CHỮ quốc ngữ TẠi bình đỊNH


Quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ



tải về 0.67 Mb.
trang2/8
Chuyển đổi dữ liệu24.04.2018
Kích0.67 Mb.
#37093
1   2   3   4   5   6   7   8

3. Quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ

3.1.Việc phổ biến chữ Quốc ngữ trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam

Ai cũng phải thừa nhận rằng chữ Quốc ngữ là thứ chữ dễ viết, dễ đọc, dễ học và dễ hiểu hơn hẳn chữ Hán và chữ Nôm. Người sáng dạ chỉ học vài ba tháng là có thể đọc thông, viết thạo, có thể đọc cho nhiều người khác cùng nghe, cùng hiểu. Điều quan trọng là nhờ có hệ thống dấu ghi thanh và một loạt nguyên âm mới nên chữ Quốc ngữ hoàn toàn thể hiện được đầy đủ âm sắc đa đạng và phức tạp của tiếng Việt. Rất tiếc là mục đích của các nhà truyền giáo không phải là sáng tạo cho người Việt Nam một thứ chữ để làm quốc tự mà mục đích duy nhất của họ là để thuận lợi cho công việc truyền đạo chúa. Hơn nữa nó lại ra đời ở một đất nước vốn có truyền thống Nho giáo lâu đời. Đạo Nho là tư tưởng thống soái chi phối mọi hoạt động, đạo Phật đã trở thành quốc đạo, chữ Nho đã được gọi là chữ “thánh hiền” thì mấy ai để ý, cho dù cho chữ Quốc ngữ tiện ích đến đâu. Hơn nữa chữ Quốc ngữ lại do những giáo sĩ phương Tây sáng tạo ra khi mà chủ nghĩa thực dân châu Âu đang dòm ngó, âm mưu xâm lược phương Đông, trong đó có Việt Nam. Tất cả những điều đó đủ để thấy cơ hội cho chữ Quốc ngữ thật quá ít ỏi, nếu như không nói là vô cùng bất lợi. Bởi vậy lúc đầu chữ Quốc ngữ chỉ được sử dụng trong công việc truyền giáo của các giáo sĩ và trong sinh hoạt của cộng đồng Thiên chúa giáo. Người công giáo bắt đầu bỏ chữ Nho theo học chữ Quốc ngữ, dẫn đến việc tách biệt hai cộng đồng lương, giáo. Lúc đó chúa Nguyễn ở trong Nam, chúa Trịnh ở ngoài Bắc, một là sợ mất nước, hai là sợ đạo “thánh hiền”, chữ “thánh hiền” bị lấn át nên đã cho đạo Thiên chúa là tà đạo, ra lệnh cấm, trục xuất giáo sĩ. Phong trào cấm đạo ngày càng mạnh mẽ, nhất là dưới triều Minh Mạng. Bởi vậy chữ Quốc ngữ vừa mới ra đời đã bị những cơn giông tố cấm đạo vùi dập nên không có cơ hội phổ biến. Có lẽ chính vì vậy mà suốt 300 năm sau, chữ Quốc ngữ vẫn chỉ tồn tại trong xứ đạovà cũng chỉ trên các sách Kinh, trong thư từ trao đổi của giáo sĩ và giáo dân mà thôi. Đầu thế kỷ XIX một vài trí thức công giáo tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ vì thấy rõ sự thuận lợi, tính ưu việt của chữ Quốc ngữ nên trong các điều trần của mình cũng có đề nghị nên bỏ chữ Nho, học chữ Quốc ngữ nhưng không được triều đình nhà Nguyễn chấp nhận. Chữ Quốc ngữ chỉ thực sự có cơ hội khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.



3.2. Thực dân Pháp với việc phổ biến chữ Quốc ngữ

Ngày 01/9/1958 thực dân Pháp bắt đầu nổ sung xâm lược Việt Nam. Sau khi chiếm được nước ta, chúng nhận thấy rào cản lớn nhất trong việc thiết lập nền thống trị là ngôn ngữ. Tên cáo già thực dân Vian đã thừa nhận: “đối với một nước thực dân, chướng ngại khó khăn nhất, đứng trước những dân tộc bị chinh phục là sự khác biệt về ngôn ngữ”11. Thứ ngôn ngữ mà chúng quan tâm nhất là chữ Quốc ngữ. Bởi “những quan chức và nhà buôn (Pháp) sẽ học thứ chữ ấy một cách dễ dàng và như vậy việc giao dịch giữa ta (Pháp) về dân bản xứ sẽ rất thuận lợi”12. Vì vậy ngay khi tiếng súng xâm lược còn đang nổ, tháng 9/1861, được sự giúp đỡ của giáo hội công giáo, Đô đốc Charner đã cho thành lập ngay trường thông dịch Bá đa lộc để dạy tiếng Pháp cho người Việt, và tiếng Việt cho người Pháp. Muốn học trường này bắt buộc phải qua một kỳ thi chính tả chữ la tinh và chữ Quốc ngữ. Điều này chứng tỏ rằng trước khi thực dân Pháp xâm lược, chữ Quốc ngữ đã được phổ biến một mức độ nào đó ở Nam Kỳ. Tiếp đó tháng 7/1864 Đô đốc De la Grandière ra nghị định thành lập một số trường tiểu học dạy chữ Quốc ngữ và cho xuất bản 3 tập sách giáo khoa về mẫu chữ Quốc ngữ để làm tài liệu giảng dạy, đồng thời khuyến khích các xứ đạo, cha cố mở lớp dạy chữ Quốc ngữ.

Đầu năm 1965 chính quyền Pháp ở Nam Kỳ còn cho xuất bản tờ “Gia định báo” bằng chữ Quốc ngữ do Trương Vĩnh Ký (Petrus ký) một trí thức công giáo làm chủ bút.

Ngày 6/4/1878 thống soái Nam kỳ Đô đốc Francois Krantz đã ký nghị định bắt buộc mọi công văn, thư từ hành chính phải được viết bằng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán. Nghị định này quy định rõ:

“1. kể từ ngày 01/01/1979 các văn kiện chính thức phải thảo bằng chữ Quốc ngữ.

2. Kể từ ngày 01/01/1882 mọi tuyển dụng nhân sự và căn cứ vào khả năng biết chữ Quốc ngữ.

3. Mọi công chức nếu giỏi chữ Quốc ngữ sẽ được miễn trừ nhiều loại thuế và dịch vụ”13.

Trước đó thông tư ngày 28/1870 cũng quy định thưởng cho những làng viết được công văn giấy tờ bằng chữ Quốc ngữ từ 50 - 100 đồng, hương chức người việt biết chữ Quốc ngữ được miễn toàn bộ hoặc một nửa thuế thân, công chức người Pháp biết chữ Quốc ngữ được thưởng 100 đồng;

Để tăng cường việc dùng chữ Quốc ngữ, loại bỏ hoàn toàn chữ Hán, ngày 17/3/1879. Lafond còn ký tiếp một nghị định tổ chức lại nền giáo dục Nam kỳ thành hệ thống gồm 3 cấp và đưa chữ Quốc ngữ thành ngôn ngữ chính giảng dạy trong trường học, xóa bỏ hoàn toàn việc dạy chữ Hán.

Như vậy là từ 1879 chữ Quốc ngữ đã chính thức trở thành ngôn ngữ chính trong các công việc hành chính, giáo dục và giao tiếp ở Nam kỳ. Ở Bắc và Trung kỳ chữ Quốc ngữ cũng được nhà cầm quyền Pháp từng bước đưa vào hệ thống giáo dục. Tháng 6/1898, toàn quyền Đông dương Paul Doume đã ra sắc lệnh đưa chữ Quốc ngữ vào kỳ thi Hương. Năm 1903 toàn quyền Paul Beau ký nghị định cải cách giáo dục, tổ chức lại hai hệ thống trường Pháp - Việt và trường dạy chữ Hán, quy định nội dung, chương trình giảng dạy, ngôn ngữ sử dụng trong các trường. Trong đó chữ Pháp và chữ Quốc ngữ được chính thức đưa vào giảng dạy với thời lượng lớn và là ngôn ngữ chính. Đồng thời với việc đưa chữ Quốc ngữ vào nhà trường, thực dân Pháp còn khuyến khích và bảo trợ, cho phát hành một số tờ báo Quốc ngữ như tờ Đăng cổ tùng báo, Đông dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, dùng báo chí để hô hào, tuyên truyền cho việc phổ biến chữ Quốc ngữ.

Như vậy, những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ đã được thực dân Pháp khuyến khích phổ biến, đưa vào chương trình giáo dục, làm cho chữ Quốc ngữ phổ biến rộng rãi hơn từ chỗ gần như không ai biết đến chỗ được đưa vào chương trình giáo dục và trở thành ngôn ngữ thứ 2 chỉ đứng sau chữ Pháp, báo chí Việt ngữ cũng dần xuất hiện và phát triển.

Riêng ở Trung kỳ việc phổ biến chữ Quốc ngữ có phần chậm hơn vì nơi đây ảnh hưởng của chính quyền phong kiến và Nho giáo còn khá mạnh. Mãi đến năm 1906 vua Thành Thái mới có chỉ dụ đưa chữ Quốc ngữ vào giảng dạy ở các trường nhưng cũng ở vị trí thứ yếu mà thôi.

Để tăng cường cho việc phổ biến chữ Quốc ngữ, năm 1917 toàn quyền Albert Sarraut cho ban hành bộ học chính tổng quy (Reglement general de l’instruction publique). Theo bộ học quy này, hệ thống giáo dục Việt Nam được chia làm hai loại: Trường Pháp chuyên dạy cho học sinh là người Pháp, trường Pháp - Việt dạy cho học sinh người Việt theo chương trình bản xứ và được chia làm 3 cấp học là tiểu học, trung học và cao đẳng, dạy nghề. Chương trình học, nội dung và ngôn ngữ sử dụng cũng được quy định chi tiết cho mỗi cấp học. Chữ Quốc ngữ được dùng cho các môn học nhất là ở bậc tiểu học, số giờ học bằng chữ Quốc ngữ cũng được tăng thêm, số giờ dạy chữ Hán ít đi và chỉ còn như là một ngoại ngữ. Trước đó năm 1919, Sarraut cho bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Hán, cấm các trường tư hoạt động trừ các trường tư Thiên chúa giáo. Điều đó chứng tỏ thực dân Pháp rất quan tâm đến việc phổ biến chữ Quốc ngữ, loại bỏ chữ Hán. Chính vì vậy mà trong mấy thập kỷ đầu chữ Quốc ngữ đã nhanh chóng được phổ biến ở cả Bắc và Trung kỳ, nhất là Bắc Kỳ. Đặc biệt trong hệ thống giáo dục từ lớp đồng ấu đến lớp sơ đẳng học sinh được học hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ.

Như vậy, rõ ràng là thực dân Pháp đã khuyến khích và tạo điều kiện cho việc phổ biến chữ Quốc ngữ: đưa chữ Quốc ngữ vào công việc hành chính, vào việc giảng dạy trong trường học, cho phát triển báo chí Quốc ngữ, khuyến khích việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Một câu hỏi đặt ra là có phải thực dân Pháp muốn xây dựng chữ Quốc ngữ thành Quốc tự cho dân tộc ta không? Xin thưa rằng hoàn toàn không, bởi mục đích cuối cùng của thực dân Pháp là đồng hóa và kìm hãm dân tộc ta trong vòng ngu dốt để dễ bề thống trị, chúng đẩy mạnh việc sử dụng và phổ biến chữ Quốc ngữ là muốn loại bỏ chữ Hán, loại bỏ tầng lớp trí thức Nho giáo ra khỏi vũ đại chính trị và giáo dục, cắt đứt mối quan hệ giữa chúng ta với nước Trung Hoa truyền thống, trong khi chưa thể đưa ngay chữ Pháp vào trước sự phản ứng của người Việt Nam. Và một điều quan trọng là việc đưa chữ Quốc ngữ vào trường học còn giúp chúng nhanh chóng nắm được độc quyền giáo dục ở Việt Nam. Với tất cả những lẽ đó, thực sự thực dân Pháp chỉ muốn dùng chữ Quốc ngữ để làm chuyển ngữ loại bỏ chữ Hán, củng cố dần địa vị cho chữ Pháp mà thôi. Trên thực tế dù có cổ vũ, khuyến khích cho chữ Quốc ngữ nhưng chữ Pháp luôn chiếm vai trò chính và chủ đạo. Nói về ý đồ này của thực dân Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết “Thực dân Pháp lại cố tâm hủy bỏ Hán học vì chúng thấy nguy hiểm cho sự thống trị của chúng, vì chúng thấy Hán học có thể đưa những tư tưởng tiến bộ phương Tây thông qua Trung Quốc, Nhật Bản. Người ta tưởng rằng bỏ Hán học để đẩy lùi những ảnh hưởng của nước ngoài, người Pháp sẽ thay thế vào đó bằng nền giáo dục của họ. Không phải thế đâu, thâm ý của họ là đẩy người Việt Nam vào vòng ngu dốt”14.

Thực tế cho ta thấy rằng, đầu những năm 20 khi thấy người Việt Nam đã chấp nhận chữ Quốc ngữ, việc phổ biến và sử dụng chữ Quốc ngữ đang phát triển mạnh thì chính toàn quyền Merlin đã ra nghị định tổ chức lại hệ thống giáo dục nhưng thực chất là nhằm hạn chế số người theo học và hạn chế số giờ học chữ Quốc ngữ vì sợ rằng chữ Quốc ngữ sẽ lấn át, chiếm mất địa vị của chữ Pháp.

Công bằng mà nói việc thực dân Pháp đưa chữ Quốc ngữ vào trường học, khuyến khích việc sử dụng chữ Quốc ngữ đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến chữ Quốc ngữ, đưa chữ Quốc ngữ thoát ra khỏi lãnh địa Thiên chúa giáo đến với đông đảo người Việt Nam. Nhưng do ý đồ dùng chữ Quốc ngữ làm chuyển ngữ nên điều kiện thực sự để cho chữ Quốc ngữ được phổ biến rộng rãi để trở thành Quốc tự của Việt Nam đã bị hạn chế đi rất nhiều.



3.2. Trí thức Việt Nam với việc phổ biến chữ Quốc ngữ

* Trí thức công giáo

Mục đích của việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là để truyền đạo như vậy một điều chắc chắn là những trí thức Công giáo sẽ ủng hộ việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Bởi họ trước hết là người công giáo, ít nhiều có quan hệ với chính quyền, được chính quyền tin tưởng và ưu ái hơn vì họ là đối tượng đầu tiên được chính quyền nhằm tới để hợp tác. Đồng thời họ đã là người biết chữ Quốc ngữ nên họ đã sớm nhận ra tính ưu việt của chữ Quốc ngữ so với chữ Hán, chữ Nôm. Họ là lớp người đầu tiên hăng hái tuyên truyền, cổ vũ cho việc học và dùng chữ Quốc ngữ. Tiêu biểu trong số họ là Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản…Nhưng người có đóng góp đầu tiên và nhiều nhất chính là Trương Vĩnh Ký tức Petrus Ký (1837-1898). Ông là người đầu tiên dùng chữ Quốc ngữ để làm báo (chủ bút Gia định báo, chủ nhiệm và chủ bút Thông loại khóa trình - tờ báo Quốc ngữ tư nhân đầu tiên); sáng tác văn học (Chuyện đời xưa. 1886, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất hợi, 1881); Phiên âm và chú giải tác phẩm Nôm ra Quốc ngữ (Kim Vân Kiều truyện 1875). Đại Nam quốc sử diễn ca 1875; dịch tiếng Hán ra Quốc ngữ (Tứ thư 1889, Minh tâm biểu giám 1891), Viết sách giáo khoa dạy Quốc ngữ (vần Quốc ngữ 1876; soạn từ điển. Pháp - Việt (Petie dictionnaire Française - Annamite, 1884)

Huỳnh Tịnh Của tức Paulus(1830 - 1908), tuy giữ chức Đốc phủ sứ nhưng ông lại là người say mê sưu tầm khảo cứu văn hóa, khoa học. Ông cũng thuộc lớp người đầu tiên tích cực phổ biến chữ Quốc ngữ. Ông đã để lại nhiều công trình có giá trị bằng chữ Quốc ngữ như: Phép toán 1867, Phép đo 1867, Bác học sơ giải 1887, Đại Nam quốc âm tự vi tập 1. 1895, tập 2. 1896, Gia lễ 1886, Thoại Khanh Châu Tuấn 1906, Lang châu toàn chuyện 1906. Gia ngôn 1897.

Có thể nói trí thức công giáo là những người đặt viên gạch đầu tiên cho việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Không những họ viết giáo khoa, từ điển chữ Quốc ngữ mà còn đem chữ Quốc ngữ thử nghiệm trên tất cả các lĩnh vực để chứng minh rằng chữ Quốc ngữ là một ngôn ngữ hiện đại có thể làm được tất cả những thứ mà ngôn ngữ khác có thể làm, là chìa khóa vươn tới văn minh và hiện đại để mọi người tin tưởng mà học mà dùng.



* Trí thức nho học.

Trí thức nho học là tầng lớp đại diện cho tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam. Họ luôn coi đạo Nho là linh hồn, chữ Hán là chữ “thánh hiền”. Với tư tưởng tự cao tự đại, coi mình là trên hết, coi thường tất cả, vậy nên khi chữ Quốc ngữ ra đời với mục đích truyền đạo, lại do các giáo sĩ Phương Tây sáng tạo ra nên họ coi thường không thèm học. Nhất là khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, đưa chữ Quốc ngữ vào thay thế chữ Hán thì ý thức dân tộc, ý thức bảo vệ đạo “thánh hiền” càng trở nên quyết liệt, họ coi những gì đi với quân xâm lược đều là xấu xa, đáng khinh bỉ. Chữ Quốc ngữ cũng cùng chung số phận đó. “Hễ ghét đạo chúa, ghét Tây thì ghét luôn cả chữ Quốc ngữ”15. Tiêu biểu cho tâm lý ghét Tây là ghét luôn cả chữ Quốc ngữ là Tú Xương và cụ Đồ Chiểu. Nói về việc ghét chữ Quốc ngữ của Tú Xương, nhà văn Nguyễn Tuân viết: “chữ Quốc ngữ bị nằm chung vào cái diện bị đánh mạnh. Chữ Quốc ngữ vì có mật thiết với đời sống của ký, phán, thông, mà trở thành đối tượng oan uống của thơ Tú Xương đả kích”16. Còn cụ Đồ Chiểu thì ghét Tây đến mức đường Tây đắp không thèm đi, chữ Tây không thèm học, đồ Tây không thèm dùng. Một giai thoại kể rằng cụ thà lội ruộng để đi chứ nhất định không chịu đi đường do Tây đắp. Có lẽ tầng lớp trí thức nho học như cụ Đồ Chiểu, Tú Xương, một phần họ ghét chữ Quốc ngữ vì ghét Tây nhưng phần khác chính là họ cho rằng chữ Quốc ngữ do thực dân Pháp sáng tạo ra và truyền bá chứ họ đâu có biết chữ Quốc ngữ là do công sức của cả một tập thể các nhà truyền giáo Châu Âu với trí thức Việt Nam đã dày công nghiên cứu, sáng tạo ra từ đầu thế kỷ 17 và được nhiều thế hệ trí thức bổ xung hoàn chỉnh. Họ cũng chưa thấy được sự tiện lợi và tính ưu việt của chữ Quốc ngữ so với chữ Hán, chữ Nôm do bản chất bảo thủ, trì trệ vốn có trong tư tưởng của họ. Vì vậy không những họ phản đối, tẩy chay chữ Quốc ngữ mà còn vận động nhiều người tẩy chay đả kích. Tâm lý này kéo dài suốt nửa cuối thế kỷ XIX.

Đầu thế kỷ XX, do ảnh hưởng của cuộc vận động cải cách ở Trung Quốc, công cuộc Duy Tân thắng lợi ở Nhật Bản, sự du nhập của luồng tư tưởng tiến bộ Phương Tây vào Việt Nam, sự thất bại của phong trào vũ trang kháng Pháp trong nước, tầng lớp trí thức nho học Việt Nam mới thức tỉnh. Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng một nhân sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ đã thừa nhận: “Địa ngục mấy tầng, ngọn triều Âu tràn vào bốn mặt, đồng nội mịt mù, đêm dài vằng vặc, bỗng đâu gà hàng xóm gáy lên một tiếng, giấc mộng quần chúng thoạt tỉnh”17. Họ chợt nhận ra rằng: đất nước ta còn quá nghèo nàn, lạc hậu, dân trí ta còn quá thấp chưa thể thoát khỏi kiếp ngựa trâu, vậy nên nhiệm vụ trước mắt là ta phải chấn hưng dân khí, mở mang dân trí và phát triển thực nghiệp. Để làm được điều đó theo các cụ phải xóa bỏ khoa cử, mở trường học kiểu mới, dạy chữ, dạy kiến thức cho mọi người. Thứ chữ mà các cụ cổ động mọi người học chính là chữ Quốc ngữ. Thứ chữ mà trước đây các cụ đã khinh miệt không thèm học chứ không phải là chữ “thánh hiền” (chữ Nho). Các cụ cho rằng: “Ngày nay chữ Quốc ngữ mới thật là chữ viết của ta, ta đọc ta hiểu, người nghe ta đọc cũng hiểu ngay, người sang kẻ hèn cũng học được mà không hao công tốn của”18, hay “người trong nước đi học lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện để trong một thời gian vài tháng, đàn bà, trẻ em đều biết chữ, và người ta có thể dùng chữ Quốc ngữ để ghi việc đời xưa, chép việc đời nay, thư từ chuốt lời đạt ý. Đó thực sự là bước đầu tiên trong việc mở mang trí khôn vậy”19. Vậy nên:

Trước hết phải học ngay Quốc ngữ

Khỏi đôi đường tiếng chữ khác nhau

Chữ ta ta thuộc làu làu

Nói ra nên tiếng viết câu nên bài”4

Có thể nói đây là chuyển biến lớn và quan trọng về mặt tư tưởng cũng như nhận thức của tầng lớp Nho sĩ Việt Nam. Từ chỗ kỳ thị khinh miệt thứ chữ của Tây “ngoằn nghèo như rau muống”, nay không những thừa nhận mà còn coi là “chữ ta”, gọi là Quốc ngữ (Đến thời kỳ này chữ la tinh hóa tiếng Việt mới bắt đầu được gọi là Quốc ngữ) thì thật là đáng khâm phục. Chính sự chuyển biến này đặt cơ sở quan trọng để người Việt Nam chấp nhận chữ Quốc ngữ, từ đó tạo nên phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ mang tính cách mạng đầu thế kỷ XX. Đó là phong trào Duy tân ở Trung kỳ (1903 - 1906)do Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng, phong trào Đông kinh Nghĩa thục 1907 ở Bắc kỳ do Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí phát động. Hai phong trào này như một cuộc vận động cải cách giáo dục lớn nhằm xóa bỏ nền học cũ, xây dựng nền học mới tiến bộ, ở đó chữ Quốc ngữ lần đầu tiên được đề cao, được tôn vinh là “Hồn của nước”. Trong phong trào hàng trăm lớp học theo lối mới được mở để dạy chữ Quốc ngữ cho hàng nghìn người20, chủ yếu là nhân dân lao động. Theo một báo cáo thì chỉ riêng tỉnh Quảng Nam năm 1906 đã mở được 40 trường lớn nhỏ21. Học sinh của các trường gồm cả trẻ, già, trai, gái, đặc biệt là có rất nhiều nhà nho theo học. Họ học là để biết chữ Quốc ngữ, để làm người chứ không phải học để đi thi, để làm quan. Còn trong phong trào Đông kinh Nghĩa thục, những nhà tổ chức phong trào không những mở được nhiều lớp học mà họ còn biên soạn được hàng chục cuốn sách có nội dung tiến bộ bằng chữ Quốc ngữ như: Quốc âm độc bản, Nam Quốc địa dư, Quốc âm độc bản, thiết tiền ca, kêu hồn nước…để làm tài liệu giảng dạy. Một điều đáng chú ý là trong các phong trào này việc học chữ Quốc ngữ luôn gắn với việc tuyên truyền lòng yêu nước nên được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Chính vì vậy mà phong trào đã bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Hàng trăm người đã bị thực dân Pháp xử chém hoặc tù đày trong đó có hầu hết những nhà tổ chức và lãnh đạo phong trào. Mặc dù vậy nó đã báo hiệu một thời kỳ mới của chữ Quốc ngữ, thời kỳ người Việt Nam chấp nhận chữ Quốc ngữ.

* Trí thức tân học

Trí thức tân học chính là tầng lớp trí thức được đào tạo ra từ chính nền giáo dục của thực dân Pháp. Trong số đó có rất nhiều người có tinh thần dân tộc. Họ hiểu rất rõ tính ưu việt của chữ Quốc ngữ so với chữ Hán, chữ Nôm và cả chữ Pháp nữa. Do tinh thần dân tộc họ muốn xây dựng cho nước nhà một quốc tự mà quốc tự ấy chính là chữ Quốc ngữ. Nổi bật trong số họ là Nguyễn Văn Vĩnh. Ông nguyên là công chức thuộc phủ Đốc lý Hà Nội được cử sang Pháp phụ trách gian hàng Bắc kỳ tại hội chợ thuộc địa ở Marseille năm 1906. Được tận mắt chứng kiến thành quả của nền văn minh phương Tây, và càng thấy được sự yếu kém, lạc hậu, của dân tộc mình. Theo ông một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém lạc hậu chính là vì chúng ta chưa có một nền văn hóa riêng, một chữ viết riêng. Bởi vậy ngay sau khi về nước ông đã xin thôi việc ở tòa đốc lý để cùng với một số trí thức tân học khác như Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Duy Tốn… bắt tay vào việc hô hào tuyên truyền cho chữ Quốc ngữ. Ông đã từng nói “Chữ Quốc ngữ là hồn của nước”, “Nước Nam ta sau này hay hay dở cũng đều ở chữ Quốc ngữ”. Để khuyến khích việc học và dùng chữ Quốc ngữ, ông đã đứng ra lập tờ Đăng cổ tùng báo in song chữ Hán - Việt, trong đó chữ Quốc ngữ là phần chính. Đăng cổ tùng báo là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ (không kể tờ công báo Đại việt dân báo ra đời năm 1905). Ông cũng là người vận động thành lập Đông kinh Nghĩa thục ở Hà Nội, trực tiếp viết đơn xin phép, thảo điều lệ của Đông kinh Nghĩa thục và là một trong những diễn thuyết, giảng viên chính của nhà trường. Trong số ra đầu tiên của Đăng cổ tùng báo22, Nguyễn Văn Vĩnh có bài Người Annam nên học chữ Annam. Trong bài ông kêu gọi mọi người nêu cao tinh thần và ý thức dân tộc hãy học, dùng chữ Quốc ngữ. Và, chính ông là người tiên phong làm gương trong việc cùng chữ Quốc ngữ. Năm 1913 Nguyễn Văn Vĩnh lại đứng ra lập thêm hai tờ báo quốc ngữ là Đông dương tạp chí Trung Bắc tân văn đều do ông làm chủ bút. Đây là hai tờ báo khá nổi tiếng và uy tín, quy tụ được đông đảo trí thức có tên tuổi khắp trong Nam, ngoài Bắc vào việc tuyên truyền và cổ động cho việc chữ Quốc ngữ.

Trên mặt trận báo chí Nguyễn Văn Vĩnh luôn là người tiên phong trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ. Ông chỉ cho mọi người thấy sự tiện lợi của việc học chữ Quốc ngữ so với chữ Nho: “chữ Quốc ngữ thì không những người biết chữ đọc, hiểu được, một người đọc cả nhà cùng nghe cùng hiểu được”23.Chữ Quốc ngữ dễ học, dễ hiểu hơn chữ Nho “ai có chí vài ngày, ngu đần một tháng cũng phải thông”24. Trong khi đó học chữ Nho thì phải “mất nửa đời người mà trăm người học không được một người hay, học được cũng chỉ ích lấy một người”25

Không những hô hào mọi người học chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh còn mong muốn chữ Quốc ngữ được dùng rộng rãi trong các lĩnh vực: hành chính, giáo dục , truyền bá tư tưởng, văn hóa, sáng tác thơ văn... Bởi vậy ông kêu gọi những: “những bậc tài hoa, những người có học thức trong nước, chuyên vào nghề viết văn Quốc ngữ”26 để xây dựng cho nước nhà một nền văn học Quốc ngữ không thua kém các nền văn học khác.

Trong quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh cũng nhận thấy chữ Quốc ngữ vẫn còn nhiều hạn chế như: câu văn chưa trôi chảy, lưu loát, khó hiểu vì vậy ông đề nghị mọi người trong khi viết sách, báo, văn thơ, câu đối, lời chúc tụng nên viết bằng chữ Quốc ngữ, luyện cho mình cách viết trôi chảy, chau chuốt để mọi người dễ làm quen, dễ hiểu. Ông cũng kêu gọi mọi người hãy bàn luận cách viết chính tả, ngữ pháp chữ Quốc ngữ cho đúng, cho thống nhất để ai cũng có thể hiểu được. Thí dụ như khi nào viết chữ s, khi nào viết chữ x, khi nào viết chữ gi, khi nào viết chữ d… Đặc biệt ông đã đề xuất thay đổi một số phụ âm, và phụ âm ghép trong một số trường hợp như: gi đổi thành tr ( con giai - con trai, ông giăng - ông trăng ), s thành tr ( gà sống - gà trống ),l thành nh (lầm lẫn – nhầm lẫn )…mà ngày nay chúng ta vẫn dùng.

Để hướng dẫn mọi người đọc và viết đúng chữ Quốc ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh đã cho in bảng mẫu cách viết chữ cái Quốc ngữ và ghi chú cách đọc từng chữ trên Đông Dương tạp chí. Ông cũng đề nghị thống nhất cách phiên âm tên đất, tên người nước ngoài ra Quốc ngữ để người đọc hiểu đúng, tránh hiểu sai do cách viết khác nhau. Chẳng hạn khi dịch tên nước ngoài ông đề xuất: những tên đã quen thuộc được dịch qua tiếng Hán thì cứ để thế mà dùng, còn những tên mới thì dịch theo cách lấy gần nguyên âm, viết chữ dịch ra Quốc ngữ trước và viết nguyên chữ ở sau ( cách viết và dịch này hiện nay chúng ta vẫn dùng ). Ồng còn là người đề xuất cải tiến cách viết chữ Quốc ngữ để dễ dàng, thuận lợi trong khâu in ấn. Cụ thể là thay một số dấu bằng chữ, thí dụ: dấu / ( sắc) thay bằng chữ s, dấu \ ( huyền) thay bằng chữ f, dấu ? (hỏi) thay bằng chữ r… Nhưng đề xuất này không được mọi người hưởng ứng, tuy vậy lại rất thuận lợi và được dùng phổ biến trong ngành điện tín.

Tất cả những việc làm ấy cho ta thấy Nguyễn Văn Vĩnh là người có công rất lớn trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Tiếp theo Nguyễn Văn Vĩnh là các thé hệ tri thức tân học đã đem chữ Quốc ngữ thử sức trên các lĩnh vực như: sác tác văn học, thơ ca, viết báo, tranh luận, khoa học làm cho địa vị chữ Quốc ngữ ngày càng được củng cố và nâng cao. Đặc biệt nhiều người đã tham gia nhiệt tình trong phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ sâu rộng trong những năm 1938-1945 do Hội Truyền bá Quốc ngữ phát động. Nhìn lại quá trình phổ biến chữ Quốc ngữ ta thấy nó luôn gắn chặt với phong trào yêu nước cách mạng Việt Nam và do tầng lớp trí thức chủ động khởi xướng.

4. Đóng góp của chữ Quốc ngữ cho nền văn hóa việt Nam

Theo nghiên cứu của nhiều nhà ngôn ngữ học thì người việt Nam ta chưa có chữ viết. Cũng có người cho rằng có chữ viết nhưng đã bị thất truyền từ lâu. Nhưng chỉ biết rằng suốt một thời gian dài hàng ngàn năm chúng ta phải mượn chữ Hán của Trung Quốc. Tuy chúng ta có sáng tạo ra chữ Nôm nhưng thực ra cũng chỉ là lắp ghép chữ Hán mà thành. Nếu không hiểu chữ Hán thì cũng không đọc được chữ Nôm, chính vì vậy chữ Nôm càng không được phổ biến rộng rãi. Chữ Quốc ngữ ra đời và được người Việt tự nguyện chấp nhận đã có phần tạo cho dân tộc ta một thứ chữ riêng. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta không bị đồng hóa bất chấp mọi thủ đoạn của thực dân Pháp.

Chữ Quốc Ngữ của chúng ta thuộc loại chữ ghi âm không phải là loại chữ ghi ý như chữ Hán, chữ Nôm nên khả năng phổ biến và lan tỏa nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phổ cập. Trong cách mạng tháng Tám 1945 nếu không có chữ Quốc Ngữ thì chắc rằng công tác tuyên truyền của Đảng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy sự ra đời của chữ Quốc Ngữ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính điều này thực dân Pháp đã lường tới, nên ngay từ khi người Việt dùng chữ Quốc Ngữ làm vũ khí đấu tranh yêu nước, thực dân Pháp đã đàn áp và trên lĩnh vực giáo dục chúng cũng tìm mọi cách hạn chế việc phổ biến chữ Quốc ngữ.

Chữ la tinh là cơ sở để hình thành ngôn ngữ châu Âu cái nôi của nền văn minh nhân loại. Điều đó tạo điều kiện cho chúng ta dễ tiếp cận văn mình thế giới. Nhất là trong điều kiện hiện nay khi mà lĩnh vực khoa học và công nghệ thông tin truyền thông phát triển như vũ bão thì có được chữ chữ Quốc ngữ là điều kiện vô cùng thuận lợi cho chúng ta trong việc hội nhập và vươn tới đỉnh cao. Nhiều quốc gia trên thế giới không sử dụng mẫu tự la tinh như chúng ta không có được thuận lợi ấy. Chính thủ tướng Chu Ân Lai trong buổi tiếp nhà văn Pháp Jean de la Coulture tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh đã nói: Trung Quốc không có cái may mắn như Việt Nam là có được thứ chữ có nguồn gốc Romano nên việc tiếp cận với nền văn minh thế giới khó hơn. Đây là sự thiệt thòi của Trung Quốc.

Chữ Quốc ngữ ra đời tạo cơ sở cho việc mở rộng chức năng của tiếng Việt đưa nó vươn lên thành ngôn ngữ quốc gia, nó là công cụ hữu hiệu để bảo tồn nền văn hóa Việt Nam.

Việc hình thành chữ Quốc ngữ là cơ sở để tiếng Việt phát triển tạo thêm vốn từ mới ngày càng phong phú. Đặc biệt trong hệ thống chữ Quốc ngữ có thêm dấu ghi thanh tạo điều kiện ghi chính xác hơn tiếng Việt làm cho người đọc dễ hiểu hơn, từ ngữ phong phú hơn. Về mặt chính tả, ngữ pháp chúng ta du nhập các dấu chấm câu, dấu : (hai chấm)... làm cho việc diễn đạt câu văn sáng sủa và logic hơn. Điều này thể hiện tính khoa học cao, hoàn hảo của ngôn ngữ, tạo điều kiện thống nhất ngôn ngữ trong cả nước.

Cuối cùng một điều quan trọng không thể bỏ qua đó là: sự ra đời của chữ Quốc ngữ đã góp phần cho nền Quốc văn và Quốc học của chúng ta vươn lên tầm cao mới, hiện đại hơn, khoa học tiên tiến hơn. Từ khi có chữ Quốc ngữ, Quốc văn của chúng ta phong phú hơn, đa dạng hơn, nhiều người tham gia và số lượng, thể loại sáng tác cũng nhiều hơn rất nhiều so với văn học chữ Hán và chữ Nôm, làm cho Quốc học của chúng ta thoát khỏi lối học khoa cử vươn tới nền học mới năng động, sáng tạo, toàn diện, thực tế và hữu ích hơn. Có thể nói chữ Quốc ngữ đã góp phần xây dựng cho chúng ta một nền Quốc văn, Quốc học hiện đại và tiên tiến.

Đóng góp của chữ Quốc ngữ đối với văn hóa Việt Nam vô cùng to lớn. Có thể nói trong lịch sử văn hóa Việt Nam suốt mấy ngàn năm qua cái đáng nói, đáng ghi nhận nhất là sự ra đời của chữ Quốc ngữ và việc người Việt Nam chấp nhận và biến nó thành quốc tự của dân tộc.


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.67 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương