Chương 1 MỞ ĐẦU Định nghĩa



tải về 0.85 Mb.
trang5/13
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.85 Mb.
#1418
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

Ô nhiễm do thuốc trừ sâu: sự nguy hại của thuốc trừ sâu được khuyến cáo từ những năm 1962. Nồng độ của DDT và các loại thuốc trừ sâu khác tích luỹ trong cơ thể sinh vật, tăng lên theo bậc cao dần của chuổi thức ăn thông qua quá trình tích tụ sinh học (bioaccumulation) và khuếch đại sinh học (magnification) (Bảng 2.4.).

Bảng 2.4. Hàm lượng tích lũy DDT ở các bậc dinh dưỡng ở nước và trên cạn

Số lần khuếch đại


Sinh vật

Hàm lượng DDT (ppm)

80.000

Chim nước

1600,00

5.000



100,00

250

Tôm

5,00

1

Các loài tảo

0,02

75

Chim cổ đỏ

750,00

9

Giun đất

90,0

1

Đất

10,0

(Nguồn : Lê Huy Bá. Độc học môi trường)

Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu để phòng trừ các loài côn trùng gây hại cho cây trồng và phun vào nước để diệt các ấu trùng muỗi đã làm hại tới những quần thể khác sống trong thiên nhiên, đặc biệt đối với những loài chim ăn côn trùng, cá và các loại động vật khác bị ảnh hưởng bởi DDT hay các sản phẩm bán phân hủy của chúng. Khi nồng độ thuốc trừ sâu có độ độc lớn tích luỹ đến mức cao trong các tế bào cơ thể chim, như các loài diều hâu hay ó, thì chúng yếu đi và có xu hướng đẻ ra những quả trứng có vỏ mỏng hơn bình thường, vỏ này dễ vỡ trong quá trình ấp. Do vậy, trứng không thể nở thành con non và quần thể loài chim suy giảm một cách đáng kể. Tại các hồ và các cửa sông, dư lượng DDT và các loại thuốc trừ sâu khác được tích luỹ lại trong cơ thể các loại cá lớn như cá heo và các động vật biển khác. Trên các khu vực canh tác nông nghiệp, các loài côn trùng có ích hay các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cũng đều bị tiêu diệt cùng với các côn trùng gây hại.



Ô nhiễm nước: ô nhiễm nước gây hậu quả xấu cho loài người như hủy hoại các nguồn thực phẩm thủy sản như cá, ốc, hến và làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Tương tự như vậy, ô nhiễm nước còn gây tác hại to lớn cho các quần xã sống dưới nước. Sông, hồ và đại dương thường xuyên được sử dụng như một bãi thải các chất thải công nghiệp, chất thải dân dụng. Thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ dầu thải, dầu bị rò rỉ, kim loại nặng, các chất tẩy rửa có thể làm tổn thương hay giết chết các sinh vật thủy sinh sống trong môi trường nước. Nếu như các chất thải được chôn lấp vào khu vực của hệ sinh thái trên cạn chỉ gây tác động cục bộ tại một địa điểm nhất định, thì các chất thải độc hại vào môi trường nước lan toả đi xa theo dòng chảy và lan rộng trên một diện tích lớn. Các hóa chất độc, dù chỉ với một liều lượng rất thấp thì dư lượng của chúng vẫn có thể tồn đọng, tích luỹ dần vào trong cơ thể sinh vật thủy sinh đến nồng độ gây chết do chúng phải lọc một lượng lớn nước khi ăn. Các loài chim và thú ăn thịt các sinh vật này sẽ là đối tượng tích luỹ các hóa chất độc vào cơ thể của chúng.

Các khoáng chất vi lượng tuy rất cần cho cuộc sống của động vật và thực vật nhưng chúng cũng có thể trở nên gây hại khi xuất hiện ở nồng độ cao. Các chất thải của người, các loại phân bón hóa học, các chất tẩy rửa và các quá trình sản xuất trong công nghiệp thường xuyên thải ra một lượng lớn nitrat, photphat vào hệ sinh thái thủy vực, dẫn đến hiện tượng phú dưỡng nước. Chỉ một lượng nhỏ các chất dinh dưỡng này có thể kích thích thực vật và động vật phát triển, nhưng với một nồng độ cao hơn sẽ gây ra sự nở hoa của các loài tảo sống trên bề mặt nước. Sự nở hoa của các loài tảo này có thể rất dày đặc đến mức lấn chiếm cả các loài động, thực vật nổi và che khuất những loài sống dưới tầng đáy. Khi lớp tảo bề mặt quá dày, phần dưới của chúng sẽ bị chết và chìm xuống đáy. Số lượng vi khuẩn và nấm phân hủy lớp xác tảo này sẽ tăng lên với cấp số nhân do nguồn dinh dưỡng mới được cung cấp thêm, hậu quả là chúng hấp thụ hầu hết lượng oxy hoà tan trong nước. Thiếu oxy, hầu hết các loài động vật sẽ chết. Kết quả quần xã bị suy giảm, chỉ còn sót lại những loài thích nghi được với điều kiện nước bị ô nhiễm hay nước có lượng oxy hoà tan thấp.

Các trầm tích có nguồn gốc do xói mòn từ các vùng đất trống, đồi núi trọc cũng có thể gây hại cho hệ sinh thái thủy vực. Các chất trầm tích có lẫn mùn lá cây, bùn, các chất rắn lơ lững,... làm tăng độ đục của nước, làm giảm độ chiếu sáng trong nước nên đã cản trở quá trình quang hợp. Sự tăng độ đục của nước có thể làm giảm khả năng nhìn, khả năng săn mồi, làm giảm sức sống của một số loài động vật thủy sinh. Sự gia tăng lớp trầm tích đã gây hại cho nhiều loài san hô, những loài đòi hỏi môi trường sống tuyệt đối trong sạch.

Ô nhiễm không khí: các hoạt động của con người làm thay đổi và làm ô nhiễm bầu không khí của trái đất. Các dạng ô nhiễm không khí như:

                      Mưa axit: các nền công nghiệp như luyện thép, các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu là than hay dầu đã thải ra một lượng lớn các khí NOx, SOx vào không khí, các khí này khi gặp hơi nước trong không khí sẽ tạo ra axit nitric và axit sulfuric. Các axit này liên kết với những đám mây và khi tạo thành mưa đã làm giảm độ pH của nước mưa xuống rất thấp. Mưa axit sẽ làm giảm độ pH của đất và của nước trong các hồ, ao, sông suối trên lục địa. Mưa axit đã tiêu diệt nhiều loài động và thực vật. Do độ axit của các hồ ao tăng lên, nhiều cá con của nhiều loài cá và cả những con cá trưởng thành cũng bị chết. Độ axit tăng và nước bị ô nhiễm là nguyên nhân chính làm suy giảm đáng kể  các quần thể động vật lưỡng cư trên thế giới. Đối với phần lớn các loài động vật lưỡng cư, ít nhất một phần trong chu kỳ sống của chúng phụ thuộc vào môi trường nước, độ pH của nước giảm làm cho tỷ lệ trứng và ấu trùng bị chết tăng cao.

                      Sương mù quang hoá: Xe ô tô, các nhà máy điện và các hoạt động công nghiệp thải ra các khí hydrocacbon, khí NO. Dưới ánh sáng mặt trời, các chất này tác dụng với khí quyển và tạo ra khí ozon và các chất phụ phẩm khác, tất cả khí này được gọi chung là sương mù quang hóa (photo-chemical smog). Nồng độ ozon cao ở tầng khí quyển gần mặt đất sẽ giết chết các mô thực vật, làm cho cây dễ bị tổn thương, làm hại đến các quần xã sinh học, giảm năng suất nông nghiệp. Các quần xã sinh học trên toàn cầu cũng có thể bị phá hủy hay bị thay đổi do các hợp chất chứa nitơ trong không khí theo mưa và bụi lắng đọng tự do và do đó có thể ảnh hưởng đến nguồn sản xuất lương thực và thực phẩm.

                      Các kim loại độc hại: xăng có chứa chì, các hoạt động khai mỏ, luyện kim và các hoạt động công nghiệp khác thải ra một lượng lớn chì, thiếc và nhiều loại kim loại độc hại khác vào khí quyển. Các hợp chất này trực tiếp gây độc cho cuộc sống của động và thực vật.



Sự thay đổi khí hậu toàn cầu: khí cacbonic, mêtan và các khí khác trong khí quyển không ngăn cản ánh sáng mặt trời, cho phép năng lượng xuyên qua khí quyển và sưởi ấm bề mặt Trái đất. Tuy vậy, những khí này và hơi nước giữ lại năng lượng do trái đất phát ra, làm chậm lại tốc độ phát tán nhiệt và bức xạ khỏi trái đất. Các khí này được gọi là khí nhà kính do tác dụng của chúng rất giống với nhà kính - cho ánh sáng mặt trời đi qua nhưng giữ lại năng lượng bên trong nhà kính và chuyển thành năng lượng nhiệt.

Hiện tượng khí nhà kính từng đóng vai trò rất quan trọng, tạo nên sự phồn vinh cho cuộc sống trên trái đất. Vấn đề của ngày hôm nay là nồng độ của khí nhà kính tăng cùng với các hoạt động của con người đến mức làm thay đổi khí hậu của trái đất gây nên hiện tượng trái đất nóng dần lên.

Lượng khí nhà kính gia tăng đã làm ảnh hưởng đến khí hậu trái đất và các tác hại này tiếp tục gia tăng trong tương lai. Những nhà khí tượng học ngày càng đồng ý với quan điểm cho rằng ở thế kỷ XXI khí hậu trái đất sẽ còn nóng lên từ khoảng 2-60C nữa vì sự gia tăng của khí CO2 và các khí khác. Các chi tiết về sự thay đổi khí hậu trên trái đất vẫn đang được các nhà khí hậu tranh cãi, nhưng không nghi ngờ gì nữa tác hại của sự thay đổi nhanh chóng này vào các quần thể sinh học là rất lớn. Ví dụ như các vùng khí hậu ở khu vực ôn đới miền Bắc và miền Nam sẽ chuyển hoàn toàn về phía vùng cực. Các loài sống thích ứng với các khu rừng rụng lá phía Bắc Mỹ sẽ phải di cư từ 55 -1000 km về phía Bắc trong suốt thế kỷ XXI để thích ứng với điều kiện khí hậu thay đổi. Trong khi các loài có vùng phân bố rộng và dễ phát tán có thể thay đổi để thích ứng với sự thay đổi, thì đối với nhiều loài có vùng phân bố hẹp hoặc do khả năng phát tán kém nên việc tuyệt chủng là khó tránh khỏi.

Hiện tượng nhiệt độ tăng dần lên còn làm các khối băng ở vùng cực tan ra. Do việc giải phóng một lượng nước lớn như vậy, trong vòng 50 -100 năm tới mức nước biển có thể tăng từ 0,2 -1,5 m. Mức nước biển dâng cao có thể làm ngập lụt những vùng đất thấp, những khu đất ngập nước ven bờ biển và nhiều thành phố lớn.

Mực nước tăng có khả năng gây hại đến nhiều loài san hô, nhất là những loài chỉ tồn tại trong một độ sâu nhất định, nơi có ánh sáng và dòng chảy của nước phù hợp. Một số loài san hô không phát triển nhanh kịp với tốc độ nâng cao mực nước biển và dần dần chúng sẽ bị chết đuối. Sự hủy hoại còn lớn hơn nếu như nhiệt độ nước cũng tăng. Nhiệt độ cao bất thường tại vùng biển Thái Bình Dương vào năm 1982 và 1983 làm chết loài tảo cộng sinh sống trong các dãi san hô, những dãi san hô này sau đó chết hàng loạt, ước tính 70 đến 95% san hô trong khu vực.

Sự thay đổi khí hậu trái đất và nồng độ khí CO2 trong khí quyển gia tăng có thể làm thay đổi triệt để cấu trúc của các quần xã sinh học và sẽ chỉ còn một số loài có khả năng phát triển thích ứng với điều kiện sống mới.

3.3.5. Sự tuyệt chủng các loài

Khái niệm tuyệt chủng có rất nhiều ý nghĩa và khác nhau tùy thuộc vào từng bối cảnh cụ thể. Một loài bị coi là tuyệt chủng (extinct) khi không còn một cá thể nào của loài đó còn sống sót tại bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nếu như một số cá thể của loài còn sót lại chỉ nhờ vào sự kiểm soát, chăm sóc, nuôi dưỡng của con người, thì loài này được coi là đã bị tuyệt chủng trong thiên nhiên hoang dã (extinct in the wild). Trong hai trường hợp trên, các loài có thể coi như bị tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu (globally extinct). Một loài bị coi là tuyệt chủng cục bộ (locally extinct) nếu như chúng không còn sống sót tại nơi chúng đã từng sinh sống, nhưng người ta vẫn còn tìm thấy chúng tại những nơi khác trong thiên nhiên. Một số nhà sinh học sử dụng cụm từ loài bị tuyệt chủng về phương diện sinh thái học (ecologically extinct), điều đó có nghĩa là số lượng cá thể loài còn lại ít đến nổi tác dụng của nó không có chút ý nghĩa nào đến những loài khác trong quần xã.

Một vấn đề quan trọng đối với sinh học bảo tồn đó là khi nào thì một loài sẽ tuyệt chủng bởi sự giảm thiểu đáng kể phạm vi của nó, hay là sự suy thoái và chia cắt nơi sống? Khi quần thể của loài có số lượng cá thể hạ xuống ở mức độ báo động nhất định, nhiều khả năng loài sẽ bị tuyệt chủng. Trong một số quần thể một vài cá thể có thể sống dai dẳng vài năm hay vài thập kỷ, thậm chí có thể sinh sản, nhưng rồi cuối cùng số phận của nó cũng bị tuyệt chủng. Đặc biệt trong các loại cây gỗ, các cá thể bị cách ly, không sinh sản có thể tồn tại đến hàng trăm năm. Những loài này được coi là “cái chết đang sống”. Nói một cách nghiêm túc thì loài không bị tuyệt chủng vì một số cá thể còn sống, nhưng quần thể không còn sinh sản nữa, do vậy, tương lai của nó được giới hạn trong quãng thời gian ngắn ngủi của các cá thể còn lại.

 

3.3.5.1. Tuyệt chủng là một quá trình tự nhiên

Sự đa dạng loài trên thế giới đã được tăng lên kể từ khi cuộc sống được hình thành. Sự gia tăng này không đều, hay đúng hơn mang tính chất của các thời kỳ có tỷ lệ hình thành loài cao, theo sau đó là thời kỳ thay đổi không đáng kể và giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt (mass extinction). Điều đó được coi như là hậu quả của một số vấn đề nguy hại có qui mô lớn, như là sự tràn ngập của nham thạch núi lửa, sự va chạm của các thiên thạch gây ra những sự thay đổi mạnh mẽ trong khí hậu trái đất làm nhiều loài không còn khả năng tồn tại. Tuy nhiên, sự tuyệt chủng loài xảy ra thậm chí không bắt nguồn từ những xáo động to lớn. Lý thuyết tiến hóa nói rõ rằng một loài có thể bị dồn vào tuyệt chủng do không cạnh tranh nổi với một loài khác hay do bị ăn thịt. Một loài có thể tiến hóa từ một loài khác để đáp ứng với những thay đổi của môi trường hay là do sự thay đổi ngẫu nhiên của quỹ gen. Hiện tại chúng ta cũng không biết đầy đủ những nhân tố xác định sự phồn thịnh hay suy thoái của một loài, nhưng ít nhất chúng ta có thể khẳng định rằng sự tuyệt chủng là một hiện tượng nằm trong chu trình vận động của tự nhiên tương tự như sự hình thành loài.

Nếu tuyệt chủng là một phần trong các quá trình tự nhiên, thì tại sao lại phải suy nghĩ và quan tâm nhiều đến chuyện mất mát các loài. Câu trả lời nằm trong mối tương quan về sự tuyệt chủng và hình thành loài. Sự hình thành loài là một quá trình diễn ra rất chậm, qua sự tích luỹ dần các đột biến và những sự chuyển đổi các allen qua cả hàng chục ngàn năm thậm chí cả hàng triệu năm. Kirchner và cộng sự (2001) đã báo cáo rằng, trung bình trái đất cần khoảng 10 triệu năm để hồi phục sự đa dạng từ những tuyệt chủng mang tính toàn cầu. Nếu tốc độ của việc hình thành loài tương đương hay vượt quá tốc độ tuyệt chủng, sự đa dạng sinh học được duy trì hay tăng lên. Trong lịch sử các thời kỳ địa chất, đa dạng sinh học tương đối ổn định nhờ sự cân bằng giữa sự hình thành loài mới và sự tuyệt diệt loài cũ. Tuy nhiên trong những khoảng thời gian ngắn hơn, tốc độ đa dạng hóa kém hơn nhiều so với tốc độ tuyệt chủng. Điều đó có nghĩa là sự tiến hóa của sinh giới sẽ không theo kịp với những sự tuyệt chủng nhanh chóng. Một trong những lý do để giải thích tại sao sự đa dạng lại cần phải có một thời gian dài như thế để phục hồi, đó là sự tuyệt chủng không chỉ là mất đi một hay một số loài mà cả tổ sinh thái - vai trò của loài trong hệ sinh thái - cũng bị mất đi. Sự phục hồi trở nên phức tạp do những vai trò chuyên biệt như là vật ký sinh, thức ăn,... thích hợp, do vậy các loài không thể hình thành được khi chưa có sẵn vật chủ, nguồn thức ăn.

Các hoạt động của con người trong thời gian gần đây đang gây ra sự tuyệt chủng ở tỷ lệ vượt xa tỷ lệ các loài được thay thế. Sự mất đi của loài hiện nay là chưa từng thấy, không theo một qui luật nào và có thể là không cứu vãn được.


tải về 0.85 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương