Chân Ngôn Tông Nhật Bản ht thích Như Điển dịch o0o Nguồn


Chương Ba III.Nguồn gốc của Chân Ngôn Tông



tải về 2.3 Mb.
trang4/15
Chuyển đổi dữ liệu10.01.2018
Kích2.3 Mb.
#35966
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15

Chương Ba




III.Nguồn gốc của Chân Ngôn Tông




III.01.Mật Giáo

Tuy ngài Hoằng Pháp Đại Sư nghỉ học giữa chừng của cấp bậc Đại Học, nhưng sự hiểu biết của ngài về chữ Hán, còn hơn những sinh viên đã tốt nghiệp nữa. Ngoài ra đối với nơi thâm sơn cùng cốc và biển cả bao la, nơi nào ngài cũng đã đặt chân tới và khổ hạnh tu hành. Đứng về phương diện bản thân, thì đây là một sự thể nghiệm có tính cách Tôn Giáo. Hơn thế nữa việc Ngài sang Trung Hoa thọ nhận tịnh bình từ chánh thuần Mật Giáo, đoạn quay về Nhật Bản thành lập Chân Ngôn Tông, Ngài thật hoàn toàn xứng đáng trong vai vị Tông Tổ. Danh từ Tông Tổ ấy được tôn xưng. Đây cũng là tư tưởng căn bản của Chân Ngôn Tông, vì ngài đã làm hưng thịnh Chánh Truyền Mật Giáo từ Ấn Độ, rồi sau đó được truyền sang Trung Quốc. Cho đến vị Tổ thứ bảy là ân sư Huệ Quả Hòa thượng và với Chân Ngôn Tông tôn xưng ngài là Cao Tổ. Như chương trước đã có trình bày trong “lược truyện của Hoằng Pháp Đại Sư” được tường thuật rằng: Giáo chủ là Đức Đại Nhật Như Lai.

Đệ nhị Tổ là ngài Kim Cang Tát Đỏa. Đệ tam Tổ là ngài Long Mãnh Bồ Tát. Đệ tứ Tổ là ngài Long Trí Bồ tát. Đệ ngũ Tổ là ngài Kim Cang Trí Tam Tạng. Đệ lục Tổ là ngài Bất Không Tam Tạng và đệ thất Tổ là ngài Huệ Quả Hòa thượng. Người đời sau thêm vào, ngài Hoằng Pháp Đại Sư là Tổ thứ 8. Có nơi ngưỡng vọng, gọi Ngài là Bát Đại Cao Tổ.

Chữ Bát Đại Cao Tổ, mà theo cách xưng của việc phú pháp của Tổ thứ 8, thì ta hẳn rõ ràng hơn. Từ thầy truyền cho đến trò một cách liên tục và phú chúc cho những Bí pháp được truyền thừa cho đến Cao Tổ là đời thứ 8, là do ý nghĩa nầy vậy.

Đối với vấn đề nầy, do sự truyền trì mạng mạch mà được gọi là Bát Đại Cao Tổ. Lại nữa Long Mãnh Bồ Tát, Long Trí Bồ Tát, Kim Cang Trí Bồ Tát, Bất Không Tam Tạng, Thiện Vô Uý Tam Tạng, Nhất Hành Thiền sư, Huệ Quả Hòa Thượng thì Hoằng Pháp Đại Sư chính là vị Tổ thứ 8. Đây chính là vấn đề liên hệ trực tiếp giữa Thầy và đệ tử truyền cho nhau chứ không có gì khác, là Mật Giáo Chánh Truyền và đã truyền thừa rộng rãi vào thế gian (đặc biệt ở Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản) và ý nghĩa ấy chính là nhờ 8 vị cao Tăng ấy giữ gìn truyền thừa cho nhau.

Với tác giả theo phổ hệ là Bát Đại CaoTổ, là vị Tổ thứ 8 bắt đầu theo sự phú pháp. Lại nữa đối với các chùa của Chân Ngôn Tông với hình ảnh của Bát Đại Cao Tổ được điêu khắc hay họa lớn ra là nhằm nhớ lại sự truyền trì của Bát Tổ vậy.

Lịch sử truyền thừa Mật Giáo ở Ấn Độ thật lâu đời và so với sự ra đời của Phật Giáo, còn cũ xưa hơn thế nữa. Đó chính là những bài Thần Chú dùng để cầu nguyện, xướng lên cho việc tiêu trừ nạn và nghinh tiếp các điều phước đức. Có lẽ việc kiết ấn là một hành vi để dự đoán việc tốt xấu, họa phước đã có từ xa xưa. Bà La Môn Giáo và Ấn Độ Giáo đã bắt đầu và các Tôn Giáo nầy đã ảnh hưởng sâu rộng vào trong quần chúng. Đương thời khi đức Thế Tôn dạy về Phật Giáo, chúng ta thấy rằng ngài đã quyết liệt ngăn chặn việc nầy như sau: “Khi xướng lên những câu chú và làm những hành vi chú thuật có tính cách mê tín, thì đây không phải là việc của Phật Giáo đồ”.

Thế nhưng sau khi Đức Thế Tôn đã nhập diệt, bản thân của Phật Giáo đã phát triển tùy theo từng thời đại, mà Đại thừa Phật Giáo với tư tưởng “tự chứng và hóa tha”49 , cũng như sự tu hành, giáo hoá chúng sanh là: trên cầu sự giác ngộ, dưới cứu khổ chúng sanh. Ở đây ta có thể suy nghĩ rằng: chính đây là thiện xảo phương tiện vậy. Ở đây không phải chỉ dùng tay để bắt ấn, dùng miệng để đọc Chân Ngôn, mà tâm còn phải trụ nơi Tam Ma Địa (tâm Phật và tâm chúng sanh giống nhau và giữ tâm vào một chỗ. Nói khác đi, đây gọi là: Sangoo Itsuchi (Tam Nghiệp Nhất Chí)50 . Đây chính là tư tưởng vậy. Lời nói và việc làm trở thành một, ấy là việc rất cần thiết.

Việc trên hết là tâm kia trở thành một. Nếu là “ngôn hành nhứt chí” đối với xã hội bình thường, thì có thể dễ rõ biết được. Tuy nhiên để giữ tâm ý ấy đối với vấn đề Tôn Giáo không thể nói đơn thuần là như vậy.

Lại nữa Tam Vô Tận Trang Nghiêm là niềm tin tưởng được phát sanh. Điều quan yếu đối với việc “thượng cầu Bồ Đề và hạ hóa chúng sanh” cũng là những việc làm của Tam Mật51 để tu trì, là những điều cương yếu được thực hiện.

Đối với việc nầy như trước đã trình bày là không phải việc mê tín hay tà giáo mà bài xích. Ngược lại đối với Phật Giáo bình thường thì đây là thiện dụng trong việc độ đời.

Bởi vì đây là phong tục đã quen trãi qua năm tháng lâu dài, chỉ trong chốc lát nói không phải thần chú, là sự chiêm tinh v.v… thì cũng khó mà đánh bạt được việc đã trải qua một thời gian lâu như thế. Những thời kỳ nầy được gọi là thời kỳ: Tạp Bộ Mật Giáo (nói gọn là tạng mật) cho đến khoảng cuối thế kỷ thứ 7 trở về sau nầy Mật Giáo được gọi là thuần túy hay Chánh Thuần Phật Giáo (nói lược là Thuần Mật) để phân biệt với vấn đề trên.

Lại nữa ngôn ngữ gọi là Mật Giáo là ngôn ngữ để dùng đối với Hiển Giáo là Phật Giáo nói chung. Còn đối với Phật Giáo khi chúng ta kính lễ Đức Phật bằng cách đơn thuần là tụng kinh, hay chấp hai tay lại, hoặc giả ngồi thiền v.v… thì những việc làm hay những lời dạy ấy chắc chắn là “hiển” chứ không phả là “mật”. Ở đây đối với Mật Giáo, như trước đã trình bày: Tay kết ấn, miệng đọc tụng Chân Ngôn và tâm trụ vào Tam Ma Địa, có cái gì đó bí mật. Do vậy mà từ điểm ấy, ta gọi Phật Giáo chung là Hiển Giáo. Còn chúng ta thuộc về Mật Giáo.
---o0o---

III.02.Ngài Đại Nhật Như Lai và Ngài Kim Cang Tát Đỏa

Như trước đã tường thuật qua phần “Phật Giáo sử của Ấn Độ” rằng: Kinh Đại Nhật và Kinh Kim Cang Đảnh đã xuất hiện khoảng cuối năm 600 đến giữa năm 700 sau Dương lịch (xin tham khảo phần nầy ở chương một phần 5). Hai kinh nầy là hai bộ kinh căn bản cốt yếu của Chánh Truyền Phật Giáo. Đồng thời đối với Ấn Độ, Chánh Thuần Mật Giáo được truyền thừa một cách rộng rãi là vào hậu bán thế kỷ thứ 7 cho đến thế kỷ thứ 8 trở về sau.

Những kinh điển của Mật Giáo như vậy không phải như những kinh điển Hiển Giáo thông thường như Đức Phật đã nói, mà những kinh điển nầy do chính Pháp Thân của Đại Nhật Như Lai nói ra. Đây phải nói là một điều đặc biệt.

Như trước đã trình bày, dầu cho đức Thích Tôn có nói về Hiển Giáo đi nữa, nhưng trong ấy gồm có Tích Phật và Bổn Phật, và chúng ta phải nghĩ rằng trong ấy gồm có Sanh Thân và Pháp Thân. Cho nên phải biết rằng trong tất cả những kinh điển Đại thừa mà Đức Phật đã dạy ấy không phải chỉ nói bằng Sanh Thân của Đức Thích Tôn, mà phải hiểu rằng có lúc nói bằng Pháp Thân hay đúng hơn là Bổn Phật của Đức Thích Ca. Nhưng trong trường hợp nầy nếu nhìn Phật Thân là hình dáng đồng thể với trời đất và là một sự sống vĩnh viễn thì ngay cả bây giờ chúng ta gọi Đức Đại Nhật Như Lai vẫn hợp lý hơn là Đức Thích Ca hay Đức Thích Ca Như Lai52 . Đây chẳng phải là điều nên làm chăng? Với mặt trời hay vầng Thái Dương tỏa sáng ấy, được hiểu ý là Như Lai của vũ trụ lớn. Thái Dương chỉ chiếu sáng ban ngày còn ban đêm thì không soi tỏ. Thế nhưng ánh sáng từ bi và trí tuệ của Như Lai thì ngày đêm không phân biệt, lúc nào cũng sáng sủa. Mặt trời ở trên thế gian, thêm vào đó một chữ lớn, nên gọi là Đại Nhật. Như vậy Đức Đại Nhật Như Lai đối với Chân Ngôn Mật Giáo là vị Tổ thứ nhất, đặc biệt được kính ngưỡng như là một vị Giáo chủ.

Như vậy thì với Pháp Thân Phật ấy dùng để thuyết pháp chăng? Nhưng giả sử mà có đi chăng nữa thì với phàm phu như chúng ta có nghe được và có thể hiểu được chăng? Đây là những điều nghi ngờ. Đối với việc nầy người xưa đã nói rằng:

“Âm thanh tiếng gió thổi nơi cây tùng, tiếng róc rách chảy theo dòng suối. Tất cả đều là những tiếng thuyết pháp của Đại Nhật Như Lai. Hòn đá nằm bên đường. Các loài cỏ dại nơi cánh đồng. Tất cả đều là những lời kinh đã được Pháp Thân của Như Lai nói ra.”

Hóa ra là như vậy. Khi chúng ta nghe âm thanh của tiếng gió thổi nơi cây tùng, các triết gia đều rõ thấu ý nghĩa của cuộc sống. Khi nghe được tiếng suối chảy, những nhà làm âm nhạc có thể tạo nên nhiều danh khúc. Lại nữa đối với những người nghiên cứu về khoáng chất, họ sẽ phát hiện ra hòn đá nằm bên đường là một loại đá quý. Còn những người học về y học, dược học thì trong những loài cỏ dại ấy có rất nhiều loại rau cỏ làm thuốc, có thể cứu được mạng sống của con người. Nếu nhìn được như vậy thì tất cả những tiếng kêu trong vũ trụ này đều là thuyết pháp vậy. Đồng thời những sự vật ấy cũng là những lời kinh. Chẳng phải lúc nào cũng là những lời hay tiếng đẹp mới có thể hiểu được điều đó.

Thế nhưng, dẫu cho có hiểu được như vậy và với tính cách cụ thể thì khi nghe âm thanh của nước chảy và gió reo, khi thấy được thực vật và khoáng sản, kết quả là tất cả những thứ ấy, ta đã rõ biết được ý nghĩa của chúng chăng? Ở đây có những chỗ khó hiểu. Chẳng phải là ai cũng có thể hiểu được điều đó. Ngược lại, cũng không phải là cũng không thể thực hiện được. Dầu cho là kẻ phàm phu đi chăng nữa, nhưng có thấm nhuần “Tâm Bồ Đề” thì tất nhiên sẽ hiểu. Bồ Đề Tâm ấy dùng lỗ tai để nghe lời thuyết pháp của Pháp Thân, thì với Bồ Đề Tâm ấy sẽ nói, sẽ thấy cũng như sẽ đọc được những lời kinh tiếng kệ của Bổn Phật vậy.

Vậy thì Bồ Đề Tâm thực tế là gì vậy? Đó chính là cái tâm không dừng nghỉ ở chỗ tìm cầu giác ngộ, mà tâm ấy được gọi là tâm cầu đạo, cũng có thể nói là bạch tịnh tín tâm. Đây là chơn tâm vậy.

Trên thực tế vị Tổ thứ hai của Chân Tông Mật Giáo là ngài Kim Cang Tát Đỏa, ngài đã nhơn cách hóa Bồ Đề Tâm nầy thành vị Phật cứng rắn và sắc bén như kim cương, và cái tâm ấy làm chủ, không chỉ dừng lại vĩnh viễn ở việc tìm cầu sự giác ngộ, giải thoát. Đó chính là ngài Kim Cang Tát Đỏa53 .


---o0o---

III.03.Long Mãnh Bồ Tát (Thọ) và Long Trí Bồ Tát

Ðức Ðại Nhật Như Lai và ngài Kim Cang Tát Ðỏa đứng về phương diện lịch sử thì không có những nhân vật như thế. Vì đây là những pháp thân Phật. Nhưng từ vị Tổ thứ ba là ngài Long Mãnh trở đi, những vị nầy đã bắt đầu có lịch sử rõ ràng.

Ngài Long Mãnh Bồ Tát như trước đây ở phần “lịch sử Phật Giáo Ấn Ðộ” cũng đã nêu ra. Ngài là người sinh khoảng thế kỷ thứ hai và còn gọi là Long Thọ (Long Mãnh). Ngài đã thành lập triết học Tánh Không (Phái Trung Quán). Chữ Long Mãnh là dịch theo lối xưa54 . Còn ngày nay hay gọi là Long Thọ Bồ Tát. Người được sinh vào cuối thế kỷ thứ hai và đầu thế kỷ thứ 3. Ðương thời là bậc Triết gia đại diện cho các giới Phật Giáo tại Ấn Ðộ, và đặc biệt là tư tưởng căn bản của Ðại Thừa Phật Giáo. Ngài nói tánh Không của Bát Nhã có tính cách lý luận. Với Ðại Thừa Phật Giáo, tư tưởng của ngài về sau có ảnh hưởng lớn đến PG Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nhật Bản55 . Ngài là vị Tổ của 8 Tông phái.

Nhưng nếu đứng từ lập trường của Mật Giáo mà nhìn thì mãi cho đến thế kỷ thứ 7, thứ 8 mới xuất hiện Chánh Truyền Mật Giáo. Ở đây có một thời gian gián đoạn như vậy.

Tuy nhiên khi xưa Pháp Thân của Ðại Nhật Như Lai đã thuyết Mật Giáo cho Ngài Kim Cang Tát Ðỏa nghe và lãnh hội, sau đó được viết lại thành văn cho loài người ở cõi này. Ngôi tháp bằng sắt ở phía Nam Ấn Ðộ (Tháp nầy được truyền lại rằng đã có trước thời Ðức Phật Thích Ca Ðản Sanh ở miền Nam Ấn Ðộ và hiện tại có phải là tháp Amarabachi chăng?) rồi cho (Kinh) vào đó. Về sau không có người nào có thể mở được tháp nầy cả. Cho đến thế kỷ thứ 3 ngài Long Mãnh mới mở tháp được và chính ngài đã gặp cũng như thọ nhận Quán Ðảnh từ Ngài Kim Cang Tát Ðỏa. Ðây là tất cả những gì được truyền lại từ Mật Giáo.

Do nhơn duyên ấy ngài Long Mãnh Bồ Tát được kính ngưỡng là vị Tổ thứ ba.

Sau đây trình bày về ngài Long Trí Bồ Tát là vị Tổ thứ 4. Tuy nhiên lịch sử lý lịch của ngài được biết không rõ ràng56. Ðệ ngũ Tổ là ngài Kim Cang Trí Tam Tạng. Chắc hẳn một điều là ngài thọ nhận tịnh bình của Mật Giáo từ ngài Long Trí Bồ Tát. Lúc bấy giờ thấy Bồ Tát (Long Trí) hình dung còn trẻ, nhưng thật ra ngài đã 700 tuổi. Lại nữa sau nầy ngài Kim Cang Trí Tam Tạng lại dời sang Trung Quốc. Còn ngài lục Tổ Bất Không Tam Tạng lại một lần nữa trở về Ấn Ðộ để thăm ngài Long Trí Bồ Tát. Ngay cả thời kỳ ấy, chắc chắn ngài Long Trí vẫn còn mạnh khỏe.

Tư liệu để tham cứu về sự thật của lịch sử rất là giới hạn, nhưng việc ngài Long Trí Bồ Tát ở khoảng thế kỷ thứ ba đã nhận được tịnh bình của Mật Giáo từ ngài Long Mãnh Bồ Tát là có thực. Rồi đến thế kỷ thứ 7, thứ 8 do những vị Cao Tăng vĩ đại truyền thừa nhau mà đóa hoa của Chánh Truyền Mật Giáo tại Ấn Ðộ lại càng nở rộ thêm ra.


---o0o---

III.04.Kim - Thiện Lưỡng Tam Tạng và ngài Nhất Hành Thiền Sư

Ðối với Phật Giáo Ấn Ðộ như ta thấy có các vị Cao Tăng đã nỗ lực suốt cả cuộc đời, sau khi học hỏi Mật Giáo từ Ấn Ðộ, tự mình đem truyền rộng rãi sang Trung Quốc. Trong đó có ngài Thiện Vô Uý Tam Tạng (637 – 735) và ngài Kim Cang Trí Tam Tạng (671 – 741).

Ngài Thiện Vô Uý Tam Tạng là con của Quốc Vương xứ Ô Trà thuộc miền Ðông Ấn Ðộ. Lúc còn trẻ đã lên ngôi vua, nhưng sau nầy xuất gia và đi chu du đến các nước57 . Khi đến miền Trung Ấn Ðộ, ngài đến chùa Na Lan Ðà và gặp ngài Ðạt Ma Cúc Ða nhận làm thầy. Học Mật Giáo đến chỗ thâm sâu, rồi có một ngày ngài nhận được mệmh lệnh từ thầy mình rằng: “Con có duyên với Trung Quốc. Do vậy hãy sửa soạn sang đó để độ người”. Thế rồi ngài đi ngang qua Trung Á, tiếp đến vào Trung Quốc bằng đường bộ. Lúc bấy giờ đến Trường An vào thời Huyền Tông Hoàng Ðế thuộc năm Khai Nguyên thứ 4 (716) và lúc đó ngài ở vào tuổi 80. Huyền Tông đã đón ngài như là một vị Quốc Sư và ngài đã trú tại Nam Tháp Viện thuộc chùa Hưng Phước cũng như Bồ Ðề Viện thuộc chùa Tây Ninh v.v… nơi mà ngài biểu hiện việc thể nghiệm của Phật Pháp, tập hợp người lại học hỏi và Triều Ðình rất tôn kính ngài. Lại nữa ngài đã nỗ lực dịch những kinh bằng tiếng Phạn mang theo ra chữ Hán. Tiếp đến ngài đến ở chùa Ðại Phước Tiên ở Lạc Dương. Ðến năm Khai Nguyên thứ 12 (724) và cả năm sau nữa, ngài đã cùng đệ tử là Nhất Hành (trước đó là Vô Hành) (630…) được thỉnh cầu dịch 7 quyển văn chữ Phạn ra chữ Hán làm căn bản, nhan đề là: Ðại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh (được gọi là: Kinh Ðại Nhật). Ðặc biệt đây là một sự nghiệp to lớn mà những Tông Ðồ của Chân Ngôn Tông không thể quên được. Ðến năm Khai Nguyên thứ 23 (735) ngài nhập tịch vào tuổi 95.

Lại nữa về ngài Kim Cang Trí Tam Tạng xuất thân từ giòng dõi Bà La Môn ở Nam Ấn Ðộ. Có nơi nói là Vương Tử của miền Trung Ấn Ðộ. Ðiều nầy không rõ ràng, khi lên 10 tuổi ngài xuất gia tại chùa Na Lan Ðà. Tiếp đó ngài đi chu du khắp xứ Ấn Ðộ để học hỏi về Tiểu Thừa lẫn Ðại Thừa. Lúc 31 tuổi ngài đến vùng Nam Ấn Ðộ và bái kiến ngài A Xà Lê Long Trí để học hỏi về Mật Giáo. Sau khi thông hiểu áo nghĩa và thọ lãnh chơn truyền từ Ngũ Tổ Mật Giáo rồi, ngài hoằng hóa khắp nơi trên Ấn Ðộ để biểu hiện sự thể nghiệm của pháp ấy. Khi vân du xuống miền Nam Ấn Ðộ Ngài nhận được sự linh cảm báo mộng của Ðức Quan Âm. Đến núi Bổ Ðà Lạt ngài đã phát nguyện khai giáo tại Trung Quốc. Sau đó ngài dùng đường biển ở phía Ðông rồi ghé sang các đảo ở phía Nam. Tiếp theo đi về hướng Bắc và vào biển Trung Hoa. Ðã bao nhiêu lần bị sóng to gió lớn, đánh bạt phiêu lưu đây đó, mất cả 3 năm trời. Ðến năm Khai Nguyên thứ 7 (711) cuối cùng ngài đã đến được dưới trướng đời nhà Ðường. Năm sau, năm thứ 8, đầu tiên ngài đến Ðông Ðô Lạc Dương và đã yết kiến vua, rồi trở thành thân thiện với Huyền Tông Hoàng Ðế. Sau đó Ngài hay qua lại giữa Lạc Dương và Trường An. Ngài đã củng cố việc phiên dịch kinh điển bằng chử Phạn sang chữ Hán. Ðặc biệt đối với chùa Tư Thánh ở Trường An đã cùng với Sa Môn Nhất Hành là đệ tử của ngài Bất Không Tam Tạng, ngài dịch chung quyển “Kim Cang Ðảnh Du Già trung lược xuất niệm tụng kinh” (4 quyển) (được xưng là: lược xuất niệm tụng kinh). Ðây là dịch phẩm rất nổi tiếng. Tiếp theo ngài vẫn nỗ lực phiên dịch và tuyên dương về Mật Giáo. Lại nữa chính bản thân ngài khi ở tại chùa đương nhiên ngài đã kiến thiết đạo tràng Quán Ðảnh và thực hành Kim Cang Giới Mạn Trà La, đoạn thí giới cho Ðại chúng, nhằm giáo hóa về việc thọ lãnh Quán Ðảnh này. Ngài đã an lạc ra đi không bịnh hoạn vào năm Khai Nguyên thứ 29 (741) lúc ngài ở vào tuổi 71.

Trong những câu chuyện bên trên đã đề cập đến thỉnh thoảng có biết tên của ngài Nhất Hành thiền sư (683 – 727). Ngài là người ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc. Thưở nhỏ ngài là người rất thông minh, có trí nhớ rất tốt. Cả cuộc đời ngài siêng năng học tập, là một vị tăng có học vấn. Ðầu tiên ngài đã nỗ lực theo học Ðạo Giáo, Thiên Văn và Lịch Học. Ðến năm 21 tuổi khi cha mẹ mất, ngài xuất gia. Ðầu tiên ngài đến tu thiền với Thiền Sư Phổ Tịch (651 – 729). Kế tiếp ngài đã học Luật và Thiên Thai với ngài Huệ Chơn (673 – 751). Ngoài ra ngài còn được truyền thọ Bí Ấn cũng như Ðà La Ni bởi ngài Thiện Vô Úy Tam Tạng và Kim Cang Trí Tam Tạng. Trong lúc ấy ngài cũng đã cùng Thiện Vô Úy Tam Tạng dịch chung quyển “Ðại Nhật Kinh” và cùng với ngài Kim Cang Trí Tam Tạng dịch quyển “Lược xuất niệm tụng kinh”. Như trước đã ghi lại, ngài là người hỗ trợ rất đắc lực cho việc làm quan trọng nầy. Lại nữa khi ngài Thiện Vô Úy Tam Tạng giảng nghĩa nội dung kinh Ðại Nhật thì ngài Nhất Hành cùng chấp bút viết quyển “Ðại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh Sớ” (gồm 20 quyển) (được xưng là: Ðại Nhật Kinh Sớ). Nói đúng hơn đây chính là bảo điển58 của Chơn Tông giáo học59 .

Ngoài vấn đề Phật Giáo ra, ngài Nhất Hành còn soạn ra quyển lịch mới, gọi là “Ðại Ðiển lịch”. Lúc đương thời quyển lịch nầy được xử dụng rất rộng rãi. Ðiều nầy cũng phải ghi lại ở nơi đây. Nhưng lấy làm tiếc thay, đến năm Khai Nguyên thứ 15 (727) ngài ở vào tuổi 45 đã rời khỏi cuộc đời nầy trước cả hai vị ân sư Kim Thiện60 . Ðể lại bao nhiêu điều luyến tiếc của người sau, không có ai có thể kế thừa người mẫn tuệ như thế được. Sau khi ngài tịch rồi, được ban cho Thụy hiệu là Ðại Huệ Thiền Sư.


---o0o---

III.05.Bất Không Tam Tạng và Huệ Quả Hòa Thượng

Chính ngài Thiện Vô Úy Tam Tạng và ngài Kim Cang Trí Tam Tạng là những người đã truyền Chánh Thuần Mật Giáo vào Trung Quốc. Chẳng bao lâu ánh sáng ấy đã sáng và chúng ta phải nói rằng: Thời kỳ hoàng kim của Mật Giáo Trung Quốc là sự xuất hiện của ngài Bất Không Tam Tạng (705 – 774). Bất Không Tam Tạng là người Tây Vực, cũng còn gọi là người Thiên Trúc. Cha mất sớm khi còn nhỏ. Ðến năm Khai Nguyên thứ 3 (715), vào lúc ngài được 10 tuổi thì thúc phụ dẫn đến Trường An. Năm thứ 8 (720) lúc ngài 15 tuổi, ngài đã gặp được ngài Kim Cang Trí Tam Tạng tại đây. Chính ngài đã muốn trở thành đệ tử. Ðến năm Khai Nguyên thứ 13 (725), ngài 20 tuổi thì thọ giới Cụ Túc. Nhưng ngài không được hứa khả để được truyền thọ cho Chánh Thuần Mật Giáo. Sau đó cả 3 năm tu tập dụng công và ngài đã được nhận lãnh Bí Áo61 ấy. Ngài đã kế thừa làm vị Tổ Sư thứ 6 của Chân Ngôn Mật Giáo.

Vào năm Khai Nguyên thứ 29 (741) phụng thừa lời di huấn của Bổn Sư là ngài Kim Cang Trí Tam Tạng sau khi mất, là nên đi thỉnh thêm những kinh chú bằng tiếng Phạn để tạo cho kinh điển của Mật Giáo hoàn mãn hơn, nên ngài đã lập chí nguyện trở về lại Ấn Ðộ. Sau khi được sắc dụ của Hoàng Ðế Huyền Tông cho phép, vào năm Thiên Bảo nguyên niên (742), đúng vào mùa Ðông lúc ấy ngài 37 tuổi, ra đi từ Quảng Châu và giữa đường bị sóng to gió lớn, nên ngài phải mất một năm trời mới trôi giạt đến được nước Sư Tử62 . Nơi đây ngài được đãi ngộ như là một quốc khách, được trú tại chùa thờ răng Phật63 và gặp ngài Long Trí A Xà Lê tại đó và ngài có ý chí khẩn cầu một cách kiên cường. Chính lúc ấy ngài đã đem dâng hết vàng bạc và lụa là gấm vóc lên ngài Long Trí và được bảo rằng: “Với ta ngọc quý chính tâm nầy, chứ không phải những đồ quý giá ấy đâu”. Thế nhưng Ngài thấy người có chí và đến từ xa nên rất hoan hỷ và lập tức truyền bằng miệng những uẩn áo của Chánh truyền Mật Giáo. Đầu tiên được thọ 18 hội của Kinh Kim Cang Đảnh cũng như nhận được hơn 500 bộ kinh bằng chữ Phạn. Tiếp theo ngài Bất Không Tam tạng đã ở lại đất nầy thêm 3 năm nữa. Khi sở nguyện được thành tựu, ngài làm lễ cáo từ và mang theo 1,200 quyển kinh bằng chữ Phạn trên đường về lại nước.

Đến năm Thiên Bảo thứ 5 (746) ngài đã trở lại đất nhà Đường, sau đó báo cáo cho Huyền Tông Hoàng Đế mọi sự tình và nhà vua rất vui và cũng chính bản thân vua đã cho thiết lập đạo tràng trong cung vua để thọ nhận lễ Quán Đảnh. Lại còn ban ra sắc lệnh cho mở thêm Đàn Tràng tại chùa Hồng Lô và chùa Tịnh Cảnh để cho quan dân tập họp, hỏi đạo v.v… ngài cũng thường hay biểu hiện qua các công việc tu pháp cầu trời mưa hay cầu cho chấm dứt mưa gió v.v… Ngài đồng thời cũng là Quốc Sư của 3 vị vua như Huyền Tông, Túc Tông, Đợi Tông. Những vị vua nầy cũng đã thọ lễ quy y với ngài. Đã một thời Ngài là chỗ quy ngưỡng rất cao trong tầng lớp dân chúng. Đầu tiên ngài lấy chùa Đại Hưng Thiện tại Trường An làm trung tâm để phiên dịch, chú giải kinh “Kim Cang Đảnh Nhứt Thiết Như Lai Chơn Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng Đại Giáo Vương” (3 quyển) (lược xưng là: Kim Cang Đảnh Đại Giáo Chủ kinh) và sau đó qua sắc lệnh, ngài đã biên tập tất cả các kinh vào mục lục gồm có 77 bộ và 101 quyển. Ngoài ra còn nhiều loại khác nữa. Đến mùa xuân năm Đại Lịch thứ 9 (774) ngài thọ bịnh và đến ngày 15 tháng 6 ra đi ở tuổi 70 và trong đó các đệ tử được chỉ định đáng xưng dương là sáu vị hiền Triết gồm có các ngài: Hàm Quang, Huệ Siêu, Huệ Quả, Huệ Minh, Nguyên Kiểu, và Giác Siêu.

Trong số đệ tử đông ấy, chính thức được phú pháp là ngài Huệ Quả Hòa Thượng (746-805) ở chùa Thanh Long. Ngài sinh tại phủ Bắc Kinh đời nhà Đường vào năm Thiên Bảo thứ 5 (746). Lúc 9 tuổi ngài là đệ tử Đàm Trinh vào tu học với ngài Bất Không Tam Tạng. Vào năm Đại Lịch nguyên niên (766) lúc ngài 21 tuổi được xuống tóc tại Phật Điện chùa Thanh Long và sau đó được thọ giới Cụ Túc tại Đạo Tràng chùa Từ Ân. Ngài vẫn tiếp tục theo ngài Bất Không Tam Tạng học cả lưỡng bộ Đại Pháp và nhận tịnh bình. Để cuối cùng được phú pháp một cách chính thức và làm Tổ thứ 7 của Chân Ngôn Mật Giáo. Ngoài ra năm sau Đại Lịch thứ 2 sau khi đã học xong Lưỡng Bộ lại thọ nhận một lần nữa về Thai Tạng Pháp giới nơi ngài Huyền Siêu là đệ tử của ngài Thiện Vô Úy Tam tạng (khoảng năm 767), đặc biệt đã thể đắc được áo bí của Mật Giáo và ngài đã trở thành Đại đạo Sư của Bí Mật Du Già. Hòa Thượng từ khi còn trẻ đã biểu hiện nhiều kinh nghiệm về pháp tu. Cho nên đặc biệt đón nhận được sắc lệnh vào cung vua để truyền bí pháp. Bởi vì đã biểu hiện không ít kinh nghiệm thật bất khả tư nghì đó, cho nên với công đức ấy các vua Đợi Tông, Đức Tông, Thuận Tông đều quy y theo ngài. Ngài cũng giống như ân sư Bất Không Tam Tạng, làm quốc sư cho cả 3 đời vua. Đồng thời cũng đã có sự giao hảo rất tốt đối với các ngài Bát Nhã Tam Tạng và Mâu Ni Thất Lợi Tam Tạng, là những vị Tăng đến từ Ấn Độ. Ngoài ra từ Hải ngoại nhiều vị cũng xin phép vào đất Đường để được tu học và nhận ngài làm Thầy trò không phải là ít. Trong số nầy có các vị như: Biện Hoằng của Ha Lăng và Huệ Nhựt của Tân La cũng đã được thọ nhận Thai tạng pháp. Ngài Duy Thượng ở Sai Nam và Ngài Nghĩa Viên của Hà Bắc cũng đã thọ nhận được Kim Cang Giới Pháp. Ngài Nghĩa Minh của Nội Cúng Phụng và ngài Không Hải của Nhật Bản đã thọ nhận được hai bộ Đại Pháp64 . Như vậy đối với Đại Sư, ngài ở địa vị là Tổ thứ 8 của Chân Ngôn Mật Giáo vậy.
---o0o---

III.06.Kinh Đại Nhựt và Kinh Kim Cang Đảnh

Ở đây, đầu tiên là Bát Đại Cao Tổ và việc truyền đăng ở 3 nước về chư vị Đại Tổ Sư, mà điều căn bản to lớn nhất đối với kinh điển của Chân Ngôn Mật Giáo là: kinh Đại Nhựt và kinh Kim Cang Đảnh. Nơi đây muốn ghi lại vài dòng.

Ngài Thiện Vô Úy Tam Tạng đã dịch quyển: “Đại Tỳ Lô Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì kinh” (thường gọi là Đại Nhựt kinh) gồm có 1 bộ 7 quyển 36 phẩm, phần đầu là “Trụ Tâm”. Đây chính là phần giáo điển chủ yếu của Mật Giáo. Từ phẩm thứ 2 trở đi hầu như chỉ nói về phương pháp thực tập.

Đối với phẩm trụ tâm, đức Đại Nhựt Như Lai căn cứ vào trí tuệ của Phật mà được (tất cả trí tuệ). Nói về “Pháp môn của 3 câu”. Đó là: nhơn phát tâm Bồ Đề, gốc đạt được Đại Bi và phương tiện trở thành cứu cánh. Nghĩa là, tất cả người trí có thể được trí tuệ của Phật, do duyên khởi là tâm tìm cầu giác ngộ (Bồ Đề Tâm). Cái chủng tử gieo từ nguyên nhơn ấy, vì sự tự lợi lợi tha đầy đủ lòng đại bi trong muôn hạnh, là sự phát khởi cốt lõi để trở thành qủa vị chơn thật cao cả ấy. Cái quả vị ấy chính là thế giới hiện thật (phương tiện) như đã trình bày. Như vậy cái thế giới hiện thật ấy chính là hình ảnh biến mãn của qủa vị Phật qua phương tiện để đạt đến cứu cánh. Đây chính là lý niệm của Mật Giáo vậy.

Như vậy ở đây phải để ý khảo cứu đến cái nguyên nhơn và động lực của Bồ Đề Tâm ấy. Bồ Đề Tâm có thể nói là: “rõ biết cái như thật của tự tâm”. Như vậy nghĩa là ngoài việc thực chứng trí huệ của Phật ra không có cái gì khác. Tuy rằng bị mọi thứ chi phối tâm hành giả. Nhưng để đi đến kết luận có thể nói rằng: tâm ấy bổn lai thanh tịnh.

Quyển kinh “Kim Cang Đảnh Du Già Trung Lược Xuất Niệm Tụng” (4 quyển) do Ngài Kim Cang Trí Tam Tạng đã dịch ra chữ Hán, cùng với quyển „Kim Cang Đảnh Nhứt Thiết Như Lai Chơn Thật Nhiếp Đại Thừa Hiện chứng Đại Giáo Vương „(3 quyển) do ngài Bất Không Tam Tạng dịch cùng với những Tùng Thư từ trong 18 hội ấy, gọi một cách chung chung là: Kinh Kim Cang Đảnh.

Ở kinh Đại Nhựt đã xác lập cái tâm giác ngộ ấy là Bồ Đề Tâm và muốn nắm bắt được nội dung của kinh Kim Cang Đảnh một cách cụ thể và thực tiển thì phải quan sát tâm ấy cũng như triển khai một cách tinh tế từng giai đoạn của việc quán sát các pháp. Điều tối quan yếu ở đây là phải dùng đến “ngũ tướng thành thân quán”. Đó chính là:

Thông đạt Bồ Đề Tâm (nghĩa là quan sát nơi thân của

hành giả đầy đủ tâm bồ đề).

Tu Bồ Đề Tâm (xem tâm mình tròn đầy trong sáng như mặt trăng, quán sát việc xa rời những phiền não cấu nhiễm).

Thành Kim Cang Tâm (Quán tâm nguyệt luân đối với hình Tam Ma Da của Phật (hình ảnh của Phật tâm), tưởng nhớ đến tâm mình là tâm Phật).

Chứng Kim Cang thân (hành giả tự thân quán về thân Tam Ma Da của Bổn Tôn)

Phật thân viên mãn (quán về thân Tam Ma Da phía trước thay đổi thành thân Bổn Tôn tướng hảo cụ túc).

Đây là 5 phép quán mà hành giả và đức Phật hoàn toàn thành một thể và đây chính là bí quán để tỏ ngộ việc “tức thân thành Phật”.

Những điều như vậy ở trong kinh điển của Mật Giáo giống như đã trình bày ở phía trước là không phải được nói bởi Đức Thích Tôn mà đây gọi là: được thuyết giảng bởi Pháp Thân của Đức Đại Nhựt Như Lai. Ngay cả kinh Đại Nhựt và kinh Kim Cang Đảnh từ xưa đến nay có tất cả 3 điểm chính.

Thứ Nhứt gọi là bản: Pháp nhĩ thường hằng65 điều nầy nghĩa là Đức Đại Nhựt Như Lai vốn có một đời sống vĩnh viễn và ngay cả trong hiện tại ngài cũng vẫn còn đang tiếp tục thuyết pháp. Cho nên tất cả những hiện tượng tự nhiên của vũ trụ và hãy quán đây là những bài thuyết pháp của Như Lai, phải thấy đây là kinh chính thì đó là kinh gốc.

Điều thứ hai là từ xa xưa sự kết tập thuyết pháp của Kim Cang Tát Đỏa và Đại Nhật Như Lai là những kinh gốc và đã được thờ phụng trong tháp bằng sắt ở Nam Thiên Trúc. Sau đó ngài Long Mãnh Bồ tát mở được tháp nầy và ngài đã nhận được kinh gốc từ ngài Kim Cang Tát Đỏa truyền thọ cho. Kinh gốc nầy cho biết là có 10 vạn bài tụng của kinh Đại Nhật và kinh Kim Cang Đảnh (Tụng hay kệ nghĩa là kinh văn diễn tả bằng hình thức những câu thơ).

Điều thứ ba là bản (gốc) đang được lưu hành trong hiện tại. Bởi vì có đến 10 vạn bài kệ tụng qúa dài, cho nên các Đại Đức ở Ấn Độ cho đến thế kỷ thứ 7 chỉ lấy những yếu điểm gồm 3.000 câu làm kinh gốc. Những câu nầy đã được dịch ra chữ Hán và cũng đã được truyền sang Nhật Bản. Gọi đây là kinh Đại Nhựt và kinh Kim Cang Đảnh.


---o0o---

III.07.Tông danh: Chân Ngôn Tông

Như trên chúng ta đã thấy việc truyền thừa và Tông chỉ rồi, theo tôi (tác giả) nghĩ rằng mọi người ai ai cũng thừa biết tên gọi ấy lâu đời theo truyền thống là „Mật Giáo”, nhưng không hẳn là vậy.

Nghĩa là một bộ của Mật Giáo (gọi là tạp bộ Mật Giáo), nói chung chung vào triều đại ở Nara khi mà Mật Giáo được truyền đến Nhật Bản. Lại nữa trước Đại Sư đã có ngài Truyền Giáo Đại Sư thuộc Thiên Thai Mật Giáo (gọi là Thai Mật) đã khai diễn rồi. Do vậy nếu dùng danh từ Mật Giáo nữa thì không thể gọi chính xác về “Chánh Truyền Mật Giáo” được, mà Tông nầy mượn tên của Đức Giáo chủ gọi là “Đại Nhựt Tông”. Lại nữa ở phần chương kế tiếp sẽ tường thuật về “bản thể” và “lục đại”, nên cũng còn gọi là “Lục Đại Tông”. Cũng theo hình tướng của 4 loại Mạn Trà La mà gọi đây là “Mạn Trà La Tông”. Đôi khi theo cách dùng Tam Mật mà còn gọi đây là “Tam Mật Tông”. Đó là những cách gọi đã có từ xa xưa.

Từ trong những cách gọi ấy Đại sư đã tuyển chọn ra danh xưng và gọi là “Chân Ngôn Tông”. Đại Sư đã thỉnh về các kinh, trong ấy có một kinh gọi là kinh “Phân biệt Thánh vị”.

Trong đó còn gọi là: “Chân Ngôn Đà La Ni Tông”. Ngài đã tham khảo Kinh nầy và đã y cứ vào đó để đặt tên cho Tông nầy. Đơn thuần gọi là “Chân Ngôn Tông” hay gọi ngắn là “Chân Ngôn” là chính yếu mà “tay kết ấn, miệng xướng lên Chân Ngôn và tâm thì trụ ở Tam Ma Địa”. Nghĩa là trong 3 mật ấy không thể thiếu một mật. Nếu gọi không đầy đủ thì không cảm nhận được chỗ tận cùng. Tuy nhiên cái ý nghĩa sâu xa là tổng hợp tất cả những việc ấy.

Việc nầy, thật ra tất cả đều là những lời dạy, của Đức Phật cho tất cả mọi người theo Phật Giáo. Dĩ nhiên đó là sanh thân của Đức Thích Ca, chứ không phải chỉ là Tích Môn của Đức Thích Ca, đồng thời Pháp Thân của Đức Thích Ca và Bổn Môn của Đức Thích Ca cũng hiện hữu. Nhưng cuối cùng không khác gì với Đức Phật cả. Còn đối với tông chỉ của chúng ta66 không phải là Tông chỉ của Đức Thích Ca nói, mà là Tông chỉ của Đức Đại Nhật Như Lai nói. Đức Thế Tôn từng theo căn cơ của chúng sanh mà ứng hiện và dùng phương tiện để nói ra cho thích hợp. Nhưng Đức Đại Nhật Như Lai thì không giới hạn ở phương tiện mà nói bằng ngôn ngữ chơn thật trong cảnh giới giác ngộ nói ra những điều như thế. Ở đây có thể nói một cách cường điệu là điểm nầy rất đặc sắc với “Tôn Giáo của chúng ta” và tông ấy được quyết định là “Chân Ngôn Tông”.


---o0o---



tải về 2.3 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương