CHỮ quốc ngữ TẠi bình đỊNH


CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC



tải về 0.53 Mb.
trang3/6
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.53 Mb.
#13244
1   2   3   4   5   6

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC

TRUYỀN BÁ VÀ PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ

QUA PHONG TRÀO “BÌNH DÂN HỌC VỤ”

(Tham luận Hội thảo tại Bình Định của

Đại tá, Nhà văn ĐẶNG VƯƠNG HƯNG)
Chúng ta đều biết chữ quốc ngữ (CQN) đã có lịch sử hình thành và phát triển 400 năm. Để CQN có được vị thế quan trọng như hiện nay trong đời sống văn hóa dân tộc, là nhờ rất nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quyết sách của người đứng đầu Chính quyền Nhà nước.

Các nghiên cứu cho thấy: Từ khi hình thành cho đến một thời gian dài sau đó, chữ quốc ngữ chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam, ngoại trừ được sử dụng trong cộng đồng Công giáo. Cho tới khi người Pháp xâm lược Việt Nam, với quy định buộc phải sử dụng CQN trong công văn, từ đó loại hình chữ viết này mới được quan tâm. Tại Nam Kỳ, người ta bắt đầu đã bãi bỏ Hán học và mở trường dạy chữ Pháp và CQN. Từ năm 1882, nhà cầm quyền đã bắt buộc người dân phải dùng CQN trong mọi công văn giấy tờ hành chính.

Một số dấu mốc quan trọng đáng ghi nhận trong lịch sử:

1- Năm 1917, người đứng đầu triều Nguyễn là vua Khải Định ra lệnh tất cả các trường học bãi bỏ chữ Hán.

2- 15 năm sau đó, vào năm 1932, vua Bảo Đại ra quyết định dùng CQN thay cho chữ Hán.

3- Năm 1938, Hội truyền bá CQN ra đời. Nhờ Hội này sự phổ biến CQN bắt đầu đến với quần chúng…

Tuy nhiên, các số liệu thống kê về thời điểm đó, đều cho thấy một sự thật đáng buồn là: Dù đã cố gắng hết mức, nhưng sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, cho tới trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, có đến 95% dân số Việt Nam vẫn không biết chữ! Cụ thể là, cứ trong 100 người dân thì chỉ có 2 người lớn biết chữ và 3 trẻ em được đi học. Đó là những người giàu, quan lại, công chức của chính quyền và con em họ. 95 người còn lại không được đi học và mù chữ. Số người mù chữ này chủ yếu là người lao động chân tay, nông dân ở các làng mạc, các thôn xóm xa thành thị và nhất là vùng núi. Họ là những người “bình dân”, thành phần đông nhất trong xã hội lúc bấy giờ. Trong bối cảnh ấy, việc xóa mù chữ, và dạy loại chữ nào cho 95% dân số của quốc gia, hoàn toàn phụ thuộc vào Chính quyền và người đứng đầu của Chính quyền đó quyết định.

Sau ngày 2/9/1945, Chính quyền Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dù non trẻ nhưng phải đối mặt với quá nhiều khó khăn: Hàng triệu người chết vì nghèo đói và giặc dã bủa vây tứ phía. Nghĩa là, người ta đang phải tìm mọi cách để tồn tại, vì sự sống chết và tính mạng của chính bản thân. Chúng ta hãy tự đặt mình vào cương vị Chủ tịch nước thời đó để suy nghĩ và hành xử xem phải làm gì? Việc gì cần làm trước và việc gì nên làm sau? Ai cũng cho rằng: Trước hết là lo cho dân không chết đói, sau nữa là đối phó với thù trong giặc ngoài…

Trong hoàn cảnh lịch sử vô cùng khó khăn mước sôi lửa bỏng ấy, rõ ràng việc đánh giặc để cứu nhà, cứu nước phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng rất ít người nhận ra “giặc” ở đây không chỉ là những kẻ ngoại xâm mang súng đạn chết chóc đến, mà còn có hai thứ còn nguy hiểm hơn, đó là ĐÓI và DỐT.

Bởi thế, chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, trong buổi họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở chiến dịch tiêu diệt GIẶC DỐT, coi đó là nhiệm vụ cấp bách thứ hai, chỉ sau GIẶC ĐÓI và trên cả GIẶC NGOẠI XÂM trong 6 nhiệm vụ cấp bách của chính quyền. Người nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu… Dốt là dại, dại thì hèn… cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới"!

Ngày 8/9/1945, một tuần sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ba Sắc lệnh quan trọng về Giáo dục:

1- Sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ (BDHV);

2- Sắc lệnh quy định mọi làng xóm đều phải có lớp học bình dân;

3- Sắc lệnh cưỡng bức mọi người dân học CQN không mất tiền.

​ Ngay sau khi thành lập, Nha BDHV đã liên tiếp tổ chức các lớp huấn luyện ở Hà Nội và các vùng miền. Lớp học đầu tiên dành cho cán bộ phụ trách ở các tỉnh mang tên "Khóa Hồ Chí Minh" khai giảng ở Hà Nội. Trực tiếp Hồ Chủ tịch và lãnh đạo các Bộ, Ngành đã có mặt tham dự và chỉ đạo. Những người đầu tiên dự lớp học này chính là nguồn cán bộ nền móng cho phong trào xóa mù chữ trên cả nước.

Với trách nhiệm và uy tín của người đứng đầu quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước tích cực ủng hộ cho những “chiến sỹ trên mặt trận văn hoá” hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Người nói: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, phong trào “Diệt giặc dốt” nhanh chóng được triển khai. Các lớp BDHV mở ra ở khắp mọi nơi với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp quần chúng nhân dân. Kế hoạch đặt ra là: Trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam phải biết CQN!

Một đội ngũ đông đảo giáo viên và cán bộ BDHV tình nguyện tham gia phong trào. Họ công tác trong điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn, nhưng với lòng nhiệt tình cách mạng và quyết tâm cao, họ đã vượt lên mọi khó khăn gian khổ, hy sinh phấn đấu để mở mang tri thức cho đồng bào, xây dựng một nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc.

Hồ Chủ tịch đã đánh giá rất cao những cống hiến to lớn đó, Người viết thư cho anh chị em giáo viên bình dân học vụ: “Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người vô danh anh hùng. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em. Tôi mong rằng, trong một thời kỳ rất ngắn, lòng hăng hái và sự nỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả rất vẻ vang: đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết.”.

Người nhấn mạnh: “Dốt thì dại, dại thì hèn; vì không chịu dại, không chịu hèn cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới”. Bởi thế nên “Xóa nạn mù chữ là bước khởi đầu của sự nghiệp nâng cao dân trí, để giúp mỗi người dân không chỉ biết đọc, biết viết, tiến đến phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Dù bận trăm công ngàn việc, nhưng Hồ Chủ tịch vẫn trực tiếp đọc rất kỹ cuốn “Phương pháp và cách thức dạy vỡ lòng CQN” do Nha BDHV xuất BDV Bxuất bản. Người đã tự tay viết vào cuốn sách dòng chữ: “Anh chị em giáo viên BDHV cố gắng đọc kỹ sách này rồi tận tâm dạy bảo đồng bào thất học, làm cho nạn mù chữ chóng hết. Thế là làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc!”.

Thời đó, giáo viên BDHV thuộc đủ các giới, lứa tuổi, không có lương bổng, hễ biết chữ là tham gia. Họ dạy học, dựng trường, tạo lớp, tìm kiếm học phẩm, cổ động học viên. Có lớp có giáo viên, nhưng có lớp giao cho người trong nhà dạy lẫn nhau, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, anh chị dạy em. Cách dạy cũng được cải biên cho phù hợp với tình hình dân trí lúc bấy giờ, đó là đọc lên thành tiếng, chữ cái, vần được tạo thành câu thơ lục bát, so sánh để dễ nhớ: I, tờ ( i, t) giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, tờ dài có ngang. O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội mũ, Ơ thời thêm râu.

Phong trào BDHV đã dấy lên tinh thần say mê học chữ từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Công nhân học trong xưởng thợ, thương binh học ở an dưỡng đường, ngư dân học ngay trên thuyền chài, nông dân học trên cánh đồng, sân đình chùa, gốc đa, bến nước, trẻ nhỏ học trên lưng trâu. Người dân ban ngày đi làm, ban đêm thắp đèn dầu, đốt đuốc đến lớp. Học viên là những em bé, những cụ già râu tóc bạc phơ hay người phụ nữ vừa đánh vần vừa ngại ngùng cho con bú.

Dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng viết là bức tường, cánh cửa, tấm phản dựng lên; phấn là gạch non, đất sét, than củi; lá chuối khô, mo cau thay giấy; còn mực thì dùng bất cứ hoa, cây có thể làm màu. Bàn không có, người ta còn úp ngược thúng lên làm bàn học. Vở ghi không có, người dân rải cát ra sân, cầm que tập viết chữ, viết xong rồi xóa lại học viết chữ khác.

Để kiểm tra việc học chữ của người đi học, người ta thường phân công nhau đứng ở đầu làng, bến phà, nơi đông người qua lại. Ai đọc được chữ thì mới được đi qua. Thậm chí, ở một số chợ ở nông thôn, người dân còn có sáng kiến dựng “Cổng mù” để khuyến khích người biết đọc CQN. Nếu người nào đọc được chữ thì tự hào đi qua cổng chính, còn không đọc được thì phải đi qua “Cổng mù”.

Tháng 12/1946, cả nước bước vào kháng chiến chống Pháp, Chính phủ chuyển lên Việt Bắc. Theo chủ trương kháng chiến, BDHV cũng phải ấn định kế hoạch làm việc mới, sửa đổi cho phù hợp với tình hình. Các lớp học đi theo đồng bào tản cư kháng chiến, theo các đoàn dân công tiếp vận. Những lớp học kháng chiến đã đi vào trong thơ của Tố Hữu một cách tự nhiên: Nhớ sao lớp học i tờ/ Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan... (Việt Bắc).

Tại các vùng còn bị địch tạm chiếm, các lớp học được tổ chức khác so với vùng tự do, thường là những lớp học tư gia, không có bàn ghế, bảng, phấn. Thầy trò ngồi xung quanh cái phản hay chiếu, mỗi người có một ống tre để đựng sách. Ở ngoài có tự vệ canh gác, hễ có báo động thì sách vở cuộn bỏ vào ống tre đem giấu ở ngoài bờ tre rồi thầy trò quay ra làm như trong một xưởng thủ công nghiệp nhỏ. Cứ như vậy, BDHV vẫn giữ được ở nhiều vùng bị địch tạm chiếm, mạnh nhất là Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam…

 Trong suốt những năm kháng chiến, Hồ Chủ tịch luôn theo dõi tổng kết thành tích của công tác BDHV. Người quan tâm, tìm hiểu, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân, từ trẻ đến già trong việc học chữ. Chuyện kể rằng: Tháng 2/1947, trong chuyến đi thị sát Thanh Hoá trở về qua đồn điền Chi Nê (Ninh Bình), Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm từng gia đình nông dân. Trong lúc hỏi chuyện, Người đặc biệt quan tâm đến việc học hành của các cháu nhỏ, Người vui vẻ khen ngợi những em nhỏ biết chữ, với những em còn chưa biết chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải học ngay và Người cho gọi một số thanh niên địa phương đến, trao trách nhiệm dạy học cho các em rồi hẹn khi nào Người quay lại thì ai nấy đều phải biết chữ. Khi biết các cụ phụ lão xã Nam Liên, huyện Nam Đàn - Nghệ Tĩnh đã có nhiều thành tích trong công tác diệt dốt, Hồ Chủ tịch đã gửi thư hoan nghênh các cụ kịp thời. Biết tin cụ Nguyễn Ban, năm đó 77 tuổi, xã An Tường, huyện Thăng Bình, Quảng Nam đã học xong chữ quốc ngữ, Người viết thư khen ngợi có đoạn: “Bây giờ ở nước Việt Nam ta cụ 77 tuổi mới đi học, chắc tiếng thơm sẽ truyền khắp cả nước. Cụ thật xứng đáng với bốn chữ “lão đương ích tráng”. Cụ là một tượng trưng phúc đức của nước nhà. Các anh chị em bình dân học vụ có thể tự hào rằng mình đã có công với dân tộc”.

Để động viên phong trào BDHV, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thường xuyên gửi thư khen các địa phương trong nước có thành tích tốt trong công tác bình dân học vụ. Trong những bức thư ấy, Người không quên nhắc nhở các giáo viên, cán bộ chớ nên tự mãn với kết quả đạt được mà phải luôn cố gắng hơn nữa, bởi vì công tác bình dân học vụ là một phong trào rộng rãi phức tạp mà lại phải tự lực cánh sinh là chính, học viên gồm nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, khả năng tiếp thu cũng khác nhau nên đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn, chịu khó, không được quan liêu mệnh lệnh. Người đề nghị khi đồng bào đã biết chữ thì phải có sách báo phù hợp với trình độ của đồng bào để họ xem, nếu không sẽ bị “mù lại”, cũng như phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hoá phổ thông của nhân dân

Tháng 7/1948, tại Hội nghị Giáo dục toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Về BDHV, nhờ sự hy sinh cố gắng của nam nữ giáo viên đã có kết quả rất tốt đẹp. Bây giờ số đồng bào đã biết đọc, biết viết thì chúng ta phải có một chương trình để nâng cao thêm trình độ văn hoá phổ thông cho đồng bào”. Người cũng phân tích thêm rằng: Muốn giải thoát nạn mù chữ cho số đông nhân dân mà đại đa số là nông dân, thì phong trào BDHV phải đi sát quần chúng, cán bộ BDHV phải bàn bạc với quần chúng, áp dụng những phương pháp thích hợp với sinh hoạt của quần chúng, phải dựa vào quần chúng để đẩy phong trào lên

Kết quả: Nhờ tất cả những biện pháp nêu trên, chỉ trong một năm, từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, phong trào BDHV đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ, phát triển được gần 96.000 giáo viên, mở được gần 75.000 lớp học BDHV…

Đến năm 1954, khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp và cũng là 10 năm phong trào BDHV, ước tính đã có khoảng trên 10 triệu người Việt Nam thoát nạn mù chữ. Đây là những con số rất lớn và vô cùng ý nghĩa, vì theo điều tra, nghiên cứu của Viện Sử học Việt Nam, dân số cả nước ta những năm 1945 - 1950 chỉ khoảng trên 20 triệu người. Trong khi phong trào BDHV lại chỉ diễn ra chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Còn ở miền Nam, ngay sau khi BDHV thành lập được nửa tháng thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm, vì hoàn cảnh khó khăn nên phong trào BDHV ở đây không được duy trì đều đặn, mạnh mẽ như ở Bắc Bộ và Trung Bộ.

Nói tóm lại: BDHV và xoá mù chữ là một chủ trương sáng suốt mà Đảng và Hồ Chủ tịch đề ra ngay từ ngày đầu lập quốc. Nhưng quan trọng hơn, BDHV không chỉ xóa nạn mù chữ trong nhân dân, mà còn giúp người dân có ý thức về quyền lợi và bổn phận của công dân một nước động lập, đó là ngoài được tự do thì còn phải được học hành, mở mang kiến thức. Phong trào góp thành tích lớn, là cơ sở để nâng cao dân trí nước nhà, cùng với nhiều yếu tố khác làm nên sức mạnh đưa dân tộc ta bước qua hai cuộc trường chinh kháng chiến".

BDHV đã để lại cho nền giáo dục nước nhà nhiều bài học quý báu. Phong trào phát triển rộng khắp, có sức sống lâu bền cả trong suốt thời kỳ kháng chiến vì được "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". BDHV do Chính phủ lãnh đạo nhưng cách tổ chức và hoạt động của phải dựa vào sức của nhân dân để phát triển. Nếu dân không đồng lòng thì có bao nhiêu tiền, bao nhiêu mệnh lệnh cũng không thực hiện được.

Trở lại với vấn đề truyền bá và phát triển CQN, sau 70 năm nhìn lại phong trào BDHV, chúng ta có thể khẳng định rằng: BDHV đã có ảnh hưởng cực kỳ to lớn và quan trọng tới CQN. Từ chỗ cả nước có tới 95% người mù chữ, thì giờ đây, có thể nói con số đó đã đổi ngược lại: Hơn 95% người dân biết chữ; trong đó, nhiều người có trình độ văn hóa cao và biết cả ngoại ngữ!

Đến đây, chúng ta hãy thử đặt một số giả thiết và trả lời:

1- Nếu cách đây hơn 70 năm không có phong trào BDHV? Thì chắc chắn những người lao động bình dân nghèo khổ ở Việt Nam, không thể có cơ hội “xóa mù” thuận tiện và nhanh chóng đến như vậy!

2- Nếu người ra những Sắc lệnh về BDHV năm 1945 không phải là Chủ tich Hồ Chí Minh, thì chắc chắn thời gian đó không ai có đủ uy tín cá nhân để vận động quần chúng hưởng ứng một cách sâu rộng, tự giác và trở thành phong trào trên cả nước hiệu quả như thế!

3- Nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh không chọn CQN cho BDHV mà chọn thứ chữ khác (điều này, một người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ có quyền và hoàn toàn có thể xảy ra!) thì CQN sẽ không được Chính quyền Cách mạng thừa nhận là chính thống và không có cơ hội phát triển nhanh chóng đến người dân. Chắc chắn CQN cũng không có địa vị quan trọng trong đời sống văn hóa Việt Nam và thế giới như hôm nay!

Bởi vậy, có thể nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là cha đẻ ra phong trào BDHV, mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của việc truyền bá và phát triển QNC ở Việt Nam!


Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng

(Điện thoại liên lạc: 0913 210 520)


__________________

Tài liệu tham khảo:

- Một số bài viết của các nhà nghiên cứu đã công bố;

- Một số bài báo chí đã công khai trên internet;

- Các trích dẫn (chữ ngả trong bài) được lấy từ Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG, 1995.
------------------------------------------------------------------------------
CHỮ QUỐC NGỮ - MỘT THẮNG LỢI VĨ ĐẠI

TRONG CUỘC ĐẤU TRANH KHẲNG ĐỊNH QUỐC GIA ĐỘC LẬP

(Tham luận tại Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ”)


TS. Nguyễn Minh San

(Phó TBT Tạp chí Văn hiến Việt Nam)

Chữ viết (và cả chữ số) là sáng tạo kỳ vỹ nhất của Con người, như một bản lề mở ra con đường tiến hóa và phát triển của xã hội Loài người.

Ở nước ta, chữ viết đã xuất hiện từ thời Hùng Vương, trước khi người Hán xâm lược và đô hộ. Bằng chứng là, trên lưỡi cày bằng đồng, qua đồng – những di vật của Văn hóa Đông Sơn – giai đoạn phát triển cực thịnh của thời Hùng Vương, trên đó có những ký hiệu/hoa văn được các nhà nghiên cứu cho là một loại chữ viết (hiện ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang trưng bày chiếc qua đồng có chữ viết, có số hiệu I.22.180). Loại chữ viết này được cho là loại hình chữ viết ghi ý hoặc loại chữ viết ghi từ, đã ở một trình độ cao hơn loại chữ viết hình vẽ (pictogramme). Loại chữ viết này không phải chữ Hán, và có niên đại trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc. Chủ nhân thực sự của loại chữ viết này là người Việt cổ - chủ nhân của văn hóa Đông Sơn.

Nhưng, loại hình chữ viết mới manh nha của tổ tiên chúng ta đã không phát triển được, bởi cuộc chiến tranh xâm lược, chính sách đô hộ và âm mưu đồng hóa / “Hán hóa” nước ta cả về ngôn ngữ / chữ viết của nhà Hán. Ngay từ buổi đầu thời kỳ Bắc thuộc, bằng chính sách nô dịch và đồng hóa dân tộc ta, nhà Hán và các chính thể phong kiến Trung Quốc tiếp theo đã bắt tổ tiên chúng ta phải học chữ Hán – một trong những văn tự cổ nhất thế giới ra đời từ thế kỷ II trước Cn. Song, nền giáo dục Hán học có tổ chức ở nước ta phải đến khi Sỹ Nhiếp (187- 226 sau Cn), người đất Quảng Tín, quận Thương Ngô (thuộc tỉnh Quảng Tây- Trung Quốc ngày nay), được cử sang làm Thái thú ở Giao Châu, đời Hiến đế nhà Hán.

Chữ Hán, về cơ bản là loại chữ tượng hình, tượng ý, khối chữ vuông, cấu tạo bởi những nét (7 nét: nét chấm, nét ngang, nét sổ, nét phẩy, nét mác, nét hất, nét móc). Do đặc điểm ngôn ngữ / tiếng nói của mình, đặc biệt là do ý thức bảo tồn tiếng nói dân tộc, người Việt đã không học / bắt chước, tiếp thu một cách thụ động chữ Hán, mà có nhiều sáng tạo mới làm phong phú hơn vốn từ vựng / tiếng nói dân tộc. Sự sáng tạo này thể hiện trên 2 phương diện. Thứ nhất, ngôn ngữ Việt đã mượn những tiếng ở chữ Hán, sáng tạo nên những thành tố ngôn ngữ / từ vựng mới của người Việt, gọi là “tiếng Hán – Việt”. Theo học giả Đào Duy Anh thì : “Những tiếng Hán – Việt ấy thường dùng nhất là những khi cần biểu diễn ý tứ trừu tượng hay muốn đặt lời lẽ trang nhã, đài các” (1). Thứ hai, có những chữ Hán, khi thì người Việt giữ nguyên nghĩa chữ Hán, khi thì dùng sai nghĩa đi. Có thể khẳng định không ngần ngại rằng, sự sáng tạo trên của người Việt chính là cuộc chiến chống “Hán hóa” về mặt ngôn ngữ / chữ viết của dân tộc ta. Cuộc chiến ấy đã đưa đến một thắng lợi to lớn, đó là sự ra đời chữ Nôm – chữ của người Nam (Nôm là do đọc chệch từ Nam). Theo tác giả Hoàng Tiến, chữ Nôm được sáng tạo trên cơ sở chữ Hán theo nguyên tắc: - Những tiếng Việt nào đồng âm với chữ Hán thì dùng ngay chữ ấy / chữ Hán làm chữ Nôm; - Ghép 2 chữ Hán thành một chữ Nôm ( bằng cách) một chữ mượn âm (để bên hữu/phải), một chữ mượn nghĩa (để bên tả / trái); - Đọc chệch âm chữ Hán ra Nôm; - Viết bớt nét của chữ Hán thành chữ Nôm (2). Học giả Đào Duy Anh đánh giá: “Chữ Nôm là thứ chữ đặc biệt của người Việt Nam mượn chữ của người Trung Quốc, nhưng lại đọc theo âm Hán – Việt, là âm đặc biệt của mình mà tạo nên” (3).

Thời điểm ra đời chữ Nôm, hiện có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Có ý kiến cho rằng chữ Nôm xuất hiện từ thời Sỹ Nhiếp làm Thứ sử Giao Châu (187-226 sau Cn). Song, đa phần các ý kiến cho rằng, chữ Nôm có từ đời Lý Cao Tông (cuối thế kỷ XII). Ý kiến này căn cứ vào dấu vết vật chất còn để lại, đó là tấm bia ở chùa Tháp Miếu, huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc, đề niên hiệu Trị Bình Long Ứng năm thứ 5. Bia có gơn 20 chữ Nôm được viết theo quy cách đầy đủ mà suốt các đời sau này vẫn được dùng theo. Một bằng chứng nữa cho thấy chữ Nôm xuất hiện dưới thời Trần, gắn liền với tên tuổi vị quan Hình bộ Thượng thư Hàn Thuyên. Theo sử sách, đời Trần Nhân Tông (1279-1298), Hàn Thuyên đã lấy chữ Nôm làm bài Văn tế cá sấu. Ông còn theo Đường luật mà đặt ra phép làm thơ Nôm, gọi là Hàn luật, mở đầu cho việc các nhà Nho nước ta dùng chữ Nôm để làm văn chương du ký. Thời Lê, chữ Nôm đã khá thông dụng. Chữ Nôm được dùng trong các giấy tờ ở chốn cửa công. Những người học chữ Nôm cứ 6 năm được tham dự một kỳ thi, nếu trúng tuyển, được sung vào chân thư tả ở trong các nha môn. Đặc biệt, chữ Nôm đã trở thành ngôn ngữ sử dụng trong thơ xướng họa của vua quan thời Lê, trong một tổ chức có tên là Thập nhị tao đàn bát tú. Theo Phạm Đình Hổ (trong Vũ Trung tùy bút), từ đời Lê Trung Hưng trở đi (thế kỷ XVI), “những giấy tờ ở chốn cửa công thì dùng riêng một lối chữ “Nam” / Nôm…. Ai học theo lối chữ ấy thì 6 năm một lần thi, trúng tuyển được sung vào làm chân thư tả ở trong các nha môn”.

Đến thời Tây Sơn, vua Quang Trung, để tỏ rõ “Nước nam tri hữu chủ”, chữ Nôm đã trở thành “Quốc ngữ”, thịnh hành trong công việc hành chính, các chiếu chỉ, sắc phong đều dùng chữ Nôm. Tiến xa hơn, Quang Trung đã có chủ trương dùng chữ Nôm dịch sách Tàu để dạy học sinh và định chế độ thi cử ra bài và làm bài cũng dùng toàn chữ Nôm.

Với tất cả những hoạt động đó, đến thế kỷ XVIII, chữ Nôm đã được sử dụng khá rộng rãi và thuần thục trong sáng tác văn học, nở rộ với hàng loạt các truyện Nôm khuyết danh (như: Phan Trần, Nhị Độ Mai, Phạm Công – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Thạch Sanh,…) và hữu danh (như: Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, Sơ kính tân trang của Phạm Thái, Thơ Nôm Hồ Xuân Hương,…; Đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Với kiệt tác này, Nguyễn Du đã được UNESCO liệt hạng là Danh nhân văn hóa thế giới.

Chữ Nôm không chỉ được người Việt / Kinh dùng để ghi âm lại tiếng Việt, mà còn được người Tày, người Dao ở nước ta dùng để ghi âm tiếng Tày (chữ Nôm Tày) và tiếng Dao (chữ Nôm Dao).

Giữa lúc chữ Nôm đang trên đà hoàn thiện, khắc phục những nhược điểm (4), trong đó nhược điểm lớn nhất là muốn biết chữ Nôm phải biết chữ Hán và rất khó đọc, khẳng định vị thế trong nền giáo dục nước nhà, thì vào thời Minh Mạng (1820-1840), nhà Nguyễn đã bỏ chữ Nôm, quy định học trò đi thi và các tấu sớ đều phải dùng chữ Hán, mà phải viết cho đúng với Từ điển Khang Hy. Tiếp theo, vào những năm 1920, nhà cầm quyền thực dân Pháp cấm không cho người Việt Nam được dùng chữ Nôm. Hậu quả là, cả một di sản văn hóa, lịch sử khổng lồ viết bằng chữ Nôm đã thất tán nhiều. Chữ Nôm chỉ còn sử dụng trong dân gian, thường gọi là “Nôm na mách qué”, với ý rẻ rúng, coi thường.

Với chính sách tiếp tay trên của nhà Nguyễn, những tưởng gọng kìm “Hán hóa” về chữ viết tiếp tục có cơ hội bóp chết giấc mơ sáng tạo một loại hình chữ viết riêng của người Việt. Song, điều ấy đã không xảy ra. Trong hành trình đi tìm chữ viết riêng để thoát khỏi sự “Hán hóa” về chữ viết, người Việt Nam đã tìm thấy một lối / loại chữ viết hoàn toàn không dựa / không mượn tý ty nào chữ Hán, hay chữ Nôm. Đặc biệt là, lối chữ này phù hợp, có khả năng chuyển tải / biểu cảm được với cách phát âm đa cung bậc / cách phát âm 6 thanh của tiếng Việt. Loại chữ viết này đến từ phương Tây. Đó là chữ La tinh (chữ La tinh có 26 chữ cái, gồm: a, b, c, d, e, f, g, h, I, k, l, m,n, o, p q, r, s, t, u, v, w, x, y, z), thuộc loại ngữ âm học, không thuộc loại biểu ý.

Quá trình hình thành chữ Quốc ngữ bắt đầu / cũng là công đầu thuộc về những nhà truyền giáo phương Tây – những giám mục đạo Thiên chúa. Nhu cầu ghi âm tiếng Việt bằng chữ La tin để phục vụ / thuận lợi / nâng cao hiệu quả của công việc truyền giáo bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI, khi các giáo sĩ phương Tây mở trường truyền giáo ở Mao Cao (Trung Quốc) khi đó là thuộc địa của Bồ Đào Nha để dạy thanh niên công giáo các nước Đông Nam Á, trong đó có một số giáo dân Việt Nam. Song, những người biến ý tưởng đó thành hiện thực, hay nói cách khác, người mở đầu / người đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành chữ Quốc ngữ là hai vị giáo sĩ Gaspard Amiral và Antoine Barbore – những giáo sĩ Bồ Đào Nha phụng sự Giáo hoàng La Mã đương thời, đã theo những đoàn thương thuyền Bồ Đào Nha sang truyền giáo ở Việt Nam. Các vị cố đạo này vốn sử dụng ngôn ngữ / chữ viết hệ La tinh, nên hiển nhiên là sẽ rất khó khăn trong việc truyền giáo ở Việt Nam, đất nước xa lạ về địa lý, phong tục tập quán, nhất là đang sử dụng hai loại chữ viết là chữ Hán và chữ Nôm. Thôi thúc bởi công việc phải truyền được đạo tới những người dân đất Việt, qua thực tiễn truyền đạo nhiều năm cho người Việt Nam, nhận thấy chữ La tin rất phù hợp với việc ghi âm tiếng Việt, khắc phục được những hạn chế của chữ Hán và chữ Nôm, hai vị giáo sĩ Gaspard Amiral và Antoine Barbore đã dùng chữ La tinh để ghi âm tiếng Việt. Thành quả là, các ông đã biên soạn và cho xuất bản 2 cuốn từ điển là: Tự vị Bồ Đào Nha – An NamTự vị An Nam – Bồ Đào Nha.

Một thời gian sau, cũng cùng chí hướng / thao tác luận truyền giáo ở các nước có ngôn ngữ / tiếng nói khác nhau, trong đó có Việt Nam như 2 giáo sĩ Bồ Đào Nha nói trên, có giáo sĩ người Pháp là Alexandre de Rhodes. Ông vốn là người rất giỏi về khoa ngôn ngữ, đã nghiên cứu rất kỹ hai công trình / cuốn tự vị trên của các cố đạo Bồ Đào Nha là Gaspard Amiral và Antoine Barbore. Trên cơ sở đó, khi tới Việt Nam, ông học tiếng Việt và giảng đạo bằng tiếng Việt. Sau một thời gian đi hết Đàng Trong, Đàng Ngoài ở Việt Nam, ông trở về La Mã mở trường dạy tiếng Việt cho Tòa thánh Vatican, đào tạo các giáo sĩ sẽ sang Đông Nam Á truyền đạo. Đến năm 1651, với vốn kiến thức đã học được ở Việt Nam và trên cơ sở 2 cuốn tự vị của Gaspard Amiral và Antoine Barbore, Alexandre de Rhodes đã dùng chữ La tinh để ghi âm giọng nói của người miền Bắc (Đàng Ngoài / Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ), và đã cho xuất bản 2 cuốn sách, là: Từ điển An Nam – La tin – Bồ Đào Nha (Dictionnaire Annamite La tinh Portugais) in ở Roma năm 1651 và cuốn Giáo lý cương yếu (Cate’chisme en La tinh et en Annamite) bằng tiếng La tinh và tiếng An Nam. Như vậy, chỉ với hơn 20 chữ cái La tin, cùng với một số dấu hiệu, ký hiệu dễ nhận biết, dễ học thuộc, các vị giáo sĩ này đã vận dụng phép ghép vần của chữ La tin để có thể phiên âm, viết và đọc chính xác tất cả các từ trong tiếng Việt theo qui tắc ngữ học rất chặt chẽ. Họ cũng đã kết hợp được hai cách phát âm của Đàng Trong (Miền Nam) và Đàng Ngoài (miền Bắc) để lập thành một qui tắc chính tả khá rạch ròi cho chữ Quốc ngữ mà theo đánh giá của các nhà ngôn ngữ học, về cơ bản vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Cũng theo các nhà ngôn ngữ học, loại chữ này dễ học hơn nhiều chữ Hán hay chữ Nôm. Một người hoàn toàn mù chữ, với trí thông minh vừa phải, nếu được dạy dỗ đúng cách , chuyên cần học tập, chỉ từ 3-5 tháng là có thể biết đọc, viết loại chữ này. Đầy là điều không có được đối với một người học chữ Hán hay chữ Nôm. Bước sang thế kỷ XIX, nhằm hỗ trợ cho Giáo hội Thiên chúa giáo ở Việt Nam trong việc truyền giáo, các giáo sĩ thừa sai đã du nhập máy móc, kỹ thuật ngành in hiện đại của phương Tây lúc bấy giờ: in thạch bản, in bằng các con chữ rời. Theo tác giả Nguyễn Văn Kiệm, trong giáo phận Tây Bắc Kỳ, thời Giám mục Retord (1840-1858), một nhà in đã được lập ở Vĩnh Trị từ năm 1855, chủ yếu in sách giáo lý chữ Nho, chữ Nôm, chữ La tin và chữ Quốc ngữ. Đó là một nhà in vừa dùng công nghệ in cổ, tức dùng các bản khắc gỗ để in chữ Nho, chữ Nôm, vừa dùng công nghệ tiên tiến, tức dùng các con chữ rời để in các sách tiếng La tin và Quốc ngữ. Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XIX, ở giáo phận Đông Nam Kỳ, một xưởng in cũng được thành lập, in cả sách chữ Nho, chữ Nôm, chữ La tin và chữ Quốc ngữ. (5)

Mặc dù có những ưu điểm như thế, song chữ Quốc ngữ vẫn chỉ được sử dụng trong việc truyền đạo trong diện hẹp, với đối tượng là các giáo dân Thiên chúa giáo, chưa được chính quyền thừa nhận, chưa được xã hội quan tâm. Trong vòng hơn 200 năm từ khi chữ Quốc ngữ ra đời (năm 1651), ngoài những vị cố đạo đi truyền giáo và các giáo dân Thiên chứa giáo dạy và học lén lút, trong xã hội không mấy ai biết, không mấy ai đi học và dùng chữ Quốc ngữ. Nguyên nhân cơ bản là lý do chính trị, với việc cấm / tả đạo trong một số giai đoạn dưới thời nhà Nguyễn. Ngoài ra có nguyên nhân từ mục đích công việc tạo thành chữ Quốc ngữ của các vị cố đạo không phải từ động cơ cung cấp cho xã hội bản địa một công cụ văn hóa để phát triển, mà xuất phát chủ yếu từ nhu cầu truyền đạo, muốn có một công cụ để họ hoàn thánh trách nhiệm truyền giáo, phát triển tín đồ mà Vatican giao cho. Chính vì vậy, những cha đẻ của chữ Quốc ngữ, khi gặp những khó khăn bởi lý do chính trị của chính quyền bản địa, họ đã không kiên nhẫn để tiếp tục hoàn thiện công trình của mình. Mặc dù vậy, với những cuốn tự điển của hai cố đạo Gaspard Amiral và Antoine Barbore, và những cuốn sách của Alexandre de Rhodes nói trên, việc khẳng định chữ Quốc ngữ ra đời / được đặt nền tảng / đầu tiên / cũng là công đầu thuộc về những nhà truyền giáo phương Tây – những giám mục đạo Thiên chúa, cụ thể là các cố đạo Gaspard Amiral và Antoine Barbore người Bồ Đào Nha, và Alexandre de Rhodes người Pháp, là một sự công bằng của lịch sử.

Song, cũng phải thẳng thắn khẳng định rằng, chữ Quốc ngữ ra đời, được người Việt chấp nhận, hoàn thiện thêm là công lao của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nói như thế bởi, thủa ban đầu, mà bằng chứng là các cuốn tự vị của các vị cố đạo trên còn rất sơ lược so với chữ Quốc ngữ những năm sau thời điểm nó ra đời, chứ chưa so với chữ Quốc ngữ ngày nay. Qua các cuốn sách của Alexandre de Rhodes, chúng ta thấy loại chữ mới cho / của người Việt mà sau này chúng ta gọi là chữ Quốc ngữ, có nhiều chữ hồi ấy viết khác với bây giờ. Đơn cử: Chữ Quốc ngữ thế kỷ 17 viết “mlẽ” – nay bỏ phụ âm “m”, còn “lẽ”; “dea” – nay bỏ nguyên âm “e” còn “da”; “bua” – thành “vua”; “dè dẹ” – thành “nhè nhẹ”; “blái núi” – thành “trái núi”; “con tlâu” – thành “con trâu”;…Không chỉ có vậy, nghĩa của nhiều từ theo từ điển giải thích ngày ấy nay không dùng được nữa hoặc đã biến đổi để có một nghĩa khác. Quan trọng hơn, hệ thống chữ Quốc ngữ của Alexandre de Rhodes chưa có khả năng chuyển tải hết cái hay, cái đẹp, sự uyển chuyển của cách phát âm đa cung bậc, với 6 thanh của người Việt Nam.

Cùng với sự biến chuyển, thay đổi của lịch sử đất nước, chữ Quốc ngữ đã vượt qua những rào cản ngăn cách, từ những nhà thờ Thiên chúa, từ những vùng giáo dân đi vào cuộc sống. Cùng lúc, những hạn chế của chữ Quốc ngữ đã được khắc phục, ngày càng hoàn thiện. Lực lượng nắm bắt được thời cơ này chính là những người trí thức Việt Nam được thời, đặc biệt là lớp trí thức Tây học. Đúng như tác giả Hoàng Tiến nhận xét: “Họ là bộ phận nhạy cảm nhất của dân tộc, đã sớm nhìn ra việc lợi hại của thứ chữ này, và vượt qua sự mặc cảm cùng sự kỳ thị ngoại lai thường có ở những người dân mất nước, họ cổ vũ việc dùng thứ chữ trên, in sách, in báo, nhằm truyền bá nó trong quảng đại quần chúng, và gọi nó là Chữ Quốc, nhận nó là chữ của nước mình. Đúng là một báu vật đã lọt vào tay người Việt Nam” (6). Tiêu biểu trong những người trí thức Việt Nam lúc ấy phải kể đến Trương Vĩnh Ký (1837-1898), có tên Thánh là Petrus Ký. Ông là người Việt Nam đầu tiên dùng chữ Quốc ngữ để làm báo và in sách. Năm 1865, ông là chủ bút bản tờ công báo có tên là Gia Định báo (1865-1897) để ban bố những chính sách cai trị với dân bản xứ trong vùng đất 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ mà quân Pháp chiếm đóng. Tờ báo do người Pháp cho xuất bản. Đây là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Cùng với Trương Vĩnh Ký, một số người lớp trí thức Tây học người Công giáo ở Nam Bộ như ông Huỳnh Tịnh Của (tên Thánh là Paulus Của) đã dùng chữ Quốc ngữ đầu tiên để truyền bá học thuật và tư tưởng phương Tây, soạn từ điển Việt – Pháp (như bộ Việt – Pháp tự điển của Paulus Của) để người Việt Nam có thể dùng mà học tiếng Pháp. Các ông cũng đã dùng chữ Quốc ngữ để viêt văn. Ở Trung Bộ, ông Nguyễn Trường Tộ cũng xin với triều đình nhà Nguyễn sử dụng chữ Quốc ngữ. Nhưng trong thời buổi Hán học đang còn thịnh hành, lời để xướng của Nguyễn Trường Tộ không ai để ý đến.

Năm 1906, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương thành lập Hội đồng cải cách học vụ, cho sửa lại chương trình giáo dục và bắt đầu dùng Việt ngữ làm một môn giáo khoa phụ. Năm 1908, ở Trung Kỳ đặt Bộ Học để thi hành việc cải cách ấy. Thế là, chữ Quốc ngữ đã được Chính phủ đương thời thừa nhận, đem dùng ở trong học giới. Đến năm 1915 và 1919 ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ bãi bỏ chế độ thi cử Nho học. Từ đó, chữ Quốc ngữ có địa vị trọng yếu trong chương trình học vụ cả nước.

Song, phải đến cuộc cách mạng chữ viết do những trí thức ngoài Bắc Bộ phát động phong trào Duy Tân vào những thập niên đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ mới thay thế được chữ Nôm và chữ Hán, trở thành chữ phổ thông, được quảng đại quần chúng ưa dùng, chiếm lĩnh địa bàn toàn quốc. Các học giả như Đào Nguyên Phổ, Phan Kế Bính bắt đầu dùng chữ Quốc ngữ để viết sách, viêt báo. Nhóm trí thức trong Đông Kinh Nghĩa thục (Trường Đông Kinh Nghĩa thục dạy học không lấy tiền ở Bắc Kỳ), trong đó có Nguyễn Văn Vĩnh dấy lên phong trào học và sử dụng chữ Quốc ngữ. Đặc biệt là, đầu năm 1938, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Hội truyền bá chữ Quốc ngữ đã được thành lập, với những trí thức nổi tiếng đương thời như: Cụ Nguyễn Văn Tố (Hội trưởng), Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Vũ Đình Hòe,… Hội đã phát động công cuộc cách mạng chữ Quốc ngữ. Hoạt động của Hội truyền bá chữ Quốc ngữ có ý nghĩa rất lớn, đã góp phần nâng cao lòng tự tôn dân tộc, nâng cao dân trí, chống lại chính sách nô dịch, ngu dân của thực dân Pháp.

Trải bao công sức của nhiều thế hệ người Việt, qua nhiều giai đoạn, kế thừa và cách tân hợp lý lối ghi tự mẫu La tin của các cố đạo phương Tây, chữ Quốc ngữ ngày nay đã trở thành thứ chữ viết có thể thỏa mãn được những đặc trưng riêng có của Tiếng Việt. Đó là có khả năng ghi chép /ghi âm / biểu đạt chính xác nhất cách phát âm 6 thanh của người Việt Nam. Chữ Quốc ngữ gồm 23 chữ Cái (viết thường và viết hoa), là: Aa, Bb, Cc, Đ, Đ đ, Ê, Gg, Hh, Ii, Kk, Ll, Mm, Nn, Ô, Pp, Qq, Rr, Ss, Tt, Uu, Vv, Xx, Yy. So với mẫu tự La tin, mẫu tự chữ Quốc ngữ không có 4 chữ Cái là Ff, Jj, Ww, Zz. Nhưng chữ Quốc ngữ / người Việt đã có sáng tạo thêm cho bộ chữ của mình. Thứ nhất, đã sáng tạo ra một chữ Mới là chữ Đđ; Thứ hai, Một sáng tạo lớn hơn, là chữ Quốc ngữ có các Dấu / 6 Dấu, nên các Nguyên âm tăng lên gấp nhiều lần. Ví dụ: A, à, á, ả, ã, ạ. Ngoài ra, chữ Quốc ngữ còn có 5 Nguyên âm rất độc đáo là: ă, ê, ô, ơ, ư. Chính vì thế, mà chữ Quốc ngữ đã phát triển để ghi lại được một cách chính xác cách Phát âm Đa cung bậc của người Việt (“Phong ba bão táp không bằng Ngữ pháp Việt Nam”).

Chữ Quốc ngữ - không chỉ là một thành tựu khoa học vĩ đại, mà còn là một thắng lợi vô cùng to lớn trong lịch sử đấu tranh không biết mệt mỏi của dân tộc ta chống lại âm mưu đồng hóa của Trung Quốc để khẳng định Nước Việt Nam là một Quốc Gia Độc Lập.

1) Đào Duy Anh – Việt Nam văn hóa sử cương – Nxb Đồng Tháp, 1998, tr 307.

(2) Hoàng Tiến: Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX, Nxb Thanh niên, 2003, tr 31-32.

(3) Đào Duy Anh – Chữ Nôm nguồn gốc cấu tạo diễn biến – Nxb KHXH, H, 1975, tr 212.

(4). Tôi đồng tình với ý kiến của Nguyễn Văn Kiệm đã chỉ ra những ngược điểm của chữ Nôm như: “1/ Muốn sử dụng được nó (viết, đọc, hiểu) thì ít nhất phải có một vốn liếng kha khá, nếu không muốn nói là tương đối thạo về chữ Hán; 2/ Chưa thấy xuất hiện một văn bản qui ước mang tính phổ cập về cách viết, phát âm, khiến có tình trạng có những cách phát âm và hiểu nghĩa khác nhau đối với một chữ Nôm nào đó; 3/Chưa thấy xuất hiện một sự tinh giản tự dạng một cách mạnh mẽ so với tự dạng gốc Hán tự, để người biết ít chữ Nho có thể nhận và nhớ mặt chữ rõ ràng; 4/ Chưa lập thành được một cấu trúc phát âm riêng mà phải dựa vào âm của những từ Hán gần gũi với tiếng Việt cộng thêm những ký hiệu hoặc những chữ ghép thêm” (Nguyễn Văn Kiệm – Sự du nhập của đạo Thiên chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX – Hội KH lịch sử Việt Nam và Trung tâm UESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, 2001, tr 91- 92),

(5) Nguyễn Văn Kiệm – Sự du nhập của đạo Thiên chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX – Hội KH lịch sử Việt Nam và Trung tâm UESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, 2001, tr 97

(6) Hoàng Tiến – Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX – Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2003, tr 16.
-----------------------------------------------------------------------------------


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương