BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học


Phần III TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT



tải về 1.38 Mb.
trang2/11
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.38 Mb.
#2037
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

Phần III

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

VỀ ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
I. Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư cho giáo dục đại học

1. Tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư cho giáo dục đại học

Trong 11 năm từ 1999 đến 2009, các chính sách liên quan đến đầu tư cho giáo dục đại học đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật: Luật Giáo dục 1998; Luật Đầu tư năm 2005; Luật sửa đổi bổ sung một số điều luật Giáo dục 2005; Nghị quyết số 37/2004/QH11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội về giáo dục; Nghị quyết số 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy định về đầu tư, ưu đãi đầu tư trong hoạt động giáo dục, các văn bản về chế độ chính sách tài chính cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, cụ thể:

1.1. Về các chính sách phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học

- Đối với các cơ sở giáo dục đại học do Trung ương quản lý:

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp (Nghị định số 10/2002/NĐ-CP, nay là Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ), kinh phí chi sự nghiệp đào tạo năm 2007 của các bộ, cơ quan trung ương được giao ổn định và được tăng tỷ lệ theo các nhóm ngành đào tạo; trên cơ sở yêu cầu cơ cấu lại chi ngân sách đảm bảo tính hiệu quả, tăng tính chủ động, tích cực của các cơ sở đào tạo trong việc nâng cao khả năng tự bảo đảm kinh phí hoạt động dự kiến. Mức độ ưu tiên bố trí kinh phí giữa các nhóm ngành đào tạo được phân bổ cho mục tiêu tăng cường cơ sở vật chất, một số trường đại học trọng điểm và các trường ở vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và một số ngành nghề mang tính chất thiết yếu như an ninh quốc phòng, y dược, nông nghiệp, sư phạm và khoa học cơ bản; đảm bảo kinh phí thực hiện các chính sách xã hội như học bổng chính sách, đào tạo cử tuyển; bên cạnh đó khuyến khích các trường đại học nâng cao quyền tự chủ tài chính, khai thác các nguồn thu hợp pháp để từng bước đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, tăng cường chất lượng đào tạo, nâng cao đời sống người lao động. NSNN ổn định kinh phí chi hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị có nguồn thu chưa đảm bảo bù đắp chi phí hoạt động.

- Đối với các cơ sở giáo dục đại học do địa phương quản lý:

Việc bố trí dự toán chi ngân sách cho các trường đại học, cao đẳng của địa phương dựa trên cơ sở định mức phân bổ ngân sách quy định tại Quyết định 139/2003/QĐ-TTg ngày 11/7/2003 (áp dụng đối với giai đoạn 2004-2006); Quyết định 151/2006/QĐ-TTg ngày 29/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ (áp dụng từ năm 2007 tới nay) và kinh phí thực hiện các chế độ chính sách phát triển giáo dục đại học khác đảm bảo mức tăng ưu tiên đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long.

1.2. Nhóm chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội

Thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Mặt khác, để đảm bảo tính khả thi của các chính sách ưu đãi khi triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để huy động các nguồn lực tài chính đầu tư phát triển giáo dục đại học ở nước ta. Với các quy định mới này, các trường đại học, cao đẳng đã tăng được nguồn tài chính đầu tư xây dựng nhà trường, nhất là tăng đáng kể các nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, bổ sung cho nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đáp ứng một phần nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của xã hội về giáo dục đại học; đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập được tăng lên trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư cho giáo dục đại học vẫn còn tồn tại, bất cập sau đây:

- Một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư cho giáo dục đại học chậm được sửa đổi, như quy định về chế độ thu và sử dụng học phí nên hạn chế khả năng huy động nguồn lực của xã hội để nâng cao chất lượng đào tạo, không khuyến khích các cơ sở đào tạo nâng cao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho đơn vị thực hiện quyền tự chủ dẫn đến sự hạn chế tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực tài chính đầu tư cho giáo dục đại học.

- Chưa có văn bản quy định về suất đầu tư tài chính cho giáo dục đại học phù hợp cho từng loại hình trường (công lập, ngoài công lập), từng vùng miền (miền núi, đô thị, đồng bằng, vùng đặc thù), nhóm ngành đào tạo (kỹ thuật công nghệ, ngành ưu tiên…), các đại học, trường đại học trọng điểm.

- Chưa bàn hành văn bản quy định về định mức chi phí thường xuyên cho giáo dục đại học (chi phí đơn vị), nên việc phân bổ ngân sách thường xuyên cho giáo dục đại học chưa phù hợp với hoạt động đào tạo, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học.

- Còn thiếu các quy định cụ thể về giao đất, cho thuê đất, xử lý tài sản khi chuyển đổi hình thức hoạt động, chính sách miễn, giảm thuế thu nhập, cơ chế huy động vốn để đầu tư phát triển cơ sở vật chất đối với các cơ sở ngoài công lập; thiếu cơ chế hợp tác, liên kết giữa các cơ sở giáo dục công lập với các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trong việc xây dựng cơ sở vật chất. Chưa có các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục, về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, cơ chế hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục của nước ngoài; vai trò và chức năng của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xã hội hóa. Các quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục còn thiếu và chưa đồng bộ, không theo kịp sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế trong giáo dục.

2. Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư cho giáo dục đại học

2.1. Đầu tư từ ngân sách nhà nước

a) Quy mô và cơ cấu đầu tư

Từ năm 1998 đến năm 2009 nhà nước đã ưu tiên đầu tư đáng kể cho sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Theo đó, tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo trong tổng chi ngân sách nhà nước tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước và theo nhịp độ tăng trưởng kinh tế.

Giai đoạn 1998 - 2004, bình quân chi cho giáo dục và đào tạo bằng 16,6% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN). Giai đoạn 2001 - 2004, ngân sách cho giáo dục tăng bình quân 21,6%/năm. Giai đoạn 2005-2009, lĩnh vực giáo dục đào tạo được ưu tiên bố trí thuộc nhóm chi tăng cao nhất (tăng bình quân 22,6 %/năm) đã đảm bảo đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước vào năm 2008 theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2010.

Cùng với tăng chi ngân sách cho giáo dục nói chung, liên tục trong suốt 10 năm qua, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học năm sau đều tăng cao hơn năm trước, giai đoạn 1998 - 2004 tăng bình quân 17%/năm, giai đoạn 2005 - 2009 tăng bình quân 18%/năm. Năm 1999, ngân sách nhà nước chi giáo dục đại học chiếm 0,36% GDP, đến năm 2009 là 0,66% GDP. Nếu so với tổng chi ngân sách cho giáo dục nói chung, thì chi giáo dục đại học năm 1999 chiếm 11%, năm 2009 là 11,7%.

Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học được phân bổ trên 3 lĩnh vực cơ bản: chi thường xuyên, chi đầu tư và chương trình mục tiêu. Bình quân trong 10 năm qua, chi thường xuyên chiếm khoảng 75%, chi đầu tư và chi chương trình mục tiêu lần lượt là 20% và 5% trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Năm 2009, chi thường xuyên là 7.910 tỷ đồng, chiếm 77% (trong đó chi lương chiếm gần 58%), chi đầu tư và chương trình mục tiêu là 2.363 tỷ đồng, chiếm 23%.

Bên cạnh nguồn đầu tư trực tiếp cho giáo dục đại học theo cơ cấu các sự nghiệp chi của ngân sách nhà nước, các trường đại học, cao đẳng còn được phân bổ thêm từ nguồn chi ngân sách nhà nước dành cho sự nghiệp khoa học và công nghệ. Tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các trường đại học trong 9 năm (từ 2001-2009) là 4.812 tỷ đồng, bằng 9,4% tổng chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học của cả nước.

Tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn thấp, cơ cấu nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ ở các trường đại học, cao đẳng công lập chỉ đạt 1,32%. So sánh với mục tiêu đặt ra của Chính phủ trong Nghị quyết 14, tối thiểu là 15% tổng nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học vào năm 2010 và 25% trong năm 2020, thì việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, gắn nghiên cứu lý luận với hoạt động sản xuất kinh doanh thực tiễn là đòi hỏi rất bức bách.

b) Suất đầu tư bình quân/1sinh viên

Suất đầu tư bình quân từ ngân sách nhà nước/1 sinh viên công lập (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư) năm 2001 là 3,74 triệu đồng và năm 2009 là 7,14 triệu đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2001.

Mức chi thường xuyên từ ngân sách cho một sinh viên quy chuẩn cũng được tăng lên, nhưng do quy mô các hệ đào tạo tăng nhanh hơn mức tăng ngân sách cho giáo dục đại học, nên mức chi thường xuyên từ ngân sách cho một sinh viên quy chuẩn tăng chậm hơn. Theo số liệu khảo sát đào tạo và tài chính tại 187 trường đại học, cao đẳng trong cả nước các năm 2003, 2004 và 2005 thì: Chi phí thường xuyên từ ngân sách (chưa tính học phí) cho một sinh viên quy chuẩn (bao gồm cả sinh viên đào tạo theo hợp đồng, liên kết) như sau: 2,98 triệu đồng năm 2003; 3,16 triệu đồng năm 2004 và 3,28 triệu đồng năm 2005. Các trường ở khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc được Nhà nước đầu tư cho chi thường xuyên cao hơn các vùng khác.

c) So sánh đầu tư cho giáo dục đại học của nước ta với các nước trên thế giới

Mặc dù nhà nước đã liên tục tăng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo với tốc độ cao như trên và tỷ lệ chi cho giáo dục so với GDP thuộc vào nhóm các nước có tỷ lệ chi cho giáo dục cao nhất, nhưng do trong suốt 10 năm qua Nhà nước phải tập trung ngân sách ưu tiên cho giáo dục phổ cập và giáo dục ở các vùng khó khăn, nên phần ngân sách dành cho giáo dục đại học tăng chưa nhiều, tỷ lệ chi cho giáo dục đại học so với GDP vẫn còn thấp xa so với các nước trên thế giới.

Theo Viện Thống kê UNESCO, trung bình các năm từ 1999-2004, chi giáo dục đại học so với GDP ở các nước Ả rập là 1,48%GDP, các nước Trung và Đông Âu là 1,11%GDP, Trung Á là 1,07%GDP, Đông Á và Thái bình dương là 1,62%GDP, Châu Mỹ la tinh và Caribê là 1,10%GDP, Bắc Mỹ và Tây Âu là 1,36%GDP, Tây Nam Á là 0,86%GDP, Tiểu vùng Sahara châu Phi 0,78%, bình quân 162 nước của các vùng nói trên là 1,22% GDP. Số liệu bình quân của Việt Nam giai đoạn này là 0,41%/GDP.

2.2. Đầu tư cho giáo dục đại học từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước

a) Học phí

Từ năm 1998 đến tháng 8 năm 2009, mức thu học phí của sinh viên các trường đại học, cao đẳng công lập được thực hiện trên cơ sở khung học phí quy định tại Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đối với cao đẳng từ 40.000 đồng đến 150.000 đồng/tháng; đối với đại học từ 50.000 đồng đến 180.000 đồng/tháng. Thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 của Quốc hội, năm học 2009 - 2010 theo Quyết định số 1310/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, mức trần học phí của cao đẳng được điều chỉnh lên 200.000 đồng/tháng và đại học là 240.000 đồng/tháng. Tổng thu học phí năm 2009 của các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng ước đạt 4.100 tỷ đồng, bằng 28,5% tổng chi ngân sách nhà nước và học phí cho giáo dục đại học công lập.

b) Nguồn xã hội hoá giáo dục

Kết quả thành lập mới và nâng cấp các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập trong giai đoạn 1998 - 2009 như sau: cả nước đã có thêm 35 trường đại học ngoài công lập, bao gồm thành lập mới 29 trường đại học và nâng cấp lên đại học 6 trường từ trường cao đẳng; cả nước có thêm 28 trường cao đẳng ngoài công lập, gồm thành lập mới 21 trường cao đẳng và nâng cấp lên cao đẳng 7 trường từ trường trung cấp. Ngoài vai trò tạo thêm cơ hội cho hàng trăm ngàn học sinh vào học đại học và cao đẳng mỗi năm, các trường này còn là mô hình tổ chức và theo đó là cơ chế kinh tế để huy động các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Số vốn điều lệ đăng ký khi thành lập của các trường này là 1.555 tỷ đồng. Năm 2006, học phí của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập là 993 tỷ đồng.

c) Đầu tư cho giáo dục đại học từ các nguồn ngoài nước

Nguồn vốn ODA:

Các chương trình, dự án lớn dành cho giáo dục đại học đã được ký kết như: Giáo dục đại học (vay vốn WB), Dự án đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (ADB, NDF, JICA và AFD đồng tài trợ), học bổng phát triển Ôx-trây-lia (Ôx-trây-lia tài trợ), chương trình phát triển chính sách giáo dục đại học. Nhìn chung đầu tư ODA cho giáo dục đại học tăng đều trong các năm: Năm 1998 tổng chi ODA cho giáo dục đại học là 31 triệu USD; năm 2000 là 35,4 triệu USD, tăng 14,2%; 2005 là 86,2 triệu USD và năm 2009 đạt 145,9 triệu USD tăng so với năm 1998 là 4,76 lần.

Trong hơn 10 năm qua đã có 04 trường đại học và cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập và 1 trường (Đại học RMIT) đã hoạt động ở nước ta. Tổng số vốn đăng ký đầu tư của các cơ sở này là 68,9 triệu USD, tương đương khoảng gần 1.200 tỷ đồng. Số tiền đó gấp 1,5 lần tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản mà nhà nước đầu tư cho các trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2008.

Hai trường đại học công lập theo mô hình mới vừa được thành lập là Trường Đại học Việt Đức và Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội được tài trợ bởi 4 nguồn: Ngân sách của Chính phủ Việt Nam, hỗ trợ của Chính phủ các nước đối tác (Đức, Pháp), vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và học phí do người học đóng.

3. Về cơ chế phân bổ ngân sách

Thời điểm trước năm 2002, chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng là căn cứ để tính toán và phân bổ kinh phí NSNN cho các cơ sở đào tạo (việc tính toán dựa trên định mức chi tạm thời tại công văn số 562/TC-HCSN ngày 3 tháng 3 năm 1998 của Bộ Tài chính). Từ năm 2002 trở lại đây, đặc biệt là khi thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ (nay là Nghị định số 43/2006/NĐ-CP) thì việc tính toán và phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở đào tạo không còn căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, mà căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và tỷ lệ tăng ngân sách nhà nước chung do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo đó mức phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở đào tạo được duy trì ổn định trong 3 năm, năm sau cao hơn năm trước theo tỷ lệ tăng chung. Mức tính toán để làm căn cứ giao ổn định ngân sách nhà nước được căn cứ vào mức phân bổ ngân sách nhà nước dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh của các năm trước đó (mức này đã dựa trên định mức phân bổ ngân sách tính cho 1 sinh viên chính quy, quy định tại công văn số 562/TC-HCSN ngày 3 tháng 3 năm 1998 của Bộ Tài chính, bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/sinh viên/năm).

Với mức thu học phí bình quân khoảng 1,5 triệu đồng/sinh viên/năm, thì chi phí đào tạo bình quân cho một sinh viên công lập hệ chính quy khoảng 7 triệu đồng/năm.

Đối với chỉ tiêu đào tạo không chính quy thì Nhà nước không bố trí ngân sách mà các trường phải tự cân đối từ nguồn thu học phí hệ không chính quy được để lại cho nhà trường. Mức thu học phí không chính quy vừa qua bị khống chế theo các quy định hiện hành của Nhà nước là không vượt quá 350.000 đồng /sinh viên/tháng hay 3,5 triệu đồng/sinh viên/năm, chỉ bằng khoảng ½ mức chi thường xuyên cho một sinh viên chính quy.

Cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay còn mang tính bình quân đối với tất cả các ngành nghề đào tạo, chưa thể hiện rõ nét sự ưu tiên về phân bổ kinh phí đối với những ngành nghề mà nhà nước cần ưu tiên đào tạo.

II. Về thực hiện chính sách tín dụng đào tạo

Sau khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng kịp thời quy trình vay vốn tín dụng đào tạo và hướng dẫn tổ chức triển khai ở các trường đại học, cao đẳng. Kết quả cho vay, theo thông báo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 15 tháng 12 năm 2009 như sau:

- Doanh số cho vay đạt 18.094 tỷ đồng (trong đó: năm học 2007 - 2008 đạt 5.036 tỷ đồng, năm học 2008 - 2009 đạt 8.449 tỷ đồng, kỳ I năm học 2009 - 2010 đạt 4.609 tỷ đồng).

- Doanh số thu nợ trong kỳ đạt 361 tỷ đồng.

- Nợ quá hạn là 40 tỷ đồng (11% số nợ phải thu).

- Dư nợ đến 31/12/2009 đạt 18.231 tỷ đồng, số hộ gia đình hiện đang vay vốn là 1,531 triệu hộ, với 1,671 triệu học sinh, sinh viên đang được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Riêng số sinh viên các trường đại học, cao đẳng vay là 1,035 triệu; chiếm 63% tổng số học sinh, sinh viên được vay.


Phần IV

VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

VỀ BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
I. Kết quả đạt được về đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học

1. Xây dựng và ban hành chương trình khung và mở ngành đào tạo

Thực hiện Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 13 Hội đồng khối ngành, gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà giáo của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất sử dụng nguồn nhân lực để xây dựng chương trình khung. Cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 233 chương trình khung, trong đó có 177 chương trình khung trình độ đại học và 54 chương trình khung trình độ cao đẳng, 01 chương trình khung Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng và 01 chương trình khung Giáo dục hoà nhập.

Từ năm 2007 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường rà soát gần 4.900 chương trình đào tạo về tên ngành, mục tiêu đào tạo, yêu cầu chuẩn kiến thức/kỹ năng/thái độ, vị trí làm việc sau tốt nghiệp, khối lượng kiến thức, tỷ lệ phân bổ thời gian giữa lý thuyết và thực hành,... để đảm bảo cập nhật tri thức mới, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và đảm bảo tính liên thông trong đào tạo.

Theo quy định, để được mở ngành đào tạo, nhà trường phải lập hồ sơ mở ngành. Từ năm 1998 đến năm 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc thẩm định hồ sơ mở ngành chỉ dựa trên hồ sơ của các trường, không quy định thẩm định thực tế tại các trường. Từ năm 2006 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định việc thẩm định thực tế khi cần thiết và chủ yếu chỉ thẩm định thực tế khi mở các ngành về Khoa học sức khỏe, Luật, Sư phạm.

Cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo thay đổi theo xu hướng hợp lý hơn. Tỷ lệ về quy mô đào tạo đại học giảm từ 79,4% (năm 1997) xuống 72,3% (năm 2009), ngược lại tỷ lệ về quy mô đào tạo cao đẳng tăng từ 20,6% (năm 1997) lên 27,7% (năm 2009).

Quy mô đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư, y dược, văn hóa - nghệ thuật, thể dục, thể thao tăng; đào tạo nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực thông tin truyền thông, sinh học, vật liệu mới được ưu tiên hơn.

2. Thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học

Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005 đã có quy định về công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học nói chung và kiểm định chất lượng của Việt Nam nói riêng mới đang được hình thành ở giai đoạn này so với các nước phát triển còn tụt hậu rất xa. Tính đến nay, 178 trường cao đẳng, chiếm 76% số trường cao đẳng trong cả nước và 114 trường đại học (kể cả các trường thành viên của các đại học) chiếm 65% số trường đại học trong cả nước, đã và đang triển khai tự đánh giá. Trong đó, 20 trường đại học và 04 chương trình cao đẳng đã được đánh giá ngoài; 20 trường đại học khác, 11 trường cao đẳng và 04 chương trình cao đẳng đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đang chờ đánh giá ngoài.

3. Chuẩn hoá chất lượng sinh viên được nhập học

Từ năm 2003 Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm sàn xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo đề thi chung tương ứng với từng khối thi, trong khoảng từ 13 đến 15 điểm/30 điểm cho 3 môn thi, đã góp phần quan trọng đảm bảo chuẩn chất lượng đầu vào. Việc tổ chức thi tuyển sinh đại học, cao đẳng được tiến hành nghiêm túc, đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Thực hiện thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến và đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép và hỗ trợ các trường đại học trọng điểm thực hiện chương trình tiên tiến, đào tạo kỹ sư chất lượng cao, cử nhân tài năng có liên kết với các trường đại học nước ngoài. Các chương trình này đang được thực hiện tốt và sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của cả hệ thống giáo dục đại học.

Hiện nay 23 trường đại học đang triển khai 35 Chương trình đào tạo tiên tiến, 4 trường đang triển khai Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (Phụ lục XII).

5. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội

Từ năm 2007, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 - 2015, đồng thời chỉ đạo để các Bộ, ngành, địa phương thành lập Ban chỉ đạo đào tạo theo nhu cầu xã hội của Bộ, ngành, địa phương, tập trung vào các ngành kinh tế trọng điểm, có nhu cầu cao về nhân lực đã qua đào tạo, nhất là trình độ cao: du lịch, công nghệ thông tin, y dược, tài chính ngân hàng, đóng tàu, chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghệ cao...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các Bộ, ngành khác, các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng tổ chức 13 Hội thảo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội cho các ngành cụ thể đã nêu trên, qua đó có trên 600 hợp đồng, thoả thuận đào tạo và sử dụng lao động giữa các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động và các trường đại học, cao đẳng được ký kết với hơn 10.000 lao động được đào tạo theo đặt hàng. Giá trị thiết bị, chương trình đào tạo mà các doanh nghiệp đã hỗ trợ các trường qua liên kết đào tạo này là khoảng 10 triệu USD.

Việc đào tạo theo nhu cầu xã hội sẽ giúp giáo dục đại học đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội đồng thời có thêm nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo. Các chương trình đào tạo, kỹ năng đào tạo phù hợp hơn với yêu cầu sử dụng và người học dễ tìm được việc làm hơn, hiệu quả đào tạo cao hơn…

6. Tạo cơ chế giám sát xã hội về chất lượng đào tạo và động lực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế thực hiện 3 công khai đối với các cơ sở giáo dục từ tháng 5/2009 (công khai cam kết chất lượng đào tạo và chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo; công khai nguồn lực phục vụ đào tạo; công khai thu chi tài chính). Các nội dung của 3 công khai phải được công bố ở Website của mỗi trường, ở các khoa, thư viện để mọi người dễ tiếp cận. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 31/01/2010 tất cả các trường đại học và cao đẳng đã gửi báo cáo ba công khai về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7. Nâng cao chất lượng giáo trình và xây dựng thư viện giáo trình dùng chung

Để khắc phục tình hình thiếu giáo trình có chất lượng tốt ở các trường đại học, cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo 24 trường đại học đưa hơn 1.000 giáo trình lên Website của Bộ làm tài nguyên khai thác chung cho các trường. Đến nay đã có hơn 14 triệu lượt người truy cập vào Website tra cứu, để sử dụng chung.

8. Tăng cường công tác chuẩn hoá trong quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo các trường đại học, cao đẳng

Trong 10 năm qua, Ngành Giáo dục đã rất chú trọng phát triển, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục về số lượng và chất lượng, đặc biệt là từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005 - 2010". Số giảng viên đại học, cao đẳng đã tăng từ 20.112 năm 1997 lên 61.190 năm 2009 (gấp 3 lần), số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 2.041 người lên 6.217 người (gấp 3 lần), số giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng từ 3.802 người lên 24.831 người (gấp 6 lần), số giảng viên là Giáo sư, Phó giáo sư tăng từ 526 người lên 2.286 người (gấp 4,5 lần).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện kế hoạch đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng với quy mô ngày càng tăng. Trong gần 10 năm, từ năm 2000 đến 2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 7.039 lưu học sinh đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước và Hiệp định (trong đó đi học tiến sĩ là 2.029 người, thạc sĩ là 1.598 người, thực tập sinh là 626 người và đại học là 2.786 người); bình quân 1 năm cử trên 700 lưu học sinh đi học nước ngoài.

Năm học 2008 - 2009 đã cử được trên 1.000 người đi học nước ngoài, trong đó trên 700 người học tiến sĩ, thạc sĩ, thực tập sinh bằng nguồn ngân sách nhà nước, không kể các nguồn khác. Riêng năm 2009, đã gửi được 900 người đi học nước ngoài, trong đó có 330 người đi học tiến sĩ, 184 đi học thạc sĩ và 71 thực tập sinh.

Công tác xét và công nhận Giáo sư, Phó giáo sư đã được tiến hành liên tục từ năm 2000 đến nay với quy trình, nội dung có cải tiến và theo hướng nâng cao chất lượng. Ngày 31 tháng 12 năm 2008 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 175/2008/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Năm 2007, có 54 người được phong chức danh giáo sư và 445 người được phong chức danh phó giáo sư. Năm 2009, có 65 người được phong chức danh giáo sư (tăng 1,2 lần) và 641 người được phong chức danh phó giáo sư (tăng 1,4 lần).

Từ năm 2007 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các lớp bồi dưỡng về quản lý trường đại học, cao đẳng, có sự tham gia của chuyên gia có kinh nghiệm nước ngoài, gắn với thăm quan các đại học danh tiếng ở nước ngoài cho trên 500 Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng.

9. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Trong giai đoạn 2001 - 2009, các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham gia nghiên cứu 1.060 các nhiệm vụ cấp Nhà nước, trong đó có hơn 89 nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước, 8 đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm giao cho các Bộ/ngành, 804 chương trình nghiên cứu cơ bản, 38 đề tài độc lập cấp nhà nước, 10 dự án độc lập cấp nhà nước, 91 đề tài hợp tác theo Nghị định thư; 20 đề tài thuộc Chương trình khoa học xã hội và nhân văn trọng điểm cấp Nhà nước; đã ký kết hơn 10.250 hợp đồng sản xuất kinh doanh và chuyển giao công nghệ với địa phương và cơ sở sản xuất với tổng doanh thu gần 2.800 tỷ đồng.

Tại các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2001 - 2009 đã có trên 2.183 công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố trên các tạp chí quốc tế và hơn 5.000 công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học đã gắn kết nhiều hơn với các hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ. Đa số các luận án tiến sĩ đều gắn với đề tài khoa học các cấp. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được triển khai ngày càng rộng rãi hơn trên phạm vi toàn quốc, với chất lượng được nâng cao. Tại cuộc thi các công trình sáng tạo nghiên cứu khoa học của sinh viên, nếu năm 1990 chỉ có 18 cơ sở đào tạo tham gia với 62 công trình dự thi thì năm 2009 đã có 107 cơ sở với 631 công trình.

10. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm, thực hành, thư viện, giáo trình

Trong giai đoạn 10 năm qua và đặc biệt giai đoạn 2003-2009, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các cơ sở giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình giáo dục, đã phối hợp thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư như vốn ngân sách, vốn ODA, các nguồn vốn hợp pháp để xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất các trường đại học. Môi trường và cảnh quan sư phạm ở nhiều trường được cải thiện, tạo điều kiện đáp ứng yêu cầu về quy mô, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.



Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> ĐỀ ÁN ĐỔi mới cơ chế TÀi chính giáo dục giai đOẠN 2009-2014

tải về 1.38 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương