BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Thừa Thiên – Huế ngày 05 tháng 11 năm 2015)



tải về 89.87 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu08.07.2016
Kích89.87 Kb.
#1573


BÁO CÁO TỔNG QUAN BÁO CHÍ

(Tin Thừa Thiên – Huế ngày 05 tháng 11 năm 2015)


KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIII 1

  1. Sớm khắc phục chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu 1

QUẢN LÝ 2

  1. Tập huấn công tác thông tin đối ngoại cho các Bộ, ngành, địa phương 2

PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI 2

  1. Hương Thủy: Dân đua nhau chạy lên núi vì tin đồn vỡ đập 2

GIAO THÔNG 3

  1. Phê duyệt chủ trương đầu tư đường liên xã Quảng Vinh - Quảng Lợi nối tỉnh lộ 4 3

  2. Phong Điền: Xe máy va vào ô tô, 2 người tử vong 3

VỆ SINH – AN TOÀN THỰC PHẨM 4

  1. TP Huế: Sữa Dutch Lady hết hạn vẫn được mang bán 4

PHÁP LUẬT 4

  1. TAND tỉnh tổng kết, rút kinh nghiệm công tác xét xử 4

AN NINH – QUỐC PHÒNG 5

  1. Phát hiện xử lý bom ‘khủng’, đạn pháo ‘khổng lồ’ 5

  2. Bộ Tổng tham mưu: Tập huấn về công tác quân sự, quốc phòng 5

GIÁO DỤC 5

  1. Phú Vang: Vụ trường học sụt lún 1m, sẽ đầu tư xây trường mới 12 tỷ đồng 5

VĂN HÓA 6

  1. Nhiều ý kiến khác nhau về lăng mộ Vua Quang Trung tại Huế 6

  2. Lê Thu Hà được chọn thi Hoa hậu Liên lục địa 2015 8

  3. Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng 2015: 17 thí sinh tại điểm thi Huế 8

DU LỊCH 8

  1. Đầu tư 9.000 tỷ đồng để Huế thành điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế 8

XÃ HỘI 9

  1. Hương Trà: Cần đào tạo nghề, hướng nghiệp cho dân tái định cư xã Bình Thành 9

TIN VẮN 9

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA 10





KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Sớm khắc phục chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu


Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Thảo luận về các nội dung của Dự án Luật, các ý kiến đại biểu đều nhấn mạnh đến sự công khai, minh bạch, chính xác của số liệu thống kê.
Đại biểu Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế) cho rằng, các số liệu thống kê cần công khai minh bạch nhưng cũng cần cụ thể. Trên cương vị vừa là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội vừa là Trưởng nhóm đối thoại với Mỹ về chất độc da cam, dioxin, đại biểu dẫn chứng: “Vừa rồi tôi muốn tìm số liệu về người khuyết tật nhưng tìm trên internet rất khó khăn, như vậy trừ một số số liệu mật không được công khai còn những vấn đề đang cần sự đồng thuận của quốc tế như số liệu về nạn nhân chất độc da cam tôi tìm cũng không có. Hay có tổ chức quốc tế hỏi tôi ngân sách Nhà nước dành bao nhiêu cho người khuyết tật tôi đi tìm cũng thấy khó khăn quá”.
Đại biểu Hà Huy Thông cũng đề nghị cần xem trong 117 chỉ tiêu báo cáo của Liên hiệp quốc vừa công bố, hệ thống chỉ tiêu của Việt Nam đã có đủ hay chưa để hài hòa lại, đáp ứng được mục tiêu hội nhập toàn cầu. (Hải Quan Online 4/11, tác giả Hồ Huệ; Pháp Luật Việt Nam 5/11, tr4) Về đầu trang

QUẢN LÝ

Tập huấn công tác thông tin đối ngoại cho các Bộ, ngành, địa phương


Sáng 4/11, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại (TTĐN), Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức Hội nghị Tập huấn công tác TTĐN và triển khai Nghị định về quản lý hoạt động TTĐN.
Đồng chí Phạm Văn Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Công tác TTĐN, và đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT&TT, đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự tập huấn có lãnh đạo, cán bộ chuyên trách TTĐN của các Bộ, ngành Trung ương, đại diện các cơ quan báo chí chủ lực về TTĐN, đại diện của 31 địa phương từ Thừa Thiên – Huế ra phía Bắc.
Hội nghị sẽ nghe báo cáo về việc triển khai Nghị định số 72/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại và nhìn lại 5 năm thực hiện công tác quản lý Nhà nước về TTĐN. Hội nghị cũng sẽ cung cấp thêm những kiến thức cơ bản và chuyên sâu, có ý nghĩa, tác dụng thiết thực đối với việc triển khai thực hiện công tác TTĐN của các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới. (Infonet.vn 4/11) Về đầu trang

PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI

Hương Thủy: Dân đua nhau chạy lên núi vì tin đồn vỡ đập


Tối 4/11, nhiều hộ dân tại các thôn Vó Xá, Tân Ba, An Ninh, Bằng Lãng (xã Thủy Bằng) đã đua nhau chạy lên núi trú ngụ vì nghe tin đồn vỡ đập.
Người dân tại các thôn này cho biết, trước đó vào chiều cùng ngày họ nghe một số người dân nói rằng có vỡ đập trên Dương Hòa, nên phải nhanh chóng chạy lên núi. Nghe được tin này, nhiều người đã bồng bế con cái, lương thực, thực phẩm để chạy lên núi trú ngụ.
Nhiều người còn gọi điện cho người thân ở TP.Huế yêu cầu trợ giúp bằng cách mua thêm dầu hỏa, lương thực và card điện thoại để chuẩn bị ứng phó với nước dâng.
Trả lời Thanh Niên Online, ông Lê Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) xác nhận, người dân các thôn thuộc hạ lưu xã Thủy Bằng hoang mang lo lắng vì nghe thông tin đập của Công trình hồ chứa Tả Trạch (xã Dương Hòa) sẽ vỡ sau những ngày mưa lớn. Tại thôn Tân Ba, Võ Xã, Bằng Lãng, một số hộ dân khi nghe tin đồn hồ Tả Trạch sẽ vỡ đã vận chuyển đồ đạc, tài sản di tản lên vùng núi cao.

Ông Thìn cho biết thêm, ngay sau khi nắm được thông tin, UBND xã đã cử người túc trực, có phương án phòng khi lũ bất thường, đồng thời liên lạc với UBND xã Dương Hòa để nắm thông tin; sử dụng các phương tiện truyền thanh của địa phương để tuyên truyền cho người dân hiểu, tránh hoang mang. “Do những ngày mưa lớn vừa qua, nước ở thượng nguồn vùng Nam Đông đổ về, hồ Tả Trạch mức nước chỉ qua đập tràn nên không có chuyện xả lũ, vỡ đập như tin đồn”, ông Thìn nói.


Về phía chính quyền xã Dương Hòa, ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư đảng ủy xã cho biết, hiện nay tình hình hồ chứa nước vẫn an toàn. Tuy nhiên, do có công điện của Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh về diễn biến mưa lũ và phương án ứng phó nên UBND xã có triển khai lực lượng đi các thôn để nắm tình hình chuẩn bị phòng chống bão lụt của dân vùng thấp và ven sông.
Ông Ngô Thông, Giám đốc Ban quản lý dự án Tả Trạch, cho biết mực nước tại hồ vào lúc 21 giờ ngày 4.11, là +37m, chuẩn bị qua tràn. Hiện tại hồ Tả Trạch đang cắt lũ cho hạ lưu rất tốt. “Tôi đang đứng ngay đập tràn đây, hồ đập an toàn tuyệt đối”, ông Thông khẳng định.
Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng thường trực Ban PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trên cao, hai ngày qua tại Thừa Thiên- Huế có mưa lớn. Để chủ động ứng phó lũ lụt, chiều 4/11, Ban thường trực PCTT và TKCN tỉnh đã có công điện yêu cầu các địa phương chủ đông triển khai các phương án phòng chống lũ lụt, trong đó đề phòng mưa lớn gây lũ, lũ quét tại các vùng núi và của sông. Có thể do người dân không hiểu rõ thông tin trong công điện đã nhầm lẫn. (Thanh Niên Online 4/11; Thanh Niên 5/11, tr4) Về đầu trang

GIAO THÔNG

Phê duyệt chủ trương đầu tư đường liên xã Quảng Vinh - Quảng Lợi nối tỉnh lộ 4


UBND tỉnh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư đường liên xã Quảng Vinh - Quảng Lợi nối tỉnh lộ 4, huyện Quảng Điền, với tổng mức đầu tư 31 tỷ đồng.
Công trình được đầu tư với quy mô dài khoảng 2 km, điểm đầu giao tỉnh lộ 11A tại nút giao với đường Tứ Phú - Đức Trọng, điểm cuối giao đường vào Khu công nghiệp Quảng Vinh; nền đường rộng 9 mét, mặt đường rộng 7 mét; công trình trên tuyến gồm 01 cầu dài khoảng 36 mét và các cống ngang. (Xây Dựng 3/11, tr2) Về đầu trang

Phong Điền: Xe máy va vào ô tô, 2 người tử vong


Ngày 4/11, trên Quốc lộ 1A, đoạn qua thôn Đồng Lâm, xã Phong An xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 2 người tử vong.
Xe ôtô tải biển kiểm soát 75C- 00122 do tài xế tên Long, trú tại xã Phong An điều khiển chở sắn lưu thông theo hướng Bắc-Nam. Khi vừa qua khỏi cầu vượt đường sắt, rẽ trái vào Nhà máy tinh bột sắn Phong Điền để nhập sắn thì xảy ra tai nạn với xe máy biển kiểm soát 47P9 -3805 chạy hướng ngược lại. Cú va chạm mạnh khiến phần đầu chiếc xe máy hư hỏng nặng, 2 người trên xe máy là anh Nguyễn Văn Tuy, trú tại thôn Trạch Phổ, xã Phong Hòa (Phong Điền) tử vong; Anh Nguyễn Văn Phép, trú cùng thôn bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên-Huế nhưng đã tử vong ngay sau đó.

Lực lượng cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế và Công an huyện Phong Điền đã có mặt kịp thời phân luồng giao thông, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. (VOVNews 4/11; Giáo Dục & Thời Đại Online 4/11; Người Lao Động Online 4/11; Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Online 4/11; Lao Động Online 4/11; Nhân Dân Online 4/11) Về đầu trang


VỆ SINH – AN TOÀN THỰC PHẨM

TP Huế: Sữa Dutch Lady hết hạn vẫn được mang bán


Ngày 3/11, tại quán cà phê New York (số 3 Đống Đa), khách hàng bất ngờ phát hiện 16 hộp sữa tươi “Cô gái Hà Lan”, nhãn hàng Dutch Lady (loại sữa tiệt trùng không đường,180ml...) hết hạn sử dụng vẫn được mang bán.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy trên các hộp sữa Dutch Lady hiệu Cô gái Hà Lan ghi ngày sản xuất là 22/12/2014 và hạn sử dụng là 22/6/2015.
Trước sự việc bất thường trên, nhiều người dân đang uống cà phê tại đây đã hiếu kỳ chạy đến xem, đồng thời gọi điện cho người thân kiểm tra ngay hạn sử dụng loại sữa như trên gia đình đang sử dụng.
Anh Nguyễn Xuân V, chủ quán New York buộc phải kiểm tra toàn bộ số sữa mà mình đã nhập về, qua đó tiếp tục phát hiện, trong một thùng sữa có 4 lốc sữa đã quá hạn sử dụng. Trong đó có 3 lốc sữa (12 hộp) ghi ngày sản xuất ngày 22/12/2014, hạn sử dụng ngày 22/6/2015 và 1 lốc sữa (4 hộp) ghi ngày sản xuất ngày 22/3/2015 và hạn sử dụng ngày 22/9/2015.
Cùng với khách hàng, chủ quán cà phê giữ nguyên toàn bộ số hộp sữa nói trên; đồng thời liên hệ với đại diện của Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam. Đến hơn 11 giờ cùng ngày, ông Đàm Quang Huy - Giám đốc phụ trách điều hành kinh doanh của Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam đã đến tiếp nhận, ghi biên bản sự việc. Ông Huy thừa nhận đây đúng là sữa nhãn hàng Dutch Lady của công ty; đồng thời tiếp nhận thông tin để báo cáo lãnh đạo công ty tìm hướng giải quyết. (Thanh Tra Online 4/11) Về đầu trang

PHÁP LUẬT

TAND tỉnh tổng kết, rút kinh nghiệm công tác xét xử


Ngày 3/11, TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm công tác xét xử năm 2015 và tập huấn nghiệp vụ án hành chính.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Đào Thị Mai Hường – Chánh án TAND tỉnh đã đánh giá rất cụ thể về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2015 của TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 2015, TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế thụ lý và giải quyết 3.019/3.136 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 97,2%. Mặc dù TAND hai cấp Thừa Thiên - Huế đã đạt được những kết quả trong giải quyết các loại án đáng ghi nhận nhưng vẫn còn tồn tại một số thiếu sót cần rút kinh nghiệm để giải quyết tốt hơn trong năm 2016... (Công Lý 4/11, tr7) Về đầu trang

AN NINH – QUỐC PHÒNG

Phát hiện xử lý bom ‘khủng’, đạn pháo ‘khổng lồ’


Ngày 4/11, Đội xử lý bom mìn lưu động thuộc dự án Giảm thiểu nguy cơ bom mìn (ERRP) tỉnh hợp tác với tổ chức Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) đã cất bốc, phá hủy thành công 2 quả bom do Mỹ sản xuất, ký hiệu MK82, mỗi quả nặng khoảng 227 kg, dài 1,5 m tại bãi hủy nổ tập trung ở thôn Tân Hội (xã Điền Lộc, Phong Điền).
Trước đó, nhận thông tin của người dân thôn A Linh (xã Hồng Kim, huyện A Lưới), đội rà phá đã có mặt và phát hiện 2 quả bom chưa nổ, nằm dưới hẻm núi sâu. (Thanh Niên Online 4/11; Thanh Niên 5/11, tr4; Nhân Dân 5/11, tr8) Về đầu trang

Bộ Tổng tham mưu: Tập huấn về công tác quân sự, quốc phòng


Sáng 4/11, tại Đoàn An điều dưỡng 295 (Quân khu 3), Bộ Tổng tham mưu tổ chức Hội nghị tập huấn tài liệu diễn tập xã, phường, thị trấn; chương trình, giáo trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (QPAN); chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp quân sự cơ sở.
Tham gia lớp tập huấn có gần 400 cán bộ thuộc các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các học viện, nhà trường trong quân đội, các quân khu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các quân chủng, binh chủng, binh đoàn, Bộ CHQS các tỉnh, thành phố, lãnh đạo khoa quân sự các trường đại học, cao đẳng, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thừa Thiên-Huế trở ra.
Trong thời gian 3 ngày, các cán bộ tham gia lớp tập huấn sẽ được học tập, quán triệt 6 chuyên đề gồm: Thông tư 96/2015/TT-BQP ngày 31-8-2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở và hướng dẫn thực hiện; hướng dẫn thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng; Thông tư liên tịch quy định tổ chức hoạt động của trung tâm giáo dục QPAN của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học; tổ chức, phương pháp giới thiệu các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng 2, 3, 4; Triển khai hướng dẫn thực hiện tài liệu tổ chức, phương pháp diễn tập chiến đấu phòng thủ xã, phường, thị trấn.(Quân Đội Nhân Dân Online 4/11; Quân Đội Nhân Dân 5/11, tr1+3) Về đầu trang

GIÁO DỤC

Phú Vang: Vụ trường học sụt lún 1m, sẽ đầu tư xây trường mới 12 tỷ đồng


Liên quan đến vụ việc trường THPT Thuận An sụt lún 1m, ngày 4/11, UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã thống nhất chủ trương xây dựng lại ngôi trường mới 3 tầng, 18 phòng học với tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng.

Trước đó, như Vĩ An đã thông tin, trường THPT Thuận An được Sở GD&ĐT đầu tư xây dựng từ năm 2002. Công trình do Viện Nghiên cứu thiết kế trường học, Bộ GD&ĐT thiết kế, Công ty Kinh doanh nhà Thừa Thiên- Huế thi công. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm đưa vào sử dụng, công trình trường học bắt đầu có hiện tượng sụt lún bất thường. Đến tháng 10, nền móng công trình này sụt lún đều hơn 1m... khiến nhiều phòng học tầng 1 ngập nước, nhà trường đành di dời 700 học sinh sang học các phòng tạm ở hành lang và phòng chức năng.


Theo ông Lê Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Thừa Thiên- Huế thì ngay sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã tổ chức khảo sát, kiểm định cơ sở hạ tầng trường THPT Thuận An. Kết quả khảo sát cho thấy ngôi trường có kết cấu bê tông và bê tông cốt thép không phù hợp yêu cầu tiêu chuẩn TCVN 9346-2012.

Kết luận Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Thừa Thiên- Huế khẳng định: mác bê tông thiết kế trường Thuận An không phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 9346-2012.


Khảo sát khung dầm có nhiều cột bị hư hỏng nặng, nứt bê tông lộ thép, thấm nước gây gỉ sét thép trên 50%; chất lượng bê tông cấu kiện đạt M200# không phù hợp tiêu chuẩn yêu cầu bảo vệ chống ăn mòn trong môi trường biển (M250#)... Theo đó, Trung tâm cho rằng biện pháp sửa chữa, gia cường kết cấu sẽ không làm tăng tuổi thọ của công trình và đề xuất phương án xây mới.
Được biết, ngoài ngôi trường 3 tầng, hiện khu nhà hiệu bộ và nhà đa chức năng nằm trong khuôn viên trường THPT Thuận An cũng đang có hiện tượng sụt lún và xuống cấp tương tự. Cả 3 công trình này trước đó đã được xây dựng với tổng kinh phí 6 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ sử dụng trong khoảng 12 năm thì đã xảy ra hiện tượng sụt lún trên. (Công An Nhân Dân Online 4/11; Tiền Phong 5/11, tr2) Về đầu trang

VĂN HÓA

Nhiều ý kiến khác nhau về lăng mộ Vua Quang Trung tại Huế


Các nhà nghiên cứu khảo sát thực địa khu vực được cho là Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế VH- Những thông tin về dấu tích Cung điện Đan Dương và lăng mộ Vua Quang Trung được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tìm tòi, nghiên cứu (đã được in sách năm 2007) lại một lần nữa nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau tại hội thảo khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế do Sở VHTTDL và Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức.
Suốt gần 30 năm theo đuổi, tìm tòi và nghiên cứu các tư liệu lịch sử quan trọng, ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế và lăng mộ Vua Quang Trung cũng được chôn cất tại đây. Những tư liệu mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra có cả tư liệu trong nước lẫn các tài liệu của một số nhân chứng phương Tây. Với tư liệu trong nước, trong sách Lê Quý dật sử của Bùi Dương Lịch (1757-1828) cho rằng sau khi lên ngôi, Vua Quang Trung cho đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện. Ông Xuân nhận định rằng cung điện này ở phía Nam sông Hương và gần chùa Thiền Lâm.
Ông Xuân cũng đưa ra những tư liệu từ các bài thơ của Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích có nhắc đến hoặc liên quan đến Cung điện Đan Dương. Trong bài thơ Cảm hoài của Ngô Thời Nhậm, vị quan thân cận của Hoàng đế Quang Trung, khi đi sứ sang Trung Quốc có câu: “Đan Dương cung điện nhật tam thu” (Trông về điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu). Tác giả Ngô Thời Nhậm có nguyên chú rằng: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.
Ông Xuân cũng đưa ra nhiều tác phẩm của Ngô Thời Nhậm có nhắc đến Đan lăng, như bài Khâm vãn Đan Dương Lăng (Kính viếng lăng Đan Dương); bài Sóc vọng thị tấu nhạc, Thái Tổ miếu, cung ký (Ngày lễ rằm, mồng một tấu nhạc miếu Thái Tổ, kính ghi); bài Tòng giá bái tảo Đan Lăng, cung ký (Theo xa giá đi bái tảo Đan Lăng, kính ghi).
Tiếp đó, Phan Huy Ích trong một bài thơ cũng có viết nguyên dẫn: “Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ, nằm phía Nam sông Hương, nha thuộc cũng đến ở chung quanh chùa”; và câu nguyên chú “lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu” (Thơ văn Phan Huy Ích II, Dụ Am Ngâm Lục, NXB Khoa học xã hội – Hà Nội 1978, tr 122-124). Từ đây ông Xuân cho rằng lăng mộ mà tiểu giám canh giữ là lăng Vua Quang Trung, nằm gần chùa Thiền Lâm.

Kết nối từ những tư liệu lịch sử này, ông Xuân khẳng định rằng thời chúa Nguyễn Phúc Khoát có xây dựng Cung điện Mùa Đông ở Nam sông Hương (tức phủ Dương Xuân, nay thuộc địa phận phường Trường An, TP Huế); sau đó thời Tây Sơn chọn làm Cung điện Đan Dương và là nơi an táng Vua Quang Trung. Đến năm 1801 thì bị vua Gia Long phá hủy. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết từ những khẳng định này, ông cũng đã khảo sát thực địa khu vực được xem là Phủ Dương Xuân/Cung điện Đan Dương và nhận thấy có nhiều dấu tích quan trọng như: Gạch đá lạ dưới lòng đất nhà vườn của dân cư trong khu vực; nhiều đá táng cột; giếng cổ- giếng loạn…


Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng phủ Dương Xuân là Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn và là lăng mộ Vua Quang Trung
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phản biện của các nhà nghiên cứu khác tại Huế. Sau khi khảo sát các bài thơ của Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích cũng như các dẫn chứng lịch sử, các chuyến khảo sát thực địa nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng không có Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế; mà chỉ có một lăng Đan Dương (gọi tắt là Đan lăng) là nơi an táng Vua Quang Trung. Ông Vinh đề nghị: Cần minh chứng về tư liệu khảo cổ học với những di tích, di vật trực tiếp thời Tây Sơn có liên quan đến cung điện và lăng mộ Vua Quang Trung; đồng thời làm rõ phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn đến lúc quân Trịnh chiếm đóng (1775-1786) có còn tồn tại hay không, và sau đó Tây Sơn đã sử dụng ra sao…
Tác giả Nguyễn Anh Huy lại cho rằng cả hai bài thơ của Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích đều là văn bản không chuẩn. Câu thơ quan trọng nhất trong Cảm hoài của Ngô Thời Nhậm được trích dẫn là: “Đan Dương cung điện phụng ngã (hai chữ để trống) tiên hoàng tàng bảo y chi sơn…”. Chữ ngã tự rất giống chữ vũ. Nếu có bản gốc đầy đủ số chữ và chính xác từng chữ thì không thể dịch là “Cung điện Đan Dương là Sơn lăng kính giữ bảo y tiên hoàng ta”. Hay bản nguyên chú của Phan Huy Ích viết về thái sư Bùi Đắc Tuyên nhưng lại viết nhầm chữ Nghi, rồi bị gạch và viết thêm chữ Tuyên. Nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang (Phân viện VHNT Việt Nam tại Huế) cho rằng: Các văn bản của Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích đều do người đời sau sao chép, phần lớn là từ thời Tự Đức về sau nên độ tin cậy không cao. Tác giả này cũng dẫn chứng nhiều văn bản có chữ Đan Dương để chứng minh rằng “Đan dương hoặc đan lăng là danh từ chung, nhằm chỉ lăng tẩm của bậc đại vương chứ không phải tên của một ngôi lăng Vua Quang Trung”.
TS Nguyễn Nhã (Hội KHLS Việt Nam) cho rằng: Không chỉ nghiên cứu về Cung điện Đan Dương hay lăng mộ Vua Quang Trung, mà cũng nên quan tâm đến khu di tích núi Bân- ngọn núi duy nhất là nơi đăng quang của một vị hoàng đế ở Việt Nam. “Ở Bân Sơn, chúng ta nên có một bảo tàng về triều đại Tây Sơn. Bảo tàng này sẽ trưng bày những hiện vật liên quan đến triều Tây Sơn và Vua Quang Trung. Nếu làm được, đây sẽ điểm tham quan lịch sử văn hóa được công chúng quan tâm”, TS Nguyễn Nhã nói.
Kết luận tại hội thảo, GS Phan Huy Lê cho rằng đã xác định được các vấn đề quan trọng: Thứ nhất, chùa Thiền Lâm là nơi thái sư Bùi Đắc Tuyên từng chiếm dụng làm nơi làm việc; thứ hai, các tư liệu của Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích là những tài liệu quý giá trong việc nghiên cứu về cung điện Đan Dương và lăng mộ Vua Quang Trung hiện có được. GS Phan Huy Lê cũng đề xuất cần có cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực chùa Thiền Lâm mở rộng để có thêm những cứ liệu cho công tác nghiên cứu này. (Văn Hóa 4/11, tr7) Về đầu trang

Lê Thu Hà được chọn thi Hoa hậu Liên lục địa 2015


Mới đây, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn xác nhận đã làm thủ tục cấp phép Lê Thị Hà Thu-Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2014 lên đường sang Magdeburg (Đức) để tham gia cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa 2015 (Miss Intercontinental 2015).
Lê Thị Hà Thu sinh năm 1992, đến từ TP. Huế. Cô từng theo học tại khoa Du lịch – Đại học Huế. Vào khoảng 4/12, Lê Thị Hà Thu sẽ lên đường sang Đức để bắt đầu tham gia cuộc thi Miss Intercontinental 2015.
Kể từ khi đoạt giải Á hậu 1 Hoa hậu Đại dương 2014 đến nay, Hà Thu liên tục xuất hiện trong các hoạt động thời trang lớn nhỏ trong nước, tham gia trình diễn và xuất hiện tại các sự kiện... (Lao Động Online 4/11; Quân Đội Nhân Dân 5/11, tr5) Về đầu trang

Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng 2015: 17 thí sinh tại điểm thi Huế


Cuộc thi “Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng” 2015 có chủ đề “Vẻ đẹp của sự thông minh”, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam và T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức.
Theo ban tổ chức, cuộc thi năm nay có hơn 1.400 thí sinh đăng ký tham dự. Sau vòng sơ khảo, ban giám khảo gồm PGS. TS Nhân trắc học Mai Văn Hưng, NSND Minh Hoà và Á hậu Hoa hậu Việt Nam 2012 Dương Tú Anh, đã lựa chọn được 90 thí sinh xuất sắc nhất. Trong đó có 10 thí sinh tại điểm thi Hải Phòng, 24 thí sinh tại điểm thi Hà Nội, 17 thí sinh tại điểm thi Huế, 8 thí sinh tại điểm thi Đà Nẵng, 11 thí sinh tại điểm thi Đà Lạt và 20 thí sinh tại điểm thi TPHCM. Ngoài ra có 3 thí sinh đủ tiêu chuẩn được đặc cách (đủ điều kiện theo Thể lệ của cuộc thi).
Sau vòng sơ khảo, cuộc thi “Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng” 2015 đã chọn ra 93 thí sinh xuất sắc nhất vào vòng bán kết khu vực sẽ diễn ra tại 3 điểm thi gồm: Hà Nội (16/11), Đà Nẵng (18/11) và TPHCM (20/11). (Tiền Phong 5/11, tr7) Về đầu trang

DU LỊCH

Đầu tư 9.000 tỷ đồng để Huế thành điểm đến du lịch tầm cỡ quốc tế


Thừa Thiên-Huế tập trung đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng để xây dựng Huế thành đô thị xanh của Việt Nam - điểm đến du lịch mang tầm quốc tế.
Kế hoạch này được chia thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn từ 2016-2020 đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2030 đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, xây dựng Huế thành một đô thị xanh, phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên đặc biệt là trùng tu khu kinh thành, điểm di tích, điểm đặc trưng thu hút du lịch của Huế.
Đây là mô hình phát triển mới, phù hợp với đặc điểm riêng có của thành phố Huế, là mục tiêu xuyên suốt của kế hoạch hành động thành phố xanh Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.
Ngoài một số dự án đã được bố trí nguồn vốn để triển khai giai đoạn 2016-2020, Thừa Thiên-Huế tập trung huy động vốn từ các nguồn bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA vận động từ các nhà tài trợ đa phương như ADB, WB, OFID hoặc từ nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary… (VietnamPlus.vn 4/11; Thời Báo Ngân Hàng 5/11, tr15; TTXVN 4/11; Công An Nhân Dân 5/11, tr1; Nông Thôn Ngày Nay 5/11, tr2; Kinh Tế & Đô Thị 5/11, tr3) Về đầu trang

XÃ HỘI

Hương Trà: Cần đào tạo nghề, hướng nghiệp cho dân tái định cư xã Bình Thành


Không được giao đất như đã hứa, chục năm qua gần 250 hộ dân tái định cư ở xã Bình Thành đã làm nhiều nghề để kiếm sống mặc dù thu nhập không đáng bao nhiêu.
Chính quyền địa phương rất thương dân, nhưng sớm tỏ ra bất lực vì quỹ đất sản xuất trên địa bàn đã cạn. Chờ để tiếp tục làm nông dân hay mạnh dạn dứt bỏ để làm dịch vụ, nhân công, công nhân hay… doanh nhân là một câu hỏi lớn, mà bản thân họ không thể tự trả lời.
Gần 250 hộ dân nông nghiệp này được chuyển đến xã Bình Thành làm hai đợt. Đợt đầu vào năm 2004, do ảnh hưởng dự án xây dựng hồ Tả Trạch do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư. Số dân này được bố trí vào ba khu tái định cư Hòa Thành, Hòa Bình, Bình Dương. Trước khi tiến hành di dời, chính quyền địa phương đã tiến hành họp dân. Tại đây chủ đầu tư hứa sau khi đến nơi ở mới người dân sẽ được cấp đất sản xuất bằng số diện tích đã nhường lại cho lòng hồ.
Đến năm 2006, xã Bình Thành tiếp tục nhận 47 hộ đồng bào Ca-tu được dời đến khu tái định cư Bồ Hòn sau khi nhường đất để thực hiện dự án xây dựng thủy điện Bình Điền. Theo phản ánh của người dân, trước khi di dời chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã hứa đến nơi ở mới, mỗi hộ được cấp từ 1- 2 ha để sản xuất.
Vậy nhưng khi đến nơi ở mới, chục năm qua người dân bị ảnh hưởng bởi hai dự án đã ‘ngộ” ra chính quyền không còn đất để trả cho họ. Bởi theo ông Trương Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Thành thì trong quá khứ, huyện, tỉnh đã quyết định giao toàn bộ 2.000 ha đất sản xuất trên địa bàn cho các tổ chức, cá nhân để trồng rừng. Trước cơn khát đất của dân, xã nhiều lần đề nghị huyện, tỉnh thu hồi một phần để giải quyết cho dân tái định cư nhưng đến nay chưa có phản hồi.
Câu chuyện di dân đến nơi không có đất sản xuất ở Bình Thành, Hương Trà không còn là chuyện mới ở Thừa Thiên- Huế. Nhiều năm qua, tại các cuộc họp HĐND tỉnh, vấn đề này đã được đưa ra, song chưa có hướng giải quyết. Khi được hỏi, người phát ngôn của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thừa nhận địa phương chỉ là đối tác. Những vấn đề còn lại lại thuộc về bộ NN&PTNT. Vì thế, mới đây Bộ đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho sử dụng 70 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu để chi trả cho dân thay vì trả đất như đã hứa.
Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng khi hay tin có thể nhận tiền thay đất nhiều hộ dân đã bắt đầu băn khoăn, bởi hàng chục năm qua, kể từ khi sinh ra đến nay số dân này đều dựa vào đất và rừng. Bây giờ không có đất, đồng nghĩa họ sẽ phải làm quen với cuộc sống mới, hay nói khác đi là phải chủ động tìm công việc mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Ông Nguyễn Đình Đèn, người dân tái định cư thôn Hòa Bình cho biết chục năm qua, trong lúc chờ được cấp đất ông và bà con trong vùng cũng thử qua nhiều nghề, có cả nghề thợ đụng, tức ai kêu gì làm đó, nhưng chưa có nghề nào là ổn định lâu dài. Thu nhập từ thợ đụng vùng nông thôn cũng chỉ giải quyết được một phần chi tiêu, bởi nhu cầu lao động chưa nhiều, thêm nữa là thời tiết khắc nghiệt, không ủng hộ công việc ngoài trời nên đời sống người dân rất khó khăn. Nhiều thanh niên trong vùng đã phải chấp nhận bỏ học, vào Nam kiếm sống từ rất sớm. Một số hộ dân đã tái nghèo trong vài năm gần đây.(Nhân Dân Online 4/11) Về đầu trang

TIN VẮN

Công ty Cổ phần Đại Nam vừa trao 26 suất học bổng giúp học sinh, sinh viên con nhân viên và gia đình lao động nghèo tại 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế và Trà Vinh. (Sài Gòn Giải Phóng 5/11, tr5) Về đầu trang


Đêm nhạc Sol Vàng, chủ đề "Y Moan – Huyền thoại cao nguyên" sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 14/11 tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) và truyền hình trực tiếp trên VTV9, tiếp sóng trên VTV Huế. (Đại Đoàn Kết 5/11, tr9; Giao Thông 5/11, tr13) Về đầu trang

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, do mưa lớn nên lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa lên cao, trong đợt lũ này các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 1, báo động 2, có nơi trên báo động 2. (Quân Đội Nhân Dân 5/11, tr8) Về đầu trang


Ngày 3/11 tại thành phố Huế, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển thủy sản bền vững các tỉnh miền Trung, từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên - Huế. (Nông Nghiệp Việt Nam 5/11, tr13; Văn Hóa 4/11, tr5) Về đầu trang
Sáng 2/11, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế đã tiến hành xạ phẫu để điều trị một khối u lớn ở gan cho bệnh nhân ung thư bằng hệ thống máy xạ trị gia tốc Axesse Elekta. (Khoa Học & Đời Sống 4/11, tr23) Về đầu trang

Mới đây, Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng (Sở Xây dựng) Thừa Thiên - Huế đã tiến hành khảo sát, kiểm định chất lượng công trình khu nhà 3 tầng của Trường THPT Thuận An. Kết quả cho thấy, nguyên nhân khiến khu nhà sụt lún nghiêm trọng là do nền móng không đảm bảo. (Giáo Dục & Thời Đại 5/11, tr12) Về đầu trang./.





tải về 89.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương