Độc lập Tự do Hạnh phúc Số: /TTr-btp hà Nội, ngày tháng năm 2015 Dự thảo



tải về 89.22 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích89.22 Kb.
#23068

BỘ TƯ PHÁP




CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: /TTr-BTP

Hà Nội, ngày tháng năm 2015



Dự thảo

TỜ TRÌNH

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện Chương trình công tác năm 2015 của Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, Bộ Tư pháp xin báo cáo Chính phủ về những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định như sau:



I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/2011/NĐ-CP), Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2011. Sau hơn 03 năm thực hiện Nghị định, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của các tổ chức pháp chế và đội ngũ người làm công tác pháp chế, công tác pháp chế đã đạt được một số kết quả quan trọng trong phạm vi cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật được nâng cao một bước; tổ chức pháp chế tường bước được thành lập, củng cố, kiện toàn tại các Bộ, ngành, địa phương và các tại các doanh nghiệp Nhà nước; nguồn nhân lực làm công tác pháp chế từng bước được phát triển với chất lượng ngày càng được nâng cao; cơ chế phối hợp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các mặt công tác pháp chế giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức từng bước được xác lập…..

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP còn có một số vấn đề khó khăn, bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác pháp chế trong thời gian vừa qua, trong đó, nổi lên một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, về tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế và người đứng đầu tổ chức pháp chế: theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, thì người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên; người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất 05 năm trực tiếp làm công tác pháp luật (điểm a và điểm b khoản 1 Điều 12).

Thực tế cho thấy, tiêu chuẩn nêu trên là khó thực hiện và không phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay, nhất là ở các địa phương. Theo kết quả thống kê, hiện nay cả nước còn 1840/6272 người làm công tác pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, doanh nghiệp nhà nước chưa có trình độ cử nhân Luật (trong đó ở địa phương là 1136 người). Tại một số Bộ, ngành và một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, những cơ quan có tính chất chuyên ngành như y tế, tài chính, công thương, giao thông vận tải…, thì việc sử dụng người làm công tác pháp chế có trình độ cử nhân luật thuần túy có nhiều bất cập và không hoàn toàn phù hợp với yêu cầu công việc trong từng lĩnh vực cụ thể. Tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước, việc tuyển dụng người đứng đầu tổ chức pháp chế gặp nhiều vướng mắc vì không đáp ứng được tiêu chuẩn nêu trên.



Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập: trong những năm qua, tổ chức pháp chế tại một số đơn vị sự nghiệp công lập được hình thành và phát triển như: cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục quốc phòng, cơ sở đào tạo nghề, viện nghiên cứu, bệnh viện. Đồng thời, các đơn vị này cũng đã bố trí một số lượng tương đối lớn đội ngũ người làm công tác pháp chế (tính đến tháng 10 năm 2014, có 381/424 trường đại học, cao đẳng có cán bộ làm công tác pháp chế và có một số trường đã thành lập phòng pháp chế riêng như Đại học Huế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; 14 viện nghiên cứu và 17 Bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã bố trí 74 cán bộ làm pháp chế). Tuy nhiên, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập mang tính nguyên tắc, chưa quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức này. Vì vậy, việc triển khai nhiệm vụ pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay còn có nhiều lúng túng và khó khăn nhất định.

Thứ ba, về nhiệm vụ của tổ chức pháp chế: từ khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được ban hành cho đến nay, hệ thống pháp luật nước ta có nhiều thay đổi, nhiều Luật, Pháp lệnh, Nghị định mới được ban hành có giao một số nhiệm vụ mới cho tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, địa phương. Ví dụ: nhiệm vụ hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính được quy định tại Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 04/5/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, v.v….. Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ của các tổ chức pháp chế như phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, pháp điển hệ thống văn bản QPPL, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL v..v…đã được quy định trong Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhưng các văn bản quy phạm pháp luật này mới được ban hành và được sửa đổi, bổ sung trong thời gian gần đây.

Để đảm bảo tính thống nhất, đầy đủ của các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức pháp chế, đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức pháp chế trong quá trình triển khai thực hiện, các nhiệm vụ mới cần được cập nhật, bổ sung cho đầy đủ, phù hợp trong Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.



Thứ , về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong công tác pháp chế: Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã quy định trách nhiệm UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện công tác pháp chế ở địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng, củng cố và kiện toàn tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế trong thời gian vừa qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ nhận thức của lãnh đạo của một số địa phương về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác pháp chế trong việc quản lý nhà nước ở địa phương còn chưa cao; công tác này chưa được chú trọng, thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt từ phía người đứng đầu.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác pháp chế ở các địa phương, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cần bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc sắp xếp, bố trí biên chế công chức pháp chế cho phù hợp với chức năng và đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Từ những lý do nêu trên cho thấy, việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP là cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 55/2011/NĐ-CP

1. Quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP

- Tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về yêu cầu ngày càng cao đối với công tác pháp chế, đảm bảo hoạt động của các tổ chức pháp chế từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần và nội dung các văn kiện được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

- Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác pháp chế.

- Căn cứ vào kết quả sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

- Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế triển khai công tác pháp chế.

2. Phạm vi sửa đổi, bổ sung

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 55/2011/NĐ-CP có phạm vi sửa đổi, bổ sung như sau:

(1) Sửa đổi tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và người đứng đầu tổ chức pháp chế;

(2) Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập;

(3) Sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế gồm: bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định mới ban hành (hợp nhất VBQPPL, kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính); sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định trong Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhưng sau đó có sự sửa đổi, bổ sung (phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật);

(4) Bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc bố trí biên chế cho công tác pháp chế;

(5) Sửa đổi, bổ sung một số các điều, khoản cụ thể có liên quan.

III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH

Xuất phát từ tầm quan trọng của văn bản, ngay sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương triển khai các hoạt động cần thiết cho công tác xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05/3/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và các biện pháp thi hành Luật. Cụ thể như sau:

1. Ban hành Quyết định số 86/QĐ-BTP ngày 19/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, với sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành, địa phương, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có liên quan theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

2. Rà soát các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế;

3. Tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP;

5. Tổ chức các hội thảo khoa học với sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ tổ chức pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; các nhà khoa học, cán bộ làm công tác thực tiễn để trao đổi về các định hướng, nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định;

6. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động về kinh tế - xã hội của dự thảo Nghị định;

7. Đăng tải dự thảo Nghị định trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến;

8. Tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương;

9. Nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Sở Tư pháp và các doanh nghiệp nhà nước;

10. Tổ chức Hội đồng thẩm định và tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị định, dự thảo Tờ trình và tài liệu khác có liên quan để trình Chính phủ.

IV. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH

1. Về bố cục của dự thảo Nghị định

Dự thảo gồm có 03 Điều. Cụ thể như sau:

- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP;

- Điều 2. Điều khoản thay thế cụm từ.

- Điều 3. Điều khoản thi hành.

2. Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định

(1) Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh:

- Phương án 1: Bổ sung tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập vào Điều 1, cụ thể như sau: Nghị định này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và quản lý nhà nước về công tác pháp chế.

- Phương án 2: Giữ nguyên như quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

(2) Về vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế:

- Phương án 1: Bổ sung khoản 1a Điều 2 về đơn vị sự nghiệp công lập như sau: Tổ chức pháp chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

- Phương án 2: Giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

(3) Sửa đổi, bổ sung Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về các nhiệm vụ của các tổ chức pháp chế. Cụ thể là:

- Bổ sung khoản 1a Điều 3 về công tác kiểm soát thủ tục hành chính của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ: căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về công tác kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó có giao nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính cho tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ.



- Sửa đổi, bổ sung tiêu đề của khoản 2 Điều 3: để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ trong công tác pháp điển QPPL theo quy định của Pháp lệnh pháp điển QPPL, dự thảo đã thể hiện theo hướng tách hoạt động pháp điển thành công tác riêng và thiết kế thành một khoản riêng (khoản 2b Điều 3 với nội dung đầy đủ hơn).

- Bổ sung khoản 2a Điều 3 về công tác hợp nhất VBQPPL của tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ: căn cứ Pháp lệnh Hợp nhất VBQPPL, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 28/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Pháp lệnh hợp nhất VBQPPL và Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, khoản 2a Điều 3 dự thảo Nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ cụ thể hơn.

- Bỏ điểm đ khoản 2 Điều 3 về công tác pháp điển QPPL của tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ: để việc quy định các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế được cụ thể, rõ ràng, dự thảo Nghị định đang thể hiện theo hướng bỏ điểm đ khoản 2 Điều 3 để thiết kế thành một khoản riêng về công tác pháp điển QPPL đối với nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ (được thể hiện tại điểm 2b dự thảo Nghị định).

- Bổ sung khoản 2b Điều 3 về công tác pháp điển hệ thống QPPL của tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ: căn cứ Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL, Chỉ thị số 26/CT-TTg quy định nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong công tác pháp điển QPPL.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 3 về công tác kiểm tra và xử lý VBQPPL; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật; bồi thường của Nhà nước; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ.

- Bổ sung khoản 5a Điều 3 về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ: căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ có một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 3 về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường nhà nước.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 3 về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Sửa đổi, khoản 3 Điều 4 về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở cơ quan thuộc Chính phủ về nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL…

- Bổ sung khoản 1a Điều 5 về công tác kiểm soát thủ tục hành chính của tổ chức pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ: căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP, dự thảo Nghị định bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo quy định của pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu.

- Sửa đổi tiêu đề khoản 2 Điều 5 về công tác rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL và pháp điển hệ thống QPPL của tổ chức pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ: dự thảo bổ sung nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ trong công tác hợp nhất VBQPPL.

- Bổ sung điểm c khoản 2 Điều 5 về công tác hợp nhất VBQPPL của tổ chức pháp chế các Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cụ thể là: giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng phối hợp với tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện việc hợp nhất VBQPPL liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu.

- Bổ sung điểm c, điểm d, điểm đ khoản 4 Điều 5 về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; của tổ chức pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ: xây dựng, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Tổng cục, Cục; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị của Tổng cục, Cục trong việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Bổ sung điểm d, đ, e khoản 5 Điều 5 về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật của tổ chức pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; thực hiện hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu của Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định của pháp luật.

- Bổ sung khoản 5a Điều 5 về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của tổ chức pháp chế Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ…

- Sửa đổi, bổ sung khoản 6, khoản 7 Điều 5 về công tác bồi thường của Nhà nước và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của tổ chức pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

- Bổ sung khoản 1a Điều 6 về công tác kiểm soát thủ tục hành chính của tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

- Sửa đổi, bổ sung các khoản: 2, 3, 4, 6, 7 Điều 6 về công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; công tác kiểm tra và xử lý VBQPPL; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác bồi thường của Nhà nước; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

- Bổ sung khoản 5a Điều 6 về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

(4) Về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập:

- Phương án 1: Bổ sung Điều 6a quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, quy định cụ thể về các nhiệm vụ như tham gia xây dựng nội quy, quy chế; soạn thảo mẫu hợp đồng, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra các văn bản trong nội bộ đơn vị; tham gia tố tụng ...

- Phương án 2: Không bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập.

(5) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 8 như sau:

“Bộ, cơ quan ngang Bộ có Vụ, Cục Pháp chế hoặc tương đương.

Vụ, Cục Pháp chế hoặc tương đương ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ chịu sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Bộ Tư pháp.

(6) Về tổ chức của tổ chức pháp chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập:

- Phương án 1: Bổ sung Điều 9a như sau:

“Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí người làm công tác pháp chế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

Tổ chức pháp chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương chịu sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Tổ chức pháp chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương chịu sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của tổ chức pháp chế của cơ quan chủ quản cấp trên.”



- Phương án 2: không quy định về tổ chức của tổ chức pháp chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập.

(7) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 quy định về tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế và người đứng đầu tổ chức pháp chế:

- Về tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế (điểm a khoản 1 Điều 12): Dự thảo đưa ra 02 phương án như sau:



Phương án 1: Tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế được sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn. Theo đó, đối với những người đang làm công tác pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải là công chức từ ngạch chuyên viên và tương đương, có trình độ cử nhân luật trở lên; người đang làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có trình độ cử nhân luật trở lên, trường hợp chưa có trình độ cử nhân luật thì phải có trình độ cử nhân chuyên ngành và có thời gian ít nhất ba năm làm công tác pháp luật.

Đối với viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập (theo khoản 3 Điều 11 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP) phải đáp ứng tiêu chuẩn sau: là viên chức có chức danh nghề nghiệp, có trình độ cử nhân luật trở lên, trường hợp chưa có trình độ cử nhân luật thì phải có trình độ cử nhân chuyên ngành và có thời gian ít nhất ba năm làm công tác pháp luật.



Phương án 2: Giữ nguyên tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

- Về tiêu chuẩn của người đứng đầu tổ chức pháp chế (điểm b khoản 1 Điều 12): Điều chỉnh số năm làm công tác pháp luật của người đứng đầu tổ chức pháp chế cho phù hợp với điều kiện thực tế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Theo đó, người đứng đầu tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất năm năm làm công tác pháp luật; người đứng đầu tổ chức pháp chế ở các cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất ba năm làm công tác pháp luật.

(8) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 quy định về trách nhiệm của UBND tỉnh đối với công tác pháp chế ở địa phương: Dự thảo được sửa đổi, bổ sung theo hướng, quy định cụ thể trách nhiệm UBND cấp tỉnh trong việc rà soát, bố trí biên chế công chức, viên chức thực hiện công tác pháp chế trong tổng số biên chế công chức, viên chức của UBND cấp tỉnh, phù hợp với chức năng và bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

(9) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 17:

- Phương án 1: Khoản 2 Điều 17 được sửa đổi theo phương án 2 của khoản 1 Điều 12, theo hướng, đối với những người hiện đang làm công tác pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ mà chưa có trình độ cử nhân luật thì phải tham gia chương trình đào tạo về pháp luật và bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác pháp chế do Bộ Tư pháp tổ chức. Đồng thời, sửa đổi quy định về thời hạn hoàn thành tiêu chuẩn cử nhân luật, theo đó, sau năm năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật.



- Phương án 2: Giữ nguyên như quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

(10) Về điều khoản thay thế, quy định như sau: thay thế cụm từ “Vụ Pháp chế” bằng cụm từ “Vụ, Cục Pháp chế hoặc tương đương”(Điều 2 dự thảo Nghị định): Dự thảo đang thể hiện theo hướng: thay thế cụm từ “Vụ Pháp chế” bằng các cụm từ “Vụ, Cục Pháp chế hoặc tương đương” tại điểm b, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 5; điểm a khoản 2 Điều 5; khoản 3 Điều 5; điểm b, khoản 4 Điều 5; điểm c, khoản 5 Điều 5; khoản 7 Điều 5; khoản 3 Điều 8 và khoản 3 Điều 9, khoản 2 Điều 10 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

(11) Về Điều khoản thi hành: Quy định về hiệu lực thi hành Nghị định. Bãi bỏ khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính. Quy định trách nhiệm của các Cơ quan có liên quan trong việc thi hành Nghị định.

V. VẤN ĐỀ XIN Ý KIẾN CHÍNH PHỦ

1. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Còn 02 loại ý kiến về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, từ nhu cầu thực tế trong thời gian qua đã hình thành các tổ chức pháp chế và người làm công tác pháp chế chuyên trách trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục quốc phòng; cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục quốc phòng; cơ sở đào tạo nghề; các viện, bệnh viện với số lượng tương đối lớn. Tuy nhiên, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về việc thành lập tổ chức pháp chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nêu trên mà chỉ quy định về người làm công tác pháp chế là viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập (khoản 3 Điều 11) và chưa quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức này. Vì vậy, mặc dù đã được thành lập trên thực tế nhưng các tổ chức pháp chế này còn gặp lúng túng trong triển khai công việc. Vì vậy, để công tác pháp chế ở các cơ quan, đơn vị nêu trên được thực hiện một cách bài bản, thống nhất và hiệu quả, thì việc bổ sung quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức này là cần thiết.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo dục quốc phòng, cơ sở đào tạo nghề; các viện, bệnh viện nêu trên thực chất là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP đã quy định mang tính nguyên tắc về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Nghị định là tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Như vậy, đơn vị sự nghiệp công lập của các cơ quan nêu trên cũng đã thuộc phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Nghị định. Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 11 đã quy định người làm công tác pháp chế bao gồm: “Viên chức pháp chế được tuyển dụng, bổ nhiệm vào tổ chức pháp chế ở đơn vị sự nghiệp công lập”. Ngoài ra, Nghi định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự, do đó, không cần phải bổ sung quy định về nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức pháp chế tại các đơn vị sự nghiệp vào dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định được thể hiện theo 02 phương án, phương án 1 thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất; phương án 2 thể hiện theo loại ý kiến thứ hai.

2. Về tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế và người đứng đầu người làm công tác pháp chế

Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, thì người làm công tác pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên; người đứng đầu tổ chức pháp chế phải có trình độ cử nhân luật trở lên và có ít nhất năm năm trực tiếp làm công tác pháp luật.

Còn 02 loại ý kiến về vấn đề này.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP rất khó thực hiện và không phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay, nhất là ở các địa phương …. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác pháp chế và phù hợp với điều kiện thực tiễn, tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế được dự thảo Nghị định cần được thể hiện linh hoạt hơn theo hướng, (1) người làm công tác pháp chế ở các cơ quan trung ương (Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tổng cục, cục và tương đương) cần phải có trình độ cử nhân luật để đảm bảo yêu cầu hoạch định chính sách pháp luật ở phạm vi toàn quốc, do đó, tiêu chuẩn của các đối tượng này sẽ giữ nguyên như Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; (2) người làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh chưa có trình độ cử nhân luật đang chiếm số lượng tương đối lớn, do đó, về tiêu chuẩn, có trình độ cử nhân luật; trong trường hợp người làm công tác pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật thì có trình độ cử nhân chuyên ngành và có ít nhất 03 năm làm công tác pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, hiện nay tổ chức pháp chế ngày càng được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới và phức tạp; người làm công tác pháp chế phải có trình độ chuyên môn và bảo đảm tính chuyên nghiệp, xứng đáng là người gác cổng về pháp luật cho cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, hàng năm các cơ sở đào tạo trình độ cử nhân luật hệ tại chức và văn bằng hai tương đối nhiều nên việc chuẩn hóa đội ngũ này là hoàn toàn thuận lợi. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế và người đứng đầu người làm công tác pháp chế như quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Về vấn đề này, Dự thảo thể hiện theo 02 phương án. phương án 1 thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất và phương án 2 thể hiện theo loại ý kiến thứ hai.

Trên đây là Tờ trình về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, Bộ Tư pháp kính trình Chính phủ xem xét, quyết định./.

(Xin trình kèm theo: dự thảo Nghị định; Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan; Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức; Báo cáo thẩm định dự thảo Nghị định; Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến thẩm định; Báo cáo đánh giá tác động dự thảo Nghị định).


Nơi nhận:

- Như trên;

- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);

- PTTg Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo);

- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);

- Lưu: VT, VĐCXDPL (3b).



BỘ TRƯỞNG


Hà Hùng Cường




tải về 89.22 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương