Chủ đề Đoàn viên thanh niên với phong trào thanh niên tình nguyện I. Mục đích, yêu cầu



tải về 29.21 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích29.21 Kb.
#20270


Chủ đề

Đoàn viên thanh niên với phong trào thanh niên tình nguyện
I. Mục đích, yêu cầu

- Thông qua sinh hoạt chi đoàn giúp đoàn viên, thanh niên hiểu về phong trào thanh niên tình nguyện; đồng thời cổ vũ, động viên đoàn viên thanh niên hăng hái, nhiệt tình tham gia các phong trào tình nguyện với tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, không quản ngại khó khăn gian khổ vì lợi ích của xã hội, cộng đồng.

- Tổ chức sinh hoạt hiệu quả, sáng tạo, hấp dẫn, thu hút đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia.

II. Thành phần tham gia:

- Mời đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương và Đoàn cấp trên.

- Đoàn viên thanh niên trong chi đoàn.

III. Chương trình buổi sinh hoạt Chi đoàn:

1. Ổn định tổ chức bằng các tiết mục văn nghệ, trò chơi tập thể.

2. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu

3. Thông qua chủ đề, chương trình buổi sinh hoạt

4. Báo cáo kết quả công tác tháng 12, triển khai phương hướng, nhiệm vụ tháng 1/2014.

5. Tìm hiểu về Phong trào thanh niên tình nguyện theo hệ thống câu hỏi dưới đây:



Câu 1: Một phong trào tình nguyện của tuổi trẻ miền Bắc và miền Trung tiến vào miền Nam sau cách mạng tháng Tám và trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược , đó là phong trào gì?

Trả lời: Phong trào “Tình nguyện Nam tiến” hay “Nam tiến”.

(Vào cuối 1945 đến đầu 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đông đảo thanh niên đã hưởng ứng phong trào “Tình nguyện Nam tiến” với hơn 60.000 thanh niên tình nguyện lên đường. Các đơn vị Nam tiến đã cùng quân và dân Nam Trung Bộ, Nam Bộ chiến đấu kiên cường, gây nhiều tổn thất cho thực dân Pháp, góp phần ngăn chặn sự mở rộng chiến tranh của chúng. Phong trào Nam tiến là hình ảnh tiêu biểu của dân tộc Việt Nam cùng ra trận, Nam - Bắc một nhà, cùng đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù xâm lược).



Câu 2: “Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng nhập ngũ; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần đến” là khẩu hiệu của phong trào nào?

Trả lời: Phong trào “Ba sẵn sàng”

(Phong trào “Ba sẵn sàng” bắt nguồn từ phong trào thi đua yêu nước “Tam bất kì” và sau đó là phong trào “Ba bất kì” ở các chi đoàn, liên chi đoàn khoa của trường ĐHSP Hà Nội. Khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh thực hiện cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân, tối ngày 9/8/1964, tại hội trường Bộ công nghiệp nặng- Hà Nội, Ban chấp hành Thành đoàn Hà Nội đã chính thức phát động phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng" chống Mỹ cứu nước trong toàn thành phố. Tháng 3/1965, T.Ư Đoàn đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “3 sẵn sàng” có bổ sung và nâng cao nội dung: vừa chiến đấu, sản xuất, học tập và xây dựng cuộc sống. Phong trào “Ba sẵn sàng” đã đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca của tuổi trẻ Việt Nam ở thế kỷ XX, là nền tảng để các phong trào thanh niên ngày nay phát huy.)



Câu 3: Từ ngày 17 đến ngày 26-3-1965, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ nhất đã tiến hành tại vùng căn cứ kháng chiến Tây Ninh. Đại hội đã phát động sâu rộng trong đoàn viên và thanh niên trên toàn miền Nam một phong trào “ Năm xung phong”. Nội dung của phong trào là gì?

Trả lời:

1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch.


2. Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh.
3. Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến.
4. Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính.
5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội.

.Câu 4: Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (3/1961), lần đầu tiên khái niệm tình nguyện được sử dụng để đặt tên cho một phong trào của Đoàn tham gia phát triển kinh tế, đó là phong trào gì?

Trả lời: Phong trào “Xung kích tình nguyện vượt kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”

(Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (3/1961) đã phát động phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch Nhà nước năm năm lần thứ nhất” (1961 - 1965) nhằm tổ chức, giáo dục, đồng viên tuổi trẻ miền Bắc phát huy vai trò và tác dụng của mình đi đầu thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước, qua đó “Nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, giáo dục thanh niên ý thức đối với kế hoạch Nhà nước, giáo dục tinh thần xung phong, tự nguyện, tự giác trong bất kỳ công việc gì mà mình đang làm, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thanh niên đối với việc thực hiện kế hoạch 05 năm”.

Do đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của tuổi trẻ, phù hợp với các đối tượng, các tầng lớp thanh niên chỉ trong một thời gian ngắn đã có trên 1 triệu đoàn viên, thanh niên hoạt động trên các mặt: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, lâm nghiệp, văn hóa giáo dục, an ninh quốc phòng,v.v... hưởng ứng và đăng ký tham gia, góp phần tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN)



Câu 5: Năm Thanh niên 2000, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Đại hội lần thứ IV Hội LHTN Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã phát động toàn Đoàn thực hiện 1 hoạt động vào ngày thứ bảy, 25/3/2000 với các nội dung như : tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, bảo vệ môi trường. Hiện nay, hoạt động này thường xuyên được duy trì và gắn liền với “Ngày chủ nhật xanh”. Đó là hoạt động nào?

Trả lời: Hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện”

Câu 6: Xét về nội dung hoạt động có mấy loại hình thanh niên tình nguyện (TNTN)?

Trả lời: Xét về nội dung hoạt động, có 3 loại hình TNTN. Đó là:

- TNTN tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó bao gồm: TNTN đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; TNTN thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia; TNTN giúp nhau lập thân lập nghiệp; Trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, miền núi.

- TNTN tham gia giữ gìn và bảo vệ nền quốc phòng toàn dân. Trong đó bao gồm: TNTN tham gia dân quân tự vệ, xung kích giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; TNTN phòng chống tệ nạn xã hội; TNTN công tác tại các vùng biên giới, hải đảo; TNTN thực hiện chính sách hậu phương quân đội; hoạt động tình nguyện của thanh niên các lực lượng vũ trang.

- TNTN tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo. Trong đó bao gồm: TNTN hiến máu nhân đạo; TNTN chống mù chữ, thất học; TNTN cứu trợ và khắc phục thiên tai; TNTN chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đội công tác xã hội,…



Câu hỏi thảo luận: Năm 2014 được TW Đoàn chọn là Năm tình nguyện nhân kỷ niệm 15 năm phong trào thanh niên tình nguyện. Theo đồng chí, chi đoàn cần tập trung triển khai những hoạt động nào để thiết thực hưởng ứng Năm tình nguyện 2014?

Gợi ý:

- Đẩy mạnh phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới": Tổ chức Đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên thực hiện các công trình thanh niên tình nguyện, tham gia xây dựng nông thôn mới: bê tông hoá đường giao thông, cải tạo kênh mương thuỷ lợi nội đồng, thắp sáng đường nông thôn, vệ sinh môi trường, di dời chuồng trại, xây nhà vệ sinh cải tiến…

- Nâng cao chất lượng phong trào "Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị"

- Tổ chức các sân chơi cho thanh thiếu nhi tại các khu vực công cộng thông qua các câu lạc bộ, tổ, nhóm theo sở thích.

- Nâng cao chất lượng hoạt động của các đội hình thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, hướng dẫn giao thông tại các điểm có đèn tín hiệu, thường xuyên ùn tắc; nâng cao chất lượng mô hình đoạn đường thanh niên tự quản, cổng trường an toàn giao thông.

- Duy trì các hoạt động Đoàn tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, đăng ký cảm hóa, giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến.

- Tiếp tục thành lập và duy trì các câu lạc bộ "Tuổi trẻ với pháp luật", "Tuổi trẻ phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS", xây dựng môi trường sống, làm việc lành mạnh; các câu lạc bộ thanh niên, học sinh, sinh viên khu nhà trọ, tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn.

- Tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo; tổ chức cho thanh niên hiến máu tình nguyện.

6. Phát biểu của Đoàn cấp trên, cấp ủy địa phương.

7. Đáp từ, cảm ơn và kết thúc buổi sinh hoạt.




Góc kỹ năng:

Trò chơi: Vinh dự

1. Địa điểm : Ngoài trời

2. Chuẩn bị : 2 quả bóng

3. Cách chơi : Người chơi được chia thành 2 đội (mỗi đội khoảng từ 10-15 người)

Hai đội đứng lẫn lộn trên sân. Tùy số lượng người chơi mà quản trò quy định câu khẩu hiệu ngắn hoặc dài.

Ví dụ :


- Vì vinh dự hội

- Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thanh niên anh dũng tiến lên

.......

Nghe tín hiệu bắt đầu chơi, đội trưởng của 2 đội lập tức chạy đến quản trò để nhận bóng. Sau đó chuyền cho đồng đội của mình. Người đầu tiên nhận được bóng hô “ Vì “ và chuyền cho người thứ hai, người thứ hai chụp đựoc bóng thì hô tiếp “ Vinh “...và tiếp tục chuyển cho người khác.



Đội nào thực hiện đúng quy định và hô xong khẩu hiệu trước là thắng cuộc.

+ Lưu ý :

- Khẩu hiệu tùy ý thay đổi sao cho phù hợp.

- Ai nhận được bóng phải hô to để quản trò theo dõi chấm điểm.

- Bóng rơi phải hô lại từ đầu.

- Hai đội có thể cử một số người chuyên đi cướp bóng của đội khác, và có thể cùng một lúc chuyền trong đội bóng mình 2 quả bóng.

- Người cuối cùng của một câu khẩu hiệu sau khi nhận được bóng và hô xong chữ cuối cùng phải lập lại toàn bộ câu khẩu hiệu ( được 1 điểm )...sau đó, tiếp tục chuyền, trò chơi tiếp tục cho đến lúc có đội đạt 10 điểm ( hoặc trong thời gian 5 phút ).
Biên soạn: Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn

Tài liệu phát hành tới các chi đoàn trên địa bàn dân cư tỉnh Hà Nam.

Chi tiết truy cập website: tinhdoanhanam.gov.vn

 




tải về 29.21 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương