CỤc phòNG, chống hiv/aids báo cáo kết quả nghiên cứU ĐỀ TÀi cấp cơ SỞ


Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone



tải về 1.53 Mb.
trang2/7
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích1.53 Mb.
#36640
1   2   3   4   5   6   7

1.3. Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone:

1.3.1. Lịch sử điều trị Methadone


Methadone là một chất dạng thuốc phiện (CDTP) tổng hợp có tác dụng kéo dài được sản xuất với mục đích ban đầu là làm thuốc giảm đau trong Chiến tranh thế giới thứ II. Methadonecó tác dụng dược lý tương tự như các CDTP khác (đồng vận) nhưng không gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương và không gây khoái cảm ở liều điều trị, có thời gian bán huỷ dài (trung bình là 24 giờ) nên chỉ cần sử dụng 1 lần trong 1 ngày là đủ để không xuất hiện hội chứng cai. Methadone có độ dung nạp ổn định nên ít phải tăng liều khi điều trị lâu dài .

Năm 1964, tại New York, bác sỹ Marie Nyswander và Vincent Dole nghiên cứu về thuốc điều trị cho những người nghiện heroin, họ phát hiện ra methadone giúp người bệnh của họ ngừng sử dụng heroin và hầu như không bị tăng liều khi dùng trong thời gian dài, do đó liệu pháp điều trị duy trì bằng thuốc methadone ra đời . Tiếp sau đó các nước cũng bắt đầu sử dụng methadone trong điều trị giảm tác hại của nghiện chất: như Hồng Kông bắt đầu đưa methadone vào điều trị năm 1972, tiếp sau đó vào năm 1979 là Thái Lan. Sau năm 2000, có rất nhiều nước đã áp dụng điều trị methadone, trong đó có nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á như Indonexia (2003), Trung Quốc (4/2004), Malayxia (10/2005), Đài Loan (2006), Việt Nam (2008),…


1.3.2.Biện pháp điều trị bằng thuốc Methadone


Theo Cơ quan điều trị lạm dụng ma túy và rượu Hoa Kỳ (SAMHSA), điều trị thay thế hay còn gọi là điều trị hỗ trợ bằng thuốc là việc sử dụng thuốc, kết hợp với liệu pháp tư vấn và hành vi để điều trị toàn diện cho người sử dụng ma tuý. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi điều trị rối loại nghiện ma túy, sự kết hợp giữa thuốc và liệu pháp hành vi là biện pháp điều trị hiệu quả và thành công nhất. Còn theo Bộ Y tế Việt Nam, điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc methadone là một điều trị lâu dài, có kiểm soát, giá thành rẻ, được sử dụng theo đường uống, duới dạng siro nên giúp dự phòng các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B, viêm gan C, đồng thời giúp người bệnh phục hồi chức năng tâm lý, xã hội, lao động và tái hoà nhập cộng đồng . Ðiều trị methadone chỉ áp dụng với người nghiện CDTP (heroin) mà không áp dụng với những trường hợp nghiện rượu, thuốc lá, benzodiazepine và ma túy tổng hợp dạng amphetamine .

Trong những thập kỷ đầu tiên sau khi ra đời, phương thức điều trị methadone được coi là một biện pháp điều trị tạm thời nhằm mục đích cuối cùng là giảm liều và bệnh nhân sẽ ngừng sử dụng methadone một cách hoàn toàn. Ngày nay, điều trị duy trì methadone không còn được coi là một biện pháp trị liệu tạm thời nữa mà là một biện pháp điều trị lâu dài, thường là suốt đời. Như vậy nếu bệnh nhân thỉnh thoảng có một đợt dùng lại heroin (hoặc các chất ma túy khác) là bằng chứng chứng tỏ sự thất bại của liệu pháp điều trị bằng methadone.Việc tái sử dụng ma túy là một chỉ số đánh giá mức độ tuân thủ điều trị của bệnh nhân tham gia điều trị Methadone. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng đối với nhiều bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, cao huyết áp hay đái tháo đường thì mức độ tuân thủ điều trị thường ở mức thấp.

Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, việc điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc methadone nhằm 3 mục đích chủ yếu sau: 1, Giảm tác hại do nghiện các CDTP gây ra như: lây nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C do sử dụng chung dụng cụ tiêm chích, tử vong do sử dụng quá liều các CDTP và hoạt động tội phạm; 2. Giảm sử dụng các CDTP bất hợp pháp, giảm tỷ lệ tiêm chích CDTP; 3. Cải thiện sức khoẻ và giúp người nghiện duy trì việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài, tăng sức sản xuất của xã hội.

1.3.3. Lợi ích, ưu điểm và nhược điểm của điều trị Methadone với người bệnh.


Điều trị methadone mang rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân, cụ thể như:

  • Tác dụng liên tục và kéo dài;

  • Chi phí thấp;

  • Hợp pháp;

  • Dễ sử dụng bằng đường uống.

  • Ðược cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khác như: tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe và các hình thức hỗ trợ khác.

  • Giảm nguy cơ quá liều heroin

Ðiều này có nghĩa với những người không thể từ bỏ heroin, methadone là thuốc có độ an toàn cao và giúp người bệnh dần dần hồi phục khỏi trạng thái nghiện .

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ưu điểm của điều trị duy trì bằng thuốc methadone là có thể giúp người nghiện heroin: 1, Dừng sử dụng hoặc giảm đáng kể luợng heroin sử dụng; 2, Dừng tiêm chích heroin (hoặc giảm đáng kể tần suất tiêm chích và giảm nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu và nguy cơ quá liều); 3, Cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh duỡng; 4, Dừng các hành vi phạm pháp liên quan đến việc kiếm tiền mua heroin; 5, Cải thiện và ổn định quan hệ với gia đình; 6, Có công việc ổn định hơn và học tập tốt hơn. Ðiều đó có nghĩa là khi tham gia chương trìnhmethadone, bệnh nhân có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ ytế và xã hội khác. Do đó, họ sẽ ít phải chịu áp lực trong cuộc sống, giảm nguy cơ sử dụng và cuối cùng không dùng heroin nữa.



Tuy nhiên, nhược điểm của điều trị bằng methadone cũng có khá nhiều, đó là: 1, Bệnh nhân phải cam kết đến cơ sở diều trị hàng ngày để uống thuốc; 2, Khó thực hiện các chuyến đi, các kỳ nghỉ xa khỏi nơi cơ trú; 3, Có thể gặp các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe; 4, Vẫn bị lệ thuộc vào thuốc cho đến khi kết thúc chương trình điều trị. Methadone là một thuốc có tác dụng mạnh và có thể nguy hiểm nếu dùng không đúng cách. Nó cũng có thể gây tình trạng quá liều khi sử dụng quá nhiều methadone .

1.3.4. Các chính sách liên quan và tình hình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại nước ta.


Điều trị thay thế bằng Methadone còn là một lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai thí điểm tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh với 06 cơ sở điều trị từ tháng 4/2008. Ngay sau đó, vào tháng 10/2008, Bộ Y tế đã ra quyết định số 4230/QĐ-BYT về việc ban hành tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp dược phẩm tham gia sản xuất thuốc methadone tại Việt Nam để phục vụ cho đề án thí điểm này. Ngày 15/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2012/NĐ-CP về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2012/NĐ-CP, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 96. Cũng theo nội dung của hai văn bản này, trong giai đoạn tiếp theo, chương trình Methadone có thể được mở rộng với tốc độ nhanh hơn, cứ mỗi quận/huyện có trên 250 người nghiện chích ma túy thì UBND tỉnh/thành phố phải thành lập cơ sở điều trị Methadone. Liên quan đến cơ sở điều trị methadone này thì vào ngày 15/10/2013, Bộ Y tế đã có công văn số 6544/BYT-KH-TC về việc hướng dẫn thực hiện khung giá dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị nghiện CDTP quy định tại Nghị định số 96/2012/NĐ-CP. Sở Y tế các tỉnh/thành phố cần căn cứ theo công văn này để xác định khung giá chi tiết của từng dịch vụ khi thực hiện xã hội hóa chương trình Methadone tại địa phương. Trong năm 2013, nhiều tỉnh trên cả nước đã triển khai đồng bộ “Dự án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone mô hình xã hội hóa” theo chỉ thị của chính phủ với mục tiêu mở rộng và duy trì hiệu quả của chương trình điều trị bằng methadone. Với các hoạt động chỉ đạo cụ thể như vậy, tính đến ngày 30/11/2013, trên toàn quốc đã có 75 cơ sở điều trị Methadone được triển khai và dự kiến sẽ còn nhiều hơn nữa các cơ sở điều trị Methadone được mở trong tương lai gần.Tuy vậy cho đến nay, Việt Nam cũng mới chỉ điều trị được khoảng 17.000 người nghiện tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong khi đó, mục tiêu mà Chính phủ và Nhà nước đề ra là cuối năm 2015 sẽ điều trị cho khoảng 80.000 người nghiện ma túy tại 30 tỉnh, thành phố. Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, cụ thể là vào ngày 20/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 1008/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 và 2015.Thêm vào đó, để thực hiện được mục tiêu đặt ra trong bối cảnh nguồn tài trợ tài chính quốc tế đang rút dần và sẽ rút hẳn khỏi nước ta vào năm 2015, vào ngày 31/10/2014, Thủ tướng chính phủ đã ra chỉ thị số 32/CT-TTg về đẩy mạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Trong văn bản này đã nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác điều trị methadone chung của cả nước: như UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW cần rà soát, cập nhật số lượng người nghiện chất dạng thuốc phiện để lập kế hoạch, cân đối thu chi từ đó thực hiện chương trình tốt hơn; Bộ Y tế thì cần đôn đốc, chỉ đạo thành lập các cơ sở điều trị methadone, kết hợp cùng với Bộ tài chính, Bộ Công an trong thực hiện các hoạt động khác .

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để liệu pháp điều trị này có thể mang lại lợi ích tối đa, độ bao phủ của Chương trình cần đạt được mức tối thiểu là 20% đến 30% [10]. Nhận xét của Chuyên gia y tế Việt Nam cũng cho biết khi độ bao phủ điều trị nghiện bằng thuốc Methadone vượt mức 40% thì dịch HIV ở nhóm người nghiện chích ma túy được khống chế và giảm [6]. Bởi vậy, Nhà nước cần có thêm nhiều biện pháp cụ thể, rõ ràng hơn nữa để đạt được mục tiêu này.


1.3.5. Những ưu điểm và hạn chế trong công tác điều trị Methadone tại Việt Nam


  • Ưu điểm:

Chương trình điều trị Methadone tại Việt Nam có nhiều ưu điểm rõ rệt. Ưu điểm đầu tiên phải kể đến là từ khi được triển khai thí điểm tại Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Mình, chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, đặc biệt là những người bị nhiễm HIV và người thân, gia đình của họ. Chương trình đã và đang từng bước được triển khai trên diện rộng. Điều trị Methadone luôn hướng tới những đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng và các đối tượng chính sách, điều đó đã cho thấy chính sách nhân đạo rõ ràng, mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Minh chứng thể hiện rõ việc này là hoạt động triển khai mô hình điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone trong các trại giam, tạm giam và trường giáo dưỡng cho phạm nhân (Cục Y tế-Bộ Công An đã phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng methadone trong trại giam, tạm giam).

  • Hạn chế:

Mặc dù, chương trình điều trị bằng thuốc Methadone triển khai trên thực tiễn có hiệu quả, được dư luận xã hội đánh giá cao kết quả điều trị, nhưng việc triển khai chương trình vẫn gặp khó khăn bất cập trong việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng điều trị. Trong thời gian đầu mới triển khai, theo các chuyên gia y tế, việc điều trị bằng thuốc methadone gặp nhiều trở ngại do thiếu thuốc . Vì thực tế, trong giai đoạn đầu triển khai chương trình, toàn bộ thuốc sử dụng cho việc điều trị đều dược nhập khẩu từ nước ngoài, thủ tục nhập khẩu thuốc mất nhiều thời gian nên trong thời gian đầu triển khai có sự hạn chế tăng bệnh nhân cũng như mở rộng chương trình. Ngoài ra, thuốc methadone nằm trong danh mục thuốc gây nghiện, việc phân phối, cấp phát và bảo quản thuốc phải thực hiện theo những quy định rất chặt chẽ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc mở rộng chương trình.

Hạn chế khác của chương trình điều trị methadone tại nước ta là hiện nay, chương trình này còn quá phụ thuộc vào những nguồn lực đầu tư, viện trợ từ nước ngoài, nhà nước chưa nắm thế chủ động về tài chính. Tại Hải Phòng, có tới 80-90% nguồn lực là từ các tổ chức nước ngoài tài trợ cho chương trình phòng chống HIV/AIDS bao gồm cả methadone. Tuy nhiên từ năm 2013, một số nhà tài trợ đã rút khỏi Hải Phòng (CESVI, PSI, NAV…), một số nhà tài trợ khác (Quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho phòng, chống AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ - PEPFAR, Ngân hàng Thế giới - WB, Quỹ Toàn cầu (chiếm tới 80% kinh phí tài trợ) đã thông báo cắt giảm kinh phí hỗ trợ đến năm 2015. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia điều hành chương trình, hiện tại, các tổ chức quốc tế đã cắt giảm tới 95% kinh phí cho chương trình. Chỉ còn tổ chức PEPFAR (Mỹ) cam kết tài trợ cho 2 điểm (An Dương, An Lão) và Quỹ toàn cầu tài trợ cho 9 điểm còn lại . Chính bởi vậy, nước ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm hoàn toàn. Thêm vào đó, theo Nghị định số 96/2012NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng methadone thì ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ cho các đối tượng bắt buộc cai nghiện tập trung và 5 đối tượng chính sách (thương binh, bệnh hiểm nghèo, nghèo, cận nghèo, người cô đơn) , mà thực tế, đối tượng này lại chiếm một tỷ lệ rất ít trong những người điều trị. Điều này có nghĩa là phần lớn những người còn lại sẽ phải chịu gánh nặng rất lớn nếu viện trợ bị cắt. Theo tính toán của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, chỉ có 40% bệnh nhân đang điều trị methadone ở Hải Phòng mong muốn tham gia chương trình với điều kiện phải chi trả ở mức đóng góp thấp nhất, khoảng 450.000 đồng/tháng (tức 15.000 đồng/ngày), 60% còn lại cho biết sẽ từ bỏ chương trình nếu mức quá cao, ngoài khả năng của họ .

Theo thông tin từ Bộ Y tế, một hạn chế nữa là các địa phương gặp khó khăn về nhân lực, không có đủ biên chế để bố trí cho các cơ sở điều trị methadone. Lý do là vì mức lương hiện tại của nhân viên là chưa thỏa đáng (1.500.000đồng/tháng cho nhân viên tại Hải Phòng) cho công việc kéo dài liên tục tất cả các ngày trong năm. Trong khi, chính sách cho các nhân viên này còn nhiều hạn hẹp nên nhiều người không tha thiết với công việc và không muốn gắn bó dài lâu. Cùng với đó, do thiếu sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công An, nên ngân sách đầu tư cho chương trình Methadone chưa được thỏa đáng và tài chính phân bổ giữa các Bộ cũng chưa hiệu quả. Ngoài ra, thủ tục hành chính để đưa người nghiện vào điều trị bằng Methaodone vẫn còn chưa thuận lợi và phức tạp, trong đó có việc phải có xác nhận của chính quyền địa phương là không thuộc đối tượng phải đưa đi cai nghiện bắt buộc . Không chỉ vậy, chương trình điều trị methadone được triển khai chậm và hiệu quả thấp ở các địa bàn xa xôi, hẻo lánh, ở các vùng khó khăn, miền núi do nhiều lý do như giao thông khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu tại địa phương, người dân chưa có ý thức tự giác và nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, hiệu quả mà việc điều trị này mang lại.

Nhìn chung, điều trị bằng methadone tại nước ta đã đạt được hiệu quả đáng kể, nhưng những kết quả này lại khó có thể tồn tại được bền vững vì các khó khăn và hạn chế nêu trên. Vậy vậy, Chính phủ và Nhà nước cần có các biện pháp chính sách hữu hiệu hơn để giải quyết những hạn chế nhằm nâng cao chất lượng và duy trì chương trình điều trị Methadone cho bệnh nhân nghiện chất dạng thuốc phiện.


1.4. Các nghiên cứu về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên thế giới và Việt Nam.

1.4.1. Các nghiên cứu trên thế giới.


Các nghiên cứu trên Thế giới chủ yếu tập trung vào đánh giá hiệu quả và các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị nghiện CDTP bằng thuốc Methadone. Các kết quả cho thấy điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone có hiệu quả trong việc làm giảm lây nhiễm HIV và các hậu quả do sử dụng ma túy gây ra.

Trên thế giới, điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone (gọi tắt là điều trị thay thế bằng Methadone) được triển khai tại Mỹ từ năm 1965 . Đây là một giải pháp mới trong hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV mà đã được triển khai trên 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Úc, Mỹ, Hà Lan, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Hồng Kông… Toàn thế giới đã có trên 1.000.000 người được điều trị thay thế. Chương trình điều trị methadone đã góp phần giảm đáng kể tội phạm, giảm sự lây truyền HIV trong nhóm người nghiện ma tuý và từ nhóm người nghiện ma tuý ra cộng đồng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chương trình có hiệu quả trong việc làm giảm sử dụng heroin ,,,,, dự phòng lây nhiễm HIV ,, tăng tuân thủ điều trị ARV và giảm tỷ lệ tử vong trong số những bệnh nhân tham gia điều trị Methadone .

Tại các nước đã phát triển, nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng có đối chứng, nghiên cứu dọc thời gian và quan sát đã được thực hiện và chỉ ra rằng Methadone có kết quả: 1) giảm sử dụng chất dạng thuốc phiện phi pháp, 2) giảm hành vi có liên quan đến tiêm chích ma túy, 3) giảm hành vi phạm pháp, 4) giảm tử vong do quá liều, và 5) giảm nguy cơ dùng lại bơm kim tiêm làm lan tràn HIV/AIDS , .

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nghiên cứu về kết quả điều trị thay thế bằng methadone tại các nước mới triển khai chương trình methadone từ đầu thập niên 2000 như ở Trung quốc, Thái Lan, Indonesia . Trên các tạp chí chuyên đề, và trên các diễn đàn quốc tế như Hội nghị AIDS 2011 Busan, các nhà nghiên cứu Trung quốc, Thái Lan, Indonesia cũng đã báo cáo hiệu quả của điều trị thay thế tình trạng nghiện chất dạng thuốc phiện trong lĩnh vực HIV/AIDS và dự phòng tại một số các nước đang phát triển hoặc đang chuyển đổi (developing and transitional economies) ở châu Á, Đông Âu. Tiêu chí đánh giá của các nghiên cứu này đều tập trung vào 5 yếu tố kể trên .

Nghiên cứu vào giữa thập kỷ 80 của Ball JC và Ross A về hiệu quả của việc điều trị thay thế bằng Methadone cho thấy 77% bệnh nhân ngừng sử dụng Heroin bằng đường tiêm chích trong 6 tháng đầu tiên tham gia điều trị, sau 4 đến 5 năm điều trị tỷ lệ bệnh nhân ngừng sử dụng Heroin tăng lên tới 92%, 96% bệnh nhân báo cáo không dùng ma túy tổng hợp và 83% bệnh nhân không dùng Cocaine .

Chương trình Methadone cũng làm giảm các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV như tiêm chích ma túy, sử dụng chung bơm kim tiêm, có nhiều bạn tình hay bán dâm . Điều trị thay thế bằng Methadone đường uống làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm người nghiện các CDTP do giảm việc tiêm chích, giảm tỷ lệ sử dụng chung BKT. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy người NCMT không được điều trị bằng Methadone có tỷ lệ huyết thanh dương tính với HIV tăng từ 21% tới trên 51% sau 5 năm theo dõi; với nhóm người NCMT được điều trị bằng Methadone, tỷ lệ này chỉ tăng từ 13% đến 21%. Metzger DS và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu trong 18 tháng về nhóm người SDMT có HIV âm tính tham gia điều trị Methadone và không điều trị Methadone, kết quả cho thấy sau 18 tháng, tỷ lệ có HIV dương tính trong nhóm bệnh nhân điều trị Methadone là 3,5% và tỷ lệ này ở nhóm không được điều trị Methadone là 22% ,.

Tỷ lệ tử vong ở người nghiện Heroin tham gia điều trị thay thế bằng Methadone thấp hơn ở nhóm người không được điều trị bằng Methadone từ 3 đến 4 lần tùy theo nghiên cứu. Theo nghiên cứu của Trường Y tế công cộng, đại học Nam Trung, Trung Quốc, chất lượng cuộc sống của những người tham gia điều trị cũng được cải thiện rõ rệt, sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm thần là những lĩnh vực được cải thiện đáng kể nhất trong những người nghiện ma tuý được điều trị thay thế bằng Methadone. Bên cạnh đó, Methadone cũng giúp bệnh nhân hồi phục khả năng lao động và cải thiện các mối quan hệ trong xã hội, . Đặc biệt, điều trị thay thế bằng Methadone cho thấy rõ hiệu quả về mặt kinh tế. Theo kinh nghiệm quốc tế, chương trình điều trị thay thế bằng Methadone sẽ giúp cộng đồng tiết kiệm được từ 7 đến 10 lần các chi phí liên quan đến luật pháp, hành pháp, y tế, xã hội, bảo hiểm, hải quan v.v…,.

Như vậy, các nghiên cứu trên Thế giới cho thấy điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone có hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và các hậu quả do sử dụng ma túy gây ra.

Ngoài các nghiên cứu về hiệu quả của chương trình điều trị Methadone, trên thế giới cũng có nhiều nghiên cứu tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp tục sử dụng Heroin trên bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Methadone. Thuốc Methadone tương tác với thuốc kháng virus ARV, khi sử dụng cả 2 loại thuốc thì thuốc ARV sẽ làm giảm nồng độ thuốc Methadone trong máu . Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối tương quan giữa liều sử dụng Methadone và hành vi sử dụng ma túy: bệnh nhân sử dụng liều Methadone càng cao thì càng giảm khả năng sử dụng ma túy trong quá trình điều trị . Bệnh nhân càng tham gia lâu vào chương trình điều trị Methadone thì tính tuân thủ của bệnh nhân càng giảm . Bệnh nhân tuân thủ điều trị kém thì khả năng tái nghiện càng cao .

1.4.2. Các nghiên cứu tại Việt Nam

1.4.2.1. Các nghiên cứu về hiệu quả chương trình điều trị Methadone:


Cho tới nay, các nghiên cứu về chương trình Methadone được thực hiện ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào đánh giá hiệu quả của chương trình, có ít nghiên cứu về kiến thức, thái độ và thực hành của những người tham gia điều trị Methadone về phòng chống HIV/AIDS.

Các nghiên cứu tại Việt nam cũng cho thấy hiệu quả tương tự như nhiều nghiên cứu trước đó trên thế giới, đó là việc giảm SDMT bất hợp pháp, tăng khả năng lao động, giảm chi tiêu cho việc mua ma túy và giảm hành vi sai phạm và cải thiện sức khỏe thể chất, tâm thần.

Kết quả nghiên cứu tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn thí điểm tại 6 cơ sở điều trị Methadone hoạt động từ tháng 4/2008 cho thấy, sau 3 và 6 tháng theo dõi việc sử dụng heroin và các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV giảm đi đáng kể. Đánh giá thang điểm Chất lượng sống của Tổ chức Y tế Thế giới tăng lên: về thể chất (81 so với 69), tâm lý (69 so với 56) và xã hội (56 so với 50). Tỉ lệ người tham gia điều trị có việc làm tăng từ 55% lên 66% (p=0,028). Chi phí ước tính của chương trình methadone là 15.000 – 20.000 VNĐ/người bệnh/ngày. Tuy nhiên, tất cả 06 cơ sở điều trị tham gia nghiên cứu này đều cung cấp dịch vụ miễn phí [6].

Báo cáo gần đây nhất của tỉnh Điện Biên cũng đã cho thấy nhiều kết quả khả quan về hiệu quả của chương trình. Sau 3 năm triển khai chương trình điều trị Methadone tại Điện Biên cho thấy chỉ còn 7,3% người sử dụng ma túy không thường xuyên, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt là 78,5%; hầu hết các bệnh nhân đánh giá về chương trình điều trị Methadone và đánh giá chất lượng hoạt động của cơ sở điều trị Methadone là tốt và rất tốt (>98%).

Nghiên cứu của Hoàng Đình Cảnh và Nguyễn Thanh Long vào năm 2009 cho biết rằng, điều trị bằng Methadone đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, từ khi bắt đầu điều trị đến thời điểm 2009, chưa có bệnh nhân nào xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tác dụng phụ hay gặp nhất là táo bón (61%), các triệu chứng khác như suy giảm tình dục, mất ngủ, buồn nôn… chiếm tỷ lệ thấp (10%). Tuy nhiên, các triệu chứng này lại nhanh chóng mất đi theo thời gian điều trị của bệnh nhân. Chưa có bệnh nhân nào bị tử vong do tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm bệnh nhân trước điều trị là 37,6% tại thời điểm năm 2008, đến năm 2009, tỷ lệ này đã giảm rất rõ rệt. Thêm vào đó, trước thời gian điều trị Methdone có 24% bệnh nhân tại Hải Phòng và 44% bệnh nhân tại TP Hồ Chí Minh sử dụng chung bơm kim tiêm, nhưng đến thời điểm nghiên cứu lại không còn. Tỷ lệ bệnh nhân sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục ở bệnh nhân điều trị bằng Methadone tăng lên đáng kể (tăng lên khoảng 19% trong khoảng thời gian trước và sau điều trị Methadone). Bệnh nhân còn được cải thiện về thể chất: 390 bệnh nhân được nghiên cứu tăng khoảng 2-4 kg sau 3 tháng điều trị (chiếm 74,8%); 114 bệnh nhân thất nghiệp tìm được việc làm sau 6 tháng điều trị, chứng tỏ rằng khi tham gia vào chương trình điều trị bằng Methadone, các bệnh nhân đó đã quan tâm hơn đến bản thân và gia đình mình .

Tác giả Vũ Văn Công trong nghiên cứu của mình ở Hải Phòng năm 2009, cho thấy rằng điều trị thay thế bằng thuốc Methadone đã đem lại hiệu quả với việc giảm tỷ lệ sử dụng ma túy và dùng chung bơm kim tiêm trong cộng đồng người nghiện chất ma túy: tỷ lệ bệnh nhân phụ thuộc vào ma túy giảm rõ rệt, số ngày trung bình bệnh nhân dùng Heroin trước khi vào điều trị Methadone so với sau điều trị Methadone 30 ngày, 30-60 ngày và trên 60 ngày là 29,1; 12,4; 2,3 và 0,5. Tỷ lệ bệnh nhân trước khi vào điều trị MMT sử dụng chung bơm kim tiêm khi chích ma túy là 24% đã giảm xuống còn 12,7% chỉ sau 3 tháng điều trị. Bệnh nhân tái hòa nhập được với cuộc sống cộng đồng, bệnh nhân tìm được việc làm là 15,3% .

Tuy nhiên, nghiên cứu của Vũ Việt Hưng lại chỉ ra rằng, nhiều bệnh nhân có xu hướng từ bỏ điều trị do họ thấy rằng Methadone có tác dụng gây nghiện như Heroin. Bệnh nhân cảm thấy khó chịu khi bị các tác dụng phụ như ra mồ hôi, hay khô miệng làm họ thấy chán ăn. Tác dụng phụ của Methadone đã ảnh hưởng đến tâm lý của một số bệnh nhân đang điều trị: nghi ngại về thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe của họ và ngoài ra, bệnh nhân cảm thấy khó khăn và ngại với việc hằng ngày phải đi đến cơ sở y tế để uống thuốc . Tuy nhu cầu điều trị methadone tại huyện Từ Liêm là rất lớn, họ nhận thức được tham gia là giúp bản thân, người thân và gia đình, nhưng việc tiếp cận chương trình của họ lại gặp phải nhiều khó khăn, cản trở: đó là vì tâm lý của chính người nghiện lo ngại về thủ tục vì phải có xác nhận của công an; họ sợ phải đi cai nghiện bắt buộc; sợ bị ảnh hưởng đến công việc, học tập khi tham gia; một số khác lại chưa tin tưởng vào điều trị, sợ nghiện methadone. Ngoài ra, còn do yếu tố là một số gia đình thiếu kiến thức về điều trị methadone. Tại địa phương, thiếu đi công tác truyền thông về chương trình, thời gian chờ đợi xét duyệt lâu làm nhiều người không thể tham gia vào chương trình.

1.4.3. Các nghiên cứu về kiến thức, thái độ và thực hành của người nghiện chích ma túy được điều trị bằng thuốc Methadone.


Hiện nay, tại nước ta, có rất nhiều các nghiên cứu về kiến thức, thực hành của người nghiện ma túy, tuy nhiên nghiên cứu liên quan đến kiến thức, thái độ và thực hành của những người nghiện ma túy đang được điều trị bằng thuốc methadone là rất ít, phần lớn vấn đề này chỉ được tìm hiểu bằng cách lồng ghép vào một dự án nào đó, chứ hầu như chưa có sự tập trung chuyên biệt riêng.

Về kiến thức, trong nghiên cứu “Mô tả thực trạng cung cấp dịch vụ y tế chương trình dùng thuốc thay thế methadone can thiệp trong nhóm nghiện chích ma túy tại thành phố Hà Nội” năm 2012, các tác giả đã cho thấy nhóm đối tượng nghiên cứu còn thiếu hiểu biết về nguyên nhân cũng như nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS: như với câu hỏi luôn sử dụng BCS đúng cách khi QHTD dự phòng lây nhiễm HIV là 86,3%, còn khi QHTD đường hậu môn phòng được lây nhiễm HIV tỷ lệ trả lời đúng chỉ là 59,5%, 72% trả lời đúng câu hỏi dùng chung BKT khi TCMT làm tăng nguy cơ nhiễm HIV; còn với các câu hỏi khác, tỷ lệ có kiến thức đúng chỉ từ 67,3%-72,3% .

Một nghiên cứu khác vào năm 2013 đã chỉ ra rằng so với trước can thiệp thì tỷ lệ đối tượng NCMT hiểu biết đúng về nguy cơ lây nhiễm HIV đã tăng lên rõ rệt: hiểu biết về nguy cơ nhận máu truyền tăng từ 10,3% lên 15,3%, hiểu biết về tiêm chích ma túy tăng từ 58,5% lên 64,5%... Ngoài ra, hiểu biết của người NCMT về triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục đã cải thiện đáng kể.

Về mặt nhận thức, thái độ của bệnh nhân cũng có sự chuyển đổi sau khi được điều trị methadone. Trong một nghiên cứu của Nguyễn Anh Quang (2013), cho thấy tỷ lệ đối tượng thay đổi nhận thức lợi ích khi tham gia chương trình methadone đã tăng lên khá nhiều (từ 57,3% lên 91,5%). Người điều trị ngày càng có thái độ hợp tác và tin tưởng hơn vào phương pháp điều trị này, một phần là vì hiệu quả mà điều trị bằng methadone đã mang lại, phần khác chính là nhờ những thay đổi trong thái độ của nhân viên y tế và quy trình điều trị.Người bệnh hài lòng hơn với quy trình xét nghiệm, thời gian nộp đơn và quy trình tiếp đón bệnh nhân. Thêm vào đó là sự hài lòng về thời gian tiếp đón bệnh nhân (tăng từ 2,5% lên 3,5%), về thái độ làm việc của bác sỹ tăng từ 2,7% lên 3,3%. Nghiên cứu khác vào năm 2012 cũng cho nhận định tương tự khi đa số bệnh nhân hiện đang được điều trị cho biết họ rất hài lòng và hài lòng với các dịch vụ đón tiếp bệnh nhân, thái độ bác sỹ làm việc, thái độ của nhân viên tư vấn… Tuy vậy, vẫn còn khoảng 1% bệnh nhân có góp ý thêm. Nhưng nhìn chung, hầu hết bệnh nhân cho rằng, về mặt tổng thể thì chương trình điều trị thay thế nghiện các chất CDTP bằng methadone hữu ích với bản thân họ, đáp ứng được mong muốn của bệnh nhân .

Ngoài kiến thức và thái độ thì hành vi của các bệnh nhân cũng thay đổi khá rõ. Trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Anh Quang và cộng sự vào năm 2012 cho thấy sau khi điều trị duy trì có tới 98,7% người NCMT có QHTD với vợ/bạn tình trong 1 tháng trở lại đó. Trong khi, hành vi sử dụng BCS thường xuyên khi quan hệ thì có tỷ lệ trước điều trị là 97,8%, cao hơn sau khi điều trị là 77,2%. Trước khi điều trị methadone, có 8,3% bệnh nhân tại Hà Đông và Từ Liêm cho biết có hành vi sử dụng chung bơm kim tiêm. Trong quá trình điều trị thì không còn trường hợp nào còn sử dụng chung nữa. Mặc dù chưa có đủ bằng chứng để kết luận hiệu quả của điều trị Methadone giúp bệnh nhân thay đổi hành vi dùng chung bơm kim tiêm, tuy nhiên có thể thấy việc giảm tần suất tiêm chích ma túy cũng đã góp phần hạn chế khả năng dùng chung bơm kim tiêm, ngay cả trong nhóm những bệnh nhân vẫn tiếp tục tiêm chích. Thêm vào đó, có sự thay đổi tích cực trong việc sử dụng BCS với PNBD trước và sau điều trị: tỷ lệ người bệnh có sử dụng BCS tăng lên từ 83,4% lên 87,9% . Tỷ lệ sử dụng BCS được cải thiện đặc biệt có ý nghĩa trong dự phòng lây truyền HIV từ quần thể có tiêm chích ma túy sang các nhóm quần thể khác.

Nghiên cứu của một số tác giả thuộc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội năm 2013 cho thấy những thay đổi trong một các hành vi của đối tượng NCMT. Một là tần suất tiêm chích ma túy trong 1 tháng qua của những đối tượng này đã giảm dần.Trong đó, mức độ NCMT 2-3 lần. ngày giảm từ 53,3% xuống 45,5%, tần suất tiêm chích trên 3 lần/ngày giảm từ 6% xuống 3,2%. Thêm nữa, tỷ lệ đối tượng không bao giờ sử dụng chung BKT trong 1 tháng trở lại đã tăng từ 93,9% lên 94,7%. Nếu vào năm 2012 có tới 7,8% bệnh nhân cho biết có sử dụng chung BKT thì đến thời điểm năm 2013, tỷ lệ này đã giảm rất rõ rệt (chỉ còn 0,3%).



Nhìn chung, các nghiên cứu này đã cho thấy những thay đổi khá rõ nét theo hướng tích cực về các mặt kiến thức, thái độ và thực hành của bệnh nhân khi được tham gia điều trị methadone. Đây là một tín hiệu đáng mừng, tạo động lực hơn cho không chỉ người bệnh nghiện ma túy tiếp tục điều trị methadone lâu dài, mà còn giúp cho các hoạt động liên quan đến điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone sẽ phát triển sâu và rộng hơn trong thời gian tới.

Каталог: bitstream -> VAAC 360
VAAC 360 -> ĐÁnh giá chất lưỢng của máY ĐẾm tế BÀo t cd4 – pima lê Chí Thanh, Vũ Xuân Thịnh, Khưu Văn Nghĩa Trần Tôn, Trương Thị Xuân Liên
VAAC 360 -> Đào Việt Tuấn Trung tâm Phòng, chống hiv/aids hải Phòng
VAAC 360 -> CỤc phòNG, chống hiv/aids
VAAC 360 -> XÂy dựng phưƠng pháp in-house đo tải lưỢng VI rút hiv- 1 BẰng kỹ thuật real time rt-pcr nguyễn Thùy Linh *,, Dunford, Linda*,, Dean, Jonathan*,, Nguyễn Thị Lan Anh *,, Carr, Michael *,, Coughlan, Suzie*,, Connell, Jeff *, Nguyễn Trần Hiển
VAAC 360 -> DỰ BÁo nhu cầu và ngân sách sử DỤng thuốc arv tại việt nam (2011 2015)
VAAC 360 -> Danh sách bài báO ĐĂng trên kỷ YẾu hội nghị khoa học quốc gia lần thứ IV
VAAC 360 -> Trung tâm phòNG, chống hiv/aids thanh hóa báo cáo kết quả nghiên cứU ĐỀ TÀi cấp cơ SỞ

tải về 1.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương