BÁo cáo kế hoạch phát triển kinh tế XÃ HỘI 5 NĂM 2016 2020



tải về 392.4 Kb.
trang7/9
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích392.4 Kb.
#16018
1   2   3   4   5   6   7   8   9

7. Về công tác đối ngoại:


Các hoạt động đối ngoại còn phân tán theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực; chưa khai thác được tiềm năng và cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài thông qua việc tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh; các hoạt động hợp tác quốc tế chưa liên tục, chủ yếu chỉ tập trung hợp tác ở những lĩnh vực như cung cấp thuốc men, nhận một số hiện vật (nhưng không có giá trị lớn), giao lưu văn hóa…; các hoạt động hợp tác kinh tế chưa nhiều và chưa mang lại lợi ích rõ rệt.

Nguyên nhân: Nhiều cơ quan đơn vị còn xem nhẹ vai trò của của công tác đối ngoại, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế; các ngành chưa chú trọng đến việc triển khai bản thỏa thuận đã ký kết với các địa phương và tổ chức nước ngoài, chưa có kế hoạch cụ thể cho các hoạt động hợp tác quốc tế; bộ máy nhân sự thực hiện công tác đối ngoại còn thiếu, hạn chế về ngoại ngữ và các kỹ năng; công tác thông tin đối ngoại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác đối ngoại.

III. Đánh giá chung:


Trong giai đoạn 2011 - 2015 các mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản đạt được những thành tựu đáng khích lệ, kinh tế tiếp tục có sự tăng trưởng, hệ thống cảng biển được đầu tư mạnh mẽ, thu hút được nhiều dự án du lịch chất lượng cao, thu ngân sách tăng cao, đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia; các lĩnh vực văn hóa - xã hội đều có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Tuy nhiên, trong từng ngành, lĩnh vực vẫn còn tồn tại một số mặt yếu kém, hạn chế, như: Một số chỉ tiêu kinh tế tuy có tăng trưởng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra; Quá trình hình thành và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics còn chậm; tiềm năng cảng biển, du lịch phát huy hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; hạ tầng giao thông kết nối hệ thống cảng chưa đồng bộ; công tác quản lý đất đai, quy hoạch, môi trường và thu hút đầu tư vẫn còn hạn chế, tiến độ triển khai nhiều dự án đầu tư còn chậm; nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế. Một số mặt của các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, an sinh xã hội chưa đáp ứng kịp yêu cầu của cuộc sống; chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp còn chậm. Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế biến hải sản, nhà máy sản xuất thép vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, môi trường đầu tư chậm được cải thiện; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả chưa cao.


IV. Những bài học kinh nghiệm:


Qua kết quả 5 năm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:

- Một là, cần phải nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các chương trình, đề án; chỉ đưa vào danh mục xây dựng những chương trình, đề án trọng điểm, cần thiết. Khi xây dựng các quy hoạch, chương trình, đề án cần phải bảo đảm cân đối tổng thể nguồn lực, phân bổ hợp lý trong từng giai đoạn. Khi xác định kế hoạch, công việc, nhiệm vụ phải sát thực tế; biện pháp phải khả thi; mục tiêu phải đạt hiệu quả; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải quyết liệt, cụ thể; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

- Hai là, Luôn chú trọng nhiệm vụ chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường.

- Ba là, trong quản lý điều hành phải chú trọng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thực hiện nghiêm chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, quan liêu.

Phần 2

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP

PHÁT TRIỂN 5 NĂM 2016 - 2020

I. Dự báo tình hình những năm tới:

1. Những yếu tố thuận lợi:

- Tình hình kinh tế thế giới có sự chuyển biến tích cực, với sự phục hồi tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế dẫn dắt tăng trưởng kinh tế thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản,…; dòng vốn FDI thế giới được dự báo có xu hướng phục hồi dần.

- Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng tăng, chính trị ổn định, tạo thời cơ thuận lợi những cho sự phát triển cả về kinh tế - xã hội. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước ngày càng được nâng cao hơn trước. Những kết quả bước đầu của tái cơ cấu nền kinh tế tạo ra những chuyển biến mới đối với sự phát triển đất nước.

- Vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống cảng biển và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư, hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải trong giai đoạn vừa qua được đầu tư, công suất tiềm năng khai thác còn lớn.



2. Khó khăn, thách thức:

- Tình hình thế giới và khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, trong đó trực tiếp đối với nước ta là vấn đề biển Đông. Kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

- Nền kinh tế của Tỉnh vẫn tồn tại nhiều khó khăn: Hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển; thiếu vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án của doanh nghiệp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp.

- Tình trạng chênh lệch về đời sống vật chất và văn hóa tinh thần giữa thành thị và nông thôn có xu hướng gia tăng; việc giải quyết các vấn đề: tội phạm hình sự, tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy, mại dâm, ô nhiễm môi trường… vẫn là những vấn đề khó khăn, thách thức đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước và cả hệ thống chính trị tiếp tục quan tâm hơn nữa trong giai đoạn tới.



II. Mục tiêu tổng quát phát triển giai đoạn 2016 - 2020:

Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch; cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân; bảo đảm ổn định xã hội; giữ vững ổn định chính trị; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc.

III. Các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2016 – 2020:

1. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 7%/năm, kể cả dầu khí giảm bình quân 1,27%/năm.

- Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 54,15% - Dịch vụ 35,6% - Nông nghiệp 10,25%; kể cả dầu khí: Công nghiệp, xây dựng 74,03% - Dịch vụ 20,16% - Nông nghiệp 5,81%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,6%/năm, kể cả dầu khí tăng 1,05%/ năm.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 10%/năm; Dịch vụ du lịch lữ hành tăng 12,2%/năm; Dịch vụ lưu trú tăng 6,76%/năm; Dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 9,6%/năm, trong đó dịch vụ cảng tăng 6,65%/năm.

- Giá trị xuất khẩu trừ dầu khí tăng 10%/năm; kể cả dầu khí giảm 5,53%/năm.

- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,53%/năm, trong đó: trồng trọt tăng 3,05%/năm và chăn nuôi tăng 4,14%/năm. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 1,24%/năm. Giá trị sản xuất ngư nghiệp tăng 4,95%/năm, trong đó: khai thác tăng 4,85%/năm và nuôi trồng tăng 6,05%/năm.

- Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 206.606 tỷ đồng, tăng 1,4%/năm, trong đó: vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 40.777 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 120.829 tỷ đồng, vốn đầu tư của doanh nghiệp và dân cư trong nước 45.000 tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm khoảng 475.700 tỷ đồng, tăng 2,92%/năm; trong đó: thu từ dầu thô 180.043 tỷ đồng, giảm 2,44%/năm; thu thuế xuất nhập khẩu 121.886 tỷ đồng, tăng 9,29%/năm; thu nội địa 173.515 tỷ đồng, tăng 4,19%/năm. Tổng chi ngân sách địa phương khoảng 82.092 tỷ đồng, tăng 4,68%/năm, trong đó: chi đầu tư 40.777 tỷ đồng, tăng 4,22%/năm; chi thường xuyên 37.911 tỷ đồng, tăng 5,19%/năm.

2. Các chỉ tiêu văn hóa - xã hội:

- Tốc độ tăng dân số tự nhiên đến năm 2020 là 1,03%/năm; mức giảm sinh 0,1%o/năm; tuổi thọ trung bình 75 tuổi.

- Đến năm 2020: Số trẻ em đi nhà trẻ chiếm tỷ lệ 30% so với trẻ trong độ tuổi; số học sinh mẫu giáo chiếm tỷ lệ 92,5% so với trẻ trong độ tuổi; số học sinh tiểu học là 105.535; số học sinh trung học cơ sở là 70.735, số học sinh trung học phổ thông là 35.103. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 80%.

- Đến năm 2020: Số giường điều trị đạt 26 giường/vạn dân; số bác sĩ đạt 8,5 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn khoảng 6%; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ 7 loại vacxin đạt 98%. Tỷ lệ xã có bác sĩ đạt 40%; tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn tiêu chí quốc gia 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 81%.

- Số lao động được tạo việc làm giai đoạn 2016 – 2020 là 160.000 lượt lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đến năm 2020 còn khoảng 2%.

- Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới quốc gia, khống chế tỷ lệ dưới 1%.



3. Các chỉ tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững:

- Tỷ lệ che phủ cây xanh đạt 44,2%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 13,4%.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 100%.

- Tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước sạch 100%.

- 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Tỷ lệ rác thải y tế, rác thải dầu khí và rác thải công nghiệp (thông thường và nguy hại) thu gom, đã xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia là 100%.

- Tỷ lệ rác thải sinh hoạt đô thị thu gom, đã xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia là 95%.

- 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm đạt tiêu chuẩn môi trường.



IV. Một số quan điểm, định hướng lớn phát triển tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020:

Trên cơ sở các Quy hoạch, các Nghị quyết, các chương trình đề án đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và UBND tỉnh thông qua, xác định một số quan điểm, định hướng lớn phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020, gồm:

1. Phát huy lợi thế về kinh tế biển, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh tỷ trọng dịch vụ, xác định phát triển công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và dịch vụ du lịch là nhiệm vụ trung tâm.

2. Thực hiện mô hình kinh tế phát triển theo chiều sâu, có hiệu quả, bảo đảm bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên.

3. Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ trong xây dựng và thực thi thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

4. Xác định cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý các cấp, các ngành là nguồn nhân lực quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự phát triển của tỉnh. Do đó, cần nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo, thử thách và bố trí cán bộ; có chính sách thu hút người tài; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là chế độ công vụ, công chức và tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, người dân trong thực thi chính sách.

5. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

V. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

1. Về phát triển kinh tế:

1.1. Công nghiệp:

Phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển, sử dụng công nghệ và giá trị gia tăng cao, ít tiêu tốn năng lượng, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, có sức lan tỏa thu hút công nghiệp hỗ trợ. Xác định rõ các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu để kêu gọi đầu tư. Tích cực hỗ trợ triển khai, hoàn thành đưa vào hoạt động dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam và các dự án công nghiệp lớn khác; tạo điều kiện phát triển các ngành hạ nguồn sau hóa dầu. Hoàn thành xây dựng các khu chế biến hải sản tập trung để di dời các cơ sở chế biến hải sản, đồng thời chỉ phát triển mới các cơ sở chế biến hải sản chất lượng cao trong khu quy hoạch.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài, tổ chức thực hiện tốt đề án Phát triển chiến lược công nghiệp, nhanh chóng phát triển công nghiệp hỗ trợ nâng cao tính bền vững và khả năng cạnh tranh của nền sản xuất. Chuyển dịch cơ cấu sang các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh tái cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục giảm dần tỷ lệ công nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và bảo vệ môi trường.

Thúc đẩy tiến độ đầu tư hạ tầng, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp gắn với việc chọn lọc dự án. Tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, Khu công nghiệp Đá Bạc (giai đoạn I) nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp một cách hợp lý theo hướng không gian phát triển các khu, cụm công nghiệp phải phù hợp với khả năng chịu tải của môi trường và tiết kiệm quỹ đất, bảo đảm mục tiêu phát triển cụm công nghiệp, nhằm thực hiện việc chuyển dịch lao động nông thôn và di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư.

Thực hiện có hiệu quả các đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Tăng cường công tác đào tạo nghề gắn với chuyển dịch lao động nông nghiệp sang cung ứng nhân lực cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.



1.2. Dịch vụ:

a) Phát triển thương mại:

Tiếp tục thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát và đảm bảo cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển thương mại của ngành Công Thương vùng Đông - Tây Nam bộ, trong đó trọng tâm là các chương trình về kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, gắn kết chặt chẽ với tổ chức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp vùng; các chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia, của Tỉnh và các Tỉnh, Thành phố nhằm phát triển thị trường nội địa; đặc biệt là liên kết hợp tác vùng trong tổ chức các chương trình hàng Việt về nông thôn, về huyện đảo và về các khu công nghiệp.

Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ, chú trọng đến phát triển mạng lưới phân phối tại khu vực nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu thụ nông phẩm của nông dân. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển mạng lưới kênh phân phối, phát triển nhanh, bền vững các loại hình bán lẻ văn minh, hiện đại, củng cố và nâng cấp hệ thống bán lẻ truyền thống. Cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực, có trọng tâm nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.



b) Phát triển cảng biển, dịch vụ logistics:

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải thành hệ thống cảng trung chuyển của khu vực và quốc tế; lập quy hoạch phát triển hệ thống hậu cần cảng theo hướng tập trung, ưu tiên cho các trung tâm dịch vụ hậu cần cảng quy mô lớn, trong đó tổ chức thi tuyển quốc tế, hoàn thành lập quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ hậu cần cảng Cái Mép Hạ; từng bước hình thành hệ thống các trung tâm logistics cấp tỉnh và hệ thống chuỗi trung tâm logistics thứ cấp, định hình chuỗi cung ứng và tạo sự ổn định nguồn hàng phục vụ hệ thống cảng biển. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ gắn liền với lợi thế biển như: vận tải biển, dịch vụ hậu cần cảng, dịch vụ du lịch, dịch vụ dầu khí, thông tin truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản… để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang nền kinh tế dịch vụ hậu công nghiệp. Thu hút các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần cảng.

Đầu tư các dự án cảng thủy nội địa, kết hợp kho bãi đã được quy hoạch. Tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm quỹ đất được quy hoạch cho phát triển cảng và dịch vụ hậu cần cảng; triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh trật tư cho các bến cảng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương và đầu tư khu vui chơi, giải trí cho sĩ quan, thủy thủ làm việc trên tàu biển để phục vụ cho hoạt động của các cảng biển và Trung tâm dịch vụ hậu cần cảng.

Tiếp tục cải cách theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập và quá cảnh qua các cảng. Hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển cảng và logistics thống nhất trên địa bàn tỉnh nhằm từng bước hệ thống hóa thông tin quản lý doanh nghiệp cảng và logistics, xây dựng và áp dụng bộ tiêu chẩn đánh giá năng lực logistics trên địa bàn tỉnh phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế.

Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kết nối hệ thống cảng với các đường quốc lộ và đường vành đai của khu vực; hoàn thành tuyến đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép, đường Phước Hòa - Cái Mép, đường 991B, đường Long Sơn – Cái Mép.

Kiến nghị Trung ương có cơ chế, chính sách để phát triển cảng trung chuyển quốc tế và đầu tư các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa kết nối các tỉnh với hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép, trong đó ưu tiên cầu Phước An, các tuyến đường cao tốc và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; sớm di dời hệ thống cảng từ thành phố Hồ Chí Minh về Bà Rịa - Vũng Tàu; tiếp tục nạo vét bảo đảm độ sau luồng tuyến, giảm phí, lệ phí hàng hải để thu hút tàu đến cảng.



c) Phát triển du lịch:

Rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch phát triển du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đầu tư về du lịch trên địa bàn tỉnh như: Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển du lịch Côn Đảo; quy hoạch chi tiết một số khu vực tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch như: Vũng Tàu, Long Hải - Phước Hải, Xuyên Mộc và Côn Đảo, trong đó ưu tiên cho tuyến du lịch ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu và khu du lịch Núi Dinh – Bà Rịa.

Tập trung thu hút đầu tư, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; trong đó, chú trọng các dự án du lịch chất lượng cao, các sản phẩm du lịch vui chơi, giải trí; nghỉ dưỡng, chữa bệnh; sinh thái, hội thảo; lịch sử, tâm linh; sự kiện và các tour, tuyến gắn tham quan với mua sắm hàng hóa... Ưu tiên lựa chọn một số khu đất có vị trí lợi thế, tiềm năng để kêu gọi các nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển các dự án du lịch lớn, chất lượng, có tác dụng thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Quy hoạch địa điểm, kêu gọi đầu tư cảng tàu khách phục vụ du lịch. Huy động vốn ngân sách và các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin liên lạc phục vụ cho các khu du lịch đã được quy hoạch và các dự án du lịch trọng điểm. Tiếp tục giám sát việc thực hiện dự án sau giấy phép, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy các dự án đầu tư du lịch dọc tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Long Hải - Phước Hải - Bình Châu.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến, các sự kiện văn hóa - thể thao; tăng cường sự hợp tác, quảng bá chung giữa các doanh nghiệp hoạt động du lịch, giữa tỉnh với các địa phương trong nước; xúc tiến hợp tác phát triển du lịch tại thị trường các nước trong khu vực và quốc tế. Phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa – du lịch của tỉnh, đặc biệt là các sự kiện thu hút khách quốc tế, nhằm giới thiệu, tôn vinh, khai thác giá trị các di tích, danh thắng, làng nghề tiêu biểu của tỉnh, giúp du khách hiểu biết thêm giá trị nhân văn của du lịch tỉnh.

Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm an ninh du lịch; Đề án bảo đảm môi trường du lịch. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở du lịch, đặc biệt là quản lý giá dịch vụ; xây dựng, yêu cầu thực hiện quy định những tiêu chuẩn tối thiểu đối với các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, nhà trọ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng phục vụ của các cơ sở du lịch; xây dựng văn hóa du lịch văn minh; tạo môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện, hấp dẫn du khách.



d) Phát triển hoạt động xuất – nhập khẩu:

Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa các mặt hàng nhập khẩu; phát triển xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm đã qua chế tác, tinh chế. Củng cố và mở rộng các thị trường đã có như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn quốc; đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường có sức mua lớn như Mỹ, EU; tăng dần tỷ trọng xuất khẩu vào các thị trường Đông Âu, Nga, khu vực châu Mỹ, Châu Phi và các thị trường khác. Xây dựng chiến lược ngành hàng và kế hoạch phát triển bền vững các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao như hải sản, thép, da thuộc, vải giả da, dầu điều, và các sản phẩm mới tiềm năng trong các khu công nghiệp.

Kiểm soát, hạn chế nhập khẩu các loại thiết bị, vật tư trong nước đã sản xuất được, hoặc thiết bị có công nghệ lạc hậu; ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị và công nghệ tiên tiến để tăng khả năng cạnh tranh hàng hóa của tỉnh.

Phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp về những cam kết của thành viên WTO và lộ trình thực hiện những cam kết đó, đặc biệt là các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cho cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp biết, tranh thủ và phát huy các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký kết.



đ) Phát triển dịch vụ khác:

Phát triển các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin - truyền thông, kinh doanh bất động sản, tư vấn pháp lý, tư vấn đầu tư, chuyển giao công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo..., đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển và góp phần tăng mạnh cơ cấu dịch vụ của tỉnh.

Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển phương tiện xe buýt đảm bảo số lượng và chất lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tần suất hoạt động đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Công bố rộng rãi và kêu gọi đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách.

Nâng cao chất lượng điện, độ tin cậy và an toàn truyền tải điện cho người sử dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo lưới điện trung áp sang cấp điện áp 22kV và điện khí hóa nông thôn. Hiện đại hóa và từng bước ngầm hóa lưới điện tại các trung tâm đô thị để hạn chế tác động xấu đến cảnh quan, môi trường.

Tiếp tục mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho nông thôn, nâng cao chất lượng cấp nước sạch cho người dân, ưu tiên hỗ trợ cho những khu vực vùng sâu, hải đảo.



1.3. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp gắn liền với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới:

a) Nông nghiệp:

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho các sản phẩm cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh của tỉnh, đề ra cơ chế, chính sách để khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này; xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh trạnh và quy mô phù hợp với từng vùng, địa phương; chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, hướng tới đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, đến năm 2020 tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 47% giá trị sản xuất nông nghiệp. Phát triển vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu với quy mô diện tích phù hợp đối với từng loại cây trồng, gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Triển khai nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa nông sản có chất lượng và giá trị cao, đủ sức cạnh trạnh trên thị trường. Xây dựng từ 5 đến 7 vùng sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt. Xây dựng chuỗi giá trị trên một số cây trồng chính như: lúa, rau, nhãn xuồng, mãng cầu ta, thanh long, hồ tiêu, cacao, cà phê, điều,… từ quy hoạch vùng sản xuất và tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc các tiêu chuẩn phù hợp khác được chứng nhận; kết nối với các doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tổ chức thu mua, sơ chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Định hướng chuyển dịch ngành chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn và vừa theo phương thức nuôi công nghiệp; duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao; thực hiện các chính sách khuyến khích các tổ chức sản xuất chăn nuôi khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất - giết mổ - tiêu thụ. Đến năm 2020, tỷ lệ thịt gia súc, gia cầm được giết mổ, chế biến từ các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung với dây chuyền công nghiệp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đạt khoảng 50 – 60%; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý môi trường đạt 70% đối với nông hộ và 95% đối với gia trại, trang trại. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, trị dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Thường xuyên tổ chức thanh tra quản lý vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ thống đường giao thông nội đồng, cung cấp giống tốt; chủ động phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi...



tải về 392.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương