Có Và Không ht như Điển o0o Nguồn


Chương III - Có và Không theo quan niệm về vũ trụ và nhân sinh



tải về 1.14 Mb.
trang5/22
Chuyển đổi dữ liệu06.06.2018
Kích1.14 Mb.
#39414
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

Chương III - Có và Không theo quan niệm về vũ trụ và nhân sinh

Quan niệm của Đức Phật về vũ trụ rất bao la vi diệu; không nằm cục bộ ở một nơi nhất định nào, mà tất cả chúng sanh trong thế giới nầy hay thế giới khác cũng chỉ là một hạt bụi nhỏ li ti trong 3.000 thế giới lớn nhỏ mà thôi. Con số 3.000 là con số tượng trưng, chứ thật ra một Đại Thiên Thế Giới như thế gồm có nhiều thế giới khác và một Tam Thiên Đại Thế Giới nếu nhân ra sẽ có những con số như sau:

"Kinh nói: Thế giới chia ra làm Tiểu Thiên, Trung Thiên và Đại Thiên, ba loại khác nhau. Gộp 4 đại châu, mặt trời, mặt trăng, chư thiên lại thì thành một thế giới. Một ngàn thế giới gọi là một Tiểu Thiên Thế Giới. Một ngàn Tiểu Thiên Thế Giới thành một Trung Thiên Thế Giới và một ngàn Trung Thiên Thế Giới thành một Đại Thiên Thế Giới. (PHTĐ Hán-Việt, trang 365).

Nếu làm con số nhân ta sẽ có:

1.000 Thế giới = 1 Tiểu Thiên thế giới

1.000 Tiểu Thiên thế giới = 1 Trung Thiên thế giới

1.000 Trung Thiên thế giớI = 1 Đại Thiên thế giới

Cả 3.000 Đại Thiên thế giới như thế thì quả thật vũ trụ nầy rất bao la vô tận, không có cái cuối cùng. Mà một thế giới theo như định nghĩa bên trên thì gồm có 4 đại châu. Tức là các châu nầy nằm 4 phía của núi Tu Di gồm có: Nam Thiệm Bộ Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu hóa châu và Bắc Câu lư châu. Kể thêm cả mặt trời mặt trăng nữa thì thành một thế giới. Một thế giới của Phật Giáo rộng lớn như thế, chứ không phải chỉ có 5 châu lục trên quả địa cầu nầy.

Ngày nay khoa học đã đi đến mặt trăng và nhiều ngôi sao khác. Tuy chưa đến mặt trời, nhưng cũng đã hiểu ra lời Phật dạy là: Thế giới nầy, vũ trụ nầy nó không có cái cuối cùng. Ở đây xin cắt nghĩa rõ ràng từng châu một để chúng ta có một cái nhìn khái quát hơn:

Nam Thiệm Bộ Châu (Jambudvipa - có nghĩa là Đất). Còn gọi là Nam Diêm Phù Đề. Diêm Phù Đề tức là tên của một loài cây ở Thiệm Bộ. Đề là nghĩa của châu. Nơi đất nầy có cây Thiệm Bộ, cho nên đem nó để đặt tên châu. Ở trong Diêm Hải, Nam Thiệm Bộ Châu nằm ở phía Nam núi Tu Di.

Đông Thắng Thần Châu. Châu nầy ở trong biển Hàm Hải; nằm về phía Đông núi Tu Di. Hình thể châu nầy rất đẹp, cho nên gọi là Thắng Thân.

Tây Ngưu Hóa Châu (Aparagodàniya - Tạp danh) tên một châu lục lớn ở Tây Thiên. Còn gọi là Cù Đà Ni, dịch là Ngưu Hóa; do phong tục ở đây dùng trâu làm tiền tệ để trao đổi. Châu nầy nằm phía Tây núi Tu Di.

Bắc Câu Lưu Châu là một trong 4 châu được nhắc tới trong kinh Phật. Châu nầy ở phía Bắc núi Tu Di. Nhân dân châu nầy bình đẳng an lạc, thọ đủ 1.000 tuổi. Châu nầy hình vuông. Trước kia gọi là Uất Đan Việt. Châu nầy còn gọi là Uất Đa La Cứu Lưu (Uttara-Kuru).

Ở đây chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm về núi Tu Di để biết một ít về địa lý của 4 châu trong một thế giới theo cái nhìn của Đạo Phật. Tu Di (Sumeru) là tên núi. Trung tâm của một Tiểu Thế Giới, dịch là Diệu Cao, Diệu Quang, An Minh, Thiện Tích, Thiện Cao v.v... Phần dưới cùng của khí thế giới là Phong luân, trên là Thủy luân, trên nữa là Kim luân, tức Đại luân. Trên đó có 9 núi 8 bể là: Trì Song, Trì Trục, Đảm Mộc, Thiện Kiến., Mã Nhĩ, Tượng Tỵ, Trì Biên và Tu Di, cùng với núi Thiết Vi. Núi trung tâm của khu vực nầy là núi Tu Di. Sâu vào nước 8 vạn do tuần, trên đỉnh núi là nơi ở của Đế Thích, lưng chừng là nơi ở của Tứ Thiên Vương; chung quanh có 7 Hương Sơn và 7 Kim Sơn. Ngoài Kim Sơn thứ 7 có bể nước mặn. Phía ngoài là núi Thiết Vi. Cho nên gọi là 9 núi 8 bể. Bốn Đại Châu của Thiệm Bộ Châu, tức là bốn châu ở bốn phía của bể mặn nầy.

Như vậy là một thế giới. Một thế giới của Phật Giáo nó rộng rãi bao la như thế, chứ không phải chỉ gồm có 5 châu lục trong quả địa cầu nầy. Nếu đen 5 châu lục trên quả địa cầu nầy để so sánh với một thế giới của Phật Giáo hẳn còn nhỏ bé lắm. Phật Giáo không những chỉ có một thế giới như thế, mà có đến vô lượng thế giới như thế. Ngày nay khoa học đã phải thầm phục trí tuệ siêu việt của Đức Phật đã vượt hẳn không gian vô cùng và thời gian vô tận ấy.

Sự hình thành của thế giới là do tâm niệm của chúng sanh trong thế giới ấy mà tạo nên và khi thế giới ấy bị hủy diệt, có nghĩa là do nghiệp lực và tâm niệm của chúng sanh trong thế giới ấy đã không còn phước đức nữa. Nên sự suy tàn đã đến và sự hủy diệt lại kéo theo sau, để rồi các vi trần tại thế giới nầy sẽ di chuyển đi các nơi khác để thành lập một thế giới khác vậy. Như trên chúng ta đã thấy, một thế giới được thành lập, đầu tiên là do chất nóng biến thể mà thành. Sau đó là không khí bao bọc bên ngoài. Không khí sẽ tạo nên nước; nước sẽ tạo thành đất. Bốn chất nầy gọi là Tứ Đại. Trong thân thể của chúng ta đều đầy đủ 4 chất nầy. Từ 4 chất nầy sẽ biến đổi qua thân nầy đến thân kia. Rồi thời gian năm tháng, 100 năm, 1.000 năm, 10.000 năm hay một triệu năm, rồi 1 tỷ năm, 2 tỷ cho đến 5 hay 10 tỷ năm sau con người đã thay đổi hẳn từ hình thức nầy đến hình thức khác. Con người cũng chỉ là một sinh vật trong vô lượng sinh vật khác hiện có mặt trên quả địa cầu nầy và con người cũng phải bị luật tự nhiên chi phối. Có nghĩa là: Có sinh ra, có lớn lên, có già thì phải có chết. Không ai tránh khỏi định luật nầy. Đối với Phật Giáo, không có một đấng toàn năng, toàn trí sáng tạo ra vũ trụ, sáng tạo ra con người; mà vũ trụ nầy do nhân duyên hòa hợp mà thành; rồi cũng do nhân duyên mà tan rã. Con người cũng thế. Con người do nghiệp lực đã tạo ở nhiều đời trước; nên đời nầy phải sinh trở lại làm người để trả lại nơi xưa và cũng có thể ở đời nầy, sau khi chết, sẽ đi đầu thai vào thế giới cao hơn; nếu trong kiếp nầy chúng ta đã trả nợ xưa đầy đủ và bồi đắp phước đức dư thừa; nên mới sanh thiên giới. Hoặc giả sanh vào một thế giới cao hơn nữa. Cũng có nhiều chúng sanh trong kiếp nầy đã không tạo được những phước đức mà còn gây thêm nhiều tội lỗi khổ đau cho kẻ khác, thì chúng sanh ấy chắc chắn phải đi vào những cõi khổ sở hơn, như làm trâu, ngựa, heo, bò, gà. vịt v.v... hay bị đọa vào những chốn hiểm trở của địa ngục A Tỳ hoặc giả phải trở lại chốn nầy để đền trả nợ xưa v.v...

Cuộc sống của chúng ta cũng giống như một bóng điện và dòng điện. Bóng điện tượng trưng cho thân thể của con người. Dòng điện tượng trưng cho tâm thức của chúng ta. Khi bóng điện bị hư cũng giống như thân thể của chúng ta một ngày nào đó rồi cũng phải chết. Khi bóng điện hư và thân thể bị chết, chúng ta không có quyền nói rằng không có dòng điện hoặc không còn tâm thức nữa. Nếu không còn thì tại sao chúng ta thay bóng đèn khác, chúng lại sáng và nếu không có tâm thức, thì sau khi chết, sự hiểu biết ấy tan vào đâu, nhập vào gì? Cha mẹ của chúng ta chỉ sinh ra ta bằng hình hài, chứ không có cha mẹ nào sinh ta cả tâm thức nữa. Cái tâm thức nầy, chính là cái biến hiện của nội tâm, của luân hồi sinh tử, của làm Phật, làm chúng sanh trong thế giới nầy hay thế giới khác là vậy.

Hương Hải Thiền Sư có nói rằng:

"Có thời có tự mảy may

Không thời cả thế gian nầy cũng không

Cho hay bóng nguyệt dòng sông

Nào ai hay biết có không là gì".

Nếu nói về có thì một chút cũng gọi là có. Nếu nói về không, dầu to lớn như vũ trụ nầy; như quả địa cầu nầy; như Tam Thiên Đại Thế Giới nầy, tất cả cũng sẽ ra không, nhỏ hơn cả hạt cát. Vì cái gì có hình tướng, cái ấy đều thay đổi.

Mặt trăng soi mình trên dòng nước. Cả 2 đều vô tình; nhưng đều hiện hữu, để rồi dòng nước chảy đi, mặt trăng sẽ thay đổi vị trí, để lúc có thì đẹp đẽ sáng rỡ và rồi lúc không thì mờ tối, ẩn hiện. Cả 2 không hẹn nhưng gặp. Rồi cả hai không hẹn; nhưng lại tan đi. Tất cả đều do nhân duyên cả. Nhân duyên để hòa hợp; nhân duyên để chia ly. Vì vậy Thiền Sư đã hỏi chúng ta rằng: Sự có không đó, ai là người biết được ? Ai là người cảm nhận được ?

Hương Hải Thiền Sư cũng đã có cái nhìn về cuộc đời qua sự hiện hữu của con nhạn với dòng sông như bài thơ dưới đây:

"Nhạn quá trường không

Ảnh trầm hàm thủy

Nhạn vô lưu tích chi ý

Thủy vô lưu ảnh chi tâm"

Nghĩa là:

"Nhạn bay qua không gian

Ảnh chìm sâu vào nước

Nhạn không có ý lưu dấu vết

Nước cũng không giữ ảnh nhạn lại"

Đọc bài thơ nầy, chúng ta thấy rằng tác giả đã ngộ triệt tánh không một cách tuyệt vời. Do vậy mới có những thí dụ độc đáo như thế. Con nhạn tượng trưng cho sự hiện hữu của một vật thể trên thế gian nầy. Khoảng không gian tượng trưng cho khoảng cách và hoàn cảnh. Mặt nước cũng tượng trưng cho sự hiện hữu và hình ảnh của con nhạn bay qua tượng trưng cho sự thay đổi của thế gian nầy. Có vật thay đổi trong nháy mắt, có vật thay đổi trong một năm, 10 năm hoặc 100 năm. Có loại phải cần thời gian nhiều hơn nữa; nhưng cuối cùng rồi cũng chẳng có gì cả.

Tôi đi giảng nhiều nơi và đã được nhiều người nghe và cũng lắm người hỏi. Có nhiều câu hỏi rất thực tế và cũng có nhiều câu hỏi đã chứng tỏ phần nào hiểu rõ về tánh không của Phật Giáo. Hoặc giả chẳng hiểu gì cả về giáo lý nầy. Do vậy mới cho rằng Phật Giáo yếm thế, Phật Giáo tiêu cực v.v... Có người hỏi rằng: Vậy cuộc đời nầy có ý nghĩa gì? Tôi sẵn sàng trả lời rằng: Chẳng có ý nghĩa gì cả. Vi sao vậy? Vì tất cả chỉ sống với nhau bằng đối đãi, tạm thời v.v... không có gì chắc thật, không có gì bảo đảm. Họ nghe hiểu vậy; nhưng việc thực hành để cảm nhận và chấp nhận về tánh không của Phật Giáo không phải dễ dàng trong một ngày, một tháng hay một năm. Ngay cả đối với những người trí thức cũng vậy.

Thông thường thì ai ai trong chúng ta cũng bị sự chấp trước và ái nhiễm ràng buộc; nên nói phủ định về một việc hiện hữu thật khó chấp nhận vô cùng. Ví dụ như người ta sẽ tự nhận rằng: Đây là cái nhà của tôi. Đây là tài sản của tôi. Đây là người thân của tôi. Đây là vợ, là con của tôi v.v... tất cả là của tôi và tất cả đều là của tôi v.v... nhưng phân tích cho kỹ, chẳng có cái gì là của tôi cả. Cái tài sản mà ta có đó, chẳng qua do nhân duyên mà ta làm chủ. Rồi một thời gian ngắn hay dài không phân biệt được, chúng sẽ hao mòn, tiêu tán đi, biến thể, không còn như xưa nữa. Một mai đây ta cũng mất mà vật cũng mất. Ta còn lại gì với núi sông cây cỏ? hay chỉ còn một nắm đất nằm bất động trong bãi tha ma, để làm phân cho cây cỏ. Rồi cây cỏ cũng sẽ tàn lụi để bón phân cho sự tồn tại của cây cỏ kế tục.

Ta bảo: Đó là vợ ta. Đó là con ta. Điều ấy chẳng thật. Vì khi vui là thế; nhưng khi buồn thì ta sẽ chối từ và lúc vui khác lại chấp nhận. Cứ thế mà ta bị vòng vô minh và ái dục chi phối mãi trong cõi tử sinh nầy. Hôm ngày 16 đến 18 tháng 6 năm 2000 tôi đã có dịp đi thăm thành phố nổi tại Ý. Đó là thành phố Venezia, nói theo tiếng Ý. Venic nói theo tiếng Anh và Venedig nói theo tiếng Đức. Thành phố nầy đã có mặt hơn 1.300 năm lịch sử. Gọi là thành phố nổi, vì lẽ chung quanh thành phố là biển. Gồm những kênh rạch lớn và kênh rạch nhỏ đan chéo với nhau và nghe đâu người ta đã đóng cừ xuống biển, để rồi làm những ngôi nhà 5 hay 7 tầng trên đó. Tôi nhìn những phiến đá cẩm thạch; những tấm đá hoa cương được dựng làm cột nhà thờ hay trang trí trên những bức tường và chính mình lấy ngón tay quẹt vào mặt đá, cảm nhận được cái vô thường của cuộc đời liền. Vì lẽ đá đẹp ngày xưa, bây giờ chỉ còn là một lớp bột, lớp bụi nổi lên bên trên, qua sự xâm thực của nước biển bởi thời gian năm tháng. Cách đây hơn 1.000 năm trước, khi mà những người chủ, những người thợ xây dựng những loại đá quý nầy để làm nhà và nhà thờ, họ nghĩ rằng sẽ tồn tại luôn luôn với thế giới; nhưng chỉ mới hơn 1.000 năm sau thôi. Bây giờ chỉ còn là bóng mờ của dĩ vãng mà thôi.

Những con đường mòn ấy cách đây hơn 1.000 năm đã lắm người đi và hôm nay đây, tôi, thầy Thiện Thông và một số Phật Tử cùng đi, để rồi 1.000 năm sau nữa trong kiếp luân hồi, nếu tôi hay một ai đó trở lại xứ nầy có nhận diện được ra mình của thuở nào không ? hay chỉ là cát bụi của thời gian và năm tháng ?

Trên đường về lại Đức từ Milano, một thành phố phía Bắc của Ý Đại Lợi. Từ trên phi cơ nhìn xuống, Thầy Thiện Thông phát hiện ra dãy núi Alpes chạy dọc theo biên giới Đức, Thụy Sĩ và Pháp, Thầy ấy trầm trồ nói với tôi rằng: Sao giống núi Tu Di quá! Tôi làm thinh không phẩm bình gì. Vì núi Tu Di, như quý vị đã thấy Đức Phật đã diễn tả bên trên đó, không nhỏ và không có mặt trong 5 châu thiên hạ nầy. Đoạn tôi quan sát một cặp vợ chồng già người Phần Lan ngồi bên cạnh. Sở dĩ tôi biết thế, vì nghe họ nói với cô Chiêu Đãi Viên hàng không rằng: Máy bay đến trễ quá làm sao họ về Phần Lan kịp ? Đó là một loại tiếng Anh hơi nặng giọng, dĩ nhiên không phải là người Đức. Vì nếu ông bà là người Đức thì đã không xử dụng tiếng Anh với cô Chiêu Đãi Viên người Đức trên chuyến máy bay Lufthansa nầy rồi. Ban đầu tôi nghe hai vợ chồng nói chuyện rất thân mật, nắm tay nhau và chỉ chỏ nói gì đó trông có vẻ thân tình lắm. Sau một hồi tôi nghe người đàn ông lớn giọng và sau một hồi lâu thì yên tĩnh lại, nên hai người đã vui vẻ với nhau. Bỗng nhiên sau một hồi nói chuyện bà ta lại lớn tiếng. Tôi bất chợt nhìn qua bên cạnh thì thấy bà ta dùng ngón tay trỏ chỉ thẳng và đay nghiến vào mặt ông ta. Lúc bấy giờ ông ta yên lặng và vội bỏ đi ra ghế phía sau để ngồi một mình tư lự và bà ta cũng buồn thiu, không xem báo cũng chẳng có thể nói chuyện với ai nữa. Tôi quay qua Thầy Thiện Thông bảo: "Thầy thấy đó! Cuộc đời chẳng có gì vui và chắc thật phải không?". Thầy ấy hỏi việc gì. Tôi đã tường thuật lại chuyện của hai ông bà trên. Tôi bảo Thầy ấy: Đời là một tấn tuồng, mà mỗi diễn viên phải thủ một vai nào đó nhất định mà thôi. Khi màn buông xuống, sân khấu trở về khuya, những nghệ sĩ diễn tuồng trở về cuộc sống bình thường của họ.

Mới chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ trong chiếc máy bay nhỏ bé nầy mà hai ông bà ấy đã diễn không biết bao nhiêu tuồng chứ đâu phải một tuồng và không biết trong cuộc sống nhân sinh của họ, khoảng chừng 60 năm đó họ đã diễn không biết bao nhiêu tuồng rồi và không biết họ có tự biết rằng họ là kẻ diễn tuồng không ? - Khi vui, vở tuồng rạng rỡ, hào hứng. Khi buồn, giận cũng chỉ nghĩ đến cái xấu của người khác. Khi gần gũi, âu yếm... nói những lời dịu ngọt dễ thương, để rồi xỉ vả nhau, chắc rằng không có được những từ ngữ thân ái nữa, mà có lẽ ai cũng cố gắng moi trong óc mình tất cả những xảo ngôn, những lời nào xấu xa nhất đề xỉ vả lại đối tượng của mình mới thương yêu đây. Quả đời là bể khổ, thế mà mọi chúng sanh đang lặn hụp trong đó có biết thật khổ chăng ? Cho nên mới có thơ rằng:

"Bể khổ mênh mông hận ngút trời

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi

Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió

Chung cuộc rồi trong bể khổ thôi"

Thật là - đời chẳng có gì vui, giống như chiếc thuyền vậy thôi. Bơi xuôi, bơi ngược rồi cũng chỉ bơi trong biển khổ. Cũng giống như cặp vợ chồng già bên trên vừa kể vậy. Sau một hồi hai người ngồi xa nhau, đã đến lúc xuống máy bay tại Hannover, ông ta nhè nhẹ đi đến bên bà và lấy áo mặc cho bà, rồi ra hai người có vẻ âu yếm lắm! Tôi quan sát sự việc nầy mà tự nhủ với mình rằng: Hãy thận trọng trong mọi việc làm. Vì khi vui thì chỉ nói lời thân ái, lúc giận lúc buồn thì la lối làm cho nhiều người buồn khổ. Điều ấy hẳn cũng chẳng nên làm. Vì qua vở kịch ngắn bên trên, tôi thấy cuộc đời lại rõ ràng hơn. Chẳng có gì là chắc thật. Chẳng có gì là cứu cánh. Tất cả chỉ là chắp nối, gắng gượng, biểu diễn cho xong vai tuồng của mỗi người mà thôi.

Quả thật nếu nhìn cuộc đời nầy với một nhân sinh quan như vậy thì quả là yếm thế, tiêu cực. Vì đời có nhiều cuộc vui khác nữa chứ. Ví như rượu mạnh, thuốc lá, đánh bạc v.v... để giải sầu. Có những cuộc tình đầy thơ mộng, có những cảnh thiên nhiên thật thú vị. Có những lâu đài thật tráng lệ v.v... đồng thời cũng không có nghĩa là không có nước mắt, không có những buổi chia ly v.v... nhưng như thế thì cuộc sống nầy nó có ý nghĩa gì? Vả chăng chỉ là một màn kịch mà đạo diễn là đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, thanh niên, thanh nữ, ông lão, bà lão v.v... tất cả đều phải diễn cho hết vở tuồng của mình. Nếu kiếp nầy diễn chưa hết thì kiếp sau tiếp tục diễn lại. Cứ như thế, có lúc thêm lúc bớt để hợp với nhãn quan của mọi người.

Trong kinh Hoa Nghiêm có nói rằng: "Ba cõi không yên, như ở trong một nhà lửa". Điều ấy rất đúng; nhưng mọi người trong 3 cõi vẫn cứ vui say. Ví dụ như sáng thì thương, chiều lại giận. Tối trở nên buồn, khuya lại ghét v.v... Rồi lại thương lại ghét, lại buồn, lại giận v.v... cứ thế và cứ thế tiếp diễn mãi cho đến trong vô tận không bao giờ ngơi nghỉ.

Nguyễn Công Trứ một nhà văn và là một vị tướng, người Việt Nam sống vào đầu thế kỷ thứ 20 sau khi đã chứng thực cuộc đời và nhất là sau khi ông đã hiểu rõ lý Vô Thường của Đạo Phật, ông đã có thơ rằng:

"Ôi! nhân sinh là thế ấy

Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao

Ba mươi năm đã hưởng thụ là dường nào

Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín

Vật thái mạc cùng vân biến ảo

Thế đồ vô lự cái danh hư

Cái hình hài đã chắc thật chưa

Mà lẻo đẻo khóc sầu như rứa mãi

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hản thanh

Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh

Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ

Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ

Quyết ra tay buồn lái với cuồng phong

Chí những toan xẻ núi lấp sông

Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ

Đường mây rộng thênh thang cỡi bộ

Nợ tang bồng trong trắng vỗ tay reo

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu".

Quả thật cuộc đời nầy chẳng có gì cả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu tao nhân, mặc khách anh hùng hào kiệt đã bon chen vào chốn công danh, chốn tửu lầu, chốn trà đình, chốn sa trường để tìm đến cái vui và cái chí khí của một nam nhi muốn biểu hiện. Nhưng quả thật không có gì đáng nói và đáng quan tâm. Vì tất cả những vấn đề vừa mới trình bày bên trên vẫn còn nằm luẩn quẩn trong 3 cõi luân hồi sanh tử vậy.

Chúng ta biết rằng cuộc đời là mộng, có rồi không, không rồi có; nhưng tại sao chúng ta vẫn mãi chìm đắm nơi cảnh lục dục thất tình nầy ? Sống để làm gì và sau khi chết sẽ đi về đâu ? Đây là một câu hỏi đáng để cho chúng ta suy gẫm, để rồi từ đó chúng ta mới có thể nhận chân được giá trị của lời dạy Đức Phật một cách rõ ràng hơn.


---o0o---


tải về 1.14 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương