BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 28 tháng 9 năm 2015)


Dự án 600 trí thức trẻ làm PCT xã: Nhiều PCT xã muốn tiếp tục được ở lại địa phương



tải về 289.38 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích289.38 Kb.
#35569
1   2   3   4

Dự án 600 trí thức trẻ làm PCT xã: Nhiều PCT xã muốn tiếp tục được ở lại địa phương


Thực hiện Dự án tăng cường 600 tri thức trẻ lên công tác tại vùng miền núi đặc biệt khó khăn, tháng 3 năm 2012, huyện Nam Trà My tiếp nhận 10 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND 10 xã vùng cao.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định, hầu hết các Phó Chủ tịch xã của Dự án 600 phát huy tốt, giúp dân xóa đói, giảm nghèo: “Tôi thấy đội ngũ 600 trí thức trẻ rất tâm huyết, giúp rất nhiều cho xã. Có nhiều cán bộ được lòng dân.
Từ đó giúp người dân rất nhiều. Có đội ngũ này về, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin cũng như cách làm việc hiện đại hơn. Họ đã giúp cho đội ngũ lãnh đạo xã có 1 cách làm mới, hiệu quả. Góp phần mạnh mẽ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cụ thể tại địa phương họ công tác. Nhìn chung cán bộ 600 rất là tốt. tôi nghĩ rằng nên phát huy đội ngũ này”.
Các huyện nghèo như Nam Trà My đang tập trung xóa đói giảm nghèo, rất cần một đội ngũ trí thức trẻ, có năng lực và trách nhiệm cao như các đội viên Dự án 600. Sắp tới đây, khi Dự án này kết thúc, nếu các cán bộ trẻ đang làm Phó Chủ tịch UBND xã không được bổ nhiệm lại không những có những tác động bất lợi về chính sách tăng cường cán bộ trẻ của Dự án 600, mà còn gây nên sự lúng túng đối với các xã đặc biệt khó khăn. Các huyện miền núi nghèo đang rất cần đội ngũ trí thức trẻ góp sức tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương. (VOVNews 27/9)Về đầu trang

Đào tạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số ở Quảng Nam


Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chế độ, chính sách thiết thực trong công tác đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, số lượng và chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS trên địa bàn tỉnh tăng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh khẳng định: Thời gian qua, đội ngũ CBCCVC người DTTS ở địa phương đã trưởng thành đáng kể. Công tác tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển CB người DTTS thường xuyên được quan tâm. Việc tuyển dụng, phân công, bố trí công tác CBCC phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo; phần lớn CB người DTTS khi tiếp nhận công tác đều phát huy được chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ CB người DTTS làm việc ở cấp xã còn thấp; một bộ phận CB chưa tâm huyết với công việc được giao, còn tư tưởng chủ quan, ỷ lại, trông chờ vào chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước… (Nhân Dân 27/9, tr3)Về đầu trang

Vì sao dân từ chối nhận tiền xây nhà tránh lũ?


Từ cuối năm 2014, tỉnh Quảng Nam triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng nhà phòng, chống thiên tai theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay nhiều nhà vẫn chưa thể khởi công, một số nơi người dân từ chối nhận hỗ trợ vì mức hỗ trợ quá thấp, không đủ để xây dựng nhà kiên cố, dù rằng tỉnh đã chủ trương tăng mức hỗ trợ.
Theo đề án hỗ trợ xây dựng nhà phòng chống thiên tai của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, toàn tỉnh sẽ có 3.563 hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai sẽ có cơ hội ổn định chỗ ở. Theo đó, nhà nước hỗ trợ mỗi hộ từ 12-16 triệu đồng, được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay tối đa 15 triệu đồng.
Thành phố Tam Kỳ, theo đề án đã duyệt có 30 hộ được hưởng lợi xây nhà, tuy nhiên đến nay chưa có hộ nghèo nào khởi công xây dựng nhà ở theo đề án vì số tiền hỗ trợ thấp. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch xã Tam Thanh (Tam Kỳ), cho biết: “Với số tiền đó thì quá thấp, dân nghèo làm sao làm được nhà kiên cố. Vay mượn thêm thì dân nghèo biết lấy gì trả. Vì tiền hỗ trợ thấp nên nhiều hộ dân đã từ chối nhận tiền”.
Tại Hội An, theo đề án đã phê duyệt, thành phố có 127 nhà hộ nghèo được phân bổ hỗ trợ trong 2 năm 2015 - 2016, sau khi kiểm tra, rà soát hiện trên địa bàn còn 87 nhà thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Theo kế hoạch năm 2015 Hội An phải hoàn thành thực hiện 60% tổng số nhà của đề án, tuy nhiên đến nay mới giải quyết hỗ trợ xây dựng cho 3 trường hợp với số tiền 30 triệu đồng.
Ông Lê Viết Phúc, Trưởng phòng LĐTB&XH thành phố Hội An, cho biết: hầu hết hộ nghèo trên địa bàn là các hộ thuộc diện già cả và ốm đau, trong khi hỗ trợ thấp, điều kiện kinh tế của các hộ rất khó khăn, không có sự tích lũy để đảm bảo tiến hành xây dựng mới ngôi nhà. Do đó, khi được đặt vấn đề về hỗ trợ kinh phí thì một số hộ còn ngần ngại tiếp nhận kinh phí.
Ngoài ra, do đặc trưng, hầu hết nhà ở hộ nghèo là nhà đã xuống cấp trầm trọng nên khi tiến hành tháo dỡ để sửa chữa thì không đảm bảo kết cấu theo quy định… Để đảm bảo hoàn thành theo số lượng đề ra, Hội An cần có thời gian để tổ chức tuyên truyền, vận động hộ gia đình, kêu gọi sự đóng góp hỗ trợ của tộc họ và các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các hộ dân.
Tương tự, nhiều hộ nghèo ở xã Quế Trung (Nông Sơn) có nhà cửa xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ nhưng họ vẫn một mực từ chối nhận tiền theo QĐ 48. Theo người dân nơi đây, muốn xây nhà tối thiểu 60 triệu đồng, nhưng tiền nhà nước hỗ trợ và tiền vay ngân hàng chỉ mới được 30 triệu, trong khi dân nghèo còn phải chạy ăn từng bữa.
Vì không muốn dính vào nợ nần nên nhiều gia đình ở Quế Trung kiên quyết không nhận tiền hỗ trợ khiến chính quyền địa phương lúng túng. Qua khảo sát, trên địa bàn huyện Nông Sơn có 702 đối tượng hưởng lợi QĐ48, năm 2015 có 67 hộ được duyệt xây nhà.
Nếu vận dụng chính sách cứng nhắc xây nhà mới ở vị trí cao ráo, thì số hộ thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, chính quyền địa phương chủ yếu hỗ trợ để người dân cải tạo, nâng cấp nhà ở là chính.
Xã Đại Lãnh (Đại Lộc) là địa phương thí điểm xây nhà phòng chống thiên tai của chương trình trước khi QĐ48 từ năm 2013, đến nay các căn nhà đã giúp người dân vùng rốn lũ vơi bớt nỗi lo mưa lũ. Tuy nhiên, để làm nhà, hầu hết các hộ phải vay mượn,đầu tư thêm từ 30–50 triệu đồng. Nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần.
Sở Xây dựng Quảng Nam cho biết, đã rà soát còn 2.587 hộ được hỗ trợ xây nhà phòng chống thiên tai theo QĐ48, trong đó, có 1.837 hộ cần xây mới, 750 hộ cải tạo nhà ở. Tổng kinh phí thực hiện gần 138 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay ngân sách Trung ương mới phân bổ qua 2 đợt là 10 tỷ đồng. Theo Sở Xây dựng, việc thực hiện Quyết định 48 còn ách tắc do chờ đợi vốn Trung ương cấp về, trong khi các địa phương mất thời gian rà soát, lựa chọn đối tượng.
Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: để tháo gỡ khó khăn cho người nghèo xây nhà, ngoài mức hỗ trợ, mức vay theo đề án được duyệt, UBND tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ đối tượng thuộc diện xây mới tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn 3 triệu đồng/hộ, tại các vùng còn lại hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ; hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc diện sửa chữa nhà tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn 1,5 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, có thể huy động thêm các nguồn vốn từ chương trình “Quỹ vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ VN tỉnh phát động. Hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hướng dẫn các chi nhánh ngân hàng cấp huyện, thành phố trực thuộc tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết nhanh thủ tục cho vay. (Tiền Phong Online 28/9)Về đầu trang

Nín thở "nghe mối gặm cột" nhà hàng trăm tuổi ở Hội An


Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện có 58 di tích cổ xuống cấp có nguy cơ sụp đổ trong mùa mưa bão, trong đó 38 di tích xuống cấp nặng.
Các di sản kiến trúc ở đô thị cổ Hội An được xây dựng ở niên đại 19 là những tác phẩm kiến trúc đa quốc gia tuyệt vời. Đặc biệt, các ngôi nhà cổ ở Hội An đều có gắn bộ phận “mắt cửa”, đó là phần chốt gỗ được chạm trổ những hình bát quái; hoa 8 cánh có nhụy là vòng tròn lưỡng nghi... Nó giống như đôi mắt thần giữ nhà giữ cửa để mang lại bình yên cho ngôi nhà.
Tuy nhiên, những kiến trúc từ thế kỉ 16, 17 đang phải đối mặt với sự xuống cấp trầm trọng bởi sự tàn phá của thời gian và bởi những đổi thay của con người.
Đã đến lúc chính quyền địa phương cần có phương án nhanh chóng giải quyết các hồ sơ yêu cầu được tu sửa cũng như kịp thời hỗ trợ vốn cho các di tích, kiến trúc cổ cần bảo tồn trước khi quá muộn. (Baophapluat.vn 26/9) Về đầu trang

Hội An ‘mạnh tay’ cứu nhà cổ trước nguy cơ đổ sập


Trước thực trạng 15 ngôi nhà cổ trong khu phố cổ Hội An xuống cấp ngày một nghiêm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, chính quyền TP Hội An thống nhất chọn phương án “mạnh tay” để trùng tu, phục dựng lại di tích…
Qua làm việc với lãnh đạo Trung tâm Quản lý bảo tồn (QLBT) Di sản văn hóa Hội An, được biết, phố cổ Hội An hiện có 1.107 ngôi nhà cổ phân bố tập trung ở 3 phường: Minh An, Cẩm Phô và Sơn Phong. Hiện tại có 4/15 nhà cổ nằm trong dự án tu bổ khẩn cấp đã xuống cấp rất nghiêm trọng.
Trước tình trạng các ngôi nhà này có thể đổ sập bất cứ lúc nào, Trung tâm đã đề xuất xin 100% kinh phí trùng tu 4 ngôi nhà từ nguồn vốn Nhà nước; 11 ngôi nhà còn lại thì chủ sở hữu cùng Nhà nước góp kinh phí tu bổ, sửa chữa.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An, dẫn chứng, như ngôi nhà cổ ở số 120 Trần Phú, hầu hết kiến trúc ở bên trong đã hư hỏng nặng; các đòn tay đã bị mối gặm nhấm, bờ tường nứt nẻ, bể vụn lớp ngói âm dương, các cột đà chống phía trước cũng đang trong thời kì mục nát... Không thể chờ đợi để di tích có thể đổ sập bất cứ lúc nào, vừa qua, được sự thống nhất của chính quyền TP Hội An, Trung tâm đã “mạnh tay” chọn phương án, đứng ra đảm nhận trách nhiệm pháp lý vay Nhà nước 1,6 tỷ đồng để trùng tu ngôi nhà này.
Sau khi công trình hoàn thành, ngoài phần kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân theo quy định hiện hành, Nhà nước sẽ đấu giá cho thuê kinh doanh trả dần cho đến khi đủ số kinh phí Nhà nước cho vay. Sau khi hoàn trả đủ số tiền vay cho Nhà nước, thì sẽ bàn giao lại cho các chủ sở hữu… (Công An Nhân Dân Online 27/9)Về đầu trang

“Đào tạo giảng viên Công tác xã hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên”


Vừa qua, tại TP Hội An, với sự hỗ trợ của Tổ chức Atlantic Philan-thropies, Cục Bảo trợ xã hội đã mở lớp Công tác xã hội khóa 4/2015 dành cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Lớp học thu hút 32 cán bộ, học viên đến từ các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Đắk Nông; Kon Tum và TP Đà Nẵng. Sau 3 tháng đào tạo, các học viên đã được trang bị các nội dung môn học và những kiến thức cơ bản về: Nghề công tác xã hội; hành vi con người và môi trường, công tác xã hội với cá nhân và gia đình... (Lao Động & Xã Hội 26/9, tr4) Về đầu trang

TÀI CHÍNH

Agribank Quảng Nam đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ nông nghiệp nông thôn 15 - 20%


Cuối tuần qua, tại cuộc họp tổng kết 5 năm cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Quảng Nam cho hay đến 31.8.2015, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 5.268 tỷ đồng, chiếm 91,28%/tổng dư nợ. Nếu loại trừ các doanh nghiệp vay vốn thuộc đối tượng sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn (bao gồm các dự án thủy điện), dư nợ đạt 3.008 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,12%/tổng dư nợ.
Theo Agribank Quảng Nam, xuất phát từ thực tiễn hoạt động kinh doanh và dự kiến xu hướng phát triển, ngân hàng này đặt mục tiêu đến năm 2020 nguồn vốn tăng trưởng bình quân hàng năm 15 - 17%, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân từ 15 - 20% và nợ xấu dưới 1%/tổng dư nợ. (Baoquangnam.com.vn 28/9)Về đầu trang

KIỂM LÂM

Mùa gỗ lậu


Liên tiếp các vụ phá rừng, tập kết gỗ lậu quy mô lớn vừa được lực lượng chức năng phát hiện. Dù có nhiều cơ quan bảo vệ, quản lý nhưng tình trạng khai thác, tập kết gỗ lậu ở khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh vẫn phức tạp.
Chỉ trong vòng 3 ngày cuối tháng 9, lần theo dấu vết của lâm tặc, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã phát hiện bãi tập kết gỗ đã cưa thành phách với hơn 26m3. Bất thường hơn, một trong số các điểm tập kết gỗ được phát hiện nằm không xa Trạm quản lý bảo vệ rừng (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh).
Theo Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh), những ngày đầu tháng 9, sau khi bí mật theo dõi, kiểm lâm phát hiện một ô tô tải chạy từ hướng Trà Bui ra thôn 2 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) vận chuyển gỗ lậu. Khi bị phát hiện, các đối tượng nhanh chóng đổ gỗ xuống đường rồi tẩu thoát. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 10m3 gỗ các loại. Mở rộng điều tra, đơn vị còn phát hiện 2 điểm tập kết gỗ với quy mô hàng chục mét khối nằm gần đường liên xã Trà Bui - Trà Đốc; trong đó có một điểm nằm gần Trạm quản lý, bảo vệ rừng (thôn 2, xã Trà Bui). Qua thống kê, có đến 124 phách gỗ giổi, chò, xoan đào với khối lượng hơn 26m3. Ở một mũi tuần tra khác, kiểm lâm còn tịch thu 40 phách gỗ nằm rải rác khu vực giáp ranh giữa xã Trà Bui và Phước Hiệp (Phước Sơn). Theo điều tra ban đầu, nguồn gốc gỗ bị đốn hạ tại rừng phòng hộ Sông Tranh đoạn qua xã Trà Bui và một phần rừng ở xã Phước Hiệp.
Chiều ngày 25.9, ông Trần Văn Thu – Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện cán bộ kiểm lâm vẫn còn ở trong rừng thực thi nhiệm vụ. Sau khi đo đếm, lập biên bản vụ việc, đơn vị thuê xe tải vận chuyển số gỗ ra khỏi rừng. (Baoquangnam.com.vn 28/9)Về đầu trang

Bãi gỗ lậu gần trạm quản lý bảo vệ rừng


Ngày 25/9, ông Trần Văn Thu - Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 vẫn đang tiếp tục kiểm soát trong rừng để truy tìm nguồn gốc số gỗ lậu vừa được phát hiện tập kết gần trạm bảo vệ rừng (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, huyện Bắc Trà My).
Trước đó, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 đã phát hiện 2 điểm tập kết gỗ nằm gần đường liên xã Trà Đốc - Trà Bui. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định có 124 phách gỗ (khoảng 26 m3) gồm: dổi, chò, xoan đào... (thuộc nhóm 3 và nhóm 6). Trong 2 địa điểm phát hiện gỗ lậu có một điểm nằm gần Trạm quản lý bảo vệ rừng (tại thôn 2, xã Trà Bui). Đầu tháng 9, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 truy đuổi một xe tải chạy hướng Trà Bui - Trà Đốc đang chở gỗ lậu. Tuy nhiên, khi chưa kịp tiếp cận thì lái xe đã cho đổ 10 m3 gỗ các loại xuống đường để tẩu thoát. Tiếp tục điều tra, các cán bộ kiểm lâm đã phát hiện ra 2 bãi gỗ đã nêu.
Ông Đoàn Tất Chẩn - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh cho biết: “Chúng tôi chờ cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra. Tuy nhiên, trước hết, là người đứng đầu đơn vị tôi nhận trách nhiệm vụ việc. Sau khi có kết quả điều tra sẽ xử lý, kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan. (Thanh Niên 26/9, tr5; Người Lao Động 26/9, tr4) Về đầu trang

GIAO THÔNG

Hãng taxi bất ngờ dừng hoạt động


Sáng 25/9, Công ty cổ phần Vận tải biển quốc tế Trường Sa chi nhánh Quảng Nam bất ngờ ra thông báo tạm dừng hoạt động đối với thương hiệu taxi Hoàng Anh Quảng Nam làm cho gần 60 lái xe có nguy cơ mất việc.
Đến chiều 25/9, hàng chục lái xe cho Hãng taxi Hoàng Anh trên địa bàn tỉnh tiếp tục kéo đến trụ sở chi nhánh ở 175 Phan Bội Châu, P.Tân Thạnh (TP Tam Kỳ) đòi công ty bảo đảm quyền lợi.
Ông Bùi Tiến Ngọc - quyền phó giám đốc chi nhánh (mới được điều về hai ngày) - phủ nhận tất cả cáo buộc của các lái xe. Theo ông Ngọc, việc công ty không trả hồ sơ gốc là do người lao động chưa thanh toán hết nợ, quy chế công ty quy định khi chấm dứt lao động thì phải hoàn trả đồng phục. Ông Ngọc hứa sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo khuôn khổ hợp đồng nhưng không đưa ra được thời điểm khôi phục hoạt động kinh doanh cũng như cách giải quyết công việc cho đội ngũ lái xe. (Tuổi Trẻ Online 26/9; Baoquangnam.com.vn 26/9) Về đầu trang

Tiếp vụ tài xế Taxi Hoàng Anh "vây" văn phòng: Giải quyết nửa vời


Sáng nay 26.9, lãnh đạo hãng Taxi Hoàng Anh chi nhánh Quảng Nam đã tiến hành giải quyết các vướng mắc với tài xế, tuy nhiên việc giải quyết chỉ nửa vời khiến nhiều tài xế vẫn còn bức xúc.
Sáng ngày 25.9, hàng chục tài xế của hãng Taxi Hoàng Anh chi nhánh Quảng Nam đồng loạt kéo đến văn phòng ở số 175 đường Phan Bội Châu (TP.Tam Kỳ) để yêu cầu giải quyết các chế độ và giải thích lí do doanh nghiệp cho nghỉ việc mà không có thông báo trước, việc thu lại đồng phục trong khi các tài xế bỏ tiền ra mua hồi mới vào làm việc, đồng thời yêu cầu được nhận lại hồ sơ gốc để xin việc nơi khác… Ông Bùi Tiến Ngọc - Phó Giám đốc điều hành Taxi Hoàng Anh chi nhánh Quảng Nam hứa sẽ giải quyết vụ việc vào sáng hôm nay 26.9.
Tuy nhiên, một số tài xế phản ánh việc giải quyết của công ty chưa thỏa đáng, họ chỉ được nhận lại tiền đặt cọc, 50% đồng phục, tiền lương tháng này, tiền công đoàn và hồ sơ gốc. Trong khi đó, yêu cầu bồi thường hợp đồng lao động, các khoản bảo hiểm, bồi thường tiền lên ca (300 ngàn đồng/ngày) từ ngày 22.9 đến nay của tài xế bị phía lãnh đạo Taxi Hoàng Anh chi nhánh Quảng Nam phớt lờ.
Trong quá trình thanh toán các khoản trên, phía Taxi Hoàng Anh chi nhánh Quảng Nam đã đưa ra văn bản quyết định thanh lý hợp đồng lao động trước thời hạn của giám đốc Công ty CP VTB quốc tế Trường Sa tại Việt Nam (Taxi Hoàng Anh chi nhánh Quảng Nam là đơn vị trực thuộc của công ty này) với lý do “tạm ngừng hoạt động”. Tuy nhiên, mặt chính của văn bản lại không có phần dành cho người lao động ký, mà người lao động phải ký ở mặt sau.

Một số tài xế sau khi nhận được các khoản trên đã bỏ về, số còn lại vì chưa thấy thỏa đáng nên ở lại. Lúc này họ phát hiện phía Taxi Hoàng Anh chi nhánh Quảng Nam nâng mức trừ tiền rửa xe từ 10 ngàn đồng/lần/ngày lên thành 15.000 đồng trong 2 tháng nay.


Khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, phóng viên đến gặp ông Ngọc để xác minh các bức xúc của tài xế thì được ông Ngọc hẹn khi khác trả lời. (Baoquangnam.com.vn 27/9)Về đầu trang

NÔNG NGHIỆP

Hội thảo “Hoạt động nghiệp đoàn nghề cá”


Ngày 25/9, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa phối hợp với báo Người Lao Động khai mạc hội thảo “Hoạt động nghiệp đoàn nghề cá” khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam đề xuất Tổng LĐLĐVN quy định rõ mức đóng đoàn phí của mỗi đoàn viên nghiệp đoàn. Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung, hình thức hoạt động NĐNC thống nhất trên cả nước.
Theo số liệu công bố tại hội thảo, từ khi thành lập NĐNC đầu tiên, đến nay các NĐNC và ngư dân trong cả nước đã nhận được khoảng 50 tỉ đồng hỗ trợ thông qua Chương trình Tấm lưới nghĩa tình, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động, Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động. (Laodong.com.vn 26/9) Về đầu trang

PHÁP LUẬT

4 cựu cán bộ tài nguyên - môi trường lĩnh án


Chiều 26/9, sau 2 ngày mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đền bù khống đất đai tại Dự án thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang), TAND tỉnh tuyên án đối với 9 bị cáo.
Cùng tội danh nhận hối lộ, 4 bị cáo nguyên là cán bộ Trung tâm Kỹ thuật TN-MT (Sở TN-MT Quảng Nam) gồm: Nguyễn Đức Tuấn (49 tuổi) bị phạt 7 năm tù; Trương Hoành (46 tuổi) 5 năm tù; Phan Tấn Thịnh (45 tuổi) và Hứa Tấn Sỹ (37 tuổi) cùng bị phạt 3 năm tù.
Bị cáo Zơ Râm Pết (38 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Chơ Chun, huyện Nam Giang) lĩnh án 3 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Phan Tấn Nghĩa (51 tuổi, nguyên cán bộ Trung tâm kỹ thuật TN-MT) bị phạt 3 năm tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai bị cáo Nguyễn Văn Hợp (36 tuổi, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất Nam Giang) và Nguyễn Văn Dũng (39 tuổi, cán bộ BQL Dự án Thủy điện Sông Bung 2) cùng bị phạt 3 năm tù treo về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Huỳnh Văn Hải (51 tuổi, trú tại huyện Đại Lộc, hành nghề kinh doanh) bị tuyên phạt 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ… (Tiền Phong 27/9, tr13; Giáo Dục & Thời Đại 27/9; Đời Sống & Pháp Luật 27/9; Đại Đoàn Kết 28/9, tr11; Pháp Luật Việt Nam 27/9; Thanh Niên 27/9. Tr5)Về đầu trang

Thăng Bình: Kiểm tra xe khách, phát hiện hơn 4 tấn hàng lậu


Ngày 25/9, theo Đại úy Lê Phan Minh Mẫn - Phó trưởng Trạm CSGT huyện, khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến quốc lộ 1, tổ công tác của đơn vị tạm dừng xe khách đang lưu thông theo hướng bắc - nam và phát hiện trong hầm chứa và khoang hành khách xe này chở 49 bao hàng dệt may (nặng 1.970 kg), 10 thùng chỉ may (nặng 300 kg) và 73 bao thép (nặng 2.190 kg).
Thời điểm kiểm tra, tài xế xe khách Phạm Hồng Tú (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ và các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa trên. Tổ CSGT đã lập biên bản và bàn giao toàn bộ số hàng cho Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) tiếp tục xử lý theo quy định. (Đại Đoàn Kết 26/9, tr11; Thanh Niên 26/9, tr18; Giao Thông Online 27/9; Công An Nhân Dân 28/9, tr5) Về đầu trang

Đồng ý bồi hoàn tài sản Công ty Quasapharco


Ngày 25/9, TAND tỉnh tổ chức phiên xét xử vụ Công ty CP thương mại - dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam (Quasapharco) kiện UBND tỉnh ban hành Quyết định hành chính số 3337/QĐ-UBND ngày 29/10/2013 về việc thu hồi Trạm dược liệu Trà Linh chưa đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo quyết định trên, UBND tỉnh thu hồi Trạm nuôi trồng và phát triển dược liệu tại xã Trà Linh khi trạm này đã được Quasapharco đầu tư trong 10 năm qua, từ diện tích 2 ha lên thành 10 ha trồng sâm Ngọc Linh.
Tính đến cuối năm 2012, công ty đã đầu tư vào trạm hàng chục tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động. Công ty Quasapharco đề nghị tòa án hủy quyết định nói trên, đồng thời giải quyết hợp tình hợp lý vùng nguyên liệu của nhà máy, công sức đầu tư của doanh nghiệp và đời sống của hàng trăm công nhân.
Sau hơn 2 năm kiện với 5 lần phiên tòa bị hoãn và có lúc bị đình chỉ, tại phiên tòa hôm qua UBND tỉnh đồng ý phương án chia sẻ thiệt hại với doanh nghiệp. Cụ thể, đại diện UBND tỉnh khẳng định chủ trương cho phép Quasapharco được tiếp tục thuê đất rừng để bảo tồn phát triển nguồn sâm Ngọc Linh, dự án sẽ được phê duyệt ngay sau khi HĐND tỉnh thông qua đề án quy hoạch vùng bảo tồn sâm Ngọc Linh giai đoạn 2015-2020.
Về tài sản và chi phí thiệt hại của doanh nghiệp tại Trạm dược liệu Trà Linh, UBND tỉnh sẽ ban hành một quyết định bổ sung, trong đó thống nhất chủ trương bồi hoàn cho Quasapharco với tỷ lệ 49%, phần còn lại thuộc về nhà nước sau khi tính toán đầy đủ các chi phí. Đại diện Quasapharco đã đồng ý với phương án giải quyết trên và cam kết sẽ rút đơn kiện sau khi quyết định bổ sung của UBND tỉnh chính thức ban hành. (Thanh Niên 26/9, tr7) Về đầu trang

Núi Thành: Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn


Vụ việc cố ý gây thương tích cho người khác của Công an xã Tam Mỹ Tây đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an huyện khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhưng người bị hại cho rằng, còn lọt tội phạm nên làm đơn khiếu nại.
Trong đơn khiếu nại, ông Trần Văn Nhật trình bày: Chiều ngày 21.4, các ông Trần Minh Vương - công an viên thôn Tú Mỹ, Mai Văn Trí - Trưởng Công an xã, Nguyễn Văn Tùng - Phó Trưởng Công an xã đã dùng tay chân, cây gỗ to và gậy cao su đánh đập ông dã man, gây thương tích nghiêm trọng. Kết luận giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của ông Nhật là 26%.
Ngày 29.6, ông Nhật nhận được Thông báo số 221/TB ngày 25.6 của CQCSĐT Công an huyện Núi Thành về kết quả tố giác tội phạm, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Minh Vương; không đề cập việc khởi tố đối với các ông Mai Trí, Nguyễn Văn Tùng. Tiếp tục làm đơn khiếu nại và yêu cầu khởi tố đối với các ông Trí, Tùng về hành vi cố ý gây thương tích, ngày 26.8, ông Nhật nhận được Thông báo số 302/TB của CQCSĐT Công an huyện Núi Thành. Thông báo nêu rõ: Ông Trần Minh Vương đánh gây ra thương tích 7% nên bị khởi tố. Đối với thương tích 19% còn lại “do xô xát giữa ông Nhật với tổ công tác của Công an xã Tam Mỹ Tây đang thi hành công vụ làm sai quy trình dẫn đến gây thương tích cho ông Nhật. Đặc biệt, ông Mai Trí, Nguyễn Văn Tùng dùng còng số 8, gậy cao su, tay chân đánh ông gây thương tích như nêu trên là chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Với thông báo này, ông Nhật cho rằng, CQCSĐT Công an huyện Núi Thành không khách quan, bao che và bỏ lọt tội phạm.
Ông Nhật cho biết: “Hôm đó, tôi nói đùa với anh Vương rồi phát sinh mâu thuẫn, anh Vương dùng đoạn gỗ keo đánh một nhát trên lưng tôi rồi bỏ về nhà. Tôi đuổi theo gặng hỏi: “Tại sao mày đánh tao?”. Đến nhà Vương, tôi tiếp tục lời qua tiếng lại, Vương dùng gậy cao su đánh tôi, sau đó bỏ trốn vào vườn chè. Khi tôi đang ở nhà anh Vũ (anh vợ) thì ông Trí và ông Tùng xuất hiện, xông vào còng tay tôi, dùng gậy cao su, tay chân đánh đập tôi trước sự chứng kiến của nhiều người. Bức xúc, người dân phản ứng, các ông mới lôi tôi lên xe máy, chở đến cây cầu sắt ở đầu thôn và tiếp tục đánh. Thấy tôi ngất xỉu, các ông sợ chết nên tháo còng, chở đến cạnh nhà ông trưởng thôn, bỏ nằm đó. Một giờ sau tôi tỉnh dậy đi về nhà để vợ đưa đi bệnh viện” - ông Nhật bức xúc kể.
Đại diện CQCSĐT Công an huyện Núi Thành khẳng định, qua phân tích cơ chế hình thành vết thương, cơ quan điều tra xác định Trần Minh Vương gây thương tích 7% cho ông Nhật. Liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra cũng xác định tổ công tác của Công an xã Tam Mỹ Tây gồm các ông Mai Trí, Nguyễn Văn Tùng, Lê Văn Hồng - Xã đội trưởng đang thực thi công vụ. Tổ công tác làm sai quy trình là đã đánh người gây thương tích, không đưa người bị đánh đi bệnh viện, không thực hiện lấy lời khai của các nhân chứng tại hiện trường mà để ngày hôm sau mới tiến hành. Với mức thương tích 19% do các ông Mai Trí, Nguyễn Văn Tùng gây ra cho ông Nhật là chưa đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự nên Công an huyện Núi Thành xử lý phạt hành chính mỗi người 2 triệu đồng vì hành vi xâm hại sức khỏe người khác. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển cho các cơ quan chức năng cùng cấp xử lý theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, kết luận của CQCSĐT Công an huyện Núi Thành không nhận được sự đồng tình của gia đình ông Trần Văn Nhật và nhiều người dân thôn Tú Mỹ. Các nhân chứng vụ việc khẳng định: Có mặt tại sân nhà ông Vũ, các ông Mai Trí, Nguyễn Văn Tùng không lập biên bản, không lấy ý kiến của nhân chứng mà xông vào còng tay Nhật, lôi ra đường bê tông trước nhà. Khi Nhật níu kéo, mắng chửi thì bị hai ông dùng gậy cao su, tay đấm, chân đá Nhật. Đánh xong, các ông mới áp tải Nhật lên xe máy chở đi. Là người chứng vụ việc, ông Đoàn Ngọc Ánh - cán bộ hưu trí thôn Tú Mỹ, bức xúc nói: “Thi hành công vụ kiểu gì khi vừa có mặt tại hiện trường thì các anh Trí, Tùng xông vào còng tay, đánh người cứ y như là một đám đánh lộn. Không thể gọi là xô xát như xác định của cơ quan điều tra. Thấy Nhật bị đánh quá, tôi mới đến nói: “Tôi thấy các anh làm quá sai. Tại sao lại ngang nhiên đánh người giữa công chúng, gây mất an ninh trật tự”. Chiều tối ngày 21.4, tại nhà anh Vương, tôi đến gặp các anh trong tổ công tác bày tỏ quan điểm là tôi không hài lòng với cách làm việc của các anh, người dân cũng phản ứng là không tốt, mất niềm tin. Nghe tôi góp ý các anh đã nhận sai”.
Ông Trần Viết Hùng - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Tú Mỹ cho biết, tại các cuộc họp dân trước đó, cũng như cuộc họp HĐND xã vào ngày 10.8, đông đảo cử tri thôn bày tỏ bức xúc, không đồng tình với thái độ “thực thi công vụ” của các anh Trí, Tùng. Cử tri chất vấn luật nào cho phép công an đánh người? Đồng thời cho rằng, chính hành vi đánh người của các anh Trí, Tùng khiến cho một vụ việc mâu thuẫn nhỏ trở thành nghiêm trọng. Được biết, biên bản cuộc họp này ghi nhận: Đa số ý kiến nhân dân đề nghị làm sáng tỏ vụ việc anh Trí và anh Tùng đánh anh Nhật từ 2h - 5h chiều nhưng tại sao anh Vương bị truy tố, còn các anh Trí, Tùng thì không? Bởi, dư luận địa phương không đồng tình khi cơ quan chức năng cho rằng các anh Trí, Tùng đánh người trong quá trình thực thi công vụ. (Baoquangnam.com.vn 25/9)Về đầu trang

AN NINH – TRẬT TỰ

Điện Bàn: Dân chặn xe chở vật liệu thi công băm nát mặt đường


Sáng 26/9, người dân thôn Cẩm Văn Bắc (xã Điện Hồng) mang ghế nhựa, bao cát dựng thành hàng rào chắn ngang Tỉnh lộ DT 605 (đoạn qua tổ 2, thôn Cẩm Văn Bắc) nhằm cản trở di chuyển của xe chở vật liệu thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Theo người dân, nhận thấy tình trạng ô nhiễm kéo dài cộng với đường sá bị băm nát ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông nên không ít lần bà con đánh tiếng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết nhưng họ (doanh nghiệp vận tải-PV) tỏ ra thờ ơ.
Ông Nguyễn Hữu Tuân - Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết: “Chúng tôi đã cử lực lượng xuống hiện trường vận động người dân chấm dứt chặn xe để chờ xã báo cáo lên cấp trên can thiệp. Ngoài ra, xã sẽ làm việc với đơn vị thi công đường cao tốc nhằm yêu cầu xử lý ô nhiễm bằng cách cho xe phun nước mặt đường”. (Tuổi Trẻ 27/9, tr4; Nông Thôn Ngày Nay 28/9, tr5; Công An Nhân Dân 28/9, tr7) Về đầu trang

Điều tàu SAR cứu 38 ngư dân


Thông tin từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN cho biết sáng 25/9, cơ quan này đã điều tàu SAR 413 xuất phát từ Vũng Tàu đi cứu tàu câu mực Quảng Nam đang thả trôi tự do ngoài khơi vì hỏng máy.
Theo dự kiến, tàu SAR 413 sẽ tiếp cận và lai dắt tàu câu mực QNa 90956 TS cùng 38 ngư dân trên tàu về cảng Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vào chủ nhật 27/9.
Trước đó, tàu QNa 90956 TS đang đánh bắt ở vùng biển cách bờ biển Nha Trang gần 200 hải lý về phía đông nam thì bị hỏng máy không khắc phục được. (Tuổi Trẻ 26/9, tr8) Về đầu trang

Ném bom bi để giải quyết mâu thuẫn


Ngày 25/9, Công an huyện Duy Xuyên cho biết, đang phối hợp các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc tại thôn Vân Quật, xã Duy Thành (Duy Xuyên, Quảng Nam), do mâu thuẫn cá nhân, ông Lê Viết Luận, 60 tuổi, dùng bom bi ném vào trước nhà ông Lê Văn Tâm, 55 tuổi, gây nổ. Hậu quả, ông Luận và ông Tâm đều bị thương đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. (Nhân Dân 26/9, tr8; Công An Thành Phố Hồ Chí Minh 26/9, tr9) ) Về đầu trang

Y TẾ

Mỗi năm người Việt tiêu tốn tới 300 tỷ đồng tiêm vắcxin phòng dại


Với chủ đề “Cùng nhau chấm dứt bệnh dại bằng cách tiêm phòng cho chó,” ngày 26/9, tại TP Tam Kỳ, Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2015.
Từ đầu năm 2015 tới nay, Việt Nam ghi nhận 50 trường hợp tử vong do bệnh dại. Để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh dại vào năm 2020 ở Việt Nam, đòi hỏi sự cam kết và vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp cùng với việc phân bổ nguồn lực thích hợp cho công tác phòng chống dại cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thú y tại các cấp. (Vietnamplus.vn 26/9; TTXVN 26/9; Tiền Phong 27/9; Thanh Niên 27/9, tr2; Tuổi Trẻ 28/9, tr1+14) Về đầu trang

Hội thảo về chương trình cai nghiện thuốc lá bằng liệu pháp Đông y Hàn Quốc


Sáng 25/9, Ban Dự án ODA y học cổ truyền Hàn Quốc phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và Sở Y tế tổ chức Hội thảo “Giao lưu Việt – Hàn về chương trình cai nghiện thuốc lá bằng liệu pháp Đông y Hàn quốc.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Liên cho biết, hầu hết tất cả các nước đều đưa rất nhiều các giải pháp để phòng chống tác hại của thuốc lá và các biện pháp để cai nghiện thuốc lá. Bên cạnh những giải pháp xây dựng môi trường không thuốc lá thì việc giúp những người hút thuốc cai nghiện thuốc lá cũng khá quan trọng. (Thanh Niên 26/9, tr2) Về đầu trang

VĂN HÓA

Nam Giang: Chợ phiên vùng cao


Vào thứ bảy hằng tuần, đồng bào Cơ Tu ở xã ChaVal lại đi chợ phiên để buôn bán hoặc mua sắm. Một nếp sinh hoạt đã bắt đầu được hình thành cho người dân vùng cao.
Năm 2013, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207 (Quân khu 5) đã triển khai chợ phiên cho người dân các xã vùng biên họp vào thứ bảy hằng tuần. Tuy không đa dạng, phong phú, nhưng những mặt hàng thiết yếu như thức ăn, hàng may mặc, nông cụ, hàng thủ công… luôn được bày bán ở chợ. Một trong những điều đặc biệt ở chợ phiên là sự có mặt của các cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất nông lâm 2 (thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 207). Tại chợ, các chiến sĩ mang cây giống ra hướng dẫn bà con cách trồng cây theo phương pháp khoa học; cách chăm bón và sử dụng phân, đạm mang lại hiệu quả kinh tế cao; cách gây giống và chọn cây giống tốt giúp bà con đổi mới cách trồng trọt, cải thiện bữa ăn gia đình; cách chăm sóc gia cầm, gia súc hợp lý… nhằm ngăn ngừa dịch bệnh và bảo vệ môi trường sống. (Nhân Dân Online 27/9)Về đầu trang

Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong dịp tết Trung Thu


Quảng Nam vừa tổ chức các hoạt động ý nghĩa dành cho trẻ em, như sân chơi “Đêm hội trăng rằm”; tặng quà trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hơn 300 trẻ em tại trung tâm nuôi dưỡng trẻ em TP Tam Kỳ và trẻ em huyện Phú Ninh đã có một Tết Trung thu ấm áp, vui tươi, với chương trình “Trung thu cho em” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức tại làng Hòa Bình (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh). Ban tổ chức đã trao 50 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng tặng những trẻ em vượt khó đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện năm học 2014 - 2015 của huyện Phú Ninh. (Nhân Dân Online 27/9)Về đầu trang

DU LỊCH

Du lịch Việt Nam” giậm chân tại chỗ”: Gỡ chỗ này, coi chừng vướng chỗ khác!


Bài toán về du lịch bền vững, trách nhiệm ra đời và đi kèm với sự phát triển du lịch, nhưng chính sự chủ quan của các cấp, ngành, địa phương đã khiến chính họ giật mình và bị động khi biết được số lượng khách du lịch đến với Việt Nam 8 tháng đầu năm, đã không tăng mà càng giảm mạnh.
Đô thị cổ Hội An, một địa phương có sự phát triển bền vững trong ngành du lịch bao năm qua- một trong số những địa phương hiếm hoi của cả nước. Để hiểu rõ về bài toán phát triễn du lịch bềnh vững, hơn nữa tháng qua, PV đã khảo sát, trực tiếp tìm hiểu nhiều mô hình phát triễn du lịch, cũng như thực trạng và cách làm du lịch của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nơi này.
Sự chủ động của việc tiên lượng và đưa ra những giải pháp ổn định từ đầu năm, giúp cho lượng khách du lịch đến với Hội An có sự tăng trưởng và dịch chuyển, đa dạng hơn với nhiều thị trường khách du lịch mới nổi như Hàn Quốc, Nhật Bản… thay vì khách nội địa và khách du lịch Trung Quốc so với trước đây.
“ Hội An không phụ thuộc vào bất cứ một thị trường khách du lịch nào. Chúng tôi chủ động mở rộng thị trường để không bị động trước sự tăng giảm số lượng du khách, đơn cử như thị trường khách du lịch mới ở Hội An như Hàn Quốc, Nhật Bản…” Đó là khẳng định của ông Nguyễn Sự- Nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hội An, trong cuộc họp báo dịp lễ 30.4 vừa qua.

Thực tế, việc này đã được chứng minh, khi số lượng khách du lịch Quốc tế đến với Hội An không có sự tăng trưởng, chính quyền nơi đây đã có sự chủ động khi đón một lượng lớn khách du lịch nội địa thời gian qua, mà điển hình là du lịch đảo Cù Lao Chàm trong các dịp nghỉ lễ.


Nữa cuối năm 2014, Lao động có bài viết “ Cù Lao Chàm buồn vào mùa du lịch”, trong đó phản ánh việc suy giảm đột ngột lượng khách du lịch Trung Quốc đến với phố cổ Hội An, Cù Lao Chàm ( Hội An, Quảng Nam) vì trước đó, do ảnh hưởng của vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam. Sự kiện chính trị khiến nguồn khách du lịch Trung Quốc đến với địa phương này suy giảm đáng kể.
Tuy nhiên, việc chủ động đa dạng hóa thị trường khách du lịch bấy lâu nay, giúp địa phương không phụ thuộc vào bất cứ thị trường khách du lịch đơn lẻ nào. Bên cạnh đó, giải pháp này giúp cho việc quản lý, chủ động và dự đoán trước thời điểm du lịch và chủ động, mở rộng thêm nhiều mùa du lịch, khách quốc tế đến với Hội An.
Việc đa dạng hóa thị trường khách du lịch là điều cần thiết, thế nhưng làm được điều này, trước hết cần có sự liên kết trong du lịch giữa Hội An, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Đây là thiết yếu, bởi lẻ, về cơ sở hạ tầng, tại Đà Nẵng có cảng hàng không Quốc tế và cảng biển, nơi đi và đến của lượng khách du lịch rất lớn đổ về miền trung nói chung, trong đó có Hội An nói riêng.
Ngay đầu năm 2015, chính quyền Hội An đã công bố hàng loạt các hoạt động nhằm quảng bá, kích cầu khách du lịch trong năm, các hoạt động được tổ chức liên tiếp, trải đều theo thời gian.
Đơn cử như, du lịch Đêm Cù Lao, Giao Lưu văn hóa Hội An- Nhật Bản,… Sự hiệu quả các chương trình này là có, tuy nhiên các sự kiện quảng bá, kích cầu du lịch này vẫn chưa đạt đến mức tốt nhất và dễ gây nên sự nhàm chán nếu không có sự đổi mới trong các sự kiện, cũng như cách truyền thông sự kiện ấy. Đó chính là khẳng định của một số doanh nghiệp, những người làm du lịch.
Lý giải vấn đề này, nhiều doanh nghiệp chỉ rõ, các sự kiện quảng bá, kích cầu này ít được khách du lịch quốc tế biết đến bởi lý do bất đồng về ngôn ngữ trong công tác truyền thông. Có rất ít các cơ quan báo chí ở Việt Nam, có hình thức quảng bá du lịch bằng các ngôn ngữ thông dụng trên thế giới.
Qua tìm hiểu, khảo sát, điều này là có thật bởi lẽ, cách để các doanh nghiệp du lịch, lữ hành quảng bá xúc tiến cho riêng mình là có sự khác biệt. Đơn cử, mỗi doanh nghiệp đều có trang Wed riêng, gồm nhiều thứ tiếng khác nhau, hoặc đơn giản nhất cũng có ngôn ngữ tiếng Anh để quảng bá cho hình ảnh của doanh nghiệp mình trên mạng xã hội.
Chưa hết, các công ty lữ hành còn có sự liên kết nhất định giữa các tỉnh thành lân cận nhau. Ví như Tour Hội An- Đà Nẵng- Huế… Tuy nhiên việc đưa đón khách du lịch và giới thiệu du khách biết và chủ động đến với Hội An trong mỗi dịp lễ hội là điều khó thực hiện.
Ngoài ra, theo nhiều hướng dẫn viên du lịch cho biết, họ biết được du lịch các nước đang rất chú trọng đến việc cạnh tranh trong ngành du lịch. Họ chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến, thậm chí để thực hiện điều này, họ sẵn lòng chủ động đi sang nước khác, mở công ty lữ hành hoặc liên kết với nhau hoặc liên kết với ngành hàng không nhằm quảng bá thông tin du lịch, để đưa du khách về du lịch tại nước họ.
Một trong những vấn đề cấp thiết của thực tiễn, chính là môi trường du lịch, bởi sự bất an của du khách với vấn nạn chèo kéo, đeo bám để bán hàng. Chính điều này quyết định sự thành bại trong việc giữ chân du khách lưu trú lâu hơn, hay một lời mời có ấn tượng để du khách sớm trở lại với Việt Nam. Chưa hết, đây còn là kênh thông tin quan trọng để khách du lich giới thiệu nhau cùng tìm đến du lịch Việt Nam.
Theo phản ánh của du khách, và ghi nhận từ thực tiễn của chúng tôi, thực trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch mua hàng tại Hội An là có, dù chưa đến mực báo động nhưng cần có giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh ngay từ đầu.
Qua khảo sát thông tin trực tiếp từ khách du lịch, chúng tôi khá bất ngờ khi biết được hơn 50% khách du lịch biết và tìm đến với Việt Nam chính là từ giới thiệu của người thân, bạn bè và cả thương hiệu nổi tiếng của điểm du lịch này.
Qua trao đổi, nhiều du khách cho rằng, họ đến với Hội An để khám phá nét đẹp văn hóa của di sản phố cổ. Tuy nhiên, họ khá bất ngờ với du lịch trải nghiệm, đó chính lần được nhìn thấy, được thực hiện các công việc nghề nông ở nơi đây như cưỡi trâu tát nước… (Lao Động Online 27/9)Về đầu trang

Mùa thấp điểm, du lịch loay hoay ‘né’ bão


Thời điểm tháng 9 bắt đầu mùa thấp điểm du lịch, lại đối phó với cơn bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, vốn là khu vực có đường bờ biển dài, tập trung nhiều danh thắng nổi tiếng, các công ty lữ hành trong nước đang có những phương án ứng phó để đảm bảo an toàn cho du khách, cũng như hoạt động du lịch thông suốt.
Việc cơn bão số 3 vào miền Trung từ ngày 14/9 gây ra mưa lớn tại nhiều khu vực như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... đã tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch tại các địa phương này. Theo ghi nhận tại một số địa phương chịu ảnh hưởng của bão tại miền Trung, một số điểm du lịch như Cửa Đại, Hội An… diễn ra tình trạng sạt lở do bão, khiến hoạt động kinh doanh nhà hàng gặp khó khăn. (An Ninh Thủ Đô 26/9, tr16) Về đầu trang

XÃ HỘI

Tập huấn các bộ luật cho 250 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh


Ngày 25.9, Công an tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước công dân; công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người cho 250 đại biểu là báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và phó công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. (Baoquangnam.com.vn 25/9)Về đầu trang

Trao tặng 200 suất quà cho các em thiếu nhi nghèo học giỏi


Chiều ngày 25-9, Văn phòng Báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam, Quảng Ngãi đã phối hợp với UBND xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, Câu lạc bộ nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Đông và Công ty xây lấp Nguyên Gia tổ chức “Vui hội trăng rằm năm 2015” cho các em thiếu nhi nghèo học giỏi ở tại địa phương này.
Theo đó, 200 suất quà đã được trao tặng cho 200 em thiếu nhi nghèo học giỏi, mỗi suất quà trị giá 50 ngàn đồng. Ông Nguyễn Văn Vương, Phó chủ tịch UBND xã Tam Đại cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng và chân thành cảm ơn, khi Văn phòng Báo Đại Đoàn Kết tại Quảng Nam, Quảng Ngãi đã kết hợp cùng chúng tôi và các nhà tài trợ lo 200 xuất quà cho học trò nghèo. (Đại Đoàn Kết Online 27/9)Về đầu trang

Nhiều suất quà Trung thu từ các CLB thiện nguyện đến với trẻ khuyết tật, trẻ vùng cao


Sáng 26.9, Đội cháo từ thiện Quảng Nam phối hợp cùng Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật cụm liên xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) tổ chức chương trình “Vui tết Trung thu” cho các trẻ em khuyết tật.
Tại đây, các bạn trong Đội cháo từ thiện Quảng Nam đã trao 20 suất quà trị giá mỗi suất 130 nghìn đồng, gồm bánh Trung thu, lồng đèn, các đồ dùng học tập. Ngay sau khi trao quà, đội còn tham gia các hoạt động vui chơi cùng các em khuyết tật. (Lao Động 27/9)Về đầu trang

“Lá chắn xanh” bên dòng Vu Gia


Một khu rừng chạy dọc sông Vu Gia với nhiều loài gỗ quý, từ bao đời nay được xem là “lá chắn xanh” bảo vệ làng mạc trong vùng, nhất là vào những mùa bão lũ. Chính vì thế, chính quyền cùng lực lượng chức năng và người dân ở đây luôn ý thức việc gìn giữ và tôn tạo khu rừng…
Ông Võ Minh Tuấn, Trưởng Công an xã Đại Đồng, chia sẻ rằng, do cây muồng trong “cấm Hà Nha” có giá trị kinh tế cao nên không ít lần các đối tượng “lâm tặc” từ nơi khác kéo đến định đốn hạ; nhưng người dân đã kịp thời phát hiện, báo cho lực lượng Công an xử lý. “Công an xã thường xuyên tổ chức cho anh em đi tuần tại khu vực “cấm Hà Nha” và tuyên truyền, vận động người dân cùng với lực lượng Công an bảo vệ tốt khu rừng. (Công An Nhân Dân Online 27/9)Về đầu trang

Cứu sản phẩm Ikat của người Cơ Tu


Ikat là kỹ thuật “nhuộm bao sợi”, vốn khá thịnh hành một thời ở vùng Trường Sơn - Tây nguyên nhưng ngày nay đã thất truyền, chỉ còn lại ở một làng dệt của người Cơ Tu nằm giữa đại ngàn Trường Sơn. Đó là làng Công Dồn, huyện Nam Giang.
Bằng cách bao sợi trong quá trình nhuộm màu, người Cơ Tu tạo ra một loại sợi đặc biệt để dệt vải có chỗ đậm chỗ nhạt, đó là “hoa văn gợn sóng”. Vải thổ cẩm có hoa văn gợn sóng rất giá trị, có thể đổi được trâu to, ché quý...
Ngày nay chỉ còn vài ba thợ dệt Cơ Tu ở làng Công Dồn còn nắm giữ bí quyết, kỹ thuật Ikat, các nơi khác đã thất truyền, sản phẩm này cũng đang dần biến mất. (Tuổi Trẻ 26/9, tr8) Về đầu trang

Hộ nghèo được bảo hành đầu thu DVB-T2 tại nhà trong tháng đầu tiên


Sở TT&TT tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu, VNPT Technologies và VietnamPost phải thực hiện chế độ bảo hành tại nhà hộ dân trong thời gian 1 tháng đầu tiên kể từ ngày thiết bị được lắp đặt, sau thời gian này việc bảo hành được thực hiện tại các đại lý bảo hành ở các huyện, thị xã, thành phố.

.

Khi Đà Nẵng thí điểm số hóa truyền hình, ngừng phát sóng truyền hình số từ ngày 30/9/2015, tại thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, huyện Đại Lộc, huyện Duy Xuyên thuộc phía Bắc tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng khi Đà Nẵng tắt sóng truyền hình.


Trong số các địa phương này có 11.464 hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhà nước chi tiền mua sắm đầu thu truyền hình số DVB-T2 để hỗ trợ. Trong đó, số hộ được hộ trợ tại các địa phương cụ thể như sau: thành phố Hội An có 575 hộ, huyện Đại Lộc có 2.071 hộ, thị xã Điện Bàn có 4066 hộ, huyện Duy Xuyên có 4.750 hộ.
Theo quy định của Bộ TT&TT, mỗi hộ nghèo, cận nghèo trong danh sách được nhận đầu thu sẽ được hỗ trợ toàn bộ đầu thu, anten, dây và phụ kiện lắp đặt. Đơn vị trúng thầu chịu trách nhiệm lắp đặt đầu thu cho từng hộ dân, chỉnh tín hiệu và hướng dẫn người dân sử dụng đầu thu để xem truyền hình số. Đồng thời chịu trách nhiệm bảo hành sản phẩm theo đúng cam kết của hãng. (Ictnews.vn 26/9) Về đầu trang

Tặng quà trung thu cho trẻ em


Chiều 24/9, Báo Thanh Niên phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Nam Việt Á, UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tại Hòa Vang, Công ty Nam Việt Á đã trao tặng 5.000 suất quà trị giá 500 triệu đồng cho các em học sinh nghèo học giỏi, học sinh dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Công ty Nam Việt Á cũng dành hơn 6.000 suất quà để tặng cho thiếu nhi ở quận Ngũ Hành Sơn, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) và xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc), phường Điện An (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). (Thanh Niên Online 26/9) Về đầu trang

Tam Hải ký sự: Kỳ diệu giếng cổ


Ai một lần nếm nước giếng cổ cũng khen ngon, vị ngọt thanh, mát lành khó lý giải. Nhưng dễ tả nhất là đem nước pha trà thì trà thơm, nấu cơm cho cơm dẻo. Đặc biệt, rượu gạo Tam Hải (Núi Thành) được nấu từ nước giếng ngon nức tiếng.
Lớp người già nhất làng Thuận An ai cũng có thể vanh vách “độ ngon” của nguồn nước nhưng không ai biết rõ giếng được đào từ năm nào.
Ông Hồ Xuân Tịnh - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, khi bàn về những giếng cổ được cho là xây dựng từ thời Champa xưa cho rằng nguồn nước từ các giếng này đều rất tốt, xanh trong và không bị nhiễm phèn. Đối với người Tam Hải có lẽ không gì quan trọng bằng việc cả 2 giếng cổ trở thành “bầu sữa” nuôi sống biết bao thế hệ. Do vậy, người trong làng ý thức phải bảo vệ nguồn nước thiêng liêng ấy luôn được trong lành.
Nhiều bậc cao niên trong làng cho biết, các gia đình ở xã đảo có tàu ra khơi đánh bắt đều chuẩn bị cho mình ít nước giếng cổ để dành uống dần. Bởi nhờ nguồn nước ngọt giữa bốn bề nước mặn sẽ giúp người đi biển khỏe khoắn hơn.
Ngày nay, người dân có thể tự lọc nước để dùng hoặc thậm chí mua nước đóng bình cỡ lớn về sinh hoạt vẫn rẻ hơn so với việc phải bỏ công đi xa hàng km để lấy nước từ 2 giếng cổ. Ấy vậy mà không chỉ trong thôn Thuận An mà cả xã Tam Hải, hay ở những nơi xa hơn, người dân nghe tiếng vẫn tìm về 2 giếng nước này để lấy nước. (Thanh Niên 26/9, tr14+15) Về đầu trang

CĐ ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam: Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn


Ngày 24.9, tại TP Tam Kỳ, Ban Thường vụ CĐ ngành giáo dục tỉnh phối hợp với bảo hiểm xã hội tỉnh, Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác CĐ và hoạt động Ban Thanh tra nhân dân cho gần 300 cán bộ CĐ kiêm nhiệm ở cơ sở theo 3 chuyên đề: Công tác tổ chức CĐ, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra CĐ và quản lý tài chính CĐ ở cơ sở. (Lao Động 27/9)Về đầu trang

Nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hoành


Công an huyện Hiệp Đức vừa tổ chức lễ nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hoành (90 tuổi, thôn Lộc An, xã Bình An, Hiệp Đức). Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hoành có chồng và một con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cán bộ chiến sĩ Công an huyện Hiệp Đức đóng góp một ngày lương/năm để tổ chức thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ tết và hỗ trợ kinh phí 1 triệu đồng/tháng phụng dưỡng mẹ Hoành. (Baoquangnam.com.vn 27/9)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA

Ngày 24/9, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đồng tổ chức Hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch nhằm thảo luận những vấn đề cấp thiết giúp Quảng Nam bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch một cách bền vững. (Văn Hóa 26/9, tr6; Lao Động & Xã Hội 26/9, tr6) Về đầu trang./.


Biên tập viên Thanh Hồng


ĐC: P912, Cầu thang 5, CT5, Tòa nhà Mỹ Đình – Sông Đà, đường Phạm Hùng, HN / ĐT: (04) 7855614 / Fax: (04) 7855 165 / Email: Info@vian.com.vn / Website: www.vian.com.vn




Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 289.38 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương