Cố Mục Sư Nguyễn Duy Xuân LỜi tác giả. Mục đích tôi viết quyển sách làm chứng này



tải về 1.82 Mb.
trang1/8
Chuyển đổi dữ liệu02.06.2018
Kích1.82 Mb.
#39274
  1   2   3   4   5   6   7   8

Ơn Thượng Đế Nhậm Lời Cầu Nguyện


Cố Mục Sư Nguyễn Duy Xuân




LỜI TÁC GIẢ.

  1. Mục đích tôi viết quyển sách làm chứng này :

Trước tiên cốt ý để ngợi khen Đức chúa Trời là Đấng đã ban ơn qua sự nhậm lời cầu nguyện, phù hộ và dẫn dắt gia đình chúng tôi trên Thiên lộ trải qua hơn 40 năm.

Với những lời thành thực và đơn sơ, sách này được hiến lên cho Chúa như một khí cụ nhỏ trong tay Ngài, giúp cho anh em trong Chúa nào có dịp đọc qua hiểu được ít nhiều những ơn phước mà Đức Chúa Trời đã sẵn lòng ban cho chúng tôi thể nào, thì chính Ngài cũng sẵn lòng ban ơn cho anh em thể ấy.

Ước vọng chính của chúng tôi là muốn ghi lại những ơn phước đã nhận được do tình yêu thương của Chúa ban cho để nói lên tiếng nói chân thành với đồng bào, là người chưa tin Chúa, về những ơn phước trong thời quá khứ cũng như hiện tại mà Chúa vẫn còn sẵn lòng thi thố nữa trong cuộc đời chúng tôi và những người tin Ngài.

Nguyện Chúa dùng quyển sách nhỏ này soi đường dẫn lối cho đồng bào hiểu được ít nhiều về tình yêu của Cứu Chúa Jêsus, để quí vị có thể tin Ngài và được phước cũng như chúng tôi đã được. Với lòng mong ước như vậy nên tôi viết quyển sách nhỏ này cùng chịu luôn tiền ấn loát biếu không cho quí vị, mong sao quí vị gặp được Cứu Chúa.



  1. Thể theo khuôn khổ có giới hạn của quyển sách mà tôi đã phỏng định trước, tôi chỉ ghi lại một số ơn phước có lợi ích chung…

Vả lại, sự viết bài sẽ không theo lối ký truyện, cũng như không dám nói đến thành quả của đời sống cá nhân, hoặc trên chức vụ truyền giáo. Nhưng tôi chỉ chú trọng đến những ơn bảo hộ của Thượng Đế và sự nhậm lời cầu nguyện của Ngài mà thôi.

  1. Cám ơn Bà Phan Thị Hợi, Vợ tôi, đã khuyến khích tôi viết quyển sách nhỏ làm chứng này.

Khi viết xong bản thảo, vợ tôi là người đọc trước nhất, người có vẻ hơi e ngại về việc tôi ghi lại những điều đúng như thực sự đã xảy ra, sợ làm phật ý những nhân vật có liên quan đến những sự việc mà tôi có đề cập đến. Nhưng đã muốn ghi lại cho đúng những dữ kiện thực tế thì tôi cũng không thể còn cách nào khác.

  1. Cám ơn Duy Tân, con trai lớn của tôi đã giúp tôi được nhiều ý kiến xây dựng.

  2. Cám ơn Tiến Sĩ Bùi Đức Nguyên, đã có công sửa lại dùm các dấu HỎI NGÃ và một vài TỪ NGỮ thông dụng NAM BẮC.

  3. Nếu có chỗ nào lời văn sơ sót hoặc khó đọc xin đọc giả vui lòng lượng thứ cho. Cám ơn.

SAN – JOSÉ, California, mùa Nô-ên năm 1982.

Mục sư Nguyễn Duy Xuân, Chủ tọa Hội Thánh Tin Lành Việt Nam SAN JOSÉ, California.



LỜI GIỚI THIỆU

Thật là một vinh dự được viết lời giới thiệu cho quyển làm chứng về những Ân phúc đã được thi thố trong cuộc đời TIN và HẦU VIỆC của một TÔI TỚ của ĐỨC CHÚA TRỜI (THƯỢNG ĐẾ) Chí Cao.

Được gặp Mục sư Nguyễn Duy Xuân khoảng gần một năm trước đây. Mặc dầu không được chứng kiến những điều đã xảy đến cho ông, nhưng khi đọc những mẫu chuyện lạ lùng này thì mới thấy được bàn tay diệu kỳ của THƯỢNG ĐẾ. Nhưng Ngài là ai mà lại có quyền năng làm những việc lạ lùng ấy?

Nếu đó cũng là sự thắc mắc của quí vị. Thì quyển sách mà quí vị đang có đây gói gém lời kể của một người đã tìm giải đáp cho câu hỏi đó. Mục sư Nguyễn Duy Xuân.

Còn nếu quí vị đã biết được THƯỢNG ĐẾ đó chính là Chúa Cứu Thế GIÊ-XU rồi. quyển sách nầy sẽ thêm những lời chứng quả quyết rằng Chúa hằng quan tâm đến đời sống người TIN và HẦU VIỆC Ngài. Hơn thế nữa, Chúa vẫn còn làm phép lạ cứu giúp những người đặt lòng TIN và TRÔNG CẬY nơi Ngài. Như lời Thánh Kinh đã chép: “Chúa Giê-xu Christ hôm qua, ngày nay và đời đời không hề thay đổi.”

Nguyện xin ơn phước lành từ Chúa xuống trên người viết quyển sách nầy cùng hết thảy mọi người đọc đến. A men.
Mùa Xuân 1983.

Bùi Đức Nguyên, PhD


MỤC LỤC

  1. Hai mươi hai năm sống dưới mái gia đình cha mẹ 3

  2. Hai năm tại Trường Kinh Thánh 5

  3. Ơn Chúa dẫn dắt và giải cứu khi lập gia đình 8

  4. Chúa dẫn đưa ra khỏi Bến Cát đầy biến loạn 15

  5. Đấng bảo hộ tại Thủ Đức 20

  6. Ơn thương xót của Chúa tại Long Thành 25

  7. Thoát nạn tại Hoà ninh 37

  8. Mười bốn năm phục vụ Chúa ở Nam Vang 43

  9. Lòng yêu mến Đền thờ 59

  10. Được kêu gọi đặc biệt sang Pháp 52

  11. Thoát nạn tại Nam Vang 75

  12. Ân Thượng Đế tại đất Pháp 88

  13. Được kêu gọi sang Mỹ 100

  14. Những đặc ân Chúa dành cho sau 5 năm hầu việc Chúa tại Hội Thánh San-José (sẽ viết tiếp) 119

CHƯƠNG 1

HAI MƯƠI NĂM SỐNG DƯỚI MÁI GIA ĐÌNH CHA MẸ

ĐƯỢC TỈNH LẠI SAU GẦN MỘT GIỜ BỊ TẮT THỞ.

Cảm tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đấng đã để riêng tôi ra từ trong lòng mẹ, lấy ơn điển Ngài cứu tôi và kêu gọi tôi. Lúc tôi được lên 5 tuổi, đã có lần bị chết vì một cơn bạo bịnh. Ông thân tôi vì quá thương con mà không biết cách nào khác nên cứ ôm tôi vào lòng chạy tới, chạy lui hàng giờ kêu xin Trời cứu giùm. Tạ ơn Chúa, Ngài động lòng thương xót cứu tôi tỉnh lại!

Mặc dầu tôi lớn lên trong một gia đình Phật Giáo, song ông thân tôi vẫn kính Đức Chúa Trời. Nhớ lại lúc 12 tuổi, tôi hay chế nhạo Đạo Tin Lành mà Chú tôi đã tin theo. Ông thân tôi khuyên: “Con đừng chế nhạo Đạo Chúa, Đạo đó mới là chánh, còn đạo mình đây là chỉ theo chơi cho vui với bạn bè.” Lời khuyên của ông thân tôi đã ghi sâu vào óc, nên khi bà thân tôi có đi chùa, tôi cũng theo cho vui vậy thôi, chớ thực ra tôi không có vẻ gì sùng bái. Và hơn nữa, tôi không còn chế nhạo Đạo Tin Lành mà trái lại, mỗi chiều thứ năm còn đến nhà ông Chú tôi học Kinh Thánh và cầu nguyện.

ƠN CHÚA CỨU KHỎI CHÌM TÀU.

Vào khoảng năm tôi được 13 tuổi, một hôm tôi đi du lịch Nam vang trở về, chiếc tàu tôi đi đang chạy giữa sông Mêkông thì thình lình chân vịt bị gãy, không phương cứu chữa, người ta đành để cho tàu trôi nổi, lắc lư, mặc cho sóng gió đẩy xô. Lúc đó độ 6 giờ chiều, nhìn lên trời thấy mây khói đen kéo đến đen kịt, càng lúc càng dầy đặc, ai nấy đều khủng khiếp lo sợ! Mấy người mạch lô leo lên mui tàu mở ống phao sẵn để phòng nạn, nhưng hành khách hàng trăm làm gì có đủ! Mấy người già cả ngồi kêu Trời, Phật phù hộ. Còn tàu cứ liên tục thổi còi vang rền để kêu cứu nghe mà rợn óc! Gió bắt đầu thổi mạnh và sóng càng lúc càng to. Để đề phòng tàu bị lật, thuyền trưởng truyền cho mọi người ngồi xuống, không được di chuyển tới lui.

Về phần tôi, nhớ lại Chúa Giê-xu quyền năng mà Chú tôi đã dạy, tôi mở miệng kêu “Giê-xu cứu! Giê-xu cứu!” Thình lình thấy từ xa xa có một chiếc tàu chạy đến, ai nấy đều vui mừng và chẳng bao lâu thì tàu tới. Người lái tàu nói: “Tôi nghe tàu kêu cứu; tôi cho chụm lửa thêm và mở hết tốc lực chạy tới để kéo tàu vào bờ cho kịp cơn giông”.

Sau khi họ lôi tàu được vào bờ và cho hành khách đổ bộ vừa xong, thì một cơn giông lớn đùng đùng thổi đến và kéo dài đến nửa đêm, cây cối ngả đổ nghe rắc rắc rất khủng khiếp! Nhưng mỗi người cảm thấy lòng vui mừng vì đã thoát nạn, và cho là họ có sự may mắn; còn tôi thì hát Halêlugia để cảm tạ ơn Giê-xu giải cứu!



ƠN CHÚA CỨU KHỎI BỊ BẮT NÊN KHỎI LIÊN CAN TÙ TỘI.

Cám ơn Chúa, lúc tôi được 17 tuổi, Ông bà thân tôi tin Chúa Giê-xu và cũng sốt sắng dẫn các con đi nhà thờ để tin Chúa, nhưng thật ra tôi vẫn chưa hiểu gì về Đạo. Lúc được 19 tuổi, thỉnh thoảng tôi cũng theo người Anh tôi đi chơi. Người có đầu óc muốn làm anh hùng cho xóm làng, lính tráng nể mặt.

Nhớ lại khoảng tháng Tư, năm 1940, trong một cuộc cải lộn với ba tên lính vì họ có thái độ hóng hách và ăn hiếp dân hiền, Anh tôi rút trong túi ra một con dao nhỏ dài hai tấc đâm một tên chết tại chỗ. Người liền chạy trốn vào rừng; còn tôi phải lẩn trốn trong một cái nhà cùng xóm. Nghe bọn lính kêu nhau: “Kiếm bắt thằng em nó”, tôi cầu nguyện xin Chúa cứu tôi thoát cảnh hoạn nạn nầy và hứa sẽ dâng mình hầu việc Chúa trọn đời. Cám tạ ơn Chúa, Ngài đáp ứng lời cầu nguyện, nên dầu có độ 10 tên lính và năm, bảy ông làng đi kiếm từng nhà, khắp xóm mà cái nhà tôi đang trốn họ lại không ghé vào lục soát. Thật như có thiên sứ của Đức Chúa Trời đứng trước cửa nhà để xô đuổi họ đi chỗ khác vậy.

Sau khi đám người đi tìm kiếm qua khỏi, tôi nghĩ rằng mình phải trốn cho xa mới mong thoát thân được nên liền vội vã qua sông và băng ngang qua một cánh đồng rộng lớn. Đi được chừng năm, sáu cây số thì lạc vào một vùng lao sậy, sình lầy, đi mãi mà vẫn còn lẩn quẩn trong rừng. Hơn nữa, lúc bấy giờ độ một giờ trưa, trời nắng như thiêu, bụng lại đói, lòng tôi rất lo ngại sợ không ra khỏi cánh rừng. Tôi dừng lại, cúi đầu cầu xin Chúa phù hộ và dẫn dắt qua cơn nguy hiểm! Thật Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện nên Chúa khiến một em nhỏ mà tôi quen độ 12 tuổi ở gần mé rừng đó đang thả rểu đi chơi; đồng thời Ngài cũng dẫn tôi từ trong rừng sậy đi ra ngay chỗ em nhỏ nầy vừa đi tới. Đang khi tôi lủi thủi bước đi, thình lình nghe tiếng kêu: “Anh Xuân”. Mừng quá! Tôi hỏi: “Mầy đi đâu vậy?” – “Đi chơi!” – “Trại mầy ở đâu?” – “Cách đây độ một cây số.” Tôi liền theo đứa nhỏ về trại. Sau khi dùng cơm xong, tôi tiếp tục vượt qua cánh đồng đến chiều tối mới tới chỗ có xóm làng…

Sau đó vài tháng, anh tôi bị bắt và bị kêu án 20 năm tù, còn bọn lính, một số bị cách chức, số khác bị đổi đi xa, nên tôi trở về nhà bình yên, kể như vô tội! Cám ơn Chúa. Nếu Ngài không che chở, để tôi bị bắt lúc xảy ra án mạng, chắc đã bị trả thù cách hung bạo, và có thể bị cáo gian liên can tù tội.

CHƯƠNG HAI

HAI NĂM TẠI TRƯỜNG KINH THÁNH ĐÀ NẲNG.

Cám ơn Chúa. Sau biến cố này, tôi sốt sắng làm chứng về quyền phép của Chúa, thường ngồi trước mặt năm, ba người để làm chứng về Chúa cách dạn dĩ. Trong Hội Thánh, (Hội Thánh Mỹ An) tôi được bầu cử làm Trưởng ban Thanh niên, Giảng viên Trường Chúa Nhật và Chấp sự.



ƠN CHÚA DẪN ĐƯA ĐẾN TRƯỜNG KINH THÁNH ĐÀ NẲNG

Năm 22 tuổi, tôi gởi đơn xin học Trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng và được chấp thuận. Nhưng có một việc trở ngại khó vượt qua, ấy là tôi chưa có thẻ căn cước. Vì lúc bấy giờ, mặc dầu là người Việt Nam, nhưng đi từ miền Nam ra Trung và miền Trung vô Nam, buộc phải có thẻ căn cước mới được phép di chuyển. Thẻ căn cước xin rất khó! Trước hết xin ở làng, đến quận, rồi tỉnh, phải mất một thời gian lâu mới khả dĩ xin được. Phần thì ngày nhập học cũng sắp đến nên tôi nghĩ rằng không thể nào lo kịp. Nhưng bởi đức tin tôi cầu nguyện, xin Chúa đưa đường, nên tôi đánh liều xách vali lên Sài Gòn. Khi đến Sài Gòn, tôi tìm một người quen có một người con rể làm việc ở nhà ga xe lửa để nhờ mua dùm tôi một vé đi Đà Nẵng, vì tôi không có giấy căn cước nên không mua được. Ông ấy trả lời: “Làm sao được, chắc chắn một trăm phần trăm thầy không thể nào đi được”.

Không thất vọng, tôi tìm các anh em sinh viên cùng đi học với tôi trong khoá nầy, xin giúp cho bằng cách mua chung nhau các vé. Một sinh viên sẵn lòng giúp tôi trong việc nầy là thầy Hằng (mà sau này là Mục sư Nguyễn Thanh Hằng). Thầy mua dùm tôi được một vé. Nhưng làm sau có thẻ căn cước để trình khi vô cửa? Đứng trước nhà ga tôi thầm nguyện, xin Chúa đưa dắt cách nào để có thể vào được cổng xe lửa. Thình lình có tiếng nhân viên hoả xa kêu: “Mấy anh em sinh viên Tin Lành lại cửa sau để vô”. (Vì lúc bấy giờ nhà binh Nhật đi rất đông cân đồ cho nhà binh chưa xong mà sắp tới giờ xe lửa chạy, nên họ cho chúng tôi vào cửa sau). Tôi cùng với các sinh viên xách va-li vô cửa. Khi được vào xong, tôi liền tẻ riêng ra đi thẳng lên xe, lòng mừng khấp khởi, miệng lẩm bẩm tạ ơn Chúa.

Con đường xe lửa từ Sài Gòn ra Đà Nẵng độ một ngàn cây số. Xe chạy hai đêm một ngày, có mấy trạm xét thẻ căn cước. Qua mỗi trạm xét, tôi vẫn ngồi yên cầu nguyện, những nhân viên đi xét giấy, lúc đến gần tôi đều ngó qua phía khác và đi qua. Khi tới Đà Nẵng, là trạm khó nhất, Chúa cho tôi bình tĩnh, tay xách va li chen ra cửa, mọi người phải trình giấy, còn tôi cứ chậm rãi bước đi, chẳng ai kêu hỏi chi. Thật cám ơn Chúa có đưa đường một cách rất diệu kỳ! Đến Trường Kinh Thánh, cụ Đốc học khuyên tôi không nên đi xa, vì sợ bị xét hỏi căn cước, có thể bị trục xuất về Sài Gòn.

Một năm học tại trường, tôi nhận lãnh được nhiều ân tứ thiêng liêng qua những giờ học Lời Chúa và trong những lúc tâm giao riêng tư với Ngài. Lòng tôi nóng nảy về số phận hư mất của đồng bào nên vào những ngày thứ Bảy là ngày chứng đạo, tôi rất vui thích đi ra làm chứng về Danh của Chúa cho họ.

Sau niên học, tôi trở về nhà cách vui vẻ với tâm tánh mới, sốt sắng góp phần hầu việc Chúa ít nhiều với Hội Thánh để tập sự trong mấy tháng hè. Kế đó, lại tới kỳ nhập trường năm thứ Hai. Tôi lên Sài Gòn để đón xe lửa ra Đà Nẵng, thì sự khó khăn lại tái diễn như năm trước. Song cảm tạ Chúa là Đấng hôm qua và ngày nay không hề thay đổi (Hê-bơ-rơ 13: 8) nên một lần nữa tôi cũng được Chúa đưa đường đến Đà Nẵng cách diệu kỳ!



NIÊN HỌC ĐẦY THỬ THÁCH VÌ THỜI CUỘC

Niên học này nhằm năm 1944-1945. Máy bay Đồng minh Mỹ - Anh - Pháp, v.v… thường đến dội bom trên quân đội Nhật, và quân đội Nhật lại đóng binh quá gần Trường Kinh Thánh. Nếu những cuộc dội bom chỉ sai trật một đôi chút thì nhà trường có thể bị lâm nạn! Có hôm chúng tôi phải chạy xuống chạy lên hầm trú ẩn năm, bảy lần. Tinh thần ai nấy đều bị xao động! Sự học phải mất nhiều thì giờ hơn, có khi phải học thêm đến khuya mới xong bài.

Tôi còn nhớ một đêm kia, nhà binh Nhật đóng bên kia đường bị dội bom. Thình lình nghe bom nổ, tôi lật đật mở cửa để xuống hầm, nhưng tôi làm kẹt cứng chìa khoá vào ống khoá, vặn tới vặn lui không được nên không mở cửa được. Tôi nghe bên ngoài tiếng miểng bom văng rào rào! Đến khi bình tĩnh, tôi mở được cửa, thì tiếng bom nổ cũng dứt. Sáng hôm sau, tôi lượm trước cửa và phía vách phòng độ chừng mấy chục mảnh bom lớn nhỏ. Cám ơn Chúa, nếu lúc bom đang nổ liên tiếp mà tôi chạy ra được như thường lệ, và nếu Chúa không khiến cho chìa khoá bị kẹt, chắc tôi không thể nào tránh khỏi những mảnh bom!

Một lần kia tôi và bạn tôi, Thầy Sơn (sau nầy là Mục sư Nguyễn Thành Sơn) đang đi chứng đạo, vừa đi ngang cổng nha binh Nhật thì nghe tiếng còi báo động. Chúng tôi mau lẹ chạy ra đồng trống phía sau hè khu nhà binh, nằm xuống bên lề đường chịu cho hàng chục chiếc máy bay Đồng minh bắn phá hàng giờ rất khủng khiếp! Song chúng tôi nhờ ơn Chúa gìn giữ nên được bình an vô sự. Cám tạ ơn Chúa!

Một lần khác, tôi định đi thăm một vị Giáo sư ở gần nhà ga lớn. Khi đi ngang qua nhà ga thì nghe tiếng còi báo động. Tôi không muốn xuống hầm núp gần nhà ga, sợ nguy hiểm hơn nên chạy thẳng tới. Lúc chạy được vài trăm thước, tôi thấy mấy chiếc máy bay sà xuống và tiếp theo, bốn tiếng nổ dữ dội! Nhà ga đúc ba từng lầu rất kiên cố chỉ còn là một đóng gạch vụn khổng lồ, các cửa sổ và gạch đá văng gần đến chỗ tôi nằm, nhưng bởi ơn Chúa gìn giữ nên tôi chẳng bị chút thương tích nào. Cảm tạ ơn Chúa.

ƠN CHÚA DỰ BỊ MỘT CHUYẾN XE LỬA VỀ SÀI GÒN

Niên học nầy Trường phải tổ chức lễ Bãi trường trước gần hai tháng, vì lẽ quân đội Nhật đảo chánh nhà cầm quyền Pháp. Nhà trường không thể tìm đâu để có thể mua được gạo, và nhà cầm quyền Nhật cũng không chấp thuận việc phân phối cho nên Trường Kinh Thánh đành bãi trường sớm. Về Sài Gòn bằng cách nào? Đó là câu hỏi đầy lo lắng của ban Giáo sư cũng như các sinh viên. Vì xe lửa đã bị dội bom hư nhiều chiếc, còn lại bao nhiêu không đủ cho nhà binh Nhật sử dụng. Cụ Đốc học Ông Văn Huyên cố gắng xin phép nhà binh Nhật cho đi nhờ mỗi chuyến vài người. Họ đi chuyến thứ nhất hai người, song chỉ đến Nha Trang mà thôi (Nha Trang cách Sài Gòn độ 400 cây số). Cụ Đốc học hỏi ai tình nguyện chịu đi về trước. Tôi và Thầy Sơn giơ tay tình nguyện, biết rằng chuyến đi nầy cũng không kém phần nguy hiểm, vì mấy chuyến xe lửa trước đã bị dội bom!

Giáo sư và các bạn đưa chúng tôi lên xe, lòng đầy e ngại cho cuộc phiêu lưu của chúng tôi. Thật chuyến xe nầy phải ngừng lại mấy lần trước khi tới Nha Trang để cho người chạy xuống rừng trú ẩn. Khi đến Nha Trang, hơi bỡ ngỡ vì chổ lạ, chúng tôi còn ngồi trên xe chưa biết tính sao. Tôi cúi đầu cầu nguyện, xin Chúa chỉ dẫn và giúp đỡ cho cuộc hành trình. Độ 10 phút sau, nhân viên hoả xa đến hỏi: “Hai Thầy có muốn về Sài Gòn không? Vì xe nầy đưa vị Tư lịnh Nhật vô Sài Gòn, hai Thầy được đi khỏi trả tiền”. Nghe vậy lòng chúng tôi khoan khoái, nhẹ nhàng, cảm thấy như Chúa dành chuyến xe lửa đặc biệt nầy để đưa chúng tôi về Sài Gòn chớ chẳng phải đưa vị Tư lịnh Nhật.

ƠN CHÚA DỰ BỊ TIỀN ĐỂ TRẢ HỌC PHÍ CHO TRƯỜNG KINH THÁNH.

Nhớ lại, khoá học năm 1944-45, niên học phí phải trả cho Trường Kinh Thánh là 90 đồng. Đã gần đến ngày nhập trường năm thứ Hai mà tôi chưa lo được đủ học phí. (Vì trong xứ lúc bấy giờ nền kinh tế cực kỳ khủng hoảng! Ngoài miền Bắc nhiều người bị chết đói, còn trong Nam chưa đến nỗi phải chết đói nhưng cũng bị “ngất ngư”. Có người đói rách lang thang, mặc bao bố!)

Lòng tôi hết sức lo lắng và ngày đêm cầu nguyện, xin Chúa lo liệu cho. Thật ơn Chúa rất diệu kỳ! Chính Ngài là Đức Giê-hô-va Di-rê (nghĩa là Chúa Sắm sẵn). Còn vài ngày trước khi tôi từ giã Hội Thánh để lên đường đến Trường Kinh Thánh thì Ông Nguyễn Văn Sâm, người Tín hữu có ơn Chúa trong Hội Thánh mời tôi về nhà rồi vào trong lấy ra một ống tre lớn, lắc qua lắc lại nghe rổn rảng vì có bạc cắc ở bên trong và nói: “Đây là tiền mà cả gia quyến chúng tôi bỏ vào gần một năm rồi, từ lúc Thầy Xuân bắt đầu đi học năm thứ Nhất. Chúng tôi định ý giúp Thầy năm nay để tiếp tục học. Được bao nhiêu sẽ giúp cho Thầy Xuân hết.” Đoạn, Ông ta chẻ ống ra, đếm được gần một trăm rồi trao hết cho tôi. Tôi hết sức cảm ơn người có lòng hảo tâm và cũng cảm tạ ơn Chúa đã khiến người giúp tôi lúc có cần. Nhờ số tiền nầy, tôi có thể đóng trọn học phí cho niên khoá 1944-1945. Nếu trái lại, không có số tiền này, tôi có thể bị dở dang năm học ấy và nếu như vậy, tương lai tôi sẽ không biết phải ra như thể nào? Thật cảm ơn Chúa. Ngài là Đức Giê-hô-va “Di-rê”(Sáng 22:14).

CHƯƠNG BA

ƠN CHÚA DẪN DẮT VÀ GIẢI CỨU KHI LẬP GIA ĐÌNH.

Trước ngày bãi trường, cụ mục sư Ông Văn Huyên là vị đốc học khả kính, giới thiệu cho tôi một nữ sinh viên Trường Kinh Thánh, là cô Phan Thị Hợi, em của Mục sư Phan Văn Hiệu, người có tâm chí hầu việc chúa, quê ở Bến Cát. Sau khi bãi trường trở về, tôi liền đến Bến Cát tìm gia đình cô và xin giao thiệp. Sau đó, chúng tôi cầu nguyện nhờ ơn Chúa sắp đặt để đi đến hôn nhân.



ƠN CHÚA CỨU KHỎI BỊ KẺ CƯỚP DỌC ĐƯỜNG.

Sau ngày lễ Đính hôn, từ Bến Cát trở về Cao Lãnh, tôi muốn đi bằng xe đạp để có dịp ghé thăm những Hội Thánh nằm gần bên quốc lộ. Ra đi chừng hơn vài cây số, ruột xe bị xẹp. Tôi dẫn xe đến chợ nhờ thợ vá lại. Đoạn, tiếp tục đi được vài cây số, ruột xe lại bị xẹp một lần nữa. Tôi mang xe trở lại chợ nhờ thợ vá lại, tôi năn nỉ anh thợ ráng vá dùm cho kĩ vì tôi đi đường xa. Lần này được tốt. Khi đi được độ 10 cây số, tôi thấy đồng bào ngồi hai bên đường khá đông, kẻ khóc người la. Hỏi thăm mới biết ăn cướp đón người tại đây từ sáng lấy hết tiền bạc, vòng vàng của người đi qua lại và chúng vừa mới rút trốn vô rừng. Thật cảm tạ ơn Chúa! Nếu xe đạp của tôi không bị xẹp hai lần thì đã bị lọt ngay vào giờ bọn cướp đang đón đường. Thấy đi xe đạp bất an, nên tôi trở lại gởi xe và đi xe đò về Cao Lãnh.



ƠN CHÚA CHỈ DẪN DỜI LẠI NGÀY ĐÁM CƯỚI SỚM HƠN MỚI ĐƯỢC THÀNH.

Sau lễ đính hôn, tôi hiệp với Ông Bà nhạc gia định ngày lễ Hôn phối nằm ngày 4 tháng chín, năm 1945. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời là Đấng biết trước những hoàn cảnh sẽ xảy ra trong tương lai của chúng tôi có thể khiến cho cuộc đời chúng tôi mờ mịt, cách trở, nên đã khiến cho chúng tôi phải dời đám cưới lại ngày khác. Trước giờ từ giã Ông Bà nhạc gia, Chúa đã hướng dẫn tôi định lại ngày lễ thành hôn, nhằm ngày 28 tháng tám, năm 1945, sớm hơn một tuần. Sự thật thì tôi cũng không biết vì sao lại dời ngày như vậy cho đến cách ngày đám cưới vài ngày thì tôi mới biết có bàn tay từ ái của Chúa chỉ dẫn việc này, đúng theo sự biết trước của Ngài. Như tác giả Châm ngôn đã nói: “Lòng người toan định đường lối mình, song Đức Chúa Trời chỉ dẫn các bước của Người”. (Châm 16:9)

Gần đến ngày cưới, gia quyến tôi đi bằng ghe, còn tôi đi xe đò, định ý thuận đường ghé thăm em tôi là vợ Mục sư Huỳnh Văn Thiện ở Lộc Thuận vài ngày. Kế đó, đến ngày 26/8/45, trước ngày đám cưới hai ngày, tôi từ giã em tôi ra đi. Đoạn đường này phải đi bộ vì lúc bấy giờ không có loại xe nào lưu thông được. Dọc đường không biết là bao nhiêu lần bị Việt Minh xét hỏi giấy tờ, cùng lục soát khắp người. Tuy vậy, tôi cũng đến được bến Bắc Rạch Miễu lúc 2 giờ chiều. Khi tới nơi thì chiếc Phà đã mở dây bắt đầu rời bến, nhưng tôi nhảy xuống vừa kịp lúc. Nếu đến trể chừng 30 giây chắc tôi không dám nhảy xuống và sẽ không bao giờ lên được Sài gòn.

Khi qua sông, tôi đến nhà ga xe lửa Mỹ Tho để mua vé đi Sài Gòn, lúc bấy giờ mới thấy có độ 200 người đang đứng xếp hàng để chờ mua vé, mà nhà binh Nhật cho hay chỉ cho 30 người đi thôi, và chuyến xe này cũng là chuyến xe chót đi Sài Gòn (vì tình hình chiến tranh hết sức căng thẳng tại Sài Gòn giữa Việt Minh và Pháp). Từ đây về sau nhà binh Nhật cũng như Việt Minh đều không cho xe lửa lên Sài Gòn. Hốt hoảng, tôi kêu xin Chúa giúp cách nào để tôi có thể đến kịp ngày đám cưới. Nếu đi chuyến này không được thì không còn cách gì khác, vì xe đò mấy tuần rồi cũng không chạy được. Tôi liền đi từ từ đến những người đứng phía hàng đầu giả vờ hỏi thăm chuyện, rồi chen vô đứng xếp hàng, nhưng bị la ó đuổi ra! Không thất vọng, tôi lui lại vài bước. Kế có lệnh cho vào mua vé và lúc đó cửa sắt cũng vừa mở ra, tôi chen vô được với những người phía trước. Khoảng chừng 30 người vào thì cửa sắt đóng lại, bỏ gần 200 người đứng phía ngoài ngó vào đầy vẻ thất vọng! Cảm tạ ơn Chúa, thế là tôi lên được Sài Gòn dưới sự dẫn dắt của Chúa qua mỗi đoạn đường, đúng từng giây, từng phút mà tôi không ngờ trước được.

Nghỉ đêm tại Sài Gòn, sáng ngày hôm sau tôi lên Bến Cát, và ngày kế đó là ngày Chúa Nhật, 28/8/1945, đúng như chương trình đã dự định để chịu lễ Hôn phối. Buổi lễ có cụ Chủ nhiệm Mục sư Trần Xuân Hỷ hành lễ và cụ Mục sư Nguyễn Văn Trình giảng dạy. Sau đám cưới gia quyến tôi trở về Cao Lãnh, còn tôi dự định ở lại thăm bà con vài ngày rồi sẽ về sau.

Cám ơn Chúa, đúng như sự biết trước của Ngài, sau đám cưới vài ngày là chiến tranh bùng nổ dữ dội tại Sài Gòn! Từ đấy xe cộ cũng như mọi người khó lưu thông được từ địa phương này qua địa phương khác, và chiến tranh cứ tiếp diễn, đa số người phải di cư vô hậu phương càng ngày càng xa… Cám ơn Chúa, trước bối cảnh đã xảy ra, nếu đám cưới không tổ chức sớm hơn một tuần và tôi chỉ trễ một chuyến phà, một chuyến xe lửa, chắc cuộc đời chúng tôi không biết bị trôi lạc vào phương trời nào, hoặc sống chết ra sao, một tương lai vô định, và vợ chồng không hẹn ngày hội ngộ. Cám tạ ơn Chúa chúng tôi biết mình là những tôi tớ hèn mọn của Đức Chúa Trời, chúng tôi làm gì cũng cầu xin nhờ ơn Chúa sắp đặt và chỉ dẫn nên mới được phước và may mắn. Như sách Châm ngôn dạy: “Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ dẫn các nẻo của con” (Châm ngôn 3:6)



CHÚA CỨU KHỎI BỊ BẮT NHỜ VÀNH XE BỊ VẸO.

Lúc bấy giờ tuy có chiến tranh tại Sài Gòn, nhưng ở Bến Cát vẫn còn bình yên, dưới sự kiểm soát của quân đội Nhật. Buổi sáng kia, tôi và các bạn đi làm việc bằng xe đạp (tôi mới bị ép lãnh phận sự làm thư ký phụ cho Đoàn Vệ Quốc Quân gồm 117 người, tác chiến bằng tầm vông vạc nhọn, dưới quyền điều khiển của anh rễ tôi là Trịnh Phát Phước). Khi đang đi gần tới doanh trại binh Nhật còn cách chừng 200 thước, bỗng gặp một người quen kêu thình lình, tôi liền nhảy xuống xe thì vành xe đạp bị vẹo (trước đó một tháng, vành xe đạp của tôi bị xe bò cán vẹo, tôi sửa lại để đi tạm và hôm nay do chỗ hư cũ đó nên vành xe bị vẹo trở lại).

Sau đó tôi dẫn xe trở về nhà. Một lúc sau, nghe tin các người cùng đi làm việc với tôi khi sáng, lúc ngang qua trước cửa nhà binh Nhật thì bị bắt tra khảo và chở xuống Sài Gòn giao cho quân đội Pháp giam cầm. Ít lâu sau, nghe tin những người ấy dường như bị chết hết vì chỗ giam quá chật hẹp!

Cảm tạ ơn Chúa, Ngài đã sắp đặt sự cứu giúp từ trước, khiến cho vành xe đạp của tôi bị vẹo. Và hơn thế nữa, Chúa dẫn một người đến đón tôi đúng chỗ, kịp thời cứu tôi thoát nạn. Thật Chúa đã bao bọc yêu thương và gìn giữ chúng tôi “Khác nào như Cha thuong xót con cái mình”. Dầu mẹ có lúc quên con mình cho bú, nhưng Chúa không bao giờ quên con cái Ngài (Thi Thiên 103:13. Ê sai 49:15)



CHÚA KHIẾN TÔI CÓ MẤY MỤT GHẺ NÊN KHỎI BỊ NHẬT BẮT

Nhớ lại sau đó mấy ngày, trong một cuộc lùng kiếm Việt minh (lúc bấy giờ Nhật nghe theo lời Pháp và Anh nên kiếm bắt Việt minh) những lính Nhật đến vây nhà chúng tôi vào lúc 12 giờ khuya, kêu mọi người thức dậy. Nhận thấy sự nguy khốn xảy đến, chúng tôi cúi đầu cầu nguyện, xin Chúa giải cứu. Tôi đốt đèn và mở cửa. Người lính Nhật kêu tôi đi ra. Tôi giả đau và đưa hai bàn tay có mấy mụt ghẻ thoa thuốc đỏ đen cho xem, rên rỉ nói: “Tôi đang đau và tôi không phải là Việt minh. Việt minh thì mặc đồ đen, ở rừng, còn tôi mặc đồ trắng, ở nhà ngủ, đâu có phải là Việt minh? Người Nhật nhìn tôi một chút như hiểu được lời tôi nói có lý và thấy tôi có vẻ đau đón, động lòng nên bỏ mà ra đi. Thật cảm tạ ơn Chúa, quyền năng Chúa thật lớn lao, không việc chi mà Ngài chẳng làm được. Song muốn cứu con cái của Ngài thì Ngài cũng áp dụng theo tánh lý nhơn đạo của người để cứu người. Ấy là mấy mụt ghẻ vừa mọc lên vài ngày trước trên tay, có bôi thuốc đen đỏ, khiến cho nguời Nhật động lòng thương xót, không muốn bắt.



KHỎI BỊ BẮT NHỜ CHÚA LÀM CHO TÊN LÍNH NHẬT THƯƠNG HOẶC SỢ!...

Tuần lễ sau, những người lính Nhật đi ruồng bố ghé vào nhà tôi thình lình lúc 7 giờ tối, không trốn kịp như những lần khác. Một tên lính Nhật chĩa mũi súng vào cửa sổ kêu tôi đi ra. Tôi còn đang đứng đó nói rằng: “Tôi không phải là Việt minh! Đoạn, người Nhật bước vô chĩa súng vào bụng và dẫn tôi ra phía sau chỉ sợi dây cột võng, bảo tôi mở ra, có ý dung dây đó để trói tôi lại. Tôi cố ý mở dây cách chậm chạp, miệng cầu xin Chúa giải cứu: “Chúa ôi! Ngài là Đấng quyền phép lớn lao, xin thi hành phép lạ cứu con trong giờ này.”

Đồng thời, vợ tôi cũng vào phòng cầu nguyện, xin cánh tay đầy quyền năng của Chúa can thiệp. Sự mở dây cũng hơi chậm. Các lính Nhật sang nhà khác bắt anh vợ tôi và vài người nữa dẫn đi càng lúc càng xa. Bấy giờ chỉ còn lại một tên lính Nhật đang chĩa súng vào lưng tôi để chờ mở dây. Nó nghe tiếng đồng bọn kêu ở xa xa. Phần thì lúc ấy trời cũng đã tối, tên lính Nhật ngó tới, ngó lui (có lẽ hắn suy nghĩ, chỉ có một mình khó trói được tôi, vã lại thấy tôi cũng là một thanh niên, biết đâu tôi có võ nghệ). Thình lình hắn lui ra chừng 4 thước, mũi súng cũng còn chĩa ngay về phái tôi. Đoạn, mau lẹ xây lưng lại bỏ tôi mà đi theo đồng bọn.

Thật cảm tạ ơn thương xót lớn lao của Chúa. Ngài có nhậm lời cầu nguyện nên trong khi sự bị bắt kể như cầm chắc, thì quyền phép Chúa can thiệp và giải cứu tôi thoát nạn cách lạ lùng! Như Đa vít đã nói: “Chúa binh vực tôi; loài người làm chi tôi được. Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào, vì Chúa ở cùng tôi. Đương khi đi qua trũng khóc lóc, họ làm cho trũng ấy trở nên nơi có mạch. Họ đi tới sức lực lần lần thêm.” Thi Thiên 23:4, 84:6



KHỎI BỊ BẮT NHỜ CHÚA LÀM CHO NHỮNG TÊN LÍNH NHẬT KHÔNG THẤY.

Một lần khác, cũng có một đám quân Nhật đến vây xóm. Nghe tin, chúng tôi gom góp đồ tế nhuyễn vào một gói lớn, định ôm chạy ra rừng trốn, nhưng vừa chạy ra tới bờ chuối, cách nhà độ 12 thước, thì có chừng 20 tên lính Nhật ào vô tới nhà. Chúng tôi hốt hoảng ngồi xuống, ngó tới ngó lui chung quanh quá trống trải, biết kỳ này khó bề trốn thoát như những lần trước. Chúng tôi cúi đầu cầu nguyện, xin một phép lạ của Chúa làm cách nào cho người Nhật mù lòa, để chúng đừng thấy như ngày xưa Chúa đã làm cho đạo quân Syri bị mù lòa giữa ban ngày. Độ 10 phút sau, những tên lính Nhật đi ra khỏi nhà, ngay phía chúng tôi đang ngồi trốn. Thấy vậy, chúng tôi dường như không dám thở ! Nhưng cảm tạ ơn Chúa. Họ quẹo ra phía trước, chỉ cách chúng tôi chừng 7 thước rổi đi luôn.

Khi họ đi xa xa. Tôi nói hơi lớn tiếng: “Chúng nó đi xa rồi, mình vô.” Đoạn, chúng tôi ôm gói đồ lớn đứng dậy. Vừa đứng lên, thì thấy 2 tên lính Nhật còn sót lại trong nhà bước ra ngay phía sau chổ chúng tôi đang đứng (có lẽ chúng ra trể vì muốn lục kiếm đồ đạc để lấy). Như mất hồn, Chúng tôi cứ đứng sững ở đó! Nhắm mắt thầm nguyện, xin Chúa giải thoát. Hai tên lính Nhật vừa đi vừa nói chuyện, gần sát bên chúng tôi đang đứng, rồi quẹo ra lộ đi luôn!

Chúng tôi thật lớn tiếng cảm tạ ơn Chúa có nhậm lời cầu nguyện, nên Ngài có thi hành sự giải cứu thật lạ lùng, khiến cho những người lính Nhật giữa ban ngày không ngó thấy, hoặc là Chúa bắt buộc chúng nó ngó về phía khác để bảo vệ chúng tôi được an toàn. Như tác giả Thi Thiên đã từng trãi nói: “Trong cơn gian truân, hãy kêu cầu cùng Chúa, Ngài bèn giải cứu khỏi đều gian nan. Đấng gìn giữ không hề buồn ngủ. Chúa phán: Ta sẽ nhậm lời họ trước khi kêu cầu ta, họ còn nói ta đã nghe rồi” (Thi Thiên 107:6, Êsai 65:24)



CHƯƠNG BỐN

CHÚA DẪN TÔI RA KHỎI BẾN CÁT ĐẦY BIẾN LOẠN

Chiến tranh phát khởi tại Sài Gòn rồi dần dần cũng tràn đến Bến Cát. Đa số đồng bào tản cư đi nơi khác. Chúng tôi cầu xin Chúa chỉ dẫn, vì cảm thấy tản cư rất là nguy hiểm, có nhiều nổi khổ sở và chết chóc; còn ở lại nhà thì bị nhà Binh Nhật - Pháp có thể đến bắt bất cứ lúc nào vì không thể nào trốn tránh mãi được. Hơn nữa, chúng tôi cũng lo sợ Việt minh nghi ngờ vì tôi không chịu rút theo Đoàn Vệ Quốc quân và vợ tôi cũng không chịu nhận chức chủ tịch phụ nữ mà họ đã hết sức nài ép. Sau ít ngày cầu nguyện, chúng tôi cảm thấy lòng bình an nên quyết định nhờ cậy Chúa, dầu sống thác như thế nào cũng ở lại nhà chứ không tản cư. Nhưng dưới lệnh của Việt minh, cả mọi người trong làng đều tuân hành di tản. Gia đình chúng tôi là gia đình duy nhất trong làng không chịu tản cư.

Khi quân đội Pháp đến Bến Cát và đoàn xe tăng chạy ngang qua trước cửa nhà, chúng tôi ra trước cửa để xem đoàn xe chớ chẳng sợ chi, còn về phần đồng bào, sau vài tháng tản cư thì lần lượt trở về làng thuật lại không biết bao nhiêu cảnh đau khổ và chết chóc, không bút mực nào mô tả cho hết. Có người bị chết, còn người sống sót lại mang nhiều chứng bệnh vào thân. Họ nói: “Thầy Cô Xuân và Ông Bà cụ có phước quá!”

Nghe vậy, chúng tôi thêm lòng cảm tạ ơn Chúa, là Đấng có soi sáng giúp chúng tôi có quyết định đúng trước những sự kiện quan trọng mà chúng tôi không biết tương lai sẽ ra như thế nào. Chúng tôi chỉ biết phó thác mọi việc cho Chúa mà thôi. Như tác giả Châm ngôn đã dạy: “Hãy hết lòng tin cậy Giê-Hô-Va Đức Chúa Trời, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con. Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con. Vì hễ ai tìm được Chúa thì được sống, và sẽ được ơn trước mặt Đức Giê-Hô-Va.” (Châm ngôn 3:5, 8:35)




tải về 1.82 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương