Chương 3 quảng bình thời kỳ thuộc lãnh thổ VƯƠng quốc champa



tải về 326.19 Kb.
trang3/4
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích326.19 Kb.
#18976
1   2   3   4

+ Tượng Quan Thế Âm có hình dạng nam nhân tạc trên sa thạch (đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet (Pháp)83.

+ Tượng Quan Thế Âm có hình dạng nữ nhân (trưng bày tại Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, đầu tượng đã bị đánh cắp năm 1988)84.

+ Một số tượng Phật nhỏ đúc bằng đồng (14cm, 13cm, 17cm)85.

+ Một số mảnh bia đá văn tự sanskrit nói về đấng cứu khổ Quan Thế Âm

- Dấu tích ở Quảng Cư (huyện Lệ Thủy):

+ Trước năm 1954, còn tồn tại dấu tích nền móng nhiều đền tháp, bệ thờ bằng gạch.

+ Tượng Quan Thế Âm bán thân, tạc trong hình nữ nhân, trên đá sa thạch cao 0,70m còn nguyên trạng.

+ Một số mảnh bia đá văn tự sanskrit86.

- Di chỉ Đại Hữu (huyện Quảng Ninh):

+ Nhóm tháp gồm 3 đơn nguyên kiến trúc gạch, mặt bằng có hình vuông cạnh 3,5m. Nội dung bi ký ở di tích này đã cung cấp những bằng chứng cho chúng ta biết sự hiện diện của một bức tượng Ratna-Lokesvara bằng bạc quý giá được hiến cúng ở nơi này, cùng với một địa điểm hành hương có tên là Ratnapura87.

+ Tượng Padmapani (Bồ Tát Liên Hoa) cao 0,97m tạc trên đá sa thạch, là một trong những kiệt tác về nghệ thuật điêu khắc Chăm88.

+ Tượng Phật bằng đồng có giá trị nghệ thuật cao đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh89.

+ Tượng đồng pha bạc thể hiện chân dung ngài Quan Thế Âm (Avalokitesvara) trong hình tượng nam, cao 0,74m có niên đại cuối thế kỉ IX đầu thế kỉ X. Tác phẩm này hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh90.

- Động Phong Nha (huyện Bố Trạch):

Đây là một di tích Phật giáo quan trọng đã được phát hiện từ đầu thế kỉ XX qua việc tìm thấy những bệ thờ bằng gạch, nhất là những tượng Phật bằng đất nung có kích thước rất nhỏ dùng để đeo hoặc mang trong mình có niên đại thế kỉ IX-X.91

Vào tháng 3 năm 2008, các nhà khoa học đã phát hiện những dấu tích chữ viết theo lối sanskrit phối hợp với dạng chữ Chăm cổ, trên thành động nhủ đá Phong Nha. Với những phát hiện mới và quan trọng này, đã hé lộ nhiều thông tin đáng quan tâm để có thể làm rõ thêm di tích Phật giáo trong thạch động thuộc di sản thế giới92. Tuy nhiên, để có thể công bố chính xác, cần có thời gian giải mã những yếu tố Chăm cổ kết hợp trong lớp văn tự, mà hiện nay không mấy ai còn hiểu thấu đáo.

Trên vùng đất phía cực Bắc vương quốc Chăm, còn một số di tích khác như Lạc Sơn, Kẻ Nai, Kẻ Đôi, Đồng Chùa, Chùa Hang, Roòn...93 đều để lại nhiều hiện vật như tượng Phật, Bồ Tát, văn bia… góp phần làm sáng tỏ vị trí quan trọng của Phật giáo ở vùng đất này.

Triều đại Indrapura mà vùng ảnh hưởng của nó lan tỏa từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã từng tồn tại ít nhất trong vòng gần một thế kỉ (từ cuối thế kỉ IX cho đến cuối thế kỉ X). Những gì biết được khá rõ về giai đoạn này là sự phản ánh nét hưng thịnh của Phật giáo, cũng như mối quan hệ giữa các lãnh địa của một số các vị vua Chăm trong lịch sử94. Indrapura tồn tại trong vòng gần một thế kỉ (875-972). Chung quanh Indrapura là các tiểu vương quốc khác, một số đã được thâu tóm dần từ quyền lực của Indravarman I95.

Indravarman I là người rất sùng đạo Phật. Sự bày tỏ niềm tin mạnh mẽ của ông, đã phản ánh một cách khá rõ nét trong văn khắc tìm thấy ở Đồng Dương (Quảng Nam). Cha của Indravarman I là Bhadravarman cũng là tín đồ sùng đạo Phật không kém96. Bản văn khắc khác tìm thấy ở phía Bắc Quảng Bình trong cùng thời kỳ, được xác định cuối thế kỉ IX, nội dung đề cập đến giới hạn của sự mở rộng ảnh hưởng về phía Bắc với sự hưng thịnh của Phật giáo thời bấy giờ.

Sự trải rộng quyền lực dưới thời Indravarman I đã phản ánh một cách rõ nét trong các bi ký phân bố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi: Đồng Dương, Hóa Quê, Non Nước, Bàn Lanh (Quảng Nam), Châu Sa (Quảng Ngãi), Nham Biều, Hà Trung (Quảng Trị), Bắc Hà, Đại Hữu (Quảng Bình). Tất cả gần như xuất hiện trong cùng một giai đoạn lịch sử97.

Kế vị Indravarman I là Jaya Simhavarman. Vị vua này tuy không trực tiếp xây dựng các cơ sở Phật giáo, nhưng vào thời đại ông ta trị vì, ít nhất đã có hai Vihara (đền thờ Phật) được kiến tạo khá quy mô: một ở Đại Hữu và một ở Mỹ Đức. Bên cạnh đó, ông cũng nâng đỡ các cơ sở Civa giáo, mặc dù, bản thân vị vua này là người sùng bái thần Visnu.

Phật giáo ở Champa qua những gì còn lại cho đến hôm nay đã phản ánh sự hiện diện nhiều tông phái Phật giáo nơi đây như: Nguyên thủy, Đại thừa, kể cả Mật tông và tư tưởng Kim Cương Thừa/Vajrayana từng được truyền bá tại vương quốc này mà bia An Thái (Quảng Nam), có niên đại đầu thế kỉ X, đã đề cập đến.

Những tác phẩm điêu khắc Phật giáo tìm thấy ở Quảng Bình cũng như ở Đồng Dương (Quảng Nam), mang những ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Hoa (nhất là từ miền Hoa Nam, bao gồm Vân Nam, Tứ Xuyên...) mà nhiều nhà nghệ thuật đã chỉ ra. Chúng là những tác phẩm được sáng tác tại bản địa nhưng mang những yếu tố ngoại lai trong kỹ thuật chế tác cũng như thủ pháp tạo hình”98.

Đại Việt và Champa trong lịch sử là những quốc gia hình thành trên một vùng địa sinh thái khá tương đồng. Điều ấy phản chiếu sự gần gũi trong mọi ứng xử văn hóa từ quá trình thích ứng với điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, hiện tượng đáng ghi nhận ở đây, là từ những thế kỉ đầu công nguyên, cộng đồng Việt và Chăm đã nằm trong hai vùng ảnh hưởng khác nhau của văn minh Ấn - Trung. Chính biên giới quốc gia giữa Đại Việt và Champa, trên căn bản, cũng chính là lằn ranh giao thoa của hai hệ tư tưởng lớn ở phương Đông trên phạm vi khu vực.

Gần như trong cùng một thời điểm, Đại Việt chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Nho - Lão, cùng với sự áp đặt đồng hóa của đội quân xâm lược phương bắc. Champa tiếp nhận Hindu giáo và Islam theo con dường truyền bá dựa trên mối quan hệ thương mại đường biển trong hòa bình. Chính vì vậy, Đại Việt tiếp nhận văn hóa Trung Hoa trong tinh thần đề kháng Hán, trong lúc, Champa tiếp thu ảnh hưởng văn hóa Ấn một cách tự nhiên và tự nguyện trong bối cảnh giao tiếp từ thương trường.

Sự khác nhau này không khỏi làm nên sự dị biệt trong quá trình tiếp biến để hình thành nên tính cách dân tộc. Tuy vậy, suốt quá trình từ cận cư đến cộng cư trên bước đường di trú về Nam của cư dân Việt, sự giao lưu văn hóa tất yếu giữa Chăm - Việt, đã không tạo nên những cú sốc văn hóa đáng kể. Sở dĩ có được điều này, theo chúng tôi chính là nhờ chiếc cầu nối của Phật giáo.

T


Bệ đá trong dấu tích đền tháp Chăm tại Quảng Bình.

(Ảnh Tư liệu)


rong các ngôi chùa làng ở miền Trung hiện nay, nhiều tượng thờ Hindu có nguồn gốc Chăm như Brahma, Civa, Visnu, Sarasvati, Uma, Laskmi... đã được hóa thân thành Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Di Đà, Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Chuẩn Đề... bằng cách biến cải dung mạo và sắc phục để biến thành tượng Việt99. Điều ấy không phải ngẫu nhiên, mà chính là sự gần gũi có được từ chiếc cầu nối Phật giáo. Một không gian và môi trường tâm linh mà cả hai dân tộc đã cùng tiếp nhận hàng ngàn năm qua.

Thần nữ Poh Nagar của người Chăm đã được người Việt nhanh chóng mở lòng tiếp nhận và sùng bái bởi sự gần gũi trong cảm nhận về bà mẹ lớn. Đó là cảm nhận thân thuộc đều có sẵn trong tâm thức về sự cứu khổ của “Bà Mẹ” Quan Thế Âm/Avalokitesvara đối với cả hai dân tộc. Mặc dù, trong truyền thuyết Poh Nagar của Chăm hay Thiên Y Ana của Việt đều là những thần nhân có gốc tích, chỉ dạy cho dân trồng lúa, dệt vải và bảo vệ họ có được cuộc sống ấm no yên ổn.

Trong một cách hiểu nào đó, Phật giáo trong trường hợp này như là một chất dung môi, làm hòa tan những sự khác biệt văn hóa Chăm Việt hình thành từ sự tiếp nhận hai nền văn hóa Ấn - Trung trong khu vực. Chính vì thế, hầu hết những cơ sở tâm linh của người Chăm đều được người Việt tôn trọng và cung kính. Nếu người Việt không trực tiếp thờ phụng, thì họ cũng không bao giờ xâm hại hay xúc phạm đến những cơ sở này.

Quá trình hình thành và phát triển của vương quốc Champa trong lịch sử, Phật giáo đã từng hiện hữu bên cạnh Hindu và Hồi giáo trong nhiều thời kỳ. Điển hình nhất là triều đại Indrapura, được khai sáng bởi vua Indravarman I. Tài liệu văn khắc và các di tích còn lại cho đến hôm nay, đủ để chúng ta nhận ra, đây là một vị vua rất hâm mộ và sùng bái Phật giáo. Trong trường hợp này, Phật giáo không chỉ tồn tại và phát huy ảnh hưởng của mình trong giới thương nhân và dân gian, mà trong những giai đoạn cụ thể, Phật giáo vẫn có chỗ đứng khá vững chắc trong triều đình và tầng lớp quý tộc Chăm, tạo nên những ảnh hưởng đáng kể trong tiến trình lịch sử - văn hóa của vương quốc này.

Từ sự hiện hữu khá rõ ràng và thuyết phục về vai trò của Phật giáo trong đời sống xã hội, từ quý tộc cho đến dân gian của người Chăm, chúng ta thấy việc nghiên cứu và bảo tồn văn hóa của tộc người này, không thể không lưu ý đến những ảnh hưởng của hệ tư tưởng Phật giáo, bên cạnh những thành tựu của Hindu và Hồi giáo cũng như Bà Ni hay tín ngưỡng bản địa, đó là những mối quan hệ tương tác khó tránh khỏi, liên quan đế đời sống tâm linh, văn học, nghệ thuật, phong tục... làm nên bản sắc đặc thù của văn hóa Chăm trong lịch sử.

Mặc dù cả Đồng Dương lẫn những di tích Phật giáo quan trọng ở Quảng Bình hiện nay không còn nguyên vẹn nữa, nhưng những di vật hiện nay được giữ gìn trong nước cũng như thế giới, cùng những phế tích vẫn còn mang đầy đủ tính thuyết phục hiện nay, đã cho chúng ta thấy được vai trò quan trọng của Phật giáo trong tiến trình phát triển đức tin tôn giáo trong xã hội Chăm.

Những di tích về thành lũy và các dạng kiến trúc khác cũng là những thông điệp hùng hồn về vai trò tiền tiêu có tính sống còn của Quảng Bình trong thời kỳ Lâm Ấp. Sự nới rộng ảnh hưởng ra phía Bắc vùng Cửu Chân của đội quân giải phóng Nhật Nam trước Trung Quốc, Quảng Bình luôn là một hậu cứ quan trọng.Và, đèo Ngang, sông Gianh đã trở thành một chiến lũy tự nhiên không chỉ trong thời kỳ đó mà còn kéo dài mãi cho đến khi chúng thuộc hẳn về cương vực Đại Việt.

Khi đề cập đến dải đất miền Trung Việt Nam, không thể cách ly cộng đồng Việt với những sự kiện lịch sử, kinh tế, văn hóa… vốn hiện hữu và hằn lên dấu ấn sâu đậm bởi những lớp người tiền trú. Khi người Việt vượt qua đèo Ngang, “khúc dạo đầu” đầy ấn tượng trong “bản trường ca” Nam tiến của dân tộc, cũng chính là lúc bàn chân Việt chính thức đặt dấu ấn của mình lên một vùng đất mà sử sách gọi là Lâm Ấp, và điểm khởi đầu chính là vùng đất Quảng Bình cổ ở hai huyện Tây Quyển và Tỷ Cảnh. Mặc dù, trước đó vùng đất này không hẳn đã vắng bóng người Việt di trú, lẫn người Việt cổ sinh tụ từ lâu đời. Nhìn vào bản đồ ngôn ngữ tộc người vùng đất Quảng Bình, ai cũng có thể nhận ra sự hiện hữu thường xuyên nhóm Việt - Mường ở phía Tây bên cạnh người Việt và các tộc người khác.

Vì vậy, quá trình mở cõi của người Việt về phương Nam, mở đầu bằng sự tiếp nhận thông qua quan hệ bang giao Việt - Chăm đối với vùng đất Quảng Bình xưa gồm hai châu Bố Chinh và Địa Lý100 dưới thời nhà Lý là một quy luật của sự phát triển theo xu hướng giao hòa giữa các nền văn hóa.


1 Luận thuyết về “Vương quốc Champa và địa bàn biên viễn phía Bắc” của học giả Nguyễn Hữu Thông viết riêng theo đặt hàng của người biên soạn.

2 Trước đây gọi là người Chàm, Chiêm.

3 Ngày nay, một bộ phận người Chăm nói tiếng Malayo - Chamic.

4 Maspero G, “Le royaume de Champa, Van Oest, Paris, 1928.

Phần lớn các học giả thời Pháp thuộc cũng như trong nước gần như suốt nửa đầu thế kỉ XX đều cho rằng: có một vương quốc Champa thống nhất được hình thành từ cuối thế kỉ thứ II sau công nguyên (192) với sự thành công của cuộc khởi nghĩa của Khu Liên ở vùng đất Nhật Nam thời Hán thuộc, với một biên niên sử duy nhất, liên tục và thực sự kết thúc vào nửa đầu thế kỉ XIX (1833).



5 Nửa sau thế kỉ XIX, một số không ít các học giả phương Tây, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á và Đông Nam Á, trong đó có cả những học giả người Chăm..., dựa trên những tư liệu có tính đối sánh, cũng như phục dựng mối quan hệ và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đối vớ các vương quốc cổ ở Đông Nam Á, nhất là con đường hải thương trên biển Đông ở khu vực này, họ đã dần dần nghiêng theo xu hướng: vương quốc Champa thật ra chỉ là sự tồn tại đồng thời của nhiều mandala (tiểu quốc) với vị thế và tầm ảnh hưởng đầy biến động trong lịch sử.

- Bronson B, “Exchange at the Upstream and Downstream Ends: Notes toward a Funtional Model of the Coastal State in Southeast Asia, Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: Perpectives from Prehistory, History and Ethnography”, [Huttere, Karl L.el], Ann Arbor: Center for South and Southeast Asia Studies. The University of Michigan, 1977.

- Hall R.K, “Maritime Trade and Early State Development in Southeast Asia”, Honolulu: University of Hawaii Press, 1985.

- Wolter O, “History Culture and Religion in Southeast Asia”, Singapore: Institute of Southeast Asia Studies, 1982.



- Dougald J. W. O’Reilly, “Chàm được nghĩ đúng nhất không phải là một thể chế chính trị thống nhất mà như tập hợp các lãnh địa nhỏ hơn cùng chia sẻ các truyền thống văn hóa và ngôn ngữ” (“Early Civilization of Southeast Asia”, Lanham Alta Mira Press, 2007, tr.127).

6 “Quy chế liên bang ở Champa rất gần gũi với quy chế liên bang ở vương quốc Mã Lai hôm nay, hay vương quốc Champa không phải là một quốc gia tập quyền như cơ chế chính trị ở Việt Nam hay Trung Quốc thời trước, nhưng là một quốc gia liên bang. Mỗi tiểu bang thường được hưởng một quyền tự trị khá rộng rãi” (“Phong trào phục hưng Champa vào năm 1693-1694”, Tạp chí Champaka [www.champaka.org/cgi-bin/viewitem]). Nhưng trong bài “Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa” (cũng trên Tạp chí Champaka) Po Dharma lại viết: “Champa là một quốc gia liên bang. Một tiểu vương quốc có một thể chế chính trị tự trị và có quyền ly khai ra khỏi liên bang Champa để xây dựng lấy một vương quốc độc lập riêng biệt”.

7 Kenneth Smith, “Eastern North Bahnaric: Cua and Kotua”, trong Mon-Khmer Studies IV, Language Series, No. 2, Center for Vietnamese Studies and Summer Institute of Linguistics, Saigon, 1973, tr.39.

8 Thomas D và Headley R.K, “More on Mon-Khmer Subgroupings”, in Lingua 25, No.4 Center for Vietnamese Studies and Summer Institute of Linguistics [S.I.L], Saigon, 1970.

9 David Thomas, 1973, Sđd, tr.39-40.

10 Ở Việt Nam những tộc người nói ngôn ngữ Malayo - Polynesie: Chăm, Chăm H’roi, Jarai, Ê đê, Raglai, Churu…

11 Charles Wheeler, “Re-thinking the Sea in Vietnamese History: Littoral Society in Integration of Thuan Quang, Seventeenth- Eighteeth Centuries”, In “ Journal of Southeast Asian Studies”, 37.1, Feb, 2006.

12 Chẳng hạn, tiểu quốc Amaravati ở vùng Quảng Nam ngày nay được hình thành dựa trên 5 yếu tố sau: 1. Núi thiêng là Mahaparvata (Mỹ Sơn) hay Răng Mèo; 2. Sông thiêng là Thu Bồn; 3. Cửa biển thiêng là cửa Đại / Hội An; 4. Thành phố thiêng là Sinhapura/thành sư tử Trà Kiệu; đất thiêng là Srisanabhadresvara tại Mỹ Sơn [Trần Kỳ Phương (2004), “Góp phần tìm hiểu nền văn minh của vương quốc cổ tại miền Trung Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, số 3, tr.37].

13 Khi hải lộ liên quốc gia chuyển đổi từ eo Kra, (vùng trung chuyển xuyên qua đất Xiêm La để đến với Phù Nam) qua eo Malacca để đến với các cửa cảng ở miền Trung từ thế kỉ V-VI, các tiểu quốc duyên hải nơi đây mới thực sự trở nên hùng mạnh và phát huy tầm ảnh hưởng của mình trong thống trị, cát cứ, hay liên minh.

14 Học giả Oscar Salemink viết: “…chính hoạt động thương mại đã cùng tạo ra liên kết giữa miền núi cũng như đồng bằng giống như các mạng lưới buôn bán quốc tế. Hoạt động buôn bán đường dài đã kết nối giữa các vùng cũng như các cộng đồng dân cư ở miền núi và đồng bằng, với những tác động chính trị và văn hóa quan trọng đối với cả hai khu vực. Điều này thể hiện rất rõ thông qua danh sách những lâm sản (vùng cao) như ngà voi, sừng tê giác, sáp ong, cây lô hội, quế... được xuất ra nước ngoài bởi các nhà nước ở đồng bằng - điều đã được ghi chép trong các báo cáo và thư tịch cổ về Đông Nam Á lục địa. Tương tự như vậy, điều đó cũng được khẳng định thông qua một loạt những sản phẩm uy tín được“nhập khẩu” như cồng chiêng bằng đồng từ Mianma và bình lọ từ Trung Quốc với vai trò trong việc biểu thị uy tín về tâm linh và chính trị ở khu vực miền núi trên toàn bộ vùng đất liền và Đông Nam Á hải đảo, trong đó, mặt hàng đặc biệt quan trọng là muối (biển), thực phẩm tối cần thiết để duy trì sự sống ở Cao nguyên...”, (Oscar Salemink: “Một góc nhìn từ vùng cao: phần lịch sử quan trọng về mối quan hệ giữa đồng bằng và miền núi ở Việt Nam in trong Thời kỳ mở cửa những chuyển đổi kinh tế - xã hội ở vùng cao Việt Nam”, Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 2008).

15 Vùng đất thường gọi là Champa, thực ra trong các tư liệu cổ đã từng tồn tại 3 tên gọi theo tuyến lịch đại đó là: Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành. Riêng trong bi ký Chăm, thì mãi đến đầu thế kỉ VII trong văn khắc của bia Sambhuvarman mới bắt đầu xuất hiện từ Champa với nội dung ca ngợi vua Vikrantavarman là đại vương, lãnh chúa tối cao của đô thị Champa (không phải là vương quốc Champa), mặc dù, họ vốn đã có mặt từ thế kỉ II sau công nguyên.

16 Bernard Gay, “New Perspectives on the Ethnic Composition of Champa”, Proceeding, SEA CRS, Paris, 1988.

17 Lương Ninh, “Vương quốc cổ Champa”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006, tr.176.

18 Cộng cư với người bản địa là một hiện tượng đặc trưng trên con đường đi về phương Nam của người Việt. Quan điểm này được thể hiện khá rõ qua tập văn bản "Thủy thiên tự" được mô tả từ đầu thế kỉ XV, có nghĩa là chỉ trong vòng một thế kỉ sau sự kiện Huyền Trân công chúa (1306). Xem: Nguyễn Hữu Thông và Lê Đình Hùng, “Từ tập hồi ký của một người di dân, nhận diện vùng đất Thuận Hóa đầu thế kỉ XV”, Nghiên cứu Huế, Nxb Thuận Hóa, Tập 7, 2010, tr.48-60.

19 Như vậy chủ nhân của những di tích Champa ở nơi đây chính là những thương nhân, quý tộc, giáo sĩ thuộc tộc người Chăm và Ấn Độ chiếm thiểu số, thuộc tầng lớp cai trị và thượng tầng trong cấu trúc tập cấp của những xã hội ảnh hưởng văn hóa Ấn. Thần dân, thuộc thành phần đa số chính là cư dân bản địa nói ngôn ngữ Việt - Mường và Môn - Khmer.

20 Finot L, “Les inscriptions de Hanoi-Museum”, BEFEO XV, Tập 2, tr.3.

21 Bosselier J, “La statuaire du Champa”, Paris, 1963, tr.2.

22 - Lưỡng phân cương vực: Bắc Chăm / Nam Chăm

- Lưỡng phân thị tộc: Kramuka Vams'a (Cau) / Narikela Vams'a (Dừa)

- Lưỡng phân dòng dõi Núi / Biển

(Nguyễn Hữu Thông, “Sông Ba: giao lộ chính trị - kinh tế - văn hóa đặc thù trong lịch sử”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Sở KH&CN Thừa Thiên Huế), số 4, (102), 2013, tr.6-10.



23 Ngô Văn Doanh, “Văn hóa cổ Chămpa”, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2002, tr.48.

24 Đào Hoàng tên tự  Thế Anh (世英), là đại tướng dưới triều Đông Ngô  Tây Tấn.

25 P. Pelliot, “Le Fou- nan”, BEFEO, III, tr.255.

26 Ngô Văn Doanh, Sđd, tr.51-52. Xu hướng chuyển từ Văn hóa Sa Huỳnh đến việc lập nước, đến Lâm Ấp và vương quốc Champa, là cách nghĩ thông thường hiện nay. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn. Sau vài lần khai quật ở Trà Kiệu và vùng Quảng Nam, một số tác giả vẫn cho là chưa thể chứng minh sự nối tiếp trên địa tầng văn hóa khảo cổ. Yamagata Mariko, giảng viên của đại học Rikkyo (Tokyo - Nhật Bản, 2001), có lần khai quật với giáo sư Ian Glover, có lần khác khai quật với Nguyễn Kim Dung, vẫn cho rằng trên một di chỉ, có dấu vết bên dưới là Văn hóa Sa Huỳnh muộn khoảng nửa sau thế kỉ I trước công nguyên, rồi đến lớp trên là mảnh gốm có văn in ca rô của Văn hóa Hán có niên đại cuối thế kỉ I đến giữa thế kỉ II đầu công nguyên. Có một khoảng đứt đoạn, hoặc một khoảng cách. Tuy nhiên đó chưa đủ cơ sở để bác bỏ sự phát triển liên tục của Sa Huỳnh bởi sự kế tục có hệ thống trong các giai đoạn về sau.

27 Stein A, “Le Lin-yi”, Bulletin du C.E.S, vol II, Pekin, 1947, tr.197.

28 Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, Tập 2, Nxb Thuận Hóa, 1997, tr.45-46.

29 Mục “Diễn trình lịch sử và dấu ấn văn hóa”, có cộng tác nghiên cứu của học giả Nguyễn Hữu Thông và Nguyễn Khắc Thái.

30 Địa giới kéo dài từ Hoành Sơn đến đèo Cù Mông.

31 - Sách Thủy Kinh chú chép là “Tỷ Ảnh”, một số sách khác viết là “Tỷ Cảnh”, Nguyễn Đức Cung trong “Quảng Bình 900 năm nhìn lại” gọi là “Bắc Cảnh” nhưng không dẫn xuất xứ của danh xưng này. Xem: Nguyễn Đức Cung, “Quảng Bình 900 năm nhìn lại”, Nxb Nhật Lệ, Jersey, Hoa Kỳ, 2006, tr.21.

32 Nhà Tây Hán bị Vương Mãng cướp ngôi và trị vì 16 năm, từ năm thứ 8 đến năm 24 sau công nguyên.

33 Nhà Đông Hán buộc viên thứ sử phải thường xuyện có mặt tại nơi trấn trị, kể cả lúc có tang cha mẹ cũng không được bỏ chức.

34 Lương Ninh, “Lịch sử Vương quốc Champa”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.11.

35 Theo Lương Ninh viết trong sách “Lịch sử Vương quốc Champa”, (Sđd, tr.99) thì cuộc khởi nghĩa này diễn ra năm 36.

36 Trương Hữu Quýnh chủ biên, “Đại cương Lịch sử Việt Nam”, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.88-89.

37 “Hậu Hán thư”, Quyển 116, tờ 8a.

38 “Đại Việt sử ký toàn thư”, Bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học Xã hội, 2010, tr.99.

39 Trương Hữu Quýnh chủ biên, “Đại cương Lịch sử Việt Nam”, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.88-89.

40 “Đại Việt sử ký toàn thư”, Bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học Xã hội, 2010, tr.99. Xem thêm: Lương Ninh, “Lịch sử Vương quốc Champa”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.100.

41 Theo giới nghiên cứu thì Khu Liên có thể không phải là tên một nhân vật lịch sử mà là một chức vị trong hệ thống tổ chức cộng đồng. “Khu Liên” (có sách viết là Khu Quỳ, Khu Đạt hay Khu Vương có thể được chuyển âm từ ngôn ngữ cổ Kurrung có nghĩa là tộc trưởng, thủ lĩnh hay vua. Xem: Lương Ninh, “Lịch sử Vương quốc Champa”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.14. Đây cũng là quan điểm chung của nhiều nhà nghiên cứu Chăm. Xem: Phan Khoang, “Những chương dấu tích hai xứ Thuận Quảng”, Tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 11-1968, tr.56; Trần Kỳ Phương, “Mỹ Sơn trong lịch sử mỹ thuật Chăm”, Nxb Đà Nẵng, 1988, tr.82.


tải về 326.19 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương