Chương 1 MỞ ĐẦU Định nghĩa



tải về 0.85 Mb.
trang8/13
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.85 Mb.
#1418
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13

Nguyên lý 1. Dân địa phương có những mối liên kết lâu đời với thiên nhiên và có sự hiểu biết sâu rộng về thiên nhiên. Người dân bản địa truyền thống thường góp phần quan trọng vào việc duy trì nhiều hệ sinh thái nhạy cảm trên trái đất thông qua việc sử dụng bền vững tài nguyên theo truyền thống và nền văn hoá dựa vào sự tôn trọng thiên nhiên. Do vậy, sẽ không có những xung đột gắn liền với mục tiêu của khu vực bảo tồn và sự hiện diện của những người bản địa truyền thống trong và ngoài phạm vi khu vực. Hơn nữa, họ sẽ nhận thấy sự đúng đắn và công bằng của các bên tham gia trong việc phát triển và thực thi các chiến lược bảo tồn ảnh hưởng đến đất đai, lãnh thổ, nguồn nước, vùng bờ và các nguồn tài nguyên khác của họ và đặc biệt trong việc thiết lập và quản lý các khu bảo vệ.

Nguyên lý 2. Những thoả thuận giữa các tổ chức bảo tồn (gồm các cơ quan quản lý khu bảo vệ và dân bản địa truyền thống) đối với việc thành lập và quản lý khu bảo vệ sẽ dựa vào việc tôn trọng đầy đủ đối với quyền lợi của người dân bản địa truyền thống trong việc sử dụng truyền thống và bền vững đất đai, lãnh thổ, nguồn nước, vùng bờ và các nguồn tài nguyên khác của họ. Đồng thời, các thoả thuận như thế cũng sẽ thừa nhận trách nhiệm của dân bản địa họ trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, tính thống nhất sinh thái và các nguồn tài nguyên thiên nhiên chứa trong các khu bảo vệ đó.

Nguyên lý 3. Các nguyên tắc của sự phân quyền, sự tham gia, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình sẽ được đề cập đến trong tất cả các nội dung đi đôi với lợi ích hai bên của khu bảo vệ và dân bản địa truyền thống.

Nguyên lý 4. Dân bản địa truyền thống được phân chia đầy đủ và công bằng các lợi ích với khu bảo tồn dựa vào sự công nhận các quyền hạn của các đối tác hợp pháp.

Nguyên lý 5. Quyền hạn của dân bản địa truyền thống trong mối liên hệ với khu bảo vệ thường chịu trách nhiệm quốc tế do nhiều vùng đất, lãnh thổ, nguồn nước, vùng ven biển và các tài nguyên khác mà họ sở hữu hay sử dụng vượt qua biên giới nhiều quốc gia.

5.2.5. Một số nghiên cứu điển hình

Việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên là rất quan trọng đối với sự sống còn của các cộng đồng bản địa truyền thống. Trong vòng 15 năm qua, các cộng đồng truyền thống là những người đóng vai trò quan trọng trong việc sở hữu và quản lý các vùng cảnh quan tương đối ít bị xáo động. IUCN 2000 đã nêu ra 11 nghiên cứu điển hình được trình bày sau đây để minh hoạ các kinh nghiệm trên thế giới trong vấn đề quản lý tài nguyên thiên nhiên trong các khu bảo vệ chồng lên vùng đất đai hay lãnh thổ của các cộng đồng bản địa. Đó là:

          Vườn Quốc gia Kaa -Iya del Gran Chaco (KIGC, Bolivia)

          Khu bảo tồn sinh học biển Cayos Miskitos và Fraja Costera (RBMCM, Nicaragua)

          Vườn Quốc gia Sarstoon-Tomash (SINP, Belize)

          Vườn Quốc gia Wood Buffalo (WBNP, Canada)

          Khu bảo vệ Lapponian (LAPP, Thuỵ Điển)

          Vườn Quốc Gia Simen Moutain (SMNP, Ethiopia)

          Vườn Quốc gia Sagarmatha (SNP, Nepal)

          Vườn Quốc gia Doi Inthanon (DINP, Thailand)

          Khu bảo tồn thiên nhiên Xishuangbanna (XNR, Trung Quốc)

          Khu dự trữ tài nguyên Kytalyk (KRR, Nga)

          Vườn Quốc gia Kakadu (KNP, Úc)

Các nghiên cứu điển hình này được chọn sau khi xem xét các thông tin về mối tương tác giữa cộng đồng bản địa và vườn quốc gia hay chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý khu bảo vệ trong mỗi quốc gia. Hầu hết các trường hợp được đưa ra ở đây đều có sự hợp tác quản lý, hay ở những nơi mà luật pháp hay các cơ chế chính thức được thiết lập để xúc tiến việc cùng quản lý. Tuy vậy, một ít trong các trường hợp mô tả tình trạng mà ở đấy mối liên hệ giữa cộng đồng truyền thống và nhà chức trách bảo tồn không được suông sẻ với những tác động tiêu cực trong việc thực hiện bảo tồn.

5.2.5.1. Các đặc điểm chung

Các điểm được chọn rất đa dạng về nơi ở, từ các vùng ven viển và biển đến các vùng núi cao 5.000 m, từ vùng bắc cực đến môi trường nhiệt đới. Tổng diện tích các địa điểm 151.010 km2, trong đó lớn nhất là WBNP với 44.800 km2 và nhỏ nhất là SMNP 136 km2.

Tất cả các địa điểm đều có độ đa dạng cao và quan trọng về mặt sinh thái với khu hệ động vật, thực vật cần bảo tồn như hổ, báo tuyết, cáo Simen, các loài rùa biển, nhiều loài chim và cá. Một số điểm là bãi đẻ của các loài hoang dã hay bán hoang dã có giá trị kinh tế như tuần lộc, bò bison, tôm sú, tôm hùm. Mục tiêu bảo vệ của các địa điểm này cũng khác nhau, từ các khu bảo vệ nghiêm ngặt (hạng I, II, III theo IUCN) đến các khu bảo tồn ở các mức độ sử dụng bền vững cho phép (hạng IV đến VI theo IUCN). Tuổi của các khu này cũng khác, được thành lập từ rất sớm như LAPP năm 1909 hay trẻ nhất là KIGC được hình thành năm 1995.

Có hơn 32 cộng đồng truyền thống cùng với các nhóm dân thiểu số sống trong hay gần khu bảo vệ. Tổng số người cư ngụ (bao gồm cả nhân viên bảo vệ) thay đổi từ không đến 25.000 (RBMCM). Mật độ dân số thay đổi từ 0,3 người/km2 đến 73,5 người/km2.

Tất cả các điểm bảo vệ trong các nghiên cứu điển hình đều cho phép dân bản địa truyền thống sử dụng bền vững tài nguyên ở các mức độ khác nhau. Săn bắt và đánh cá là hoạt động thường gặp, ngoài ra ở đây còn có trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp. Du lịch cho đến nay là hoạt động kinh tế nổi bật trong SNP và quan trong trong các địa điểm khác, săn bắt tôm hùm cũng là hoạt động kinh tế nổi trội ở RBMCM.

5.2.5.2. Các hoạt động liên quan đến quản lý

Các tiếp cận quản lý trong các nghiên cứu điển hình gồm 3 loại:



Đồng quản lý không hạn chế: có sự tham gia toàn diện của cộng đồng truyền thống trong các chương trình quản lý thuộc các địa điểm KIGC, RBMCM, KRR và KNP. Sự tham gia bao gồm tất cả mọi mặt của tiến trình quản lý bao gồm kế hoạch và thực hiện các qui hoạch và hoạt động quản lý. Đặc biệt dân bản địa truyền thống trở thành bộ phận trong hội đồng quản lý hay các tổ chức tương tự. Thường là các thành viên của cộng đồng địa phương có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý đặc thù.

Đồng quản lý có hạn chế: cộng đồng truyền thống tham gia có giới hạn trong hoạt động quản lý (WBNP, LAPP và SNP). Trong trường hợp này, vấn đề hợp tác quản lý giới hạn trong một số hoạt động như nuôi Tuần Lộc ở LAPP, quản lý các đàn bò hoang Bison (WBNP) và du lịch (SNP). Trong XNR, sự tham gia của cộng đồng truyền thống trong qui hoạch và quản lý khu bảo vệ phụ thuộc vào việc dàn xếp của nhân viên trong khu bảo vệ và cộng đồng địa phương. Tuy vậy, không có luật lệ hay các cơ chế hợp pháp để bảo đảm cho điều đó, tiếp tục đươc hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của nhân viên quản lý.

Không có sự tham gia quản lý: đây là tiếp cận ưu thế ở SMNP và DINP. Hầu hết các quyết định quản lý đươc đưa ra bởi các nhà cầm quyền trong khu bảo vệ ở văn phòng trung tâm, nằm ở thủ đô.

5.2.5.3. Các xung đột chính

Quyền sở hữu đất và biển trong khu bảo tồn là nhân tố tạo ra hầu hết các khó khăn giữa cộng đồng bản địa và cơ quan bảo vệ. Ngay cả ở những trường hợp mà ở đó có sự hiểu biết và liên lạc giữa hai bên (ví dụ như ở KIBC, RBMCM và KNP) thì vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Trong RBMCM một bộ luật về quyền sở hữu đất đai của dân bản địa truyền thống sắp sửa được quốc hội Nicaragua thông qua. Tình trạng sở hữu đất còn khó giải quyết hơn ở những nơi có mật độ dân số đông và khu bảo vệ là nơi nhận dòng người di cư từ các vùng lân cận do chiến tranh, hỗn loạn hay do nguồn tài nguyên đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Khai thác các nguồn tài nguyên đất và biển là nhân tố quan trọng thứ hai phát sinh xung đột giữa cộng đồng bản địa và cơ quan bảo vệ. Vấn đề này đã được giải quyết trong một số khu vực, đặc biệt trong những nơi mà cộng đồng địa phương được yêu cầu để thực hiện vai trò quan trọng trong việc phát triển và thực hiện các hoạt động quản lý đặc thù. Trong XNR, vấn đề này đã được giải quyết một phần nhờ quyết định của chính quyền quản lý cho phép dân bản địa truyền thống tiến hành một số hoạt động sử dụng tài nguyên trong khu bảo vệ như hái nhặt các loại cây thuốc. Ngược lại, việc sử dụng tài nguyên của một số nhóm người bản địa vẫn còn xem là không chấp nhận và có những tác động tiêu cực cho việc bảo tồn lâu dài các nguồn tài nguyên trong khu bảo vệ như ở SMNP và DINP.

Một nguồn xung đột khác là sự nhượng đất cho các công ty thương mại để khai thác tài nguyên đất và biển (dầu khí, rừng, tôm cá,...) trong khu bảo vệ hay khu vực chung quanh khu bảo vệ. Trong KNP, vị trí của khu vực hợp đồng khai thác khoáng sản gây ra những cuộc tranh cãi về vị trí của nó nằm trong Di sản Thế giới. Trong RBMBM, chính quyền địa phương đã thất bại trong việc kiểm soát việc khai thác các nguồn tài nguyên biển do các công ty thương mại trong khu bảo tồn và việc chặt phá các khu rừng bao quanh nó gây ra những thiệt hại cho cộng đồng bản địa.



5.2.5.4. Các bài học rút ra và các thách thức

1. Ở những nơi mà cộng đồng bản địa tham gia quản lý từ những giai đoạn đầu của việc qui hoạch thì ở đó có những lợi ích cho cả cộng đồng bản địa và chính quyền quản lý.

2. Cộng đồng bản địa tham gia càng rộng rãi trong tất cả các khía cạnh của quản lý thì càng ít khả năng nảy sinh xung đột

3. Ở những khu vực có một số loại hình cùng quản lý, thì thách thức là làm thế nào để cũng cố và mở rộng cơ chế hợp tác. Ở những nơi mà cộng đồng truyền thống chưa có sự tham gia thì thách thức là làm thế nào để có được điều đó.

Cộng đồng truyền thống đang có những mối tương tác tích cực với các khu bảo vệ trong toàn thế giới. Các trường hợp điển hình được trình bày chỉ là những ví dụ nhỏ về các mối tương tác đó, mô tả hiện trạng đang xảy ra trong các môi trường khác nhau từ biển cho đến các vùng núi cao trên mặt đất. Các nghiên cứu điển hình này liên quan đến phong tục, tập quán và việc sử dụng khác nhau của các cộng đồng bản địa truyền thống, hầu hết các cộng đồng cùng phát triển trong sự hài hoà với môi trường tự nhiên.

 

Chương 5.



BẢo tỒn ĐA DẠNG SINH HỌC

5.1. Bảo tồn ở cấp quần thể và loài

Không có một quần thể nào có thể tồn tại mãi mãi. Do những sự thay đổi thời tiết, sự diễn thế, dịch bệnh, và một loạt các sự kiện khác mà số phận cuối cùng của bất kỳ quần thể nào là sự tuyệt chủng. Tuy vậy, sự tuyệt chủng của các loài trong giai đoạn ngày nay từ các hoạt động của con người xảy ra với tỷ lệ nhanh gấp 100 đến 1000 lần tỷ lệ tuyệt chủng tự nhiên trong quá khứ và cũng diễn ra nhanh hơn so với sự hình thành loài mới. Do vậy, vấn đề thực tế là một quần thể sẽ bị tuyệt chủng nhanh hơn hay chậm hơn và nhân tố nào là nguyên nhân gây ra tuyệt chủng. Quần thể của loài sư tử Châu Phi sẽ kéo dài trên 1.000 năm và chỉ đi đến tuyệt chủng sau khi có sự biến đổi về khí hậu, hay quần thể này sẽ bị tuyệt chủng sau 10 năm do sự săn bắn quá mức của con người và sự lây lan của dịch bệnh? Do các loài bị đe doạ được tạo thành bởi một hay một vài quần thể, do đó bảo tồn quần thể là giải pháp để bảo tồn loài.

5.1.1. Những bất cập của quần thể nhỏ

Tuy có ngoại lệ, song cần có các quần thể lớn để bảo tồn hầu hết các loài vì những loài nào có quần thể nhỏ đều có nguy cơ bị tuyệt diệt. Các quần thể nhỏ dễ bị suy giảm nhanh về số lượng và bị tuyệt chủng cục bộ vì 3 nguyên nhân chính như sau: những vấn đề về mặt di truyền; những dao động về số lượng quần thể do những biến động ngẫu nhiên trong tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết; và những nhiễu động môi trường do những biến đổi về sự bắt mồi, cạnh tranh, dịch bệnh, nguồn thức ăn cũng như các rủi ro về thiên tai xảy ra bất thường như cháy, lũ lụt hay hạn hán.

            5.1.1.1. Mất tính biến dị di truyền

Tính biến dị di truyền có tầm quan trọng đặc biệt vì nó cho phép quần thể sinh vật thích nghi được với những biến đổi của môi trường. Biến dị di truyền xảy ra do các cá thể có những dạng gene khác nhau được gọi là allen. Các cá thể có thể có những allen nhất định hoặc tổ hợp của các allen mang những đặc điểm cần thiết cho phép chúng tồn tại và sinh sản trong những điều kiện mới. Trong một quần thể, một số allen nhất định có thể thay đổi tần số xuất hiện, từ dạng rất phổ biến cho đến rất hiếm. Các allen mới xuất hiện trong quần thể thông qua đột biến.

Trong các quần thể nhỏ, tần số xuất hiện của các allen có thể thay đổi một cách ngẫu nhiên từ thế hệ này sang thế hệ khác mà điều này lại tùy thuộc vào cá thể được giao phối. Quá trình trên gọi là sự phân ly gen (genetic drift). Khi một allen có tần suất xuất hiện thấp trong một quần thể nhỏ thì xác suất mất mát ngẫu nhiên trong từng thế hệ là đáng kể. Khi xem xét một ví dụ có tính lý thuyết về một quần thể cách ly mà trong đó có 2 allen trong một gen, Wright đã đưa ra phương trình biễu diễn khả năng giảm sút tính dị hợp tử (các cá thể có hai dạng allen khác nhau trên cùng một gen) trong một thế hệ (F) cho một quần thể các con trưởng thành đang sinh sản (Ne):

F = 

Theo phương trình này, nếu quần thể gồm 50 cá thể thì mỗi thế hệ có thể giảm 1% tính dị hợp tử do mất đi những allen hiếm và nếu quần thể có 10 cá thể thì mỗi thế hệ sẽ giảm đi 5%. Phương tình trên cho thấy thuộc tính biến dị di truyền có thể mất đi một cách đáng kể trong những quần thể nhỏ và sống cách ly.

Các quần thể nhỏ mà có sự phân ly di truyền thường mẫn cảm hơn với các ảnh hưởng có hại đến gen, ví dụ như sự suy thoái do giao phối nội dòng, sự mất tính mềm dẻo tiến hóa (evolutionary flexibility) và sự suy thoái do giao phối xa. Những yếu tố nêu trên có thể góp phần làm giảm kích thước quần thể và tăng xác suất loài bị tuyệt chủng.

Suy thoái do giao phối nội dòng (inbreeding depression): có rất nhiều cơ chế khác nhau nhằm ngăn chặn sự giao phối nội dòng trong các quần thể tự nhiên. Trong các quần thể lớn của hầu hết các loài động vật, các cá thể thường không giao phối với các cá thể đồng huyết tộc gần mình. Các cá thể từ một quần thể thường phát tán ra khỏi nơi chúng được sinh ra, hoặc những mùi đặc trưng hay các tín hiệu khác đã ngăn trở việc giao phối nội dòng. Sự giao phối nội dòng, ví dụ giữa cha mẹ và con cái, cháu chắt hay sự tự thụ tinh ở các loài lưỡng tính thường sẽ gây nên sự suy thoái cận dòng được đặc trưng bởi việc ít con cái, hoặc con cái không khoẻ mạnh hay vô sinh.

Một cách lý giải hợp lý nhất cho sự suy thoái do giao phối nội dòng là nó cho phép biểu hiện những allen nguy hại được di truyền lại từ cha mẹ. Sự suy thoái do giao phối nội dòng nhiều khả năng sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với những quần thể nhỏ được nuôi nhốt trong các vườn thú và các trại nhân giống, trong các phòng nuôi nhân tạo và cũng có thể là vấn đề đáng kể đối với một vài quần thể hoang dại.



Suy thoái do giao phối xa (outbreeding depression): trong tự nhiên, các cá thể thuộc các loài khác nhau hiếm khi giao phối với nhau bởi một loạt các cơ chế cách ly về tập tính, sinh lý và hình thái mà những cơ chế này đảm bảo cho sự giao phối chỉ xảy ra giữa các cá thể trong cùng một loài. Tuy nhiên, khi một loài trở nên hiếm hay nơi cư trú của nó bị hủy hoại thì sự giao phối xa - tức là giao phối khác loài (giao phối cưỡng ép giữa các loài khác nhau) - có thể xảy ra. Những cá thể không có khả năng tìm được những cá thể cùng loài để giao phối thì có thể giao phối với một loài họ hàng. Kết quả là con cái của chúng thường yếu hay bất thụ do thiếu sự tương đồng của các nhiễm sắc thể cũng như không có hệ enzym thích hợp được di truyền từ những cha mẹ khác loài. Hiện tượng đó được gọi là sự thoái hóa do giao phối xa. Những con lai này sẽ không bao giờ có được tổ hợp chính xác các gen đảm bảo cho các cá thể tồn tại trong những điều kiện nhất định. Sự suy thoái do giao phối xa cũng có thể là kết quả của sự giao phối giữa các loài phụ hay giữa các quần thể của cùng một loài.

Mất tính mềm dẻo tiến hóa: những allen hiếm và những tổ hợp allen bất thường tuy chưa thể hiện ngay những ưu điểm của mình song rất có thể lại vô cùng thích hợp trong những điều kiện môi trường trong tương lai. Sự suy thoái tính biến dị di truyền trong những quần thể cực nhỏ có thể sẽ hạn chế khả năng phản ứng của quần thể với những biến đổi dài hạn của môi trường như ô nhiễm, các dịch bệnh mới hay sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Một khi không có đủ tính biến dị di truyền, các loài có thể bị tuyệt diệt.

Kích thước quần thể có hiệu quả (effective population size): cần bao nhiêu cá thể để có thể duy trì được tính đa dạng sinh học trong một quần thể? Franklin (1980) cho rằng 50 cá thể có thể là số lượng tối thiểu cần thiết để duy trì tính biến dị di truyền. Công thức của Wright cho thấy rằng một quần thể có 50 cá thể chỉ mất đi khoảng 1% tính biến dị của nó trong mỗi thế hệ, vì thế nên sử dụng con số nêu trên là khá an toàn. Tuy nhiên, con số này có được là dựa trên kết quả nghiên cứu từ các động vật nuôi nên việc áp dụng nó với các là hoang dã là không chắc chắn. Thông qua việc sử dụng các số liệu về tỷ lệ đột biến ở ruồi giấm Drosophila, Franklin dã gợi ý rằng, trong những quần thể có 500 cá thể, tỷ lệ biến dị di truyền mới hình thành do đột biến có thể bằng với tính biến dị di truyền bị mất đi bởi kích thước nhỏ của quần thể. Dải giá trị này được gọi là nguyên tắc 50/500, tức là các quần thể cách ly cần phải có ít nhất 50 cá thể và lý tưởng hơn là có 500 cá thể  nhằm duy trì tính biến dị di truyền của quần thể đó.

Nguyên tắc 50/500 không dễ áp dụng trong thực tế vì với giả thiết rằng một quần thể là tập hợp của N cá thể trong đó tất cả các cá thể đều cùng có khả năng giao phối và sinh sản. Tuy nhiên, nhiều cá thể trong một quần thể lại không sinh sản được vì những lý do như tuổi tác, sức khoẻ yếu, vô sinh, suy dinh dưỡng, cơ thể nhỏ bé hoặc do các cấu trúc xã hội đã cản trở không cho một vài cá thể tìm ra “bạn đời” của mình. Do những yếu tố nêu trên nên kích thước quần thể có hiệu quả (Ne) của những cá thể trong độ tuổi sinh sản thường là nhỏ hơn kích thước thực của quần thể (actual population size). Vì tỷ lệ mất tính biến dị di truyền là dựa vào kích thước quần thể có hiệu quả nên sự suy thoái tính biến dị có thể rất trầm trọng ngay cả khi kích thước thực tế của quần thể là khá lớn. Một quần thể có kích thước hiệu quả nhỏ hơn kích thước thực tế có thể xuất hiện trong những điều kiện sau:



Tỷ lệ giới tính không tương xứng (unequal sex ratio): do ngẫu nhiên mà quần thể có thể có tỷ lệ không tương xứng giữa con đực và con cái. Ví dụ, nếu quần thể của các loài đơn giao  (monogamous) như loài ngỗng gồm 20 con đực và 6 con cái thì chỉ có 12 cá thể sẽ tham gia vào họat động giao phối. Trong trường hợp này, kích thước quần thể có hiệu quả là 12 chứ không phải là 26. Ở những nhóm động vật tạp giao khác (polygamous), ví dụ như ở hải cẩu, một con đực có ưu thế có thể cai quản một số lượng lớn con cái và ngăn cản không cho các con đực khác giao phối với những con cái dưới quyền cai quản của nó. Ảnh hưởng của số lượng không tương xứng giữa con đực và con cái đến kích thước thực Ne có thể mô tả theo công thức:

Ne=

Trong đó Nm và Nf là số cá thể đực và cái trong quần thể. Khác với trường hợp một con đực và một con cái thành một cặp bạn đời vĩnh viễn như ở loài ngỗng, ở đây các cá thể đực có thể tham gia giao phối với nhiều con cái, do vậy kích thước thực của quần thể có lớn hơn. Ví dụ, một quần thể hải cẩu có 6 con đực và 60 con cái có khả năng tham gia sinh sản, thì kích thước thực tế của quần thể trong trường hợp này là 22 theo công thức, chứ không phải là 12, như trường hợp ở ngỗng, cũng không phải là 60 dù rằng một con đực có thể giao phối với nhiều con cái. Theo qui luật, khi tỷ lệ giới tính của những cá thể trong độ tuổi sinh sản càng trở nên mất cân bằng thì tỷ lệ giữa kích thước quần thể có hiệu quả và tổng lượng cá thể (Ne/N) sẽ giảm xuống.

Sự biến động về sản phẩm sinh sản: ở nhiều loài, số lượng con non của từng cá thể thường có sự khác nhau đáng kể. Điều này càng đúng hơn với thực vật mà trong đó một số cây chỉ có thể sinh ra một vài hạt trong khi đó có những cây khác lại sinh ra hàng ngàn hạt. Việc sinh ra một số con cái không đồng đều trong quần thể sẽ dẫn đến sự suy giảm đáng kể của Ne do một số ít cá thể trong thế hệ hiện tại đã tạo nên sự không cân đối trong quỹ gen của thế hệ tiếp theo.

Những dao động bất thường và những cản trở quần thể: đối với một số loài, kích thước quần thể dao động đáng kể từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm cho kích thước quần thể có hiệu quả sẽ dao động trong khoảng từ thấp nhất đến cao nhất. Như vậy chỉ cần một năm có sự suy giảm lớn về số lượng cá thể trong quần thể sẽ kéo theo sự giảm sút đáng kể của Ne. Nguyên tắc này kéo theo một hiện tượng gọi là cản trở quần thể, khi một quần thể bị giảm kích thước nghiêm trọng thì những allen hiếm trong quần thể sẽ bị mất đi nếu không có cá thể nào mang những allen này sống sót và sinh sản. Một loại cản trở đặc biệt thường gọi là hiệu ứng lập đàn (founder effect) sẽ xuất hiện khi một vài cá thể rời bỏ quần thể lớn để thành lập một quần thể mới. Quần thể mới này thường có ít tính biến dị di truyền so với quần thể lớn nguyên thủy.

            5.1.1.2. Biến đổi về số lượng cá thể trong quần thể

Trong điều kiện môi trường ổn định lý tưởng, một quần thể sẽ phát triển cho đến khi đạt mức cao nhất khả năng chịu tải (carrying capacity) của môi trường. Tới ngưỡng này, tỷ lệ sinh trung bình trên một cá thể là sẽ ngang bằng với tỷ lệ chết trung bình và sẽ không có sự thay đổi nào về kích thước của quần thể. Tuy nhiên, trong thực tế, các cá thể của một quần thể thường không sinh ra một số lượng con cái trung bình mà hoặc là không sinh sản, hoặc số con cái ít hơn bình quân, hoặc là nhiều hơn bình quân. Chừng nào kích thước quần thể còn lớn thì trị số trung bình sẽ cung cấp những chỉ số chính xác về hiện trạng đang tiếp diễn trong quần thể. Tương tự, tỷ lệ chết trung bình trong một quần thể có thể được xác định thông qua nghiên cứu một số lượng lớn các cá thể trong quần thể.

Khi kích thước quần thể giảm dưới 50 cá thể, sự khác nhau ở mỗi cá thể về sức sống được thể hiện bằng tỷ lệ sinh và tỷ lệ chết sẽ gây nên dao động kích thước quần thể một cách ngẫu nhiên. Nếu kích thước quần thể dao động theo chiều đi xuống trong một năm nào đó do tỷ lệ chết cao hơn và tỷ lệ sinh thấp hơn so với giá trị trung bình thì kết quả là quần thể bị thu nhỏ và sẽ trở nên mẫn cảm hơn so với những yếu tố biến động số lượng trong những năm tiếp theo. Những dao động ngẫu nhiên về kích thước quần thể theo chiều hướng tăng lên thì cuối cùng sẽ bị giới hạn bởi khả năng chịu tải của môi trường và sau đó quần thể lại dao động theo chiều đi xuống. Do vậy, mỗi khi quần thể bị thu nhỏ lại do nơi cư trú bị phá hủy hay bị chia cắt thì sự biến động số lượng quần thể sẽ trở thành một yếu tố quan trọng và quần thể đó rất dễ bị tuyệt chủng.

Ở nhiều loài động vật, các quần thể nhỏ thường không ổn định do cấu trúc xã hội bị phá vỡ khi quần thể giảm xuống đến một mức nhất định nào đó. Các đàn động vật ăn cỏ hay các đàn chim có thể không có khả năng tìm kiếm thức ăn hay tự bảo vệ mình khi số lượng cá thể trong quần thể của chúng bị giảm xuống đến một mức nhất định. Những động vật săn bắt mồi theo bầy như chó hoang hay sư tử có thể cần phải có một số lượng cá thể nhất định nào đó thì mới săn mồi có hiệu quả. Rất nhiều quần thể của loài động vật sống trong những khu phân bố rộng lớn như gấu hay cá voi có thể sẽ không tìm được bạn đời cho mình một khi mật độ quần thể ở mức quá thấp. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Allee.

            5.1.1.3. Sự biến đổi môi trường và các thiên tai

Những biến đổi ngẫu nhiên về môi trường sinh học và vật lý có thể gây nên những biến đổi về cấu trúc quần thể của một loài. Ví dụ, quần thể của một loài thỏ đang có nguy cơ tuyệt diệt có thể là do chịu ảnh hưởng của của những dao động về quần thể của loài hươu cùng có loại cây thức ăn tương tự như cây thức ăn của thỏ, hay quần thể của loài cáo chuyên ăn thịt thỏ này cũng chịu ảnh hưởng của các loài ký sinh và các loại bệnh của nó. Những dao động về điều kiện tự nhiên (môi trường vật lý) cũng có thể ảnh hưởng đến quần thể loài thỏ nói trên: những năm có mưa thuận gió hòa, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho cây cối mọc và quần thể thỏ sẽ phát triển, còn vào những năm khô hạn sẽ hạn chế sự phát triển của cây cối và do đó thỏ có thể bị chết đói. Các thiên tai xảy ra một cách bất thường như hạn hán, bão tố, lũ lụt, động đất, núi lửa, cháy và hiện tượng chết theo chu kỳ trong các quần xã sinh vật, cũng gây nên những dao động lớn trong cấu trúc quần thể. Thiên tai có thể giết chết một phần quần thể nhưng cũng có thể tiêu diệt toàn bộ quần thể trong khu vực. Có rất nhiều ví dụ về hiện tượng chết hàng loạt, có khi đến 70 - 90% số lượng cá thể trong quần thể các loài thú lớn. Mặc dù xác suất xảy ra thiên tai trong một năm là rất thấp, song trong hàng thập kỷ hay thế kỷ thì hoàn toàn có thể xảy ra.

5.1.2. Quần thể biến thái (Metapopulation)

5.1.2.1. Khái niệm

Trải qua thời gian, quần thể của một loài có thể bị mất đi do tuyệt chủng cục bộ ở một vùng nào đó và các quần thể mới có thể sẽ được hình thành ở những vùng thích hợp gần đó. Hệ thống tạm thời này hay những quần thể biến động số lượng được liên kết với nhau nhờ sự di nhập được gọi là quần thể biến thái.

Quần thể biến thái là tập hợp các quần thể nhỏ (subpopulations) của một loài sống biệt lập trong mỗi mảnh nhỏ của nơi cư trú trong một vùng sinh cảnh, tồn tại được do sư cân bằng giữa tuyệt chủng cục bộ và phục hồi của các quần thể, nhờ vào sự di nhập các cá thể từ một hoặc một vài quần thể này tới các quần thể khác (ví dụ các quần thể tồn tại ở các nơi ở riêng biệt do hậu qua của việc chia cắt do các hoạt động sử dụng đất của con người)

5.1.2.2. Quần thể trung tâm, quần thể vệ tinh

Các quần thể biến thái thường có một vài quần thể trung tâm và các quần thể vệ tinh (địa phương).

Các quần thể mà ở đấy có tỷ lệ gia tăng số lượng cá thể cao, tạo ra một số lượng cá thể dư thừa được gọi là các quần thể trung tâm hay quần thể gốc (source- population). Số lượng cá thể dư thừa từ các quần thể trung tâm này, sẽ di nhập vào các quần thể có tỷ lệ gia tăng số lượng cá thể thấp, thường bị tuyệt chủng cục bộ, được gọi là các quần thể vệ tinh (hay quần thể suy thoái - sink  population). Các quần thể vệ tinh có thể lớn hơn các quần thể trung tâm, thậm chí có thể có số lượng cá thể lớn hơn, nhưng do chất lượng nơi cư trú thấp nên các quần thể vệ tinh có thể tuyệt chủng nếu không có sự di nhập cá thể từ các quần thể trung tâm.

Sự di nhập các cá thể từ quần thể trung tâm tới các quần thể vệ tinh bảo đảm cho sự tồn tại của quần thể biến thái.

Đối với các quần thể biến thái, sự phá huỷ nơi cư trú của một quần thể trung tâm có thể sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của các quân thể vệ tinh, vốn là những quần thể phụ thuộc nhiều vào quần thể trung tâm. Những nhiễu động do con người tạo ra gây cản trở cho sự di nhập của các cá thể như rào chắn, đường sá, đập nước,... cũng có thể làm giảm tốc độ nhập cư giữa các khu vực cư trú khác nhau của loài và từ đó làm giảm, thậm chí làm mất đi khả năng tái lập quần thể sau khi xảy ra sự tuyệt chủng cục bộ.



Hình 3.1. Quần thể biến thái. Trong quần thể biến thái, các nơi ở nguồn (sẫm màu) tạo ra số lượng cá thể vượt trội, sẽ di cư tới các nơi cư trú vệ tinh (phần sáng).(www.IUCN.org)

5.1.3. Sinh thái học cá thể (Autecology)

Điểm then chốt để bảo tồn và quản lý một loài hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng là phải có hiểu biết đầy đủ về mối quan hệ sinh học của loài đó với môi trường chung quanh và tình trạng quần thể của loài đó. Những thông tin như thế thường được gọi là lịch sử tự nhiên (natural history), hoặc đôi khi được gọi một cách đơn giản là Sinh thái học (Ecology), trong khi thực ra theo nguyên tắc khoa học thì việc tìm hiểu chỉ một loài nào đó sẽ được gọi là Sinh thái học cá thể (Autecology).

Dưới đây là các nhóm câu hỏi về sinh thái học cá thể cần được làm sáng tỏ khi tiến hành thiết kế và thực hiện một cách có hiệu quả những chương trình bảo tồn ở mức quần thể. Đối với hầu hết các loài, chỉ một vài trong số những câu hỏi này sẽ có ngay câu trả lời mà không cần điều tra nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, chúng ta thường lại phải ra quyết định về việc quản lý một loài trước khi có được những thông tin đó hay trong khi các thông tin đang được thu thập. Rõ ràng là các loại thông tin thu thập sẽ tùy thuộc vào các đặc điểm của loài.

         Môi trường: loài này được tìm thấy trong những dạng cư trú nào và diện tích mỗi nơi cư trú đó là bao nhiêu? Môi trường biến đổi như thế nào qua thời gian và không gian? Tần suất môi trường bị tác động bởi thiên tai như thế nào?

         Sự phân bố: loài được tìm thấy tại đâu trong nơi cư trú? Loài này có di chuyển và di cư giữa các nơi cư trú, các vùng địa lý trong khoảng thời gian một ngày hay một năm không? Khả năng tạo thêm nơi cư trú mới của loài ra sao?

         Những mối tương tác sinh học: loài cần loại thức ăn gì và các nhu cầu khác cần có là gì? Những loài cạnh tranh thức ăn và các nhu cầu khác? Có những vật ăn mồi, sâu hại và các ký sinh trùng nào có tác động đến kích thước quần thể loài?

         Hình thái học: với kích thước, hình dạng, màu sắc và bề mặt cơ thể như thế nào thì cho phép loài tồn tại trong môi trường sinh sống của nó?

         Sinh lý học: các cá thể của một loài cần bao nhiêu lượng thức ăn, nước, muối khoáng và các chất cần thiết khác để có thể tồn tại, sinh trưởng và sinh sản? Mỗi cá thể sử dụng nguồn nói trên với hiệu suất như thế nào? Loài có thể dễ bị tổn thương trong các điều kiện khí hậu khắc nghiệt như nóng, lạnh và gió mưa?

         Biến động số lượng quần thể: kích thước quần thể có hiện tại là bao nhiêu và trước đây là bao nhiêu? Số lượng cá thể có ổn định không hay tăng lên hoặc giảm đi?

         Tập tính: từng cá thể có cần hành động như thế nào để loài có thể tồn tại được trong môi trường sống của mình? Các cá thể của loài giao phối và sinh sản như thế nào? Các cá thể của loài có quan hệ tương hổ với nhau như thế nào, hợp tác với nhau hay cạnh tranh?

         Di truyền học: những biến đổi về hình thái và sinh lý giữa các cá thể có phải là do di truyền điều khiển hay không?

3.3.1. Thu thập thông tin về lịch sử tự nhiên

Những thông tin cơ bản cần thiết cho việc bảo tồn một loài hay cho việc xác định hiện trạng của loài đó có thể thu thập từ 3 nguồn chính:


  • Tài liệu đã xuất bản

  • Các tài liệu không công bố

  • Đi thực địa

3.3.2. Quan trắc các quần thể

Một cách để tìm hiểu tình trạng của một loài quí hiếm nào đó là điều tra số lượng các cá thể của loài tại thực địa và phân tích các số liệu quan trắc quần thể của nó qua thời gian. Bằng cách điều tra số lượng cá thể lặp đi lặp lại theo một quãng thời gian nhất định ta có thể xác định được những biến động quần thể theo thời gian. Từ đó chúng ta biết được những xu hướng lâu dài của quần thể như tăng hay giảm số lượng cá thể do hoạt động của con người gây ra với những dao động ngắn hạn do thời tiết hay những hiện tượng tự nhiên không dự  đoán trước được gây ra.

Các nghiên cứu về quan trắc đang phát triển rất mạnh vì các chính phủ và các tổ chức bảo tồn ngày càng quan tâm đến viêc bảo vệ những loài quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt diệt. Dạng dự  án quan trắc phổ biến nhất là kiểm kê và những nghiên cứu về biến động số lượng, những nghiên cứu mang tính điều tra cơ bản chiếm tỷ lệ ít hơn

- Kiểm kê: đơn giản chỉ là đếm số lượng cá thể có trong quần thể. Bằng cách kiểm kê lặp lại theo những quãng thời gian nhất định có thể xác định được quần thể đó là ổn định, tăng lên hay giảm đi về số lượng. Đây là phương pháp ít tốn kém và dễ làm, để trả lời cho những câu hỏi như hiện tại có bao nhiêu cá thể trong quần thể; trong suốt quãng thời gian kiểm kê, quần thể này ổn định về số lượng cá thể hay tăng lên hoặc giảm đi.

- Điều tra: ngoài việc sử dụng phương pháp lấy mẫu lặp lại để ước tính mật độ của loài trong quần xã. Mỗi vùng sẽ được chia thành nhiều khu vực lấy mẫu và đếm số lượng cá thể trong mỗi khu vực này. Sau đó các kết quả sẽ được qui về giá trị trung bình và được dùng để ước tính kích thước thực tế của quần thể. Các phương pháp điều tra đặc biệt có giá trị khi các pha phát triển trong một chu trình sống của loài là khó phát hiện, rất nhỏ hoặc không thể hiện, ví dụ giai đoạn hạt của nhiều loài thực vật hay các giai đoạn ấu trùng của động vật không xương sống.

- Các nghiên cứu về biến động số lượng quần thể: sẽ theo dõi những cá thể đã biết trong quần thể để xác định tốc độ tăng trưởng, sinh sản và tỷ lệ sống của chúng. Nghiên cứu này cần bao quát đầy đủ các cá thể thuộc mọi lứa tuổi và mọi kích thước. Mỗi chuyên ngành có một kỹ thuật riêng để theo dõi các cá thể theo thời gian: các nhà điểu học thì đeo vòng vào chân chim, các nhà thú học thường đeo biển vào tai động vật và các nhà thực vật thì gắn biển nhôm vào cây.

Những nghiên cứu về biến động số lượng quần thể có thể cung cấp những thông tin về cấu trúc tuổi của quần thể. Một quần thể ổn định thường có cấu trúc tuổi đặc trưng giữa cá thể non, cá thể mới trưởng thành và cá thể già. Nếu vào một giai đoạn hay lứa tuổi nào đó mà không thấy xuất hiện hay xuất hiện với một số ít cá thể trưởng thành, đặc biệt vào giai đoạn đầu, thì điều đó là dấu hiệu cho thấy rằng quần thể này đang có nguy cơ bị suy thoái. Tương tự, nếu gặp một số lượng lớn các cá thể non và cá thể mới trưởng thành thì đó là đặc điểm thể hiện cho thấy rằng quần thể đang phát triển ở trong trạng thái ổn định hoặc thậm chí là đang phát triển.

Nghiên cứu biến động số lượng quần thể cũng cho phép phát hiện những đặc trưng về không gian của loài, một yếu tố rất quan trọng trong việc duy trì khả năng sống sót đối với các quần thể cách ly. Số lượng các quần thể của loài, sự di chuyển giữa các quần thể và sự ổn định của các quần thể theo không gian và thời gian đều là những tiêu chí quan trọng cần xem xét, đặc biệt đối với những loài thường xuất hiện dưới dạng những quần thể tạm thời hay những quần thể không ổn định được hình thành do di cư.

5.1.4. Sự hình thành, tái lập các quần thể mới

5.1.4.1. Các tiếp cận cơ bản

Thay vì chỉ quan sát thụ động sự tiến tới tuyệt chủng của các loài đang nguy cấp, nhiều nhà sinh học bảo tồn đã bắt đầu xây dựng các cách tiếp cận nhằm bảo vệ những loài này. Để có thể thực hiện một cách hiệu quả việc thiết lập quần thể mới chúng ta cần phải hiểu rõ những yếu tố gây nên sự suy giảm các quần thể hoang dã ban đầu và do vậy loại trừ được những yếu tố đó hoặc chí ít cũng kiểm soát được chúng. Ví dụ nếu một loài chim đặc hữu đã bị dân địa phương săn bắt ngoài tự nhiên đến mức sắp bị tuyệt chủng, các khu vực đẻ trứng của chúng thì bị hủy hoại do các hoạt động phát triển và trứng của chúng bị các loài ngoại lai ăn, thì tất cả những vấn đề nêu trên cần phải được đề cập đến trong chương trình tái lập quần thể. Nếu chỉ đơn thuần phóng thích các con chim được nuôi nhân tạo vào tự nhiên mà không trao đổi bàn bạc với người dân địa phương, về một sự thay đổi trong phương thức sử dụng đất, và việc kiểm soát các loài ngoại lai sẽ dẫn đến kết quả là sự quay trở lại của tình hình ban đầu “ném đá ao bèo”.

Có 3 cách tiếp cận cơ bản đã được sử dụng để thiết lập quần thể động thực vật mới.

Chương trình tái du nhập (reintroduction program): là cách thả những cá thể đã được nhân nuôi trong điều kiện nuôi nhốt hay thả những cá thể thu thập ngoài tự nhiên vào khu vực cư trú cũ của chúng, nơi loài này đã lâu không còn xuất hiện nữa. Mục đích cơ bản của chương trình này là nhằm tái tạo một quần thể mới trong môi trường nguyên thủy của nó.

Chương trình mở rộng (augmentation program): là thả các cá thể vào một quần thể đang tồn tại để làm tăng kích thước vào quỹ gen của nó. Các cá thể được phóng thích này có thể là các cá thể hoang dã được bắt giữ ở một nơi nào đó hoặc chúng là những cá thể được nhân nuôi nhốt. Ví dụ diển hình cho cách tiếp cận này là những con đồi mồi mới nở được nuôi giữ trong những giai đoạn đầu của sự phát triển con non, dễ bị thương tổn rồi sau đó mới thả trở lại vào biển.

Chương trình du nhập (introduction program): trong đó các loài động thực vật được chuyển đến những khu vực nằm ngoài phạm vi phân bố của chúng với hy vọng rằng quần thể mới sẽ được hình thành. Cách tiếp cận như vậy có thể thích hợp khi môi trường nguyên thủy của loài đã bị hủy hoại tới mức loài không thể tiếp tục tồn tại ở đó, hoặc khi các yếu tố gây suy thoái ban đầu vẫn còn đó khiến cho việc tái du nhập không thể thực hiện được. Việc du nhập một loài vào những địa điểm mới cần được suy tính cẩn thận để đảm bảo rằng loài này không gây hại tới hệ sinh thái mới và không gây hại tới các quần thể bản địa đang có nguy cơ tuyệt diệt. Cũng cần phải thận trọng để đảm bảo rằng các cá thể mới không mang theo những bệnh tật bị nhiễm trong thời kỳ nuôi nhốt vì điều đó có thể gây phát dịch và giết hại các quần thể hoang dã.

* Những điều cần lưu ý để có dự án thành công

            Những động vật được trả lại thiên nhiên có thể đòi hỏi sự quan tâm và hổ trợ đặc biệt trong quá trình thả cũng như ngay sau khi được thả. Các con vật có thể vẫn được nuôi ăn và được che chở tại điểm thả trong một thời gian cho đến khi chúng có khả năng tự tồn tại, hoặc tại điểm thả, chúng lần lượt được thả ra rồi nhốt vào lồng cho đến khi chúng thích nghi được với các điều kiện của khu vực đó mới thôi. Có thể cần thêm những can thiệp nếu như các con vật có biểu hiện không thể tồn tại, đặc biệt trong thời kỳ hạn hán hay khan hiếm thức ăn.

Để các dự án tái lập quần thể thành công cần lưu tâm đến khía cạnh tổ chức và tập tính xã hội của các động vật sau khi chúng được thả ra. Ở ngoài tự nhiên, các động vật, đặc biệt là các loài thú và một số loài chim thường học hỏi lẫn nhau về môi trường của chúng và cách giao tiếp xã hội giữa các thành viên trong loài. Những động vật nuôi thường không có những kỷ năng cần thiết để tồn tại trong môi trường tự nhiên, chúng thiếu các kỷ năng giao tiếp xã hội cần thiết để tìm kiếm thức ăn, cảm nhận nguy hiểm, tìm bạn đời và nuôi con. Để vượt qua những trở ngại có tính xã hội này, những loài vật nuôi cần phải được huấn luyện trước khi thả chúng lại vào môi trường tự nhiên.

Mối giao tiếp xã hội là một trong những tập tính khó nhất mà con người phải dạy các loài chim thú nuôi bởi vì chúng ta còn hiểu biết rất ít về sự tinh tế của tập tính xã hội ở hầu hết các loài. Tuy nhiên, đã có một số thành công trong trong việc xã hội hóa các loài thú được nhân nuôi. Trong một số trường hợp, con người bắt chước vẻ bên ngoài và cử chỉ của các con vật hoang dã. Phương pháp này đặc biệt quan trọng khi phải tiếp xúc với các con non vì chúng cần phải biết cách nhận biết đồng loại chứ không phải là con người hay những loài nuôi dưỡng chúng. Trong một số trường hợp, những cá thể hoang dã cùng loài sẽ được dùng làm “hướng dẫn viên” cho các cá thể nuôi. Các con vượn bắt ngoài tự nhiên đã được nhốt chung với các vượn nuôi để chúng tạo nên các nhóm xã hội và sau đó chúng sẽ được thả lại vào tự nhiên với hy vọng rằng vượn nuôi sẽ học hỏi cách sống từ từ vượn hoang dã.

Việc tái lập các quần thể mới cho các loài thực vật hiếm và có nguy cơ tuyệt diệt có sự khác biệt về cơ bản so với những nổ lực tái lập các quần thể động vật có xương sống trên cạn. Động vật thì có thể phát tán tới các địa điểm mới và chủ động tìm kiếm các vị trí có điều kiện thích hợp nhất đối với chúng. Trong trường hợp của thực vật thì hạt sẽ được phát tán tới các địa điểm mới nhờ gió, nước và động vật. Một khi hạt đã rơi xuống đất thì nó sẽ không chuyển dịch được nữa, kể cả khi vị trí mới thích hợp nhất cho nó chỉ vài ba centimet. Vị trí này đặc biệt quan trọng đối với sự sinh tồn của thực vật vì nếu điều kiện môi trường là quá nắng, hoặc quá nhiều bóng râm, quá khô hay quá ẩm ướt đều khiến cho hạt không nẩy mầm hoặc mầm sẽ chết. Sự nhiễu loạn do cháy có khi cũng là cần thiết để thiết lập  quần thể giống cây con mới ở một số loài.

Nhìn chung, các loài thực vật hiếm, đang có nguy cơ tuyệt diệt thường không tái lập được quần thể bằng cách gieo hạt tại các địa điểm có vẻ như phù hợp với chúng. Để tăng cơ hội thành công, các nhà thực vật học thường cho hạt nẩy mầm và chăm sóc cây con trong các điều kiện môi trường ổn định. Chỉ tới khi cây con đã qua giai đoạn yếu ớt chúng mới được cấy ra môi trường ngoài. Trong một số trường hợp khác, cây con được bứng từ quần thể hoang dã đang sinh sống (thường quần thể này hoặc đang có nguy cơ bị tuyệt diệt hoặc việc lấy đi một tỷ lệ rất nhỏ sẽ không gây hại gì cho quần thể), rồi đem cấy vào một nơi khác thích hợp song chưa có quần thể cây này chiếm cứ.

 5.1.4.2. Các chương trình tái lập quần thể và luật pháp

Các chương trình du nhập, tái du nhập, hay mở rộng sẽ ngày càng gia tăng trong những năm tới khi các cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học xảy ra thường xuyên do ngày càng nhiều các loài sinh vật bị tiêu diệt trong thiên nhiên. Nhiều dự án tái du nhập cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng sẽ được các kế họach khôi phục chính thức do chính phủ đề ra thực hiện. Tuy nhiên, các chương trình tái lập quần thể cũng như các chương trình nghiên cứu chung về các loài có nguy cơ tuyệt chủng đang ngày càng chịu nhiều tác động của những sắc luật nhằm hạn chế bớt sự chiếm hữu cũng như sử dụng chúng. Nếu như các quan chức chính phủ thực thi các bộ luật này một cách cứng nhắc đối với các chương trình nghiên cứu khoa học vốn không phải là mục tiêu cơ bản của luật, thì công việc nghiên cứu bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng có thể sẽ bị hạn chế. Các thông tin khoa học mới là rất cần thiết để lập nên những dự án cũng như để đề xuất các nổ lực bảo tồn khác. Các nhà sinh học bảo tồn cần phải giải thích về những lợi ích của các chương trình của họ để các quan chức chính phủ cũng như quảng đại quần chúng có thể hiểu được, và họ cũng cần giải quyết được những vấn đề chính đáng của các người nêu trên. Các quan chức chính phủ, những người làm cản trở cho các dự án khoa học, có thể sẽ làm hại tới các sinh vật mà họ đang cố gắng bảo vệ. Tuy nhiên, mối nguy hiểm đối với các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng do những nghiên cứu khoa học chậm trễ và do lập kế hoạch quá thận trọng là không đáng kể nếu so với sự suy thoái nhanh chóng của đa dạng sinh học trên thực tế mà nguyên nhân chính là do nơi cư trú bị hủy hoại, do ô nhiễm môi trường, và do khai thác quá mức.

5.1.5. Các cấp độ bảo tồn loài

Nhằm nêu bật tình trạng của một loài qui hiếm cho mục đích bảo tồn, IUCN đã xây dựng 5 cấp độ bảo tồn như dưới đây; các loài thuộc cấp độ từ 2 đến 4 được coi là những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các cấp độ này có vai trò quan trọng ở cấp quốc gia và quốc tế trong việc hướng sự chú ý vào những loài đang được quan tâm đặc biệt và trong việc xác định những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng cần được bảo vệ thông qua các cam kết quốc tế như  Công ước CITES

         Đã tuyệt chủng (Extinct): là những loài (hay các đơn vị phân loại khác như phân loài hay chi) không còn thấy tồn tại trong tự nhiên nữa. Những cuộc tìm kiếm tại những nơi trước đây vốn là quê hương sinh sống cũng như tại những nơi phân bố khác đều không phát hiện được chúng

         Đang nguy cấp (Endangered, đang có nguy cơ tuyệt chủng): là những loài có nhiều khả năng bị tuyệt chủng trong tương lai không xa. Trong số này có cả những loài có số lượng cá thể bị giảm tới mức loài khó có thể tiếp tục tồn taị nếu như các nhân tố đe dọa cứ tiếp diễn.

         Dễ bị thương tổn (Vulnerable, có thể bị đe dọa tuyệt chủng): là những loài có thể bị đe dọa tuyệt chủng trong tương lai gần vì các quần thể của chúng đang bị thu hẹp kích thước tại khắp mọi nơi thuộc vùng phân bố của loài. Khả năng tồn tại lâu dài của những loài này là không chắc chắn.

         Hiếm (Rare): loài những loài có số lượng cá thể ít, thường là do có vùng phân bố trong giới hạn hẹp hoặc là do mật độ quần thể thấp. Mặc dù những loài này chưa phải đối mặt với những nguy hiểm tức thời song số lượng nhỏ khiến chúng trở thành những loài có nguy cơ tuyệt chủng.

         Loài chưa hiểu biết đầy đủ (Insufficiently known): là những loài có thể thuộc một trong những cấp bảo tồn nêu trên nhưng do chưa được hiểu biết đầy đủ nên chưa xếp được vào một cấp độ cụ thể nào.

Trung tâm quan trắc Bảo tồn Thế giới (WCMC, World Conservation Monitoring Centre) đã sử dụng các cấp độ trên để đánh giá và mô tả những mối đe dọa đối với khoảng 60.000 loài thực vật và 2.000 loài động vật trong các cuốn sách đỏ do trung tâm này xuất bản.

Các cấp độ bảo tồn loài của IUCN và các cuốn sách đỏ của WCMC là bước đi đầu tiên rất cần thiết trong sự nghiệp bảo tồn các loài trên thế giới, song khi sử dụng hệ thống phân hạng này cũng gặp một số khó khăn nhất định.

    Trước hết, cần phải nghiên cứu xác định kích thước quần thể và xu hướng biến động số lượng mỗi một loài khi đã đã đưa vào danh sách. Những nghiên cứu như vậy có thể sẽ rất khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian.

    Thứ hai là một loài cần được nghiên cứu trên toàn bộ khu phân bố của nó, có thể là sẽ kéo theo những khó khăn trong khâu hậu cần.

    Thứ ba, các cấp này hầu hết là không phù hợp với các loài côn trùng nhiệt đới, là những loài chưa được hiểu biết nhiều về mặt định loại cũng như đặc tính sinh học, sinh thái học song lại đang bị đe dọa do rừng nhiệt đới đang bị triệt phá nghiêm trọng.

     Thứ tư là các loài thường bị xếp vào loại bị đe dọa tuyệt chủng kể cả khi người ta đã lâu không còn nhìn thấy chúng, với một giả định rằng nếu có một nghiên cứu kỹ càng sẽ tìm lại chúng.

Vấn đề quan trọng nhất trong hệ thống phân cấp của IUCN là những tiêu chí để xếp một loài vào một cấp độ nào đó còn rất chủ quan. Do ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức tham gia vào việc đánh giá và định mức nguy cấp cho các loài nên nhiều khả năng các loài sẽ bị xếp hạng một cách tùy tiện. Để khắc phục tình trạng này, Mace và Lande (1991) đã đưa ra hệ thống phân loại ba cấp dựa trên xác suất bị tuyệt chủng:


  • Các loài đang nguy cấp trầm trọng (critical species): có 50% hay lớn hơn xác suất bị tuyệt chủng trong vòng 5 năm hay 2 thế hệ

  • Các loài đang nguy cấp (endangered species): có 20 - 50% xác suất bị tuyệt chủng trong vòng 20 năm hay 10 thế hệ

  • Các loài dễ bị thương tổn (vulnerable species): có 10 - 20% xác suất bị tuyệt chủng trong vòng 100 năm.

5.1.6. Bảo tồn loài bằng pháp chế

            5.1.6.1. Các bộ luật Quốc gia

Công cụ pháp chế hay luật pháp có thể được áp dụng tại các cấp địa phương, quốc gia hay quốc tế để bảo vệ tất cả các khía cạnh của đa dạng sinh học. Nhiều bộ luật quốc gia đã nhằm cụ thể vào việc bảo tồn các loài. Tại nước Mỹ, bộ luật cơ bản nhằm bảo vệ các loài là Luật năm 1973 về Các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bộ luật này là một hình mẫu cho nhiều quốc gia noi theo tuy rằng việc thực thi nó vẫn còn nhiều điều tranh cãi.

            5.1.6.2. Các thoả thuận Quốc tế

Việc bảo tồn đa dạng sinh học cần phải được giải quyết ở mọi cấp khác nhau trong chính phủ của từng quốc gia và giữa các chính phủ. Trong khi các cơ chế kiểm soát chính hiện có chủ yếu là dựa vào từng quốc gia riêng biệt thì các thỏa thuận quốc tế đang ngày càng được sử dụng nhiều trong bảo vệ các loài và nơi cư trú. Hợp tác quốc tế là một điều kiện tiên quyết vì nhiều lý do khác nhau:

         Trước hết, các loài thường di chuyển qua các biên giới. Các hoạt động bảo tồn chim di cư ở phía Bắc Châu Âu sẽ không thể thành công nếu nơi cư trú qua mùa đông của chim tại Châu Phi bị phá hủy.

         Thứ hai, việc buôn bán quốc tế về các sản phẩm sinh học có thể gây nên hậu quả là sự khai thác quá mức các loài nhằm đáp ứng nhu cầu thương mại. Việc quản lý và kiểm soát buôn bán đòi hỏi phải cả trên lĩnh vực xuất và nhập khẩu.

         Thứ ba, những lợi ích của đa dạng sinh học là có tầm quan trọng quốc tế. Các quốc gia giàu có thuộc vùng ôn đới được hưởng lợi ích từ tính đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới cần phải sẵn sàng giúp đở các nước nghèo khó hơn nhưng đã tham gia thực hiện việc bảo tồn các nguồn đa dạng sinh học đó.

         Cuối cùng, rất nhiều vấn đề của các loài hay các hệ sinh thái bị đe dọa có qui mô toàn cầu nên đòi hỏi sự hợp tác quốc tế để giải quyết. Những mối đe dọa như vậy bao gồm đánh bắt thủy sản quá mức, ô nhiễm không khí và mưa acid, ô nhiễm sông, hồ và đại dương, biến đổi khí hậu toàn cầu và suy thoái tầng ôzôn.

Hiệp ước quan trọng nhất trong việc bảo vệ các loài ở qui mô quốc tế là Công ước về buôn bán các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng (CITES, Convention on International Trade in Endangered Species) được ra đời năm 1973 cùng với sự ra đời của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP). Công ước này hiện có 120 nước tham gia. Công ước CITES đưa ra một danh sách các loài được kiểm soát trong việc buôn bán quốc tế; các quốc gia thành viên đồng ý hạn chế buôn bán và khai thác có tính hủy diệt các loài này. Phụ lục I của của Công ước liệt kê 675 loài động vật và thực vật bị cấm buôn bán hoàn toàn. Còn phụ lục II gồm 3.700 loài động vật và 21.000 loài thực vật có sự kiểm soát và giám sát trong việc buôn bán quốc tế. Trong số các loài thực vật có cả các loài được tạo thành do nuôi cấy mô như phong lan, xương rồng, dương xỉ, đồng thời ngày cũng có nhiều các loài cây lấy gỗ. Trong số các loài động vật, các nhóm được kiểm soát chặt chẽ gồm vẹt, các loài có kích thước lớn gồm các loài thuộc họ mèo, cá voi, rùa biển, chim ăn thịt, tê giác, gấu, linh trưởng, các loài được bắt về nuôi trong nhà, sở thú, thủy cung; các loài được săn bắt để lấy lông, da hay các sản phẩm khác.

Một hiệp ước quốc tế quan trọng khác là Công ước về bảo vệ các loài động vật  di cư, ký năm 1979, mà trọng tâm là các loài chim di cư. Công ước này là một phần bổ sung quan trọng cho Công ước CITES vì nó đã khuyến khích các nổ lực quốc tế bảo tồn các loài chim di cư xuyên biên giới cũng như đã nhấn mạnh các cách tiếp cận trong việc nghiên cứu, quản lý và kiểm soát săn bắn.

Còn có các thỏa thuận quốc tế khác nhằm bảo vệ các loài sinh vật, đó là:

Ě        Công ước về Bảo tồn các loài sinh vật biển vùng Nam Cực

Ě        Công ước Quốc tế về kiểm soát cá voi

Ě        Công ước Quốc tế về bảo vệ các loài chim và Công ước Benelux về việc săn bắn và bảo vệ các loài chim

Ě        Công ước về đánh bắt và bảo vệ sinh vật trong biển Bantic

Ě        Công ước bảo tồn đa dạng sinh học

Nhược điểm của các hiệp ước quốc tế này là sự tham gia tự nguyện; các quốc gia có thể rút lui khỏi công ước để theo đuổi các lợi ích riêng của họ khi cảm thấy các điều kiện phải tuân thủ là quá khó khăn. Cần có sự thuyết phục và cả sức ép của quần chúng để buộc các quốc gia phải thực hiện các điều khoản của công ước và khởi tố những người vi phạm.

5.2. Bảo tồn ở cấp quần xã

Bảo tồn các quần xã sinh vật nguyên vẹn là cách bảo tồn có hiệu quả nhất toàn bộ tính đa dạng sinh học. Có 3 cách bảo tồn quần xã sinh vật, đó là xây dựng các khu bảo tồn, thực hiện các biện pháp bên ngoài các khu bảo tồn và phục hồi các quần xã sinh vật tại các nơi cư trú bị suy thoái. Khi một khu bảo tồn được thành lập, cần phải có sự hoà hợp giữa việc bảo tồn đa dạng sinh học và chức năng của các hệ sinh thái với việc thoả mãn các nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài của cộng đồng địa phương và của chính phủ đối với các nguồn tài nguyên đó.

5.2.1. Các khu bảo tồn

Một trong những bước đi cơ bản quan trọng nhất trong việc bảo tồn các quần xã sinh vật là chính thức thành lập các khu bảo tồn.

Có thể thành lập các khu bảo tồn theo nhiều cách, song có hai phương thức phổ biến nhất, đó là thông qua nhà nước (thường ở cấp trung ương, nhưng đôi khi có thể ở cấp khu vực hay địa phương) và các tổ chức bảo tồn hay cá nhân mua lại các khu đất đó. Các khu bảo tồn còn được hình thành bởi các cộng đồng truyền thống vì họ muốn giữ gìn lối sống của họ. Chính phủ ở nhiều nơi đã thừa nhận quyền sở hữu của các cộng đồng này đối với đất đai.


tải về 0.85 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương