BẪy thu nhập trung bình và Ứng phó CỦa viỆt nam ts. Nguyễn Trần Minh Trí



tải về 52.22 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích52.22 Kb.
#14617

BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH VÀ ỨNG PHÓ CỦA ViỆT NAM

TS.Nguyễn Trần Minh Trí

Đại học Kinh Tế Quốc dân

Nhận diện bẫy thu nhập trung bình trên thế giới


Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, bẫy thu nhập trung bình (BTNTB) là tình trạng phát triển kinh tế của một quốc gia đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) sẽ dậm chân tại mức thu nhập đấy.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), BTNTB xảy ra khi một nước bị mắc kẹt trong 42 năm không vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người cơ bản từ 4000 - 6000 USD/năm mà nước này đạt được nhờ có nguồn tài nguyên và những lợi thế ban đầu nhất định (chỉ có may mắn mà không có nỗ lực). Các nước bị rơi vào BTNTB thường có tỉ lệ đầu tư thấp, ngành chế tạo phát triển chậm, các ngành công nghiệp ít đa dạng và thị trường lao động kém sôi động.

Theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), BTNTB chính là tình trạng một nước có thu nhập trung bình không vươn lên được nhóm có thu nhập cao, tăng trưởng đình trệ, với mức lương tăng lên trong khi tính cạnh tranh về giá cả hàng hóa giảm xuống, khó có thể cạnh tranh với các nền kinh tế đã phát triển về công nghệ tối tân, hay với các nền kinh tế có mức lương thấp hơn trong việc sản xuất hàng hóa giá rẻ. Trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình năm 1960, hiện mới chỉ có 13 nước (tức 12,5%) vượt thoát thành công để trở thành nước có thu nhập cao, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

BTNTB là một chướng ngại mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải trải qua trong quá trình phát triển kinh tế. Cả về lý thuyết kinh tế và thực tế thế giới đều cho thấy, và OECD cũng nhấn mạnh rằng, để thoát khỏi BTNTB, các nước đang phát triển phải có chính sách tốt thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của mình, chuyển từ tăng trưởng dựa trên tài nguyên (phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ và vốn tư bản) sang sự tăng trưởng dựa vào năng suất cao và sự đổi mới, coi trọng phát triển các ngành dịch vụ hiện đại, kích thích sự năng động của khu vực tư nhân, phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục chất lượng cao, khuyến khích sự sáng tạo và hỗ trợ những đột phá trong khoa học và kỹ thuật, tìm kiếm các thị trường mới để duy trì xuất khẩu; đồng thời, mở rộng tiêu dùng trong nước…

Nhiều nước đạt tới mức thu nhập trung bình từ lâu như Thái Lan (trên 5.000 USD), Malaixia, Nam Phi, Braxin (trên 10.000 USD) mà vẫn chưa ra khỏi bẫy thu nhập trung bình. Theo dự báo của OECD công bố vào trung tuần tháng 12/2013, để từ một nước có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao, Indonesia có thể phải mất tới 30 năm (từ năm 1990 đến năm 2042), tức sẽ chậm hơn rất nhiều so với các nước như Malaysia, dự kiến sẽ lọt vào nhóm nước thu nhập cao vào năm 2020, Trung Quốc (năm 2026) và Thái Lan (năm 2031), song nhanh hơn một số nước láng giềng châu Á khác, như Philippines (năm 2051), Việt Nam (2058) và Ấn Độ (năm 2059). Những nước như Brazil, Ấn Độ hay Nam Phi hiện vẫn đang loay hoay tìm lối thoát nhanh khỏi BTNTB. Nhiều lãnh đạo của Indonesia cũng cho rằng, với mức thu nhập bình quân khoảng 5.170 USD/năm/người hiện nay, Indonesia sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia tiên tiến nếu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình và mức lương lao động thấp. Vì vậy, Indonesia cần phải phát triển nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ để tăng năng suất, con đường như Hàn Quốc đã thực hiện thành công trong 15 năm. Đặc biệt, cần chú trọng đến những chính sách và biện pháp, kể cả trợ cấp thuế, nhằm khuyến khích các công ty tiến hành nghiên cứu và phát triển, cải cách cơ cấu cho dù đây là một quá trình lâu dài và không dễ dàng, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển và chênh lệnh thu nhập giữa các vùng trong cả nước, nhất là giữa thành thị và nông thôn.

Báo cáo “Chỉ số chính về châu Á - Thái Bình Dương năm 2013” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinhgapo và Đài Loan đã trở thành các nền kinh tế thu nhập cao, chủ yếu nhờ tốc độ công nghiệp hóa nhanh. Tuy nhiên, nhiều nước châu Á lại đang có xu hướng chuyển trọng tâm khỏi nông nghiệp để phát triển dịch vụ, mà bỏ qua công nghiệp hóa. Điển hình là trường hợp của Philippines. Vào những năm 1950, nước này chỉ phát triển đứng sau Nhật Bản. Năm 1960, GDP bình quân đầu người của Philippines vẫn cao gấp đôi Thái Lan, nhưng đến giữa thập niên 1980 thì đã bị Thái Lan đuổi kịp rồi vượt qua trong năm 2000. Các nền kinh tế như Ấn Độ, Trung Quốc có thể rơi vào BTNTB nếu không đặt tăng trưởng sản xuất làm ưu tiên hàng đầu.

Thực tiễn cho thấy, không một nền kinh tế nào có thể đạt thu nhập cao mà ngành sản xuất không chiếm ít nhất 18% GDP và liên tục tăng việc làm mới trong thời gian dài. Hơn nữa, BTNTB là một thách thức lớn khi nền kinh tế ngày càng lệ thuộc bên ngoài, nhất là lệ thuộc hàng hóa đầu vào khiến nhập siêu trường kỳ, còn xuất khẩu lệ thuộc nhà đầu tư nước ngoài. Thành tựu của Nhật Bản trong việc đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao đã chứng minh tầm quan trọng của các yếu tố: Chính sách công nghiệp chủ động; sự năng động của khu vực tư nhân; khả năng tích lũy liên tục nguồn lực con người và tạo động lực để khu vực tư nhân thức tỉnh và hành động; chỉ các quốc gia thiết lập được một cơ chế nội địa trong việc xúc tiến và thúc đẩy tích lũy nguồn lực con người mới có khả năng thoát khỏi BTNTB và đạt được mức thu nhập cao, bởi điều này giúp tạo ra các giá trị đáp ứng nhu cầu quốc tế. Kinh nghiệm của Hàn Quốc thì cho thấy, để duy trì tăng trưởng bền vững, tạo dựng nền tảng phát triển để vượt qua BTNTB cần xây dựng thể chế tốt, những người lãnh đạo, những chính trị gia luôn trăn trở về con đường phát triển của đất nước, biết thức thời, quy tụ và sử dụng nhân tài, có cơ chế thi tuyển công chức nghiêm ngặt, xây dựng được bộ máy hành chính mạnh, hiệu suất cao; đặc biệt, cần sự nỗ lực chung của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong tích lũy để đầu tư lớn, tăng cường tính hiện đại và hiệu quả các ngành công nghiệp, nâng cấp các ngành xuất khẩu chủ lực, chuyển đổi từ sản xuất giá trị thấp sang sản xuất giá trị cao, phối hợp giữa khu vực công - tư trong việc xây dựng và phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia; định vị vai trò phù hợp của ngành ngân hàng và các thị trường vốn trong việc phân bổ rủi ro, bảo đảm cân đối địa lý ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi nhằm tránh được những vấn đề phát sinh sau này.

Thông điệp từ Hội thảo "Châu Á có mức thu nhập trung bình: Các thách thức chính sách" được tổ chức tại Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44 cảnh báo: ưu thế nhân công rẻ mất dần và chi phí sản xuất khác tăng lên đang là mối đe dọa khả năng cạnh tranh của các quốc gia châu Á mới chuyển từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình trong một vài thập kỷ gần đây. Theo bà Ursula Schaefer-Preuss, Phó Chủ tịch ADB: Việc dần mất đi lợi thế về chi phí ở các nền kinh tế châu Á đã dẫn tới BTNTB, khi các nước có thu nhập trung bình không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất chi phí thấp ở phân khúc thấp của thị trường, cũng như với các nước phát triển ở phân khúc cao của thị trường. Các nước thu nhập trung bình như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam khi tìm cách đạt được mức phát triển cao hơn sẽ đối diện với các thách thức như duy trì môi trường kinh tế ổn định, phát triển nguồn nhân lực, quản lý xã hội và giải quyết sự bất bình đẳng ngày càng tăng. Phó Chủ tịch Schaefer-Preuss nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kéo phần lớn khu vực châu Á lên mức thu nhập trung bình trong vài thập kỷ gần đây đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo rằng khoảng 1,8 tỷ người vẫn phải sống ở mức dưới 2 USD một ngày và thực tế này vẫn sẽ tiếp diễn nếu không có biện pháp cải cách giúp các quốc gia thu nhập trung bình vượt qua hoặc tránh được BTNTB…



Thách thức bẫy thu nhập trung bình và ứng phó cần có của Việt Nam

Việt Nam có thể đối diện với BTNTB gắn với nguy cơ tốc độ tăng trưởng chậm lại vì các nhân tố tăng trưởng theo bề rộng đã tới giới hạn và các động lực phát triển theo chiều sâu còn mờ nhạt, hoặc thiếu vững chắc. Động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh và cần có thêm động lực mới. Năng lực cạnh tranh cả cấp vĩ mô và vi mô đều chậm được cải thiện. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực… vẫn là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu, đang bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, xã hội có không ít vấn đề bức xúc; phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, trong khi tư duy quản lý còn chậm đổi mới, bị lợi ích nhóm trì kéo, bóp méo.

Việt Nam từ năm 2008 đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình (thấp). Tuy nhiên, cũng từ năm 2008 đến nay, kinh tế Việt Nam liên tục rơi vào tình trạng bất ổn, trì trệ, “nghẽn mạch” tăng trưởng dài nhất từ khi đổi mới, khiến cho nguy cơ mắc BTNTB càng rõ hơn. Ước tính giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng GDP chỉ đạt khoảng 6%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với kế hoạch. Theo tính toán, GDP bình quân đầu người năm 2010 vào khoảng 1.191 USD/năm (số liệu WB), thì để GDP tăng gấp đôi sau 10 năm, thì tốc độ tăng trưởng phải đạt 7%/năm. Như vậy, nếu “thuận buồm xuôi gió”, sớm nhất cũng phải sau 18 năm, đến năm 2028 chúng ta mới có thể vượt ngưỡng 4000 USD/năm, vừa đủ tiêu chuẩn bước ra khỏi một nước có thu nhập trung bình. Trong khi đó, như OECD dự báo, phải đến năm 2059, tức 45 năm nữa (tức chậm 3 năm so với định mức 42 năm), Việt Nam mới thực sự có thể thoát ngưỡng này. Hơn nữa, Việt Nam, Thái Lan và In-đô-nê-xi-a, thuộc nhóm nước châu Á có lĩnh vực công nghiệp đóng góp lớn nhất vào GDP, nhưng đóng góp lớn nhất về việc làm lại ở lĩnh vực nông nghiệp. Nếu tiếp tục xuất khẩu tài nguyên, sản phẩm dưới dạng thô hoặc sơ chế và coi nhân công giá rẻ là lợi thế, thì khó có tăng trưởng GDP cao liên tục và vững chắc, nguy cơ mắc BTNTB sẽ ngày càng đậm dần.

Theo ông Rajat Nag, Tổng Giám đốc Điều hành ADB: Tất cả các nước đang phát triển tại châu Á có mức thu nhập trung bình đều rất dễ rơi vào BTNTB và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Nhưng Việt Nam có thể thoát ra nếu sớm có các giải pháp và quyết tâm mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam đã nhận ra thách thức này và ngay từ đầu năm 2011 đã thông qua một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2011 – 2020. Chiến lược của Việt Nam đúng hướng khi đặt quyết tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn yếu kém hiện nay. Việt Nam cần tiếp tục mục tiêu tăng trưởng chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Đây chính là cách để Việt Nam thoát ra khỏi nguy cơ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Theo GS. Kenichi Ohno, Đại học Nghiên cứu Chính sách (Nhật Bản): Khả năng Việt Nam rơi vào BTNTB khá cao, sau 10 - 15 năm nữa tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại nhiều nếu như không có những hành động ngay từ bây giờ. Không thể tiếp tục dựa vào lắp ráp giản đơn với lao động không có kỹ năng. Các ngành công nghiệp sẽ rút khỏi Việt Nam khi mức lương tăng lên và hội nhập ngày càng sâu rộng. Theo điều tra dân số, năm 2011 tỷ lệ người trên 60 tuổi của Việt Nam đã hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số (năm 2013 dân số Việt Nam là 90 triệu người), tỷ lệ trên 65 tuổi chiếm 7% dân số nên Việt Nam chính thức gia nhập các quốc gia già hóa dân số từ năm 2011 (sớm hơn dự báo là 6 năm). Sự chuyển đổi nhân khẩu này đưa đến nhiều thách thức gay gắt về các vấn đề tạo công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục…đối với sự phát triển kinh tế- xã hội ở nước ta trong thời gian tới. Có rất nhiều điều mà Việt Nam có thể làm ngay là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thể chế chính sách có cấu trúc hợp lý, cung cấp tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển hạ tầng kết nối, kết nối các thành phần kinh tế tư nhân và nhà nước, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, phát triển lĩnh vực lắp ráp, đóng gói sản phẩm điện tử hay công nghiệp thực phẩm sạch. Chính phủ có thể thành lập cơ quan để thúc đẩy chính sách này...

Tại buổi ra mắt Sách Xanh Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/6/2013 tại Hà Nội, ông Franz Jessen, Đại sứ EU tại Việt Nam cho biết, phiên bản Sách Xanh năm 2013 được xây dựng dựa trên bối cảnh các thách thức Việt Nam phải đối mặt khi trở thành một nước thu nhập trung bình, trong điều kiện kinh tế phát triển chậm lại, bất bình đẳng gia tăng. Mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây do tác động bởi yếu tố khách quan và chủ quan ngắn hạn, Việt Nam có vẻ chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Tốc độ tăng trưởng GDP vẫn ở mức trên 5% và Việt Nam vẫn còn sức cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp xuất khẩu, chẳng hạn như: giày dép, dệt may, diện tử, đồ gỗ nội thất, nông nghiệp (cà phê, trà, các loại hạt và các sản phẩm thủy sản). Tuy nhiên, Franz Jessen nhấn mạnh, Việt Nam cần phải hành động ngay và xây dựng một tầm nhìn dài hạn, để có thể loại trừ sự chậm phát triển, gây bất ổn kinh tế tác động tới cả tầng lớp giàu và nghèo trong xã hội. Ký kết FTA sẽ giúp cải thiện thương mại hai chiều của cả Việt Nam và EU, tạo ra thêm nhiều việc làm. Việt Nam cần đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng và cải cách mạnh mẽ hơn nữa cách thể chế chính sách để tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh với mọi thành phần kinh tế; đồng thời tăng tính minh bạch, giảm thiểu tham nhũng bởi vấn đề này có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư EU vào Việt Nam.

Việt Nam đến nay nhận được 78,19 tỷ USD tổng giá trị vốn ODA cam kết từ hơn 50 nhà tài trợ song phương và đa phương. Trong bối cảnh Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, yêu cầu về đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ phải sâu hơn về nội dung, rộng hơn về phạm vi tham gia của các bên vào quá trình phát triển, kết quả đối thoại cần được theo dõi và triển khai trong đời sống thực tế. Vì vậy, Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) lần đầu tiên được tổ chức (ngày 5-12-2013) tại Hà Nội, chính thức thay thế Hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) được tổ chức thường niên từ năm 1993 khi Việt Nam nối lại quan hệ với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. VDPF không còn tập trung vào vấn đề tài trợ cho Việt Nam như CG, mà chuyển sang đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Theo đó, từ năm 2013, các nhà tài trợ sẽ không đưa cam kết vốn ODA và vốn vay ưu đãi như trước đây, mà có thể đưa ra cam kết bất cứ thời điểm nào trong năm. Chủ đề bao quát của VDPF năm đầu tiên hoạt động là “Thiết lập quan hệ đối tác mới - hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Những ý kiến được đưa ra tại VDPF về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và các vấn đề giảm nghèo và giảm nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong cung cấp dịch vụ nước và vệ sinh môi trường… sẽ giúp Việt Nam phát triển mang tính bền vững hơn, giảm thấp rủi ro rơi vào BTNTB của nền kinh tế Việt Nam.

Thực tế cho thấy, để ứng phó hiệu quả với rủi ro rơi vào BTNTB, Việt Nam cần coi trọng triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp, trong đó nổi bật là: Quy hoạch lại định hướng công nghiệp và phát triển tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất theo từng chuỗi ngành, sản phẩm chủ lực; ưu tiên phát triển công nghiệp thông tin, công nghiệp phụ trợ vừa phát huy lợi thế của từng vùng, miền và phù hợp với nhu cầu, triển vọng thị trường, vừa có tầm nhìn dài hạn đối với các khu vực trọng điểm kinh tế và tham gia ngày càng vững chắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu; giảm mạnh và tiến tới dừng hẳn việc xuất thô tài nguyên, khoáng sản. Đặc biệt, Chính phủ cần định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu thị trường và tìm ra thị trường ngách (niche markets) của mình; biến giáo dục thành một môi trường hấp dẫn, thu hút được các giảng viên giỏi của thế giới; bảo vệ DN vừa và nhỏ, giúp họ tiếp cận các nguồn vay và tìm kiếm thêm giá trị gia tăng.

Hơn nữa, cần thúc đẩy các đàm phán, ký kết và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại song phương nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại quốc tế và tạo cơ hội cải tổ nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh chưa cao. Tạo lập nhanh hơn nền tảng trụ cột kinh tế tri thức. Thúc đẩy đổi mới nền giáo dục và đào tạo nhân lực chuyên môn, chất lượng cao. Xác định một số ít chiến lược công nghệ chủ đạo đến năm 2020 và có chiến lược phù hợp, giám sát tiến độ do cấp cao nhất thực hiện.

Đặc biệt, cần có định hướng, chính sách và giải pháp tốt để sử dụng hiệu quả các khoản vay kém ưu đãi, tiếp tục khai thác tốt các nguồn tài chính FDI, kiều hối, chứng khoán, bất động sản; đồng thời, tạo đột phá thể chế, nhất là thủ tục hành chính, chính sách tài chính-tín dụng, đất đai, vốn con người để kích thích sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong việc đóng góp vào những thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế trong bối cảnh nguồn vốn ODA có xu hướng giảm và chi phí vốn ngày càng cao. Nguồn lực thực sự cho tăng trưởng nhanh và bền vững thời gian tới phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra dựa trên nền tảng thể chế và xã hội, nền tảng văn hóa, giáo dục tiên tiến...

Thực tiễn đã, đang và sẽ còn cho thấy, nếu không có những biện pháp dài hạn không thể vượt qua những khó khăn ngắn hạn và hướng tới mục tiêu dài hạn. Với tinh thần đó, cần đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, kỷ luật kỷ cương, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Tôn trọng đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường; xóa bỏ tình trạng độc quyền DN và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực. Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả. DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị DN. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Nhà nước sớm có cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và DN trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững. Thu hút mạnh DN đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để thúc đẩy tập trung ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

Thực tế đã, đang và sẽ tiếp tục chứng tỏ, dân chủ là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, vừa là mục tiêu và động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội trong quá trình nhận diện và chủ động ứng phó hiệu quả với BTNTB; cũng như tô nhấn và khẳng định trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh chính trị của Việt Nam vượt qua những thách thức, khó khăn, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng và cơ hội trong hội nhập quốc tế, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…/.






Каталог: PortalFolders -> ImageUploads -> ttkhxhvnv -> 2026
ImageUploads -> Nghị định của Chính phủ số 107/2004/NĐ-cp ngày 01 tháng 4 năm 2004 quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp
ImageUploads -> BỘ XÂy dựng
ImageUploads -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 75/2006/NĐ-cp ngàY 02 tháng 8 NĂM 2006 quy đỊnh chi tiết và HƯỚng dẫn thi hành một số ĐIỀu của luật giáo dụC
ImageUploads -> HỘI ĐỒng nhân dân quận kiến an số: 25 /2006/nq – HĐND­3
2026 -> Du lịch vùng đỒng bằng sông hồNG: SẢn phẩm sinh thái nhân văn là DÒng chủ LƯU
2026 -> BÌnh luận về miễn trách nhiệm do VI phạm hợP ĐỒng tạI ĐIỀU 294 luật thưƠng mạI 2005 ThS. Bùi Hưng Nguyên
2026 -> THÀnh phố hoa phưỢng đỎ
2026 -> TÁC ĐỘng của tpp vớI ĐỊnh hưỚng phát triển công nghiệp của hải phòng ts. Nguyễn Xuân Quang
2026 -> Vũ Thị Thành Lý Thị Quỳnh Trang

tải về 52.22 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương