ĐẶc san tuyên truyền pháp luật số 09/2010 chuyêN ĐỀ CÔng ưỚc của liên hợp quốC


Phần thứ hai CÁC QUY ĐỊNH VỀ MINH BẠCH HOÁ TRONG WTO, ASEAN, APEC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG



tải về 1.24 Mb.
trang5/10
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích1.24 Mb.
#22026
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

Phần thứ hai

CÁC QUY ĐỊNH VỀ MINH BẠCH HOÁ TRONG WTO, ASEAN, APEC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

A. QUY CHẾ THÀNH VIÊN WTO CỦA VIỆT NAM LIÊN QUAN TỚI MINH BẠCH HOÁ


Minh bạch hoá là cụm từ được nói tới nhiều gần đây tại Việt Nam, nhất là kể từ khi chúng ta ký và thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Mặc dù khó có thể nói đây là thuật ngữ mới xuất hiện trong tiếng Việt, nhưng có thể nói đây là thuật ngữ mới với nội hàm “pháp lý” của nó vì trước đó thuật ngữ này không được sử dụng với nội hàm như vậy trong các tài liệu chính thức, nếu có thì đó chỉ là ngoại lệ trong các bài viết, nghiên cứu hay giáo trình luật tại Việt Nam. Chính vì vậy, kể từ khi ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đã có nhiều hội thảo, toạ đàm và các bài viết về “minh bạch hoá” từ góc độ pháp lý. Giờ đây, "minh bạch hoá" đã được nhắc đến không chỉ như là một nghĩa vụ pháp lý quốc tế, mà còn được đề cập như một yêu cầu của cuộc sống xã hội trong giai đoạn phát triển mới.

Trong bối cảnh đó việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có những ý nghĩa lớn khi tổ chức này có nhiều quy định đề cập tới minh bạch, công khai trong xây dựng và thực thi chính sách và pháp luật ở cả cấp trung ương và địa phương. Bên cạnh các quy định được nêu trong các hiệp định của WTO thì nhiều cam kết cụ thể về công khai, minh bạch hoá của Việt Nam được đưa ra trong Báo cáo của Ban Công tác về gia nhập WTO của Việt Nam (Báo cáo gia nhập). Bài viết này phân tích các quy định minh bạch hoá của WTO áp dụng chung cho tất cả các thành viên WTO và các cam kết cụ thể về minh bạch hoá áp dụng riêng cho Việt Nam. Đồng thời, bài viết cũng đề cập tới một số kinh nghiệm của Trung Quốc về thi hành các cam kết của mình về vấn đề này.


I. MINH BẠCH HOÁ TRONG WTO

WTO có các quy định khác nhau tại các hiệp định thương mại đa phương và nhiều bên điều chỉnh vấn đề minh bạch hoá, như Hiệp định chung về Thuế quan và thương mại (GATT) Điều X, Hiệp định về các biện pháp kỹ thuật Điều 2.9, Hiệp định về quy tắc xuất xứ hàng hoá Điều 2.g và Điều 3.e, Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng Điều 25, Hiệp định về các biện pháp tự vệ Điều 12, Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và vệ sinh dịch tễ Điều 7, Hiệp định TRIPS Điều 63, Hiệp định nông nghiệp Điều 18.2-3, Hiệp định TRIMS Điều 6.1 và Hiệp định thương mại dịch vụ GATS Điều III. Những nước sáng lập viên của WTO chỉ có nghĩa vụ cam kết thực hiện các quy định này của WTO về minh bạch hoá. Tuy nhiên, một số nước gia nhập WTO sau này đã phải có những cam kết bổ sung liên quan tới minh bạch hoá và trường hợp Trung quốc được nêu dưới đây là một ví dụ.

Trong số các quy định về minh bạch hoá của WTO thì các nội dung của Điều X của GATT được nói tới nhiều nhất khi đề cập tới minh bạch hoá trong WTO. Sau đây là những nội dung chính của Điều X GATT và cho phép không phân tích trong bài viết này các quy định khác của WTO về minh bạch hoá.

Điều X của Hiệp định GATT có tiêu đề là “đăng và quản lý các quy định pháp luật thương mại”

1. Các luật, các quy định dưới luật, các quyết định toà án và các quyết định hành chính có tính áp dụng chung được một nước thành viên ban hành liên quan tới việc phân loại hay tính trị giá hàng hoá vì các mục đích hải quan, hay liên quan tới mức thuế hay các khoản thu khác, hay các yêu cầu, hạn chế hay việc cấm đối với hàng nhập khẩu hay xuất khẩu, chuyển tiền thanh toán hàng hoá, hay có tác động tới việc bán, phân phối, vận chuyển, bảo hiểm, kiểm tra lưu kho, trưng bày, chế biến, pha trộn hay việc sử dụng khác các hàng hoá này thì phải được đăng nhanh chóng theo cách sao cho các chính phủ và thương nhân có thể làm quen được với các văn bản này. Các thoả thuận có tác động tới chính sách thương mại quốc tế mà có hiệu lực giữa một chính chủ hay một cơ quan chính phủ của một nước ký kết với chính phủ hay một cơ quan chính phủ của một nước ký kết bất kỳ nào khác cũng phải được đăng. Các quy định của khoản này không yêu cầu một nước ký kết phải tiết lộ các thông tin bí mật mà có thể cản trở việc thi hành pháp luật hay trái với các lợi ích công cộng hay tác động tiêu cực các quyền lợi thương mại chính đáng của các doanh nghiệp cụ thể, bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

2. Không một biện pháp có tính áp dụng chung nào được một nước ký kết tiến hành có tác động đem lại việc tăng thuế hay các khoản thu khác đối với hàng nhập khẩu theo một thực tiễn đã được hình thành và thống nhất, hay đem lại việc áp dụng một yêu cầu mới hay nghiêm ngặt hơn, hạn chế hay cấm đối với hàng nhập khẩu, hay đối với việc chuyển tiền thanh toán hàng hoá, sẽ được thực thi trước khi biện pháp này đã được đăng chính thức.”2

Điều X của GATT còn có khoản 3 liên quan tới quản lý và áp dụng pháp luật không được trình bày tại đây.

Các quy định của Điều X GATT về minh bạch hoá đã được sử dụng làm căn cứ cho không ít các vụ kiện trong GATT trước đây và WTO ngày nay. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các khía cạnh pháp lý của các quy định này qua một số án lệ, nhưng có lẽ trước hết chúng ta cần hiểu tại sao các nước lại quan tâm nhiều đến vấn đề minh bạch hoá đến như vậy trong thương mại quốc tế?

Một điều đã được các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế nhận ra là không thể cạnh tranh một cách hiệu quả trong một sân chơi mà ở đó họ không biết được luật chơi là gì. Khi luật chơi chỉ được một số đối thủ biết mà không phải tất cả những ai tham gia vào cuộc chơi đều biết thì người ta gọi là sân chơi không bình đẳng. Nói cách khác là các luật chơi không minh bạch chính là rào cản cho sự cạnh tranh và thương mại vì những người không được tiếp cận tới luật chơi rơi vào thế bất lợi so với những người hiểu luật chơi. Do đó, minh bạch hoá trong thương mại cơ bản là đem lại cơ hội được biết đến các quy định của luật chơi cho tất cả những người đang chơi và sẽ chơi trên cơ sở không có phân biệt đối xử. Minh bạch hoá không yêu cầu là từng đối thủ cạnh tranh phải có hiểu biết và áp dụng các luật chơi ở mức thuần thục như nhau. Nó chỉ yêu cầu là những người chơi được có cơ hội để thể hiện mình. Chính vì vậy, trong pháp luật thương mại quốc tế hiện đại và WTO, các quy định về minh bạch hoá luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Tuy nhiên, một loạt các câu hỏi quan trọng còn cần có lời giải, như cần phải đăng nhanh chóng ở mức nào – một tháng, 2 tháng, hay một năm? hình thức và cách thức đăng ra sao để cho các đối tượng liên quan có thể làm quen? Phải đăng bằng ngôn ngữ nào? và thậm trí là câu hỏi cơ bản như là phạm vi của Điều X là gì - tức là cái gì cần được đăng cũng đem lại những tranh chấp? Điều đáng mừng là thực tiễn áp dụng các quy định của Điều X đã đem lại những sự rõ ràng nhất định các quy định về minh bạch hoá. Trong vụ EC bị kiện về các hạn chế nhập khẩu táo liên quan tới cơ chế phân bổ quota được công bố 4/1988. Tuy nhiên, quota lại có hiệu lực trong giai đoạn từ tháng 2 tới tháng 8 năm 1988. Với lý do là quota có hiệu lực về trước 2 tháng kể từ khi công bố, Ban hội thẩm đã quyết định là có vi phạm Điều X của GATT.

Trong vụ kiện Nhật Bản đối với sản phẩm phim và giấy ảnh thì Hoa Kỳ đã khiếu kiện Nhật Bản vi phạm Điều X.1 GATT vì đã không đăng hai quyết định hành chính cá biệt, một của cơ quan cạnh tranh Nhật Bản và một của Bộ Ngoại thương. Ban hội thẩm đã kết luận là Điều X.1 không yêu cầu phải đăng các quyết định hành chính có tính cá biệt.

Khoản 2 Điều X cũng đem lại câu hỏi thú vị là cần có một khoảng thời gian tối thiểu là bao lâu giữa việc đăng và việc thi hành? Một điều được thừa nhận là không phải tất cả mọi người đều có thể đọc được văn bản pháp luật ngay sau khi được đăng, mà thông thường cần có một khoảng thời gian nào đó. Tiếp đó điều gì xảy ra khi chính phủ chỉ chia sẻ thông tin với một số đối tác và những đối tác còn lại không có thông tin trước khi thông tin này được đăng? Trong vụ kiện Canada liên quan tới nhập khẩu, phân phối và bán đồ uống có cồn, Hoa Kỳ khiếu kiện việc cơ quan lập pháp bang Ontario của Canada công bố chính sách giá mới đối với bia chỉ 5 ngày trước khi có hiệu lực. Hoa Kỳ cũng kiện việc chính quyền bang British Columbia đã chia sẻ thông tin về chính sách giá với các nhà sản xuất bia Canada trước khi đưa ra các thông tin này cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ, và qua đó phân biệt đối xử các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Ban hội thẩm đã kết luận là Canada không có bất kỳ vi phạm nào ở đây liên quan tới Điều X với những lập luận sau. Điều X không yêu cầu phải có bất kỳ thời gian “đợi” gián đoạn cụ thể nào giữa việc đăng và việc áp dụng các quy định pháp luật và cũng không yêu cầu nước thành viên phải chia sẻ thông tin cùng một lúc cho các nhà sản xuất trong và ngoài nước.

Như đã trình bày trên đây bài viết này không đi sâu vào các quy định khác của WTO về minh bạch hoá ngoài Điều X của GATT. Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là các quy định của WTO về minh bạch, công khai có thể được chia làm những loại chính sau đây:

- Đăng công khai các biện pháp thương mại (các luật, quy định dưới luật, thủ tục hành chính, quyết định toà án có tính áp dụng chung, các điều ước quốc tế về thương mại) như được phân tích theo Điều X của GATT trên đây;

- Cho phép các đối tượng liên quan được có cơ hội trình bày, có ý kiến vào các dự thảo văn bản pháp luật trước khi ban hành;

- Xây dựng cơ quan đầu mối giải đáp, cung cấp thông tin liên quan cho các đối tượng có yêu cầu thông tin, chẳng hạn theo Hiệp định về các rào cản kỹ thuật (TBT);

- Cơ chế thông báo của nước thành viên tới WTO về những biện pháp thương mại mình ban hành, sửa đổi;

- Cơ chế rà soát chính sách thương mại định kỳ áp dụng đối với tất cả các nước thành viên.

Các quy định về minh bạch hoá của WTO được tất cả các nước thành viên WTO thực hiện như là các nghĩa vụ bắt buộc. Điều này có nghĩa là hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam cũng được hưởng các quy định này khi xuất khẩu sang các thị trường các nước này. Hiện tại, các quy định WTO về minh bạch hoá đang được đàm phán ở những mức độ khác nhau trong khuôn khổ Vòng đàm phán Đoha, nhưng không với tư cách là một vấn đề đàm phán độc lập mà nằm trong các nội dung đàm phán của các lĩnh vực khác nhau, như mua sắm chính phủ, giải quyết tranh chấp, cạnh tranh, các quy định về các biện pháp thương mại (chống bán phá giá, trợ cấp....).


II. KINH NGHIỆM CỦA TRUNG QUỐC VỀ MINH BẠCH HOÁ TRONG QUÁ TRÌNH GIA NHẬP WTO

Trước hết cần phải nói là vấn đề minh bạch hoá Trung Quốc đã có kinh nghiệm ngay cả trước khi gia nhập WTO, nhất là trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những cam kết của Trung Quốc về minh bạch hoá khi gia nhập WTO có thể nói là vượt ra ngoài phạm vi các quy định của WTO áp dụng thông thường cho các nước thành viên khác. Tức là, Trung Quốc có nghĩa vụ thực hiện các quy định bình thường của WTO về minh bạch hoá, kể cả Điều X của GATT nêu trên như bất kỳ nước thành viên nào khác, và còn phải thực hiện một số cam kết bổ sung trong Nghị định thư gia nhập WTO của mình. Sau đây là một số nội dung chính các cam kết của Trung Quốc về minh bạch hoá trong WTO.

Tại Phần I, Mục 2(c) Nghị định thư gia nhập, Trung Quốc cam kết:

1. Trung Quốc cam kết chỉ các văn bản luật, quy định dưới luật và các biện pháp khác liên quan tới hay ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá, dịch vụ, TRIPS hay kiểm soát ngoại hối mà đã được đăng và có sẵn cho các nước thành viên WTO khác, các cá nhân và doanh nghiệp thì mới được thực thi. Bên cạnh đó, Trung Quốc phải cung cấp cho các nước thành viên WTO theo yêu cầu tất cả các văn bản luật, quy định dưới luật và các biện pháp khác liên quan tới hay ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá, dịch vụ, TRIPS hay kiểm soát ngoại hối trước khi các biện pháp này được thi hành hay thực thi. Trong các trường hợp khẩn cấp, các văn bản luật, quy định dưới luật và các biện pháp khác phải được sẵn có khi chúng được thi hành hay thực thi.



2. Trung Quốc phải thiết lập hay chỉ định một tạp chí chính thức để đăng tất cả các văn bản luật, quy định dưới luật và các biện pháp khác liên quan tới hay ảnh hưởng tới thương mại hàng hoá, dịch vụ, TRIPS hay kiểm soát ngoại hối và sau khi đăng các luật, quy định dưới luật hay các biện pháp khác đó của mình tại tạp chí này thì phải đưa ra một thời hạn hợp lý để bình luận, góp ý cho các cơ quan thích hợp trước khi các biện pháp này được thi hành, trừ các văn bản luật, quy định dưới luật và các biện pháp khác liên quan tới an ninh quốc gia, các biện pháp cụ thể quyết định tỷ giá hối đoái hay chính sách tiền tệ và các biện pháp khác mà việc đăng chúng sẽ làm cản trở việc thi hành pháp luật. Trung Quốc phải xuất bản tạp chí này một cách thường xuyên và bảo đảm có các bản copy của tất cả các số tạp chí được xuất bản sẵn sàng cho các cá nhân và doanh nghiệp.

3. Trung Quốc phải thiết lập hay chỉ định một địa điểm liên hệ, hỏi đáp để qua đó theo yêu cầu của bất kỳ cá nhân nào hay nước thành viên WTO tất cả các thông tin liên quan tới các biện pháp được yêu cầu phải đăng theo khoản 2(c)1 trên đây của Nghị định thư này đều có thể có được. Các trả lời cho các yêu cầu cung cấp thông tin nói chung phải được đưa ra trong vòng 30 ngày sau khi nhận được yêu cầu. Trong các trường hợp ngoại lệ, các trả lời có thể được đưa ra trong vòng 45 ngày sau khi nhận được yêu cầu. Thông báo về sự chậm trễ và những lý do đi kèm phải được cung cấp cho bên liên quan. Các trả lời cho các nước thành viên WTO phải là ý kiến đầy đủ, hoàn chỉnh và phải thể hiện quan điểm chính thống của chính phủ Trung Quốc. Các thông tin chính xác và đáng tin cậy phải được cung cấp cho các cá nhân và doanh nghiệp.”3

Không cần thiết phải có phân tích hay hiểu biết sâu để có thể nhận ra là các cam kết bổ sung của Trung Quốc về minh bạch hoá tại Phần 1(2)c của Nghị định thư gia nhập WTO là rất rộng, đi xa hơn các quy định của WTO về vấn đề này. Để thực hiện được các cam kết này chắc chắn là Trung quốc phải có nhiều cố gắng và kinh phí không nhỏ. Chính cam kết về minh bạch hoá này của Trung Quốc đã được nhiều người gọi là “WTO plus”, tức là “WTO +” và đem lại những lời bình luận khác nhau về khả năng thực hiện các cam kết này.

Bên cạnh cam kết minh bạch hoá nêu trên, các cam kết của Trung Quốc liên quan tới cơ chế rà soát chuyển đổi cũng liên quan tới vấn đề minh bạch hoá đã làm tăng thêm sự độc đáo của quy chế thành viên WTO của Trung Quốc: Trung Quốc phải cung cấp trước các thông tin liên quan cho các cơ quan của WTO để tiến hành rà soát việc Trung Quốc thi hành các Hiệp định của WTO và các cam kết được ghi trong Nghị định thư gia nhập. Việc rà soát như vậy được tiến hành hàng năm trong 8 năm đầu sau khi gia nhập và có rà soát cuối cùng vào năm thứ 10 hay một thời hạn sớm hơn theo quyết định của Đại hội đồng WTO4. Đây cũng là cam kết không có tiền lệ trước đó trong WTO. Theo quy định của WTO thì chỉ có cơ chế rà soát chính sách thương mại bình thường mà thông qua đó thể chế pháp luật của tất cả các nước thành viên WTO được rà soát lại, nhưng nhiều nhất cũng không quá 2 năm một lần.

Có thể suy luận là việc Trung Quốc có một loạt các cam kết mạnh mẽ liên quan tới minh bạch hoá thể chế pháp luật của mình, đặc biệt là các cam kết quan trọng liên quan tới công khai, minh bạch quy trình xây dựng văn bản pháp luật liên quan tới các lĩnh vực được WTO điều chỉnh thể hiện việc các nước WTO đã quan tâm đặc biệt và gây sức ép rất lớn đối với Trung Quốc khi đàm phán về các vấn đề minh bạch hoá. Có lẽ, chính phủ các nước thành viên WTO cũng đã được các doanh nghiệp của mình thông báo lại về những khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải liên quan tới sự “không” hay kém minh bạch hoá của pháp luật Trung Quốc. Đồng thời, một điều cũng có thể rút ra là những cam kết về minh bạch hoá là công cụ rất hiệu quả cho phép các nước thành viên WTO biết được và kiểm tra được việc Trung Quốc thi hành các cam kết của mình như thế nào, kể cả việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ và ban hành mới nhiều văn bản pháp luật để thực hiện quy chế thành viên.

Về quá trình Trung Quốc thực hiện các cam kết WTO của mình về minh bạch hoá thì có thể tóm tắt như sau.

Năm 2002 Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định về quy trình thủ tục xây dựng và ban hành các văn bản, quy định hành chính trong đó yêu cầu phải có ý kiến đóng góp của công chúng và các đối tượng liên quan. Đây là bước thực hiện cam kết WTO về việc phải dành cơ hội cho các đối tượng liên quan được có ý kiến đóng góp, bình luận trước khi văn bản có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, do đây là các quy định mới trong pháp luật Trung Quốc nên trong nhiều trường hợp chưa thực sự đi vào cuộc sống. Chẳng hạn, nhiều Bộ ngành và cơ quan vẫn làm theo lối cũ và “quên mất” thủ tục lấy ý kiến này. Tình trạng phổ biến là Bộ ngành soạn thảo văn bản pháp luật làm động tác tham vấn và gửi dự thảo tới các Bộ ngành khác, các chuyên gia Trung Quốc và các doanh nghiệp trong nước bị điều chỉnh. Cũng có nhiều khi, cơ quan soạn thảo trao đổi ý kiến với một số công ty nước ngoài nhất định, mặc dù không phải lúc nào cũng chuyển dự thảo văn bản cho các công ty nước ngoài. Chính vì vậy, theo đánh giá của Cơ quan đại diện Hoa kỳ (USTR) thì chỉ một tỷ lệ nhỏ các văn bản pháp luật mới được ban hành gần đây là đã tuân thủ yêu cầu dành một giai đoạn cho công chúng đóng góp ý kiến, và ngay cả khi có dành giai đoạn thời gian này thì khoảng thời gian cho đóng góp ý kiến cũng là quá ngắn.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đạt được những thành tích rất khả quan trong việc minh bạch hoá các văn bản pháp luật mới sau khi được ban hành. Theo quy định của Chính phủ ban hành năm tháng 12/2001 thì phải đăng 30 ngày trước khi được thi hành trên thực tế tất cả các quy định pháp luật được ban hành . Quy định mới này đã có hiệu lực rất tốt đối với các văn bản pháp luật được ban hành gần đây: tất cả các văn bản pháp luật đều được đăng sau khi được ban hành và trước ngày chúng có hiệu lực áp dụng. Đây được coi là một bước tiến lớn trong việc minh bạch hoá pháp luật tại Trung Quốc so với những gì trước khi Trung Quốc gia nhập WTO. Hơn nữa, các văn bản pháp luật mới này thường không chỉ được đăng trên các tạp chí chính thức mà còn được đăng cả trên Internet. Tuy nhiên, do cam kết tại WTO của Trung Quốc yêu cầu phải có bản dịch các văn bản pháp luật ra ngôn ngữ chính thức của WTO – một công việc đòi hỏi không ít đầu tư và thời gian, nên cam kết này đem lại những khó khăn nhất định.

Một nghĩa vụ WTO nữa của Trung Quốc liên quan tới minh bạch hoá là thiết lập các địa chỉ liên hệ, giải đáp các yêu cầu, thắc mắc và cung cấp thông tin. Trung Quốc đã thi hành nghĩa vụ này của mình thông qua việc thiết lập một Trung tâm hỏi đáp và thông tin tại Bộ Thương mại tháng 01/2002. Các Bộ ngành khác cũng thiết lập các địa chỉ liên hệ để cung cấp các thông tin liên quan tới các lĩnh vực mình phụ trách. Theo đánh giá chung thì các địa chỉ liên hệ này của các cơ quan Trung Quốc hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều Bộ ngành đã bắt đầu có địa chỉ Internet để cung cấp các thông tin.

Cùng với chính quyền TW thì chính quyền địa phương một số tỉnh và thành phố như Thượng Hải, Quảng Đông, Bắc Kinh ... đã có quy định về minh bạch và công khai các văn bản của mình.

Sau năm năm thực hiện các nghĩa vụ thành viên, Trung Quốc được đánh giá chung là đã nỗ lực thực hiện các cam kết của mình trong WTO. Tuy nhiên, theo Hoa Kỳ thì vẫn còn những vấn đề nhất định liên quan tới minh bạch hoá5.


III. CÁC CAM KẾT WTO CỦA VIỆT NAM LIÊN QUAN TỚI MINH BẠCH HOÁ

1. Một số yếu tố liên quan tới việc đàm phán và thực hiện các cam kết WTO của Việt Nam về minh bạch hoá

- Minh bạch hoá là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong WTO và là vấn đề quan trọng trong quá trình Trung Quốc gia nhập WTO. Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng - đó là nhận xét của không ít người phương Tây. Trong quá trình gia nhập WTO, dù cố gắng lập luận là Việt Nam không phải là Trung Quốc, nhưng những cam kết của Trung Quốc khi gia nhập WTO, kể cả các cam kết về minh bạch hoá được nêu trên là đi xa hơn thể chế WTO đã là một tiền lệ của WTO và các nước thành viên WTO muốn lấy đó làm thước đo cho cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

- Minh bạch hoá với nội hàm hiện đại dù là thuật ngữ mới trong cộng đồng pháp luật Việt Nam nhưng chắc chắn sẽ được nói tới nhiều trong tương lai khi chúng ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và đẩy mạnh cải cách tư pháp, pháp luật và hành chính. Có thể cho rằng các nội hàm của minh bạch hoá sẽ có chỗ đứng trong thể chế pháp luật Việt Nam vì chúng phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, đường lối, chính sách của nhà nước ta.

- Việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ về minh bạch hoá với nội dung rất gần với những quy định của WTO là một bước chuẩn bị tốt cho Việt Nam tiến tới thực hiện các cam kết thành viên WTO về minh bạch hoá. Có thể thấy là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua 12/2002 và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã đặt những nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thực hiện cam kết quốc tế về minh bạch hoá vì nếu so sánh với Điều X của GATT nêu trên thì về cơ bản chúng ta đã đáp ứng ở cấp trung ương. Việc chúng ta ban hành Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân vào cuối 2004 thì chúng ta lại có thêm các cơ sở để thực hiện các cam kết quốc tế về minh bạch hoá đối với các cấp chính quyền địa phương.

- Đánh giá về thực trạng pháp luật của Việt Nam về minh bạch hoá, công khai so với các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các yêu cầu của WTO thì có thể có nhận xét chung là những cố gắng của chúng ta trong thời gian qua là rất đáng khích lệ, nhưng có lẽ còn chưa đủ và còn nhiều việc phải làm đối với cả việc hoàn thiện pháp luật và cải thiện việc thực thi pháp luật để bảo đảm minh bạch hoá trong cả xây dựng và thực thi pháp luật.

2. Những nội dung của các cam kết WTO của Việt Nam liên quan tới minh bạch hoá

Như đã phân tích trên đây thì các quy định của WTO trong các hiệp định khác nhau, kể cả Điều X của GATT nêu trên được áp dụng chung cho tất cả các nước thành viên WTO. Việt Nam cam kết thực hiện tất cả các hiệp định của WTO như thể Việt Nam gia nhập vào thời điểm Hiệp định WTO có hiệu lực (01/01/1995)6. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện tất cả các quy định của WTO về minh bạch hoá từ ngày gia nhập tổ chức này.

Trong đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã đưa ra một loạt các cam kết khác không được quy định cụ thể trong WTO liên quan tới minh bạch hoá. Sau đây chúng ta cùng xem xét các cam kết này được thể hiện trong Báo cáo của Ban Công tác về gia nhập WTO của Việt Nam7 (sau đây gọi tắt là Báo cáo gia nhập) và khả năng tác động.

2.1 Các cam kết chung của Việt Nam về minh bạch hoá

Trong Báo cáo gia nhập dành một phần riêng mô tả hiện trạng minh bạch hoá của Việt Nam và nêu các cam kết của Việt Nam về vấn đề này. Đó là các đoạn có số từ 509 tới hết 519. Các nội dung liên quan tới thể chế pháp luật hiện hành của Việt Nam không được nêu lại trong bài viết này, nếu ai quan tâm có thể đọc Báo cáo gia nhập. Riêng các nội dung có ý nghĩa là cam kết sẽ được trình bày dưới đây.

a) Việt Nam cam kết tại Đoạn 518 kể từ ngày gia nhập "thực thi đầy đủ Điều X của Hiệp định GATT, Điều III của Hiệp định GATS và các yêu cầu khác về minh bạch hoá của WTO, kể cả các yêu cầu về thông báo, [góp ý kiến vào dự thảo văn bản và đăng]. " Điều này đồng nghĩa với việc tất cả những quy định của WTO về minh bạch hoá mà được nêu tại Mục I của bài viết này được áp dụng đối với Việt Nam kể từ ngày chúng ta gia nhập WTO. Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có các quy định về minh bạch hoá tương tự như các quy định của WTO. Với những nỗ lực thực hiện Hiệp định này trong thời gian qua, Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng các quy định của WTO về minh bạch hoá

b) Việt Nam cam kết là tất cả các luật, văn bản dưới luật, các quyết định tư pháp và hành pháp có tính áp dụng chung sẽ được đăng công khai trước khi có hiệu lực thi hành, trừ các văn bản liên quan tới "tình trạng khẩn cấp hoặc an ninh quốc gia, hoặc các văn bản mà việc [đăng] sẽ gây trở ngại đến quá trình thực thi pháp luật". Việc đăng các văn bản này phải được tiến hành tại Công báo hoặc trang điện tử được nêu tại Bảng 23 đi kèm Báo cáo gia nhập. Đây có lẽ là lần đầu tiên Việt Nam có cam kết quốc tế cụ thể về việc đăng văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới thương mại trên các địa chỉ Internet cụ thể của một số cơ quan nhà nước. Trong số các địa chỉ Internet này có trang tin điện tử của Chính phủ được quy định trong Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ được đánh giá là rất hiệu quả trong việc đăng tải thông tin liên quan tới việc xây dựng pháp luật và quản lý nhà nước. Khi phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO, Quốc hội đã quyết định áp dụng trực tiếp cam kết này8.

c) Liên quan tới việc lấy ý kiến của các đối tượng liên quan cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Việt Nam cam kết dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, UBTV Quốc hội và Chính phủ liên quan tới thương mại và sở hữu trí tuệ sẽ được dành "một khoảng thời gian hợp lý, tức là không ít hơn 60 ngày, để các Thành viên, cá nhân, hiệp hội và doanh nghiệp có thể đóng góp ý kiến... trước khi ...được thông qua", trừ những trường hợp liên quan tới tình trạng khẩn cấp hoặc an ninh quốc gia, hoặc các quy định mà việc đăng sẽ gây trở ngại đến việc thực thi pháp luật9. Cam kết về việc dành khoảng thời gian ít nhất 60 ngày này cho lấy ý kiến đối với tất cả các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Chính phủ trở lên là chưa có tiền lệ trong WTO và cũng chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam. Trong Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội thì Quốc hội đã quyết định áp dụng trực tiếp cam kết dành 60 ngày lấy ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Chính phủ trở lên10.

d) Về việc thông báo, Việt Nam cam kết tại Đoạn 519 Báo cáo gia nhập "chậm nhất là vào thời điểm gia nhập, Việt Nam phải trình tất cả các bản thông báo ban đầu" theo yêu cầu của Hiệp định WTO. Sau khi có thông báo ban đầu này thì "bất kỳ luật, quy định hoặc các biện pháp khác được Việt Nam ban hành sau đó" sẽ phải được thông báo vào thời điểm và theo cách thức phù hợp với các yêu cầu của WTO. Cam kết này có thể được hiểu là kể từ khi gia nhập WTO, nhiều văn bản quy phạm pháp luật hay biện pháp thương mại có tính áp dụng chung của Việt Nam khi soạn thảo và ban hành phải tuân theo yêu cầu thông báo cho WTO. Mặc dù cho tới thời điểm này nghĩa vụ thông báo này chưa được phân cho Bộ ngành nào đảm nhận với tư cách đầu mối, nhưng ít nhất có thể thấy đây là nhiệm vụ thường xuyên và cần có đầu tư về kinh phí vì các thông báo phải được chuyển tải sang một trong những ngôn ngữ chính thức của WTO.

đ) Một vấn đề được một số đối tác thương mại, nhất là Hoa Kỳ đưa ra là thực tiễn của các cơ quan nhà nước Việt Nam sử dụng công văn hay các hình thức văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật quy định về các vấn đề có tính quy phạm hay áp dụng chung. Trong đàm phán Việt Nam đã cam kết "sử dụng "công văn" được minh bạch hơn và phù hợp với các quy định của WTO". Về mặt văn bản pháp luật thì Việt Nam không cho phép sử dụng "công văn" với tư cách là văn bản quy phạm pháp luật (Xem Nghị định số 161/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005). Chính phủ đã có những nỗ lực giải quyết việc sử dụng không đúng "công văn", kể cả đưa ra khả năng đăng công khai những công văn liên quan. Tuy nhiên, có vẻ như là những nỗ lực này chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của WTO về minh bạch hoá. Việc sử dụng công văn để quy định các vấn đề có tính quy phạm có lẽ không chỉ là sự lo ngại của các đối tác thương mại, mà nó còn là vấn đề quan tâm của ngay các doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Chính vì vậy, việc giải quyết hiệu quả hơn vấn đề "công văn" có chứa quy phạm pháp luật là tạo thuận lợi tốt cho quản lý nhà nước và môi trường kinh doanh của Việt Nam. Một trong những phương án đã được nhiều người nêu là cho đăng công khai các "công văn" có tính áp dụng chung hay hướng dẫn, định hướng cho việc ra quyết định của cơ quan quản lý nhà nước, trừ các trường hợp vì các lý do chính đáng như được áp dụng cho các văn bản quy phạm pháp luật (trường hợp khẩn cấp, an ninh quốc gia hoặc việc đăng công khai cản trở việc thực thi pháp luật).

2.2 Các cam kết của Việt Nam về minh bạch hoá được đề cập trong các lĩnh vực cụ thể

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Việt Nam đưa ra một số cam kết liên quan tới minh bạch hoá : các đoạn 506, 507 và 508 của Báo cáo gia nhập. Trong đó có một số cam kết đáng chú ý như sau.

- Việt Nam cam kết tại Đoạn 506 là Việt Nam sẽ đăng một danh sách tất cả các tổ chức chịu trách nhiệm cấp phép, phê duyệt hoặc quản lý các hoạt động dịch vụ... kể từ khi gia nhập, Việt Nam sẽ đăng tại tạp chí chính thức tất cả những thủ tục và điều kiện cấp phép hiện hành... Đây là cam kết vượt ra ngoài khuôn khổ quy định thông thường của WTO và có lẽ cũng đem lại những khó khăn nhất định, ít nhất về mặt kỹ thuật, cho việc thực hiện trong bối cảnh Việt Nam vì theo quy định pháp luật hiện hành để đăng các thông tin chính thức có tính ràng buộc pháp lý này thì chúng phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và hiện tại Việt Nam không có một văn bản quy phạm pháp luật nào chứa đựng đầy đủ "một danh sách" như vậy, mặc dù có thể đâu đó có cơ quan hay cá nhân nào xây dựng một danh sách tương tự.

- Các cam kết được đưa ra tại Đoạn 507 Báo cáo gia nhập về minh bạch hoá có thể cũng đem lại vấn đề khó khăn trong thực tế thi hành, mặc dù lời văn cam kết không đi xa so với các yêu cầu của pháp luật Việt Nam: Việt Nam sẽ bảo đảm các thủ tục và điều kiện cấp phép của mình không là các rào cản độc lập đối với việc tiếp cận thị trường... Đối với những dịch vụ nằm trong Biểu Cam kết Dịch vụ, Việt Nam bảo đảm rằng: (a) thủ tục và điều kiện cấp phép...sẽ được đăng trước khi có hiệu lực; (b) trong bản đăng này, Việt Nam sẽ xác định rõ khuôn khổ thời hạn cho các cơ quan hữu quan ra quyết định về việc cấp phép; (c) các cơ quan hữu quan sẽ ...quyết định... trong thời hạn quy định trong thủ tục chính thức; (d) bất kỳ loại lệ phí nào được tính cho việc nộp và xem xét hồ sơ sẽ không là một rào cản độc lập cho việc tiếp cận thị trường; (đ) theo yêu cầu của người nộp hồ sơ, cơ quan có trách nhiệm ...sẽ thông báo cho người nộp hồ sơ về tình trạng hồ sơ của họ và hồ sơ đó đã được coi là đầy đủ hay chưa..... Người nộp hồ sơ sẽ có cơ hội để khắc phục những khiếm khuyết trong hồ sơ; (e)... cơ quan quản lý đã từ chối hồ sơ đó sẽ thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ lý do từ chối hồ sơ; (g) khi hồ sơ bị từ chối, người một hồ sơ có thể nộp một hồ sơ mới nhằm khắc phục những vấn đề trước đó; (h) trong trường hợp cần phê duyệt, khi hồ sơ đã được phê duyệt, người nộp hồ sơ sẽ được thông báo không chậm trễ bằng văn bản; và (i) trong trường hợp Việt Nam yêu cầu thi kiểm tra để cấp phép hành nghề, việc thi kiểm tra này sẽ được thực hiện với những khoảng cách thời gian thích hợp. Để thực hiện cam kết này có lẽ đội ngũ cán bộ công chức phải có ý thức trách nhiệm tốt hơn trong giải quyết các công việc của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là phải bảo đảm minh bạch hoá trong giải quyết công việc và không được kéo dài việc giải quyết công việc hay xử lý công việc theo các thủ tục ngoài quy định của pháp luật. Với những thông tin đại chúng bức xúc về việc các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức giải quyết công việc cho doanh nghiệp và người dân thì việc thực hiện tốt cam kết WTO này có lẽ đem lại lợi ích cho chính các doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

- Cam kết liên quan tại Đoạn 508 Báo cáo gia nhập đáng được quan tâm : ..Đối với các lĩnh vực dịch vụ có trong Biểu Cam kết Dịch vụ... các cơ quan quản lý hữu quan sẽ được tách bạch với, và sẽ không chịu trách nhiệm trước bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào mà họ quản lý. Ngoài ra, ... ngoại trừ các tình huống khẩn cấp hoặc các quy định và biện pháp liên quan đến an ninh quốc gia, các biện pháp cụ thể ấn định tỷ giá hối đoái hoặc chính tiền tệ và các biện pháp khác mà việc đăng chúng có thể ngăn cản việc thực thi pháp luật, Việt Nam sẽ (a) đăng trước bất kỳ quy định hay các biện pháp thực thi mang tính áp dụng chung mà Việt Nam dự kiến thông qua và mục tiêu của quy định hay biện pháp thực hiện đó; (b) cho phép những người có quan tâm và các Thành viên khác một cơ hội hợp lý để bình luận về quy định hay biện pháp thực hiện khác dự kiến thông qua đó; và (c) cho phép một khoảng thời gian hợp lý từ khi đăng [bản được thông qua] tới khi có hiệu lực.

Câu đầu của cam kết này có nghĩa là cơ chế "chủ quản" của các Bộ ngành đối với các doanh nghiệp nhà nước cung cấp dịch vụ cần được đánh giá lại để bảo đảm mối quan hệ này được minh bạch và rõ ràng hơn. Các nội dung cam kết tiếp theo đem lại hệ quả là tất cả các quy định pháp luật liên quan phải có tính dự đoán trước và được tham khảo ý kiến của các đối tượng liên quan trước khi ban hành. Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật chỉ bắt đầu sau một khoảng thời gian hợp lý kể từ khi đăng văn bản được thông qua. Khi phê chuẩn, Quốc hội đã cho áp dụng cam kết về hiệu lực của văn bản11.

Ngoài ra trong Báo cáo gia nhập, Việt Nam cũng đưa ra các cam kết về minh bạch hoá trong bối cảnh các biện pháp quản lý thương mại, đầu tư hay giải quyết khiếu kiện, kể cả các cam kết xây dựng các điểm hỏi đáp liên quan tới các tiêu chuẩn và quy phạm kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh và vệ sinh dịch tễ... Tuy nhiên, các cam kết trên đây là các cam kết quan trọng nhất về minh bạch hoá mà Việt Nam đã chấp nhận khi gia nhập WTO.


Каталог: Uploads
Uploads -> -
Uploads -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
Uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
Uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
Uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1

tải về 1.24 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương