CÁc tội phạm chiến tranh và TỘI Ác chống nhân loạI, bao gồm tội diệt chủNG


CHƯƠNG I: KHIẾU NẠI CỦA TÙ BINH VỀ CHẾ ĐỘ GIAM GIỮ



tải về 2.09 Mb.
trang10/19
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích2.09 Mb.
#28495
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   19

CHƯƠNG I: KHIẾU NẠI CỦA TÙ BINH VỀ CHẾ ĐỘ GIAM GIỮ

Điều 78. Khiếu nại và yêu cầu

Tù binh được quyền gửi đơn khiếu nại về chế độ giam giữ của mình đến các nhà chức trách quân sự mà họ thuộc quyền.

Họ còn hoàn toàn được quyền liên lạc, không bị giới hạn, với các đại diện của Nước bảo hộ, qua trung gian đại diện của mình, hoặc trực tiếp, nếu họ thấy cần, để chỉ ra cho các đối tượng trên các điểm họ khiếu nại về chế độ giam giữ của mình. Các đơn yêu cầu và khiếu nại này không bị hạn chế và không bị tính vào khối lượng tiêu chuẩn thư của tù binh quy định tại Điều 71 và phải được gửi đi ngay. Không được trừng phạt người gửi đơn, ngay cả trong trường hợp các đơn yêu cầu hay khiếu nại này được thừa nhận không có căn cứ, Đại diện của tù binh được gửi tới đại diện Nước bảo hộ báo cáo định kỳ về tình hình trong trại cũng như nhu cầu của tù binh.

CHƯƠNG II: ĐẠI DIỆN TÙ BINH

Điều 79. Bầu cử

Tại tất cả các nơi có tù binh, trừ những nơi có sĩ quan, tù binh được tự do bầu cử 6 tháng một lần hay trong trường hợp khuyết người, bằng phiếu kín, các đại diện của mình có trách nhiệm thay mặt họ cho trong quan hệ với các nhà chức trách quân sự, với Nước bảo hộ, với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và với bất kỳ tổ chức nào giúp đỡ họ. Đại diện của tù binh có thể được tái cử.

Tại các trại sĩ quan và những người có cấp tương đương, hay ở các trại hỗn hợp, sĩ quan tù binh có thâm niên cao nhất và thuộc cấp cao nhất sẽ được công nhận là đại diện của tù binh. Trong các trại sĩ quan, người đại diện được một hay nhiều cố vấn trợ giúp, do các sĩ quan lựa chọn; tại các trại hỗn hợp, người giúp việc cho đại diện tù binh được lựa chọn trong số các tù binh không phải là sĩ quan và do số này bầu ra.

Trong các trại lao động dành cho tù binh, các sĩ quan tù binh cùng quốc tịch được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ hành chính của trại mà đáng ra tù binh phải làm. Ngoài ra, các sĩ quan này có thể được bầu làm đại diện của tù binh theo quy định tại đoạn 1 của Điều này. Trong trường hợp này, người giúp việc cho đại diện tù binh được lựa chọn trong số các tù binh không phải là sĩ quan.

Đại diện tù binh được bầu phải được Nước giam giữ chấp thuận trước khi bắt đầu làm nhiệm vụ. Trường hợp Nước giam giữ từ chối không chấp nhận một đại diện đã được các tù binh bầu, Nước này phải thông báo cho Nước bảo hộ biết lý do. Trong mọi trường hợp, đại diện tù binh phải có cùng quốc tịch, ngôn ngữ và phong tục với các tù binh mà họ đại diện. Vì vậy, do các tù binh được phân chia theo từng khu trại, theo quốc tịch, ngôn ngữ và phong tục, mỗi khu phải có một đại diện tù binh theo quy định tại các đoạn trên đây.

Điều 80. Trách nhiệm

Đại diện tù binh phải góp phần vào việc cải thiện sinh hoạt vật chất, tinh thần và trí tuệ của tù binh.

Đặc biệt trong trường hợp tù binh quyết định tổ chức một hệ thống tương trợ giữa họ với nhau, việc tổ chức này thuộc thẩm quyền của đại diện tù binh, và không phụ thuộc vào các nhiệm vụ đặc biệt mà những quy định khác của Công ước này giao cho họ.

Đại diện tù binh sẽ không phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của tù binh, chỉ vì chức trách đại diện của mình.



Điều 81. Đặc quyền

Đại diện của tù binh không bị bắt buộc làm bất kỳ một công việc nào khác, nếu công việc đó gây khó khăn thêm cho việc thừa hành nhiệm vụ của họ. Đại diện của tù binh được quyền chỉ định trong số các tù binh những người giúp việc cần thiết cho mình. Họ phải được hưởng mọi điều kiện thuận lợi về vật chất, đặc biệt một số tự do đi lại cần thiết để thừa hành nhiệm vụ (thăm các phân đội lao động, nhận các đồ cứu trợ...).

Đại diện của tù binh được phép đi thăm các nhà giam tù binh và tù binh có quyền được tự do hỏi ý kiến đại diện của mình.

Đại diện tù binh được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc gửi thư từ bằng bưu điện hay điện tín với các nhà chức trách giam giữ, với các Nước bảo hộ, với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và đại diện, với các ủy ban y tế hỗn hợp, cũng như với các tổ chức cứu trợ tù binh. Đại diện tù binh tại các phân đội lao động được hường các điều kiện thuận lợi tương tự trong việc liên lạc thư từ với đại diện tù binh ở trại chính. Các liên lạc thư từ này không bị hạn chế hoặc bị tính vào khối lượng tiêu chuẩn thư của tù binh quy định tại Điều 71.

Không một đại diện tù binh nào bị di chuyển đến một nơi khác mà không được dành đủ thời gian cần thiết để hướng dẫn người kế nhiệm họ về công việc họ đang tiến hành.

Trường hợp đại diện tù binh bị bãi miễn, lý do bãi miễn phải được thông báo với Nước bảo hộ.



CHƯƠNG III: CHẾ TÀI HÌNH SỰ VÀ KỶ LUẬT

I- Các Điều khoản chung

Điều 82. Áp dụng luật lệ

Tù binh phải tuân thủ luật pháp, điều lệ và mệnh lệnh chung có hiệu lực trong các lực lượng vũ trang của Nước giam giữ. Nước giam giữ được quyền sử dụng các biện pháp tư pháp hay kỷ luật đối với những tù binh vi phạm pháp luật, điều lệ hay mệnh lệnh chung này. Tuy nhiên, không một hành động truy tố hay kỷ luật nào được trái với các quy định của chương này.

Nếu luật pháp, điều lệ hay mệnh lệnh chung quy định xử phạt một số hành vi mà tù binh phạm phải, trong khi những hành vi đó lại không bị xử phạt nếu đối tượng vi phạm là thành viên của các lực lượng vũ trang thuộc Nước giam giữ, thì chỉ được thi hành các chế tài kỷ luật đối với tù binh phạm lỗi.

Điều 83. Hình thức kỷ luật hoặc truy tố

Khi xem xét nên áp dụng chế tài kỷ luật hay tư pháp đối với hành vi vi phạm của tù binh, Nước giam giữ phải bảo đảm sao cho các nhà chức trách có thẩm quyền thể hiện một thái độ khoan dung ở mức độ cao nhất trong việc đánh giá sự việc và sử dụng các biện pháp kỷ luật hơn là các biện pháp truy tố mỗi khi có thể.



Điều 84. Tòa án

Chỉ có tòa án binh mới có quyền xét xử các tù binh, trừ trường hợp luật phủ của Nước giam giữ cụ thể cho phép tòa án dân sự xét xử một thành viên của lực lượng vũ trang thuộc Nước giam giữ phạm cùng một tội với tù binh đang bị truy tố.

Trong bất cứ trường hợp nào cũng không được đưa tù binh ra trước một tòa án không có những bảo đảm cần thiết về tính độc lập và vô tư được công nhận rộng rãi và đặc biệt trong trường hợp thủ tục tố tụng của tòa án này không bảo đảm các quyền và phương tiện bào chữa cho tù binh theo quy định tại Điều 105. Điều 85. Phạm tội trước khi bị giam giữ

Những tù binh bị truy tố theo luật pháp của Nước giam giữ về những tội đã phạm phải trước ngày bị bắt, dù họ bị kết án, vẫn được hưởng những quyền lợi theo quy định của Công ước này.



Điều 86. Không phạt quá một lần cho một tội

Không tù binh nào bị phạt quá một lần, về cùng một việc hay cùng một tội buộc cho tù binh đó.



Điều 87. Hình phạt

Các nhà chức trách quân sự và tòa án của Nước giam giữ chỉ được phạt tù binh những án phạt tương tự với các án phạt áp dụng đối với nhân viên trong các lực lượng vũ trang của Nước này, khi họ có cùng hành vi vi phạm.

Khi quy định hình phạt, tòa án hay các nhà chức trách của Nước giam giữ đặc biệt lưu ý tới việc bị cáo, do không phải là công dân của Nước giam giữ, nên không có nghĩa vụ phải trung thành với Nước giam giữ, và họ thuộc quyền quản lý của Nước giam giữ trong những hoàn cảnh ngoài ý muốn của họ. Các tòa án và nhà chức trách này được tự do giảm nhẹ hình phạt quy định đối với hành vi vi phạm mà tù binh đã phạm phải, và, vì thế họ không bị bắt buộc phải áp dụng mức hình phạt tối thiểu.

Cấm không được áp dụng hình thức phạt tập thể cho các hành động cá nhân; tất cả các hình phạt xâm phạm đến thân thể, phạt giam trong những nơi không có ánh sáng ban ngày và nói chung tất cả các hình thức tra tấn hay đối xử tàn ác đều bị cấm.

Hơn nữa, không một tù binh nào bị Nước giam giữ tước cấp bậc của mình hay ngăn cấm mình đeo phù hiệu.

Điều 88. Thi hành hình phạt

Sĩ quan, hạ sĩ quan và quân nhân tù binh chịu án kỷ luật hay bị tòa án xử phạt sẽ không phải chịu một chế độ đối xử khắc nghiệt hơn chế độ áp dụng đối với các quân nhân đồng cấp của Nước giam giữ cũng phạm những hành vi như họ. Nữ tù binh sẽ không bị một hình phạt nặng hơn, và trong khi bị trừng phạt sẽ không phải chịu một chế độ đối xử khắc nghiệt hơn hình phạt hay chế độ quy định với một nữ quân nhân trong lực lượng vũ trang của Nước giam giữ mà cũng phạm tội như thế.

Trong bất cứ trường hợp nào, nữ tù binh cũng không phải chịu một hình phạt nặng hơn và trong khi bị trừng phạt sẽ không phải chịu một chế độ đối xử khắc nghiệt hơn chế độ quy định đối với một nam quân nhân thành viên các lực lượng vũ trang của Nước giam giữ mà cũng phạm một tội tương tự.

Sau khi những tù binh bị tòa án xử phạt hoặc bị thi hành kỷ luật đã chịu án xong thì không được phân biệt đối xử với họ so với những tù binh khác.



II- Chế tài kỷ luật

Điều 89. Những điều khoản chung

I. Các chế tài kỷ luật.

Dưới đây là những chế tài kỷ luật áp dụng đối với tù binh:

1. Phạt tiền không quá 50% tiền lương cho vay trước hay phụ cấp làm việc của tù binh quy định ở Điều 60, 62, và trong một thời gian không quá 30 ngày.

2. Bãi bỏ những ưu đãi được hưởng, ngoài chế độ đối xử quy định trong Công ước này.

3. Lao động bắt buộc không quá 2 giờ một ngày.

4. Phạt giam.

Tuy nhiên chế tài quy định tại điểm (3) sẽ không được áp dụng đối với các tù binh sĩ quan.

Trong bất cứ trường hợp nào, những chế tài kỷ luật cũng không được vô nhân đạo, tàn bạo hay nguy hại đến sức khỏe của tù binh.



Điều 90.

II. Thời hạn trừng phạt.

Thời gian của mỗi lần trừng phạt không bao giờ được quá 30 ngày. Trong trường hợp vi phạm kỷ luật, thời gian bị tạm giam trước phiên tòa hay trước ngày xét xử phải được trừ vào án phạt.

Không được vượt quá thời gian phạt tối đa 30 ngày như đã nói ở trên dù cho tù binh bị tuyên phạt vì nhiều hành vi vi phạm cùng lúc và dù cho các hành vi đó có liên quan với nhau hay không.

Từ lúc quyết định kỷ luật cho đến khi thi hành kỷ luật không được kéo dài quá một tháng.

Trong trường hợp một tù binh lại bị phạt một hình phạt mới, mỗi khi thời hạn của một trong hai hình phạt mới, cũ là 10 ngày hay hơn, thì việc thi hành hai hình phạt ấy phải cách nhau ít nhất 3 ngày.

Điều 91. Trốn tù

I. Trốn thoát.

Một tù binh sẽ được coi là trốn thoát:



  1. Khi người này đã gặp được lực lượng vũ trang của Nước mà họ thuộc quyền hay của một Nước đồng minh.

  2. Khi người này đã rời khỏi lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Nước giam giữ hay một Nước đồng minh của Nước này.

  3. Khi người này đã lên được một tàu thủy có treo cờ của Nước mà họ thuộc quyền, hay của một Nước đồng minh, ở trong hải phận của Nước giam giữ, miễn là chiếc tàu này không thuộc quyền kiểm soát của Nước giam giữ đó.

Tù binh nào đã trốn thoát theo định nghĩa của Điều này thì khi bị bắt lại sẽ không bị trừng phạt vì tội trốn chạy lần trước.

Điều 92.

II. Không trốn thoát.

Tù binh nào đã tìm cách trốn mà bị bắt lại, trước khi có thể thoát theo quy định tại Điều 91, sẽ chỉ có thể bị phạt một hình phạt kỷ luật thôi, dù là trường hợp tái phạm.

Phải giao ngay tù binh bị bắt lại cho các nhà chức trách quân sự có thẩm quyền.

Trái với khoản 4, Điều 88, những tù binh bị phạt sau khi trốn không thoát sẽ có thể phải chịu một chế độ giám sát đặc biệt, miễn là chế độ giám sát này không được ảnh hưởng đến sức khỏe của tù binh, chế độ giám sát đó phải được thi hành ở một trại tù binh và không được hủy bỏ bất cứ đảm bảo nào mà Công ước này đã dành cho họ.



Điều 93.

III. Các vi phạm có liên quan với nhau.

Hành động trốn hoặc mưu toan trốn, dù là tái phạm cũng không bị coi là một tình tiết tăng tội trong trường hợp tù binh bị đưa ra tòa án vì một hành vi vi phạm nào đó trong khi trốn hoặc mưu toan trốn.

Theo những quy định ở Điều 83, những vi phạm mà tù binh đã phạm phải mà chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc đi trốn nhưng không dùng bạo lực đối với người khác, thì dù họ có những vi phạm như xâm phạm đến tài sản công cộng, ăn cắp không phải để làm giàu, làm và sử dụng giấy tờ giả mạo, mặc quần áo thường dân, cũng chỉ khiến họ bị thi hành kỷ luật mà thôi.

Những tù binh nào đã xúi giục hoặc giúp sức vào một việc trốn chạy hoặc mưu toan trốn chạy cũng chỉ có thể bị áp dụng hình phạt kỷ luật mà thôi.



Điều 94.

IV. Thông báo về việc bắt lại.

Trường hợp tù binh trốn chạy bị bắt lại thì phải báo lại cho Nước mà họ thuộc quyền biết, theo thể thức được quy định ở Điều 122, nếu trước đó đã có báo là người này trốn.



Điều 95. Thủ tục

I. Tạm giam chờ xử lý.

Tù binh bị buộc tội vi phạm kỷ luật sẽ không bị tạm giam trong khi chờ quyết định xử lý, trừ phi một thành viên của các lực lượng vũ trang Nước giam giữ cũng sẽ bị tạm giam như thế, khi phạm một lỗi tương tự hoặc trừ phi do yêu cầu bức thiết của trại về mặt trật tự và kỷ luật.

Đối với tất cả các tù binh, thời hạn bị tạm giam chờ xử lý trong trường hợp vi phạm kỷ luật phải rút ngắn đến mức tối thiểu và không được vượt quá 14 ngày. Những quy định tại các Điều 97 và Điều 98 của chương này phải áp dụng cho các tù binh bị tạm giam chờ xử lý vì các hành vi vi phạm kỷ luật.

Điều 96.

II. Cơ quan có thẩm quyền và quyền bào chữa.

Phải mở một cuộc điều tra ngay đối với những hành vi bị coi là vi phạm kỷ luật

Chỉ có sĩ quan có đầy đủ quyền thi hành kỷ luật với danh nghĩa chỉ huy trại, hay một sĩ quan hữu trách thay thế cho ông ta hay đã được ông ta ủy quyền, mới được tuyên bố hình phạt kỷ luật, không kể thẩm quyền của các tòa án và các nhà chức trách quân sự cấp trên.

Trong bất cứ trường hợp nào, quyền tuyên bố những hình phạt kỷ luật cũng không được ủy quyền cho một tù binh hoặc do một tù binh thực hiện.

Trước khi tuyên bố một hình phạt kỷ luật phải cho tù binh bị cáo buộc biết chính xác cáo trạng về các vi phạm. Họ được có cơ hội để giải thích hành động của họ và tự bào chữa. Họ phải được phép viện dẫn nhân chứng và nếu cần thì được sử dụng một phiên dịch có đầy đủ trình độ nghiệp vụ. Quyết định kỷ luật phải được thông báo tới tù binh bị cáo buộc và đại diện của tù binh.

Người chỉ huy trại phải giữ một quyển sổ ghi những hình phạt kỷ luật đã được tuyên bố; quyển sổ này phải được xuất trình cho các đại diện của Nước bảo hộ.



Điều 97. Thi hành hình phạt

I. Nhà giam giữ.

Bất cứ trường hợp nào cũng không được đưa tù binh đến giam ở một nhà lao (nhà tù, nhà lao, nhà tù khổ sai... ) để chịu án kỷ luật ở đó.

Những phòng giam nơi chịu hình phạt kỷ luật phải được giữ vệ sinh như đã quy định tại Điều 25. Tù binh bị án phạt phải được có những điều kiện để giữ vệ sinh, theo những điều khoản của Điều 29.

Các sĩ quan và những người cấp tương đương không bị giam cùng một nơi với hạ sĩ quan và quân nhân.

Nữ tù binh chịu hình phạt kỷ luật phải giam tại những nơi khác chỗ giam tù binh nam giới, dưới quyền giám thị trực tiếp của phụ nữ.

Điều 98.

II. Các đảm bảo thiết yếu.

Tù binh bị giam giữ vì hình phạt kỷ luật vẫn tiếp tục được hưởng những Điều khoản của Công ước này, trừ trường hợp những điều kiện giam giữ họ không cho phép thực hiện các điều khoản kể trên. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào cũng không được tước những quyền lợi họ được hưởng theo Điều 78 và 126. Tù binh bị phạt vì vi phạm kỷ luật sẽ không bị truất những đặc quyền gắn với cấp bậc của họ.

Tù binh bị phạt vì vi phạm kỷ luật được phép tập thể dục hàng ngày và ở ngoài trời mỗi ngày ít nhất 2 giờ.

Nếu tù binh yêu cầu, họ phải được phép đi khám bệnh hàng ngày. Họ phải được điều trị theo yêu cầu của tình trạng sức khỏe, và nếu cần, phải được đưa đi nằm ở bệnh xá của trại hay ở bệnh viện.

Họ được phép đọc và viết, gửi thư và nhận thư, nhưng những gói đồ và món tiền gửi cho họ thì có thể bị giữ lại và cho đến khi hết hạn phạt mới giao cho họ. Trong khi chờ đợi, các thứ này phải được giao cho đại diện của tù binh giữ và người này phải giao cho bệnh xá những thực phẩm dễ hư nằm trong các gói hàng đó.

III- Thủ tục truy tố

Điều 99. Những quy định chung

I. Nguyên tắc chung.

Không một tù binh nào có thể bị truy tố hay bị kết án vì một hành vi không bị trừng phạt rõ ràng bởi pháp luật của Quyền lực giam giữ hoặc bởi luật pháp quốc tế có hiệu lực ở thời điểm thực hiện hành vi đó.

Không được dùng một áp lực tinh thần hay vật chất nào để ép buộc tù binh phải tự nhận có phạm những hành vi mà họ bị cáo buộc.

Không được kết án bất kỳ tù binh nào mà không cho người đó cơ hội tự bào chữa và được giúp đỡ bởi một người bào chữa có khả năng.



Điều 100. Tội tử hình

Các tù binh và các Nước bảo hộ phải được báo cho biết, càng sớm càng tốt, những tội trạng có thể bị hình phạt tử hình, chiếu theo pháp luật của Nước giam giữ.

Sau đó, không một tội trạng nào có thể bị kết án tử hình nếu không có sự đồng ý của Nước mà tù binh thuộc quyền.

Chỉ được tuyên án tử hình một tù binh sau khi tòa án đã tuân thủ các quy định trong đoạn hai của Điều 87, đặc biệt chú ý đến sự việc là tù binh vì không phải là công dân của Nước giam giữ nên không có nghĩa vụ phải trung thành với Nước này và họ phải ở dưới quyền Nước này là do những hoàn cảnh ngoài ý muốn của họ.



Điều 101. Trì hoãn thi hành án tử hình

Khi một tù binh bị tuyên án tử hình, không được thi hành bản án trước một thời hạn ít nhất là 6 tháng kể từ ngày Nước bảo hộ đã nhận được tại một địa chỉ đã định sẵn một bản thông báo quy định tại Điều 107 cho biết chi tiết về việc đó.



Điều 102. Thủ tục

I. Những điều kiện để lời tuyên án có giá trị.

Một án phạt chỉ có thể có giá trị khi bản án đó được tuyên bố bởi cùng những tòa án và theo cùng một thủ tục như đối với những người thuộc các lực lượng vũ trang của Nước giam giữ, và ngoài ra, khi những Điều khoản của chương này đã được tôn trọng.



Điều 103.

II. Tạm giam chờ xét xử tại toà.

Mọi cuộc điều tra tư pháp liên quan đến tù binh phải được tiến hành hết sức nhanh chóng, theo như hoàn cảnh cho phép và làm thế nào để cho họ được xét xử càng sớm càng tốt. Tù binh chờ ngày xét xử sẽ không bị tạm giam, trừ phi thành viên của các lực lượng vũ trang của Nước giam giữ cũng sẽ phải tạm giam như thế nếu bị truy tố vì một tội trạng tương tự, hoặc trừ phi lợi ích của nền an ninh quốc gia đòi hỏi việc ấy. Trong bất cứ trường hợp nào, thời gian tạm giam cũng không được quá 3 tháng.

Thời gian tù binh bị tạm giam phải được trừ vào án phạt giam mà họ sẽ bị phạt và được xem xét khi ấn định bất kỳ hình phạt nào.

Trong thời gian bị tạm giam, các tù binh tiếp tục được hưởng những quy định tại các Điều 97 và 98 của chương này.



Điều 104.

III. Thông báo về vụ việc hình sự.

Trong tất cả các trường hợp mà Nước giam giữ quyết định truy tố một tù binh trước pháp luật, Nước này phải tống đạt cho Nước bảo hộ biết, càng sớm càng tốt, và ít nhất là ba tuần trước ngày mở phiên toà. Thời hạn 3 tuần lễ bắt đầu kể từ lúc giấy tống đạt đã tới Nước bảo hộ tại địa chỉ mà Nước bảo hộ đã thông báo trước với Nước giam giữ.

Giấy tống đạt này phải gồm có những thông tin sau đây:

1. Tên họ, cấp bậc, số hiệu, ngày sinh và nghề nghiệp (nếu có) của tù binh.

2. Nơi quản thúc hoặc giam giữ,

3. Chi tiết về các cáo buộc cùng ghi chú về những điều khoản pháp luật có thể được áp dụng.

4. Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ này cũng như ngày tháng và nơi dự định mở phiên toà.

Nước giam giữ cũng phải thông báo cho đại diện của tù binh biết những điểm kể trên.

Nếu khi phiên tòa mở ra mà không có đủ bằng chứng là Nước bảo hộ, tù binh bị cáo và đại diện tù binh hữu quan đã nhận được bản thông báo nói trên, trước đó ít nhất là ba tuần lễ thì phiên tòa đó không thể tiến hành được và sẽ phải hoãn lại.

Điều 105.

IV. Quyền và phương tiện bào chữa.

Tù binh bị can có quyền được một bạn tù giúp đỡ, được có một luật sư bào chữa có khả năng do anh ta lựa chọn, được mời nhân chứng và nếu anh ta thấy cần, được giúp đỡ bởi một phiên dịch có năng lực. Trước ngày xét xử, anh ta phải được Nước giam giữ kịp thời báo cho biết là anh ta được sử dụng những quyền này. Trong trường hợp tù binh không chọn được cho mình một luật sư hoặc người trợ giúp pháp lý thì trong vòng ít nhất là một tuần lễ, Nước bảo hộ phải tìm cho họ một người. Nước giam giữ phải trao cho Nước bảo hộ theo yêu cầu của Nước này một bản danh sách những người có đủ tư cách bào chữa cho bị can. Nếu cả người tù binh bị can và Nước bảo hộ không chọn được một người nào thì Nước giam giữ phải chỉ định một luật sư có khả năng bào chữa cho tù binh này. Người bào chữa phải được có một thời gian ít nhất là hai tuần lễ trước phiên tòa và được tạo những điều kiện cần thiết để chuẩn bị cho việc bào chữa cho bị can, nhất là ông ta được tự do đến thăm bị can và nói chuyện riêng với anh ta. ông ta còn được nói chuyện với tất cả các nhân chứng bên bào chữa, kể cả các nhân chứng là tù binh. Ông ta được hưởng những điều kiện này cho đến khi hết thời hạn chống án.

Tù binh bị can phải được nhận từ khá sớm trước khi phiên tòa bắt đầu bản cáo trạng và những tài liệu thông thường phải chuyển cho một bị can theo pháp luật hiện hành trong quân đội Nước giam giữ. Những tài liệu này phải được viết bằng một thứ tiếng mà tù binh bị can hiểu được. Những tài liệu đó cũng phải gửi đến cho cả người bào chữa của bị can trong những điều kiện như trên.

Các đại diện của Nước bảo hộ có quyền tham dự các phiên tòa xét xử tù binh, trừ trường hợp phải xử kín vì lợi ích an ninh quốc gia. Gặp trường hợp này, Nước giam giữ phải báo cho Nước bảo hộ biết trước.



Điều 106.

V. Kháng án.

Mọi tù binh được quyền kháng án lên cấp thượng thẩm, phá án hoặc phúc thẩm với những điều kiện tương tự như các thành viên của lực lượng vũ trang của Nước giam giữ đối với bản án đã tuyên. Họ phải được báo cho biết một cách đầy đủ quyền được kháng án và thời hạn sử dụng quyền này.



Điều 107.

Thông báo kết quả điều tra và bản án đã tuyên.

Bất kỳ phán quyết hoặc bản án nào đã tuyên với một tù binh phải được báo ngay cho Nước bảo hộ biết, dưới hình thức một thông báo tóm tắt, trong đó chỉ rõ là liệu tù binh có được quyền kháng cáo lên cấp thượng thẩm, phá án hoặc phúc thẩm. Bản thông báo này cũng phải chuyển tới đại diện của tù binh hữu quan. Thông báo ấy cũng phải chuyển tới tù binh bị cáo, bằng thứ tiếng mà anh ta hiểu được, nếu tòa án xử vắng mặt anh ta. Ngoài ra, Nước giam giữ thông báo ngay cho Nước bảo hộ biết bị cáo tù binh có sử dụng hay không quyền chống án của họ.

Hơn nữa, khi tù binh bị cáo đã bị tuyên có tội hoặc trường hợp hình phạt đã tuyên trong phiên tòa sơ thẩm là tử hình, thì Nước giam giữ phải gửi ngay cho Nước bảo hộ một bản thông cáo chi tiết bao gồm:

1. Văn bản chính xác của bản án.

2. Một báo cáo tóm tắt quá trình điều tra và các phiên toà, đặc biệt nhấn mạnh đến các yếu tố buộc tội và bào chữa.

3. Nếu có án, thì nói rõ cơ sở nơi tội nhân phải chịu án.

Những thông báo nói ở các đoạn trên phải được gửi đến cho Nước bảo hộ tại địa chỉ mà Nước bảo hộ đã báo trước cho Nước giam giữ.

Điều 108. Thi hành hình phạt. Những nguyên tắc phạt

Chiểu theo những bản án đã có hiệu lực một cách hợp thức, tù binh sẽ chịu án trong cùng những nơi và trong cùng những điều kiện mà các thành viên trong lực lượng vũ trang của Nước giam giữ phải chịu án. Trong mọi trường hợp, những điều kiện này phải hợp vệ sinh và nhân đạo.

Một nữ tù binh bị kết án như vậy sẽ bị giam riêng và đặt dưới quyền giám thị của phụ nữ.

Trong bất cứ trường hợp nào, tù binh đã bị phạt giam cũng vẫn được hưởng những quy định của Điều 78 và 126 của Công ước này. Ngoài ra, họ còn được quyền nhận và gửi thư, mỗi tháng được nhận ít nhất là một gói đồ cứu trợ, được tập thể dục đều đặn ngoài trời, được sự săn sóc về y tế tùy theo sự đòi hỏi của tình trạng sức khỏe của họ và được sự giúp đỡ về tinh thần mà họ có thể mong muốn. Những hình thức trừng phạt đối với họ phải theo đúng những điều khoản quy định ở đoạn ba Điều 87.




tải về 2.09 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương