Bán nguyệt san – Số 245 – Chúa nhật 29. 03. 2015



tải về 0.71 Mb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu08.05.2018
Kích0.71 Mb.
#37767
  1   2   3   4


Bán nguyệt san – Số 245 – Chúa nhật 29.03.2015


Giáo sĩ: ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI VÀ CHO LOÀI NGƯỜI (x. Dt, 5.1)

www.conggiaovietnam.net giaosivietnam@gmail.com



MỤC LỤC

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN - MỤC TIÊU PHẢI ĐẠT TỚI …………………… Vatican 2

ĐTC PHANXICÔ: HÃY CẦU NGUYỆN CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ GIA ĐÌNH

………………………………………………………………….Phaolo Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

KHỔ NẠN CỦA CHÚA LÀ HY VỌNG CỦA CHÚNG TA ……… Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD.

TẠI LÀM SAO CHÚA CHẾT? …………………………………………. Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

LÀM CHỨNG CHO ĐẤNG PHỤC SINH …………….…………….. Giêrônimô Nguyễn Văn Nội    

CHỈ CẦN TIN LÀ ĐƯỢC CỨU ĐỘ ? ……………………………………. Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

CHẶNG ĐÀNG THÁNH GIÁ LÒNG THƯƠNG XÓT- NĂM TÂN PHÚC ÂM HÓA TRONG ĐỜI SỐNG GIÁO XỨ VÀ CỘNG ĐOÀN DÂNG ……………………………. Lm. Jos Trần Đình Long sss

TRUYỀN THÔNG CÔNG GIÁO PHỤC VỤ CHO SỰ THẬT, VẺ ĐẸP VÀ ĐIỀU THIỆN HẢO

………………………………………………………………………………………. Hoàng Minh, VRNs

BINH GIÁP CỦA THIÊN CHÚA ………………………………………… Lm. Minh Anh chuyển ngữ

CỘNG ĐOÀN HIỆP THÔNG ………………………………... Lm. Micae Phaolo Trần Minh Huy, pss.

KỈ NIỆM 400 NĂM CHỮ QUỐC NGỮ RA ĐỜI (1615-2015) …….. Nữ tu Bùi Thị Minh Thùy, OP.

KHOẢNG CÁCH THẾ HỆ ……………………………………………………. Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN - MỤC TIÊU PHẢI ĐẠT TỚI

Thánh Công Ðồng Chung Vaticanô II 



Bản dịch của Ủy Ban Gíao Lý Đức Tin, HĐGMVN
LTS: BBT CGVN và Đặc San GSVN hân hạnh giới thiệu trọn bộ 16 Văn Kiện Công Đồng Vatican 2, bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN, ấn bản mới nhất, giá bán lẻ tại các Nhà Sách Công Giáo 120.000VN.
Suốt hơn 10 năm qua trên Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam chúng con đã trung thành phổ biến bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện PIO X Đà Lạt; Nay với trọn tấm lòng biết ơn các dịch giả qua các thời kỳ, chúng con xin tiếp tục công việc tối cần thiết này nhưng với một bản dịch hoàn chỉnh hơn - Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN. Rất mong được mọi người đón nhận, hỗ trợ việc phổ biến tài liệu quí này như KIM CHỈ NAM đích thực, đầy đủ và hoàn hảo cho mọi thành phần Dân Chúa. Chúng ta đang sống trong thời điểm kỷ niệm 50 năm Thánh Công Đồng Chung Vatican 2; Dân Chúa Việt Nam khi dành thời gian đọc lại các Hiến Chế, Sắc Lệnh, Tuyên Ngôn sẽ luôn nhận ra điều mới mẻ và hữu ích cho từng cá nhân cũng như cộng đoàn.
Chúng con xin chân thành cám ơn Quí Đức Cha, Quí Cha Ủy Ban GLĐT đã sẵn lòng cho phép chúng con giới thiệu bản văn quí giá này qua internet. Quí Cha và Quí Vị có thể yêu cầu nhận trọn bộ hay từng Văn Kiện cụ thể trên một file word qua email, hoặc cũng có thể tải về máy tại địa chỉ: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=subject&is=31
Xin chân thành cám ơn
BBT CGVN & Đặc San GSVN



PHAOLÔ GIÁM MỤC
TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ


SẮC LỆNH
VỀ HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN
APOSTOLICAM ACTUOSITATEM

Ngày 18 tháng 11 năm 1965

CHƯƠNG II
MỤC TIÊU PHẢI ĐẠT TỚI

5. Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô cốt yếu nhằm cứu rỗi nhân loại, nhưng cũng bao hàm việc canh tân tất cả trật tự trần thế. Do đó, Giáo Hội có sứ mệnh không chỉ đem Tin Mừng và ân sủng của Chúa Kitô cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện hoá lãnh vực thực tại trần thế. Bởi vậy, trong khi thi hành sứ mệnh này của Giáo Hội, người giáo dân hoạt động tông đồ ngay trong Giáo Hội cũng như giữa đời, trong lãnh vực thiêng liêng cũng như trong lãnh vực trần thế. Hai lãnh vực tuy khác biệt, nhưng lại nối kết với nhau trong ý định duy nhất của Thiên Chúa, đến nỗi chính Thiên Chúa muốn thâu tóm toàn thể vũ trụ trong Chúa Kitô để làm nên một tạo vật mới, khởi sự ngay ở trần gian và hoàn tất trong ngày sau hết. Trong cả hai lãnh vực, người giáo dân, vừa là tín hữu vừa là công dân, phải được hướng dẫn liên tục bởi cùng một lương tâm Kitô hữu.

6. Sứ mệnh của Giáo Hội liên quan đến ơn cứu độ mà con người sẽ nhận được nhờ lòng tin vào Chúa Kitô và nhờ ân sủng của Người. Như vậy, việc tông đồ của Giáo Hội và của tất cả các tín hữu trước hết hướng đến việc loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và chuyển thông ân sủng của Người cho trần gian. Công việc này được thực hiện chủ yếu do thừa tác vụ rao giảng lời Chúa và trao ban các bí tích, được giao phó đặc biệt cho hàng giáo sĩ, trong tác vụ đó, cả giáo dân cũng giữ một vai trò rất quan trọng để trở thành “những người cộng tác trong việc truyền bá chân lý” (3 Ga 8). Đây là lãnh vực đặc biệt trong đó hoạt động tông đồ giáo dân và tác vụ mục tử bổ túc cho nhau.

Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ để Phúc âm hoá và thánh hóa mọi người. Chính chứng tá của đời sống Kitô hữu và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo mọi người đến với đức tin và gặp gỡ Thiên Chúa; thật vậy, chính Chúa đã bảo: “Sự sáng các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16).

Tuy nhiên việc tông đồ không chỉ giới hạn trong việc làm chứng bằng đời sống; người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho những người chưa tin để đưa họ đến với đức tin, hoặc cho các tín hữu để giáo huấn, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn; thật vậy, “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14), và trong lòng mọi người phải luôn vang vọng lời Thánh Tông Đồ: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16)1.

Thời đại chúng ta có nhiều vấn đề mới được đặt ra và có nhiều sai lầm trầm trọng đang được phổ biến nhằm khuynh đảo tận gốc tôn giáo, trật tự luân lý và chính xã hội nhân loại, nên Thánh Công Đồng tha thiết khuyên nhủ giáo dân, mỗi người tùy theo khả năng và kiến thức giáo lý của mình, hãy tận tâm chu toàn phận vụ theo tinh thần của Giáo Hội trong việc làm sáng tỏ, bảo vệ và áp dụng đúng đắn các nguyên tắc Kitô giáo vào những vấn đề của thời đại này.



7. Chắc chắn ý định của Thiên Chúa về thế giới là muốn con người đồng tâm kiến tạo và không ngừng hoàn thiện hóa trật tự trần thế.

Tất cả những gì tạo nên trật tự trần thế, chẳng hạn những thiện ích của cuộc sống và gia đình, nền văn hóa, kinh tế, nghệ thuật và nghề nghiệp, các thể chế của cộng đồng chính trị, mối bang giao quốc tế, và những thực tại tương tự khác, cũng như sự biến chuyển và tiến bộ trong mọi lãnh vực, tất cả những thực tại đó không chỉ là phương tiện để con người đạt đến cùng đích của mình, nhưng còn có giá trị riêng do chính Thiên Chúa đặt định, hoặc xét ngay trong chính bản chất của chúng, hoặc xét như thành phần của toàn thể trật tự trần thế: “Thiên Chúa nhìn muôn vật Ngài đã tạo thành và thấy tất cả đều rất tốt đẹp” (St 1,31). Sự tốt lành tự nhiên ấy của vạn vật còn có thêm một giá trị đặc biệt do có liên hệ với con người, vì đã được tạo dựng để phục vụ con người. Sau cùng, Thiên Chúa đã muốn qui tập tất cả mọi thực tại, tự nhiên cũng như siêu nhiên, nên một trong Chúa Giêsu Kitô “để trong mọi sự, Người đứng hàng đầu” (Cl 1,18). Tuy nhiên, sự thiên định này không hề làm cho trật tự trần thế mất đi sự tự lập, cứu cánh riêng cũng như các định luật và phương tiện riêng, hay mất đi tầm quan trọng của chúng vì ích lợi của con người, nhưng trái lại còn làm cho sức mạnh và giá trị của chính trật tự đó thêm hoàn hảo, đồng thời còn nâng trật tự trần thế lên tầm mức xứng với ơn gọi toàn diện của con người nơi trần thế.

Qua dòng lịch sử, việc sử dụng các thực tại trần thế đã mắc phải những sai lạc trầm trọng, do loài người đã bị nhiễm tội nguyên tổ, thường vướng vào nhiều sai lầm về Thiên Chúa chân thật, về bản tính con người và về các nguyên tắc của luật luân lý: do đó, phong hóa và những định chế của loài người bị hư hỏng, và chính con người nhiều khi cũng bị chà đạp. Ngày nay cũng vậy, nhiều người vì quá tin tưởng vào tiến bộ khoa học và kỹ thuật, nên dường như muốn tôn thờ các thực tại trần thế, đến nỗi trở thành nô lệ thay vì làm chủ chúng.

Công việc của toàn thể Giáo Hội chính là làm cho con người có khả năng xây dựng đúng đắn toàn thể trật tự trần thế và qui hướng chúng về Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô. Các vị chủ chăn có nhiệm vụ trình bày rõ ràng các nguyên tắc về mục đích của việc tạo dựng và về cách sử dụng vạn vật trên thế gian này, đem lại sự trợ giúp tinh thần và thiêng liêng để các thực tại trần thể được canh tân trong Chúa Kitô.

Giáo dân phải đảm nhận việc canh tân trật tự trần thế như là trách nhiệm riêng của mình. Trong lãnh vực này, được ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, được tinh thần Giáo Hội hướng dẫn, được thúc đẩy bởi lòng bác ái Kitô giáo, người giáo dân phải trực tiếp hành động cách cương quyết; với tư cách là công dân, họ phải cộng tác với các công dân khác theo khả năng chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của mình; họ phải tìm sự công chính của nước Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi sự. Trật tự trần thế, với toàn bộ những định luật riêng của nó vẫn luôn được tôn trọng, cần phải được canh tân sao cho phù hợp với các nguyên tắc cao quí hơn của đời sống Kitô hữu và thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau của các địa phương, các thời đại và các dân tộc. Nổi bật hơn cả trong các công việc tông đồ chính là hoạt động xã hội của người Kitô hữu, và Thánh Công Đồng ước ao hoạt động đó lan đến mọi lãnh vực trần thế kể cả lãnh vực văn hóa2.

8. Mọi hoạt động tông đồ đều bắt nguồn và tiếp nhận sức mạnh từ đức ái, tuy nhiên một số công việc tự bản chất rất thích hợp để biểu hiện cách sống động đức bác ái; chính Chúa Kitô cũng đã xem đó là dấu chỉ cho thấy sứ mệnh cứu độ của Người (x. Mt 11,4-5).

Điều răn quan trọng nhất trong lề luật là yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn và yêu thương tha nhân như chính mình (x. Mt 22,37-40). Thật vậy, Chúa Kitô đã nhận giới luật yêu thương tha nhân như điều răn riêng của Người và đưa vào đó một ý nghĩa mới phong phú hơn nhiều, khi Người tự đồng hóa với anh em của Người, chính là đối tượng của lòng bác ái, Người nói: “mỗi lần các ngươi làm những việc đó cho một trong những người anh em hèn mọn của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Thật vậy, khi nhận lấy bản tính nhân loại, Người đã kết hợp toàn thể nhân loại thành một gia đình duy nhất bằng mối dây liên đới siêu nhiên, và đã dùng đức bác ái làm dấu chỉ của người môn đệ, khi nói: “người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Trong thời sơ khai, khi đặt bữa ăn thân tình “agapè” gắn liền với bữa tiệc Thánh Thể, Hội Thánh đã chứng tỏ mình đang hoàn toàn hợp nhất trong tình yêu thương chung quanh Chúa Kitô. Như vậy, bất cứ ở thời đại nào, người ta cũng nhận ra Giáo Hội nhờ dấu chỉ tình yêu này, và Giáo Hội, trong khi vẫn vui mừng trước những sáng kiến của người khác, đã tự đảm nhận những công cuộc bác ái như là nhiệm vụ và quyền lợi bất khả di nhượng của mình. Vì thế, Giáo Hội đặc biệt đề cao lòng thương xót đối với người nghèo đói, bệnh tật, cũng như các công việc được gọi là từ thiện và tương trợ để xoa dịu mọi nỗi thống khổ của nhân loại3.

Thời nay, nhờ những phương tiện giao thông dễ dàng và nhanh chóng hơn, khoảng cách giữa con người gần như không còn nữa, và dân chúng trên khắp hoàn cầu được coi như những người cùng sống trong một gia đình, nên những hoạt động và những tổ chức bác ái càng trở nên khẩn thiết hơn và phải mang chiều kích toàn cầu. Ngày nay, hoạt động bác ái có thể và phải nhắm tới tất cả mọi người và mọi nhu cầu. Ở đâu có người thiếu ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu nhà ở, thiếu thuốc men, thiếu việc làm, thiếu giáo dục, thiếu những phương tiện cần thiết để sống xứng với nhân phẩm, ở đâu có người bị đau khổ vì nghịch cảnh hay bệnh tật, chịu cảnh lưu đày hay tù ngục, thì ở đó bác ái Kitô giáo phải tìm gặp, ân cần săn sóc, ủi an và xoa dịu họ bằng những trợ giúp thích đáng. Bổn phận này trước tiên là của từng cá nhân và của những dân tộc giàu mạnh4.

Để việc thực thi bác ái không còn bị chối bỏ và trở thành bác ái đích thực, cần phải thấy nơi tha nhân hình ảnh Thiên Chúa theo đó họ đã được dựng nên, và nhận ra Chúa Kitô, Đấng mà những gì được trao tặng cho người nghèo thật ra là được dâng lên cho chính Người. Phải hết sức tế nhị tôn trọng tự do và nhân phẩm của người được trợ giúp. Đừng làm hoen ố ý hướng ngay lành vì mưu cầu tư lợi hay vì một tham vọng thống trị nào5. Phải đáp ứng những đòi hỏi công bình trước, đừng để những quà tặng bác ái thật ra chỉ là món nợ phải đền trả theo lẽ công bình. Phải tổ chức giúp đỡ sao cho những người được trợ giúp dần dần thoát khỏi sự lệ thuộc người khác và có thể tự túc.

Vậy người giáo dân phải quí trọng và tùy sức giúp vào các việc từ thiện và những chương trình cứu trợ xã hội của tư nhân cũng như của quốc gia, kể cả quốc tế, nhờ đó có thể trợ giúp hữu hiệu cho các cá nhân và những dân tộc đang gặp cảnh khốn cùng, qua sự cộng tác với tất cả những người thiện chí6.



Còn tiếp

VỀ MỤC LỤC
ĐTC PHANXICÔ: HÃY CẦU NGUYỆN CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VỀ GIA ĐÌNH

 

Tôi xin anh chị em vui lòng đừng tiếc lời cầu nguyện của anh chị em.  Tất cả mọi người – từ Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám Mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân - chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục.  Có điều này rất cần là đừng bàn ra tán vào!”



Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 25  tháng 3 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC mời gọi mọi người cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình.

* * *


Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong cuộc hành trình giáo lý về gia đình của chúng ta, hôm nay là một bước hơi đặc biệt: một tạm ngưng để cầu nguyện.

Thực ra, vào ngày 25 tháng ba, Hội Thánh long trọng mừng Lễ Truyền Tin, mở đầu mầu nhiệm Nhập Thể.  Tổng lãnh thiên thần Gabriel đã đến viếng thăm Người Thiếu Nữ khiêm tốn thành Nagiareth cùng loan báo rằng cô sẽ thụ thai và sinh hạ Con Thiên Chúa.  Với Lời Loan Báo này, Chúa soi sáng và củng cố đức tin của Đức Maria, cũng như sau đó Ngài sẽ làm cho chồng Mẹ là Thánh Giuse, để Chúa Giêsu có thể được sinh ra trong một gia đình nhân loại.  Điều này rất tốt đẹp: nó cho thấy mầu nhiệm Nhập Thể sâu thẳm thế nào, như Thiên Chúa muốn, không những chỉ bao gồm việc thụ thai trong lòng mẹ, mà còn việc đón nhận vào một  gia đình thật sự.  Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em chiêm ngắm vẻ đẹp của mối liên hệ này, vẻ đẹp của việc hạ cố này của Thiên Chúa; và chúng ta có thể làm thế bằng cách cùng nhau đọc kinh Kính Mừng, mà phần đầu trích dẫn những lời của Thiên Thần, là những lời nói với Đức Trinh Nữ.  Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện:

Kính mừng Maria, đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà.  Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ.  Và Giêsu Con long Bà đầy phúc lạ.



Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội. Khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”

Và giờ đây là một khía cạnh thứ hai: Vào ngày 25 tháng ba, Đại Lễ Truyền Tin, nhiều quốc gia mừng Ngày Phò Sự Sống.  Vào ngày này, hai mươi năm trước đây, Thánh Gioan Phaolô II đã ký thông điệp Evangelium vitae.  Để kỷ niệm ngày ấy nhiều thành viên của các Phong trào Phò Sự Sống đang có mặt ở Quảng Trường hôm nay.  Trong Evangelium Vitae, gia đình chiếm một vị trí trung tâm, vì nó là cung lòng của sự sống con người.  Lời của Vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi nhắc nhở chúng ta rằng cặp vợ chồng con người đã được Thiên Chúa chúc phúc ngay từ thủa ban đầu để tạo thành một cộng đồng tình yêu và sự sống, họ được trao cho sứ vụ sinh sản.  Khi Cử Hành Bí Tích Hôn Phối, các cặp vợ chồng Kitô hữu tự nguyện sẵn sàng tôn trọng phúc lành này suốt đời họ, cùng với ân sủng của Đức Kitô.  Về phần mình, Hội Thánh long trọng cam kết chăm sóc cho gia đình, được sinh ra như một món quà của Thiên Chúa cho đời sống của mình, lúc thuận tiện cũng như lúc gian nan: mối dây liên kết giữa Hội Thánh và gia đình là mối dây thiêng liêng và bất khả xâm phạm.  Hội Thánh, là một người mẹ, không bao giờ từ bỏ gia đình, ngay cả khi nó bị hạ thấp, bị tổn thương và bị làm nhục bằng nhiều cách.  Ngay cả khi nó sa ngã phạm tội, hoặc tự ý tách rời Hội Thánh; Hội Thánh sẽ luôn luôn làm bất cứ điều gì để cố gắng chăm sóc và chữa lành nó, để mời gọi nó hoán cải và hoà giải nó với Chúa.

Phải, nếu đây là nhiệm vụ của Hội Thánh, thì rõ ràng là Hội Thánh cần rất nhiều lời cầu nguyện, Hội Thánh cần phải luôn luôn có khả năng để chu toàn sứ vụ này!  Một lời cầu nguyện đầy yêu thương cho gia đình và sự sống.  Một lời cầu nguyện để biết vui với người vui và đau khổ với người đau khổ.

Vậy đây là những gì tôi cùng với các cộng sự viên của tôi, chúng tôi đã nghĩ và đề ra hôm nay: tái cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình.  Chúng ta cam kết điều này cho đến tháng Mười tới, khi xảy ra Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Kỳ dành riêng cho gia đình.  Tôi mong rằng lời cầu nguyện này, cũng như toàn thể tiến trình Thượng Hội Đồng, được sinh động hoá bởi tình thương của Chúa Chiên Lành dành cho đàn chiên của Người, đặc biệt là cho những người và những gia đình, vì nhiều lý do khác nhau, đang “mệt mỏi và bất lực, như đàn chiên không người chăn” (Mt 9: 36).  Vì vậy, được ân sủng của Thiên Chúa duy trì và sinh động hoá, Hội Thánh sẽ còn dấn thân nhiều hơn nữa và hợp nhất hơn nữa, trong việc làm chứng cho chân lý của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho các gia đình trên thế giới, không trừ gia đình nào, cả trong và ngoài ràn chiên.

Tôi xin anh chị em vui lòng đừng tiếc lời cầu nguyện của anh chị em.  Tất cả mọi người – từ Giáo Hoàng, Hồng Y, Giám Mục, linh mục, tu sĩ đến giáo dân - chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục.  Có điều này rất cần là đừng bàn ra tán vào!  Tôi mời anh chị em cầu nguyện, ngay cả những người đang cảm thấy xa cách, hoặc không còn có thói quen cầu nguyện.  Lời cầu nguyện này cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình là điều tốt đẹp cho tất cả mọi người.  Tôi biết rằng sáng nay người ta đã phát cho anh chị em một tờ kinh nhỏ, và anh chị em đang cầm nó trên tay.  Tôi mời gọi anh chị em giữ nó và mang nó theo mình, để anh chị em có thể đọc nó thường xuyên trong những tháng tới với lòng kiên quyết thánh , như Chúa Giêsu đã yêu cầu chúng ta.  Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện:

Giêsu, Maria, Giuse,
Trong các Ngài chúng con chiêm ngắm
Vẻ huy hoàng của tình yêu đích thực,
và chúng con tin tưởng hướng về các Ngài.


Lạy Thánh Gia Nadareth,
Xin biến gia đình chúng con
thành những nơi hiệp thông và những nhà tiệc ly cầu nguyện,
thành những trường học chân chính của Tin Mừng
và những Hội Thánh tại gia bé nhỏ.


Lạy Thánh Gia Nagiareth,
Xin cho các gia đình không bao giờ phải trải nghiệm
bạo lực, cô lập và phân chia;
Xin cho những ai bị tổn thương hoặc bị xúc phạm
sớm cảm nghiệm được sự an ủi và chữa lành.

Lạy Thánh Gia Nagiareth,


Xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới
khơi lại trong tất cả mọi người một ý thức
về căn tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình,
cùng vẻ đẹp của nó trong kế hoạch của Thiên Chúa.


Amen.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ  

http://giaoly.org/vn/ 


tải về 0.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương