Bán nguyệt san – Số 296 – Chúa nhật 12. 03. 2017


TIỀN KHÔNG THỂ CỨU ĐỘ ĐƯỢC CON NGƯỜI



tải về 1.04 Mb.
trang4/8
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích1.04 Mb.
#37068
1   2   3   4   5   6   7   8

 TIỀN KHÔNG THỂ CỨU ĐỘ ĐƯỢC CON NGƯỜI


 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VIII - A

(Mt 6, 24-34)

Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt 6,25) là lời khẳng định của Chúa Giêsu sau khi Người tuyên bố : “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia” (Mt 6,25) khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến một thứ rất quen thuộc và được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống đó là “tiền”. Chẳng ai muốn nói tới tiền, vì đó là một chủ đề cấm kỵ. Tiền vừa là thứ được yêu thích, và cũng là thứ gây mặc cảm.

Tiền chỉ là một mảnh giấy, một vật làm bằng kim loại vô tri vô giác, nhưng nó đã đuợc chọn làm tương giao đổi chác, chi phối chúng ta quá nhiều. Tiền giữ một vị trí quan trọng, khiến nhiều bậc thang có giá trị bị đảo lộn, nhiều người có cùng quan điểm “có tiền là có tất cả”. Tiền 

Là tiên là phật

Là sức bật của tuổi trẻ

Là sức khỏe của tuổi già

Là cái đà của danh vọng

Là cái lọng che thân

Là cái cân công lý

Hoặc: Đồng bạc xé toạc công lý !



Tiền là anh bạn xấu

Ở đời, người ta vẫn nói với nhau rằng, mỗi người thương có ba bạn. Người bạn thứ nhất và thứ hai thì rất thân, còn người bạn thứ ba thì không thân lắm.

Người bạn thân thứ nhất trong đời ta là tiền bạc. Đồng tiền gắn liền khúc ruột, thân hơn cả vợ con, đi đâu vợ con thì không, nhưng tiền là mang theo. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta đến người khác ngay lập tức không có au revoir, good-bye gì hết.

Người bạn thân thứ hai trong đời ta là cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè. Khi ta chết, họ khóc lóc, nhưng cũng chỉ đưa ta đến cửa huyệt rồi về. Có ông chồng trước khi chết hỏi vợ:



  • Tôi chết, bà làm gì cho tôi?

  • Tôi sẽ chôn ông trong chiếc hòm thật đắt tiền.

  • Tôi biết gì đâu ?

  • Tôi sẽ khóc thương ông thảm thiết, nước mắt thấm vào xác ông.

  • Tôi biết gì đâu?

  • Cái chết đáng sợ thế à ?

  • Nó chỉ đáng sợ với người không biết nó, không nghĩ tới nó và không chuẩn bị cho nó!

Người bạn thứ ba, mà trong đời sống ta thường ít ưa thích, là việc lành, đạo đức. Các việc đạo đức này sẽ theo ta đến tòa Chúa phán xét, biện hộ cho ta và làm cho ta được Chúa thưởng vào Thiên đàng.

Đành rằng, tiền bạc luôn là nhu cầu tối cần thiết của con người, là công cụ đắc lực, phục vụ con người cả vật chất lẫn tinh thần. Người có đạo cũng thường nói: “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng nhân cách, phẩm giá và đạo đức con người bị đặt xuống dưới đồng tiền là điều không thể chấp nhận được.

Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra tội lỗi, nhưng thánh Phaolô nhấn mạnh rằng : “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10). Tiền là chỗ dựa không vững chắc, là thước đo lường sai và với sự hấp dẫn của nó, con người có nguy cơ bị tiền chế ngự. Thần Tiền tạo ra ảo giác rằng khi có tiền, tôi có thể có được mọi thứ, mọi ước muốn sẽ được thoả mãn, và qua đó, tiền làm cho chúng ta thành nô lệ. Câu chuyện minh họa ba người bạn trên chứng tỏ tiền là anh bạn phản bội xấu xa.

Chọn Chúa và tin vào Chúa

Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phục thực sự. Ngài muốn chúng ta đi vào Giao Ước, chứ không phải là Bò vàng, Mammon, một giá trị biểu trưng sự an toàn tuyệt đối. Nếu không muốn trở thành nô lệ, cách thức duy nhất là chọn làm tôi Chúa và phục vụ Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát được chúng ta. 

Trong Mười Điều Răn, không có điều răn nào nói về tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lỗi phạm điều thứ nhất, nếu chúng ta hành động vì tiền. Đó là tội thờ ngẫu tượng. Vì tiền trở nên thần tượng để chúng ta tôn thờ. Ma quỷ luôn cám dỗ người ta về: sự giàu có, thỏa mãn; tự phụ, cảm thấy mình quan trọng ; và kiêu ngạo. Và cuối cùng, tiền tạo ra sự tôn thờ ngẫu tượng.

Chúa Giêsu dạy: “Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng : Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì lấy gì  mà mạc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều ấy” (Mt 6, 31-32). Và Người mời gọi chúng ta hãy đặt lên hàng đầu việc “tìm kiếm nước của Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban them cho” (Mt 6, 33). Tin vào Chúa quan phòng không thế chỗ cho những nỗ lực chiến đấu để hướng đến một cuộc sống đúng với phẩm giá con người, nhưng giải phóng chúng ta khỏi những nỗi bận tâm về của cải và những nỗi sợ hãi trong tương lai. Sau cùng phải khẳng định :



Tiền có thể cứu độ được con người không ?

Giảng trong thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng 9 năm 2013, Đức Phanxicô nhắc lại rằng : “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” bởi vì “một khi người ta dành tình yêu cho tiền và hướng về, thì tiền lôi kéo người ta xa rời Thiên Chúa”. Ngài kết luận : “Không ai có thể được cứu độ bằng tiền”. Vậy, phải chọn lựa, chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Chúng ta không thể. Hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền của. 

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới mà đồng tiền thống trị và điều khiển mọi sự. Con người bị chi phối và nghiêng chiều về nó, sẵn lòng phàm hóa mọi sự, bỏ Chúa ra khỏi đời sống, chẳng tin tưởng vào Thiên Chúa nữa. Lời Chúa mời gọi chúng ta chọn Chúa, thờ phượng Chúa, và vững tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa tình yêu. Vì Thiên Chúa phán : “Cho dù người mẹ có quên, nhưng Ta sẽ không quên người đâu” (Is 49, 14- 15). Ðó là lời mời gọi tin tưởng vào tình yêu không bao giờ phôi phai của Thiên Chúa. Tiền chẳng bỏ rơi chúng ta và chẳng bao giờ cứu độ được chúng ta, nhưng Thiên Chúa thì luôn trung thành và Ngài sẽ cứu độ chúng ta.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con khỏi rơi vào cái bẫy của thần tượng bạc tiền và chọn Chúa, vì chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con. Amen.


 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ



VỀ MỤC LỤC

GIUSE NGƯỜI CÔNG CHÍNH THẦM LẶNG

 


Trần Mỹ Duyệt

 

“Giuse là người công chính” (Mt. 1:19). Nhưng sự công chính của ông nằm trong giá trị của hai chữ “âm thầm”. Một sự công chính không lộ liễu, không khoa trương, và cũng không muốn cho ai biết đến. Và đây cũng là điều khiến cho chúng ta phải suy nghĩ khi chiêm ngưỡng gương sống và cuộc đời của người công chính thành Nazareth này.



Ai cũng biết, Giuse là miêu duệ của Đavít, vị vua Do Thái lẫy lừng được ca tụng và nói đến trong Thánh Kinh. Nhưng đến Giuse thì hào quang sáng ngời của dòng họ Đavít chỉ còn là “quá khứ”. Giuse nghèo và phải sinh kế bằng nghề thợ mộc. Một đời sống nghèo đến độ sau này khi Chúa Giêsu ra rao giảng Tin Mừng, ảnh hưởng cái nghèo ấy vẫn còn vận vào Ngài, và người ta không khó khăn lắm khi nhận ra xuất xứ của Ngài. Họ gọi Ngài là con ông thợ mộc.

Ba vị thuộc Gia Đình Nazareth là Giêsu, Maria và Giuse thì Giuse có lẽ là người ít nói nhất, thầm lặng nhất. Ít lời và âm thầm còn hơn cả Đức Maria, người vốn đã được xưng tụng là “người mẹ tiềm tàng khuất tịch”.

Thật vậy, tuy được tiếng là người khuất tịch, tiềm tàng, nhưng Mẹ Maria còn được Thánh Kinh nhắc đến và còn được ghi lại những lời của Mẹ, ít là trong biến cố Truyền Tin khi trao đổi với sứ thần Gabriel, trong dịp trẻ Giêsu bị lạc mất trong đền thờ, cũng như trong tiệc cưới Cana khi Mẹ lên tiếng xin Chúa Giêsu can thiệp vì rượu gia chủ đã cạn, và bảo gia nhân làm theo những gì Chúa muốn. Nhưng Giuse thì hoàn toàn không lên tiếng gì. Điều này có phải là do cá tính của Ngài không? Ngài có phải là con người hướng nội không? Có thể là như vậy, vì hầu như trong Thánh Kinh không ghi lại bất cứ một lời nói nào của Ngài, nhưng lại cho biết Ngài luôn luôn đón nhận ý muốn của Thiên Chúa qua những giấc chiêm bao, một dấu hiệu cho thấy sinh hoạt nội tâm của Ngài.

Quyết định bỏ Maria trong âm thầm, và đón nhận Maria cũng trong thinh lặng. Đưa Maria đang mang thai về lại quê quán, tiếp nhận Hài Nhi Giêsu trong biến cố giáng trần, dâng Giêsu vào Đền Thánh, đón tiếp ba vị đạo sỹ, đưa Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai Cập và trở về lại Nazareth cũng trong âm thầm, lặng lẽ. Cho đến những năm sau cùng trước khi Giêsu trưởng thành vào đời công khai rao giảng Tin Mừng, Giuse vẫn là một người im lặng. Ngài chết cũng trong âm thầm, cho đến nay chẳng ai biết Ngài qua đời lúc nào, bao nhiêu tuổi, chết như thế nào và được mai táng ở đâu. Thế mà Thánh Kinh lại gọi Ngài là “công chính”.

Ngài đã làm gì để được danh hiệu “công chính?” Và công chính là gì? Tước hiệu này có thực sự xứng với Ngài không?

-Công chính: Công bằng và ngay thẳng. (Từ Điển Tiếng Việt, nhà xuất bản Hồng Đức).      

-Justice: 1 The quality of being righteous, rectitude. 2 Impartiality; fairness. 3 The quality of being right and correct. 4. Sound reason; rightfulness; validity. (Webster’s New World College Dictionary, fourth edition).

-Công lý (Justice): Một nhân đức luân lý - là quyết tâm trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả lại cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân (GLHTCG 1807; x. Tóm lược HĐGH CLHB số 201-203) (Từ Điển Công Giáo. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin Tiểu Ban Từ Vựng).

Nếu đem ứng dụng những định nghĩa thông thường trên cho Giuse rồi thêm vào hai chữ “thầm lặng” thì việc Ngài giữ được tất cả những cái đó trong khiêm tốn, âm thầm quả thật Ngài chính là “Thánh Cả”. Là người xứng với danh hiệu công chính mà Thánh Kinh đã ban cho Ngài. Hơn thế nữa là một người công chính thầm lặng. Dù nói ra hay không nói, trong âm thầm Giuse đã “trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”. Những thứ đó bao gồm vinh quang, danh dự và uy quyền của một người chồng, người cha, và gia trưởng của Gia Đình Nazareth. Trong thâm tâm với ý thức trách nhiệm, hẳn Ngài biết rõ mình là ai, và Ngài đang nắm giữ những nhiệm vụ nào trong dự án cứu độ của Thiên Chúa. Thế nhưng qua hành động, Ngài đã đặt tất cả những thứ ấy trong quan phòng, và vâng theo ý Chúa. Chúa bảo Ngài: “Giuse, Con Vua Đavít đừng ngần ngại nhận Maria về làm vợ” (Mt 1:20). Và Ngài đã làm như vậy, mặc dù lý do mà Ngài muốn từ chối ngay phút đầu quyền ấy là vì “Maria mang thai theo Chúa Thánh Thần” (Mt 1:20) mà Ngài không hề biết. Rồi cũng đã âm thầm về Belem với người vợ có thai của mình, và ở đây Chúa Cứu Thế đã giáng sinh làm người (x. Lc 2:1-7). Và lại đem Hài Nhi và mẹ Ngài sang Ai Cập, và từ Ai Cập về lại Nazareth (x Mt 2:13-23).

Một người không thực thi ý Chúa và tìm ý Ngài thì ta thử hỏi Giuse đã làm gì khi Ba Vua đến triều bái Chúa Hài Đồng? Thánh Kinh ghi lại cảnh ba nhà đão sỹ đến Belem, người đầu tiên mà họ thấy là Hài Nhi và mẹ (x Mt 2:9-11). Câu hỏi ở đây, vậy Giuse ở đâu, làm gì qua biến cố này…. Phải là người khiêm tốn lắm, tìm vinh danh Chúa lắm.

Ở đây chúng ta mới thấy cái im lặng của Giuse là sự im lặng của một tâm hồn cao cả và thánh thiện, một hình thức “im lặng là vàng” đúng nghĩa. Giuse im lặng không vì tự ái, muốn cho ai đó khen mình. Ngài im lặng cũng không vì miễn cưỡng vì không được dịp nói lên tiếng nói của mình. Một im lặng đầy tích cực với tâm hồn thanh thản và hoàn toàn phó thác. Ngài đã “trả lại cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân” sau khi đã “trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”. Hơn ai hết, Giuse biết rất rõ Giêsu là Con Thiên Chúa chứ không phải là “con” của mình. Đức Maria là “vợ đồng trinh” của mình, nhưng người vợ ấy đang mang một trọng trách được Thiên Chúa trao phó là trở nên mẹ Đấng Cứu Thế. Vì vậy những hào quang của vai trò làm chồng, làm cha của Ngài thuộc về Giêsu, thuộc về Maria chứ không phải của Ngài và thuộc về Ngài. Không phải là một người cha hờ, một người chồng hờ, nhưng cái giá trị đúng nhất của những vai trò ấy là làm theo ý của Thiên Chúa. Sống như vậy là sống công bằng và ngay thẳng với mình và với người khác.

Tinh thần của Giuse, do đó, là một thách đố cho những ai tự cho mình xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được ca tụng.  Nó nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng là một đòi hỏi rất lớn lao đối với cái tôi và tự ái cá nhân. Bỏ được cái tôi to lớn của mỗi người, quên mình để sẵn sàng đề cao giá trị của người khác là một hành động không hề dễ dàng. Càng khó khăn hơn khi mình có tất cả những lý do để được lãnh lấy những vinh dự ấy mà vẫn âm thầm, khiêm tốn. 

Tâm lý thường tình, người không có địa vị, không có kiến thức, không có khả năng mà còn muốn nhoi mình lên, cố làm mọi cách để chiếm cho mình một chỗ đứng trong xã hội, một danh xưng hão huyền, và một hào quang vay mượn. Như vậy, người có thực quyền, hiểu biết đầy đủ, và có khả năng được xưng tụng và tôn vinh, nay âm thầm, khiêm tốn sống trong sự đơn sơ, nghèo nàn, và ẩn khuất giữa mọi người, người ấy phải là đấng thánh, cao cả, và rất đáng kính. Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố, người ta đánh giá trị nhau dựa theo hình dáng, cung cách và địa vị bên ngoài, nhưng Thiên Chúa thì nhìn thấy tận thâm tâm, và Ngài thấu rõ lòng dạ mỗi người.

Ca tụng những nhân đức anh hùng và đời sống chứng nhân của Thánh Giuse, thực ra chẳng thêm bớt gì cho Ngài, vì giờ đây Ngài đang ngự trong vinh hiển Thiên Chúa ban cho Ngài. Khi sống trên cõi đời này, mọi việc Ngài làm cũng chỉ là tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, vậy nay có ai đó bắt chước gương sống của Ngài để Chúa được tôn vinh, chắc chắn Ngài sẽ rất vui mừng.

Lạy Thánh Cả Giuse, xin cầu cho chúng con đang phải chiến đấu trong cuộc đời này để tìm vinh danh Chúa và để sống một đời sống thánh thiện như Chúa muốn. Xin nâng đỡ và phù giúp chúng con biết theo gương Ngài, âm thầm nhưng quảng đại và sốt sắng hoàn tất những gì Chúa muốn, Chúa trao vào tay chúng con, như xưa Ngài đã hoàn tất mỹ mãn việc nâng đỡ, bao bọc, và nuôi dưỡng Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Ngài.

VỀ MỤC LỤC

BÍ TÍCH THÀNH SỰ VÌ YẾU TỐ NÀO?

Xin cha giải đáp  các thắc mắc sau đây:



  1. Linh mục bất xứng làm lễ có thành hay không ?

  2. Có cần cầu nguyện cho các thai nhi, và các linh hồn mồ côi  không ?

  3. Có được chứng hôn cho các cặp hôn nhân đồng tính hay không ?

Trả lời:

  1. Thế nào gọi là linh mục bất xứng ?

Tôi  không hiểu rõ ý của người hỏi về câu này. Chắc muốn nói đến các linh mục không tôn trọng kỷ luật độc thân của Giáo Hội ?  hay sách nhiểu tình dục trẻ em ?( Sexual abuses of children) ? hay không có chức linh mục mà dám làm lễ  và  giải tội ?

Nhưng dù câu hỏi là thế nào, thì cũng xin được  giải thích  rõ thêm  như sau :

Trước hết, theo tinh thần của  cụm từ  Latinh  Ex opere  Operato  về thần học bí tích ( sacramental theology) thì bí tích thành sự ( validly) vì được cử hành đúng theo Nghi thức bí tich ( Sacramental Rite) và theo ý của Giáo Hội,  chứ không thành sự vì phẩm chất  hay xứng đáng ( worthiness) của thừa tác viên cử hành ( minister)

Nghĩa là, khi cử hành bất cứ bí tích nào, như  rửa tội, thêm sức, Thánh Thể, hòa giải, sức dầu bệnh nhân .v.v Thừa tác viên con người như linh mục và Giám mục  phải cử hành nhân danh Chúa Kitô ( in persona Christi) chứ không nhân danh cá nhân mình bao giờ. Như thế, chính Chúa Kitô rửa tội, thêm sức, cử hành Thánh lễ Tạ Ơn ( Eucharist), giải tội và sức dầu .. qua tay thừa tác viên con người. Vì thế ,bí tích thành sự vì chính Chúa Kitô làm chứ không phải là linh mục hay giám mục làm.



Đây là nền tảng thần học của Giáo Hội về việc cử hành các bí tích .

Tuy nhiên, dù nhân danh Chúa Kitô ,  thừa tác viên  vẫn phải theo đúng nghi thức mà Giáo Hội đã qui định. Thí dụ, bí tích rửa tội chỉ thành sự khi thừa tác viên dùng nước và công thức Chúa Ba Ngôi ( Trinitarian format). Không có nước để đổ trên đầu hay trên trán trẻ em hay người lớn  và đọc  đúng công thức trên thì bí tích không thành sự dù thừa tác viên là  giám mục, linh mục hay phó tế.

Cũng vậy, nếu không có chức linh mục thực sự thì không thể cử hành thành sự các bí tích Thánh Thể, Hòa giải, Thêm sức  và Sức dầu bệnh nhân. Phải nói lại điều này vì  nghe đồn có người kia đã giả danh linh mục để cử hành thánh lễ cho một Công Đoàn và giải tội trong nhiều năm  cho đến khi bị phát giác và bỏ trốn !

Trở lại với câu hỏi đặt ra, thì xin trả lời là cho dù bất xứng đến đâu theo nhãn quan của người đời, linh mục đã được chịu chức thành sự,  vẫn cử hành thành sự các bí tích khi áp dụng đúng Nghi thức bí tích và Phụng vụ của Giáo Hội. Nếu linh mục “ bất xứng “ theo cách suy diễn của giáo dân, thí dụ đang sống chung hay giao du thân mật với phụ nữ,   ăn cắp tiền của giáo xứ, cờ bạc, làm gương xấu… thì khi cử hành bí tích nhất là bí tích Thánh Thể,  sẽ  mắc thêm tội “ phạm thánh= Sacrilege”và vi phạm giáo luât số 916 cấm không được làm lễ và rước lễ ai đang có tội trọng.Tuy nhiên   bí tích vẫn thành sự như đã nói ở trên, vì linh mục cử hành nhân danh Chúa Kitô chứ không danh danh cá nhân mình.

Như vậy, giáo dân cứ an tâm đi xưng tội hay tham dự Thánh lễ do các linh mục cử hành, cho dù biết linh mục nào “bất xứng” theo nhãn quan con người.

Vị nào thật sự “bất xứng” thì  đã có Chúa phán xét không sai lầm. Chúng ta chỉ nên cầu nguyện cho các linh mục, đặc biệt cho linh mục nào bị coi là “bất  xứng” theo phán đoán của dư luận mà thôi, chứ không nên rỉ tai nhau để làm xấu, mất danh dự của nạn nhân.

2. Có nên cầu nguyện cho các thai nhi, và các linh hồn mồ côi  hay không ?

 Chắc câu hỏi này liên quan đến các bào thai bị giết trong bụng mẹ tức là bị phá thai ( abortion) như thực trạng đang sảy ra ở khắp nơi trên thế giới hiện nay.. Đây là một tội ác, một trọng tội xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự sống của  con người và vạn vật trong vũ trụ hữu hình này.

Nhưng tiếc thay, không những ở các quốc gia vô thần mà ngay ở các quốc gia có truyền thống Kitô Giáo lâu đời như Pháp ,Ý, Đức, Tây Ban Nha, Canada và nhất là ở Hoa kỳ, việc phá  thái đã được công khai cho phép, khiến hàng triệu thai nhi đã bị giết ở Mỹ mỗi năm. Đây là một sỉ nhục cho niềm tin Kitô Giáo mà đa số người Mỹ vẫn tự nhận mình là Christians, là tín đồ của các giáo phái Tin lành,  Chính Thống và Công Giáo La Mã, nhưng có rất nhiều phụ nữ  đã phá thai hay phụ giúp vào việc này.

Liên quan đến các bào thai bị giết khi còn đang phát triển trong lòng mẹ, chúng ta  phải tin chắc rằng các bào thai này hoàn toàn vô tội vì chưa được sinh ra mà đã bị giết nên,  không thể được rửa tội để được tha hậu quả của tội nguyên tổ ( original sin). Còn tội cá nhân, thì chúng chưa được sinh ra nên cũng  không  thể có tội cá nhân được. Vì thế , chúng ta không cần phải cầu nguyện cho chúng vì chúng hòan toàn vô tội,  và xứng đáng được Chúa nhân lành đón nhận vào Nước Hằng Sống.  Các bào thai này thực đáng thương vì bị tước mất quyền sống bởi  chính cha mẹ và xã hội vô luân ,vô  tín ngưỡng.

Như vậy, có cầu  xin thì phải cầu cho những ai  đã  hay  sắp  phá thai hoặc  giúp cho việc phá thai được thành tựu, để họ nhận biết tính chất nghiêm trọng  của việc sai trái này  mà từ bỏ cũng như ăn năn sám hối vì vô tình hay cố ý phạm tội sát nhân này.

Mặc khác, về phần thứ hai của câu hỏi, xin trả lời một ần nữa như sau:

Khi nói linh hồn mồi côi có nghĩa là linh hồn không có ai cầu nguyện cho,sau khi qua đời.

Những thực tế không phải vậy, vì trong mỗi Thánh Lễ , Giáo Hội đều cầu trước tiên  cho linh hồn các tín hữu đã ly trần.Sau đó mới cầu cho linh hồn các bậc  tổ tiên và thân bằng quyến thuộc. Nếu có ai xin lễ, thì có thêm lời nguyện cho linh hồn đó.  Nhưng dù không có ai xin lễ , thì Giáo Hội vẫn cầu cho các  tín hữu đã ly trần, như ta  đọc thấy trong các Kinh Nguyện Thánh Thể ( Tạ Ơn) của Thánh Lễ.

Như vậy làm gì có linh hồn nào bị coi là “mồ côi”khiến phải xin lễ cầu riêng  cho họ ?. nếu vì bác ái muốn cứu các inh hồn trong nơi Luyện Tội, thì cứ xin lễ cầu chung cho họ, nhưng không thể coi linh hồn nào là “mồ côi”khiến phải cầu riêng cho họ.  

Tóm lại, không có lý do gì phải xin lễ cầu xin cho các thai nhi bị giết trong các vụ phá thai cả, vì các thai nhi này hoàn toàn vô tội trước mặt Chúa của lòng thương xót vô biên.Và cũng không có linh hồn nào  là “mồ côi” khiến phải xin lễ cầu riêng cho họ vì lý do đã  nói ở trên.



3. Có  được phép chứng hôn cho người đồng tính không ?

Đây là một vấn đề đang gây nhức nhối cho những ai biết tôn trọng và bảo vệ truyền thống hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Đây không những là truyền thống tốt đẹp của mọi nền văn hóa nhân loại từ xưa đến nay,  mà trên hết,   còn là một định chế linh thiêng ( sacred institution) được chính Thiên Chúa thiết lập từ đầu khi  tạo dựng con người có nam có nữ. Và  Adam và Eva  là cắp hôn phối đầu tiên Thiên Chúa đã se kết và  truyền cho họ hãy  sinh  sôi nảy nở  cho thật nhiều , cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. ( St  1:  28)

Nghĩa là hôn nhân chỉ được thành lập giữa một người nam và một người nữ cho mục đích “ sinh sôi nẩy nở”  như Thiên Chúa đã truyền cho Adam và Eva.

Nhưng đáng buồn thay là một số quốc gia trên thế giới- đặc biệt là Hoa Kỳ- người ta đang muốn định nghĩa lại hôn nhân để cho phép các người đồng tính ( gay & lesbian) kết hôn như những người bình thường khác.


Giáo Hội không lên án hay chỉ trích những người có khuynh hướng bất thường về phái tính ( Abnormally  sexual tendency), nhưng chắc chắn không thể công nhận hôn nhân của những người này được vì trái tự nhiên( unnatural)  và vô luân ( immoral).

Giáo luật số 1096, triệt 1 qui định rằng:  Để có sự ưng thuận kết hôn, điều cần thiết là hai người kết hôn phải biết ít ra rằng hôn nhân là đời sống chung vinh viễn giữa người nam và người nữ, nhằm đến việc sinh sản con cái bằng việc giao hợp sinh lý cách nào đó.”

Giáo lý của Giáo Hội cũng dạy rằng :  Giao ước hôn nhân nhờ đó một người nam và một người nữ làm thành một cộng đoàn cho cả cuộc đời , tự bản chất nó hướng tới lợi ích của những người phối ngẫu cũng như hướng tới việc sinh sản và giáo dục con cái . Giao ước này đã được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích giữa những người đã nhận lãnh phép Rửa tội. ( SGLGHCG ,số 1601)

Như thế không thể có hôn nhân giữa hai người nam hay hai người nữ được  vì không có luật nào của Giáo Hội cho phép việc này. Chắc chắn như vậy.

Cho dù các xã hội “bệnh hoạn và mỵ dân” đã công nhận hôn nhân của những người đồng tính, nhưng những cặp hôn nhân này  không thể xin hợp thức hóa hôn nhân của họ trong Giáo Hội Công Giáo được vì những lý do  nêu trên. Tuy chưa có giáo luật mới ngăn cấm việc này, nhưng để bảo toàn định chế hôn nhân  mà Thiên Chúa đã thiết lập từ đầu và được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích, thì trong thực hành mọi linh mục cũng hiểu rằng Giáo Hội sẽ không  bao giờ nhượng bộ  trào lưu tục hóa của thế giới mà cộng nhân hôn nhân đồng tính,  vì việc này đi ngược lại mục đích của hôn nhân như giáo lý và giáo luật hiện hành của Giáo Hội qui định.  

Ước mong những giải đáp trên đây thỏa mãn những câu hỏi được đặt ra.



Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
VỀ MỤC LỤC


tải về 1.04 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương