Bán nguyệt san – Số 296 – Chúa nhật 12. 03. 2017



tải về 1.04 Mb.
trang2/8
Chuyển đổi dữ liệu23.04.2018
Kích1.04 Mb.
#37068
1   2   3   4   5   6   7   8

LỜI MỞ ĐẦU

1. Giáo Hội Công Giáo rất trân trọng những quy chế, nghi lễ phụng vụ, truyền thống Giáo Hội và quy luật của đời sống Kitô giáo nơi các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương. Thật vậy, truyền thống từ các Tông Đồ qua các Giáo Phụ1, luôn toả sáng nơi các Giáo Hội vẫn nổi danh nhờ sự cổ kính thật đáng quí trọng, chính truyền thống này là một thành phần của gia sản do Thiên Chúa mạc khải và trọn vẹn thuộc về toàn thể Giáo Hội. Vì thế, trong niềm ưu ái dành cho những chứng tá sống động của truyền thống cao quí ấy, Thánh Công Đồng mong ước cho các Giáo Hội Đông Phương được tăng triển và chu toàn phận vụ đã được trao phó với nhiệt tình tông đồ luôn đổi mới, vì thế, ngoài những quyết nghị liên quan tới toàn thể Giáo Hội, Thánh Công Đồng thiết định những điều chính yếu sau đây, và dành lại một số điểm để các Công nghị Đông Phương và Tòa Thánh định liệu.

CÁC GIÁO HỘI


HAY CÁC NGHI CHẾ RIÊNG BIỆT


2. Giáo Hội công giáo và thánh thiện chính là Nhiệm Thể Chúa Kitô gồm những tín hữu được hợp nhất như những chi thể trong Chúa Thánh Thần với cùng một đức tin, cùng các bí tích và cùng một tổ chức quyền bính, đồng thời qua việc qui tụ thành những cộng đoàn khác nhau liên kết theo cơ cấu phẩm trật, họ tạo nên những Giáo Hội hay những Nghi chế riêng biệt. Mối thông hiệp diệu kỳ giữa các cộng đoàn ấy thật vững bền, đến độ sự đa dạng trong Giáo Hội chẳng những không phương hại mà còn làm nổi bật hơn nữa tình hợp nhất; thật vậy, Giáo Hội Công Giáo muốn bảo toàn nguyên vẹn các truyền thống của từng Giáo Hội hay các Nghi chế riêng biệt, đồng thời cũng muốn thích nghi nếp sống của mình hợp với các nhu cầu khác nhau theo từng thời đại và nơi từng địa phương2.

3. Các Giáo Hội riêng biệt này, tại phương Đông cũng như phương Tây, tuy có phần khác nhau về những thể thức vẫn được gọi là Nghi chế, chẳng hạn trong lãnh vực phụng vụ, giáo luật và gia sản tu đức, nhưng tất cả đều được trao phó cho quyền cai quản mục vụ của Giáo Hoàng Rôma, Đấng do ý Thiên Chúa đặt làm người kế vị Thánh Phêrô với thẩm quyền tối cao trên toàn thể Giáo Hội. Vì thế, các Giáo Hội riêng biệt đó đều bình đẳng với nhau, các nghi lễ không làm cho Giáo Hội nào trổi vượt trên các Giáo Hội khác, và tất cả đều hưởng cùng những quyền lợi và phải thực thi những bổn phận như nhau, cả trong những gì liên quan đến công cuộc rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới (x. Mc 16,15) dưới sự hướng dẫn của Giáo Hoàng Rôma.



4. Vì thế, khắp nơi trên thế giới phải dự liệu cách thức duy trì và phát triển các Giáo Hội riêng biệt và nên thành lập các giáo xứ và hàng Giáo phẩm riêng tại những nơi mà lợi ích thiêng liêng của các tín hữu đòi hỏi. Tuy nhiên, hàng Giáo phẩm của mỗi Giáo Hội riêng biệt có thẩm quyền trên cùng một địa hạt, phải lưu tâm cổ võ sự hợp nhất trong hành động qua việc cùng trao đổi ý kiến trong các phiên họp định kỳ, đồng thời phải góp sức hỗ trợ các công việc chung để mưu cầu thiện ích cho Giáo Hội cách phong phú hơn và bảo vệ kỷ luật trong hàng giáo sĩ cách hữu hiệu hơn3. Tất cả các giáo sĩ và những ứng viên lãnh nhận chức thánh cần có kiến thức đầy đủ về các Nghi chế, nhất là về những tiêu chuẩn thực hành trong các vấn đề liên quan đến nhiều Nghi chế, ngoài ra, trong các chương trình giáo lý, giáo dân cũng phải được hướng dẫn về các Nghi chế và các tiêu chuẩn ấy. Sau cùng, tất cả và từng tín hữu công giáo, cả những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy trong bất cứ Giáo Hội hay cộng đồng không công giáo nào, khi trở về hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo, dù ở bất cứ nơi nào, vẫn được duy trì, thực hành và tuân giữ Nghi chế riêng của mình4, tuy nhiên, quyền khiếu nại lên Tòa Thánh trong những trường hợp đặc biệt liên quan đến cá nhân, cộng đoàn, hoặc giáo miền, vẫn được bảo đảm, và Tòa Thánh, với tư cách là trọng tài tối cao cho các tương quan giữa các Giáo Hội riêng biệt, hoặc đích thân hoặc qua những người có thẩm quyền, sẽ giải quyết thỏa đáng các nhu cầu trong tinh thần hợp nhất, bằng cách ban hành những quy luật, sắc lệnh hay những phúc đáp thư thích hợp.

VIỆC BẢO TOÀN GIA SẢN TU ĐỨC
NƠI CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG

5. Lịch sử, các truyền thống, và rất nhiều hội dòng trong Giáo Hội đã minh chứng rõ rệt công lao to lớn của các Giáo Hội Đông phương đối với toàn thể Giáo Hội5. Vì vậy Thánh Công Đồng không những vô cùng trân trọng và ca ngợi gia sản tu đức của các Giáo Hội ấy, mà còn xác quyết đó là sản nghiệp của toàn thể Giáo Hội Chúa Kitô. Do đó, Thánh Công Đồng long trọng tuyên bố rằng: các Giáo Hội Đông phương cũng như Tây phương đều có quyền lợi và bổn phận tuân theo những kỷ luật riêng của mình, luôn có giá trị nhờ tính cách cổ kính đáng quý trọng, phù hợp với các tập tục của tín hữu và có thể mưu ích cho các linh hồn cách hữu hiệu hơn.

6. Tất cả các tín hữu Đông phương hãy ý thức và xác tín rằng mình có thể và phải luôn luôn bảo toàn các nghi thức phụng vụ hợp pháp cũng như kỷ luật của mỗi Giáo Hội, và chỉ nên thay đổi những gì mang lại sự thăng tiến cho cộng đoàn và cơ cấu tổ chức. Vì thế, các tín hữu Đông phương phải hết sức trung thành tuân giữ, phải hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn và thực hành hoàn hảo hơn các điều ấy, và nếu đã có những thiếu sót vì lý do thời gian hay nhân sự, phải cố gắng trở về với truyền thống của tiền nhân. Riêng những ai, vì phận sự hay do tác vụ tông đồ, có liên lạc thường xuyên với các Giáo Hội Đông phương hay với tín hữu thuộc các Giáo Hội này, cần phải được đào luyện chu đáo, tùy theo tầm quan trọng của công việc họ đảm nhận, để am hiểu và tôn trọng các nghi thức, kỷ luật, giáo thuyết cũng như lịch sử và tâm tính người Đông phương6. Để việc tông đồ được hữu hiệu hơn, các dòng tu và các tu hội theo Nghi chế latinh hoạt động tại các miền thuộc Giáo Hội Đông phương hay giữa các tín hữu Đông phương, nếu có thể, nên cố gắng thành lập các tu sở hoặc cả những tỉnh dòng theo Nghi chế Đông phương7.

CÁC THƯỢNG PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG

7. Thể chế Thượng phụ đã được thực thi từ lâu trong Giáo Hội và đã được các Công Đồng Chung tiên khởi nhìn nhận8.

Danh hiệu Thượng phụ Đông phương dùng để chỉ vị Giám mục có thẩm quyền trên tất cả các Giám mục, kể cả các vị Tổng Giáo chủ, cũng như trên hàng giáo sĩ và giáo dân thuộc địa hạt hay Nghi chế, với quyền hạn theo luật định trong khi vẫn tôn trọng quyền tối cao của Giáo Hoàng Rôma9.

Vị giáo chủ thuộc một Nghi chế nào đó được bổ nhiệm tại bất cứ nơi nào ngoài địa hạt thượng phụ, vẫn trực thuộc phẩm trật thượng phụ của Nghi chế ấy theo luật định.



8. Các Thượng phụ trong Giáo Hội Đông phương, dù tiến chức trước hay sau, tất cả đều bình đẳng trên cương vị Thượng phụ Giáo chủ, nhưng giữa các ngài vẫn có ngôi thứ danh dự, được minh định cách hợp pháp10.

9. Theo truyền thống rất cổ kính của Giáo Hội, các Thượng phụ Đông phương phải được hưởng một danh dự đặc biệt vì các ngài cai quản địa hạt mình như những người cha và thủ lãnh.

Vì thế Thánh Công Đồng quyết định phục hồi các quyền lợi và đặc ân của các ngài chiếu theo truyền thống cổ kính của từng Giáo Hội và sắc lệnh của các Công Đồng Chung11.

Thực ra, chính các quyền lợi và đặc ân này đã có từ thời Đông phương và Tây phương còn hợp nhất, tuy nhiên có những điểm cần phải thích nghi ít nhiều với hoàn cảnh ngày nay.

Các Thượng phụ cùng với các Công nghị riêng có thẩm quyền tối cao về mọi hoạt động thuộc toà Thượng phụ, kể cả quyền thiết lập các địa phận mới và bổ nhiệm các Giám mục thuộc cùng một Nghi chế trong địa hạt thượng phụ, dĩ nhiên vẫn bảo toàn quyền bất khả chuyển nhượng của Giáo Hoàng Rôma được can thiệp vào từng trường hợp.

10. Theo luật định, tất cả những điều khoản nói về các Thượng phụ cũng có giá trị đối với các Tổng Giám mục Thượng quyền là những vị đứng đầu một Giáo Hội riêng biệt hay một Nghi chế nào đó12.

11. Vì thể chế Thượng phụ là hình thức quản trị truyền thống nơi các Giáo Hội Đông phương, nên Thánh Công Đồng Chung mong ước có thêm những tòa Thượng phụ Giáo chủ được thiết lập do Công Đồng Chung hay do Giáo Hoàng Rôma khi có nhu cầu13.

KỶ LUẬT VỀ CÁC BÍ TÍCH

12. Thánh Công Đồng xác nhận và tán thành kỷ luật cổ kính về các bí tích hiện đang được thực hành nơi các Giáo Hội Đông phương, về nghi thức cử hành cũng như cách thức trao ban các bí tích, và Thánh Công Đồng cũng mong ước phục hồi kỷ luật ấy khi cần.

13. Kỷ luật về thừa tác viên “Thêm sức” đã được thực thi từ ngàn xưa nơi các tín hữu Đông phương sẽ được phục hồi hoàn toàn. Do đó, các linh mục có thể ban bí tích này, miễn là dùng Dầu Thánh do Thượng phụ hay Giám mục làm phép14.

14. Tất cả các linh mục Đông phương có thể ban bí tích này thành sự cùng lúc hoặc tách riêng với bí tích Thánh tẩy cho mọi tín hữu thuộc bất cứ Nghi chế nào, kể cả Nghi chế latinh, dĩ nhiên vẫn phải giữ các điều kiện hợp pháp theo luật chung cũng như luật dành cho trường hợp đặc biệt15. Các linh mục thuộc Nghi chế latinh, theo năng quyền cũng có thể ban bí tích này cho tín hữu thuộc các Giáo Hội Đông phương, miễn là không sai phạm về nghi lễ, dĩ nhiên vẫn phải giữ các điều kiện hợp pháp theo luật chung cũng như luật dành cho trường hợp đặc biệt16.

15. Vào Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, các tín hữu buộc phải tham dự vào Phụng vụ thánh hay các giờ ca tụng Thiên Chúa theo qui định và tập tục của từng Nghi chế17. Để giáo dân có thể chu toàn bổn phận này cách dễ dàng, giờ thuận tiện cho việc giữ luật đó được ấn định là từ chiều hôm trước cho đến hết Chúa Nhật hay ngày lễ trọng18. Thánh Công Đồng Chung tha thiết khuyên các tín hữu không những rước Mình Thánh Chúa trong những ngày đó, nhưng còn thường xuyên hơn, thậm chí là hằng ngày19.

16. Trong trường hợp các tín hữu thuộc các Giáo Hội riêng biệt chung sống thường nhật trong cùng một miền hay địa hạt thuộc Đông phương, các linh mục thuộc bất cứ Nghi chế nào, nếu đã nhận được năng quyền không hạn chế do Đấng Bản Quyền chính thức trao ban, đều có thể giải tội cho mọi tín hữu trong toàn địa hạt ngài, kể cả các tín hữu và những nơi thuộc các Nghi chế khác nằm trong địa hạt này, miễn là tại nơi đó Đấng Bản Quyền địa phương của các Nghi chế khác không ngăn cấm cách minh nhiên20.

17. Để tái lập kỷ luật cổ kính về Bí Tích Truyền Chức nơi các Giáo Hội Đông Phương, Thánh Công Đồng mong muốn phục hồi chức phó tế vĩnh viễn tại những nơi mà thể chế này không còn tồn tại21. Còn đối với chức Phụ Phó Tế và các Chức nhỏ cũng như những quyền lợi và bổn phận liên hệ, sẽ do quyền lập pháp của từng Giáo Hội riêng biệt tùy nghi định đoạt22.

18. Để tránh những hôn nhân bất thành sự khi người Công Giáo Đông phương kết hôn với người đã được rửa tội ngoài Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và để duy trì tính cách bền vững, thánh thiện của hôn nhân cũng như sự bình an trong gia đình, Thánh Công Đồng xác quyết rằng việc cử hành buộc phải giữ đúng mô thức theo giáo luật để hôn phối được hợp pháp; còn để thành sự, thì sự hiện diện của thừa tác viên có chức thánh là đủ, dĩ nhiên phải tuân giữ các điều kiện khác theo luật định23.

VIỆC PHỤNG TỰ

19. Từ nay về sau, chỉ có Công Đồng Chung hay Tòa Thánh mới có quyền thiết lập, thay đổi hay bãi bỏ các ngày lễ chung cho các Giáo Hội Đông phương. Còn các ngày lễ riêng của các Giáo Hội địa phương, thì ngoài Tòa Thánh, Thượng Hội Đồng Thượng phụ hay Tổng Giáo chủ cũng có quyền nói trên, tuy nhiên, nên lưu tâm đến hoàn cảnh của toàn miền và của các Giáo Hội riêng biệt khác24.

20. Trong khi chờ đợi toàn thể các Kitô hữu đồng thuận về việc mừng lễ Phục Sinh vào cùng một ngày, để thể hiện sự hợp nhất giữa các Kitô hữu sống trong cùng một miền hay một quốc gia, Thánh Công Đồng đã ủy thác cho các Thượng phụ hay Giáo Quyền Tối Cao tại địa phương việc ấn định một Chúa Nhật để mừng lễ này, sau khi tham khảo ý kiến và được những người liên hệ đồng thuận25.

21. Về luật thời gian thánh, các tín hữu sống ngoài địa hạt hay miền thuộc Nghi chế riêng có thể hoàn toàn giữ theo kỷ luật hiện hành nơi họ đang sống. Riêng những gia đình theo nhiều Nghi chế khác nhau cũng được phép giữ luật này theo một Nghi chế mà thôi26.

22. Các giáo sĩ và tu sĩ Đông phương sẽ theo qui định và truyền thống kỷ luật riêng để cử hành Thần vụ Ngợi khen đã được đặc biệt tôn kính trong các Giáo Hội Đông phương từ ngàn xưa27. Cả các tín hữu cũng nên noi gương cha ông để tùy khả năng sốt sắng tham dự các giờ Kinh Nhật Tụng.

23. Các Thượng phụ cùng với Thượng Hội Đồng, hay Thẩm Quyền tối cao cùng với Hội đồng Thượng phụ của mỗi Giáo Hội, có quyền ấn định về ngôn ngữ được sử dụng trong Phụng vụ thánh, và các ngài cũng có quyền phê chuẩn các bản dịch sang tiếng bản xứ sau khi phúc trình lên Tòa Thánh28.

LIÊN LẠC VỚI ANH EM


THUỘC CÁC GIÁO HỘI LY KHAI

24. Các Giáo Hội Đông phương hiệp thông với Tòa Thánh Rôma có trọng trách phải xúc tiến việc hợp nhất các Kitô hữu, nhất là các Kitô hữu Đông phương, dựa theo các nguyên tắc được Thánh Công Đồng này bàn tới trong sắc lệnh về “Đại kết”, đặc biệt họ phải cầu nguyện và nêu gương trong đời sống, trung thành với những truyền thống tôn giáo Đông phương cổ kính, tìm hiểu lẫn nhau cách sâu xa hơn, cộng tác và thân ái tiếp nhận nhau trong lãnh vực hoạt động cũng như nhân sự29.

25. Các anh em ly khai Đông phương, khi trở về hợp nhất với Công Giáo nhờ tác động của ơn Chúa Thánh Thần, sẽ không buộc phải làm gì hơn ngoài việc tuyên xưng đức tin công giáo. Phần các giáo sĩ Đông phương, vì chức linh mục đã thành sự nơi họ vẫn được bảo toàn, nên khi trở về hợp nhất với Công Giáo, họ vẫn có quyền thi hành phận vụ thuộc thánh chức theo những qui định của Thẩm quyền thiết lập30.

26. Luật Chúa cấm thông dự vào những hành vi phượng tự gây trở ngại cho việc hợp nhất của Giáo Hội, hoặc dẫn đến việc minh nhiên tán thành giáo thuyết sai lạc hay tạo nguy cơ lạc hướng về đức tin, từ đó gây nên cớ vấp phạm hay đi đến thái độ bất hợp tác31. Quả thật, trong những vấn đề liên quan đến anh em Đông phương, kinh nghiệm mục vụ cho thấy rằng có thể và phải xét tới hoàn cảnh cá biệt của từng người, trong đó có những hoàn cảnh không phương hại đến sự hợp nhất của Giáo Hội cũng như không có gì là nguy hiểm, nhưng đáng được quan tâm vì sự cần thiết của ơn cứu rỗi và lợi ích thiêng liêng của các linh hồn. Chính vì thế mà Giáo Hội Công Giáo, tuỳ theo điều kiện thời gian, nơi chốn và nhân sự, đã và vẫn đang áp dụng một phương thức hành động mềm dẻo hơn, qua việc cùng tham dự vào các bí tích cũng như các cử hành phượng tự và dùng chung những vật dụng thánh, để đem đến cho tất cả mọi người phương thế cứu rỗi và chứng tá của tình bác ái giữa các Kitô hữu. Sau khi đã cân nhắc những điều đó, Thánh Công Đồng đã thiết định nguyên lý hành động sau đây để “chúng tôi khỏi trở thành chướng ngại vật, vì những phán quyết khắt khe đối với những người cần được cứu rỗi”32 và để xúc tiến ngày càng hữu hiệu hơn sự hợp nhất với các Giáo Hội Đông phương đang ly tán khỏi chúng ta.

27. Chiếu theo các nguyên tắc vừa nêu trên, những tín hữu Đông phương chỉ vì lòng ngay đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo, có thể lãnh nhận các bí tích Giải tội, Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh Nhân, nếu tự ý họ xin và chuẩn bị tâm hồn cách thích đáng; hơn nữa, những người công giáo, vì nhu cầu hay vì ích lợi thiêng liêng đòi hỏi, trong trường hợp do ngăn trở thể lý cũng như luân lý nên không thể tìm tới linh mục công giáo, cũng có thể xin lãnh những bí tích này nơi các thừa tác viên ngoài công giáo thuộc các Giáo Hội đã công nhận tính cách thành sự của những bí tích ấy33.

28. Ngoài ra, cũng theo các nguyên tắc này, khi có lý do chính đáng, người công giáo và anh em ly khai Đông phương có thể cùng nhau thông dự vào những cuộc cử hành phượng tự, dùng chung những vật dụng thánh và nơi thánh34.



29. Việc ấn định cách thức thông dự vào các hành vi phượng tự với anh em thuộc Giáo Hội ly khai Đông phương sẽ linh động tùy theo sự khôn ngoan của các vị Giáo chủ Bản Quyền địa phương, để sau khi hội ý với nhau, và nếu cần, sau khi đã tham khảo ý kiến các Giáo chủ của các Giáo Hội ly khai, các vị ấy có thể điều hành việc liên lạc giữa các Kitô hữu với những nguyên tắc và tiêu chuẩn thuận lợi và hữu hiệu hơn.

KẾT LUẬN

30. Thánh Công Đồng rất vui mừng vì sự cộng tác tích cực và hữu hiệu giữa các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Tây phương, đồng thời tuyên bố rằng tất cả những chủ trương có tính cách pháp định này được nêu ra để thích ứng với những hoàn cảnh đương đại, cho tới ngày Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội ly khai Đông phương đạt tới tình trạng hiệp thông hoàn toàn.

Trong khi chờ đợi, các Kitô hữu Đông phương cũng như Tây phương đều được tha thiết mời gọi hàng ngày hãy dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện sốt sắng và kiên trì, để mọi người được hợp nhất nhờ sự trợ giúp từ nơi Thánh Mẫu chí thánh của Thiên Chúa. Tất cả mọi người cũng hãy nguyện xin Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, tuôn tràn sức mạnh và ơn an ủi cho các Kitô hữu của bất kỳ Giáo Hội nào, những người đang đau khổ và chịu bách hại vì đã can đảm tuyên xưng danh Chúa Kitô.

Tất cả chúng ta hãy yêu thương nhau trong tình bác ái huynh đệ và hãy tôn trọng lẫn nhau (Rm 12,10).



Tất cả và từng điều được ban bố trong Sắc Lệnh này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Kitô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rôma, tại Đền Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964
Tôi, PHAOLÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo
(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

VỀ MỤC LỤC
 ĐỨC TIN

CHÚA NHẬT THỨ II MÙA CHAY NĂM A 



Bài nói chuyện với các nữ tu dòng Kín

Giáo phận Phú Cường

Thánh Kinh có rất nhiều tấm gương về đức tin cho ta noi theo. Hôm nay, ngoài Chúa Cha và Chúa Giêsu, phụng vụ Lời Chúa giới thiệu đến sáu tấm gương về con người.

Đó là những con người thánh thiện, đầy lòng yêu mến Chúa, sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện sống. Các ngài luôn dâng lên Thiên Chúa đức tin trọn vẹn của mình. Đó là những gương mặt xuất thân từ Cựu Ước và Tân Ước.
I. NHỮNG GƯƠNG MẶT CỰU ƯỚC.

1. Tổ phụ Abraham (bài đọc I).

Là con người của đức tin. Ngài nổi tiếng về lòng vâng phục trong đức tin, bất chấp đó là sự vâng phục mà nếu cứ lý luận theo kiểu loài người, nó vô lý nhất, kinh hoàng nhất, cũng có thể là độc ác nhất, miễn là được ném mình vào tay Thiên Chúa, để mặc Người an bài mọi sự...

Vào một ngày, đang khi cuộc sống diễn ra hết sức an bình, Tổ phụ Abraham được Chúa kêu gọi: “Hãy bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho.” (St 12, 1). Thế là Tổ phụ ra đi. Đi trong mịt mù. Đi trong tăm tối. Đi mà chẳng biết mình đi đâu…

Suốt đời Tổ phụ mơ ước có một đứa con nối dõi tông đường, vậy mà cũng chẳng có. Đến lúc cả trăm tuổi, người vợ cũng cao niên chẳng kém gì, Thiên Chúa mới hứa ban một đứa con. Một lời hứa như thế thật khó chấp nhận làm sao. Nhưng Tổ phụ Abraham vẫn tin.

Đến khi đứa con trai duy nhất, đứa con thừa tự, đứa con của lời hứa, đứa con ngọc, đứa con ngà đã lớn khôn, Thiên Chúa lại đòi Tổ phụ đem đứa con đó đi sát tế cho Người.

Có tội ác nào lớn cho bằng tội của một người cha giết con. Có lời dạy nào khủng khiếp cho bằng dạy một người cha giết chính đứa con là máu, là mủ, hơn nữa là cả cuộc sống của người cha già nua đã từng rút ruột mình sinh ra.

Và còn đâu là một Thiên Chúa yêu thương, một Thiên Chúa gần gũi con người, hay chỉ là một Thiên Chúa tàn nhẫn, say máu đến độ đòi người cha phải thủ tiêu con của ông làm của lễ tế hiến cho mình. Đúng là một Thiên Chúa độc ác, không còn gì độc ác hơn (?).

Càng suy nghĩ như thế về hình ảnh của Thiên Chúa bao nhiêu, ta càng thấy đức tin của Tổ phụ Abraham lớn bấy nhiêu.

Cứ bắt đầu bằng tình cảm con người, ta suy diễn, sẽ thấy, chắc tâm hồn Tổ phụ chao đảo lắm, lương tâm Tổ phụ giày vò lắm, cuộc sống của Tổ phụ chắc mất bình an lắm. Có lẽ nước mắt đã tràn ngập, đã dàn dụa tâm hồn Tổ phụ.

Và có lẽ giọt nước mắt ấy rất âm thầm, vì không thể để lộ cho con mình biết. Làm sao dám cho con biết khi chính mình sẽ giết chết con!

Mà tiếng khóc càng âm thầm, tiếng nấc càng nghẹn ứ, nước mắt càng chảy ngược vào hồn nhiều bao nhiêu, thì nỗi đau càng dằn xé, càng tê tái, càng buốt giá bấy nhiêu.

Nhất là mỗi khi Tổ phụ nhìn đôi bàn tay của mình. Ngày nào đôi tay ấy bồng ẳm con, nâng niu con, bây giờ cũng chính đôi tay ấy sẽ thủ tiêu con. Là cha, như bao người cha, Tổ phụ Abraham se thắt lòng mình.

Nhưng Tổ phụ vượt qua tất cả. Đức tin của Tổ phụ lớn hơn tất cả. Chính đức tin dạy Tổ phụ biết: Thiên Chúa vẫn yêu thương vô cùng. Người vẫn nhìn thấy Tổ phụ. Người biết rõ lòng Tổ phụ. Người có cách của Người để trù liệu cho Tổ phụ những điều tốt đẹp nhất.

Vì tình yêu vô cùng mãnh liệt, vì tình yêu mến Thiên Chúa ngất trời cao, Tổ phụ Abraham đã không mất bất cứ một điều gì, dù nhỏ nhất.

Còn hơn bất cứ một người nào trong nhân loại, qua muôn ngàn thế hệ, bằng miệng lưỡi của thiên thần, Thiên Chúa khen ngợi Tổ phụ:

Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của Ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!... Ta lấy chính danh Ta mà thề: Bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển.” (St 22, 12. 16 -18).



2. Thủ lãnh Môisen (bài Tin Mừng).

Cũng như Tổ phụ Abraham, Thủ lãnh Môisen là nhân vật mạnh mẽ, sáng ngời trong đức tin vào quyền năng của Thiên Chúa.

Dẫu đầy gian nan trong sứ mạng giải phóng dân tộc, từ khi bắt đầu nhận lãnh lệnh truyền của Chúa, rồi bao nhiêu lần chứng kiến việc Chúa đánh đòn vua và dân Aicập, đến lúc tổ chức lễ Vượt qua, lúc phải thực hiện hành trình Vượt qua, rồi cùng dân rày đây mai đó nơi sa mạc đầy chết chóc, nào bị dân chúng trách móc, bị đe dọa giết chết…, Thủ lãnh Môisen không hề phản bội đức tin, không một chút mảy may nghi ngờ lòng thương xót của Chúa.

Có lúc áp lực như đè nặng quá sức, như lấy hết mọi sức lực, như khó có thể trụ nổi, Thủ lãnh như muốn chết đi. Thủ lãnh phải đau xót thốt lên:

Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con? Có phải con đã cưu mang dân này đâu, có phải con sinh ra nó đâu? Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn.” (Ds 11, 12 tt).

Chính đức tin và lòng yêu mến Chúa của mình, Thủ lãnh Môisen được Chúa tin tưởng trao cho sứ mạng đưa dân của Người thoát cảnh lầm than nô lệ cho Aicập. Người đã nâng Thủ lãnh lên thành một nhà giải phóng dân tộc lừng danh.

Do lòng tin và tình yêu mến dành cho Thiên Chúa, Thủ lãnh Môisen trở thành người của lịch sử, lập trang sử mới cho dân riêng của Chúa cả về đời sống trần thế lẫn đời sống đức tin.

Thủ lãnh Môisen được Chúa trao cho vị trí quan trọng đến nỗi, khi ngắm nhìn chân dung của Thủ lãnh, Tân Ước phải thốt lên: “Những người tin vào ông Môisen, thật sự là tin vào Đức Kitô, và gương mặt của họ cũng như gương mặt của Môisen phản ánh vinh quang của Chúa” (2Cr 3, 18).



3. Tiêng tri Êlia (bài Tin Mừng).

Cũng vì đức tin và lòng mến dành cho Thiên Chúa, Đấng mà mình tôn thờ, Tiên tri Êlia đã bao nhiêu lần vào sinh ra tử.

Kẻ bị Thánh Kinh trách móc: “Vua làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, đi theo con đường của vua cha, phạm các tội ông ấy đã phạm và lôi kéo Israel phạm theo…” (1V 16, 25-26), chính là vua Akhap.

Nhà vua là một kẻ nhu nhược, đã để cho hoàng hậu Izabel, một kẻ ngoại giáo, lộng quyền. Hoàng hậu đưa ngẫu tượng và đặt pháp sư của các ngẫu tượng vào cả đền thờ, nơi chỉ dành cho một mình Thiên Chúa.

Không thể chịu nổi sự ô uế mà vua và hoàng hậu gây ra, Tiên tri Êlia, một thân, một mình chiến đấu cách dũng cảm với với các pháp sư ngẫu tượng ấy. Dù Tiên tri chiến thắng nhờ ơn Chúa, nhưng cũng từ đấy, Izabel đặt mối thù không đội trời chung với Tiên tri. Tiên tri phải nếm trải đau khổ do phải chạy trốn sự thù ghét này (1V 18tt).

Tiên tri Êlia còn chống lại việc áp bức người nghèo trong đất nước. Nổi tiếng là lời nguyền Tiên tri đã gieo trên cuộc đời của vợ chồng Akhab – Izabel, khi cả hai đã thực hiện thành công việc giết ông Nabôt và cướp vườn nho của ông.

Lời nguyền ấy là: “Đức Chúa phán thế này: Ngươi đã giết hại còn chiếm đoạt nữa ư?... Tại chính nơi chó đã liếm máu Nabôt, thì chó cũng sẽ liếm máu người (tức vua Akhab)…Đức Chúa cũng tuyên phạt Izabel: Chó ăn thịt Izabel trong cánh đồng Gitrơe” (1V 21, 17-23).  Đúng như lời Tiên tri, cái chết thê thảm của Akhab và Izabel được thuật lại sau đó trong 1V 22, 34-38 và 2V 9, 30-37.

Tất cả những việc làm ấy, dù là việc làm của người công chính và kêu gọi hãy sống công chính, đều mang lại cho tiên tri Êlia nhiều chông gai, đau khổ.

Đã có lần, trong nỗi khổ gần như tuyệt vọng của một kẻ bị vây quanh bởi lòng thù hận, dẫu là người can đảm, Tiên tri Êlia cũng đã phải thốt lên: “Lạy Đức Chúa, đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con” (1V 19, 4).
II. NHỮNG GƯƠNG MẶT TÂN ƯỚC.

Các Tông đồ của Chúa Giêsu cũng vậy. Bài Tin mừng hôm nay kể rằng, các Tông đồ hạnh phúc nhìn ngắm vinh quang khi Chúa hiển dung trên núi một cách say mê, như chiêm bao, như đang ly thoát cõi trần.

Những tưởng hạnh phúc ấy kéo dài, để còn cất lều, dựng nhà mà chiếm hạnh phúc! Nào ngờ, đó chỉ là ánh chớp chợt lóe lên rồi lịm tắt, trả các Tông đồ lại với đời thường.

Vinh quang núi cao chấm dứt. Vài ngày nữa thôi, thay vào vinh quang ấy, các Tông đồ chứng kiến cảnh tượng chưa từng có, thậm chí chưa từng hiện diện chút xíu nào trong tâm trí: Thầy của mình hấp hối, sợ hãi trước cái chết đến nỗi toát mồ hôi pha trong máu.

Các Tông đồ sẽ còn chứng kiến cảnh tượng sỉ nhục không gì sỉ nhục bằng: Thầy bị lột sạch cho đến trần trụi, không đơn thuần là mảnh áo mà còn là nhân vị con người.

Cuối cùng, trên đỉnh sỉ nhục, Thầy dang tay chịu treo giữa trời giữa đất, giữa muôn tiếng sỉ vả, nguyền rủa, để rồi gục đầu chết tức tưởi trong đơn độc, trong đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác...

Đức tin của các Tông đồ bị thách thức quá lớn. Theo Thầy là để được cái gì, đàng này mất tất cả. Chính Thầy lại là người mất mạng sống trước tiên. Có còn gì thua thiệt cho bằng để mà nói, để mà có thể so sánh!...

Nhưng vẫn còn một điều hết sức quan trọng: Chính trong tăm tối của đức tin, các Tông đồ của Chúa biết Chúa của mình đã sống lại. Chính các ngài đã vượt qua nỗi đau cuộc đời, vượt qua sự tăm tối của bất hạnh để đặt nền móng cho Hội Thánh khắp nơi trên thế giới này.

Cũng như Tổ phụ Abraham, như Thủ lãnh Môisen, và như Tiên tri Êlia, đó là nghị lực, là ý chí của các Tông đồ. Sau khi lãnh nhận Thánh Thần của Chúa Phục Sinh, sau khi đã hiểu lối đường của Thiên Chúa, các Tông đồ của Chúa Giêsu đã băng mình, vượt mọi trùng khơi, lao vào sự nghiệp xây dựng Nước Chúa nơi trần thế, mang ơn cứu rỗi đến tận chân trời, góc biển...
III. ĐẾN LƯỢT CHÚNG TA.

Dù là người Công giáo, cũng như mọi người sống trong cuộc đời này: có đau khổ và hạnh phúc. Rất có thể đau khổ triền miên, còn hạnh phúc lại chỉ như một ánh chớp lóe lên, rồi lịm tắt, để lại một lối đi tăm tối mênh mông. Lúc đó đức tin chúng ta bị thử thách nặng nề.

Hãy nhìn ngắm mẫu gương của Tổ phụ Abraham, của Thủ lãnh Môisen, của Tiên tri Êlia và của các Tông đồ của Chúa Giêsu, nhờ đó, ta thêm nghị lực và ý chí mà sống đời sống đức tin của mình.

Suy niệm Lời Chúa trong ngày Chúa nhật thứ II mùa Chay này, chúng ta nhận thấy lòng từ nhân và tình thương yêu vô cùng của Chúa, luôn đưa dẫn lịch sử nhân loại đi vào mầu nhiệm cứu độ của Người.

Vì thế, ta hãy xác tín rằng, thánh ý Chúa luôn khôn ngoan. Người sẽ chăm sóc, sẽ quan phòng xếp đặt tất cả những gì cần thiết cho cuộc đời của ta theo ý Người. Hãy nhớ, trước mặt Chúa, ơn phần rỗi của ta mới là điều quan trọng trên hết. Hãy trung thành trong mọi hoàn cảnh để đạt tới ơn cứu rỗi Chúa ban.

Ngoài ra, ta còn thấy, dù đau khổ, tự bản chất là điều xấu, tuy nhiên, trong cái nhìn đức tin, trong tương quan với ơn cứu độ, nhất là trong lòng yêu mến và tín thác cho Thiên Chúa, đau khổ vẫn mang lại nhiều giá trị tích cực to lớn.

Đau khổ sẽ tinh luyện tâm hồn ta tinh ròng, giúp ta yêu mến Chúa hơn. Đau khổ làm cho ta trưởng thành về nhân cách, về sự chịu đựng, về lòng trông cậy nơi Chúa, nếu ta biết hiến dâng cho Chúa tất cả sự chấp nhận của mình. Đau khổ dạy ta bài học của tình yêu, thông cảm, nhờ đó ta hiểu sâu xa hơn nỗi đau của anh chị em xung quanh mình…

Hãy hiến dâng Thiên Chúa đức tin của mình. Hãy mạnh dạn tin để thấy ơn Chúa kỳ diệu trong từng khoảnh khắc của đời ta. Lời thánh Phaolô căn dặn đáng được chúng ta ghi khắc để luôn sống: “Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thấn” (Eph 6, 20).

“Mọi tên lửa” mà ta “có thể dập tắt”, là sự nghi nan, là lòng mất bình an, là lời trách móc Thiên Chúa, là bao nhiêu chai lỳ, là tội lỗi, là sự chán nản muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc… Tất cả chỉ nhờ đức tin, và trong đức tin mà ta chiến thắng, và sẽ tồn tại trong ơn cứu độ đời đời mà thôi.

Vậy, đặt đức tin và lòng yêu mến trọn đời mình nơi Thiên Chúa, nơi Chúa Kitô, Con của Người, mỗi người hãy cất cao lời xác tín: “Cho dù là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”(Rm 8, 38-39).


Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

 

VỀ MỤC LỤC


 HÃY LẮNG NGHE LỜI CHÚA

 

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY, NĂM  A (12-3-2017)



St 12:1-4a; 2Tm 1:8b-10; Mt 17:1-9

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh



 


 

ABRAHAM LÀ CHA CỦA NIỀM TIN

Abraham là người của sứ mệnh, một vị thừa sai tuyệt vời. Ông được cả 3 tôn giáo lớn trên thế giới tôn sùng là Kito giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo. Ông là người sáng lập quốc gia Israel. Tên ông được nói tới 308 lần trong Cựu Ước và Tân Ước. Ông là người đã thay đổi cả giòng lịch sử thế giới. Trong bài đọc 1 hôm nay (St 12:1-4a), Lời Chúa nói với Abraham như một mệnh lệnh:“Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi…” Thiên Chúa truyền lệnh cho Abraham phải cắt bỏ mọi liên hệ tổ quốc, bà con họ hàng, và cuối cùng cả gia đình cha mẹ ruột thịt (c.1). Chúa kêu gọi ông phải lắng nghe và trung thành với lời Chúa bất kể những ràng buộc gia đình vợ con là liên hệ quan trọng nhất ở thời thượng cổ lúc đó. Tuy nhiên kém theo mệnh lệnh này lại là một lời hứa đầy quyền lực. Thiên Chúa hứa với Abraham “một vùng đất phì nhiêu mà Người sẽ chỉ cho biết.” Chúa lại hứa làm cho giòng giống Abraham thành một quốc gia vĩ đại, con cháu đầy đàn vô kể. Chưa hết, Chúa còn hứa  chúc phúc” cho Abraham đầy đủ Phúc Lộc Thọ, làm ăn Phát Tài, Danh Thơm luu truyền.

Từ bài đọc 1 này, chúng ta biết được là dân Chúa chọn sẽ không bao giờ bị cô đơn. Họ được kêu gọi phải làm triển nở sứ mệnh của mình rộng lớn hơn, không được co cụm lại cho mình. Họ không được phép độc chiếm những ưu tư của Thiên Chúa. Người hứa luôn luôn ở với mọi tạo vật và toàn thể nhân loại. Abraham chấp nhận những ân phúc đó và đem chia sẻ cho những dân tộc khác trong suốt cuộc đời ông đến cháu ông là ông Lot cùng với sự can thiệp đầy quả cảm của ông nhân danh thành Sodom và Gomorrah (St 18:22-23) và giao ước của ông với vua Abimelech (St 21:22-34). Đến đây ta nên để ý đến hậu ý của câu chuyện này. Một phần chúc phúc mà Thiên Chúa hứa với Abraham là “làm cho danh tiếng ông lẫy lừng”. Những kẻ cố xây tháp cao chọc trời (St 11:1-9) trong sách Sáng Thế lại có chủ đích làm cho cá nhân tên tuổi họ nổi (c.4). Quả vậy kế hoạch kiêu ngạo ích kỷ đó chỉ dẫn đến thất bại và phân tán. Danh thơm muôn đời mà Thiên Chúa đã hứa với Abraham chỉ là một tặng vật với mục đích “ngươi sẽ được chúc phúc”(c.3). Bạn bè của Abraham sẽ được chúc phúc, còn kẻ thù sẽ bị chúc dữ.

Khi nghe câu chuyện Abraham, người của sứ mệnh và cha của niềm tin, chúng ta nên tự hỏi chúng ta có phải là người của sứ mệnh không? Abraham đã lắng nghe tiếng nói, mệnh lệnh và sự thôi thúc của Thiên Chúa. Chúng ta đã lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, Chúa Con là đức Giesu Kito như thế nào? Niềm tin của Abraham là coi Lời Chúa lá quan trọng và rời Ur ngay để đi về Miền Đất Hứa. Cuộc phiêu luu này sẽ khởi sự khi chúng ta nói lời “Xin Vâng”. Chúa chẳng hỏi chúng ta cái gì khác hơn lời Chúa đã hỏi Abraham: Hãy lắng nghe Người, hãy tin và thi hành. Niềm tin chúng ta dù còn yếu, nhưng chúng ta tin chắc Chúa thì mạnh. Dú chúng ta nhìn thấy con đường trước mặt, nhưng Chúa củng đã thấy và ghi trong cuộc đời chúng ta và hướng dẫn chúng ta ra khỏi Ur để đi vào Đất Hứa. Để bắt đầu tiến trình, chúng ta phải lắng nghe, tin tưởng và vâng theo Lời Thiên Chúa. 

 

VINH QUANG CỦA CHÚA KITO

Chúng ta chọn bản tóm tắt bài Tin Mừng Mathieu hôm nay Chúa Giesu biến hình (Mt17:1-9) của Biển Đức XVI  làm sứ điệp mùa chay:   

Chúa biến hình cho thấy sự vinh quang của Chúa Kito, báo trước cuộc phục sinh và loan báo chúa Kito là Thiên Chúa. Cộng đồng Kito hữu biết Chúa Giesu làm điều đó, -như  các ông Phero, Giacobe và Gioan lúc đó ở trên đỉnh núi (Mt 17:1)- để một lần nữa chấp nhận mọi con cái nam nữ trong đức Kito là chúa Con, một tặng vật do hồng ân Thiên Chúa ban: “Này là Con ta yêu dấu, Ta rất hài lòng về Người.. Các ngươi hãy nghe lời Người” (c.5). Đây là lời mời gọi hãy xa lánh cảnh ồn ào trong cuộc sống hàng ngày để lắng chìm trong Thiên Chúa. Người ước mong Lời Chúa ban cho chúng ta hàng ngày được thấm nhuần xâu đậm trong tâm trí chúng ta để chúng ta biết phân biệt tốt xấu (Dt 4:12), thêm sức mạnh nguyện ước của chúng ta để bước theo Chúa.

Người ta chỉ có thể phỏng đoán những gì ở đằng sau câu chuyện biến hình là một trong những viễn kiến đứng đắn và huyền bí nhất (Mc 9:2-8; Mt 17:1-8; Lc 9:28-36). Chính Phero, Giacobe và Gioan đã có những cảm nghiệm kinh hoàng ở trên núi. Trước mắt các ông, một Giesu mà các ông đã từng quen biết và thường đi với nhau giờ này đã biến hình. Diện mạo Người sáng ngời; áo quần Người tỏa ánh sáng trắng xóa. Bên cạnh Người bao phủ ánh vinh quang có ông Maisen, người giải phóng uy quyền đã từng dẫn dắt dân Israel khỏi cảnh nô lệ và Elijah một tiên tri vĩ đại nhất của Israel. Họ bàn bạc với chúa Giesu về cái chết và phục sinh của Người sẽ xẩy ra ở Jerusalem. Các môn đê hoàn toàn kinh hãi. Phero hốt hoảng thốt nên lời: “Thưa Thầy, ở đây thì tốt quá, xin để chúng tôi dựng 3 lều cho Thấy, Elijah và Maisen.” Nhưng bất thần từ đám mây sáng chói có tiếng nói phát ra như sấm sét, tiếng nói của Thiên Chúa: “Đây là Con ta yêu dấu, hãy nghe Lời Người.”

 

CHI TIẾT CÂU CHUYỆN CHÚA GIESU BIẾN HÌNH

Chúng ta hãy để ý những chỗ Mathieu nhấn mạnh trong câu chuyện biến hình (Mt 17:1-9). Câu chuyện quả quyết đức Giesu là Con Thiên Chúa (c.5) và chỉ rõ việc hoàn thành lời tiên đoán Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người vào ngày tận cùng (16:27). Một số người lại cắt nghĩa chuyện này là việc Chúa phục sinh sau khi chết trên thánh giá. Cách cắt nghĩa này không được chỉnh bởi vì thiếu nhiều yếu tố đã được kể lại về việc Chúa sống lại. Câu chuyện về Chúa Giesu ở trên núi Tabor mà Mathieu kể dựa theo Cựu Ước và văn phong khải huyền không theo luật Do Thái đã nói lên cành thiên đàng và Thiên Chúa như ánh sáng chói lòa, áo trắng toát và mây trời bao phủ. Núi cao được xác định là núi Tabor hay Hermon, nhưng có lẽ một ngọn núi không đặc biệt nào đó đã được thánh sử nói đến hoặc theo như Marco (Mc 9:2). Ý nghĩa này có tính thần học hơn là địa dư, mà cũng có thể để nhắc lại việc Chúa mạc khải cho ông Maisen và Elijah ở trên núi Sinai (Xh 24:12-18; 1V 19:8-18; Horeb=Sinai).

 

TIẾNG NÓI PHÁT RA TỪ TRỜI

Tiếng nói phát ra từ trời ở trên đỉnh núi cũng được nhắc lại khi chúa Giesu chịu phép rửa (Mt 3:17) và còn thêm một mệnh lệnh “Hãy nghe lời Người”. Câu này cũng có trong sách đệ nhị luật 18:15 khi Thiên Chúa ra lệnh cho dân Israel phải nghe lời ông Maisen. Lệnh phải nghe lời chúa Giesu thì có tính tổng quát, nhưng ở đây có thể hiểu là lời tiên đoán Chúa chịu nạn và phục sinh (Mt 16:21) và ngày Chúa trở lại lần thứ hai (Mt 16: 27-28). Điều đăc biệt nhất ở câu “Tiếng nói phát ra từ trời” thì ở đây cũng như trong Cựu Ước một cách tổng quát, “Lời” phải ưu tiên hiểu theo nghĩa “viễn kiến” (c.9) để diễn tả sự biến hình. Nhìn Chúa Giesu biến hình trên đỉnh núi Tabor có ý nghĩa và giá trị khi nào nó dẫn đưa các tông đồ / môn đệ biết lắng nghe và vâng theo giảng huấn của Người.

 

CHỨNG NHÂN VỀ VINH QUANG VÀ HẤP HỐI CỦA CHÚA KITO

Phero, Giacobe và Gioan đã hiện diện với chúa Giesu trong lúc vinh quang trên núi Tabor. Hãy coi gương mặt Chúa Giesu trong vườn Giet Si Mani lúc Người chiến đấu với số phận. Những ai chứng kiến sự vinh quang của Người trên thiên đàng thì cũng phải chứng kiến cuộc khổ nạn và hấp hối của Người ở trần thế. Nếu những ai theo Chúa muốn chia sẻ sự vinh quang của Người trong tương lại thì cũng phải tham dự  nỗi khổ cực với Người.

Qua câu chuyện Chúa biến hình chúng ta nện tự vấn mình đã lắng nghe Lời Chúa thế nào?  Lắng nghe rồi thì hành động ra sao?  Những trải nghiệm trên đỉnh núi chiếu tỏa ánh sáng trên mây mù và đêm tối cuộc đời chúng ta thế nào? Cuộc sống chúng ta sẽ là gì nếu không có những trải nghiệm đỉnh núi? Chúng ta có thường xuyên trở lại những cảm nghiệm đó dù ít ỏi nhưng đặc biệt để thêm sức mạnh và lòng quả cảm không?

Sự kiện biến hình tuyệt vời ấy có thể là bình chứa ân sủng, an ủi và bình an cho các tông đồ và môn đệ chúa Giesu khi ở Jerusalem trên một ngọn đồi khác, ở đó họ chứng kiến một gương mặt bị xỉ nhổ, bê bết máu, áo quần bị rách tươm vì quân dữ đánh đập và còn bắt thăm chia nhau. Diện mạo Chúa Giesu đã không tỏa ánh hào quang trên thập giá. Vậy tại sao Chúa lại dấu ánh vinh quang đó trên núi Tabor không cho ai biết trừ 3 ông Phero, Giacobe và Gioan? Tại sao Chúa không tỏ lộ vinh quang trên thập giá?

Chúng ta cần phải trải nghiệm cà hai nơi -đồi Golgotha và núi Tabor- để nhìn nhận vinh quang Chúa. Hãy nhìn sự Biến Hình như một thánh lễ tôn vinh sự hiện diện của chúa Kito, người đang hành động trong chúng ta mọi nơi mọi lúc khi vui cũng như lúc buồn. Thiên Chúa xâm nhập cở thể chúng ta vào mọi cơ quan trong ngoài để giúp chúng ta. Thiên Chúa xâm nhập đời sống chúng ta cùng với Chúa Thánh Thần và hành động trên mọi phần cơ thể, biến chúng thành diện mạo, lời an ủi và an bình của chúa Kito.


 

SỐNG MÙA CHAY THÁNH TRONG TUẦN

1- Nhờ ánh sáng những bài đọc hôm nay, chúng ta thử coi lại đoạn #73 trong tông huấn hậu thượng hội đồng của đức Benedict XVI về lời Chúa / Verbum Domini trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, đồng thời suy nghĩ làm sao chúng ta có thể để cho Kinh Thánh cảm hứng chúng ta trong các công tác mục vụ.

Xuyên suốt những giòng này, tong huấn kêu gọi một cam kết đặc biệt về mục vụ, nhấn mạnh vào trọng điểm của Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, và đưa ra một phương cách “hoạt dộng tông đồ dựa vào kinh thánh”, không phải chỉ hời hợt bề ngoài mà nhắm vào việc thực hành kinh thánh được linh hứng qua công tác mục vụ”. Điều này không có nghĩa là thêm vào cuộc hội họp ở chố này chỗ kia trong các giáo xứ hay giáo phận, nhưng là xem xét những hoạt động bình thường của cộng đồng Kito hữu trong các giáo xứ, hội đoàn hay phong trào để xem họ có thực sự quan tâm đến việc gặp gỡ với Chúa Kito của từng cá nhân không, vì Người đã hiến mình cho chúng ta trong Lởi của Người. Bởi vì : “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kito”, biến Kinh Thánh thành linh hứng cho những hành động mục vụ bình thường và đặc biệt sẽ dẫn đưa tới nhận biết lớn lao con người Chúa Kito, đấng đã thể hiện Thiên Chúa Cha và là mạc khải Thiên Chúa một cách trọn vẹn.

Vì lý do này, tôi khuyến khích các mục tử và giáo dân nhận ra sự quan trọng phải nhấn mạnh này về Kinh Thánh: nó cũng là cách tốt nhất để đương đầu với một số vấn đề đã được bàn luận tại thượng hội đồng và phải thi hành, chẳng hạn, với sự phát sinh những phong trào đang cố tình làm méo mó việc đọc Kinh Thánh. Ở đâu các tín hữu không được giúp đỡ để biết Kinh Thánh cho phù hợp với niềm tin và truyền thống sống của Giáo Hội thì khoảng trống mục vụ đó sẽ trở thành khu đất phì nhiêu trong thực tế để các phong trào đó bắt rễ.  Dự phòng cũng phải có để chuẩn bị thích hợp cho những linh mục  và giáo dân có thể hướng dẫn dân Chúa tiếp cận thực sự với Kinh Thánh.

Ngoài ra, như đã từng mang ra trong các cuộc họp của Thượng Hội Đồng, hoạt động mục vụ cũng nên ưu tiên để cho các cộng đồng nhỏ lớn mạnh, là những cộng dồng “do những gia đình hay xứ đạo hoặc có liên hệ với những phong trào khác nhau của Giáo Hội và những cộng đồng mới”, họ có thể giúp khuyến khích dào tạo, cầu nguyện và hiểu biết Kinh Thánh theo niềm tin của Giáo Hội.

2- Hãy cầu nguyện cho cộng đồng giáo dân “Mondo X” đang cung cấp nhà tĩnh tâm ở  đỉnh núi Tabor ngay trung tâm Israel . Cộng đồng chữa lành Ý này do cha Eligio, dòng Phan sinh thành lập năm 1967, đã giúp nơi nghỉ ngơi cho lữ khách qua cơn buồn phiền và tai họa trong đời. Thăm viếng cộng đồng này nhiều lần tại chính nơi Chúa Giesu đã biến hình, tôi đã chứng kiến sự hiện diện của chúa Kito biến hình đã mang người ta trở lại cuộc sống, chữa lành và phục hồi họ, mang hy vọng cho những kẻ cô đơn, đổ vỡ vì đau khổ và mất niềm tin.

3- Hãy cầu nguyện đặc biệt cho hòa bình thế giới, cho dân oan, những người bị ức hiếp mất đất mất nhà ở Việt Nam, nhất là cho đồng bào 4 tỉnh miền Trung đang chịu khổ, không công ăn việc làm, không tương lai do họa Formosa. Xin quyền năng Chúa biến hình che chở những kẻ đang gặp nguy hiểm, an ủi những kẻ đau khổ, ban an bình cho những kẻ khóc than, công lý và lòng trắc ẩn cho những kẻ cầm quyền, bề trên.


 

NTC


VỀ MỤC LỤC


tải về 1.04 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương