Chỗ Trọ Qua Đêm (Tự truyện của một Tăng sĩ Hoa-kỳ)1 Tác giả: Yogagivacara Rahula Dịch giả: Chơn Quán Trần Ngọc Lợi o0o Nguồn



tải về 1.85 Mb.
trang8/25
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích1.85 Mb.
#38246
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   25

CHƯƠNG 06 - ẤN ĐỘ


Theo những tin hành lang của giới du lịch, tôi đi thẳng đến Amristar (có nghĩa là 'Rượu Thiêng Linh Ứng hay Bất Tử'), đặc biệt đến thăm Đền Vàng54. Đền Vàng là đền thiêng nhứt của dân Sikhs. Đền là tâm điểm của Đạo Sikh, có thể nói tương đương với Mecca của Đạo Hồi, Vatican của Đạo Ky Tô, Jerusalem của Đạo Do Thái, và Cây Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) của Đạo Phật. Đạo Sikh là một chi của đạo Hồi. Đạo Sikh rất hiếu khách và không bao giờ kỳ thị vì tin tưởng rằng mỗi chúng sanh là một phần của Thuợng Đế Duy Nhứt. Đền Vàng bố thí55 chỗ ăn ở cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo. Do sự tiếp đãi nồng hậu này mà Đền là nơi dừng chân của nhiều du khách ba lô. Du khách chỉ cần kính trọng phong tục tập quán của đạo là đủ, ví như không để đầu trần và không mang giày lúc vào viếng các nơi linh thiêng trong Đền. Chánh điên là một vòm thếp vàng lộng lẫy, nằm giữa hồ nước vuông vĩ đại, nối liền với bên ngoài bằng chiếc cầu nhỏ. Vào đúng lúc trong ngày, vòm chiếu xuống nước tạo hình ảnh tuyệt mỹ.

Chánh điện là nơi các thầy và tín đồ tụng kinh, còn chung quanh hồ là chỗ cho đạo hữu, già như trẻ, lâm râm cầu nguyện hay âm thầm thiền định. Không khí thành tâm mộ đạo bao trùm cả không gian, cái không khí mà tôi hân hoan được thở lấy. Không khí ấy cũng từng nuôi dưỡng tinh hoa của Ấn Độ xưa, nơi được xem như cái nôi của đạo giáo mà ta cần vào để nhìn thấy Thượng Đế--thực chất của đời sống. Chuyến viếng thăm ngắn ngủi của tôi ở đây đã để lại trong tâm tôi ấn tượng càng lúc càng chán cái xã hội ganh đua xô bồ và cái tâm bấn loạn của tôi.

Ngoài Đền Vàng, Amritsar đại để cũng bụi bặm, ồn ào, đông người như các thành phố lớn của Ấn Độ. Nghĩ tới miền núi mát lạnh ở Manali, tôi liền dỡ bản đồ ra xem để chọn đường lên đó nhanh nhứt: phải đi xe lửa tới Ludhiana rồi xe đò ngang qua Simla và vô bang Himachal Pradesh của Manali. Sáng hôm sau tôi ra ga đi, cuốc xe lửa đầu tiên của tôi ở Ấn. Tôi tới trễ và không biết phải mua vé ở quầy nào vì là lần đầu tiên tới ga này, nên tôi lính quýnh chạy đại ra sân và nhảy đại lên xe lúc xe chuyển bánh. Xe quá đông kẻ chen người lấn, tôi phải đeo ngoài cửa. Tôi có nghe nói ở Ấn Độ có thể đi xe lửa khỏi tốn tiền nếu đi hạng nhì. Bấy giờ tôi đang đeo trên một toa hạng nhì và biết tại sao. Vì xe đông quá, người xét vé không thể và làm biếng len chân đi kiểm từng người. Không có ý định lợi dụng, tôi rất ái ngại và sợ bị bắt nên mắt cứ lom lom dòm chừng người xét vé mà tôi có lần kiếm khi xe ngừng ở một ga nọ. Đi đuợc nửa đường, lúc xe bắt đầu rời một ga lớn, có ông xét vé nhảy lên toa tôi và đeo ngay trước mặt tôi. Ông hỏi vé, tôi điếng hồn và lặng câm. Giây sau, tôi cố giải thích với chút mắm muối dậm thêm: "Tôi định mua vé nhưng...." Tôi cố làm như một du khách nghèo mới đến chưa am hiểu cách đi xe lửa ở đây, hy vọng chứng minh được là tôi không có ý định đi chui. Dẫu tả oán thế mấy ông vẫn không tin và chẳng chút động lòng. Bằng giọng khẳng định, ông buộc tôi phải gặp ông xếp ga khi xe đến ga tới. Rồi ông nói thêm, nếu tôi không muốn mất thời giờ thì tôi phải trả tiền vé cộng với một baksheesh là mười lăm rúp. Tôi biết mình có lỗi rồi và vì không muốn bỏ lỡ chuyến xe để vô phân trần với ông xếp ga nên tôi chọn con đường nhanh và dễ nhứt, cũng như tôi đã từng làm ở chỗ biên giới. Sau đó tôi có vé chánh thức đi tới Ludhiana một cách danh chánh ngôn thuận..

Sau cùng, tôi chen vô được bên trong và được một cậu Sikh cho ngồi ké vô để cậu có dịp tập nói tiếng Anh với tôi. Cậu lịch sự hỏi tôi một lô câu hỏi như tôi thường nghe ở Thổ Nhĩ Kỳ, cộng thêm câu tìm hiểu: "Ông đi vì công việc gì?" Nhiều người Ấn nghĩ rằng khách ngoại quốc đến Ấn Độ với mục đích gì đó, chớ ít khi biết có người chỉ muốn đến đây để du lịch. Tôi trả lời: "Mục đích của tôi là không có mục đích gì cả." Thiệt tình tôi không có mục đích rõ ràng nào trong đầu hết, dầu tôi đang trên đường lên Manali để được khí hậu mát mẻ hơn.

Manali nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, rất ngoạn mục như tôi đã hình dung qua nhiều mô tả trước đây. Xe đò ngừng ở trạm nằm trên khoảng giữa của con đường dài chính rất đông đúc. Dọc hai bên đường là hai dải tiệm nước, tiệm ăn, tiệm buôn, và nhà nghỉ. Sau cuộc xâm lăng của Trung Quốc hồi 1959, nhiều người Tây Tạng di cư đến đây lập nghiệp; họ còn giữ lối sống và trang phục cổ truyền rất đậm nét. Việc đầu tiên tôi làm là tìm một khách sạn rẻ tiền để nghỉ đêm. Chỗ đầu tiên tôi đến là một phòng ngủ chung trong ấy có anh chàng người Mỹ bị bịnh vàng da đang ở. Mắt và móng tay anh ta vàng chạch. Anh mệt mỏi trông thấy và đang được vài bạn tới lui thăm viếng giúp đỡ. Tôi không muốn sống với anh ấy trong phòng chung đó nhưng đành phải tạm mướn một giường trống sẵn có đó để đồ rồi sẽ đi tìm nhà riêng hay phòng trong nhà riêng mướn một tháng đặng có thể phê một mình.

Qua một ngày lục lọi, tôi mướn được phòng trong một căn nhà gỗ lớn trên lưng đồi không xa thành phố lắm, với giá rất nhẹ, mười đô la một tháng. Sáng hôm sau tôi dọn vô; tôi ở từng dưới còn gia đình ông bà chủ người Tây Tạng ở từng trên. Nhiều bạn Tây khác cũng mướn nhà riêng như tôi và đang ở rải rác quanh đây.

Manali là nơi nghỉ ngơi mà dân hippi Tây Mỹ rất thích vì có đồng cần sa bốn phía. Chỉ cần ra khỏi nhà, nhổ một bụi cây trồng, phủi phấn hoa rin rít, là có thể có hash hút rồi. Tuy nhiên nếu muốn có vài gram nhựa để hút một ngày, phải mất nhiều thời gian mới chích được đủ. Nhiều dân địa phương cũng như bọn ghiền Tây sống bằng nghề này; họ bán cho tụi làm biếng như tôi chẳng hạn. Tôi mua một cục lớn. Là dân California, tôi có thể hút bằng cách vấn hoa với phấn già theo kiểu thông thường hay trộn với hash làm chillum.

Dọc con đường mòn lên rừng, theo suối đi qua xóm nhà lá của dân tị nạn Tây Tạng, bên kia cầu, có nguồn nước nóng/nhà tắm. Với món tiền vô cửa nhỏ, khách có thể ngâm mình để mồ hôi và dơ bẩn trên người trôi đi, hoặc cho vết ong độc chích bớt nhức. Trên núi có thiền viện của một Lạt Ma Tây Tạng già mà du khách Tây Mỹ thường lên để học hành thiền. Lúc bấy giờ tôi không thấy cần thiết lên đó gặp ngài, nhưng tôi có dành nửa ngày đi xem vùng núi đồi chung quanh sau khi hít một liều với thằng bạn ghiền. Từ lúc rời Gomera tới nay đây là lần du ngoạn đầu tiên của tôi; tôi cảm thấy tâm trí thênh thang nhẹ nhàng.

Sau hai tuần sống trên núi, tôi bỗng cảm thấy người uể oải, lờ đờ. Đồng thời nước tiểu tôi biến màu nâu sậm. Tôi nghi tôi bị 'hep56'. Trong hơn hai tháng qua, tôi sống chung chạ với nhiều người có triệu chứng của bịnh này hay có thể đã bị bịnh mà triệu chứng chưa lộ ra, nên tôi không ngạc nhiên nếu mình bị đau gan. Để biết chính xác hơn, tôi xuống bệnh xá truyền giáo địa phương nhờ ông bác sĩ người Anh thí nghiệm nước tiểu. Da, mắt và móng tay móng chân tôi trở vàng rất nhanh, còn phân có màu trắng bệt. Sinh lực tôi mất đi rất nhiều. Theo lời khuyên của bác sĩ cũng như các bạn, tôi uống 'Liver 52', không ăn dầu mỡ, đồ chiên xào, cử rượu, và nghỉ ngơi. Không có cách trị liệu nào khác hơn cho bệnh viêm gan hepatitisnhẹ này. Tôi thường bị mệt nên chẳng nấu nướng gì nhiều, chỉ cắt rau đậu thảy vô nồi súp nấu để vừa ăn trưa vừa ăn tối. Ronald có tới mỗi ngày một lần giúp nấu nướng hay đi chợ mua dùm rau củ. Tôi gặp lại nó trước khi bị bệnh; nó đi Afghanistan về và mướn nhà ở gần đây. Cô bạn Monique của nó đã đi đường khác không biết vì lý do gì mà nó không có nói. Tôi cũng đề phòng trước nên có trử một số thuốc xài cho mươi ngày. Tôi được khuyên không nên hút nhưng vì đã quen quá lâu thành thử không cai được. Sau bữa ăn sáng tôi thường ra sân truớc làm điếu jointhaychillum. Tôi ngồi đây ngắm rạng cây, thung lũng và thành phố dưới chân đồi cho đến khi mệt mới thôi. Vô nhà, tôi ngủ một giấc cho đến giờ ăn trưa mới dậy. Tôi lập lại thời khóa biểu này cho tới bữa ăn tối, rồi từ tối tới lúc tôi buồn ngủ.

Sau một tuần, da và mắt tôi bớt vàng và tôi bắt đầu lại sức. Vài ngày tiếp theo, tôi khỏe hẳn và không thấy còn các chứng bệnh cũ nữa. Bấy giờ chân tôi bắt đầu ngứa ngáy, tôi muốn lên đường. Tôi và Ronald định đi chung chuyến đi hippi này qua Nepal trong lúc thu sang.

Hai đứa xuống ở dưới New Delhi vài hôm để xin chiếu khán. Sau đó tụi tôi đi Agra như nhiều du khách khác để xem Taj Mahal. Sáng hôm sau tụi tôi lấy xe lửa đi theo hướng Đông tới Benares. Benares còn gọi là Varanasi là thành phố cổ nhứt nhưng còn sinh động lắm. Đó cũng là thành phố mà dân Ấn xem như linh thiêng nhứt nên ai cũng ước ao được gởi xác lại đây. Thành phố nằm trên bờ Tây sông Hằng (Ganges), dòng sông mà người Hindu trên toàn quốc mong được đến để nhúng mình trong nước tin tưởng là trong lành đặc biệt. Người chết nào mà được tẩy trần bằng nước sông Hằng và hỏa thiêu trên bờ sông Hằng thì phúc đức vô lượng. Nếu chết trong đêm, sáng hôm sau thi thể sẽ được kiệu ngay tới giàn hỏa để thầy Brahmin làm các lễ tang sau cùng. Càng giàu bao nhiêu thì nghi lễ càng rườm rà bấy nhiêu. Mỗi ngày từ sáng đến tối có cả trăm đám hỏa thiêu trên bờ sông này.

Tụi tôi ở lại Benares vài ngày và mỗi ngày tôi đến bờ sông xem hỏa táng. Lúc bé, nhiều tối nằm trên giường chờ ngủ, tôi tưởng tượng chết rồi chắc mình sẽ không còn biết thế giới về sau như thế nào, tôi đâm sợ. Nhưng bây giờ thấy thân người cháy thành tro bụi trong khoảnh khắc, tôi suy tư nhiều về bản chất của con người. Tôi nghĩ tới lý sanh tử, sự vô nghĩa của thể xác lúc tử thần gần kề và sự tan hoại tiếp liền sau đó. Tôi nhận biết tính mong manh của thể chất và khoảng thời gian mà mọi sinh vật sanh sống, nhưng không biết lúc nào chấm dứt, và sau cái chết việc gì sẽ nối tiếp. Tôi phân vân không biết tâm sẽ đi đâu, đến một cõi khác hay sẽ mất và chấm hết. Tôi chẳng biết làm sao giải đáp thỏa đáng các câu hỏi bí truyền nát óc ấy.

Tôi cũng thường xuống mé sông ngồi trên bực thang dưới bến nhìn đám đông. Họ vừa giặt đồ hay ngâm mình trong nước thiêng, vừa nghe kinh và các khúc hát đạo phát ra từ nhiều loa đặt trên nóc đền. Tôi tìm cách hòa mình với hàng ngàn tính đồ đang hướng tâm lên Thượng Đế. Một hôm tôi vô tiệm bán hàng vải gần đó mua cái khăn choàng mỏng in nhiều biểu tượng và câu chú Hindu và Phật giáo, phù hiệu tôn giáo đầu tiên của tôi. Tôi thấy nhiều Tây ba lô choàng khăn này nên muốn mình cũng có một cái cho có vẻ duy linh. Tôi lục nhiều thùng để chọn màu và biểu tượng mà tôi thích. Sau cùng tôi mua khăn màu vàng với hàng chữ Phạn OM và hình Đức Phật đang tọa thiền. Tôi bắt chước choàng khăn lên vai. Thỉnh thoảng tôi dùng khăn cột mớ tóc dài.

Một xế nọ, tôi lấy xe đò đi ra khu di tích lịch sử Saranath, nơi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên 'Chuyển Pháp Luân,' sau khi Ngài ngộ đạo. Công viên Saranath rộng, ít người, trong lành, và được gìn giữ tươm tất. Sau khi đi quanh xem các phế tích và lâu đài nguy nga, tôi đến đền chánh. Đền không có mở cửa. Tôi bèn ngồi xuống gốc cụm tre, móc điếu thuốc vấn sẵn ra hút. Thoạt tiên tôi nghĩ không biết có vô lễ hay phạm thượng không nếu hút ma túy trong chốn thiêng liêng, dầu tôi có biết một số người Hindu tu khổ hạnh hút ganja vì tin rằng thuốc giúp họ thiền định. Tôi tự hỏi tại sao tôi cần hút trong lúc tôi cảm thấy rất thoải mái và an lạc rồi; tôi tự nhận rằng tại vì thói quen và vì tôi luôn luôn muốn phê ở những nơi xa lạ hoặc nổi tiếng là có thần lực đặc biệt. Mặc dầu tôi hỏi và có ý thiên về phía không nên hút, tôi không thể cưỡng lại. Tôi bật lửa mồi thuốc trong lúc mắt đảo quanh xem có ai nhìn mình không.

Nhơn lúc ở tại đất Phật, tôi thử nhớ lại những gì đã học hay nghe về Đức Phật, kinh Phật, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, vân vân, nhưng tôi không còn nhớ gì nhiều. Nói về sự ngộ đạo, tôi đoán: "Phải chăng là cái lâng lâng thường xuyên và cái phê tối hậu?" Tôi hơi bi quan vì biết mình đã hút hít lâu nay và nhứt là vì không biết mình sẽ đi về đâu. Lúc học hành Thiền Tiên Nghiệm (Transcendental Meditation), tôi có được dạy rằng ma túy xung khắc với thiền; thâm tâm tôi hoàn toàn đồng ý với lời dạy ấy. Tôi hy vọng sẽ sớm bỏ hút và trở lại thiền như tôi đã có lần tự nhủ sau khi tạm ngưng TM. Đã hơn hai năm qua, tôi nhận thấy mình hút nhiều nhưng vui ít. Tuy nhiên tôi chưa có lựa chọn nào khác đủ khả năng quyến rũ, hay những điều kiện có thể khuyến khích tôi bắt đầu xa lánh ma túy.

Ronald và tôi chọn vô Nepal qua ngả biên giới ít người lui tới trên phía Bắc Gorakpur rồi đi thẳng đến Pokhara. Đó là con đường ngắn nhứt từ Benares đến. Trong địa phận Nepal, cách đây lối hai mươi dặm là Lumbini, nơi Phật đản sanh. Đã viếng Lộc Uyển ở Saranath, tôi muốn ghé qua di tích thiêng liêng thứ nhì của Phật giáo dầu rằng đức tin nơi Phật của tôi chưa hẳn đủ mạnh thúc đẩy tôi làm việc này. Bấy giờ sự việc tùy thuộc nơi chiếc xe đò đi Pokhara đang đợi khách ngoài biên giới. Nói là đợi khách chớ thật sự xe đã đầy nhóc đến đỗi vài khách phải ngồi trên mui. Tôi và Ronald leo lên mui vì chỉ trên đó mới còn chỗ. Vã lại, chúng tôi cũng muốn được nhìn phong cảnh hoành tráng của Hy Mã Lạp Sơn, thở không khí trong lành, và hút thoải mái. Annapurna Himal tuyệt vời với Núi Machhapuchhre như cái 'Đuôi Cá57' vượt cao chọc trời trên năm-sáu ngọn núi khác. Tất cả đều cao hơn hai mươi hai ngàn bộ.

---o0o---



tải về 1.85 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương