BÁo cáo kết quả phỏng vấn thời gian thực hiện: ngày 18-19/9/2013 Kết quả buổi phỏng vấn



tải về 200.98 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích200.98 Kb.
#12534
1   2   3

Báo cáo Nhóm Khiếm Thị 19/09

Về Bảo trợ Xã hội và Chính sách

Với Người Khuyết tật Việt Nam

Trong khuôn khổ dự án Bảo trợ Xã hội và Chính sách với người khuyết tật Việt Nam, chúng tôi đã tiến hành thảo luận nhóm với người khiếm thính vào buổi sáng thứ 5 ngày 19 tháng 9 năm 2013 tại Trung tâm Hội người mù Huyện Thanh Trì.


Nhóm khiếm thị được phỏng vấn bao gồm 9 người, bao gồm 3 nam và 6 nữ khiếm thị. Tổng thời gian làm việc là 2 tiếng đồng hồ tính từ thời điểm tập hợp nhóm lúc 9h00, bắt đầu thảo luận lúc 9h30, và kết thúc vào lúc 11h10.
Hình thức thảo luận của nhóm là người phỏng vấn đưa ra 6 câu hỏi lớn và khuyến khích các thành viên trong nhóm khiếm thị tự chia sẻ các thông tin liên quan. Trong suốt buổi thảo luận, các thành viên đã nhiệt tình chia sẻ quan điểm cá nhân, các vấn đề được đề cập, cũng như nêu lên một số mong muốn của bản thân.
Độ tuổi trung bình của nhóm là 30 – 50 với đa số thành viên đã lập gia đình và đang làm công việc tẩm quất tại hội người mù. Trẻ nhất trong nhóm là 24 tuổi trong khi người lớn tuổi nhất là 61 tuổi, đã có 13 năm làm việc tại hội người mù.
Khi được hỏi về những khó khăn khi xin việc (câu 1), người mù gần như không có nhiều cơ hội để làm những công việc của người sáng mắt. Những công việc như làm tăm tre hay tẩm quất cần họ phải tập trung trong một hội để có được sự giúp đỡ nhất định chứ tự bản thân tìm việc là rất khó khăn. Đây cũng có thể là một đặc thù của người khiếm thị, họ thường chỉ làm một vài công việc cụ thể, điển hình nhất là công việc tẩm quất với đa số thành viên trong nhóm đang làm. Một số thành viên khác không có khả năng xin việc cũng như đòi hỏi của gia đình cần phải chăm sóc con cái nên họ ở nhà làm công việc nội trợ.
Những thành viên trong nhóm, trong đó có chú T. cho rằng người mù là nhóm khuyết tật thiệt thòi nhất vì việc không nhìn được đã tước đi cơ hội làm đa số việc công việc trong xã hội. Bên cạnh đó, ngay cả khi người mù có chuyên môn hoặc có tay nghề, nhưng các dây chuyền máy móc hay cơ sở vật chất lại không đáp ứng được những đòi hỏi đặc biệt từ cá nhân người mù. Vì hoàn cảnh đặc biệt, những máy móc hay cơ sở vật chất này cần phải được điều chỉnh để phù hợp nhưng nếu việc lắp máy móc điều khiển bằng giọng nói ở thang máy là có khả thi thì mỗi lần các nhà máy thay đổi dây chuyền sản xuất là một lần người mù sẽ phải học để làm quen lại từ đầu. Thế nên, theo chú T., cơ quan người ta không nói nhưng bản thân nhân viên người khiếm thị đã tự ra đi. Đây là một rào cản rất lớn với toàn bộ các thành viên trong nhóm.
Khi đề cập tới vấn đề tự tin, các thành viên cho rằng tuy sự cạnh tranh từ các những người sáng mắt là rất cao nhưng một khi đã quyết định bước chân ra ngoài xã hội, những người khiếm thị đã rất tự tin vào bản thân mình. Cái khó là các nhà tuyển dụng không thật sự muốn thu nhận người mù vì chỉ có một số công việc phù hợp với họ và nếu được thu nhận, người mù vẫn phải vượt qua một thử thách nữa, đó là sự đối xử không công bằng khi các nhân viên sáng mắt được tăng lương hay khen thưởng nhưng người mù lại không được. Cùng một công việc, có khi người mù làm tốt hơn nhưng sự ghi nhận từ công ty lại không công bằng. Áp lực như vậy khiến người mù thấy tự ti và mặc cảm.
Vấn đề đi lại là một vấn đề cơ bản, đa số mọi người chọn đi lại bằng xe buýt và được hỗ trợ rất nhiều từ xã hội từ thái độ giúp đỡ của những người cùng đi xe hay sự cởi mở của các tài xế, tuy nhiên khi chỉ có một thân một mình thì việc bắt đúng xe buýt là việc gần như không thể. Chưa kể ngày mưa thì việc đi làm lại càng thêm khó khăn. Cây gậy dùng để dẫn đường thì phải thay thường xuyên và đôi khi lạị bị một số người xấu trêu chọc lấy mất gậy. Con số này là không đáng kể nhưng thực sự là có. Nếu các xe buýt có loa báo, các nhà cao tầng có máy ghi âm phần hướng dẫn sơ đồ, một số thành viên cho rằng việc họ đi làm sẽ đỡ vất vả hơn.
Về trình độ văn hóa, người khiếm thị thực sự cần các chương trình đào tạo nghề hay chứng chỉ để họ có thể tham gia hành nghề ngoài xã hội cũng như là được định hướng xem họ có thể làm được việc gì. Nhiều người khiếm thị không có sự hòa đồng với xã hội nên cần phải có hội tham gia công tác tư vấn để thuyết phục gia đình họ và bản thân họ dám đi làm ngoài xã hội. Người khiếm thị cũng có cơ hội học chữ nổi nhưng chỉ giải quyết được nhu cầu cá nhân còn để dùng trong thực tế thì có thể nói là không thể.
Vấn đề tài chính, theo anh L. thì riêng chuyện học cái gì đã khó nhưng khi biết là cần học cái gì thì việc có đủ tiền hay không lại là một câu chuyện khác. Ví dụ như chứng chỉ tẩm quất là 3 triệu nên không phải ai cũng dám học để lấy chứng chỉ.
Thái độ gia đình của đa số thành viên là rất tích cực, tuy nhiên theo cô C. thì không phải ai cũng đồng cảm hay chia sẻ. Và theo chú L., khi đã có thu nhập thì tiếng nói của người khuyết tật sẽ thay đổi. Bản thân các thành viên đã đến vận động để gia đình nhiều người khiếm thị đồng ý cho người thân của họ được đi làm. Không tin tưởng vào khả năng tự lập là tư tưởng phổ biến, nhưng nếu chiều chuộng quá lại không hay.
Trong quá trình trao đổi, anh Đ. cho biết nếu người mù có thể sử dụng máy vi tính thì cơ hội việc làm là không ít nhưng không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Hội người mù là cơ sở cung cấp thông tin việc làm hay cho vay vốn tốt nhất và uy tín nhất cũng vì lý do như vậy.
Về các chi phí phát sinh (câu 2), khoản chi phí về y tế là quan trọng nhất. Thu nhập ít, loại hình công việc không nhiều nhưng khoản tiền phải chi cho các loại thuốc những khi mắt bị đau nhức lại không hề nhỏ. Bảo hiểm y tế tuy đã chi trả một phần nhưng có nhiều loại thuốc lại không được liệt vào loại giảm giá cũng như là tổng số tiền mà người khuyết tật phải chi trả vẫn rất nhiều so với thu nhập chung.
Chi phí tiếp theo là chi phí cho gậy dẫn đường. Người mù thường phải mua các loại gậy này giá 120,000 - 150,000VND và phải thay sau khoảng 6 tháng. Các thiết bị như vậy là cần thiết vì đi ra đường là cần dùng gậy. Bên cạnh đó, các loại di động đặc biệt cũng là một khoản chi phí phát sinh khác. Những loại điện thoại này phải được thiết kế riêng biệt nên không dễ dàng để người mù tìm mua và có đủ tiền để mua.
Có một chi phí khác nữa hơi đặc thù, đó là sách chữ nổi hay băng ghi âm đều rất đắt. Nếu không được hỗ trợ, với tình hình tài chính của người khiếm thị họ sẽ hoàn toàn không có cơ hội để tiếp cận.
Khi được hỏi về việc làm thế nào để trang trải các chi phí sinh hoạt hàng ngày (câu 3) cũng như các chi phí phát sinh, một câu trả lời đơn giản là hãy tiết kiệm và lên kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý. Các thành viên đều cho rằng bản thân người mù phải tự lập nên việc phụ thuộc vào người khác là không nên. Chuyện vay mượn là có nhưng họ cần tự chủ. Qua đó cũng có thể thấy nhu cầu việc làm để tự lập quan trọng tới mức nào với người mù.
Với câu hỏi về sự giúp đỡ của người thân trong gia đình (câu 4), việc đi lại, đã được đề cập một phần bên trên, người thân sẽ hỗ trợ rất lớn người khiếm thị đặc biệt là thời gian đầu làm quen với việc ra đường. Chuyện dạy dỗ con cái thì đặc biệt người mù phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người vì không phải ai cũng được học qua trường lớp đầy đủ hơn nữa họ không nhìn thấy gì để dạy con cả nên quá trình theo dõi tình hình học tập của con cái là rất khó khăn.
Sự giúp đỡ của chi hội (câu 5) có thể xem là cứu cánh lớn nhất của người mù. Thứ nhất, thông qua hội những người khiếm thị tiếp cận được các thông tin về chính sách của chính phủ. Thứ hai, cơ quan hội cũng đứng ra bảo lãnh để các thành viên hội được vay vốn hoặc trực tiếp tạo công ăn việc làm. Chú L. đã chia sẻ, “Không có hội, ai dám cho người mù vay, dù là 1 triệu?” Chính quyền địa phương cũng thông qua hội để nắm tình hình người khiếm thị và cũng nhờ đó mà các tổ chức trong nước và quốc tế có thể tiếp cận để giúp đỡ và đưa ra những chương trình hành động cụ thể.
Bản thân chi hội cũng nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng và chính quyền. Cơ sở của hội khang trang là nơi sinh hoạt và làm việc của không chỉ hội người mù. Cơ sở này, thuộc huyện Thanh Trì, có lẽ là cơ sở tốt nhất trong số các cơ sở của người mù.
Chính phủ nhìn chung có nhiều hỗ trợ với người khuyết tật nói chung và người mù nói riêng trong đó có khoản hỗ trợ vay vốn và việc cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, các thành viên đều nhất trí rằng những sự trợ giúp này rất hữu hiệu. Con cái của các thành viên cũng được miễn giảm học phí hay có nhiều sự hỗ trợ từ nhà trường và chính quyền. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa - thể thao cũng được chính quyền quan tâm và khuyến khích.
Nói về mong muốn của người khiếm thị, các thành viên cho rằng trợ cấp tiền mặt là đáng quý nhưng một chính sách hỗ trợ thiết thực sẽ có tính hiệu quả lâu dài hơn. Ví dụ như đưa ra các chính sách cụ thể về hỗ trợ, tìm kiếm những nghề phù hợp để người khiếm thị có việc làm ổn định. Bảo hiểm y tế nếu có thể thì có các khoản chi trả cao hơn miễn phí cho người mù, nếu ai có hoàn cảnh khó khăn hơn thì được hỗ trợ nhiều hơn. Việc ưu tiên khi đi khám bệnh hay tại nhiều nơi công cộng khác cần có sự ưu tiên nếu không sẽ rất thiệt thòi cho người khuyết tật. Các phương tiện đi lại có thể được miễn phí hoặc hỗ trợ, ví dụ như tại các điểm xe buýt có thể có vị trí riêng cho người mù lên xe hay các hàng hãng không có chương trình vé riêng cho người mù vì khi họ nghe tin có vé giảm giá thì thường là đã hết vé.
Nhiều thành viên đồng ý về vai trò của Nhà nước trong việc làm thay đổi nhận thức của cộng đồng. Ví dụ như Nhà nước có thể mời những gương điển hình của người khuyết tật tham gia các chương trình trao đổi trên ti vi cho cộng đồng thấy người khuyết tật không phải gánh nặng, họ tự lập và có ý chí phấn đấu.

BÁO CÁO KẾT QUẢ PHỎNG VẤN

Về “Bảo trợ xã hội và chính sách với người khuyết tật Việt Nam” được tiến hành tại:



  • Địa điểm: Hội trường Hội người khuyết tật Huyện Thanh Trì, Hà Nội

  • Thời gian: 9g00 – 11g00, thứ Năm ngày 19 tháng 9 năm 2013.

Số lượng: Có 07 người (6 nữ, 1nam)

Độ tuổi của nhóm: từ 45 – 65

Nghề nghiệp; Phần lớn là ở nhà chăm sóc con, công nhân, nội trợ, thợ may, hội.
Nội dung buổi phỏng vấn tập trung trả lời 6 câu hỏi sau:
Câu 1: Người khuyết tật thường gặp nhiều khó khăn trong vấn đề xin việc làm. Anh/ chị đã từng gặp phải những khó khăn đó như thế nào?
Qua thảo luận thì phần lớn các thành viên trong nhóm đều có ý kiến là con cái họ đang và sẽ gặp


  • Khó khăn tìm kiếm việc làm: Do phần lớn con họ bị khuyết tât nặng. Trong số con của các thành viên được phỏng vấn, 2 người bị liệt toàn phần (con của chị Vân và anh Tươi).

  • Di chuyển, phần lớn con họ không chủ động đi lại mà tất cả đều phụ thuộc vào người nhà nên để có việc làm cũng khó khăn

  • Khó khăn về trình độ văn hóa: Phần lớn không có điều kiện đến trường, một số trường không nhận trẻ khuyết tật (con họ đều gặp vấn đề về nhận thức) 5/7.

  • Riêng chị H. bị khuyết tật vận động, hiện đang đang là chủ tịch Hội người khuyết tật huyện Thanh Trì. Chị làm thợ may tại nhà

  • Chị VHY (con chị V.) đã tốt nghiệp Trung cấp về Công nghệ thông tin. Nhưng hiện nay cũng chưa có việc làm, tuy đã nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi.

  • Khó khăn về giao tiếp cũng là 1 trở ngại lớn đối với con cái họ.



  • Thái độ của gia đình: Hầu hết các bậc phụ huynh đều xác định là chăm sóc và dạy cho con cái họ biết cách tự chăm sóc biết vệ sinh cá nhân cho tốt để con có thể sinh hoạt tự lập là tốt lắm rồi, mà không hy vọng con của họ có khả năng lao động. Theo bác T, (Hội nạn nhân chất độc da cam) cho biết “có tới 70% nạn nhân trực tiếp và 30% nạn nhân có con bị ảnh hưởng từ bố mẹ tham gia chiến tranh, người thấp tuổi nhất trong hội là 62 tuổi… do ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe cũng như hoạt động nên việc đi học nghề và xin việc là rất khó”, cá biệt trong hội chỉ có 2 cháu là con của hội viên là có khả năng lao động và xin việc.



  • Thái độ phân biệt đối xử của nhà tuyển dụng: Ví như trường hợp của chị V chia sẻ: “Tôi đã ủng hộ tích cực tính ham học và chịu khó vươn lên của con. Từ lớp 1 đến lớp 5 tôi xin cho con học ở Hòa Bình. Lên cấp 2, đầu tiên giáo viên chủ nhiệm không dám nhận nhưng sau đó tôi làm giấy cam đoan và nộp học bạ để cho con đi học. Thi vào cấp 3 con tôi không đủ điểm nhưng sau đó tôi vẫn cố gắng tạo điều kiện cho con đi học trung cấp về tin học và cháu đã tốt nghiệp bằng trung bình. Tuy nhiên khi đi xin việc, nhà tuyển dụng chỉ động viên chứ không nhận vào làm việc”


Câu 2: Trong gia đình của những người khuyết tật thường có những khoản chi phí phát sinh. Với cá nhân bạn những chi phí đó là gì?
Qua thảo luận 100% các thành viên của nhóm đều cho rằng chi phí phát sinh lớn nhất là;

  • Chi phí y tế

Cụ thể như:

+ Chị U: Trong não con chị có di chứng do sốt giật từ khi 8 tháng tuổi. Thường chị phải chi trả tiền thuốc men cho cháu là 600.000 đồng/ tháng và mỗi lần đi khám là 100.000 đồng.

+ Chị V: chi phí thuốc men và xoa bóp cho con chị phải trả khoảng hơn 1 triệu đồng/ tháng

+ Chị X: con chị yếu, sức đề kháng kém nên bệnh triền miên nên phải uống nhiều thuốc kháng sinh, trung bình chị phải chi hơn 1 triệu/tháng. Riêng thuốc bổ não giá khoảng 2 triệu/lần nên thỉnh thoảng chị mới mua được cho con dung.

+ Bác T: phải chi khoảng 2.700.000 – 3.000.000 đồng/tháng cho thuốc men và vật lý trị liệu cho con. Hàng tháng bác nhờ bác sỹ ở bệnh viện Thường Tín chăm sóc, giúp con có nhận thức vệ sinh để gia đình đỡ vất vả.

- Chi phí giáo dục:

Chị H: phải nghỉ việc làm để ở nhà chăm sóc và dạy dỗ con nhưng chị vẫn thuê cô giáo về nhà dạy ngôn ngữ và cách tự vệ sinh cho cháu, 1 tiếng/ ngày với mức phí 200.000 đồng/ tiếng. Trung bình mỗi tháng tính cả chi phí thuốc men, bấm huyệt và tiền học của con chị là khoảng 3 triệu/ tháng.
Câu 3: Làm thế nào anh/ chị trang trải được những chi phí này?
Phần lớn họ cho ý kiến là: Mọi chi phí về y tế, giáo dục hay đi lại chủ yếu do gia đình tự chi trả

+ Chị U: “vợ chồng tôi nói chung là tự trả thôi chứ cũng không có hỗ trợ từ ngoài gì cả”

+ Chị V: “Tôi làm công nhân thì cứ tiết kiệm để chi trả hàng tháng cho con”

+ Bác T: “Tôi được hưởng chế độ bệnh binh, vợ tôi làm nông nghiệp, cũng yếu rồi, các chi phí chỉ do mình tôi tằn tiện để lo cho cháu”



Câu 4: Các thành viên khác trong gia đình đã hỗ trợ thành viên khuyết tật trong gia đình như thế nào?
Phần lớn các thành viên trong nhóm đều nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ bố mẹ, anh chị em và người thân trong gia đình về tài chính như:

  • Tiền chi trả cho thuốc men, khám bệnh, giáo dục.

  • Hầu như các mẹ có con khuyết tật nặng đều không đi làm để ở nhà tự chăm sóc con, như chị H, chị X. nói “khi phát hiện cháu bị tự kỷ từ năm 3 tuổi, tôi đã bỏ việc để ở nhà chăm con cho chu đáo”


Câu 5: Những khoản hỗ trợ nào mà các anh/ chị đã nhận được từ nhà nước hay từ các thành viên khác trong gia đình? Anh/ chị đánh giá thế nào về những sự hỗ trợ đó?
Có 5/7 % trong nhóm đều nhận được tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước, 2/7 chưa nhận được vì đang làm thủ tục xin trợ cấp. Các mức trợ cấp khác nhau, do tình trạng khuyết tật khác nhau. Riêng chế độ trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam thường cao hơn người khuyết tật khác.
+ Bác T: nhận được chế độ chất độc da cam là 1.100.000 đồng/ tháng và đã nhận được chế độ này khoảng 10 năm.

+ Chị V: nhận được chế độ chất độc da cam là 700.000 đồng/ tháng, mới được 1 năm nay.

+ Chị H: nhận được hỗ trợ con khuyết tật là 525.000 đồng/ tháng

+ Chị X: đang làm thủ tục xin trợ cấp, nhìn chung thủ tục khá rườm rà và phức tạp

+ Chị V: được hỗ trợ cho ngườ khuyết tật là 350.000 đồng/ tháng
- Quà tặng của chính quyền địa phương trong dịp lễ, tết

Chị V: “khi con tôi chưa đến 16 tuổi thì gia đình chị có nhận được quà từ huyện nhưng khi cháu được 16 tuổi thì không được phát quà nữa”.

Chị V: vào Ngày dành cho người khuyết tật và các dịp lễ Tết vẫn nhận được quà, ngoài ra còn được Hội chữ thập đỏ tặng xe lăn.
- Giáo dục:

Chị X: nhờ xin được chế độ cựu chiến binh ở xã nên nay con chị được đi học miễn phí, nếu không, như trước đây mức học phí chị phải đóng là 4 triệu/ tháng, chị cho con đi học được một năm thì hết tiền, phải tạm đưa con về quê.

Phần lớn các thành viên được phỏng vấn cho biết, họ thường nhận được sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình (ông bà ngoại, ông bà nội, các cậu, các chú)
- Ngoài ra còn có sự giúp đỡ của các nhà tài trợ:

Theo bác T, khi vận động được các nhà tài trợ thì cũng có quà, chia phát cho các thành viên trong Hội để hỗ trợ, động viên tinh thần lẫn nhau.


- Sự hỗ trợ của cơ quan

Chị V: khi con còn bé thì nhờ bà ngoại chăm sóc, ngoài ra cũng được cơ quan tạo điều kiện về thời gian để chăm sóc con.



Nhìn chung các thành viên tham gia phỏng vấn đều nhận thấy các chính sách của nhà nước hiện nay có quan tâm hơn đến người khuyết tật và thấy đỡ khó khăn hơn khi có trợ cấp.
Câu 6: Những loại hình nào các bạn cần từ nhà nước hay người thân trong gia đình?
Có 100% thành viên mong muốn:

  • Cần nhất là nhà nước cung cấp những công việc phù hợp cho người khuyết tật.

  • Trợ cấp tiền mặt từ Nhà nước cao hơn để gia đình đỡ khó khăn như: Chị Xuân: vì con chị cũng không làm được gì nên cũng mong nhà nước cho cháu một khoản tiền để đỡ gia đình, khoảng 1 triệu/ tháng.

  • Các phụ huynh cũng mong con được đi học.

  • Thay đổi nhận thức xã hội về người khuyết tật: Chi U nói: “cộng đồng, hàng xóm có ác cảm, có người nhìn thấy con tôi thì dắt con mình đi ra chỗ khác, nhưng cũng có người động viên an ủi và chia sẻ cảm thông”. Chị X: “định kiến bên nhà chồng, chị em dâu thì thào còn mẹ chồng thì bảo “thằng dở hơi nó về nhà tôi”

Nhưng các chị đều hài lòng nói tốt về chồng mình vì các anh tốt và thương con nên động viên các chị chịu khó chăm con.

Nhìn chung, mọi người đều rất cởi mở chia sẻ những khó khăn, vất vả của bản thân và gia đình khi có con bị khuyết tật. Ai cũng mong nhận được sự hỗ trợ y tế để giúp cho con họ được chăm sóc, phục hồi sức khỏe tốt hơn, biết tự phục vụ cho cá nhân để có thể sống tự lập được tốt nhất.
tải về 200.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương