Độc lập Tự do Hạnh phúc



tải về 238.12 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích238.12 Kb.
#850
1   2   3

8. Nghị định số 211/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

a) Hiệu lực thi hành: 10/02/2014.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định pháp luật khác liên quan.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 điều, quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 về các nội dung:

Nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật (Điều 6); hình thức xử lý kỷ luật (Điều 7); xử lý kỷ luật đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 12); trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật (Điều 13); thẩm quyền quyết định kỷ luật (Điều 14); Hội đồng kỷ luật (Điều 15); các quy định khác liên quan đến quy trình xem xét xử lý kỷ luật (Điều 17).

Nghị định quy định: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận, báo cáo chính thức của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 4 Điều 55 Luật Phòng, chống tham nhũng về vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc từ ngày bản án về tham nhũng có hiệu lực pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới để xảy ra tham nhũng.

9. Nghị định số 212/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

a) Hiệu lực thi hành: 01/02/2014.

Bãi bỏ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ban hành theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác trước đây trái với Nghị định này.



b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để tạo cơ sở pháp lý cao hơn, đầy đủ hơn cho tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Việt Nam (gọi tắt là TKV); sửa đổi, bổ sung các quy định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với TKV và vốn Nhà nước đầu tư vào TKV phù hợp với các quy định liên quan của Chính phủ mới được ban hành; nâng cao quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của TKV trong việc quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, đầu tư, quản lý tài sản, tài chính; tăng cường việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với TKV.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 điều, quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của TKV về: Hình thức pháp lý, tư cách pháp nhân, chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu và ngành nghề kinh doanh, vốn điều lệ, chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật của TKV; quyền và nghĩa vụ của TKV; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước và phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với TKV; tổ chức quản lý, điều hành TKV; quan hệ của TKV với đơn vị trực thuộc, công ty con do TKV nắm 100% vốn điều lệ, các công ty con có cổ phần, vốn góp chi phối của TKV, công ty liên kết; cơ chế tài chính của TKV; tổ chức lại, đa dạng hóa sở hữu, giải thể, phá sản TKV.

TKV là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, hoạt động theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ này.

Điều lệ này là cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của TKV. Tất cả các cá nhân, các đơn vị trực thuộc, các công ty con và các đơn vị sự nghiệp của TKV có trách nhiệm thi hành Điều lệ này. Các đơn vị trực thuộc và các công ty con của TKV căn cứ vào các quy định của pháp luật tương ứng với hình thức pháp lý của mình và Điều lệ này để xây dựng Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của mình trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Điều lệ hoặc Quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị trực thuộc và các công ty con không được trái với Điều lệ này. Trong trường hợp các quy định của pháp luật hiện hành thay đổi dẫn đến mâu thuẫn với những quy định tại Điều lệ này thì phải thực hiện theo quy định hiện hành.

10. Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Khoa học và công nghệ.

a) Hiệu lực thi hành: 10/02/2014.

Nghị định này thay thế Nghị định số 87/2006/NĐ-CP ngày 28/8/2006 về tổ chức và hoạt động của thanh tra khoa học và công nghệ.



b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Khoa học và công nghệ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ và quy định của Luật Thanh tra, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và của các Sở Khoa học và công nghệ.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 6 chương, 27 điều, quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Khoa học và công nghệ; thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Khoa học và công nghệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Khoa học và công nghệ.

Đối tượng thanh tra là: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và công nghệ; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có nghĩa vụ chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và công nghệ.

Nghị định quy định cụ thể về hình thức thanh tra; hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành Khoa học và công nghệ; thanh tra lại khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra, ra kết luận thanh tra.

11. Nghị định số 214/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

a) Hiệu lực thi hành: 10/02/2014.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để điều chỉnh giảm tỷ lệ đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới hàng năm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm giảm bớt trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 điều, quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trích 1% doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới hàng năm để đóng vào Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.



12. Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2014.

Nghị định này thay thế Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.



b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để kiện toàn tổ chức bộ máy, điều chỉnh những nhiệm vụ mới thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính theo quy định của các luật chuyên ngành và đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định của Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 6 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Tài chính (bao gồm: ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, tài sản nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Bộ có 29 đơn vị trực thuộc, trong đó có 25 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 04 đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc Bộ.

13. Nghị định số 216/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và Đầu tư.

a) Hiệu lực thi hành: 01/3/2014.

Nghị định này thay thế Nghị định số 148/2005/NĐ-CP ngày 30/11/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Kế hoạch và đầu tư.



b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Kế hoạch và đầu tư phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và đầu tư hiện nay, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và đầu tư và của các Sở Kế hoạch và đầu tư; đảm bảo phù hợp với Luật Thanh tra (năm 2010); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (năm 2009); Luật Hợp tác xã (năm 2012)…

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 6 chương, 35 điều, quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Kế hoạch và đầu tư; thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra ngành Kế hoạch và đầu tư; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh tra ngành Kế hoạch và đầu tư.

Đối tượng thanh tra là: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Sở Kế hoạch và đầu tư; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và đầu tư, của Sở Kế hoạch và đầu tư theo ủy quyền hoặc phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nghị định quy định cụ thể về hình thức thanh tra; hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành Kế hoạch và đầu tư; thanh tra lại khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra, ra kết luận thanh tra.



14. Nghị định số 217/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

a) Hiệu lực thi hành: 14/02/2014.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; kiện toàn cơ cấu tổ chức của Viện phù hợp với đặc thù của cơ quan nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 2 điều, quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26/12/2012 về các nội dung: Cơ cấu tổ chức và Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 41 đơn vị trực thuộc, gồm 5 đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 32 đơn vị nghiên cứu khoa học và 4 đơn vị sự nghiệp khác. Căn cứ nhu cầu phát triển, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam quyết định thành lập, đổi tên, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể các tổ chức, đơn vị khác trực thuộc Viện theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam gồm Chủ tịch và không quá 04 Phó Chủ tịch.



15. Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2014.

Bãi bỏ Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008; Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Điều 2, Điều 3 Nghị định số 92/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.



b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (năm 2013) và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020; điều chỉnh giảm mức động viên thuế tạo điều kiện tăng tích luỹ, tích tụ cho doanh nghiệp; bảo đảm chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và công tác quản lý thuế, tạo điều kiện cho việc hiện đại hoá quản lý thuế.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 5 chương, 21 điều (kèm theo Phụ lục về Danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp về: Người nộp thuế; thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế; xác định thu nhập tính thuế, xác định lỗ và chuyển lỗ; doanh thu; các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; thuế suất; phương pháp tính thuế; ưu đãi thuế và điều kiện áp dụng ưu đãi thuế.

Theo Nghị định, những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 22% sẽ chính thức được áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 01/01/2016. Đồng thời, từ ngày 01/01/2016, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô giảm xuống còn 17%. Riêng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng (bao gồm cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ), mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng là 20%.



16. Nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2014.

Bãi bỏ Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay, trả nợ nước ngoài và Mục 4 Chương III Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối.



b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành về quản lý vay, trả nợ nước ngoài, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ về quản lý vay trả nợ nước ngoài phù hợp với các định hướng, nguyên tắc quản lý được quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối (năm 2005) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối (2013), đảm bảo giám sát nợ trong giới hạn an toàn, bền vững, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển kinh tế và đảm bảo cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 3 chương, 19 điều quy định về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Nghị định được áp dụng đối với : (1) Các cơ quan quản lý nhà nước tham gia quản lý hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định này; (2) Bên đi vay thực hiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh; (3) Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Nghị định quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý; nội dung quản lý nhà nước về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả; dự báo mức vay nước ngoài tự vay, tự trả ròng hàng năm; theo dõi thực hiện hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả; quyền, trách nhiệm của bên đi vay; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Theo Nghị định, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc ký và thực hiện hợp đồng vay nước ngoài tự vay, tự trả, Chính phủ không chịu trách nhiệm đối với hoạt động này của các doanh nghiệp. Trường hợp cần thiết, để đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và duy trì các chỉ tiêu an toàn nợ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp phù hợp để quản lý vay, trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả. Chính phủ quản lý vay nước ngoài tự vay, tự trả trong khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm an toàn nợ trong giới hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và cân đối vĩ mô của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và các cơ quan khác có liên quan dự báo mức vay nước ngoài tự vay tự trả ròng; tổng hợp gửi Bộ Tài chính để xây dựng hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của quốc gia.

17. Nghị định số 220/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.

a) Hiệu lực thi hành: 19/02/2014.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để quy định việc thực hiện tố cáo và giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo trong Quân đội nhân dân đảm bảo phù hợp với đặc trưng cơ cấu tổ chức và đặc điểm công tác của Quân đội nhân dân.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 6 chương, 22 điều quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.

Nghị định được áp dụng đối với: (1) Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền tố cáo; (2) Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quốc phòng; (3) Người giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân; (4) Người tố cáo và người thân thích của người tố cáo liên quan đến tố cáo trong Quân đội nhân dân được bảo vệ; (5) Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo trong Quân đội nhân dân.



18. Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

a) Hiệu lực thi hành: 15/02/2014.

Bãi bỏ Nghị định số 43/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ quy định việc đưa người nghiện ma túy, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.

Bãi bỏ các Điều 2, 3, 4, 5, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38 và Chương IV Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng biện pháp đối với người chưa thành niên người tự nguyện và cơ sở chữa bệnh.

Bãi bỏ Khoản 2, Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 61/2011/NĐ-CP ngày 26/7/2011của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng biện pháp đối với người chưa thành niên người tự nguyện.



b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 6 chương, 43 điều quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị, thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tổ chức hoạt động của cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm: (1) Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện; (2) Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép lần cuối bị phát hiện và lập biên bản.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cấp huyện, cơ quan Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đưa người đi thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.Việc đưa người chấp hành quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải được lập thành biên bản, có sự chứng kiến của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản hoặc tương đương nơi người phải chấp hành quyết định cư trú.

Nghị định quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm trong việc lập hồ sơ đề nghị và thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; việc giao cho tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; các chế độ về cai nghiện, chăm sóc sức khỏe, ăn, mặc, sinh hoạt, học văn hóa, học nghề, lao động, thăm, gặp thân nhân, giải quyết chế độ chịu tang, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

19. Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về thanh toán bằng tiền mặt.

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/3/2014.

Nghị định này thay thế cho Nghị định 161/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định về thanh toán bằng tiền mặt.



b. Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của cơ sở pháp lý dưới luật về thanh toán phù hợp với Luật Ngân hàng Nhà nước (năm 2010), Luật các Tổ chức tín dụng (năm 2010; cụ thể hóa các giải pháp, chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc giảm thanh toán bằng tiền mặt, nhằm tiết kiệm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt, giảm thiểu rủi ro do thanh toán bằng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong nền kinh tế.


tải về 238.12 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương