CÁc dòng gốm bắc bộ CÙng hội tụ TẠi thủ ĐÔ



tải về 23.47 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích23.47 Kb.
#30781
CÁC DÒNG GỐM BẮC BỘ CÙNG HỘI TỤ TẠI THỦ ĐÔ



Các sản phẩm gốm Bát Tràng ngày nay. (Nguồn: Internet)

Từ ngày 2-4/7, tại Ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội giới thiệu và trình diễn các dòng gốm Bắc Bộ như Bát Tràng của Hà Nội, Chu Đậu ở tỉnh Hải Dương, Thổ Hà của tỉnh Bắc Giang và Phù Lãng ở tỉnh Bắc Ninh.

Ðây là hoạt động hướng tới 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và là hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn nghề gốm truyền thống; đồng thời giúp du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về nghề gốm của Việt Nam.

Gốm là một loại đồ dùng rất phổ biến và gần gũi trong đời sống của nhân dân Việt Nam. Có mặt trong mỗi gia đình, gốm là những sản phẩm phục vụ cho đời sống tinh thần của con người như tượng trang trí, lọ hoa, phù điêu, tranh gốm, lư hương, chân đèn và cả những công trình kiến trúc như gạch chạm, gạch thủng, ngói, đắp nổi.

Các dòng gốm Bắc Bộ trải qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, tạo nên một kho tàng nghệ thuật gốm vô cùng phong phú. Trong quá trình phát triển đó, từ gốm đất nung đến gốm sành nâu, gốm sành xốp, gốm sành trắng, đồ sứ đã nối tiếp nhau ra đời và tạo ra những sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống con người mang dấu ấn của từng thời kỳ bằng chất liệu và kỹ thuật sản xuất ngày càng tiên tiến.

Các loại gốm đó không những là những hiện vật ghi nhận dấu ấn thời đại, quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam, mà còn là những tài liệu sống phản ánh nghệ thuật tạo hình phong phú và sự sáng tạo của các thời đại. Tiêu biểu là các dòng gốm Chu Ðậu, Bát Tràng và các loại đồ sành có men và không men trong các lò Thổ Hà, Phù Lãng...

Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội hy vọng thông qua hoạt động văn hóa này sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống và sắc thái văn hóa đặc trưng của Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung. Ðồng thời, tạo điều kiện cho mọi người ý thức hơn nữa trong việc gìn giữ và bảo tồn nghề truyền thống mà ông cha để lại.



Gốm Bát Tràng

Làng gốm Bát Tràng nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km về phía Đông Nam. Bát Tràng - một làng gốm lâu đời và lừng danh ở Việt Nam.

Theo một số tài liệu, làng Bát Tràng đã tồn tại với tư cách là một làng nghề khoảng 500 năm nay.

Hầu hết, đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ tài năng sáng tạo của người thợ. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay nên đồ gốm Bát Tràng có nét riêng là cốt đầy, chắc và khá nặng.

Gốm Bát Tràng có năm dòng men đặc trưng là men lam, men nâu, men trắng ngà, men xanh rêu, men rạn.

Từ những thế kỷ trước, đồ gốm Bát Tràng đã thuộc loại cao cấp, quý hiếm nhưng phần nhiều là đồ thờ như chân đèn, lư hương, bình hoa.

Ngày nay, gốm Bát Tràng đã sản xuất khá nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại và kiểu dáng, bao gồm cả những mặt hàng mỹ nghệ như đĩa treo tường, lọ hoa, con giống, tượng phiên bản và phù điêu với kỹ thuật và công nghệ cao.

Đến nay, gốm Bát Tràng đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước và một số nước trên thế giới.



Gốm Chu Đậu

Thôn Chu Đậu thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, vốn là một trung tâm gốm cổ có từ thế kỷ XIV và phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI.

Gốm Chu Đậu đã đạt được bốn tiêu chuẩn là mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà và kêu như chuông.

Gốm Chu Đậu đã thể hiện được tâm hồn Việt qua hoa văn trang trí gắn với thiên nhiên và cuộc sống của cư dân vùng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, cô gái lái đò, người đội nón, những mái nhà tranh ven sông, hoa sen dây, hoa cúc quấn, cỏ cây chim cá.

Phương pháp trang trí của gốm Chu Đậu rất đa dạng, phóng khoáng, trữ tình, hài hòa, tinh xảo như vẽ, khắc, họa, đắp… Phương pháp chế tạo cũng đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Xương gốm phần lớn có màu xám nhạt, cứng rắn, có loại trắng đục, trắng trong.

Ngày nay, gốm Chu Đậu đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở Châu Âu.



Gốm Thổ Hà

Làng gốm Thổ Hà nằm ven sông Cầu thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là một trong ba làng gốm nổi tiếng của vùng châu thổ sông Hồng từ vài thế kỷ trước cùng với gốm Phù Lãng và gốm Bát Tràng.

Tương truyền, nghề gốm làng Thổ Hà có từ thế kỷ XIV. Người ta vẫn thường ví rằng, gốm Thổ Hà là tiếng nói của đất và lửa, thể hiện sự bình dị và dân dã nhưng cũng không kém giá trị nghệ thuật. Không giống với gốm Phù Lãng hay gốm Bát Tràng, gốm Thổ Hà không tráng men nhưng màu gốm lại có vẻ đẹp tự nhiên.

Gốm Thổ Hà không dùng men, được nung ở nhiệt độ cao nên đã thành sành, màu nâu sẫm, gõ vào có tiếng kêu coong coong như thép.

Chính do những đặc điểm như vậy mà gốm Thổ Hà được nhiều người ưa chuộng. Trước kia, hầu hết trong nhà của các gia đình ở miền Bắc đều có một sản phẩm của gốm Thổ Hà như máng nước, chum, vại đến những đồ thờ.

Sau một thời gian bị mai một, đến nay, gốm Thổ Hà đã được khôi phục nhờ những nghệ nhân, thợ gốm còn nặng lòng với nghề.



Gốm Phù Lãng

Làng gốm Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, nằm ở hữu ngạn sông Cầu, nơi được coi là có phong cảnh sơn thủy hữu tình hiếm có của đất Kinh Bắc.

Nơi đây, với những nét đặc trưng về môi trường tự nhiên và sinh thái, không những hội tụ đầy đủ điều kiện cho nghề gốm mở mang, phát triển mà còn góp phần định hình sắc thái riêng của gốm Phù Lãng.

Phù Lãng nổi tiếng với nghề làm gốm sành với những mặt hàng truyền thống của làng là như chum, vại, tiểu sành, niêu đất, ấm đất.

Thời kỳ hưng thịnh, thuyền buôn từ các nơi đổ về Phù Lãng và mang gốm đi đến mọi miền đất nước như từ Phú Thọ, Lào Cai đến Tuyên Quang; từ Tuyên Quang sang Thái Nguyên, Bắc Giang rồi xuôi theo các con sông, gốm có mặt ở mọi nơi như Hải Phòng, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La... Đặc biệt, Thanh Hóa có một làng chuyên buôn bán các sản phẩm của Phù Lãng như làng Quan Nội, huyện Hoằng Hóa.

Gốm Phù Lãng mang chất đanh, thô, cứng cáp, có màu nâu đỏ tự nhiên của đất; loại men chủ yếu được xử lý từ những chất liệu rất đơn giản đó là bùn sông Cầu trộn với tro trấu hoặc tro lá cây.

Đến nay, người dân nơi đây vẫn tôn trọng những quy tắc chế tác sản phẩm đã có từ hàng trăm năm nay, đó là sử dụng bàn xoay thủ công.

Nét đặc trưng nổi bật trong trang trí gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi.



Đối với những sản phẩm được sản xuất đại trà như gốm dân dụng, người Phù Lãng rất ít trang trí. Gốm Phù Lãng có ưu thế ở chất men màu tự nhiên, bền và lạ, dáng gốm mộc mạc, thô phác, nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và đậm nét điêu khắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

tải về 23.47 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương