BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 8 tháng 4 năm 2014)


VỤ LÙM XÙM LIÊN QUAN ĐẾN SÔNG VU GIA – THU BỒN



tải về 218.51 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu28.05.2018
Kích218.51 Kb.
#39111
1   2

VỤ LÙM XÙM LIÊN QUAN ĐẾN SÔNG VU GIA – THU BỒN

2 triệu dân có nguy cơ “chết khát“, Bộ TN&MT “né” yêu cầu đối thoại công khai


Thủy điện tích nước, gần hai triệu dân Vu Gia nguy cơ "chết khát" nhưng Bộ Tài nguyên & Môi trường đã "né" yêu cầu đối thoại công khai của địa phương này.
Ngày 6/4, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch, ngày 10/4, Bộ TN&MT sẽ tổ chức đối thoại rộng rãi với Đà Nẵng và các bên về những bất cập trong quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2, đã đẩy vùng hạ du sông Vu Gia lâm cảnh thiếu nước trầm trọng.
Kế hoạch được Bộ đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ hồi tháng 2/2014, sau khi Đà Nẵng gửi Công văn yêu cầu các thủy điện trả lại nước cho vùng hạ du sông Vu Gia, nếu không Đà Nẵng sẽ kiện Bộ TN&MT ra tòa.
Tuy nhiên, chỉ còn 4 ngày nữa phía Đà Nẵng lại nhận được công văn hỏa tốc của Bộ TN&MT do Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển ký chỉ “mời họp cho ý kiến về Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn”.
Cuộc họp vào ngày 10/4 tại trụ sở của Bộ này thành phần được mời tham dự “bó hẹp” gồm đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, UBND thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tổ soạn thảo Dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong mùa cạn.
Ông Thắng nhấn mạnh: “Nếu Bộ vẫn có những quyết định bất hợp lý thì chúng tôi vẫn sẽ “bung” lại, vẫn sẽ tiếp tục kiến nghị cho đến khi nào lợi ích chính đáng của 1,7 triệu dân Quảng Nam, Đà Nẵng ở hạ lưu sông Vu Gia được đảm bảo”.
Cũng theo ông Thắng, có hai vấn đề mà Đà Nẵng nêu ra: Thứ nhất, sẽ khiếu kiện Bộ TN&MT về việc lập quy trình vận hành liên hồ chứa gây tác động rất lớn cho hạ du vì quy trình này chỉ làm lợi cho thủy điện, bất chấp quyền lợi của hạ du.
Lý do, Dự thảo đã vi phạm nghiêm trọng các Khoản 2, 5, 7, 8 Điều 3 về nguyên tắc quản lý, bảo vệ khai thác sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm Khoản 1 Điều 9 về các hành vi bị cấm; Khoản 1, 2 Điều 54 về điều hành, phân phối tài nguyên nước; Khoản 1 Điều 55 về chuyển nước lưu vực sông; Khoản 3 Điều 60 về phòng, chống hạn hán, lũ lụt, ngập úng nhân tạo… của Luật Tài nguyên nước. Thứ hai, Đà Nẵng có thể khởi kiện, bắt chủ đầu tư đền bù những thiệt hại do thủy điện Đăk Mi 4 gây ra.
Ông Thắng cho biết, thời điểm hiện tại, miền Trung đã bắt đầu mùa nắng nóng. Vụ Hè Thu cũng chỉ còn một tháng nữa vào vụ. Vì thế, nếu khoảng thời gian này thủy điện Đắk Mi 4 không trả lại nước khu vực vùng hạ du sông Vu Gia sẽ không còn kịp nữa.
Và như vậy, toàn bộ diện tích khoảng 30.000ha lúa, hoa màu của người dân gồm Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam) và thành phố Đà Nẵng sẽ lâm vào tình trạng khô hạn, mất mùa.
Tình hình sẽ càng khốc liệt hơn nhiều, nguồn nước sinh hoạt chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu như Dự thảo quy trình vận hành liên hồ thủy điện, thủy lợi do được thông qua mà chưa bàn bạc, thống nhất điều chỉnh lại.
Theo ông Thắng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 trả lại cho sông Vu Gia 25 m3/giây (thủy điện này lấy nước của sông Vu Gia để phát điện nhưng lại trả nước về sông Thu Bồn) nhưng quy trình này làm trái chỉ đạo. “Đơn vị tư vấn lập Dự thảo chỉ biết đặt lợi ích của thủy điện lên trên hết, bất chấp “việc sống còn” của 1,7 triệu người dân vùng hạ du sông Vu Gia”, ông Thắng bức xúc. (Pháp Luật Việt Nam 7/4, tr18) (về đầu trang)

KHIẾU NẠI – TỐ CÁO

Tranh chấp đất rừng ở Quế Sơn: Bế tắc giải quyết, dân điêu đứng


8 hộ gia đình gồm Nguyễn Đình Phước Tam, Mai Quyền, Nguyễn Văn Cũng, Phạm Hoa, Lê Cang, Nguyễn Văn Quận, Nguyễn Đình Khả, Nguyễn Văn canh tác trên núi Bà Trúc thuộc địa phận thôn 5 từ đời này qua đời khác rất ổn định.
Năm 2004, các hộ thuê người về trồng keo trên diện tích đất trên và quản lý đất đai, cây trồng của mình mà không ai tranh chấp. Năm 2011, họ làm đơn xin khai thác keo thì bị chính quyền địa phương từ chối và cho biết, diện tích trên “bỗng dưng” đang bị tranh chấp với bà Đinh Thị Bộ (đại diện 4 nhóm hộ). Đến nay sự việc kéo dài 4 năm không được giải quyết dứt điểm khiến toàn bộ số cây keo trên diện tích tranh chấp, lẫn số cây liền kề “bị giam” rồi bão lụt làm gãy đổ. Cuộc sống của những người dân nghèo nay đang rơi vào ngõ cụt.
Căn cứ để bà Đinh Thị Bộ tranh chấp đất rừng với các hộ dân là dựa vào quyết định giao đất lâm nghiệp năm 1999 do UBND huyện Quế Sơn cấp. Điều vô lý là Quyết định, Sơ đồ vị trí đất lâm nghiệp số 1999 và Biên bản xét duyệt đề nghị giao đất lâm nghiệp của xã Quế Thuận ngày 28/6/1999 ghi rất rõ nơi giao là hố Bà Bia, thôn 6, Quế Thuận thế nhưng bà Bộ lại tranh chấp đất ở thôn 5, núi Bà Trúc.
Theo Quyết định trên bà Bộ được nhận quản lý sử dụng 27ha trong 50 năm nhưng không ghi rõ số ngày giao đất. Bản vẽ 199 ngày 7/9/1999 của hạt kiểm lâm huyện không thể hiện mốc đánh dấu diện tích đất đất được giao, không ghi rõ tứ cận, tọa độ… Ngoài việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Bộ, đại diện cho 4 hộ gia đình, UBND huyện lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng cho từng hộ, vô tình nâng diện tích đất sử dụng thành 108 ha. Bà Trần Thị Liễu là con bà Bộ, trong thời điểm cấp đất đang đi học và chưa hề tách khẩu vẫn được xác định là một hộ riêng. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao Hồ sơ giao đất lâm nghiệp năm 1999 của UBND huyện trái qui định pháp luật như thế lại không bị hủy mà lại còn được các cơ quan chức năng sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ việc?
Không hủy bỏ Quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên, ngày 5/9/2012 phòng Tài nguyên và Môi trường huyện dựa trên bản vẽ “ma” 199 cho ra đời bản Trích đo địa chính xác định lại vị trí đất đã cấp cho bà Bộ, đại diện 4 hộ dân trượt dài qua diện tích đất thôn 5. Đường xe cày từ xưa đến nay được người dân mặc định là ranh giới giữa hai thôn 5 và 6 nay lại nằm trong diện tích 27 ha cấp cho bà Bộ. Từ đó xác định diện tích tranh chấp với các hộ dân là 21.911.6 m2. Điều lạ là hộ ông Tam không có diện tích đất tranh chấp nhưng vẫn không được khai thác. Ông Bùi Tuần – Chủ tịch xã Quế Thuận (một trong bốn hộ được bà Bộ đại diện đứng tên) khẳng định không có căn cứ để xác định giữa các thôn?


Sau nhiều lần hòa giải, các hộ ông Nguyễn Văn, Nguyễn Văn Củng, Lê Cang, Nguyễn Văn Quận được Tòa án cấp giấy xác nhận không có tranh chấp. Trong Giấy xác nhận ghi rõ: “trong phần kê khai của ông thì phần diện tích rừng 4.892 m2 … hiện không có tranh chấp tại tòa án”. Trả lời câu hỏi về giá trị của giấy xác nhận không tranh chấp trên, ông Nguyễn Tuấn Long – Chánh tòa án huyện khẳng định: “Đối với Tòa ông Văn được phép khai thác cây”. Nhưng khi ông Nguyễn Văn làm đơn xin khai thác thì địa chính xã Quế Thuận không cho khai thác với lý do, bà Bộ cho rằng đây là đất và cây của bà. Xã đề nghị ông Văn làm đơn hỏi lý do sao bà Bộ lại cản trở rồi gửi đồng thời cho Tòa và xã để cùng phối hợp giải quyết.

Ngày 24/1/2014, do hoàn cảnh túng thiếu, cây gãy đổ gần hết, ông Nguyễn Đình Khả tiến hành khai thác gỗ keo. Cùng ngày, TAND huyện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cho thu hoạch, bán sản phẩm gỗ keo đã bị chặt hạ của hộ ông Khả và giao Chi cục thi hành án huyện thực hiện tổ chức bán và tạm gửi kho bạc Nhà nước. Mặc dù diện tích tranh chấp nhỏ, nhưng Chi cục thi hành án lại tạm giữ tòa bộ số tiền bán cây trên cả diện tích không tranh chấp của gia đình ông Khả. Ông Khả khẩn thiết mong được trả lại số tiền trong diện tích không tranh chấp để lo viện phí cho con đang nằm viện. (Bảo Vệ Pháp Luật 8/4, tr10) (về đầu trang)

QUẢN LÝ

Hơn 226 tỷ đồng xây kè chống sạt lở khẩn cấp sông Thu Bồn


UBND tỉnh vừa kiến nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương và bố trí vốn đầu tư xây dựng 3 tuyến kè chống sạt lở bờ sông Thu Bồn (khu vực huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn).
Tổng kinh phí dự kiến 226 tỷ đồng. Theo đó, trích 48 tỷ đồng kè chống sạt lở khẩn cấp bờ hữu sông Thu Bồn (thôn Tân Bình, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn), 46 tỷ đồng kè chống sạt lở khẩn cấp bờ hữu sông Thu Bồn (thôn Phú Đa, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên), và 132 tỷ đồng dùng để kè chống sạt lở khẩn cấp sông Thu Bồn. (Đại Đoàn Kết 8/4, tr7) (về đầu trang)

Có hay không chuyện ngăn sông cấm chợ ở Đại Lộc?


Năm 2014, gặp thuận lợi về thời tiết, hàng trăm héc-ta thơm trên địa bàn tỉnh được mùa đang vào kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, cũng như các loại nông sản khác, chưa kịp vui với chuyện được mùa người nông dân phải đối mặt với sản phẩm của mình bị... rớt giá.
So với mọi năm, thơm năm nay do được thâm canh nên trái lớn, chất lượng cao. Nếu được giá, người nông dân sẽ lãi từ 7 - 10 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, do không có sự điều phối của các cơ quan chức năng nên giá cả đầu ra tùy thuộc tất cả vào thương lái. Khi biết thơm đang chín rộ, buộc nông dân phải thu hoạch, thương lái sẽ đưa ra nhiều lý do khác nhau để ép giá. Do thơm là hàng nông sản dễ bị ôi, thối nên phải bóp bụng bán để thu hồi vốn.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, một nguyên nhân khác làm cho giá thơm trong những ngày qua tại các xã Đại Sơn, Đại Hồng rớt giá là do dư luận đang rộ lên tin đồn trong ngày 7/4, các cơ quan chức năng tại xã Đại Sơn và huyện Đại Lộc tổ chức đóng gác chắn, không cho xe tải vào rừng chở nông sản.
Được biết, năm 2013, Ban Dân chính có thu lệ phí của 7 chủ xe, với số tiền 1,5 triệu đồng/xe làm quỹ thôn nhưng năm 2014 chưa thu được đồng nào. Với chức năng của xã, thôn không có quyền cấm các xe tải vào rừng chở thơm cho người dân. Tuy nhiên, lợi dụng việc xe tải chở thơm, một số lâm tặc đã tổ chức khai thác gỗ, nhờ xe vận chuyển đi tiêu thụ làm cho rừng khu vực Khe Hoa bị cạn kiệt.
Để ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép, UBND xã đã báo cáo cho cơ quan cấp trên có biện pháp ngăn chặn... Như vậy, hoàn toàn không có việc ngày 7/4 UBND xã Đại Sơn sẽ cấm, không cho xe tải vào rừng chở nông sản của người dân như đồn đại hiện nay. (Công An Thành Phố Đà Nẵng Online 5/4; Nông Nghiệp Việt Nam 8/4, tr17) (về đầu trang)

Nâng cao năng lực giám sát đầu tư cộng đồng


Ngày 5/4, Đoàn công tác Cục phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cùng đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam có buổi làm việc với Thanh tra Quảng Nam về tiến độ thực hiện Đề án tăng cường năng lực của Ban giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn tỉnh - VACI 2013.
VACI là tên viết tắt của chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, Đề án về tăng cường năng lực giám sát của ban giám sát đầu tư cộng đồng nhằm cung cấp thông tin, tư vấn hỗ trợ trực tiếp về kỹ năng nghiệp vụ, hướng tới việc tăng cường năng lực giám sát cho các ban giám sát đầu tư công cộng.
Tại Quảng Nam, đề án được thực hiện tại 95 ban giám sát đầu tư công cộng ở 6 địa phương của tỉnh gồm: Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành, Phú Ninh, Thăng Bình và Duy Xuyên. Đề án VACI đã góp phần nâng cao năng lực thành viên ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở, giúp giám sát các công trình xây dựng tại địa bàn dân cư đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng. Đề án đã triển khai một số hoạt động như: xây dựng và tổ chức ký kết hoạt động giữa thanh tra và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tại các địa phương; thành lập mới 3 địa chỉ Hỗ trợ hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng tại thành phố Tam Kỳ, huyện Thăng Bình và Duy Xuyên. (Công An Thành Phố Đà Nẵng Online 5/4) (về đầu trang)

KINH TẾ

TP Tam Kỳ: Thu ngân sách 3 tháng đầu năm hơn 198 tỷ đồng


Trong 3 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 198,5 tỷ đồng, gần bằng 28% kế hoạch năm; trong đó, thành phố quản lý thu 66,7 tỷ đồng, đạt 24,4% chỉ tiêu năm 2014 mà Hội đồng nhân dân thành phố giao.
Một số khoản thu lớn như thuế ngoài quốc doanh đạt 20,9 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất đạt 29,5 tỷ đồng... Để hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, các cơ quan, đơn vị và các xã, phường đang khắc phục những hạn chế để tập trung thu ngân sách, phấn đấu trong 6 tháng đầu năm thu đạt hơn 65% so với chỉ tiêu giao năm 2014. (Đại Biểu Nhân Dân 8/4, tr7) (về đầu trang)

TÀI CHÍNH

Quảng Nam được giao bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ


Thủ tướng vừa ký Quyết định về việc giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014-2015.
Theo đó, trong giai đoạn 2014-2016, hơn 18 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ sẽ phân bổ cho 2 bộ (Bộ GTVT, Y tế) và 23 tỉnh, thành phố để hoàn thành các dự án liên quan đến lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế trong năm 2014-2015.
23 tỉnh, thành phố được giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung gồm: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau.
Thủ tướng yêu cầu, căn cứ kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 được giao, các Bộ và địa phương liên quan có trách nhiệm thông báo kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Đồng thời, các Bộ và địa phương liên quan phải bố trí đủ vốn trái phiếu Chính phủ và huy động các nguồn vốn khác đề thanh toán nợ xây dựng cơ bản đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm phát huy hiệu quả của dự án... (Quân Đội Nhân Dân 8/4, tr1+4) (về đầu trang)

CÔNG THƯƠNG

Phú Ninh: Xử lý dứt điểm nạn khai thác vàng trái phép tại Bồng Miêu


Chánh Văn phòng UBND Nguyễn Ngọc Truyền cho biết: UBND tỉnh đã thống nhất cho lập ngay Trạm quản lý, kiểm soát liên ngành trong thời gian ba tháng và bố trí lực lượng thường trực để kiểm tra, xử lý các trường hợp mang phương tiện vào khu vực mỏ vàng Bồng Miêu khai thác vàng trái phép tại huyện Phú Ninh.
Ðồng thời yêu cầu UBND các huyện: Núi Thành, Tiên Phước và Bắc Trà My thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ địa bàn, không để xảy ra tình trạng khai thác lâm, khoáng sản trái phép và có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Phú Ninh trong việc kiểm tra, truy quét và xử lý các trường hợp vi phạm trong việc khai thác khoáng sản ở vùng giáp ranh...
Theo phân tích của Phó Chủ tịch huyện Phú Ninh Nguyễn Phi Thạnh, nguyên nhân chính là do: Vào cuối năm 2013, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (gọi tắt Công ty vàng Bồng Miêu) tạm ngừng hoạt động đã sa thải gần 500 lao động là người địa phương. Sau khi bị mất việc, lực lượng này đã quay ngược lại tổ chức khai thác, chế biến quặng vàng trái phép ngay tại những nơi họ đã từng làm việc.
Mặt khác, trong khi ngừng hoạt động, Công ty vàng Bồng Miêu đã buông lỏng công tác quản lý, không tổ chức bảo vệ khu vực hầm lò đang khai thác dở dang, tạo điều kiện thuận lợi cho các phu vàng lộng hành ngay trên diện tích đã được Nhà nước giao cho công ty quản lý, khai thác. Và không dừng lại ở đó, mấy tháng gần đây, việc khai thác vàng trái phép còn xảy ra ở khu vực giáp ranh giữa xã Tam Lãnh với các xã: Tiên Lập (huyện Tiên Phước), Trà Kót (huyện Bắc Trà My) và xã Tam Sơn (huyện Núi Thành).
Ðể ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép, UBND huyện Phú Ninh đã thành lập ba tổ kiểm tra tập trung lực lượng truy quét, đẩy đuổi và xử lý các trường hợp vi phạm. Trong đợt truy quét vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa rồi, tổ kiểm tra của xã đã lập biên bản xử lý bảy hộ tổ chức khai thác vàng trong khu dân cư, đã phá hủy ba lán trại; làm mất tác dụng 11 máy nổ, 19 máy xay đá và thu giữ hai máy nổ cùng bảy tấn quặng vàng...
Trong buổi làm việc gần đây với lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Phi Thạnh đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh yêu cầu Công ty vàng Bồng Miêu báo cáo kế hoạch củng cố hoạt động, nhất là kiện toàn mạng lưới bảo vệ, sớm tiếp nhận, quản lý diện tích đã được cấp phép; tiến hành cam kết hoàn thổ diện tích đã khai thác, nếu không khôi phục được thì chuyển nguồn kinh phí đã ký quỹ cho địa phương thực hiện. Ðồng thời đề nghị tỉnh tăng cường lực lượng giúp địa phương tiếp tục truy đuổi, ngăn chặn và xử lý dứt điểm nạn khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu và vùng giáp ranh với xã Tam Lãnh.
Ông Bùi Quang Minh - Chủ tịch xã Tam Lãnh cho biết: Việc tổ chức truy quét, đẩy đuổi lâu nay chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài tỉnh phải có giải pháp căn cơ, khoa học hơn. Nếu xét thấy, Công ty vàng Bồng Miêu quản lý, khai thác và sử dụng không có hiệu quả thì nên kết thúc để giao cho đơn vị khác có năng lực quản lý, khai thác tốt hơn nhằm tránh tình trạng khai thác lộn xộn, gây ảnh hưởng đến môi trường, an ninh trật tự. (Nhân Dân Online 6/4; Đại Đoàn Kết 8/4, tr21) (về đầu trang)

50% mẫu phân bón được kiểm tra có chất lượng kém


Ngày 7/4, tại thành phố Tam Kỳ, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón tại bảy tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam tới Bình Thuận.


Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, các đợt kiểm tra gần đây cho thấy 50% các mẫu phân bón được lấy để kiểm tra cho kết quả là kém chất lượng cả về yếu tố đa lượng và vi lượng. Việc sử dụng phân bón kém chất lượng mỗi năm gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp Việt Nam 800 triệu USD. (VietnamPlus.vn 7/4; Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh Online 8/4; Nhân Dân Online 7/4) (về đầu trang)

NÔNG NGHIỆP

Căng thẳng đối mặt với hạn hán, thiếu nước


Tình hình khô hạn đe dọa sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân vùng đồng bằng đã buộc Sở NN&PTNT phải gửi công văn cảnh báo đến các nhà máy thủy điện nằm trên thượng nguồn các dòng sông lớn của tỉnh. 
Văn bản về phòng chống hạn và nhiễm mặn năm 2014 phát hành ngày 28/2 đã được gởi tới các nhà máy thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2 và các quận huyện tại tỉnh.
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, kịch bản xấu nhất cho vùng hạ du vào vụ hè thu này sẽ có khoảng 10.000 ha/50.000 ha luôn phải tranh đấu trong tình trạng bị khô hạn. Đó là chưa tính diện tích không được tưới.
Do đó, Sở NN&PTNT đã đề nghị các nhà máy thủy điện nói trên báo cáo kế hoạch xả nước phát điện về Chi cục Thủy lợi tỉnh hàng ngày để tỉnh theo dõi, đề xuất kế hoạch phát điện phù hợp với nhu cầu sử dụng nước của hạ du. (Datviet.vn 6/4; Tài Nguyên & Môi Trường 8/4, tr3; Người Lao Động 8/4, tr11) (về đầu trang)

Phục hồi đặc sản tiêu Tiên Phước


Khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích tiêu ở Tiên Phước dần bị thu hẹp. Tình trạng cây chết, rụng lá (do nấm, rệp sáp, tuyến trùng… gây hại) khiến năng suất, chất lượng tiêu giảm, nhiều vườn tỷ lệ thiệt hại từ 30 - 50%, thậm chí có vườn bị mất trắng.
Trước thực trạng này, năm 2010, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tiên Phước và chính quyền địa phương thực hiện mô hình: Sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế bệnh hại trên cây tiêu. Mục đích của mô hình là phát triển sản xuất hồ tiêu ở Tiên Phước theo hướng bền vững, tăng dần diện tích và hạn chế sâu, bệnh hại trên cây tiêu.
Kết quả, những choái tiêu có biểu hiện vàng lá do nấm, tuyến trùng gây ra có biểu hiện giảm rõ rệt, nhiều vết đốm trên lá giảm hẳn và chuyển sang màu xanh đậm; cây tiêu phục hồi nhanh sau quá trình chăm sóc tổng hợp các biện pháp kỹ thuật.
Mô hình giúp các hộ trồng tiêu tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ (cây xanh, phân gia súc) ủ với men Tricoderma bón cho tiêu nhằm ­hạn chế sâu bệnh gây hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí và công lao động. Thông qua mô hình đã nâng cao nhận thức cho nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh tổng hợp trên cây tiêu, tạo ra sản phẩm an toàn và nâng cao chất lượng hạt tiêu Tiên Phước.
Nhằm khuyến khích người dân phát triển loại cây này, huyện Tiên Phước cũng đã có nhiều giải pháp, gần đây là xây dựng Đề án khôi phục và phát triển đặc sản tiêu Tiên Phước. Theo đó, huyện hỗ trợ 20% vốn đầu tư ban đầu nếu như người dân trồng giống tiêu Tiên Phước. (Kinh Tế Nông Thôn 4/4, tr17) (về đầu trang)

Phú Ninh: Dưa hấu mất mùa


Vựa dưa Kỳ Lý, huyện Phú Ninh còn 10 ngày nữa bước vào thu hoạch chính vụ, người dân như đang đứng trên đống lửa. Toàn huyện có gần 700 ha dưa hấu, ước tính đạt 14.000 tấn.
Thế nhưng dưa xuất sang Trung Quốc đang gặp khó khăn về vận chuyển, thương lái không thu mua. Cứ tình trạng này, người trồng dưa Quảng Nam lỗ thê thảm. (Nông Nghiệp Việt Nam 8/4, tr6) (về đầu trang)

PHÁP LUẬT

Công nhân ở mỏ vàng Phước Sơn: Tố cáo nhiều sai phạm của doanh nghiệp


Từ ngày 3/4, hàng trăm công nhân của Công ty TNHH Phước Minh (thị trấn Khâm Đức) đã bỏ trốn khỏi bãi vàng Khe Tăng (xã Phước Thành) để về trụ sở công ty phản đối...
Một số công nhân vừa trốn thoát khỏi bãi vàng cho biết, họ làm việc trong hầm vàng sâu hàng trăm mét nhưng không có cả hệ thống thổi ngạt, rất nguy hiểm, cái chết luôn rình rập. Bữa cơm hàng ngày chủ yếu là cơm nguội với rau rừng trộn muối. Một công nhân tên Long cho biết: “Hầu hết các công nhân bỏ trốn đợt này là người huyện Thanh Chương (Nghệ An). Tất cả đều bị Công ty Phước Minh nợ lương gần 1 năm nay, nhiều người phải đi về tay không. Trong số bỏ trốn có hơn 10 em nhỏ, cá biệt có em Ô Văn Hiệp chỉ mới 16 tuổi nhưng đã làm việc tại bãi vàng hơn 1 năm nay”.
Khi xảy ra sự việc, nhiều phóng viên muốn tiếp cận với công nhân đang ở trụ sở Công ty TNHH Phước Minh nhưng không được do lãnh đạo công ty ngăn cản và đẩy công nhân vào phía trong hội trường của công ty để tránh tiếp xúc với phóng viên báo chí.
Ông Ngô Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Phước Minh cho rằng một số công nhân nghe các chủ khai thác vàng trái phép dụ dỗ sẽ trả mức lương cao hơn nên đã tự ý bỏ bãi vàng của công ty, chứ không có chuyện công ty ngược đãi, nợ lương. Khi xảy ra sự việc công nhân bỏ bãi vàng gây náo loạn, công ty đã ngăn chặn, chở anh em công nhân về công ty để bàn bạc. Sau khi đàm phán, phần lớn công nhân tự nguyện quay trở lại làm việc. Có 15 công nhân đã được công ty hỗ trợ thuê xe về thăm gia đình. “Tất cả những điều tôi nói đều được lập thành biên bản có chữ ký của tất cả công nhân” - theo ông Quang.
Ông Hoàng Hoa- Chánh Văn phòng huyện cho biết: “Khi xảy ra sự việc, UBND huyện cùng Công an huyện đã có mặt để xử lý. Đoàn người bỏ trốn khỏi bãi vàng không gây mất trật tự nên chính quyền không can thiệp, bởi đó là chuyện nội bộ của công ty. Còn việc Công ty Phước Minh lấy lý do là các chủ vàng trái phép trên địa bàn huyện hứa trả lương cao nên công nhân bỏ bãi vàng là chuyện họ nói. Hiện trên địa bàn huyện không có điểm khai thác vàng trái phép lớn. UBND huyện mới thành lập đoàn liên ngành đi truy quét vàng tặc, chỉ có một số điểm khai thác nhỏ lẻ”.
Ông Hoa cũng cho biết them, huyện nhận được thông tin công nhân bị ngược đãi nên bỏ bãi vàng. Vấn đề này UBND huyện đã giao cho Công an huyện tiến hành điều tra. Ngoài ra việc Công ty Phước Minh thu nhận lao động dưới 16 tuổi, cũng như nợ lương công nhân cả năm trời, UBND huyện cũng đã giao cho Phòng LĐ-TB&XH xác minh. (Danviet.vn 8/4; Thanh Niên Online 6/4; Bản tin Chào buổi sáng, 5h30 ngày 7/4 và Bản tin 9h ngày 7/4, VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam; Lao Động Online 8/4; Nông Nghiệp Việt Nam 8/4, tr1+5) (về đầu trang)

https://docs.google.com/file/d/0B6YTEeeug4TAcWgwcThpQlNya1E/edit

https://docs.google.com/file/d/0B6YTEeeug4TAa1Radm4xMGRIYWM/edit

Sa lưới sau 22 năm trốn truy nã


Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh cho biết, vừa di lý đối tượng Trần Thị Tuyết Loan (1950, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn) từ TPHCM theo Quyết định truy nã số 02/1992 của Công an huyện Nam Giang (Quảng Nam).
Theo hồ sơ, năm 1990, Trần Thị Tuyết Loan buôn bán bánh mì tại Thạnh Mỹ (Nam Giang). Trong quá trình buôn bán, Loan nợ tiền của các bạn hàng là 1 chỉ vàng và 3 triệu đồng. Khi biết các nạn nhân gửi đơn trình báo Công an, bà Loan dắt theo 4 người con nhỏ bỏ trốn vào TPHCM.
Qua thời gian dài truy tìm, 14 giờ ngày 1/4, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh bắt giữ Loan. (Công An Thành Phố Đà Nẵng Online 7/4; Công An Thành Phố Hồ Chí Minh Online 7/4) (về đầu trang)

Núi Thành: Khách nhậu chém chủ quán nhậu


Trong lúc nhậu, do xảy ra mâu thuẫn nên Nguyễn Công Chánh (1990, xã Tam Mỹ Đông) về lấy dao, quay lại quán của vợ chồng ông Nguyễn Viết Dũng (1958, thị trấn Núi Thành) để "giải quyết".
Tại đây, Chánh truy đuổi và chém ông Dũng thương tích 23%. Sau khi gây án, Chánh trốn vào TPHCM. Ngày 6/4, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh đã bắt và di lý Chánh từ phường Hiệp Thành (Quận 12, TPHCM) về Quảng Nam. (Công An Thành Phố Đà Nẵng Online 7/4; Pháp Luật Việt Nam 8/4, tr24) (về đầu trang)

Đại Lộc: 2 tên "ăn bay" trên chiếc Sirius màu trắng


Chỉ một thời gian ngắn, trên địa bàn huyện Đại Lộc liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp giật. Các đối tượng cướp giật thường ra tay rất manh động, sẵn sàng tấn công nếu bị hại chống trả khiến người dân hết sức lo lắng.
Mới đây, trên tuyến ĐT 609B đoạn thuộc xã Đại Quang, khi chị Nguyễn Thị Nhi (xã Đại Quang) đang điều khiển xe máy ngon trớn trên đường thì bị hai thanh niên đi xe máy áp sát giật sợi dây chuyền vàng, nhưng do chị Nhi cảnh giác nên chúng thực hiện không thành công. Tiếp đó, đêm 15/3, chị Nguyễn Thị Thu Sương (trú xã Đại Nghĩa) trên đường đi làm về cũng bị hai thanh niên giật dây chuyền vàng trị giá hơn 3 triệu đồng.
Tiếp nhận thông tin từ người bị hại cũng như nắm bắt thông tin từ cơ sở về một số vụ cướp giật khác xảy ra trên địa bàn, xác định đây là những đối tượng gây án nguy hiểm, liều lĩnh nên Công an huyện Đại Lộc đã xác lập Chuyên án truy xét CG03, nhanh chóng cuộc điều tra.
Cũng từ nguồn tin tổng hợp, cơ quan điều tra xác định những vụ cướp xảy ra trong thời gian qua đều do 2 đối tượng thực hiện. Công tác xác minh, sàng lọc đối tượng từ diện rộng được thu hẹp dần dựa vào nhận định chính xác là: chỉ có 2 đối tượng và chúng sử dụng xe Sirius màu trắng. Hướng đi đúng này đã giúp lực lượng phá án "gút" lại danh sách hai đối tượng khả nghi nhất, trong đó một đối tượng là Đoàn Ngọc Lâm (1994, Đại Nghĩa). Ngày 21/3, Bộ Công an quyết định triệu tập Lâm để đấu tranh.
Lâm khai nhận trong thời gian từ cuối năm 2013 đến nay, đã cùng với Võ Văn Cảnh (1994, trú Hòa Tây, Đại Nghĩa) thực hiện 10 vụ cướp giật trên tuyến ĐT 609B. Từ lời khai của Lâm, cơ quan điều tra khẩn trương triệu tập Cảnh đến làm việc, nhưng khi nghe tin Lâm bị bắt, đối tượng này đã bỏ trốn khỏi địa phương. Công an huyện Đại Lộc vừa tiến hành truy bắt, vừa thông qua người thân vận động Cảnh ra đầu thú và đến ngày 24/3, Cảnh đã đến Công an huyện đầu thú. (Công An Thành Phố Đà Nẵng Online 7/4) (về đầu trang)

Y TẾ

Điện Bàn: "Người đàn ông không mạch" bị viêm động mạch Takayashu


Vừa qua, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng đã làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhân Lê Văn Khi (75 tuổi, trú huyện Điện Bàn) sau hơn 10 ngày điều trị tại đây.
Theo Thạc Sĩ Bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu - Trưởng khoa hồi sức cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Tâm Trí), qua thăm khám toàn diện và kết quả các xét nghiệm, các bác sĩ tim mạch chẩn đoán ông Khi mắc bệnh Takayashu (tên bác sĩ người Nhật phát hiện bệnh).
Bệnh lý này gọi là viêm động mạch hệ thống tự miễn, phát hiện ở giai đoạn muộn và xuất hiện hiện tượng xơ vữa động mạch, dẫn đến việc đo huyết áp tay rất khó, có độ chênh nhau khá cao. Ông Khi còn mắc các bệnh lý khác như suy thận độ 1, tăng rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, bệnh mạch vành... nên được điều trị bằng phương pháp nội khoa, cố định mảng xơ vữa, chống tắc nghẽn động mạch, hạ huyết áp; nâng cao thể trạng bằng dưỡng chất và ăn uống. (Tuổi Trẻ 8/4, tr14) (về đầu trang)

GIÁO DỤC

Trường THPT chuyên Bắc Quảng Nam đạt nhiều huy chương tại kỳ thi Olympic


Vừa qua, kỳ thi Olympic 30/4 lần thứ XX vừa được tổ chức tại trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Hồ Chí Minh) trong 3 ngày (từ ngày 4-6/4).
Kỳ thi này thu hút 119 trường với 3.942 học sinh tham gia. Đoàn học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Quảng Nam tham gia cuộc thi với 52 học sinh ở 9 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa và Tin học.
Trường Trung học phổ thông chuyên Bắc Quảng Nam đã xuất sắc vươn lên xếp thứ hạng 14/119 đoàn tham gia dự thi với 42 huy chương. (Cổng Thông Tin Điện Tử Quảng Nam 7/4) (về đầu trang)

MÔI TRƯỜNG

Đông Giang: “Thú lạ” quậy phá là bò tót quý hiếm


Ngày 7/4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chính thức gửi văn bản khẳng định con “thú lạ” xuất hiện tại khu vực rừng giáp ranh 3 xã Zơ Ngây, ATing và Sông Kôn nhiều ngày qua chính là bò tót.
Văn bản ghi rõ: Từ đoạn phim ghi hình loài thú mà Chi cục Kiểm lâm tỉnh cung cấp, qua trao đổi thông tin với TS Nguyễn Mạnh Hà (Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và môi trường - CRES, Đại học Quốc gia Hà Nội), cơ quan chức năng khẳng định đây là cá thể bò tót đã trưởng thành, giới tính đực.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh - cho biết chiều nay 7/4 bò tót cũng tiếp tục xuất hiện tại xã Zơ Ngây.
Theo ông Phan Tuấn, Chi cục đã đề xuất nhiều phương án bảo vệ, trong đó có đề nghị tìm cách đưa bò tót về rừng quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai) hoặc xua đuổi vào vùng lõi rừng đặc dụng.
Con bò tót này có bộ lông màu đen, 4 chân và trên trán con vật có đám lông màu trắng, nặng khoảng 1 tấn. (Thanh Niên Online 7/4; Tin Tức Online 7/4; Nhân Dân Oline 7/4; Chinhphu.vn 7/4; Người Lao Động 8/4, tr4; Nông Nghiệp Việt Nam 8/4, tr2; Bản tin Thời sự 8h, 7/4 và Bản tin 4h, 7/4 trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam) (về đầu trang)

https://docs.google.com/file/d/0B6YTEeeug4TAX3BkYXZlYVpKcEE/edit

https://docs.google.com/file/d/0B6YTEeeug4TANWNNWnpiNXhERXc/edit

Đại Lộc: 459 thùng thu gom rác thải ngoài đồng


Ông Huỳnh Văn Khải - Chủ tịch Hội nông dân huyện Đại Lộc cho biết, đến nay tại 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng xong mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và rác thải trên đồng ruộng.
Toàn huyện đã xây dựng 459 hộp bi chứa rác thải và vỏ bao bì, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Tổng kinh phí xây dựng hơn 326 triệu đồng, trong đó Hội nông dân huyện trích một phần kinh phí, số tiền còn lại được vận động từ các cấp chi hội, nông dân. (Nông Thôn Ngày Nay 7/4, tr14) (về đầu trang)

LAO ĐỘNG

Vụ lao động trốn khỏi ở Phú Ninh: Hai phu vàng đã về quê


Do bị ép làm việc cả ngày lẫn đêm, nhưng không có tiền lương, 10 phu vàng tuổi từ 15 - 19 đã bỏ trốn khỏi bọn cai làm vàng trái phép ở xã Tam Lãnh, trong đó có 2 em Phạm Văn Hảo và Phạm Văn Cường. 


Ông Nguyễn Thế Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em vừa cho biết, trung tâm đã cử nhân viên đưa Phạm Văn Hảo và Phạm Văn Cường (Thanh Hóa) đến bàn giao cho Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Thanh Hóa, sau đó trung tâm này làm thủ tục bàn giao lại cho gia đình. (Danviet.vn 7/4) (về đầu trang)

XÃ HỘI

Đại Lộc: Trao sổ tiết kiệm cho nông dân nghèo


Ngày 7/4, Hội nông dân huyện Đại Lộc tổ chức lễ phát động phong trào “sổ tiết kiệm cho nông dân nghèo” trên địa bàn 18 xã, thị trấn và trao thẻ bảo hiểm y tế cho 80 nông dân nghèo thôn Hòa Hữu Tây (xã Đại Hồng), với tổng trị giá trên 55 triệu đồng.
Đây là số tiền Hội nông dân huyện kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và hội viên nông dân trên địa bàn đóng góp.
Ông Huỳnh Văn Khải - Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết, tháng 6 tới, Hội nông dân huyện tiếp tục trao thẻ bảo hiểm y tế cho nông dân 17 xã, thị trấn còn lại. Trong đợt hai này, Hội sẽ tổ chức trao 84 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 1 triệu đồng) cho nông dân nghèo và các gia đình chính sách. (Nông Thôn Ngày Nay 8/4, tr14) (về đầu trang)

Nam Giang: Tuổi trẻ với đồng bào biên giới


Những ngày tháng ba lịch sử vừa qua, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình “Nghĩa tình tuổi trẻ và biên giới”, vượt hàng trăm cây số đến các  xã biên giới La Êê và Chơ Chun (huyện Nam Giang) tổ chức nhiều hoạt động giúp đồng bào.
Đoàn tình nguyện đến Đồn biên phòng biên giới La Êê, bắt tay vào việc khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Cùng thời điểm này, một đội hình phân tán đi các thôn bản tình nguyện tiến hành sửa chữa, bắt hệ thống điện sinh hoạt gia đình chính sách cho các hộ đồng bào, đồng thời tuyên truyền sử dụng nguồn điện tua bin thủy an toàn.
Một tốp kỹ sư nông nghiệp chăm chú hướng dẫn trồng lúa nước và đặc biệt là hướng dẫn trồng cây ăn trái và trồng thí điểm 20 gốc xoài ghép và mít tố nữ giúp đồng bào trong xã. Đến tận hộ gia đình hỏi han tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, nhiều thành viên mang theo vở, viết, sách, truyện tranh làm quà cho các em học sinh trường Trung học cơ sở La Êê.
Cùng với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp và giống cây ăn trái được chọn lựa kỹ từ miền đồng bằng mang lên như: Mít, xoài, bonbon, cam, bưởi...cho đồng bào nơi đây; đoàn tình nguyện cử cán bộ đứng ra hỗ trợ tập huấn về tin học văn phòng, công tác văn thư lưu trữ cho cán bộ xã La Êê, bàn giao dàn máy tính mới cùng với hướng dẫn sử dụng áp dụng hiệu quả trong công việc tại địa phương.
Cũng trong hành trình, đoàn tình nguyện cử một nửa lực lượng cán bộ y, bác sỹ, kỹ sư vào tận xã Chơ Chun thăm hỏi tặng quà cho nhân dân và tổ chức khám bệnh cấp phát thuốc chữa bệnh cho đồng bào nơi đây. (Công An Thành Phố Đà Nẵng Online 5/4) (về đầu trang)

Thăng Bình: Người dân hiến đất làm đường


Tại huyện Thăng Bình, nhiều người dân đã hiến đất làm đường mà không đòi hỏi bất cứ một sợ đền bù nào, chính vì thế, mà nhiều đoạn đường đã được xây dựng tại địa phương. Đây có thể coi là tấm gương trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng trong công tác giải phóng mặt bằng.
Cách đây 7 năm, người dân thị trấn Hà Lam đã hiến đất để làm đường nội thị với tổng tổng trị giá hơn 14 tỷ đồng. Còn mới đây, với đoạn đường này, người dân đã hiến đất và kiến trúc trên đất trị giá gần 1 tỷ đồng.
Thực ra, ban đầu thị trấn cũng gặp sự phản đối vì giá đất khu vực này khá cao, mà diện tích đất phải hiến lên tới 724m2. Hơn nữa, do kinh phí đầu tư có hạn, người dân cũng không được hỗ trợ nhiều thiệt hại về kiến trức xây dựng, nhưng công tác tuyên tuyền đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Điều đặc biệt là không chỉ chính quyền vận động, mà người dân cũng tự vẫn động nhau để hiến đất làm đường. Gia đình bà ĐặngThị Xuân Huệ là một trong những hộ tự giác lùi lại hàng rào và sửa lại nhà để cho đất làm đường, mặc dù điều này có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của gia đình. Bên cạnh đó, bà còn vận động người than, hàng xóm xung quanh nhanh chóng giao mặt bằng. Bởi lẽ nếu dự án bị đình trệ, thì người dân sẽ bỏ qua cơ hội về cải thiện dân sinh. (về đầu trang)
Thông tin chi tiết, xem tại video trong đường link đính kèm:

https://docs.google.com/file/d/0B6YTEeeug4TAMTQ3Q0MwbDlWaDA/edit (Bản tin Thời sự 10h ngày 7/4, VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam)

Đông Giang: Pano vô tác dụng


Mục Chúng tôi có ý kiến đưa thông tin: Một trong những giải pháp quan trọng nhất được triển khai ngay từ đầu năm về công tác phòng chống cháy rừng là tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Pano là công cụ tuyên truyền, phổ biến những thông tin quan trọng đến người dân, nhất là “bảo vệ rừng”, nhưng hiện rất nhiều pano có nội dung “bảo vệ rừng” xây dựng ven Quốc lộ 14G, đoạn qua các xã Ba, Ating, Sông Kôn… (huyện Đông Giang) đã hư hỏng hoặc nhìn không thấy chữ.
Tình trạng nói trên xảy ra đã lâu, mong ngành chủ quản sớm cải thiện để pano phát huy tác dụng. (Pháp Luật Việt Nam 6/4, tr8) (về đầu trang)

Duy Xuyên: Khởi công xây dựng 2 nhà tình thương


Báo Công An Thành Phố Đà Nẵng phối hợp với Chùa Bà Đa tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà tình thương cho bà Lê Thị Nha - đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn Vân Quật (xã Duy Thành).
Ngôi nhà được xây dựng với số tiền tài trợ 50 triệu đồng do tăng ni, Phật tử Chùa Bà Đa thông qua Báo Công An Thành Phố Đà Nẵng tài trợ cùng với đóng góp của gia đình bà Nha. Cùng ngày, Báo Công An Thành Phố và Chùa Bà Đa cũng đã đến thăm, trao số tiền 25 triệu đồng (đợt 1) trong tổng số 50 triệu đồng tài trợ cho hộ có hoàn cảnh khó khăn khác là bà Võ  Thị Chinh (trú thôn 4, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) để khởi công xây dựng nhà tình thương.
Đợt này, Chùa Bà Đa cùng với Báo Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức xây dựng 4 ngôi nhà tình nghĩa, tình thương cho 4 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 2 huyện Duy Xuyên, Điện Bàn với tổng số tiền 200 triệu đồng và tặng 2 máy chạy thận nhân tạo cho Bệnh viện Đà Nẵng, với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. (Công An Thành Phố Đà Nẵng Online 6/4) (về đầu trang)

Thăng Bình: Gia đình có 4 người khuyết tật, điên dại cần giúp đỡ


Gần 30 năm qua, gia đình anh Phạm Phú Ba (xã Bình Minh) phải chăm lo, tắm rửa cho 3 đứa con bị dị tật, chân tay co quắp và suốt ngày la hú, điên dại.
Gia đình anh Ba thuộc diện khó khăn, 2 vợ chồng không được ăn học đến nơi đến chốn nên phải bám biển mưu sinh. Hằng ngày, anh Ba phải đi theo thuyền ra biển đánh cá thuê cho chủ tàu. Còn chị Cúc thì ở nhà lo cho 3 đứa con tàn tật điên dại, tranh thủ lúc rảnh chị lại đi phơi cá thuê cho những hộ dân gần nhà để kiếm thêm thu nhập.
Do phải bươn chải, vắt kiệt sức lực để có tiền mua thuốc cho con nên hiện nay anh Ba bị bệnh đau cột sống, đi lại khó khăn không làm được việc nặng nhọc. Còn chị Cúc thì mang trong mình căn bệnh viêm khớp mãn tính, thân thể gầy gò, xanh xao…
Ông Trần Văn Tám – Phó Chủ tịch xã Bình Minh chia sẻ: “Biết được hoàn cảnh đó, địa phương luôn tạo mọi điều kiện giúp đỡ cho gia đình những lúc khó khăn. Hàng tháng, mỗi đứa con tàn tật của anh Ba được hưởng số tiền trợ cấp 360 ngàn/tháng”. (Vietnamnet.vn 06/4) (về đầu trang)

Núi Thành: Con tâm thần chăm mẹ liệt giường rất cần được giúp đỡ


Bà lão ấy là Trần Thị Cúc (77 tuổi, xã Tam Xuân 1) đang được người con gái tâm thần chăm sóc từng ngày.
Con gái bà gần 40 tuổi mà cứ như đứa con nít, nói trước quên sau, ngôi nhà không có gì đáng giá ngoài những chai lo, bao bì rách. Được biết mỗi tháng hai mẹ con bà nhận được tổng cộng 360 nghìn tiền trợ cấp, nhưng không đủ chi trả cuộc sống.
Mặc dù trong thời gian qua, chính quyền địa phương và bà con xóm làng cũng đã quan tâm, hỗ trợ nhưng do điều kiện có hạn nên rất cần sự giúp đỡ (Vietnamnet.vn 8/4) (về đầu trang)

Điện Bàn: Chuyện người đàn ông làm giàu trên đôi nạng gỗ


Chưa học hết phổ thông, lại mang theo đôi chân khuyết tật từ năm 4 tuổi nhưng Lê Tiến Vỹ (thôn Thi Phương, xã Điện Phong) đã khiến không ít người  “ganh tị” vì khoản lợi nhuận hơn 700 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ có vậy, từ xưởng mộc của anh, nhiều thanh thiếu niên đã được dạy nghề và có việc làm, thu nhập ổn định.
Ba năm nay, căn nhà nhỏ đầu thôn Thi Phương ngày đêm vang tiếng dùi, tiếng đục từ các học viên của anh Vỹ “điêu khắc”. Mười lăm năm trôi qua, từ một cậu thanh niên 19 tuổi bập bẹ học việc, đến nay, Vỹ đã trở thành ông chủ với 12 học viên chính thức và 4 thợ lành nghề.

Trong khi nhiều xưởng điêu khắc đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì xưởng của Vỹ phải hoạt động hết công suất. Đơn đặt hàng từ  khắp trong ngoài tỉnh đổ về, cơ sở của Vỹ ngày càng lớn mạnh.
Chứng kiến cảnh nhiều em bỏ học sớm, không có việc làm, sa vào game, Vỹ tính cách kéo các em về với xưởng. Trong 7 tháng học việc, Vỹ tận tình chỉ dẫn các em mà không lấy một đồng học phí nào. Nhiều em sau khi cứng tay, Vỹ nhận vào làm với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Học viên sau 2 năm, tay nghề vững vàng hơn thì đã có thu nhập từ 5–6 triệu/tháng. (Đời Sống & Pháp Luật Online 5/4) (về đầu trang)

Thăng Bình: Người phụ nữ mù chịu lắm tai ương


Bao năm nuôi mẹ già nhờ vào bán bánh kẹo lặt vặt trong cảnh mù lòa, giờ đây bà Nguyễn Thị Côi (60 tuổi, xã Bình Minh) thực sự cùng quẫn với căn bệnh ung thư vú và mất liên tiếp 2 người thân...
Đã 8 tháng nay, bà Côi thường xuyên đóng cửa quầy tạp hóa gồm những xâu bánh kẹo treo dọc tường nhà để ra Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chữa trị căn bệnh ung thư vú. Vừa trở về nhà với giấy hẹn trở lại xạ trị sau 1 tháng nữa, bà chưa biết xoay xở kiếm đâu ra tiền để ăn uống và thuốc men...
Ngoài mẹ già, bà Côi còn có một người con nuôi. Khi trưởng thành lấy vợ, người con nuôi có 3 đứa con nhưng 1 đứa tàn tật. Ba năm trước, người con nuôi qua đời, con dâu bà Côi là chị Trương Thị Bé (40 tuổi) hằng ngày đi phụ việc ở xưởng chế biến cá bò để mưu sinh. Nỗi đau càng chồng chất với bà Côi khi vừa mãn tang người con nuôi thì lại phải để tang mẹ già. (Thanh Niên Online 8/4) (về đầu trang)

Hiệp Đức: Nữ thủ lĩnh nhóm vần công


Năng động, nhiệt huyết, bản lĩnh và vui tính là suy nghĩ của nhiều người khi nhắc đến Nguyễn Thị Sương (29 tuổi), bí thư Xã đoàn Quế Thọ.
Chị Sương là tác giả của ý tưởng lập nhóm góp công quay vòng - vần công, để tập hợp thanh niên và giúp đỡ nhau. Đồng thời cũng là đại diện duy nhất của tỉnh và một trong 100 gương mặt tiêu biểu vinh dự nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2014.
Chị Sương có bảy năm cống hiến hết mình cho công tác Đoàn địa phương. Mô hình nhóm góp vần công mà chị Sương khởi xướng đã dẫn đến sự đoàn kết, gắn bó trong gần 100 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã. Từ năm 2010 đến nay, 94 đoàn viên, thanh niên tham gia nhóm không chỉ giúp đỡ lẫn nhau không công mà còn phối hợp tìm kiếm việc làm để tạo thêm nguồn thu nhập. (Tuổi Trẻ 8/4, tr11) (về đầu trang)

THỂ THAO

QNK Quảng Nam: Thay đổi vì khán giả


Không bị áp lực làm được cái gì đó ghê gớm ngay mùa đầu chơi chuyên nghiệp và giờ đây cũng không còn lo rớt hạng, QNK.Quảng Nam hoan toàn có thể nghĩ tới nhiệm vụ hâm nóng các khán đài san Tam Kỳ, tạo lực lượng cổ động viên hùng hậu để dành cho những mùa sau.
Mục tiêu giữ hạng ở mùa giải đầu tiên góp mặt tại V-League sẽ không khó với bóng đá Quảng Nam. Tuy nhiên, thầy trò Huấn luyện viên Vũ Quang Bảo không thể tiếp tục mang tiếng đội bóng “đã không thua thì thôi chứ thua cho nên thua”.
Từ đầu mùa giải đến nay, QNK.Quảng Nam góp mặt ở tất cả những trận đấu có tỷ số cao nhất, mà đa phần trong số đó đội bóng xứ Quảng thua. Điều đáng nói là trận đấu có tỷ số đậm nhất sau 11 vòng đấu của V-League mùa này cũng do QNK.Quảng Nam tạo ra, đó là trận thắng 6-3 của họ trước Than Quảng Ninh, một đội bóng khá khó chịu.
Rõ ràng, ngoài sự hạn chế của hàng thủ thì bản lĩnh thi đấu là điểm cần khắc phục ở đội bóng xứ Quảng. Huấn luyện viên Vũ Quang Bảo cũng thừa nhận điều này khi cho rằng, mỗi khi để đối phương dẫn bàn trước, tâm lý thi đấu của QNK.Quảng Nam thường bất ổn. Họ khó làm chủ được mình và nôn nóng tấn công nên dễ sập bẫy phản công của đối thủ.
Trong kế hoạch chuẩn bị cho giai đoạn lượt về, Huấn luyện viên Vũ Quang Bảo dự định sẽ tăng cường sức mạnh cho hàng công và gia cố sự chắc chắn ở hàng thủ. Theo đó, nhà cầm quân họ Vũ cho biết QNK.Quảng Nam sẽ xem xét kỹ lưỡng để xúc tiến việc ký hợp đồng với tiền đạo Almeida Jose De Emidio, cựu Vua phá lưới V-League.

Ngoài Almeida, Huấn luyện viên Vũ Quang Bảo sẽ tìm kiếm một trung vệ ngoại binh để gia cố sự chắc chắn cho hàng thủ.


Với một đội bóng tân binh, những gì QNK.Quảng Nam làm được đến thời điểm này hẳn là không đến mức khiến người hâm mộ thất vọng. Tuy nhiên, nếu điều kiện cho phép có thể thay đổi thì QNK.Quảng Nam hãy thay đổi, để ít nhất là vì… khán giả.(Thể Thao & Văn Hoá Online 8/4) (về đầu trang)

TIN VẮN



Ngày 6/4, gia đình phát hiện anh Võ Tấn Đức (38 tuổi, xã Bình An, huyện Thăng Bình) đã chết không rõ nguyên nhân. Trước đó, chiều 5/4, anh Đức vẫn đi làm đồng bình thường, tối về ăn cơm cùng gia đình. (Công An Thành Phố Đà Nẵng Online 7/4) (về đầu trang)
Sau 7 đợt ra quân truyên truyền, tập trung các đối tượng có hộ khẩu trong và ngoài tỉnh đang lang thang, ăn xin tại địa bàn huyện Tam kỳ, đã có 30 trường hợp được vận động hồi gia hoặc đưa vào bệnh viện tâm thần để điều trị. (Thanh Niên 8/4, tr2) (về đầu trang)

ĐIỂM TIN ĐÃ ĐƯA



Lao Động & Xã Hội 7/3, tr3 đưa lại tin: 16 tỉnh, thành phố có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao trong quý I/2014 đã bị Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phê bình, trong đó có Quảng Nam(về đầu trang)
Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh 8/4, tr2; Lao Động 8/4, tr3 đưa lại tin: UBND tỉnh vừa kiến nghị Bộ GTVT có chủ trương hạn chế tốc độ xe ô tô lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Quảng Nam. (về đầu trang)
Người Lao Động 8/4, tr4 đưa lại tin: Tối 3/4, tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My đã xảy ra trận động đất mạnh khiến người dân một phen hoảng hốt. (về đầu trang)
Ngày 2/4, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tổ chức hội thảo phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch. Thông tin được đưa lại trên Báo Văn Hoá 7/4, tr2. (về đầu trang) ./.
Biên tập viên Lê Mai





Каталог: QTIUpload -> BanTin
QTIUpload -> TỈnh ủy quảng nam đẢng cộng sản việt nam
BanTin -> Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 21 tháng 4 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 20 tháng 02 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 14 tháng 11 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 28 tháng 10 năm 2013)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 21 tháng 02 năm 2014)
BanTin -> BÁo cáo tổng quan báo chí (Tin Quảng Nam ngày 22 tháng 04 năm 2014)
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 23 tháng 12 năm 2013)
BanTin -> BẢn tin phục vụ LÃnh đẠO (Ngày 02 tháng 01 năm 2014)

tải về 218.51 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương