BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 05 tháng 05 năm 2014)


PHÁP LUẬT Bắc Trà My: Giết người không thành, Công an viên tự vẫn



tải về 352.15 Kb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu28.05.2018
Kích352.15 Kb.
#39110
1   2   3   4   5   6   7

PHÁP LUẬT

Bắc Trà My: Giết người không thành, Công an viên tự vẫn


Tối 3/5, ông Lê Tài - Chủ tịch xã Trà Giang xác nhận, một công an viên của xã vừa chết do tự vẫn.
Theo ông Tài, vụ việc xảy ra vào khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, người dân phát hiện anh Nguyễn Thành Minh (SN 1986, Công an viên xã Trà Giang) chết trong tư thế treo cổ ở bìa rừng. Ngay sau đó, người dân điện báo gia đình đưa anh Minh đến Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My cấp cứu nhưng không kịp.
Cũng theo ông Tài, trước khi xảy ra vụ tự vẫn, anh Minh có mượn vàng của một người phụ nữ tại địa phương. Khi người phụ nữ này đòi lại, anh Minh hẹn người này vào bìa rừng rồi ra tay sát hại để thoái thác trả nợ. Tuy nhiên, nạn nhân đã may mắn được người nhà phát hiện trong trạng thái bất tỉnh do siết cổ và cứu sống kịp thời. “Có thể vì lo sợ nạn nhân tố giác nên Minh đã tự kết liễu bản thân”, ông Tài nhận định. (Pháp Luật Việt Nam Online 4/5; Vietnamnet.vn 4/5; PhunuOnline.com.vn 4/5; PhunuToday.vn 4/5; VOVNews 4/5; Thanh Niên Online 4/5; Tuổi Trẻ Online 4/5; Người Lao Động 5/5, tr5; Lao Động 5/5, tr7; Giao Thông 5/5, tr13; Thanh Niên 5/5, tr5; Đại Đoàn Kết 5/5, tr7; Pháp Luật Việt Nam 5/5, tr24) Về đầu trang

Núi Thành: Trộm hơn 800 triệu đồng của Công ty, nữ kế toán bị 7 năm tù


Hơn 5 năm kinh nghiệm làm thủ quỹ nhưng khi được cất nhắc sang làm kế toán, Dương Thị Thanh Nga (1984, trú Núi Thành) đã không kiềm chế được lòng tham khi trộm hơn 800 triệu đồng của Công ty. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/4, Nga bị tuyên phạt 7 năm tù.
Theo cáo trạng, năm 2005, Nga được tuyển vào làm tại Công ty TNHH MTV sản xuất và lắp ráp ô-tô Chu Lai Trường Hải. Đến tháng 6/2011, Nga được chuyển sang làm kế toán và được xếp chung phòng với thủ quỹ mới là Nguyễn Thị Thùy Trang nên Nga biết được mã số két sắt vẫn được giữ nguyên. Lòng tham trỗi dậy, Nga đã "khoắng" hơn 800 triệu đồng. (Công An Đà Nẵng Online 3/5; Pháp Luật Việt Nam 5/5, tr7) Về đầu trang

Tam Kỳ: "Ăn lễ" bằng xe đạp


Chiều tối 1/5, trong lúc tuần tra tại khu vực đường Thanh Hóa nối dài (phường Trường Xuân), Công an phường Trường Xuân phát hiện hai thanh niên đi xe máy, người ngồi sau vác theo một chiếc xe đạp có biểu hiện nghi vấn nên đuổi theo. Thấy lực lượng Công an, hai thanh niên trên vội vứt xe đạp xuống đường rồi rồ ga chạy thoát.
Công an phường Trường Xuân đang tạm giữ chiếc xe đạp trên để trả lại cho người mất. (Công An Đà Nẵng Online 2/5) Về đầu trang

Y TẾ

Chủ động đối phó với bệnh sởi


Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, tại Quảng Nam, bệnh sởi đang có dấu hiệu bùng phát, khiến người dân lo lắng. Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và hệ thống y tế, các bệnh viện, cơ sở điều trị cũng như các cấp chính quyền và người dân không chủ quan với bệnh sởi.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, tính đến 26/4, toàn tỉnh có 28 trường hợp sốt phát ban nghi mắc sởi được phát hiện thông qua điều tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm; trong đó có 14 trường hợp dương tính với sởi. Bệnh xảy ra rải rác tại 26 xã, phường của 11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Trước diễn biến bệnh sởi kể trên, mặc dù số ca phát ban nghi mắc sởi và lấy mẫu xét nghiệm cũng như số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tuy không nhiều như một số tỉnh, thành khác, song lãnh đạo ngành Y tế Quảng Nam cũng đã có những chỉ đạo cụ thể với hệ thống Y tế dự phòng, các bệnh viện và cơ sở điều trị, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ trên địa bàn toàn tỉnh không được chủ quan, nghiêm túc thực hiện các biện pháp chỉ đạo mới đây về phòng, chống bệnh sởi của Bộ Y tế.
Theo bác sỹ Huỳnh Công Quang - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), hiện tại, các bệnh viện như Nhi Quảng Nam, Đa khoa Quảng Nam đều đã phân công cán bộ giám sát hằng ngày; các bệnh viện và các cơ sở điều trị tuyến trên thường xuyên thu thập và phản hồi thông tin hằng ngày cho tuyến dưới; phối hợp điều tra giám sát, lấy mẫu tất cả các trường hợp sốt phát ban nghi sởi; cập nhật thông tin từ tuyến trên, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng để chỉ đạo điều trị kịp thời các trường hợp mắc mới...
Về tiêm vắc xin phòng chống sởi trên địa bàn tỉnh, đến 24/4, số trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi của 15 huyện, thành phố được tiêm mũi 1 là 2.405/2.891 trẻ, đạt tỉ lệ 83.2%; số trẻ tiêm mũi 2 là 3.622/4.505 trẻ, đạt 80,4%. Như vậy, tỉ lệ chung trẻ tiêm phòng 2 mũi sởi là 6.083/7396 trẻ, đạt tỉ lệ 83,2%; hiện còn 3 huyện đang triển khai trong cuối tháng 4/2014. (Dangcongsan.vn 29/4) Về đầu trang

Quảng Nam có tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi đạt hơn 95%


Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắc-xin sởi phòng, chống dịch và tiêm vét vắc-xin sởi trên toàn quốc đến hết ngày 29/4 là 83,9%. Đáng chú ý, đã có 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi cao trên 95% là: Quảng Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Yên, Cần Thơ, Tiền Giang, Hải Dương, Cà Mau, Đác Nông, Ninh Bình, Kon Tum và Hậu Giang. (Nhân Dân 30/4, tr8+5; Sức Khỏe & Đời Sống 5/5, tr16; Nông Nghiệp Việt Nam 5/5, tr12; Bưu Điện Việt Nam 5/5, tr10) Về đầu trang

Đông Giang: 700 trẻ em nghèo được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí


700 trẻ em nghèo từ 1 - 5 tuổi ở huyện Đông Giang vừa được đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí và hướng dẫn phụ huynh về cách phòng ngừa các bệnh mùa hè dễ lây lan như đau mắt hột, sốt xuất huyết… (Sài Gòn Giải Phóng 5/5, tr4) Về đầu trang

Cứu sống bé 2 tháng tuổi nhiều dị tật


Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, cháu Bùi Hồng Ân (2 tháng tuổi, nặng 3kg, quê xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My) bị dị tật không hậu môn và bệnh tim bẩm sinh vừa được các bác sĩ Bệnh viện phẫu thuật thành công.
Được biết, bé Ân sinh ra không có hậu môn, từng được phẫu thuật làm hậu môn nhân tạo. Sau đó được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để phẫu thuật hạ bóng trực tràng để có thể đi đại tiện theo đường tự nhiên thì các bác sĩ phát hiện cháu bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng, khó thở, môi và đầu chi tím tái; kết quả các chỉ số xét nghiệm đều rất xấu.
Khó khăn nhất trong ca phẫu thuật này là vấn đề gây mê trong tư thế nằm sấp, bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh nặng nên rất dễ ngưng thở.
Sau ca phẫu thuật, tình trạng sức khỏe cháu Ân dần ổn định. (Sài Gòn Giải Phóng Online 2/5; Thanh Niên 2/5, tr3; Nhân Dân 3/5, tr5) Về đầu trang

GIÁO DỤC

Giáo viên không được tự mở lớp dạy thêm


Theo ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GD&ĐT, theo quy định về quản lý dạy thêm, học thêm vừa được UBND tỉnh ký ban hành, giáo viên không được tự mở lớp dạy thêm mà chỉ tham gia chương trình do tổ chức, cá nhân khác mở với điều kiện phải báo cáo và được hiệu trưởng đồng ý.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường nếu dạy thêm - học thêm phải có bằng nghiệp vụ sư phạm tương ứng. Các lớp dạy thêm - học thêm ngoài nhà trường không được tổ chức vào chủ nhật, ngày lễ tết, không bắt đầu dạy trước 7 giờ và kết thúc sau 21 giờ. (Thanh Niên 4/5, tr10) Về đầu trang

Nam Trà My: Trường học như gia đình


Đến với trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Trà Don của tỉnh, nhiều người sẽ ngạc nhiên về những học trò người Ca Dong, Xê Đăng... cũng như các thầy cô giáo nơi đây.
Theo ông Trần Văn Nhựt - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT, theo quyết định của UBND tỉnh, đối tượng ưu tiên xét bán trú với cấp học THCS là phải ở cách trường trên 4km. Việc các thầy cô Trường Trà Don linh hoạt giúp đỡ các em mồ côi, gia đình khó khăn đến trường là rất đúng đắn. “Hành động giúp đỡ các em để tiếp tục thực hiện giấc mơ đến trường ở Trà Don rất đáng trân trọng, một mô hình tốt để các địa phương khác học tập”, ông khẳng định.
Trường Trà Don có 107 học sinh bán trú. Năm 2011, tỉnh ra quy định xét đối tượng bán trú đối với học sinh THCS phải ở cách trường trên 4km thì nảy sinh vấn đề. Đó là một số trường hợp học sinh ở gần trường nhưng gia đình quá khó khăn, mồ côi... nếu không có sự tiếp sức kịp thời các em sẽ bỏ học giữa chừng. Vậy là thầy cô xác minh lại toàn bộ học sinh, thống kê được sáu em thuộc diện mồ côi. Nhà trường quyết định đưa cả 6 em vào diện bán trú.
Để các em có bữa ăn, chỗ nghỉ như học sinh khác, nhà trường huy động giáo viên, học sinh cùng chung tay góp sức.
“Từ đầu năm học trường có 139 học sinh và đến cuối học kỳ sĩ số vẫn như vậy. Đó là một niềm vui rất lớn với những giáo viên miền núi như chúng tôi”, một thầy giáo công tác tại trường tâm sự. (Tuổi Trẻ 3/5, tr13) Về đầu trang

LAO ĐỘNG

Phát động tháng công nhân


“Tháng công nhân” năm 2014 với nhiều hoạt động công đoàn, văn hóa, thể thao, từ thiện… vừa được Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức phát động tại khu kinh tế mở Chu Lai (huyện Núi Thành).
Gần 1.000 đoàn viên, cán bộ, công nhân lao động đại diện cho trên 30.000 công nhân lao động trực thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh về dự buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Sơn - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh cho biết: “Tháng công nhân” năm nay là nhằm phát huy tinh thần thi đua trong công nhân lao động, phấn đấu rèn luyện nâng cao tay nghề, hiệu quả công tác của mỗi cán bộ, đoàn viên công nhân lao động thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực, đẩy mạnh các phong trào thi đua, tổ chức tốt các hoạt động phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động, thăm hỏi động viên chia sẻ với các trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, gắn bó, đoàn kết, thống nhất, tạo nên khí thế ngày hội của giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn trong các Khu công nghiệp”.
Dịp này, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, Luật lao động, Luật công đoàn sửa đổi năm 2012, Hiến pháp sửa đổi năm 2013; thi tiếng hát công nhân lao động các Khu công nghiệp; sơ kết đánh giá mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân để nhân rộng mô hình; giải bóng đá công nhân lao động; Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh trích kinh phí hơn 29 triệu đồng thăm và tặng quà cho 97 trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn… (Lao Động Điện Tử 30/4) Về đầu trang

VĂN HÓA

Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 6: Lưu lạc sách đồng nhà Nguyễn


Thất lạc từ trước năm 1975, bộ sách bằng đồng (đồng sách) của vị hoàng tử con vua Gia Long được phát hiện tại Quảng Nam như một duyên may hiếm có.
Một ngày đầu tháng 3/1994, một người đàn ông thay mặt nhóm rà tìm phế liệu đến gặp nhân viên Bảo tàng Điện Bàn để điều đình bán một số sách đồng. Chị Đinh Thị Hiệp - cán bộ phụ trách Bảo tàng Điện Bàn, đã tham gia cuộc định giá. “Việc ngã giá thuần túy do nhiệt tình bảo vệ di sản văn hóa và làm theo khả năng kinh phí của cơ quan, chứ chúng tôi hoàn toàn không biết như thế là đã mua hớ hay ghìm giá”, chị Hiệp nhớ lại số tiền 1,5 triệu đồng mua hiện vật, theo thời giá 20 năm trước.
Những trang sách đúc bằng đồng rồi khắc chữ Hán trên một mặt, lề có khoét 4 lỗ móc khoen để ghép các tờ với nhau, bìa sách chạm trổ tinh tế. Để “đánh thức” cổ vật, ròng rã 6 tháng liền bảo tàng nhờ người phiên dịch, nhưng các trang sách bị xáo trộn do những người rà phế liệu tò mò tháo ra xem đã khiến thông tin thu được rất lộn xộn, tối nghĩa… Mãi rồi lai lịch sách đồng cũng hé lộ và gây bất ngờ, vì món tưởng là đồng nát ấy lại liên quan đến hoàng tộc triều Nguyễn. Cả thảy 5 tư liệu ghép vào 4 cuốn, với nội dung phong tước Kiến An công, Kiến An vương cho Nguyễn Phước Hiệu - hoàng tử thứ 5 của vua Gia Long, phong tước Kiến An quận công cho con trưởng của Kiến An vương cùng các bản Ngự chế tự (bài tựa của vua Minh Mạng khi làm 10 bài thơ quy định chữ lót cho 20 đời con cháu), Kiến An hệ (bài thứ 2 trong số 10 bài phiên hệ thi).
Tháng 9/2010, ông Nguyễn Phúc Dzu Hàn - người chăm lo hương khói và chăm sóc lăng mộ Kiến An vương gửi đơn đến UBND huyện Điện Bàn xin “thỉnh lại bộ đồng sách gia phả” về thờ tại phủ (ở Huế) như xưa. Song, vẫn chưa biết đến bao giờ gia phả đặc biệt này mới “châu về hợp phố” với hoàng tộc nhà Nguyễn. Riêng Bảo tàng Quảng Nam đã vào cuộc phục chế bằng tài nghệ của nghệ nhân làng đúc Phước Kiều xứ Quảng. (Thanh Niên 4/5, tr14+15) Về đầu trang

Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 5: Bí ẩn tượng Bà khỏa thân


Dù nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cùng vào cuộc phân tích, nhưng lai lịch tượng Bà khỏa thân tìm thấy ở Cù Lao Chàm (Hội An) vẫn đầy bí ẩn.
Ở độ sâu khoảng 3 m nước, anh Nguyễn Tố Nho phát hiện tượng ở bãi Xếp - Cù Lao Chàm khi đang hướng dẫn du khách của Công ty du lịch dịch vụ Hội An Xanh (Hội An) lặn ngắm san hô. Lúc tiếp cận hiện vật, anh Nho thấy 3 mảnh đầu, vai và thân rời nhau. Quan sát kỹ, anh không thấy dấu vết gì thêm liền nhặt nhạnh các mảnh tượng mang về nhà ghép lại. Sau 10 tháng lưu giữ hiện vật lạ, đến tháng 6/2013, anh quyết định hiến tặng pho tượng...
Tại Hội An, từng có chuyện một bức tượng nữ thần phải xem xét kỹ lưỡng mới phát hiện đó là tượng... nam thần. Năm 1989, cán bộ của Trung tâm Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa thành phố Hội An phát hiện tượng thờ tại lăng Bà xã Cẩm Thanh có chất liệu rất đáng ngờ. Qua kiểm tra nhiều lần, hóa ra đây là tượng Nam Thần tài lộc (Kubera) bằng sa thạch thuộc phong cách Trà Kiệu muộn, niên đại khoảng cuối thế kỷ 9... đã được người dân “sáng tạo” đắp thêm lớp đất bên ngoài rồi sơn phết để biến thành tượng Bà. Sau đó, tượng quý Kubera được thỉnh về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử văn hóa Hội An.
Một số chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản, Campuchia tìm hiểu đã đến xem bức tượng, sau khi Trung tâm Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa thành phố Hội An loan tải thông tin về hiện vật thông qua Mạng lưới bảo tàng Việt Nam (Vietnam museum Network). Nhận thấy nhiều mảng kim loại màu vàng và trắng sáng, có nhà nghiên cứu nghi ngờ bức tượng mang “dấu vết” tục dát vàng bạc lên tượng của cư dân Đông Nam Á. Song, với viên đá đính trên trán tượng, thì cần có sự vào cuộc thẩm định của chuyên gia về đá quý mới có thể xác định tượng này là... thật hay giả.
Sổ theo dõi của chuyên viên bảo tàng còn ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau về tượng lạ. Ban đầu, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương nhận định có khả năng bức tượng “rất lạ và rất đẹp” này là của Nhật Bản, niên đại sớm khoảng thế kỷ 7. Nhưng sau đó, ông rút lại dự đoán về lai lịch, đồng thời cho rằng niên đại trễ hơn chừng 10 thế kỷ. Riêng mảng màu vàng và một số hoa văn trên tượng lại gợi ý cho một chuyên gia bảo tàng Angkor (Campuchia) về xuất xứ Thái Lan. Thú vị hơn, tượng khỏa thân (phần trên) mang phong cách Chăm, nhưng mắt lại nhắm và có váy dưới thì hoàn toàn xa lạ; chưa kể chi tiết môi dày nhưng miệng nhỏ, rồi trang phục, thần thái khuôn mặt...
Lúc mang hiện vật đến bảo tàng, người hiến tặng chia sẻ 2 tâm nguyện trong suốt thời gian lưu giữ tại nhà: hoặc chuyển giao hiện vật để bảo tàng tiếp tục nghiên cứu giá trị, hoặc lập am thờ để đặt tượng vào đấy. Thế nhưng, sau hơn 10 tháng kể từ khi trung tâm kêu gọi “mong nhận được sự quan tâm trao đổi” của các thành viên Mạng lưới bảo tàng Việt Nam, xung quanh tượng lạ này vẫn bao trùm bí ẩn. (Thanh Niên 2/5, tr14+15) Về đầu trang

Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 352.15 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương