CỤc phòng chống hiv/aids


Tình hình HIV/AIDS tại Việt Nam



tải về 0.85 Mb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu28.05.2018
Kích0.85 Mb.
#39097
1   2   3   4   5   6   7   8

1.2. Tình hình HIV/AIDS tại Việt Nam

Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện vào tháng 12 năm 1990. Đến năm 1998, HIV/AIDS đã lan tràn trên toàn quốc, đến nay HIV/AIDS đã có mặt ở 63/63 tỉnh, thành phố 98% số huyện, 78% số xã của Việt Nam [3].

Đến ngày 30/6/2012, số trường hợp nhiễm HIV còn sống là 204.019 trường hợp; số bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 58.569 người; có 61.856 trường hợp tử vong do AIDS. Trong đó 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ người nhiễm HIV hiện còn sống cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh có 49.429 người, Hà Nội có 19.701 người, Hải Phòng 6.890 người, Sơn La 6.294 người, Nghệ An 5.182 người, Đồng Nai 5.139 người, Điện Biên 5.024 người, Thanh Hoá 4.908 người và An Giang là 4.761 người.

Trong 6 tháng đầu năm 2012 ở Việt Nam, số trường hợp phát hiện nhiễm HIV mới là 5.927 trường hợp. Số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.118 bệnh nhân và số bệnh nhân tử vong do AIDS là 633 người.

So sánh trường hợp được xét nghiệm phát hiện và báo cáo nhiễm HIV 6 tháng đầu năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011, số trường hợp nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS tiếp tục giảm, HIV giảm 2.872 trường hợp, số bệnh nhân AIDS giảm 1.589 trường hợp, số người tử vong AIDS giảm 596 trường hợp.

Phân bố người nhiễm HIV theo giới tính: Người nhiễm HIV tập trung nhiều nhất vẫn là ở nam giới chiếm 68,6% và nữ giới là 31,4%

Phân bố người nhiễm theo độ tuổi: Phần lớn trường hợp nhiễm HIV ở Việt Nam nằm trong độ tuổi trẻ từ 20 - 39 tuổi chiếm 81,8%, trong đó số người nhiễm HIV từ 20 - 39 tuổi chiếm 38,5%; từ 30 -39 tuổi chiếm 43,3%. Tỷ lệ nhiễm ở độ tuổi từ 40 - 49 tuổi chiếm11,1% và trên 50 tuổi chiếm 3,0%. Nhiễm HIV ở lứa tuổi vị thành niên từ 14 - 19 tuổi chiếm 3,9%, các trường hợp nhiễm ở trẻ dưới 13 tháng tuổi chiếm 2,5%.

Phân bố người nhiễm HIV/AIDS theo đường lây truyền: trong số người nhiễm HIV được báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2012 cho thấy: lây truyền qua đường tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 45,5%), tỷ lệ tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2011, tiếp đến là tỷ lệ người nhiễm HIV lây truyền qua đường máu chiếm 41,6% giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2011, tỷ lệ người nhiễm HIV lây truyền từ mẹ sang con chiếm 2,4% có 10,6% tỷ lệ người nhiễm HIV không rõ đường lây truyền.

Phân tích người nhiễm HIV theo nhóm đối tượng: Người nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu là người nghiện chích ma tuý chiếm 37,3% giảm xuống 3,3% so với cùng kỳ với năm 2011. Tình dục khác giới chiếm 24,4% tăng 1,9% so với cả năm 2011; bệnh nhân Lao là 4,3%; bệnh nhân nghi AIDS là 0,9%; gái mại dâm là 0,6% và bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục là 0,3%.

Dịch HIV/AIDS 6 tháng đầu năm 2012 ghi nhận số trường hợp báo cáo mới phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2011. Hình thái dịch HIV lây truyền qua đường tình dục lần đầu tiên ghi nhận cao hơn lây truyền qua đường máu. Bên cạnh đó tỷ lệ người nhiễm HIV mới phát hiện trong nhóm tuổi 30 - 39 ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Cảnh báo nguy cơ làm lây truyền HIV do lây truyền qua đường tình dục sẽ là nguyên nhân chính làm lây truyền HIV ở Việt Nam trong những năm tiếp theo và khả năng khống chế lây nhiễm HIV qua đường tình dục sẽ khó khăn hơn nhiều lần so với khống chế lây truyền qua đường tiêm chích qua nhóm nghiện trích ma tuý.

Dịch HIV/AIDS ở mức cao khó kiểm soát ở phần lớn các tỉnh miền núi phía Bấc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh diễn biến dịch phức tạp khó kiểm soát [3].

2. Các phương thức lây truyền HIV: Có 3 phương thức lây truyền HIV.

2.1. Lây truyền theo đường tình dục

Đây là phương thức quan trọng và phổ biến. Tần xuất lây nhiễm HIV qua một lần giao hợp với một người nhiễm HIV là 0,1% - 1%. Trong khi giao hợp sẽ tạo ra rất nhiều vết xước nhỏ, HIV có nhiều trong tinh dịch và dịch âm đạo sẽ thông qua các vết xước này xâm nhập vào cơ thể. Những người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục có viêm loét như giang mai, lậu, hạ cam...có nguy cơ cao gấp hàng chục lần so với người khác. Nguy cơ lây nhiễm HIV có mối quan hệ chặt chẽ với bệnh lây truyền qua đường tình dục, những bệnh lây truyền qua đường tình dục làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.



2.2. Lây truyền qua đường máu

HIV lây truyền qua đường máu do truyền máu không sàng lọc HIV, sử dụng dụng cụ xuyên chích qua da không được khử khuẩn như dùng chung bơm kim tiêm, kim săm và các vật sắc nhọn khác; người tiêm chích ma túy sử dụng chung bơm kim tiêm không được tiệt trùng cẩn thận; lây truyền HIV qua việc cấy ghép các phủ tạng đã bị nhiễm HIV, nhận tinh dịch bị nhiễm HIV. Lây truyền HIV còn có thể xảy ra trong các cơ sở y tế (do tiệt trùng dụng cụ không đảm bảo, tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch sinh học của người nhiễm HIV, hoặc bị kim tiêm đâm qua da, dao kéo cứa phải tay...) do tai nạn rủi ro nghề nghiệp...vv



2.3. HIV lây truyền từ mẹ sang con

HIV lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai, trong quá trình sinh con và cho con bú, khả năng người phụ nữ bị nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con là 20% - 30 %.

Sự kém hiểu biết về HIV/AIDS, tác hại của ma túy, an toàn tình dục; yếu tố về kinh tế như nghèo đói, không đủ nguồn lực để đương đầu với AIDS, mặt tiêu cực của kinh tế thị trường; yếu tố về chính trị như thái độ của xã hội, luật pháp với các nhóm nguy cơ cao (NCMT, bán dâm...); thái độ đối với giáo dục tình dục, với tình trạng của người phụ nữ trong xã hội, sự chấp nhận của xã hội với phương pháp xét nghiệm HIV dấu tên và việc cho phép cung cấp BCS, BKT, điều trị nghiện ma túy bằng các ma túy thay thế là những yếu tố liên quan đến lây nhiễm HIV. Trong trại giam, tuy được quản lý chặt chẽ nhưng việc sử dụng ma túy và tình dục không an toàn vẫn có thể xảy ra. [5]

3. Ảnh hưởng của HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội

Kế từ khi phát hiện ra ca mắc HIV đầu tiên trên thế giới năm 1981, HIV đã nhanh chóng lan ra toàn cầu. Đến nay HIV/AIDS đã trở thành đại dịch.

Đại dịch HIV/AIDs tác động mạnh đen chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới, nó có thể làm tiêu tan những thành quả công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Dịch HIV/AIDS đã và đang là thách thức lớn cho việc thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ đầu tiên về xóa đói giảm nghèo của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hầu hết Chính phủ các nước đều ý thức được đầy đủ về tác hại của đại dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã có phiên họp đặc biệt, đề ra Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS trên phạm vi toàn cầu, kêu gọi Chính phủ các quốc gia cùng nhau cam kết và hợp tác để chống lại đại dich HIV/AIDS.

Đại dịch HIV làm giảm tốc dộ tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân (GDP), điển hình là các nước nghèo ở Châu Phi; như GDP/đầu người năm 1999 của Zambia giảm 20% so với năm 1980 (370 USD so với 505 USD). Đại dịch HIV/AIDS làm giảm thu nhập của người dân dẫn tới bần cùng hóa một số bộ phận dân cư, làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội; tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cho các vấn đề xã hội. Đại dịch HVI/AIDs có thể làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, gia tăng các loại tội phạm hình sự như: cướp bóc, tội phạm và các loại tội phạm hình sự khác; gây rối loạn trật tự trị an xã hội.

Đại dịch HIV/AIDS phát triển gắn liền với các tệ nạn xã hội như: Ma túy, mại dâm thông qua tiêm chích ma túy và các hoạt động tình dục không an toàn; đó là những tệ nạn xã hội có từ lâu và đang làm nhức nhối xã hội, cùng với các tệ nạn đó Hiv/AIDs đang làm băng hoại đạo đức xã hội, làm suy mòn các giá trị truyền thống của mỗi dân tộc, làm suy mòn các giá trị văn hóa, văn minh tinh thần và các giá trị nhân đạo của cộng đồng và gia đình. HIV/AIDS còn gây nên tâm lý hoang mang, lo sợ, nghi kỵ trong cộng đồng. Đại dịch HIV/AIDS có thể tác động đến chính trị, làm thay đổi các kế hoạch phát triển của quốc gia; thông qua việc phải đầu tư cho các vấn đề xã hội làm thay đổi các chính sách xã hội, tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước thông qua việc đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội……

Đại dịch HIV/AIDS đã và đang làm gia tăng số trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, làm gia tăng số trẻ em thất học, lang thang…. Nhà nước phải tăng đầu tư cho các lĩnh vự phòng bệnh và chăm sóc điều trị bệnh nhân, xây dựng mới các cơ sở bảo trọ xã hôi để tiếp đón trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ em mồ côi do hậu quả của đại dịch HIV/AIDS sản sinh ra. Gia đình có người nhiễm HIV/AIDS cũng phải tăng các chi phí cho việc khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh từ đó càng làm cho kinh tế gia đình càng thêm khó khăn.

Đại dịch HIV/AIDS còn kéo theo sự phát triển của một số bệnh dịch khác như tạo điều kiện để bệnh Lao phát triển, làm tăng nguy cơ vi khuẩn Lao kháng thuocs, làm gia tăng các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Đại dịch HIV/AIDS làm giảm dân số, suy thoái nòi giống. Hầu hết bệnh nhân mắc HIV đều ở lứa tuổi trẻ, đây là độ tuổi lao động, đóng góp chủ yếu cho sản xuất xã hội do đó làm giảm thu nhập quốc dân, ở một số quốc gia đại dịch HIV/AIDS làm suy giàm giống nòi như ở một số nước Châu Phi (Botswana, Swaziland, Nam Phi, Zambia, Zimbawe) tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt từ 50 đến 65 vào năm 1980 – 1985, nhưng do HIV/AIDS tuổi thọ trung bình của các nước này chỉ còn khoảng 30 – 40 tuổi vào năm 2010. Tại Zimbabwe tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong dân cư là 25% đến năm 2000 đã mất đi 5-10% lực lượng lao động xã hội.



4. Nghiện chích ma túy và lây nhiễm HIV

4.1. Khái niệm ma tuý

Ngày nay nghiện ma tuý đã trở thành hiểm hoạ toàn cầu. Cuộc đấu tranh phòng chống và kiểm soát ma tuý để bảo vệ sự hưng thịnh của chế độ xã hội, sự phát triển sức khỏe, trí tuệ, tinh thần và văn hoá của các thế hệ tương lai đang là vấn đề bức xúc của nhiều nước trên thế giới.

Ma tuý là chất gây nghiện, gây trạng thái say, hư ảo, mê mẩn, lâng lâng ma quái. Theo chuyên gia nghiên cứu ma tuý của Liên hiệp quốc thì: " Ma tuý là các chất hoá học có nguồn gốc tự nhiên và nhân tạo, khi xâm nhập cơ thể người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức và trí tuệ, buộc con người lệ thuộc vào chúng, gây tổn thương cho cá nhân và cộng đồng" [4].

4.2. Khái niệm nghiện ma tuý

Hiện nay vẫn chưa có một khái niệm nghiện ma tuý đầy đủ, thống nhất.

- Về mặt hành vi: nghiện ma tuý nghĩa là ham thích sử dụng một hoặc nhiều chất đến mức thành thói quen, tệ nạn không bỏ được [4].

- Về mặt sinh học: nghiện ma tuý là một trạng thái nhiễm độc hệ thần kinh và toàn bộ cơ thể có tính chu kỳ, mạn tính dễ tái phát do sử dụng lặp lại nhiều lần một chất ma tuý tự nhiên hay tổng hợp (thực chất là tình trạng lệ thuộc thuốc).

- Về mặt xã hội: nghiện ma tuý là một bệnh [4].

Nghiện ma tuý là một trạng thái lệ thuộc của cơ thể người vào một (hay nhiều) loại ma tuý, khi sử dụng lâu dài thành thói quen, gây nên trạng thái "đói" ma tuý thường diễn ra theo từng thời kỳ và những rối loạn cả về thể chất và tinh thần, gây hại cho cá nhân người nghiện và xã hội [4].



4.3. Tình hình ma tuý thế giới và ở Việt Nam

Năm 2008, tình hình tệ nạn ma tuý trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo thống kê của UNODC hiện nay có khoảng gần 180 triệu người sử dụng cần sa ( chiếm khoảng 4% dân số thế giới từ 15 - 64 tuổi) [6].

- Sản xuất ma tuý trên thế giới: Năm 2007, tổng diện tích trồng cây thuốc phiện tăng lên đạt 235.700 hecta, tăng 17% so với năm 2006. Riêng Afghanistan đã chiếm tới 82% tổng diện tích trồng cây thuốc phiện trên toàn thế giới. Sản lượng thuốc phiện đã tăng gấp đôi từ năm 2005 đến năm 2007, đạt kỷ lục 8.870 tấn năm 2007.

Năm 2007, sản lượng cây cần sa thế giới là 41.400 tấn. Sản lượng ma tuý tổng hợp (ATS) năm 2007 là 494 tấn. Sản lượng Ectasy giảm (113 tấn năm 2005 so với 267 tấn năm 2006), lượng Methamphetamine cũng giảm (278 tấn năm 2005 so với 267 tấn năm 2006). Sản lượng Amphetamine trên thế giới là 126 tấn năm 2006. Trên thế giới tỷ lệ người sử dụng Amphetamine khoảng 0,6% và của Ectasy là 0,2% [6].

- Xu hướng về buôn bán ma tuý: Năm 2005, số lượng cây cần sa thu giữ tăng tới 12% so với năm 2004 đạt 5.200 tấn. Năm 2006 lượng thu giữ thuốc phiện và Morphine tăng lần lượt 10% và 31% do sản lượng tăng ở Afghanistan. Số lượng Amphetamine, Methamphetamin và Ectasy thu giữ giảm từ 8% đến 15% từ năm 2005 đến 2006.

- Sử dụng ma tuý trên Thế giới: Trong 4 năm liền, tỷ lệ người sử dụng ma tuý trong độ tuổi 15 - 64 trên thế giới trong khoảng từ 4,7 đến 5,0% dân số thế giới. Tỷ lệ toàn cầu trong thời gian 2006 - 2007 so với 2005 - 2006 như sau: Cần sa từ 3,8% lên 3,9%, cocain từ 0,34% lên 0,37%, chất chứa thuốc phiện từ 0,37% lên 0,39%, heroin từ 0,27% lên 0,28% và Amphetamine giảm 0,6% xuống 0,58%. Theo ước tính của UNODC, sản lượng các chất kích thích dạng Amphetamin (ATS) trên thế giới năm 2006 vào khoảng 494 tấn. Theo thống kê, Methamphetamine chiếm tới 68% nhóm Amphetamine năm 2006. Số lượng các cơ sở điều chế ATS phát hiện được trên thế giới là 18.639 cơ sở năm 2004 và sau đó giảm xuống còn 8.245 phòng điều chế năm 2006. Năm 2006, bắt giữ ATS lại tăng, đạt tới 47,6 tấn. Năm 2006 có 24,7 triệu người trên thế giới (chiếm 0,6% dân số độ tuổi 15-64) sử dụng Amphetamine. Theo UNODC, trên thế giới có khoảng 9 triệu người (0,2%) dùng Ectasy [6]. India là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất Ephedrine và Pseudoephedrine.

Thuốc giảm đau, lượng thu giữ Methaqualone toàn cầu là 5,3 tấn năm 2006. Năm 2007, Trung Quốc thu giữ một lượng lớn Benzodiazepines, 402kg, hơn 400.000 viên. Tuy nhiên, trong năm 2007 số lượng thu giữ Benzodiazenpines giảm còn 11.000 viên. Năm 2006, Australia và New Zealand thu giữ một lượng lớn Hydroxybutanoic acid (GHB), chiếm 90% lượng thu giữ toàn cầu và tất cả lượng GHB thu giữ được ở khu vực Châu á Thái Bình Dương. Số lượng này là 202 lít ở New Zealand và 141 lít ở Autralia [6].

- Tình hình tệ nạn ma tuý ở Việt Nam:

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đến cuối tháng 6/2011 cả nước có 149.900 người nghiện ma tuý, người nghiện ma tuý có ở 63/63 tỉnh, thành phố, khoảng 90% quận, huyện, thị xã và gần 60% xã, phường, thị trấn trên cả nước [1].

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, tính tới cuối tháng 6/2011 cả nước có 149.900 người nghiện ma tuý. So với cuối năm 1994, số người nghiện ma tuý đã tăng khoảng 2,7 lần với mức tăng 6.000 người nghiện mỗi năm. Người nghiện ma tuý đã có 63/63 tỉnh, thành phố, khoảng 90% quận, huyện, thị xã và gần 60% xã, phường, thị trấn trên cả nước [1].

Cơ cấu nghiện ma tuý theo vùng miền cũng đã có những thay đổi đáng kể. Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nghiện ma tuý chủ yếu phổ biến ở người dân tại các tỉnh miền núi phía Bắc thì từ giữa những năm 2000 đã tăng mạnh xuống vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Đông Nam bộ. Năm 1994 có tới hơn 61% người nghiện ma tuý ở Việt Nam thuộc khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc thì tới năm 2009 tỷ lệ này là gần 30%. Ngược lại, tỷ lệ người nghiện ma túy thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng trong tổng số người nghiện ma túy của cả nước đã tăng từ 18,2% lên 31% trong cùng kỳ. Tương tự, tỷ lệ người nghiện ma túy thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ đã tăng từ 10,2 lên 23%.

Độ tuổi của người nghiện ma túy cũng có xu hướng trẻ hóa. Cuối năm 2010, gần 70% người nghiện ma túy ở độ tuổi dưới 30 trong khi năm 1995 tỷ lệ này chỉ khoảng 42%. Hơn 95% người nghiện ma túy ở Việt Nam là nam giới. Tỷ lệ người nghiện là nữ giới cũng đang có xu hướng tăng trong những năm qua.

Theo số liệu khảo sát cuối năm 2009, đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa từ tiểu học tới trung học cơ sở. Có khoảng 2/3 số người nghiện chưa từng được đào tạo nghề một cách chính quy, được cấp bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Đa số người nghiện ma túy không có nghề nghiệp ổn định, chi tiêu chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của gia đình, thu nhập hợp pháp chỉ bằng 1/3 số tiền chi cho ma túy.

Loại ma túy được sử dụng và hình thức sử dụng ma túy cũng có nhiều thay đổi phức tạp. Thay cho vai trò của thuốc phiện trong hơn 10 năm trước đây, heroin hiện là loại ma túy được sử dụng chủ yếu ở Việt Nam, có tới 96,5% người nghiện thường xuyên sử dụng heroin trước khi tham gia cai nghiện. Mặc dù tỷ lệ người nghiện thuốc phiện và các chất kích thích dạng Amphetamine (ATS hay ma túy tổng hợp) tương đương nhau, khoảng 1,2% - 1,4% nhưng theo đánh giá của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc, việc lạm dụng ATS, đặc biệt là Methamphetamine, đang có xu hướng gia tăng trong người nghiện ma túy tại Việt Nam, nhất là khi Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là khu vực chiếm ½ số người lạm dụng loại ma túy tổng hợp khiến cho công tác phòng ngừa và cai nghiện phục hồi cho nhóm người nghiện ma túy gặp rất nhiều khó khăn.

Cách thức sử dụng ma túy cũng có nhiều thay đổi. Nếu như năm 1995 chỉ có chưa đến 8% số người nghiện chích ma túy và hơn 88% chủ yếu hút, hít thì tới cuối năm 2009 số người chích ma túy chiếm hơn ¾ tổng số người nghiện ma túy của cả nước. Hình thức sử dụng ma túy chủ yếu là tiêm chích với việc dùng chung bơm kim tiêm đã dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm HIV cao trong nhóm người nghiện chích ma túy (17,2%). Theo số liệu từ Bộ Y tế, người nghiện chích ma túy cũng là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người nhiễm HIV ở Việt Nam (41,1% tính đến cuối tháng 6/2011)

Khoảng 50% số người nghiện đã gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, ảo giác, căng thẳng thần kinh, trong đó 11,4% thường xuyên hoặc luôn luôn gặp những vấn đề như vậy. Hơn 1/3 số người nghiện ma túy gặp những khó khăn, mâu thuẫn trong quan hệ với người thân trong gia đình.

Ngoài ra, nghiện ma túy là nguồn gốc, nguyên nhân tiềm tàng phát sinh nhiều loại tội phạm xâm phạm trật tự xã hội như giết người, cướp của, trộm cắp, cố ý gây thương tích, bạo lực gia đình...Số liệu khảo sát của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội cho thấy, có gần 38% số học viên được tiếp nhận và hỗ trợ cai nghiện tại các Trung tâm đã có tiền án hoặc tiền sự. Theo số liệu từ Bộ Công an, khoảng 11% trong tổng số 143.196 người nghiện có hồ sơ quản lý của cả nước cuối năm 2010 đang được quản lý tại các Trại giam, cơ sở Giáo dưỡng, Trường giáo dưỡng do Công an quản lý do có các hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Như vậy, có thể thấy tình hình lạm dụng ma túy ở Việt Nam vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma túy mới, hình thức sử dụng ma túy không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo nghề và không có việc làm ổn định, thường gặp các vấn đề về sức khỏe, kinh tế khó khăn, nhiều người không được sự hỗ trợ của người thân, gia đình.



5. Luật phòng, chống HIV/AIDS và các giải pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV

Xác định rõ HIV/AIDS là mối hiểm họa đối dân tộc nên ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS và tiếp đó ngày 29/11/2007, Quốc hội đã ban hành Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (sau đây gọi tắt là Luật phòng, chống HIV/AIDS). Trong các văn bản này, can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV luôn được coi là một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Việt Nam vẫn là một trong số rất ít các nước có quy định chính thức về can thiệp giảm tác hại trong luật. Tuy nhiên, do chưa nhiều kinh nghiệm thực tế và kinh nghiệm pháp luật nên các quy định về can thiệp giảm tác hại trong Luật phòng, chống HIV/AIDS chỉ mang tính nguyên tắc còn các quy định cụ thể để thực hiện giảm tác hại theo luật lại nằm trong các văn bản do Chính phủ và Bộ Y tế ban hành nên giá trị pháp lý chưa cao và chưa khắc phục được hoàn toàn các mâu thuẫn với hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy và mại dâm. Cụ thể như sau:

Khoản 15 Điều 2 của Luật phòng, chống HIV/AIDS quy định "các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm tuyên truyền, vận động, khuyến khích sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và các biện pháp can thiệp giảm tác hại khác nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi an toàn để phòng ngừa lây nhiễm HIV" và khoản 1 Điều 21 quy định "Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai trong các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao thông qua các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội".

Để hướng dẫn các quy định Luật phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2007/NĐ - CP ngày 26/6/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS, trong đó quy định cụ thể về các vấn đề sau:



- Đối tượng áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV gồm người mua dâm, bán dâm; người nghiện chất dạng thuốc phiện; người nhiễm HIV; người có quan hệ tình dục đồng giới; người thuộc nhóm người di biến động và người có quan hệ tình dục với các đối tượng nêu trên; - Thẩm quyền quyết định triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV;

- Quyền và trách nhiệm của nhân viên tiếp cận cộng đồng khi thực hiện các chương trình, dự án can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV;

- Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su;

- Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch;

- Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

- Kiểm tra, giám sát các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV [4].

Bên cạnh đó để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, năm 2008, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy năm 2000, trong đó bổ sung thêm Điều 34a về biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý, cụ thể như sau:



"Điều 34a

1. Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma tuý là biện pháp làm giảm hậu quả tác hại liên quan đến hành vi sử dụng ma túy của người nghiện gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

2. Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy được triển khai trong nhóm người nghiện ma túy thông qua chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

3. Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy và tổ chức thực hiện các biện pháp này.
Mặc dù việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong nhóm đối tượng người mua dâm, bán dâm đang áp dụng các quy định tại Điều 83 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về nguyên tắc áp dụng pháp luật là "trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau" nhưng trên thực tế thì mâu thuẫn pháp lý giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm vẫn còn tồn tại và có ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cũng đã xuất hiện nhiều quan hệ xã hội mới cần có quy định của pháp luật để điều chỉnh cũng như đã có nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn cần được sửa đổi, bổ sung sớm trong thời gian tới để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại trong thực tế.

CHƯƠNG II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU



1. Thiết kế nghiên cứu

Mô tả cắt ngang có kết hợp phân tích định lượng và định tính.



2. Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

2.1.1. Các đối tượng chịu trách nhiệm thi hành Luật phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, bao gồm:

- Lãnh đạo Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh được lựa chọn để tiến hành nghiên cứu;

- Lãnh đạo Trung tâm y tế huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc các tỉnh được lựa chọn để tiến hành nghiên cứu;

- Lãnh đạo phòng can thiệp giảm hại thuộc các tỉnh được lựa chọn để tiến hành nghiên cứu;

- Cán bộ thuộc cơ sở đang triển khai điều trị thay thế thuộc các tỉnh được lựa chọn để tiến hành nghiên cứu;

- Cán bộ làm công tác can thiệp giảm tác hại tuyến tỉnh và tuyến huyện thuộc các tỉnh được lựa chọn để tiến hành nghiên cứu;

- Đại diện cơ quan Công an và Lao động - Thương binh và Xã hội tuyến tỉnh và tuyến huyện thuộc các tỉnh được lựa chọn để tiến hành nghiên cứu.

- Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và vui chơi giải trí thuộc các tỉnh được lựa chọn để tiến hành nghiên cứu.

2.1.2. Các đối tượng thụ hưởng chính sách:

- Người nghiện chích ma túy;

- Gái mại dâm;

- Người có quan hệ tình dục đồng giới nam.

2.2. Tiêu chí lựa chọn đối tượng nghiên cứu

2.2.1. Đối với đối tượng chịu trách nhiệm thi hành Luật phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương: Chọn lãnh đạo hoặc cán bộ phụ trách công tác can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; chủ hoặc người phụ trách cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và vui chơi giải trí.

2.2.2. Đối với đối tượng thụ hưởng chính sách:

- Người bán dâm: Đối tượng lựa chọn là nam giới từ 18 tuổi trở lên có hành vi tiêm chích trong một tháng trước cuộc điều tra.

- Người nghiện chích ma túy: Đối tượng được lựa chọn là nữ từ 18 tuổi trở lên có quan hệ tình dục để kiếm tiền ít nhất là 01 lần trong một tháng trước cuộc điều tra, làm việc trên đường phố hoặc các tụ điểm như massage, karaoke,...

- Người có quan hệ tình dục đồng giới nam: Đối tượng lựa chọn là nam giới từ 15 tuổi trở lên có quan hệ tình dục với nam giới ít nhất 01 lần trong một tháng trước cuộc điều tra. Tuy nhiên, nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam chỉ tiến hành tại Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh.



2.3. Địa điểm nghiên cứu

2.3.1. Lựa chọn 05 tỉnh đại diện cho các vùng miền trong cả nước:

- Khu vực Tây Bắc: Sơn La;

- Khu vực đồng bằng Bắc Bộ: Hải Phòng;

- Khu vực duyên hải miền Trung: Nghệ An;

- Khu vực Đông Nam Bộ: thành phố Hồ Chí Minh;

- Khu vực Tây Nam Bộ: Kiên Giang.

2.3.2. Tại các tỉnh được lựa chọn, nhóm nghiên cứu lựa chọn huyện, quận trung tâm và 02 huyện có số người nhiễm HIV cao nhất, cụ thể như sau:

- Tại Sơn La: Thị xã Sơn La, Quỳnh Nhai, Mương La.

- Tại Hải Phòng: Quận Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền.

- Tại Nghệ An: thành phố Vinh, Diễn Châu, Thị xã Cửa Lò.

- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Quận 1, 3 và Bình Thạnh

- Tại Kiên Giang: Thành phố Rạch Giá, An Biên, Châu Thành.

2.4. Thời gian nghiên cứu

Từ tháng 9/2012 đến tháng 12/2012.



Каталог: bitstream -> VAAC 360
VAAC 360 -> ĐÁnh giá chất lưỢng của máY ĐẾm tế BÀo t cd4 – pima lê Chí Thanh, Vũ Xuân Thịnh, Khưu Văn Nghĩa Trần Tôn, Trương Thị Xuân Liên
VAAC 360 -> Đào Việt Tuấn Trung tâm Phòng, chống hiv/aids hải Phòng
VAAC 360 -> CỤc phòNG, chống hiv/aids
VAAC 360 -> XÂy dựng phưƠng pháp in-house đo tải lưỢng VI rút hiv- 1 BẰng kỹ thuật real time rt-pcr nguyễn Thùy Linh *,, Dunford, Linda*,, Dean, Jonathan*,, Nguyễn Thị Lan Anh *,, Carr, Michael *,, Coughlan, Suzie*,, Connell, Jeff *, Nguyễn Trần Hiển
VAAC 360 -> DỰ BÁo nhu cầu và ngân sách sử DỤng thuốc arv tại việt nam (2011 2015)
VAAC 360 -> Danh sách bài báO ĐĂng trên kỷ YẾu hội nghị khoa học quốc gia lần thứ IV
VAAC 360 -> CỤc phòNG, chống hiv/aids báo cáo kết quả nghiên cứU ĐỀ TÀi cấp cơ SỞ

tải về 0.85 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương