CÓ Thằng cuội già Ôm một mối mơ!


Tưởng nhớ Trưởng Nguyễn Hy Đơn



tải về 5.39 Mb.
trang4/24
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích5.39 Mb.
#36425
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

Tưởng nhớ Trưởng Nguyễn Hy Đơn




Tâm Đơn tối thượng quang khuê tảo

Hướng Đạo tài hoa lưu đức phương

TĐG

Lời giới thiệu:

Trưởng Nguyễn Hy Đơn sinh ngày: 10 tháng 5 năm 1904 (Giáp Thìn). Con cụ Phó Bảng Nguyễn Văn Mại và Cụ Bà Phan Thị Kiểu; người làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Xuất thân: Diplôme tốt nghiệp sư phạm Giáo học. Thanh tra tiểu học, sau khi thôi giữ chức Hiệu Trưởng trường Tiểu học Paul Bert. Đông Cung Giáo Đạo (1944-1945). Trưởng Ty Tiểu học Thừa Thiên (1945-1946).

Sinh hoạt Hướng Đạo:

- Tráng Sinh đồng thời với Võ Thành Minh, Tạ Quang Bửu, tên Rừng: Bagheera Bạch Mã.

- Tráng Trưởng Tráng Đoàn Thần Kinh

- Đạo Trưởng Đạo Thần Kinh - Huế

- Tham dự trại Họp Bạn Quảng Tế 1941 (trong Ban Quản Trại).

Mất vào đầu năm 1947.

Sói đắn đo Kính ghi
Bao nhiêu năm qua, trong tâm trí tôi thỉnh thoảng lại hiện về hình ảnh một vị Hướng Đạo Sinh tiền bối mà tôi có cơ duyên được chiêm ngưỡng! Đó là Trưởng Nguyễn Hy Đơn.

Nhớ lại, hồi ấy… cách đây hơn nửa thế kỷ, vào những năm đầu thập niên 40, thế kỷ 20. Gia đình tôi thuê nhà ở đường Lục Bộ - bây giờ là đường Nguyễn Chí Diễu – thuộc phường Thái Trạch, Thành Nội, Huế. Ba tôi là một công chức hạng thường, thư ký công chánh, ngạch Bảo Hộ - song song với ngạch Nam Triều. Mạ tôi lo việc nội trợ, như bao bà Mẹ Huế thời bấy giờ; mặc dầu bà đã học hết bậc yếu lược, bậc tiểu học. Lo việc nội trợ, nhưng mạ tôi có rất ít thì giờ ở cùng gia đình chồng con ở trên Dinh. Phần lớn thì giờ bà ở làng Đông Xuyên để phụng dưỡng ông bà nội chúng tôi. Vì mạ tôi là con dâu trưởng.

Khoai lang củ sượng, củ trân

Làm dâu họ Trần khó lắm ai ơi!

Tôi còn nhớ nhà chúng tôi ở lúc bấy giờ mang số 11, đường Lục bộ, đối diện là nhà Chú Thím Huấn. Vừa có quan hệ gia đình, lại là hàng xóm tốt – bà con xa, láng giềng gần – hai yếu tố ấy cộng lại, làm hai gia đình càng thêm thân quen, gần gũi hơn. Mạ tôi nhờ Thím Huấn để mắt chỉ bảo chị em chúng tôi.

Lúc bấy giờ tôi đang học lớp “Enfantin và Preparatoire” trường Garçon, tại Ngã Tư Anh Danh – bây giờ là góc đường Đinh Tiên Hoàng, Mai Thúc Loan. Là con trai đầu lòng, lại là cháu nội đích tôn, nên được nuông chiều hết mực, do đó cậu ấm nhác học, học dốt! Ba tôi phải mời Précepteur dạy kèm. Thầy dạy kèm chị em chúng tôi là anh Nguyễn Ngật học trò khó Quảng Nam. Chúng tôi thường gọi thân mật là Anh Thầy. Anh là một Tráng Sinh trong tráng đoàn của Trưởng Nguyễn Hy Đơn.

Trong mắt trẻ thơ của tôi lúc bấy giờ nhìn các Tráng Sinh như những hiệp sĩ huyền thoại và mơ ước được đi chơi sì-cút.

Chú Huấn là một huynh trưởng Hướng Đạo, một Tráng Trưởng, một Đạo Trưởng đất Thần Kinh. Tôi thường nhìn trộm với ánh mắt thèm thuồng, khâm phục.

Nhà Chú Thím Huấn nằm sâu trong một ngôi vườn vuông vức, mặt trước giáp đường Lục Bộ, là một hàng rào cây bông cẩn - dâm bụt – hoa đỏ như lồng đèn năm cánh. Trên lối vào trước ngõ có một cây đào đến mùa rất sây trái. Trái đào hình quả chuông, mơn mởn hồng, giống như nước da của chủ nhân, đặc biệt là đôi môi luôn nở nụ cười tươi rạng rỡ! Tôi là bạn học với người con thứ tư của Chú Thím – Cu Bon, tức là Nguyễn Hy Văn. Do vậy tôi thường qua chơi nhà chú và tha hồ ăn đào!

Nhà Chú Thím kết nối theo hình chữ L, từ ngoài đi vào bên tay trái là gian nhà chính, rồi đến một gian nhà ngang. Nhưng gian nhà thu hút trí tò mò của tôi là căn phòng đầu trên tách biệt, nơi chỉ dành riêng cho những buổi họp hàng tháng của các vị Hướng Đạo Sinh.

Những lúc bên trong có hội họp, tôi thường đứng ngoài hàng rào nhìn vào, bạo dạn vào tận cửa kính, dán mắt nhìn vào cho rõ các vị Hướng Đạo phong cách uy nghi nghiêm chỉnh. Nhưng khi họ hát múa thì không thể nào đoán được tuổi tác.

Vào hè, Anh Thầy của chị em chúng tôi xin phép Thầy Cô – Anh gọi Ba Mạ tôi như vậy – nghỉ phép 10 ngày để đi trại đâu tận trên núi Bạch Mã. Dưới con mắt và trí tưởng tượng của tôi lúc bấy giờ thì những cuộc cắm trại như vậy là “đi lên núi” tầm sư học đạo.

Chú Huấn vóc dáng thanh cao, vừng trán vuông rộng, biểu lộ người thông minh, mẫn tiệp. Đặc biệt đôi môi của chú luôn ửng hồng! Mãi sau này học truyện Kiều khi đọc đến câu:

“Anh hoa phát tiết ra ngoài…”

Tôi bỗng giật mình nghĩ về chú !

Lúc bấy giờ chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã tác động đến các nước Đông Dương. Kinh thành Huế của nước An Nam đã đôi lần nghe tiếng còi báo động phảng phất mùi chiến tranh. Tôi đã tận mắt thấy những sỹ quan Nhật mang kiếm dài, cưỡi ngựa. Nhưng đối với chúng tôi, những cậu học trò nhỏ, thì đó là dịp vui thích, đua nhau chạy ào ra hầm núp máy bay. Với tôi, học trò nhác, luôn cầu mong có còi báo hiệu “Phòng Thủ Thụ Động” trong các buổi học !

… Rồi Nhật đảo chánh

Việt Minh giành chính quyền

Vua Bảo Đại thoái vị

Toàn quốc tiêu thổ kháng chiến

Vỡ mặt trận Huế!

Ủy ban hành chánh kháng chiến ra lệnh tản cư. Dân quân Thành Thuận Hóa (tên của Thành Huế sau CMT8-1945) nhiệt tình ủng hộ đưa rơm, ớt bột, hồ tiêu… đốt bọn Tây thực dân ở nhà hàng Morin cháy rụi không còn một mống !?

Gia đình Chú Thím Huấn cùng gia đình chúng tôi ra Bến Tượng thuê đò tản cư về làng Đông Xuyên, quê nội của tôi.

Làng Đông Xuyên, nếu tính theo đường bộ tỉnh lộ, cách thành Huế khoảng 14 cây số; nhưng theo đường chim bay thì gần hơn nhiều. Vì vậy, cứ khoảng chiều tối dân làng cùng với dân tản cư kéo nhau ra xem lửa cháy sáng rực trời từ hướng trên Dinh, mà lòng khấp khởi mừng, hy vọng sẽ tái chiếm thành Huế trong nay mai. Ngã ba con sông nhánh của Bồ giang ngay trước khu vườn gia đình tôi gần cầu Đông Hồ, tụ điểm dừng chân từ tuyến trước của các bộ phận hành chánh và thương binh. Bấy giờ nơi đây bổng nhiên trở thành “Khu Phố tản cư” đông vui với nhiều quán xá, nhiều khách vãng lai.

Những tháng cuối năm 1946, làng chúng tôi tiếp nhận thêm nhiều thương binh. Trường học, đình làng, nhà thờ họ… trở thành trạm xá. Tất cả anh chị em hai gia đình chúng tôi đều tự nguyện tham gia công việc cứu thương, an ủi các chiến sĩ Giải Phóng Quân bị thương đưa về điều trị. Chúng tôi hăng say làm việc không kể ngày đêm.

Ba tôi, chú Huấn, cậu Phủ Vui, cùng nhiều vị khác nữa là công chức trong các cơ quan của Nhà Nước Cách Mạng, tạm thời dừng chân tại đây để chờ chỉ thị của chính quyền hướng dẫn ra Liên Khu 4 (Thanh, Nghệ, Tĩnh). Bộ phận quan yếu đi trước, bộ phận chuyên môn dân sự theo sau. Trong lúc đó mấy ông bà nầy thường nấu cháo, chè, gánh lên trường học (dùng làm bệnh viện), tiếp tế, thân hành đút và ủy lạo thương binh.

Sau này, khi lớn lên tôi mới biết chú Huấn là cách gọi thân mật trong gia đình bởi chú là quan Huấn Đạo, tức là Thanh Tra bậc Tiểu Học. Quan chức thời bấy giờ thường dùng xe kéo gọng đồng để đi làm việc. Nhưng chú Huấn không ưa thích loại phương tiện “ngựa người”! Chú dùng xe đạp.

Chú Huấn theo Tây học nhưng là con dòng Nho gia. Thân phụ của chú là Cụ Phó Bảng Nguyễn Văn Mại, hiệu Tiểu Cao, người làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền. Ngài làm quan đến chức Thượng Thư, nhưng có tinh thần tân tiến, thương dân nghèo làm lụng vất vả một nắng hai sương mà không đủ ăn. Nên khi vừa nghỉ hưu, Cụ Thượng xin khai khẩn đất hoang ở thượng nguồn sông Bồ, kêu gọi dân trong huyện đến lập ấp cải thiện dân sinh. Tuyệt nhiên cụ Tiểu Cao không dành lấy tấc đất làm tư điền, tư thổ.

Được hấp thụ giáo dục gia đình rất nghiêm minh nên Trưởng Nguyễn Hy Đơn rất tinh thông Hán học, thấm nhuần văn hóa Đông Phương, Khổng Mạnh, lại am tường phương pháp giáo dục của B.P. Do vậy, Trưởng còn được đề cử dạy Đông Cung thái Tử Bảo Long. Cũng nên nhắc lại Vua Bảo Đại đã tặng cho Hội Hướng Đạo Đông Dương một khu rừng trên núi Bạch Mã để làm nơi huấn luyện Huynh Trưởng.

Trưởng Nguyễn Hy Đơn tham gia PTHĐ Trung Kỳ cuối thập niên 30, cùng thời với Trưởng Dã Mã, Tạ Quang Bửu. Trưởng Dã Mã đã làm chúa tể Hội Đồng Rừng đặt tên cho Trưởng Đơn: Báo – Bagheera... Sau này, trước lúc xuất ngoại Trưởng Dã Mã còn ghé lại thăm từ biệt gia đình Trưởng Đơn. Trong dịp này Trưởng Dã Mã đã móc hết túi còn được mấy đồng bạc trao tất cả cho “người Bạn Đường Trăm Năm” của Trưởng Nguyễn Hy Đơn và nhắn nhủ: “Chị ở lại, giữ gìn sức khỏe, cố gắng nuôi dạy các cháu thành tài”. Trưởng Dã Mã đã không cầm được nước mắt khi quay gót ra đi. Sau đó, chúng ta đã được nghe tiếng sáo của Trưởng vọng về từ hồ Leman, Thụy Sỹ.

“Tiếng sáo Lê-Măn khơi tỉnh thức”

Sđd


Trưởng Nguyễn Hy Đơn, từng tham dự trại Họp Bạn Toàn quốc tại Rừng Quảng Tế (Thừa Thiên) với tư cách thành viên Ban Tổ Chức Trại. Trong dịp này, Trưởng Đơn đã cậy nhờ hiền nội và huy động con cháu phục vụ suốt thời gian Trại.

Trưởng Nguyễn Hy Đơn đã từng đảm nhận các trọng trách: Tráng Trưởng Tráng Đoàn Thần Kinh, Đạo Trưởng Đạo Thuận Hóa.

Trưởng Tôn Thất Đông là tráng sinh trong Tráng Đoàn do Trưởng Nguyễn Hy Đơn làm Tráng Trưởng. Trong thời gian sinh hoạt với Trưởng Đơn, Trưởng Đông còn ghi lại một kỷ niệm:

“Kính nhớ Trưởng Nguyễn Hy Đơn”

“Lúc tôi còn học cấp 1, Trưởng Đơn đã là giáo viên trường Tiểu học Paul Bert (bây giờ là trường tiểu học Thượng Tứ). Trưởng rất đẹp trai: má hồng, môi son. Tôi tốt nghiệp trường Sư Phạm, đi dạy ở Bình Định 8 năm. Khi được đổi về dạy ở Huế, thì Trưởng Nguyễn Hy Đơn đã là một quan Huấn Đạo...”

... “Trưởng giới thiệu cho tôi vào chơi ở toán Trần Bình Trọng, một toán công chức. Trong toán có anh Duy, em của chị Đơn. Tôi được cử làm toán phó. Một hôm anh Toán Trưởng đến gặp tôi bảo rằng: “Trong các cuộc hội thảo ở Toán anh em ít phát biểu. Anh Toán Trưởng nghĩ ra một cái kế: trong buổi họp tuần sau, anh sẽ đưa ra đề tài thảo luận: “Có nên lấy vợ bé không?!” Anh Toán Trưởng dặn: “tôi chủ trương “Không”, còn Đông phải chủ trương “Có” để xem anh em có ai phát biểu gì lạ không? Vâng lời, đến hôm họp toán, tôi ngụy biện đủ điều để chứng minh rằng nên lấy “hầu”. Một tuần sau, gặp anh Tráng Trưởng (Trưởng Nguyễn Hy Đơn) hỏi tôi: “Đông ơi, có định lấy hầu không mà hôm kia hùng hồn vậy? Tôi thưa lại, tuân lời anh Toán Trưởng thì nói vậy thôi, còn chuyện thực hành thì phải chờ gương của anh...”

... “Trưởng là một nhà giáo mẫu mực. Năm 1945, sau khi Bảo Đại thoái vị, Trưởng được đề cử làm Trưởng Ty Tiểu Học Thừa Thiên”

Sói đắn đo

Trần văn Hồng
PHẦN GHI THÊM

Trong sự thành công của một trưởng HĐ đều có thấp thoáng bóng dáng của một người đàn bà, đó là hiền nội. Nay nhân nói về Tr Hy Đơn, xin có đôi dòng về cụ bà Nguyên Phương, một hiền thê, hiền mẫu đã thay chồng nuôi dạy 6 người con nên người và đặc biệt bà đã yêu người chồng Hướng Đạo đến nỗi bà không muốn cho con sinh hoạt HĐ vì sợ bộ đồng phục HĐ gợi nhớ đến người chồng thân yêu.

Cụ bà là Nguyễn Thị Phức, pháp danh Nguyên Phương. Sinh ngày 28.10 Tân Hợi, mất ngày 7.5 Nhâm Ngọ (2002) thọ 92 tuổi.

Thuở ấy với quan niệm khuê môn bất xuất nên bà chỉ học văn hóa rất ít. Nhà ở cạnh trường Paul Bert, nơi đó có thầy giáo Nguyễn Hy Đơn nổi tiếng đẹp trai, tài hoa và dạy giỏi.

Bà Phức kể lại: cụ Nguyễn Văn Mại là nhà nho làm quan đến chức Thượng thư nhưng lại có đầu óc tân tiến không tin dị đoan nên đã lấy “Kim môn khánh niệm” của mình để tổ chức đám cưới tập thể cho 3 người con cùng lúc. Dân gian cho như thế là điều không hay, xui xẻo, sẽ bị gãy đổ (Riêng Trưởng Đơn với cụ bà được hưởng 15 năm hạnh phúc).

Tổ ấm của họ là nhà số 12 đường Lục Bộ (Thành nội, Huế). Cụ bà kể cho các cháu: ông bà mua đất tự thuê xây dựng cho phù hợp với óc thẩm mĩ của ông, một con người tài hoa, đồng thời phù hợp với túi tiền khiêm tốn của một nhà giáo thanh bạch. Nơi đây mệ hưởng hạnh phúc tuyệt vời bên người chồng mà mệ kính phục vì những đức tính quí báu dòng máu Nho giáo, kiến thức uyên thâm và tinh thần… Hướng Đạo… Ông rất thông minh, đậu đầu kỳ thi Huấn đạo và được chọn làm thầy dạy riêng cho Thái tử Bảo Long. Về sau ông được bổ làm Huấn đạo Thừa Thiên rồi làm Giám đốc Nha Học Chánh. Năm 1947 thì mất để lại người vợ trẻ mới 36 tuổi với 6 người con bé bỏng.

Đứa lên hai, ba; đứa mũi chảy vẫn còn.

Đứa lòng khòng, đứa chưa tròn niên thiếu.

Đứa tóc còn xanh,

Đứa trăng còn khuyết.

Bỏ tuổi thơ đi theo mẹ ngược xuôi.

Không nghề nghiệp, thiếu vốn liếng, cố gắng lắm bà mới mở được 1 cửa hàng xén nhỏ hẹp trong chợ Xép (gần cửa Đông Ba) để tần tảo nuôi con.

Góa phụ trẻ nhan sắc mặn mà nên nhiều người rắp tâm bắn sẻ. Bà bèn xuống tóc, nhuộm răng đen quyết tâm thủ tiết thờ chồng nuôi con.

Trời Phật thật công minh; qua bao nhiêu thăng trầm trôi nổi, chịu đủ mọi đắng cay… Cuối cùng thì cụ bà Nguyên Phương đã sống chan hòa hạnh phúc bên đàn con cháu thành đạt.

Năm 2002 cụ giã từ cõi tạm bên cạnh 72 con, dâu, rể, cháu, chắt nội ngoại.

Sáo Dễ Thương



BBT: Cùng lúc với Trưởng SDT viết tiểu sử LM. JM Nguyễn Hy Thích, vị Tổng Tuyên Úy CG của HĐVN, GVMD nhờ Trưởng Sói Đắn Đo viết thêm tiểu sử của Trưởng Nguyễn Hy Đơn, tuy là bào đệ của Cha Thích, nhưng là người có rất nhiều ảnh hưởng đến việc sinh hoạt của Cụ Sảng Đình.

Trưởng Nguyễn Hy Đơn là một trong những Trưởng kỳ cựu nhất của HĐ Trung kỳ, là bậc tiền bối của các Trưởng Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Toản, Tôn Thất Đông, Nguyễn Duy Thu Lương… GVMD xin đăng tải trong chuyên mục “Uống nước nhớ nguồn” nhân dịp kỷ niệm 80 năm HĐVN.

Trưởng Sói Đắn Đo đã có công sưu tập hình chân dung của Trưởng Nguyễn Hy Đơn và phu nhân. Rất tiếc là hình chụp trên 70 năm thành thử đã mờ nên không thể in khổ lớn, chúng tôi đành in cỡ nhỏ để được sắc nét hơn. Khi nào chúng tôi liên lạc được với gia đình để kiếm được hình rõ đẹp hơn sẽ in hình chân dung lớn để anh chị em HĐ chiêm ngưỡng.


Каталог: sites -> default -> files
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
files -> BỘ TÀi chính —— Số: 25/2015/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
files -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO –––– Số: 40
files -> BỘ y tế CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
files -> Mẫu số 1: Ban hành kèm theo Thông tư số 19/2003/tt-blđtbxh ngày 22 tháng 9 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tên đơn vị Số V/v Đăng ký nội quy lao động CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> CỦa bộ XÂy dựng số 04/2008/QĐ-bxd ngàY 03 tháng 4 NĂM 2008 VỀ việc ban hành “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựNG”

tải về 5.39 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương