Cố Mục Sư Nguyễn Duy Xuân LỜi tác giả. Mục đích tôi viết quyển sách làm chứng này



tải về 1.82 Mb.
trang6/8
Chuyển đổi dữ liệu02.06.2018
Kích1.82 Mb.
#39274
1   2   3   4   5   6   7   8

CHƯƠNG CHÍN.

LÒNG YÊU MẾN ĐỀN THỜ.

Vào khoảng năm 1965, nhà cầm quyền Cao miên không cho các Giáo sĩ Mỹ cũng như kiều dân Mỹ trú ngụ trong xứ (có lẽ lúc bấy giờ ông Shihanouk bị áp lực của cộng sản). Chúng tôi cũng rất e ngại là nhà cầm quyền có thể cấm các nhà truyền giáo Việt nam, và họ có thể trục xuất chúng tôi như các nhà truyền giáo Mỹ.



ƠN CHÚA CHO CHÚNG TÔI CAN ĐẢM THÀ CHỊU TÙ CHỚ KHÔNG CHỊU ĐÓNG CỬA NHÀ THỜ.

Một ngày kia, có một việc xảy ra cho Hội thánh Tin lành Cao miên do một tín hữu người Miên (gốc Việt) có học Trường Kinh Thánh hai năm đang làm việc trong nhà in Tin lành. Người đi Hồng Kông rồi qua luôn bên Mỹ. Nghe tin là người sang Mỹ làm việc ở đài phát thanh (có lẽ người đọc tin tức trong giờ phát tiếng Cao miên của Đài VOA). Nhà cầm quyền Miên lấy cớ đó để đóng cửa nhà in Tin lành và bắt thêm mấy vị truyền đạo và vài ông Chấp sự có thơ từ liên lạc với người tín hữu đi Mỹ ấy. Như được trớn, nhà cầm quyền còn mời ông Giáo sĩ Pháp đến (lúc bấy giờ các Giáo sĩ Mỹ đã ra khỏi xứ, chỉ còn một ông Giáo sĩ Pháp mới đến Nam vang được vài tháng) bảo ông phải đóng cửa hết các nhà thờ Tin lành trong xứ. Việc xảy đến như vậy, ông Giáo sĩ không biết tính lẽ nào nên cho lệnh tạm đóng cửa hết các nhà thờ. Đoạn, ông vội vã trở về Pháp báo cáo tự sự với Hội truyền giáo để biết phải làm gì. Trước khi lên máy bay, ông nhắn lại với vị Mục sư trí sự người Trung hoa báo tin cho chúng tôi hay cũng phải đóng cửa Nhà thờ Việt Nam y theo lệnh của nhà cầm quyền Cao miên để chờ ông trở qua vận động xin mở lại một lượt với Hội thánh Tin lành Cao miên. Ông Mục sư trí sự ấy đến nói lại chúng tôi hay những lời Giáo sĩ đã căn dặn và hơn nữa, ông cũng cho chúng tôi biết tuần trước Hội thánh Cao miên mở cửa nhóm họp, nhà binh đến bắt vài ông Truyền đạo và vài vị Chấp sự có mặt trong buổi nhóm hôm đó. Ông khuyên chúng tôi nên nghe lời Giáo sĩ. Đoạn, ông đi báo tin cho tín hữu Việt cũng như Trung hoa hay tự sự. Lòng anh em tín hữu cũng như Ban chấp hành Hội thánh Việt thảy đều bối rối, họ đến bàn luận cùng chúng tôi và khuyên tôi nên tạm đóng cửa nhà thờ để chờ Giáo sĩ trở qua lo liệu. Tôi chỉ trả lời để chờ ý Chúa.

Cảm tạ ơn Chúa, chiều lại tôi đang đứng trước cửa nhà tư thất, lòng đang nặng nề về công việc vừa xảy ra. Ngó vào hông nhà thờ, tôi nhìn từ khuôn cửa đến cánh cửa, tôi nhìn từ miếng ngói đến nóc nhà thờ và ngẫm nghĩ rằng: “Nếu nhà thờ này bị đóng cửa thì những cánh cửa này không biết ngày nào sẽ được mở. Vì thời kỳ nào mà quyền của ma quỉ đóng được cửa nhà thờ thì dễ gì chúng sẽ cho mở cửa trở lại. Nước mắt tôi tuôn chảy và nghẹn ngào. Lòng tôi phát sinh ra sự yêu mến Đền thờ của Đức Chúa Trời. Tôi tự nghĩ rằng: “Bấy lâu nay mình nói yêu mến Đền thờ, đó bất quá là lời nói lý thuyết, chớ chưa có lần nào được trắc nghiệm. Hôm nay đây mới chứng thực là người yêu Chúa và yêu mến Đền thờ Đức Chúa Trời. Vì cơ hội đã đến để thử thách lòng yêu ấy sẽ ra như thế nào? Nếu mình yêu mến Đền thờ thật thì trước khi đóng cửa Đền thờ phải làm một việc gì để chứng minh, mặc dù vì điều ấy mà mình phải chịu hy sinh bao nhiêu đi nữa, mình cũng phải chấp nhận.”

Cám ơn Chúa, Ngài lại nhắc tôi thêm: “Đóng cửa Đền thờ phải có giấy tờ gì chính thức chứ? Lẽ đâu chỉ nghe lời hăm dọa của một số người, mình lại đi đóng cửa Đền thờ. Rồi lịch sử sau này sẽ nghiêm khắc lên án và phê phán mình là người như thế nào?” Tôi liền vào nhà gọi vợ tôi để báo tin ý Chúa mới soi sáng cho: “Nếu không có giấy tờ chính thức của Chánh phủ Cao miên ra lệnh đóng cửa Nhà thờ thì tôi nhất định không đóng.” Cám ơn Chúa, vợ tôi cũng vừa được soi sáng về việc này nên cũng tán đồng với tôi.

Sáng hôm sau, có vài vị trong BCH Hội thánh đến yêu cầu tôi nên tạm đóng cửa Nhà thờ y như lời Giáo sĩ. Tôi trả lời: “Lòng tôi đã quyết định rồi, nếu không có giấy tờ chính thức thì tôi không bao giờ chịu đóng cửa Nhà thờ.” Các vị ấy nói: “Mục sư ơi! Chúng tôi thương hại Bà và các cháu, nếu trường hợp Mục sư bị bắt và bị trục xuất thì ai lo cho gia đình? Vả lại, Mục sư có căn nhà tại đây người ta có thể tịch thu sản nghiệp Mục sư.” - “Cám ơn các ông,” tôi trả lời, “Vợ con sao không thương, sản nghiệp tôi tạo nên bởi mồ hôi nước mắt sao không sợ mất? Nhưng ngày nay vì vợ con, vì sản nghiệp tôi đóng cửa Nhà thờ, thật tôi không xứng đáng làm Mục sư hầu việc Đức Chúa Trời.”

Qua ngày hôm sau là thứ Bảy, có một ông Chấp sự Hội thánh đến cho chúng tôi hay rằng: “Có được tin chắc chắn, nếu sáng Chúa nhật ngày mai mà Mục sư mở cửa Nhà thờ thì sẽ bị bắt liền.” Tôi trả lời: “Như điều tôi đã nói với BCH Hội thánh, là tôi sẵn sàng chịu tù, chớ không chịu đóng cửa Nhà thờ mà không có giấy tờ gì.” Ông ấy nói: “Như vậy Mục sư làm hại Hội thánh, Mục sư đóng cửa ít ngày rồi Giáo sĩ trở qua vận động xin mở lại một lượt với các Hội thánh Cao miên, có phải êm chuyện không? Hôm nay Mục sư không nghe lời Giáo sĩ, không nghe lời đề nghị của BCH Hội thánh, Mục sư mở cửa Nhà thờ lúc có lệnh cấm, nhà cầm quyền đến bắt Mục sư, họ cũng có thể bắt chúng tôi là các chức viên Hội thánh, như họ đã bắt các chức viên bên Hội thánh Cao miên. Và nhà cầm quyền lấy cớ rằng Mục sư chống nghịch, họ đóng cửa nhà thờ luôn vĩnh viễn. Có phải mục sư làm hại cho Hội thánh không?” Tôi khẳng định trả lời lần chót: “Từ cả tuần lễ nay có năm, bảy tin đem đến xúi giục tôi đóng cửa nhà thờ, tôi cho đó là những tin tức từ ma quỉ, nên từ đây về sau tôi không còn muốn bàn luận với ai về vấn đề này nữa, vì lòng chúng tôi đã quyết định rồi, không thay đổi.”

Sáng hôm sau, đúng là ngày Chúa nhật rất nghiêm trọng (tôi còn nhớ rõ đó là ngày 28 tháng 8 năm 1966), gia quyến chúng tôi thức dậy sớm hơn thường nhật để cầu nguyện, xin Chúa ban một đạo binh Thiên sứ của Ngài đến bảo vệ chúng tôi; nếu có kẻ nào rình rập để bắt, xin Chúa xô đuổi.

Vừa rạng đông, độ 6 giờ, chúng tôi nhận được một thơ của người tín hữu Pháp lai Việt sai người cầm đến. Trong thơ người báo tin cho chúng tôi hay đừng mở cửa Nhà thờ sáng nay, vì người có nhận được tin bí mật của nhà cầm quyền đã chuẩn bị cho lính bắt, nếu sáng Chúa nhật này nhà thờ mở cửa. Chúng tôi chẳng chú ý gì về lời đó, vì tôi cho tất cả tin tức về việc đóng cửa nhà thờ là tin của ma quỉ đem đến hăm dọa tôi để đóng cho được cửa Đền thờ. Còn về phần tôi đã được Đức Chúa Trời cảm động quyết định chịu trả giá; hoặc là nhà thờ được mở cửa hoặc là tôi phải vào tù, chịu trục xuất và mất luôn sản nghiệp.

Đúng 7 giờ sáng, chúng tôi mở cửa nhà thờ sớm hơn thường nhật một giờ. Kế đó, đúng 8 giờ rưỡi là giờ cầu nguyện chung buổi sáng tại nhà thờ. Gia quyến chúng tôi bắt đầu hát Thánh ca, đọc Kinh thánh. Cảm tạ ơn Chúa, trong giờ cầu nguyện buổi sáng hôm ấy có một bà tín hữu là Bà Tư Quang (Bà Tư Quang má của cậu Lâm Thành Vân) đến nhóm với chúng tôi. Chỉ có một tín hữu đến nhóm mà chúng tôi cảm thấy vui vẻ. Rồi một giờ sau, tới giờ thờ phượng Chúa cũng cho có được độ 10 người đến.

Đúng 10 giờ, tôi khởi sự theo chương trình mời hội thánh thờ phượng Chúa. Vừa hát xong bài Thánh ca thì thình lình có một người Miên ăn mặt theo lối quân nhân bước vô nhà thờ, đi thẳng lên tới tòa giảng, đưa cho tôi một bức thơ. Tôi cầm thơ lật qua lật lại, lòng cũng hơi lo ngại. Đoạn, xé ra xem, thì ra thơ của một tín hữu sa ngã lâu ngày gởi đến nhờ tôi trao lại cho người bạn. Tuy là một bức thơ tầm thường, nhưng đó là mưu kế của ma quỉ dùng đúng cơ hội và thì giờ. Hơn nữa, chúng mượn lòng của một tín hữu sa ngã khiến đúng giờ ấy lại gởi thơ và mượn một anh quân nhân cầm đến nhà thờ ngay vào giờ giảng để đánh tôi thêm một đoàn cân não. Cảm tạ ơn Chúa, mặc dù anh em tín hữu như có vẻ bối rối khi thấy một quân nhân đem thơ đến; nhưng khi tôi cho biết chỉ là một bức thơ của người quen thì anh chị em lấy lại được bình tĩnh. (Đang lúc đó, tôi đứng trên tòa giảng ngó ra đường thấy có một số tín hữu và vài vị trong BCH Hội thánh ăn mặt cải trang như người đang đi làm việc, qua lại trước cửa nhà thờ để quan sát tình hình).

Cảm tạ ơn Chúa, buổi nhóm hôm ấy tuy ít tín hữu nhưng ơn Chúa cho tôi giảng rất hùng hồn mà trong đời sống chức vụ bao nhiêu năm ít có lần nào giảng được như vậy.

Cám ơn Chúa, ngày Chúa nhật đó chẳng có sự gì xảy ra; rồi lần lần về sau anh em tín hữu nhóm họp đông đủ lại như thường lệ. Nhưng rất tiếc là Hội thánh Tin lành Cao miên bị đóng cửa luôn mấy năm, và vị Giáo sĩ khuyên chúng tôi nên đóng cửa nhà thờ để chờ ông trở qua Cao Miên vận động mở lại, cũng chẳng còn thấy ông trở lại Cao Miên nữa.



Một số Mục sư Cao miên có lòng can đảm mời tín hữu nhóm lại trong nhà riêng của họ để cầu nguyện và sau đó một thời gian, có cụ Giáo sĩ Jean-Funé (người Pháp) đến Nam vang (Vì lúc bấy giờ người Mỹ không được phép đến Cao miên nên Hội truyền giáo Mỹ đề cử Giáo sĩ Pháp đến đảm nhận chức vụ). Sau khi cụ Giáo sĩ Jean-Funé đến được ít lâu tìm hiểu tình hình, Cụ xin nhà cầm quyền cho Hội thánh nhóm để “làm phước”. Chữ “làm phước” là từ ngữ của người Cao miên hội họp để bố thí, hoặc quyên tiền bá tánh. Như vậy, hễ tuần nào Hội thánh muốn nhóm họp thì phải xin phép. Nhưng chỉ có ở Nam vang mới được điều kiện ấy; còn ở các tỉnh và miền quê thì tùy theo địa phương mà được phép hay không được phép.




tải về 1.82 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương