vùng đồng bằng, vùng ven rìa các vùng trũng giữa núi, các đảo và các cao nguyên), nói chung là vùng có độ dốc địa hình nhỏ 3-100 và lớp phủ thực vật kém phát triển.

Theo mặt cắt, thường có 5 đới: Thổ nhưỡng, đới Feralit (khung xương laterit chứa sét đỏ dày 1-5m), đới Ferosialit (sét loang lỗ dày 5-10m), đới Saprolit (sét cấu trúc lưu giữ cấu trúc đá góc tạo vỏ dày 0,5-1,0m) và đá gốc.



Vỏ phong hóa liên quan đến bậc địa hình:

Sự phân bố các vỏ phong hoá có liên quan đến các bậc địa hình, thường được thể hiện như sau:

- Bậc địa hình từ 0-100m: Là nơi phát triển điển hình của vỏ phong hoá feralit với các kiểu nguồn gốc chủ yếu là thấm đọng, tàn dư-thấm đọng thành tạo các kết vón, sét loang lỗ đỏ-vàng. Các loại đá ong phổ biến ở vùng ven rìa đồng bằng (Bắc Bộ, Trung Bộ và Đông Nam Bộ) là những thành tạo Laterit điển hình đối với phong hóa nhiệt đới.

- Từ 100-300m: Là bậc địa hình Pediment (đồng bằng bóc mòn) thường lượn sóng với độ dốc thoải. Trên các diện tích này phổ biến hai kiểu vỏ phong hoá: phần thấp tạo thành vỏ feralit, phần cao gặp vỏ ferosialit. Ngoài ra, ở một số nơi trên đá magma acid và trung tính còn gặp kiểu vỏ sialferit.

- Từ 300-800m: Là bậc địa hình phân cắt trung bình. Vỏ phong hoá phổ biến là ferosialit, một ít là vỏ alferit kiểu nguồn gốc tàn dư và thành tạo saprolit. Đôi nơi ở phần địa hình thấp tạo vỏ feralit (kết vón). Trên các đá gốc giàu Si, ở bậc địa hình này còn gặp phổ biến kiểu vỏ sialit và sialferit.

- Từ 800-1.800m: Là bậc địa hình có diện tích phân bố rộng ở vùng núi Việt Nam với độ phân cắt cao và độ dốc khá lớn. Vỏ phong hoá phổ biến ở bậc địa hình này là ferosialit, sialit, sialferit và thành tạo saprolit. Nhiều nơi đá phun trào mafic có vỏ alferit. Thành tạo saprolit thường gặp ở những nơi cao và dốc. Vỏ phong hoá sialit thường gặp ở bề mặt đỉnh, vai núi bằng phẳng của địa hình trên các đá magma acid và trung tính.

- Từ 1.800-2.500m: Là bậc địa hình cao nhất ở Việt Nam chủ yếu thuộc dạng các sống núi và sườn dốc đứng rất dốc. Trên đó phổ biến thành tạo saprolit, vỏ sialit, đôi nơi còn gặp vỏ ferosialit. Ở các bề mặt đỉnh tương đối ít dốc trên đá magma acid và trung tính còn gặp vỏ sialferit với độ dày nhỏ.

Về mối quan hệ giữa độ dốc địa hình với vỏ phong hoá:

Độ dốc địa hình có ảnh hưởng quan trọng đến sự tiêu thoát nước (nước mặt và nước ngầm) trong quá trình phong hoá các đá, do đó tác động rõ rệt đến khả năng phát triển và bảo tồn của các kiểu vỏ phong hoá. Kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy:

- Vỏ phong hoá feralit dạng đá ong điển hình trên đá trầm tích lục nguyên và đá biến chất thường phân bố ở các đồi gò thấp dạng mặt bàn hay các vùng đất phẳng với độ dốc thường dưới 8-150.

- Vỏ phong hoá sialit và sialferit trên các đá granit thường phân bố trên địa hình có độ dốc khoảng 10-200. Thành tạo saprolit trên các loại đá thường phân bố ở địa hình có độ dốc từ 300 và lớn hơn.

- Vỏ phong hóa ferosialit phát triển trên các địa hình có khoảng độ dốc rộng hơn, thường 10-300.

Một số đặc điểm của vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm:

Quá trình Laterit hoá là quá trình phong hoá điển hình ở miền nhiệt đới nóng ẩm để tạo nên vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm. Cơ chế đặc trưng của quá trình laterit hoá là giải phóng đưa ra khỏi vỏ phong hoá các nguyên tố kiềm (và kiềm đất) đồng thời tích tụ nhiều nhôm và sắt. Theo địa hình vỏ phong hóa tàn dư Việt Nam thường biểu hiện tính phân đới thẳng đứng:

- Theo chiều cao địa hình từ trung du lên núi cao hàm lượng oxid sắt trong vỏ phong hóa giảm đi và thay thế bằng hàm lượng nhôm trong kaolinit. Xu thế phong hóa này thường rất phổ biến ở các khu rừng rậm sương mù (cao hơn 1.700-1.800m). Cần lưu ý rằng sự phổ biến của kiểu vỏ phong hóa không chứa sắt trong vỏ phong hóa ở vùng rừng rậm sương mù. Nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm hàm lượng sắt trong vỏ phong hóa theo độ cao là:

+ Tăng độ ẩm gây nên điều kiện môi trường khử và làm tăng độ hòa tan của sắt;

+ Sự tăng cao hàm lượng vật chất hữu cơ, hơn nữa sắt rất linh động tạo nên các hợp chất hữu cơ chứa sắt khiến cho sắt bị mang đi mạnh;

+ Không có mùa khô nên sắt không có khả năng gắn kết, lắng đọng trong vỏ phong hóa.

- Từ các miền gò đồi với địa hình tương đối mềm mại lên vùng núi bề dày vỏ phong hóa giảm đi từ 10-20m xuống 2-4m. Nguyên nhân của hiện tượng này là quá trình bóc mòn tăng lên theo độ dốc.

- Từ các miền gò đồi với địa hình tương đối mềm mại lên vùng núi số lượng các kết hạch, laterit và các tích tụ sắt đặc trưng giảm đi. Nguyên nhân là do tiêu thoát nước tốt hơn nên điều kiện tích tụ các vón kết sắt và laterit không còn nữa.

Ở Việt Nam, các kiểu vỏ phong hóa có laterit thường liên quan mật thiết với các điều kiện thủy văn - địa mạo. Bởi vậy, ở vùng núi đó độ tiêu thoát nước mạnh, thường ít gặp. Chúng chỉ thường gặp ở các thung lũng có độ tiêu thoát nước yếu. Ở các vùng trũng luôn ẩm ướt và ngập nước cũng rất ít gặp. Kiểu vỏ phong hóa này thường gặp nhất là ở điều kiện địa hình gò đồi.

Các nhóm mặt cắt phong hóa điển hình:

Trong các vỏ phong hóa ở nước ta có thể phân ra hai nhóm mặt cắt vỏ phong hóa chủ đạo sau:



- Nhóm mặt cắt phong hóa đơn điệu, phân dị yếu: Bao gồm các mặt cắt tương đối đơn điệu, phân dị kém, trong đó những biến đổi chủ yếu về thành phần thường thể hiện ở đới chuyển hóa từ đá gốc sang vỏ phong hóa (nghèo đi các nguyên tố kiềm, kiềm thổ và giàu lên tương đối các oxid lưỡng tính) và bao gồm các kiểu vỏ phong hóa sialit và ferosialit. Đặc trưng của các mặt cắt vỏ phong hóa đơn điệu là không có các kết hạch hay vón kết sắt và hoàn toàn chiếm ưu thế ở miền núi và gò đồi nước ta và bao gồm các kiểu vỏ sau:

Vỏ phong hóa Sialit:

Vỏ phong hóa sialit phân bố khá rộng rãi trên khắp lãnh thổ Việt Nam, chủ yếu trên các đá magma acid và các đá phiến kết tinh và trên các vùng núi cao (800-3.000m).

Cấu tạo mặt cắt. Mặt cắt vỏ phong hóa sialit khá đơn điệu, chủ yếu gồm đới saprolit và lớp sét sáng màu. Lớp sét thường có màu trắng đục, trắng xanh, trắng xám, đôi khi phớt vàng, thường ít nhiều bảo tồn cấu trúc đá mẹ. Các sản phẩm phong hóa của đá granit thường giữ được cấu trúc đá mẹ tốt hơn, còn sản phẩm phong hóa của các đá ryolit, felsit, pegmatit thì sét có dạng mịn dẻo hoặc bở rời, không thể hiện cấu trúc ban đầu của đá mẹ. Tuy nhiên, trong cùng một mặt cắt thường có cả hai dạng đó: dạng thứ nhất nằm dưới và dạng thứ hai nằm trên. Do hiện tượng này nhiều tác giả đã chia đới sét thành hai phụ đới và dùng thuật ngữ “sét cấu trúc” để chỉ phụ đới dưới, còn phụ đới trên được gọi là phụ đới “sét” thông thường. Trong mặt cắt phong hóa ranh giới của hai phụ đới này không rõ rệt và chuyển tiếp từ từ. Bề dày của đới sét dao động từ vài mét đến 40m tùy thuộc vào điều kiện địa hình và đá gốc.

Cấu tạo và thành phần của đới saprolit phụ thuộc vào đặc điểm của đá gốc. Ngoài thực địa có thể thấy đới này biểu hiện rõ nét trong các vỏ phong hóa phát triển trên các đá có kiến trúc hạt thô như granit, pegmatit, trên đó đá bị thủy phân trở nên mềm bở hơn đá gốc nhưng vẫn giữ nguyên thể tích.

Thành phần hóa học và khoáng vật. Vỏ phong hóa sialit được đặc trưng bởi hàm lượng cao của hai hợp phần SiO2 và Al2O3. Trong hầu hết các vỏ sialit ở Việt Nam, hàm lượng SiO2 dao động 40-70%; Al2O3 từ 12-22%.

Vỏ phong hóa Ferosialit:

Vỏ phong hóa Ferosialit phát triển trên hầu khắp lãnh thổ Việt Nam. Chúng có thể hình thành trên nhiều loại đá khác nhau từ vùng gò đồi thấp thoải đến những vùng núi cao nhưng phổ biến nhất vẫn là ở các bậc địa hình trung bình.

Trên các đá granit biotit, ryolit chúng được thành tạo ở các địa hình thấp là nơi thuận lợi cho quá trình tích lũy sắt dưới dạng oxyhydroxid. Lên cao trên các đới rừng mây mù, quanh năm ẩm ướt thì sắt trở nên linh động và mang đi vỏ ferosialit được thay thế bằng vỏ sialit.

Vỏ phong hóa Ferosialit phát triển rộng rãi trên các bậc địa hình trung bình-cao của trầm tích lục nguyên và đá phiến kết tinh. Khi chuyển xuống các bậc địa hình thấp, thoải thuận lợi cho hoạt động nước ngầm thì thành phần sắt trong vỏ phong hóa tăng lên và vỏ phong hóa có thể chuyển thành vỏ feralit.

Cấu tạo mặt cắt: Trên các đá khác nhau, cấu tạo mặt cắt vỏ phong hóa ferosialit có những đặc điểm riêng biệt. Đối với các đá acid như granit, ryolit thì mặt cắt đầy đủ của vỏ có 3 đới chính chuyển tiếp từ từ là: đới sét sẫm màu chuyển dần xuống sáng màu hơn và tới đới saprolit. Trên các đá granitoid thường có sự bảo tồn cấu trúc đá mẹ, ngay cả trong các đới phong hóa mạnh. Tính chất đó là do bản chất kết tinh ban đầu của đá mẹ. Trong khi đó, sản phẩm cuối cùng của các đá phun trào acid-trung tính ít khi thấy rõ kiến trúc đá mẹ và thường có dạng sét mịn dẻo.

Các mặt cắt phong hóa ferosialit trên các đá mafic như basalt gabbro, diabas có những nét tương tự nhau: từ trên xuống chỉ có nét sẫm màu chuyển dần xuống saprolit (thiếu đới sét màu sáng). Ngoài ra, sản phẩm phong hóa cuối cùng trong mặt cắt này thường có dạng mịn dẻo, ít khi bảo tồn cấu trúc đá mẹ, có thể có màu đỏ, nâu nhưng phân bố đều hơn.

Các mặt cắt phong hóa ferosialit trên các đá trầm tích lục nguyên cũng thường gặp đới sét sẫm màu chuyển dần xuống đới saprolit. Ranh giới giữa hai đới này thường không rõ ràng. Đá trầm tích có cấu tạo phân lớp nên nước bề mặt có thể đi theo các mặt lớp đi xuống sâu và gây phong hóa mạnh hơn ở phần giữa lớp. Kết quả là ranh giới phong hóa bị uốn lượn đôi khi khó xác định được ranh giới giữa các đới. Mặt khác, các trầm tích lục nguyên bao gồm cát, bột và sét kết xen kẻ nhau và khác nhau về mức độ phong hóa, do đó tại cùng một độ sâu có thể gặp nhiều sản phẩm phong hóa khác nhau. Vì những nguyên nhân trên, tính phân đới của vỏ phong hóa đá trầm tích nói chung không rõ rệt như các đá magma và ngoài thực địa nhiều khi không quan sát thấy tính phân đới theo chiều thẳng đứng.

Thành phần hóa học. Đặc trưng chung nhất của vỏ phong hóa Ferosialit là sự có mặt với hàm lượng cao của ba oxid chủ đạo: SiO2, Al2O3, Fe2O3.



- Nhóm mặt cắt phong hóa có sự phân dị rất rõ nét: Được đặc trưng bởi thứ tự chuyển các đới (từ dưới lên) như sau: đá gốc; đới phân hủy hay mang đi (rất sáng màu, thường bảo tồn cấu trúc đá mẹ); đới sét loang lỗ, trong đó các đốm loang lỗ kế tiếp nhau, các đốm này giàu sắt; đới màu đỏ có tích tụ sắt hoặc nhôm (dưới dạng các kết vón hay dạng đá ong). Chính các mặt cắt phân dị tốt có chứa đới laterit là hoàn toàn đặc trưng cho vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm, chủ yếu phát triển ở các yếu tố địa hình tiêu thoát nước kém trong vùng đồi núi với điều kiện quá bão hòa ẩm và chỉ xuất hiện ở những nơi mà vỏ phong hóa có tầng nước ngầm hay nước thổ nhưỡng tạm thời hay vĩnh cửu, tạo nên gley hóa và tạo nên đới rửa lũa. Trên đới rửa lũa trong điều kiện oxy hóa thường thành tạo đới tích tụ (đới laterit). Thành phần cơ giới nặng của sản phẩm phong hóa nhiệt đới ẩm và lượng mưa lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành vỏ phong hóa có đới laterit.

Vỏ phong hóa feralit là tập hợp các sản phẩm phong hóa phân dị tốt có thành phần vật chất cơ bản do tích tụ nhiều oxyhydroxid sắt và nhôm (và một phần Mn, Ti) còn được gọi là vỏ phong hóa laterit. So sánh với nhiều nơi trong miền nhiệt đới ẩm trên thế giới, vỏ phong hóa feralit ở Việt Nam được chia thành hai phụ kiểu thạch học, đó là:

- Feralit đá ong (còn gọi là laterit đá ong).

- Feralit kết vón (còn gọi là laterit kết vón).

Đây là vỏ phong hóa laterit phổ biến ở nước ta. Chúng phân bố ở địa hình thấp thoải với độ dốc 3-10o trên hai vùng chủ yếu:

Vùng gò đồi trung du ven rìa các đồng bằng (nơi tiếp giáp giữa chân đồi núi và vùng đồng bằng).

Vùng ven rìa các vùng trũng giữa núi, các hải đảo và các cao nguyên.

Feralit kết vón:

Phụ kiểu này ít phổ biến hơn feralit đá ong và trong mặt cắt của vỏ không có đới đá ong. Phụ kiểu feralit kết vón cũng được hình thành trên các trầm tích lục nguyên, đá phiến kết tinh, xâm nhập và phun trào mafic, nhưng gặp nhiều nhất là trên các trầm tích lục nguyên. Thành phần hóa học của đới kết vón dao động trong khoảng rộng tùy thuộc vào tỷ lệ giữa lượng kết vón và sét nền bao quanh. Nhìn chung, hàm lượng Fe2O3 trong đới này thấp hơn trong đá ong (8-25%), có lẽ đây là điểm khác biệt rõ ràng giữa hai phụ kiểu feralit đá ong và feralit kết vón.

Vỏ phong hóa feralit có nhiều kiểu mặt cắt khác nhau tùy theo vào điều kiện địa hình và đá gốc, nhưng đặc điểm chung nhất là trong mặt cắt có đới feralit rất giàu sắt biểu hiện dưới dạng các kết vón hoặc dạng đá ong. Mặt cắt chung của vỏ feralit từ trên xuống dưới gồm các đới sau:

Thổ nhưỡng (lẫn nhiều kết vón hoặc vụn laterit) chiều dày mỏng (0,3-0,5m).

Đới feralit khung xương laterit chứa sét đỏ, đá ong hoặc sét đỏ có chứa nhiều kết vón laterit, chiều dày thay đổi từ 1-5m.

Đới ferosilit: sét loang lỗ, chiều dày lớn (5-10m).

Đới saprolit: sét cấu trúc bảo tồn cấu trúc của đá mẹ, chiều dày (0,5-1,0m).

Đá mẹ tạo vỏ: nhiều loại đá có thành phần khác nhau.

Trong nhiều trường hợp, đới kết vón có thể vắng mặt và đới đá ong nằm trên cùng của mặt cắt. Bề dày tổng cộng của vỏ dao động từ 2-3m đến hàng chục mét.

4.4. Lãnh thổ qua các giai đoạn kiến tạo

Lãnh thổ Quảng Bình nằm trong tổng thể kiến trúc chung của Việt Nam và Đông Dương và đã trải qua các giai đoạn kiến tạo sau:


4.4.1. Giai đoạn cổ kiến tạo

Giai đoạn cổ kiến tạo xảy ra trong cổ sinh và trung sinh đại (cách đây từ 542-65,5 triệu năm).

- Vận động tạo núi Caledoni từ Cambri sớm đến Devon sớm đã mở rộng khối vòm sông Chảy đến Đồng Văn (Hà Giang) và Trùng Khánh (Cao Bằng) về phía Bắc; phía Đông đến Quảng Ninh; phía Nam đến đồng bằng sông Hồng nối Bắc Việt Nam với Nam Trung Quốc thành nền móng Việt - Trung.

Rìa phía Nam nền Kon Tum thuộc Nam Trung Bộ và Nam Bộ tồn tại chế độ thềm lục địa.

Tại các khu vực nền móng Caledoni ở Đông Bắc chỉ có kiến trúc võng chồng nội lục phủ trầm tích lục địa chứa than ở vùng sông Hiến, An Châu, Hòn Gai.

- Vận động Hecxini kéo dài từ Cambri sớm đến Permi tác động mạnh ở vùng Tây Bắc đã mở rộng dải sụt tách sông Đà. Tại địa khối Kon Tum vận động Hecxini biểu hiện qua xâm nhập granitoit, vùng cực Nam Trung Bộ hình thành vòng cung núi lửa Carbon thượng - Permi (C3-P) gồm đá bazan và andezit. Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tàn dư của vỏ lục địa Hecxini sau bị tách dãn, lún chìm để san hô phát triển bên trên.

- Vận động tạo núi Indosini xảy ra vào kỷ Trias (từ 251 đến 199,6 triệu năm) diễn ra mạnh nhất ở võng sông Đà. Tại khu vực nền móng Indosini các trũng như Hoàng Sơn được lấp đầy trầm tích lục nguyên xen phun trào riolit và xâm nhập granit.

Về chu kỳ Indosini ở miền Bắc Việt Nam:

Chu kỳ Indosini là chu kỳ kiến tạo đặc sắc không chỉ của Việt Nam, Đông Nam Á mà còn của thế giới. Vào giai đoạn này, trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam đã phân định các đới cấu trúc tuyến tính: Sông Đà, sông Hiến, An Châu, Sầm Nư­a - Hoành Sơn (trũng kiểu sinh rift không đầy đủ), trũng molas lục nguyên chứa than Quảng Ninh (bao gồm các địa hào Hòn Gai và Bảo Đài - Yên Tử) và hàng loạt các trũng giữa núi, chậu nhỏ chứa than khác. Chúng tạo nên bức tranh phối khảm của các khối nhô và các trũng chồng gối Mesozoi hình thành trong các pha kiến tạo kiểu mạch đập.

J. Fromaget đã chọn bình đồ kiến trúc Đông Dương vào Trias (bình đồ Neotrias) làm bình đồ cơ sở để phân tích cấu trúc khu vực. Kiến sinh Indosini, theo J. Fromaget, bắt đầu từ Antracolit giữa đến Carni gồm bốn pha uốn nếp. Bình đồ cấu trúc Paleozoi miền Bắc Việt Nam được cố kết vào Paleozoi sớm - giữa tạo nên bộ khung kiến trúc cơ bản của khu vực. Đến đây, về cơ bản đã hoàn thành vỏ lục địa thứ sinh với sự có mặt của phức hệ vật chất-kiến trúc sinh núi (sinh núi sau Caledoni) và các biểu hiện của granitoid đồng va chạm (các phức hệ magma: Sông Chảy, Mường Lát, Trường Sơn, Đại Lộc...). Vào cuối đại Paleozoi, tại khu vực này thống trị chế độ kiến tạo kiểu nền-san bằng kiến tạo (lớp phủ nền với phức hệ vật chất - kiến trúc nội mảng kiểu nền trên lục địa-pha kiến tạo phân dị yếu với biểu hiện của tập carbonat dày, khá đồng nhất chứa vi cổ sinh). Kiến sinh Indosini phát triển chính trên móng cấu trúc Paleozoi và bắt đầu không cùng một lúc ở các khu vực khác nhau của miền Bắc Việt Nam.

Ở Tây Bắc Bộ, kiến sinh Indosini có lẽ bắt đầu từ cuối Carbon muộn - Permi sớm với các biểu hiện của các thành tạo lục nguyên, lục nguyên-carbonat, xen kẹp phun trào mafic-trung tính (bazan, anđesitobazan, anđesit) (các hệ tầng Sông Đà, Yên Duyệt chứa than - pha sụt lún tách giãn đầu tiên). Trong Permi muộn - Trias muộn (trước Nori).

Quá trình uốn nếp - nghịch đảo khép kín đới cấu trúc xảy ra một cách mạnh mẽ vào Carni (các uốn nếp dạng tuyến hẹp, các vảy chờm nghịch, nhiều khi dốc đứng thể hiện rõ vào thời kỳ này).

Ở Đông Bắc Bộ, chu kỳ Indosini bắt đầu từ Permi muộn và bao gồm các trầm tích lục nguyên-carbonat chứa bauxit (hệ tầng Đồng Đăng) và lục nguyên-carbonat (hệ tầng Bãi Cháy).

Quá trình uốn nếp - nghịch đảo khép kín đới cấu trúc xảy ra một cách mạnh mẽ vào Carni được minh chứng bằng sự xuất hiện các thành tạo olivinit-troctolit-gabro phức hệ Núi Chúa, granitoiđ tạo núi phức hệ Phiabioac.

Ở Bắc Trung Bộ, chu kỳ Indosini xuất hiện muộn hơn vào Trias giữa. Các trầm tích lục nguyên, lục nguyên-carbonat tướng biển nông (đá vôi Hoàng Mai), lục nguyên-phun trào acid (các hệ tầng Đồng Trầu, Quy Lăng) với sự có mặt của tổ hợp núi lửa-pluton (phun trào acid-xâm nhập nông granit Đồng Trầu - Sông Mã).

Các thành tạo olivinit-troctolit-gabro phân dị (phức hệ Núi Chúa, các khối: Yên Chu, Tri Năng, Rú Gầm...) và granitoid tạo núi (phức hệ Phiabioac, các khối: Núi Ông, Tuấn Thượng, Mường Xén, Nậm Kiền, Làng Bông, Sầm Sơn, Nậm Giải...) đánh dấu quá trình khép lại của võng Sầm Nưa - Hoành Sơn vào Carni.

Trong Nori - Ret, trên toàn lãnh thổ đã hình thành các cấu trúc dạng địa hào hẹp, trũng giữa núi, chậu nhỏ hoặc biển nông chứa các trầm tích lục nguyên-carbonat phân nhịp chứa than (các hệ tầng: Hòn Gai, Văn Lãng, Suối Bàng, Đồng Đỏ). Các trầm tích này có tướng biển và lục địa xen kẽ (bao gồm các tướng: biển nông, á lục địa, biển ven, vũng vịnh, đầm hồ...). Các trầm tích molas chứa than Nori - Ret phủ bất chỉnh hợp lên toàn bộ các cấu trúc Paleozoi muộn - Mesozoi (Sông Đà, Sông Hiến, An Châu, Sầm Nưa - Hoành Sơn) và móng Paleozoit lân cận. Giai đoạn Trias muộn - Jura sớm (T3n-r - J1) có gián đoạn trầm tích cục bộ và là giai đoạn phi magma trên toàn lãnh thổ.

Sau một gián đoạn ngắn vào Jura sớm (ở Sầm Nưa - Hoành Sơn, Sông Đà) sự có mặt các thành tạo lục địa vụn thô màu đỏ (các hệ tầng Hà Cối, Động Trúc, Nậm Pô), lục nguyên-phun trào acid (hệ tầng Tam Lung: ryolit-dacit porphyr), các tổ hợp phun trào acid-xâm nhập Mường Hinh - Bản Muồng (ở Sầm Nưa - Hoành Sơn), Văn Chấn - Phu Sa Phìn và phức hệ Nậm Chiến (ở Tây Bắc Bộ) đánh dấu sự kết thúc của kiến sinh Indosini bằng sự hình thành vỏ lục địa trưởng thành (lớp phủ nền). Các thành tạo kể trên là các thành tạo có nguồn gốc vỏ.

Vận động Indosini đã hoàn toàn hình thành chế độ vỏ lục địa trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

- Giai đoạn từ Kreta giữa - muộn trở về sau được xem là giai đoạn hậu va chạm nội lục.

Như vậy, có thể khẳng định giai đoạn Paleozoi muộn - Mesozoi là một trong những giai đoạn đặc biệt trong tiến trình lịch sử địa chất của Việt Nam. Chu kỳ Indosini vào thời kỳ này là chu kỳ kiến tạo đặc sắc không chỉ của Việt Nam, Đông Nam Á mà còn của thế giới. Trên nền cấu trúc bình ổn vào cuối Paleozoi của miền Bắc Việt Nam, chu kỳ Indosini bắt đầu bằng nứt tách, sụt lún, sau đó nhanh chóng chuyển sang nén ép, nâng nghịch đảo mạnh, khép kín các đới cấu trúc. Sau sụt lún cục bộ tạo các địa hào, trũng giữa núi, chậu chứa than, toàn miền bước vào giai đoạn tạo núi muộn, hoàn chỉnh vỏ lục địa với sự có mặt của các thành tạo nguồn gốc vỏ.

Vào giai đoạn này, đã phân định các đới cấu trúc tuyến tính: Sông Đà, sông Hiến, An Châu, Sầm Nư­a - Hoành Sơn (trũng kiểu sinh rift không đầy đủ), trũng molas lục nguyên chứa than Quảng Ninh (bao gồm các địa hào Hòn Gai và Bảo Đài - Yên Tử) và hàng loạt các trũng, chậu nhỏ chứa than khác (Bố Hạ, Chũ, Làng Cẩm, Phấn Mễ, Lục Rã, Quỳnh Nhai, Than Uyên, Đầm Đùn, Đồng Đỏ...). Chúng tạo nên bức tranh phối khảm của các khối nhô và các trũng chồng gối Mesozoi hình thành trong các pha kiến tạo kiểu mạch đập (có sự luân phiên giữa các chế độ nén ép và tách giãn, sự xen kẽ các cấu trúc âm và các cấu trúc dương). Một số tác giả xem đây là giai đoạn hoạt hóa magma - kiến tạo của lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt phong phú và đa dạng về mặt khoáng sản.

- Vận động Kimeri vào các kỷ Jura và Kreta cuối trung sinh đại tiếp tục lấp đầy các bồn trung nội lục bằng các trầm tích lục địa màu đỏ và hoạt động magma (chủ yếu là riolit) đã cố kết vỏ lục địa trên lãnh thổ Việt Nam.



tải về 0.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương