Cố Mục Sư Nguyễn Duy Xuân LỜi tác giả. Mục đích tôi viết quyển sách làm chứng này


(Hình gia đình Mục sư Xuân khoảng năm 1965. Các con: Tân, Huệ, Khiêm, Sang, Quang và Mai)



tải về 1.82 Mb.
trang7/8
Chuyển đổi dữ liệu02.06.2018
Kích1.82 Mb.
#39274
1   2   3   4   5   6   7   8

(Hình gia đình Mục sư Xuân khoảng năm 1965. Các con: Tân, Huệ, Khiêm, Sang, Quang và Mai)

ƠN CHÚA CHO TÔI THÀ CHỊU TỘI, CHỊU TRỤC XUẤT, CHỚ KHÔNG CHỊU PHÁ DỠ ĐỀN THỜ THEO LỆNH ĐÔ TRƯỞNG.

Cám ơn Chúa, chúng tôi vừa vượt qua được những biến cố hết sức quan trọng; bây giờ lại xảy ra thêm một việc nữa cũng không kém phần quan trọng. Thật câu “Họa vô đơn chí” cũng không phải là không đúng.

Ấy là nhà thờ tuy trước đó được kiến trúc hợp pháp nhưng do sự đo lộn của Sở Họa đồ từ xưa nên vách tường nhà thờ đưọc xây lấn qua bên đất của người lân cận hết 6 tấc và mặt gió lấn qua 1m50. Đã có sự thưa kiện xảy ra. Tôi và ông Giáo sĩ Ellison phải tới lui với nhà cầm quyền mấy lần. Người lân cận tuyên bố thế nào người cũng thắng kiện và đuổi được nhà thờ. Người rất tự đắc vì thấy lúc bấy giờ nhà cầm quyền Cao miên ghét Mỹ cũng như Việt, mà nhà thờ này là của Mỹ và Việt. Nhưng người đã lầm vì nhà thờ này là nhà thờ của Đức Chúa Trời.

Ít lâu sau, người phát bệnh đau thình lình phải vào bệnh viện và cuối cùng bị nằm liệt vĩnh viễn. Hoảng sợ, người liền bán 3 căn nhà và đất ấy cho một người Miên khác. Chủ mới này cũng tự đắc đến hâm dọa tôi mấy lần rằng: “Tôi có quen với Shihanouk và tôi chỉ nói một tiếng là đuổi được nhà thờ.” Thật đúng như lời, người vào đơn thưa ít ngày là có lệnh Đô trưởng truyền cho ông Cò đưa giấy tờ buộc tôi phải dỡ nhà thờ nội trong ba tháng để trả đất lại cho người lân cận cất phố.

Chúng tôi vội vã cho cụ Giáo sĩ hay để nhờ can thiệp. Cụ Giáo sĩ có đến xin hoãn lại lệnh dỡ nhà thờ nhưng không xin được. Giáo sĩ cho tôi hay phải dỡ nhà thờ chớ không còn cách nào khác. Tôi nhận thấy Giáo sĩ thật là nhúc nhác nên trả lời: “Tôi không thể nào bằng lòng dỡ nhà thờ liền bây giờ vì còn chờ kết quả của tòa án xử ra sao, chớ đây chỉ là lệnh ông Đô trưởng, có lẽ người nhận tiền hối lộ mà xử như vậy.” Ông bà Giáo sĩ khuyên tôi: “Nếu ông không chịu dỡ nhà thờ là ông chống với Đô trưởng mà chống với Đô trưởng là ở tù và sau đó bị trục xuất.” Thật vậy, vì Đô trưởng là ông hoàng, lệnh họ như lệnh vua. Lúc bấy giờ không có Đại sứ Việt Nam nên người Việt kiều ngụ tại Cao miên có thể nói như là “Cá nằm trên thớt”. Bấy giờ dù một người lính tầm thường họ cũng có thể có quyền cáo kiện để trục xuất người Việt, chớ đừng nói chi một Đô trưởng oai quyền.

“Tôi đâu có chống với ai mà ở tù, chỉ yêu cầu đưa vụ kiện ra tòa án mà thôi, nếu sự yêu cầu như vậy mà bị tù, bị trục xuất thì đành chịu, chớ tôi không thể nào phá dỡ nhà thờ cách vội vàng khi mà nhà thờ được kiến trúc cách đúng phép. Và chúng tôi tin Đức Chúa Trời là Đấng Sống, không khi nào Ngài cho phép ai phá đền thờ của Ngài theo cách như vậy. Chúng ta nên chờ đợi cánh tay của Đức Chúa Trời. Nếu nhà cầm quyền đến phá dỡ thì họ cứ làm, nhưng tôi không ký tên cũng không phá dỡ.”

Sau cuộc thảo luận gây cấn, chúng tôi nhận thấy không thể nào nhờ cậy Giáo sĩ bênh vực được và nhà cầm quyền Cao miên cũng chẳng nể họ. Sáng hôm sau, tôi mời vài nhân viên BCH Hội thánh cùng đi với tôi đến nhà người lân cận để điều đình mua miếng đất ấy. Người ỷ thắng kiện đòi 300.000 Ria (tương đương 5.000 US Dollars). Nhận thấy số tiền quá lớn và quá mắc, Hội thánh không thể nào có đủ tiền để mua, nên tôi muốn kéo dài thời gian để cầu nguyện và chờ đợi ý Đức Chúa Trời. Tôi liền năn nỉ và hẹn với người lân cận để ít ngày lo liệu rồi sẽ trả lời dứt khoát. Tuần sau, người lân cận cứ luôn đến nhà chúng tôi để thúc hối, còn tôi như người thua kiện xin hẹn nay mai để chờ cánh tay Chúa tiếp cứu.

Kế đó, có lệnh Đô trưởng mời Giáo sĩ, tôi và nhân viên BCH Hội thánh đến rồi cho hay: “Người lân cận muốn điều đình để mọi việc xúc tiến mau lẹ, là Hội thánh phải ưng chịu cho người phá vách tường nhà thờ và một phần mặt tiền. Đoạn, người sẽ gát những cây trính nhà thờ vào tường của nhà đang xây, sở phí người chịu hết; nhà thờ sẽ hơi hẹp một chút mà thôi. Thấy việc hòa giải êm xuôi, nhà thờ hơi hẹp và mặt tiền méo một chút cũng không sao nên Giáo sĩ vui vẻ bằng lòng. Ông Đô trưởng thấy vậy xin Giáo sĩ hẹn ngày đến làm giấy giao kèo.

Về phần tôi, cảm thấy sự phá dỡ nhà thờ như vậy là một sự thua nhục cho Danh thánh của Chúa, vì nhà thờ kiến trúc đúng phép; còn sự lầm lộn là do lỗi sở Họa đồ. Lại nữa, tôi suy nghĩ biết đâu sau này nhà thờ bị méo thì hội đồng Thẩm mỹ Đô thành họ cho dỡ luôn vì nhà thờ không còn đẹp mà lại ở ngay đường lớn của thành phố. Hơn nữa, mất hàng cửa sổ là mất dưỡng khí và cách đâm trính vào tường như vậy cũng không được vững chắc, sở vệ sinh có thể lấy cớ đó không cho nhóm họp. Trước mặt vị Đô trưởng oai quyền tôi không dám kháng biện. Nhưng Chúa cho tôi khôn khéo yêu cầu hoãn lại ít ngày để triệu tập Hội thánh nhóm lại đông đủ thảo luận rồi sẽ trả lời và làm giao kèo. Ý định của tôi là: “Giục hưỡn, cầu mưu” để xin sự can thiệp bởi phép lạ của Chúa, chớ thật ra tôi cũng dư biết cả Hội thánh đều nghe lời Giáo sĩ muốn cho sự kiện sớm chấm dứt để tránh sự thù nghịch với người Miên, hoặc mang tiếng chống lại với nhà cầm quyền; hoặc cũng sợ lúc thua kiện thì nhà thờ bị phá dỡ thì không còn chỗ nhóm.

Tôi cứ trì hoãn việc trả lời, dưới sự thúc hối của người lân cận vì người lân cận đang gấp bởi tường nhà họ đã xây lên rồi. Thời gian kéo dài được chừng một tháng. Trong thời gian này, gia quyến chúng tôi cũng như anh em tín hữu tha thiết cầu nguyện, xin Chúa can thiệp để nhà thờ khỏi bị phá. Cảm tạ ơn Chúa, sự can thiệp của Ngài rất diệu kỳ và đúng lúc, trong khi tôi thấy không thể nào kéo dài được sự hẹn tới hẹn lui nữa, thì thình lình, người lân cận bị xe đụng, không rõ như thế nào mà hai mắt mở như thường nhưng một con như bị đui không thấy đường. Người hoảng sợ nên đến cùng chúng tôi cho hay: “Người muốn bán rẻ 4 thước đất đó cho Hội thánh.” Tôi liền mời vài nhân viên Hội thánh đi với tôi đến nhà người lân cận để biết giá bao nhiêu. Người bán giá 60.000 Ria, gồm 4 thước đất và tường nhà của ông sẽ có để ló dàn sắt ra sẵn để sau nầy nhà thờ muốn xây cất gì thì có thể nối vào. Ông cũng sẽ bao luôn tiền sang bộ. Chúng tôi nhận thấy giá rẻ và Hội thánh có thể lo được nên bằng lòng mua. Anh em tín hữu cố gắng lạc hiến và Hội thánh Trung hoa cũng trợ giúp một phần nên sau hai tháng là số tiền được trả xong tất cả. Thật cảm tạ ơn Chúa “Không có gì khó cho Đức Chúa Trời mà Ngài không làm được” (Sáng 18:14)

Sở dĩ Chúa can thiệp đến nhà thờ này cách đặc biệt vì Chúa biết trong tương lai nhà thờ Việt Nam còn rất cần để dùng cho con cái Chúa giữa người Cao miên, nên trước khi gia quyến chúng tôi sang Pháp tôi ký giấy giao tất cả cơ sở lại cho ông Giáo sĩ Jean-Funé và Hội trưởng Tin lành Cao miên.

Cơ sở này gồm có: một căn nhà có lầu đúc, bề ngang 4 thước, dài 15 thước (tầng dưới và tầng trên). Một nhà thờ xây bằng gạch ngói có mặt gió khá cao rất đẹp, bề ngang 8 thước, dài 13 thước, nằm trên đại lộ có tiếng ở Nam vang là đường Kampuchea Krom còn gọi là “Đường 30 Thước”, gần trung tâm thành phố. Nếu trị giá cơ sở này phải trên hai triệu Ria (tương đương 60.000 US Dollars, năm 1970).

Hơn thế nữa, Chúa đã biết Hội thánh Tin lành Cao miên không có một cơ sở nào kiến trúc gần trung tâm thành phố nên việc dùng cở sở Hội thánh Việt Nam để lại rất thuận tiện cho việc truyền giảng. Khi thủ tướng Lonnol lên nắm chính quyền thì các Giáo sĩ Mỹ được phép trở lại hoạt động. Và Hội thánh Tin lành Cao miên nhờ cơ sở này mà phát triển việc giảng Đạo một cách tốt đẹp và kết quả. Lúc chúng tôi ở Toulouse (Pháp) có nhận được thơ của ông Giáo sĩ Piaget tại Nam vang tỏ vẻ cám ơn Hội thánh Việt Nam. Ông có cho biết nhờ vị trí thuận lợi nên mỗi đêm thứ Bảy và Chúa nhật đếu có truyền giảng và số người đến nghe chật cả nhà thờ, phải đứng bên ngoài hông cửa sổ và phía trước sân. Đêm nào cũng có một số người tin Chúa và sự việc kéo dài như vậy gần 5 năm cho đến ngày ông Pol-Pot vào chiếm Nam Vang… Thật cảm tạ ơn Chúa vì Chúa là Đấng toàn tri và là Đấng đầy năng lực, là Đấng hay nhậm lời cầu nguyện như Chúa đã phán trong sách Giê-rê-mi đoạn 33:3 “Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời cho; Ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.” Ha-lê-lu-gia .

CHƯƠNG MƯỜI

ĐƯỢC KÊU GỌI SANG PHÁP

Tôi nhớ có lần một giáo sư đã nói với chúng tôi: “Ở Pháp có rất đông Việt Kiều, nhưng không ai giảng Tin Lành cho họ, có lúc gặp họ tôi nói về Tin Lành, thì họ như có vẻ nghi ngờ và bỏ đi.” Câu nói ấy như in sâu vào óc tôi. Chúng tôi thường cầu nguyện, xin Chúa cứu Kiều bào bên Pháp đang bị hư mất, vì không có ai nhận trách nhiệm giảng Tin Lành để cứu linh hồn họ. Đôi khi tôi cũng được Chúa Thánh Linh thúc giục, hãy tình nguyện qua Pháp hầu việc Chúa. Vả lại nơi đó cũng thuận hiệp cho các con chúng tôi tiếp tục việc học. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ lại, thấy có biết bao sự khó khăn trên đường đi, chúng tôi ngại mình không thể vượt qua được. Lại nữa khi đã đến đất Pháp rồi, làm sao chúng tôi có đủ phương tiện sinh sống để hầu việc Chúa? Nên tiếng nói ‘qua Pháp để hầu việc Chúa’ bị dập tắt nhiều lần, và tôi dường như không còn muốn nghe những tiếng đó trở lại trong đầu óc nữa. Nhưng rồi thỉnh thoảng tiếng nói qua Pháp hầu việc Chúa lại phát lên cách mạnh mẽ. Chúa thúc giục tôi đừng sợ! Ngài có thể lo liệu vì Đức Chúa Trời là Đấng Sống, sao lại e ngại? Vả lại, bấy lâu nay Chúa đã cho chúng tôi dành dụm được một số tiền ít nhiều để làm gì? Há không phải đây là cơ hội để khả dĩ trang trải sở phí trên đường sang Pháp hầu việc Chúa hay sao? Chúng tôi bàn tính lần mò theo ý Chúa, rồi nhất định rằng, nếu việc thu xếp được dễ dàng thì đó là ý Đức Chúa Trời; còn nếu có nhiều sự ngăn trở thì nguyện ý Chúa được nên.



ƠN CHÚA KHIẾN CHÚNG TÔI ĐỔI CHƯƠNG TRÌNH SANG PHÁP SỚM HƠN MỘT NĂM NÊN KHÔNG GẶP TRỞ NGẠI VÌ THỜI CUỘC

Vào khoảng tháng Bảy, năm 1969 tôi gởi đơn đến Ban Chấp Hành Địa Hạt (BCHĐH) ở Sài Gòn để xin tình nguyện đi qua Pháp hầu việc Chúa giữa kiều bào bên đó, và định sẽ rời khỏi Hội thánh Nam Vang (Phnom Penh) vào tháng 8, 1971. Lúc đó chúng tôi không thể nào biết trước là người Việt không thể ở Cao Miên được đến năm 1971, vì một biến cố chính trị sẽ xảy ra đầu năm 1970, và người Miên sẽ trụt xuất hết người Việt. Vì vậy Đức Chúa Trời phải can thiệp bằng cách nào cho có hiệu lực, để giúp đỡ cho một tôi tớ của Chúa đã có chương trình và kế hoạch nhưng phải ra đi cho đúng thời điểm, thuận hiệp cho sự chuẩn bị cũng như mọi sự thu xếp trong gia đình mình, và khả dĩ cũng thấy rõ được ý Chúa để vâng theo.

Cảm tạ ơn Chúa cho kế hoạch của Ngài trong sự yêu thương thật mầu nhiệm, nếu không phải là người đã từng bước đi trên đường của Chúa thì không thể nào hiểu được ý Chúa. Trong sự biết trước của Chúa, Ngài có kế hoạch can thiệp cách lạ lùng, và chỉ cho chúng tôi đường lối duy nhất đó mà thôi, nên Ngài cho phép có một sự khó khăn xảy ra trong Hội thánh để có thể rút chúng tôi ra khỏi Hội thánh sớm hơn. Trong 13 năm hầu việc Chúa tại đó, không phải là chúng tôi không gặp sự khó khăn trong nội bộ, nhưng không có lần nào gay gắt như lần nầy. Có một người ngoại quốc trực tiếp cầm cán, mời BCH Hội thánh nhóm họp, thảo luận nhiều lần… nên tinh thần chia rẽ trong hội thánh đạt đến mức độ không thể nào còn giữ được sự hiệp một. Chúng tôi nghĩ rằng chắc là Chúa muốn mình qua Pháp sớm hơn nên cho phép có sự bất hòa thình lình xảy ra trong Hội thánh như vậy. (Nghe nói người ngoại quốc nầy về sau được Đức Chúa Trời cho một bài học thật đau đớn và có thể nói là khủng khiếp, nếu ai nghe đến cũng phải kinh ngạc và thương hại cho số phận của người.)

Chúng tôi liền gởi cho BCHĐH ở Sài Gòn một đơn thứ hai để xin đổi lại ngày sang Pháp sớm hơn một năm, tức là sẽ rời khỏi Hội thánh vào khoảng tháng 8, năm 1970. Đồng thời, chúng tôi cũng gởi đơn gấp về Bộ Nội vụ ở Sài Gòn xin sang Pháp vào khoảng đó. Chúng tôi được biết rằng, việc xin giấy xuất dương cho một gia quyến gồm 8 người mà có hai con trai đã đúng tuổi đi quân dịch không phải là một việc dễ. Có một người quen vừa xin được giấy phép qua Pháp nói với chúng tôi: “Xin giấy xuất dương qua Pháp hết sức khó, nhưng nhờ tôi có quen với một vị tổng trưởng nên mới xin được; còn về phần Mục sư chắc khó hơn!” Chúng tôi Ngày đêm cầu xin Chúa lo liệu giùm, chớ tự mình không thể nào lo được! Cám ơn Chúa, Ngài đã khiến cho ông Đại sứ Việt Nam ở Nam vang chỉ dẫn cho kế hoạch (thật nếu không theo kế hoạch của ông ta thì không thể nào xin được giấy). Hơn nữa, đơn chúng tôi khi về tới Sài Gòn thì nằm kẹt ở văn phòng dường như không được cứu xét. Thấy đơn nộp đã quá lâu mà chưa có tin tức, tôi về Sài Gòn và đến Bộ Nội vụ để tìm hồ sơ thì may thay, tôi gặp được một người bạn quen làm việc trong đó. Người nầy đi tìm lục hồ sơ và đem vào gặp ông Trưởng phòng. Ông Trưởng phòng nói với tôi: “Lúc nầy có lệnh Chính phủ, công chức xuất dương không đươc đem gia quyến theo mà Mục sư đem theo hết cả gia quyến.” – “Chúng tôi là nhà truyền giáo, đâu phải công chức? Vả lại, tôi không đi thì thôi, chớ ra đi mà để vợ và các con còn vị thanh niên ở lại thì làm sao an tâm để truyền giáo?” Ông nói: “Mục sư an tâm về Nam vang, mọi sự sẽ xong trong vài tuần, và hồ sơ sẽ gởi trở lại Tòa Đại sứ.” Thật cám ơn Chúa, sau đó ít lâu là giấy xuất dương cho gia quyến chúng tôi được xong xuôi cả. BCHĐH Hội thánh Tin Lành Việt Nam cũng báo tin cho chúng tôi là đơn xin được chấp nhận, và yêu cầu chúng tôi bàn giao công việc hội thánh với vị Giáo sĩ hiện hữu ở Nam vang. Cám ơn Chúa có giúp chúng tôi vượt qua được sự những trở ngại ở buổi ban đầu.



ƠN CHÚA CỨU KHỎI MÌN NỔ

Nhớ lại khoảng tháng 8, năm 1969, tôi từ Nam vang về Việt nam để thu xếp việc gia đình. Buổi sáng kia, tôi lên Bến Cát để thăm bà thân và người anh là Mục sư Nguyễn Văn Phách. Lúc về đến đoạn đường cách Thủ Dầu Một chừng 10 cây số, thì tôi nghe tiếng lớn vì chiếc xe đò chạy phía sau bị cán mìn, chiếc xe hư, hành khách có người bị thương, có người chết. Thật cám ơn Chúa, Ngài có dẫn dắt thế nào mà chiếc xe đò của tôi chạy trước, lại tránh khỏi được mìn, còn chiếc xe sau lại bị lâm nạn. Thật Đức Chúa Trời là Đấng biết trước mọi hiểm nguy nên có thể bảo vệ được con cái Ngài an toàn như lời tác giả Đavít, người có kinh nghiệm trên đường đi với Chúa đã nói: “Bởi vì ngươi nhờ Đức Giê hô va làm nơi nương náu mình… nên sẽ chẳng tai họa gì xảy đến ngươi, vì Ngài sẽ ban lịnh cho Thiên sứ Ngài, bảo gìn giữ ngươi trong các đường lối ngươi”. (Thi thiên 91:9-11)



ƠN CHÚA DỰ BỊ CHO CÓ NGƯỜI Ở PHÁP BẢO LÃNH

Chúng tôi hơi ngại nói lên sự thật, nhưng sự thật là người nào có đến Pháp trước năm 1970, mới biết giấy bảo lãnh ở Pháp rất khó xin, mặc dầu có bà con ruột thịt, hoặc bạn bè thân thiết cũng không phải dễ gì xin mau lẹ được. Nếu ai xin được thì cũng phải chờ đợi rất nhiều thời gian và phải vượt qua rất nhiều điều kiện. Nhất là một gia đình đông người như chúng tôi (gồm 8 người) thì thật là một nan đề, vì người bảo lãnh phải đến trước nhà cầm quyền Pháp làm giấy tờ cung cấp chổ ở, cũng như cam kết lo việc ăn uống và có thể còn chịu trách nhiệm đủ mọi thứ khác suốt thời gian người mình bảo lãnh du lịch trên đất Pháp.

Đã biết được những điều kiện thực tế khó khăn như vậy, nhưng chúng tôi cũng có viết thơ cho người bà con ở Pháp xin nhờ bảo lãnh để sớm được ra khỏi nước Cao miên. Thực ra, chúng tôi không dám tin tưởng, nên đồng thời chúng tôi cũng gởi những thơ đến các bạn người Pháp và người Việt có quen đang cư ngụ tại Paris, Toulouse, Monperlier và Marseille. Mặc dầu có địa chỉ rất đúng nhưng chúng tôi chờ suốt cả tháng mà chẳng thấy người nào trả lời. Chúng tôi hết sức bối rối, vì nếu không có ai bảo lãnh thì không thể nào được Tòa Đại sứ Pháp cấp chiếu khán thông hành. Chúng tôi đi tìm một người Pháp, có quen biết với họ tại Nam vang, xin thương lượng trả tiền để họ gởi thơ về Pháp cho con hoặc vợ họ làm dùm giấy bảo lãnh, nhưng họ cũng không dám làm!

Tiến trình như đã đến ngõ bí. Chúng tôi tha thiết cầu xin ơn Chúa chỉ dẫn cách nào hay gặp được người mà Chúa khiến họ sẵn lòng giúp chúng tôi. Thật là Chúa chúng ta rất diệu kỳ.

Một ngày kia, tôi đến thăm một tín hữu người Miên gốc Việt, thấy trên bàn có một bức thơ của một mục sư Pháp tên là Roger Bertrand ở Bordeaux. Tôi liền xin địa chỉ. Khi về đến nhà tôi liền viết một bức thơ gởi đến ông để nhờ bảo lãnh qua du lịch nước Pháp. Mặc dù chua quen biết nhau lần nào, nhưng ông rất tử tế và sẵn lòng làm giấy bảo lãnh. Nội trong 20 ngày là chúng tôi nhận được một giấy bảo lãnh hợp pháp (Certificat d’Hebergement). Chúng tôi cầm giấy bảo lãnh và miệng không ngớt cảm tạ ơn Chúa về sự giúp đỡ thật lạ lùng của Ngài! Liền trong ngày, chúng tôi đem hồ sơ xin đi Pháp nạp cho Tòa Đại sứ Pháp và được chấp thuận nhanh chóng. Sau đó vài tháng, chúng tôi nhận được một tờ giấy bảo lãnh nữa của bà con; nhưng lại không sử dụng vì chỉ cần một tờ là đủ. Khi sang đến Toulouse (Pháp) được vài tháng, thì tình cờ chúng tôi lại gặp được Mục sư Roger Rertrand trong một nhà thờ Pháp. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, hết sức vui vẻ như là bạn cố tri. Chúng tôi mời ông ta về nhà đãi tiệc để tỏ lòng cám ơn và ngưỡng mộ một người quá tử tế như ông!

ƠN CHÚA GIÚP CHO THƠ NHÀ BĂNG ĐẾN KỊP LÚC

ĐỂ CỨU TÔI THOÁT NẠN

Những giấy tờ cần thiết đã có đủ rồi, nhưng bây giờ còn lại một việc cũng không kém phần quan trọng, đó là làm sao có thể chuyển ngân qua Pháp. Chúng tôi được biết rõ rằng nhà cầm quyền Cao miên cấm nhặt ngoại kiều có tiền gởi băng ngoại quốc và chuyển ngân. Nhưng vì quá cần nên chúng tôi phải liều lĩnh. Chúng tôi khởi sự cầu hỏi ý Chúa xin Ngài chỉ dẫn cách nào để có thể chuyển tiền qua Pháp. Sau đó, tôi đến cùng ông giám đốc một nhà băng Pháp, có chi nhánh ở Nam vang, để xin mở một trương mục gởi tiền qua Pháp. Cũng rất may, vì ông giám đốc là người Pháp nên tôi dạn dĩ trình bày hoàn cảnh. Sau khi ông biết tôi sắp sang Pháp để truyền giáo, nên rất tử tế và sẵn lòng lấy hồ sơ ra điền liền để giới thiệu tôi và gởi về nhà băng chánh ở Paris. Cám ơn Chúa, độ 20 ngày sau là chúng tôi nhận được hồ sơ nhà băng đầy đủ. Đoạn tôi bí mật mua ngoại tệ để gởi vào và chuyển qua nhà băng ở Paris.

Thình lình, trong tháng Tư năm 1970 có cuộc đảo chánh xảy ra ở Nam vang, chúng tôi biết thế nào cũng có sự kiểm duyệt những thơ từ qua lại. Lòng chúng tôi rất sợ hãi vì nhớ lại tuần trước tôi đã chuyển qua Paris 1.500 USD Đollars; nếu việc nầy bị bại lộ thì rất nguy hiễm, vì lúc đó hiện đang có phong trào thù oán người Việt nổi lên, từ chính quyền đến dân chúng. Sau ngày đảo chánh đồng bào đã trải qua một tuần lễ đầy khủng khiếp vì hàng ngàn nhà Việt kiều bị đập phá, nhiều gia đình tan tành sự nghiệp. Nếu lúc đó sự chuyển ngân bị phát giác thì chẳng khác nào chúng tôi tự chui vào hang cọp đói! Nhận biết việc nầy có thể trở thành một hoạn nạn lớn, có thể nguy đến tính mạng, chúng tôi cầu xin cánh tay quyền phép của Chúa đưa ra giúp chúng tôi vượt qua cơn nguy khốn! Chúng tôi cầu Chúa khiến cho nhân viên nhà Băng ở Paris lấy hồ sơ chuyển ngân của tôi ra làm sớm và gởi biên lai qua cách mau lẹ trước thời gian có lệnh kiểm duyệt thơ từ.

Cám ơn Chúa, nhà băng thật có làm việc mau lẹ hơn những ngày thường. Tuần sau chúng tôi nhận được một thơ từ nhà Băng tại Paris gởi đến. Tôi cầm thơ lật qua lật lại, thấy không có dấu kiểm duyệt. Tôi cảm tạ ơn Chúa và nhận thấy mình như thoát được cơn hoạn nạn lớn! Ngày hôm sau, chúng tôi nhận được một thơ từ Sài Gòn gởi đến có đóng dấu kiểm duyệt của bưu chính Cao miên. Thật Chúa là Đức Chúa Trời quyền năng. Ngài bày tỏ lòng thương xót đối với chúng tôi, và ra tay cứu giúp đúng lúc và kịp thời. Nếu bức thơ nhà băng chỉ đến trễ một vài ngày, là tôi bị sa vào tay những người hung ác, đã nuôi mộng từ bao nhiêu năm qua muốn trả thù và cướp giực sản nghiệp của Việt kiều. Cám ơn Chúa còn có sự may mắn hơn nữa, là tuần sau, tôi tình cờ gặp một người quen đi Pháp. Tôi liền viết một thơ trao tay và nhờ người khi qua tới Paris bỏ vào thùng thơ. Trong thơ tôi xin nhà băng hủy bỏ địa chỉ của tôi ở Nam vang vĩnh viễn… Thế là chúng tôi kể như được hoàn toàn thoát nạn. Cám ơn Chúa đã giúp chúng tôi nhiều may mắn!



ƠN CHÚA CHO BÁN ĐƯỢC HAI CĂN NHÀ SAU MỘT THỜI GIAN

NHIỀU KHÓ KHĂN

Chúng tôi đã thu xếp được nhiều việc, nhưng còn lại hai căn nhà ở Long thành và Nguyễn Tri Phương thì không làm sao bán được vì những căn nhà nầy đã cho mướn. Có nhiều người muốn mua, nhưng người mướn nhà cứ ngăn cản, viện lẽ họ sẽ mua, mặc dù họ không có đủ tiền. Thật khó cho chúng tôi vì không làm sao bán được. Vả lại, ngày giờ đi Pháp cũng gần đến. Chúng tôi cầu xin cánh tay Chúa can thiệp giùm cách nào để có thể bán được 2 căn nhà đó. Việc bán được nhà cũng là một dấu chứng mà chúng tôi cầu nguyện từ lâu để biết ý Chúa có kêu gọi chúng tôi sang Pháp hầu việc Chúa hay không?

Cảm tạ ơn Chúa, trước ngày đi Pháp độ chừng vài tháng chúng tôi được thơ những người mướn nhà gởi đến xin tôi về gấp để làm giấy bán nhà cho họ. Thế là chúng tôi đã thu xếp được mọi việc tại Việt Nam do Chúa hoàn thành theo kế hoạch của Ngài, như Kinh Thánh có ghi những lời dạy dỗ của Đavít theo kinh nghiệm của ông: “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê hô va, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy. Hãy phó các việc mình cho Chúa thì những mưu ý mình sẽ được thành công” (Thi thiên 37:5; Châm ngôn 15:3)

ƠN CHÚA CHỮA LÀNH BỆNH THẤP KHỚP CHO VỢ TÔI TRƯỚC NGÀY SANG PHÁP

Trước ngày chúng tôi sang Pháp độ vài tháng, vợ tôi thình lình bộc phát lên chứng bệnh thấp khớp, hai đầu gối sưng lên nhức nhối không đi được. Bà phải nằm dưỡng bệnh cả tháng. Bác sĩ khám và cho biết bệnh rất khó trị. Chúng tôi thấy một bà cùng xóm, cũng đau giống như bệnh của vợ tôi, hai đầu gối sưng lên phải đến bác sĩ chích lấy nước ra và sau đó băng bột, nhưng cũng không chữa lành dứt được.

Ngày đi Pháp đã gần mà vợ tôi mắc một chứng bệnh khiến cho không đi được. Vậy làm sao lên đường đây? Hơn nữa, tình hình trong xứ càng ngày càng có thêm lắm điều khó khăn! Chúng tôi tha thiết nài xin một phép lạ từ cánh tay toàn năng của Đức Chúa Trời chữa lành chứng bệnh nguy hiểm cho vợ tôi được mạnh, thì đó sẽ là thêm một bằng chứng để biết rõ hơn Chúa muốn dùng chúng tôi để hầu việc Ngài ở Pháp. Dù vậy, nếu Chúa muốn chúng tôi tiếp tục hầu việc Ngài ở Pháp, Cao miên hay Việt Nam, nơi nào cũng đều tốt cả.

Cảm tạ ơn điển diệu kỳ của Chúa, Ngài đã nhậm lời cầu nguyện, nên vợ tôi được chữa lành hoàn toàn trước ngày sang Pháp. Thật cảm tạ Cứu Chúa Jê-sus vì chính Ngài là Đấng gánh lấy bịnh tật của chúng ta như lời Chúa trong Êsai 53:4-5 rằng: “Thật, Người (Jêsus) đã mang sự đau ốm của chúng ta… Nhưng Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người (Jêsus) chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.” cảm tạ ơn Chúa.



CHƯƠNG MƯỜI MỘT

ƠN CHÚA PHÙ HỘ TẠI NAM VANG TRƯỚC CẢNH KIỀU BÀO

Ở CAO MIÊN BỊ CƯỚP GIỰT…

Sau cuộc đảo chính ở Nam vang (Tháng Tư 1970), nhà cầm quyền mới ra lịnh trục xuất tất cả Việt kiều, cùng tịch thu tài sản của họ. Quốc hội thì sẽ bỏ thăm biểu quyết việc nầy. Đồng bào vì sợ và cũng khôn ngoan hành động trước khi quốc hội biểu quyết tịch thu tài sản, nên gấp rút bán nhà, đất, xe cộ và đồ đạc với giá rẻ mạt, chỉ còn độ 20 đến 30% giá trị trước đó. Những người bán được cũng còn kể là may; có người ở thôn quê hoặc ở thành phố nhỏ bị hăm dọa, bỏ nhà cửa chạy trốn để cứu mạng nên chẳng còn chi hết! Người Cao miên đã từ lâu nghe lời tuyên truyền của báo chí nuôi mộng báo thù người Việt, nhất là cướp giựt cho hết sản nghiệp của họ khi có cơ hội. Hôm nay cơ hội “Ngàn năm một thuở” đã đến, họ hiệp nhau hàng ngàn người (giới đạp xích-lô là đông nhứt) vào buổi tối, cầm dao, mác, gậy gộc luôn với bao bị để di đánh phá nhà người Việt. (Thời gian nầy nhà cầm quyền Cao miên làm ngơ để cho dân chúng tự do đi cướp phá, và sau một tuần mới có lịnh cho cảnh sát đến can thiệp cho qua loa).

Khi những người nầy kéo đến, đồng bào hoảng sợ chạy trốn; mặc sức cho họ tung hoành như chổ không người. Sau những đêm đập phá và cướp giựt, những căn nhà của người Việt chỉ còn là những cái nhà trống: Bàn, ghế, chén, bát bể gãy, đồ đạc nằm ngổn ngang, cái gì quí thì họ lấy đem đi hết. Nhưng thời may là việc đập phá chỉ kéo dài trong một tuần lễ, nên vẫn còn sót lại nhiều nhà kiều bào chưa kịp bị đập phá. Thiệt hại nặng nhứt là xóm nhà ở Cầu Lầu, là xóm có đông người Việt sinh sống, và rất sung túc. Chỉ nội trong đêm đầu là đã có hàng ngàn căn nhà không còn lại món gì đáng giá. Chúng tôi có đến tại chổ để thăm viếng và an ủi đồng bào, nhưng trước cảnh hoạn nạn quá khủng khiếp, chúng tôi không thể nào có đủ lời để xoa dịu nổi đau lòng của họ!...

ƠN CHÚA CỨU NHÀ THỜ KHỎI BỊ ĐỐT

Những người thù ghét người Việt đã đập phá được mấy đêm, nhưng họ chưa đến xóm của nhà thờ Tin lành. Có một người Miên quen rất tử tế ở kế bên nhà chúng tôi đến cho chúng tôi hay: “Có nghe bọn chúng bàn luận đêm nay sẽ đến đốt nhà thờ Tin lành, và chúng đã mua xăng. Vậy Mục sư cho bà và các cháu tản cư trước.” Người cũng đề nghị với chúng tôi nên cho cảnh sát hay để can thiệp, “Nếu Mục sư bằng lòng tôi sẽ giúp”. Chúng tôi rất cám ơn người và nhờ người đi báo tin tự sự với cảnh sát.

Chúng tôi liền hiệp chung nhau cầu nguyện, xin Chúa giải cứu nhà thờ cùa Ngài, xô đuổi bọn gian ác và xin Chúa xui kiến cho cảnh sát có thể đến kịp. Thật đúng như người lân cận đã nói. Vừa 7 giờ tối là có hàng ngàn người đến đập phá các cửa tiệm ở ngã tư, cách nhà 2 thờ chừng 100 thước. Từ trong tư thất cạnh nhà thờ, chúng tôi nhìn thấy chừng năm, sáu người đi lại phía nhà thờ chờ sẵn để khi đoàn dân đông kéo đến là thi hành mưu ác. Nhưng Chúa lại phá mưu của họ, khiến cho đoàn đông chỉ thích đập phá các cửa tiệm nên đi luôn phía kia đường, chớ không quẹo qua nhà thờ, nên các anh xách thùng xăng lần lượt rút theo đoàn người đông. Chúng tôi hết sức cảm tạ ơn Chúa.

Đã qua khỏi được một đêm, sáng hôm sau, chúng tôi thúc giục người lân cận đi báo tin cảnh sát một lần nữa, chúng tôi cứ hiệp chung nhau cầu xin Chúa can thiệp khiến cho cảnh sát có thể đến kịp lúc nếu đoàn dân kia đến phá nhà thờ. Cám ơn Chúa, đúng 6 giờ chiều, có chừng 10 cảnh sát đến canh gác trước cửa nhà thờ. Độ chừng vài chục phút sau, bọn đập phá cũng ào đến hàng ngàn. Chúng xô lấn với 10 cảnh sát; cảnh sát bị yếu thế hơn họ. Chúng tôi đứng nhìn xem, nhận thấy phút nguy sắp đến! Nhưng cảm tạ ơn Chúa rất diệu kỳ! Liền lúc đó, có một xe chở đầy cảnh binh đến tăng cường vừa kịp lúc. Xô đẩy bọn chúng ra xa được chừng vài chục thước. Nhưng chúng cứ đứng chờ mãi cho đến 12 giờ khuya, hy vọng cảnh binh rút về sẽ thi hành mưu ác.

Cám ơn Chúa, lúc bấy giờ nhà cầm quyền cũng nhận thấy dân chúng đã đập phá nhiều nhà lắm rồi. Họ cũng muốn chấm dứt tình trạng hỗn loạn nên có lịnh cho cảnh binh ở lại bảo vệ nhà thờ Tin lành. Đêm đó, có một tiểu đội cảnh binh ở lại canh gác nhà thờ cho đến sáng, và sau đó, một tiểu đội lính dù đến thay thế và đóng binh luôn tại nhà thờ trong hai tháng trường. Khi đã thấy trật tự được hoàn toàn vãn hồi họ mới rút di. Thật cảm tạ ơn Chúa, Ngài đã giải cứu nhà thờ và gia đình chúng tôi kịp lúc, đúng giờ. Nếu đêm đầu mà Ngài không giục đoàn người đi hướng khác, nếu cảnh sát đến trể ít phút, cũng như hiến binh đến tăng cường không kịp, thì nhà thờ có thể đã bị đốt, tư thất nơi chúng tôi ở chắc cũng không thoát nạn.

ƠN CHÚA GIẢI CỨU CHO GIA ĐÌNH KHỎI BỊ TẬP TRUNG

Sự tập trung người Việt diễn ra lần lần từng xóm một (vì lúc bấy giờ quân Việt cộng tấn công mạnh vào các tỉnh gần thủ đô Nam vang. Nên chính phủ lâm thời Cao miên cho lịnh tập trung tất cả Việt kiều, lấy cớ là sợ họ sẽ làm nội công cho Việt cộng). Họ đem kiều bào vào những trường học, nhà thờ, chùa và những nhà trống nào lớn có thể chứa được nhiều người. Một buổi sáng kia, hàng trăm cảnh sát đến bao vây vùng chung quanh nhà thờ Tin lành bắt đi tất cả người Việt. Mặc dù là người đang đau yếu, hoặc mới vừa sinh con một vài ngày, chúng cũng không tha thứ cho ở lại ít ngày. Dưới con mắt họ lúc bấy giờ, họ coi người Việt như tù cần phải bắt đem vô khám, nhưng có điều khá hơn tù là họ cho phép mỗi người được xách theo chỉ hai vali, hoặc hai rương đồ đạc, mặc dù người đó có cả một tiệm buôn lớn chẳng hạn. Trong hoàn cảnh gấp rút, có người ngẩn ngơ chẳng biết món gì mang theo, món gì phải bỏ, rốt cuộc bị cảnh binh kéo đi tay không! Cả kiều bào trong xóm bị gom lại trước cửa nhà thờ Tin lành để chờ xe nhà binh đến chở đi. Chúng tôi lén hé cửa để xem, nhìn thấy kiều bào, kẻ đứng người ngồi khoanh tay la khóc, vẽ mặt đầy thểu não! Có kẻ đang bị lùa đi, tay xách gói, tay bồng bế con nhỏ trông thảm thương. Cũng có người đang đau phải nhờ hai người dìu hai bên. Còn những tên cảnh binh Cao Miên như được thời thế la hét ồn ào.

Chúng tôi khóa cửa lại cách chắc chắn và ra sau nhà bếp cầu nguyện: “Chúa ơi! Ngài là Đức Chúa Trời toàn năng, là Đấng chúng con phục sự mấy mươi năm qua. Hôm nay xin Ngài ban đạo binh Thiên sứ của Ngài gìn giữ và bảo vệ chúng con khỏi bị bắt vào trại tập trung”. Chúng tôi bàn tính với nhau: Dầu chúng có bắn vào cũng không mở cửa; ngoại trừ trường hợp chúng phá cửa vào được thì mới chịu đi. Cảnh binh đến căn nhà kế bên vách và leo lên lầu bắt cả thảy. Kế đó, chúng dập cửa nhà chúng tôi dữ dội, nhưng cám ơn Chúa, là chúng chỉ đi tay không, nên không có gì để cạy cửa. Rồi một vài phút sau, chúng trở lại đập cửa một hồi nữa (có lẽ chúng lầm tưởng chúng tôi đã bị lôi đi rồi) nên bỏ đi qua bên kia đường. Chúng tôi lén nhìn qua, thấy chủ nhà bên kia không mở cửa, chúng chạy kiếm sà beng cạy cửa, và sau khi mở được, chúng dẫn họ đi và chẳng cho đem theo thứ gì. (Đó là qui luật của chúng, vì trong trường hợp không hợp tác, chúng phải cạy cửa thì gia đình đó không được mang theo món đồ nào).

Đã được thoát nạn, chúng tôi đóng cửa ở luôn trong nhà gần một tháng cho đến khi có Đại sứ Việt nam Cộng hòa đến Nam vang can thiệp được có hiệu lực. Sau đó tình hình cũng có vẻ hơi êm dịu đi đôi chút. Tôi nói êm dịu là có ý nói chung người Miên bớt hà hiếp và đánh đập người Việt; còn về lịnh tập trung là họ còn đang thi hành nghiêm chỉnh!

Đồng bào bị vào trại thì quá dau khổ vì đã mất hết sản nghiệp nên rất buồn rầu; còn chính phủ thì chẳng trợ cấp gì cả; mọi người phải tự lo lấy bản thân nên có người bị đói khát. Sự kiện kéo dài mấy tháng như vậy thật đau thương cho số phận người Việt. Hơn nữa, thỉnh thoảng chúng vào trại tập trung để bắt hàng trăm người cột tay dẫn đi để làm bia đỡ đạn tại chiến trường khi chúng tấn công quân Việt cộng. Không biết bao nhiêu mạng người phải chịu chết oan uổng!...

Về phần chúng tôi tuy thoát nạn khỏi bị đưa vào trại tập trung, nhưng ở mãi trong nhà cũng hết đồ ăn, nên tôi phải liều lĩnh lái xe đi chợ. Khi đến chợ, chưa mua được gì đầy đủ thì gặp cảnh sát chận xét. Anh ta kêu tôi lại định bắt vào trại, nhưng rất may trong túi còn 700 Ria, tôi liền móc đưa hết cho. Nhưng hắn đòi 3.000. Tôi vét hết trong túi tiền lẻ thêm được 70 đồng nữa và nói chỉ có bao nhiêu đó thôi. Biết tôi chỉ có bấy nhiêu, nên tên ác ôn ấy cho tôi về. Thật cám ơn Chúa, tôi không hiểu sao ngày đó tôi đem theo số tiền nhiều như vậy, nếu không có tiền để hối lộ thì chắc tôi đã bị đưa vào trại tập trung. Và nếu tôi bị vào trại tập trung thì không làm sao thu xếp được việc gia đình và các giấy tờ cần thiết để chuẩn bị lên đường sang Pháp. Thật cảm tạ ơn Chúa rất diệu kỳ, vì mọi việc lớn nhỏ điều có bàn tay bí mật của Chúa lo liệu và tính trước, cũng như cứu giúp kịp thời và đúng lúc, tùy theo mọi hoàn cảnh xảy đến. Thật như Chúa đã phán: “Ta sẽ nắm chắc tay hữu ngươi và phán cùng ngươi rằng: đừng sợ, Ta sẽ giúp đỡ ngươi” (Êsai 41:13) “Hãy trao sự lo lắng mình cho Ngài vì Ngài luôn săn sóc anh em” (I Phierơ 5:7).



ƠN CHÚA GIÚP CHO MUA ĐƯỢC VÉ MÁY BAY MỘT CHIỀU

Đều chúng tôi hết sức lo lắng là phải kẹt mua vé máy bay “khứ hồi”. Khi hỏi thăm hãng máy bay, cũng như Tòa Đại sứ Pháp, họ đều trả lời là không biết được, vì phải tùy theo lịnh chính phủ, nên phải chờ khi xin giấy xuất dương của nhà cầm quyền Cao miên cấp cho mới định đoạt được. Chúng tôi tha thiết cầu nguyện, xin Chúa khiến cho nhà cầm quyền cho phép chỉ mua một vé “khứ” mà thôi; vì nếu phải mua vé “hồi” nữa thì tốn quá nhiều tiền, mà khi qua đến Pháp rồi, không hồi cũng không lấy tiền lại được. Dù lúc đó có bán lại được vé “hồi” cũng khó khăn và lỗ lã. Thật vậy, gia quyến chúng tôi gồm 8 người, nếu chỉ trả tiền vé máy bay một chuyến “khứ” thôi cũng đã tốn 285.000 ria (tương đương 5.000 US dollars). Nếu phải trả “hồi” nữa là 570.000.00 (tương đương là 10.000 dollars, tính theo giá hối xuất năm 1970). Do đó, chúng tôi phải chuẩn bị tiền mua vé khứ hồi bằng tiền Ria. Nhược bằng nhà cầm quyền Cao miên không cho mua bằng Ria, thì phải mua bằng Dollars theo hối xuất chợ đen, phải tốn thêm 2.000 đô nữa!

Cám ơn Chúa, đến ngày chúng tôi xin giấy xuất dương, thì có lịnh thay đổi tạm thời dễ dàng. Nhà cầm quyền Cao miên cho phép chúng tôi trả bằng tiền Ria cũng như cho mua vé một chuyến khứ. Thật cảm tạ ơn Chúa, là Đấng có đáp ứng lời cầu nguyện của chúng tôi nên lúc ra đi có được một vài việc dễ dãi và may mắn. Nhờ vậy, nên chúng tôi còn dư lại một số tiền để đem qua Pháp xoay sở trong buổi đầu mới đến. Thật cảm tạ ơn Chúa!

Khi chúng tôi qua Pháp được vài tháng, có gặp các bạn qua sau nói lại, họ phải trả bằng dollars, chớ nhà cầm quyền không cho trả bằng Ria nữa như lúc chúng tôi ra đi. Nghe vậy, chúng tôi càng thêm lòng cảm tạ ơn Chúa. Vì biết rằng của cải và tiền bạc là do Chúa ban cho y như Chúa đã phán trong Phục truyền 28:3,6,12 rằng: “Ngươi sẽ được phước trong thành và được phước ngoài đồng. Ngươi sẽ được phước khi đi ra và sẽ được phước khi đi vào. Chúa sẽ ban phước lành tại kho lúa và trong các công việc của ngươi… Chúa sẽ làm cho ngươi được của cải, Chúa sẽ mở kho báu của Ngài… ban phước cho mọi công việc tay ngươi.” Cảm tạ ơn Chúa. Ha lê lu gia!



ƠN CHÚA DỰ BỊ MỘT NGƯỜI GIÚP CHIẾU KHÁN GIẤY THÔNG HÀNH

Cuộc hành trình bị trở ngại ở điểm cuối cùng, vì chúng tôi còn một căn nhà đúc 3 từng ở Nam vang không thể bán được. Hơn nữa, tình hình thời cuộc lúc bấy giờ thật căng thẳng, vì quân đội Việt cộng đang chĩa mũi dùi thẳng vào Nam vang, chỉ còn mấy chục cây số nữa là tới tận Thủ đô xứ Chùa tháp. Chúng tôi bối rối vì sợ bị kẹt vào giữa trận chiến lớn, có thể bị nguy hiểm vì bom đạn, hoặc bị người Miên trả thù giết chết lúc hai bên hỗn chiến. Chúng tôi lấy đức tin, tin cậy nơi sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời là Đấng có quyền phép lớn lao vì không có điều chi khó cho Chúa. Nên tôi đem tất cả 5 giấy thông hành đến Tòa Đại sứ Việt Nam để xin chiếu khán sang Pháp.

Khi đến Tòa Đại sứ Việt nam, tôi gặp những nhân viên mới từ Sài gòn đổi lên Nam vang nên chẳng quen biết một ai. Hơn nữa công việc họ thật bề bộn, vì luôn có hàng trăm Kiều bào đang chờ đợi. Khi chúng tôi trình 5 giấy thông hành để xin chiếu khán, thì họ cho biết hồ sơ xin sang Pháp của chúng tôi bị thất lạc, không biết ở đâu mà tìm, vì các nhân viên củ đã đổi đi hết thảy. Tòa Đại sứ thì mới dọn đến đây một tuần, nên tất cả sổ sách và hồ sơ nằm ngổn ngang, không biết hồ sơ chúng tôi nằm ở đâu để lục kiếm. Đáng lý ra họ phải cố gắng tìm giùm cho được để phục vụ đồng bào chớ? Nhưng ở đời có những sự kiện thực tế là như vậy đó!

Việc khó khăn càng làm cho chúng tôi thêm bối rối. Trở về nhà, chúng tôi tha thiết cầu xin cánh tay Đức Chúa Trời can thiệp cách nào cho gặp được người tử tế, sẵn lòng giúp đỡ lục kiếm hồ sơ. Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại Tòa Đại sứ, xin vào gặp ông Đại sứ. Nhưng chúng tôi chỉ gặp ông cố vấn Đại sứ là ông Lê Nhung (Lúc bấy giờ ông Đại sứ Phước chưa lên Nam vang nên ông Lê Nhung, Cố vấn cho Đại sứ thay thế). Ông ta là người có dáng điệu tao nhã, tính tình vui vẻ, ăn nói bặt thiệp, tiếp chuyện với chúng tôi cách thân mật. Sau khi nghe chúng tôi trình bày tự sự, thì chính ông ta đi lục kiếm được sổ sách và giao cho tôi tìm tên họ. Sau khi tôi tìm được tên họ của chúng tôi trong sổ đem đến cho ông, ông liền cho lịnh chiếu khán và chỉ trong vài ngày là mọi sự điều xong tất cả. Cảm tạ ơn Chúa. Ngài đã dự bị cho chúng tôi được gặp người tử tế giúp cho qua đoạn đường chót đầy khó khăn! Ha lê lu gia! Ngợi khen Chúa.



ƠN CHÚA NGĂN TRỞ KHÔNG CHO BÁN ĐƯỢC NHÀ…

Chúng tôi cố gắng tìm người mua nhà hơn bốn tháng (từ tháng 3 đến tháng 7) nhưng không bán được, vì nhà cầm quyền cấm không cho sang bộ những nhà do người Việt đứng tên. Chúng tôi đã đồng ý bán được hai lần nhưng cuối cùng phải trả lại tiền đặt cọc. Cũng may, nếu hai lần trước mà chúng tôi bán được nhà, chắc đã bị cướp giựt hết, vì lúc ấy tình hình còn rối loạn và lịnh tập trung còn thi hành truyệt để; nhưng vì sự việc gấp rút cho cuộc hành trình nên chúng tôi liều lĩnh bán.

(Căn nhà này Chúa cho chúng tôi vì trước đó tôi có ký giao kèo với Giáo sĩ và Hội thánh, chịu trách nhiệm về tiền bạc đứng ra cất hai căn nhà. Hội thánh lấy một căn làm tư thất; còn căn kia bán để trang trải sở phí, lời lỗ tôi phải chịu. Lúc đó Hội thánh đã kêu thầu khoán xây nhà trên đất của nhà thờ nhưng không ai chịu lãnh cất, vì thầu khoáng đứng cất phải chia 3: Họ lấy hai căn, chủ đất nhận một căn. Vì phần đất của nhà thờ không đủ cất 3 căn nên không ai nhận xây 2 căn để chia. Phần nhà cầm quyền thì cho kỳ hạn kiến thiết gấp rút nội trong 3 tháng; nếu Hội thánh không cất, thì họ sẽ lấy đất lại cho người khác. Vì quyền lợi tối cần cho Hội thánh, nên chúng tôi cậy ơn Chúa đánh liều đứng ra chịu trách nhiệm kiến trúc, nhận 1 căn thay vì 2 căn như các nhà thầu khác. Nhờ đó Chúa cho chúng tôi sở hữu được 1 căn phố mà chúng tôi cần bán trước khi ra đi.)

KHỎI MẤT ĐẤT, CÒN ĐƯỢC LỜI ĐẤT

Nhớ lại lúc chúng tôi đang kiến trúc hai căn nhà ấy, có nhận được thông cáo nhà cầm quyền cho hay rằng: “Sau khi sở công chánh đặt ống cống dọc theo hai bên lộ, thì trước cửa nhà của ai thì người đó phải tự lót gạch.” Do đó, khi xe đào đất (để làm cống) làm trước nhà người lân cận thì ông nầy cho tiền người tài xế bảo móc đất bên chúng tôi đổ về phía bên đất của ông ta (vì người có ý lót gạch trước cửa mà khỏi mua thêm đất. Vì nơi đặt ống cống là đường mương nên ai cũng phải mua thêm đất mới lấp được lề đường cho bằng phẳn).

Khi xe móc đất phía chúng tôi thì lại đổ cả về bên đất người lân cận (Người bạn láng giềng nầy là Đại tá hàm, một cán bộ cao cấp của Việt cộng đang mở tiệm buôn bán để kinh tài). Vợ tôi thấy sự việc như vậy, lòng nôn náo chạy vào nhà kêu: “Ông ơi! Hãy ra coi! Xe móc đất bên mình bỏ hết bên kia!” Tôi liền chạy ra đứng nhìn.Thật đúng như vậy. Mất của cũng sốt ruột, tôi muốn đi đến khiếu nại! Nhưng thình lình Chúa nhắc tôi: “Hởi con! Hãy phó thác các công việc mình cho Đức Giê hô va. Chớ phiền lòng vì kẻ ác.Tay Đức Giê hô va há ngắn không cứu giúp được sau?” (Châm ngôn 16:3; Thi thiên 37:1; Êsai 59:1). Cảm tạ ơn Chúa, lòng tôi cảm thấy bình an và cầu xin Chúa xui giục người móc đất đổ bên kia ít ít thôi, để cho chúng tôi khỏi bị thiếu nhiều đất lúc lót gạch; vì biết rằng mỗi xe đất phải trả ba, bốn trăm Ria. Trong lúc đó, chúng tôi thấy gia quyến người lân cận đứng nhìn xe móc đất mà miệng mỉm cười như đắc ý!

Vài tháng sau, lúc sở công chánh đặt ống cống xuống, người lân cận vì nóng lòng việc buôn bán nên lật đật mua cây, ván và mướn người đóng nọc, đóng ván chận chắc chắn theo ranh mương chừng bốn thước để làm đập chận đất. Xong, ông ta mướn xe ủi đất xuống. Đất vun lên vì quá nhiều!... Cha con, chồng vợ hết sức vui vẻ, xúm ra dậm đạp cho dẽ dặt!

Thật Chúa là Đức Chúa Trời “Ngài cười chúng nó”, Ngài là Đấng phá mưu kẻ ác vì “Chúa binh vực con cái Ngài”….

Rồi một đêm kia, có một đám mưa rất lớn đổ xuống như thác đổ. Đập ván bị ngã, đất từ bên đó tuông xuống cả bên chúng tôi. Khi nước rút đi, chúng tôi nhìn xuống mương thấy hai bên đất bằng nhau. Chúng tôi cười và cảm tạ ơn Chúa vì Ngài cho đất trở về lại bên chúng tôi. Chúng tôi nhìn qua nhà người lân cận thấy cả gia đình lớn nhỏ đứng xem, mặt mày buồn bả! Vì việc buôn bán, họ cần mau lẹ sửa lại để có đường cho khách hàng ra vào. Người kêu thợ sửa lại đập cho chắc hơn nữa và mua mấy xe đất đổ thêm cho bằng phẳng. Rồi ít ngày sau, cũng có những cơn mưa lớn như lần trước. Đập lại bị bể, đất bên người cũng chảy qua bên đất chúng tôi. Rồi người cũng làm như vậy, cứ sửa đập và mua thêm đất. Rồi trời cũng mưa như vậy, đất bên người chảy qua bên mương chúng tôi, càng ngày càng đầy lên, cho nên đến ngày chúng tôi lót gạch thì khỏi mua thêm xe đất nào! Thật cảm tạ ơn Chúa, nếu trường hợp nầy không xảy ra thì ít lắm chúng tôi cũng phải tốn hàng ngàn bạc để mua thêm đất.

Cám ơn Chúa, bài học yên lặng để sống an lành với người lân cận rất tốt đẹp! Như tục ngữ Việt nam ta có câu: “Bà con xa không bằng láng giềng gần.” Ngược lại, người lân cận chúng tôi vì tánh tham lam nên phải bị lỗ lã. Chúng tôi nghe người nói lại: “Phải đổ hết 1.500 tiền đất và tiền lặt vặt nữa”… Thật như câu: “Tham thì thâm”, không bao giờ sai! Cũng giống như quan điểm của tác giả Châm ngôn đã nói: “Hoạnh tài ắt phải hao bớt” (Châm ngôn 13:11).

ƠN CHÚA TIỀN ĐỊNH VIỆC BÁN CĂN NHÀ THẬT LẠ LÙNG!

Lúc bấy giờ giấy thông hành của chúng tôi được chiếu khán xong đã 18 ngày rồi. Chúng tôi đang ngày đêm trông chờ cánh tay của Đức Chúa Trời trợ giúp, để nhờ Ngài mở đường, vạch lối cách nào bán cho được căn nhà dù hy vọng dường như thật mỏng manh. Chúng tôi trông chờ nhà cầm quyền Cao miên thay đổi sắc lịnh cấm sang bộ nhà người Việt; nhưng cấm lịnh không có gì thay đối!

Song cảm tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài đã sắp đặt cho chúng tôi đâu đó đúng theo chương trình kế hoạch, nên khiến có người đến mua nhà lần nữa. Đây mới là người Đức Chúa Trời đã dự bị. Người là một Đại tá, cộng sự viên của Thủ tướng Lonnol. Ông là người Miên gốc Việt đến mua nhà và đòi mua trước mặt Notaire (vị công chứng). Tôi đem giấy tờ nhà đến cho Notaire xem. Notaire nói: “Tuy ông đứng tên cất nhà, nhưng ông chỉ là người thay mặt Hội, vì trong bản đồ có ghi bằng chử Khmer: “NGƯỜI THAY MẶT.” Vậy nhà nầy là nhà của Hội. Ai có đủ thẩm quyền thay mặt Hội thì tôi mới cho phép bán.” Mừng quá! Tôi liền đến xin cụ Giáo sĩ Jean-Funé đứng bán giùm. Nhưng cụ có việc cần đi Thái lan nên giao quyền lại cho Ông Giáo sĩ Piaget bán. Khi bán xong, 5 ngày sau là chúng tôi lên máy bay.

Thật cám ơn lớn lao của Đức Chúa Trời, Ngài đã dự bị trước mọi việc rất lạ lùng! Chúa đã thấu rỏ 5 năm sau nầy, chúng tôi phải gặp sự khó khăn trong việc bán căn nhà để ra đi; nên xui giục cho kiến trúc sư ghi thêm mấy chữ trong bản đồ: “NGƯỜI THAY MẶT” bằng chữ Khmer; chớ không ghi bằng chữ Pháp để cho tôi không biết. Nếu tôi biết thì đã xin điều chỉnh lại trước đó thì hôm nay không làm sao bán được căn nhà, vì chính quyển có sắc lịnh cấm sang tên nhà người Việt. Thật cám ơn Chúa về sự lo liệu của Ngài đối với chúng tôi rất vẹn toàn. Nhờ vậy mà chúng tôi bán được căn nhà; trong khi có hàng trăm, hàng ngàn kiều bào khốn khó vì không bán được sản nghiệp để ra đi. Cám ơn Chúa hơn nữa, Ngài đã dự bị một Ông Đại tá mua nhà, mà còn giúp tôi thoát nạn mấy ngày sau đó nữa!...



ƠN CHÚA CỨU KHỎI QUYỀN THẾ MUỐN TỐNG TIỀN CHÚNG TÔI

Lúc bấy giờ có ai nhiều tiền là mau mất mạng. Tên Cò ác ôn ở bót gần nhà tôi đã theo dõi việc bán nhà của tôi từ lâu. Đã có lần hắn kêu tôi đến hăm dọa nhưng biết tôi chưa bán được nhà. Hắn đang chờ tôi bán được nhà sẽ làm thịt! Chúng tôi biết tên Cò nầy vốn là một người nguy hiểm nên lúc bán được nhà chúng tôi yêu cầu viên Đại tá, người mua nhà, cho phép được tiếp tục treo bảng bán nhà cho đến ngày chúng tôi ra đi. Dù vậy, mấy ngày sau, tên Cò cũng biết được chúng tôi đã bán nhà, nên hắn sai lính đòi tôi lại bót. Tôi cảm biết có sự hoạn nạn nên liền vào phòng cầu nguyện, xin sự giải cứu của Đức Chúa Trời, thì cảm tạ ơn Chúa, Ngài là Đấng toàn tri nên cũng biết trước và đã dự bị sự cứu giúp thật đúng lúc và kịp thời.

Cảm tạ ơn Chúa, đang lúc tên lính còn ngồi chờ tôi, thì viên Đại tá người mua nhà bước vào, mặc quân phục và lon Đại tá, tên lính liền mọp xá. (Những lần trước Đại tá đến bàn chuyện mua nhà thì luôn luôn mặc đồ thường dân, nhưng chỉ lần nầy thì mặc quân phục). Đại tá nói chuyện với tôi có vẻ như người trong nhà, cũng trao cho tôi chìa khóa cửa để nhờ sửa lại bóng đèn.

Khi Đại tá đi, tên lính hỏi tôi: Đại tá ấy ở đâu? Tôi nói, Ông ta là cộng sự viên của Thủ tướng Lonnol, nhà ở gần bên đây, quen với chúng tôi đến chơi. Tên lính về trước thưa lại với tên Cò như thế nào, mà khi chúng tôi đến, thì Cò ta nói chuyện rất thử tế với tôi và cho về. Thật cảm tạ ơn Chúa, nếu Đại tá ngày đó không mặc quân phục và đến đúng lúc tên lính còn ngồi chờ thì chắc tôi sẽ bị sa vào tay kẻ làm tiền nguy hiểm! Tôi được biết rằng, tên Cò ác ôn nầy nổi tiếng là gian ác, vì hễ hắn đòi bao nhiêu tiền là phải có; bằng không sẽ bị thủ tiêu như nhiều kiều bào đã bị mất tích lúc bấy giờ.

Tuy đã qua được một cơn nguy nhưng còn 3 ngày nữa mới đến ngày chúng tôi lên máy bay. Ba ngày chờ đợi thấy dường như quá lâu! Chúng tôi vẫn còn lo sợ có thể gặp bất trắc nên tinh thần như bị xao động. Chúng tôi trông cho mau tới ngày lên máy bay, thì cảm tạ ơn Chúa, Hãng máy bay cho hay: Nếu chúng tôi muốn đi chuyến ngày mai, thứ Bảy cũng được, vì chuyến bay từ Nhật bổn qua còn trống 7 chổ, nên hai em nhỏ vui lòng ngồi chung một ghế, đến Ấn độ thì sẽ có đủ ghế. Cảm tạ ơn Chúa, thật là một tin vui quá bất ngờ, vì chúng tôi đang nóng nảy chờ đợi từng giờ, từng phút, vì sợ có tai biến nào bất thường xảy ra, mà hôm nay lại được đi sớm hơn hai ngày nên chúng tôi mau lẹ chấp nhận để đổi chuyến bay.

Chúng tôi rất cảm tạ ơn Chúa vì biết đây là ý chỉ của Đức Chúa Trời sắp đặt, bởi Ngài biết chúng tôi không thể ở lại Nam vang lâu hơn nữa. Dù chỉ một vài ngày cũng có thể có chuyện chẳng may, vì cả xóm ai cũng biết chúng tôi đã bán được nhà.

Chiều ngày sau, ngày 1 tháng 8 năm 1970, lúc 4 giờ, chúng tôi lên xe của hãng máy bay Air France để ra phi trường, nhưng lòng vẫn còn nhiều lo lắng, vì biết rằng tất cả số tiền bán nhà của chúng tôi đã đổi ra dollars đều giấu trong các vali quần áo. Có nhiều kiều bào đã giấu tiền như vậy đều bị chúng xét lấy hết tại phi trường.

Nhớ lại lúc chúng tôi xách đồ lên xe ca, không có một tín hữu người Việt nào đến đưa tiễn chúng tôi, nhưng trái lại, có hàng bảy, tám chục người Miên trong xóm đến giơ tay vẫy chào chúng tôi lúc xe ca bắt đầu lăn bánh. Thật cám ơn Chúa, mọi việc Chúa làm rất diệu kỳ!



ƠN CHÚA ĐƯA LÊN MÁY BAY.

Chúng tôi phải lên máy bay lúc 9 giờ tối, nhưng giờ đó nhằm giờ giới nghiêm nên phải ra phi trường lúc 5 giờ. Vì đi sớm nên chúng tôi phải chờ tại sân bay gần 4 tiếng đồng hồ. Chúng tôi rất lo lắng vì phải ở sân bay lâu như vậy, sợ những tên làm việc ở đó có nhiều thì giờ tha hồ lục soát hành lý. Nhưng cảm tạ ơn Chúa, mọi việc đều có Ngài lo liệu trước để đưa chúng tôi lên máy bay được an toàn. Vừa ra tới sân bay, chúng tôi gặp ngay ông Chánh Sở Mật thám Cao miên (Bọn lính sở thương chính chạy ra xá mọp ông và giúp xách đồ vào). Ông nầy thì lại đến niềm nở bắt tay tôi chào hỏi, nói chuyện như người quen biết từ lâu, vì ông là người gốc Việt, có đứa cháu gái lai Việt đi một mình sang Pháp du học, nên ông có ý muốn làm quen để gởi gấm đứa cháu trên đường đến Paris.

Sau đó, ông ở lại nói chuyện để tiễn đưa đứa cháu cũng như với chúng tôi cho đến phút bước ra sân bay. Cám ơn Chúa, nhờ thấy chúng tôi có quen với ông Chánh sở Mật thám nên nhân viên thương chánh đối xử với chúng tôi cách đặt biệt, chỉ coi sơ vài món đồ rồi cho xách tất cả hành lý vào cách dễ dàng, không lục xét.

Thật cảm tạ ơn Chúa. Khi ngồi nhớ lại những ngày tháng cuối cùng sống tại xứ Khmer, chúng tôi cảm thấy mình quá đơn cô và kể như chẳng còn chút giá trị gì nữa trong một xứ đầy thù nghịch. Kiều bào cũng như chúng tôi đều bị người Miên khinh rẻ và hăm dọa, đến nỗi những người da trắng mà chúng tôi quen biết cũng sợ và tránh chúng tôi mỗi khi gặp ngoài công lộ, hoặc tại nhà riêng. Nên ngày chúng tôi lên đường không có một người tiển đưa ra sân bay. Nhưng cảm tạ ơn Chúa, chính Ngài cho có người đưa tiển làm cho chúng tôi cảm thấy không khác nào mình là “NGƯỜI CÓ THẾ LỰC” trong những giờ phút cuối cùng, để không bị ai ức hiếp trước khi rời bỏ đất nước Cao miên, là nơi mà chúng tôi đã hoạt động hầu việc Chúa hơn 14 năm…



NGỒI TRÊN MÁY BAY SUY NGẪM ĐẾN ƠN CHÚA

Chúng tôi xách đồ lên máy bay, tuy nặng nhọc, nhưng lòng được nhẹ nhàng, khoan khoái, không bút mực nào có thể mô tả hết! Vì đã trải qua hơn 4 tháng gặp phải hoàn cảnh đầy biến loạn, tinh thần chúng tôi luôn bị xao động và tâm trí lúc nào cũng thấy nặng nề trước những khó khăn trong đời sống mình, cũng như sự hoạn nạn của đồng bào. Hôm nay đã lên được máy bay cách bình yên chúng tôi cảm thấy như trúc được một gánh nặng nghìn cân! Khi ngồi xuống ghế, chúng tôi luôn miệng cảm tạ ơn Chúa, là Đấng Cứu độ đã giúp chúng tôi vượt qua được một đoạn đường gây cấn nhất trong cuộc đời; tưởng rằng trước không có và sau nầy sẽ không còn gặp đoạn nào như thế nữa.

Phi cơ đã cất cánh bay cao cách nhẹ nhàng ở trên không trung thể nào, thì lòng chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng phơi phới thể ấy! Cả gia quyến chúng tôi, mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy cười như chỗ không người, quên đi sự hiểm nguy có thể xảy ra trên cuộc hành trình, như đã có sự lo lắng lúc sắp ra đi. Vì trước đó, chúng tôi có làm giấy chính thức ủy quyền cho hai ông giáo sĩ Jean-Funé và J.J. Piaget rằng, “nếu trường hợp gia quyến chúng tôi bị tử nạn máy bay thì với số tiền mà hãng bảo hiểm bồi thường là 500.000 Dollars, xin Hội truyền giáo lãnh và dùng để kiến trúc tại Paris một Hội thánh Tin lành cho Việt kiều, cũng như mời một mục sư Việt nam qua hầu việc Chúa tại đó.”

Nhớ lại, trải qua mấy tháng đầy khó khăn, nhưng nhờ ơn Chúa chúng tôi vẫn mở cửa Đền thờ nhóm họp, không đóng cửa một tuần nào. Mặc dù ngoài gia quyến chúng tôi, chỉ có một bà tín hữu lai Tàu (bà năm Di) còn đến nhóm. Có lúc chúng tôi đang nhóm, những người biểu tình cầm gậy gộc dừng lại trước cửa, hàng trăm người hướng vô nhà thờ mắng chửi ồn ào! Chúng tôi phải bước ra phía sau đề phòng, chờ lúc họ qua khỏi hết mới trở vô nhóm lại.

Nhớ lại, ơn Chúa cũng thật lạ lùng, đã cho phép một số kẻ khuấy rối dấy lên! Do đó, chúng tôi mới đổi chương trình sang Pháp sớm hơn một năm nên có đủ thời giờ thu xếp được việc gia đình, cũng như kịp thời xin đủ giấy tờ cần thiết. Họ như vô tình thúc đẩy, giúp chúng tôi đi ra kịp thoát khỏi một nơi đầy biến loạn, để sang được nước Pháp hầu việc Chúa đúng theo chương trình và kế hoạch của Đức Chúa Trời. Thật cảm tạ ơn Chúa là Đấng Toàn tri, Toàn thiện, Toàn đức, Toàn quyền, và là Đấng Khả năng nên đã giải cứu được chúng tôi ra khỏi xứ Khmer thù nghịch một cách vẹn toàn; chẳng khác nào như chiên đã sa vào miệng sói đói, mà lại được giải cứu không bị một vết thương. Thật quyền năng Chúa rất diệu kỳ!

Sau 18 tiếng đồng hồ, chiếc phản lực cơ “Boeing” của Pháp, số 183, lướt gió, tung mây suốt đêm ngày, đáp lên đáp xuống tại Bombay và Karachi, vượt qua hàng vạn cây số cho đến sáng ngày 2/8/1970, lúc 8 giờ, thì phi cơ hạ cánh xuống phi trường Orly cách an toàn. Tất cả gia quyến chúng tôi đều được mạnh khỏe. Cảm tạ ơn Chúa.



CHƯƠNG 12

ÂN THƯỢNG ĐẾ TẠI ĐẤT PHÁP

Khi ra khỏi phi trường Orly, chúng tôi đến ngay Trường Kinh thánh Nogent như đã định. Chúng tôi được giúp đỡ để tạm trú tại đây 4 ngày để thăm bà con và anh em tín hữu cũng như để dạo chơi Thủ đô “Ánh sáng”. Lúc đang dạo chơi Paris, không thạo đường xá, chúng tôi ước ao phải chi có bản đồ thành phố để dễ bề du ngoạn! Cám ơn Chúa, vài phút sau đó, chúng tôi lượm được bên lề đường một bản đồ Paris. Nhờ có bản đồ, nên sự dạo chơi đây đó được dễ dàng hơn, khi đi cũng như lúc về. Thật cảm tạ ơn Chúa, dầu một vật nhỏ chẳng đáng giá chi; nhưng khi Chúa thấy con cái của Ngài cần và đáng cho, thì Chúa cũng sẵn sàng cung cấp ngay.



THOÁT KHỎI BỊ TRỘM TẠI TRƯỜNG KINH THÁNH NOGENT.

Mới đến Paris lần thứ nhứt, chúng tôi lầm tưởng xứ nầy không có kẻ trộm, nào ngờ xứ của các “ÔNG LỚN” nầy cũng có ăn trộm quá nhiều, không kém xứ “ANNAMITE” hoặc xứ “CAO MIÊN”.

Lúc tới nhà trường, chúng tôi để tất cả các vali ở tầng dưới, trong phòng sách của nhà trường mà không khóa cửa, luôn với số tiền bạc còn nằm trong các vali đó. Đoạn, chúng tôi đi thẳng lên lầu ngủ. Sáng hôm sau, mới hay lúc 12 giờ khuya, ăn trộm bắt thang leo lên lầu vô phòng lấy vali của một người da đen cũng mới đến nghỉ tạm nơi đó như chúng tôi. Chúng cũng vào bếp lấy đồ hộp và lặt vặt đem đi hết. Nghe vậy, chúng tôi hốt hoảng chạy xuống phòng sách xét lại các hành lý. Cảm tạ ơn Chúa, tất cả vẫn còn nguyên. Nếu chẳng may mất tiền bạc và đồ đạc trong hoàn cảnh nầy, chắc phải khổ sở lắm, vì đó là tất cả tài sản của chúng tôi mang theo lúc bấy giờ! Nhưng nhờ ơn Đức Chúa Trời gìn giữ và coi sóc của cải cho chúng tôi như người mẹ săn sóc con cái minh khi hữu sự hoặc lúc chúng tôi thiếu xót. Như lời Chúa có phán: “Ta đã gánh vác các ngươi từ lúc mới sanh, bồng ẫm các ngươi từ trong lòng mẹ. Cho đến chừng đầu râu tóc bạc, Ta cũng sẽ còn bồng ẫm các ngươi nữa.” (Êsai 46:3-4).

CHÚA ĐÃ DỰ BỊ CHO CHÚNG TÔI MỘT CÁI NHÀ ĐỂ Ở KHI MỚI TỚI PHÁP

Gia đình nào có đến Pháp một lần mới biết ở Pháp mướn được một cái nhà khó là dường nào, nhất là đối với một gia đình có đông con như chúng tôi, cả thảy gồm 8 người. Dầu phòng ngủ, họ cũng không thích cho mướn, vì sợ ồn ào hoặc trẻ con có thể làm hư hao đồ đạc.

Khi đến Toulouse ngày 5, tháng 8, năm 1970, chúng tôi tìm được cậu Chương, con của ông bà Phan Văn Thình, tín hữu ở Biên hòa. Cậu sẵn lòng cho chúng tôi tạm trú vài tháng tại căn nhà của Cậu mới mua còn bỏ trống, và sau đó, vì mùa đông tại Pháp khó mướn được nhà nên chúng tôi thương lượng trả tiền để chờ qua mùa đông. Thật cám ơn Chúa, chúng tôi mới đến xứ người mà có căn nhà để tạm trú, dù đối với gia đình đông người như chúng tôi thì hơi chật, nhưng có chổ ở tạm một thời gian để chờ mướn nhà khác thì thật không gì quí bằng! Chúng tôi cũng không quên tại đây cám ơn Cậu Chương một lần nữa đã cho chúng tôi tạm trú trong căn nhà của cậu.

CHÚA ĐÃ DỰ BỊ CHO CHÚNG TÔI MƯỚN ĐƯỢC MỘT CĂN NHÀ RỘNG RÃI

Căn nhà ở tạm này nhỏ nên chật cho 8 người. Chúng tôi bắt đầu cầu nguyện, xin Chúa dự bị cho mướn được một nhà khác rộng rãi hơn ở vùng Rangeuille, gần trường Đại học nơi mà 3 con của chúng tôi sắp vào học. Cám ơn Chúa về sự dự bị của Ngài thật lạ lùng! Chúng tôi tìm mướn được một nhà có 5 phòng, giá tiền mỗi tháng là 560 Franc, (tương đương với 120 dollars). Ông chủ nhà thì rất tử tế chịu cho mướn, nhưng trái lại, viên quản lý không bằng lòng, viện lẽ rằng, gia quyến chúng tôi đông con, sợ gây ồn ào, rồi sinh ra có sự khiếu nại của những người lân cận. Hơn nữa, nếu trường hợp chúng tôi không có đủ tiền để trả tiền nhà; trách nhiệm về phần quản lý chịu. (Tất cả chủ nhà ở Pháp khi cho mướn nhà đều đòi giấy chứng minh có lãnh lương, nếu đang thất nghiệp thị không ai chịu cho mướn. Sự dằn co giữa chủ nhà và người quản lý kéo dài hơn hai ngày. Cuối cùng, người chủ nhà chấp nhận lãnh hết trách nhiệm nếu trường hợp có điều gì khó khăn trở ngại xảy ra trong tương lai khi cho chúng tôi mướn.

Thật cảm tạ ơn Đức Chúa Trời đã dự bị cho chúng tôi gặp một ông chủ nhà rất tử tế, có thể tìm cả thành phố Toulouse cũng không gặp một người thứ hai. Nhờ vậy, nên chúng tôi mới mướn được nhà ở thoải mái hơn, với phòng khách rộng rãi mà sau đó chúng tôi đã dùng căn nhà nầy để hàng tuần một số con cái Chúa đến nhóm lại thờ phượng Chúa tạm trong 3 năm. Sau đó thì chúng tôi mới mướn thêm được một nơi khác để làm trụ sở Hội thánh và có giấy phép nhóm họp chính thức để thờ phượng Chúa.

Cám ơn Chúa, Ngài đã giúp đỡ chúng tôi vượt qua được những giai đoạn khó khăn. Trong mỗi giai đoạn nào cũng có bàn tay Chúa sắp đặt trước; còn về phần chúng tôi chỉ là những người thừa hưởng các ân huệ của Chúa. Nên chúng tôi không có đủ lời để mô tả hết ơn Ngài!





(Hình Gia đình chụp trước nhà tại Toulouse năm 1976)

ƠN CHÚA GIÚP ĐỠ CHO CÁC CON TÔI VÀO TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Khi chúng tôi đến Toulouse, vì bận rộn xin giấy kiều ngụ, và cũng vì văn phòng nhà trường đóng cửa nghỉ hè, nên khi chúng tôi đến ghi tên cho hai con chúng tôi là: Duy Tân và Ân Huệ vào học ngành Dược khoa thì đã trể ngày ghi tên, nên dù nài xin cách gì cũng không được. Chúng tôi cầu xin Chúa can thiệp và giúp đỡ cách nào để cho chúng nó có thể vào trường khỏi bị dở dang một năm học. Cảm tạ ơn Chúa. Một buổi tối kia, chúng tôi đến thăm một gia đình tín hữu, thì tình cờ gặp một ông tiến sĩ người Việt, là Giám đốc một Viện khảo cứu Khoa học tại Toulouse. Tôi trình bày việc hai con tôi muốn vào học ngành Dược nhưng đã trể việc ghi danh. Ông là người rất tử tế, nên sau đó đã sẵn lòng giới thiệu cho hai con chúng tôi được nhận vào trường. Và hơn nữa, ông còn cho phép chúng nó được vào viện của ông để tập sự, cũng giới thiệu cho một tiến sĩ đến dạy kèm thêm, cho nên lúc cuối niên học, có rất nhiều bạn học người Việt cùng lớp bị thi rớt ở lại; hai con chúng tôi đều được lên lớp. Thật là một đặc ân của Cứu Chúa có nâng đỡ việc học hành của các con chúng tôi. Cảm tạ ơn Chúa.



ƠN CHÚA TIẾP TRỢ

Ai đã đến xứ Pháp rồi mới biết sự sinh sống ở xứ nầy rất khó khăn! Về phần chúng tôi đã là mục sư tình nguyện, thì lẽ tự nhiên chúng tôi phải tự túc. Nhưng cảm tạ ơn Đức Chúa Trời, vì chính Ngài là Đức Giê hô Va Di rê (nghĩa là Đức Chúa Trời sắm sẵn) nên chúng tôi có thể nói như tác giả Đavit rằng: “Ngài là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Sư tử tơ bị thiếu kém và đói; nhưng người nào tìm cầu (hầu việc) Đức Chúa Trời sẽ chẳng thiếu của tốt gì. Vì nguồn sự sống chúng tôi đều ở nơi Chúa” (Thi thiên 23:1; 34:10; 36:9)

Nhớ lại, sau những tháng đầu tiên tại Pháp, có nhiều người đến khuyến khích và xúi giục chúng tôi tìm việc làm, hoặc mở tiệm ăn (Restaurant) (Tiệm ăn là một nghề dễ kiếm tiền và chỉ cân một ít vốn liếng là mở được). Nhưng chúng tôi quyết chống lại sự cám dỗ, vì nghĩ rằng: Nếu đến xứ nầy mà kiếm tiền để làm giàu, thì mình cũng như mọi người. Như vậy, Chúa cho qua đế đây để làm chi? Nên chúng tôi cứ tiếp tục nhiệm vụ rao giảng Tin lành và kể việc đó là nhiệm vụ trọng yếu cần phải làm trước hết, mọi việc khác Chúa sẽ lo liệu, như Chúa đã dạy trong Mathiơ 6:33 “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.”

Cảm tạ ơn Chúa, sau gần 7 năm hầu việc Chúa, thật Ngài có lo liệu cho chúng tôi đầy đủ, nên một lần nữa, chúng tôi nói như Đavít rằng: “Chúa là Đấng chăn giữ tôi nên tôi chẳng thiếu thốn gì.” (Thi thiên 23:1)



ƠN CHÚA GIÚP CHO XIN ĐƯỢC GIẤY KIỀU NGỤ DỄ DÀNG

Nhớ lại, trước ngày chúng tôi sang Pháp, một Giáo sĩ đã nói với chúng tôi “Bây giờ biết ông bà sang Pháp được; nhưng qua Pháp rồi, chưa chắc gì ở lại Pháp được”. Lại nữa, lúc chúng tôi mới tới Paris, có một tín hữu đã nói với chúng tôi “Giấy kiều ngụ xứ nầy rất khó xin, nếu đúng ngày giấy thông hành hết hạn mà xin giấy cư trú chưa được, thì sẽ được cảnh sát đến mời ra khỏi xứ! Dầu khó, nhưng tôi có thể xin được, vì tôi có một nghề nghiệp dễ xin ở lại. Theo tôi biết luật lệ tại đây, thì tình trạng của mục sư còn khó hơn tôi nhiều.”

Dù nghe toàn là khó khăn nhưng chúng tôi không ngạc nhiên vì đã biết rõ về thực tế nầy từ lúc chưa đến đất Pháp. Nhưng vì lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời nên chúng tôi mới dám liều lĩnh ra đi. (Người đến Pháp muốn xin ở lại, phải có việc làm, và phải có chủ bảo lãnh mới có thể xin được giấy cư trú; nhưng người nào không có nghề chuyên môn thì không dễ gì tìm được việc làm. Mà nếu đi làm việc trong thời gian còn du lịch, thì bị trái ngược với lời cam kết của chúng tôi tại Tòa Đại sứ Pháp ở Cao miên rằng: “Khi qua tới Pháp, không được phép làm việc, dầu rằng làm việc để ăn cơm cũng bị cấm”. Như vậy, nếu tôi đi làm việc là phạm lời cam kết, trong trường hợp đó có thể bị trục xuất ngay; còn nếu không tìm được việc làm để có chủ bảo lãnh, thì làm sao xin được giấy kiều ngụ? Ấy đó là hai diều mâu thuẫn nhau).

Khi đến Toulouse, chúng tôi hiệp nhau cầu nguyện, xin Đức Chúa Trời là Đấng quyền năng đã dẫn dắt chúng tôi đến xứ Pháp thì cứu giúp chúng tôi để có thể đóng góp phần nào vào sự hầu việc Chúa giữa kiều bào, tùy theo tài hèn sức mọn của chúng tôi hiến dâng lên cho Chúa.

Sau đó, chúng tôi tìm đến một Hội Thánh Cải chánh (Reformée) để giao thiệp. Chúng tôi liền gặp ngay Ông Mục sư Stocklin, người rất được ơn và vui vẻ. Sau khi nghe chúng tôi trình bày ý nguyện muốn ở lại để hầu việc Chúa giữa Việt kiều, Ông liền cho chúng tôi một chứng thư hợp tác để trình lên nhà cầm quyền.

Cảm tạ ơn Chúa, sau 15 ngày nạp đơn, chúng tôi được nhà cầm quyền Pháp chấp nhận cho gia quyến chúng tôi ở lại truyền giáo cho Việt kiều với thời hạn một năm, không đòi hỏi điều kiện nào khó khăn như những kiều dân khác. Cũng xin nói sơ về Nhà thờ Cải chánh nầy. Đây là một đền thờ lớn kiến trúc theo lối cổ. Bên trong có hai tòa giảng, một tòa giảng cho dành cho vị Mục sư đứng giảng mỗi tuần, cao gần hai thước; còn tòa giảng kia cao gần 4 thước để dành cho các ngày Đại lễ có quan quyền, hoặc Vua Chúa đến dự. Đã có một lần tôi được mời lên đứng bên phía cao đó để làm chứng, thật là rất ngại ngùng! Theo chuyện xưa kể lại thì nhà thờ nầy được xây trên nền của một “Lò sát sanh” của một tôn giáo kia được Vua nước Pháp cho phép xây dựng nên để đốt những người mà họ gọi là “theo tà giáo” tức là những người có Kinh Thánh và không chịu thờ bà Mari. Trong nhà thờ có bản khắc nhiều tên những người đã tử vì đạo tại đó).

Cám ơn Chúa, sau đó, chúng tôi được đổi giấy lại với thời hạn 3 năm, và hơn thế nữa, sau đó cả gia quyến chúng tôi đều xin được gia nhập Pháp tịch, nên tôi có cơ hội rộng rãi đi truyền giáo các xứ lân cận với nước Pháp, vì dân Pháp được di chuyển cách dễ dàng trong các nước của khối Thị trường Chung Âu châu.

ƠN CHÚA DỰ BỊ CHO SỰ HỢP PHÁP VỚI HỘI THÁNH TIN LÀNH TỰ DO

Nhờ cơ hội được tiếp xúc và quen với ông Mục sư Roger-Bertrand, thuộc hội thánh Tin lành Tự do, người đã bảo lãnh gia quyến chúng tôi sang Pháp, nên sau đó ít lâu, chúng tôi tìm được Hội thánh Tin lành Tự do ở Toulouse để xin chính thức hợp tác. Chủ tọa Tội thánh ấy là Mục sư Pierre Tessier rất vui vẻ nhận lời và mời chúng tôi cùng làm việc với tư cách Mục sư Phụ tá để lo cho người Việt.

Chúng tôi thường xuyên thăm viếng tín hữu và kiều bào, cùng mời họ đến nhóm họp, nên mỗi chiều Chúa nhật đều có nhóm lại thờ phượng Chúa cách vui vẻ, mặc dù buổi nhóm đầu tiên chỉ có hơn 10 người. Có lúc lại ít hơn, nhưng chúng tôi không ngã lòng vì biết rằng “Vạn sự khởi đầu nan.”

Sau gần 7 năm truyền giáo, kết quả không được như ý muốn, nhưng cám ơn Chúa, là có nhiều người được cơ hội nghe rõ về Đạo Tin lành, nhiều quyển sách nhỏ, truyền đạo đơn, và trên ba trăm quyển Kinh Tân Cựu ước đã được phân phát đến tận tay kiều bào (số sách nhỏ do ông Phan Văn Tình tín hữu Biên hòa gởi cho, Tân ước do Thánh thơ Công hội Anh quốc cung cấp).



Thật cám ơn Chúa đã lo liệu cho chúng tôi là người ra đi truyền giáo tự túc nơi hải ngoại, nhận thấy mình như cô đơn, bất lực, nhưng chúng tôi đã làm được một ít việc nho nhỏ; ấy là nhờ Chúa làm cho như Kinh thánh đã chép: “Vì mọi đều chúng tôi làm, ấy là Ngài làm cho.” (Êsai 36:12).



(Hình Gia đình chụp trước nhà thờ Tin Lành Tự Do, Toulouse)


tải về 1.82 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương