Centre for information, library and research services


PHẦN VII: HỘI ĐỒNG TỔNG THỐNG VỀ QUYỀN CỦA CỘNG ĐỒNG THIỂU SỐ



tải về 1.26 Mb.
trang19/19
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích1.26 Mb.
#35452
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19

PHẦN VII:

HỘI ĐỒNG TỔNG THỐNG VỀ QUYỀN CỦA CỘNG ĐỒNG THIỂU SỐ


Giải thích thuật ngữ của phần này

68. Trừ trường hợp ngữ cảnh yêu cầu khác, trong phần này:

“Báo cáo thẩm tra” là báo cáo của Hội đồng tuyên bố rằng, theo ý kiến của Hội đồng, quy định cụ thể nào đó của một Dự luật hoặc của một văn bản dưới luật có thể là một biện pháp phân biệt đối xử;

“Chủ tịch” là Chủ tịch Hội đồng;

“Hội đồng” là Hội đồng Tổng thống về Quyền của Cộng đồng thiểu số được thành lập theo Điều 69;

“Biện pháp phân biệt đối xử” là bất kỳ biện pháp nào gây, hoặc khi áp dụng biện pháp này trong thực tế có thể gây bất lợi cho những người thuộc cộng đồng chủng tộc hay tôn giáo nào đó nhưng không bất lợi như thế đối những người thuộc các cộng đồng chủng tộc hay tôn giáo khác, hoặc trực tiếp gây tổn hại cho những người thuộc cộng đồng đó hay gián tiếp tạo thuận lợi cho những người ở cộng đồng khác.

“thành viên” là thành viên của Hội đồng, kể cả Chủ tịch Hội đồng.

“Dự luật thuế” là dự luật chỉ chứa đựng các quy định giải quyết toàn bộ hay một phần các vấn đề sau:

(a) áp đặt, huỷ bỏ, miễn giảm, sửa đổi hay quy định về thuế

(b) áp đặt để thanh toán các khoản nợ hay vì các mục đích tài chính khác, các thanh toán từ Quỹ ngân khố hay bất kỳ quỹ nào khác của nhà nước, hoặc thay đổi, bãi bỏ các khoản thanh toán.

(c) cấp tiền cho Chính phủ hay cho bất kỳ cơ quan, cá nhân nào đó; hoặc thay đổi hay huỷ bỏ việc cấp khoản tiền đó;

(d) phân bổ ngân sách, nhận, lưu giữ, đầu tư, phát hành hoặc kiểm toán các tài khoản của công quỹ;

(e) thu hoặc bảo lãnh các khoản vay, hoàn trả các khoản vay đó, hoặc lập, thay đổi, quản lý hay bãi bỏ các quỹ thanh toán nợ liên quan tới các khoản vay đó.

(f) các vấn đề ít quan trọng khác có liên quan hoặc bổ sung vào các vấn đề nói trên;

“ngày họp” là ngày mà Nghị viện tiến hành cuộc họp.

Thành lập Hội đồng Tổng thống về quyền của cộng đồng thiểu số

69. - (1) Hội đồng Tổng thống về Quyền của cộng đồng thiểu số gồm có:

(a) Chủ tịch được bổ nhiệm trong thời gian 3 năm;

(b) Không quá 10 thành viên thường trực được bổ nhiệm suốt đời; và

(c) Không quá 10 thành viên khác được bổ nhiệm trong thời gian 3 năm;

2. Chủ tịch và các uỷ viên sẽ do Tổng thống bổ nhiệm nếu Tổng thống, trong phạm vi thẩm quyền tự quyết định của mình, đồng ý với ý kiến tư vấn của Nội các.

3. Chủ tịch và các thành viên được bổ nhiệm theo khoản 1(c) có thể được tái bổ nhiệm.

Bổ nhiệm tạm thời khi thành viên không thể tham gia các hoạt động

70. Bất kỳ khi nào một thành viên thông báo với Chủ tịch rằng người đó đã hoặc sẽ không có khả năng tham gia vào các hoạt động của Hội đồng trong thời gian 3 tháng hoặc nhiều hơn vì sức khoẻ yếu, vắng mặt hay lý do khác, thì Chủ tịch sẽ báo cáo với Tổng thống, nếu Tổng thống, trong phạm vi thẩm quyền tự quyết định của mình, đồng ý với ý kiến tư vấn của Nội các, có thể bổ nhiệm một người thực hiện nhiệm vụ thành viên trong khoảng thời gian đó.

Tiêu chuẩn làm thành viên



71. Không ai đủ điều kiện để bổ nhiệm làm thành viên trừ khi người đó:

a) là công dân Singapore;

b) không dưới 35 tuổi;

c) cư trú ở Singapore;

d) không thuộc trường hợp không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 72.

Không đủ tiêu chuẩn là thành viên



72. Một người sẽ không đủ điều kiện để bổ nhiệm là thành viên khi người đó:

a) đang hoặc đã được xác định hoặc tuyên bố là tâm thần;

b) bị phá sản hoặc bị phá sản chưa được phục quyền;

c) đã bị toà án của Singapore hay Malaixia kết án và phạt tù có thời hạn không dưới 01 năm hoặc bị phạt tiền không dưới 2.000 đô la mà chưa được xóa án;

Với điều kiện là trong trường hợp người đó bị Toà án của Malaixia kết án, người đó sẽ không bị coi là không đủ tư cách trừ khi hành vi phạm tội đó cũng là một phạm tội, đã được thực hiện ở Singapore và cũng có thể sẽ bị Toà án ở Singapore xử phạt; hoặc

d) đã tự nguyện nhập quốc tịch hoặc thực hiện quyền công dân tại một nước ngoài hoặc đã tuyên bố trung thành với nước ngoài.

Chấm dứt tư cách thành viên

73. Một người sẽ không còn là thành của Hội đồng:

(a) nếu người đó không còn là công dân Singapore;

(b) nếu người đó có văn bản xin từ chức có chữ ký gửi đến Chủ tịch;

(c) nếu người đó trở thành đối tượng của bất kỳ trường hợp không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 72.

Quyết định các vấn đề liên quan đến tư cách thành viên

74. (1) Bất kỳ câu hỏi liên quan đến việc một người nào đó trở thành thành viên hay một người nào đó không còn là thành viên sẽ được chuyển tới xem xét và quyết định bởi một cơ quan tài phán gồm có một Thẩm phán của Toà án Tối cao do Chánh án bổ nhiệm và 2 thành viên do Hội đồng chỉ định.

(2) Cơ quan tài phán được thành lập theo Khoản 1 sẽ:

(a) họp kín;

(b) tạo cơ hội thích hợp cho người đó mời các nhân chứng và giải trình; và

(c) báo cáo quyết định của cơ quan tài phán cho Chủ tịch Hội đồng.

(3) Quyết định của cơ quan tài phán là cuối cùng và sẽ không bị đưa ra xem xét tại bất kỳ toà án nào.

Tuyên thệ trung thành và giữ bí mật

75. Trước khi một người đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch hay thành viên thực hiện nhiệm vụ của mình, người đó sẽ tiến hành tuyên thệ và ký vào lời Tuyên thệ về Trung thành và Giữ bí mật trước một Thẩm phán của Toà án tối cao theo các hình thức tương ứng được quy định tại đoạn 2 và đoạn 7 của Phụ lục thứ nhất.

Chức năng chung của Hội đồng



76. (1) Hội đồng có chức năng chung là xem xét và báo cáo các vấn đề liên quan đến các cá nhân của bất kỳ cộng đồng tôn giáo hay chủng tộc nào ở Singapore mà Nghị viện hoặc Chính phủ có thể tham khảo ý kiến của Hội đồng.

(2) Việc tham khảo ý kiến của Nghị viện đối với Hội đồng có thể do Chủ tịch Nghị viện thực hiện; việc tham khảo ý kiến của Chính phủ đối với Hội đồng có thể do một Bộ trưởng thực hiện.

Các chức năng của Hội đồng liên quan đến các Dự luật và văn bản dưới luật

77. Hội đồng có chức năng cụ thể là xem xét bất kỳ Dự luật hoặc văn bản dưới luật nào xem Dự luật hoặc văn bản dưới luật đó, theo ý kiến của Hội đồng, có phải là biện pháp phân biệt đối xử không.

Bản sao các Dự luật và các sửa đổi dự luật phải được gửi cho Hội đồng



78. – (1) Ngay sau khi Dự luật nói tại Điều luật này được trình ra phiên họp xem xét dự luật lần cuối và được Nghị viện thông qua và trước khi dự luật đó được trình lên Tổng thống để Tổng thống chấp thuận, Chủ tịch Nghị viện phải lập một bản sao Dự luật đó có xác nhận gửi cho Hội đồng.

(2) Hội đồng sẽ xem xét dự luật và sẽ báo cáo với Chủ tịch Nghị viện trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày Dự luật được gửi cho Hội đồng để khẳng định xem, theo quan điểm của Hội đồng, có điều khoản nào của Dự luật đó nếu được ban hành sẽ là biện pháp phân biệt đối xử không.

(3) Sau khi nhận được báo cáo thẩm tra của Hội đồng, khi Dự luật có liên quan đến báo cáo thẩm tra được Nghị viện sửa đổi, Chủ tịch Nghị viện phải hoàn chỉnh dự luật theo hình thức sửa đổi Dự luật để gửi lại cho Hội đồng.

(4) Theo đề nghị của Chủ tịch, Chủ tịch Nghị viện có thể kéo dài thời hạn 30 ngày được quy định ở khoản (2) nếu Chủ tịch Nghị viện cho là phù hợp do độ dài và tính chất phức tạp của Dự luật hoặc số lượng vấn đề mà Hội đồng cần thời gian để xem xét hoặc vì một lý do cần thiết nào đó.

(5) Chủ tịch Nghị viện sẽ trình từng bản báo cáo nhận được từ Hội đồng theo khoản (2) ra Nghị viện mà không được trì hoãn một cách trái pháp luật. Trong trường hợp Chủ tịch Nghị viện không nhận được báo cáo về Dự luật trong thời hạn quy định tại khoản (2) hay thời hạn kéo dài theo khoản (4), thì hoàn toàn có thể cho rằng quan điểm của Hội đồng là không có điều khoản nào của Dự luật nếu được ban hành là biện pháp phân biệt đối xử.

(6) Không có Dự luật nào theo Điều luật này được trình để Tổng thống chấp thuận nếu không được kèm theo một giấy chứng nhận do Chủ tịch Nghị viện ký trong đó nêu rõ:

a) theo ý kiến của Hội đồng không có điều khoản nào của Dự luật, nếu được ban hành, là biện pháp phân biệt đối xử;

b) không có báo cáo nào nhận được từ Hội đồng trong thời gian quy định hoặc bất kỳ thời gian gia hạn nào, ý kiến của Hội đồng sẽ được xem là không có điều khoản nào của dự luật, nếu được ban hành, sẽ là biện pháp phân biệt đối xử; hoặc

c) mặc dù ý kiến của Hội đồng là có điều khoản nào đó của Dự luật, nếu được ban hành, sẽ là biện pháp phân biệt đối xử, một bản kiến nghị trình Dự luật để Tổng thống chấp thuận đã được thông qua bằng việc biểu quyết xác nhận của không ít hơn 2/3 tổng số thành viên của Nghị viện.

(7) Điều luật này sẽ không áp dụng đối với:

a) Dự luật về Thuế;

b) Dự luật được Thủ tướng chứng nhận là có ảnh hưởng tới quốc phòng hoặc an ninh của Singapore, hoặc liên quan tới an toàn công cộng, hoà bình hoặc trật tự tốt đẹp ở Singapore; hoặc

c) Dự luật được Thủ tướng xác nhận là khẩn cấp đến mức là nó không thể trì hoãn việc ban hành vì lợi ích công cộng.

(8) Dự luật sẽ được xem là Dự luật về Thuế nếu Chủ tịch Nghị viện có văn bản xác nhận rằng, theo ý kiến của Chủ tịch Nghị viện, đó là Dự luật áp dụng khái niệm “Dự luật Thuế” quy định tại Điều 68. Không có Dự luật Thuế nào được trình để Tổng thống chấp thuận trừ khi nó được kèm theo giấy xác nhận của Chủ tịch Nghị viện mà giấy xác nhận đó sẽ có tính chất quyết định cho mọi mục đích và sẽ không bị đưa ra xem xét lại tại bất kỳ toà án nào.

Chức năng của Hội đồng đối với những dự luật ban hành theo giấy xác nhận khẩn cấp.

79. (1) Trong trường hợp Tổng thống chấp thuận một Dự luật được Thủ tướng xác nhận là khẩn cấp theo Điều 78(7), Chủ tịch Nghị viện có trách nhiệm lập bản sao có xác nhận của Đạo luật gửi đến Hội đồng trong thời gian sớm nhất có thể.

(2) Ngay sau đó Hội đồng sẽ xem xét Đạo luật và gửi một bản báo cáo tới Chủ tịch Nghị viện trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đạo luật đó được gửi tới Hội đồng để xác định xem theo quan điểm của Hội đồng có bất kỳ điều khoản nào của Đạo luật đó là biện pháp phân biệt đối xử không.

(3) Chủ tịch Nghị viện sẽ phải trình báo cáo đó ra Nghị viện trong thời gian sớm nhất.

Chức năng của Hội đồng liên quan đến văn bản dưới luật



80. – (1) Bản sao có xác nhận từng phần của văn bản dưới luật sẽ được Bộ trưởng có thẩm quyền gửi cho Hội đồng trong phạm vi 14 ngày kể từ ngày công bố văn bản dưới luật đó.

(2) Ngay sau đó, Hội đồng sẽ xem xét văn bản dưới luật và lập báo cáo gửi cho Chủ tịch Nghị viện và Bộ trưởng có thẩm quyền trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày văn bản đó được gửi tới Hội đồng nói rõ theo quan điểm của Hội đồng là có điều khoản nào của văn bản dưới luật đó là biện pháp phân biệt đối xử không.

(3) Chủ tịch Nghị viện trình báo cáo của Hội đồng theo từng phần của văn bản dưới luật ra Nghị viện vào ngày họp gần nhất sau khi nhận được báo cáo của Hội đồng.

(4) Trong trường hợp báo cáo thẩm tra liên quan đến bất kỳ điều khoản nào của văn bản dưới luật được trình lên Nghị viện theo khoản (3), trong phạm vi 6 tháng sau khi trình báo cáo, trừ một trong hai trường hợp sau-

(a) điều khoản đó đã được Bộ trưởng có thẩm quyền loại bỏ hay sửa đổi; hoặc

(b) Nghị viện đã thông qua nghị quyết phê chuẩn điều khoản đó.

Bộ trưởng có thẩm quyền sẽ hủy bỏ điều khoản đó và thông báo về việc hủy bỏ đó trong Công báo.

(5) Nếu không có báo cáo về bất kỳ văn bản dưới luật của Hội đồng trong phạm vi thời gian được quy định trong khoản (2), thì hoàn toàn có thể cho rằng ý kiến của Hội đồng là không có quy định nào trong văn bản dưới luật là biện pháp phân biệt đối xử.

Các chức năng của Hội đồng liên quan đến một số luật thành văn nhất định

81. -(1) Hội đồng có thể xem xét bất kỳ luật thành văn nào có hiệu lực vào ngày 9 tháng 1 năm 1970 và có thể lập báo cáo về bất kỳ điều khoản nào trong luật thành văn đó mà Hội đồng cho rằng điều khoản đó là biện pháp phân biệt đối xử.

(2) Hội đồng sẽ gửi báo cáo đó đến Chủ tịch Nghị viện, và Chủ tịch Nghị viện sẽ trình báo cáo đó cho Nghị viện trong thời gian sớm nhất.

(3) Trong trường hợp báo cáo có liên quan đến văn bản dưới luật nào đó, Hội đồng cũng sẽ gửi bản sao báo cáo đến Bộ trưởng có có liên quan.

Các nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng



82. –(1) Hội đồng sẽ họp theo triệu tập của Chủ tịch.

(2) Chủ tịch sẽ chủ tọa tất cả các cuộc họp của Hội đồng nếu Chủ tịch có mặt.

(3) Trong trường hợp chức vụ Chủ tịch bị khuyết hoặc Chủ tịch không thể tham dự vì bất kỳ lý do gì, Hội đồng sẽ bầu một thành viên thực hiện chức năng của Chủ tịch.

Số thành viên cần thiết để biểu quyết và việc biểu quyết



83. ­–(1) Hội đồng sẽ không biểu quyết bất kỳ vấn đề gì trừ khi có mặt 8 thành viên trong đó có Chủ tịch hoặc thành viên chủ tọa.

(2) Quyết định của Hội đồng sẽ được thông qua khi được đa số số thành viên có mặt biểu quyết tán thành.

(3) Biểu quyết của Chủ tịch hoặc thành viên chủ tọa là biểu quyết thường và không phải là biểu quyết có tính chất quyết định.

(4) Khi một vấn đề được biểu quyết tại Hội đồng, nếu số thành viên biểu quyết tán thành và không tán thành bằng nhau, thì vấn đề đó sẽ được xem là không được thông qua.

Hội đồng họp kín

84. Hội đồng sẽ họp kín để quyết định các vấn đề và Hội đồng sẽ không có quyền nghe ý kiến của những người phản đối hoặc thẩm vấn các nhân chứng liên quan đến bất kỳ Dự luật hoặc đạo luật nào đang được Hội đồng xem xét theo các quy định của Phần này.

Báo cáo của Hội đồng



85. Khi lập báo cáo về ý kiến của Hội đồng theo các quy định của Phần này, Hội đồng phải nói rõ -

(a) báo cáo đó được tất cả các thành viên tán thành hay một số thành viên tán thành và một số thành viên phản đối; và

(b) trong trường hợp có báo cáo thẩm định, những căn cứ mà Hội đồng dựa vào để đi đến kết luận.

Giá trị pháp lý của thủ tục không phụ thuộc vào việc khuyết thành viên



86. Theo điều 83 (1), Hội đồng sẽ không bị xem là không đủ điều kiện để giải quyết các công việc vì lý do khuyết thành viên; và bất kỳ thủ tục nào trong trường hợp khuyết thành viên sẽ vẫn có giá trị pháp lý mặc dù người nào đó không có quyền tham gia đã tham gia các thủ tục.

Bộ trưởng tham dự các phiên họp của Hội đồng, v.v



87. Bất kỳ Bộ trưởng, Công sứ của Nhà nước hoặc Viên chức cao cấp của Nghị viện được Thủ tướng ủy quyền đặc biệt theo mục đích này sẽ có quyền dự và tham gia các phiên họp của Hội đồng như thành viên nhưng sẽ không có quyền biểu quyết trong Hội đồng.

Thẩm quyền của Hội đồng ban hành các quy tắc về thủ tục



88. Theo các quy định trong Hiến pháp này, Hội đồng có thể ban hành các quy tắc về việc điều chỉnh và cách thức tiến hành các phiên họp và việc giải quyết các công việc của Hội đồng, nhưng những quy tắc đó sẽ chỉ có hiệu lực nếu được Tổng thống phê chuẩn.

Báo cáo hàng năm



89. - (1) Mỗi năm một lần, Hội đồng có nghĩa vụ lập và trình lên Tổng thống bản báo cáo về công việc của Hội đồng trong 12 tháng trước đó.

(2) Tổng thống sẽ trình bản báo cáo đó ra Nghị viện trong thời gian sớm nhất.

Lương và các khoản thù lao

90. –(1) Lương và các khoản thù lao được trả cho Chủ tịch và các thành viên khác có thể được Tổng thống quyết định.

(2) Lương và các khoản thù lao thanh toán theo khoản (1) sẽ được thanh toán từ các khoản tiền được Nghị viện quy định.

Bổ nhiệm nhân viên

91. Hội đồng có quyền bổ nhiệm Thư ký của Hội đồng và các công chức khác khi cần thiết để giúp cho Hội đồng có thể thực hiện các chức năng của mình theo các quy định của Phần này.

Thẩm quyền ban hành các quy tắc chung



92. Tổng thống có thể ban hành các quy tắc để điều hành công việc giữa Hội đồng và Nghị viện và giữa Hội đồng với bất kỳ cơ quan nào có thẩm quyền ban hành văn bản dưới luật, và có thể ban hành các quy tắc có tính chất chung để thực hiện các mục đích của Phần này.

PHẦN VIII:

TƯ PHÁP


Quyền tư pháp ở Singapore

93. Quyền tư pháp ở Singapore được trao cho Toà án tối cao và cho các Toà cấp dưới có thể được bất kỳ luật thành văn nào đang có hiệu lực quy định .

Thẩm quyền xác định các vấn đề liên quan đến giá trị pháp lý của cuộc bầu cử Tổng thống

93 A. (1) Tất cả các khiếu nại liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được xem xét và quyết định bởi Chánh án hoặc một Thẩm phán của Toà án tối cao do Chánh án chỉ định để giải quyết việc này (trong Hiến pháp này sẽ gọi là Thẩm phán về bầu cử).

(2). Thẩm phán về bầu cử có quyền xem xét, quyết định và ban hành các lệnh theo quy định của pháp luật về khiếu nại liên quan đến việc bầu cử Tổng thống; quyết định của Thẩm phán về bầu cử trong trường hợp này là quyết định cuối cùng.

(3) Trình tự và việc thực hiện khiếu nại có liên quan đến bầu cử Tổng thống sẽ được điều chỉnh bởi các quy tắc có thể do Uỷ ban Quy chế được thành lập và bổ nhiệm theo điều 80 Luật Toà án Tối cao (Luật số 322) ban hành.

Tổ chức của Toà án tối cao



94. - (1) Toà án tối cao gồm có Toà phúc thẩm và Toà án cấp cao có thẩm quyền và quyền hạn được quy định tại Hiến pháp này hoặc tại bất kỳ luật thành văn nào khác.

(2) Chức vụ Thẩm phán Toà án tối cao không bị bãi bỏ trong suốt thời gian giữ chức vụ.

(3) Người có đủ điều kiện để bổ nhiệm làm thẩm phán Toà án tối cao hoặc người đã thôi giữ chức vụ Thẩm phán Toà án tối cao có thể được bổ nhiệm làm Chánh án theo quy định tại Điều 95, hoặc có thể làm Thẩm phán Toà án cấp cao hay Thẩm phán Toà án phúc thẩm nếu được chọn cho mục đích đó (khi cần thiết) phù hợp với Điều 95 và người đó sẽ đảm nhiệm vị trí đó theo một hoặc các nhiệm kỳ như Tổng thống, nếu Tổng thống, trong phạm vi thẩm quyền tự quyết định của mình, đồng ý với ý kiến tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, sẽ quyết định.

(4) Để tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án tối cao toàn quyền quyết định công việc, Tổng thống, trong phạm vi thẩm quyền tự quyết định của mình, nếu đồng ý với ý kiến tư vấn của Thủ tướng, có thể bổ nhiệm người có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Toà án tối cao trở thành Cao uỷ Tư pháp của Toà án tối cao theo quy định của Điều 95 trong một hoặc một số thời gian mà Tổng thống thấy thích hợp; và Cao uỷ tư pháp được bổ nhiệm theo qui định này, trong một hoặc một số loại vụ việc có thể được Chánh án quy định, có thể thực thi các quyền và thực hiện các chức năng của Thẩm phán Toà án cấp cao. Bất kỳ công việc gì được Cao uỷ tư pháp tiến hành khi thực hiện các chức năng theo các điều kiện bổ nhiệm sẽ có giá trị pháp lý và hiệu lực giống như do Thẩm phán của Toà án cấp cao thực hiện và liên quan đến việc thực hiện quyền và nhiệm vụ đó, Cao uỷ tư pháp sẽ có các quyền và được hưởng sự miễn trừ như Thẩm phán của Toà án cấp cao.

(5) Trong phạm vi khoản (4), Tổng thống có thể bổ nhiệm người có đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán của Toà án tối cao làm Cao uỷ tư pháp để xét xử và quyết định chỉ đối với một vụ việc cụ thể.

95. Bổ nhiệm thẩm phán Toà án tối cao

(1) Chánh án, thẩm phán Toà Phúc thẩm và thẩm phán Toà án cấp cao sẽ được Tổng thống bổ nhiệm nếu Tổng thống, trong phạm vi thẩm quyền tự quyết định của mình, đồng ý với ý kiến tư vấn của Thủ tướng.

(2) Trước khi tư vấn về việc bổ nhiệm Thẩm phán mà không phải là Chánh án theo quy định tại khoản 1, Thủ tướng sẽ tham vấn Chánh án Toà án tối cao.

(3) Điều luật này sẽ được áp dụng đối với việc chọn một người làm thẩm phán Toà án cấp cao hay Thẩm phán Toà án Phúc thẩm theo quy định tại Điều 94(3) và đối với việc bổ nhiệm Cao uỷ tư pháp của Toà án Tối cao theo Điều 94 (4) giống như là điều luật này áp dụng để bổ nhiệm Thẩm phán Toà án cấp cao mà không phải là Chánh án.

Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Toà án tối cao



96. Một người có đủ điều kiện để bổ nhiệm Thẩm phán Toà án tối cao nếu người đó có tổng thời gian không dưới 10 năm là người có đủ điều kiện theo quy định tại điều 2 của Luật về Nghề luật (Luật số 161) hoặc là thành viên của Ngành công vụ pháp luật Singapore, hoặc cả hai.

Tuyên thệ nhậm chức của Thẩm phán và Cao uỷ tư pháp của Toà án tối cao



97. (1) Chánh án và từng người được bổ nhiệm hoặc được chỉ định làm Thẩm phán của Toà án cấp cao hoặc Thẩm phán Toà Phúc thẩm hoặc được bổ nhiệm làm Cao uỷ tư pháp của Toà tối cao, trước khi thực hiện nhiệm vụ của mình, phải tuyên thệ chức vụ trước Tổng thống theo hình thức quy định tại Phụ lục thứ nhất.

(2) Không phụ thuộc vào khoản 1, Cao uỷ tư pháp được bổ nhiệm theo Điều 94(5) để xét xử và giải quyết một vụ việc cụ thể không cần phải tuyên thệ nhậm chức lại nếu kể từ ngày người đó ra phán quyết đối với bất kỳ vụ việc cụ thể nào mà người đó được bổ nhiệm để xét xử và quyết định vụ việc đó đến thời điểm bắt đầu xét xử vụ việc cụ thể tiếp theo là khoảng thời gian dưới 12 tháng.

Nhiệm kỳ và tiền lương của các Thẩm phán Toà án tối cao.

98. (1) Theo Điều luật này, Thẩm phán Toà án tối cao sẽ giữ chức vụ tới khi 65 tuổi hoặc sau đó hơn nhưng không quá 6 tháng sau khi người đó đạt được độ tuổi trên nếu được Tổng thống phê chuẩn.

(2) Thẩm phán Toà án tối cao có thể từ chức bất cứ lúc nào bằng văn bản có chữ ký của mình gửi đến Tổng thống, nhưng người đó sẽ không bị miễn nhiệm trừ trường hợp theo khoản (3), (4) và (5).

(3) Nếu Thủ tướng, hoặc Chánh án tòa án tối cao sau khi tham vấn Thủ tướng, trình Tổng thống rằng một Thẩm phán Toà án tối cao phải bị miễn nhiệm do hạnh kiểm xấu hoặc do không có năng lực, vì không đủ khả năng về thể chất hoặc tinh thần hay vì bất kỳ lý do nào khác, để đảm nhiệm thích hợp các chức năng của chức vụ của người đó, thì Tổng thống sẽ chỉ định một cơ quan tài phán theo khoản (4) và chuyển đề nghị miễn nhiệm thẩm phán tới cơ quan này; và dựa vào đề xuất của cơ quan tài phán, Tổng thống có thể miễn nhiệm Thẩm phán đó khỏi chức vụ.

(4) Cơ quan tài phán gồm có không ít hơn 5 người đang hoặc đã giữ chức vụ với tư cách là Thẩm phán Toà tối cao, hoặc nếu thấy phù hợp, Tổng thống có thể bổ nhiệm vào cơ quan tài phán cả những người đang hoặc đã giữ chức vụ tương đương ở bất kỳ lãnh thổ nào của Khối thịnh vượng chung và cơ quan tài phán sẽ do một thành viên chủ trì trước hết theo thứ tự như sau, cụ thể là, Chánh án Toà án Tối cao theo quyền ưu tiên trong số các thành viên, và các thành viên khác theo thứ tự bổ nhiệm vào chức vụ mà họ đủ điều kiện là thành viên của cơ quan tài phán (người lớn tuổi hơn được ưu tiên trước người trẻ hơn trong trường hợp 2 người được bổ nhiệm cùng ngày).

(5) Trong thời gian chờ ý kiến và báo cáo theo khoản (3), nếu Tổng thống, trong phạm vi thẩm quyền tự quyết định của mình, đồng ý với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và, đối với bất kỳ thẩm phán nào không phải là Chánh án, sau khi tham vấn Chánh án thì Tổng thống có thể đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán Toà án tối cao đó.

(6) Nghị viện sẽ ban hành luật quy định việc trả tiền lương cho các Thẩm phán Toà án tối cao và khoản tiền tiền lương này sẽ được thanh toán từ Quỹ ngân khố.

(7) Theo Điều luật này, Nghị viện có thể ban hành luật quy định về chế độ đãi ngộ đối với Thẩm phán Toà án tối cao, ngoài quy định trả tiền lương cho Thẩm phán.

(8) Tiền lương và chế độ đãi ngộ khác đối với chức vụ của Thẩm phán Toà án tối cao (bao gồm cả các quyền đối với trợ cấp hưu trí) sẽ không thay đổi theo hướng bất lợi sau khi một người được bổ nhiệm là thẩm phán.

(9) Không phụ thuộc vào quy định tại khoản (1), giá trị pháp lý của bất kỳ vấn đề gì được Thẩm phán Toà án tối cao quyết định sẽ không bị chất vấn dựa trên cơ sở là Thẩm phán đó đã đến tuổi phải nghỉ hưu.

(10) Tổng thống, trong phạm vi thẩm quyền tự quyết định của mình, có thể cho Chánh án Toà án tối cao nghỉ phép và cho bất kỳ Thẩm phán nào của Toà án tối cao nghỉ phép theo đề nghị của Chánh án.

Hạn chế thảo luận của Nghị viện về đạo đức của Thẩm phán Toà tối cao.

99. Đạo đức của Thẩm phán Toà án tối cao hoặc của một người được giao trách nhiệm như một Thẩm phán hoặc của Cao ủy tư pháp sẽ không được đưa ra thảo luận ở Nghị viện trừ khi có một bản kiến nghị riêng biệt của không ít hơn một phần tư tổng số Nghị sĩ của Nghị viện.

Ý kiến tư vấn



100. - (1) Tổng thống có thể tham vấn cơ quan tài phán gồm có ít nhất 3 Thẩm phán Toà án tối cao về bất kỳ vấn đề gì đã phát sinh hoặc xuất hiện liên quan đến hiệu lực của bất kỳ điều khoản nào của Hiến pháp này.

(2) Khi yêu cầu tham vấn được gửi tới cơ quan tài phán theo khoản (1), cơ quan tài phán có trách nhiệm xem xét và trả lời trong thời gian sớm nhất khi có thể và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được quá 60 ngày kể từ ngày có yêu cầu tham vấn, và cơ quan tài phán sẽ xác nhận với Tổng thống, về thông tin của Tổng thống, ý kiến của của cơ quan tham vấn về vấn đề được gửi đến cơ quan này theo khoản (1) cùng với những lý do của câu trả lời, và bất kỳ Thẩm phán nào trong cơ quan tài phán có ý kiến khác với ý kiến của đa số sẽ xác nhận ý kiến và các lý do của mình theo cách thức tương tự.

(3) Trong phạm vi Điều luật này, ý kiến của đa số Thẩm phán trong cơ quan tài phán là ý kiến của cơ quan tài phán và sẽ được thông báo trong phiên xét xử công khai.

(4) Không có toà án nào có thẩm quyền chất vấn ý kiến của bất kỳ cơ quan tài phán hoặc giá trị pháp lý của bất kỳ đạo luật nào hay của bất điều khoản nào của đạo luật đó mà Dự thảo của dự luật đã được Tổng thống tham vấn cơ quan tài phán theo Điều luật này.

Định nghĩa “chức vụ”

101. Trong phần ngày, “chức vụ” trong mối liên hệ với Thẩm phán Toà án tối cao có nghĩa là chức vụ Chánh án, Thẩm phán Toà án Phúc thẩm, hay Thẩm phán Toà án cấp cao tuỳ theo từng trường hợp.



1 Bản dịch của Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

2 Bản dịch của dự án GTZ đã được Văn phòng Quốc hội hiệu đính theo bản tiếng Anh.

3 Bản dịch của Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội

4 Bản dịch của trường Đại học Luật Hà Nội

5 Bản dịch của trường Đại học Luật Hà Nội


Каталог: DuThao -> Lists -> TT TINLAPPHAP -> Attachments -> 199
Lists -> BỘ TƯ pháp số: 151 /bc-btp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Lists -> Phần thứ nhất ĐÁnh giá TÌnh hình tổ chức thực hiện luật hợp tác xã NĂM 2003
Lists -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Lists -> Danh mỤc LuẬt/NghỊ đỊnh thư cỦa các quỐc gia/khu vỰc đưỢc tham khẢo trong quá trình xây dỰng DỰ thẢo luật tài nguyên, môi trưỜng biỂn và hẢi đẢo
Lists -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Lists -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Lists -> Công ước số 138 Công ước về Tuổi tối thiểu được đi làm việc, 1973
Lists -> Các đơn vị đặc nhiệm một số quốc gia
Lists -> KẾt hôn có YẾu tố NƯỚc ngoàI: LÚng túng “ĐUỔI” theo thông tư
199 -> Giới thiệu về Tòa án Tối cao Philippines và vai trò của Tòa trong việc kiểm soát quyền lực chính phủ

tải về 1.26 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương