CHỮ quốc ngữ TẠi bình đỊNH



tải về 0.67 Mb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu24.04.2018
Kích0.67 Mb.
#37093
1   2   3   4   5   6   7   8

Chú thích:
[1] Christophoro Borri, Relatione della nvova Missione delli PP. Della Compagina di Giesv, al Regno della Cocincina, scritta dal Padre Cristophoro Borri Milanese della medesima Compagina. Che fù vno de primi ch’entrorono in detto Regno. Alla Santina di N. Sig. VRBANO PP. OTTAVO. In ROMA, per Francesco Corbelletti. MDCXXXI. Con licenza de’ Svperiori.

[2] Christophoro Borri, Relatione, sdd, tr. 219,221;

[3] Đỗ Quang Chính, SJ, Dòng Tên trong xã hội Đại Việt, Nxb An Tôn & Đuốc Sáng, tr. 52,53.

[4] Đỗ Quang Chính, SJ, sdd, tr. 29;

[5] Đỗ Quang Chính, SJ, sdd, tr. 30.

[6] Hoàng Xuân Việt, Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 125.

[7] Đỗ Quang Chính, SJ, Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1620 , Sài Gòn, 1972, trang 24–27; tái bản tại Paris, Đường Mới, 1985. Lm. Luiz dùng từ Quốc ngữ ít hơn Lm. Roiz, hình thức cũng giống nhau, trừ chữ Ungué (ông Nghè) và Bancô (Bàn Cổ).

[8] Christophoro Borri, Relatione, sdd, tr. 61, 62, 109.

[9] Roland Jacques, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Định hướng Tùng Thư 2004, tr. 199-201.

Kho lưu trữ tại Rôma của dòng Tên còn giữ một văn bản chữ Nôm, với cách phiên âm bằng mẫu tự La Tinh và bản dịch La Tinh, có lẽ được viết vào năm 1648 (Jap.sin. tập 80, tờ 78V-79) : Đây là một văn kiện phê chuẩn bản văn tiếng Việt được sử dụng cho công thức rửa tội, do nhiều thầy giảng Bắc Kỳ ký tên.

[10] Christoforo Borri, Relation , sdd, tr. 7.

[11] Hoàng Xuân Việt, sdd, tr.161.



--------------------------------------------------------------------
NƯỚC MẶN – NƠI PHÔI THAI CHỮ QUỐC NGỮ

Nguyễn Thanh Quang
Tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ khi khởi thảo đến khi hoàn tất khoảng hai thế kỷ. Dựa vào những tư liệu hiện có, người ta đã chia ra làm bốn thời kỳ: thời kỳ phôi thai, thời kỳ hình thành, thời kỳ phát triển và thời kỳ hoàn tất. Thế nhưng, nơi sơ khởi, phôi thai của chữ Quốc ngữ diễn ra ở đâu? Hiện nay, vẫn còn ý kiến khác nhau. Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi nghĩ về Nước Mặn. Phải chăng Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên công việc sáng tạo chữ Quốc ngữ?
Cảng thị Nước Mặn qua thư tịch

Từ xa xưa, miền đất Phủ Qui Nhơn đã có rất nhiều ưu thế về đường biển. Hơn 100km bờ biển (Bình Định hiện nay), ngày xưa có nhiều cửa khẩu và đầm phá để thuyền bè neo đậu như: Tân Quan, Thời Phú, Đề Gi, Kẻ Thử, Thị Nại …các đầm Nước Ngọt, Nước Mặn.

Dưới thời các chúa Nguyễn, Qui Nhơn là phủ có số lượng thuyền vận tải nhiều nhất của xứ Đàng Trong. Số thuyền thống kê năm 1786 như sau: phủ Triệu Phong 60 chiếc, phủ Quảng Bình 10 chiếc, châu Bố Chính 18 chiếc, phủ Thăng Hoa 50 chiếc, Điện Bàn 3 chiếc, Quảng Ngãi 60 chiếc, Qui Nhơn 93 chiếc, Phú Yên 44 chiếc, Bình Khang 43 chiếc, Diên Khánh 32 chiếc, Bình Thuận 45 chiếc, Gia Định 7 chiếc [1]. Với số lượng thuyền vận tải của phủ Qui Nhơn nhiều hơn các phủ, châu khác gấp nhiều lần đã nói lên sự sôi động trong việc giao thương vận chuyển hàng hóa đường thủy, cũng như sự sầm uất của thương cảng phủ Qui Nhơn lúc bấy giờ.

Đầu thế kỷ XVII đã có luồng buôn bán từ Hội An và Nước Mặn với nước ngoài chúng ta thấy trong bản đồ 24 vẽ năm 1608 ghi là: Hải Phố và Thị Nại đã vạch luồng mậu dịch hàng hải từ hai nơi này đến Vuconva [2].

Đầu năm 1618, Cristophoro Borri đến Nước Mặn và ông đã ghi nhận qui mô to lớn của phố cảng này: “Chúng tôi lại leo lên lưng voi ngay để cùng đoàn tùy tùng đi tới Nược Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi” (dài khoảng 3km, rộng hơn 2km) [3]; ông cũng cho biết thêm “nhà thờ chúng tôi ở giữa thành phố” và “Công việc của chúng tôi đang tiến triển tốt đẹp ở thành phố này và có rất nhiều thành công” [4].

P. Poivre trong tập hồi ký của mình có viết “tại tỉnh Qui Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nước Mặn là một cảng tốt, an toàn được thương nhân lui tới nhiều nhưng kém hơn Faifo” [5]. P. B Lafont cho biết, trong các thế kỷ XVII-XVIII, so với các cảng khác ở Nam bộ hiện nay chỉ có cảng Binai (tức Thị Nại - Qui Nhơn) và Cam Ranh, thuyền buôn phương Tây và Malaysia, một số nước khác đến buôn bán thường xuyên. Manguin chép “Ở bờ biển Việt Nam, Qui Nhơn là vịnh được cấu tạo cho việc trú ẩn của tàu thuyền tốt nhất. Ở đó được thiết lập cảng của kinh đô của Vijaya - Thị Nại chính trong sách sử ký viết “là thương cảng thứ nhất của Champa”. Ở đó còn có Tân Châu (Sin Tcheou) – cảng của những nhà du hành Trung Quốc vào thế kỷ XV” [6].

Trong những năm gần đây, một số công trình nghiên cứu về thương cảng Nước Mặn, cho chúng ta biết được một phần diện mạo, cũng như vị thế của thương cảng này trong mối quan hệ với các thương cảng trong và ngoài nước lúc bấy giờ. TS. Đỗ Bang đã nhận xét: “Xét về tầm vóc của thương cảng, Nước Mặn không thể hơn cảng Thị Nại thời vương quốc Champa (thế kỷ X-XV). Xét về ngoại thương, Nước Mặn cũng khó sánh được với Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến…nhưng về nội thương, Nước Mặn có vị thế quan trọng cho cả phủ Qui Nhơn và vùng Tây Nguyên hiện nay” [7]. Một số nghiên cứu khác: Về các cảng khẩu bên đầm Thị Nại; Tìm hiểu thị tứ Nước Mặn [8], dựa trên khảo sát thực địa và các tư liệu sưu tầm được bên đầm Thị Nại, đã phác dựng lại những cảng khẩu và những thị tứ đã từng phồn vinh thời thương cảng Nước Mặn, cũng như kết cấu kinh tế xã hội và những dấu tích người Hoa ở Ayutthaya - Băng Cốc và Qui Nhơn cung cấp vốn và các mối quan hệ để kích hoạt giao thương. Qui Nhơn trở thành trung tâm thương mại quan trọng tại đầu mối của một thương cảng biển lý tưởng. Con đường phía Tây qua núi, con đường phía Bắc đến Thuận Quảng và con đường phía Nam tới đồng bằng sông Mê Kông [9]. TS. Lê Đình Phụng, trong bài Thương cảng Nước Mặn (Quy Nhơn) – Xứ Đàng Trong cho rằng: “nằm trên địa bàn một phủ giàu có, gần các phủ Phú Yên, Bình Khang, Dinh Nha Trang, có nguồn hàng dồi dào từ cao nguyên đổ về, cảng Nước Mặn có vai trò quan trọng trong giao lưu thương mại … cũng như các thương cảng xứ Đàng Trong, cảng Nước Mặn hồi sinh chủ yếu với sự tham gia của các thương nhân người Hoa và thương nhân châu Âu qua lại buôn bán, thu mua hàng hóa, sản vật nhiệt đới” [10]. TS. Trần Đức Anh Sơn cho rằng “Nước Mặn là cửa khẩu thương mại quan trọng trong vùng Đông Nam Á và chắc chắn thương cảng này cũng là một thương trạm quan trọng trên con đường gốm sứ ở vùng biển tây nam Thái Bình Dương trong thời đại Đại thương mại” [11]. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân “Thời phồn vinh, Nước Mặn có đường hàng hải quốc tế của người Bồ Đào Nha đi lại buôn bán với Vuconva, Luzon (Philippin), Malaysia, Macao và có lẽ cả Nhật Bản. Nước Mặn có đường biển tới các cảng trong nước như: Hội An, Đà Nẵng, Phú Xuân, Cam Ranh, Gia Định; đường sông tới các thị tứ ở Quy Nhơn như: Đập Đá, An Thái, Phú Phong, Đại An, Gò Găng, Phú Đa” [12]. Năm 1994, đoàn khảo cổ Việt – Nhật đã khảo sát nghiên cứu khu vực Nước Mặn. “Đặc biệt, khi được tiếp xúc trực tiếp với những mảnh sứ Hizen tìm lọc từ trong “mớ hỗn độn” đồ sứ Trung hoa do dân thu gom được, chúng tôi nhận thấy thương cảng Nước Mặn hình như có đủ các loại hình gốm Hizen mà tại địa điểm khảo cổ học Indonesia và Thái Lan đã tìm thấy. Trong đó cũng có những loại mà ở thương cảng Thanh Hà và Hội An chưa phát hiện được” [13].

Tác giả Đỗ Trường Giang đã nhìn nhận: “ thương cảng Nước Mặn đã nối tiếp lợi thế vốn có từ thời Thị Nại để trở thành thương cảng trọng yếu của xứ Đàng Trong với những sứ mệnh vai trò lịch sử đặc biệt của mình trong việc phát triển ngoại thương và mở mang lãnh thổ người Việt về phương nam” [14].

Như vậy, từ vị thế một quốc cảng (Thị Nại) của vương quốc Champa xưa trở thành một thương cảng trung tâm vùng (Nước Mặn) dưới thời chúa Nguyễn. Nước Mặn là một trong ba đô thị cảng sông của Đàng Trong (bên cạnh Thanh Hà-Huế và Hội An-Quảng Nam). Đô thị Nước Mặn nằm bên đầm Thị Nại của phủ Qui Nhơn, được hình thành vào thế kỷ XVI, phát triển đỉnh cao trong thế kỷ XVII. Nơi đây, thuyền buôn phương Tây và các nước Đông-Nam Á thường xuyên ra vào buôn bán. Nước Mặn cũng là nơi đóng bản doanh của giáo đoàn các thừa sai Dòng Tên truyền giáo ở xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII (1618). Cảng thị Nước Mặn xưa kia bao gồm các thôn: An Hoà, Lương Quang thuộc xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên thuộc xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay.


Nước Mặn – nơi phôi thai chữ Quốc ngữ

Chữ Quốc ngữ ra đời đến nay gần 400 năm, đã có nhiều công trình nghiên cứu về chữ Quốc ngữ, thế nhưng, nơi sơ khởi, phôi thai chữ Quốc ngữ diễn ra ở đâu vẫn chưa được sáng tỏ. Về mặt lịch sử nghiên cứu chữ Quốc ngữ, theo PGS. TSKH Lý Toàn Thắng và các cộng sự: Trước năm 1960 của thế kỷ XX, công việc nghiên cứu lịch sử chữ Quốc ngữ chưa có tư liệu gì thật cụ thể, thường chỉ là những bài nói chung chung về thân thế sự nghiệp Alexandre de Rhodes, như của các tác giả: Phạm Quỳnh (1927), Đào Trinh Nhất (1932), Hoa Bằng và Tiên Đàm (1941), Nguyễn Văn Tố (1941), Nguyễn Bạt Tụy (1950), Dương Quảng Hàm (1950), Đào Duy Anh (1951), Vũ Ngọc Phan (1951), Trần Trọng Kim (1954) v.v…

Từ những năm 1960, việc nghiên cứu chữ Quốc ngữ mới được thực sự đẩy mạnh và những thành tựu mà chúng ta có được hôm nay, về cơ bản, đều dựa trên những tư liệu sưu tầm được ở nước ngoài thời kỳ này. Trước năm 1975, phần lớn các công trình sưu tầm, công bố này là do các nhà Việt ngữ học ở nước ngoài và ở miền Nam thực hiện. Trong số những học giả có nhiều đóng góp, phải kể đến những công trình sưu tầm và khảo cứu của Hoàng Xuân Hãn (1959), Thanh Lãng (1958, 1961, 1968), Lê Ngọc Trụ (1961), Hoàng Phê (1961), Đoàn Thiện Thuật (1963, 2000, 2008), Trần Nghĩa (1985), Nguyễn Văn Hoàn (1990), Hoàng Tuệ (1993), Nguyễn Thị Bạch Nhạn (1994), Hoàng Tiến (1994) v.v… đặc biệt là một loạt bài viết của Nguyễn Khắc Xuyên (1959, 1960, 1961, 1963, 1993, 1996). Năm 1972, được đánh dấu như một dấu mốc đặc biệt với sự ra đời công trình “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659” của Đỗ Quang Chính (1972) [15]. Một số nghiên cứu khác của: Đinh Văn Đức – Nguyễn Văn Chính – Phạm Tú (1981), Đinh Văn Đức – Nguyễn Văn Ấp (1983), Nguyễn Tài Cẩn và N. Stankievich (1982), N. Stankievich (1991), Hoàng Dũng (1991), Nguyễn Phương Trang (1996), Lê Thanh Kim (1998), Lý Toàn Thắng – Võ Xuân Quế (1999). Những năm gần đây, có một số tác phẩm liên quan đến chữ Quốc ngữ như: “Công Giáo trên quê hương Việt Nam”, Lưu hành nội bộ - 2001, LM. JMT. Nguyễn Thế Thoại; đáng chú ý là “Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773”, An Tôn & Đuốc Sáng, 2006, Đỗ Quang Chính, SJ.; “Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ”, Nxb Văn hóa Thông tin, 2007, Hoàng Xuân Việt, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính…

Năm 1994, học giả người Pháp Roland Jacques – Tiến sĩ luật học tại Đại học Paris –VI, Tiến sĩ giáo luật tại Học Viện Công giáo Paris, một nhà ngôn ngữ học thông thạo nhiều ngôn ngữ, đã khám phá nhiều tài liệu, đó là các văn bản viết tay trong kho lưu trữ lịch sử Dòng Tên ở Rôma trong bộ sưu tập “Jap-sin”, báo cáo “Niên giám học viện Macao năm 1618”, các bức thư thường niên viết năm 1621 về khu truyền giáo Đàng Trong … “đã cống hiến được một số những sự kiện khách quan của lịch sử, đẩy lui được những tiền kiến hoặc những sự việc thường được xem là hiển nhiên mà thực sự là sai” [16].

Gần đây, Linh mục Võ Đình Đệ, Giáo phận Qui Nhơn, sưu tầm được các bản báo cáo thường niên của các thừa sai Dòng Tên từ năm 1615 đến 1619, đó là những bức thư tường trình về hoạt động truyền giáo của Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản từ Macao gửi về cho Bề trên Cả Dòng Tên ở La Mã, được tập hợp in năm 1621, Nhà xuất bản Larazo Scoriggio, Napoli bằng Ý ngữ trong tập: “Lettere annve del Giappone, China, Goa, et Ethiopia. Scritte. AL M. R. P. generale della Compagnia di Giesù. Da Padri dell’ifteffa Compagnia ne gli anni 1615. 1616. 1617. 1618. 1619. Volgarizzate dal P. Lorenzo delle Pozze della medesima Compagnia” (Báo cáo thường niên từ Nhật, Trung Hoa, Goa và Ethiopia gửi Bề trên Tổng quản đáng kính của Dòng Tên do Linh mục Dòng là Lorenzo Pozza sưu tập và phổ biến) [17].

Xác định Hội An, Thanh Chiêm, Quảng Nam là cái nôi hình thành chữ Quốc ngữ, miền đất khai sinh chữ Quốc ngữ, ngoài một số bài viết đăng trên các báo, tạp chí của các tác giả: Nguyễn Phước Tương, Châu Yến Loan… còn có các tập sách : “Hội An – Nôi chữ Quốc ngữ” của Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên, Lưu hành nội bộ, Nha Trang - 2000 (25 trang); “Những đặc trưng cơ bản của tiếng Quảng Nam và vị trí của nó trong việc hình thành chữ Quốc ngữ”, PGS. TSKH Lý Toàn Thắng và các cộng sự, Viện Ngôn ngữ học – Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam, 2006 (473 trang); và “Dinh trấn Thanh Chiêm – Kinh đô thứ hai xứ Đàng Trong”, Châu Yến Loan, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2015 (387 trang)…

Lịch sử chữ Quốc ngữ ngay từ đầu đã gắn bó chặt chẽ với lịch sử truyền bá Kitô giáo ở Việt Nam. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi về việc cấm đạo triều Lê Huyền Tông (1663-1671), ở phần Cương chép: “Tháng Mười mùa Đông, nhắc rõ lại lệnh cấm người theo tà đạo Gia Tô”; ở phần Mục chép: “Trước đây có người Tây Dương gọi là Hoa Lang đi vào trong nước ta, đem đạo Gia Tô dị đoan lừa dối dụ dỗ dân ngu …”. Sợ nhiều người không hiểu “Tà đạo Gia Tô” là gì, các tác giả chú thích ở dưới: “Theo sách Dã sử, thì vào khoảng tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, có người Tây Dương là I-nê-khu, lén đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh, huyện Nam Chân và xã Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ truyền bá tà đạo Gia Tô”[18] (ngày nay thuộc giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định). Do vậy, các sử sách Công giáo tại Việt Nam thường coi năm 1533 là mốc khởi đầu cho việc mở đạo. Tuy nhiên, đây chỉ là bước dò dẫm, chưa có kết quả đáng kể trong việc truyền bá Kitô giáo ở Việt Nam.

Trong địa hạt tôn giáo, giáo phận Macao được thành lập vào năm 1576, bao gồm Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Lúc bấy giờ các tu sĩ Dòng Tên đã có trụ sở được thành lập tại Macao từ năm 1564-1565. Các tu sĩ ở đây phụ trách việc truyền giáo cho vùng Đông Á. Năm 1611, Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản được thành lập gồm: Nhật Bản, Trung Hoa, Macao (bao gồm các vùng phụ thuộc: Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan). Trụ sở tại Macao cũng là trụ sở của Tỉnh Dòng. Từ trụ sở này, các tu sĩ Dòng Tên đã đến thành lập trụ sở ở Đàng Trong vào năm 1615 [19] và ở Đàng Ngoài vào năm 1627 [20].

Năm 1614, Mạc phủ tướng quân (Shogun) Tokukawa Ieyasu ban lệnh cấm giảng đạo, trục xuất các nhà truyền giáo. Để khỏi “lãng công” vì tình hình khó khăn ở Nhật, các nhà truyền giáo bị trục xuất về Macao quá đông, Dòng Tên cử 4 thừa sai sang Đàng Trong gồm Linh mục Francesco Buzomi, Diego Carvalho người Bồ Đào Nha, hai trợ sĩ José và Paolo người Nhật Bản, với mục đích đầu tiên là giúp đỡ giáo hữu Nhật (ở Hội An) về mặt tôn giáo. Phái đoàn của Buzomi tới Đàng Trong ngày 18/01/1615 [21]. Ở đây, cộng đoàn Nhật Bản đã hình thành, Linh mục Buzomi và Linh mục Cavalho dùng tiếng Nhật chăm sóc giáo dân Nhật kiều. Năm 1617, Linh mục Francisco de Pina và một tu sĩ được phái sang, chẳng may trước đó (1616) Đàng Trong bị mất mùa vì hạn hán. Người dân cho rằng: vì bỏ đạo của ông bà tổ tiên mà theo đạo mới, nên tai hoạ ập tới. Do đó, qui trách nhiệm cho các thừa sai và Đạo mới, người dân áp lực buộc chúa Nguyễn trục xuất những người ngoại quốc rao giảng đạo mới. Khoảng giữa năm 1617, chúa Nguyễn ban bố lệnh trục xuất các nhà truyền giáo.

Lúc bấy giờ, quan trấn thủ Qui Nhơn - Trần Đức Hòa đang đi công cán ở Thành Chiêm, chứng kiến cảnh khốn khổ của các nhà truyền giáo bị chúa Nguyễn trục xuất, nhưng đang mùa gió lớn, tàu của các nhà truyền giáo không thể rời bến được, người dân không cho vào làng, các nhà truyền giáo phải sống cô lập trên bãi biển nhờ sự giúp đỡ của một số giáo dân tân tòng, Linh mục Buzomi lại bị bệnh, động lòng thương, Trần Đức Hòa đã truyền đưa Buzomi theo ông về Qui Nhơn để chữa trị bệnh. Linh mục Pina và một tu huynh người Nhật được các giáo dân Nhật ở Hội An bảo vệ [22]. Được tin các thừa sai ở Đàng Trong bị bạc đãi, năm 1618 Bề trên ở Macao cử thêm hai Linh mục Christoforo Borri và Pedro Marquez sang Đàng Trong trợ giúp.

Sau khi chữa lành bệnh cho Buzomi, Trần Đức Hòa ra Hội An đón cả Pina và Borri vào cùng. Tháng 7 năm 1618, Linh mục Pina và Linh mục Borri (mới đến Hội An cùng Lm. Pedro Marquez) cùng Linh mục Buzomi đi Qui Nhơn, Linh mục Marquez với một thầy Dòng Tên ở lại vơi giáo dân Nhật kiều. Borri là người ghi sử liệu khá nhất về truyền giáo Nam Hà [23] từ đầu năm 1618 tới năm 1622, ông ghi: “Các cha Francesco Buzomi, Francisco de Pina và tôi rời Hải Phố đi Pulucambi [24] với quan trấn tỉnh này. Suốt hành trình, quan trấn đối với chúng tôi hết sức lịch sự và nhã nhặn. Ông cho chúng tôi ở cùng đoàn, dành riêng cho chúng tôi và người thông dịch một chiếc thuyền, hành lý chúng tôi để ở một thuyền khác, chứ không ngổn ngang bên chúng tôi. Suốt trong mười hai ngày đi trong những điều kiện thoải mái như thế, sớm chiều ghé vào các cửa khẩu hoặc phố xá tỉnh Quảng Nghĩa, nơi mà quan trấn có quyền như ở trong tỉnh Pulucambi …

…Qua tám ngày, chúng tôi giải bày mong muốn ở thị trấn để dễ truyền Đạo hơn ở trong dinh giữa cánh đồng, xa thị trấn tới ba dặm. Vì thương mến, quan trấn không muốn xa chúng tôi, nhưng hy sinh quyền lợi cho dân chúng, và gạt lòng yêu thích qua bên, quan truyền xây cho chúng tôi một ngôi nhà tiện nghi trong thị trấn Nuocman …” [25].

Đầu thế kỷ XVII, Xứ Quảng là một miền đất chung bao gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên thuộc đạo Thừa tuyên Quảng Nam, được coi là nơi mở đầu trang sử khai đạo chính thức ở Việt Nam. Do vậy, các học giả nghiên cứu về lịch sử chữ Quốc ngữ thường cũng tính thời điểm khởi nguyên công việc sáng chế loại chữ mới này ở Việt Nam mà cụ thể là ở Đàng Trong, ở Xứ Quảng vào năm 1615, khi các nhà truyền giáo Dòng Tên chính thức mở đạo ở Việt Nam và hoạt động của họ được ghi lại trong các tài liệu lưu trữ khá đầy đủ.

Tuy nhiên, xét riêng về phương diện lịch sử chữ Quốc ngữ, nhiều học giả cho rằng thời điểm quan trọng nhất phải là khi có thêm linh mục Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) từ Ma Cao được cử sang giúp thêm cho Linh mục Francesco Buzomi. Trước khi Pina sang, giáo đoàn của Linh mục Buzomi nhờ biết tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc nên họ có thể giao tiếp với kiều dân người Nhật Bản và người Trung Hoa sống ở Hội An, để tiếp xúc với người Việt Nam họ phải nhờ người phiên dịch.

Từ một văn bản viết tay lưu giữ ở Rôma, Roland Jacques tìm thấy tại kho lưu trữ lịch sử của Dòng Tên, trong bộ sưu tập “Jap-Sin”[26], ở một hồ sơ nhỏ mang đề mục miscellanea (linh tinh), ông đã nhận định rằng: giá trị ngôn ngữ học của văn kiện này liên quan nhiều nhất đến tiếng Việt. Và ông khẳng định: “Thời kỳ sáng tạo mãnh liệt của chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự La tinh bắt đầu từ năm 1618 và chấm dứt vào năm 1651, nghĩa là năm xuất bản cuốn từ điển và cuốn giáo lý bằng chữ viết theo mẫu tự La tinh …Công cuộc sáng tạo này được các linh mục Dòng Tên người Bồ Đào Nha chủ trương và tiến hành” [27].

Mặc dù, đến Việt Nam muộn hơn so với một số giáo sĩ khác, nhưng Pina lại là giáo sĩ Châu Âu đầu tiên nói thành thạo tiếng Việt, điều này đã được các giáo sĩ đến sau như: Gaspar Luis và Alexandre de Rhodes xác nhận. Có ý kiến cho rằng: những bản dịch các văn bản Ki-tô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và phần thiết yếu do công của Francisco de Pina (có ý kiến khác: cho rằng phần thiết yếu do công của Buzomi). Trong công việc của mình, Linh mục nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi có tên rửa tội là Phê-rô; kiến thức uyên bác về chữ Hán của người trẻ tuổi này rất hữu ích trong công việc dịch thuật. Bản phúc trình chính thức của cơ sở truyền giáo ghi: “Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng … Anh tên thánh rửa tội là Phê-rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương…”[28].

Thời kỳ phôi thai chữ Quốc ngữ, đến nay biết được qua các “chứng từ” viết tay vắn tắt. Đó là: các bản báo cáo thường niên viết ở Ma Cao: của Antonio di Sousa (1617), Francesco Eugenio (1618), João Rodrigues Giram (1619); và hai báo cáo của João Roiz, Gaspar Luis cùng năm 1621.

Cơ sở dữ liệu để viết các bản tường trình / bức thư trên là các bản báo cáo của các thừa sai thuộc địa phận Tỉnh Dòng từ các nơi gởi về Macao. Hai bức thư năm 1615 và 1616, không thấy báo cáo về Đàng Trong. Bức thư năm 1617, “Lettera annva del Collegio di Macao, Porto della Cina. Al M. R. Padre Mutio Vitelleschi, Generale della Compagnia di Giesù l’anmo 1617”, do Antonio di Sousa viết, 14 trang, mục báo cáo chung về Đàng Trong (Missione di Coccincina) có 3 trang, trong đó có nhắc đến Pulocambi 2 lần [29]. Nội dung bức thư chép: Cha Buzomi viết thư ngày 7/6/1617 tường trình việc quan phủ Qui Nhơn biết được “nhà chúa” có lệnh trục xuất các thừa sai. Quan phủ biết lý do không chính đáng, ông khuyên các thừa sai tạm ẩn ở Hội An, ông hứa sẽ giúp đỡ. Thư này Cha Giám sát Dòng Tên nhận được vào ngày 26/10/1617 qua đường chuyển của người Nhật.

Bức thư năm 1618, “Lettera annvale del Collegio di Macao. Al molto Riuerente Padre Mutio Vitelleschi, Generale della Compagnia di Giesù l’anmo 1618”, do Francesco Eugenio viết, 18 trang, mục báo cáo chung về Đàng Trong (Missione di Coccincina) có 7 trang, nhắc đến Pulocambi 6 lần, mục riêng về Nước Mặn (Della Residentia di Pulocambi) có 2 trang, nhắc đến Pulocambi 1 lần. Nội dung bức thư năm 1618 chép: Có một thanh niên tên thánh Phêrô giúp Cha dịch giáo lý, chuyển ngữ Kinh lạy Cha, Kinh kính mừng và Kinh tin kính. Các bức thư trên, nguyên bản tiếng Bồ và được dịch sang tiếng Ý, chưa thấy xuất hiện chữ Quốc ngữ [30].

Tài liệu viết tay của Linh mục João Rodrigues Giram (bằng tiếng Bồ Đào Nha) viết năm 1620, “Annua de Cochinchina de 1619”, là bản tổng kết tình hình hoạt động của các thừa sai ở Đàng Trong năm 1619, báo cáo cho Bề trên Cả Dòng Tên ở Rôma [31]. Tài liệu này gồm 23 trang (745 hàng), khổ 14cm x 22cm [ARSI, Jap-sin quyển 71, tờ 1-12]. Sau phần báo cáo tổng quát, có hai mục cư sở Hội An và cư sở Nước Mặn.

Hai tài liệu viết năm 1621, một bản của João Roiz soạn bằng tiếng Bồ Đào Nha, “Annua de Cochinchina do anno de 1620”, gồm 15 tờ, tức 30 trang (kể cả trang bìa), khổ 14cm x 22cm [ARSI, Jap-sin quyển 72, tờ 2-16] và một bản của Gaspar Luis, “Annua Cochinchinensis 1620”, nội dung hai bản tường trình năm 1621 cũng không khác nhau, nhưng bản của Luis soạn thảo bằng tiếng Latin, gồm 8 trang rưỡi, khổ 12cm x 20cm [ARSI, Jap-sin quyển 71, tờ 13-21= 22-27]. Hai tài liệu viết tay của Linh mục Roiz (bằng tiếng Bồ Đào Nha) và của Linh mục Luis (bằng tiếng Latin) viết năm 1621 là hai bản tổng kết tình hình hoạt động của các thừa sai ở Đàng Trong năm 1620, báo cáo cho Bề trên Cả Dòng Tên ở Rôma.

Khi tổng hợp sự kiện để viết báo cáo, Linh mục Giram cho biết: ở Đàng Trong, các thừa sai học ngôn ngữ rất tốt, có thể giảng đạo mà không cần phiên dịch, còn hai Linh mục Roiz và Luis đều thừa nhận lúc bấy giờ có một cuốn sách bổn (Kinh và giáo lý) bằng tiếng Đàng Trong đang được sử dụng tiện ích và hữu hiệu cho công cuộc truyền giáo tại địa phương, nhưng không cho biết tên tác giả, nội dung cuốn sách giáo lý và soạn lúc nào. Luis ghi: “Cuốn giáo lý mà người ta đã biên soạn bằng tiếng Đàng Trong, giúp ích rất nhiều, vì không những trẻ em hoc thuộc lòng sách đó, mà người lớn cũng học…” [32]. Linh mục Roiz viết: cha ấy học tiếng dễ dàng, một cha biết tiếng địa phương, đang ở Hội An [33]. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu được tác giả cuốn sách chính là Linh mục Pina [34]. Theo một số nhà nghiên cứu: có lẽ cuốn sách chữ Nôm này chỉ ở dạng chép tay và được những người công giáo Việt Nam sử dụng, còn đối với các giáo sĩ Dòng Tên thì họ dùng bản phiên âm chữ Latin, tức là như kiểu chữ Quốc ngữ.

Căn cứ vào bản báo cáo năm 1618 của Francesco Eugenio [35], Giáo sư, Linh mục Roland Jacques một nhà ngôn ngữ học Phương Đông xác định cuốn sách bổn được làm tại Nước Mặn vào năm 1618 dưới sự giám sát của Linh mục Buzomi, Bề trên cư sở Nước Mặn. Tác nhân chính của cuốn sách là Linh mục Pina và một người thanh niên Việt Nam [36].

Mặc dù, chưa sang Việt Nam, nhưng ba tài liệu viết tay của Rodrigues Giram và Roiz viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, của Luis viết bằng tiếng La tinh có thể tìm thấy một số chữ Quốc ngữ như: Ondelim “ông đề lĩnh”, Unsai “ông sãi”, Ungue “ông nghè”, Cacham “Kẻ Chàm”, Nuocman “Nước Mặn” …[37]. Những chữ Quốc ngữ được dùng trong ba tài liệu viết tay này, chắc chắn được các linh mục không biết tiếng Việt “sao y” từ các bản báo cáo hàng năm của các nhà truyền giáo ở Nước Mặn, Đàng Trong gởi về Tỉnh Dòng. Đây là những tư liệu viết tay xưa nhất hiện biết có liên quan đến chữ Quốc ngữ và được ghi vào danh mục “bức thư thường niên” (lettre annuelle), lưu trữ ở Rôma được viết năm 1620 và 1621.

Tài liệu in đầu tiên có chữ Quốc ngữ hiện nay biết được là những ghi chép của Linh mục Christoforo Borri trong cuốn sách “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” xuất bản bằng tiếng Ý lần đầu tiên năm 1631, tại Rôma. Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ Borri đã sử dụng là chữ La tinh hoá được ông ghi chép từ những năm ở Đàng Trong, khi ông ở Nước Mặn với hai Linh mục Buzomi và Pina, từ năm 1618 đến 1622 [38]. Chữ Quốc ngữ lúc này của Borri chưa có qui cách chặt chẽ, có chữ phiên âm theo tiếng Ý, có chữ phiên âm theo tiếng Bồ Đào Nha và chưa thấy dấu ghi thanh, ngoại trừ dấu huyền là có sẵn trong tiếng Ý. Có lẽ, do hạn chế các con chữ của nhà in lúc đó bị thiếu những dấu ghi thanh mà Borri có thể đã sử dụng khi ông soạn thảo văn bản. Chữ Quốc ngữ trong “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” như: Cacciam “Kẻ Chàm”, Nuoecman/Nuocmon/Nuocman “Nước Mặn”, omgne “ông nghè”, Chiuua “Chúa”, Chiampa “Champa”, ciam “chẳng”, doij “đói”, con gnoo “con nhỏ”, da an het “đã ăn hết”, scin mocaij “xin một cái”, Dàdèn, Lùt, Dàdèn, Lùt “Đã đến lụt, Đã đến lụt”, chìa “trà”, Quignin “Qui Nhơn”, “Con gnoo muon bau tlom laom Hoalaom chiam ? “Con nhỏ muốn vào trong lòng Hoa Lang chăng?”, “Muon bau dau christiam chiam ? “Muốn vào đạo christiam chăng?”. Christophoro Borri là người đã sử dụng số lượng chữ Quốc ngữ nhiều nhất so với các tác giả khác cùng thời (94 chữ).

Ngoài ra, những tài liệu viết tay thời kỳ này có chữ Quốc ngữ do các Linh mục khi đang truyền giáo ở Đàng Trong viết, hiện còn lưu giữ được là bức thư của Francisco de Pina viết năm 1623, bức thư của Alexandre de Rhodes viết năm 1625, bản tường trình của Gaspar Luis năm 1626, bản tường trình của Antonio de Fontes năm 1626, bức thư của Francesco Buzomi viết năm 1626.

Trong số các giáo sĩ, Alexandre de Rhodes đến Việt Nam muộn (cuối năm 1624), nhưng là người duy nhất ra vào nhiều thời gian ở cả hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài (Đàng Trong 7 năm, Đàng Ngoài 4 năm). Ba tác phẩm chữ Quốc ngữ của ông, in năm 1651 là: “Phép giảng tám ngày”, “Văn phạm Việt ngữ”“Từ điển Việt-Bồ-La”. Trong gần hai thế kỷ, mãi cho đến lúc xuất hiện hai cuốn từ điển “Việt-La” “La-Việt” của Taberd năm 1838 [39], ba tác phẩm ấy vẫn là những công trình duy nhất áp dụng hệ thống chữ viết Quốc ngữ được in.

Đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng chính thức ở Việt Nam, người ta cố truy tìm lịch sử của nó, bấy giờ Alexandre de Rhodes đã sớm được công nhận như là người khai sinh ra việc chuyển vần La tinh vào tiếng Việt. Năm 1624, Alexandre de Rhodes lần đầu tiên đến Đàng Trong ở Thành Chiêm học tiếng Việt từ Linh mục Francisco de Pina. Do vậy, mặc nhiên Hội An / Thành Chiêm / Quảng Nam được xem như là cái nôi, miền đất khai sinh chữ Quốc ngữ!

Trong những năm gần đây, các học giả đã nhìn nhận lại: Việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là cả một quá trình, là công việc tập thể của nhiều giáo sĩ phương Tây. Giai đoạn đầu (1618-1622) phải kể đến sự đóng góp thuộc về các tên tuổi như Pina (người Bồ Đào Nha), Borri (người Ý), Buzomi (người Ý). Công lao của các giáo sĩ khác như: Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và nhất là Alexandre de Rhodes là ở các giai đoạn sau – những giai đoạn hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, thường được kể từ sau năm 1626.

Những nơi đầu tiên các vị thừa sai Dòng Tên đến ở hoạt động truyền giáo tại Đàng Trong là trú sở Cửa Hàn (1615), cư sở Nước Mặn (1618), cư sở Hội An (1619) và cư sở Thành Chiêm (1623). Nhưng Nước Mặn là nơi các thừa sai được tiếp cận với cư dân bản địa, tự do hoạt động truyền giáo, dưới sự bảo trợ của Khám lý Trần Đức Hòa, quan trấn phủ Qui Nhơn – người anh em kết nghĩa với chúa Nguyễn.

Francisco de Pina sang Việt Nam năm 1617 gặp lúc các thừa sai bị người Việt đang săn đuổi, chúa Nguyễn lệnh trục xuất các thừa sai, Pina được các giáo dân Nhật ở Hội An bí mật nuôi giấu, bảo vệ. Do vậy, trong thời gian này Pina khó có điều kiện tiếp xúc với người Việt và học tiếng Việt, mà phải đến giữa năm sau (1618) khi quan trấn phủ Qui Nhơn là Trần Đức Hòa cùng Linh mục Buzomi ra Hội An đón ông cùng Linh mục Borri và hai thầy Diaz, Augustino về ở tại Nước Mặn thì ông mới có điều kiện tự do học tiếng Việt. Pina ở đây hai năm, từ năm 1618 đến 1620, sau đó đi về giữa Nước Mặn - Hội An, đến năm 1623 ông lập cư sở Thành Chiêm và làm Bề trên cư sở này [40]. Được đánh giá là người học tiếng Việt nhanh nhất, có lẽ sau hai năm ở Nước Mặn, Pina đã nói được tiếng Việt và giảng đạo không cần phiên dịch trước khi về thành lập cư sở Thành Chiêm. Ông chết đuối tại bờ biển Đà nẵng vào ngày 15/12/1625 do thuyền bị sóng đánh chìm [41]. Riêng Christophoro Borri cập bến Cửa Hàn năm 1618, ông trú trong khu thương nhân Bồ Đào Nha tại Đà Nẵng một thời gian ngắn, rồi vào Nước Mặn ngay sau đó, ông ở Nước Mặn từ năm 1618 đến năm 1622 trở về lại Ma Cao.

Năm 1620, ở Hội An có các thừa sai: Linh mục Marquez (Bề trên cộng đoàn), hai tu huynh người Nhật vừa đến Đàng Trong (1620): Tu huynh Paulo Saïto, tu huynh José Tsuchimochi và Linh mục Pina (đi về giữa Nước Mặn và Hội An). Lúc bấy giờ tại Hội An có 82 người Việt và 27 người Nhật gia nhập Công giáo. Trong lúc, ở Nước Mặn, năm 1620 có ba thừa sai ở thường xuyên, (không kể Linh mục Pina đi đi về về giữa Hội An và Nước Mặn): Linh mục Buzomi (Bề trên cộng đoàn), Linh mục Borri và tu huynh Dias, lúc bấy giờ tại Nước Mặn có 180 người Việt gia nhập Công giáo. Đến năm 1625, tại nước Mặn có 602 người gia nhập Công giáo, ở Hội An có 325 người gia nhập Công giáo [42]. Việc Dòng Tên tăng cường hai tu huynh người Nhật trợ giúp cho Hội An và sự chênh lệch số người Việt gia nhập Công giáo trong các năm (1620, 1625) giữa Hội An và Nước Mặn, cho thấy sự tiếp xúc của các thừa sai với người Việt ở Nước Mặn rộng hơn ở Hội An rất nhiều, có lẽ các thừa sai ở Hội An chủ yếu dựa vào giáo dân Nhật kiều. Và từ năm 1618 đến năm 1625, Nước Mặn là trung tâm truyền giáo lớn của xứ Đàng Trong.

Cần chú ý rằng, những bản dịch các bản văn Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và các học giả dựa trên những tài liệu lưu trữ nhận định: phần thiết yếu do công của Pina, có ý kiến cho rằng công của Buzomi, bởi vì theo thói quen thực hiện các biên bản hàng năm của các tu sĩ Dòng Tên, “linh mục” - tác giả không minh nhiên được nêu tên, nhưng lại ghi rất chi tiết về sự giúp đỡ của một văn nhân Việt Nam trong việc dịch kinh và chuyển mẫu tự La tinh. Ba tu sĩ Dòng Tên bấy giờ có mặt tại cư sở truyền giáo Nước Mặn / Pulucambi / Qui Nhơn, lúc công trình này tiến hành là: Linh mục Buzomi, Linh mục Pina và Linh mục Borri. Chúng ta hiểu rằng, các công trình được thực hiện dưới sự giám sát của Buzomi, Bề trên của cư sở truyền giáo Đàng Trong, nhưng những tác nhân chính yếu thực hiện công trình này là Pina (hoặc Buzomi) và chàng thanh niên Việt Nam ở tại Nước Mặn cộng tác với ông ấy.

Việc Linh mục Borri sử dụng một số chữ Quốc ngữ trong tác phẩm “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” và các Linh mục Giram, Roiz, Luis đã sử dụng chữ Quốc ngữ trong các bản báo cáo viết tay của mình, đã chứng minh rằng: ngay từ những năm 1618-1620 đã có một khởi đầu hình thành chữ Quốc ngữ tại chính quê hương Nước Mặn.

Như vậy, Cửa Hàn / Hội An là điểm xuất phát truyền giáo buổi đầu, năm 1618 lập giáo đoàn tại Nước Mặn (Qui Nhơn) và Nước Mặn là cư sở truyền giáo tiên khởi do các Linh mục Buzomi, Pina, Borri đảm nhiệm. Cha Bề trên Buzomi và hai Linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri là những giáo sĩ Dòng Tên quốc tịch Ý và Bồ Đào Nha đi tiên phong trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, thời gian đầu đến Đại Việt (Đàng Trong) sống, hoạt động truyền giáo và học tập, nghiên cứu, phiên âm chữ Quốc ngữ đều ở Nước Mặn (Qui Nhơn). Do đó, có thể coi Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên chữ Quốc ngữ.
NTQ


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.67 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương