ĐẶc san tuyên truyền pháp luật số 09/2010 chuyêN ĐỀ CÔng ưỚc của liên hợp quốC



tải về 1.24 Mb.
trang1/10
Chuyển đổi dữ liệu18.08.2016
Kích1.24 Mb.
#22026
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10


HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC

PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ




ĐẶC SAN

TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT

Số 09/2010

CHUYÊN ĐỀ

CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC

VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG MỐI TƯƠNG QUAN

VỚI PHÁP LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CỦA VIỆT NAM

Biên soạn và chịu trách nhiệm nội dung:

PGS.TS. Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp


HÀ NỘI - NĂM 2010

Phần thứ nhất
MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CÔNG ƯỚC CỦA

LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG

VÀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM



I. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG
1. Những thông tin chung về Công ước

Theo thông tin của Liên Hợp quốc1, Công ước năm 2003 về chống tham nhũng là một trong 19 điều ước quốc tế trực tiếp về các vấn đề hình sự (Penal Matters) được đăng ký lưu chiểu tại Liên Hợp quốc.

Công ước được Đại Hội đồng LHQ thông qua ngày 01.10.2003 tại Trụ sở LHQ ở New York. Công ước được mở cho tất cả các nước thành viên LHQ ký từ ngày 09 đến ngày 11.12.2003 tại Merida, Mexico, và sau đó là tại Trụ sở LHQ ở New York đến ngày 09.12.2005. Công ước cũng được mở cho tất cả các tổ chức hội nhập kinh tế quốc tế khu vực ký nếu tổ chức đó có ít nhất là một nước thành viên đã ký Công ước này. Ngày 10.12.2003,Việt Nam đã ký Công ước với bảo lưu gửi kèm theo Văn kiện phê chuẩn ngày 19 tháng 8 năm 2009 như sau:

Xét Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 01 tháng 10 năm 2003,



Và, xét Công ước đã được ký thừa uỷ quyền của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 10 tháng 12 năm 2003.

Bằng văn kiện này, Tôi, Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố rằng, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau khi đã nghiên cứu kỹ nội dung Công ước, phê chuẩn Công ước này và cam kết sẽ thi hành đầy đủ các quy định của Công ước .

Khi phê chuẩn Công ước, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, căn cứ khoản 3 Điều 66 của Công ước, tuyên bố nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không bị ràng buộc bởi khoản 2 Điều 66 của Công ước. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đồng thời gửi kèm Bản Tuyên bố về việc thực thi Công ước này.

Để làm bằng, Tôi đã ký và đóng dấu Văn kiện Bảo lưu này.”.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tuyên bố gửi kèm theo Văn kiện phê chuẩn ngày 19 tháng 8 năm 2009 như sau:

1. Phù hợp với nguyên tắc của pháp luật Việt Nam, Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quy định về hình sự hoá hành vi làm giàu bất hợp pháp theo quy định tại Điều 20 và quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định tại Điều 26 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

2. Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; việc thực hiện các quy định của Công ước trên sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, trên cơ sở các thoả thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi có lại.

3. Căn cứ Điều 44 của Công ước, Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không coi Công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ; Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện dẫn độ theo quy định của pháp luật Việt Nam, trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ và nguyên tắc có đi có lại.”. Viet Nam

Ngày 14.12.2005, Công ước có hiệu lực thi hành, có 143 nước là thành viên (đến ngày 20.6.2010). Ngày 18.9.2009, Công ước này có hiệu lực thi hành đối với Việt Nam.



2. Nội dung tổng quát của Công ước

2.1. Cấu trúc chung của Công ước

Công ước gồm có: Lời nói đầu, 8 chương, 71 điều, cụ thể:

Chương I: Những quy định chung;

Chương II: Các biện pháp phòng ngừa;

Chương III: Hình sự hoá và thực thi pháp luật;

Chương IV: Hợp tác quốc tế;

Chương V: Thu hồi tài sản;

Chương VI: Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin;

Chương VII: Các cơ chế thi hành Công ước;

Chương VIII: Các điều khoản cuối cùng.



2.2. Lời nói đầu của Công ước

Lời nói đầu của Công ước ghi nhận tính chất nguy hiểm, mức độ nghiêm trọng và những hậu quả tiêu cực của tham nhũng đối với các giá trị dân chủ, nguyên tắc pháp quyền và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế. Các quốc gia cần quyết tâm phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng bằng hệ thống các biện pháp toàn diện, đa dạng và hữu hiệu. Đồng thời, các quốc gia thành viên Công ước cần tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng thông qua hợp tác điều tra, truy tố, trao đổi thông tin, thu hồi tài sản, trợ giúp kỹ thuật, gồm cả hỗ trợ tăng cường năng lực xây dựng thể chế.



2.3. Những quy định chung

a, Mục đích của Công ước

Mục đích chung nhất của Công ước là hình thành một khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác giữa các quốc gia trong hoạt động phòng, chống tham nhũng thông qua hệ thống các biện pháp phòng, chống hữu hiệu.

Điều 1 Công ước khẳng định: “Thúc đẩy và tăng cường các biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả hơn…Thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả việc thu hồi tài sản”.

b, Phạm vi của Công ước

Theo quy định tại Điều 3 Công ước, phạm vi áp dụng của Công ước bao trùm tất cả các lĩnh vực của công tác chống tham nhũng, gồm: phòng ngừa, điều tra, truy tố tham nhũng và việc phong toả, tạm giữ, tịch thu và hoàn trả tài sản có được do phạm các tội quy định trong Công ước. Điều này phản ánh mong muốn của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng, thực thi Công ước chống tham nhũng Liên Hợp quốc như một công cụ phòng, chống tham nhũng toàn diện, hệ thống, đáp ứng được các yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tham nhũng của mỗi quốc gia cũng như từng khu vực và trên toàn thế giới.

c, Vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia

Tham nhũng là một vấn đề tương đối nhạy cảm, luôn có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động quản lý Nhà nước. Việc hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng tiềm ẩn nguy cơ chủ quyền quốc gia có thể bị ảnh hưởng, hoặc công việc nội bộ của quốc gia bị can thiệp. Do vậy, để đảm bảo hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng thật sự vì mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý và khắc phục hậu quả tham nhũng, tránh sự lợi dụng nhằm các mục đích gây ảnh hưởng, can thiệp công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, Điều 4 Công ước quy định:

Các quốc gia thành viên Công ước này thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của Công ước theo cách thức phù hợp với các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác”.

3. Một số quy định cụ thể của Công ước

3.1. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Phòng ngừa tham nhũng đóng vai trò thiết yếu trong đấu tranh chống tham nhũng, giúp ngăn ngừa hành vi tham nhũng, tăng cường khả năng phát hiện tham nhũng và khắc phục hậu quả tham nhũng. Trên cơ sở nhận thức đó, Công ước đã dành toàn bộ Chương II quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng mà các quốc gia thành viên cần xây dựng, thực hiện hoặc duy trì. Điều 5 Công ước nêu yêu cầu: “Phải thúc đẩy sự tham gia của xã hội và thể hiện nguyên tắc nhà nước pháp quyền, quản lý đúng đắn việc công và tài sản công, tính liêm khiết, minh bạch và trách nhiệm”.

Đồng thời, Công ước quy định nghĩa vụ hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy và xây dựng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó có nghĩa vụ tham gia các chương trình và dự án quốc tế về phòng ngừa tham nhũng và thiết lập các thiết chế trong nước về vấn đề phòng chống tham nhũng.

a, Cơ quan phòng, chống tham nhũng

Điều 6 và Điều 36 Công ước quy định việc thành lập cơ quan hoặc lực lượng phòng, chống tham nhũng chuyên trách là cần thiết nhằm thực thi, giám sát và phối hợp việc thi hành các chính sách và hành động chống tham nhũng. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo sự độc lập cần thiết cho cơ quan nói trên, trong đó có việc cung cấp phương tiện vật chất, đội ngũ cán bộ chuyên trách cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ này để họ có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.



b, Phòng, chống tham nhũng ở Khu vực công

Các quốc gia thành viên cần nỗ lực ban hành, duy trì và củng cố các chính sách nhằm tăng cường minh bạch, hiệu quả hoạt động của khu vực công, bao gồm: cải cách chế độ tuyển dụng, thuê, sử dụng, đề bạt và hưu trí đối với công chức; thúc đẩy sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong đội ngũ công chức, trong đó có việc nghiên cứu ban hành và tổ chức thực hiện những quy tắc hoặc chuẩn mực xử sự đối với công chức; xây dựng các cơ chế mua sắm công phù hợp, cạnh tranh và khách quan; áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm tăng cường minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài chính công; tăng cường minh bạch trong quản lý hành chính công cùng với các hoạt động tổ chức, thực hiện chức năng và ra quyết định.

c, Các biện pháp liên quan truy tố và xét xử

Điều 11 Công ước ghi nhận tầm quan trọng của việc đảm bảo sự độc lập trong hoạt động xét xử. Các quốc gia cần áp dụng các biện pháp tăng cường tính liêm khiết và phòng ngừa cơ hội tham nhũng đến với cán bộ toà án, trong đó có việc ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ toà án và tư pháp. Những biện pháp có tác dụng tăng cường tính liêm khiết cũng cần được áp dụng đối với cán bộ của cơ quan công tố và điều tra.

d, Sự tham gia của xã hội

Điều 13 Công ước quy định việc áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về sự tồn tại, nguyên nhân, tính chất nghiêm trọng và mối đe doạ của tham nhũng; thúc đẩy sự tham gia tích cực, chủ động của các cá nhân và tổ chức ngoài khu vực công như xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng, công chúng, thông tin đại chúng vào công tác phòng, chống tham nhũng.

e, Các biện pháp chống rửa tiền

Công ước dành nhiều điều khoản quy định trực tiếp và gián tiếp đến các biện pháp mà các quốc gia thành viên cần áp dụng nhằm ngăn ngừa và chống rửa tiền. Điều 14 quy định các biện pháp chống rửa tiền mang tính định hướng và phòng ngừa là chủ yếu. Theo đó, các quốc gia cần thiết lập cơ chế giám sát toàn diện đối với các ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng, các cơ quan khác đặc biệt dễ phát sinh hoạt động rửa tiền, nhằm ngăn chặn, phát hiện mọi hình thức rửa tiền; áp dụng các biện pháp khả thi nhằm kiểm soát, phát hiện việc di chuyển tiền mặt và tài sản qua biên giới nhưng không được gây cản trở đối với sự di chuyển của các dòng vốn hợp pháp; tăng cường hợp tác nhằm đấu tranh chống rửa tiền.



f, Phòng, chống tham nhũng ở Khu vực tư

Điều 12 của Công ước quy định các quốc gia thành viên Công ước, trên cơ sở luật pháp quốc gia, áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng liên quan đến khu vực tư, tăng cường các chuẩn mực kế toán, kiểm toán liên quan đến khu vực tư; ban hành các chế tài dân sự, hành chính hoặc hình sự có hiệu lực đối với các hành vi vi phạm.



3.2. Hình sự hoá và thực thi pháp luật

a, Hình sự hoá

Công ước đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải hình sự hoá các hành vi quy định từ Điều 15 đến Điều 25 của Công ước, gồm: hối lộ công chức quốc gia; hối lộ công chức nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế công; tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác bởi công chức; Lạm dụng ảnh hưởng để trục lợi; Lạm dụng chức năng; Hối lộ trong khu vực tư; Biển thủ tài sản trong khu vực tư; Che dấu tài sản; Cản trở hoạt động tư pháp. Đối với việc hình sự hoá hành vi làm giàu bất hợp pháp (Điều 20) và hành vi tẩy rửa tiền và tài sản do phạm tội mà có (Điều 23), các quốc gia thực hiện dựa trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia.

b, Phong toả, tạm giữ, tịch thu

Trên nguyên tắc mọi tài sản do hành vi tham nhũng mà có đều phải bị thu hồi, Công ước đã quy định các quốc gia thành viên, trong phạm vi rộng nhất được pháp luật quốc gia cho phép, ban hành các quy định cần thiết cho phép tịch thu tất cả tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội theo quy định tại Công ước, kể cả tài sản đó đã bị biến đổi, lẫn lộn với tài sản khác và các lợi ích, thu nhập phát sinh từ tài sản tham nhũng; tài sản, trang thiết bị hay công cụ khác đã hoặc sẽ sử dụng để thực hiện hành vi tham nhũng. Đồng thời, để đảm bảo mục đích tịch thu, Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp phong toả và tạm giữ cần thiết.



c, Trách nhiệm của pháp nhân

Các quốc gia thành viên, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc gia, cần quy định trách nhiệm của pháp nhân khi tham gia các tội phạm quy định tại Công ước. Hình thức trách nhiệm cụ thể do các quốc gia tự quyết định, có thể là trách nhiệm hình sự, hành chính hoặc dân sự, miễn là hình thức trách nhiệm được áp dụng tương xứng, thích đáng và có tác dụng ngăn ngừa. Ngoài ra, trách nhiệm của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

d, Bảo vệ nhân chứng, chuyên gia giám định và nạn nhân

Công ước quy định các quốc gia, căn cứ pháp luật quốc gia và khả năng có thể, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ nhân chứng, chuyên gia giám định, nạn nhân trước nguy cơ bị trả thù. Ngoài các biện pháp cụ thể nêu tại Khoản 2 Điều 32, Công ước cũng khuyến nghị các quốc gia xem xét việc ký hiệp định hoặc thoả thuận nhằm tái định cư những người nhắc đến tại Khoản 1 Điều 32. Đồng thời, tại Điều 33, Công ước cũng quy định việc áp dụng các biện pháp nhằm bảo vệ người tố giác trước những đối xử bất công khi tố giác hành vi tham nhũng.

3.3. Hợp tác quốc tế theo Công ước

Hợp tác quốc tế trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với tội phạm tham nhũng là một nội dung quan trọng của Công ước . Khoản 1 Điều 43 Công ước quy định nghĩa vụ chung về vấn đề hợp tác quốc tế: “Các quốc gia thành viên của Công ước hợp tác về hình sự theo quy định tại các điều từ Điều 44 đến Điều 50 Công ước này. Khi thích hợp và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc gia mình, các quốc gia thành viên phải xem xét trợ giúp cho nhau trong việc điều tra, thủ tục tố tụng dân sự và hành chính liên quan đến tham nhũng”.



a, Dẫn độ tội phạm

Theo quy định tại Điều 44 Công ước, phạm vi dẫn độ được áp dụng là các tội phạm về tham nhũng quy định tại Công ước, kể cả trong trường hợp hành vi đó không bị trừng phạt theo pháp luật quốc gia. Phạm vi dẫn độ nói trên được coi là một nội dung của các Hiệp định dẫn độ hiện hành giữa các quốc gia thành viên và sẽ được đưa vào các Hiệp định dẫn độ mà các quốc gia thành viên sẽ ký kết với nhau. Đối với các quốc gia yêu cầu việc dẫn độ phải dựa trên hiệp định dẫn độ, trong trường hợp không có hiệp định dẫn độ, các bên có thể coi Công ước này là căn cứ pháp lý quốc tế cho việc dẫn độ. Tại thời điểm phê chuẩn, công nhận, thông qua hoặc gia nhập Công ước, các quốc gia thành viên phải thông báo cho Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về việc có chấp nhận Công ước làm căn cứ pháp lý cho việc dẫn độ hay không. Nếu các quốc gia thành viên không chấp nhận, Công ước khuyến nghị các bên ký Hiệp định dẫn độ để thực hiện điều khoản về dẫn độ của Công ước. Đồng thời, Công ước khuyến khích các quốc gia thành viên ký kết các hiệp định song phương, đa phương về dẫn độ hoặc tăng cường hiệu quả hoạt động dẫn độ.



b, Tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự

Khoản 1 Điều 46 Công ước quy định: “Các quốc gia thành viên của Công ước dành cho nhau biện pháp tương trợ tư pháp rộng rãi nhất trong điều tra, truy tố và xét xử những loại tội phạm quy định tại Công ước này”. Trong trường hợp giữa các quốc gia hữu quan không có Hiệp định tương trợ tư pháp, Điều 46 Công ước được áp dụng để điều chỉnh vấn đề tương trợ tư pháp. Nếu có Hiệp định tương trợ tư pháp, các nội dung tương ứng phải được áp dụng, trừ khi các quốc gia thành viên đồng ý áp dụng các quy định của Công ước thay thế.

Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải chỉ định một cơ quan trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận yêu cầu tương trợ tư pháp, thực hiện hoặc chuyển các yêu cầu sang cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Quốc gia thành viên phải thông báo cho Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về cơ quan trung ương được chỉ định vì mục đích này vào thời điểm phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hoặc gia nhập Công ước.



c, Hợp tác thực thi pháp luật

Các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác thực thi pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng. Theo đó, các quốc gia phải áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm: tăng cường khả năng kiểm soát đối tượng tình nghi, tài sản, công cụ, phương tiện liên quan đến tội phạm tham nhũng; nâng cao khả năng trao đổi thông tin về hành vi tham nhũng; tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp có hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia; phối hợp thực hiện các biện pháp hành chính và các biện pháp khác nhằm sớm nhận dạng tham nhũng. Các hiệp định quốc tế về vấn đề này được khuyến khích ký kết.

d, Kỹ thuật điều tra đặc biệt

Để chống tham nhũng có hiệu quả, Công ước khuyến nghị các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp nhằm cho phép các cơ quan chức năng sử dụng các kỹ thuật điều tra đặc biệt, chẳng hạn như giám sát điện tử và các hình thức giám sát khác, hoạt động chìm. Việc ký kết các Hiệp định làm cơ sở cho việc sử dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt khi hợp tác ở cấp độ được Công ước khuyến khích. Trong trường hợp chưa có Hiệp định hoặc thoả thuận, việc áp dụng kỹ thuật điều tra đặc biệt được đưa ra theo từng vụ việc, thuộc quyền tự quyết của quốc gia.

3.4. Thu hồi tài sản

Điều 51, Chương V Công ước quy định: “Hoàn trả tài sản theo quy định tại Chương này là nguyên tắc căn bản của Công ước này, và theo đó, các quốc gia thành viên cung cấp cho nhau các biện pháp hợp tác và trợ giúp rộng rãi nhất”. Trên cơ sở đó, Công ước quy định các biện pháp toàn diện nhằm tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản có được do hành vi tham nhũng.



a, Phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do phạm tội mà có

Các quốc gia cần áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm yêu cầu các tổ chức tài chính tăng cường nhận dạng, kiểm soát kỹ các tài khoản đáng ngờ, nhân danh hoặc có liên quan đến những cá nhân đang hoặc đã giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước hoặc những người có liên quan của họ. Công ước yêu cầu các quốc gia xem xét thiết lập hệ thống công khai tài chính đối với nhóm công chức nhất định, trong đó có việc yêu cầu công chức báo cáo về sự liên quan của mình đối với tài khoản ở nước ngoài, các biện pháp công khai tài chính phải bao gồm chế tài đối với hành vi không chấp hành.

b, Các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp

Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên, căn cứ pháp luật quốc gia, áp dụng các biện pháp cần thiết cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện để xác định quyền đối với tài sản có được do hành vi tham nhũng, cho phép toà án của mình yêu cầu người thực hiện hành vi tội phạm bồi thường thiệt hại, cho phép toà án công nhận quốc gia thành viên có yêu cầu là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản khi phải có quyết định tịch thu.

c, Hợp tác quốc tế vì mục đích tịch thu và các cơ chế thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu

Điều 55 Công ước quy định các quốc gia thành viên Công ước khi nhận được yêu cầu tịch thu tài sản, công cụ, phương tiện liên quan đến tội phạm tham nhũng quy định tại Công ước từ một quốc gia thành viên khác có quyền tài phán đối với tội phạm đó, trong phạm vi rộng nhất mà pháp luật quốc gia cho phép, phải: xem xét yêu cầu để cấp lệnh tịch thu và thi hành lệnh tịch thu; xem xét công nhận hiệu lực thi hành của lệnh tịch thu do toà án của quốc gia yêu cầu ban hành. Để thực hiện quy định này, Điều 54 Công ước đề ra các biện pháp mà quốc gia thành viên cần áp dụng, trên cơ sở phù hợp với pháp luật quốc gia: áp dụng các biện pháp cần thiết cho phép công nhận hiệu lực thi hành của lệnh tịch thu ban hành bởi quốc gia thành viên khác; phong toả hoặc thu giữ tài sản theo lệnh tịch thu của toà án, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia yêu cầu hoặc theo đề nghị của quốc gia yêu cầu; và các biện pháp cần thiết khác.



d, Trả lại và xử lý tài sản

Điều 57 Công ước quy định về việc xử lý tài sản bị tịch thu. Theo Khoản 1 Điều 57 Công ước, việc xử lý tài sản có liên quan đến tội phạm tham nhũng đã bị tịch thu theo Điều 31 hoặc Điều 55, bao gồm cả việc trả lại chủ sở hữu hợp pháp, sẽ do quốc gia thành viên đã tiến hành tịch thu tài sản đó thực hiện theo quy định của Công ước và pháp luật quốc gia đó.

Khoản 2 Điều 57 Công ước quy định các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp cần thiết khác để cho phép cơ quan có thẩm quyền của mình trả lại tài sản bị tịch thu khi hành động theo yêu cầu của quốc gia thành viên khác.

Để thực thi Khoản 1 và 2, Khoản 3 Điều 57 Công ước quy định về các trường hợp và nghĩa vụ trả lại tài sản bị tịch thu:

(i) Trong trường hợp tham ô công quỹ (Điều 17) hoặc tẩy rửa tài sản có được do tham ô công quỹ (Điều 23), khi việc tịch thu được thực hiện theo Điều 55 của Công ước và trên cơ sở bản án cuối cùng của quốc gia yêu cầu (quốc gia được yêu cầu có thể miễn điều kiện này), quốc gia được yêu cầu phải trả lại tài sản cho quốc gia yêu cầu. Như vậy, khi điều kiện về nội dung (Điều 17, Điều 23) và về thủ tục (Điều 55) được đáp ứng, quốc gia đã tiến hành tịch thu tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản cho quốc gia đã yêu cầu tịch thu;

(ii) Khi việc tịch thu tài sản có được do phạm các tội quy định tại Công ước được thực hiện theo Điều 55 của Công ước và trên cơ sở bản án cuối cùng của quốc gia yêu cầu (quốc gia được yêu cầu có thể miễn điều kiện này) và quốc gia yêu cầu chứng minh được quyền sở hữu trước đó của mình đối với tài sản hoặc nếu quốc gia được yêu cầu coi thiệt hại đối với quốc gia yêu cầu là căn cử để trả lại tài sản, thì quốc gia được yêu cầu phải trả lại tài sản cho quốc gia yêu cầu;

(iii) Trong các trường hợp khác, việc trả lại tài sản bị tịch thu cho quốc gia yêu cầu hoặc chủ sở hữu hợp pháp trước đó của tài sản hoặc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân của tội phạm sẽ được quốc gia tịch thu coi là ưu tiên khi xem xét xử lý tài sản đó.

Quốc gia được yêu cầu có thể khấu trừ các chi phí hợp lý phát sinh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử để dẫn đến việc trả lại hay xử lý tài sản bị tịch thu theo Điều 57.

Việc trả lại tài sản cho nước gốc theo quy định tại Điều 57 của Công ước là một vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp xét trên nhiều khía cạnh: kỹ thuật, kinh tế, chính trị, xã hội…Vì vậy, Công ước khuyến nghị các quốc gia thành viên dành “sự quan tâm đặc biệt” nhằm đi đến các thoả thuận hoặc dàn xếp đối với từng vụ việc cụ thể để đưa ra quyết định xử lý cuối cùng đối với tài sản bị tịch thu.

e, Đơn vị tình báo tài chính

Theo quy định tại Điều 58 Công ước, để thúc đẩy cách thức và biện pháp nhằm thu hồi tài sản, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ xem xét việc thành lập đơn vị tình báo tài chính. Đơn vị này sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận, phân tích và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền báo cáo về các giao dịch tài chính đáng ngờ.

Do tính chất quan trọng của vấn đề thu hồi tài sản có được do tham nhũng, cùng với các quy định tương đối chi tiết, toàn diện và mang tính nghiệp vụ, kỹ thuật cao về hợp tác quốc tế nhằm thu hồi tài sản tại Chương V Công ước, Điều 59 Chương V quy định: “Các quốc gia thành viên phải xem xét việc ký kết các thoả thuận hoặc dàn xếp song phương hoặc đa phương nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế theo quy định tại Chương này của Công ước”.

3.5. Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin

Các quốc gia có nghĩa vụ khởi xướng, phát triển hoặc tăng cường các chương trình đào tạo cụ thể đối với đội ngũ cán bộ chịu trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng theo các nội dung đề ra tại Khoản 1 Điều 60 Công ước.

Các quốc gia thành viên, tuỳ vào khả năng của mình, xem xét hỗ trợ cho nhau về tài chính, trang thiết bị, đào tạo, kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành; nỗ lực tối đa hoá các hoạt động thực hành và đào tạo trong khuôn khổ các hiệp định và thoả thuận; tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về phòng, chống tham nhũng; xem xét phát triển và chia sẻ số liệu về chống tham nhũng, đội ngũ chuyên gia phân tích thông tin về tham nhũng. Công ước đặc biệt khuyến nghị việc ký các Hiệp định về hỗ trợ tài chính, kỹ thuật giữa các quốc gia thành viên.


Каталог: Uploads
Uploads -> -
Uploads -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
Uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
Uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
Uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1

tải về 1.24 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương