CÁc câu hổi và trả LỜi trong lĩnh vục quản lý TÀi chính kế toáN



tải về 132.57 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu08.07.2016
Kích132.57 Kb.
#1552
CÁC CÂU HỔI VÀ TRẢ LỜI TRONG LĨNH VỤC QUẢN LÝ

TÀI CHÍNH KẾ TOÁN



1/Tôi là kế toán trưởng một Kho bạc Nhà nước huyện. Xin hỏi về nội dung hạch toán theo mục lục Ngân sách, cụ thể như sau: UBND xã mua máy vi tính để bàn và máy in theo danh mục mua sắm: 1./Máy vi tính: 1 bộ: 8.000.000 đồng.2 ./ Máy in: 1 cái: 2.200.000 đồng. Về MLNS, máy vi tính đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định nên hạch toán theo mục 9050, còn máy in không đủ tiêu chuẩn TSCĐ, theo dõi công cụ, hạch toán mục 6550. Nhưng Phòng Tài chính huyện yêu cầu đơn vị hạch toán TSCĐ (theo mục 9050) đối với máy in trên (số tiền: 2.200.000 đồng). Hiện tại về TSCĐ đối với đơn vị sử dụng NSNN, Kho bạc đang kiểm soát theo Quyết định số: 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 của Bộ Tài chính. Cho tôi hỏi việc Kho bạc hạch toán như trên có đúng hay không và có văn bản nào khác hiện hành qui định về tiêu chuẩn của TSCĐ thay thế cho Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC hay không?

 

1. Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm phục vụ quản lý, tính hao mòn TSCĐ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách.

2. Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02/6/2008 Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm phục vụ hạch toán, quyết toán số chi SNNN trong đó có chi mua sắm tài sản, cụ thể:

Theo quy định của Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành Mục lục Ngân sách nhà nước và công văn số 10532/BTC-NSNN ngày 09/9/2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Mục lục SNN, thì Mục 9050 “Mua sắm tài sản dùng cho công tác chuyên môn” dùng để phản ánh khoản chi ngân sách để mua sắm tài sản dùng cho công tác chuyên môn (bao gồm cả thuế trước bạ nếu có) mà không phân biệt đó là TSCĐ hay tài sản không đủ tiêu chuẩn là TSCĐ, nhằm phục vụ quản lý tài sản tốt hơn (không gồm các vật tư văn phòng – được hạch toán ở Mục 6550 - Vật tư văn phòng, như chi mua văn phòng phẩm, sổ sách, công cụ, dụng cụ và vật rẻ tiền, mau hỏng phục vụ cho hoạt động văn phòng,...).

Như vậy, theo quy định tại Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC và công văn số 10532/BTC-NSNN nêu trên, khoản chi ngân sách mua máy vi tính, máy in mà độc giả nêu là chi mua thiết bị tin học, được hạch toán vào Mục 9050 (Tiểu mục 9062 - Thiết bị tin học); không hạch toán vào Mục 6550 “Vật tư văn phòng”.



Trường tôi là trường cao đẳng được nhà nước đảm bảo 100% kinh phí ngoài ra trường còn được nhà nước cấp bù học phí theo Nghị Định 49. Vậy nguồn cấp bù được coi là nguồn thu của đơn vị không và có phải trích 40% để thực hiện cải cách tiền lương không?

(1) Tại Điểm b, Khoản 1 Điều 3 TTLT số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 quy định: “Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp bù tiền học phí miễn, giảm cho cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập có đối tượng được miễn, giảm học phí được hạch toán vào tài khoản thu học phí của cơ sở này và được tự chủ sử dụng theo quy định hiện hành về chế độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập”

            Theo đó, nguồn học phí mà trường được Nhà nước cấp bù được coi là nguồn thu của đơn vị.

            (2) Tại gạch đầu dòng thứ 1, Điểm a, Khoản 1 Điều 3, Thông tư số 54/2011/TT-BTC ngày 28/4/2011 hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo quy định tại nghị định số 22/2011/NĐ-CP ngày 04/4/2011 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung và nghị định số 23/2011/NĐ-CP ngày 04/4/2011 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã nghỉ việc quy định nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 22/2011/NĐ-CP, 23/2011/NĐ-CP trong năm 2011 như sau:



 + Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2011 (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) đã được cấp có thẩm quyền giao đối với từng cơ quan.

+ Sử dụng tối tiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2011

+ Các nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2010 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2011 (nếu có)”

            Theo đó, nguồn thu từ cấp bù học phí theo NĐ 49 là nguồn thu của đơn vị, vì vậy phải thực hiện theo quy định tại Thông tư nêu trên và thuộc nguồn kinh phí sử dụng để chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động./.






Tôi hiện đang công tác tại 1 đơn vị sự nghiệp. Thông tư số 144/2011/TT-BTC quy định bổ sung, sửa đổi và hướng dẫn mục lục ngân sách nhà nước. Tại điều 5, khoản 9 bổ sung tiểu mục 6125 'Thù lao cho các đối tượng theo chế độ quy định' của mục 6100 'phụ cấp lương'. Đề nghị Bộ hướng dẫn rõ những khoản nào, theo quy định nào hạch toán vào tiểu mục trên.

Tiểu mục 6125 “Thù lao cho các đối tượng theo chế độ quy định” được quy định tại khoản 9, Điều 5, Thông tư số 144/2011/TT-BTC ngày 21/10/2011 của Bộ Tài chính. Theo quy định nêu trên, nội dung hạch toán vào Tiểu mục 6125 là các khoản chi thù lao có tính chất là khoản phụ cấp lương do ngân sách nhà nước đảm bảo.

 

Ví dụ: Khoản chi thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội hoạt động có tính chất đặc thù (theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ) theo quy định tại Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ./.






1. Tôi sinh ra, lớn lên và công tác tại 1 huyện thuộc tỉnh Điện Biên. Nay do chồng tôi chuyển công tác (về quê chồng), tôi cũng chuyển công tác thì theo TT 141/2011/BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 quy định về chế độ thanh toán phép hàng năm... tôi (chồng tôi) sẽ được hưởng như thế nào?

2. Tôi được vào biên chế từ năm 1992 là kế toán của 1 phòng thuộc UBND huyện nay chuyển về làm Kế toán tại trường học tiểu học phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, không có phụ cấp ngành, không được hưởng thâm niên theo ngành vậy có được hưởng phụ cấp công vụ không? Vì sao?

1. Về chế độ thanh toán tiền tàu xe đi phép:

Ngày 20/10/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 141/2011/TT-BTC quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Tại khoản 1 Điều 2 quy định đối tượng được thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm như sau:

“a) Cán bộ, công chức đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, núi cao, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT/BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc) có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo pháp luật lao động quy định, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán. 

b) Cán bộ, công chức công tác tại vùng còn lại có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo pháp luật lao động quy định, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm để thăm vợ hoặc chồng; con; cha, mẹ (cả bên chồng hoặc bên vợ) bị ốm đau, bị chết”.

Do thư của bạn không nói rõ nơi bạn đang công tác (quê của chồng) có thuộc vùng sâu, vùng xa, núi cao, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên hay không: Căn cứ theo quy định trên nếu nơi bạn đang công tác (quê của chồng) thuộc vùng sâu, vùng xa, núi cao, hải đảo có hệ số phụ cấp khu vực từ mức 0,5 trở lên và bạn có đủ điều kiện được nghỉ phép hàng năm theo pháp luật lao động định, được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi nghỉ phép năm về thăm gia đình, cha mẹ, vợ hoặc chồng, con hoặc thăm quê quán thì bạn được thanh toán tiền tàu xe đi phép năm theo quy định. Còn nếu nơi bạn đang công tác không thuộc đối tượng được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 trong trường hợp có vợ hoặc chồng; con; cha, mẹ (cả bên chồng hoặc bên vợ) bị ốm đau, bị chết và phải được thủ trưởng cơ quan, đơn vị đồng ý cấp giấy cho đi phép năm thì bạn mới được thanh toán tiền tàu xe đi phép.

2. Về việc hưởng chế độ phụ cấp công vụ:

Điều 1 Nghị định số 57/2011/NĐ-CP ngày 07/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ quy định: “Nghị định này quy định về chế độ phụ cấp công vụ đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ở xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang”.

Căn cứ theo các quy định trên thì trường hợp của Bạn đang công tác tại trường Tiểu học là đơn vị sự nghiệp công lập nên không thuộc đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp công vụ. /.






Tôi hiện đang là nhân viên hành chính tại Trung tâm kỷ thuật tổng hợp hướng nghiệp huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình. Trung tâm tôi thuộc quản lý ngành Giáo dục và đào tạo.Theo chế độ thâm niên công tác ngành giáo dục, các chức danh nhân viên hành chính có được hưởng phụ cấp thâm niên không? Nhân viên hành chính trung tâm có được hưởng Phụ cấp công vụ không?

1) Về chế độ phụ cấp công vụ:

Do Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2011/NĐ-CP ngày 7/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ, đề nghị bạn đọc trao đổi với Bộ Nội vụ để được hướng dẫn trả lời cụ thể.

(2) Về chế độ phụ cấp thâm niên:

                 Theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thì chế độ phụ cấp thâm niên chỉ áp dụng đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo quy định trên nếu bạn là nhân viên hành chính, không phải là giáo viên thì không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên./.





Theo thông tư Số 139/2010/TT-BTC của Bộ Tìa chính ngày 21/9/2010 về việc ' Quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức', trong Điều 3. Mức chi, điểm 1. Chi đào tạo, bồi dưỡng CBCC ở trong nước quy định các mức chi cụ thể. Vậy xin hỏi: Bí thư, phó bí thư cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương; Giảng viên, báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại Đảng ủy Khối các cơ quan cấp tỉnh được áp dụng mức chi tối đa là bao nhiêu? Xin chân thành cảm ơn.

Ngày 21/9/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 139/2010/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Khoản 1 Điều 3 quy định: “Tuỳ theo đối tượng, trình độ học viên mà các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng CBCC bố trí mời giảng viên, báo cáo viên từng cấp cho phù hợp. Mức chi thù lao giảng viên, báo cáo viên (đã bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) theo quy định sau:

a) Giảng viên, báo cáo viên là Uỷ viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Bí thư tỉnh uỷ và các chức danh tương đương: Mức tối đa không quá 1.000.000 đồng/buổi;

b) Giảng viên, báo cáo viên là Thứ trưởng, Chủ tịch HĐND và UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Bí thư tỉnh uỷ và các chức danh tương đương; giáo sư; chuyên gia cao cấp; Tiến sỹ khoa học: Mức tối đa không quá 800.000 đồng/buổi;

c) Giảng viên, báo cáo viên là cấp Phó chủ  tịch HĐND và UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Vụ trưởng và Phó vụ trưởng thuộc Bộ, Viện trưởng và phó viện trưởng thuộc Bộ, Cục trưởng, Phó cục trưởng và các chức danh tương đương; phó giáo sư; tiến sỹ; giảng viên chính: Mức tối đa không quá 600.000 đồng/buổi;

d) Giảng viên, báo cáo viên còn lại là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị  ở trung ương và cấp tỉnh (ngoài 3 đối tượng nêu trên): Mức tối đa không quá 500.000 đồng/buổi.

đ) Giảng viên, báo cáo viên là cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các đơn vị từ cấp huyện và tương đương trở xuống: Mức tối đa không quá: 300.000 đồng/buổi.”

Căn cứ theo các quy định trên, đối với các chức danh Bí thư, Phó Bí thư cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương được áp dụng mức chi là 300.000 đồng/buổi theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại Đảng uỷ khối các cơ quan cấp tỉnh được áp dụng mức chi là 500.000 đồng/buổi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư số 139/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính./.






Ngày 07/7/2011 Chính Phủ có Nghị định số 57/2011/NĐ-CP về Chế độ phụ cấp công vụ. Theo đó, mức phụ cấp công vụ bằng 10% mức lương hiện hưởng được tính từ ngày 01/5/2011. Nghi định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2011. Ban Quản lý Dự án Giáo dục Kỹ thuật và Dạy nghề chúng tôi là đơn vị hành chính nhà nước thuộc Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH - là đối tượng được áp dụng chế độ phụ cấp công vụ theo Nghị định nêu trên. Tuy nhiên, khi chúng tôi làm đề nghị thanh toán chi trả chế độ 10% phụ cấp công vụ nêu trên cho CBCNV thì Kho bạc Nhà nước T.P Hà Nội, nơi Ban QLDA giao dịch, chưa duyệt kiểm soát chi với lý do: Điều 7 Nghi định nêu trên nói rõ Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện nguồn kinh phí chế độ phụ cấp công vụ tại Nghi định này. Nhưng cho đến nay, Kho bạc vẫn chưa nhận được văn bản nào của Bộ Tài chính về việc này.

Ngày 5/12/2011, Bộ Tài chính đã có công văn số 16485/BTC-NSNN hướng dẫn về nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp công vụ đối với người làm việc theo hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Cụ thể:

- Nhu cầu kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp công vụ năm 2011 đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không thời hạn (hợp đồng thời hạn không xác định): Các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2011 và nguồn đảm bảo theo quy định của Thông tư số 54/2011/TT-BTC ngày 28/4/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo quy định tại Nghị định số 22/2011/NĐ-CP ngày 04/4/2011 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu và Nghị định số 23/2011/NĐ-CP ngày 04/4/2011 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.

 

- Đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm: Các Bộ, cơ quan Trung ương và các ban ngành ở địa phương bố trí trong dự toán chi thường xuyên được giao để đảm bảo chế độ cho người lao động.



Do vậy, nếu Ban Quản lý Dự án Giáo dục Kỹ thuật và Dạy nghề thuộc Tổng Cục Dạy nghề theo Quyết định thành lập là cơ quan hành chính nhà nước thì nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp công vụ năm 2011 đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo quy định tại  công văn số 16485/BTC-NSNN nêu trên./.




Tôi xin được tư vấn về vấn đề mua sắm tài sản trong đơn vị HCSN: thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về kiềm chế chống lạm phát. Trong tháng 10 cơ quan tôi do bộ âm ly phòng họp bị hỏng dù không được bổ sung kinh phí , nhưng do yêu cầu của cơ quan sử dụng thường xuyên nên lãnh đạo duyệt cho mua 01 bộ âm li để dùng bằng nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị giá mua gồm cả bộ mic là 8.500.000đồng. Với một hợp đồng mua bán dưới 10.000.000 đồng như vậy nhưng theo nghị quyết 11 thì KBNN tỉnh không được chi. Như vậy có đúng với chủ trương của Chính phủ đặt ra không? Nếu cơ quan muốn thanh toán được cần phải làm những thủ tục gì?

Thực hiện việc mua sắm tài sản theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6817/VPCP-KHTH ngày 28/9/2011 của Văn phòng Chính phủ, ngày 26/10/2011 Bộ Tài chính có Công văn số 14355/BTC-QLCS hướng dẫn việc mua sắm tài sản theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; theo đó, đối với thiết bị văn phòng, phương tiện làm việc và các tài sản kháccó giá trị mua sắm dưới 100 triệu đồng (tính cho một gói mua sắm của một đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước), đảm bảo điều kiện đã thực hiện rà soát, sắp xếp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và được bố trí kinh phí mua sắm trong dự toán ngân sách được giao thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào dự toán ngân sách được giao và yêu cầu nhiệm vụ công tác, quyết định việc mua sắm, trang bị, thay thế đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chế độ, hiệu quả, tiết kiệm đối với từng trường hợp cụ thể.

 

Căn cứ hướng dẫn này, việc mua sắm tài sản là 01 bộ âm li (gồm cả bộ mic) với số tiền 8.500.000 đồng, chưa có trong dự toán ngân sách nhà nước giao của đơn vị (theo như nội dung độc giả nêu) thì Kho bạc nhà nước Tỉnh không thanh toán khoản chi này là phù hợp./.






Tôi là kế toán trường học công tác được 22 năm các chế độ PC ưu đãi, thâm niên không đựơc hưởng, đến nay chế độ phụ cấp công vụ cũng không được hưởng thì thiệt thòi cho những người làm công tác trong trường học. Tôi xin hỏi vì sao nhân viên như chúng tôi không được hưởng một chế độ gì?

-        Theo quy định tại Thông tư số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23 tháng 01 năm 2006 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thì chế độ phụ cấp ưu đãi chỉ áp dụng đối với nhà giáo và cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định của cấp có thẩm quyền.

-        Theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thì chế độ phụ cấp thâm niên chỉ áp dụng đối với đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo các quy định trên nếu bạn là kế toán không phải là giáo viên thì không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên./.





Tôi là giáo viên, trước giảng dạy tại huyện Chưprông tỉnh Gia lai, nay về công tác tại xã Duy hải huyện Duy xuyên tỉnh Quảng nam. (xã đặc biệt khó khăn). Như vậy tôi có được trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng không?

Tại Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, quy định:

(1)        Trợ cấp lần đầu: Nhà giáo, CBQLGD kể cả những người mới tốt nghiệp được cấp có thẩm quyền tuyển dụng và bố trí công tác được cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo có thẩm quyền luân chuyển đến công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể từ ngày 13/7/2006 trở về sau được hưởng một khoản trợ cấp lần đầu 4.000.000đ (bốn triệu đồng) cho một người.

(2)        Trợ cấp chuyển vùng: Nhà giáo, CBQLGD hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo có thẩm quyền quyết định luân chuyển từ địa bàn không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đến nhận công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể từ ngày nhận quyết định trong khoảng thời gian tính từ ngày 25/7/2001 trở về sau được hưởng trợ cấp chuyển vùng.

Theo quy định trên, thì chế độ trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng chỉ áp dụng cho người lần đầu đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nếu chuyển từ vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn này sang vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn khác thì không dược hưởng.

Do Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì ban hành Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, vì vậy đề nghị độc giả  trao đổi thêm với Bộ Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn thực hiện cho thống nhất. /.





Theo quy dịnh tại TT 97 về chế độ công tác phí, trường hợp sử kinh phí tự chủ thì thực hiện mức khoán tiền thuê phòng nghỉ (không cần hoá đơn tài chính). vậy trường hợp đối với KP không khoán, KP chương trình mục tiêu quốc gia có sử dụng đi công tác, thì có quy dịnh mức khoán tiền thuê phòng nghỉ khi đi công tác được không hay phải thực hiện thanh toán theo hoá đơn thực tế?

- Tại điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/07/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập quy định:

“Trường hợp người đi công tác không nhận thanh toán theo hình thức khoán tại điểm a nêu trên thì được thanh toán theo giá thuê phòng thực tế (có hoá đơn hợp pháp) do Thủ tưởng cơ quan, đơn vị duyệt theo tiêu chuẩn thuê phòng”

- Tại khoản 6 Điều 5 Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/07/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập quy định:

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động, đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ, được quyết định mức chi công tác phí, chi tổ chức hội nghị cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể hoá mức chi theo quy định tại Thông tư này và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với khả năng ngân sách, đặc điểm hoạt động của đơn vị. Đối với những khoản kinh phí chi không thường xuyên (kinh phí không giao khoán) thì thực hiện chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị theo mức chi quy định cụ thể của Bộ, ngành, địa phương về cụ thể hoá mức chi quy định tại Thông tư này”.



Căn cứ theo các quy định nêu trên, việc thanh toán tiền công tác phí theo hình thức khoán hay theo hoá đơn thực tế không phụ thuộc vào nguồn kinh phí được khoán hay không. Đối với trường hợp thanh toán tiền công tác phí từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia (kinh phí chi không thường xuyên) thì được thanh toán theo mức chi quy định của đơn vị bạn về cụ thể hoá các mức chi được quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC. /.




Tôi là cán bộ tài chính - kế toán phường Thịnh Liệt, tôi muốn hỏi như sau: Năm 2011, phường Tôi được phân bổ dự toán 4 tỷ đồng, đến thời điểm này có một số nhiệm vụ phát sinh nhưng thiếu ngân sách, xin hỏi Tôi có thể dùng nguồn kết dư ngân sách năm 2010 để thực hiện bổ sung dự toán chi năm 2011 cho các nhiệm vụ phát sinh có được không – văn bản nào của Chính phủ, Bộ quy định về sử dụng nguồn tiền kết dư năm trước?

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 hướng dẫn thực hiện Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN và Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 Quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn. Theo đó, kết dư ngân sách của phường được chuyển vào thu ngân sách năm sau để bố trí nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN. Như vậy, kết dư ngân sách phường năm 2010 được chuyển vào thu ngân sách phường năm 2011 và bố trí dự toán chi ngân sách phường năm 2011. Trường hợp nguồn kết dư ngân sách phường năm 2010 chưa bố trí trong dự toán giao năm 2011, Ủy ban nhân dân phường lập phương án sử dụng đối với từng nhiệm vụ chi thống nhất với Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phường trước khi thực hiện, định kỳ Ủy ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân tình hình thực hiện./.




Chúng tôi là nhân viên kế toán, thư viện ,thiết bị, văn thư , phục vụ vvv trường học .Đối với những người như chúng tôi có đủ điều kiện thì vẫn được tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục, Nhưng khi xếp phụ cấp thâm niên ngành giáo dục thì lại không được. Vậy xin hỏi chúng tôi thuộc đối tượng nào? ngành nào quản lý?

Theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thì chế độ phụ cấp thâm niên chỉ áp dụng đối với đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Theo các quy định trên nếu bạn là nhân viên kế toán, văn thư, phục vụ không phải là giáo viên thì không được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo./.






/ Hợp đồng lao động dài hạn không nằm trong chỉ tiêu biên chế có được hưởng phụ cấp công vụ theo Nghị định 57/2011/NĐ-CP hay không. 2/Có một số đơn vị xếp loại hợp đồng lao động dài hạn vào loại hợp đồng lao động khác tại mục 6 điều 1 của Nghị định 68/2000/NĐ-CP để hưởng phụ cấp công vụ có đúng hay không?

1/ Theo quy định tại điểm d điều 2 Nghị định số 57/2011/NĐ-CP về“đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp công vụ”: Người làm việc theo hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp (không bao gồm người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập);

2/ Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: Thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc sau đây trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp :

- Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp;

- Lái xe;

- Bảo vệ;

- Vệ sinh;

- Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp;

- Công việc khác.

Do vậy, các đối tượng hợp đồng lao động dài hạn để thực hiện một số loại công việc theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ở xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang được hưởng phụ cấp công vụ theo Nghị định 57/2011/NĐ-CP./.





Câu hỏi 1: 2. Đối tượng được thanh toán tiền lương, hoặc tiền bồi dưỡng cho những ngày được nghỉ phép hàng năm theo pháp luật quy định nhưng chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm: a, Các đố tượng được thanh toán tiền lương theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ: - Theo đó tôi không hiểu là các đối tượng ở mục a này sẽ được hưởng tiền lương tháng như bình thường ngoài ra còn được thêm tiền lương nghỉ phép của những ngày nghỉ phép chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết (tức là những ngày phép này có 2 khoản lương bằng nhau)? Hay là các đối tượng này chỉ được hưởng lương nghỉ phép mà không có lương tháng bình thường ?

Câu hỏi 2: Cũng thông tư trên tại điều 4 khoản 1 mục a có quy định Nội dung chi: Người đi nghỉ phép được thanh toán tiền phụ cấp đi đường (tương đương với mức phụ cấp lưu trú theo chế độ công tác phí hiện hành) và tiền phương tiện đi lại khi nghỉ phép?

Ngày 20/10/2011, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 141/2011/TT-BTC quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Tại khoản 2 Điều 5 quy định “Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định chi trả tiền lương đối với những ngày chưa nghỉ phép năm, theo mức lương ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên nghề, phụ cấp khu vực, phụ cấp độc hại (nếu có) đang hiện hưởng của từng đối tượng cán bộ, công chức”.

Căn cứ theo quy định trên thì các đối tượng theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 195/CP ngoài tiền lương hàng tháng được hưởng còn được thanh toán thêm tiền lương đối với những ngày chưa nghỉ phép năm nếu đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 141/2011/TT-BTC./.






Tôi làm công tác tài chính ở xã, có vấn đề xin được giải đáp: Trong thực hiện dự toán thu chi NS thì ngoài những khoản chi của ngân sách còn có những khoản chi từ nguồn vận động, đóng góp trong nhân dân (đóng góp cho từng khoản chi cụ thể). Để quản lý tốt nguồn thu này xã nộp vào NS bằng hình thức ghi thu- ghi chi và quyết toán vào khoản thu để lại quản lý qua NS. Nhưng cơ quan tài chính huyện không đồng ý buộc phải đưa vào cân đối NS. Nếu nguồn thu này đưa vào cân đối thì đây là nguồn tăng thu(vì dự toán đầu năm không giao chỉ tiêu khoản thu này và đây là nguồn thu không thường xuyên),phòng tài chính yêu cầu phải để lại 50% cải cách tiền lương, chỉ được sử dụng 50% để chi, như vậy số tiền đóng góp của nhân dân sẽ bị sử dụng không đúng mục đích mà họ đóng góp. Xin hỏi việc xử lý của cơ quan tài chính như vậy có đúng không? trường hợp trên phải xử lý như thế nào?

Theo quy định điểm 1.1, khoản 1, mục I, phần II Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn thì căn cứ quy mô nguồn thu, chế độ phân cấp quản lý kinh tế - xã hội và nguyên tắc đảm bảo tối đa nguồn tại chỗ cân đối cho các nhiệm vụ chi thường xuyên, khi phân cấp nguồn thu, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét dành cho ngân sách xã hưởng 100% một số khoản thu; trong đó có các khoản huy động đóng góp của tổ chức, cá nhân gồm: các khoản huy động đóng góp theo pháp luật quy định, các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã quản lý và các khoản đóng góp tự nguyện khác.

 

Như vậy, trường hợp Hội đồng nhân dân tỉnh Long An đã có quyết định phân cấp thu, chi ngân sách nhà nước từ khoản thu huy động đóng góp theo quy định của pháp luật và các khoản thu đóng góp tự nguyện của của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho ngân sách cấp xã thì những khoản thu, chi nêu trên được quản lý qua ngân sách nhà nước. Riêng đối với khoản huy động đóng góp của tổ chức, cá nhân trên nguyên tắc tự nguyện để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật, nếu Hội đồng nhân dân xã quyết định đưa vào ngân sách xã thì thuộc nguồn thu ngân sách xã.



 

 Do các khoản thu huy động theo quy định của pháp luật và khoản thu đóng góp tự nguyện của nhân dân cho ngân sách cấp xã được sử dụng cho mục tiêu xác định, do đó không sử dụng nguồn thu này để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương./.






Đơn vị tôi là Trung tâm Phát triển quỹ đất mới được thành lập. Tôi chưa hình dung ra khoản tiền thu được 2% từ các công trình bồi thường sẽ phân bổ chi cho hoạt động thường xuyên của đơn vị như thế nào là đúng? Theo Thông tư 57/2010/TT-BTC thì sau 30 ngày khi công trình bồi thường đã được chi trả hoàn tất thì phải quyết toán với cơ quan tài chính toàn bộ kinh phí bồi thường, vậy khi quyết toán công trình tôi có phải quyết toán cả chi phí 2% không? Nếu đã phân bổ vào chi thường xuyên của đơn vị thì quyết toán như thế nào. Chi phí 2% được trích từ công trình bồi thường, bản chất của số tiền này có phải là dùng để chi cho mọi hoạt động của công trình từ khi khởi công đến lúc hoàn thành không?

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16/4/2010 của Bộ Tài chính và Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 08/01/2010 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính của Tổ chức phát triển quỹ đất thì:

 

- Trường hợp Trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động theo mô hình của Tổ chức phát triển quỹ đất đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của Chính phủ: Kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được giao là một nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của đơn vị và đơn vị có trách nhiệm thực hiện chi theo các nội dung công việc về thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện. Sau khi cơ quan tài chính phê duyệt quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án đã được nhận và sử dụng; trường hợp số chi thực tế theo quyết toán được duyệt ít hơn số kinh phí đã nhận thì thực hiện hạch toán phần chênh lệch vào kết quả hoạt động của đơn vị.



 

- Trường hợp Trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động theo mô hình của Tổ chức phát triển quỹ đất chưa được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của Chinh phủ: Kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được giao là một nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp của đơn vị và đơn vị có trách nhiệm thực hiện chi theo các nội dung công việc về thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện. Sau khi cơ quan tài chính phê duyệt quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án đã được nhận và sử dụng; trường hợp số chi thực tế theo quyết toán được duyệt ít hơn số kinh phí đã nhận thì phần chênh lệch được chuyển trả chủ đầu tư và chủ đầu tư phải điều chỉnh quyết toán kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo số chi thực tế./.






Cách tính tiền lương và tiền trợ cấp ban đầu đối với giáo viên giảng dạy trong vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn (cấp trung HCS) (cao đẳng)?

(1)   Về tính phụ cấp trợ cấp: Cách tính phụ cấp, trợ cấp đã được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể:

a) Cách tính phụ cấp ưu đãi:

Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [(hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

b) Cách tính phụ cấp trách nhiệm công việc:

Tiền phụ cấp trách nhiệm công việc được hưởng trong 1 tháng = Mức lương tối thiểu chung x 0,3.

c) Cách tính phụ cấp thu hút:

Tiền phụ cấp thu hút được hưởng trong 1 tháng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x 70%.

d) Cách tính Phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và nước sạch

Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tính chi phí phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt theo hướng dẫn sau:

Căn cứ để tính phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt cho một người, bao gồm:

+ Định mức tiêu chuẩn: 6 mét khối/người/tháng. (a)

+ Số tháng thực tế thiếu nước ngọt trong 1 năm. (b)

+ Chi phí mua và vận chuyển 1 mét khối nước ngọt đến nơi ở và làm việc của nhà giáo, CBQLGD do UBND cấp tỉnh quy định. (c)

+ Giá nước ngọt được tính trong tiền lương là giá kinh doanh một mét khối nước sinh hoạt do cấp có thẩm quyền ở địa phương quy định. (d)

Như vậy:

+ Mức phụ cấp được hưởng trong 1 tháng là: a x (c - d)

+ Mức phụ cấp được hưởng trong 1 năm là: a x (c - d) x b

- Cách tính Phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số

Tiền phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số bằng 50% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Mức phụ cấp được hưởng trong 1 tháng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x 50%.






Chúng tôi là những giáo viên đang công tác tại xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Chúng tôi đã được hưởng hết 5 năm chế độ thu hút theo nghị định 61/2006. Vậy chúng tôi có được hưởng chế độ thu hút theo nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 không?

Tại điều 3, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, quy định nguyên tắc áp dụng như sau: Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang thuộc đối tượng áp dụng của chính sách quy định tại Nghị định này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng của chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó.

Theo đó bạn đã hưởng chế độ phụ cấp thu hút theo NĐ 61 là 5 năm thì không được hưởng chế độ phụ cấp thu hút theo NĐ 116. Đề nghị bạn đọc trao đổi thêm với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ để được hướng dẫn thực hiện cho thống nhất./.






Cơ quan tôi là đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP. Xin hỏi:

1. Cơ quan tôi hiện đang thiếu 02 biên chế so với chỉ tiêu biên chế được giao, khi được giao kinh phí thực hiện chế độ tự chủ thì 02 biến chế còn thiếu được giao theo định mức phân bổ ngân sách nhà nước tính trên biên chế 50.000.000 đồng/1 biên chế(VD: 2 biên chế x 50.000.000 đ/1biên chế) hay giao theo mức lương khởi điểm 2,34 (VD: 2 biên chế x 2,34 x 830.000 đ x 12 tháng)?

2. Cơ quan đảng thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP (VD: Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng huyện uỷ) có được ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17/11/2000 không? Nếu được ký thì mỗi đơn vị được ký bao nhiêu hợp đồng theo Nghị định 68?

1. Theo quy định tại khoản 3 điều 4 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP: “Trường hợp sử dụng biên chế thấp hơn so với chỉ tiêu được giao, cơ quan vẫn được bảo đảm kinh phí quản lý hành chính theo chỉ tiêu biên chế được giao”.

Vì vậy, cơ quan bạn được bảo đảm kinh phí cho 02 biên chế còn thiếu. Số kinh phí được giao cho 02 biên chế còn thiếu bao gồm tiền lương và kinh phí chi hoạt động thường xuyên theo định mức, cụ thể như sau:

- Tiền lương: tính theo mức lương khởi điểm 2,34 x lương tối thiểu 830.000 đồng x 12 tháng x 2 biên chế.

- Chi hoạt động thường xuyên theo định mức: 2 biên chế x định mức chi theo quy định tại Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2011.

 

2. Theo quy định tại khoản 4 điều 4 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được hợp đồng thuê khoán công việc và hợp đồng lao động đối với một số chức danh theo quy định của pháp luật trong phạm vi nguồn kinh phí quản lý hành chính được giao. Vì vậy, các cơ quan bạn hỏi ở trên được ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2010. Số lượng lao động hợp đồng tuỳ thuộc vào nhu cầu của từng cơ quan và trong phạm vi nguồn kinh phí quản lý hành chính được giao./.






Trung tâm phát triển quỹ đất chúng tôi là đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo tòan bộ chi phí họat động theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Vậy, đối với khoản tiền thu được từ hoạt động trích được không quá 2% tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ dự án chưa sử dụng hết, có được phép chuyển vào tài khoản tiền gưỉư tại các tổ chức tín dụng để thu lãi và hạch toán vào nguồn thu của đơn vị không?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại khoản 2 điều 26 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Điều 6 Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16/4/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Mục II Thông tư số 81/2006/TT-BTC ngày 06/9/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kiểm soát chi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính thì Trung tâm phát triển quỹ đất của bạn đọc không được phép chuyển vào tài khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng phần chênh lệch do không sử dụng hết kinh phí tổ chức thực hiện bồ thường, hỗ trợ và tái định cư để thu lãi đối với dự án, tiểu dự án do Trung tâm tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Phần chênh lệch này được hạch toán kết quả hoạt động của Trung tâm./.






Sang tháng 01/2011, phòng Tài chính huyện mới nhận được thông báo bổ sung mục tiêu cho NSĐP năm 2010. Vậy chúng tôi có thể tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định (lấy số, lấy ngày quyết định của tháng 01 năm 2011) để cấp kinh phí năm 2010 và thực hiện thanh quyết toán vào niên độ năm 2010 được không? Hay chúng tôi phải chuyển nguồn sang năm 2011 để thực hiện?

Trả lời:

Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách các cấp (gồm ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã) đến hết ngày 31/01 năm sau (Điểm 4 Mục I Thông tư 108/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý ngân sách cuối năm và lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm). Thời hạn đơn vị sử dụng ngân sách gửi hồ sơ chứng từ chi ngân sách (kể cả thanh toán các khoản tạm ứng) theo chế độ quy định đến KBNN nơi giao dịch chậm nhất đến hết ngày 25/01 năm sau (Điểm 1 Mục I Thông tư 108/TT-BTC)

            Theo quy định tại Khoản 5.1 Điểm 5 phần IV Thông tư 59/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước, thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách là thời gian ngân sách các cấp thực hiện: “...Hạch toán chi ngân sách các khoản tạm ứng đã đủ thủ tục thanh toán; … Hạch toán các khoản chi ngân sách thuộc nhiệm vụ chi của năm trước nếu được cấp có thẩm quyền quyết định cho chi tiếp vào niên độ ngân sách năm trước;…”.

Như vậy, đối với trường hợp bạn đọc nêu trên, nếu đảm bảo các thủ tục theo quy định trong khoảng thời gian từ 01/01/2011 đến trước ngày 26/01/2011, phòng Tài chính huyện được tham mưu để UBND huyện quyết định cấp kinh phí trong tháng 01/2011 (gửi KBNN chậm nhất là ngày 25/1/2011) đồng thời thực hiện hạch toán khoản kinh phí nêu trên vào niên độ ngân sách năm 2010; Khi đó, trường hợp các khoản chi ngân sách đủ điều kiện quyết toán thì thực hiện quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2010. Trường hợp các khoản chi chưa đủ điều kiện quyết toán thì cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục chuyển nguồn sang năm sau để thực hiện theo quy định.

Nếu không kịp hoàn thành các thủ tục gửi KBNN theo thời hạn trên, Phòng Tài chính huyện làm thủ tục chuyển nguồn sang năm 2011 để thực hiện và tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định cấp kinh phí vào niên độ ngân sách năm 2011./.





Cơ quan tôi có tiếp đoàn khách của Ủy ban nhân dân Đà Nẵng vào làm việc. Trong dự toán gửi Sở Tài chính đề nghị cấp kinh phí bổ sung để tiếp đoàn, chỉ dự trù tiền xăng xe đưa đón, tiệc chiêu đãi. Tuy nhiên khi chi thực tế có chi mua quà tặng lưu niệm cho đoàn (bao gồm sách, tranh). Vậy cơ quan tôi có được thanh toán phần phát sinh mua quà tặng này không?

Bộ Tài chính trả lời như sau:

Tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước đã quy định:

“ Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp phải thực hành tiết kiệm trong việc tiếp khách; việc tổ chức tiếp khách phải đơn giản, không phô trương hình thức, thành phần tham dự chỉ là những người trực tiếp liên quan. Không sử dụng ngân sách để mua quà tặng đối với các đoàn khách đến làm việc. Mọi khoản chi tiêu tiếp khách phải đúng chế chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định; phải công khai, minh bạch và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức tiếp khách phải trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc chi tiêu sau quy định”.

Căn cứ theo quy định trên thì cơ quan của Bạn không được phép sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để mua quà tặng đối với các đoàn khách đến làm việc./.




tải về 132.57 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương