BÌnh luận về miễn trách nhiệm do VI phạm hợP ĐỒng tạI ĐIỀU 294 luật thưƠng mạI 2005 ThS. Bùi Hưng Nguyên



tải về 48.36 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích48.36 Kb.
#17683
BÌNH LUẬN VỀ MIỄN TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG
TẠI ĐIỀU 294 LUẬT THƯƠNG MẠI 2005




ThS. Bùi Hưng Nguyên

Trong hoạt động thương mại, cùng với việc pháp luật quy định các chế tài, các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng cũng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc thực hiện hợp đồng của thương nhân. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, các trường hợp miễn trách nhiệm này được quy định tại điều 294 Luật thương mại 2005. Bài viết sau đây đưa ra một vài bình luận của tác giả về điều 294 đó ở cả hai góc độ tính khả thi và sự tương thích của nó với các điều luật khác có liên quan và tập quán thương mại quốc tế.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong quá trình thực hiện hợp đồng nói chung, hợp đồng trong thương mại nói riêng, nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng, hệ thống pháp luật các quốc gia và quốc tế đều có quy định các hình thức chế tài trong thương mại, mỗi hình thức chế tài mang lại những hậu quả bất lợi khác nhau đối với bên vi phạm hợp đồng. Cùng với các chế tài, pháp luật cũng quy định một số trường hợp, theo đó bên vi phạm không phải gánh chịu những hậu quả bất lợi do bị áp dụng các hình thức chế tài thương mại, đó là các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.



II. BÌNH LUẬN VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN TRÁCH NHIỆM

Trước hết, có thể thấy điều 294 đã “nhìn nhận” các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm với cách tiếp cận khá “mở” và tôn trọng sự thoả thuận của các bên khi quy định bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm khi xảy ra các trường hợp mà các bên đã thoả thuận. Nếu các bên không có thoả thuận trong hợp đồng thì bên vi phạm sẽ được miễn trách nhiệm khi: i) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; ii) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; iii) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm1

Trừ khi các bên thoả thuận cụ thể về các trường hợp miễn trách nhiệm, có thể nói, các trường hợp miễn trách nhiệm mà điều 294 quy định nêu trên còn khá chung chung và khó hiểu mà lại không bao quát hết được các trường hợp miễn trách nhiệm, cụ thể:



Thứ nhất, Luật thương mại hiện hành không giải thích thế nào là sự kiện bất khả kháng. Xét theo mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng, trong đó luật thương mại là luật riêng trong lĩnh vực thương mại, còn Bộ luật dân sự là luật chung, có thể dẫn chiếu quy định của Bộ luật dân sự về sự kiện bất khả kháng để áp dụng trong lĩnh vực thương mại. Tại khoản 1 điều 161 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “... Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”2. Với việc quy định theo phương pháp trừu tượng hoá như vậy của Bộ luật dân sự thì việc hiểu rõ nội hàm của khái niệm sự kiện bất khả kháng và việc áp dụng nó là rất khó. Nếu trong trường hợp các nước thừa nhận án lệ là một nguồn luật thì các bản án của toà án có liên quan đến vấn đề này sẽ là nguồn luật giải thích một cách cụ thể sự kiện bất khả kháng trong thực tế. Thế nhưng, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận một nguồn luật duy nhất là văn bản pháp luật, không thừa nhận án lệ thì cách giải thích hoặc hiểu theo khía cạnh thực tiễn chỉ có giá trị tham khảo. Theo thông lệ chung, sự kiện bất khả kháng (force majeure) thường được hiểu có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần… hoặc các hiện tượng xã hội như chiến tranh, bạo loạn, đảo chính, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách của chính phủ… Tất nhiên việc chứng minh có tồn tại sự kiện bất khả kháng thuộc về nghĩa vụ của bên vi phạm hợp đồng, nhưng việc bên đó được hay không được miễn trừ lại phụ thuộc vào bên bị vi phạm hoặc cơ quan chức năng có chấp nhận nó là sự kiện bất khả kháng hay không. Với một khái niệm còn quá khái quát như vậy thì đương nhiên việc tìm được tiếng nói chung giữa các bên là không hề dễ dàng.

Ngoài ra, Điều 294 chỉ quy định chung chung sự kiện bất khả kháng là điều kiện để bên vi phạm được miễn trách nhiệm nhưng chưa nêu bật được mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm hợp đồng. Về bản chất, để có thể được miễn trách nhiệm, sự kiện bất khả kháng phải xảy ra sau khi các bên ký hợp đồng và sự kiện bất khả kháng phải là nguyên nhân dẫn đến kết quả là bên vi phạm không thể thực hiện được theo đúng cam kết. Ở đây, rõ ràng điều 294 chưa thể hiện được mối quan hệ đó.

Trong khi sự kiện bất khả kháng chưa được hiểu một cách thống nhất thì pháp luật Việt Nam còn ghi nhận về “Trở ngại khách quan”. Vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia, còn có một khái niệm nữa đó là “Hoàn cảnh khó khăn” (Hardship), là một khái niệm được thừa nhận trong thực tiễn thương mại quốc tế. Vậy có hay không sự trùng lặp giữa ba khái niệm này?

Về Trở ngại khách quan, đây là một khái niệm độc lập hoàn toàn so với sự kiện bất khả kháng. Tại khoản 1 điều 161 Bộ luật dân sự 2005, sau khi giải thích sự kiện bất khả kháng là gì, thì “Trở ngại khách quan” được ghi nhận “là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình”3. Nhưng, cũng giống như sự kiện bất khả kháng, khái niệm trên cũng tạo ra sự khó hiểu cho thương nhân và dễ dẫn đến nhầm lẫn với sự kiện bất khả kháng. Tại điểm b khoản 3 điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP đã giải thích rõ hơn khi quy định: “Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật4.

Có thể nói, Trở ngại khách quan cùng với sự kiện bất khả kháng là quy định khá tiến bộ của pháp luật Việt Nam khi tính đến cả những sự kiện nằm ngoài khái niệm sự kiện bất khả kháng làm cản trở chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ. Nhưng thật đáng tiếc, trở ngại khách quan chỉ được dùng để xác định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc thi hành án dân sự mà không được áp dụng cùng với sự kiện bất khả kháng để dẫn đến miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng. Do đó mà ngoài điều 294 Luật thương mại nêu trên chỉ nhắc đến sự kiện bất khả kháng, điều 302 Bộ luật dân sự 2005 cũng chỉ quy định: “... Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác5.

Mặc dù thực tế, những trở ngại khách quan nêu trên hoàn toàn có thể xảy ra đối với thương nhân, theo đó thương nhân không thể thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng, ví dụ: Chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà chưa xác định được người thừa kế..., nhưng một lần nữa phải nhấn mạnh rằng, trở ngại khách quan và sự kiện bất khả kháng là hai khái niệm khác nhau, và trở ngại khách quan không được tính đến cùng với sự kiện bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng trong thương mại.


Trong thương mại quốc tế, một khái niệm gần giống với bất khả kháng, đó là “Hoàn cảnh khó khăn” (Hardship), đây là vấn đề chưa được quy định một cách cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hoàn cảnh khó khăn được nhắc đến trong Bộ nguyên tắc trong hợp đồng thương mại quốc tế (viết tắt là PICC - Principles of International Commercial Contracts) của Viện Thống nhất Tư pháp Quốc tế (viết tắt theo tiếng Pháp là UNIDROIT - Insitute International pour l`Unification des Droits Privé). Đây là bộ quy tắc được áp dụng rất phổ biến trong thuơng mại quốc tế cùng với Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hoá quốc tế (CISG - United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods). Phiên bản mới nhất là PICC 2010 đã quy định: “Hoàn cảnh khó khăn được xác lập khi xảy ra các sự kiện làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa các nghĩa vụ hợp đồng, hoặc do chi phí thực hiện nghĩa vụ tăng lên, hoặc do giá trị của nghĩa vụ đối trừ giảm xuống…6.


Hậu quả pháp lý do việc xuất hiện hoàn cảnh khó khăn dẫn đến việc cho phép một bên trong hợp đồng có quyền xin điều chỉnh hợp đồng, khi có những thay đổi về hoàn cảnh và môi trường kinh tế, tới mức gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến quyền lợi của một bên, làm mất đi cân bằng kinh tế của hợp đồng, làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên cực kỳ khó khăn và tốn kém. Theo đó, các bên có thể yêu cầu tòa án điều chỉnh hoặc nếu không điều chỉnh được thì cho chấm dứt hợp đồng, nhằm tái lập sự cân bằng về lợi ích giữa các bên trong hợp đồng, theo những căn cứ, thủ tục, điều kiện chặt chẽ và hạn chế.

Về cơ bản, trường hợp bất khả kháng và hoàn cảnh khó khăn có hai sự khác nhau như sau:

Bất khả kháng là sự kiện làm cho một bên không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình. Trong khi đó, hoàn cảnh khó khăn thì chỉ làm cho việc thực hiện hợp đồng trở lên khó khăn hơn do có những sự kiện diễn ra làm thay đổi về cơ bản sự cân bằng giữa các nghĩa vụ của hợp đồng.

Về hậu quả, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm được hoàn toàn miễn trách nhiệm hoặc các bên có thể thoả thuận gia hạn một khoảng thời gian hợp lý để tiếp tục thực hiện hợp đồng khi sự kiện bất khả kháng kết thúc. Do đó mà bên vi phạm hợp đồng không phải chịu bất cứ chế tài gì. Đối với hoàn cảnh khó khăn, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình. Theo PICC 2010, khi gặp hoàn cảnh khó khăn thì các bên chỉ có quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng, chứ không có quyền chấm dứt hợp đồng. Hợp đồng có thể được chấm dứt trên cơ sở phán quyết của tòa án. Ngoài ra, trên cơ sở yêu cầu của các bên, tòa án có thể sửa đổi các điều khoản của hợp đồng nhằm làm cho các nghĩa vụ của hợp đồng có thể được cân bằng, tạo điều kiện cho việc tiếp tục thực hiện hợp đồng7.

Vì vậy, đối với các hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài, về nguyên tắc, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế có thể được áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra các trường hợp khó khăn nói ở trên khi thực hiện hợp đồng, các bên rất khó có thể yêu cầu Toà án, trọng tài thương mại của Việt Nam có tiến hành các thủ tục tố tụng để sửa đổi các điều khoản của hợp đồng, từ đó thiết lập một trạng thái cân bằng mới theo xu hướng có lợi cho các bên hoặc tuyên bố chấm hợp đồng. Đối với hợp đồng thương mại không có yếu tố nước ngoài thì rõ ràng phải áp dụng pháp luật Việt Nam, mà pháp luật hiện hành thì lại chưa có quy định cụ thể. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang rơi vào chu kỳ khó khăn. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đình đốn, hàng tồn kho nhiều, nợ khó đòi có xu hướng tăng lên. Nếu pháp luật Việt Nam có cơ chế giảm hoặc giúp thương nhân gỡ bỏ trách nhiệm bằng việc quy định về hoàn cảnh khó khăn thì chắc chắn rằng, khả năng phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp sẽ nhanh hơn và giao lưu thương mại sẽ phát triển theo xu hướng tích cực và năng động hơn rất nhiều.

Thứ hai, điều 294 mới dự liệu miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng khi “Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia” mà chưa tính đến khả năng hành vi vi phạm của một bên có nguyên nhân xuất phát từ bên thứ ba, mà bên này rơi vào các trường hợp mà pháp luật quy định được miễn trách nhiệm8. Đành rằng, các bên có thể thoả thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng của họ. Nhưng trong trường hợp không được thoả thuận, đương nhiên bên vi phạm sẽ không được miễn trách nhiệm nếu do lỗi của bên thứ ba, mặc dù bên này rơi vào các trường hợp miễn trách nhiệm. Về vấn đề này, có vẻ như Luật thương mại 2005 cứng nhắc hơn so với Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, một văn bản pháp luật điều chỉnh hợp đồng kinh tế trong không gian và thời gian của cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Tại Điều 40 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định: Bên vi phạm hợp đồng kinh tế được xét giảm hoặc miễn hoàn toàn trách nhiệm tài sản trong các trường hợp sau đây: 1) Gặp thiên tai, địch hoạ và các trở lực khách quan khác không thể lường trước được và đã thi hành mọi biện pháp cần thiết để khắc phục ; 2) Phải thi hành lệnh khẩn cấp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; 3) Do bên thứ ba vi phạm hợp đồng kinh tế với bên vi phạm nhưng bên thứ ba không phải chịu trách nhiệm tài sản trong các trường hợp quy định tại điểm 1 và điểm 2 của điều này...9. Tất cả các luật quy định về hợp đồng sau này như Bộ luật dân sự 1995, Luật thương mại 1997, Bộ luật dân sự 2005, Luật thương mại 2005 đã không kế thừa sự tiến bộ này mà lại loại bỏ nó ra khỏi các trường hợp miễn trách nhiệm được quy định trong luật.

Tương tự với trường hợp trên, pháp luật thương mại hiện hành nói chung và điều 294 Luật thương mại nói riêng cũng chưa dự liệu trường hợp miễn trách nhiệm do một bên uỷ quyền cho bên thứ ba thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng mà bên thứ ba này vi phạm nghĩa vụ trong một số trường hợp cụ thể. Nếu trong trường hợp CISG 1980 trở thành nguồn luật để điều chỉnh đối với hợp đồng trong một số trường hợp được áp dụng thì vấn đề này sẽ được giải quyết tại Ðiều 79. Theo điều này của CISG, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình do người thứ ba mà họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng cũng không thực hiện điều đó, thì bên ấy chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm chiếu theo quy định của công ước và người thứ ba cũng sẽ được miễn trách nếu các quy định của công ước được áp dụng cho họ10. Hiện tại Việt Nam vẫn chưa là thành viên của CISG 1980, mặc dù nó vẫn có thể được áp dụng tại Việt Nam trong một số trường hợp nhất định, nhưng về cơ bản CISG vẫn chưa là nguồn của pháp luật thương mại Việt Nam.

Thứ ba, việc miễn trách nhiệm được áp dụng khi hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng” tại điều 294 cũng rất khó hiểu và khó áp dụng11. “Các bên” ở trong trường hợp này có nghĩa là cả bên vi phạm và bên bị vi phạm, thế nhưng việc không thể biết quyết định cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến vi phạm hợp đồng chỉ có ý nghĩa đối với bên vi phạm hợp đồng, từ đó khẳng định bên vi phạm hợp đồng không có “lỗi”. Việc bên bị vi phạm có biết hay không thì về bản chất không ảnh hưởng gì đến thái độ của bên vi phạm hợp đồng. Giả sử bên bị vi phạm hợp đồng khi ký hợp đồng biết trước có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chắc chắn dẫn đến việc vi phạm hợp đồng và cứ ký hợp đồng trong khi bên vi phạm hợp đồng không hề biết. Vậy khi có hành vi vi phạm hợp đồng do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước, bên vi phạm hợp đồng có được miễn trách nhiệm hay không khi bên bị vi phạm chứng minh được mình biết trước quyết định đó? Thêm vào nữa, hiểu thế nào là “không thể biết” để từ đó được miễn trách nhiệm đối với trường hợp này cũng còn quá chung chung. Việc biết sự tồn tại của quyết định của cơ quan nhà nước có buộc phải theo một “kênh chính thống” hay có thể biết bằng nhiều cách khác nhau? Cơ quan quản lý nhà nước có phải thông báo bằng văn bản hay chỉ cần thông báo bằng miệng về quyết định đó thì thương nhân mới “biết”, hay nếu bên bị vi phạm chỉ cần chứng minh các bên biết sự tồn tại của quyết định đó, bất kể “biết” theo kiểu gì, “biết” bằng cách nào cũng đều là chứng cứ để bên vi phạm phải gánh chịu trách nhiệm?



III. KẾT LUẬN

Tóm lại, trong khi chờ đợi hệ thống pháp luật Việt Nam hoàn thiện hơn và tương thích với pháp luật quốc tế, để giảm thiểu rủi ro từ hợp đồng trong thương mại, việc các thương nhân thoả thuận cụ thể về các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng có một ý nghĩa rất quan trọng. Trên cơ sở tham khảo các quy định của pháp luật Việt Nam, hệ thống pháp luật quốc tế và các tập quán thương mại quốc tế, các bên hoàn toàn có thể chủ động thoả thuận trong hợp đồng tất cả các điều khoản, kể cả các trường hợp miễn trách nhiệm trên cơ sở không trái với pháp luật hoặc đạo đức xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

--------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1 Bộ luật dân sự 1995;

2. Bộ luật dân sự 2005;

3. Luật thương mại 1997;

4. Luật thương mại 2005;

5. Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989;

6. Luật thi hành án dân sự 2008;

7. Luật trọng tài thương mại 2010;

8. Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/07/ 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự;

9. Phạm Duy Nghĩa (2004), Chuyên khảo luật kinh tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội;

10.Principles of International Commercial Contracts 2010; http://www.unidroit.org/english/principles/contracts/principles2010/blackletter2010-english.pdf

11. Trần Văn Duy, Suy nghĩ về miễn trách nhiệm do bất khả kháng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hiện nay, http://www1.vinamarine.gov.vn


/MT/Detail.aspx?id=416053a8-5f8f41d18432a10f2fc119d9&CatID=121
&NextTime=13/11/2012%2009:21&PubID=132;





Каталог: PortalFolders -> ImageUploads -> ttkhxhvnv -> 2026
ImageUploads -> Nghị định của Chính phủ số 107/2004/NĐ-cp ngày 01 tháng 4 năm 2004 quy định số lượng Phó Chủ tịch và cơ cấu thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp
ImageUploads -> BỘ XÂy dựng
ImageUploads -> Nghị ĐỊnh của chính phủ SỐ 75/2006/NĐ-cp ngàY 02 tháng 8 NĂM 2006 quy đỊnh chi tiết và HƯỚng dẫn thi hành một số ĐIỀu của luật giáo dụC
ImageUploads -> HỘI ĐỒng nhân dân quận kiến an số: 25 /2006/nq – HĐND­3
2026 -> BẪy thu nhập trung bình và Ứng phó CỦa viỆt nam ts. Nguyễn Trần Minh Trí
2026 -> Du lịch vùng đỒng bằng sông hồNG: SẢn phẩm sinh thái nhân văn là DÒng chủ LƯU
2026 -> THÀnh phố hoa phưỢng đỎ
2026 -> TÁC ĐỘng của tpp vớI ĐỊnh hưỚng phát triển công nghiệp của hải phòng ts. Nguyễn Xuân Quang
2026 -> Vũ Thị Thành Lý Thị Quỳnh Trang

tải về 48.36 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương