CHỮ quốc ngữ TẠi bình đỊNH



tải về 0.67 Mb.
trang5/8
Chuyển đổi dữ liệu24.04.2018
Kích0.67 Mb.
#37093
1   2   3   4   5   6   7   8

CHÚ DẪN:
[1] Lê Quí Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 264.

[2] Pratier de la carte Général Asie de Bleau (1608).T.XXIXN04-E. Trimestre, 1954 – trong luồng mậu dịch của Tây Ba Nha.

[3] Dặm – mile là một đơn vị đo chiều dài, thường được dùng để đo khoảng cách, trong một số hệ thống đo lường khác nhau, trong đó có Hệ đo lường Anh, Hệ đo lường Mỹ và mil của Na Uy/Thụy Điển … chiều dài của mỗi hệ chênh lệch khác nhau, nhưng nói chung là hơn 1km và dưới 3km. Đơn vị khoảng cách gọi là mile (dặm) được sử dụng lần đầu tiên bỡi những người La Mã để chỉ một khoảng cách là 1000 pace (bước chạy), (1000 pace trong tiếng La Tinh gọi là mile passus) hoặc 5000 feet La Mã và tương ứng với khoảng 1.480 mét.

[4] Borri, Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong, Nxb Thăng Long, Hồng Nhuệ dịch, tr.75, 78, 79.

[5] Đỗ Bang, Phố cảng vùng Thuận Quảng, Nxb Thuận Hóa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tr. 154.

[6] Manguin, Les Portugais sur côtes du Vietnam et du Campa, BEFEO, Paris, 1972.

[7] Đỗ Bang, Phố cảng vùng Thuận Quảng, sdd, tr. 164.

[8] - Đinh Văn Hạnh, Về các cảng khẩu bên đầm Thị Nại, Luận văn cử nhân, Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Huế, 1986.

- Nguyễn Minh Hoàng, Tìm hiểu thị tứ Nước Mặn, Luận văn cử nhân, Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1991.

[9] Keith W.Taylor, Thuận Quảng và Bình Định trong cuộc xung đột vùng miền ở Việt Nam, tạp chí Xưa & Nay, số 270, 10/2006, tr. 8.

[10] Lê Đình Phụng, Thương cảng Nước Mặn Quy Nhơn), - Xứ Đàng Trong, in trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb Thế Giới, 2007, tr. 583-592.

[11] Trần Đức Anh Sơn, Các thương cảng vùng Trung Bộ Việt Nam và con đường gốm sứ vùng Tây Nam Thái Bình Dương trong thời đại thương mại (thế kỷ XVI-XVII), in trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb Thế Giới, 2007, tr. 559-575.

[12] Nguyễn Xuân Nhân, Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 2010, tr. 94.

[13] Bùi Minh Trí – Phạm Quốc Quân, Gốm Hizen Nhật Bản tìm thấy ở một số địa điểm khảo cổ học ở Việt Nam, tạp chí Khảo cổ học, số 4/1994, tr. 44.

[14] Đỗ Trường Giang, Sự chuyển hóa từ thương cảng Chăm sang Việt (trường hợp Thị Nại-Nước Mặn), tạp chí NCĐNÁ, 2008, số 8, tr. 71-76.

[15] PGS. TSKH Lý Toàn Thắng và các cộng sự, Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ”, Viện Ngôn ngữ học – Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, 2006, tr. 233, 234.

[16] Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của giáo hội Công giáo Việt Nam, Định Hướng Tùng Thư, 2004, Tom I, tr. 13.

[17] Xem bản văn được BNF số hoá: http://purl.pt/22670/3/#/0. Phần báo cáo về Đàng Trong, xem lá thư từ Macao của Antonio di Sousa, “Lettera annua del collegio di Macao, porto della Cina, al M. R. Padre Mutio Vitelleschi, Generale della Compagnia di Giesù, l’anno 1617”, trang 376-79; và của Francesco Eugenio, “Lettera annuale del collegio di Macao al Molto Riuerente Padre Mutio Vitelleschi Generale della Compagnia di Giesù l’anno 1618”, trang 392-401, (trang 400 in lầm Pulocambi thành Pechino).

[18] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, q. XXXIII.6, Nxb Văn Sử Địa Hà Nội, 1950, tr.1513.

[19] Xem thư của G João Rodrigues Giram gửi Nuno Mascarenhas, từ Ma cao 26.2.1615: ARSI, Jap-sin quyển 18-11, trang 169-171 và 172-173; thư của Valentin de Cavalho gửi Nuno Mascarenhas, từ Ma Cao 9.2.1615, tr.174-175.

[20] Xem Giuliano Baldinotti, “Viagem de Tunkim”“Breve relacap” (1626): Lisbonne, Biblioteca da Ajuda, “Jesuitas na Asia” quyển 49/v/31, tr.15-24; Pero Marques “Anua de Tunkim an~o 1627” đề ngày 25.7.1627:ARSI, Jap-sin quyển 88, tr. 11-18, v.v.

[21] Đỗ Quang Chính, SJ. Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sdd, tr. 20.

[22] Lm JMT Nguyễn Thế Thoại, “Công giáo trên quê hương Việt Nam”, sdd, Tr.70-71.

[23] Phía Nam sông Gianh – Đàng Trong.

[24] Borri muốn nói Qui Nhơn.

[25] Lm JMT Nguyễn Thế Thoại, “Công giáo trên quê hương Việt Nam”, sdd, tr. 67-68.

[26] Jap-Sin là chữ viết tắt để chỉ các tỉnh dòng Nhật Bản (provincia japonica) Trung Hoa (vice-provincia sinica). Tài liệu này có 10 trang, loại giấy phương Đông và mực chưa bị hư hao gì.

[27] Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, sdd, tr. 199.

[28] Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, sdd, tr. 83.

[29] Lorenzo delle Pozze, Lettere annve del Giappone, China, Goa, et Ethiopia. Scritte. Al M. R. P. generale della Compagnia di Giesù, Napoli, 1621, tr. 376-79.

[30] Lorenzo delle Pozze, Lettere annve del Giappone, China, Goa, et Ethiopia, Sdd, tr. 392-401.

[31] Jason M. Wilber, Transcription and Translation of a Yearly Letter From 1619 Found in the Japonica Sinica 71 from the Archivum Romanum Societatis Iesu, Brigham Young University, Decembre 2014.

[32] Gaspar Luis “Histoire de ce qui s’est passé et tiré des lettres écrites des années 1620 jusqu’à 1624…”. Paris 1628. p. 127-128, theo NTT, sdd, tr. 71.

[33] [34] Đỗ Quang Chính, SJ. Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615- 1773, sđd, tr. 40.

[35] [36] Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của giáo hội Công giáo Việt Nam, sdd, tr. 85

[37] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, sđd, tr. 24 – 27. – Lm. Roiz dùng 11 từ Quốc ngữ. Lm. Luis dùng ít hơn, hình thức cũng giống như lm. Roiz, trừ chữ Ungué (ông Nghè) và Bancô (Bàn Cổ).

[38] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, sđd, tr. 29.

[39] “Dictionarium Anamitico – Latinum” và “Dictionarium Latino – Anamiticum” (Jean Louis Taberd, Serampore (Ấn Độ), 1838).

[40] Đỗ Quang Chính, SJ. Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615- 1773, sđd, tr. 68.

[41] Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của giáo hội Công giáo Việt Nam, sdd, tr. 89

[42] Đỗ Quang Chính SJ. Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, sđd, tr. 64-67.
---------------------------------------------------------------------------------
NHÀ IN LÀNG SÔNG – MỘT TRONG BA TRUNG TÂM

TRUYỀN BÁ CHỮ QUỐC NGỮ VÀ VĂN HỌC QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN

Ở VIỆT NAM
Nguyễn Thanh Quang
Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh là địa danh qua các thời kỳ của tỉnh Bình Định ngày nay, một vùng đất có nhiều gắn bó với việc ra đời và phát triển chữ Quốc ngữ, là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ (1618-1622), và là một trong ba trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam: Nhà in Làng Sông / Qui Nhơn.
Việc cấm đạo vốn đã có từ thời các chúa Nguyễn, khi khoan khi nhặt theo mức độ quan hệ buôn bán (thuận lợi hoặc khó khăn) với người phương Tây, nhất là người Bồ Đào Nha. Đến thời Nguyễn Ánh – Gia Long, do nể tình linh mục Bá Đa Lộc và người Pháp giúp lên ngôi Hoàng Đế nên mới khoan hòa. Triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị trở lại cấm đạo, thời Tự Đức lại càng dữ dội, khắc nghiệt hơn. Trong khi, việc truyền giáo bị nghiêm cấm và đời sống của giáo dân bị đe dọa, thì sách vở truyền đạo vẫn tiếp tục ra đời. Hậu bán thế kỷ XIX, một số nhà in của các giáo phận được thành lập, các loại sách đạo, sách đời bằng chữ Quốc ngữ xuất hiện nhiều.

Nghề in đúc (typô) đầu tiên du nhập vào Việt Nam tại Sài Gòn Năm 1861, tất cả máy, chữ, mực in, giấy và công nhân kỹ thuật được đưa từ Paris (Pháp) sang. Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên là Gia Định Báo, xuất bản số đầu tiên ngày 15/4/1865, đến năm 1910 đình bản [1], do Trương Vĩnh Ký làm Chủ nhiệm. Bên cạnh một số nhà in của chính quyền thực dân Pháp, sử dụng in công văn giấy tờ phục vụ chính sách xâm lược của chúng, lúc bấy giờ còn có một số nhà in của Giáo hội Thiên Chúa giáo. Ba nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên Việt Nam là: ở Nam kỳ có Nhà in Nhà Chung / Tân Định (Sài Gòn) của giáo phận Tây Đàng Trong (khu vực Sài Gòn-Gia Định và các tỉnh Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long); ở Trung kỳ có Nhà in Làng Sông / Qui Nhơn (Bình Định) của giáo phận Đông Đàng Trong (từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên) và ở Bắc kỳ có Nhà in Kẻ Vĩnh / Ninh Phú (Hà Nội) của giáo phận Tây Đàng Ngoài (khu vực Hà Nội và phía Tây sông Hồng).

Tại địa phận Tây Đàng Trong, nhà in được xây dựng năm 1867 [2] tại sở quản lý Nhà Chung (Sài Gòn): Imprimerie de la Mission (Nhà in Nhà Chung), dưới thời Giám mục Jean Clause Miche, do Linh mục Donatien Eveillard thực hiện. Đến năm 1874, Linh mục Donatien Eveillard chuyển nhà in về Tân Định [3]. Quyển sách sớm nhất hiện biết của nhà in Sài Gòn (Tân Định) bằng tiếng Pháp: “Syllabaire annamite pour apprendre à lire le latin, l’annamite et le chiffres (Vần An Nam để đọc tiếng La tinh, tiếng An Nam và các số), in năm 1867 và những quyển Sách Bổn (Catéchismes) [4].

Theo Báo cáo năm 1873 của Giám mục Puginier, địa phận Tây Đàng Ngoài có một nhà in thạch bản và hai nhà in typô (Kẻ Vĩnh, Kẻ Sở / Ninh Phú, Kẻ Lõi) một dành cho các sách La tinh, một dành cho các sách Việt Nam (Quốc ngữ). Hiện nay được biết, ngoài quyển “Bổn giảng về bảy phép cực trọng chúa Jesu đã lập”, nhà in địa phận Tây Đàng Ngoài, năm 1882 và “Từ điển An Nam - La tinh” (Dictionarium Annamatico - Latium) của J.S. Theurel, nhà in Ninh Phú 1877, hiện còn quyển sách kinh Quốc ngữ sớm hơn là quyển “Lễ Phép và Chữ Đỏ” in tại nhà in Ninh Phú Đường, năm 1875.

Tiểu chủng viện Làng Sông xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, ngày nay thuộc thôn Quảng Vân xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tòa giám mục và Nhà in cuả địa phận Đông Đàng Trong cũng được xây dựng tại Tiểu chủng viện Làng Sông sau đó.

Báo cáo tình hình giáo phận Đông Đàng Trong năm 1873 của Giám mục Charbonnier có ghi: giáo phận có 3 nhà thuốc và 1 nhà in [5]. Và Báo cáo hiện tình giáo phận Đông Đàng Trong năm 1885 của Giám mục Van Camelbeck Hân, về những thiệt hại nhân sự và cơ sở vật chất do Văn Thân như sau: “cơ sở vật chất bị phá hủy 17 cô nhi viện, 10 phước viện, 4 nông trại, 2 tiểu chủng viện, 2 nhà phát thuốc, 1 nhà in,…” [6].

Căn cứ các báo cáo này, nhà in của giáo phận Đông Đàng Trong – nhà in Làng Sông có trước thời điểm năm 1872, bị phá hỏng năm 1885. Và có thể, nhà in Làng Sông được xây dựng vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XIX, ra đời trước nhà in của giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) và nhà in của giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội)!

Năm 1904, nhà in Làng Sông được Giám mục Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết và giao cho Linh mục Paul Maheu làm giám đốc [7]. Mémorial, Mission de Quinhon số 109, Juillet 1914, thông báo một số qui định về in ấn của Giám mục Damien Grangeon Mẫn: …nhà in bấy lâu nay chưa đủ của mà thưởng kẻ đặt sách vở cho cân xứng; nên ta chưa nghị định điều gì về sự thưởng và việc in; nay nhờ ơn Chúa giúp, nhà in đã khá thạnh, thì ta quyết ít điều như thế này:



1. Nhà in có lãnh in sách gì của ai, dầu là của người bổn đạo thường, thì định công thưởng người ấy thế này:

a. In lần đầu thì sẽ thưởng 20 bổn, mỗi lần sau 10 bổn.

b. Một ngàn (1.000) bổn in đầu hết, hễ lợi 100, sẽ thưởng 20, còn bao nhiêu nữa, in mấy lần nữa, thì cứ lợi 100 thưởng 10.

2. Mỗi lần in ra, thì sẽ cứ bình giá Cố coi nhà in đã định và Bề trên đã ưng nhận, mà phỏng tính sẽ lợi được bao nhiêu, mà định phần kẻ chép sách; tiền bạc ấy sẽ giao trụm liền một lần cho tiện.

3. Mãn 10 năm thì kẻ chép sách chẳng còn đặng thưởng gì nữa, chỉ mỗi lần in lại thì sẽ được 10 bổn mà thôi.

………


Ấy vậy trong lúc bây giờ đâu đó có trường dạy chữ quấc ngữ: ta khuyên các Cha rán làm sách vở, nói về đạo thánh cùng phong hóa cho trẻ nhỏ đạo ngoại xem…[8].

Linh mục Paul Maheu là người rất thông thạo về kỹ thuật in ấn trước khi sang Việt Nam. Linh mục Paul Maheu trực tiếp điều khiển nhà in Làng Sông từ năm 1904 đến năm 1913; tháng 5 năm 1913, ông về Pháp chữa bệnh và ở đó mãi đến năm 1919 mới trở lại Bình Định tiếp tục quản lý nhà in. Từ năm 1904 đến 1945, ngoài Paul Maheu, còn có các nhân vật “sáng giá” khác quản lý nhà in Làng Sông / Qui Nhơn: Linh mục Perreaux, Linh mục Charles Dorgeville. Linh mục Charles Dorgeville là một giáo sư dạy tiếng Latin, một chuyên viên cơ khí tài năng, một thợ điện lành nghề, và nhất là một công trình sư. Chính ông là tác giả các công trình lớn của Địa phận Đông Đàng Trong, trong đó có Tiểu chủng viện Làng Sông.

Từ khi Paul Maheu làm Giám đốc năm 1904 đến năm 1945, là thời kỳ cực thịnh của nhà in Làng Sông / Qui Nhơn. Với những người quản lý nhà in giỏi về kỹ thuật, hệ thống máy in trang bị mới, khổ rộng và hiện đại nhất lúc bấy giờ, một số lượng sách, báo rất lớn đã được nhà in xuất bản. Trong năm 1922, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng Báo Lời thăm mỗi tháng hai số, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông / Qui Nhơn trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3.407.000 trang in [9].

Hai cây bút Quốc ngữ người Bình Định nổi tiếng miền Trung lúc bấy giờ được nhiều người biết đến và có tác phẩm in ở nhà in Làng Sông / Qui Nhơn đó là Linh mục Đặng Đức Tuấn (Linh mục Khâm) và nhà giáo Bùi Văn Lăng. Năm 1862, Linh mục Đặng Đức Tuấn được vua Tự Đức cử ông tháp tùng sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương nghị với Pháp ký Hòa ước Nhâm Tuất. Đặng Đức Tuấn giỏi cả chữ Hán, chữ Nôm, chữ La tinh, Pháp văn, được giới văn đàn lúc bấy giờ chú ý, ông viết thi phẩm Quốc ngữ có qui mô lớn: Tự tích Đức Cha Thể, Làng Sông Imprimerie de la Mission, năm 1905 (505 câu lục bát). Nhà giáo Bùi Văn Lăng chuyển ngữ thơ tiếng Việt sang tiếng Pháp rất giỏi, được giới văn đàn lúc bấy giờ nể trọng, sách đã in: Địa dư mông học tỉnh Bình Định, Imprimerie de Làng Sông, 1933 (tái bản 1935), Danh nhân Bình Định, Imprimerie de Qui Nhơn, 1942, Lịch sử Đào Duy Từ, Nostalgie par une nuit d’automne; chuyển ngữ: Tần cung oán, Chinh phụ ngâm, Truyện Trê Cóc.

Đáng chú ý, nhà in Làng Sông / Qui Nhơn thuộc Địa phận Đông Đàng Trong đã in nhiều loại sách của các cây bút Quốc ngữ nổi tiếng ở Nam Bộ thuộc Địa phận Tây Đàng Trong, như: Chuyện đời xưa (tái bản lần thứ 2) của Trương Vĩnh Ký; Chuyện giải buồn (2 tập) của Pierre Lục; 30 đầu sách của Lê Văn Đức (một trí thức nổi tiếng Nam bộ, thế hệ sau Trương Vĩnh Ký) gồm nhiều thể loại hiện còn lưu giữ ở thư viện Quốc gia (Hà Nội): Tây hành lược Ký, Đi bắt ăn cướp (tuồng), Tìm của báu (tiểu thuyết), Chúa Hài Nhi ở thành Nadarét (kịch), Du lịch Xiêm…. Những tác giả ở ngoài giáo phận Đông Đàng Trong, muốn in sách gì, buộc phải được Bề trên mình phê chuẩn thì nhà in Làng Sông / Qui Nhơn mới nhận in.

Imprimerie de Làng Sông, Imprimerie de la Mission de Qui Nhơn hoặc Imprimerie de Qui Nhơn cùng là ấn quán của giáo phận Đông Đàng Trong. Ngoài sách tiếng La tinh và tiếng Pháp, nhà in Làng Sông / Qui Nhơn đã in một số lượng lớn sách Quốc ngữ đa dạng về thể loại như: Giáo lý, kinh thánh, giáo dục ấu học, trung học, truyện, tiểu thuyết, kịch, tạp chí, tuồng, lịch, sách dịch… Những ấn phẩm của nhà in Làng Sông được thống kê trong Mémorial – Bản thông tin hàng tháng của địa phận và được tổng kết vào trang cuối năm, bằng tiếng Pháp xen với tiếng Việt (Quốc ngữ).

Một trang Mémorial thống kê sách đã in của nhà in Làng Sông năm 1910 có 36 đầu sách, trong đó 25 đầu sách chữ Quốc ngữ, số còn lại là tiếng Pháp. Chia thành 4 nội dung: Sách trường học, sách giáo lý, sách cầu nguyện – đạo đức và các sách khác. Đáng chú ý, loại sách trường học được tái bản nhiều lần và được xếp mục đầu tiên, gồm có những đầu sách như: Phép đánh vần (tái bản lần thứ 5), Con nít học nói (tái bản lần thứ 3), Ấu học (tái bản lần thứ 3), Trung học, Địa dư Sơ lược. Bản thống kê của Mémorial có ghi cụ thể giá tiền từng đầu sách.

Tháng 11 năm 1933, nhà in Làng Sông bị bão đánh sập. Một nhà in mới của giáo phận Đông Đàng Trong được khởi công xây dựng vào năm 1934 tại Qui Nhơn (trong khuôn viên chủng viện Qui Nhơn hiện nay). Năm 1935, nhà in Qui Nhơn hoạt động song song với nhà in Làng Sông (đã được tu sửa sau cơn bão). Ít lâu sau, nhà in Làng Sông sát nhập vào nhà in Qui Nhơn.

Trong chính sách tiêu thổ kháng chiến (1946-1947), cơ sở nhà in Qui Nhơn bị tháo dỡ, máy in được chuyển về giáo xứ Nam Bình (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước ngày nay) do thầy Paul Định làm giám đốc. Tại đây, các thợ in của Giáo hội đã tổ chức mở lớp truyền dạy kỹ thuật sắp chữ và in ấn cho công nhân mới để in tài liệu phục vụ kháng chiến, sách giáo khoa phục vụ giáo dục, sách kỹ thuật phục vụ sản xuất. Sau đó, máy in chuyển ra thôn Đại An (xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát), rồi chuyển lên thôn Ân Thường (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) – căn cứ của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Khu V để in tài liệu phục vụ kháng chiến. Sau khi chuyển quân tập kết, máy in được Ủy ban Kháng chiến Hành chánh giao lại cho Giáo hội; năm 1955, máy in được đưa về nhà thờ Kim Châu (thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn) và cuối cùng chuyển vào Nha Trang năm 1957.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1955), một số lượng lớn ấn phẩm của nhà in “Qui Nhơn sơ tán” được xuất bản, bao gồm: các loại tài liệu phục vụ kháng chiến, sản xuất và giáo dục cho các tỉnh Liên khu 5 (từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên), gồm nhiều loại hình, hiện nay còn lưu giữ ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định như: Báo Tin Tức, Báo Dân Chúng, Bản tin, Tập san, Đặc san, thơ và các loại giáo dục: sách văn, toán, lý, hóa trung học, tiểu học (sách toán của thầy Đinh Thành Chương, sách lý và hóa của thầy Đoàn Nhật Tấn, sách Việt ngữ chính tả của thầy Nguyễn Châu, Chiều biên khu (thơ) của Nguyễn Tiểu Đào, Miền Trung khói lửa (thơ) của Nguyễn Đình …).

Ấn phẩm của Mémorial Làng Sông / Qui Nhơn ra số cuối cùng tháng 12/1953. Đến tháng 10/1957, ấn phẩm Bản thông tin địa phận Qui Nhơn bằng tiếng Việt được in tại nhà in I - Đại, Qui Nhơn (một nhà in tư nhân) thay thế cho Mémorial bị gián đoạn trước đó. Như vậy, đến năm 1954 nhà in Làng Sông / Qui Nhơn, sau gần một thế kỷ hoạt động đã giải thể, sau đó, toàn bộ hệ thống thiết bị máy móc của nhà in chuyển vào Dòng Giuse Nha Trang.

Từ sau năm 1865, chữ Quốc ngữ được sử dụng và phổ biến rộng rãi trong các loại sách đạo, sách đời, đáng chú ý là loại sách giáo dục chữ Quốc ngữ được in tái bản nhiều lần nhất. Số lượng đầu sách chữ Quốc ngữ từ năm 1865 đến những thập niên đầu thế kỷ XX của nhà in Làng Sông / Qui Nhơn lên đến hàng ngàn bản. Tuy nhiên, trải qua thời gian và nhiều biến cố lịch sử, một số lượng lớn sách Quốc ngữ của các nhà in đầu tiên nói chung, nhà in Làng Sông / Qui Nhơn nói riêng đã bị hư hỏng, thất lạc. Theo thống kê của Thư viện Quốc gia (Hà Nội), hiện nay, tại Thư viện Quốc gia còn lưu giữ 241 đầu sách là ấn phẩm của nhà in Làng Sông / Qui Nhơn, bao gồm nhiều thể loại, hầu hết là sách Quốc ngữ, một số ít sách tiếng Pháp, trong số sách này, quyển sớm nhất in năm 1910, quyển muộn nhất in năm 1944, như: Lưu tình (tâm lý tiểu thuyết, 179 trang, 1931), Nguyễn Vân Trai; Thiệt phận thuyền quyên (tiểu thuyết, 156 trang, 1925), Đinh Văn Sắt; Hai chị em lưu lạc (tiểu thuyết trẻ nhỏ, 104 trang, 1931), Pierre Lục; Nghề trồng rau, (minh họa, 52 trang, 1931), Mai hữu Tưởng; Bài vẽ hoạch cho con trẻ, (minh họa, 40 trang, 1927), Huỳnh Trước; Con nít học nói cho nhằm lễ nghi, (64 trang, tái bản lần thứ 7, 1924), Simon Chính; Địa dư tỉnh Phú Yên, (38 trang bản đồ, 1937), Nguyễn Cầm, Trần Sĩ; Địa dư mông học Bình Định, 38 trang, 1933), Bùi Văn Lăng ...

Hiện nay, Giáo phận Qui Nhơn đã sưu tầm được một số tài liệu, sách, báo của nhà in Làng Sông / Qui Nhơn lưu giữ ở các tủ sách gia đình, phô-tô và chụp phim một số bản sách lưu trữ ở Thư viện Quốc gia, Hà Nội, tái bản tập tiểu thuyết trẻ nhỏ: Hai chị em lưu lạc của Pierre Lục…

Đồng hành cùng quá trình phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ, văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, có vai trò quan trọng của các Nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên, đây là phương tiện hữu hiệu nhất để chuyển tải thông tin, phổ biến kiến thức bách khoa trong tất cả mọi lĩnh vực, phổ biến kiến thức văn học đến với mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, đồng thời trực tiếp truyền bá chữ Quốc ngữ. Nhà in Làng Sông / Qui Nhơn (Bình Định) – Giáo phận Đông Đàng Trong, nhà in Nhà Chung / Tân Định (Sài Gòn) – Giáo phận Tây Đàng Trong và nhà in Kẻ Vĩnh / Ninh Phú (Hà Nội) – Giáo phận Tây Đàng Ngoài là ba cơ sở in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, đã có những đóng góp đáng kể trong việc phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.


NTQ

Chú dẫn:

[1] Hoàng Xuân Việt, Tìm hiểu Lịch sử chữ Quốc ngữ, Nxb Văn hóa-Thông tin, 2007, tr. 392

[2] MGR. ISIDORE COLOMBERT, Archives.mep, Rapport des Évêques, Rapport n0 8, Cochinchine Occidentale, le 15 octobre 1893.

[3] http://archives.mepasie.org, Rapport des Évêques, Rapport n0 8 MGR.ISIDORE COLOMBERT, Cochinchine Occidentale, le 15 octobre 1893.

[4] http://archives.mepasie.org, Donatien Éveillard (1835-1883) Fiche Individuelle, la fiche biographique, Numéro: 795

[5] http://archives.mepasie.org. Rapport des Évêques, Rapport n0 41, Mgr Charbonnier, Cochinchine Orientale, 1873.

[6] http://archives.mepasie.org, des Éveques, Rapport n0 288, MGR. Van Camelbecke, Cochinchine Orientale, 1885.

[7] Gérard Moussay et Brighitte, Répertoire des Membres de la Société des MEP 1659-2004, Paris 2004, Paul André Maheu (2170), p.320.

[8] Mesmorial, Mission de Quinhon, số 109, Juillet 1914, tr.46-48.

[9] http://archives.mepasie.org. Rapport des Évêques, Rapport n0 553. MGR. Gallioz, Chapitre VI, Groupe des Missions de Cochinchine et du Cambodge



-----------------------------------------------------------------------

QUAN TRẤN THỦ QUI NHƠN - TRẦN ĐỨC HÒA

VỚI VIỆC HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ
Nguyễn Thanh Quang
“Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” của Christophoro Borri, được viết từ những năm 1618 – 1622, khi ông hoạt động truyền giáo tại Nước Mặn (Bình Định) và được xuất bản năm 1631 tại Rôma. Sách viết bằng tiếng Ý, trong đó có sử dụng một số chữ Quốc ngữ thời kì phôi thai, đã được dịch sang tiếng Pháp, La tinh, Hà Lan, Đức, Anh vào những năm 1631–1633. Đây là tác phẩm đầu tiên của một tác giả Châu Âu viết về “xứ Đàng Trong” gồm 18 chương . Trong đó, Borri dành 2 chương viết về “quan Trấn tỉnh Qui Nhơn”- Trần Đức Hòa, người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ vào những năm đầu thế kỷ XVII.
“Quan Trấn tỉnh Qui Nhơn” – Trần Đức Hòa
Trần Đức Hòa [1] người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Qui Nhơn (nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định). Tổ tiên vốn người Thanh hóa, di cư vào Bồng Sơn năm nào không thể tra cứu được. Khi chúa Nguyễn vượt sông Gianh thì họ Trần đã từng làm quan. Đất nước bị phân tranh, nhưng Trần Đức Hòa giữ được tấm lòng trong sáng của người dân Việt. Ông phò nhà Lê, suy tôn nhà Lê, thọ sắc phong của nhà Lê, mặc dù ở Bắc Hà chúa Trịnh đã thao túng quyền bính, vua Lê chỉ còn là bù nhìn. Đến khi gặp Đào Duy Từ, ông đã nhìn thấy nơi kẻ chăn trâu ở mướn này là một kẻ sĩ có tài trí phi thường, có thể giúp chúa Nguyễn định bá đồ vương, ông bèn gả con gái cho rồi tiến cử lên Sãi vương. Quả thật, Đào Duy từ đã không phụ lòng trông cậy của ông cũng như chúa Nguyễn, trong 8 năm giúp nước, chúa Nguyễn đã theo kế sách của ông mà đắp lũy Trường Dục, ngăn chặn bước tiến của quân Trịnh vào phương Nam, thi hành phép duyệt tuyển để “phú quốc cường binh” … Về sau, Đào Duy Từ trở thành bậc nhất công thần mở nước của nhà Nguyễn Gia Miêu. Giả sử, không có Trần Đức Hòa tiến cử thì vị tất đã có Đào Duy Từ trong lịch sử mở nước của nhà Nguyễn?

Năm Tân Tỵ (1471), vua Lê Thánh Tông lập phủ Hoài Nhơn, đưa dân Đàng Ngoài vào đây khai khẩn, lập ấp. Chín mươi ba năm sau, năm Quí Tỵ (1564), thời vua Lê Anh Tông – niên hiệu Chánh Trị thứ bảy, ban sắc truy tặng ông nội Trần Đức Hòa là Trần Ngọc Trách, nguyên Hương lão xã Bồ Đề huyện Bồng Sơn, là thân phụ của Trần Ngọc Phân, Đặc tiến Kim tử Vinh Lộc Đại phu tước Huệ Trung bá [2]. Như vậy, tổ tiên Trần Đức Hòa từ Đàng Ngoài vào, gắn bó với nhà Lê rồi chúa Nguyễn ở huyện Bồng Sơn muộn nhất từ đời ông nội và đã sinh sống ở đây trước năm 1564 nhiều năm.

Cha Trần Đức Hòa là Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân, từng giữ chức Đô Tổng binh chiêm sự ở ty Đô Tổng binh, kiêm chức Phó tướng xứ Quảng Nam, chỉ huy quân doanh Trấn Biên (thuộc Quảng Nam thừa tuyên), được vua Lê Thái Tông - niên hiệu Quang Hưng thứ mười bảy, ban sắc truy tặng mỹ hiệu Quả Nghị [3].

Văn kiện Bộ Lại triều Lê (lúc Triều đình còn đóng tạm ở Thanh Hóa) đề năm Chánh Trị thứ bảy (1564) đời Lê Anh Tông cấp cho con trưởng của Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân là Trần Đức Hòa, được tập chức Hoằng tín Đại phu [4].

Niên hiệu Quang Hưng thứ tám (1584), Trần Đức Hòa đã được thăng chức Thượng Tướng quân, chức Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ, Vệ Cẩm y, quyền chỉ huy vệ, tước Phước Điền hầu trụ quốc trật giữa. Vì từng phục vụ trong quân đội, dưới quyền Tả tướng Thái úy Trưởng Quốc công Trịnh Tùng, có công được triều thần đề nghị. Nay thăng Trần Đức Hòa, Đặc tiến Phụ quốc Thượng Tướng quân, Cẩm y vệ, Đô chỉ huy sứ ty, Đô chỉ huy sứ, thự vệ sự, tước Cống Quận công, trụ quốc trật trên [5].

Năm Chánh Hòa thứ 10 (1689), đời Lê Hy Tông, chúa Nguyễn Phúc Trăn đã đối chiếu, chọn được vị thần họ Trần là người tôn quí, được ban họ chúa là Nguyễn, tên thụy là Thuần Chánh Phủ quân, nguyên là Chánh Khám lý Quảng Nam, tước Cống Quận công. Thần thường làm điều lợi cho nước, ban ơn cho dân, nên ban tặng Đạo sắc với mỹ hiệu: Phù Vận thần (vị thần giúp cho vận nước vững bền lâu dài), để báo đáp ơn đức thịnh hậu của Trần Đức Hòa [6].

Năm Bính Thân (1715), Minh Vương (Tộ Quốc Công Nguyễn Phúc Chu) truyền tha sưu thuế cho con cháu ông và cấp mười mẫu tự điền giúp họ Trần lo việc hương khói ông.

Năm Gia Long thứ tư (1805), Trần Đức Hòa được truy tặng Đệ Nhất đẳng khai quốc công thần, được cấp thêm tự điền mộ phu. Con cháu mỗi đời đều được một người tập ấm Đội trưởng. Con ông là Trần Đức Nghi làm đến chức Phó Đề Đốc [7].

Trần Đức Hòa là bề tôi trung tín của Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng (1600 – 1613) và Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635). Trong thời gian nhậm chức Tuần phủ khám lý phủ Qui Nhơn, ông có công giữ yên trấn lỵ, tích trữ lương thực cung ứng cho nhu cầu “Định Bắc” của Chúa Nguyễn. Ông đã tích cực mở rộng sản xuất bằng cách qui dân khẩn hoang lập ấp, cho phép dân làm ăn trên đất hoang đã thành điền, sau mười năm nộp thuế cho nhà nước. Phần ruộng đất của nhà ông, ông cũng cho dân làm rẽ, đóng địa tô mức vừa phải. Nhờ vậy, tổng sản lượng lúa gạo của phủ Qui Nhơn lúc bấy giờ tăng lên, vì quyền lợi cá nhân được kích thích. Quân đội mạnh lên vì thực túc thì binh cường. Phủ Qui Nhơn do ông cai quản, ngày nay bao gồm địa phận các tỉnh: Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Phú Yên (đến năm 1611 phủ Phú Yên được thành lập từ phần đất phía Nam của huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn). Sử nhà Nguyễn xem Trần Đức Hòa là bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn Gia Miêu thời quốc sơ, công nghiệp của ông đã được người đời sau đúc kết trong câu đối được khắc tại ngôi mộ của ông ở thôn An Đỗ xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn:

Tảo phò Nguyễn chúa Khai Vương nghiệp

Phục tiến Đào công tác Đế sư.

Lộc Xuyên - Đặng Quí Địch Dịch nghĩa:

Sớm phò chúa Nguyễn mở nghiệp Đế,

Lại cử ông Đào làm thầy Vua.

Sách Đại Nam liệt truyện Tiền biên chép: “Hi Tông hoàng đế (chúa Sãi -Nguyễn Phúc Nguyên) lên nối ngôi, Đức Hòa thường được cùng chúa bàn mưu tính kế việc quân việc nước, được chúa coi là thân tín, mỗi mỗi đều gọi Đức Hòa là nghĩa đệ (em kết nghĩa). Lúc Nam Bắc dùng binh, trong cõi lắm việc, Đức Hòa ở Qui Nhơn lâu ngày, trong vỗ an dân chúng, ngoài cung cấp lương hướng cho quân đội, được xem là chỗ dựa của triều đình” [8].

Đền thờ Trần Đức Hòa được nhà Nguyễn xây dựng tại quê hương ông: làng Hi Văn, xã Bồ Đề (nay là thôn Hy Văn xã Hoài Sơn huyện Hoài Nhơn) gọi là Cống Quận Công Từ, được liệt vào hàng Từ Miếu do Tỉnh thần trông nôm việc tế tự. Ngoài ra, ông cũng được dân làng thờ tự ở đình làng. Đền thờ và đình làng thờ ông đều bị sụp đổ trong kháng chiến. Hiện nay, cháu 13 đời Cống Quận Công là Trần Đức Nghị (hiện ở TP. Mỹ Tho) còn lưu giữ 10 tư liệu quí hiếm, có niên đại trên dưới 400 năm, gồm: 7 đạo Sắc phong của vua Lê chúa Nguyễn, 2 đạo Chỉ thị của hai vị Quốc công đều làm chúa ở Nam Hà và một Văn kiện cấp bằng của Bộ Lại triều Lê [9].

Quan Trấn tỉnh Qui Nhơn” cưu mang các nhà truyền giáo

Năm 1613, Nguyễn Hoàng mất, người con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay, được nhiều tướng tài và mưu sĩ trợ giúp, đắp lũy, xây đồn, luyện quân và xưng chúa. Mặt khác, xúc tiến quan hệ với Bồ Đào Nha để mua vũ khí, đúc súng đạn. Trong quan điểm ngoại giao này, chúa Nguyễn coi các thừa sai Dòng Tên như “một bảo đảm” để người Bồ Đào Nha giao thương, nên Sãi Vương vui vẻ đón nhận phái đoàn ba Giêsu hữu: gồm Linh mục Francesco Buzomi giữ trách nhiệm Bề trên, Linh mục Diogo Carvalho và tu huynh António Dias tới Cửa Hàn (Đà Nẵng), lập trú sở truyền giáo tại khu phố người Bồ Đào Nha tại hải cảng Đà Nẵng vào năm 1615. Vì chưa biết ngôn ngữ bản xứ, chỉ biết một ít tiếng Nhật, không có thông dịch viên, nên hoạt động của các giáo sĩ Dòng Tên thời gian đầu ở Đà Nẵng, sau đó ở Thành Chiêm và chủ yếu ở Hội An – nơi có giáo dân Nhật kiều đang cư trú, và giáo dân Nhật kiều biết tiếng Việt là những thông dịch tiếng Việt cho các nhà truyền giáo.

Mùa thu năm 1616, Đàng Trong bị mất mùa vì hạn hán. Người dân cho rằng vì bỏ đạo ông bà tổ tiên mà theo đạo mới, nên tai họa ập tới. Do đó, qui trách nhiệm cho các thừa sai và Đạo mới, họ vào tận phủ Chúa làm áp lực đòi trục xuất những người giảng giáo lý mới. Năm 1617, Linh mục Francisco de Pina và một tu sĩ người Nhật Bản được Linh mục giám tỉnh Dòng Tên phái sang trợ giúp phái đoàn Linh mục Buzomi đang bị bạc đãi. Borri đã ghi lại diễn biến sự việc như sau: “…mấy người ngoại quốc đã được vào xứ này và đã được phép giảng dạy, một thứ đạo hoàn toàn trái ngược với việc thờ thần Phật do đó các ngài có lý mà giận dữ và vì thế chắc là các ngài báo thù không cho mưa, không cho lụt mà mọi người mong mỏi cho đất ruộng này…họ (dân chúng) hằm hằm kéo nhau vào trình chúa và nài xin ngài trục xuất khỏi nước những người giảng giáo lý mới…” [10]. Khoảng giữa năm 1617, chúa Nguyễn lệnh các nhà truyền giáo ra khỏi Đàng Trong “ngay tức khắc”. Tuân lệnh chúa, các nhà truyền giáo xuống thuyền ngay, nhưng do thuyền của các nhà truyền giáo nhỏ, không thể rời bến, vì biển đang mùa gió lớn. Các nhà truyền giáo bị người dân buộc phải cách ly xa hẳn mọi người, không cho vào thành phố, sống cô lập trên một bãi biển với sự trợ giúp kín đáo của một số giáo dân tân tòng, sự bất tiện và cực khổ đã khiến Linh mục Buzomi bị bệnh.

Lúc bấy giờ, quan trấn thủ Qui Nhơn – Khám lý Trần Đức Hòa đang đi công cán ở Thành Chiêm chứng kiến cảnh khốn khổ của các Linh mục, nhất là Linh mục Buzomi đang bị bệnh tiều tụy. Ông thấu hiểu được việc người dân gán ghép tội cho các nhà truyền giáo rằng: vì đạo mới mà trời đã giận, không cho mưa, gây hạn hán; và để trấn an nhân dân, buộc chúa Nguyễn phải lệnh trục xuất các nhà truyền giáo. Động lòng thương, Trần Đức Hòa bảo các nhà truyền giáo tạm trú ẩn trong giáo dân ở Hội An một thời gian, chờ ông. Sau đó, ông đã truyền đưa Buzomi lên thuyền theo ông về Qui Nhơn trước để chữa trị bệnh. Linh mục Pina cùng sư huynh người Nhật Bản được giáo dân Nhật kiều ở Hội An bí mật nuôi giấu, bảo vệ.

Việc cưu mang một người ngoại quốc chưa từng quen biết, bất đồng ngôn ngữ, không cùng tôn giáo tín ngưỡng, bị bạc đãi, chúa trục xuất, người dân xua đuổi, cách ly cô lập, và đang bệnh nặng, đã nói lên tấm lòng bao dung, tình nhân loại, tính nhân văn cao cả của quan trấn phủ Qui Nhơn không chỉ đối với đồng bào mình, mà cả đối với những người ngoại quốc xa lạ, không cùng dòng máu màu da.

Được tin, các Linh mục đồng học viện đang chịu sự bất hạnh ở xứ Đàng Trong, Bề trên ở Macao quyết định gửi hai Linh mục sang trợ giúp, qua một chiếc tàu Bồ Đào Nha đang căng buồm đi An Nam. Để thâm nhập Đàng Trong, Pedro Marquez mang danh là Linh mục tuyên úy của tàu, Christoforo Borri cải trang trong y phục tôi tớ. Cả hai đến Hội An giữa năm 1618, tìm gặp Pina đang ẩn núp, nhưng được đối xử rất tốt đẹp bỡi những tín đồ Thiên Chúa giáo Nhật Bản ngoan đạo đã được ông bí mật ban lễ thánh thể. Sau đó, để được che chở, bảo bọc, Linh mục Marquez và Pina ở lại Hội An làm lễ cho những giáo dân người Nhật, Borri đến Đà Nẵng làm lễ cho những giáo dân người Bồ Đào Nha (lúc bấy giờ khu phố của Hoa kiều và Nhật kiều ở Hội An, thương nhân Bồ Đào Nha trú ở Cửa Hàn - Đà Nẵng).

Sau gần một năm, nhờ thầy thuốc chữa lành bệnh cho Buzomi, giữa năm 1618, quan trấn thủ Qui Nhơn cùng Buzomi ra lại Hội An tìm Pina và Borri. Pina và Borri (Borri từ Đà Nẵng về Hội An) cùng Buzomi được quan trấn thủ Qui Nhơn mời về Qui Nhơn. Borri chép: “chúng tôi bỏ Hội An, cha Buzomi, cha Đơ Pina và tôi, để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế” [11]. Quan trấn thủ dành cho các nhà truyền giáo và các người thông ngôn một chiếc thuyền riêng với đầy đủ tiện nghi, suốt 12 ngày lênh đênh trên biển bằng đường thủy. Sáng chiều cập bến các hải cảng ở cạnh những thành phố đẹp thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Borri ghi lại: “Nơi đây, ông cũng có quyền như ở Qui Nhơn, mọi người đều ra đón, chúc mừng và tỏ rõ lòng qui phục cùng nhận quyền với nhiều lễ vật quí và chúng tôi cũng là những người thứ nhất được dự phần, do lệnh quan trấn thủ muốn thế. Mọi người đều lấy làm lạ khi thấy chúng tôi được trọng đãi và vì thế chúng tôi được người ta quí mến và có thịnh tình với chúng tôi…suốt cuộc hành trình người ta đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi là những quan lớn, tới đâu ông cũng cho tổ chức trò chơi và hội vui công cộng, khi thì đấu chiến ghe thuyền, lúc thì đua chèo thuyền…cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Qui Nhơn, nhưng còn phải đi mấy ngày đường trước khi về tới dinh quan trấn thủ…Sau những cuộc vui và cỗ bàn trong cuộc hành trình, chúng tôi được tiếp đón rất trịnh trọng và đặc biệt, thường chỉ dành riêng cho các ông hoàng bà chúa” [12].

Theo đề nghị của các nhà truyền giáo, quan trấn thủ Qui Nhơn lệnh cho xây dựng một trú sở và một nhà thờ ở một địa điểm thuận tiện: cảng thị Nước Mặn (cùng với Thành Hà – Huế và Hội An – Quảng Nam là 3 thương cảng lớn của Đàng Trong lúc bấy giờ). Ba ngày sau khi đến Nước Mặn, các nhà truyền giáo nhìn thấy trong cánh đồng kia một đạo quân lớn hơn một nghìn người đi tới khuân vác các bộ phận của nhà thờ. Mỗi cột có ba mươi người lực lưỡng và khỏe mạnh khuân vác. Còn những người khác thì vác xà, người đem ván đến lắp, người đem nóc, kẻ mang sàn, người khuân cái này kẻ mang cái khác. Tất cả đều trật tự mang đến, mỗi người một bộ phận. Thợ cả giăng giây “lấy mực đất”, vạch hết các khoảng gian và chỗ giữa hai cột, rồi ông cho tuần tự đem tới dựng vào vị trí, mỗi người đem lắp một bộ phận và ra về ngay. Tất cả khối lớn lao đó được dựng trong một ngày. Tuy nhiên, vì làm vội vã, thiếu cẩn thận nên ngôi nhà không được đứng thẳng lắm. Quan trấn thủ biết được, truyền tháo dỡ ra và lắp ráp lại [13].

Ở đây, các nhà truyền giáo được quan trấn bố trí chỗ ăn ở chu đáo và cung cấp tiền để hoạt động truyền giáo. Borri viết: “Ông (quan trấn) còn nói với chúng tôi rằng chúng tôi là người ngoại quốc, nên không có nhiều tiền bạc, không có nhiều của cải, không có đủ sự cần dùng, nên ông tự nhận cung cấp cho chúng tôi mọi sự cần thiết. Thế là ông truyền cho mỗi tháng người ta đem cho chúng tôi một món tiền khá lớn và mỗi ngày người ta đưa tới nào thịt thà, cá mú, thóc gạo, không phải chỉ đủ cho chúng tôi mà còn cho các người thông ngôn và người làm nữa …” [14].

Vừa thoát nạn trục xuất, các giáo sĩ lại được quan trấn phủ Qui Nhơn, một vị quan có uy thế bao bọc, giúp đỡ, cung cấp đồ dùng, thực phẩm dư dật, cấp cả tiền bạc, dựng nhà thờ, nhà ở, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và cho phép tự do hoạt động truyền giáo. Các nhà truyền giáo tiên khởi ở cư sở Nước Mặn đã gặt hái được những thành quả tốt đẹp ngoài sự mong đợi, và thành quả này tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động truyền giáo của giáo phận Đông Đàng Trong / giáo phận Qui Nhơn sau này.

Từ những báo cáo của cư sở truyền giáo Nước Mặn – Đàng Trong gửi về, Tỉnh Dòng ở Ma Cao đã tổng hợp thành những bản phúc trình chính thức gửi về Bề trên ở La Mã, hiện lưu giữ ở Văn Khố Dòng Tên cho biết: những bản dịch các văn bản Kitô giáo đầu tiên ra Tiếng Việt có từ năm 1618, và phần thiết yếu do công của Francisco de Pina, Linh mục Dòng Tên sinh ở Bồ Đào Nha (có ý kiến cho rằng phần thiết yếu do công của Linh mục Bề trên Buzomi, người Ý). Trong công việc của mình, ông đã nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân trẻ tuổi có kiến thức chữ Hán uyên bác. Theo lời xác nhận của Pina, ngay từ năm 1622, ông đã hoàn thành việc xây dựng một hệ thống chuyển mẫu tự La tinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt. Ông đã làm được một tuyển tập và bắt đầu viết một bản văn phạm. Kết quả đó, ông đã đạt được một cách vất vả, với sự trợ giúp của một số học sinh Việt Nam [15].

Roland Jacques – nhà chuyên môn về Giáo luật Công giáo, Tiến sĩ luật học Đại học Paris-XI, Tiến sĩ giáo luật tại học viện Công giáo Paris, đã chép: “Kinh Lạy Cha, cũng như những kinh căn bản khác trong giáo lý công giáo, đều đã được linh mục Francisco de Pina và một thanh niên học thức Việt Nam dịch ra tiếng Việt vào năm 1618 …Người thanh niên này, tên rửa tội là Phêrô, có một kiến thức về chữ nghĩa nên đã giúp đỡ nhiều cho các Cha để dịch ra tiếng bản địa kinh Pater noster, Ave Maria, Credo (lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính) và Thập giới (Mười điều răn), những kinh mà Kitô hữu đã học thuộc lòng…” [16].

Những bản phúc trình chính thức từ Đàng Trong gửi về Maocao tổng hợp báo cáo lên Bề trên ở La Mã, hiện lưu giữ ở Văn Khố Dòng Tên cho biết: những bản dịch các văn bản Kitô giáo đầu tiên ra Tiếng Việt có từ năm 1618 và Cuốn “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong”, Borri viết bằng tiếng Ý, trong đó có một số chữ Quốc ngữ và phần lớn chữ Quốc ngữ được sử dụng trong “Tường trình” để chỉ các vật thông thường: tên người, tên đất và đã xuất hiện một số cụm từ / câu chữ Quốc ngữ sơ khai. Điều đó, cho chúng ta biết rằng: ngay từ những năm 1618 – 1622 đã có một khởi đầu hình thành thứ chữ mới này tại cư sở truyền giáo Nước Mặn.

Như vậy, Cửa Hàn / Hội An (Quảng Nam) là điểm xuất phát truyền giáo buổi đầu, lập giáo đoàn tại Nước Mặn (Bình Định) và Nước Mặn là cư sở truyền giáo tiên khởi do Linh mục Buzomi đảm nhiệm. Cha Bề trên Buzomi và hai Linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri là những giáo sĩ Dòng Tên đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ, thời gian đầu đến Đàng Trong, được quan Khám lý Trần Đức Hòa đưa về Qui Nhơn xây dựng trú sở, nhà thờ, cung cấp tiền bạc, lương thực, thực phẩm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà truyền giáo hoạt động. Và tại đây, để giao tiếp với người bản xứ, phục vụ cho mục đích truyền giáo, các Linh mục Dòng Tên đã học tập, nghiên cứu, phiên âm và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.

Quan trấn Qui Nhơn – Trần Đức Hòa đã cưu mang, bảo hộ các nhà truyền giáo với nhiều đặc ân. Do vậy, sẽ không công bằng khi nói về công lao của các nhà truyền giáo sáng tạo ra chữ Quốc ngữ tại cư sở Nước Mặn mà không ghi nhớ sự giúp đỡ của “văn nhân trẻ tuổi” và một số học sinh vùng Nước Mặn, đặc biệt là sự đóng góp mang tính “quyết định” của quan Trấn thủ Qui Nhơn - Trần Đức Hòa. Nếu không có ông cưu mang, chắc chắn các nhà truyền giáo ngoại quốc này đã bị trục xuất khỏi xứ Đàng Trong vào giữa năm 1618 theo lệnh cấm đạo của chúa Nguyễn đã ban bố.

NTQ


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.67 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương