Bảng 16. Dự báo nhu cầu lao động trong du lịch ở Quảng Trị thời kỳ đến 2030 4


II. ĐÁNH GIÁ CÁC YẾU TỐ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUẢNG TRỊ



tải về 1.55 Mb.
trang6/13
Chuyển đổi dữ liệu28.11.2017
Kích1.55 Mb.
#34727
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13

II. ĐÁNH GIÁ CÁC YẾU TỐ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUẢNG TRỊ

1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và tài nguyên du lịch


1.1. Điều kiện tự nhiên

Tỉnh Quảng Trị nằm trên tọa độ địa lý từ 16018 đến 17010 vĩ độ Bắc, 1060 28 đến 107023 kinh độ Đông, tiếp giáp với Quảng Bình ở phía Bắc, Thừa Thiên Huế ở phía Nam, phía Tây giáp với CHDCND Lào và phía Đông giáp Biển Đông.

Diện tích tự nhiên toàn tỉnh 4.737,44 km2, chiếm 4,94% diện tích vùng Bắc Trung Bộ và 1,43% diện tích toàn quốc.

- Quảng Trị có lợi thế về địa lý - kinh tế, là đầu mối giao thông, nằm ở trung điểm đất nước, điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của Hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển miền Trung



Về mặt địa hình có thể thấy do cấu tạo của dãy Trường Sơn, địa hình Quảng Trị thấp dần về phía Đông, Đông Nam và chia thành 4 dạng địa hình gồm: Vùng núi cao phân bố ở phía Tây từ đỉnh dãy Trường Sơn; Vùng gò đồi núi thấp chuyển tiếp; Vùng đồng bằng nhỏ hẹp chạy dài hướng Bắc Nam dọc lãnh thổ của tỉnh; Vùng cát nội đồng và ven biển. Do địa hình phía Tây núi cao, phía Đông là biển, lại có chiều ngang hẹp nên các sông suối trên địa bàn tỉnh đều ngắn và dốc. Ngoài khơi cách đất liền 28 hải lý có huyện đảo Cồn Cỏ có vị trí quan trọng về kinh tế và quốc phòng, có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch.

Quảng Trị nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nền nhiệt độ cao, chế độ ánh sáng và mưa, ẩm dồi dào, tổng tích ôn cao... Tuy nhiên, Quảng Trị được coi là vùng có khí hậu khá khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 9 thường gây nên hạn hán. Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kèm theo mưa dễ gây nên lũ lụt. Như vậy có thể thấy Quảng Trị vừa là một trong những địa phương nắng nóng nhất trong cả nước, tuy nhiên thời tiết lại cũng tương đối lạnh vào mùa Đông. Quảng Trị cũng là một trong những địa phương chịu tác động mạnh vào mùa mưa bão. Biến đối khí hậu cũng là nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng thời tiết không thuận có tác động lớn tới phát triển du lịch của Quảng Trị.

Quảng Trị có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, mật độ trung bình 0,8-1km/km2. Do đặc điểm địa hình bề ngang hẹp, có dãy Trường Sơn núi cao ở phía Tây nên các sông của Quảng Trị có đặc điểm chung là ngắn và dốc. Toàn tỉnh có 12 con sông lớn nhỏ, tạo thành 3 hệ thống sông chính là Bến Hải, Thạch Hãn và Ô Lâu (Mỹ Chánh). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hệ thống suối dày đặc, phân bố chủ yếu ở vùng núi cao phía Tây. Các thung lũng suối phần lớn rất hẹp, độ dốc lớn tạo ra nhiều thác cao hàng trăm mét và phân bậc phức tạp. Ngoài các giá trị về cung cấp nguồn nước phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong tỉnh, suối và thác vùng đầu nguồn đã góp phần cùng địa hình đa dạng nơi đây tạo nên những cảnh quan đẹp, có giá trị thu hút khách du lịch.

1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

Cùng với xu thế đổi mới và mở cửa của cả nước, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi lĩnh vực: qui mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể, các lĩnh vực văn hóa xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Nền kinh tế tỉnh đang từng bước phát huy các thế mạnh về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ điện, khai khoáng, trồng cây công nghiệp dài ngày, trồng rừng nguyên liệu, khai thác và nuôi thủy sản, mở rộng giao lưu kinh tế với trong nước và nước ngoài. Tiềm lực kinh tế được củng cố và phát triển, đang tạo những nền tảng cơ bản cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tuy nhiên do tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính nên đà phát triển kinh tế đã chậm lại. Nếu như giai đoạn trước 2010 tốc độ tăng trưởng luôn đạt trung bình trên 10%/năm thì giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng chỉ còn khoảng 7,4%. Năm 2016 - Quảng Trị cùng với 03 tỉnh khác của Miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố môi trường biển, giá trị tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 16.081 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 6,5% so với năm 2015, trong đó khu vực nông lâm thủy sản ước đạt 3.498 tỷ (tăng 2,5%), khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 3.953 tỷ đồng (tăng 9,3%), khu vực dịch vụ ước đạt 7.658 tỷ đồng (tăng 8,0%).

GDP đầu người bình quân của tỉnh Quảng Trị năm 2016 ước đạt 36 triệu đồng, còn thấp hơn mức trung bình của cả nước (48,6 triệu đồng/người/năm - tương đương 2.215 USD). Tuy nhiên khoảng cách này đang có xu hướng ngày càng thu hẹp.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2016 đạt 2.152 tỷ đồng.

Tổng mức vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 đạt khoảng 11.098 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm trước, trong đó vốn nhà nước thực hiện 2.963 tỷ đồng (tăng 24%), vốn ngoài nhà nước thực hiện 8.040 tỷ đồng (tăng 4,6%), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 95 tỷ đồng (giảm 5,5%). Trong năm 2016 Quảng Trị đã cấp phép cho 01 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,25 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 16 dự án FDI còn hiệu lực và 25 chương trình, dự án ODA (tổng mức đầu tư 5.373 tỷ đồng bao gồm 747 tỷ đồng vốn đối ứng). Quảng Trị cũng đang tích cực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào những dự án hạ tầng trọng điểm.

Lực lượng lao động ước tính năm 2016 là 349.982 người. Năm 2016 ước tính số lao động được giải quyết việc làm mới ở Quảng Trị đạt 10.065 người; tuyển sinh 7.714 lao động học nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13,73%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,94%.

Có thể thấy cùng với cả nước kinh tế Quảng Trị đã dần vượt qua giai đoạn khó khăn và ổn định tăng trưởng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động và giảm nghèo cũng đạt những thành tựu quan trọng.



1.3. Tài nguyên du lịch

Quảng Trị là tỉnh có diện tích nhỏ, tuy nhiên mật độ tài nguyên du lịch tương đối cao và hết sức đa dạng. Cùng với vị trí chiến lược, tính chất đa dạng, đặc sắc của tài nguyên du lịch góp phần khẳng định thế mạnh của du lịch Quảng Trị; vai trò, sự ảnh hưởng đối với du lịch vùng và cả nước.

Tài nguyên du lịch Quảng Trị có thể phân thành một số nhóm sau:

- Tài nguyên du lịch lịch sử - cách mạng

- Tài nguyên du lịch biển đảo

- Tiềm năng du lịch thương mại - công vụ - biên mậu

- Tài nguyên du lịch văn hóa - tâm linh

- Tài nguyên du lịch sinh thái - sông suối và cảnh quan



1.3.1. Tài nguyên du lịch lịch sử - cách mạng:

Có thể nói đây là nhóm tài nguyên du lịch nổi trội, độc đáo và đặc trưng nhất của Quảng Trị, được tạo nên bởi hệ thống di tích đồ sộ với 518 di tích lịch sử cách mạng. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất của tài nguyên du lịch Quảng Trị với các địa phương khác trong vùng và với cả nước. Các di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng, cụ thể:

- Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt: Đây là cụm di tích đặc biệt quan trọng, là điểm đến "bắt buộc" khi tới Quảng Trị. Cụm di tích này gồm có: sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, cột cờ Hiền Lương, tượng đài Khát vọng Thống nhất, Bảo tàng vĩ tuyến 17, Đồn Công an Hiền Lương và các di tích, chứng tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

- Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt: là chứng tích của bản hùng ca bi tráng 81 ngày đêm mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Đây cũng là một trong những địa điểm thu hút khách tham quan và đặc biệt là tri ân các anh hùng, liệt sỹ lớn nhất của tỉnh Quảng Trị và cả nước. Nằm gần Thành cổ Quảng Trị là một số địa điểm du lịch quan trọng khác như Tượng đài Mai Quốc Ca, Nhà hành lễ và Bến thả hoa sông Thạch Hãn, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn,...

- Hệ thống di tích Đường Hồ Chí Minh đã được công nhận di tích quốc gia đặc biệt: là một trong những cung đường bom đạn ác liệt và huyền thoại nhất thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các điểm tham quan quan trọng nhất bao gồm: Khe Hó, đường Khe Sanh - Sa Trầm - Tà Long, cầu treo Bến Tắt, các điểm vượt Đường 9...

- Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn: nằm trên đường Hồ Chí Minh, quy tụ 10.333 mộ liệt sỹ; Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9: là nơi quy tụ 10.045 mộ liệt sỹ, nằm ngay bên Quốc lộ 9 - là những địa điểm tri ân đặc biệt quan trọng của Quảng Trị cũng như cả nước.

- Di tích Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh): bao gồm nhiều km đường hầm và các công trình, khu chức năng phục vụ đời sống, sinh hoạt thường nhật của người dân - là một hình ảnh thu nhỏ của làng quê Việt Nam kiến tạo trong lòng đất. Địa đạo Vịnh Mốc khác biệt với tất cả các công trình ngầm khác ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế mạnh nhất của Quảng Trị.

- Đường 9 - Khe Sanh - Làng Vây - Lao Bảo - Sân bay Tà Cơn - đồi Động Tri: là những địa danh nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ. Đây là một trong những điểm tham quan quan trọng nhất trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

- Căn cứ Dốc Miếu và Hàng rào điện tử Mc. Namara: một di tích từng nổi tiếng thời chống Mỹ và là hệ thống phòng ngự chiến lược bao gồm nhiều phương tiện chiến tranh và thiết bị điện tử hiện đại nhất, được mang tên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc. Namara.

- Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam: Thuộc địa phận thôn Tân Hòa, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ cách thành phố Đông Hà 12km về phía Tây, cách Quốc lộ 9 khoảng 200m về phía Bắc. Được xây dựng vào giữa năm 1973, khu vực này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1971.

- Nhà tù Lao Bảo: do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, là một trong những "địa ngục trần gian" cùng với nhà tù Kon Tum và Sơn La.

1.3.2. Tài nguyên du lịch biển đảo

Quảng Trị có chiều dài bờ biển khoảng 75km với nhiều bãi biển đẹp, môi trường trong lành, đa số còn nguyên sơ có khả năng khai thác du lịch cao, nhiều bãi biển đã rất nổi tiếng trong cả nước.

- Bãi biển Cửa Tùng: Đây là bãi biển có quy mô không lớn, tuy nhiên là bãi biển nổi tiếng nhất của Quảng Trị. Cửa Tùng từng được mệnh danh là "Nữ hoàng của các bãi biển". Thời gian qua, sự đầu tư phát triển chưa tương xứng và phù hợp cùng với những biến động của dòng chảy đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng của bãi biển này. Tuy nhiên đây vẫn là một trong những tài nguyên du lịch biển đảo nổi trội quan trọng của Quảng Trị.

- Bãi biển Cửa Việt: Nằm sát với biển Cửa Tùng, kéo dài khoảng 14 km, là bãi biển lớn nhất của Quảng Trị, nằm gần Cảng Cửa Việt. Hạ tầng giao thông của bãi biển này đã được đầu tư tương đối tốt. Với diện tích lớn, chất lượng bãi cát và nước biển cao, khoảng cách chỉ 15km từ Đông Hà, đây sẽ là điểm đón khách du lịch nghỉ dưỡng biển quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây.

- Đảo Cồn Cỏ: có diện tích khoảng 230ha, không chỉ là tài nguyên biển đảo quan trọng của Quảng Trị, đây còn là một địa danh nổi tiếng từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với những chiến tích lịch sử anh hùng. Do hạn chế về quỹ đất, trữ lượng nước ngọt, phương tiện vận chuyển... việc phát triển du lịch đảo Cồn Cỏ cần được cân nhắc với quy mô hợp lý. Đặc biệt đây là một trong những địa điểm tiền tiêu, có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng.

- Các bãi biển ở Hải Lăng: Bãi biển Mỹ Thủy xã Hải An nằm cách quốc lộ 1A khoảng 15km về phía Đông, hàng năm thu hút khá nhiều khách du lịch cả trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên với sự hình thành và phát triển của Khu kinh tế Đông Nam, định hướng khai thác các bãi biển ở Hải Lăng sẽ có những điều chỉnh. Khu vực bãi biển dự kiến sẽ phát triển là bãi biển xã Hải Khê nằm cách bãi biển Mỹ Thủy khoảng 7 - 8km về phía Nam. Đây là một bãi biển nhiều tiềm năng tuy điều kiện khai thác hiện nay chưa được thuận lợi bằng các khu vực khác. Định hướng phát triển của khu vực này trước mắt là phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

- Bãi biển Triệu Lăng: cũng tương tự như bãi biển Hải Khê. Bãi biển Triệu Lăng mặc dù có tài nguyên du lịch biển rất có giá trị, tuy nhiên khai thác còn hạn chế, phục vụ khách du lịch từ Khu kinh tế Đông Nam. Trong tương lai việc đầu tư phát triển bãi biển Triệu Lăng sẽ phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của thị trường.

- Bãi biển Vĩnh Thái, Vĩnh Kim: là những bãi biển đẹp, có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là dòng khách đi đường bộ trên Quốc lộ 1A. Việc phát triển bãi biển Vĩnh Thái và Vĩnh Kim sẽ nằm trong tương quan chung trong việc phát triển các khu du lịch biển đảo của Quảng Trị và Quảng Bình.

Đặc biệt là cụm Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ là ba điểm hình thành nên tam giác du lịch biển đảo với các thế mạnh bổ sung cho nhau và có thể được xem xét phát triển thành một khu du lịch quốc gia tiềm năng.

1.3.3. Tiềm năng du lịch thương mại, công vụ và du lịch đường biên

Nằm ở vị trí chiến lược, là giao điểm của các tuyến giao thông huyết mạch của Việt Nam và khu vực như Quốc lộ 1A và Đường Hồ Chí Minh, Đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 9 - Hành lang kinh tế Đông - Tây, Quảng Trị là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch thương mại - công vụ và đặc biệt là du lịch biên mậu. Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là một trong những cửa khẩu đầu tiên và nổi tiếng nhất giữa hai nước Việt Nam - Lào. Đây cũng là cửa khẩu quan trọng nhất trong tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar và Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra, cửa khẩu La Lay vừa mới được công nhận cửa khẩu Quốc tế cùng với sự hình thành và phát triển của khu kinh tế Đông Nam, cảng Mỹ Thủy (trong tương lai sẽ xây dựng trục giao thông phía Nam kết nối trực tiếp cửa khẩu La Lay với Mỹ Thủy nhằm đánh thức sự phát triển của toàn bộ khu vực phía Nam tỉnh Quảng Trị). Đặc biệt sau sự hình thành của Cộng đồng ASEAN năm 2015, tiềm năng phát triển du lịch thương mại - công vụ của Quảng Trị sẽ còn trở nên to lớn hơn.



1.3.4. Tài nguyên du lịch văn hóa - tâm linh

Không chỉ phong phú với các tài nguyên du lịch lịch sử - cách mạng, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa - lịch sử của Quảng Trị cũng hết sức hấp dẫn.

Đó là hệ thống các công trình - di tích tôn giáo, mà nổi bật nhất là Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang và nhà thờ La Vang. Đây là hai công trình quan trọng đối với hai tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, Quảng Trị còn có nhiều công trình văn hóa tiêu biểu như hệ thống các giếng Chăm cổ, Đình Hà Thượng (xây dựng năm 1690), Làng cổ Hội Kỳ...

Di tích thành Tân Sở (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ): là di tích thành lũy quân sự cuối cùng của nhà Nguyễn, gắn với phong trào Cần Vương đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia cũng là một điểm tham quan du lịch hết sức có giá trị.

Cụm di tích Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát và các di tích sử - văn hoá thời Chúa tiên Nguyễn Hoàng (tại huyện Triệu Phong) là những tài nguyên du lịch văn hóa - lịch sử có giá trị của tỉnh Quảng Trị và có tiềm năng lớn trong việc xây dựng khu du lịch văn hoá lịch sử Chúa tiên Nguyễn Hoàng.

Không chỉ là tài nguyên du lịch lịch sử cách mạng, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 cũng có là những điểm du lịch văn hóa - tâm linh hết sức quan trọng.

Các tài nguyên du lịch gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ít người cũng là một điểm nhấn của du lịch Quảng Trị, trong đó nổi trội hơn cả là Vân Kiều và Pacô. Những địa điểm có thể đầu tư phát triển du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc thuận lợi là làng Klu, Tà Rụt và Bản Cát. Đặc biệt làng Klu đã được đầu tư tương đối tốt để phát triển du lịch cộng đồng.

Quảng Trị cũng có nhiều lễ hội trong đó gồm có các lễ hội gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như: Lễ hội Thống nhất non sông, Hoa đăng trên sông Thạch Hãn, Huyền thoại Trường Sơn; lễ hội quốc tế như Lễ hội Nhịp cầu Xuyên Á; các lễ hội tôn giáo như: Lễ hội Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, Lễ kiệu La Vang; và các lễ hội văn hóa truyền thống như: Lễ hội đua thuyền truyền thống, Lễ hội Chợ đình Bích La, Hội cướp cù Gio Linh, Lễ hội Arieuping.

Ẩm thực Quảng Trị cũng có nhiều nét đặc sắc, có khả năng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của tỉnh như: bánh ít lá gai, bánh tu huýt, cơm hến, cá rô đồng, bánh tráng thịt heo, bánh bột lọc, thịt trâu lá trơng, cháo bánh canh, bánh ướt Phương Lang,...

1.3.5. Tài nguyên du lịch sinh thái - sông suối và cảnh quan

Không chỉ có biển đảo, Quảng Trị còn có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng và hấp dẫn.

Quảng Trị có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, mật độ trung bình 0,8 - 1 km/km2. Do đặc điểm địa hình bề ngang hẹp, có dãy Trường Sơn núi cao ở phía Tây nên các sông của Quảng Trị có đặc điểm chung là ngắn và dốc. Toàn tỉnh có 12 con sông lớn nhỏ, tạo thành 03 hệ thống sông chính là sông Bến Hải, sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu (Mỹ Chánh). Cảnh quan các sông đều rất hấp dẫn cả khu vực hạ lưu và thượng nguồn. Quảng Trị cũng có một số sông chảy về phía Tây thuộc hệ thống sông Mekong như các sông Sê - Pôn, Sê - Bang - Hiêng... Ở khu vực miền núi phía Tây có nhiều dòng suối có giá trị cảnh quan cao.

Hệ thống hồ, đặc biệt là các hồ thủy lợi, thủy điện cũng có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt vào những tháng mùa hè nắng nóng. Hệ thống các hồ thủy lợi, thủy điện này bao gồm các hồ: Rào Quán, La Ngà, Trúc Kinh, Bảo Đài...

Quảng Trị có nhiều khu vực có thể phát triển du lịch sinh thái. Những khu vực này có thể được chia thành 2 dạng với hình thức phát triển khác nhau, phục vụ các thị trường khác nhau. Loại thứ nhất là các khu rừng nằm ở đồng bằng như: Rú Lịnh, Trằm Trà Lộc. Các khu rừng này có đặc điểm là diện tích nhỏ nhưng có thảm thực vật đa dạng và nằm tương đối gần Đông Hà và thị xã Quảng Trị thuận lợi cho các chuyến dã ngoại sinh thái cuối tuần, phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh. Loại thứ hai là các khu bảo tồn tự nhiên nằm ở khu vực miền núi phía Tây của tỉnh như Đakrông và Bắc Hướng Hóa. Với tính đa dạng sinh học cao, các khu vực này phù hợp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái chuyên sâu. Các hoạt động này cũng có thể được kết hợp với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc ít người.

Nằm trên địa hình đa dạng, nhiều núi, đồi và sông ngòi, Quảng Trị có nhiều khu vực có cảnh quan đẹp, có thể trở thành các tuyến du lịch ngoại cảnh hấp dẫn như dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, khu vực Đakrông, Khe Gió, Hồ Rào quán, Hồ Ái Tử...

Suối khoáng nóng Klu - Đakrông cũng là một điểm tài nguyên du lịch có giá trị, góp phần đa dạng hóa tài nguyên du lịch và sản phẩm du lịch của Quảng Trị.

2. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch 


2.1. Hệ thống giao thông

Có thể nói trong những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Bắc Trung Bộ nói chung và Quảng Trị nói riêng đã được quan tâm đầu tư. Giao thông đường bộ đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ chính.

Mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Quảng trị hiện tại bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường biển. Khoảng cách từ Đông Hà tới sân bay quốc tế Phú Bài hay sân bay Đồng Hới cũng không xa cũng là một điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 7.135,08km đường bộ, bao gồm 6 tuyến quốc lộ, 21 tuyến đường tỉnh, mạng lưới giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã, đường thôn xóm), mạng lưới giao thông đô thị, đường chuyên dùng. Cụ thể:

Quốc lộ dài 417,90 km chiếm 5,86 %

Đường tỉnh dài 320,06 km chiếm 4,49 %

Đường đô thị dài 471,78 km chiếm 6,61 %

Đường chuyên dùng dài 25,03 km chiếm 0,35 %

Đường huyện dài 1.124,45 km chiếm 15,76 %

Đường xã, phường dài 1.014,87 km chiếm 14,22 %

Đường thôn, xóm, khu phố dài 3.761,00 km chiếm 52,71 %

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 6 đoạn Quốc lộ đi qua là Quốc lộ 1A dài 87,42km (gồm đoạn tránh Hiền Lương dài 11,92Km); Quốc lộ 9 dài 118,2 km; đường Hồ Chí Minh nhánh Đông dài 44km; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 139km; Quốc lộ 49C dài 23,91km (trong đó đoạn qua địa bàn Quảng Trị dài 23,276 km) và Quốc lộ15D dài 12,2km. Tổng chiều dài các tuyến Quốc lộ là 417,90km, kết cấu mặt đường gồm: 61 km đường bê tông xi măng, 351,9 km đường bê tông nhựa; 11,2km đường láng nhựa. Trong các tuyến quốc lộ thì tuyến đường 1A, đường Hồ Chí Minh (nhánh Đông) và Đường 9 là quan trọng nhất đối với phát triển du lịch. Hiện tuyến đường 1A đã hoàn thành nâng cấp mở rộng, thông xe từ 20/10/2015. Quốc lộ 9 đã được nâng cấp.

Trong tương lai sẽ phát triển trục giao thông phía Nam kết nối trực tiếp cửa khẩu La Lay với cảng Mỹ Thủy. Đây sẽ là trục giao thông quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Quảng Trị.

Mạng đường tỉnh do tỉnh Quảng Trị quản lý gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 320,06 km. Về chất lượng, tổng chiều dài các tuyến có chất lượng tốt chiếm 44,33%, các tuyến có chất lượng trung bình chiếm 47,96% và chỉ có 7,7% có chất lượng xấu. Nhìn chung các tuyến tiếp cận các điểm du lịch quan trọng đều có chất lượng tốt.

Quảng Trị hiện có 471,78km đường đô thị, nội thị, trong đó phần lớn đã được trải nhựa, bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng, chỉ còn 32,55% đường cấp phối và 13,88% đường đất.

Tổng chiều dài các tuyến đường huyện của Quảng Trị là 1.124,45km, trong đó còn 31,37% đường cấp phối và 16,42% đường đất.

Đến nay, Quảng Trị có 2 cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay trên các tuyến Quốc lộ 9 và Quốc lộ 15D.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 16 bến xe gồm: 2 bến xe liên tỉnh (tại Đông Hà và Lao Bảo), 6 bến xe nội tỉnh, 7 điểm dừng đỗ xe và 1 điểm dừng xe Bắc Nam (tại thị xã Quảng Trị).

Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn đi qua Quảng Trị dài 76km, có 7 ga tàu hỏa. Các ga đón, trả nhiều khách nhất là ga Đông Hà, Quảng Trị và Sa Lung.

Tuyến đường sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có chiều dài trên 400 km. Hiện tại 288 km đang khai thác, hoạt động trên 4 sông chính: sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Bến Hải và sông Ô Lâu. Trong tổng chiều dài đường sông đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 125,4 km được đưa vào quản lý; trong đó: 73 km Trung ương uỷ thác tỉnh quản lý, 52,4 km tỉnh quản lý. Tuy nhiên cho đến nay Quảng Trị mới có 1 cảng đường sông (trên sông Hiếu) tại thành phố Đông Hà.

Hiện Quảng Trị mới chỉ có 2 cảng biển tại Cửa Việt và Cồn Cỏ, tuy nhiên quy mô còn nhỏ, công suất sử dụng thấp.

Theo định hướng Quy hoạch Giao thông Vận tải, Quảng Trị sẽ có những dự án cảng giao thông quan trọng sau:

- Cảng hàng không Quảng Trị tại Quán Ngang, huyện Gio Linh có diện tích 290,8ha.

- Cảng Cửa Việt (bờ Bắc) và mở rộng Cảng Cửa Việt (bờ Nam)

- Cảng Mỹ Thủy (có bến cảng hành khách)

Các dự án cảng biển và cảng hàng không này có vai trò cực kỳ quan trọng đối với phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị trong vai trò đầu mối tiếp nhận luồng khách nội địa trực tiếp từ các thị trường nguồn lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ cũng như tiếp nhận khách du lịch tàu biển là thị trường khách đang có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.



2.2. Hệ thống cung cấp điện; cấp, thoát nước

Đến nay đã có 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có điện lưới quốc gia; mạng lưới điện nông thôn đang được nâng cấp, cải tạo và phát triển về các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới, khu dân cư mới, tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn tỉnh đạt gần 98%. Tỉnh đã cơ bản thực hiện hoàn thành việc bàn giao lưới điện trung áp nông thôn cho ngành điện quản lý, công tác bàn giao lưới điện hạ áp và bán điện đến hộ gia đình nông thôn đang được ngành điện tích cực triển khai thực hiện.

Nguồn điện cung cấp cho tỉnh Quảng Trị chủ yếu bằng nguồn điện lưới Quốc gia, thông qua hệ thống lưới điện truyền tải 110KV chạy qua địa bàn tỉnh dài 70km và các trạm biến áp nguồn 110KV/110-22KV tại Đông Hà, 7 trạm biến áp 100KV/35-22KV (tại Đông Hà, Vĩnh Linh, Khe Sanh, Lao Bảo, Diên Sanh, Quán Ngang, Tà Rụt). Ngoài ra tỉnh Quảng Trị có Nhà máy thủy điện Quảng Trị và 4 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất 99,4MW.

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 10 nhà máy nước cấp nước sạch cho 10/11 đô thị của tỉnh với tổng công suất 50.500m3/ngày đêm. Gần 90% dân cưu thành thị được sử dụng nước sạch, tỷ lệ cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh cũng đạt gần 90%.

Hệ thống thoát nước mưa, nước thải tại các đô thị xây dựng chưa đồng bộ và còn chắp vá, gây úng ngập cục bộ trong mùa mưa; hiện tại chỉ có thành phố Đông Hà được hỗ trợ bởi dự án Cải thiện môi truờng thành phố Đông Hà (dự án ODA do ADB tài trợ) có quy mô khá lớn góp phần cải thiện một phần về hệ thống thoát nước mưa, nước thải. Các đô thị khác chủ yếu xây dựng cục bộ hệ thống thoát nước theo một số tuyến đường trọng yếu. Thu gom chất thải rắn chủ yếu được thực hiện tại các thành phố, thị xã, ở các thị trấn thực hiện chưa thường xuyên.

2.3. Hệ thống bưu chính viễn thông

Toàn tỉnh hiện có 163 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, 570.000 thuê bao điện thoại, đạt mật độ 91 thuê bao/100 dân; thuê bao internet tốc độ cao đạt 36.200, mật độ 5,8 thuê bao/100 dân. Toàn tỉnh có 1.176 trạm thu phát sóng điện thoại di động (BTS). Độ phủ sóng di động nhìn chung tốt, ngoại trừ một số khu vực vùng sâu vùng xa miền núi phía Tây.



2.4. Hệ thống các công trình thể thao, văn hóa...

Nhìn chung, hệ thống các công trình thể thao, văn hóa của Quảng Trị được quan tâm đầu tư. Ngoài chủ yếu tổ chức các hoạt động phục vụ đời sống văn hóa và thể dục thể thao trong tỉnh, còn có điều kiện để đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn của vùng và quốc tế. Cho đến nay ngoài các cơ sở quy mô nhỏ ở các huyện, thị xã, thành phố, toàn tỉnh có một số trung tâm có quy mô tương đối lớn như: Trung tâm văn hóa tỉnh; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao; Bảo tàng Quảng Trị và hệ thống các bảo tàng tại các điểm tham quan, di tích; Thư viện tỉnh; sân vận động và nhà thi đấu thể thao tỉnh; Trung tâm văn hóa thông tin, thể dục thể thao Đông Hà; Rạp chiếu phim Đông Hà.



3. Các yếu tố nguồn lực khác (vốn, nhân lực...)

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ở Quảng Trị năm 2016 thực hiện ước khoảng 10.098 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2015. Trong năm qua, nguồn vốn đầu tư do ngân sách thực hiện có mức tăng trưởng 24% đạt 2.963 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước tăng trưởng khá, đạt 8.040 tỷ đồng; còn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì giảm 5,5% so với năm 2015. Hoạt động tín dụng cũng đã có những dấu hiệu tăng trưởng.

Năm 2016, toàn tỉnh có 249 doanh nghiệp được thành lập mới nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 3.080 với tổng vốn đăng ký trên 17.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 344 Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và 7.150 tổ hợp tác trong các lĩnh vực tín dụng, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi,... Trong năm 2016 cũng có 40 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể và 64 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, tín dụng mặc dù đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Dân số trung bình toàn tỉnh hiện nay là khoảng 620.000 người, chiếm 0,68% dân số toàn quốc và 3,17% dân số vùng Bắc Trung Bộ, bao gồm dân tộc: Kinh, Vân Kiều, Pacô, Tà Ôi. Mật độ dân số 129 người/km2 (dân số đô thị chiếm 29,21%, nông thôn chiếm 70,79%). Tỷ lệ số dân trong độ tuổi dưới 60 chiếm khoảng 90% cho thấy Quảng Trị là một tỉnh có cơ cấu dân số tương đối "trẻ", lực lượng lao động chiếm tỷ trọng tương đối lớn, nguồn dự trữ lao động dồi dào.

Năm 2016, tỉnh Quảng Trị có 265/498 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 53,2%. Toàn tỉnh có 4.604 lớp học và 8.412 giáo viên cùng 127.347 học sinh. Hiện tại toàn tỉnh 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và 100% đạt tiêu chuẩn phổ cập tiểu học.

Năm 2016, toàn tỉnh Quảng Trị có 1735 giường bệnh tại 12 bệnh viện, 7 phòng khám khu vực, và 141 trạm y tế xã, phường. 100% các xã phường có trạm y tế. Toàn tỉnh hiện có 2.942 cán bộ ngành y và 437 cán bộ ngành dược. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 82,94%.

4. Đánh giá chung

Đánh giá, phân tích tổng hợp các yếu tố tài nguyên, tiềm năng, các điều kiện và nguồn lực phát triển du lịch Quảng Trị có thể thấy:

- Quảng Trị là địa phương có diện tích trung bình, dân số tương đối thấp nhưng có hệ thống tài nguyên du lịch đa dạng, đặc sắc và độc đáo, nhất là hệ thống di tích lịch sử cách mạng.

- Quảng Trị có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là một trong những khu vực chiến lược đối với phát triển kinh tế xã hội của vùng, cả nước cũng như khu vực, là nơi giao cắt của các tuyến giao thông quan trọng: Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, Đường sắt Thống Nhất, Hành lang kinh tế Đông - Tây nối các nước Lào, Thái Lan, Myanmar qua Quốc lộ 9 - cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo; là điểm nối giữa Con đường di sản Miền Trung, Con đường huyền thoại và cửa ngõ tuyến du lịch Hành lang kinh tế Đông -Tây.

- Kinh tế Quảng Trị thời gian qua duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, cao hơn mức trung bình của cả nước; văn hóa - xã hội đạt được tiến bộ trên nhiều mặt; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông tương đối đồng bộ, bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển.



tải về 1.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   13




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương