BÁo cáo nghiên cứu khả NĂng việt nam gia nhập công ưỚc viêN 1980 VỀ HỢP ĐỒng mua bán hàng hóa quốc tế (cisg) Phần I: Giới thiệu chung


Phần 2: Xác lập hợp đồng (trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng) (Điều 14- 24)



tải về 448.53 Kb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích448.53 Kb.
#30745
1   2   3   4   5   6

Phần 2: Xác lập hợp đồng (trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng) (Điều 14- 24)


Trong phần này, với 11 điều khoản, Công ước đã quy định khá chi tiết, đầy đủ các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Điều 14 của Công ước định nghĩa chào hàng, nêu rõ đặc điểm của chào hàng và phân biệt chào hàng với các “lời mời chào hàng”. Các vấn đề hiệu lực của chào hàng, thu hồi và hủy bỏ chào hàng được quy định tại các điều 15, 16 và 17. Đặc biệt, tại các Điều 18, 19, 20 và 21 của Công ước có các quy định rất chi tiết, cụ thể về nội dung của chấp nhận chào hàng; khi nào và trong điều kiện nào, một chấp nhận chào hàng là có hiệu lực và cùng với chào hàng cấu thành hợp đồng; thời hạn để chấp nhận, chấp nhận muộn; kéo dài thời hạn chấp nhận. Ngoài ra, Công ước còn có quy định về thu hồi chấp nhận chào hàng, thời điểm hợp đồng có hiệu lực.

Phần 3: Mua bán hàng hóa (Điều 25 - 88)

Nội dung của phần 3 là các vấn đề pháp lý trong quá trình thực hiện hợp đồng. Phần này được chia thành 5 chương với những nội dung cơ bản như sau:

Chương I: Những quy định chung

Chương II: Nghĩa vụ của người bán

Chương III: Nghĩa vụ của người mua

Chương IV: Chuyển rủi ro

Chương V: Các điều khoản chung về nghĩa vụ của người bán và người mua

Đây là chương có số lượng điều khoản lớn nhất, cũng là chương chứa đựng những quy phạm hiện đại, tạo nên ưu việt của CISG. Nghĩa vụ của người bán và người mua được quy định chi tiết, trong hai chương riêng, giúp cho việc đọc và tra cứu của các thương nhân trở nên dễ dàng. Về nghĩa vụ của người bán, Công ước quy định rất rõ nghĩa vụ giao hàng và chuyển giao chứng từ, đặc biệt là nghĩa vụ đảm bảo tính phù hợp của hàng hóa được giao (về mặt thực tế cũng như về mặt pháp lý). Công ước nhấn mạnh đến việc kiểm tra hàng hóa được giao (thời hạn kiểm tra, thời hạn thông báo các khiếm khuyết của hàng hóa). Nghĩa vụ của người mua, gồm nghĩa vụ thanh toán và nghĩa vụ nhận hàng.

Công ước Viên 1980 không có một chương riêng về vi phạm hợp đồng và chế tài do vi phạm hợp đồng. Các nội dung này được lồng ghép trong chương II, chương III và chương V.

Chương V của Phần 3 quy định về vấn đề tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, vi phạm trước hợp đồng, việc áp dụng các biện pháp pháp lý trong trường hợp giao hàng từng phần, hủy hợp đồng khi chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ.


Phần 4: Các quy định cuối cùng (Điều 89 - 101)


Phần này quy định về các thủ tục để các quốc gia ký kết, phê chuẩn, gia nhập Công ước, các bảo lưu có thể áp dụng, thời điểm Công ước có hiệu lực và một số vấn đề khác mang tính chất thủ tục khi tham gia hay từ bỏ Công ước này.

Phần II. Thực trạng các doanh nghiệp Việt Nam trong giao dịch thương mại quốc tế

1.Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam

Tính từ năm 1988 đến năm 2008, Việt Nam đã có bước tiến đầy ấn tượng về tăng trưởng xuất khẩu cả về kim ngạch và khối lượng hàng hóa cũng như cơ cấu mặt hàng xuất khẩu. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trên tổng GDP của Việt Nam đã tăng từ 30% vào đầu thập kỷ 1990 lên đến 70% vào năm 2008. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong toàn giai đoạn này khoảng 19%/năm. Mặc dù quá trình thay đổi này diễn ra với tốc độ còn khiêm tốn nhưng đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững hoạt động xuất khẩu và ổn định kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2009 khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến hàng loạt các thị trường xuất khẩu quan trọng của nước ta.

Thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng được mở rộng về quy mô và số lượng. Nếu như năm 2002 chỉ có 4 nước có kim ngạch xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD là Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Australia thì đến năm 2006 đã tăng lên thành 8 nước (thêm Malaysia, Singapore, Anh, Đức), và tính đến năm 2008 có thêm 3 nước và vùng lãnh thổ là Đài Loan, Thái Lan, Indonexia. Tuy chỉ chiếm khoảng 5% trong số các thị trường Việt Nam có quan hệ xuất khẩu nhưng tổng giá trị của các thị trường này đạt gần 35 tỷ USD (chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Nhìn chung, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu vẫn là các bạn hàng lớn nhất và cũng là các thị trường chính cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản, thủy sản, dệt may và giày dép.

Biểu đồ 1 – Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang một số thị trường lớn



Nguồn: Báo cáo Tổng kết Tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2009 và Kế hoạch 2010 của Ngành Công thương

Năm 2011, Việt Nam tiếp tục xuất siêu mạnh sang thị trường Hoa Kỳ với 5,55 tỷ USD, tương ứng tăng 976 triệu USD so với năm 2010. Tiếp theo là thị trường Campuchia và Anh với 857 triệu USD và 825 triệu USD. Thị trường Nam Phi trong 6 tháng cũng đã đạt được mức thặng dư lên tới 754 triệu USD, tăng 607 triệu USD.



Biểu đồ 2: Một số thị trường xuất siêu chính của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2011



Nguồn: Tổng cục thống kê

Về nhập khẩu, nước ta nhập siêu chủ yếu từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN. Đa số nguyên nhiên phụ liệu, vật tư và thiết bị máy móc được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Xinh-ga-po, và Thái Lan do lợi thế về vận tải, giá cả và tính phù hợp. Đặc biệt, ASEAN và Trung Quốc vẫn là những đối tác cung ứng lớn nhất cho nước ta, với tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam tăng từ khoảng 31,9% năm 1995 lên 45,3% năm 2007, 43,4% năm 2008 và 43% năm 2009. Riêng tỷ trọng của Trung Quốc đã tăng từ 14,2% giai đoạn 2001-2006 lên trên 19% năm 2007 và năm 2008, và vọt lên tới 23,2% trong năm 2009. Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất các mặt hàng thuộc nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, các mặt hàng thuộc nhóm máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện và một số nhóm hàng khác. Nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu chủ yếu là máy móc thiết bị công nghệ nguồn và một số nguyên vật liệu phụ trợ, nhưng lượng nhập còn khiêm tốn.



Biểu đồ 3: Một số thị trường nhập siêu chính của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2011


Nguồn: Tổng cục thống kê

2. Các chủ thể tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện ngày càng nhiều bởi cả hai nhóm doanh nghiệp của Việt Nam: doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng tăng nhanh qua từng thời kỳ, cụ thể là vào năm 1995, con số này là 5,5 tỷ đô la Mỹ, đến năm 2000 là 14,5 tỷ, năm 2005 tăng lên 32,5 tỷ và đến năm 2010 đạt 72,2 tỷ đô la Mỹ9. Điều này khẳng định tầm quan trọng của hoạt đồng xuất khẩu hàng hóa trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Các giao dịch thương mại quốc tế thường được thể hiện qua hợp đồng. Có một thực tế là mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các giao dịch này nhưng vị thế của các doanh nghiệp trong giao kết và thực hiện hợp đồng vẫn còn khá thấp. Điều này chủ yếu do kinh nghiệm đàm phán và ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài còn non yếu, nhiều doanh nghiệp không nắm được nguyên tắc khi giao kết với khách hàng, thường với những hợp đồng có giá trị lớn phải dựa vào dự thảo do đối tác đưa ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam dù chưa nắm rõ pháp luật nước ngoài hay tập quán quốc tế, song do đối tác nước ngoài luôn muốn áp dụng luật nước ngoài trong hợp đồng, nên doanh nghiệp dù không muốn vẫn phải chấp thuận các điều khoản của đối tác đưa ra.


  1. Thực tế tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Theo nhận định của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), số vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài trong các giao dịch thương mại tăng lên rõ rệt vài năm trở lại đây. Từ năm 2002 đến năm 2008, VIAC đã giải quyết 198 vụ kiện, trong đó có 149 vụ tranh chấp quốc tế. Tranh chấp không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng cả về giá trị. Số vụ có giá trị tranh chấp lớn từ 2 đến 5 triệu USD ngày càng nhiều. Đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt cho các tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh vì thiếu hiểu biết về pháp luật. Do đó, khi gặp phải rủi ro, nhiều doanh nghiệp thường chấp nhận phần thua thiệt. Trong số các vụ tranh chấp về mua bán hàng hóa quốc tế được đưa ra VIAC, có tới trên 80% các vụ tranh chấp mà thỏa thuận giữa các bên không quy định luật áp dụng. Trong những trường hợp như vậy, các trọng tài đã phải rất vất vả để xác định luật áp dụng cụ thể trong những trường hợp đó là luật nào và phải giải thích ra sao.

Biểu đồ 4: Tỷ lệ tranh chấp liên quan đến Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại VIAC



Nguồn: VIAC – Số liệu thống kê giai đoạn 1993-2010

Biểu đồ 5: Tỷ lệ tranh chấp liên quan đến luật áp dụng trong số các tranh chấp liên quan đến Hợp đồng xuất nhập khẩu tại VIAC



Nguồn: VIAC – Số liệu thống kê giai đoạn 1993-2010

Nếu như theo thống kê ở trên, rất nhiều quốc gia là bạn hàng lớn và lâu dài của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Canada, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po... đều đã tham gia Công ước Viên, thì trong các tranh chấp thương mại quốc tế, có tới hơn 60% tổng số vụ mà bên đối tác nước ngoài là doanh nghiệp của nước đã tham gia Công ước.



Biểu đồ 6: Quốc tịch các bên nước ngoài trong các tranh chấp tại VIAC



Nguồn: VIAC – Số liệu thống kê giai đoạn 1993-2010

Trong hợp đồng thương mại hiện nay về điều khoản giải quyết tranh chấp, các doanh nghiệp trong nước thì thường hay chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án nhân dân có thẩm quyền vì các doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng trọng tài khi giải quyết tranh chấp hợp đồng, họ cho rằng quyết định của Tòa án có giá trị pháp lý cao hơn quyết định của trọng tài, đồng thời chưa tin tưởng về hiệu lực thi hành các quyết định trọng tài và chưa nhận biết được tính ưu việt hơn của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài so với bằng Tòa án. Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài khi ký kết hợp đồng mua bán hay cung cấp dịch vụ với các doanh nghiệp trong nước thì thường lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhiều hơn hình thức giải quyết bằng Tòa án vì họ đã nhận thức đầy đủ các ưu thế của Trọng tài. Song, họ lại lựa chọn trọng tài nước ngoài nhiều hơn là trọng tài Việt Nam, chỉ một số ít mới lựa chọn sử dụng Tòa án khi giải quyết tranh chấp.



Phần III: So sánh nội dung Công ước Viên 1980 và pháp luật hợp đồng của Việt Nam

  1. Phạm vi điều chỉnh và các điều khoản chung của CISG

    1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1-6 CISG)

Điều 1(1)(a) quy định Công ước được áp dụng đối với những hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở kinh doanh ở các nước khác nhau và những nước này là thành viên Công ước. Dấu hiệu “lãnh thổ” của các bên ký kết (chứ không phải dấu hiệu về quốc tịch hay các dấu hiệu khác) được dùng để xác định tính quốc tế của hợp đồng. Công ước không có định nghĩa cụ thể về “trụ sở kinh doanh”, mặc dù tại Điều 10 Công ước ghi nhận trường hợp nếu một bên có nhiều hơn một trụ sở kinh doanh thì trụ sở kinh doanh là trụ sở có mối liên hệ chặt chẽ nhất với hợp đồng và việc thực hiện hợp đồng; và trường hợp nếu một bên không có trụ sở kinh doanh thì sẽ lấy nơi cư trú thường xuyên của họ làm căn cứ xác định.

Căn cứ thứ hai có thể được sử dụng để xác định phạm vi điều chỉnh của Công ước được ghi nhận tại Điều 1(1)(b) là khi quy tắc tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một nước thành viên Công ước. Một số nước 10 đã loại trừ khả năng áp dụng của Điều 1(1)(b) bằng việc đưa ra tuyên bố bảo lưu theo Điều 95.

Căn cứ cuối cùng cho việc áp dụng Công ước là các bên trong hợp đồng nhìn chung được tự do chọn Công ước làm luật áp dụng và theo Điều 6 thì còn có thể không áp dụng Công ước, hoặc làm khác/thay đổi hiệu lực áp dụng của bất kỳ điều khoản nào của Công ước11.

Theo pháp luật Việt Nam, mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005 và pháp luật có liên quan12. Ngoài ra, các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế, nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam13. Đối với hoạt động thương mại không được quy định trong Luật Thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự14. Khi đó, hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định của Bộ luật dân sự áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung15.

Theo khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại 2005, “mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu”. Như vậy, tiêu chí để xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật Thương mại là sự chuyển giao hàng hóa qua biên giới. Tuy nhiên, theo Bộ luật dân sự 2005, căn cứ để xác định yếu tố nước ngoài đối với một quan hệ dân sự nói chung là: chủ thể tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; hoặc các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài; hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài16. Như vậy, trong trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được ký kết giữa các bên có quốc tịch khác nhau nhưng không có sự chuyển dịch hàng hóa qua biên giới thì có thể áp dụng Bộ luật dân sự 2005 đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung để điều chỉnh.

Như vậy, có thể thấy có sự khác biệt giữa Luật Thương mại, Bộ luật dân sự và Công ước trong việc xác định tính quốc tế của hợp đồng. Việc xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa có ý nghĩa pháp lý và thực tiễn quan trọng bởi nó gắn liền với việc xác định luật để điều chỉnh quan hệ của các bên trong hợp đồng. Nếu hợp đồng là hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường (hợp đồng nội địa) thì quyền và nghĩa vụ của các bên xuất phát từ hợp đồng đó sẽ được pháp luật trong nước điều chỉnh, ví dụ, pháp luật Việt Nam. Nếu là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì nó sẽ được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn: pháp luật của các quốc gia khác nhau, các điều ước quốc tế liên quan và trong nhiều trường hợp cả tập quán thương mại quốc tế, và trong trường hợp không có sự lựa chọn của các bên thì cần phải chọn luật của quốc gia nào theo các quy tắc của tư pháp quốc tế. Do vậy, để đảm bảo sự phù hợp với thông lệ chung đang được công nhận trong thương mại quốc tế, Luật Thương mại Việt Nam nên có sự sửa đổi, bổ sung nhằm tương thích với quy định của Công ước trong việc xác định tính quốc tế của hợp đồng.

Điều 4 Công ước tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh của Công ước giới hạn ở việc giao kết hợp đồng mua bán, quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ hợp đồng đó. Đối với tính hiệu lực của hợp đồnghệ quả của hợp đồng đối với quyền sở hữu hàng hóa đã bán không được Công ước điều chỉnh.

Trong khi đó, Luật Thương mại 2005 có quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa17, theo đó quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao. Luật Thương mại không có quy định về vấn đề hiệu lực của hợp đồng. Do đó, có thể dẫn chiếu đến quy định của Bộ luật dân sự về các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó một giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau : (i) người tham gia giao dịch có đủ năng lực hành vi dân sự ; (ii) mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội ; (iii) người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện ; (iv) hình thức giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật.



1.2. Các quy định chung (Điều 7-13)

Điều 7 Công ước liên quan đến việc giải thích CISG, quy định việc giải thích phải nhằm thúc đẩy sự áp dụng thống nhất Công ước và tôn trọng nguyên tắc thiện chí trong thương mại quốc tế. Nguyên tắc thiện chí là một nguyên tắc quan trọng trong pháp luật dân sự. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Bộ luật dân sự Việt Nam 18.

Các vấn đề thuộc đối tượng điều chỉnh của Công ước mà không có quy định rõ ràng trong Công ước để giải quyết thì sẽ áp dụng các nguyên tắc chung mà Công ước dẫn chiếu, trong trường hợp không có các nguyên tắc này thì sẽ áp dụng luật quốc gia mà quy phạm tư pháp quốc tế dẫn chiếu. Trong khi đó, Luật Thương mại ghi nhận về trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thỏa thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật Thương mại và Bộ luật dân sự 19. Bộ luật dân sự cũng quy định trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc của Bộ luật dân sự 20.

Điều 11 đến điều 13 CISG đề cập đến việc liệu một hợp đồng có cần phải được ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay không, và thừa nhận thực tế telex và điện tín được coi như hình thức văn bản trong pháp luật hợp đồng. Điều 11 CISG đi theo cách tiếp cận rằng các hợp đồng không nhất thiết phải thể hiện bằng hình thức văn bản. Tuy nhiên Điều 12 và 96 CISG ghi nhận bất cứ nước thành viên nào cũng có quyền tuyên bố bảo lưu nội dung này, có quyền áp dụng quy định mọi chào hàng, chấp nhận chào hàng, hợp đồng, các sửa đổi/chấm dứt hợp đồng và bất kỳ sự thể hiện ý chí nào khác phải được lập bằng văn bản nếu một bên có trụ sở kinh doanh ở nước đó.

Theo Luật Thương mại Việt Nam, mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức có giá trị pháp lý tương đương 21. Quy định này nhằm tránh những rủi ro và tranh chấp phát sinh từ sự thiếu minh bạch trong hoạt động thương mại quốc tế, vốn là hoạt động thương mại phức tạp. Do đó, nếu gia nhập Công ước, Việt Nam nên thực hiện bảo lưu nội dung về hình thức hợp đồng tại Điều 12 và 96 CISG.

2. Giao kết hợp đồng (Điều 14-24 CISG)

Điều 14 CISG định nghĩa một đề nghị giao kết hợp đồng hình thành một chào hàng khi nó được gửi đến một/nhiều người xác định, thể hiện ý chí của người chào hàng muốn ràng buộc mình trong trường hợp chào hàng được chấp nhận, và nêu rõ hàng hóa, ấn định hoặc quy định cách xác định số lượng và giá cả. Bộ luật dân sự Việt Nam quy định đề nghị giao kết hợp đồng phải thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể 22. So với CISG, pháp luật Việt Nam không yêu cầu nội dung cụ thể của một đề nghị giao kết hợp đồng.

Điều 14 CISG cũng phân biệt một chào hàng với một lời mời đưa ra chào hàng23. Theo đó, một đề nghị không gửi cho những người xác định chỉ được coi là một lời mời đưa ra chào hàng. Nội dung này không có quy định tương ứng trong pháp luật Việt Nam, tính xác định cụ thể của người nhận đề nghị chưa được BLDS hay Luật Thương mại làm rõ.

Điều 15 CISG quy định một chào hàng sẽ có hiệu lực khi nó tới nơi người được chào hàng. Ngoài ra, chào hàng, dù là loại không thể hủy ngang, có thể bị rút lại nếu thông báo rút lại chào hàng tới nơi người được chào hàng trước hoặc cùng lúc với chào hàng. Thực chất sự rút lại chào hàng theo điều này không phải là sự hủy bỏ chào hàng vì chào hàng này chưa có hiệu lực.

Bộ luật dân sự Việt Nam ghi nhận thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực là do bên đề nghị ấn định ; hoặc khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó24. Luật cũng liệt kê rõ các trường hợp được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng25, bao gồm : đề nghị được chuyển đến nơi cư trú/ trụ sở của bên được đề nghị ; đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị ; bên được đề nghị biết được đề nghị thông qua các phương thức khác. Quy định này phù hợp với nội dung của Điều 24 CISG. Về việc rút lại đề nghị, Điều 392 BLDS 2005 có quy định tương tự CISG, theo đó quy định điều kiện để bên đề nghị thay đổi, rút lại đề nghị là khi bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị. Tuy nhiên, so với Công ước, điểm b khoản 1 Điều 392 còn bổ sung thêm trường hợp bên đề nghị có thể rút lại đề nghị nếu: điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

Điều 16 CISG quy định về nguyên tắc, một chào hàng có thể bị hủy ngang. Tuy nhiên, điều kiện để hủy bỏ chào hàng là nếu thông báo về việc hủy bỏ tới nơi người được chào hàng trước khi người này gửi chấp nhận chào hàng. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 16 CISG quy định hai ngoại lệ quan trọng trong đó chào hàng không thể bị hủy ngang là :



  1. Khi đề nghị quy định rõ là không thể bị hủy ngang, bằng cách quy định rõ một thời hạn nhất định cho việc chấp nhận.

  2. Bên đề nghị có cơ sở hợp lý để tin là đề nghị không hủy ngang và đã hành động theo chiều hướng đó.

Trong khi đó, BLDS 2005 có cách tiếp cận ngược lại, quy định: “Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền huỷ bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng”26. Như vậy theo pháp luật Việt Nam, một đề nghị về nguyên tắc sẽ không bị hủy ngang, trừ khi quyền hủy ngang được bên đề nghị quy định trước trong đề nghị. Mặc dù Điều 393 BLDS 2005 đưa ra thời điểm “bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng” làm căn cứ để xác định hiệu lực của thông báo hủy bỏ đề nghị của bên đề nghị, nhưng lại không nêu rõ thời điểm nào được coi là bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị.

Điều 17 CISG ghi nhận một quy tắc được chấp nhận phổ biến rằng một chào hàng dù là loại không thể hủy ngang vẫn có thể chấm dứt hiệu lực khi thông báo từ chối chấp nhận chào hàng đến nơi người chào hàng. Trong khi đó, Bộ luật dân sự quy định các trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt bao gồm : i) bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận ; ii) hết thời hạn trả lời chấp nhận ; iii) khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực ; iv) khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực ; theo thỏa thuận của hai bên trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời27.

Điều 18 CISG định nghĩa một chấp nhận chào hàng là một lời tuyên bố hoặc một hành vi khác của người được chào hàng thể hiện rõ sự đồng ý với chào hàng. Sự im lặng hoặc không hành động không mặc nhiên có giá trị là một chấp nhận. Tương ứng, Điều 396 BLDS 2005 nêu rõ chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như họ đã đưa ra đề nghị mới28.

Về thời điểm để một chấp nhận chào hàng có hiệu lực, CISG căn cứ vào thời điểm chấp nhận chào hàng tới nơi người chào hàng29. Một chấp nhận chào hàng có hiệu lực khi nó tới nơi người chào hàng trong thời hạn quy định hoặc trong một thời hạn hợp lý (nếu không ấn định thời hạn). Pháp luật Việt Nam quy định trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn được bên đề nghị ấn định. Nếu bên đề nghị nhận được trả lời khi đã hết thời hạn đó thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời30. Ngoài ra, CISG31 và Bộ luật dân sự Việt Nam32 đều yêu cầu một chào hàng bằng miệng phải được chấp nhận ngay lập tức, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Điều 19 CISG ghi nhận trường hợp trả lời chấp nhận chào hàng có kèm theo những nội dung sửa đổi đề nghị chào hàng ban đầu sẽ cấu thành một chào hàng mới, trừ khi những sửa đổi không làm biến đổi một cách cơ bản nội dung chào hàng ban đầu. Các yếu tố sửa đổi liên quan đến các điều kiện giá cả, thanh toán, chất lượng và số lượng hàng hóa, địa điểm và thời hạn giao hàng, phạm vi trách nhiệm của các bên, giải quyết tranh chấp được coi là làm biến đổi một các cơ bản nội dung của chào hàng. Về phần này, BLDS cũng có quy định tương tự như đã đề cập ở trên tại Điều 395, tuy nhiên không có quy định chi tiết về các yếu tố sửa đổi làm thay đổi cơ bản nội dung chào hàng như trong CISG.

Điều 22 CISG và Điều 400 BLDS có quy định tương tự nhau về việc chấp nhận chào hàng có thể bị rút lại nếu thông báo rút lại tới nơi người chào hàng trước hoặc cùng thời điểm chấp nhận chào hàng có hiệu lực.

Về thời điểm giao kết hợp đồng, CISG quy định hợp đồng được giao kết kể từ thời điểm chấp nhận chào hàng có hiệu lực33, trong khi BLDS cụ thể hóa các trường hợp như : hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết ; hoặc nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết thì hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị vẫn im lặng ; hoặc thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng ; hoặc thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản. Nhìn chung, các quy định này của CISG và BLDS là tương thích với nhau.

3. Mua bán hàng hóa (Điều 25-88)

Giống như pháp luật quốc gia của đa số các nước khác trên thế giới, pháp luật về hợp đồng của Việt Nam liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế kém chi tiết và rõ ràng hơn so các quy định của CISG về một số nội dung, đặc biệt là về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.

Điều 25 định nghĩa “sự vi phạm cơ bản” hợp đồng, phân biệt với vi phạm khác ít nghiêm trọng hơn, là yếu tố căn bản để xác định biện pháp khắc phục cho các bên. Bất cứ vi phạm nào của một bên cũng cho phép bên kia có quyền đòi bồi thường thiệt hại, nhưng chỉ có vi phạm cơ bản mới cho phép một bên được hủy hợp đồng34, cho phép người mua từ chối nhận hàng hóa không phù hợp và yêu cầu hàng thay thế35, hoặc cho phép người bán từ chối giao hàng. Điều 25 định nghĩa một sự vi phạm hợp đồng là vi phạm cơ bản nếu nó gây thiệt hại đến mức mà bên bị thiệt hại bị mất đi lợi ích mà họ có quyền mong đợi từ hợp đồng, trừ khi hậu quả là không dự liệu được và rõ ràng là không thể dự liệu được bởi bên vi phạm. Trong khi đó, Luật Thương mại Việt Nam có định nghĩa tương tự Công ước về “vi phạm cơ bản”36. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định bên bị vi phạm không được áp dụng một số chế tài trong thương mại đối với vi phạm không cơ bản37.

Việc hủy hợp đồng chỉ có hiệu lực nếu được thông báo cho bên kia biết. Yêu cầu này được cả Công ước38 và pháp luật Việt Nam39 sử dụng nhằm tránh thiệt hại do sự thiếu rõ ràng hay nhầm lẫn trong giao dịch quốc tế.

Điều 29 Công ước quy định việc sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng phải làm bằng văn bản nếu hợp đồng gốc yêu cầu như vậy, trừ trường hợp một bên đã có hành vi không phù hợp với yêu cầu của hợp đồng ban đầu và bên kia đã căn cứ vào hành vi này. BLDS có quy định tương tự, theo đó đối với hợp đồng bằng văn bản, có công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó40.

3.1. Nghĩa vụ của người bán

Theo Điều 30 Công ước, người bán có nghĩa vụ giao hàng, giao chứng từ liên quan đến hàng hóa và chuyển giao quyền sở hữu về hàng hóa. Trong khi đó, Luật Thương mại chỉ quy định nghĩa vụ của bên bán bao gồm giao hàng và chứng từ liên quan đến hàng hóa41.



Mục 1 – Giao hàng và chuyển giao chứng từ

Công ước và Luật Thương mại có quy định tương tự nhau về địa điểm giao hàng, theo đó hàng hóa có thể được giao cho người chuyên chở đầu tiên, hoặc tại kho chứa hàng/nơi sản xuất hoặc chế tạo hàng hóa, hoặc trụ sở kinh doanh của người bán42. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam còn cụ thể hóa trường hợp hàng hóa là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hóa đó43.

Liên quan đến các quy định về Trách nhiệm khi giao hàng có liên quan đến người vận chuyển, Thời hạn giao hàng, Giao hàng trước thời hạn, Giao chứng từ liên quan đến hàng hóa, Công ước44 và Luật Thương mại45quy định giống nhau, ngoại trừ đối với việc giao hàng trước thời hạn, pháp luật Việt Nam trao quyền cho bên mua nhận hoặc không nhận hàng, còn CISG ghi nhận rõ quyền đòi bồi thường thiệt hại của người mua.

Mục 2 - Sự phù hợp của hàng hóa và khiếu nại của người thứ ba

Các trường hợp hàng hóa được coi là không phù hợp với hợp đồng đều được liệt kê trong Công ước và Luật Thương mại với quy định tương tự nhau46. Bên cạnh đó, quy định của Công ước cũng thể hiện sự tương thích với Luật Thương mại liên quan đến các nội dung như Trách nhiệm của các bên đối với hàng hóa không phù hợp47, Khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng48. Ngoài ra, các quy định về kiểm tra hàng hóa; nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa; yêu cầu thông báo về các vấn đề trên đều thể hiện sự phù hợp giữa Công ước49 và pháp luật Việt Nam50. Luật Thương mại có quy định cụ thể về nghĩa vụ bảo hành hàng hóa của người mua51.



3.2. Nghĩa vụ của người mua

Theo Công ước và pháp luật Việt Nam, người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng. Về nội dung cụ thể, các yêu cầu đối với người mua và người bán trong việc thanh toán và nhận hàng (như Xác định giá, Xác định giá theo trọng lượng, Địa điểm thanh toán, Thời hạn thanh toán) theo Công ước hoàn toàn tương thích với quy định của Luật Thương mại.52



3.3. Các chế tài trong trường hợp vi phạm hợp đồng

Công ước53 quy định theo hướng liệt kê các chế tài riêng đối với người mua và người bán trong trường hợp vi phạm hợp đồng, trong khi Luật Thương mại quy định chung các chế tài đối với bên vi phạm54.

Pháp luật Việt Nam ghi nhận các chế tài trong thương mại55 bao gồm buộc thực hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng và các biện pháp khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật. Trong khi đó, Công ước không đề cập đến chế tài phạt vi phạm.

Chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng được áp dụng nhằm buộc bên vi phạm phải thay thế hàng hóa hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hóa. Công ước phân định rõ nếu sự không phù hợp của hàng hóa cấu thành vi phạm cơ bản thì bên vi phạm (cụ thể là người bán) phải giao hàng thay thế, còn trong các trường hợp khác thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu khắc phục, sửa chữa khuyết tật của hàng hóa không phù hợp56. Luật Thương mại không có quy định phân biệt hai trường hợp nói trên. Các quy định cụ thể khác liên quan đến chế tài này trong Công ước57 và pháp luật Việt Nam58 là giống nhau.

Chế tài hủy hợp đồng chỉ được áp dụng đối với vi phạm cơ bản theo quy định của cả hai hệ thống luật được nghiên cứu59. Bên cạnh đó, Công ước có quy định thêm một trường hợp hủy hợp đồng khi bên vi phạm vẫn không thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn bổ sung được bên bị vi phạm cho phép60. Pháp luật Việt Nam và CISG đều cụ thể hóa việc áp dụng chế tài hủy hợp đồng trong trường hợp giao hàng từng phần.61 Về hệ quả của việc hủy hợp đồng, so với Luật Thương mại, Công ước quy định chi tiết hơn về trường hợp người mua mất quyền hủy hợp đồng62, nghĩa vụ của người bán hoàn lại tiền hàng và tiền lãi63.

Công ước cũng trao quyền cho một bên có thể tạm ngừng thực hiện hợp đồng nếu có dấu hiệu cho thấy bên kia sẽ không thực hiện một phần chủ yếu nghĩa vụ của họ64, cho đến khi bên kia chứng minh được ý định và khả năng thực hiện nghĩa vụ tương ứng. Còn Luật Thương mại quy định hai trường hợp tạm ngừng thực hiện hợp đồng là khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng, hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng65. Như vậy theo Công ước, một bên có thể tạm ngừng thực hiện hợp đồng ngay cả trong trường hợp có vi phạm không cơ bản.

Luật Thương mại có quy định về trường hợp đình chỉ thực hiện hợp đồng66. Chế tài này tương tự như chế tài hủy hợp đồng, hậu quả là các bên không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Sự khác biệt giữa hai chế tài là hủy hợp đồng làm cho hợp đồng mất hiệu lực từ thời điểm giao kết, trong khi đình chỉ thực hiện hợp đồng làm cho hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Công ước không có quy định nào nhằm phân biệt hai hình thức chế tài này.

Công ước và Luật Thương mại đều khẳng định một bên không mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi họ đã áp dụng các chế tài khác đối với vi phạm hợp đồng, đồng thời giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm tổn thất và khoản lợi bị bỏ lỡ mà bên kia phải gánh chịu do sự vi phạm hợp đồng. Cả hai hệ thống luật đều yêu cầu nghĩa vụ hạn chế tổn thất đối với bên yêu cầu bồi thường67. Tuy nhiên, trong khi Công ước căn cứ vào việc bên vi phạm có thể dự liệu trước thiệt hại hay không để giới hạn tiền bồi thường thì pháp luật Việt Nam dựa vào tính thực tế, trực tiếp của tổn thất68. Ngoài ra, Công ước thể hiện sự chi tiết hơn pháp luật Việt Nam bằng quy định tính tiền bồi thường thiệt hại trong trường hợp hủy hợp đồng.69

Về vấn đề tiền lãi do chậm thanh toán, CISG và Luật Thương mại đều trao quyền cho các bên được đòi tiền lãi đối với số tiền chậm trả. Luật Thương mại còn quy định cụ thể về lãi suất.70

Mục 4 : Miễn trách nhiệm

Pháp luật Việt Nam và Công ước đều quy định các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm bao gồm sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia.71 Bên cạnh đó, CISG còn ghi nhận thêm trường hợp miễn trách đối với hành vi vi phạm do lỗi của bên thứ ba là bên đã cam kết thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng trong khi pháp luật Việt Nam chưa đề cập đến vấn đề này. Yêu cầu thông báo về trường hợp miễn trách đều được quy định trong hai hệ thống luật.



Mục 6 : Bảo quản hàng hóa

Công ước có quy định cụ thể về nghĩa vụ bảo quản hàng hóa của các bên trong trường hợp có tranh chấp72 trong khi Luật Thương mại không điều chỉnh vấn đề này.



3.4. Chuyển rủi ro

Nhìn chung, các quy định của Công ước tương thích với pháp luật Việt Nam về vấn đề chuyển rủi ro. Theo đó, việc chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định, không có địa điểm giao hàng xác định, mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển… đều được hai hệ thống luật điều chỉnh. Tuy nhiên so với Luật Thương mại, CISG có quy định cụ thể hơn về từng trường hợp.



4. Các bảo lưu

CISG cho phép các quốc gia thành viên thực hiện một số bảo lưu sau:



4.1. Bảo lưu phần II hay phần III của CISG (Điều 92):

Bảo lưu này cho phép một quốc gia thành viên không áp dụng Công ước cho vấn đề thiết lập hợp đồng (phần II) hoặc thực hiện hợp đồng (phần III).

Do pháp luật hợp đồng của Việt Nam và các quy định của Công ước là tương thích với nhau, không có mẫu thuẫn cơ bản hay khác biệt đáng kể nên Việt Nam không cần thiết bảo lưu theo Điều này. Hơn nữa, các quy định tại Phần II và Phần III Công ước khá chi tiết và cụ thể so với quy định tương ứng của Luật Thương mại và Bộ Luật dân sự, do đó việc áp dụng Công ước sẽ góp phần bù đắp những thiếu hụt pháp lý của pháp luật Việt Nam về hợp đồng.

4.2. Bảo lưu chỉ áp dụng CISG trên một số phần lãnh thổ của quốc gia thành viên (Điều 93)

Bảo lưu này được thiết kế chủ yếu dành cho các quốc gia liên bang – là nước có hai hay nhiều đơn vị lãnh thổ tương đối độc lập với nhau, có hệ thống pháp luật khác nhau, có thể tuyên bố rằng Công ước sẽ áp dụng cho tất cả hay chỉ cho một hoặc một số đơn vị lãnh thổ.

Do là quốc gia đơn nhất, Việt Nam không cần thực hiện bảo lưu này.

4.3. Bảo lưu không áp dụng CISG đối với các quốc gia đã có luật chung thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế (Điều 94)

Bảo lưu này cho phép hai hay nhiều quốc gia đã có những quy tắc pháp lý chung hoặc giống nhau áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được bảo lưu không áp dụng CISG tại các quốc gia này.

Do chưa tham gia vào một điều ước quốc tế khu vực nào về thống nhất luật mua bán hàng hóa quốc tế nên Việt Nam không cần phải thực hiện bảo lưu này.

4.4. Bảo lưu không áp dụng Điều 1.1 CISG (Điều 95)

Điều 1.1.b CISG quy định áp dụng CISG khi các quy phạm tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến luật của một quốc gia thành viên. Công ước cho phép các quốc gia thành viên có thể bảo lưu quy định này. Các nước có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, truyền thống áp dụng lâu dài hoặc có nhiều điểm khác biệt với CISG như Hoa Kỳ, Singapore hay Trung Quốc tuyên bố bảo lưu theo Điều 95 nhằm tăng cường việc áp dụng luật quốc gia cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Do hệ thống pháp luật về hợp đồng của Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh, hơn nữa lại không có khác biệt đáng kể về nội dung so với Công ước, do đó Việt Nam không nên thực hiện bảo lưu này.

4.5. Bảo lưu về hình thức hợp đồng (Điều 96)

Các quốc gia mà pháp luật đòi hỏi hợp đồng mua bán phải được lập thành văn bản có thể bảo lưu không áp dụng nguyên tắc tự do về hình thức theo Điều 12 CISG.

Nhằm đảm bảo tính chắc chắn, rõ ràng về mặt pháp lý cho các hợp đồng mua bán có yếu tố nước ngoài, ngăn ngừa rủi ro và tranh chấp phát sinh trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng, Việt Nam nên gia nhập Công ước với bảo lưu này, theo đó yêu cầu mọi hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Tóm lại, qua nội dung phân tích, so sánh trên đây có thể thấy rằng về cơ bản các quy định của Công ước và pháp luật Việt Nam về hợp đồng mua bán hàng hóa là tương thích với nhau. Trước hết, các quy định của Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng nói chung của Việt Nam. Thứ hai, có một số vấn đề được Công ước điều chỉnh mà pháp luật Việt Nam không quy định (như bảo quản hàng hóa, nội dung cụ thể của một đề nghị giao kết hợp đồng…) và ngược lại (hệ quả của hợp đồng đối với quyền sở hữu hàng hóa, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, chế tài phạt vi phạm, vấn đề thời hiệu, vấn đề ủy quyền…). Đồng thời, nhiều nội dung được cả hai hệ thống luật ghi nhận nhưng được thể hiện chi tiết và cụ thể hơn trong Công ước. Điều này là dễ hiểu vì trong quá trình soạn thảo Luật Thương mại 2005 và Bộ luật dân sự 2005, các nhà làm luật đã tham khảo nhiều quy định của Công ước. Bên cạnh đó, các quy định trong Luật Thương mại được thiết kế để điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung, do đó so với CISG là công ước dành riêng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì Luật Thương mại có một số khác biệt mang tính đặc thù và kém chi tiết hơn ở nhiều quy định tương ứng. Tuy nhiên, do không có sự mâu thuẫn cơ bản giữa hai hệ thống luật nên có thể khẳng định khi gia nhập CISG, Việt Nam không phải sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật. Song cũng cần lưu ý rằng trong tương lai, khi Việt Nam hoàn thiện các quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì cần tham khảo thêm Công ước để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hơn (ví dụ : xác định tính quốc tế của hợp đồng), đảm bảo cả pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế đều là công cụ hiệu quả, bổ trợ cho nhau để điều chỉnh giao dịch thương mại quốc tế.

Về vấn đề bảo lưu, trong trường hợp gia nhập Công ước, Việt Nam nên thực hiện bảo lưu về hình thức của hợp đồng theo Điều 96 CISG nhằm đảm bảo mọi hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài được ký kết dưới hình thức văn bản theo quy định của Luật Thương mại 2005. Điều này nhằm ngăn ngừa các rủi ro và tranh chấp phát sinh trong thương mại quốc tế do sự thiếu minh bạch trong ký kết và thực hiện hợp đồng.



Phần IV : Hệ thống các vụ kiện liên quan đến Công ước Viên

1. Nhận định chung :

Hệ thống các vụ kiện liên quan đến CISG trên thế giới hiện nay đã được báo cáo trên 2500 vụ kiện. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều, vì nhiều vụ kiện không được báo cáo rộng rãi. Các vụ kiện của CISG được báo cáo trên 2 nguồn chính sau:



www.uncitral.org (website chính thức của Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc)

www.cisg.law.pace.edu (website chuyên về CISG – là hệ thống cơ sở dữ liệu của Đại học Pace, Hoa Kỳ)

Qua nghiên cứu hệ thống các phán quyết/quyết định liên quan đến Công ước Viên do UNCITRAL xây dựng có thể đưa ra một số nhận định như sau:

Liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước, hiện nay không có một cơ quan tài phán thường trực chuyên biệt để giải quyết các vụ kiện liên quan đến Công ước. Các tranh chấp liên quan đến CISG được giải quyết bởi các tòa án quốc gia hoặc các cơ quan trọng tài. Quyền giải thích, áp dụng Công ước được trao hoàn toàn cho cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. UNCITRAL là cơ quan chủ trì soạn thảo CISG, do đó những giải thích về các quy định của Công ước do cơ quan này đưa ra được coi là giải thích chính thức và được các cơ quan tài phán tham khảo trong quá trình áp dụng Công ước.

Về bản chất, các phán quyết và quyết định của Tòa án/ Trọng tài liên quan đến CISG trong hệ thống UNCITRAL chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là án lệ, không phải là khuôn mẫu và cơ sở có tính chất bắt buộc để các tòa án/trọng tài khác đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự sau đó).

Hệ thống các phán quyết/quyết định liên quan đến CISG được xây dựng dựa trên hệ thống các báo cáo viên quốc gia (national correspondents) do nước Thành viên của Công ước chỉ định. Việc chỉ định báo cáo viên này phải được xác nhận lại theo giai đoạn 5 năm một lần. Các báo cáo viên có trách nhiệm thu thập các quyết định và phán quyết của tòa án hoặc trọng tài nước mình và chuẩn bị các bản tóm tắt. Ban Thư ký UNCITRAL sẽ lưu trữ các quyết định và phán quyết này, và chuyển ngữ các bản tóm tắt nội dung vụ kiện ra 5 ngôn ngữ chính thức của Công ước.

Theo thống kê của UNCITRAL, hiện nay có 648 phán quyết của tòa án/trọng tài các nước liên quan đến CISG được chính thức thông báo lên UNCITRAL, trong đó bao gồm 308 vụ trong giai đoạn 2000-Q1/2011, 340 vụ trong giai đoạn từ 1980-1999. Các nước thành viên có số lượng tranh chấp nhiều nhất là Đức 139 vụ, Thụy Sỹ 95 vụ, Tây Ban Nha 59 vụ, Trung Quốc 56 vụ, Pháp 55 vụ, Hoa Kỳ 51 vụ. Các nước Thành viên châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore chưa có vụ kiện nào được thông báo lên UNCITRAL.

Đồng thời, theo thống kê tại trang www.cisg.law.pace.edu (website chuyên về CISG – là hệ thống cơ sở dữ liệu của Đại học Pace, Hoa Kỳ), hệ thống các vụ kiện liên quan đến CISG hiện nay bao gồm 2726 vụ. Trong giai đoạn từ năm 2000-2010, những nước có số vụ kiện cao nhất bao gồm Trung Quốc 196 phán quyết, Đức 176 phán quyết, Nga 157 phán quyết và Mỹ 109 phán quyết trong 99 vụ, Thụy Sỹ với 84 phán quyết. Đối với các nước châu Á, trong 10 năm qua, ngoài Trung Quốc thì chỉ có Singapore với 1 vụ kiện và Nhật Bản với 1 vụ được ghi nhận trong hệ thống. Hàn Quốc là thành viên của Công ước vẫn chưa có báo cáo vụ kiện trong hệ thống này. Việt Nam tuy chưa phải là thành viên Công ước nhưng đã có 2 vụ kiện được ghi nhận trong hệ thống.

Một vấn đề cần lưu ý là việc báo cáo các vụ kiện về CISG không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với các nước Thành viên Công ước, do đó trên thực tế số lượng tranh chấp là rất nhiều nhưng chưa được các nước báo cáo chính thức đến Ban Thư ký UNCITRAL.



2. Hàng hóa thường xảy ra tranh chấp:

Nhìn chung, các vụ kiện CISG liên quan đến rất nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu, từ hàng công nghiệp đến nông nghiệp, hàng phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, hóa chất cho đến hàng tiêu dùng như thực phẩm, nội thất, điện tử, may mặc…

Theo UNCITRAL, trong tổng số 139 vụ kiện được xét xử bởi các cơ quan tài phán Đức, có 31 vụ liên quan đến các sản phẩm dệt may và da giày, 24 vụ liên quan đến hàng nông sản và thực phẩm, 20 vụ về vật liệu xây dựng và đồ nội thất, 14 vụ về máy móc-thiết bị- phương tiện vận tải, 9 vụ liên quan đến thiết bị-linh kiện điện tử… Đối với Trung Quốc, đa số các vụ kiện liên quan đến mặt hàng sắt thép và kim loại (14 vụ), hàng nông sản và thực phẩm (7 vụ), hóa chất (8 vụ), máy móc thiết bị (7 vụ)… trong tổng số 56 vụ. Trường hợp của Pháp, phần lớn các vụ tranh chấp liên quan đến thiết bị-linh kiện-máy móc (13 vụ), hàng nông sản và thực phẩm (8 vụ), vật liệu xây dựng (5 vụ)… trong tổng số 55 vụ. Đối với Hoa Kỳ, tranh chấp chủ yếu liên quan đến sản phẩm phần mềm, máy tính, điện tử, máy móc – thiết bị, sản phẩm nông nghiệp (xuất khẩu), dệt may, hóa chất, nguyên vật liệu (nhập khẩu)… Đối với Thụy Sỹ, phần lớn tranh chấp liên quan đến máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng (xuất khẩu), hàng dệt may (nhập khẩu)…

Như vậy, có thể thấy rằng các mặt hàng thường hay xảy ra tranh chấp thường là mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của các nước thành viên hoặc mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của những nước này.



3. Các vấn đề thường xảy ra tranh chấp và hướng giải quyết của các cơ quan tài phán:

Thông qua nghiên cứu hệ thống các vụ kiện liên quan đến Công ước Viên 1980 của UNCITRAL có thể thấy rằng các vụ tranh chấp thường liên quan đến các vấn đề chính sau:



a. Tính toán thiệt hại và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng - Điều 74 (147 vụ):

Trong hầu hết các vụ kiện, đòi bồi thường thiệt hại là mục đích chính của bên bị vi phạm khi khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này lí giải cho thực tế rằng trong đa số các vụ kiện CISG, Điều 74 thường được áp dụng. Việc áp dụng các quy định của Điều 74 chủ yếu liên quan đến các khía cạnh sau:

- Phạm vi bồi thường: nếu hàng hóa giao không phù hợp với yêu cầu của hợp đồng thì phạm vi bồi thường thiệt hại được tính với số hàng hóa không phù hợp đó hay toàn bộ lô hàng73?

- Loại thiệt hại: trượt giá đồng tiền thanh toán trong trường hợp chậm thanh toán có được coi là thiệt hại và được bồi thường không74;

- Tính có thể dự liệu trước: loại thiệt hại nào mà bên vi phạm có thể dự liệu hoặc đáng lẽ phải dự liệu được tại thời điểm ký kết hợp đồng? Có một số thiệt hại mà bên vi phạm không thể dự liệu trước như: chi phí gia công hàng hóa ở một nước khác do chậm giao hàng75; lợi nhuận bị mất từ hợp đồng của bên mua với bên mua lại hàng hóa76 mà bên bán là bên vi phạm không biết; chi phí kiểm tra hàng hóa ở nước nhập khẩu mà không phải ở nước xuất khẩu77… Bên cạnh đó, một số thiệt hại là rõ ràng có thể dự liệu được như: bên mua là doanh nghiệp bán lẻ thì bên bán phải dự liệu được hàng hóa sẽ được bán lại78; bên mua không thanh toán trước tiền hàng theo thỏa thuận được coi là phải dự liệu trước được bên bán hàng hóa có thể thay thế sẽ bị mất khoản lợi nhuận chính đáng của mình79; 10% giá hàng hóa được bồi thường cho bên bán vì đã sản xuất hàng theo đơn đặt hàng riêng của bên mua trong trường hợp bên bán không chứng minh được khoản thiệt hại mà mình phải gánh chịu80; bên mua phải dự liệu được việc không mở L/C theo yêu cầu của hợp đồng sẽ khiến bên bán tự động ngừng sử dụng tàu đã được đặt trước để vận chuyển hàng hóa, khi đó thiệt hại mà bên bán phải chịu trong hợp đồng thuê tàu sẽ được bồi thường81...

- Khoản lợi bị bỏ lỡ: các bên tranh chấp về khoản chênh lệch giữa giá hàng hóa theo hợp đồng và giá bán trên thị trường có được coi là khoản lợi bị bỏ lỡ hay không82.



b. Tiền lãi đối với số tiền chậm trả - Điều 78 (122 vụ):

Điều 78 trao quyền cho một bên được đòi tiền lãi đối với “giá bán hay bất cứ khoản tiền nào chậm trả”.

- Điều kiện để được hưởng lãi: để được hưởng lãi thì khoản tiền mà lãi sẽ được tính trên đó phải đến hạn và bên nợ không thực hiện được nghĩa vụ trả tiền trước thời điểm được xác định trong hợp đồng83, hoặc trong Công ước trong trường hợp hợp đồng không nhắc đến thời điểm đó.84 Việc được hưởng lãi theo Điều 78 không phụ thuộc vào việc bên chủ nợ có chứng minh được rằng bên này phải chịu thiệt hay không. Do đó, tiền lãi được đòi hỏi độc lập với thiệt hại do việc chậm trả gây ra85.

- Lãi suất: một vài tòa án đã chỉ ra rằng Điều 78 chỉ đưa ra việc được hưởng lãi suất một cách chung chung mà không cụ thể mức lãi suất được áp dụng.86 Việc thiếu một công thức cụ thể cho việc tính toán lãi suất đã dẫn đến việc một vài tòa án xem vấn đề này được điều chỉnh bởi Công ước nhưng không được giải quyết rõ ràng bởi Công ước87, trong khi đa số các tòa án coi vấn đề lãi suất là vấn đề nằm ngoài phạm vi của Công ước và do vậy xử lý theo luật nội địa,88 ví dụ một Tòa đã phán quyết bên thua kiện phải trả 10% lãi suất tiền hàng theo quy định của luật quốc gia được chọn áp dụng89. Đối với vấn đề được điều chỉnh nhưng không được thể hiện rõ ràng trong Công ước thì theo Điều 7(2), vấn đề đó phải được xử lý phù hợp với các nguyên tắc chung mà Công ước lấy làm cơ sở, chỉ trong trường hợp thiếu vắng các nguyên tắc này thì mới áp dụng luật do các quy tắc của luật tư pháp quốc tế xác định. Hầu hết tòa án xem vấn đề lãi suất không thuộc phạm vi của Công ước sẽ áp dụng nội luật của một nước cụ thể, được xác định bằng việc sử dụng các quy tắc của tư pháp quốc tế90, số khác sẽ áp dụng nội luật của bên chủ nợ mà không có chỉ dẫn nào xem liệu đó có phải là luật được áp dụng bởi các quy tắc của tư pháp quốc tế.91



c. Thời hạn thông báo về sự không phù hợp của hàng hóa (Điều 39) 85 vụ

Theo Điều 39, bên mua đã khiếu nại rằng hàng hóa đã được giao không phù hợp với hợp đồng có nghĩa vụ thông báo cho bên bán về sự không phù hợp đó.



- Phạm vi của Điều 39: đa phần các quyết định áp dụng yêu cầu thông báo tại Điều 39 đều liên quan đến khiếu nại rằng hàng hóa bị khiếm khuyết hoặc không phù hợp theo Điều 35. Tuy nhiên, nghĩa vụ thông báo theo Điều 39 được áp dụng không chỉ đối với các vi phạm nghĩa vụ đảm bảo chất lượng mà còn với các vi phạm quy định bảo hành trong hợp đồng theo Điều 35.92

Một vài quyết định đưa ra yêu cầu về nghĩa vụ thông báo khi bên mua khiếu nại rằng hàng hóa được chuyển giao không đảm bảo về số lượng.

- Thời hạn hợp lý: Trong một vài vụ kiện, các bên tranh cãi nhau về việc thời hạn bao lâu được coi là thời hạn hợp lý để thông báo sự không phù hợp của hàng hóa93. Một Tòa án thấy rằng bên mua đã thông báo về sự không phù hợp của hàng hóa sau 2 tháng kể từ ngày hàng được giao, trong khi bên này hoàn toàn có thể dễ dàng phát hiện ra khiếm khuyết của hàng hóa và thông báo cho bên bán trong vòng vài ngày sau khi nhận hàng. Như vậy, bên mua được coi là không thông báo trong thời hạn hợp lý.

- Nội dung thông báo: trong một vụ kiện khác, bên mua đã thông báo cho bên bán về sự không phù hợp của hàng hóa là kẹo mềm với nội dung “kẹo được giao quá mềm”94. Tuy nhiên, Tòa án cho rằng thông báo này mang tính chung chung, không chỉ rõ được tính thiếu phù hợp của hàng hóa theo Điều 39.

- Giới hạn thời gian thông báo: nhiều tranh chấp liên quan đến thời hạn 2 năm theo quy định của Điều 39(2) theo đó trong mọi trường hợp bên mua phải thông báo cho bên bán về sự thiếu phù hợp của hàng hóa trong thời hạn này95. Ví dụ, bên mua khởi kiện khi phát hiện ra hàng hóa (đá lát nền) bị hư hỏng do sương giá sau 6 năm kể ngày mua, mặc dù hàng đã được bảo đảm chịu được sương giá. Tòa kết luận rằng người mua đã mất quyền kiện hàng hóa không phù hợp do đã không thông báo cho người mua chậm nhất trong vòng 2 năm kể từ ngày giao hàng. Ngoài ra, nhiều Tòa cũng nhầm lẫn thời hạn 2 năm cho việc thông báo theo Điều 39(2) với thời hiệu khởi kiện96.

- Hậu quả của việc không thông báo: cả Điều 39 (1) và Điều 39 (2) đều nêu lên rằng việc không thông báo sẽ khiến bên mua mất quyền khiếu nại về sự không phù hợp của hợp đồng97. Điều này có nghĩa là bên mua sẽ mất quyền được hưởng các bất kỳ các biện pháp khắc phục nào để sửa chữa sự không phù hợp như quyền yêu cầu bên bán sửa chữa hàng hóa98, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại99, quyền được giảm giá100, và quyền không thực hiện hợp đồng101.

- Nghĩa vụ chứng minh: đa phần các quyết định đưa ra đều yêu cầu bên bán phải chứng minh rằng họ đã đưa ra thông báo về sự không phù hợp. Các quyết định này đều dựa vào các nguyên tắc chung của CISG để làm cơ sở cho yêu cầu nghĩa vụ chứng minh đối với bên bán.102

- Hình thức thông báo: Điều 39 không nêu cụ thể hình thức thông báo được yêu cầu, mặc dù các bên có thể yêu cầu một hình thức cụ thể thông qua thỏa thuận. Thông báo dưới hình thức văn bản thường được chấp nhận và nội dung của các thư từ trao qua đổi lại sẽ được xem là thỏa mãn yêu cầu của Điều 39.103 Thông báo qua điện thoại cũng được xem là đầy đủ với điều kiện là bên bán phải đưa ra được các bằng chứng về ngày cuộc gọi, bên mà bên bán nói chuyện, hoặc thông tin được đưa ra về sự không phù hợp của hàng hóa.104

- Bên được thông báo: Điều 39 nêu rằng thông báo về sự không phù hợp phải được đưa ra cho bên bán.105 Do vậy, những trao đổi giữa bên mua với khách hàng của bên mua về sự không phù hợp của hàng hóa không thỏa mãn yêu cầu thông báo theo Điều 39 bởi vì những trao đổi đó không có sự tham gia của bên bán.106 Bên cạnh đó, thông báo tới đại lý của bên bán cũng có thể được xem là thỏa mãn Điều 39. Trong một vụ khác, các bên tranh chấp về việc người mua thông báo sự không phù hợp của hàng hóa đến người làm thuê của người bán có được coi là hợp lệ hay không107? Phán quyết của Tòa chỉ ra rằng người mua đã không gửi thông báo đến người phù hợp (là người bán), cũng không chứng minh được việc người nhận thông báo đã thông báo lại cho người bán, do vậy thông báo bị coi là không hợp lệ.

- Các thỏa thuận liên quan đến thông báo: Điều 39 chịu ảnh hưởng của quyền của các bên theo Điều 6 để từ bỏ hay thay đổi hiệu lực của bất cứ điều khoản nào của Công ước. Một số quyết định đã nhắc đến các thỏa thuận giữa các bên liên quan đến nghĩa vụ của bên mua ra thông báo cho bên bán khiếu nại của mình về việc hàng hóa không phù hợp với yêu cầu của hợp đồng.108 Những thỏa thuận này thường được thực thi và bên mua đôi lúc mất quyền khiếu nại về sự không phù hợp bởi vì họ không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận đó.109 Các bên cũng không được xem là đã từ bỏ Điều 39 chỉ bằng việc đồng ý với bảo hành 18 tháng theo hợp đồng110 hoặc là một hợp đồng bảo hành mà không xử lý rõ vấn đề nghĩa vụ của bên mua thông báo về sự không phù hợp của hàng hóa111.

d. Vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng (Điều 25) 78 vụ

Nhìn chung, Điều 25 xác định ranh giới giữa các tình huống dẫn đến các biện pháp khắc phục thông thường khi vi phạm hợp đồng – như bồi thường thiệt hại và giảm giá – và những vi phạm đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục mạnh hơn như là vô hiệu hợp đồng.

- Vi phạm cơ bản: Vi phạm được coi là cơ bản nếu vi phạm đó thủ tiêu hay làm giảm đáng kể các mong đợi hợp lý trên cơ sở hợp đồng của người bị thiệt hại. Các mong đợi nào được coi là hợp lý phụ thuộc vào từng hợp đồng cụ thể, thực tiễn thương mại và các điều khoản của Công ước. Ví dụ, bên mua thông thường không thể mong đợi rằng hàng hóa được giao phải tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn chính thức tại nước của bên đó.112

- Các tình huống vi phạm cơ bản: việc không thể thực hiện một nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng tạo nên một vi phạm cơ bản hợp đồng trừ phi bên vi phạm có lý do chính đáng để hành động như vậy, ví dụ như trong trường hợp không giao hàng113 hoặc không thanh toán lần cuối114. Tuy nhiên, việc giao hàng chậm hay thanh toán chậm không tạo nên một vi phạm cơ bản của hợp đồng115.

+ Trong trường hợp nào việc giao hàng không phù hợp theo yêu cầu của hợp đồng được coi là vi phạm cơ bản? Một số tòa quyết định rằng sự không phù hợp liên quan đến chất lượng hàng hóa không được coi là vi phạm cơ bản nếu bên mua có thể sử dụng hàng hóa hoặc bán lại hàng hóa với giá giảm116. Mặt khác, nếu hàng hóa không phù hợp không thể được dùng hay bán lại thì đó là vi phạm cơ bản và bên mua có quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu117. Vi phạm cũng được xem là cơ bản nếu hàng hóa được giao có khiếm khuyết nghiêm trọng và không thể sửa chữa mặc dù chúng vẫn có thể sử dụng được ở một mức độ nào đó118.

Việc vi phạm các nghĩa vụ hợp đồng khác cũng có thể là vi phạm cơ bản. Tuy nhiên, vi phạm đó phải tước bỏ của bên bị vi phạm lợi ích chính của hợp đồng và hệ quả này có thể lường trước được bởi bên vi phạm. Tổng cộng của nhiều vi phạm hợp đồng tạo ra nhiều khả năng hơn để một vi phạm cơ bản có thể xảy ra, nhưng tự chúng không tạo nên một vi phạm cơ bản119.

- Nghĩa vụ chứng minh: các bên cũng tranh chấp về nghĩa vụ chứng minh liên quan đến vi phạm cơ bản. Nghĩa vụ chứng minh liên quan đến khả năng lường trước được thiệt hại thuộc về bên vi phạm120. Bên vi phạm phải chứng minh rằng bên này không thể lường trước được các tác động thiệt hại đáng kể của vi phạm, và rằng một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự. Trong khi đó, bên bị thiệt hại phải chứng minh được rằng vi phạm đã làm mất đi đáng kể lợi ích mà bên này có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng121.

đ. Nghĩa vụ thanh toán tiền và nhận hàng của người mua (Điều 53) 77 vụ

Quy định của Điều 53 cho thấy rằng trường hợp hợp đồng quy định việc thanh toán và nhận hàng khác với quy định của Công ước thì thỏa thuận của các bên sẽ được áp dụng.

Theo Công ước, hợp đồng có thể áp đặt nhiều nghĩa vụ đối với bên mua ngoài nghĩa vụ thanh toán và giao nhận122, như nghĩa vụ cung cấp các nguyên vật liệu cần thiết để sản xuất hàng hóa, hay nghĩa vụ nộp các mô tả kỹ thuật liên quan đến hình thức, kích thước hoặc các đặc điểm khác của hàng hóa.

Rất nhiều quyết định của tòa án dẫn chiếu Điều 53 liên quan đến các phán quyết yêu cầu bên mua phải thanh toán tiền hàng123.



e. Xác định sự phù hợp của hàng hóa theo hợp đồng (Điều 35) 69 vụ

- Nghĩa vụ chứng minh: bên nào chịu nghĩa vụ chứng minh rằng hàng hóa không phù hợp theo yêu cầu của hợp đồng theo Điều 35? Có tòa cho rằng bên bán phải thực hiện nghĩa vụ này, trong khi có tòa lại cho rằng nghĩa vụ này thuộc về bên mua. Một số tòa kết luận rằng, bản thân Công ước, mặc dù không có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này, đã nêu ra một nguyên tắc chung rằng bên nào khẳng định một sự việc thì có nghĩa vụ chứng minh điều đó, điều này dẫn đến việc đưa nghĩa vụ chứng minh cho bên mua vì bên này đã khẳng định rằng hàng hóa không phù hợp theo yêu cầu của hợp đồng124. Một vài tòa lại cho rằng nghĩa vụ chứng minh phụ thuộc vào hoàn cảnh. Ví dụ, bên mua chịu trách nhiệm chứng minh sự không phù hợp của hàng hóa nếu bên này nhận hàng mà không thông báo ngay lập tức cho bên bán về sự không phù hợp125. Tương tự, bên bán chịu trách nhiệm chứng minh hàng hóa phù hợp theo yêu cầu của hợp đồng tại thời điểm rủi ro được chuyển giao, tuy nhiên bên mua lại chịu trách nhiệm chứng minh sự không phù hợp sau khi rủi ro được chuyển nếu bên mua chấp nhận hàng hóa mà không thông báo ngay lập tức cho bên bán về những khiếm khuyết đó126.



g. Kiểm tra hàng hóa (Điều 38) 61 vụ

Điều 38 yêu cầu bên mua phải kiểm tra hàng hóa đã được giao nhận. Phần lớn nội dung Điều 38 tập trung vào thời điểm mà việc kiểm tra nên xảy ra. Tuy nhiên, Điều 38 không chỉ rõ loại hình hay phương thức kiểm tra, và vấn đề này đã thu hút nhiều bình luận hay giải thích khác nhau trong nhiều vụ việc.

- Phương thức kiểm tra: Điều 38 ám chỉ rằng bên mua có thể tự mình kiểm tra hàng hóa hoặc nhờ cá nhân hay tổ chức khác kiểm tra như khách hàng của bên mua, nhà thầu phụ hoặc một chuyên gia do bên mua chỉ định. Tuy nhiên, bên mua phải chịu trách nhiệm cuối cùng đối với việc kiểm tra do các bên khác thực hiện.127

Phương thức kiểm tra sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên hay thực tiễn thương mại.128 Trong trường hợp thiếu các yếu tố đó cần có sự kiểm tra một cách toàn diện, hợp lý và chuyên nghiệp. Mức độ và cường độ kiểm tra sẽ được xác định bởi loại hàng hóa, việc đóng gói và năng lực của bên mua.129 Các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến phương thức hay cách thức kiểm tra bao gồm: tác động của trình độ chuyên môn của bên mua đối với mức độ kiểm tra,130 liệu kiểm tra mang tính thử nghiệm hay lấy mẫu có đầy đủ131, tác động của việc đóng gói hàng hóa và điều kiện vận chuyển hàng hóa lên loại hình kiểm tra mà bên mua nên tiến hành132, hay liệu việc một chuyên gia bên ngoài là có thể được hay bắt buộc133?

- Thời điểm kiểm tra: thời điểm kiểm tra của bên mua bắt đầu khi hàng hóa được giao nhận134, tương ứng với thời điểm rủi ro mất mát được chuyển sang cho bên bán.135 Tuy nhiên, yêu cầu về thời điểm kiểm tra theo Điều 38 (1) mang tính linh hoạt, và thời điểm kiểm tra sẽ khác nhau tùy theo từng vụ việc cụ thể.136 Các nhân tố ảnh hưởng đến thời điểm kiểm tra bao gồm: bản chất dễ hư hỏng của hàng hóa137, trình độ chuyên môn của bên mua138, tính phức tạp của hàng hóa139, sự khó khăn khi tiến hành kiểm tra140 hay tính hiển nhiên của việc không phù hợp141. Thời điểm kiểm tra được xác định trong một số vụ việc có thể là một tuần sau khi hàng hóa được giao nhận, có thể là 2 tuần, hoặc 3-4 ngày đến một tháng, hoặc ngay vào ngày mà hàng hóa được giao.

Tóm lại, nhận định chung về hướng giải quyết tranh chấp hợp đồng của các Tòa án và Trọng tài như sau:

- Các quy định của Công ước Viên được giải thích và áp dụng độc lập theo quan điểm và cách hiểu của các tòa án và trọng tài, không bị ràng buộc bởi một cơ quan giám sát nào của Công ước. Tuy nhiên, các lập luận và quyết định của các tòa án/trọng tài thể hiện sự am hiểu sâu và nắm vững các quy định của CISG cũng như các tập quán thương mại quốc tế và quy tắc tư pháp quốc tế của các thẩm phán/trọng tài viên. Ngược lại, cũng có một số vụ kiện cho thấy người ra phán quyết đã hiểu nhầm và áp dụng sai các quy định của Công ước. Những sai sót này được tổng kết và bình luận trong hệ thống tóm tắt các vụ kiện của UNCITRAL.

- Trong một vụ kiện, các vấn đề được giải quyết thông qua việc kết hợp xem xét nhiều điều khoản của Công ước. Phần lớn các vụ kiện có nội dung tranh chấp liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý được Công ước điều chỉnh chứ không phải chỉ một vấn đề riêng lẻ (ví dụ: khiếu nại hàng hóa giao không phù hợp và đòi bồi thường thiệt hại; khiếu nại việc chậm thanh toán và yêu cầu hủy hợp đồng; khiếu nại việc không thực hiện nghĩa vụ thông báo và yêu cầu hủy hợp đồng; đòi bồi thường thiệt hại và giao hàng hóa thay thế…). Điều này cho thấy sự phức tạp trong các tranh chấp về giao dịch thương mại quốc tế qua hợp đồng.

- Đối với một số vấn đề chưa được Công ước điều chỉnh (như đồng tiền thanh toán, giá trị bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa, thời hiệu khởi kiện…), tòa án/trọng tài sẽ căn cứ vào các nguyên tắc chung của luật quốc tế cũng như các quy định trong các công ước quốc tế khác, tập quán quốc tế và trong nhiều trường hợp là luật quốc gia có liên quan để giải quyết (như Incoterms, Luật mẫu của UNCITRAL về thương mại điện tử, Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ UCP, các quy tắc của luật tư pháp quốc tế, luật quốc gia…).



Phần V: Kinh nghiệm của các nước trong việc gia nhập Công ước Viên

tải về 448.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương